Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Bí Tích Thánh Thể, Nguồn Sinh Lực Loan Báo Tin Mừng - Tháng 02 năm 2004

Chủ đề: BÍ TÍCH THÁNH THỂ,
NGUỒN SINH LỰC LOAN BÁO TIN MỪNG

I. ĐỌC THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA

Nhờ kết hiệp với Đức Kitô, dân của giao ước mới, thay vì khép kín, đã trở thành một "bí tích" cho nhân loại, một dấu chỉ và khí cụ mang lại ơn cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện, ánh sáng cho thế giới và muối cho trần gian (x. Mt 5, 13-16), nhằm cứu chuộc mọi người. Sứ vụ của Hội Thánh tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô : "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20, 21). Nhờ sự lưu truyền mãi hy tế Thánh gia và nhờ sự hiệp thông của Hội Thánh với Mình và Máu Đức Kitô trong Thánh Thể, Hội Thánh nhận được sức mạnh thiêng liêng cần thiết để tiếp tục sứ vụ của mình. Vì thế, Thánh Thể xuất hiện như là nguồn mạch và chóp đỉnh của mọi công cuộc phúc âm hoá, bởi vì mục tiêu của phúc âm hoá là hiệp nhất nhân lạoi với Đức Kitô và trong Người mà hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (BTTT sô 22).

II. DẪN NHẬP

Thông điệp thứ 14 của Đức Gioan Phaolô II có mục đích cống hiến một suy tư đào sâu hơn về mầu nhiệm Thánh Thể trong mối tương quan với Hội Thánh. Văn kiện tương đối ngắn nhưng có ý nghĩa về phương diện thần học, kỷ luật và mục vụ. Văn kiện đã được ký vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, trong Thánh lễ Tiệc Ly, giữa khung cảnh phụng vụ khởi đầu Tam nhật Vượt qua.

Hy tế Tạ ơn, "nguồn gốc và tuyệt đỉnh của đời sống Kitô hữu", chứa đựng toàn thể kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh: Đức Giêsu Kitô, Đấng hiến mình cho Chúa Cha để cứu chuộc thế giới. Khi cử hành "mầu nhiệm đức tin này", Hội Thánh làm cho Tam nhật Vượt qua trở nên "đồng thời" với những người nam nữ của mọi thời đại.

Chương thứ nhất, "Mầu nhiệm đức tin ", giải thích bản chất hy tế của Thánh Thể: qua thừa tác vụ của linh mục, trong mỗi Thánh lễ, Thánh Thể làm cho Thân mình "bị trao nộp" và Máu "đổ ra" bởi Đức Kitô để cứu độ thế giới nên hiện diện cách bí tích. Việc cử hành Thánh lễ không phải là một sự lập lại lễ Vượt qua của Đức Kitô, hay là việc nhân lễ ấy lên nhiều lần trong những thời gian và nơi chốn khác nhau; nhưng đó là hy tế duy nhất trên Thánh Giá, được tái diễn cho đến tận thế.

Theo những lời của Thánh Inhaxiô thành Antiokia, đó là "linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết". Như là một bảo chứng của Vương quốc tương lai, Thánh Thể cũng nhắc nhở người tín hữu về trách nhiệm của họ ở trần gian này, nơi đó những người yếu đau, hèn kém nhất và nghèo khổ nhất đang chờ đợi sự giúp đỡ từ những người, qua tình liên đới, có khả năng trao ban cho họ lý do của niềm hy vọng.

"Thánh Thể xây dựng Hội Thánh " đó là chủ đề chương hai. Khi người tín hữu đến gần bàn tiệc thánh, họ không những nhận lãnh Chúa Kitô, nhưng họ còn được Người đón nhận. Bánh và Rượu đã truyền phép là sức mạnh sinh ra sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Hội Thánh được kết hiệp với Chúa của mình, là Đấng, ẩn dấu dưới những hình Thánh Thể, đang ở trong Hội Thánh và xây dựng Hội Thánh. Hội Thánh tôn thờ Người không những trong Thánh Lễ, nhưng còn trong mọi thời khắc khác, gìn giữ như "kho tàng" quí báu nhất của mình.

Chương thứ ba là một suy tư về "Đặc tính tông truyền của Thánh Thể và của Hội Thánh ". Cũng như thực tại toàn vẹn của Hội Thánh sẽ không hiện hữu nếu không có sự kế tục tông đồ, cũng vậy, không có Thánh Thể thật sự nếu không có Giám mục. Linh mục, khi cử hành Thánh lễ, hành động trong tư cách của Đức Kitô là Đầu; ngài không phải phải là chủ nhân của Thánh Thể, nhưng là tôi tớ của Thánh Thể, vì lợi ích của cộng đoàn những người được cứu chuộc. Do đó cộng đoàn Kitô hữu không "sở hữu" Thánh Thể, nhưng lãnh nhận Thánh Thể như một ân huệ.

Những suy tư này được khai triển trong chương bốn: "Thánh Thể và sự Hiệp thông của Hội Thánh ". Hội Thánh, trong tư cách là thừa tác viên của Mình và Máu Chúa Kitô vì phần rỗi thế gian, tuân theo tất cả những gì chính Chúa Kitô thiết lập. Khi trung thành với giáo huấn của các Tông đồ, hiệp nhất trong kỷ luật các bí tích, Hội Thánh cũng phải chứng tỏ cách hữu hình sự hiệp nhất vô hình của mình. Thánh Thể không thể được "xử dụng" như một phương tiện để hiệp thông, đúng hơn Thánh Thể giả định sự hiệp thông đã hiện hữu và củng cố sự hiệp thông đó. Chính trong viễn cảnh này mà ta phải cân nhắc con đường đại kết đang chờ đợi mọi môn đệ của Chúa: Thánh Thể tạo nên sự hiệp thông và xây dựng sự hiệp thông, khi được cử hành trong chân lý. Thánh Thể không thể bị phụ thuộc vào ý muốn tùy tiện của cá nhân hay những cộng đoàn riêng biệt.

"Phẩm giá của việc cử hành Thánh Thể " là chủ đề của chương thứ năm. Việc cử hành "Thánh lễ" mang những dấu bên ngoài nhằm làm nổi bật niềm vui đã quy tụ các tín hữu chung quanh quà tặng vô giá là Bí tích Thánh Thể. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương và nói chung, tất cả mọi hình thức nghệ thuật chứng tỏ rằng, qua bao thế kỷ, Hội Thánh không sợ đi quá trớn trong việc chứng tỏ tình yêu đang nối kết mình với Đức Phu Quân thần linh. Cũng cần tái khám phá cảm thức về cái đẹp trong những buổi cử hành ngày hôm nay.

Chương thứ sáu, "Tại trường học của Đức Maria, người Phụ nữ của Thánh Thể ", là một suy tư hợp thời và độc đáo về sự tương hợp lạ lùng giữa Mẹ Thiên Chúa, khi mang thân thể Chúa Giêsu trong lòng mình đã trở nên "nhà tạm" đầu tiên, và Hội Thánh giữ gìn trong lòng mình và trao ban cho thế gian Mình và Máu Đức Kitô. Thánh Thể được ban cho các tín hữu để đời sống của họ trở nên lời kinh Magnificat liên tục dâng lên Ba Ngôi Chí Thánh.

Phần kết luận thúc đẩy dấn thân: những người muốn theo đuổi con đường thánh thiện không cần những "chương trình" mới. Chương trình đã có sẵn: Đó là chính Đức Kitô mà ta cần nhận biết, yêu mến, bắt chước và loan báo. Việc thực hiện tiến trình ấy đi ngang qua Thánh Thể. Điều đó được thấy rõ trong chứng từ của các Thánh, vào bất cứ giây phút nào của cuộc sống, các ngài giải khát tại nguồn suối vô tận của mầu nhiệm này, và tìm thấy từ đó sức mạnh thiêng liêng cần thiết để chu toàn trọn vẹn ơn gọi của phép Thánh tẩy. (bản tóm lược do Cơ Quan Báo Chí Vatican phát hành)

III. CÂU CHUYỆN MINH HỌA

MẸ TÊRÊSA ĐỐI VỚI TÔI

Ngày 5 tháng 9 năm 1997, một vĩ nhân đã ra đi. Vâng, Mẹ Têrêsa thành Calcutta đúng là vĩ nhân của thế kỷ XX nếu ta nhớ lại rằng. Mẹ đã nhận được Giải Nobel Hoà Bình 1979, và ngày qua đời, Mẹ đuợc một vinh dự mà chưa một vĩ nhân nào có được ba nước trên thế giới chịu quốc tang, đó là Ấn Độ, An Ba Ni và Hoa Kỳ.

Mẹ có dịp qua Việt Nam hai lần, năm 1994 và năm 1995, và hai lần đó, tôi được may mắn tiếp kiến mỗi lần gần một giờ lạ lùng thay hình ảnh Mẹ để lại trong tôi không có gì là của một người khiêm nhường đến độ quên đi bản thân mình. Tôi không còn nhớ Mẹ đã nói gì với tôi, nhưng Mẹ để lại hai hình ảnh vẫn còn theo tôi cho đến ngày hôm nay.

Điểm đầu tiên gây ấn tượng là cảm thức về Thiên Chúa nơi Mẹ. Khi đến Việt Nam, Mẹ tạm trú trên lầu 3, tại 38 Tú Xương. Người ta dành một phòng cho Mẹ và một phòng cho ba nữ tu theo Mẹ ( trong số đó có vị Bề Trên tổng quyền hiện nay là Sr. Nirmala Joshi ) Thế nhưng Mẹ đã biến phòng của mình thành nhà nguyện với sự hiện diện của Mình Thánh Chúa, rồi cùng chia sẻ với ba chị em phòng còn lại. Mẹ đã hẹn anh chị Soi và tôi đến gặp Mẹ lúc 11 giờ trưa. Đúng hẹn, chúng tôi lên lầu 3. Vì không có chỗ tiếp khách, Sr. Nirmala mời chúng tôi ngồi ở hành lang và mẹ ra tiếp chúng tôi tại đấy. Sau nụ cười chào đáp, Mẹ chỉ ngay vào nhà nguyện và bảo : "Chúa kia", với một thái độ tự nhiên giống như một bà mẹ bảo con mình chào ông ngoại khi đi đâu về. Mẹ vào quì trước Thánh Thể với chúng tôi một vài phút trước khi bắt đầu câu chuyện. Và cuối buổi nói chuyện, Mẹ cũng chỉ vào nhà nguyện bảo chúng tôi chào Chúa trước khi ra về. Thái độ Mẹ đơn sơ như thể Chúa luôn có mặt bằng xương bằng thịt ở bên Mẹ. Cái cảm thức về Chúa nơi Mẹ rõ nét đến độ tôi có cảm giác rằng nó hùng biện hơn bắt cứ bài giảng nào của bất cứ ai nói về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

Điểm thứ hai gây ấn tượng là cách nói chuyện của Mẹ. Không nói chuyện với ba người, mà nói với từng người một. Mẹ cúi mình xuống và nhìn lên với cái nhìn thật trân trọng, cứ như là Mẹ muốn tiếp thu một bài học nào đó từ người đối thoại mà quên mất mình là ai. Nói chuyện với Mẹ mà trong đầu tôi cứ lờn vờn hình ảnh của Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho môn đệ mình. Qua thái độ lắng nghe và ánh mắt, Mẹ đã cho người đối thoại thấy rằng mình vô cùng giá trị. Có những cái nhìn đè bẹp người đối thoại và làm cho họ trở nên nhỏ nhen, có những cái nhìn làm cho người đối diện lớn lên và tự hào về giá trị của mình. Mẹ Têrêsa là người có cái nhìn thứ hai đó.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta ! Một danh xưng đem tự hào về cho Giáo Hội, cho các quốc gia của Mẹ, cho toàn thể nhân loại. Thế nhưng qua hai lần gặp gỡ, tôi không bị choáng ngộp vì một vĩ nhân, mà chỉ đọc được nơi Mẹ một Kitô hữu điển hình : một người "đã hoá mình ra không" trước mặt Thiên Chúa và trước mật anh chị em nhân loại, dù cho người ấy có thấp hèn đến đâu.

(Trích VietCatholicNews - 18/10/2003 - Trần Duy Nhiên)

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

MỤC TIÊU CỦA LOAN BÁO TIN MỪNG
LÀ HIỆP NHẤT NHÂN LOẠI VỚI ĐỨC KITÔ.

"Sứ vụ của Hội Thánh tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô : "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20, 21). Nhờ sự lưu truyền mãi hy tế Thánh gia và nhờ sự hiệp thông của Hội Thánh với Mình và Máu Đức Kitô trong Thánh Thể, Hội Thánh nhận được sức mạnh thiêng liêng cần thiết để tiếp tục sứ vụ của mình. Vì thế, Thánh Thể xuất hiện như là nguồn mạch và chóp đỉnh của mọi công cuộc phúc âm hoá, bởi vì mục tiêu của phúc âm hoá là hiệp nhất nhân lạoi với Đức Kitô và trong Người mà hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần" (Tđ. BTTT số 22).

Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, có một thời điểm được coi là bước chuyển tiếp giữa Đức Kitô sống trong thân xác và Đức Kitô sống cách mầu nhiệm trong thời gian. Thời điểm chủ chốt này là Bữa ăn cuối cùng của Ngài. Chắc chắn đây là lúc tột đỉnh mà Chúa đã chờ đợi và hằng mong muốn (Lc 22,15), là Giờ cuối cùng và quyết định trong cuộc đời trần thế của Ngài.

Bữa ăn này cũng có tầm quan trong tương tự trong đời sống Giáo Hội. Nó là dấu ấn tình yêu của Đức Kitô và là nguồn sống của Giáo Hội. Trong Bữa ăn này, khi lập phép Thánh Thể, Đức Giêsu thiết lập Giáo Hội. Không phải tình cờ mà Ngài chọn bữa tiệc vượt qua làm khung cảnh để ban tặng hồng ân. Ngài muốn cho thấy rõ ý định của Ngài là thay thế việc tưởng niệm vượt qua của Giao ước cũ bằng việc tưởng niệm Giao ước mới trong máu Ngài.

Thêm vào đó, những lời trích dẫn Cựu ước trong trình thuật về việc lập phép Thánh Thể đều có liên hệ với ý tưởng giao ước. Việc gợi lại máu Giao ước, đề tài về Giao ước mới, và nhiều lời trích dẫn những bài ca về người Tôi Tớ đau khổ, tất cả tương hợp với nhau để trình bày Thánh Thể như là việc tưởng niệm Giao ước của dân mới. Vì vậy, nơi Giáo Hội được Chúa thiết lập trong Bữa ăn này, người ta có thể thấy lại những yếu tố và bổn phận nền tảng mà Chúa uỷ thác cho Giáo Hội.

Là tột đỉnh của cuộc đời Chúa, là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, Bữa ăn cuối cùng được coi là biến cố chứa đựng mối tương quan cô đọng và sâu sắc giữa Đức Kitô và dân Ngài. Do đó, liên hệ giữa Đức Kitô và Giáo Hội trong việc Phúc âm hoá cũng được thể hiện trong bữa tiệc vượt qua mới, theo một cách thức sao cho bảo đảm sự trung thành với lời Chúa, và đem lại kết quả phong phú cho lịch sử nhân loại.

1. Phúc âm hoá có nghĩa là cử hành trong lịch sử việc tưởng niệm Chúa, trong quyền năng của Thần Khí.

Sứ mệnh mà Chúa trao cho Giáo Hội được thâu tóm trong lời Chúa nói khi ăn bữa cuối cùng: "Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy". Qua lời này, được ghi rõ trong các bản văn Lc 22,19 và 1Cr 2,24-5, Đức Giêsu truyền cho các môn đệ cử hành trong lịch sử việc tưởng niệm cuộc Vượt qua của Ngài.

Matthêu và Matcô viết cho những kitô hữu gốc do thái, nên không thấy cần ghi rõ lời ấy, vì đối với người Do thái, ý tưởng về tưởng niệm liên kết tức khắc với ý tưởng về cử hành lễ Vượt qua.

Nhưng dù hai tác giả này không nói, ta vẫn thấy có sự tương ứng cơ bản giữa các bản văn về việc lập phép Thánh Thể. Các bản văn này đều cho thấy một biến cố, mà Giáo Hội phải cử hành việc tưởng niệm, trong những gì Chúa đã làm trong Bữa ăn cuối cùng. Và bởi vì trong Bữa ăn này, lịch sử Đức Kitô đạt tới tột đỉnh và những gì chính yếu làm nên Giáo Hội đều đã được xếp đặt, nên tất cả sứ mệnh của cộng đồng kitô giáo được xác định trong bổn phận phải tưởng nhớ đến Thánh Thể. Giáo Hội phải cử hành việc tưởng niệm Chúa của mình. Lệnh truyền mà Chúa đã ban cho Giáo Hội, cơ bản hệ tại chỗ đó.

Tưởng niệm theo Kinh thánh không phải là kỷ niệm đơn thuần về một biến cố đã qua, theo tây phương quen hiểu, tức là một huyển động của hiện tại hướng về quá khứ. Những từ hipri zikkaron, azkarah, mà hy lạp dịch là anamnesis, mnemosunon, nói lên một chuyển động ngược lại, trong đó, một biến cố đã qua được hiện tại hoá, nhờ một hành động đầy quyền năng của Thiên Chúa, để sinh hoa trái trong hiện tại. Quá khứ trở nên đồng thời với cộng đồng cử hành. Hành động đầy quyền năng này là của Chúa Thánh Thần, Đấng thực hiện trong lịch sử cuộc Vượt qua của Đức Kitô.

Bằng cách này, việc tưởng niệm được coi như một biến cố thực hện sứ mệnh phúc âm hoá của Giáo Hội. Khi cử hành việc tưởng niệm Chúa, Giáo Hội tỏ ra sẵn sàng đáp ứng hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng hiện tại hoá biến cố cứu độ trong những thời gian và không gian khác nhau.

Vậy nếu phúc âm hoá là vâng lệnh Chúa truyền: "Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy", và nếu người cử hành việc tưởng niệm và đối tượng của việc tưởng niệm là chính Đức Kitô trong Thần Khí của Ngài, thì việc phúc âm hoá có đặc tính Kitô Học và Thánh Thần Học điển hình. Chính Thần Khí Đức Kitô rao giảng Tin mừng, vì Người làm cho Đức Kitô của Phúc âm hiện diện ở đây và lúc này.

Thần Khí ấy, Giáo Hội phải không ngừng kêu cầu như là Đấng thực hiện việc tưởng niệm Chúa. Đó là điều kiện để Tin mừng được rao giảng không phải là lời trống rỗng, phát xuất từ xác thịt, nhưng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin (x.Rm 1,16). Thần Khí được Giáo Hội kêu cầu sẽ làm cho Đức Kitô hiện diện. Và Đức Kitô hiện diện ở đâu, thì làm cho Thần Khí lan toả ở đó (x.Ga 20,22).

2. Phúc âm hoá có nghĩa là sống hiệp thông với Đức Kitô và với Giáo Hội

Thái độ sẵn sàng cho Thần Khí, cần có khi cử hành việc tưởng niệm, phải biểu lộ trong những cử chỉ cụ thể, trong thái độ lặp lại thái độ của chính Đức Kitô khi Ngài cử hành cuộc Vượt qua của Ngài. Nói khác đi, để Thần Khí có thể làm cho Đức Kitô hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội, điều cần thiết là cộng đồng tín hữu phải sẵn sàng cho cử hành việc tưởng niệm bằng cách sống lại những cử chỉ và lựa chọn của Chúa trong Bữa ăn cuối cùng.

Đức Giêsu đã làm gì khi lập phép Thánh Thể ? Tiên vàn Ngài dùng bữa với các môn đệ. Sự kiện này tạo nên mối dây huynh đệ sâu sắc giữa Ngài và các người đồng bàn. Nơi Israel , hiệp thông tại bàn ăn là hiệp thông sự sống. Một bữa ăn chung, nhất là trong một hoàn cảnh đặc biệt và long trọng, liên kết các người đồng bàn trong một cộng đồng thiêng thánh, đến nỗi làm ô uế sự hiệp thông này là một trong những lỗi nặng nhất.. Đặc biệt, việc bẻ bánh, trao một mẩu bánh cho mỗi người, cũng như uống chun một chén rượu, là một dấu chỉ liên đới sâu sắc trong một vận mệnh chung.

Đức Giêsu minh nhiên liên kết việc lập phép Thánh Thể với bữa tiệc huynh đệ. Để làm dấu chỉ tự hiến, Ngài chọn thứ bánh và chén của tình huynh đệ.

Thế nên cử hành việc tưởng niệm Chúa đòi các người dự tiệc phải hiệp thông với Đức Kitô và với nhau, đồng thời cũng đặt nền tảng cho sự hiệp thông này. Không có sự hiệp thông này, việc tưởng niệm không được thực hiện trong đời sống, và do đó, người ta không rao giảng Tin mừg. Giáo Hội có làm chứng về một vận mệnh chung và một sự liên đới hữu hiệu giữa mọi phần tử thì mới trở thành nơi cho Chúa Thánh Thần ùa vào, để làm cho Phúc âm của Chúa hiện diện trong thời gian.

Sự hiệp thông này luôn có một chiều kích công giáo và một chiều kích địa phương. Vì việc tưởng niệm làm cho Mầu nhiệm Vượt qua hiện diện trong một không gian và một thời gian nhất định, nên để cử hành việc tưởng niệm này, phải trung thành với "nơi và lúc" cụ thể này. Chính như thế mà, một cách tương tự, vệc Nhập thể được kéo dài trong lịch sử nhân loại, nơi những ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Và cũng chỉ có một Đức Kitô Tử nạn và Phục sinh hiện diện trong Thần Khí ở những thời gian và địa điểm khác nhau. Điều này đòi mọi hoạt động phúc âm hoá phải có tính công giáo, nghĩa là phải nói lên tất cả mầu nhiệm kitô giáo, và phải mở rộng cho sự hiệp thông của tất cả Giáo Hội.

Hai khía cạnh trên đáp ứng với hai nghĩa của từ "công giáo": việc phúc âm hoá phải làm cho tất cả Đức Kitô hiện diện (kath"olou = đầy đủ), được thực hiện cho tất cả con người, cho mọi người, tới tận cùng trái đất (katholicos = phổ quát). Người ta chỉ có thể rao giảng Tin mừng trong sự hiệp thông với cả Giáo Hội, bằng cách loan báo tất cả Tin mừng cho con người "toàn diện" và, ít ra trong ý hướng, cho mỗi người.

3. Phúc âm hoá có nghĩa là dự phần vào số phận của người Tôi Tớ đau khổ

Sự hiệp thông do việc tưởng niệm tạo ra giữa Đức Kitô và các người dự tiệc đòi hỏi những người này phải chia sẻ số phận của Ngài.

Nhữngđiều trong Cựu ước, được các trình thuật về việc lập phép Thánh Thể nhắc lại, đều cho thấy đây là số phận của người Tôi Tớ. Quả thực, những bài ca về người Tôi Tớ đau khổ của Giavê hé mở cho ta thấy sự ký kết một giao ước (x.Is 42,6; 49,8) mới (42,9) sẽ được thực hiện nơi người Tôi Tớ (42,6; 49,8). Khi gợi lại hình ảnh hy tế của con chiên (x.53,7), những bài ca ấy nói đến việc xá tội, nhờ một con người vô tội hiến thân làm lễ vật đền tội (53,10-12) cho nhiều người (Mt 26,28; Mc 14,24 : để cho muôn người đuợc tha tội).

Như vậy, hiển nhiên là khuôn mặt của người Tôi Tớ trong Cựu ước có ảnh hưởng trên khung cảnh của Bữa ăn cuối cùng. Tuy thế, chính Luca và Gioan mới xác nhận rõ hơn ảnh hưởng ấy. Luca thì nói đến sự phục vụ của kẻ làm đầu (Lc 22,24-27). Còn Gioan đã ghi lại cảnh Chúa rửa chân cho các môn đệ, thay thế cho trình thuật về việc lập phép Thánh Thể, vì tác giả thấy việc rửa chân diễn tả cách hoàn hảo ý nghĩa thâm sâu của việc lập phép Thánh Thể.

Liên hệ giữa người Tôi Tớ của Giavê và Bữa ăn không phải là tình cớ, nhưng nằm trong chính ý nghĩa của Bữa Tiệc Thánh Thể. Do tình liên đới huynh đệ của những người cùng dự tiệc, cộng đồng thánh thể phải hiệp thông với số phận của người Tôi Tớ, bằng cách trở nên cộng đồng phục vụ. Khi ăn uống thịt máu Chúa, và được đầy sức mạnh mà Thánh Thể ban cho, cộng đồng phải trở thành một thân thể giáo hội, một thân thể hiến dâng cho nhiều người. Trong việc tưởng niệm vượt qua, Giáo Hội là một dân tôi tớ, một cộng đồng phục vụ.

Những điều trên đây đem lại nhiều hệ quả quan trọng cho sứ mệnh phúc âm hoá của Giáo Hội. Việc phúc âm hoá, cũng như cử hành việc tưởng niệm Chúa trong đời sống, là một sự phục vụ, và do đó cần có những con người là "tôi tớ".

Ở đây, thiết tưởng cần phải làm nổi bật những thừa tác vụ và đặc sủng khác nhau trong Giáo Hội, đồng thời phải nhìn thừa tác vụ có chức thánh trong lòng một Giáo Hội hoàn toàn thừa tác, tức là một Giáo Hội phục vụ. Trong Giáo Hội này, bất cứ ai đã được chịu phép rửa tội cũng đều dự phần vào số phậncủa người Tôi Tớ, đều phải là những con người phục vụ. Do đó, trong việc phúc âm hoá, họ cũng là những con người đồng trách nhiệm.

Sự liên đới với người Tôi Tớ đau khổ còn làm sáng tỏ một khía cạnh khác của bổn phận phúc âm hoá. Khía cạnh đó là truyền giáo dưới bóng Thánh giá. Nói khác đi, nếu trong việc tưởng niệm, Đức Giêsu dâng mình làm hy tế như một Đấng đau khổ vì yêu, thì Giáo Hội hiểu rằng mình phải dự phần vào mầu nhiệm đau khổ khi cử hành việc tưởng niệm Chúa mình. Phúc âm hoá không phải là công trình của tâm trạng đắc thắng, hoặc chinh phục kiểu thực dân. Nơi nào dân Chúa biết mang vào thân mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô (x.Cl 1,24), nơi đó Phúc âm của Chúa sẽ chiếu toả. Một khi các kitô hữu biết cử hành việc tưởng niệm thập giá trong đời sống, tức là chấp nhận đau khổ, thiếu thốn, bị bách hại " mà vẫn trung thành trong tình yêu, họ sẽ làm cho Phúc âm về sự đau khổ của Thiên Chúa được sống động và hiện diện.

Phúc âm đó là Phúc âm của Tình yêu Thiên Chúa và của ơn cứu độ chúng ta.

4. Phúc âm hoá có nghĩa là cho thấy trước Bửa Tiệc của Nước Thiên Chúa

Trong Bữa ăn cuối cùng, Đức Giêsu cho thấy ý hướng cánh chung trong việc tưởng niệm Ngài. Ngài nói Ngài "không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho cho đến ngày ấy, ngày được cùng các môn đệ uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Ngài (x.Mt 26,29; Mc 14,25), nghĩa là cho tới khi Nước Thiên Chúa đến (x.Lc 22,18). Khi ăn bánh và uống chén Thánh Thể,các tín hữu loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa lại đến (x.1Cr 11,26).

Vậy Bữa Tiệc Vượt Qua mới phản ánh một bữa tiệc khác, bữa tiệc vĩnh cửu của Nước Thiên Chúa. Bữa tiệc vượt qua chỉ cho thấy trước và hứa hẹn bữa tiệc ấy, đồng thời làm cho lịch sử thế giới hướng về bữa tiệc ấy. Như vậy, Bữa Tiệc Thánh Thể là bữa tiệc của hy vọng, hướng tới tương lai mà Thiên Chúa đã hứa.

Do đó, Giáo Hội có hai bổn phận phải làm khi rao giảng Tin mừng:

Trước hết, Giáo Hội luôn phải loan báo Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất. Bởi vậy, Giáo Hội phải là sức mạnh làm đảo lộn hiện tại, và lương tâm phê phán lịch sử. Vì muốn làm cho mỗi tình huống hiện tại có chiều kích cánh chung, nên khi rao giảng Tin mừng, Giáo Hội phải hướng tình huống ấy tới tương lai, và không thể không tố giác những gì ngăn cản hoạt động đổi mới của Thần Khí.

Thứ đến, vì cử hành việc tưởng niệm trong đời sống là một cử hành hướng tới ngày Nước Thiên Chúa hoàn tất, Giáo Hội phải không ngừng công bố điều kiện tạm bợ của mình, ý thức mình là Nước Thiên Chúa chưa hoàn thành, đang sống trong thời gian xen kẽ giữa những gì đã hoàn tất trong cuộc Vượt qua của Đức Kitô và những gì còn phải được hoàn tất vào ngày Quang lâm của Ngài.

Thế nên cộng đồng tín hữu có bổn phận phải thường xuyên thanh tẩy, trung thành với điều đã hoàn tất và luôn hướng về tương lai, không ngừng vươn tới chân lý viên mãn của Thiên Chúa, cho tới khi lời Chúa được hoàn tất nơi Giáo Hội (x.MK 8).

Khi loan báo Tin mừng, Giáo Hội không loan báo mình. Khi cử hành việc tưởng niệm cuộc Vượt qua mới, Giáo Hội chỉ ra cùng đích tương lai, phê phán hiện tại và đem hy vọng đến cho nhân loại. Để làm điều này, Giáo Hội phải để cho Thần Khí thanh tẩy mình, luôn sống nghèo khó nhưng lòng tràn đầy hy vọng. Chính việc phúc âm hoá nhắc cho Giáo Hội những thái độ và cách sống ấy.

Kết luận

Bằng một cách thức cô đọng và sống động, Bữa ăn cuối cùng của Chúa cho ta thấy tiến trình từ lời của người Tôi Tớ đến những tôi tớ của lời, từ Đức Kitô rao giảng Tin mừng đến Giáo Hội rao giảng Tin mừng.

Trong Thánh Thể, phúc âm hoá là cử hànhviệc tưởng niệm Chúa. Điều này đòi hỏi sự hiện diện và công trình của Thần Khí, sự hiệp thông với Đức Kitô trong sự hiệp thông giáo hội, sự dự phần vào số phận của người Tôi Tớ đau khổ, sự thực hiện trước tương lai được Thiên Chúa hứa.

Như vậy, việc phúc âm hoá có những chiều kích kitô học, thánh thần học, giáo hội, phục vụ và cánh chung. Nói khác đi, loan báo Tin mừng cho tới tận cùng trái đất có nghĩa là, dựa vào ánh sáng của Thánh Thể, giới thiệu Đức Kitô trong những nơi và lúc khác nhau, trong uyền năng của Thần Khí, trong sự hiệp thông giáo hội, phục vụ thế giới dưới dấu chỉ Thánh giá, chuẩn bị cho vinh quang của Nước Chúa, vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa.

(Trích Lm. Micae Trần Đình Quảng, lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur, éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr.193-202)

SỐNG VỚI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

"Việc cử hành Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của các việc làm bác ái và tương trợ khác nhau, của hoạt động truyền giáo và của những hình thức chứng tá Kitô giáo khác, khiến thế giới hiểu được ơn gọi của Giáo Hội là do ý định của Thiên Chúa." (Bài Giáo lý 42 của ĐGH Gioan-Phaolô II (Thứ Tư ngày 2-12-1998 )

Đối với Thiên Chúa, hiến lễ duy nhất của Chúa Kitô trên đời Canvê đi vào cõi đời đời. Tuy nhiên, trong lịch sử, hiến lễ đó vẫn được tái diễn trong thánh lễ. Hiến lễ này và hiến lễ trên đồi Canvê chỉ là một. Theo tư tưởng Do Thái giáo, khi người ta ăn thịt chiên được hiến tế tức là được hưởng những hiệu quả của hy lễ đó. Khi ăn Mình Máu Chúa Kitô, chúng ta được hưởng nhờ ơn cứu chuộc là hiệu quả cuộc tử nạn của Chúa đã phán, "Thật vậy, thật vậy, Ta bảo các ngươi: Hễ các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người thì các ngươi chẳng được sống! Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời và ngày sau hết Ta sẽ khiến kẻ ấy sống lại" (Gn 6:25 -54). Khi cử hành thánh lễ, chúng ta tưởng nhớ và thực tại hóa hiến lễ của Chúa Kitô trên đồi Canvê. Thánh lễ là bữa tiệc Thánh Thể hướng lòng chúng ta về bữa tiệc Thiên Quốc.

Chúa Kitô truyền cho chúng ta hãy làm "việc này" mà nhớ đến Ngài. "Việc này" không phải chỉ là cử chỉ truyền phép của linh mục, nhưng bao gồm cả tác động hy sinh chết trên thánh giá cho nhân loại, và trở nên của ăn, của uống nuôi sống con người.

Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến cực độ như thế, và Ngài kêu mời chúng ta hãy yêu thương tha nhân theo như mẫu mực đó. Vì yêu thương, Chúa Kitô đã phục vụ nhân loại trong công cuộc cứu chuộc và bí tích Thánh Thể. Ngài kêu gọi chúng ta cũng phục vụ nhau như vậy, tức là phục vụ đến hy sinh bản thân. Chỉ khi nào sống trọn ý nghĩa đời phục vụ, chúng ta mới chu toàn lời truyền của Chúa: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta" (I Cor 11:24 ).

"Ngày hôm nay, chúng ta họp nhau quanh bàn thờ này vì chúng ta tin rằng trong cuộc hành trình của đời chúng ta, Chúa Giêsu nuôi chúng ta bằng Mình và Máu Ngài: "Thầy là bánh sự sống; ai đến với Thấy sẽ không còn đói nữa và ai tin nơi Thầy sẽ không phải khát nữa" (Ga 6,33.35).

"Trên thế giới, có hai thứ đói: đói thể xác và đói tinh thần. Chúng ta đều phải thỏa mãn cả hai thứ đói ấy. Nhưng nhất là thứ đói tinh thần đòi hỏi nhiều hơn cả. Ngỏ lời với một nhà thừa sai đã phân phát cho một làng bị hạn hán một ít đồ cứu trợ đã nhận được, dân chúng nói: "Xin cha hãy nói cho chúng con về Thiên Chúa". Cái đói cơm bánh và đói Thiên Chúa.

"Anh chị em thân mến, chính anh chị em được mời gọi thỏa mãn cái đói Thiên Chúa của dân tộc anh chị em đang lưu lạc. Anh chị em được mời gọi mang sứ điệp của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất, dâng hy tế của Chúa để thế gian được sống, tức là Thánh Thể.

"Khi rước Mình, Máu và Thiên Tính của Chúa Kitô, chúng ta cũng nhận được sức mạnh để vâng theo lệnh Chúa truyền cho chúng ta hãy đi khắp nơi trên thế giới để loan báo Tin Mừng của Ngài. Trong những lúc cuối cùng của cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu đã để lại di chúc cho chúng ta là Thánh Thể, cùng với mệnh lệnh long trọng: giảng dạy muôn dân nước, rửa tội cho họ và dạy họ tất cả những gì Chúa đã truyền. Thánh Thể dẫn tới truyền giáo, vì Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của toàn thể công cuộc rao giảng Tin Mừng". (Bài giảng của Đhy Crescenzio Sepe trongThánh Lễ Bế Mạc Hội Ngộ Niềm Tin - Chúa nhật 27-7-2003 tại Đền thờ Thánh Phêrô).

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Chung dịp Năm Thánh 2000 cũng mời gọi người tín hữu đến với Bí Tích Thánh Thể " để kết hiệp với Đức Giêsu Kitô một cách thân mật trọn vẹn: Ta ở trong Người và Người ở trong ta. Sự kết hiệp đem đến cho ta một niềm hạnh phúc vô biên nhưng đồng thời cũng mời gọi ta vào cuộc khổ nạn để cùng được vượt qua với Người.

"Đến để hưởng nếm tình yêu của Người, một tình yêu tự hiến, yêu thương, phục vụ, hy sinh đến cùng Nơi Bí Tích Thánh Thể, ta múc lấy niềm vui tự hiến, để rồi đến lượt ta ra đi hiến mình cho tha nhân.

"Hãy vui lên vì Người sẽ lại đến trong vinh quang. Người là tương lai của ta, một tương lai huy hoàng và vững chắc. Người là hy vọng, là cùng đích của ta. Ơn cứu độ của ta đạt đến đỉnh điểm nơi Người, khi Người quy tụ muôn loài dưới quyền thủ lãnh của Người". (x. Ep, 1, 3 - 10).

Mẹ Têrêsa Calcutta, vị thánh đã sống gắn bó với Đức Giêsu Thánh Thể, như thấy Đấng vô hình hiện diện trong cuộc đời mình, nhờ đó, Chúa Tình Yêu đã thúc đẩy mẹ cống hiến cuộc đời mình tận tuỵ cho công cuộc truyền giáo qua việc chăm sóc yêu thương những người bất hạnh nhất trong xã hội.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Trong năm thánh truyền giáo, mọi thành phần dân Chúa đều nỗ lực thực hành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chúng ta phải múc nguồn sinh lực cho công cuộc truyền giáo từ Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cùng hiệp thông vào những ý cầu nguyện sau đây:

1. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy cho họ ăn". Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục và Linh mục nhiệt thành trong việc rao giảng Lời Chúa và sẵn sàng ban phát Thánh Thể Chúa cho những người thành tâm tìm kiếm Nước Trời.

2. Chúa Giêsu phán: "Ta là Bánh hằng sống". Sinh lực để loan báo Tin Mừng cũng từ Bánh hằng sống. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, yêu mến và năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể để loan báo Tin Mừng cho mình và cho mọi người.

3. Chúa Giêsu phán: "Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai lao đao vất vả". Chúng ta cầu nguyện cho những người đang khao khát Tin Mừng cứu độ, sớm có dịp đón nhận đức tin và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể Chúa.

4. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy làm cho muôn dân trở nên môn đệ Thầy". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, ý thức trách nhiệm loan báo Tin Mừng, biết múc nguồn sinh lực từ Bí tích Thánh Thể và sốt sắng tham dự thánh lễ cách tích cực.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là nguồn sức sống của chúng con và là nguồn sinh lực loan báo Tin Mừng. Xin Chúa hằng ngự trong tâm hồn chúng con, để cùng với Chúa, chúng con mang ơn Cứu độ đến cho mọi người. Chúa hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

LỄ ĐÃ XONG CHÚC ANH CHỊ EM VỀ BÌNH AN

Câu chúc cuối lễ của chủ tế có ý nghĩa gì ? "Lễ đã xong chúc anh chị em về bình an" không chỉ có ý nghĩa kết thúc thánh lễ để giải tán giáo dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng: SAI ĐI.

Sai đi, vì anh chị em vừa nghe Lời Chúa, vừa suy gẫm và tung hô lời giáo huấn của Chúa Kitô, thì bây giờ hãy "ra đi', đem những lời ấy ra thực hành, hãy làm chứng , hãy loan truyền những điều mình vừa nghe, những điều mình đã tin.

Sai đi, vì anh chị em vừa lãnh nhận Mình và Máu thánh Chúa Kitô, Người đã hiến mạng sống vì tình yêu và anh chị em cố gắng noi theo gương Người, thì bây giờ hãy "ra đi" trong bình an của Chúa Kitô, để ban tặng sự sống của mình như Chúa Kitô đã làm: Hãy yêu mến tha nhân như Chúa Kitô đã làm gương cho chúng ta. Hãy yêu thương, tha thứ, và hãy đi gieo niềm hy vọng khắp mọi nơi.

Rời cửa nhà thờ, bước vào cuộc sống. Thánh lễ trong nhà thờ đã kết thúc, thánh lễ giữa lòng đời mới bắt đầu. Nguồn sinh lực được múc kín từ Bí tích Thánh Thể thôi thúc chúng ta đi vào mọi nẻo đường cuộc đời để làm chứng cho Đức Kitô, để loan truyền ơn cứu độ chỉ có nơi Ngài, là Tin Mừng cho mọi người.

Thật vậy,"Bí tích Thánh Thể vừa là nguồn suối, vừa là đỉnh cao của mọi công cuộc loan báo Tin Mừng, vì mục tiêu của nó là sự hiệp thông mọi người với Chúa Kitô, và trong Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần" (TĐ BTTT số 22).

Trong một ngày sống, chúng ta có những giờ giấc nhất định, việc nào giờ nấy, nhưng chúng ta không sống đạo theo kiểu chia ngăn, cũng không coi đức tin như là một chiếc áo đẹp mặc vào để đến nhà thờ. Trái lại, chúng ta phải sống đạo trong nhà thờ, cũng như phải sống đạo trong đời sống giữa những môi trường xã hội. Như thế có nghĩa là đức tin và lòng mến phải thấm nhiễm vào mọi ngăn khác, phải bén rễ sâu vào từng tư tưởng, từng lời nói, từng việc làm của chúng ta, nghĩa là phải biến đời sống mình thành một thánh lễ nối dài.

Chúa Giêsu đến trong tâm hồn ta là để thúc đẩy chúng ta hành động. Ngài không ở trong chúng ta một cách im lìm và thụ động như ở trong một chiếc "Mặt nhật" hay một chiếc "Bình thánh". Vì thế, từ bàn tiệc Thánh Thể ra về, chúng ta cố gắng sống xứng đáng là người Kitô hữu. Cũng như trái đất xoay quanh mặt trời thế nào, thì cuộc đời chúng ta cũng xoay quanh Đức Kitô như vậy.

Nếu trong thánh lễ chúng ta đã thật sự kết hiệp với Đức Kitô để dâng lên Thiên Chúa Cha những hy sinh của chúng ta, thì khi bước vào cuộc đời, chúng ta cũng hãy mang lấy những tâm tình ấy. Cố gắng chu toàn mọi công việc dù nhỏ bé tầm thường nhất, vì lòng yêu mến Chúa. Chính lòng yêu mến này sẽ như "đôi đủa thần" biến những công việc tầm thường nhỏ bé ấy thành những sợi chỉ vàng dệt nên tấm vải cuộc đời, và làm cho đời sống chúng ta có một gía trị thiêng liêng to lớn trước mặt Thiên Chúa. Đồng thời, những hy sinh, những vất vả cực nhọc, những khổ đau buồn phiền chúng ta chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa sẽ là những lễ vật nhỏ bé xuất phát từ lòng cuộc đời, để rồi kết hiệp với hy tế của Đức Kitô mà dâng lên cho Thiên Chúa mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ.

Tắt một lời, nhờ việc rước lễ, chúng ta đã được Đức Kitô ngự trong tâm hồn là nguồn lực, thì giờ đây, giữa lòng cuộc đời, nhờ những hành động bác ái và yêu thương, chúng ta sẽ mạnh dạn đem Chúa đến cho những người chung quanh.

VII. TRANG THIẾU NHI

I/-Câu chuyện gia đình:
Từ hôm được Xưng tội - Rước lễ lần đầu đến nay, Tí có sự tiến bộ rõ trong đời sống.

Về đạo đức, mỗi tối ngoài việc đọc kinh chung trong gia đình, em còn tập xét mình trong ngày, trước khi đi ngủ. Sáng sớm, lúc chuông nhà thờ reo vang, em mau mắn thức dậy đọc kinh dâng ngày, rồi rời khỏi giường đi rửa mặt, đánh răng, thay đồ để đi lễ, điều mà trước đây phải đợi ba má nhắc nhở, thậm chí đôi khi phải la hét, động tay động chân, em mới chịu làm.

Về chuyện học hành, Tí cũng siêng năng hơn. Ba má không còn phải rầy la tật làm biếng học, suốt ngày dán mắt vào màn ảnh truyền hình, hay mê chơi bấm game mà quên học bài. Thỉnh thoảng có những bài tập khó, Tí chạy lại nhờ ba giúp đỡ. Cũng đôi khi, em xin ba má cho các bạn lại nhà học nhóm, để học hỏi lẫn nhau. Đương nhiên là ba má không những cho phép, mà còn khuyến khích nhóm bạn học của Tí bằng những nồi chè ngọt lịm, sau khi cả bọn đã học và làm xong bài.

Về việc trong nhà, lúc này Tí đã bắt đầu có ý thức phụ giúp ba má. Học hành hay làm việc gì rồi, em tự thu dọn đồ đạc, không bày biện lung tung như mọi khi nữa. Em cũng tập phụ ba má trong những việc hằng ngày như quét nhà, lau chùi bàn ghế, vo gạo, lặt rau . Đặc biệt, dạo này em không còn gây gỗ hay chọc ghẹo, tranh giành với bé Ti nữa, nên ba má bớt phải lớn tiếng la rầy và bầu khí trong gia đình cũng vui vẻ, đầm ấm hơn.

Trước những thay đổi của Tí, ba thì nói: con nó bắt đầu lớn rồi; má thì bảo: tại mình quan tâm dạy dỗ, nhắc nhở riết, nên nó ngày một ngoan hơn. Riêng Tí thì biết rằng, em được như vậy là nhờ việc lãnh Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, việc Rước Lễ mỗi ngày đòi hỏi em phải thường xuyên sống đạo đức và giữ mình sạch tội. Còn việc em sống bác ái, hy sinh, phục vụ chính là để noi theo gương Chúa Giêsu Thánh Thể đó. Mỗi ngày khi Rước Chúa, Tí đều cảm thấy rằng Chúa đang ở với em, đang cùng sống và làm việc với em trong ngày, vì vậy em cố gắng sống tốt để làm đẹp lòng Chúa hơn. Bí mật này Tí sẽ không nói cho ba má biết đâu!

II/-Trò chuyện cùng thiếu nhi:

Các em thiếu nhi thân mến,
Câu chuyện ở trên cho chúng ta thấy được lợi ích của việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trong đời sống thường ngày. Khi chúng ta Rước Lễ, là chúng ta lãnh nhận chính Đức Kitô, nguồn sinh lực sung mãn, giúp chúng ta biến đổi mình và sống ngày một tốt hơn.

Năm nay, Đức Giám Mục Tôma của chúng ta kêu gọi thiếu nhi, cùng với toàn thể giáo dân trong Địa phận Vĩnh Long, sống chủ đề "Loan báo Tin Mừng". Để góp phần vào công cuộc truyền giáo và tái truyền giáo của Địa phận, thiếu nhi có thể tham gia bằng nhiều cách thức khác nhau: bằng lời cầu nguyện; bằng những việc hy sinh, hãm mình; bằng việc đóng góp vào qũi truyền giáo của thiếu nhi; bằng đời sống gương mẫu .

Thế nhưng công cuộc truyền giáo không phải là việc làm ngày một, ngày hai, mà nó là công cuộc lâu dài, đòi hỏi không những sự nhiệt thành, mà còn cả tinh thần kiên tâm, bền chí. Để có sự nhiệt thành và kiên tâm bền chí đó, chúng ta phải kín múc nguồn sinh lực thiêng liêng nơi Đức Kitô, nhất là qua Bí tích Thánh Thể.

-Vì trước hết, nơi Bí tích Thánh Thể chúng ta được lãnh nhận chính Chúa Kitô, nguồn mạch ân sủng và sinh lực cho chúng ta. Thật vậy, nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô không chỉ hiện diện siêu nhiên, mà còn hiện diện đích thực, như lời Thánh Phaolô quả quyết: "Chén ân phúc mà ta hiến dâng không phải là thông phần vào Máu Chúa Kitô ư ? Và Bánh ta bẻ ra không phải là dự phần vào thân thể Chúa sao ?" (1Cor 10,16).

-Bí tích Thánh Thể còn là Bí tích Tình Yêu. Khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận chính tình yêu của Chúa Kitô trao ban cho nhân loại. Thật vậy, chính vì yêu thương nhân loại nên Chúa đã lập nên Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta. Cũng chính với tình yêu ấy, Người đã tự hiến mình, qua hình bánh rượu, làm của ăn nuôi dưỡng hồn xác ta. Đón nhận tình yêu thiêng liêng và mãnh liệt ấy, phần chúng ta, chúng ta phải đáp trả bằng chính việc đem Tình Yêu ấy đến cho mọi người, trong đó có cả lương dân, những người chưa có dịp nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu.

-Muốn trở thành tông đồ truyền giáo nhiệt thành của Đức Kitô, chúng ta phải tích luyện nhiều nhân đức, trong đó chắc chắn không thể thiếu lòng quảng đại, tinh thần hy sinh quên mình và thái độ phục vụ tha nhân. Mà tất cả những đức tính ấy có thể tìm thấy và học tập nơi nào hơn là nơi Bí tích Thánh Thể.

Các em thiếu nhi thân mến,
Đến đây chắc các em đã phần nào nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể đối với hoạt động tông đồ, nói chung, và với hoạt động truyền giáo, nói riêng. Vì vậy, cùng với việc tăng cường ý thức, cũng như các hành động thiết thực nhắm đến sứ vụ truyền giáo trong năm nay, chúng ta không thể không đẩy mạnh việc siêng năng dự lễ và rước lễ hằng ngày. Đây cũng chính là bài tập luyện nhân đức mà anh muốn gởi đến cho các em, nhân dịp đầu năm mới này.

Chúc các em thiếu nhi một năm mới vui vẻ, đạo đức và nhớ quan tâm đóng góp nhiều hơn cho công cuộc truyền giáo của Địa phận!

III/-Bài học thực hành:

-Em tập thói quen đi lễ và rước lễ mỗi ngày, để kín múc nguồn sức mạnh thiêng liêng cho hoạt động tông đồ và truyền giáo.

-Em tập sống các ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể: lòng quảng đại, yêu thương, thái độ hy sinh, phục vụ , để tự rèn luyện thành một chiến sĩ có đủ phẩm chất của một nhà truyền giáo đích thực, theo gương Đức Kitô.

-Tùy theo khả năng, em hãy đóng góp thiết thực vào việc truyền giáo chung của Địa phận, bằng những hành động cụ thể của mình(Ví dụ: lập nhóm cầu nguyện cho việc truyền giáo; gây qũy truyền giáo; mời các bạn bên lương tham dự các nghi lễ Công giáo … ) .

VIII. TẢN MẠN

VÀI SUY NGHĨ VỀ NĂM THÁNH TRUYỀN GIÁO

1 . Sứ Mệnh Truyền Giáo: Một Việc Làm Đương Nhiên Của Ki-Tô Hữu

Khởi đi từ hệ luận tốt - khoe, xấu - che, việc một người đã cảm nhận có hạnh phúc khi theo một con đường ( đạo ) thì tự nhiên có sự thôi thúc từ bên trong cần phải chia sẻ cho tha nhân. Với Ki-tô giáo thì có mệnh lệnh minh nhiên của Đức Giê-su: "Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng..." ( Mt 28, 20 ). Thánh Phao-lô nhìn nhận việc rao giảng Tin Mừng không chỉ là một vinh dự mà còn là một bổn phận: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" ( 1 Cr 9, 16 ).

Hãy rao giảng Tin Mừng khi thuận tiện cũng như khi không thuận tiện ( 2 Tm. 4, 2 ). Thánh Phê-rô và Gio-an Tông Đồ khẳng khái trước Công Nghị Do-thái: "Chúng tôi không thể không nói ra những điều mắt thấy tai nghe..." ( Cv 4, 20 ). Còn Chúa Giê-su thì thường lặp đi lặp lại: "Tôi không tự mình mà đến nhưng chính Chúa Cha đã sai tôi" ( Ga 8, 42 ). Tiến trình ấy được tiếp diễn: "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" ( Ga 20, 21 ). Như thế, truyền giáo là một việc làm tất yếu mang tính sống còn. ( x. Điểm Dừng Chân tr 53 - 56 )

2 . Động Lực Hay Mục Đích Của Việc Truyền Giáo

Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Đây là đặc tính Công Gíao của Mẹ Hội Thánh chúng ta.

Mặc dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối chỉ một mình Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa biết Phúc Âm đến với Đức Tin - cần thiết cho Ơn Cứu Độ - nhưng Hội Thánh phải có bổn phận rao giảng Phúc Âm ( x TG 7 ). Thánh Công Đồng Vatican 2 dạy: "Vì Chúa Ki-tô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng tham dự vào Mầu Nhiệm Phục Sinh Cứu Độ của Đức Ki-tô, tham dự bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết mà thôi" ( MV 20 ).

Chịu Phép Rửa bằng Lòng Mến là những ai dù chưa biết Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài mà vẫn sống theo tiếng Chúa dạy trong lương tâm, làm lành lánh dữ, ăn ngay ở lành. Thế nhưng lương tâm cũng có nhiều loại và cũng rất dễ sai lầm. Tìm được một lương tâm chính trực, bén nhạy xem chừng hơi khó. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hôm nay mọi thứ đều có thể xem như hàng hóa trao đổi bán mua. Lương tâm, một món hàng mua rất đắt mà lại thường được bán rất hào phóng, chưa kể còn có khuyến mãi.

Đường về Trời, dù rằng đã là người, ai cũng có thể và cũng có khả năng đến đích, nhưng nếu biết luật giao thông ( đi đường ), có người hướng đạo, có bạn đồng hành, có phương tiện thuận lợi thì ắt dễ đến đích hơn. Luật là Tin Mừng. Vị hướng đạo duy nhất: Đức Ki-tô. Các bạn đồng hành: các Thánh, các tín hữu. Còn các phương tiện chính là các Bí Tích, là đời sống cộng đoàn... Tất thảy những điều trên không chỉ là hữu ích mà còn rất thuận lợi cho người muốn về Trời. Việc truyền giáo hay rao giảng Tin Mừng luôn còn đó lý do để tồn tại và phát triển.

3. Loan Báo Tin Mừng Với Hình Thức Truyền Giáo Hay Phúc Âm Hóa ?

Nhiều bài viết phân biệt giữa Truyền Giáo và Phúc Âm hóa rồi khuyên chọn điều này hoặc ưu tiên điều kia. Ngày nay người ta hầu như thích nghiêng chiều về công cuộc Phúc Âm hóa vì nó có vẻ nhẹ nhàng mà cao cả, thiết thực mà lại dễ dàng. Vì truyền giáo là giới thiệu Tin Mừng cho tha nhân và đưa họ vào Hội Thánh Chúa qua việc dạy Giáo Lý, cử hành một số Bí Tích và cho họ gia nhập cộng đoàn. Việc này xem chừng ngày càng ít đi và có nhiều chăng là cũng nhờ một số người muốn kết hôn.

Trong khi đó công cuộc Phúc Âm hóa là đưa Tin Mừng vào lòng người, vào cách suy nghĩ, cách hành động của con người; đưa Tin Mừng vào các lãnh vực hoạt động kinh tế văn hoá xã hội... Tóm lại là làm cho con người và môi sinh trần thế này thấm nhuần men Tin Mừng, tức là một cách nào đó thuộc về Chúa ( nên thánh ).

Vấn đề chúng ta có thể đặt ra ở đây là: phải chăng vì không thể đưa người ta vào Hội Thánh nên đành bằng lòng với công cuộc Phúc Âm hóa, một việc làm cao cả đấy nhưng cũng khó thấy và khó kiểm chứng.

Thực ra Truyền Giáo hay Phúc Âm hóa là hai mặt của việc loan báo Tin Mừng. Truyền giáo gợi lên cho ta các hình thức hoạt động bên ngoài, Phúc Âm hóa lại nhấn mạnh đến sức sống bên trong, cả hai bổ túc cho nhau và cần đến nhau. Làm sao người ta có thể tự nguyện gia nhập Hội thánh Chúa, lãnh nhận các Bí Tích mà trước đó đã không ít nhiều thấm nhuần men Tin Mừng, và dẫu cho đã lãnh nhận các Bí Tích Nhập Đạo thì việc sống Tin Mừng là việc cần làm liên lỉ.

Ngược lại, tình yêu không chấp nhận sự nửa vời, hơn nữa "hữu ư trung xuất hình ư ngoại". Vậy khi đã thấm nhuần men Tin Mừng ắt cũng muốn được bày tỏ bên ngoài qua việc lãnh nhận các Bí Tích, gia nhập vào cộng đoàn.

Chúng ta đừng quên mệnh lệnh rõ ràng của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và làm Phép Rửa cho họ nhân Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em". ( Mt 28, 19 - 20 ) (Trích Ephata)

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

NHỮNG VIÊN SỎI THẦN

"Tại sao chúng em phải học tất cả những điều ngu ngốc này?"
Trong tất cả những câu hỏi và phản đối mà tôi đã nghe từ học trò của mình suốt bao nhiêu năm dạy học, đây là câu mạnh nhất. Tôi trả lời học trò của mình bằng một câu chuyện sau:

Một đêm, một đám người du mục chuẩn bị nghỉ đêm giữa đồng thì bất ngờ họ thấy mình bị bao quanh bởi một luồng sáng. Họ tin là thiên thần đang đến với họ. Họ chờ đợi với niềm tin rằng thiên thần sẽ nói cho họ những điều quan trọng chỉ dành riêng cho họ thôi. Một giọng nói vang lên "Hãy nhặt tất cả những viên sỏi xung quanh, bỏ chúng vào trong túi mang theo bên mình. Hãy đi một ngày và đêm mai các anh sẽ thấy vui mừng và cả nổi buồn".

Sau khi thiên thần biến mất, những người du mục ngạc nhiên và thất vọng. Họ chờ đợi một sự khám phá lớn, những bí mật gíup cho họ trở nên giàu có, mạnh khỏe và làm bá chủ thế giới. Nhưng thay vào đó họ chỉ làm một việc cỏn con không có ý nghĩa gì cả. Dẫu sao, nghĩ đến lời nói của thiên thẩn, mỗi người cũng nhặt vài viên sỏi rồi bỏ vào túi dù không hài lòng chút nào. Đi suốt một ngày, khi đêm đến, họ dừng chân cắm trại. Mở túi ra, họ thấy những viên sỏi đã trở thành những viên kim cương. Họ vui mừng vì có kim cương, nhưng cũng buồn tiếc đã không lấy thêm vài viên sỏi nữa.

Tôi có một học trò, tên Alan, từ thời kỳ đầu tiên đi dạy học đã chứng minh chuyện trên là sự thật. Khi Alan học lớp 8, cậu bé này rất giỏi "gây chuyện" và hay bị đuổi học. Cậu ta đã trở thành một tên "anh chị" trong trường và trở thành bậc thầy về "chôm chỉa". Mỗi ngày tôi cho học trò học thuộc lòng những câu danh ngôn. Khi điểm danh, tôi đọc đoạn đầu của một câu danh ngôn, học trò phải đọc nốt phần cuối của câu danh ngôn. Chẳng hạn, "Alice Adams - Không có thất bại ngoại trừ … " “Không tiếp tục cố gắng', em có mặt".

Như vậy đến cuối năm, những học trò của tôi nhớ được khoảng 150 câu danh ngôn. Alan là người phản đối mạnh nhất về cách học này. Một ngày kia cậu ta bị đuổi khỏi trường và biến mất suốt 5 năm. Bỗng một ngày nọ, cậu ta gọi điện thoại cho tôi. Cậu vừa được bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo !

Sau khi cậu ta bị ra tòa và cuối cùng bị chuyển đến trại cải tạo trẻ vị thành niên vì những điều mình đã làm, cậu ta chán ghét chính bản thân mình và cậu ta lấy dao cạo cắt cổ tay mình.

Cậu ta kể: "Thầy có biết không, em nằm đó khi mà sự sống đang từ từ chảy thoát ra khỏi thân thể em, em chợt nhớ đến một câu danh ngôn thầy đã bắt em chép đi chép lại 20 lần một ngày. "Không có sự thất bại, trừ việc không tiếp tục cố gắng." Và bỗng nhiên em thấy nó có ý nghĩa. Nếu em còn sống, em không thất bại, nhưng nếu em để cho mình chết, em sẽ thất bại hoàn toàn. Vì thế, với sức lực còn lại, em gọi người tới cứu­ và bắt đầu một cuộc sống mới".

Khi cậu mới nghe câu danh ngôn đó, nó là viên sỏi. Khi cậu cần một chỉ dẫn vào thời điểm quan trọng của cuộc đời, nó trờ thành viên kim cuơng. Và như tôi nói với bạn, hãy tìm cho mình thật nhiều viên sỏi, và bạn sẽ nhận được những viên kim cương. (John Wayne Schlatter)

SỐNG NĂM THÁNH
(03. 07. 03 - 03. 07. 04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG CHUNG THỦY
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA: Mc 10,2-12

Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?". Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: "Thế ông Môse đã truyền dạy các ông điều gì?". Họ trả lời: "Ông Môse đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ". Đức Giêsu nói với họ: " Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môse mới viết điều răn đó cho các ông. Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly".

II. CÂU CHUYỆN MINH HOẠ

THÀNH TÍN VÀ THỦY CHUNG.

Sau khi Quốc hội Hoa Kỳ cho công bố lời cung khai của Tổng thống Bill Clinton về hành vi ngoại tình trước bồi thẩm đoàn. Đa số người dân Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ ông và yêu cầu để ông được tiếp tục thi hành chức vụ cho đến hết nhiệm kỳ 1996 - 2000. Thêm vào đó, cùng lúc các đại biểu Quốc hội cho phổ biến cuộc cung khai, Tổng thống đã xuất hiện trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc như một người hùng. Ông đã được các nước đại diện vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt về những thành quả trong hoạt động đối ngoại của ông.

Tuy nhiên, dù muốn hay không, dù tài ba lỗi lạc đến đâu, Tổng thống Clinton khó có thể xóa được hình ảnh của một người dối trá, biển lận trong ngôn từ mà cuốn băng Video thu hình cuộc cung khai đã tỏ rõ. Nói như một dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống điều hành quốc gia một cách tốt đẹp nhưng ông lại thất bại trong việc điều hành chính cuộc sống gia đình của ông. Theo kiểu nói của người Á Đông : Ông đã thành công nhưng không hẳn đã thành nhân.

Người Việt Nam chúng ta thường nói : "Khôn ba năm dại một giờ". Phải mất cả một đời người để xây dựng sự tin tưởng và tín nhiệm của người khác, nhưng chỉ cần một giây ngắn ngủi cũng có thể phá hủy hoàn toàn sự tin tưởng và tín nhiệm ấy.

Nhưng dù chiếm giữ địa vị nào trong xã hội, cũng không ai được phép quên đi những bài học vỡ lòng mà mình đã học được khi vừa cắp sách đến trường và ngay cả lúc còn ngồi trên gối mẹ : Học làm người. Trong bài học này không gì quan trọng bằng sự thành tín và thủy chung. Tòa nhà nhân cách được xây dựng trên hai cột trụ ấy. Tài ba, giàu có. quyền thế đến đâu nhưng thiếu sự thành tín và thủy chung, thì nhân cách chẳng khác nào một ngôi nhà xây trên cát.

Một gia đình hạnh phúc, một xã hội lành mạnh không chỉ gồm những con người thành công, mà phải được xây dựng bởi những con người thành nhân, biết sống yêu thương và phục vụ cho nhau..

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Sự chung thuỷ trong gia đình Nagiaret.

Để trả lời cho vấn đề hôn nhân và gia đình, Đức Giêsu đã xác định một giới luật căn bản cho đời sống gia đình: "sự gì thiên chúa kết hợp thì loài người không được phân ly". Đây là luật thiên định và cũng là một linh đạo cho đời sống hôn nhân-gia đình. Vì hàm chứa trong giới luật này là một đòi hỏi về sự chung thuỷ. Chắc chắn khi tuyên bố giới luật này, Đức Giêsu đã có môt kinh nghiệm về sự chung thuỷ trong gia đình Nagiarét.

Chúng ta không biết chắc Đức Maria có nghe được lời tuyên bố của Đức Giêsu trên đây không. Nhưng cuộc đời củạ người lại thấm nhuần câu nói này trong vai trò làm mẹ và làm vợ.

Sứ mạng của Mẹ đã thưc sự liên kết với sứ mạng của con mình. từ lúc truyền tin cho tới dưới chân thập giá. Cuộc đời mẹ đã thực sự gắn bó chung thuỷ với Thánh Giuse chồng mình, từ lúc đính hôn cho đến kết thúc cuộc đời tại thế.

Thật vậy, khi khám phá thánh ý của Thiên Chúa nơi mình, và trong lời kinh Magnificat, Mẹ Maria đã chọn Thiên Chúa làm trung tâm cho cuộc đời mình. Điều này cho phép Mẹ dễ dàng bỏ đi mọi dự tính cá nhân trong đó có uớc muốn sống đời hôn nhân gia đình. Nhưng không, Mẹ vẫn tiếp tục chung sống trọn đời với Giuse mặc dù vẫn chọn thánh ý Thiên Chúa làm giá trị tuyệt đối cho cuộc đời mình.

Nói về thánh Giuse, sự công chính nơi ông còn hàm chứa một đời sống thuỷ chung với Đức Maria. Nếu căn cứ theo luật Môse, ông se được phép ly dị trong trường hợp vợ mình phạm tội ngoai tình. Nhưng không, thánh Giuse đã "nhận lấy" Maria. Việc nhận lấy Đức Maria có nghĩa là gìn giữ Mẹ, ở với Mẹ tại Nagiarét, bao bọc Mẹ bằng tình yêu chân thành, bảo đảm cho Mẹ những gì cần thiết, giúp đỡ mẹ trong việc nuôi dưỡng Chúa Giêsu... Vì ông tin chắc vào điều mà thiên thần Gápriel đã nói cho ông biết. Và đối với ông, Mẹ Maria là một ân huệ của Thiên Chúa. Hơn nữa, sứ mạng của ông liên kết một cách mật thiết với sứ mạng của Đức Maria. Như thế thánh Giuse đã thi hành sứ mạng của mình qua việc chung thuỷ gắn bó với Đức Maria trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa đã liên kết hai người bằng một kết hợp không thể phân ly.

2. Nên thánh nhờ sống chung thuỷ

Việc đổ máu của các thánh tử đạo là bằng chứng cho thấy các ngài sống một lòng thuỷ chung son sắt với Thiên Chúa và những giới luật của của đức Giêsu. Lòng chung thuỷ này được thể hiện trong gia đình của các ngài, trong vai trò làm cha, làm mẹ và làm con.

Với thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu: Chào đời năm 1790 tại họ Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long. Ngay từ thời niên thiếu, cậu Giuse Nguyễn Văn Lựu đã được hấp thụ một nền giáo dục gia đình Công Giáo đạo đức. Sau này khi kết hôn, Giuse Lựu đã đem lại cho gia đình mình một nề nếp cao quý, một bầu khí đầm ấm yêu thương thấm nhuần tinh thần đạo hạnh Kitô giáo. Bởi lẽ thánh nhân hiểu đựoc rằng: "điều gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly".

3. Sự chung thuỷ, yếu tố xây dựng hạnh phúc gia đình

Có đôi vợ chồng nào lại ước mong có ngày xa cách. Tiếng gọi chung thuỷ đâu phải là mệnh lệnh áp đặt bên ngoài. Trái lại nó là lời tự nguyện cam kết xuất phát từ tình yêu đích thực. Và tình yêu luôn hàm nghĩa tín trung. Tuy nhiên, một ngày nào đó cuộc sống chung lại biến thành hoả ngục. Sự chung thuỷ trở thành gáng nặng cho nhau trong đời sống gia đình. Thậm chí có người nói rằng mệnh lệnh của Đức giêsu: "điều gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly" là một thứ lề luật phi nhân. Thật đơn giản, vì họ không còn yêu nhau nữa. Tình yêu mà họ hiểu một cách sai lệch, chỉ quy chiếu về mình và theo cảm tính. Đây cũng là lý lẽ biện minh cho nhiều cặp vợ chồng đòi ly hôn. Ay thế mà sự chung thuỷ là giới luật và là một linh đạo cho đời sống hôn nhân gia đình.

Do đó, để sống sự chung thuỷ trong hôn nhân, mỗi gia đình chúng ta cần phải lấy mệnh lệnh của Đức Giêsu trên đây làm khuôn vàng thước ngọc cho gia đình của mình. Vâng phục lệnh Chúa cũng chính là yêu thương và sống thuỷ chung theo lệnh Chúa là biểu hiện tình yêu hôn nhân ở mức cao độ nhất : yêu Chúa và yêu nhau.

Người ta kể lại rằng: bà Catarina Gagellon, một phụ nữ sắt nước hương trời của đất nước Thuỵ Điển. Bà bị nhà vua buộc phải ly dị với chồng vì chồng bà toan tính nổi loạn. Bà lặng lẽ rút chiếc nhẫn cưới cho nhà vua xem. Nhà vua đọc được hàng chữ trên chiếc nhẫn: MORS SOLA- CHỈ CÓ CÁI CHẾT.

Thật tuyệt vời, chính chiếc nhẫn ấy, bà đã đeo trên tay khi giặt ủi quần áo cho chồng, khi nấu cơm làm bếp, khi chăm sóc cho đàn con … ..Để đến hôm nay, cũng chính chiếc nhẫn ấy lại là câu trả lời cho quyền lực muốn phân ly vợ chồng bà.

"Tình yêu là một vị vua và chung thuỷ là vương miện"
(Kalihl Gibran)

Lạy Chúa là Đấng thuỷ chung, xin người luôn hiện diên trong gia đình chúng con và giúp chúng con một lòng gắn bó với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để chúng con luôn yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời chúng con. Amen

IV. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

THỦY CHUNG

Có đôi tân hôn nào lại ước mong có ngày xa cách ? Và tiếng gọi thủy chung hôm ấy nào đâu là mệnh lệnh bên ngoài áp đặt, nhưng là bản nhạc reo vui tự sâu thẳm tâm hồn. Bởi vì họ yêu nhau. Và tình yêu luôn hàm nghĩa tín trung, đơn nhất. Không cần tranh cãi.

Ay thế mà một ngày nào đó, cuộc sống chung lại biến thành hỏa ngục và tiếng gọi thủy chung hôm nào đã trở thành gánh nặng không sao mang nổi. Đến nỗi có người bảo mệnh lệnh của Đức Giêsu là thứ lề luật phi nhân "Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly" (Mc10, 9).

Câu trả lời thật đơn giản : vì họ không còn yêu nhau nữa. Và cũng là lý lẽ biện minh của nhiều cặp vợ chồng đòi hỏi ly hôn. Nhưng chính câu trả lời ấy lại giúp chúng ta khám phá ra rằng: tình yêu như dòng sông không ngừng chuyển động, chứ không phải vũng nước ao tù. Tình yêu như sự sống có thể tăng trưởng hay lụi tàn, chứ không phải gỗ đá trăm năm không đổi. Mà đã là sự sống có thể lụi tàn hay tăng trưởng, thì rất cần bàn tay vun xới.

Có ly hôn nào xảy ra sau cuộc sống chung mặn nồng hạnh phúc ? Và có tín trung nào là hoa trái của bội phản thường ngày ?

Ly hôn bao giờ cũng là điểm tới của cả một quá trình xa cách: Xa cách trong tâm trí, xa cách trong nỗi niềm chia sẻ. Khởi điểm có thể chỉ là vết nứt mong nanh, nhưng lâu dần vết nứt trở thành hố sâu ngăn cách. Và với một số gia đình, hố sâu ấy biến thành vực thẳm ngàn năm chia cắt.

Cũng thế, tín trung là tấm vải được dệt bằng sợi chỉ mỗi ngày thương mến. Đừng đợi đến khi ra tòa mới trả lời câu hỏi:"Anh (chị) có muốn ly hôn không ? Nhưng phải là câu trả lời của mỗi ngày trong từng công việc của đời thường.

"Tình yêu cần được rửa tội mỗi ngày và cưới nhau mỗi sáng".
(Mái Am, 1995)

2016    19-04-2012 16:27:33