Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Gia Đình: Cộng Đoàn Yêu Thương - tháng 6 năm 2014

  1. Lời Chủ Chăn
  2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
  3. Diễn Giải
  4. Lời Nguyện Chung
  5. Áp Dụng Thực Hành
  6. Tìm Hiểu Giáo Luật
  7. Trang Linh Mục
  8. Trang Tu Sĩ
  9. Trang Sống Ơn Gọi
  10. Trang Thiếu Nhi
  11. Trang Giới Trẻ
  12. Trang Gia Đình
  13. Trang Giáo Lý Viên
  14. Trang Quới Chức
  15. Sống Đẹp
  16. Hỏi Đáp Mục Vụ
  17. Chuyện Thường Ngày
  18. Một Chút Tâm Tình
  19. Tìm Hiểu Về Đức Tin

LỜI CHỦ CHĂN

Vĩnh Long ngày 30.5.2014

Kính gửi: Quý Cha
               Quý Tu sĩ nam nữ
               Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v Tháng Trái Tim Chúa Giêsu

Tháng năm, tháng sáu này, ở Giáo Phận Vĩnh Long, Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và Cái Mơn, có những dì tuyên khấn; khấn trọn đời, lặp lại lời khấn trọn đời của những dì đã khấn được năm mươi năm, sáu mươi năm. Bên các thầy Kitô Vua Cái Nhum chắc cũng vậy. Chúa đã yêu thương ta trước, đã gọi ta theo Chúa, xin cho có nhiều người đáp lại tình thương của Chúa và đóng góp công sức chương trình cứu độ của Chúa Giêsu.

Chúa kêu gọi mọi người: dân tộc và kinh, nam và nữ, người nhiều tuổi và người ít tuổi.

"Người đã yêu thương tôi và đã phó mình chịu chết vì tôi". Kinh nghiệm của Thánh Phaolô cho chúng ta biết: Chúa chúng ta không ở cao xa trên trời, không biết gì đến cuộc đời hiện tại của chúng ta. Trái lại, như người mục tử tốt lành, Người biết đến từng con người chúng ta, yêu thương từng con người chúng ta, dạy bảo và dẫn dắt từng con người chúng ta vào Nước Trời. Xin Chúa cho chúng ta có kinh nghiệm về Chúa, tin ở tình yêu Chúa và từng giây phút đáp lại tình thương của Người.

Phêrô Dương Văn Thạnh
    Giám Quản Gp. Vĩnh Long

GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH, CỘNG ĐOÀN YÊU THƯƠNG

Nhờ sự kết hợp của vợ chồng, hai mục đích của hôn nhân được thực hiện: lợi ích của chính đôi vợ chồng và lưu truyền sự sống. Không thể tách rời hai ý nghĩa hoặc hai giá trị này của hôn nhân mà không làm biến chất đời sống tinh thần của vợ chồng cũng như phương hại đến lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình.    

Như thế tình yêu vợ chồng đòi hỏi người nam và người nữ vừa phải chung thủy vừa phải sẵn sàng đón nhận con cái (GLHTCG, 2363).

"Đấng Sáng Tạo đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và yêu thương của đôi vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân nghĩa là sự ưng thuận cá nhân và không thể rút lại (x. GS 48,1). Cả hai hiến thân cho nhau vĩnh viễn và trọn vẹn. Họ không còn là hai, nhưng đã trở thành một thân thể duy nhất. Khi đã tự do cam kết, hôn ước buộc đôi vợ chồng không được tiêu hủy hoặc lập một hôn ước khác (x. CIC, can. 1056). "Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, thì loài người không được phân ly" (Mc 10,9) (x. Mt 19,1-12 , 1 Cr 7,10-11) (GLHTCG, 2364).

DIỄN GIẢI

TÌNH NGHĨA PHU THÊ

Lời Chúa: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19, 6). X. St 2,18-24; Ep 21-32.

Ý cầu nguyện: Xin cho các đôi vợ chồng Kitô hữu biết sống trọn Giao ước nghĩa phu thê trong tình thân mật, thủy chung, khiết tịnh, hầu cho mầu nhiệm cao cả, Tình Yêu của Đức Kitô - Hội Thánh, không ngừng nhập thể.

Bài ca ý lực: Cả Nhà Thương Nhau (Ca Vang Tin Mừng tr.72)

1. Gia đình - một cộng đồng thân mật trong tình yêu và sự sống - bị tấn công

- Có thể nói gia đình ngày nay đang đi qua khủng hoảng. Sống thử, sống chung không hôn nhân, ngừa thai, phá thai, ly thân, ly dị ngày càng nhiều và trở thành hiện tượng phổ biến. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói con người thời đại ngày nay là con người mang "tâm thức ủng hộ ly dị".

- Nhận định của Liên HĐGM Á Châu 2004 nêu: Những thực tại mới mẻ đang làm lung lay nền tảng ổn định của nhiều gia đình. Nền văn hoá tự do mới toàn cầu đang nổi dậy và hô hào cho cá nhân chủ nghĩa, cho ích kỷ và thèm muốn, cho những lối sống và cách suy nghĩ nặc mùi thực dụng, tục hóa, đang là mối đe dọa cho gia đình. Toàn cầu hóa cũng kèm theo nghèo đói cùng cực, làm gia tăng phong trào di dân ồ ạt. Chiến tranh cùng với những mâu thuẫn tranh chấp đã xua đuổi con người ra khỏi mái ấm gia đình của mình.

Các gia đình đang phải đối đầu với các phương tiện truyền thông xã hội và những chương trình cưỡng bức hạn chế dân số đang gây ảnh hưởng trên các giá trị gia đình. Nạn HIV/AIDS lan tràn, nạn ma túy và hình ảnh khiêu dâm đang hủy hoại các gia đình, đặc biệt lớp trẻ là những người dễ bị băng hoại nhất.

Việc gia tăng các gia đình ly hôn và đổ vỡ là dấu hiệu cho thấy tình trạng rạn nứt trong gia đình. Phá thai và những nỗ lực khác nhằm thao túng sự sống con người đang là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Não trạng ngừa thai đang xói mòn tình yêu hôn nhân chân thật. Tình trạng phụ nữ và trẻ em tiếp tục bị ngược đãi là một nhức nhối. Các giá trị đã từng làm nền tảng cho gia đình đang bị biến mất tới mức báo động.

Hiện trạng đó khơi dậy câu hỏi: sự thật của hôn nhân, gia đình là gì ?

2. Gia đình được xây dựng trên nền tảng cuộc hôn nhân vĩnh viễn và trọn vẹn

- Giáo lý HTCG dạy: đôi vợ chồng làm nên "cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu phu thê, vốn được Đấng Tạo Hóa thiết lập và ban cho những luật lệ riêng. Cộng đồng đó được thiết lập bằng giao ước của đôi phối ngẫu, nghĩa là bằng sự ưng thuận cá vị không thể thu hồi" (GS 48). Cả hai hiến thân cho nhau cách vĩnh viễn và trọn vẹn. Họ không còn là hai, nhưng đã trở thành một thân xác duy nhất. Giao ước đã được hai người ký kết cách tự do, buộc họ có bổn phận phải bảo tồn sự duy nhất và bất khả phân ly của giao ước đó.

"Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19,6).[1]

- Lòng chung thủy diễn tả sự kiên trì tuân giữ lời cam kết, còn là dấu chỉ bí tích của tình yêu Thiên Chúa vốn là Đấng trung tín, của mầu nhiệm cao cả của Giao ước tình yêu của Đức Kitô

- Hội Thánh. Chúa Giêsu đã trở nên mẫu gương cho vợ chồng qua chính đời sống và tình yêu Người dành cho Hội Thánh. Vì thế Thánh Phaolô nói với các đôi vợ chồng hãy noi gương Chúa Giêsu, để hôn nhân của mình có thể trở thành Bí tích cao cả:

"Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. (22) Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, (23) vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. (24) Và như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

(25) Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; [...] Yêu vợ là yêu chính mình. (29) Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, (30) vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. (31) Sách Thánh có chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.

Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh." (Ep 5, 21-32).

3.  Sự thân mật và tình vợ chồng

- Trong hôn nhân, sự ái ân thể xác của đôi phối ngẫu trở thành dấu chỉ và bảo chứng của sự hiệp thông tinh thần. Tính dục không chỉ là cái gì thuần túy sinh học nhưng đụng chạm đến phần thâm sâu nhất của nhân vị. Tính dục chỉ thực sự nhân bản khi nó là một phần để hoàn thành tình yêu, qua đó hai người nam và nữ cam kết hiến thân trọn vẹn cho nhau suốt đời.[2]

Nhờ sự kết hợp trọn vẹn đó của đôi bạn, mục đích của hôn nhân được thực hiện, đó là: lưu truyền sự sống (sinh sản và giáo dục con cái) và đôi bạn yêu thương, nâng đỡ và bổ túc cho nhau. Không thể tách biệt hai ý nghĩa hay giá trị này của hôn nhân.[3]

- Những xúc phạm đến phẩm giá của hôn nhân, làm tổn hại hạnh phúc gia đình cũng là vi phạm giao ước với Thiên Chúa, phản bội Tình yêu. Đó là tội lỗi, như:

. ngoại tình: là không chung thủy vợ chồng. Chúa Giêsu lên án tội ngoại tình, cả khi chỉ là ngoại tình trong ước muốn (x.Mt 5,27-28). Ngoại tình vi phạm cam kết, làm tổn thương dây liên kết hôn nhân, vi phạm quyền của người phối ngẫu kia, xâm phạm thể chế hôn nhân khi vi phạm hôn ước, vốn là nền tảng của thể chế đó[4].

. Ly dị: Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa, là hôn nhân thì bất khả phân ly. Người bãi bỏ những nhân nhượng đã được xen vào trong Luật cũ (Mt 19,7-9). Đối với người Việt ta, phu thê là chuyện trăm năm, rất nghiêm túc và thiêng liêng.[5] Ý thức tính bất khả phân ly của dây hôn phối thành sự, một người phối ngẫu mà bị bó buộc phải chịu ly dị, người ấy không để mình bị lôi cuốn vào một sự kết hợp của quan hệ mới, nhưng chỉ lo sao chu toàn các bổn phận gia đình, và trách nhiệm kitô hữu của mình.[6]

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

1. Thực hành tính dục vợ chồng của anh chị có diễn tả một tình cảm phu thê thâm sâu giữa hai nhân vị hay chỉ là những đáp ứng bản năng?

2.Đâu là những cám dỗ về sự vượt ranh giới, thiếu chung thủy? Anh chị làm gì để vượt qua những khoảnh khắc yếu lòng? Làm thế nào để có thể tha thứ thật sự?

3. Cộng đồng hội thánh nên làm gì để đồng hành với những anh chị em đang sống trong những quan hệ trái phép (ly dị tái hôn dân sự) hay "rối"?

Nguồn: ubmvgiadinh.org

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời:  Anh chị em thân mến,

Gia đình gồm các thành phần yêu thương nhau: vợ-chồng, cha mẹ - con cái yêu thương nhau. Khi yêu nhau, người này ước muốn và xây dựng điều tốt lành cho người kia, họ thực hiện sự lành cho nhau. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa phán: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình trong Hội Thánh, luôn biết yêu mến Chúa, tuân giữ lời Chúa, và luôn tích cực xây dựng gia đình Hội Thánh Chúa.

2.Chúa phán: "Thầy truyền cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong gia đình Công Giáo, luôn biết thực thi lệnh truyền của Chúa, luôn yêu thương và giúp nhau yêu thương.

3.Chúa phán: "Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình Kitô-giáo, luôn yêu thương nhau và làm chứng cho tình yêu Chúa.

4. Thánh Gioan viết: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình cho thế gian". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình trong họ đạo chúng ta, luôn biết chịu khó xây dựng tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa chính là tình yêu. Chúa muốn dựng nên loài người giống Chúa, luôn yêu thương nhau. Xin cho các thành phần gia đình trong Giáo Hội và trong xã hội, luôn biết yêu thương nhau như Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

YÊU THƯƠNG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH

Gia đình là một cộng đoàn yêu thương, vì nếu thiếu tình yêu thì gia đình là một thảm kịch. Như thánh Gioan tông đồ nói: "Thiên Chúa là tình yêu" thì căn bản của đời sống gia đình cũng là thực hiện tình yêu thương trong Chúa. Tình yêu đã được trao ban từ Thiên Chúa xuống cho con người, là loài thụ tạo đã được Ngài dựng nên giống hình ảnh Ngài. Và như thế, dĩ nhiên gia đình phải là nơi tích tụ tình yêu ấy, để con người sống, tồn tại, phát triển và tiếp nối công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa.

Tình yêu có muôn vẻ nhưng cốt lỗi của tình yêu là yêu thương và hy sinh cho nhau

Trong cuộc sống gia đình ngày nay có lẽ hy sinh cho người khác hẳn là bài học khó nhất. Người ta nói lời yêu thương dễ dàng lắm, nhưng khi phải chấp nhận một vài hy sinh để biểu lộ yêu thương thì người ta lại không làm được.

Nhìn vào bất cứ một gia đình bất hạnh nào - nghĩa là một gia đình không hạnh phúc - ta luôn luôn thấy bóng dáng tính ích kỷ của một thành viên nào đó trong gia đình. Chính tính ích kỷ của thành viên này là nguồn gây nên đau khổ trong gia đình. Nếu thành viên ích kỷ ấy là người cha hay người mẹ, thì đau khổ trong nhà sẽ hết sức lớn lao. Gia đình nào càng có nhiều người ích kỷ, gia đình ấy càng bất hạnh. Gia đình mà càng có nhiều người sống quảng đại, biết hy sinh cho người khác, gia đình ấy càng ít bất hạnh. Một gia đình mà mọi thành viên đều quan tâm, chăm sóc và hy sinh cho nhau,  gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.

Thực vậy, trong cuộc sống, có biết bao hy sinh lớn nhỏ vợ chồng con cái trong gia đình có thể thực hiện để tỏ lòng yêu thương nhau. Hàng trăm điều nhỏ nhặt hằng ngày như thế chắc chắn sẽ là hàng trăm cơ hội để nói lên lòng yêu thương nhau, quan tâm đến nhau, để dẹp đi lòng ích kỷ. Nếu mỗi thành viên trong gia đình luôn biết nuôi dưỡng yêu thương, luôn nghĩ dùm cho người khác, luôn hy sinh vì những thành viên khác, thì hẳn gia đình đó đã có hình ảnh của Thiên đàng. Quả thực, hy sinh là thước đo tình yêu.

Thánh Gia Thất là trường đào luyện lòng hy sinh. Các thành viên trong Thánh Gia Thất đều học hỏi, khích lệ nhau sống hy sinh cho người khác. Sở dĩ gia đình Thánh ấy hạnh phúc và thương yêu nhau, vì mọi người đều hiểu ý nghĩa hy sinh và sống hy sinh cho nhau. Luôn nghĩ cho người khác, luôn tìm những hy sinh để tỏ lòng yêu thương người khác.

Gia đình thời nay, nhất là tại những quốc gia văn minh, thường được đào tạo một cách khoa học thay vì đạo đức. Người ta chú trọng đến khoa tâm lý và những kỹ thuật làm cho người khác hài lòng hơn là nhấn mạnh đến ý nghĩa hy sinh của tình yêu thương đích thực. Con cái trong gia đình không được dạy dỗ đủ về ý nghĩa của hy sinh. Trái lại, người ta quá đề cao và tôn trọng cái tôi của con cái đến độ không dám thẳng thắn nói cho con cái biết chúng phải tập sống hy sinh cho người khác. Tính ích kỷ của con cái đã được nuôi dưỡng ngay trong gia đình của chúng rồi. Thực sự để có được nền tảng chắc chắn, chúng ta phải trở về với cuộc sống của Thánh Gia Thất để học hỏi ý nghĩa hai chữ hy sinh nếu muốn hiểu tình yêu đích thực là gì. Hy sinh là cách tốt nhất và thực tế nhất để biểu lộ tình yêu.

Như thế để nói đến hy sinh trong tình yêu, trước tiên ta phải tập sống hy sinh ngay trong gia đình mình là trường đào tạo tình yêu. Gia đình Thánh Gia: Giuse, Maria và Giêsu là trường điểm lý tưởng, nơi đó tinh thần hy sinh, nghĩ cho người khác là môn học chính giúp ta hiểu ý nghĩa đích thực của tình yêu. Quả thực hai chữ hy sinh là phương thức biểu lộ tình yêu đích thực với Chúa và mọi người.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia Thất như tấm gương sáng để mọi gia đình bắt chước. Xin Chúa thánh hóa từng gia đình chúng con.

Xin cho người chồng biết noi gương can đảm của Thánh Giuse, luôn hy sinh sống đời sống đạo đức, làm gương cho vợ con, can đảm chấp nhận Thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Xin cho người vợ biết noi gương Mẹ Maria: luôn biết hy sinh cho chồng, cho con, chung thủy trong tình yêu, chung tay xây dựng gia đình và giáo dục con cái.

Xin cho các bạn trẻ đang lớn lên, biết noi gương Chúa Giêsu ở Nagiaret, luôn biết hy sinh chăm chỉ làm việc, học hành, hiếu thảo với cha mẹ và lắng nghe những hướng dẫn của các ngài để trở nên những người con tốt cho gia đình và xã hội.

 

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

VẠ TUYỆT THÔNG LÀ GÌ?

Để trả lời cho câu hỏi "Vạ tuyệt thông là gì?", chúng ta cần tìm hiểu tín điều "Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế nầy, các thánh thông công" (kinh Tin Kính các Tông Đồ), thì mới hiểu "Vạ tuyệt thông" được rõ ràng hơn. 

1. Các thánh thông công.

Trên nguyên tắc, tất cả những ai được rửa tội, đều là thánh, vì đã được sạch tội tổ tông và tội riêng (từ khi sinh ra cho tới lúc lãnh nhận bí tích rửa tội, nếu là người lớn), được gia nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Trong Nhiệm Thể nầy, mỗi chi thể thông hiệp với nhau, vì cùng chung một Nhiệm thể của Chúa Kitô, Người là Đầu (x.GLCG. 92, 947). Nên:

Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời - đã được lên thiên đàng hay còn đang ở luyện tội - đều có thông hiệp mật thiết. Đó là tín điều Các Thánh thông công.

- Các tín hữu còn sống làm thành Giáo hội lữ hành.

- Các Thánh trên thiên đàng làm thành Giáo hội khải hoàn.

- Các linh hồn trong luyện tội làm thành Giáo hội thanh luyện.

Các tín hữu tôn kính, cầu xin Các Thánh. Còn Các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa.

Các tín hữu làm việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn. Còn các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu còn đang sống.

Các tín hữu đều thông công với nhau: mỗi người đều có quyền hưởng nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của tất cả những người khác (x. SGL CG 92, 946-959). Hiểu như vậy, từ đây, chúng ta đi sang phần vạ tuyệt thông.

2. Vạ tuyệt thông.

Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo hoàn vũ dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội và ngoan cố không chịu sửa đổi hay sám hối. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người đó bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội.

Theo Giáo luật có hai hình thức vạ tuyệt thông:

Vạ Tuyệt thông tiền kết và Vạ Tuyệt thông hậu kết.

1. Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ (ipso facto), không cần Giáo hội phải ra công bố, nhưng nếu có công bố thì đó là một tội phạm công khai, để ngăn chặn những hệ luỵ xấu đi kèm. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết. Các vạ đó là:

1. Người bỏ đạo, rối đạo hay ly khai khỏi Giáo hội, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết (đ.1364§1).

2. Ai ném bỏ Mình Máu Thánh Chúa, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ. 1367).

3. Người nào hành hung Đức Giáo hoàng sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1370§1).

4. Người phá thai trực tiếp (đ.1398), hay người đồng lõa: như chỉ chỗ, giúp phương tiện và việc phá thai có kết quả (đ.1329§2), sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.

Những tội mà một giáo sĩ có thể vi phạm:

5. Giải tội cho người đồng phạm chiếu theo điều 977, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1378§1).

6. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1388§1).

7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư Giáo hoàng mà phong chức Giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do Giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1382).

Trong bảy qui định vạ trên đây, có năm loại vạ tuyệt thông chỉ được giải do chính Tòa thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do Giám mục giáo phận hay những linh mục được ủy thác.

2. Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội sau khi vi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố hay phán quyết.

3. Quyền phạt và tha vạ tuyệt thông

1. Vạ tuyệt thông hậu kết chỉ ràng buộc phạm nhân sau khi vạ được tuyên án. Một Giám mục có thể ra vạ tuyệt thông hậu kết cho người ngoan cố không chịu sửa lỗi nặng đã được cảnh cáo. Nếu chịu hối lỗi thì Giám mục có thể tha vạ này.

2. Vạ tuyệt thông tiền kết nghĩa là đương nhiên bị vạ này khi phạm một trong những tội hay lỗi nghiêm trọng ghi trên đây, chỉ có Giáo hoàng hay những người được luật quy định mới giải vạ này.

Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử thì bất cứ linh mục nào cũng được phép tha mọi tội và giải vạ tuyệt thông tiền hay hậu kết.

Giáo luật nói rõ những hậu quả của vạ tuyệt thông như sau:

- Không được cử hành hay lãnh nhận mọi bí tích kể cả á bí tích của Giáo hội.

- Đối với giáo sĩ và tu sĩ: không được hành xử mọi chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào cũng như bị cấm hưởng dùng các đặc ân đã được ban cấp trước đó.

Người mang vạ tuyệt thông là người tự tách mình ra khỏi mọi hiệp thông với Giáo hội.  Cho nên, chính họ không được lãnh nhận hay cử hành mọi bí tích là nguồn cội của sự thông hiệp vào Nhiệm Thể Chúa Kitô trong yêu thương và hiệp nhất. Vì thế, họ tạm thời ở bên ngoài Giáo hội cho đến khi vạ được tha bởi người có thẩm quyền trong Giáo hội.

Hình phạt chỉ là biện pháp sau cùng, sau khi đã sửa sai trong tình huynh đệ, đã cảnh cáo.... nhưng vẫn không có kết quả nên phải áp dụng hình phạt. Khoản Giáo Luật 1341 cũng nói rằng: Đấng bản quyền Giáo phận là Đấng có thẩm quyền để áp dụng hình phạt nhằm: tái tạo công bình - hàn gắn hậu quả những tai hại và hoán cải phạm nhân.

Vạ tuyệt thông, dù là hình phạt nặng nhất của Giáo hội, nhưng không có nghĩa là lời kết án vĩnh viễn cho ai phải ra khỏi sự hiệp thông với cộng đồng Dân Chúa. Mà chỉ là hình phat dược hình (phương thuốc chữa bệnh). Nghĩa là Giáo hội vẫn mở rộng cửa để đón nhận trở lại những ai phạm tội có thiện chí ăn năn, và xin được tha tội. Vì thế, theo Giáo hội hình phạt này chỉ tạm thời cho những người ngoan cố không chịu ăn năn, sửa lỗi.

TRANG LINH MỤC

YÊU THƯƠNG TRONG CHÂN LÝ

Khi ra vạ tuyệt thông có phải Giáo Hội  quá khắt khe, thiếu tình thương? Nhưng thế nào là tình yêu đích thực? Liệu người ta có thể sống yêu thương mà không ở trong chân lý được không?         

Giáo hội "là gia đình của các gia đình", các thành viên trong giáo hội tuy không có chung huyết thống, nhưng có chung một Người Cha trên trời. Đặc biệt khi tham dự Thánh Lễ và rước lễ mọi người cùng ăn một bánh và uống chung một chén, nên chúng ta làm nên một thân mình; Chúng ta chung máu thịt chung huyết thống theo nghĩa đức tin. Hơn ai hết mọi người trong Giáo Hội  phải yêu thương nhau vì đó là lệnh truyền của Chúa và là dấu người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài.

Khi nói tới yêu thương, chúng ta thường nghĩ tình yêu theo nghĩa tình cảm, mà ít khi nghĩ đến tình yêu đích thực, tình yêu trong chân lý. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu nhưng Ngài cũng là Thần Chân Lý  và Chúa Giêsu cho biết "Sự Thật sẽ giải thoát các con".

Nhìn lại kinh nghiệm thực tế để thấy rõ hơn.  Giả như người mẹ thương con theo cảm tính, nó đòi gì cũng cho, muốn gì cũng được, thì thử hỏi tình yêu đó sẽ dẫn con mình đến đâu? Nhiều đứa con được thương theo kiểu đó và kết thúc là nhà tù, sì ke matúy... Có nhiều tình thương đấy nhưng không có sự thật.  Giả như Cha Giám Quản, Đấng Bản Quyền Giáo Phận Vĩnh Long cứ để cho cha Phêrô Tường nói gì thì nói, giảng gì thì giảng, dù điều đó đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội; Vậy thì Cha Giám Quản thương cha Tường hay làm hại cha Tường. Tình yêu ở đâu? Tình yêu không có sự thật nguy hiểm vô cùng.

Là con trong sự thật, đừng yêu nhau gian dối. Sống trong sự thật, đừng để sai lầm làm biến dạng tình yêu đích thực.  Khổ một nỗi tâm lý tự nhiên của con người , mình dễ đón nhận tình yêu , khi tình yêu đó phù hợp với sở thích của mình. Còn khi tình yêu đó thể hiện qua sự thật, trái ngược với sở thích tự nhiên của mình, thì mình không dễ khám phá đó là tình yêu.

Thế chúng ta đi tìm sự thật ở đâu?

Chúng ta đón nhận Thần Chân Lý từ nơi Chúa Cha nhưng qua Giáo Hội, cụ thể là nơi Đấng Bản Quyền Giáo Phận. Đây là lý do sâu xa để người công giáo lắng nghe vâng phục Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục. Chúng ta vâng phục các ngài vì chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần hiện diện và hành động qua các ngài. Nên tôi lắng nghe vâng phục không phải nghe tiếng các ngài mà Thánh Thần Chân Lý Mạc Khải cho tôi. Đây là điều hết sức quan trọng mà nhiều khi chúng ta quên.

Khi Giáo Hội ra vạ tuyệt thông, nhìn bên ngoài là một hình phạt xem ra khó đón nhận, nhưng ở bên trong là tình yêu trong sự thật của Giáo Hội nhằm giúp người bị vạ thức tỉnh,  cầu nguyện sám hối trở về với nẻo chính đường ngay. Như một bà mẹ dạy con, dùng hình phạt để răn đe con mình khi con không chịu nghe lời, ai dám bảo  rằng bà mẹ ấy không thương con mình.

TRANG TU SĨ

THƯƠNG CON CHO ROI CHO VỌT

Là con áp út trong gia đình 05 anh chị em, nó thường mặc cảm không được mẹ thương bằng em út, vì những việc nó làm thường không được mẹ khen mà chỉ được "tiếng la". Lắm lúc nó tự nghĩ "không biết mình có phải là con ruột của Ba Mẹ hay không?"... Nhưng mà cũng là do nó không được ngoan như em út, em ấy là con trai duy nhất trong gia đình nên được mẹ hết mực cưng chiều, từ đó làm cho nó càng thêm ghét em mình và tìm cách "bắt nạt" khi không có mẹ bên cạnh em. Một lần nó đi chơi với đám bạn trong xóm, em út cũng lẽo đẽo theo sau, nhưng nó cương quyết không cho em út đi cùng nên rủ đám bạn chạy thật nhanh để em út không theo kịp, chạy một lúc mệt, nó ngừng quay lại xem thì vẫn thấy em út xa xa đi về hướng nó và nhóm bạn của nó. Lúc đó nó cảm thấy thương em nó quá, nhưng sực nhớ lại vì em mà nó thường hay bị mẹ đánh đòn nên trong lòng lại càng thấy giận. Đã rất nhiều lần nó ức hiếp em để giành những phần tốt cho mình, thậm chí nó mong muốn nhìn xem em mình bị đánh đòn....

Rồi một ngày kia, nó bị Ba nổi giận vì tội dám bỏ học đi chơi, nghe thấy Ba đang tức giận như vậy em út không nói tiếng nào vội vàng chạy đi tìm nó, để giúp nó tránh cơn mưa đòn của Ba:

Ba nói chị trốn học đi chơi nên đang đợi chị về đánh đòn kìa

Trốn học gì chớ? Chưa tới giờ học mà đi cái gì? Lúc đó nó còn rầy em út vì tưởng em nói láu để gạt nó về nhà, nhưng nhìn vẻ mặt như sắp khóc của thằng út nên nó vội theo em về nhà nhưng không đi cửa trước mà rón rén ở phía sau nhà. Đúng là Ba đang nổi giận, giờ này mà ra thì coi như "nộp mạng", làm sao bấy giờ?... Nhìn vẻ mặt lo sợ bối rối của nó, em út nói:

-  Chị đứng đây đi để em vô nói với Ba là chị đi học rồi

-  Ừ, được đó. Sẵn mày lấy dùm tao cái cặp trên bàn và đôi dép luôn nghen.

Rồi thằng út chạy vội vô nhà nói với Ba như phân trần:

- Ba ơi, chị đi học rồi. Lớp của chị hôm nay lao động vệ sinh sân trường hay gì đó...

- Đi hồi nào sao không nói với Ba đi tiếng nào vậy?  cái xe đạp còn đây nó đi bằng cách nào?

- Hình như chị Vân bạn của chỉ tới chở đi chung.

Lần đó trở đi nó nhìn thằng út với ánh mắt khác, không còn ganh ghét oán hận, mà thay vào đó là sự quan tâm thương mến. Cũng vậy, những suy nghĩ bấy lâu về Ba mẹ vốn đã đối xử không công bằng với nó, dần dần những khúc mắc trong lòng nó cũng được hóa giải. Thật ra, Ba mẹ và anh chị em đều rất thương yêu nó, chỉ tại tính khí nó quá ngang bướng nên mới hay bị la rầy, thậm chí bị đánh đòn... chính điều này làm trái tim non nớt của nó hiểu sai lệch, và nghĩ rằng vì Ba mẹ không thương nên mới đánh đòn. Và hơn bao giờ hết nó cảm nhận tình thương của gia đình khi nó bước chân vào Nhà Dòng, nơi đã dạy cho nó thấu hiểu hơn thế nào là ơn nghĩa sinh thành cao dày rộng lớn, để nó cảm nghiệm tình thương của gia đình là sức mạnh giúp nó vượt qua những khó khăn thử thách. Bây giờ nó mới thấm thúy câu nói của người xưa: "thương con cho roi cho vọt".

Bạn thân mến, cách thức để thể hiện tình yêu không chỉ bằng những cử chỉ yêu thương - chăm sóc, nhưng đôi khi cũng cần phải sửa dạy bằng cách "đánh đòn" để cho con nên tôt hơn. Chắc hẳn những bậc làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái nên người, hòa thuận yêu thương nhau, nhưng để tạo bầu khí ấm áp trong gia đình, hài hòa đồng thuận giữa cha mẹ - con cái và anh chị em với nhau, thì đòi hỏi mọi thành phần trong gia đình phải có tình yêu và sự kiên nhẫn. Hãy dùng nhiều thời gian quan tâm chăm sóc lẫn nhau, để gần gũi - thấu hiểu và cảm thông  mọi cảm xúc vui buồn giữa hai thế hệ, hơn là âm thầm chịu đựng tự mình giải quyết và rồi không đi đúng hướng.

Đặc biệt, hãy đặt Chúa làm trung tâm đời sống gia đình bạn, để Người gìn giữ hướng dẫn và giúp bạn thực hiện bổn phận của một người Kitô hữu, siêng năng tham dự Thánh Lễ, để kín múc nguồn ân sủng của Thiên Chúa sẽ đổ dạt dào xuống cho gia đình bạn.  Bên cạnh đó, các giờ Kinh gia đình cũng là phương thế hữu hiệu giúp cho gia đình bạn đón nhận Ơn  Thánh, tạo bầu khí đạo đức, bình an, thuận hoà và đầm ấm cho mọi người trong nhà.

MTG Cái Nhum

GIA ĐÌNH VÀ ƠN GỌI

Theo Công Đồng Vatican II, gia đình là một cộng đoàn yêu thương (x. Gaudium et Spes 47), là nơi phát sinh tình yêu có nền tảng là hôn nhân, mảnh đất tốt để nảy sinh những hoa trái tình yêu là con cái.  Chính Con Thiên Chúa khi xuống thế làm người cũng đã trải qua đời sống gia đình.  Nơi gia đình Nazareth, Chúa Giêsu được sinh ra, nuôi nấng, dưỡng dục bằng tình yêu thương vô bờ bến của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Người là trung tâm điểm để từ đó tình yêu được lan tỏa và cũng là hồn của mọi hoạt động trong đời sống của hai ông bà.  Dù là Con thiên Chúa, Người vẫn giữ trọn đạo làm con trong gia đình: rất mực yêu thương vâng phục cha mẹ.  Gia đình Ba Đấng Thánh đó thật sự đã trở nên mẫu gương trọn hảo cho các gia đình về tình yêu, lòng hy sinh, sự chia sẻ trao ban.

Sống trong gia đình phải có tình yêu: vợ chồng yêu thương nhau, cha mẹ yêu con cái, con cái thảo kính cha mẹ, anh chị em mến thương và quan tâm đến nhau.  Người Công giáo chúng ta có kim chỉ nam là điều răn Chúa "hãy thảo kính cha mẹ" và mẫu gia đình Nazareth để noi gương bắt chước.  Chúng ta có nhiều cơ hội để tạo hình ảnh đẹp, ấn tượng tốt cho xã hội đầy nhiễu nhương hôm nay về tình yêu thương chân thành, sự gắn bó bền chặt, và hiệp nhất sâu xa giữa những thành viên trong cộng đoàn gia đình với nhau. Và cho dù đến bất cứ nơi nào, chúng ta vẫn có thể gieo rắc tình thương cho mọi người.

Trong một buổi thảo luận về "bí quyết giúp nuôi dưỡng ơn gọi" trong cộng đoàn, một chị lớn nhất trong nhóm đã chia sẻ như sau: chị may mắn được hấp thụ một truyền thống sống đạo tốt trong một gia đình Công Giáo vùng quê nghèo.  Từ nhỏ, chị đã được dạy phải sống yêu thương và quan tâm đến người khác.  Cha mẹ chị rất khắt khe trong việc giáo dục con cái. Trong gia đình, anh chị em luôn răm rắp tuân theo những quy định chung. Thí dụ như: khi được người lớn hơn hỏi, chữ đầu tiên trên môi phải là "dạ" hoặc "thưa" trước, nếu không, phải lập lại câu nói; hoặc muốn đi chơi với bạn thì phải xin phép cha mẹ và nói rõ bạn tên gì, nhà ở đâu, khi nào cha mẹ đồng ý mới được đi... và nhiều điều tương tự. Nếu không giữ được thì sẽ bị "ăn đòn" hay ít nhất cũng bị phạt cùng với một bài học. Lúc đó, chị chỉ cảm thấy bị ràng buộc, không thoải mái như chúng bạn: thích đi đâu thì đi, muốn nói sao cũng không ai rầy la... mà không hiểu được rằng: vì thương mà cha mẹ mới răn đe để chị được nên người tốt.

Cho đến một ngày, chị quyết định đi tu, người bạn thân nhất đã nói với chị: "Mày suy nghĩ kỹ lại đi. Đi tu rồi, mày sẽ bỏ lại cha mẹ và mọi người, không làm tròn bổn phận của một người con, sau này không chăm lo cho cha mẹ lúc tuổi già được!" Lúc đó chị cũng rất hoang mang. Nhưng tiếng nội tâm cứ thôi thúc, cộng với ý chí hiến dâng đời mình cho Chúa đang cháy bỏng trong chị...  Gạt nước mắt từ giã người thân, chị bước theo tiếng gọi của Đấng là Tình yêu, mang theo hình ảnh cùng với tình thương yêu cha mẹ và anh chị em dành cho mình.

Chị tâm sự: "Đã gần bốn mươi năm kể từ ngày rời gia đình để sống đời tu trì trong Hội Dòng Mến Thánh Giá này, hình ảnh những người thân yêu không khi nào phai mờ trong tâm khảm chị. Chị đã khám phá ra rằng, khi đi theo Chúa trong đời tu, mình đã không bỏ cha mẹ hay giảm bớt tình thương yêu đối với người thân. Trái lại, chị càng yêu mến gia đình và cha mẹ nhiều hơn bằng lời cầu nguyện."  

Theo chị, khi tập sống theo đòi hỏi của Lời khuyên Phúc Âm, nhất là tình yêu thương trong đời sống cộng đoàn, thì bài học từ gia đình đã giúp chị rất nhiều. Những quy định có vẻ gắt gao trong gia đình đã gợi hứng cho chị trong việc giữ luật dòng và ba lời khấn. Chị đã nhận ra giá trị của những hy sinh, sự giáo dục khắt khe từ cha mẹ, sự quan tâm nhau giữa anh chị em... là tình thương lớn lao, là động lực tinh thần và sức mạnh để chị tiến bước. Mỗi khi gặp thử thách về ơn gọi, những lời dạy của mẹ, những cái nhìn động viên của cha đã giúp chị kiên cường hơn. Nơi Hội Dòng - gia đình thứ hai của chị, chị đã có thể trải lòng ra để yêu thương chị em như đã yêu thương cha mẹ và anh chị em mình. Và như vậy, khi càng tha thiết với đời tu, chị càng yêu thương gắn bó với gia đình; càng yêu mến gia đình, chị càng sống hết mình để thể hiện tình yêu thương đó trong đời tu. Và đây là điều mà người tu sĩ cần học hỏi.

Yêu thương nhau là điều cốt yếu để gia đình được hạnh phúc, vì chỉ có tình yêu mới có sức biến đổi.  Nếu các gia đình Công giáo luôn để cho tình yêu Chúa ngự trị, thì Giáo hội và xã hội sẽ bớt đi những điều đau lòng làm phương hại đến nhân phẩm con người và tê liệt sức sống của thế giới hôm nay.

Xin Ba Đấng Thánh của gia đình Nazareth luôn che chở, gìn giữ và hướng dẫn các gia đình, nhất là các gia đình Công giáo trong Giáo phận Vĩnh Long chúng con, biết sống theo mẫu gương yêu thương của các Ngài, để kéo tình thương Chúa xuống trên thế giới chúng con, một thế giới đang thiếu vắng tình thương.

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

NGHỊCH LÝ CỦA ĐỜI TU

Nhìn từ bên ngoài, người ta luôn thấy đời tu rất đẹp, hệt như một Thiên Đường tại thế. Suốt ngày cất cao giọng hát ngợi khen Chúa, vui vẻ với những công việc tầm thường như việc cắt cỏ trồng rau, không một chút bon chen với cuộc đời, không phải lắng lo chuyện gia đình, con cái, không ganh đua với danh vọng cao sang.

Nhìn những vị tu sĩ cao niên đắc đạo, miêng lúc nào cũng nở những nụ cười tươi, không quần áo sang trọng, không vàng bạc trữ kho, nhưng tâm hồn lúc nào cũng bình yêu thư thái, lối hành xử luôn chậm rãi khoan thai, không hờn ai, không trách cứ, đó quả thực là điều nhiều người ước mong. Rồi những tấm gương hy sinh cả một đời giúp đỡ những người cơ nhỡ, người nghèo, hay những ai bị cuộc đời ruồng rẫy, họ làm việc như thể đó là niềm vui, cho đi mà chẳng mong gì đền đáp, bao lụy phiền của nhân tình thế thái chẳng thể bám víu trái tim họ. Đời tu quả là tươi đẹp, là dấu chỉ của Nước Chúa hiện diện ở trần gian.

Thế nhưng, chỉ có những ai sống trong đời tu mới có thể hiểu rõ được sống đời tu thật không dễ tí nào. Để có thể trở nên một cây cổ thụ sừng sững uy phong, nó đã phải trải qua không ít những gian nan thử thách. Cây nào chịu đựng được thì lớn lên; cây nào không đủ sức thì gục ngã. Đời tu tuy đẹp đấy, nhưng để có thể sống trọn vẹn lý tưởng này, chẳng con người nào có thể tự sức mình mà sống được. Ấy là bởi vì sống đời tu là sống giữa nghịch lý vô cùng căng thẳng của kiếp người.

Người đi tu là người sống giữa thế gian nhưng không được để mình bị thế gian đụng đến. Họ người có đôi chân chạm đất nhưng đầu thì hướng thẳng về trời cao. Họ phải sống trong cuộc đời nhưng lại bị xem là người ở cõi khác. Họ chọn đời hiến dâng không phải để trốn đời, hận đời, nhưng là để vào đời và yêu mến đời nhiều hơn. Người đi tu cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp như ai kia, nhưng phải chọn lấy cho mình phần kém nhất.

Họ phải trải rộng tình thương của mình cho người khác, nhưng lại không được để một người nào đó được phép yêu mình. Họ phải yêu người nhưng không được giữ lại riêng cho mình một ai. Họ yêu nhưng không được nắm giữ.

Ai cũng mong muốn mình có một bến đỗ dừng chân, nơi một mái ấm nhỏ, có tiếng cười của con thơ. Nhưng người đi tu thì phải vượt trên mong muốn ấy. Họ có đôi bàn chân không bao giờ ngừng bước. Họ như ngọn gió ngao du khắp núi rừng, băng qua biển khơi. Chẳng nơi đâu là nhà nhưng cũng chẳng nơi đâu là xa lạ. Nơi họ đặt chân đến là quê hương, là cuộc sống của họ... Họ không được đậu neo ở điểm dừng nào, không được để lòng lưu luyến ai hay bất cứ nơi đâu, nhưng phải thanh thoát và tự do với mọi sự. Nơi con tim của người đi tu chất chứa đầy những tâm tư sâu kín. Họ có yêu ai không, không ai biết; họ có ghét ai không, chẳng ai hay; họ có nóng giận, buồn phiền với ai không, không ai tỏ. Dù bên trong có thế nào, điều mà họ thể hiện ra bên ngoài phải là niềm hạnh phúc, phải là niềm vui, phải là dấu chỉ của Nước Trời.

Đó là lý tưởng đẹp, nhưng cũng là điều không phải dễ mà sống được. Sống giữa căng thẳng luôn làm người ta như muốn xé nát con người mình làm đôi. Làm sao giữa dòng đời vạn biến, tâm mình vẫn không động, vẫn yên vui? Làm sao giữa một thế giới đang hô hào chuyện hưởng thụ vật chất, sống trụy lạc và tự do cá nhân, mình lại chủ trương chọn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục người khác? Có những tu sĩ đã vì những xu hướng và thúc bách cá nhân đưa đẩy, lại thiếu đi sự kết hiệp với Chúa nên đã dần dần đánh mất đi lý tưởng tuyệt vời và cao quý của đời tu.

Trong giờ phút này, chúng ta hãy dành ít phút cầu nguyện cho những vị ấy:

Trước hết, chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đang đứng trước chọn lựa giữa đời tu và đời sống bình thường. Xin cho họ được ơn soi sáng để có thể bình tâm chọn lựa điều nào hợp với thánh ý Chúa cho cuộc đời mình.

Chúng ta cũng xin Chúa đến kề bên và nâng đỡ những tu sĩ nào đang bị ngả nghiêng theo cơn gió cuộc đời. Xin cho họ biết chạy đến với Chúa khi tâm hồn có chút gợn sóng nhân gian để được ủi an và thêm sức, chứ đừng tìm bù trừ nơi những niềm vui thế tục, nơi những vật chất, tiện nghi. Xin Chúa giúp cho các tu sĩ biết tìm hạnh phúc nơi những hy sinh và thập giá, chứ không phải nơi bạc tiền và danh vọng.

Xin cho các tu sĩ nhận ra rằng biết bao linh hồn đang cần họ đi tới và chia sẻ; có rất nhiều người đang nhìn đến đời sống phục vụ vô vị lợi của họ mà mà tạ ơn Chúa và nhờ đó có thêm nghị lực đứng lên làm lại cuộc đời. Xin cho họ đừng vì ích kỷ cá nhân và quên đi lời gọi mời cao quý Chúa đã dành cho họ.

Xin cho các tu sĩ, mỗi ngày nên giống Đức Giêsu Kitô vác thập giá - mẫu gương đời sống dâng hiến của họ hơn.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ  
Nguồn: dongten.net

TRANG THIẾU NHI

MÁ, CON VÀ...

Tôi nghĩ, đôi khi vô tình tôi làm má buồn.

Như chiều qua, tôi nói lúc này tóc con bị rụng quá trời, coi trên Internet người ta dạy mua thuốc này sẽ bớt. Hay sáng hôm kia khi giỡn với nhóc con, phát hiện ra lưỡi nó bị nấm đóng dày, tôi mở máy tính, xong gật gù, trên mạng người ta kêu mua thuốc x thuốc y, hoặc hái lá a, lá b giã lấy nước rơ lưỡi, nhóc sẽ khỏi.

Có lần tôi khoe vài bí quyết nấu ăn, cách trị cơm khét, má ngạc nhiên, mèn ơi trên mạng có đủ thứ hết trơn hả? Tôi cười khoái chí, gì cũng có má à, trên trời dưới đất, muốn biết gì cứ gõ vài ba chữ là mạng cho mình biết tuốt. Má nói ngộ quá, cái mạng là cái gì mà hay dữ ta. Giọng má không một chút ngậm ngùi, nhưng bỗng dưng tôi nghĩ má ngậm ngùi.

Là vì má đang ở bên tôi, nhưng khi bối rối và ngơ ngác tôi đã không hỏi má. Sống bảy chục năm dài, trải qua bao nhiêu biến cố, má vén khéo đảm đang, chèo chống gia đình nuôi nấng mấy chị em tôi khôn lớn, phải nói là má biết nhiều, rất nhiều. Nhưng tôi không hỏi má, tôi chạy tới Internet, gọi "vừng ơi...", và đôi lúc khoe khoang những kiến thức mà má đã rành rẽ lâu rồi.

Một phần ý nghĩa của mối quan hệ già - trẻ là cho - nhận, dạy - học... nhưng giá trị đó đang ít nhiều thay đổi. Sự mất mát rất từ tốn không nhận biết ngay được, cho đến khi đủ lớn và sâu, người ta mới giật mình, sực nhớ ra lúc này mình nói bằng ngón tay nhiều hơn bằng miệng, nhìn màn hình máy tính hay điện thoại nhiều hơn nhìn người. Sực nhớ có thể má đã buồn, má sống nhiều nhưng những trải nghiệm mà má đang gìn giữ, tôi không ngó ngàng tới.

Như thể tôi là tôi khác, không phải con bé đen nhẻm hồi lên bảy lên mười, đi vào cuộc đời bằng cánh cửa do má mở, suốt ngày má ơi cái kia để làm gì, má ơi cái này tại sao... Ngày tôi về nhà chồng, má không dám đi đâu, suốt ngày chực chờ bên điện thoại, vì tôi hay gọi về hỏi, má ơi kho cá bằng muối hay nước mắm, nấu canh chua bằng me hay bằng giấm, con lỡ làm cơm khét, giờ biết làm sao?

Hồi đó má ở xa chỗ tôi chừng mười lăm cây số, nhưng má chỉ cách tôi một hồi chuông điện thoại. Băn khoăn chút chút, nghi ngại chút chút, lo lắng chút chút... tôi lại nghĩ tới má. Và má luôn có câu trả lời. Như bà ngoại luôn có câu trả lời cho má. Như bà cố luôn có câu trả lời cho ngoại. Người ta cứ sống vậy, già rót đầy cho trẻ, đi trước dẫn đường cho đi sau, tưởng đâu nối tiếp hoài hoài.

Nhưng khi nền tảng ứng xử giữa người và người lung lay bởi quá nhiều phương tiện hiện đại, tôi cũng buông lơi bàn tay má. Ngụp lặn trong biển thông tin mà tôi tin với chúng, tôi sẽ xử lý tốt mọi tình huống xảy ra với cuộc đời mình. Tôi quên, má không biết nơi lạnh nhất vũ trụ nhưng má có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ con lớn mau. Má không biết cách diệt virus máy tính nhưng bẫy chuột là số một. Má không biết viết blog nhưng nấu ăn rất ngon. Nhưng tôi quên. Má, như những người già khác, đôi lúc nào buồn tênh trong ý nghĩ mình đang sống thừa, tàn lụi không tăm tích.

Tôi còn giữ hình ảnh của những ông bà già nước Hàn xa xôi mà tôi đã gặp trên đường, trong công viên hay ở ga tàu điện. Những người buồn rượi. Những người trầm mặc, vật vờ như bóng. Người bạn của tôi nói đất nước anh càng phát triển càng hiện đại thì người già càng cô độc, hai thế hệ già - trẻ hầu như không còn chuyện gì chung để nói với nhau. Khi chụp ảnh những gương mặt sầu muộn đó, tôi luôn nhớ tới má, thầm so sánh và khoái chí vì má gọn gàng lanh lợi hơn họ, má tươi tắn vui vẻ hơn họ, dù má nghèo, thiếu thốn hơn họ.

Nhưng giờ tôi biết má cũng buồn, bởi nhiều lúc tôi bỏ bà một mình ở nơi cũ, thời gian cũ để một mình tôi đi vào thế giới ảo đầy quyến rũ. Nó sẵn sàng xoa dịu, đưa ra những lời khuyên khi tôi than vãn đầu gối tôi mỏi, con mắt tôi bỗng nhiên mờ, vùng thắt lưng nghe nhói, cái đầu đau...

Riêng trái tim thường chẳng hết đau nếu chỉ nhận được những lời an ủi thao thao, bạn hãy quên bạn hãy vui, phải này phải kia... nên có lần đem trái tim đau lên mạng thở than, chớ hề nhận được cái khăn lau nước mắt. Những lúc đó nhớ má quá .............

Không biết, khi tôi đi rất xa và quay lại, má còn bao nhiêu thời gian để bao dung đứng chờ?!

Nguyễn Ngọc Tư
(http://baodanang.vn/vn/danangcuoituan/22282/index.html)

TRANG GIỚI TRẺ

Bài Giáo Lý IV Về Kinh Tin Kính Của ĐTC Phanxicô

Ý Nghĩa việc Trở Lại của Đức Kitô

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ tư của ĐTC Phanxicô về Năm Đức Tin trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ tư ngày 24 tháng 4 năm 2013. Hôm nay Ngài tiếp tục loạt bài về Kinh Tin Kính mà ĐTC Bênêđictô XVI đã bắt đầu.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Giêsu "sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết." Lịch sử nhân loại bắt đầu với việc tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và kết thúc với cuộc phán xét cuối cùng của Đức Kitô. Chúng ta thường quên hai thái cực này của lịch sử và hơn hết, đôi khi đức tin vào việc trở lại của Đức Kitô và cuộc phán xét cuối cùng không được rõ ràng và vững chắc trong con tim của các Kitô hữu. Trong đời sống công khai của Người, Chúa Giêsu thường chú tâm vào thực trạng của việc trở lại lần sau hết của Người. Hôm nay tôi muốn suy niệm về ba đoạn văn trong Tin Mừng có thể giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm này: đó là đoạn về mười trinh nữ, nén bạc và cuộc phán xét cuối cùng. Tất cả ba đoạn này đều là một phần của bài giảng về ngày tận thế của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Matthêu.

Trước hết, chúng ta hãy nhớ rằng với biến cố Thăng Thiên, Con Thiên Chúa mang nhân tính của chúng ta mà Người đã mặc lấy lên cùng Cha Người, và Người muốn kéo mọi người đến với Mình, mời gọi toàn thể thế giới đến để được chào đón nơi vòng tay rộng mở của Thiên Chúa, ngõ hầu, ở cuối lịch sử, toàn bộ thực tại sẽ được dâng lại cho Chúa Cha.

Nhưng có "thời gian chuyển tiếp" này ở giữa cuộc cuộc xuống thế lần thứ nhất và cuộc trở lại lần sau hết của Đức Kitô, đó chính là thời gian mà chúng ta đang sống. Dụ ngôn mười trinh nữ (x. Mt 25, 1-13) nằm trong chính bối cảnh "chuyển tiếp" này. Mười thiếu nữ đang chờ đợi sự xuất hiện của chàng rể, nhưng chàng đến chậm và các cô ngủ thiếp đi. Khi được bất ngờ thông báo rằng chàng rể đến, tất cả các cô đều sẵn sàng để đón chàng, nhưng trong lúc năm cô trong họ, các trinh nữ khôn ngoan, có dầu để đốt đèn của mình thì những cô khác, các trinh nữ khờ dại, bị bỏ lại vì đèn không đốt được, bởi các cô không có dầu; và trong khi các cô đi kiếm dầu thì chàng rể đến, và các trinh nữ khờ dại nhận ra rằng cửa dẫn vào tiệc cưới đã bị đóng.  Các cô kiên trì gõ cửa, nhưng đã quá muộn, chàng rể trả lời: Tôi không biết các cô. Chàng rể là Chúa, và thời gian chờ đợi Người đến là thời gian Người ban cho chúng ta, cho tất cả chúng ta với lòng thương xót và kiên nhẫn của Người trước ngày trở lại sau hết của Người, đây là thời gian canh thức; thời gian trong đó chúng ta phải tiếp tục đèn đức tin, cậy, mến được thắp sáng, thời gian mà chúng ta cần phải giữ cho tâm hồn rộng mở với chân thiện mỹ; một thời gian để sống theo Thánh Ý Thiên Chúa, vì chúng ta làm không biết ngày, cũng như không biết giờ trở lại của Đức Kitô. Điều được đòi hỏi nơi chúng ta là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này - chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ tuyệt đẹp, cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu - điều ấy có nghĩa là có khả năng nhìn thấy những dấu chỉ của sự hiện diện của Người, giữ cho đức tin của mình được sống bằng cách cầu nguyện, các bí tích, phải cảnh giác để đừng ngủ quên, đừng quên Thiên Chúa. Đời sống ngái ngủ của Kitô hữu là một cuộc sống buồn tẻ, không phải là một cuộc sống hạnh phúc. Kitô hữu phải hạnh phúc, phải có niềm vui của Chúa Giêsu. Đừng thiếp ngủ!

Dụ ngôn thứ nhì là dụ ngôn những nén bạc, làm cho chúng ta suy nghĩ về mối liên hệ giữa cách chúng ta sử dụng những hồng ân nhận được từ Thiên Chúa và ngày trở lại của Người, khi Người hỏi chúng ta hỏi sử dụng chúng thế nào (x. Matthew 25:14-30). Chúng ta biết rõ ngụ ngôn này: trước khi khởi hành, chủ trao cho mỗi đầy tớ một ít nén bạc, để sử dụng tốt trong lúc ông vắng mặt. Ông cho người thứ nhất năm nén, người thứ nhì hai nén và người thứ ba một nén. Trong thời gian ông vắng mặt, hai người đầy tớ trước làm cho những nén bạc của họ - những đồng tiền cổ - sinh lời, trong khi người thứ ba muốn chôn nén bạc của mình và trả lại nguyên vẹn cho chủ. Khi trở về, ông chủ xét đoán việc làm của họ: ông khen hai người trước, trong khi người thứ ba thì bị ném vào nơi tối tăm, bởi anh giấu nén bạc của mình, khép kín chính mình, vì sợ hãi. Một Kitô hữu khép kín chính mình, giấu đi tất cả những gì Chúa đã ban cho người ấy như một Kitô hữu thì người ấy... không phải là một Kitô hữu! Người ấy là một Kitô hữu không biết tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài đã ban cho mình! Dụ ngôn này cho chúng ta biết thời gian mong đợi Chúa trở lại là thời gian để hành động - chúng ta đang trong thời gian hoạt động - thời gian để làm cho các hồng ân của Thiên Chúa được sinh hoa kết quả không phải cho mình nhưng cho Chúa cho Hội Thánh, cho những người khác, thời gian không ngừng tìm cách gia tăng sự tốt lành trên thế gian. Và đặc biệt là bây giờ, trong thời điểm khủng hoảng này, điều quan trọng là không khép kín nơi mình, chôn vùi tài năng của mình, những tài sản tinh thần, trí tuệ, vật chất, tất cả mọi sự mà Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng mở lòng ra, đoàn kết với và chú tâm đến tha nhân.

Ở quảng trường hôm nay, tôi thấy có rất nhiều người trẻ, có đúng không? Có phải có rất nhiều người trẻ không?  Họ ở đâu? Với các con, những người đang bắt đầu cuộc hành của cuộc đời các con, cha hỏi các con: Các con có nghĩ về những tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho các con không? Các con có nghĩ về cách các con dùng chúng để phục vụ người khác không?  Đừng chôn vùi tài năng của các con!  Hãy đầu tư chúng vào những lý tưởng cao cả, những lý tưởng mở rộng tâm hồn, những lý tưởng phục vụ, là những lý tưởng sẽ làm cho tài năng của các con sinh nhiều hoa trái. Cuộc sống không được ban cho chúng ta để chúng ta có thể khư khư giữ nó cho mình, nhưng được ban cho chúng ta để chúng ta cho lại. Các người trẻ thân mến, các con hãy có một tâm hồn quảng đại! Đừng sợ ước mơ những điều cả thể!

Sau cùng, một lời về đoạn phán xét chung, trong đó mô tả việc trở lại của Chúa, khi Người sẽ phán xét tất cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết (x. Mt 25, 31-46). Hình ảnh được Thánh Ký sử dụng là hình ảnh của người mục tử tách biệt chiên ra khỏi dê. Bên phải là những người đã hành động theo Thánh Ý của Thiên Chúa, qua việc giúp đỡ những người lân cận đói khát, xa lạ, trần truồng, đau ốm, tù đày, tôi đã nói "người xa lạ": Tôi nghĩ đến tất cả những người nước ngoài đang ở đây trong Giáo Phận Rôma; chúng ta đang làm gì cho họ? Còn bên trái là những kẻ đã không giúp đỡ những người lân cận. Dụ ngôn này nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ được Thiên Chúa phán xét dựa trên đức ái, dựa trên việc chúng ta yêu Chúa trong anh em mình như thế nào, đặc biệt là những người yếu đuối và nghèo khổ nhất.

Tất nhiên, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng chúng ta được công chính hóa, chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng, một hành động của tình yêu nhưng không của Thiên Chúa là điều luôn luôn đi trước chúng ta; một mình chúng ta không thể làm được gì. Đức tin trước hết là một hồng ân chúng ta đã nhận được. Nhưng để sinh hoa kết quả, ân sủng của Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi sự mở lòng, sự đáp trả tự do và cụ thể của chúng ta. Đức Kitô đến để mang lại cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng cứu độ. Điều đòi hỏi nơi chúng ta là phải tín thác vào Người, để làm cho hồng ân của tình yêu của Người phù hợp với một cuộc sống tốt lành, với hành động được sinh động hóa bởi đức tin và tình yêu.

Anh chị em thân mến, chớ gì chúng ta không bao giờ sợ nhìn vào cuộc phán xét cuối cùng; thay vào đó nó phải thúc đẩy chúng ta sống trong hiện tại một cách tốt hơn. Trong lòng thương xót và kiên nhẫn của Ngài, Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian này để chúng ta có thể học mỗi ngày ngõ hầu nhận ra Ngài trong những người nghèo khổ và bé nhỏ, chớ gì chúng ta cố gắng làm điều tốt và chúng ta tỉnh thức trong cầu nguyện và trong tình yêu. Chớ gì Chúa, ở cuối cuộc đời và lịch sử của chúng ta, có thể nhận ra chúng ta là những đầy tớ tốt và trung thành. Cảm ơn anh chị em!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn: giaoly.org

TRANG GIA ĐÌNH

Những Đức Tính Quan Trọng Của Một Người Vợ Kitô Giáo

Một người vợ Kitô giáo trước tiên phải là một người con, người con gái của Chúa: năng lực của chị - một phụ nữ Kitô giáo - chủ yếu là để đồng hành với chồng xây dựng tổ ấm gia đình theo đường lối Chúa. Kinh Thánh mô tả nhiều đức tính phải có của một phụ nữ Kitô giáo, nhưng ở đây xin chỉ nói đến những đức tính mà tôi cho là quan trọng nhất đối với phụ nữ.

Đức tính đầu tiên là Đức tin. Những phụ nữ được Kinh Thánh đề cập đến đều có một niềm tin đặc biệt vững chắc, sâu xa vào Chúa, vào lời Ngài hứa với chính họ và gia đình họ. Mỗi khi gặp âu lo, họ tin tưởng và phó thác cho Chúa, tin rằng lời Chúa sẽ chiến thắng. Bà Sara, Hanna, Giuđích, Étte và Maria là những "phụ nữ thánh thiện biết trông cậy nơi Chúa" (1 Pr 3,5). Lời bà Isave nói với Đức Maria cũng có thể áp dụng cho các phụ nữ trên: "Chị thật có phúc vì chị đã tin rằng những Lời Chúa phán cùng chị sẽ được thực hiện" (Lc 1,45). Trong thư Do Thái, Thánh Phaolô cũng nói về bà Sara tương tự như thế: "... Bà tin rằng Chúa đã hứa thì Ngài sẽ trung thành với Lời Ngài hứa" (Dt 11,11)

Trong cuộc sống hiện nay hầu như ngược lại, người phụ nữ thường cảm thấy lo sợ và bất an, buồn sầu về con cái, về chồng, về tương lai. Họ có đủ mọi chuyện để lo, đủ mọi lý do để sầu khổ: nào là vật giá leo thang, nào là bạo lực hoành hành khắp nơi, hôn nhân, luân lý bị coi thường... tương lai thì đầy bất trắc và đe dọa. Nhưng ý của Chúa là muốn người phụ nữ không phải lo sợ gì cho tương lai cả, giống như người phụ nữ trong sách Châm ngôn "tươi cười khi nghĩ đến tương lai." (Cn.31,25).

Cách duy nhất giúp người ta có thể không lo sợ, đó là tin tưởng vào Chúa. Người phụ nữ Kitô giáo ngày nay cũng cần phải có đức tin vào nơi Thiên Chúa giống như những phụ nữ trong Kinh Thánh. Các chị cũng phải ghi nhớ trong lòng và tin tưởng chắc chắn rằng: những lời Chúa hứa đó sẽ được Ngài thực hiện.

Đức tính thứ hai là Đức ái. Đức ái không chỉ khiến các chị yêu thương thắm thết gia đình mình, mà còn thúc đẩy các chị quan tâm tích cực đến các nhu cầu của cộng đoàn dân Chúa nữa. Kinh Thánh đã ca tụng các phụ nữ về sự hiếu khách, lòng bác ái và tinh thần phục vụ của họ. Đặc tính của người phụ nữ Kitô giáo là "siêng năng làm mọi việc lành", được biểu lộ qua cách các chị lo lắng cho gia đình và cho dân Chúa. Cụ thể chúng ta có thể thấy rõ điều ấy trong cách các chị xây dựng tổ ấm, qua các bữa ăn các chị nấu nướng, trong việc lưu tâm chăm sóc con cái. Tình yêu còn khiến các chị tự nguyện phục vụ một cách nổi bật trong cộng đoàn như "giúp đỡ người gặp đau khổ"... ( xem 1Tm. 5,10) .

Đức tính thứ ba được Kinh Thánh gọi là tinh thần thanh thản. Thánh Phêrô gọi tinh thần này là "sự kiều diễm không phai tàn... có giá trị trước mặt Thiên Chúa" (1Pr 3,4). Cách hay nhất để biết một phụ nữ có tinh thần thanh thản, đó là họ có một đời sống trật tự ngăn nắp, bình an và tin tưởng vào tương quan thân thiết với Chúa và với chồng. Nhờ vậy, các chị có thể tập trung mọi năng lực để chu toàn mọi trách nhiệm của mình, chứ không hành động vì tính hiếu kỳ hoặc do áp lực tình cảm... Các chị không nói năng bừa bãi, ngược lại cần chừng mực và làm chủ lời ăn tiếng nói của mình, tin tưởng nơi chồng mình. Kinh Thánh đã dùng nhiều từ để diễn tả đức tính này của phụ nữ: "thùy mị", "hiền hòa", "tinh tế", "giản dị", " tùng phục".

Người phụ nữ có tinh thần thanh thản luôn sống trong bình an, một sự bình an sâu xa. Chị sống an hòa với chính mình, với Chúa và với chồng con. Chị có sức mạnh và làm chủ sức mạnh đó, một sức mạnh khiến chị dễ thương vì chị biết rằng quyền năng của Thiên Chúa đang hoạt động trong chị để giúp chị thực hiện tất cả những gì cần thực hiện. Chị tùng phục chồng không phải vì chị thụ động hay sợ hãi, mà vì chị ý thức được vai trò và trách nhiệm và quyền hành Chúa ban cho chị trong nhiệm thể Chúa .

Trong nền văn hóa của chúng ta hiện nay, người phụ nữ cảm thấy được thúc đẩy tỏ ra cứng rắn và mạnh mẽ đấu tranh để có được điều mình muốn. Nhưng Chúa lại thích những phụ nữ nào biết đợi đến giờ Ngài ấn định để xem mọi việc xảy ra. Đó là một thái độ quan trọng mà người phụ nữ nên ghi khắc khi sống đời hôn nhân gia đình: đừng lấn áp quyền chồng và cứ để Chúa hoạt động qua trách nhiệm và bổn phận của chồng.

Đức tính thứ tư là thánh thiện. Người phụ nữ Kitô giáo cần phải sống thánh thiện. Kinh Thánh nói về những phụ nữ biết kính sợ Chúa (Gđ 8,8) và luôn sống trong tâm tình "cầu nguyện cả ngày lẫn đêm" như từ ngữ Thánh Phaolô dùng (1 Tm 5,5). Kinh Thánh cũng có nói đến những đức hạnh rất đáng nể phục của nhiều phụ nữ Kitô giáo (Tt 2,3, 1 Pl 3,2). Tương giao thân thiện giữa người phụ nữ Kitô giáo với Chúa tạo nên một phần quan trọng trong tính tình và trong cuộc đời các chị.

Tự đào luyện tính tình để trở nên một người vợ Kitô giáo đúng nghĩa xem ra là việc khó nhất của một người vợ. Không có mấy phụ nữ tin rằng họ có thể trở nên thánh thiện, tin tưởng vững vàng và sống cho dũng cảm. Họ dễ chấp nhận hình ảnh người phụ nữ yếu đuối và hay thay đổi do nền văn hóa đưa ra. Nhưng tôi muốn nói lại với các chị điều mà có lần tôi đã chia sẻ với các ông chồng: "Chúa đã tạo nên trong con người các chị một cá tính riêng, Chúa đã ban cho các chị nhiều sức mạnh và ân sủng để làm một người phụ nữ. Khi nào các chị đón nhận ơn gọi và những ân sủng Chúa ban, khi nào các chị đóng đúng vai trò mà Chúa muốn các chị sống, thì "con người nội tâm thầm kín" (1 Pr 3,4) của các chị sẽ càng ngày càng biểu lộ ra ngoài. Thiên Chúacũng sẽ giúp đỡ các chị trưởng thành thành người phụ nữ Kitô giáo và người vợ Kitô giáo đúng nghĩa. Ngài sẽ tạo lập một tương quan giữa chị với Ngài để dùng Lời của Ngài dạy dỗ chị và nhờ Thần Khí của Ngài ban sức mạnh cho chị. Ngài cũng nâng đỡ chị qua chính chồng của chị, nhất là qua sự hướng dẫn của anh ấy đối với chị. Hãy nói cho anh ấy biết về cái mẫu phụ nữ mà chị muốn trở nên, và hãy đón nhận sự quan tâm dìu dắt của anh ấy. Chúa cũng nâng đỡ chị qua những chị em phụ nữ Kitô giáo khác, họ sẽ chia xẻ với chị sự can đảm, khôn ngoan và kinh nghiệm của họ để làm cho chị nên mạnh mẽ hơn. Chị nên lợi dụng mọi cơ hội để phát triển tình chị em với những phụ nữ khác, là những người đang sống chính cuộc sống mà Chúa đã mời gọi chị".

Như vậy, hiểu cho đúng vai trò làm vợ là hiểu biết chính nền tảng cuộc sống gia đình. Tương quan thân thiện giữa vợ chồng lúc nào cũng vẫn là trọng tâm của gia đình và khi hai vợ chồng bắt đầu có con cái, Thiên Chúa sẽ còn tỏ cho họ thấy một phần mới mẻ hơn nữa trong chương trình của Ngài . 

Giuse Nguyễn Hùng Cường
Nguồn: ubmvgiadinh.org

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

25 Bài Giáo Lý Về Thánh Phaolô

Bài 04: Có phải Saolô đổi tên Phaolô sau khi trở lại không? Và có ý nghĩa gì?

Phaolô sinh ra trong một gia đình Do Thái giáo (Rom 11:1; 2 Cor 11:22; Phil 3:5), và thuộc chi tộc Benjamin (Rom 11:1; Phil 3:5), chi tộc mang tên con út trong số 12 người con của Jacob. Tên Phaolô (tiếng Hi lạp là Paulos, tiếng La tinh là Paulus) còn có tên gọi là Saolô (tiếng Do Thái là Saul hay Sha'ul, Hi lạp là Saulos, và La tinh là Saulus)

Trong Cựu Ước, tục đổi tên của người Do Thái mang ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi đời sống, ơn gọi, nghề nghiệp, điạ vị xã hội v.v... Trường hợp tổ phụ Abram, từ này có nghĩa là "người cha của vinh dự" hay "người cha được vinh danh", sau khi được Thiên Chúa gọi thì được đổi tên là Abraham, nghĩa là "cha của số đông / cha của nhiều người" (Gen 17:5).

Tên Giacóp có nghĩa là "người nắm chân" vì Thánh Kinh kể ông sinh ra nắm chân người anh là Edau (Gen 25: 26). Sau khi vật lộn với thiên thần trong giấc mộng và được Thiên Chúa chúc phúc, ông được đổi tên là Israel, nghĩa là "người vật lộn với Thiên Chúa."

Trong những lá thư viết cho các giáo đoàn không hề thấy tên Saolô, và cũng không hề thấy Phaolô nhắc đến tên Saolô này. Cả hai tên Saolô và Phaolô được nhắc đến để chỉ cùng một người chỉ tìm thấy trong sách Công Vụ Tông Đồ mà thôi: "Saolô, còn được gọi là Phaolô" (Cvtd 13:9). Trước khi trở lại, Ngài được gọi là Saolô (Cvtd 7:58; 8:1-3; 9:1). Sau đó tên Phaolô được dùng thường xuyên.

Các học giả thánh kinh nghĩ rằng thánh Phaolô không đổi tên nhưng có hai tên cùng một lúc: tên Saolô được gọi trong gia đình và giữa những người Do thái; tên Phaolô được gọi trong gia đình và giữa những người Hi Lạp, vì Ngài lớn lên trong gia đình Do thái sống với người Hi Lạp. (Cũng như một người Việt Nam ở Mỹ có tên Michael khi đi học và Việt khi ở nhà hay ở với người Việt Nam).

Có hai lý do để tin việc này: thứ nhất, thánh nhân chỉ dùng tên Phaolô cho tất cả các thư và không hề nhắc đến tên Saolô; thứ hai là không thấy nói đến ý nghĩa của việc đổi tên như các trường hợp của các tổ phụ khác, dù tên Phaolô theo nghĩa gốc La tinh (Paulus) có nghĩa là "nhỏ bé."

Lm. Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.
Nguồn: liendoanconggiao.net

TRANG QUỚI CHỨC

NỀN TẢNG GIA ĐÌNH

Trong xã hội loài người, các cộng đoàn được lên kết với nhau bằng những luật lệ, nội qui nhằm qui định cách ứng xử của các thành viên. Điều này giúp duy trì sự tồn tại của các tổ chức đó. Nhưng bên cạnh đó ít nhiều nó cũng có sự tiêu cực do tính cách chế tài của nó vẫn còn mang tính quyền lực, áp đặt, răn đe.

Có một tổ chức rất cơ bản làm nên xã hội mà tổ chức này ngay từ đầu không hề có một hình thức kỷ luật, răn đe nào, chỉ hoàn toàn mang tính tự nguyện. Đó là cộng đoàn gia đình.

Sách Sáng Thế ghi lại: sau khi đã an bày mọi sự trên trời dưới đất, Thiên Chúa mới tạo nên Adam, cho ông làm hưởng dùng mọi sự, làm bạn với muôn thú. Thế nhưng Adam vẫn thấy buồn. Thiên Chúa biết rằng Adam chưa có một người bạn đồng đẳng. Vì thế, Ngài mới cho ông ngủ và rút xương sườn ông mà tạo nên Eva. Khi tính giấc, thấy nàng đứng trước mặt, Adam thản thốt kêu lên: "Mình đây rồi !" Câu này là câu nói cho ngắn gọn dễ hiểu thôi chứ Kinh thánh thì ghi như thế này: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !" (St 2,23), rồi sau đó hai người gắn bó với nhau thành một xương một thịt. Đó là cộng đoàn (gia đình) đầu tiên của xã hội loài người.

Như vậy, cộng đoàn này đến với nhau bằng sự tự nguyện gắn bó do tình yêu mà không hề do một áp lực nào chi phối, nó là mối dây vô hình kết nối con người lại với nhau, bao lâu mối dây tình yêu này còn thì tổ chức này còn, bao lâu nó không còn tồn tại thì cộng đoàn này (gia đình) sẽ rạn nứt, tan vỡ.

Cũng trong sách Sáng thế ghi lại điều này: Sau khi họ đã ăn trái cấm, Thiên Chúa gặp Adam đang trốn trong lùm, Ngài hỏi nguyên nhân thì ông đã đổ lỗi cho Eva với lời lẽ cay độc: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." (St 3,12). Câu nói này của Adam cho thấy ông coi Eva như là người xa lạ, thậm chí còn là nguyên nhân của hành vi tội lỗi mà ông đã làm. Trái ngược hoàn toàn với lời ông nói lúc đầu khi nhìn thấy Eva !

Cùng trong một con người Adam, nhưng khi ông dùng tình yêu để ứng xử, cộng đoàn gia đình của ông thật khắng khít, nồng ấm, hạnh phúc; nhưng khi ông không còn tình yêu đối với Eva thì dù là xương bởi xương ông, thịt bởi thịt ông cũng sẻ trở nên xa lạ, là thù nghịch đối với ông. Điều đó cũng đúng với mỗi người, mỗi gia đình của chúng ta.

SỐNG ĐẸP

Giáo Hội chẳng được lợi gì từ những khuôn mặt buồn như đưa đám của các tín hữu
(ĐTC Phanxicô).

Trong một số nền văn hóa nhất định, người ta khích lệ các tín hữu phải có một khuôn mặt đạo mạo, thậm chí là rầu rĩ trong trạng thái của một hối nhân đau buồn trước tội lỗi của mình. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo Hội chẳng được lợi gì từ những khuôn mặt "buồn như đưa đám" của các tín hữu.

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu 14 tháng 2/2014 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói một Kitô hữu chân chính phải là người tiến bước giữa thế giới này tung tăng hớn hở như một chiên con của Chúa.

Đề cập đến bài đọc thứ nhất trong ngày, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những nét chính yếu trong căn tính Kitô giáo, và nhấn mạnh rằng một Kitô hữu trước hết phải được hiểu như là một người được Chúa "sai đi vào thế giới để rao giảng Tin Mừng". Như thế, Kitô hữu phải là một môn đệ "luôn chuyển động, luôn tiến về phía trước". Một Kitô hữu đứng yên là một người "mắc bệnh", bởi vì, nét đặc thù đầu tiên của căn tính Kitô là khả năng "tiến bước ngay cả trong những khó khăn, để vượt qua những trở ngại này".

Là một Kitô hữu có nghĩa "là một con chiên, và phải giữ cho được bản sắc này". Theo Đức Thánh Cha Phanxicô đó là đặc điểm thứ hai của căn tính Kitô giáo. Ngài nói: "Chúa sai chúng ta ra đi như chiên con giữa bầy sói". Một số người đề nghị sử dụng sức mạnh chống lại những con sói, nhưng Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng chúng ta phải nhớ đến bài học của Đa-vít khi ông chiến đấu với quân Phi-li-tinh. Người ta muốn mặc cho Đa-vít tất cả các áo giáp của Sau-lô, nhưng như thế Đa-vít không thể di chuyển được, "Đa-vít không còn là mình nữa, ông không còn nhanh nhẹn nữa." Vì thế, cuối cùng Đa-vít cởi phăng mọi thứ và cầm lấy cái ná của mình và đã thắng trận.

Đôi khi chúng ta bị cám dỗ suy nghĩ rằng: 'Trường hợp này thật là khó khăn. Những con sói này quỷ quyệt và ta phải quỷ quyệt hơn chúng'. Nhưng chừng nào anh chị em vẫn là những chiên con, Chúa sẽ bảo vệ anh chị em, nếu anh chị em là sói, Chúa sẽ bỏ mặc anh chị em.

Tính chất đặc thù thứ ba của căn tính Kitô, là "phong cách Kitô giáo", đó là niềm vui. "Kitô hữu là những người hân hoan vì họ biết Chúa và mang Chúa đến cho thế gian." Không thể tiến bước trong tư cách là Kitô hữu với một khuôn mặt đưa đám. Ngay cả khi phải đối mặt với những thử thách, những gian truân, hay với cả những sai lầm và tội lỗi của chúng ta, anh chị em hãy vui lên vì niềm vui trong Chúa Giêsu, Đấng luôn tha thứ và phù giúp chúng ta.

"Những Kitô hữu với 'phong cách sống' rầu rĩ, phàn nàn quanh năm suốt tháng chẳng giúp gì được cho Chúa và cho Giáo Hội của Ngài: đó không phải là phong thái người môn đệ Chúa Kitô."

Đức Thánh Cha kết luận rằng "trong ngày lễ kính hai môn đệ Chúa là hai thánh Xyrilô và Mêthôđiô, chúng ta cần phải suy tư trên căn tính người môn đệ Ngài. Một Kitô hữu phải là một người nam hay người nữ không bao giờ đứng chết trân một chỗ nhưng tiến bước và tiến bước hớn hở như chiên con. Nhờ lời cầu bầu của hai vị thánh bổn mạng của châu Âu, xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để tung tăng tiến bước như chiên con."

Đặng Tự Do, 15/ 2/2014

 

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI ?

Đây là vấn đề đã gây ra nhiều tranh cãi trong và ngoài Giáo Hội. Cụ thể, các giáo phái Tin Lành đều cho rằng con người được cứu độ là nhờ tin vào Chúa Kitô, chứ không phải nhờ cố gắng nào của cá nhân mình, vì tội Nguyên Tổ (Original Sin) đã phá hủy hoàn toàn khả năng hành thiện của con người,  nên không ai có thể làm được gì đáng để được cứu rỗi ngoài tin vào Chúa Kitô. Mặt khác cũng có nhiều người Công Giáo và Tin Lành quá lạc quan cho rằng Thiên Chúa là Đấng giầu tình thương và tha thứ nên không cần phải đặt nặng vấn đề cứu rỗi vì Chúa Giêsu-Kitô đã chết thay cho mọi người rồi, cho nên chỉ cần nhờ cậy vào Chúa Kitô là được cứu rỗi,  và không  cần phải làm gì thêm về phía con người.

Cụ thể, có  một số linh mục (Viêt nam, Mỹ và Canada), cũng vì cho rằng Chúa Kitô  đã đền thay cho mọi người có tội rồi,  nên  đã mời hết mọi người tham dự  Thánh lễ lên rước Mình  Máu thánh Chúa, không phân biệt họ là thành phần nào, có Đạo hay không, hoặc đang sống trong tình trạng ngăn trở  như  ly dị và  chưa được tháo gỡ hôn phối cũ mà lại sống chung với người khác như vợ chồng. Lại nữa, có những giáo dân không bao giờ đi xưng tội, nhưng cứ lên rước Mình Thánh Chúa vì cho rằng Chúa đã tha hết mọi tội rồi.! Thêm vào đó,  cũng có rất  nhiều người Công giáo không muốn đến nhà thờ  để tham dự Thánh lễ vì  nghĩ rằng không cần thiết, chỉ cần ở nhà đọc Kinh Thánh là đủ ! 

Chúng ta phải nghĩ thế nào về những quan điểm nói trên ?

Trước hết, chúng ta tin có Chúa là Đấng đầy lòng thương xót đối với toàn thể nhân loại. Thánh Vịnh 30 đã ca tụng tình thương bao la của Thiên Chúa như sau:

"Người có nổi giận, giận trong giây lát
Nhưng yêu thương, thương suốt cả đời." ( TV 30(29) : 6)

Mặt khác , chúng ta  không coi nhẹ  công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, và vai trò trung gian  của Giáo Hội trong việc bảo vệ, nuôi dưỡng  đức tin và ban phát ơn cứu độ của Chúa Giê-su-Kitô cho đến ngày  mãn thời gian.

Thật vậy, nếu chúng ta được cứu rỗi và có hy vọng được gặp Chúa là cội nguồn của mọi an vui hoan lạc,  thì trước hết ta phải cậy nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, " Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý." ( 1 Tm 2 : 4).  Thêm vào đó, chúng ta phải cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, Đấng " đã hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người." (Mt 20: 28)

Sau nữa phải cần đến Giáo Hội là trung gian trong việc ban phát ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con cái mình và cho những ai muốn gia nhập Giáo Hội để nhận lãnh ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng các Tông Đồ để tiếp tục sứ vụ rao giảng, dạy dỗ và thánh hóa Dân Chúa được trao phó cho mình chăn dắt về mặt thiêng liêng.

Nhưng cho dù Thiên  Chúa mong muốn cho mọi người được cứu độ và cho dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu đã quá đủ cho ta được cứu rỗi; dầu vậy  Thiên Chúa vẫn đòi hỏi sự cộng tác của con người vào ơn cứu độ, vì con người còn có ý muốn tự do ( free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng,  để hoặc chọn sống theo đường lối của Chúa hay  khước từ  Chúa để sống theo thế gian với "văn hóa của sự chết"để tự do tôn thờ tiền bạc, của cải vật chất và tìm hưởng  mọi thú vui vô luân vô đạo như thực trạng của biết bao triệu người trên khắp thế giới tục hóa ngày nay.

Thiên Chúa chỉ mời gọi con người yêu mến và sống theo đường  lối của Chúa để được chúc phúc hay  bị nguyền  rủa như lời ông Mô-sê đã nói với dân Do Thái xưa, sau khi họ được  giải phóng khỏi ách nô lệ thống khổ trên đất Ai Cập :

"Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh  em chọn : hoặc được chúc phúc, hoặc bị nguyền rủa. Anh  em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh  em mà tôi truyền cho anh  em hôm nay. Anh  em sẽ bị nguyền rủa , nếu không vâng nghe  những   mệnh  lệnh của ĐỨC CHÚA." ( Đnl 11: 26-28)

Khi phán những lời trên với Dân Do Thái, Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy rõ là Người muốn con người dùng ý muốn tự do mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng để đáp trả tình yêu của Chúa và sống theo những  thánh chỉ của Người để được cứu độ nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Nhưng nếu con người tự ý chọn sống theo thế gian và theo ý riêng mình để khước từ Thiên Chúa thì phải chịu hậu quả là không được hưởng nhờ công nghiệp của Chúa Kitô,  như Chúa

Giêsu đã nói  rõ với các môn đệ  Người  xưa  kia như sau:

"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa,lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi." ( Mt 7:21)

Thi hành ý muốn của Chúa Cha có nghĩa là quyết tâm từ bỏ con đường gian tà, gian ác, bóc lột  bất công, tham ô,  giết người, khủng bố , giết thai nhi, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ mãi dâm  và ấu dâm  vô cùng khốn nạn và tội lỗi, cùng với đam mê của cải, tiền bạc  và mọi thú vui vô luân vô đạo,  như bộ mặt thật của "văn hóa sự chết" đang thống trị tâm hồn của biết bao triệu con người ở khắp nơi trên thế giới duy vật, vô thần, vô luân, và tôn thờ khoái lạc (hedonism) hiện nay.

Nếu  người ta cứ sống như vậy,  thì dù  miệng có nói " tôi tin có Chúa" bao nhiêu lần  thì cũng vô ích mà thôi. Và  Chúa cũng không thể cứu họ được dù Người là tình thương vô biên và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá, đủ cho con người được cứu độ. Nhưng đủ ở đây  không có nghĩa là người ta không cần phải làm gì thêm về phần mình, cứ việc sống cách nào tùy ý.

Ngược lại, Chúa vẫn đòi hỏi con người  phải có thiện chí  cộng tác  vào ơn cứu độ qua quyết tâm sống theo đường lối của Chúa, xa tránh mọi tội và sự dữ, là những cản trở to lớn cho ai muốn vào Nước Trời để được sống hạnh phúc  vinh cửu với Chúa sau khi chấm dứt hành trình trong trần thế này. Đó chính là cách thể hiện  thực tâm yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân, thực thi công bằng và bác ái, yêu mến sự trong sạch, thánh thiện  là những tiêu chuẩn căn bản để tỏ ra thiện chí "thi hành ý muốn của Chúa Cha , Đấng ngự trên Trời."như Chúa Giê su đã nói rõ.

Nói khác đị,   là người có niềm tin Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành, tin Chúa Giê-su Kitô là Đấng đã  cứu chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá, chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa qua nỗ lực qui hướng đời sống vào mục đích tối hậu là Thiên Chúa và Vương Quốc bình an và hạnh phúc của Người để dứt khoát khước từ mọi cám dỗ của  thế gian -và nhất là của  ma quỉ-   kẻ thù của chúng ta, ví  như " sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé." Như Thánh Phêrô đã cảnh báo. ( 1 Pr 5: 8)

Nếu không có nỗ lực  nói trên để cứ đi hàng hai là vẫn tin có Chúa nhưng đời sống và việc làm lại thuộc về thế gian và ma quỷ thì chắc chắn Chúa không thể cứu ai được, cho dù Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho con người, nhưng không bảo đảm rằng mọi người sẽ đương nhiên được cứu độ vì đã có công nhiệp cứu chuộc vô giá của Chúa. Công nhiệp này là điều kiện tiên quyết , nhưng   con người vẫn  phải có thiện chí đáp trả tình thương của Thiên Chúa  qua nỗ lực bước đi theo  Chúa Kitô  là "con đường, là sự thật và là sự sống," ( Ga  14: 6). Nếu không thì công nghiệp cứu chuộc của Chúa sẽ trở nên vô ích.

Đó  cũng  là lý do tại sao Chúa đã ngăn đe những ai "đi hàng hai"  trong Sách Khải Huyền như sau:

"Ta biết  các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi  hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. " ( Kh 3:  15-16)

Như thế,  đủ cho thấy là không phải cứ nói " lậy Chúa, lậy Chúa là được vào Nước Trời" như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa. Ngược lại, vào hay không còn tùy thuộc cách con người sử dụng ý muốn tự do để  hoặc sống theo Chúa hay theo thế gian và chiều theo những huynh hướng xấu còn tồn tại trong bản tính con người,  như đam mê tiền của, ích kỷ , độc ác, chạy theo những quyến rũ về vui thú vô luân vô đạo,..Người có niềm tin Chúa mà sống như vậy thì chắc chắn đã khước  từ  Chúa bằng chính đời sống của mình,  đã tự lên án mình, và  tự tìm con đường đưa đến hư mất đời đời.

Sau hết, người tín hữu Chúa Kitô cũng không thể coi thường vai trò và sứ mệnh của Giáo Hội là Hiền thê và là Thân Thể nhiệm mầu ( Mystical Body) của Chúa Kitô, có mặt và hoạt động trong trần gian với mục đích chuyên chở ơn cứu độ của Chúa đến với những ai đã gia nhập Giáo Hội qua bí tích Rửa tội. Giáo Hội chính là Mẹ đang thay mặt và nhân danh Chúa là Cha để dạy dỗ con cái mình sống đúng với Tin Mừng cứu độ và ban phát ơn này qua các bí tích mà Chúa Cứu Thế Giê su đã thiết lập và trao cho Giáo Hội cử hành để thông ban ơn cứu độ  của Người  cho con cái cho đến thời cuối cùng. Vì thế, là chi thể  của  Giáo Hôi, mọi tín hữu phải yêu mến và vâng lời Giáo Hội dạy bảo  mọi giáo lý về đức tin và luân lý, cũng như hiệp thông với Giáo Hội trong cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích- đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Hòa giải- để được sung mãn trong đời sống thiêng liêng và bảo đảm ơn cứu độ. Do đó, ai coi thường và không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội thì không thể lãnh nhận  được ơn thánh Chúa ban phát dồi dào qua Giáo Hội.

Tóm lại, Thiên Chúa là tình thương và  hay tha thứ. Chúa Kitô đã hiến mạng sống mình "làm giá chuộc cho muôn người" ( Mt 20: 28). Công nghiệp cứu chuộc này thực vô giá và đủ cho con người được cứu độ. Nhưng  đây  không phải là lý do  để  không làm gì về phần mình và không cần đến Giáo Hội để cứ buông thả sống theo những đòi hỏi bất chánh của bản năng, những lôi cuốn của thế gian chối bỏ Thiên Chúa  và nhất là những cảm dỗ của ma quỷ, là kẻ thù  luôn  tìm mọi cách để  kéo con người ra khỏi tình yêu của  Chúa để làm nô lệ cho chúng và mất hy vọng được cứu độ. Ngược lại, phải cậy nhờ tình thương tha thứ của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, song song với quyết tâm sống cho Chúa và   "hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì  tôi nói cho anh  em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không được ." ( Lc 13: 24) như Chúa Giêsu đã nói nói với dân chúng đến nghe Người giảng dạy xưa kia.

"Qua của hẹp mà vào" có nghĩa là  không được đi  vào  cửa rộng thênh thang  nơi nhiều người đang  đi qua để tự do gian manh, lừa đào, tự do  phá thai , tự do thay vợ đổi chồng, tự do buôn bán sách báo  phim ảnh khiêu dâm đòi truy, tự do mở sòng cờ bạc  và làm nghề mãi dâm để kiếm nhiều tiền của,  là những cách sống  và con đường  chắc chắn  dẫn đi nhanh  đến chốn hư mất đời đời. Nhưng  quá  nhiều người  lại đang nghênh ngang đi vào đó để  thách đố hay chế nhạo những ai có niềm tin Thiên Chúa và thực tâm muốn sống niềm tin này cách cụ thể qua quyết tâm xa tránh tội lỗi do ma quỷ và thế gian cấu kết nhau xúi dục đêm ngày để mong xô con người xuống vực thẳm của sự chết trong linh hồn.

Lm Phanxicô  Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn: conggiaovietnam.net

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

10 Cách Tìm Niềm Vui Trong Cuộc Sống

Cuộc sống quá ngắn ngủi và quý giá. Hãy làm theo 10 cách sau để giảm bớt nỗi lo lắng và tăng cường niềm vui, tiếng cười trong cuộc đời.

1. Mỗi ngày làm một thứ gì đó khẳng định lại vẻ đẹp và niềm vui cuộc sống.        
Cho dù là đi dạo, làm vườn, ngồi chơi với trẻ em trong công viên, thưởng thức âm nhạc yêu thích, hoặc chỉ ngồi ngắm hoa trong vườn, hãy tự cho phép mình nhớ lại những gì đẹp đẽ quanh ta.

2. Làm điều gì đó tích cực.    
Hiến máu. Ủng hộ từ thiện. Làm tình nguyện viên tại địa phương. Hành động tự nguyện của bạn sẽ giúp xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn, từ đó giúp ích cho tất cả mọi người.

3. Tắt bản tin truyền hình và đài phát thanh. 
Thường xuyên lắng nghe tin tức sẽ tạo ra nỗi lo lắng, sợ hãi và nổi giận. Loại trừ suy nghĩ tiêu cực bằng cách xem bộ phim yêu thích, rủ cả gia đình ra ngoài vui chơi hoặc làm điều gì đó khẳng định giá trị cuộc sống.

4. Tìm hiểu hàng xóm.
Ra khỏi nhà và gặp gỡ những người bạn chưa thực sự quen biết. Xây dựng tình bằng hữu thiết tha sẽ giúp bạn an toàn hơn trong cộng đồng những người sống quanh ta. Nói chuyện cũng giúp bạn giảm bớt lo lắng và cảm thấy tốt đẹp hơn về cuộc sống.

5. Cười vang.     
Cười là một trong những cách tốt nhất để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực mà không gây hại. Ngoài ra, tiếng cười cũng làm giảm lo lắng, trầm cảm và sợ hãi. Mời bạn thân đến ăn tối. Đi xem hài kịch hoặc phim giải trí. Chơi với trẻ con hoặc chó, mèo. Bất cứ thứ gì làm bạn hài lòng đều đáng giá.

6. Mở đầu và kết thúc ngày bằng một thông điệp tích cực.
Thay vì vừa tỉnh dậy đã bật ngay tivi hoặc vớ lấy tờ báo để xem bản tin thì hãy bắt đầu bằng một bài hát yêu thích hoặc lời cầu nguyện. Tự nhắc nhở mình rằng có nhiều điều tốt hơn thứ xấu trên thế giới này.

7. Không để sự giận dữ và cáu bẳn thống trị cuộc sống.
Những cơn nóng giận vô cớ không chỉ làm tổn thương người khác mà chính bạn. Tìm cách giải tỏa mà không làm ảnh hưởng đến bất cứ ai, như tập thể dục, ngồi thiền, viết nhật ký, vẽ tranh, viết nhạc...

8. Trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, nghĩ về một điều gì đó khiến bạn mỉm cười.         
Cho dù là về nụ hôn đầu, lần đầu tiên mang con cún về nhà, sợi tóc của bạn đời vương trên gối... nụ cười đón chào buổi sáng sẽ nhắc nhở bạn tìm niềm vui trong cả ngày. Ngoài ra cười cũng giúp bạn đẩy mạnh hệ miễn dịch và tăng sức chịu đựng stress.

9. Biết tha thứ.   
Khả năng tha thứ sẽ làm vững bền các mối quan hệ và giúp bạn hàn gắn và tiến về phía trước.

10. Nuôi dưỡng tinh thần gia đình.         
Bây giờ, hơn bao giờ hết, mọi người đều cần được cảm thấy yêu thương.. Bằng lời nói và hành động, cho mọi thành viên trong gia đình, dù gần, dù xa, dù nội hay ngoại, rằng bạn yêu họ trên tất cả. Hãy để trái tim nói lời hộ bạn khi đầu óc rối bời khiến bạn quên cả lời nói.

Diệu Huỳnh
Nguồn: tintuccaonien.com

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

TRÁI  TIM  CHÚA  GIÊSU

Tháng kính Thánh Tâm Chúa

Giáo hội muốn dùng cả tháng sáu này để giáo hữu tôn sùng trái tim Chúa Giêsu trong lòng và bằng những việc thờ phượng bên ngoài để tỏ lòng tôn sùng và phạt tạ Thánh Tâm Chúa vì những sự vô ơn tệ bạc loài người đã làm cho Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về Trái Tim Chúa để rút ra bài học thực hành cho đời sống chúng ta.

I. LỊCH SỬ THÁNG THÁNH TÂM CHÚA.

 Khi Chúa trỏ trái tim Người ra cho bà thánh Maria Margarita Alacoque thì bà thấy sốt sắng kính mến Chúa hết sức và hằng tìm mọi cách để tăng thêm lòng kính mến ấy lên hơn nữa.

 Một hôm, sau khi rước lễ bà ước ao rằng: giá dâng một tháng nào để kính thờ rất thánh Trái Tim Chúa thì rất hay và hợp lý lắm. Bà đem ý nghĩ ấy trình bầy với Đức Giám mục thành Paris. Đức Giám mục luận lý rằng : yêu mẹ thì phải kính con. Chúng ta đã có tháng kính Đức Mẹ thì tại sao lại không có tháng kính Đức Chúa Giêsu, nhất là Người mới hiện ra truyền phải kính mến trái tim Người, thì ý nghĩ lập một tháng để kính Người phải là ý nghĩ Người muốn. Tuy nhiên,  Đức Giám mục cũng chỉ ưng thuận trên nguyên tắc và cho phép nhận tháng sáu để làm việc ấy trong dòng của bà thôi.

 Công việc đã bắt đầu đem lại nhiều ơn  ích, nên ngài lại ban phép cho giáo dân trong địa phận Ngài đuợc làm theo. Rồi việc dâng kính tháng sáu ấy đã lan ra nhiều nước, nên năm 1899 Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã ra sắc công nhận việc ấy, đồng thời làm thêm ba ngày nữa là 33 ngày để kính 33 năm Chúa sống ở thế gian.

Cách thức kính tháng này không nhất định. Tại Paray-le-Moniale chị em ăn chay kiêng thịt và cầu nguyện nhiều giờ hơn trong tháng sáu, ấy là chưa kể việc làm giờ thánh vào đêm thứ năm sang ngày thứ sáu đầu mỗi tháng như ý Chúa muốn khi hiện ra nói rõ với thánh Margarita.

(Nguyễn duy Tôn, Cây đòng vấy máu, 1973, tr 101-102)

Đến đây ta lại thắc mắc đặt câu hỏi : tại sao không kính thờ óc, miệng, mắt , cạnh nương long hay đầu gối Chúa Giêsu  như người Hồi giáo thờ cái râu của Đức Mahomed, mà# lại tôn thờ trái tim Chúa ?

Câu trả lời trước tiên phải nói là chính Chúa Giêsu muốn vậy khi Người hiện ra nói rõ cho bà thánh Margarita biết về nguyện ước đó.

Câu trả lời thứ hai là: trái tim là trung tâm điểm của tình yêu, trái tim tượng trưng cho tình yêu, mà thánh Gioan tông đồ nói : Thiên Chúa là tình yêu, nên nói tới tình yêu Chúa thì chúng ta liên tưởng ngay tới trái tim Chúa Giêsu.  Ai còn hồ nghi về tình yêu của Chúa đối với chúng ta ? Chúa đã nói : không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người chết cho người mình yêu. Vậy nếu Chúa Giêsu đã chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc nhân loại và cách riêng cho chúng ta, thì ai trong chúng ta còn hồ nghi về tình yêu ấy ? Để đáp lại trái tim đã thương yêu chúng ta vô ngần, chúng ta cũng phải yêu trái tim ấy vì "có đi có lại mới toại lòng nhau" !

 II. NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA TRÁI TIM .

 1. Mô tả trái tim.

Đáng lẽ chúng ta cần mô tả trái tim để tìm hiểu một cách tỉ mỉ hơn nhưng đứng về mặt sinh lý và khoa học  thì hầu hết chúng ta đã có quan niệm tổng quát về trái tim rồi.  Chúng ta chỉ cần nói rằng trái tim là nguồn phát máu đi nuôi thân thể con người, khi nào trái tim ngừng đập, lúc ấy không còn sự sống nữa.  Trái tim làm việc kinh khủng để cung cấp máu, không hề nghỉ một giây phút, từ lúc con người sinh ra cho đến lúc chết.  Tính ra mỗi phút trái tim chuyển được 10 lít máu, mỗi giờ được 600 lít, một ngày được 14.000 lít, một năm được 5.110.000 lít.  Và nếu ai sống được 60 tuổi thì trái tim đã làm việc để chuyển đi được 30.000.000 lít máu.  Một ngày, tim đập được 100.000 lần, có một sức mạnh tổng cộng có thể nâng được một toa xa hỏa nặng 45 tấn lên cao một mét.  Thật là quả tim có sức mạnh phi thường, không ai ngờ được.

2. Trái tim cần thiết cho đời sống.

Theo một tờ báo chuyên về khoa học ở Mỹ cho biết, bác sĩ Kerbank có thể làm cho  người chết hồi sinh được. Ông thay một quả tim tươi trong bộ ngực của người mới tắt thở hay là chích máu tươi vào trong quả tim vừa ngưng đập.

Theo sự nghiên cứu của nhiều bác sĩ, khi người ta vừa tắt thở, quả tim thôi đập, thân thể trở nên lạnh ngắt và cứng đờ. Máu từ mầu đỏ biến ra mầu đen sậm, đoạn thành ra mầu trắng bệch.

Hồi năm ngoái (1956 ?), bác sĩ đã chữa bệnh trong ba nhà thương tại New York và Chicago. Ông đã cứu được lối 225 người vừa chết hay là chết dưới hai giờ đồng hồ sống lại. Trong số những người được bác sĩ cứu sống, có một ông lão quá lục tuần.

Người ta chứa sẵn những quả tim tươi của những người thanh niên chết vì sự rủi ro, tai nạn xe cộ, những tên tù vừa bị xử tử và những người vừa mới chết. Có điều quan hệ là những người đau gần chết hứa chịu hiến trái tim của mình cho khoa học xử dụng.

Nếu gặp trường hợp của những người đau tim, bác sĩ Kerbank chỉ có việc chích lấy hết chất máu ở trong quả tim của người đó ra. Sau đó, ông tìm chất máu tốt của một quả tim ướp sẵn để thay vào trong quả tim của người vừa mới chết, không cần đến thuật giải phẫu. Theo lời bác sĩ Kerbank, trong số 100 bệnh nhân, có 90 người bị thiếu máu trong tim.

Người ta hy vọng áp dụng phương pháp của bác sĩ để cứu thoát nhiều người bệnh sắp chết hay chết dưới hai giờ đồng hồ. Bác sĩ lại cho biết ông sẽ khám nghiệm những người còn trẻ tuổi mắc bệnh yếu tim, đau tim. Ông sẽ dùng khoa giải phẫu để cắt bỏ trái tim xấu và thay một quả tim mạnh vào. Người đó sẽ sống tới 100 tuổi hay hơn nữa. Tóc của anh ta không bị bạc, răng không bị rụng, không nhăn da và máu huyết vẫn hồng hào, đi đứng mạnh mẽ như người mới tứ tuần. (Trích báo Đời Mới, số 87, tr 29)

3. Ảnh hưởng của trái tim.

Óc là trung tâm điểm của đời sống lý trí, còn tim là trung tâm của đời sống tình cảm.

Nhưng trong thực tế, trong mọi sinh hoạt của con người, bao giờ cũng có phần tham dự của quả tim hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Nhiều khi tiếng nói của lý trí không thắng nổi được tiếng nói của con tim vì quả tim có lý lẽ riêng của nó (theo Blaise Pascal). Bao giờ lý trí cũng bị quả tim chi phối hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng ta có thể nói : người ta hay hành động theo tiếng nói của con tim vì nếu người ta cứ sống theo lý trí thì chẳng ai dại gì mà phạm tội, chẳng dám làm gì hại cho mình, đúng như lời nhà hiền triết Socrate đã nói :"Không ai cố tình làm điều gì xấu". Như thế có nghĩa là nếu theo đúng tiếng nói của lương tâm, của lý trí thì không ai cố tình làm điều gì xấu, nhưng vì người ta bị mù quáng bởi sức lôi kéo của con tim mà làm điều xấu.

...........

Theo Dante, tình thương ở trung tâm vạn vật, vì là nguyên tắc sáng tạo mọi vật.  Dante nói: "Tình thương làm cử động mặt trời và mọi tinh tú".

Đúng vậy, chính vì tình yêu của Chúa đối với ta mà Người đã bỏ trời xuống thế, làm lay chuyển cả trời và đất, để cho đất trời se chữ đồng.  Thánh Augustinôâ nói :"Tình yêu có sức mạnh ghê gớm đến nỗi nó kéo ta đi đâu thì ta phải đi đấy".  Kinh Thánh cũng nói :"Tình yêu mạnh hơn sự chết".   Vì thế trong đời sống chúng ta, tình yêu là một vấn đề quan trọng lắm, chính tình yêu sẽ chi phối mọi công việc chúng ta, chi phối cả con người chúng ta, nên phải biết điều khiển con tim, phải biết yêu vì thánh Augustinô đã nói :"Yêu ai thì nên giống người đó : yêu đất thì trơ nên đất, yêu Chúa thì trơ nên Chúa".

III. TRÁI TIM CHÚA GIÊSU.

1. Chúa kêu mời.

Cách đây gần 300 năm, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với thánh nữ Margarita. Khi hiện ra lần thứ hai, Chúa đã mở ngực ra và chỉ trái tim Người như một tòa lửa sáng rực hơn mặt trời, trong suốt như thủy tinh, chung quanh có vòng gai và trên cùng là thánh giá.Thánh nhân kể : Chúa đã cho tôi biết lòng Chúa nóng nảy khát khao được nhân loại mến yêu, và Người muốn giải thoát nhân loại khỏi vòng trụy lạc.  Vì thế, Chúa có ý trỏ trái tim Người cho nhân loại, trái tim chan chứa tình yêu, đầy tràn ân sủng và sự cứu rỗi.

Lần khác, đang sốt sắng chầu Mình Thánh Chúa, Margarita lại được xem thấy Chúa, toàn thân Người sáng láng vinh quang với năm vết thương chói lòa như vầng đông, và nhất là trái tim đáng kính của Chúa tựa như lò than hồng. Chúa đã thông cảm cho thánh nữ biết những việc lạ lùng khôn tả của tình yêu Chúa và Người đã yêu nhân loại vô ngần.  Thế mà Chúa đã nhận được những gì ?  Chúa chỉ nhận được những vô ân tệ bạc!

Thật thế, Chúa đã yêu thương loài người hết cách, đến tuyệt độ, đến chết trên thập giá, ta thấy Chúa hằng giang tay ra ngày đêm như muốn ôm cả nhân loại vào lòng. Chúa nghiêng đầu cúi xuống như tha thiết kêu gọi người ta trở về cùng Chúa.  Trái tim Người mở toác ra để chứng tỏ lòng yêu thương không bờ bến. Tình yêu thương vô cùng ấy chưa được nhận biết, Người Yêu chí thánh ấy chưa được yêu lại mà còn bị khinh dể và phản bội nhiều lắm. Kìa,  chúng ta thấy còn hàng tỉ người chưa nhận biết Cúa, còn biết bao bao kẻ tội lỗi khô khan còn xúc phạm đến Chúa.

 2. Ta đáp trả.

Chúa Giêsu đã yêu ta trước vì từ đời đời Chúa đã thương ta nên mới dựng nên ta, chúng ta

là sản phẩm của tình yêu Chúa. Đáp lại,  chúng ta phải biết tha thiết yêu Chúa vì tình yêu bao giờ cũng phải song phương, phải cho đi rồi lấy lại vì "có đi có lại mới toại lòng nhau".  Những người yêu thì tìm đến với nhau, Chúa yêu nên đã tìm đến với ta, ta yêu nên ta tìm đến với Chúa vì người ta nói: "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" (similis similem quaerit).

Chúa yêu ta nên đã chết trên thập giá cho ta. Người còn tỏ tình yêu ra bằng cách để người lính đâm lưỡi đòng thâu qua cạnh nương long để cho nước và máu chảy ra để rửa sạch tội lỗi và nước giải khát cho linh hồn chúng ta...................

IV. TRÁI TIM CHÚA VỚI CHÚNG TA.

Chúa Giêsu yêu chúng ta, không những Người để trong lòng, nhưng vì yêu ta quá đến nỗi không che giấu trong lòng nữa mà còn phơi bầy ra cho nhân loại thấy. Ngày mà tình yêu củaNgười phải tỏ bầy cho nhân loại là ngày 27.12.1673 với thánh nữ Margarita. Trái tim của Người không còn ở trong lồng ngực nữa, mà vượt ra ngoài để tỏ cho nhân loại biết vẫn còn thật nhiều tình yêu đối với nhân loại.

Ôi ! "Hữu ư trung, xuất hình ư ngoại". Tình yêu của Người chất chứa trong lòng bao thế kỷ qua, nay đã  "xuất hình ư ngoại" không còn ngôn từ nào mô tả, để ca ngợi khi trái tim của Người phải xuất hình ư ngoại. Ôi ! Tình yêu Chúa, một lần nữa lại tỏ biểu cho nhân loại được tường tận. Trái tim của Người đã vượt ra khỏi lồng ngực đã hiển nhiên minh chứng cho tình yêu của Người.

Lạy Chúa, chúng con đã làm gì có tình yêu đối với Chúa ở trong lòng "hữu ư trung" thì làm sao chúng con ban phát cho anh em chúng con, cho những người cần nếm hương vị của Chúa, qua trung gian là chúng con để "xuất hình ư ngoại".

 Lạy Chúa, trong cuộc đời của chúng con chỉ "xuất hình ư ngoại" mà thật ra chẳng hề "hữu ư trung". Tình yêu mà chúng con "xuất hình ư ngoại" đó, chỉ đặt trên môi miệng, trên tư lợi của đời sống trần gian này, mà không nương tựa nơi Chúa để tạo cho nó có "hữu ư trung". Xin cho chúng con có tình yêu thật bên trong như Chúa đã ban phát ra cho những người khác.

...........

Trái tim Chúa phải là sức mạnh cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta thấy mệt mỏi, chán nản trên đường thiêng liêng, giao động trước những thử thách, hãy nhìn vào trái tim Chúa để múc lấy nguồn sức mạnh mà chiến đấu.

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội,

Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.
(ca dao)

KẾT LUẬN

Chúa Giêsu đã trao ban trái tim Người cho chúng ta, để đáp lại sự trao ban ấy, chúng ta cũng phải dâng trái tim của ta cho Người để từ nay trái tim ta, lòng ta thuộc trọn về Chúa, không bị chia sẻ cho mộ tạo vật nào nữa.

Thánh Benoit Joseph Labre là đấng thánh đã đi ăn xin và đã qua đời tại Roma năm 1783. Ngày kia, khi đi thăm một người đau nặng, Ngài dạy cho ông ta phải biết dâng của lễ gì cho đẹp lòng Chúa. Ngài nói : phải dâng cho Chúa ba quả tim ;

- Quả thứ nhất bằng lửa, nghĩa là quả tim đầy tình yêu đối với Chúa.

- Quả thứ hai bằng thịt, nghĩa là quả tim đầy tình yêu đối với tha nhân và năng hướng về sự cầu nguyện.

- Qủa thứ ba bằng đồng, nghĩa là quả tim mạnh mẽ để chống các đam mê của ta, nhất là chống lại tình dục của ta và lo hãm mình để phạt thân xác.

Hằng ngày ta hãy nhắc lại sự phó dâng ấy để luôn luôn lúc nào lòng ta cũng hướng về Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta tình yêu chân thật và nồng say mỗi khi ta đọc lời nguyện tắt này :

LẠY TRÁI TIM CỰC THÁNH ĐỨC CHÚA GIÊSU,
XIN BAN CHO CON KÍNH MẾN TRÁI TIM CHÚA MỖI NGÀY MỘT HƠN.

Lm Giuse Đinh lập Liễm
Nguồn: simonhoadalat.com

TÌM HIỂU VỀ ĐỨC TIN

Hỏi: Tại sao các anh em Tin Lành nói chỉ cần tin Chúa Kitô là được cứu rỗi, trong khi Giáo Hội Công Giáo dạy phải làm thêm việc lành nữa?

Trả lời: Liên quan đến vấn đề cứu rỗi (salvation) thì giữa Giáo Hội Công Giáo và anh  em Tin Lành nói chung (Protestants) đã có sự khác biệt lớn lao, hầu như không thể vượt qua được để có thể đi đến chỗ cùng chia sẻ một niềm tin về ơn cứu độ của Chúa Kitô.

Trước hết, chúng ta cần biết qua về Nhóm Kitô giáo gọi chung là Tin Lành (Protestantism) do những người chủ xướng như Martin Luther ở Đức, năm 1517;  John Calvin ở Pháp, Ulrich Zwingli ở Thụy sĩ , và King Henry VIII  và Wolsey ở  Anh năm 1527. Họ đã tự tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo để tiến hành cái gọi là "Cải cách tôn giáo" (Protestant Reformation)  trong  thế kỷ 16 ở Âu Châu và sau này lan tràn sang Mỹ và  Á Châu. Riêng ở Mỹ, các nhóm Tin Lành chính gồm có Baptists, Methodists, Lutherans, Presbyterians, Protestant Episcopal, United Church of Christ, Episcopalians, Quakers, Disciples of Christ of the Later-day Saints, Jehovah's Witnesses...

Quan điểm thần học của họ dựa trên 2 tiêu chuẩn hay hai nguyên tắc căn bản chính sau đây :

1- Vai trò tối cao của Thánh Kinh (Supremacy of the Scriptures) như là nguồn duy nhất (Sola Scriptura)  cho Niềm tin và chân  lý Kitô Giáo.

2- Sự công chính hóa (Justification), hay ơn cứu độ, chỉ nhờ vào đức tin mà thôi.

Tất cả hai nguyên tắc trên đều không hoàn toàn phù hợp với niềm tin và giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo (Orthodox Churches) vì những lý do  như sau:

Thứ nhất - Giáo Hội Công Giáo tin Thánh Kinh, Mạc Khải (Revelation), và Thánh Truyền (Sacred Tradition)  là 3 nguồn chân lý của đức tin  trong khi anh  em Tin Lành chỉ tin có Thánh Kinh, không công nhận Mạc Khải và Thánh Truyền,  kể cả Quyền Giáo Huấn (Magisterium) của Giáo Hội và vai trò lãnh đạo của Đức Thánh Cha. Họ tin Kinh Thánh, nhưng lại  hiểu theo cách cắt nghĩa riêng của họ, khác với cách hiểu và cắt nghĩa của Công Giáo.

Cụ thể, liên quan đến đoạn Thánh Kinh Tân Ước trong  Tin Mừng  Thánh Matthêu sau đây:

"Người (Chúa Giêsu) còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh  em của Người đứng bên ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có Mẹ  và anh  em Thầy đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." (Mt 12: 46-47)

Anh  em Tin Lành đã cắt nghĩa cụm từ "anh  em" ở trên theo nghĩa anh em  huyết tộc, để từ đó nói rằng Đức Mẹ, sau khi sinh Chúa Giêsu, còn sinh thêm một số người con nữa, và  từ ngữ "anh  em" trong câu trên được họ giải thích là con ruột của Đức Mẹ, em của Chúa Giêsu,  cho nên Đức Mẹ không còn đồng trinh trọn đời như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tin.

Ngược lại,  Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo cắt nghĩa từ ngữ "anh  em" nói trên theo nghĩa thiêng liêng, chứ không theo nghĩa đen (literal meaning) của từ ngữ, nên tin vững chắc rằng Đức Maria chỉ sinh có một Người Con duy nhất là Chúa Giêsu nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, vì thế Mẹ vẫn trọn đời đồng trinh như Giáo Hội dạy không sai lầm cho đến nay.

Thứ hai - Liên quan đến vấn đề công chính hóa và ơn cứu rỗi, anh em Tin Lành cho rằng con người đã mất hết khả năng hành thiện sau khi Adam sa ngã, nên không thể làm được gì có giá trị công chính nữa. Do đó, chỉ còn tin Chúa Kitô là được cứu rỗi mà thôi. Mọi có gắng của cá nhân không thể làm cho con người trở nên công chính (justified) mà phải nhờ vào ơn thánh và tin Chúa Kitô, mới được cứu rỗi mà thôi.

Quan điểm trên của anh  em Tin Lành chỉ đúng một phần. Đó là cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, là công nghiệp vô giá, vì nếu không có công nhiệp Chúa đã chịu đau khổ, đã bị đóng đanh và chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại, thì không ai có thể được cứu rỗi, vì "Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Cv  4:12)

Nghĩa là nếu Chúa Kitô không xuống thế làm Con Người và "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người" (Mt 20:28) thì không ai có thể làm gì để tự cứu mình và cứu người khác được. Đây là điều chúng ta phải tin chắc chắn như vậy.

Tuy nhiên, dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa cứu thế Giêsu và ơn của Thiên Chúa là đủ cho ta được cứu rỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn đòi con người phải cộng tác vào ơn cứu độ đó bằng nỗ lực tin yêu Chúa và xa tránh mọi tội lỗi, vì nếu không, thì ơn  cứu chuộc vô giá kia của Chúa Kitô vẫn sẽ trở nên vô ích như thường.

Thật vậy, bản chất con người, tuy bị băng hoại vì tội Nguyên Tổ (Origional Sin) và trở nên rất yếu đuối trước mọi cám dỗ của ma quỷ và dịp tội của thế gian, nhưng con người vẫn còn ý muốn tự do (Free will) mà Thiên Chúa tôn trọng cho con người sử dụng để hoặc tự do chọn sống theo đường lối của Chúa, hoặc theo thế gian tội lỗi để quay lưng lại với Thiên Chúa là Cha nhân từ, "Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý." (1 Tm 2: 4)

Kinh nghiệm bản thân của mỗi người chúng ta đủ chứng minh điều này: đó là chúng ta không bị bó buộc phải yêu mến Chúa và làm việc lành phúc đức. Chúng ta vẫn cảm thấy mình được tự do sống cho Chúa hay theo thế gian vô thần, vô luân,  vô đạo.

Cụ thể, ngày Chúa Nhật, có biết bao người Công Giáo đã tự ý không  đi tham dự Thánh Lễ, để ở nhà coi football, hay đi đánh bạc và du hí ở những nơi tội lỗi. Lại nữa, có biết bao người tự do bỏ vợ, bỏ chồng, dù đã có con cái và sống chung với nhau nhiều năm. Có vợ chồng còn thuê người khác giết vợ hay chồng của mình  để đi xây tổ ấm mới! Và còn biết bao người khác đã và đang làm những sự dữ như giết người, gian manh, lường đảo, dâm ô, bài bạc , trộm cướp, bóc lột... Nếu sống như vậy, thì họ nghe theo tiếng gọi của Chúa, nghe theo tiếng lương tâm của họ hay theo thói đời hư đốn đồi trụy?

Chính vì con người còn có tự do để làm sự lành sự thiện hay sự gian ác, tội lỗi, nên đức tin phải được chứng minh cụ thể bằng hành động như Thánh Giacôbê Tông Đồ đã dạy như sau: "Thưa anh  em, ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người đó được chăng?" (Gc 2:14).

Cụ thể, nếu tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô mà lại không thi hành những lời Người dạy bảo về mến Chúa, yêu tha nhân, yêu mến sự thiện hảo, công bình và bác ái, thì đức tin đó là "đức tin chết" theo lời dạy của Thánh Giacôbê (x. Gc: 12: 17).

Kinh Thánh cho biết ông Abraham đã thể hiện đức tin và lòng mến yêu Thiên Chúa của ông bằng hành động dám hy sinh con mình là Isaac, như Thiên Chúa đòi hỏi để thử thách ông. Và ông đã chứng minh đức tin và đức mến phi thường của mình khi đang định sát tế con một của ông, nên "Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa." (Gc 2: 23)

Như thế đủ cho thấy là đức tin cần được thể hiện cụ thể bằng hành động theo gương ông Abraham và các Thánh Tử Đạo là những người đã dám đỏ máu mình ra để tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Nhưng không phải chỉ đổ máu ra mới minh chứng được đức tin. Ngược lại, bằng đời sống bình thường trong gia đình và ngoài xã hội,  người có đức tin vẫn có thể biểu lộ đức bằng hành động cụ thể, như  làm việc bác ái, nhẫn nhục, chịu đựng và tha thứ cho người khác  để minh chứng  niềm tin sống động của mình vào Thiên Chúa, là Cha nhân từ, đầy yêu thương và tha thứ. Trái lại, nếu miệng  tuyên xưng đức tin có Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành,  tin Chúa Kitô là Đấng cứu chuộc nhân loại, nhưng chân lại bước vào những con đường tội lỗi như cờ bạc, gian manh, lừa đảo, dâm ô ,trộm cắp, giết người ...thì  dẫu có tuyên xưng đức tin hàng trăm ngàn lần ngoài môi miệng cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa những lời sau đây:

"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa, lậy Chúa, là được vào nước trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi." (Mt 7: 21)

Làm theo ý muốn của Cha trên Trời, có nghĩa là thực thi những Điều Răn của Chúa về yêu thương, công bình, bác ái và thánh thiện, nghĩa là thể hiện đức tin bằng hành động cụ thể sao cho phù hợp với niềm tin có Chúa là Cha ngự trên trời, là Đấng công minh thưởng phạt con người về những việc mình làm trên trần thế này.

Mặt khác, nếu chỉ cần có đức tin là đủ cho được cứu rỗi như anh  em Tin Lành rao giảng, thì tại sao Chúa Giêsu, qua dụ ngôn về Ngày Phán Xét Chung, lại nói với những người đứng bên phải Người như sau: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ...Vì  xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát các người đã cho uống..." (Mt 25:34-35). Còn những kẻ đứng bên trái Người, Chúa cũng phán bảo họ rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó, vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ta ăn; Ta khát các người đã không cho uống,.. Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom..." (cc. 41-42)

Khi phán những lời trên với hai loại người đứng bên phải và bên trái, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người nghèo đói, bệnh tật và tù đày đang có mặt ở khắp nơi trên trần gian này. Nếu chúng ta thực thi đức tin bằng đức ái nồng nàn để ra tay cứu giúp những anh chị em kém may mắn đó, thì chúng ta đã thi hành bác ái với chính Chúa Giêsu đang hiện diện nơi những người xấu số đó. Ngược lại, nếu chúng ta làm ngơ, hay dửng dưng  trước những đau khổ và nghèo đói của anh chị  em  đồng loại, thì  chúng ta đã  nhắm mặt bịt tai để không nhìn, không nghe tiếng Chúa đang kêu xin chúng ta nơi những người đau khổ, thiếu thốn, tù đầy, và bệnh tật ở quanh mình.

Tóm lại, dụ ngôn Ngày Phán Xét Chung đã hùng hồn nói lên sự cần thiết phải thể hiện đức tin bằng hành động bác ái tương xứng để đáng được lãnh nhận ợn cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng cũng vì yêu thương con người cách cụ thể  mà đã  "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người." (Mt 20

 

Như vậy, chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô như anh em Tin Lành chủ trương là chưa đủ, mặc dù là cần thiết. Cần thiết vì nếu không có công nghiệp cực trọng của Chúa Kitô, thì không ai có thể  tự sức mình làm được gì để đáng được cứu rỗi. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu chỉ tin Chúa Kitô và nhờ ơn cứu chuộc của Người mà không làm gì hết về phần mình; hay tệ hại hơn nữa, là cứ sống thù nghịch với thập giá của Chúa Kitô bằng đời sống phản chứng, phạm những tội khiến  Chúa đã bị đóng đanh để đền thay cho, thì chắc chắn công cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu sẽ trở nên vô ích cho những ai cứ sống đức tin cách  mâu thuẫn như vậy.

Tóm lại, ta không thể lợi dụng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và  không làm gì về phần mình để cộng tác với ơn cứu độ của Chúa. Đó là lý do  tại sao  Giáo Hôi Công Giáo dạy con cái mình phải tin Chúa Kitô và minh chứng niềm tin ấy bằng quyết tâm cải thiện đời sống dựa trên Tin Mừng Cứu Độ và cụ thể hóa niềm tin bằng hành động bác ái theo tinh thần dụ ngôn Ngày Phán Xét chung nói trên.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn: conggiaovietnam.net


[1] GLHTCG 2346.

[2] Familiaris Consortio 11; GLHTCG 2360.2361.

[3] GLHTCG 2363.

[4] GLHTCG 2381.

[5] X. GLHTCG 2382. Ly thân trong một số trường hợp có thể là hợp pháp nếu vẫn duy trì dây liên kết hôn nhân. Nếu ly dị dân sự là phương cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi hợp pháp (như chăm sóc con cái, bảo vệ tài sản) thì có thể chịu mà không lỗi phạm luân lý.X. GLHTCG 2383.

[6] Familiaris Consortio  83.

2680    01-06-2014 16:15:21