Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Giáo Hội Là Đền Thờ Chúa Thánh Thần - Tháng 03 năm 2012

LỜI CHỦ CHĂN

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 Vĩnh Long

28.02.2012

V/v Hội Thánh là Đền Thờ Chúa Thánh Thần

Kính gởi:  Các Linh Mục,
                 Các Tu Sĩ Nam Nữ              
                 Anh Chị Em Giáo Dân Địa Phận Vĩnh Long

1.  "Do việc được tấn phong (sacra ordinatione) và sứ mạng (missione) đã lãnh nhận từ các giám mục, các Linh Mục được đặc cử để phụng sự Chúa Kitô, là Thầy, là Tư Tế và là Vua; các ngài tham dự vào chức vụ của Người: ngày ngày kiến tạo Hội Thánh ở trần gian thành Dân Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần" (Vat II, P.O. 1).

Sau khi đã nói về Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam  nhắc đến  chân lý quan trọng: Hội Thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (Thư chung số 13).

2.   Xã hội hôm nay, với chủ nghĩa thực dụng đang mơn trớn, gây ảnh hưởng, đặt nghi vấn về Hội Thánh. Phải chăng chính Chúa Kitô muốn có một Hội Thánh? Người chỉ muốn Nước Trời hay một cái gì khác, chứ hoàn toàn không phải Hội Thánh.

Họ nói: Chúa thì được, nhưng Hội Thánh thì không!

Nói như vậy không chỉ là phủ nhận  bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, nhưng chính là phủ nhận Thiên Chúa và ơn cứu chuộc của Ngài được thông ban qua  tác vụ của Hội Thánh.

Văn minh kỹ thuật và mức sống phồn thịnh đứa ta  tới khẳng định là mọi chuyện có thể tự tay ta làm được. Nghĩ như vậy đương nhiên ta hạn chế cuộc sống vào cái chúng ta có thể làm, có thể tạo ra, và có thể chứng minh được mà thôi. Như vậy vấn đề Thiên Chúa không cần đặt ra nữa (x. Bênêđitô XVI, Thiên Chúa và trần thế, tr 24).

3.  Ekklesia có nghĩa là chọn ra, những người được chọn ra. Trong nghĩa kỹ thuật của nó, từ ngữ nầy muốn nói đến sự "hội họp", khiến người ta liên tưởng đến cuộc họp dân chúng trong các chế độ dân chủ các thành phố Hy Lạp xưa.  Theo cách nói Kitô giáo, từ ngữ nầy gợi nhớ cuộc tập họp ở núi Sinai, cuộc họp của dân Israel. Như vậy nó có nghĩa là 'những người được Chúa gọi lại với nhau', những người được quy tụ lại với nhau bên Chúa, thuộc về Chúa và biết rằng Chúa ở giữa họ.

Như vậy, Hội Thánh là sở hữu đặc biệt của Chúa ở trần gian. Hơn nữa từ Ekklesia  còn tiềm ẩn ý nghĩa một đền thờ sống động, một đền thờ thuộc về Chúa cách đặc biệt. Các tín hữu Kitô long trọng tuyên xưng một Thiên Chúa sống động, Ngài không ở trong những  tảng đá. Vì thế đền thờ đích thực là những con người thuộc về Ngài và biết rằng Ngài ở trong họ (Sđd, tr 62). 

Con người ta thế nào cũng cần có một người mẹ, cho dù mình không nhận ra người mẹ đó , người mẹ cộng đoàn sinh ra mình trong đức tin và dẫn mình hướng tới Chúa... Ai xa lìa cộng đoàn sống động, xa lìa thân thể sống động, thì người đó đang rời bỏ thuyền Noe để nhảy xuống dòng nước lụt (x. Thiên Chúa và trần thế, tr. 67).

Thánh Phêrô đã quả quyết với chúng ta: "Anh em là dòng giồng được lựa chọn, hàng tư tế hoàng vương,, nước thánh thiện, dân được chọn làm sở hữu" (1 Phêrô 2,9).

4. Hội Thánh là Đền Thờ sống động của Chúa Thánh Thần: Ngài đã hiến thánh chúng ta trong Phép Rửa để kết hợp chúng ta thành một thân một thể trong Chúa Kitô: "Trong Thánh Thần duy nhất, hết thảy chúng ta nhờ Phép Rửa mà được nhập vào Thân Mình độc nhất, dù là Do Thái hay Hy Lạp, dù là nô lệ hay tự do; hết thảy chúng ta đã được cùng uống trong một Thánh Thần"(1 Cor 12,13).

Và khi đã thành Dân Thánh, Dân Tư Tế của Thiên Chúa, chúng ta có thể thi hành chức vụ của mình: "Vì lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi nài xin anh em hãy hiến dâng thân mình anh em làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là sự thờ phượng thiêng liêng của anh em" (Roma 12,1).

Phụng Vụ Thánh , là sinh hoạt cao nhất trong các sinh hoạt của Hội Thánh, đặc biệt là Thánh Lễ, nói đến tác động thánh hoá và biến đổi của Chúa Thánh Thần.  Trong các Kinh nguyện Thánh Thể II và III có hai lời khẩn nguyện Chúa Thánh Thần

 

Trước khi truyền phép:

Chúng con nài xin  Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hoá những của lễ nầy để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con (KNTT II);

Chúng con tha thiết nài xin Chúa , nhờ cũng một Chúa Thánh Thần, đoái thương thánh hoá của lễ chúng con dâng tiến Chúa đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con (KNTT III).

Sau truyền phép:

Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần (KNTT II);

Nguyện xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở nên của lễ  muôn đời dâng tiến Chúa (KNTT III ).

Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, phải được tôn thờ như Chúa Cha và Chúa Con.

Là ân huệ của Chúa Cha và Chúa Con ban cho Hội Thánh, làm Đấng Bàu Chữa, Thánh Hoá Hội Thánh, Chúa Thánh Thần luôn ở với Hội Thánh và không ngừng đổi mới Hội Thánh, làm cho Hội Thánh nên Đền Thờ, nên  Gia Đình của Thiên Chúa trong đó tôi được yêu thương đón nhận.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
   Giám Mục của Anh Chị Em           

THƯ MỤC VỤ

CHỦ ĐỀ: GIÁO HỘI LÀ ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN

Giáo Hội là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, được xây trên mười hai cột trụ là các tông đồ của Con Chiên (x. Kh 21, 14), được trang hoàng bằng muôn vàn ân sủng của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 12, 4-11; Rm 12, 4-8), Đấng là nguyên lý hợp nhất, làm phát sinh và thúc đẩy đức ái. Trong đền thờ này, Giáo Hội kết hợp với Chúa Giêsu là Hy Tế chân thật, hiến dâng chính mình làm của lễ thơm tho đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12, 1; Kh 8, 3-4; Tv 141, 2), dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân và ngợi khen, cùng với những âu lo và hy vọng của toàn thể nhân loại và tạo thành (x. Ep 5, 20; Pl 4, 6-7). Cộng đoàn tín hữu Việt Nam cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc vun trồng đời sống nội tâm, nhấn mạnh chiều kích thiêng liêng trong mọi chương trình huấn luyện cũng như mục vụ. Như vậy, mọi thành phần trong Giáo Hội được kêu gọi nên thánh, vươn đến đức ái trọn hảo, theo gương khiêm nhường và phục vụ của Đức Kitô. Thật vậy, nếu Giáo Hội Việt Nam hãnh diện có 117 Thánh Tử Đạo chuyển cầu cho mình cạnh Tòa Chúa, thì hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần đến sự thánh thiện của con cái mình, những tín hữu can đảm sống Tin Mừng trong mọi môi trường làm việc giữa đời thường. Chính qua cách sống đó, lễ dâng của Giáo Hội được tiếp tục cử hành trong đời sống các tín hữu. (Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 13).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Chuyện kể ông bà Richart Even đều bị mù từ thở bé; nhưng sau nhiều năm cố gắng học hỏi, ông đã trở thành một nhà chuyên môn quốc tế về hệ thống chữ Braille là chữ dành riêng cho người mù.

Ông là trưởng ban phát triển chữ Braille của thư viện Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, là Bộ chuyên dịch các sách Anh ngữ  ra chữ Braille cho các độc giả mù ở tiểu bang Maryland. Theo bạn bè cho biết thì họ chỉ xem sự khiếm thị là một bất tiện nhỏ trong sinh hoạt thôi!

Thế nhưng vào lúc 8 giờ 30 tối 13-01-1887, khi ông bà vừa từ bến xe điện ngầm lên đại lộ Georgia ở Wheaton, tiểu bang Maryland, phía trước có con chó dẫn đường để băng qua đại lộ, thì họ bị xe đụng chết tại chỗ.

Theo cảnh sát cho biết, nơi họ băng qua đường không có đèn đỏ, cũng không có vạch sơn trắng, dành riêng cho người đi bộ, còn con chó thì không biết hai dấu hiệu đó.!!

Nếu sự mù loà thể xác mang lại kết quả bi thảm như thế, thì sự mù loà tâm linh chắc chắn còn bi thảm hơn!! Chính Lời Chúa và ơn Thánh Thần soi sáng bên trong tâm hồn giúp chúng ta vững bước thẳng đường về bên Chúa: "Lời Chúa là đèn soi cho con bước và là ánh sáng chỉ đường con đi." (TV 119,105). Chúng ta hãy nài xin với Chúa "cho con được thấy" (x. Mc 10.51) những điều Chúa muốn chúng ta thấy để sống theo ý Chúa muốn.

Vào buổi chiều Phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ đang tụ họp nơi phòng tiệc ly, thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cho các ông: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,22). Năm mươi ngày sau đó, vào lễ Ngũ Tuần, Chúa Giêsu đổ đầy  tràn Thánh Thần cách long trọng trên các Tông đồ, biến các ông thành những người mới, tin tưởng mãnh liệt vào Chúa và mạnh dạn loan truyền Đức Kitô Phục sinh cho thế giới (x. Cv 2,1-4). Từ ngày đó, Chúa Thánh Thần thánh hoá và hướng dẫn Hội Thánh. "Chúa Thánh Thần được sai đến để thánh hóa Giáo hội mãi mãi, để các tín hữu có thể đến với Chúa Cha qua Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần" (Ep 2,18)

Và Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở nên "Đền Thờ của Thiên Chúa hằng sống" (2 Cr 6:16) (x. 1Cr 3:16-17; Ep 2:21)" (GLCG 797).  Vì "tinh thần hay linh hồn tương quan với chi thể thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Đức Kitô, với Thân thể Người, là Hội Thánh"(T. Augustinô, Bài giảng 267,4)(GLCG 797).   

Chúa Thánh Thần đã dùng quyền năng của mình mà làm cho Hội Thánh được hình thành và phát triển.

Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh qua việc:

- Ban sự sống cho Hội Thánh: nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được Chúa Thánh Thần biến đổi để trở nên con cái của Thiên Chúa và được thuộc về Hội Thánh,  trở nên những chi thể sống động của Thân Thể Chúa Kitô, và được lãnh nhận sự sống mới của Chúa là chính Thánh Thần.

- Hợp nhất các tín hữu nên một trong Chúa Kitô: nhờ Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và với Chúa Cha. Trong sự hợp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh được vững mạnh, bền vững và phát triển.

- Và thúc đẩy Hội Thánh chu toàn sứ mạng Chúa Kitô trao phó: Chúa Thánh Thần còn xây dựng Hội Thánh bằng cách ban Lời Chúa để hướng dẫn Hội Thánh, ban cho Hội Thánh có nhiều chức vụ khác nhau, và nhiều ân sủng đặc biệt,  để trong Hội Thánh luôn có nhiều người dấn thân gánh vác những công việc khác nhau phục vụ cho Hội Thánh.

Chúa Thánh Thần như linh hồn của Hội Thánh, và nhờ có Chúa Thánh Thần mà Hội Thánh có thể chu toàn sứ mạng của mình, đó là loan báo Tin Mừng cho khắp mọi nước mọi dân.

Là thành viên của Hội Thánh mỗi người tín hữu đều là đền thờ của Thiên Chúa, đền thờ của Thánh Thần (x. 1 Cr 6,19; Rm 8,11) và là chi thể của Thân Thể Đức Kitô (x. 1 Cr 6,15; 12,2). Vì thế, chúng ta  được Chúa Thánh Thần thánh hóa để nên ngày càng thánh thiện hơn.

- Chúa Thánh Thần cho chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, cho chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, và được cùng với Chúa Giêsu chia sẻ sự sống và vinh quang của Thiên Chúa.

- Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta được hiểu biết về các mầu nhiệm của Thiên Chúa, hiểu biết về Chúa Giêsu, để từ đó giúp chúng ta yêu mến, tìm kiếm, và sống gắn vó với Thiên Chúa.

- Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết làm việc lành và xa lánh điều xấu. Ngài thanh tẩy chúng ta sạch tộâi lỗi và những nết xấu, để biến chúng ta trở nên xinh đẹp và trong sáng, xứng đáng là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.

Nhờ có Chúa Thánh Thần, cuộc sống của các tín hữu sẽ trổ sinh những hoa trái tốt lành thánh thiện (Gl 5,22-23), làm cho Thiên Chúa được tôn vinh, qua đó các tín hữu làm chứng cho Tin Mừng,  làm chứng cho Chúa.

Trong tinh thần thờ phượng, tin kính và yêu mến Chúa Thánh Thần, chúng ta cần sống theo lời Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô: "Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc" (Ep 4,30).

Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn mỗi người, do đó chớ "làm phiền lòng Thánh Thần" (Eph 4,30)  do các tội nhẹ cố ý, nhất là "đừng dập tắt Thánh Thần" (1 Thes 5,19) qua việc phạm tội trọng.

Ngoài ra, thái độ dữõng dưng, nguội lạnh làm suy nhược đời sống ơn sủng trong chúng ta và làm héo mòn tình yêu đối với Thiên Chúa.  Nguội lạnh trong đời sống ân sủng đưa ta dần đến chổ dững dưng bất cần đến Thiên Chúa, say ngủ trong những bận rộn trần tục và ngay cả trong tội của mình, cản trở ta trong việc ăn năn trở lại. Lời Thánh Bênađô: "Cải thiện một tội nhân còn dễ hơn người nguội lạnh". Chúng ta cần phải giữ tâm hồn và thân xác trong sạch, xa tránh tội lỗi và điều xấu, để Chúa Thánh Thần luôn sống trong chúng ta, vì chúng ta là đền thờ của Ngài.

Nguồn: Chúa Thánh Thần-Hồn Sống Của Hội Thánh, tinvuixuanloc.vn

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Đền thờ là nơi để người ta thờ phượng Chúa, là nơi có Chúa hiện diện ngự trị. Giáo Hội luôn thờ phượng Chúa, luôn sống sức sống của Chúa, sống trong Chúa, vậy Giáo Hội  là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1.      Chúa phán: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn là hiện thân của Chúa Kitô, luôn sống thánh thiện, đạo đức, xứng đáng là con cái Thiên Chúa giữa trần gian.

2.      Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần". Chúng ta cầu nguyện cho các kitô-hữu luôn hiệp thông nhờ Chúa Thánh Thần, cùng chung lòng thờ phượng và yêu mến Chúa.

3.      Chúa phán: "Đã đến lúc người ta thờ phượng Thiên Chúa trong Thánh Thần và Chân Lý". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu luôn sống trong Thánh Thần, hiệp lòng dâng thánh lễ thờ Chúa và thực hành lời Chúa.

4.      Chúa phán: "Những ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy và Thầy sẽ ở trong người ấy". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, năng rước lễ và thực hành lời Chúa để được sống trong Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa qui tụ chúng con trong Hội Thánh Chúa. Xin cho chúng con quyết tâm chung sức xây dựng Ngôi Đền Thờ Chúa Thánh Thần, làm cho sức sống của Chúa được sống động ở đời này và đời sau trên thiên đàng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

Trong những lần trước, chúng ta đã có dịp tìm hiểu mầu nhiệm của Giáo hội là Dân Thiên Chúa, là Thân Thể Đức Kitô. Hôm nay chúng ta cùng nhìn một khía cạnh khác của mầu nhiệm Giáo hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Giáo hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần nghĩa là làm sao? Sách giáo lý hỏi thưa trả lời như sau: Hình ảnh Đền Thờ Chúa Thánh Thần bày tỏ thực tại này là: Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo hội như linh hồn của nhiệm thể. Người không ngừng xây dựng, thánh hoá và canh tân Giáo hội bằng các ân sủng của Người.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 797 dạy:  "Tinh thần hay linh hồn tương quan với chi thể thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Đức Ki-tô, với Thân thể Người, là Hội Thánh" (T. Âu-tinh). "Chính nhờ Thánh Thần của Đức Ki-tô, như một nguyên lý tiềm ẩn, mà tất cả các phần của Thân Thể được nối kết với nhau cũng như với Đầu, vì Người hiện diện trọn vẹn nơi Đầu, trọn vẹn nơi Thân thể, trọn vẹn nơi mỗi một chi thể" (x. Pi-ô XII, Thông diêp Thánh Thể; DS 3808). Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở nên "Đền Thờ của Thiên Chúa hằng sống" (2 Cr 6,16) (x. 1Cr 3,16-17; Ep 2,21).

Ở đây ta không đi sâu vào khía cạnh mầu nhiệm mà chỉ dừng lại ởø những suy nghĩ gợi ý để người tín hữu sống mầu nhiệm nầy trong đời sống mình.

Sau khi các tông đồ chứng kiến Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ và môn đệ trở lại Giêrusalem hội họp trong nhà tiệc ly để cầu nguyện, đợi trông Chúa Thánh Thần. Bỗng từ trời có tiếng ào ào như tiếng gió thổi mạnh lùa vào nhà, nơi các tông đồ và môn đệ đang hội họp. Và mọi người thấy những hình lưỡi lửa phân chia ra và đậu trên đầu mỗi người. Hết thảy được đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói tiếng lạ, làm theo như Thánh Thần ban cho để phát biểu (Cv 2:2-4). Giáo hội được khai sinh ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, người tín hữu được làm con Chúa trong Chúa Thánh Thần ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội. Các tông đồ đã mạnh dạn ra đi rao giảng tin mừng Chúa, còn tôi, từ ngày lãnh nhận Thánh thần đến giờ tôi đã làm gì để cao rao Danh Chúa.

Chúa Thánh Thần đã làm cho mọi người hiểu nhau, nên một với nhau: khi Phêrô giảng mà người ta nghe như tiếng bản xứ của họ, các tín hữu Giáo hội tiên khởi đồng tâm nhất trí với nhau họ chia sẻ của cải chung với nhau không ai lấy gì làm của riêng mình... phần tôi có để Chúa Thánh Thần biến đổi tôi trở nên hiệp thông với anh chị em không? Hay tôi hay chia rẻ, tôi tách mình ra khỏi cộng đoàn vì tự kiêu, ích kỷ... Tôi có để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn chưa?

Giáo hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự trị mà Giáo hội là chính chúng ta những người tín hữu, những chi thể của Giáo hội. Tôi đã làm gì để bản thân ta trở thành Đền thờ của Thiên Chúa. Trong con người tôi đầy những đam mê tật xấu, đầy những khiếm khuyết bất toàn vậy có xứng đáng làm nơi Chúa ngự hay không? Nếu không thì tôi phải sửa lại, phải loại trừ những tính xấu ấy ra khỏi con người tôi.

Không những thế Đền thờ còn là nơi ca tụng Thiên Chúa. Giáo hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, là nơi con người ca tụng những kỳ công Thiên Chúa qua các công trình do tay Ngài thực hiện. Hằng ngày Giáo hội hằng dâng lên những lời ca ngợi  để tụng ca Thiên Chúa. Nơi bản thân tôi, tôi có biết ca tụng những hồng ân Thiên Chúa đã dành cho tôi chưa, tôi có nhận thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại nói chúng và cho tôi nói riêng mà tạ ơn Người chưa?

Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất, là mối dây yêu thương. Yêu thương của mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, yêu thương của mầu nhiệm cứu chuộc... Như vậy, Sống mầu nhiệm Giáo hội là Đền thờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy người tín hữu gia tăng tinh thần Kitô giáo là xây dựng tình bác ái. Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Tình bác ái chân thành là dấu chỉ hữu hiệu cho thấy rõ Thiên Chúa ở cùng Giáo hội và Chúa Thánh Thần là Đấng gìn giữ, nâng đỡ che chở và hướng dẫn Giáo hội trên hành trình về nhà Cha.

Xin Chúa cho chúng con, những người tín hữu luôn ý thức rằng mình là chi thể của Giáo hội, là Đền thờ Chúa Thánh Thần để Đền thờ nơi thân mình chúng con xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự, biết luôn vang lời ca tụng tạ ơn Chúa, luôn biết sống hiệp thông với anh chị em và thực thi lòng bác ái chân thành.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 15: THƯ GỬI TÍN HỮU PHILIPPHÊ (Phil)

1/ Ai là tác giả thư này ?

Những người gửi thư này tự giới thiệu là Phaolô và Timôthêô, những tôi tớ của Đức Giêsu Kitô (Phil.1, 1).

2/ Timôthêô có nhiệm vụ gì trong việc viết bức thư này ?

Ngài được coi như bạn đồng hành và giúp đỡ cho Thánh Phaolô trong việc rao giảng Tin mừng và phục tùng như cha với con ( Phil. 2, 22).

3/ Thành phố Philipphê ở đâu ?

Thành phố Philipphê là một thành thuộc Macêđônia ở về phía tây bắc Hy Lạp. Theo Tông đồ công vụ 16, 12 thì Philipphê là một thành thuộc hạt thứ nhất Macêđônia và cũng là thuộc địa của La Mã

4/ Hãy trình bày một vài đặc tính của thư Philipphê ?

Trong các thư của Thánh Phaolô viết thì thư Philipphê có tính cách tâm thư hơn cả, chất chứa nhiều tâm sự hồn nhiên và thắm thiết.

5/ Thánh Phaolô viết thư này ở đâu ? Thời nào ?

Hiện nay đây là một đề tài tranh luận cho đến thế kỷ XIX mọi người nhận là Phaolô đã viết ở Rôma trong thời gian bị cầm tù ở đó (61-63).

6/ Hãy trình bày vắn tắt nội dung bức thư ?

Khởi đầu Thánh Phaolô nói lên mối thịnh tình giữa ngài và Giáo hội Philipphê, bởi cùng chung một ân sủng ( 1, 3-11); một nguyện ước duy nhất là Chúa Kitô được rao giảng, dẫu ta có bị tù đằy và xiềng xích (1, 12-26).

Rồi ngài khuyên nhủ hãy can trường sống Tin mừng noi gương Đức Kitô đã tự hạ và yêu thương đến hiến mình trên thập giá (Phil 1, 27-2, 28).

Phao lô cũng chia sẻ những dự tính của mình, sứ mạng của Timôthêô ở Philipphê và việc gửi Epaphrôđitô về nguyên quán ( Phil 2, 19-3, 1).

Đặc biệt, Phaolô muốn nhấn mạnh và trình bày con đường giải thoát duy nhất chân chính của chúng ta là Đức Kitô phục sinh và cảnh giác đề phòng những người bất lương muốn làm xáo trộn cộng đoàn ( Phil 3, 2- 4,1).

Cuối cùng, Phaolô gửi tới cộng đoàn những lời nhắn nhủ riêng và cảm ơn những điều quyên góp giúp đỡ của cộng đoàn và lời chào tạm biệt ( Phil 4,2-23).

Lời Chúa : " Chúa Giêsu đã tự hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá" ( Phil 2, 8).

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, bước theo Chúa là chấp nhận những thánh giá. Xin cho con hiểu được điều đó, để con luôn vững vàng đặt niềm tin yêu hy vọng nơi Chúa, và biết nhìn lên Chúa mà an tâm tiến bước. Amen.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

SỰ PHÂN LY ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG TRONG GIÁO HỘI
(Đ. 1141-1155)

Điều đầu tiên, chúng ta cần lập lại giáo huấn của Chúa Giêsu về đời sống hôn nhân là "sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mc.10,9; Mt.5,32; Lc.16,18), và  Giáo hội cũng dạy rằng: "hôn nhân thành nhận và hoàn hợp không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào và vì bất cứ lý do nào, ngoại trừ lý do tử vong" (đ.1141). Điều nầy cho thấy rằng, hôn nhân Kitô giáo, một khi đã kết giao thì đòi buộc hai người phối ngẫu phải chung thuỷ và chung sống bên nhau suốt đời.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả trăm phần trăm các đôi hôn nhân đều đạt tới lý tưởng đó, có rất nhiều trường hợp, hôn nhân không còn là tổ ấm hạnh phúc, nhưng là địa ngục trần gian... Trong những hoàn cảnh ấy, họ phải xử sự làm sao, cắn răng chịu đựng, hay đi tìm lối thoát nào khác?

Dưới khía cạnh tu đức và mục vụ, Giáo hội cố gắng tìm hết phương thế để hoà giải những đôi hôn nhân gặp trắc trở, nhằm bảo vệ hạnh phúc của họ, cũng như nhằm đến thiện ích của con cái. Sau cùng, những cố gắng hoà giải đôi hôn nhân không sinh kết quả tốt nào, các nhà lập pháp của Giáo hội có đề ra những phương thế để giúp đỡ cho họ có thể thoát khỏi cảnh bế tắc. Những phương thế đó là:

- Xin toà án hôn phối của Giáo hội cứu xét dây hôn phối vô hiệu.

- Xin Đức Giáo Hoàng miễn chuẩn hôn nhân chưa hoàn hợp.

- Xin giáo quyền cho ly thân.

Trong trường hợp 1 và 2, sau khi đã được giáo quyền tuyên bố và chuẩn nhận, thì dây hôn phối không còn; trường hợp 3, đôi hôn nhân được ly thân, nhưng dây hôn phối vẫn còn và không được phép tái hôn. Chúng ta lần lượt tìm hiểu từng trường hợp trên.

1. Xin toà án hôn phối của Giáo hội cứu xét dây hôn phối

Trên thực tế, những đôi vợ chồng Công giáo gặp hoàn cảnh bế tắc, thì không những họ xin ly thân, nhưng còn nhờ đến toà án Giáo hội cứu xét dây hôn phối của họ vô hiệu: một khi giá thú bị tuyên bố vô hiệu thì xem như dây hôn nhân không hiện hữu, và do đó hai người không phải là vợ chồng, cho nên họ có thể chia tay (thực tế họ đã chia tay từ lâu rồi), và có thể được lập gia đình mới hay không tuỳ thuộc vào phán quyết của toà án hôn phối.

Có lẽ đây là biện pháp thường dùng hơn cả. Như chúng ta biết, để dây hôn phối được thành hiệu, thì đôi bạn khi lập giao ước với nhau phải hội đủ ba yếu tố nầy:

Không mắc ngăn trở tiêu hôn nào khi lập giao ước với nhau. Những ngăn trở đó là: tuổi tác, bất lực, dây hôn thú, khác biệt tôn giáo, chức thánh, lời khấn trọn đời trong dòng tu, cưỡng đoạt, mưu sát người phối ngẫu, họ máu, họ kết bạn, liêm sỉ và nhận con nuôi (x.đ.1083-1094); 

Tự do ưng thuận kết hôn với nhau;

Tuân giữ thể thức kết hôn theo luật định.

Do đó, để xin cứu xét dây hôn phối vô hiệu, cần phải chứng minh được sự hà tì một trong ba yếu tố trên, nghĩa là:

-  Một trong hai người mắc ngăn trở tiêu hôn lúc cử hành hôn phối;

- Không có sự ưng thuận của một trong hai người kết hôn, hoặc sự thoả thuận kết hôn của họ bị hà tì, chẳng hạn như họ không biết sử dụng trí khôn một cách vừa đủ, không có khả năng phán đoán, bị lừa gạt, sợ hãi, giả đò...

- Hà tì về việc tuân giữ thể thức luật đinh, chẳng hạn như: linh mục chứng hôn không có năng quyền, thiếu người chứng hôn.

Thủ tục cho việc cứu xét dây hôn phối vô hiệu được Giáo luật quy định từ điều 1671 đến 1691. Thủ tục nầy bắt đầu từ toà án Giáo phận, nhưng bản án chung quyết khi được toà án cấp hai chuẩn nhận (thông thường toà án cấp hai thuộc tổng giáo phận).

2. Xin Đức Giáo Hoàng miễn chuẩn hôn nhân bất hoàn hợp

Điều 1142 dạy rằng hôn nhân chưa hoàn hợp có thể được Đức Giáo Hoàng tháo gỡ: 

Hôn nhân bất hoàn hợp giữa những người đã được Rửa tội hay giữa một người đã được Rửa tội và một không được Rửa tội, có thể được Đức Giáo Hoàng Rôma tháo gỡ vì một lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai người hoặc của một người mà thôi, mặc dầu người kia không bằng lòng.

Bên cạnh đó, điều 1061§1 định nghĩa về hôn nhân hoàn hợp (consummatum) là: "hai người phối ngẫu đã thực hiện hành vi vợ chồng với nhau theo cách thức hợp với nhân tính, mà hành vi nầy tự nó có khả năng dẫn tới sinh sản là mục tiêu tự nhiên của hôn". Như vậy, chúng ta có thể suy ra rằng: hôn nhân chưa hoàn hợp là hôn nhân không những vì chưa có sự giao hợp trọn vẹn, nhưng còn vì nó không hợp với nhân tính (xét như một hành vi nhân linh: có ý thức và tự do. Do đó, dùng vũ lực hay trong lúc say sưa thì không làm cho hôn nhân nên hoàn hợp) hoặc vì dùng các biện pháp làm bế tắc việc truyền sinh.

Trên nguyên tắc là như vậy, nhưng thực tế việc chứng minh hôn nhân chưa hoàn hợp thì không phải việc dễ dàng, vì nó thuộc phạm vi rất riêng tư, kín đáo giữa hai vợ chồng. Vì vậy điều 1061§2 quy định thêm rằng: "sau khi đã cử hành hôn phối, nếu đôi bạn đã sống chung với nhau thì sự hoàn hợp được suy đoán cho đến khi chứng minh ngược lại".

Thủ tục xin miễn chuẩn hôn nhân chưa hoàn hợp được Bộ Kỷ luật Bí tích quy định như sau:

2.1. Duy chỉ các đương sự (hoặc cả hai vợ chồng, hay chỉ một người tuy người kia không muốn) mới có quyền xin chuẩn chước;

2.2. Đơn trình lên Toà thánh, qua trung gian Giám mục Giáo phận. Nếu Đức giám mục nhận thấy đơn xin hợp tình hợp lý, thì sẽ cho tiến hành cuộc điều tra;

2.3. Nội dung điều tra gồm hai điểm: a/. sự kiện bất hoàn hợp, dựa trên các chứng cứ luân lý (lời khai của đương sự, lời khai của thân quyến), hoặc chứng cứ thể lý (khám nghiệm cơ thể); b/. lý do chính đáng để miễn chuẩn (chẳng hạn như bệnh truyền nhiễm, một người đã bỏ nhà đi biệt tích...);

2.4. Sau khi đã hoàn tất việc điều tra, Đức giám mục sẽ chuyển tất cả hồ sơ đến Toà thánh. Nếu đơn được chấp nhận, nghĩa là nếu hôn nhân được miễn chuẩn, thì đôi bạn được thong dong và có thể tái hôn.

Như vậy, để xin cứu xét dây hôn phối vô hiệu, thì chỉ cần nộp đơn thỉnh cầu đến toà án Giáo phận; nhưng để xin miễn chuẩn hôn phối chưa hoàn hợp thì phải làm đơn lên Toà thánh, qua Đức giám mục Giáo phận để chính ngài điều tra về sự hợp lý của nó.

3. Xin giáo quyền cho ly thân (xin xem tiếp mục vụ tháng sau)

TRANG LINH MỤC

CHÚA THÁNH THẦN VÀ ƠN GỌI NÊN THÁNH CỦA LINH MỤC

1. Linh mục hãy nhớ mình là người Kitô hữu           

Đời sống thiêng liêng của linh mục cũng triển nở theo những qui luật chung dành cho mọi Kitô-hữu: qui luật cầu nguyện là qui luật đức tin, và qui luật đức tin là qui luật đời sống.   

Mọi Kitô-hữu đều phải tiếp xúc với Chúa Ki-tô, gặp gỡ Ngài trong lòng Giáo Hội, trong cử hành phụng vụ. Mọi Kitô-hữu đều phải củng cố và nuôi dưỡng đức tin, và đức tin ấy phải là đức tin sống động, đi vào cuộc sống thực tế.           


Sự thánh thiện của người Kitô-hữu là nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng Hoàn Hảo. Mọi Kitô-hữu được mời gọi nên hoàn hảo trong tình yêu. Bác ái là cốt lõi của sự thánh thiện, vì phản ánh bán chất của Thiên Chúa là Tình Yêu.   


Mọi Kitô-hữu đều được hiến thánh trong phép rửa (1 Cr. 6, 1 1), nên đều được kêu gọi nên thánh: Thiên Chúa đã kêu gọi tất cả chúng ta, từ đời đời Người đã tiền định cho tất cả chúng ta trở nên con cái của Người cùng với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô (Rm 28, 28-30). Người muốn cho ta được thông phần cương vị làm con Thiên Chúa của Đức Ki-tô, và ban cho ta hạnh phúc làm con. Đó là gia tài mà chúng ta được thừa tự, đồng thừa tự với Đức Ki-tô (Rm 8,16).      


Chúa Thánh Thần mạc khải cho chúng ta biết ơn gọi Kitô-hữu và trở nên nguyên nhân, động lực, nguồn suối cho đời sống và việc thể hiện ơn gọi. Chính Ngài là Đấng Thánh Hóa, là sự Thánh Thiện của Thiên Chúa được thông ban cho ta, trở thành sự sống của chúng ta. Có Chúa Thánh Thần trong chúng ta, chúng ta được chia sẻ, được thông phần sự thánh thiện của Thiên Chúa, tình yêu và sự sống, và chính bản tính của Thiên Chúa (2Pr 1, 4).      


Vì là Thần Khí của Chúa Ki-tô, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong cương vị làm Con Thiên Chúa của Người, trong tình yêu hiếu thảo của Người đối với Chúa Cha. Đó là điều sâu thẳm nhất nơi Đức Ki-tô và cũng là điều cốt yếu nhất. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên giống Chúa Ki-tô, học sống đạo với Chúa Ki-tô, học yêu mến Chúa Cha với Chúa Ki-tô, chia sẻ tình yêu gắn bó, mật thiết, say đắm của Chúa đối với Chúa Cha.  

Chúa Thánh Thần còn làm cho chúng ta nên giống Chúa Ki-tô trong lòng mến của Người đối với anh em. Chúa Thánh Thần cho chúng ta chia sẻ tình yêu tự hiến của Chúa, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh sự sống vì những người mình yêu. Chúa Thánh Thần còn cho chúng ta chia sẻ kinh nghiệm được Chúa Cha yêu thương của chính Chúa Ki-tô. Ngài cho chúng ta chia sẻ tất cả những gì sâu kín nơi Chúa Ki-tô.         

2. Đời sống thánh thiện của linh mục


Linh mục có bổn phận nên thánh như các Kitô-hữu khác, và còn được mời gọi nên thánh cách đặc biệt hơn. Nói theo kiểu Phao-lô, linh mục phải là người thần thiêng trọn hảo, là người cởi mở, luôn săn sàng lắng nghe Thánh Thần. Các ngài bước đi theo Thánh Thần, sống theo Thánh Thần:         


Những ai thuộc về Đức Giêsu-Kitô thì đã đóng đinh xác thịt vào thập giá làm một với các tình dục và đam mê. Nếu sống bởi Thần Khí, thì ta cũng hướng theo Thần Khí mà tiến bước (Gl 5, 25).       


Là thừa tác viên của Đức Ki-tô Phục Sinh vinh hiển, Đấng đã trở nên Thần Khí tác sinh, linh mục phải trở nên thần thiêng cùng với Ngài, vì kẻ kết hiệp với Chúa, thì nên một Thần Khí với Ngài (1 Cr. 6, 1 7).        


CĐ Vatican II khẳng định linh mục nên thánh nhờ thừa tác vụ. Điều đó rất đúng và rất phù hợp, vì thừa tác vụ của linh mục là thừa tác vụ của Thánh Thần (2Cr.3,8), thừa tác vụ công chính hóa (2 Cr 3, 9). 

Linh mục được xức dầu Thánh Thần và sai đi giống như Chúa Ki-tô. Trong bí tích truyền chức, linh mục được hiến thánh vì sứ vụ. Các ngài nhận lãnh Chúa Thánh Thần như một lời mời gọi và một hồng ân thánh hóa trong và qua thừa tác vụ.    

Chính lúc thi hành thừa tác vụ Thần Khí và sự công chính, các linh mục đâm rễ sâu vào đời sống thiêng liêng, miễn là họ biết đón nhận Thần Khí ban sự sống của Đức Ki-tô và để cho Thần Khí dẫn đưa.     


Linh mục nên thánh nhờ công việc rao giảng: bài học khiêm nhường- bài học kiên trì - bài học đức tin- bài học chịu khó- rao giảng còn đi với cầu nguyện cho chính mình và cho người nghe. Việc rao giảng là cơ hội để linh mục không ngừng tiếp xúc với Lời Chúa, và chính Lời Chúa sẽ dưỡng nuôi linh mục, vì Lời Chúa là Lời Sự Sống, đầy Thần Khí. Vả lại tác giả chính của Lời Chúa là Chúa Thánh Thần. Khi tiếp xúc với Lời Chúa, linh mục tiếp xúc với Chúa Thánh Thần là tác giả, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dạy dỗ. Sách Kinh Thánh mà linh mục không ngừng sử dụng là môi trường tốt nhất để kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Khi giảng dạy, linh mục hãy nhớ giảng dạy cho chính mình trước.       


Linh mục nên thánh nhờ cử hành các bí tích. Mọi bí tích đều mang lại ân sủng, không những cho thụ nhân, mà cho cả chủ sự cử hành. Mọi bí tích đều là bí tích đức tin, nên sẽ nuôi dưỡng và củng cố đức tin cho thừa tác viên cử hành xứng đáng. Mỗi lần cử hành bí tích là một lần gặp gỡ giữa Đức Ki-tô và Giáo Hội. Linh mục thể hiện đức ái mục tử bằng việc siêng năng cử hành bí tích, sẵn sàng hy sinh thì giờ, sức khoẻ, để ban bí tích cho con chiên. Linh mục còn cử hành phụng vụ để giáo dục Dân Chúa, và chính linh mục cũng được hường nhờ sự giáo dục của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ. 


Linh mục là người phân phát các mầu nhiệm (1Cr.4,1). Mầu Nhiệm chủ yếu là Đức Ki-tô, Đấng trong Chúa Thánh Thần, là nguồn sự thánh thiện và là Đấng kêu gọi nên thánh. Mầu Nhiệm ở giữa lòng cuộc sống của linh mục, và là mầu nhiệm ơn cứu độ, là sự sống thần thiêng mà linh mục được hưởng nhờ. Là người phân phát mầu nhiệm, linh mục là người mang Thần Khí Đức Ki-tô đến cho nhân loại. Mầu nhiệm còn là mầu nhiệm thập giá Chúa Ki-tô mà linh mục uốn mình cho phù hợp với. 


Linh mục còn nên thánh nhờ các công việc mục vụ khác: hướng dẫn Dân Chúa, chăm sóc các linh hồn. Linh hồn của các công việc mục vụ phải là đức ái mục tử, mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trên con người linh mục, khi ngài được hiến thánh trong bí tích truyền chức, để thừa tác vụ của linh mục là một dịch vụ yêu thương. Mỗi linh mục đều phải đón nhận thừa tác vụ của mình như một nghĩa vụ tình yêu (officium amoris), với tất cả ý thức và tự do, đón nhận vào trong trí tuệ và trái tim, đưa vào trong các quyết định và hành động.

                                                                                                                             Ngọn Nến Nhỏ

TRANG TU SĨ

TÌM GẶP LỐI VỀ

Đang bon bon trên đường với chiếc xe đạp, tôi đem Mình Thánh Chúa cho những người già bệnh không đến nhà thờ được. Cái không khí của buổi sáng được chạy trên con đường quê thật dễ chịu. Đường quê thưa thớt bóng người, những ngôi nhà nằm cách xa nhau nhưng thỉnh thoảng trên đường đi tôi vẫn nhận được những nụ cười và lời chào hỏi thân thiện của những người đi đường, cũng như những cử chỉ cúi chào trân trọng của các em học sinh đang trên đường đến trường mặc dù trong trí tôi chưa kịp nhớ ra họ là ai. Tôi mỉm cười hạnh phúc và cảm nhận một sự ấm áp của Tình Chúa - Tình người, vì trong tôi Chúa đang song hành đến thăm mọi người.

Lối vào những ngôi nhà đang có người bệnh mong chờ tôi mang Chúa đến sao mà thân thương quá! Mỗi lần xe tôi vừa tới đầu ngõ thì nghe tiếng của cô con gái Ông Năm từ bên trong nhà vọng ra: "Cha ơi, Chúa tới rồi!". . . Như thường lệ, sau khi đưa Mình Thánh Chúa tôi vẫn hay nán lại vài phút truyện trò hỏi thăm sức khỏe mọi người, hay trao cho họ ít viên thuốc cảm sốt - nhức mỏi... Hôm nay, sau khi kết thúc, bà Hai đi vội tới nắm lấy tay tôi rồi nói:

- "Dì Út ơi, có bà Tư này muốn vô đạo đã hơn hai năm nay rồi, nhưng vì hoàn cảnh nên đến hôm nay vẫn chưa đến nhà thờ được". 

- "Ô, sao vậy bà Hai?!" - vừa nói tôi vừa quay nhanh sang Bà Tư cúi chào Bà và hỏi: -"Chào Bà Tư, hoàn cảnh gia đình Bà Tư gặp khó khăn thế nào mà thời gian lâu vậy vẫn chưa đến được nhà thờ?".

- "Tui theo học giáo lý với ông Ba được vài tháng thì ông ta bị tai nạn, rồi thì từ đó tới bây giờ tui cũng nghĩ học luôn".

-  "Có chuyện vậy sao Bà Tư? Vậy sao Bà Tư không đến gặp Cha Sở để ngài giúp Bà?".

-  "Nhà Bà Tư đâu ai có đạo, lại còn ở sâu trong vườn nên lâu nay cứ bỏ qua mọi việc. Hôm nay gặp được Dì, xin Dì giúp dùm!" - Bà Hai nói trong thương cảm.

-  "Dạ được mà! Để chút nữa con về trình với Cha Sở rồi hẹn ngày giờ trước, sau đó con sẽ đưa Bà Tư đến gặp Cha".

Bà Tư mừng như mở hội trong lòng, nét mặt rạng rỡ làm mọi người ai cũng vui lây. Hôm sau, ba giờ chiều tôi đưa Bà đến gặp Cha Sở. Sau khi thăm hỏi rõ ràng hoàn cảnh gia đình và ước nguyện theo Đạo của Bà Tư, Cha Sở nói:

- "Vậy, Bà Tư đã được chịu phép Rửa Tội rồi nhưng lâu nay Bà đi lạc đường bỏ Chúa. Bây giờ là lúc Chúa tìm và đưa bà trở về với Người" - Cha vừa nói vừa mỉm cười thân thiện, rồi tiếp lời: "Con sẽ sắp xếp cho người dạy giáo lý căn bản cho Bà trong vài tuần rồi sẽ ban Bí Tích Thêm Sức và Mình Thánh Chúa để Bà có thể đến nhà thờ thực hành nghĩa vụ của người có Đạo".

-  "A, thì ra Bà Tư có Đạo nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên bỏ Chúa bấy lâu nay" - Tôi tự nhủ.

-  "Nhưng thưa Cha, con .... không biết chữ" - Bà Tư ấp úng.

-  "Không sao! ở tuổi này của Bà mà còn phải học là điều không dễ, Bà hiểu căn bản về Đạo và tin Chúa là được. Còn việc để nhớ các kinh đọc hằng ngày chỉ cần Bà siêng năng đến nhà thờ nghe mọi người đọc kinh và cùng tham dự Thánh Lễ ... Chúa sẽ giúp Bà..." - Cha trấn an khích lệ Bà Tư.

Từ trong Nhà Xứ bước ra, nhìn nét mặt vui tươi mãn nguyện của bà Tư, thái độ ân cần thân thiện của Cha Sở, vị mục tử ... tôi đã gặp thấy Một Thân Mình của Đức Kitô mà chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý ẩn giấu đã nối kết mọi phần Thân Thể với nhau và với Đức Kitô là Đầu.  Chính Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh Trở Thành "Đền Thờ sống động của Thiên Chúa" bởi Người hiện diện trong mỗi phần tử trong toàn Thân Thể. Bà Tư đã là người con của Chúa đã lưu lạc nhiều năm, nay đã trở về là niềm vui cho hết mọi người được gọi là Chi Thể Đức Kitô. Chúng ta đang sống trong Mùa Chay, mùa của sám hối - ăn năn. Hãy trở về! Hãy thật lòng trở về cùng Thiên Chúa, Người đang giang rộng vòng tay để tha thứ và yêu thương.

MTG Cái Nhum

GIÁO HỘI LÀ ĐỀN THỜ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, Ngài đã kêu gọi và tuyển chọn các tông đồ để làm nền móng xây dựng Giáo Hội.Giáo Hội đó đã được khai sinh và Thánh hóa bằng muôn vàn ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Corintô đã viết: "Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống" (2 Cor 6,16).

Nơi khác, Thánh Irênê Giám Mục cũng đã nói: "Đâu có Giáo Hội thì đấy có Thần Khí của Thiên Chúa và đâu có Chúa Thánh Thần thì đấy có Giáo Hội cùng tất cả ân sủng của Người".

Sau biến cố Phục sinh và trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ để củng cố niềm tin, đồng thời hứa sẽ cử Thánh Thần đến với các ông torng ngày lễ Ngũ Tuần. "Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là những chứng nhân của Thầy" (Cv 1,8). "Chính Thiên Chúa đã ghi dấu ấn trên chúng ta và đã ban Thánh Thần vào lòng chúng ta dể làm bảo chứng". Đó là lời xác quyết của Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Corintô (x. 2Cor 1, 22)

Như thế, chúng ta xác quyết và tin chắc chắn rằng: Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai cho đến bây giờ và mãi về sau, chính Chúa Thánh Thần là Đấng ngự trị trong Giáo Hội và trong tâm hồn của từng người kitô hữu chúng ta như ngự giữa đền thờ (x. 1Cor 3,16; 6,19).

Trong đền thờ nầy, Giáo Hội kết hợp với Chúa Giêsu là hy tế tinh tuyền, thánh thiện, hiến dâng chính mình làm của lễ thơm tho đẹp lòng Thiên Chúa. Tất cả mọi hoạt động trong Giáo Hội đều được thực hiện trong sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Tôi đang đồng hành với các em trong giai đoạn chuẩn bị để bước vào con đường tu luyện. Trong cộng đoàn, có những em có khả năng tiến lên để trở thành người tu sĩ chính danh. Nhưng cũng không ít những em còn non kém trong đời sống thiêng liêng nhất là về phương diện đức tin.

Vì vậy, mối bận tâm của những người có trách nhiệm là làm sao để giúp các em trưởng thành hơn trong các nhân đức căn bản của con người. Cũng như đời nội tâm và sống đức tin trong xã hội hôm nay. Công việc nầy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, cậy trông, phó thác vào tình yêu thương và ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần cùng với những nỗ lực cố gắng của chúng tôi.

Một hôm, trong lúc cùng làm việc với các em thì một em nói với tôi rằng: "Mỗi lần nhìn Dì và các Dì khác đi rước lễ xuống, con thấy nét mặt các Dì thật tươi và đẹp lắm, đẹp giống như Thiên Thần vậy đó!" Một sự so sánh thánh thiện, một cái nhìn đức tin khiến tôi hạnh phúc nhưng cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều! 

Do đó, mọi thành phần trong Giáo Hội: là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta ý thức mình được kêu gọi phải nên thánh trong một Giáo Hội thánh thiện. Cố gắng vươn tới đức Ái trọn hảo, theo gương khiêm nhường và phục vụ của Đức Kitô. Và trong lúc nầy, hơn bao giờ hết, Giáo Hội luôn cần nhờ đến sự thánh thiện của con cái mình bằng một đời sống chay tịnh và cầu nguyện, chia sẻ và quan tâm đến mọi nhu cầu của tha nhân vì "Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ".

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

HÔN NHÂN HAY TU TRÌ ?

Người ta thường nói: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa"! Như một lời khẳng định ơn gọi nào cũng quan trọng và cần thiết. Nhưng điều quan trọng là mỗi người có bổn phận đi tìm thánh ý Chúa cho ơn gọi riêng của mình. Cho dù là ơn gọi gia đình hay ơn gọi tù trì đều hướng và giúp cho người ta nên thánh. Đối với những người lập gia đình, họ có thêm ơn gọi sống đời đôi bạn hoặc làm cha mẹ. Ngoài ra, một số người còn có ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ. Ơn gọi đời sống hôn nhân hay tu trì, không mâu thuẫn với ơn gọi làm Kitô hữu; trái lại, nó củng cố, làm thăng tiến và phong phú hơn. Hai ơn gọi này dẫn đến hai bậc sống khác nhau: bậc sống tu trì và bậc sống hôn nhân. Nhưng tất cả đều được kêu gọi: "anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48).

Công đồng Vatican II cũng đã khẳng định mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành (x. LG 11, 42), chứ không chỉ qua con đường tu trì. Ở đây, chúng ta cần phân biệt "nên thánh" trong bậc giáo dân và "nên thánh" trong bậc tu trì: sự thánh hiến phổ quát và sự thánh hiến riêng biệt, ơn gọi phổ quát nên thánh và ơn gọi cụ thể nên thánh theo từng bậc sống. Trong Cựu ước, có sự thánh hiến của toàn thể dân Chúa và cũng có sự thánh hiến của riêng các ngôn sứ. Cũng vậy, trong Tân ước, ngoài sự thánh hiến phổ quát dựa trên bí tích Rửa tội, còn có sự thánh hiến đặc biệt của bí tích Truyền chức. Điều quan trọng là mỗi người phải sống theo đặc sủng đã nhận được "như Chúa đã định cho mỗi người làm sao, như Thiên Chúa đã kêu gọi mỗi người thế nào, thì cứ sống như vậy" (1Cr 7, 17). Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội trở thành một mối hiệp thông hữu cơ, trong sự đa dạng về các ơn gọi, các đặc sủng và các thừa tác vụ (x. GS 32). Nói chung, nên thánh là con đường của đức ái. Càng yêu nhiều, càng thánh thiện.

Ơn gọi là một lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và để minh chứng tình yêu đó. Dù sống trong bậc sống nào, chúng ta cần phải hiểu rằng TÌNH YÊU là sức sống nền tảng của mọi ơn gọi: một cách đơn giản, ơn gọi là một tiếng gọi để tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Kitô, với ý thức rằng, không gì có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu của Người. Ơn gọi là một lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và để minh chứng tình yêu đó. Tôi yêu mến Chúa thế nào? Tôi minh chứng tình yêu của tôi cho Thiên Chúa thế nào? Thưa, bằng cách làm thật tốt đẹp công việc được trao phó, bằng cách thực hiện một cách đơn sơ những gì Chúa ủy thác cho tôi dưới bất kỳ dạng thức nào. Như thế, dù bạn được trao phó cho bất kỳ công việc gì, với tư cách một tu sĩ, hay một giáo dân - đó là phương tiện cho bạn để bạn dành tình yêu của bạn cho Thiên Chúa trong một hành vi sinh động, trong một hành vi của tình yêu...

Thật sự, vấn đề của ơn gọi không hệ tại ở chính công việc - ơn gọi của chúng ta là  thuộc trọn về Đức Giêsu với ý thức rằng, không gì có thể tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Người. "Ơn gọi không phải là những gì chúng ta đang làm, hay chúng ta làm được bao nhiêu việc, mà là bao nhiêu tình yêu tôi đã đặt vào công việc tôi đã được trao phó. Những gì bạn đang làm, có thể tôi không làm được... Những gì tôi đang làm, có thể bạn không làm được, nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm cái gì đó thật đẹp cho Thiên Chúa." (Mẹ Têrêxa Calcutta).

Cha mẹ của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, ông Martin  và bà Guerine, đã đi tìm hiểu ơn gọi tu trì, nhưng Chúa không muốn cho họ đi con đường ấy và họ đã bước vào cuộc sống hôn nhân và nên thánh. Chúng ta phải nhấn mạnh rằng hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi nên thánh và gương của những cha mẹ thánh thiện là điều kiện thuận lợi đầu tiên cho việc nở hoa những ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Từ ban đầu, Thiên Chúa đã muốn con người sống có đôi: "Đàn ông ở một mình không tốt." (St 2, 18).  Nhưng Chúa cũng mời gọi chúng ta bước đi trên con đường hẹp của Tin Mừng, sống hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng một tình yêu không chia sẻ, qua việc họ chấp nhận "tự ý không kết hôn vì Nước Trời" (Mt 19, 12). Cũng như ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ là ơn Chúa ban nhưng không. Chúa là người đi bước trước, là người đưa ra sáng kiến kêu gọi chúng ta theo Ngài: "Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con." (Ga 15, 16)           

Bởi đó, mỗi người đều được đặt trước một sự chọn lựa và hạnh phúc cả cuộc đời tùy thuộc vào sự lựa chọn này. Sự chọn lựa bao gồm trách nhiệm, hy sinh và dấn thân. Nếu chọn lựa sống đời Kitô hữu hoàn hảo đã phải chiến đấu nhiều với chính bản thân, thì chọn lựa sống đời tu trì còn phải chiến đấu nhiều hơn nữa. Vì chọn lựa ấy đòi buộc sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Mong rằng mỗi người sẽ sáng suốt trong lựa chọn và tin rằng: "đây là ơn Chúa gọi tôi", để chúng ta không còn đứng núi này trông núi nọ, rồi hối tiếc cho cái số phận mà chính bạn cho là hẩm hiu của mình.

TRANG THIẾU NHI

DẠY CON CẦU NGUYỆN THEO LỜI CHÚA
BÀI 3: CẦU NGUYỆN TRƯỚC KHI NGỦ

Có lẽ lời nguyện rất thông dụng trẻ em được dậy cầu nguyện trước khi ngủ là "Bây giờ con đi ngủ, xin Chúa gìn giữ linh hồn con. Nếu con chết trước khi thức giấc, xin Chúa đón nhận linh hồn con". Lời cầu nguyện này chắc đã gây ám ảnh cho nhiều em thiếu nhi. Giấc ngủ là thời gian các em hướng tâm lòng về cuộc sống, không phải cái chết. Khi ngủ, các em hướng lòng về niềm an bình, không phải nỗi hãi sợ. Khi bước vào giấc ngủ, các em nghĩ đến chuyện tốt lành, không phải cơn lo lắng. Chính Chúa đã dặn các môn đệ đừng lo phải ăn gì mặc gì vì chúng ta quí hơn chim sẻ. Chẳng có chú chim nào chết vì đói do không được Chúa săn sóc.

Những phút trước khi ngủ là thời điểm các con muốn chia xẻ với cha mẹ những suy nghĩ, quan tâm, và cả những nỗi lo âu. Các em ước mong dẹp bỏ được những lo lắng sợ hãi ấy.

Ngoài ra, các em còn hay lo chuyện không đáng lo vì có thể đã nghe loáng thoáng về những khó khăn của gia đình. Cha mẹ nên khích lệ các em cầu nguyện như lối tỏ bày với Chúa và cha mẹ về những quan tâm của các em bằng những lời vấn hỏi Chúa, đồng thời cũng tỏ lòng tin tưởng vào tình yêu Chúa. Trong giờ kinh nguyện buổi tối, ngoài những lời vấn hỏi, cầu nguyện cởi mở, những tâm sự âu lo, sợ hãi các em kể với Chúa, các em cũng nên được hướng dẫn để tạ ơn Chúa về những điều tốt đẹp của một ngày qua: cầu nguyện cho cha mẹ anh chị em trong nhà, bạn bè ở trường ở xóm, cầu nguyện xin cho mình được sống mạnh mẽ, tươi vui khi thức dậy sáng mai.

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì chiều nay một bạn đã tới làm hòa với con sau khi đã giân con mấy tuần. Chúng con chơi với nhau thật vui. Con mong, con luôn vâng lời Chúa, lúc nào cũng sẵn lòng tha thứ cho bạn như Chúa đã dậy "phải tha thứ cho anh em bảy mươi lần bảy".

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì trưa nay ba con đi xét nghiệm về cho biết không có bệnh gì nặng. Cám ơn Chúa vì mẹ con đã mua cho chúng con quần áo đẹp để đi lễ bằng tiền thưởng cuối năm của mẹ. Con cũng cám ơn Chúa vì mấy anh chị em con đều được điểm thi học kỳ tốt".

Cha mẹ có thể tập cho con thói quen cầu nguyện trước khi ngủ và dành nụ hôn như cử chỉ thân ái đưa con vào giấc ngủ bình an. (còn tiếp)

Thành tín (dunglac.org)

 

ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN

Tinh thần khép cổng, Thánh Thần "bó tay"           

Trong giờ cơm khách chiều nay, một người đạo đức tâm tình như than vãn: Tuổi nhỏ ngày nay sao khác mình xưa kia quá nhỉ! Chúng không thích làm những công việc chung. Ngày trước ai cũng muốn vào ca đoàn, hội đoàn, thích được giúp lễ, đọc sách hay làm việc chung. Bây giờ mỗi lần kiếm người đọc sách hoặc nhờ việc gì thật là khó khăn: phân công thì chúng không giữ, đứng đợi gặp người thì chúng tránh xa.

Có nhiều lý do để biện hộ cho sự ơ thờ trong việc "công hỏa": người cho là công việc không hấp dẫn, người khác nói tổ chức không vừa lòng, người thì bảo rằng không có thời gian lo cho gia đình thì sao dám dấn thân phục vụ. Nhưng lý do chính đưa đến sự lơ đãng, ù lì chính là bầu nhiệt huyết không còn. Tinh thần khép cổng thì Thánh Thần cũng phải bó tay. Có nhiều triệu chứng xảy ra khi bầu nhiệt huyết không còn:

Lơ là trong công việc

"Con người chỉ trở nên cao cả khi họ dám xả thân cho một cái gì lớn hơn là bản thân mình" (Saint Exupery). Ai cũng muốn mình trở thành những bậc cao cả nhưng khổ nỗi không dám băng mình để làm những việc cao cả. Tuổi trẻ sống có lý tưởng nhưng rồi lý tưởng đó chỉ dựa trên những điều "tưởng là có lý". Chỉ biết đến mình mà không nghĩ đến người khác, chỉ ưu tiên cho việc mình còn việc chung thì "hên xui".

Trước hai tuần chuẩn bị đón mừng xuân mới, cha sở vừa thông báo nhờ các em thiếu nhi sau giờ sinh hoạt ở lại lãi lá mai đón tết. Thiếu nhi gần 200 em nhưng khi công việc mới bắt đầu thì có nhiều người đã lần lượt ra về. Hơn một giờ làm việc số lượng còn lại không quá 10 người. Bao lời mời gọi, hô hào, động viên giờ trở nên lạc lõng khi thấy có rất nhiều người không cộng tác. Từ những việc quét dọn nhà thờ, đóng cửa hay mở cửa tất cả chỉ thấy bóng dáng người lớn tuổi, có khi là những cụ già đã về hưu.

Có lẽ sẽ còn rất nhiều điều để nói nhưng chừng ấy cũng thấy được tình thần của người trẻ hôm nay dành cho việc chung sao quá lạnh lùng. Phải chẳng vì cha mẹ cưng chìu quá đáng, phải chăng trào lưu thực dụng quá lan tràn, hay do lòng người quá ích kỷ để rùi cuộc đời họ chỉ thích dừng chân nơi chính bản thân mình.

Chểnh mãng trong kinh nguyện

Tuổi trẻ như vẫn còn lầm tưởng nghĩ rằng những việc đạo đức chỉ dành cho giới bình dân, nhàn rỗi như những cụ già lỗi thời, không thể làm nỗi việc chi. Các bạn thích hàng hóa siêu thị hơn là những ân huệ siêu nhiên, thích những dịch vụ chơi game hơn những trò chơi mang tính giáo dục, thích tìm hiểu thực tế khoa học hơn là chân lý Nước trời; thích cái bánh, viên kẹo ăn cho vui còn hơn đón nhận Bánh Hằng Sống; thích đến nhiều nơi miễn sao nơi đó không phải là thờ phượng Chúa.

Thực tế đó đây các nhà thờ vắng bóng thiếu nhi là chuyện thường tình. Họa may Chúa nhật các em đến nhà thờ cho xong bổn phận còn những ngày lễ khác thì chẳng ham. Lễ misa thường ngày có rất ít thiếu nhi đến tham dự. Cho dù có nhiều lý do chính đáng để chống chế nhưng cốt cõi là do thiếu đức tin trong đời sống gia đình. Đức tin không có việc làm là đức tin chết (x.Gc 2,14-16). Đức tin cần nuôi dưỡng bằng Thánh Lễ hằng ngày. Đức tin được hâm nóng trong những giờ kinh chung gia đình. Đức tin được xác tín sấu sắc trong những giờ học Giáo lý. Đức tin càng trở nên mạnh mẽ khi biết nguyện cầu trong mọi biến cố buồn vui. Ta không thể bảo mình không có đức tin. Chẳng qua ta không biết nuôi sống đức tin mà thôi.

Lạnh lùng nơi trái tim

Tuổi trẻ thích nói chuyện tình yêu, thích được yêu nhưng rất ngại khi phải sống cho tình yêu. Tôi muốn nhắc đến giới răn yêu thương mà Thiên Chúa dạy chúng ta thực hành. Tình yêu theo Chúa dạy ta không thể làm theo cảm xúc hay thói quen nhưng cần phải học cách yêu và yêu cho đúng cách.

Tôi thật biết ơn các Cha Giáo nơi Đại Chủng Viện.Những năm nơi chủng viện các cha đã hướng dẫn nuôi lớn các Thầy bằng một con tim đầy tình mến. Hàng tuần các Thầy cũng được sai đến để thăm viếng những nghèo khó, đau yếu, cô đơn. Những lần mục vụ ấy giờ đây với tôi không dừng lại là những kỷ niệm đáng nhớ nhưng lòng nhiệt tình ấy vẫn còn nối dài và sống động cho đến hôm nay.

Tôi thật may mắn vì đã được học và thực hành những bài học yêu thương. Không bao giờ là quá muộn cho những người học và thực hành những việc yêu thương. Thật tiếc biết bao khi cha mẹ không tạo cơ hội cho con cái làm những việc hy sinh nhỏ nhặt trong gia đình. Thật tiếc biết bao khi cha mẹ không hướng dẫn con mình biết hướng đến người khác, sống tinh thần tập thể, dấn thân làm việc chung nơi họ đạo. Thật đáng tiếc cho những người có trách nhiệm không kêu gọi, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ thực hành yêu thương.

"Tim ghét ghen là tim héo hon, tim xanh xao là tim thiếu máu". Đừng để tim mình khép kín trước nỗi đau người khác. Cũng đừng để tim mình phải ngừng đập vì thiếu yêu thương. Hãy bơm máu yêu thương mà nuôi sống tim hồng. Hãy để tinh thần luôn rộng mở thì Thánh Thần hoạt động mới có hiệu năng.

TRANG GIỚI TRẺ

TUỔI TRẺ - ĐỨC TIN - CUỘC SỐNG
Điều gì xảy ra sau khi chết? (tiếp theo)

3. Điều gì xảy ra sau khi chết?

Mọi linh hồn nghĩa thiết với Chúa đều được tiền định sẽ diện kiến Người trên trời. Nhưng để có thể mặt đối mặt với Thiên Chúa, ít hay nhiều ta cũng thấy mình phải được thanh tẩy đến tận gốc rễ cho hết mọi ích kỷ xấu xa. Ở thế giới bên kia cần có một sự công bằng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm.

Khi chết, linh hồn lìa khỏi xác - Linh hồn sẽ đi đâu trước khi kết hợp lại với thân xác trong ngày mọi người sống lại? Nếu linh hồn tuyệt đối trong sạch, nó được trực tiếp hưởng kiến Chúa. Nếu nó chưa được thanh tẩy hoàn toàn trên trần gian - trần gian là nơi để ta lập công trạng - thì nhờ tình yêu với Chúa và tha nhân, nhờ tự nguyện hy sinh, lấy tinh thần Kitô hữu mà đón nhận các thử thách, lãnh các bí tích của Hội thánh và nếu đã được tha các tội nặng, linh hồn ấy sẽ vào luyện ngục, theo cách diễn tả thông thường. Thật ra, luyện ngục không phải là một thời gian, mà cũng chẳng phải là một nơi chốn. Đó là một trạng thái trong đó tình yêu của Chúa sẽ thiêu huỷ hết thảy những gì cản trở không cho linh hồn được hạnh phúc viên mãn khi hưởng kiến Thiên Chúa.

Quả thật, có một cuộc phán xét riêng. Khi chết, linh hồn trình diện Đức Giêsu Phục sinh. Choáng ngợp trước ánh sáng của tình yêu Người, linh hồn sẽ ý thức thực trạng của mình: đã yếu đuối mà lại còn bị trĩu nặng bởi đủ điều ô uế.

Không cần Chúa chí công đứng ra cáo tội ta một cách lạnh lùng, mà chính ta sẽ trở thành quan toà để kết án mình khi đánh giá lại toàn bộ đời mình dưới ánh sáng của Chúa. Nếu ở dưới thế này chúng ta đã không chụp lấy các cơ hội để sửa đổi lỗi lầm thì lúc bấy giờ, chúng ta cần được thanh tẩy. Luyện ngục chính là tiến trình giải độc này - cũng là một hậu quả của lòng Chúa nhân từ.

Luyện ngục bao hàm sự đau khổ phát sinh từ tình yêu, một sự đau khổ nhưng lạc quan vì biết rằng mình đã được cứu độ một cách vĩnh viễn. Các linh hồn này được tình yêu của Chúa làm cho tan chảy ra như vàng trong lò luyện kim. Không còn có thể tự mình lập công đuợc nữa, các linh hồn ấy cậy dựa vào sự liên đới của chúng ta - dựa vào kinh nguyện, thánh lễ, hy sinh, ân xá của chúng ta - để chúng hoàn tất cuộc thay hình đổi dạng dẫn đến tự do kia.

4. Phải tin vào hoả ngục không?

Tin Mừng nhiều lần nêu ra tình trạng bi đát của người đã quyết định đi vào chỗ hư mất này. Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài không ngừng đề nghị với mọi người tình yêu của Ngài. Thế nhưng, con người có tự do: con người có thể khước từ tình yêu Chúa ban tặng. Hoả ngục chính là chủ ý và ngoan cố từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Khi một người tự ý khai trừ mình khỏi lòng thương xót của Chúa thì kẻ đó rơi vào hoả ngục. Kẻ này dùng tội trọng mà mình đã phạm một cách ý thức để cắt đứt với Đấng đã tạo ra mình. Như vậy, hoả ngục đã khởi sự ngay dưới thế này.

Không phải Chúa ưa trả thù sẽ kết án ta. Chính con người, do tội mình tự khai trừ và kết án mình phải sống xa Cứu Chúa của mình. Chẳng ai sa hoả ngục nếu họ không muốn.

Khi con người vĩnh viễn lấy mình làm trung tâm và qua đó lao vào sự cô đơn và thù nghịch, bất hạnh kia, ấy chính là hoả ngục. Ngày nay, ta không còn dùng những cách diễn tả của thời Trung cổ, mô tả hoả ngục với những con quỷ có sừng cầm chỉa đứng quanh hoả lò!

Có nhiều linh hồn sa hoả ngục chăng? Hội thánh không bao giờ nói người này, người kia phải sa hoả ngục nhưng Hội thánh cầu nguyện cho "nhiều linh hồn".

Ta có nên để cho hoả ngục "ám ảnh" mình chăng? Thưa: chẳng nên tí nào! Đang trên đường đến gặp người yêu mà được giục giã tiến bước, là do cuộc hẹn hò yêu đương kia, chứ không phải vì lo sợ những hầm hố ven hai bên đường.

 5. Ta có thể liên lạc với người chết không?

Các người quá cố vẫn đang sống. Điều mà Đức Giêsu đã hứa với người trộm lành: "Anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng", Người cũng lặp lại với những ai chết trong lúc vẫn khẩn cầu Người thứ tha. Những người quá cố này đang sống với Đức Kitô.

Ta có thể liên lạc với họ chăng? Dù đã khuất nhưng họ vẫn đang hiện diện: tôi có ý nói đến những ai đã được hội ngộ với Chúa trong Nhà Người. Họ đang tiếp xúc một cách thiêng liêng với ta. Họ đang nhìn thấy ta, biết ta lo lắng và buồn sầu. Trong ánh sáng của Chúa, họ biết rõ điều gì cần cho ta. Khi đã biết các khó khăn của ta, họ càng có khả năng để cầu bầu với Chúa cho ta hơn nữa. Nhưng họ tôn trọng tự do của ta. Họ chờ đợi phút giây hạnh ngộ.

Họ vẫn giữ nguyên nhân cách và tính tình của mình. Họ vẫn yêu thương ta hết lòng. Bí tích Thánh Thể là nơi họ gần gũi ta hơn hết.

Chúng ta có thể chuyện trò với họ khi cầu nguyện. Như đã thấy, những người quá cố chẳng phải là các vong linh lang thang, đi tìm một kẻ trung gian để mọi người được nghe tiếng. Giáo hội lên án thuyết thần thông, tìm cách chiêu hồn và dùng các bàn cơ, các quả cầu thủy tinh hay phương pháp bút ký tự động để làm cho các vong linh lên tiếng. Trong lãnh vực này, có những sự kiện khó giải thích, đôi khi là do gian trá, nếu không phải là do tên ranh mãnh tức là Satan, can thiệp vào.

Chúng ta không liên lạc về mặt thể lý, nhưng liên lạc về mặt thiêng liêng với những người quá cố. Chúng ta cầu nguyện cho họ, cầu nguyện với họ và họ cầu cho ta. Đối với các Kitô hữu, người sống và kẻ chết liên đới với nhau.

QUESTIONS SUR LA VIE ET LA FOI của Jacques Lacourt
Imprimatur:  Đức Cha G. VANEL, Tổng Giám Mục Auch. 23.03.1990
Nguồn: dunglac.org

 

TRANG GIA ĐÌNH

Bí Quyết Tôn Trọng Khác Biệt Của Nhau

Sau khi thành hôn, vợ chồng thường tìm thấy những khác biệt của nhau nhiều hơn, nên thường hay bực mình và cãi vã với nhau.    Vì thế Ca dao Tục ngữ có câu:          

Chồng con là cái nợ nần,
chẳng thà ở vậy nuôi thân béo mềm. 

Muốn tôn trọng nhau, trước hết vợ chồng phải biết rõ cá tính mà Thượng Đế đã phú cho hai người khác nhau, để xây dựng, bổ túc nhau, hầu có một gia đình hạnh phúc và tốt đẹp ở trần gian. Sau đây là một số những khác biệt của hai vợ chồng cần phải nhẫn nhục.      

Người chồng: Thích chuyện xã hội, công danh, sự nghiệp, nghệ thuật, thể thao, ăn uống, ăn uống, và các tính nết khác như:       

1/ Nóng nảy, hiền lành, chịu cực, đứng đắn, cao thượng, hài ước, can đảm, khéo tay, ca hát, văn nghệ. Thích làm những việc nặng nhọc.           

2/ Tính tình đại khái, không để ý kỹ các chi tiết, lo cho vợ con ăn mặc bằng cách chịu khó đi làm. Lo tu sửa nhà cửa. Tục ngữ Phi Châu nói: Đàn ông chỉ thấy rừng xanh, còn đàn bà thấy cả cây lẫn lá. 


3/ Việc gì đã xảy ra rồi, bỏ qua luôn, không muốn để ý nữa. Lo yêu vợ con bằng cách đi kiềm tiền, nói ít, trầm lặng. Ca dao có câu:

Thế gian được vợ hỏng chồng,

đâu phải như rồng mà được cả đôi.    

Người vợ: Ngày nay thích thời trang, tiền, vàng bạc, hột xoàn, đi chợ, làm việc thiện nguyện, nấu ăn cho chồng con. Ngày xưa thì:

Ta sang mình đã chồng rồi,
để cốm ta mốc để hồng long tai.        

1/ Muốn chồng lưu tâm đến mình, dễ giận, dễ vui, dễ buồn, để ý đến các ngày kỷ niệm của nhau, dễ cảm động trước mọi sự.

2/ Hay để ý và nhớ tới những điều mình đã chịu. Cất dấu các điều ấy vào hộc tủ, rồi lâu lâu lấy ra chì chiết chồng. Nói chuyện cũ.           


3/ Thích nghe những lời nói ngọt ngào, nói yêu đương và thích được săn sóc, chiếu chuộng. Vì thế, nàng thường bị những anh Sở Khanh tìm cách chinh phục, quyến rũ, sa ngã rất đáng tiếc.


Vợ chồng nên nhớ rằng: Đàn ông hay thiên về lý trí, lý luận, thâm trầm còn đàn bà thiên về tình cảm và hay nói nhiều.


Lời Chúa trong Thư Phêrô dạy như sau: "Chị em là những người vợ hãy phục tùng chồng...Anh em là những người chồng nên hiểu rằng họ thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng họ. (x.1Pr 3,1-7).

Xin mời nghe một câu chuyện sau đây để sống hoà hợp với nhau: Khi Thượng Đế đã tìm nét tròn của mặt trăng, uốn éo của con rắn, mịn màng của hoa hồng, cái rơi hẹ nhàng của chiếc lá, nết hẹn thùng của con thỏ, tính hay phô trương của con công, vẻ lạnh lùng của băng tuyết, sức nóng của lửa để dựng nên người đàn bà đầu tiên. 

Thượng đế hãnh diện nhìn ngắm công trình của mình, Ngài liền dẫn người đàn bà đến tặng cho người đàn ông. Tám ngày sau, người đàn ông ngượng ngùng dẫn người đàn bà đến trả lại cho Thượng đế và nói: Tôi xin trả lại nàng, tôi không thể chung sống với nàng được, vì nàng hay nói quá nhiều, hay kể chuyện cũ đủ thứ, dễ khóc, dễ cười, làm tôi điếc tai, nhức đầu, chẳng yên ổn tâm hồn chút nào!  


Trời thông cảm, giữ nàng lại chờ xem. Tám ngày sau, chàng lại tới và thưa: Xin cho tôi lại người đàn bà, vì thiếu nàng tôi cảm thấy cô đơn lắm, đem ngày nhớ mong. Xin Ngài vui lòng trả lại.


Tám ngày từ từ trôi qua, chàng lại dẫn nàng đến xin Thượng Đế : Thưa Ngài, tôi không thể chịu nổi những tính nết eo xèo của nàng được. Tôi quyết trả nàng luôn, và không thấy mặt nàng nữa.        


Lần này, Thượng Đế nổi giận và nói:            


Này anh kia, Hãy đem vợ anh lại lều và hãy tập nhịn nhục vợ anh ! Vì nếu Ta giữ vợ anh lại đây, tám ngày nữa anh lại đến làm phiền ta.   


Chàng liền lủi thủi cùng nàng ra về, miệng lẩm bẩm nói: Khổ quá đi mất, tôi phải tập sống nhẫn nhục nàng mỗi ngày và tôi cũng không thể sống mà thiếu bóng nàng được ! (Truyện cổ tích Ấn Độ).    


Nhờ những khác biệt này đã giúp cho bao gia đình thêm hạnh phúc, nhưng cũng tạo ra bao cảnh phân ly cho vợ chồng; nếu hai người không biết nhịn nhục, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau.

Chồng giận thì vợ bớt lời,
cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê.

Phó tế GB Nguyễn văn Định,  Vietcatholic News

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

BÀI 3. THĂNG TIẾN CON NGƯỜI

Nhìn vào xã hội ngày nay, một xã hội đầy cạnh tranh và chuyển mình cách mau lẹ. Một xã hội thích đề cao những giá trị vật chất, những gì cụ thể trước mắt. Một xã hội mà trong đó, con người sống vội vã, thi đua hưởng thụ... Tắt một lời, một xã hội coi nhẹ những giá trị đích thực của cuộc sống. Cái khủng hoảng căn bản của xã hội mà chúng ta đang sống là khủng hoảng về ý nghĩa. Con người hình như đang đói khát cái ý nghĩa, đói khát cái chân thực của đời người. Sống trong bầu khí ấy, dường như chúng ta cũng rơi vào một quỹ đạo mà những cái xấu, những cái trần tục đang vây bọc tư bề. Vậy một giáo lý viên khi ra làm việc, họ cần những gì ? Họ phải làm gì để sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, họ phải có những đức tính nào để khi sống giữa những bon chen của trần thế, họ không bị lạc loài, chao đảo và trống vắng.

Dựa vào tài liệu của Bộ Truyền giáo cho các Sắc tộc về việc hướng dẫn các giáo lý viên trong ơn gọi, trong việc đào tạo và thăng tiến đời sống của họ tại các miền truyền giáo, chúng ta nêu lên một vài yêu cầu mà một giáo lý viên phải có, đó là sự thống nhất giữa đời sống thiêng liêng, đời sống tự nhiên và đời sống tông đồ. Nói chung giáo lý viên cần được đào tạo luôn mãi để biết thăng tiến đời sống bản thân và đời sống tha nhân.

 1. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG BẢN THÂN

Thăng tiến bản thân ở đây không nhằm đời sống vật chất nhưng là đời sống tinh thần. Giáo lý viên cần luyện tập những đức tính, nhân cách và những khả năng cần thiết như một hành trang không thể thiếu được trong việc dạy giáo lý :

1-1. Đời sống tâm linh:

Giữa những bận tâm lo lắng về cuộc sống, giáo lý viên rất khó duy trì sự quân bình đời sống tâm linh. Đây là một thách đố rất lớn đối với chúng ta. Nhưng việc dạy giáo lý trước tiên phải là việc chia sẻ một kinh nghiệm sống với Đức Kitô. Kinh nghiệm càng sâu, lời chia sẻ càng mang tính chân thực. Do đó, chúng ta cần xác tín rằng, đời sống thiêng liêng của giáo lý viên tiến triển ra sao là tùy thuộc vào hoạt động của Chúa Thánh Thần và vào tinh thần sẵn sàng của con người. Vậy chúng ta phải làm gì để nâng cao đời sống tâm linh ? Thưa phải tập luyện sống đời nội tâm.

Đạo Chúa không phải là mớ lý thuyết nhưng là sự sống. Người ta không thể diễn tả sự sống khi chính mình chưa có kinh nghiệm về sự sống đó. Giáo lý viên không thể trao ban sự sống của Chúa cho tha nhân nếu trong mình chưa có sự sống của Ngài. Vậy làm sao để có sự sống của Đức Kitô ? Chúng ta dựa vào thư thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Ephêsô để mô tả con người nội tâm :« Tôi quỳ gối trước mặt Thiên Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm của anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn ; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu » (Ephêsô 3, 14-18). Như vậy, người nội tâm là người :

- Cảm nghiệm sâu xa tình con đối với Thiên Chúa là Cha bằng cách vận dụng mọi phương tiện có thể, để giúp đào sâu những hiểu biết và kinh nghiệm về Chúa Kitô như học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ Lời Chúa, đọc sách đạo đức, tham dự Thánh lễ, bí tích, viếng Thánh Thể, kinh Mân Côi ... đó là những điều phải làm thường xuyên trong cuộc sống để đời sống tâm linh được ổn định.

- Muốn làm con như Đức Kitô đã làm con. Các khóa tĩnh tâm, những giờ xét mình... là dịp để giáo lý viên uốn mình rập theo khuôn mẫu của Đức Kitô trong thái độ làm con với Thiên Chúa và làm anh em của mọi người.

- Để Thánh Thần tự do nắn đúc. Thánh Thần được ban cho Giáo Hội và cho mỗi tín hữu như người Thầy nội tâm, Ngài làm cho ta cảm nhận sâu xa được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Ý thức được vai trò đổi mới và tác tạo của Chúa Thánh Thần, giáo lý viên để Ngài tự do tác động và uốn nắn bằng cách tập lắng nghe tiếng Ngài trong đời, nơi Giáo Hội, trong các biến cố để Ngài nắn đúc hình ảnh Đức Kitô trong tâm hồn mình.

Tóm lại, người nội tâm luôn biết sống tình con thảo với Thiên Chúa theo gương Đức Kitô. Họ là người chấp nhận để Chúa Thánh Thần nắn đúc hình hài Đức Kitô trong mình, và một khi có Chúa Kitô trong mình [1] , họ hăng say đem Chúa kitô đến cho người khác. Họ là người gắn bó với Đức Kitô là Đầu và đương nhiên họ cũng gắn bó với anh em là những chi thể của Đầu. Vậy ai có thể làm được điều này nếu không phải là người có đời sống nội tâm sâu xa ?

1-2. Nhiệt tình truyền giáo :

Giáo lý viên là người có tinh thần truyền giáo như chính Đức Kitô, Ngài đã "đến để thâu họp con cái Thiên Chúa đang tản mác thành một mối" (Jn 11, 52), và Ngài như vị mục tử tốt lành luôn tìm kiếm và hiến thân vì đàn chiên của mình (Jn 10). Do đó, giáo lý viên là người luôn bị thôi thúc bởi lòng nhiệt thành với các linh hồn, bắt nguồn từ lòng yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội. Giáo lý viên luôn nuôi trong mình tinh thần mau mắn dấn thân phục vụ, họ sốt ruột, nóng lòng và khao khát làm một cái gì đó cho Chúa, cho tha nhân. Với tinh thần này, họ tích cực đón nhận sứ mệnh truyền thông Lời Chúa và can đảm phấn đấu trước những khó khăn trong khi thi hành sứ mệnh bằng cách chú ý, ân cần, trắc ẩn, đón tiếp người khác và quan tâm đến những vấn đề của họ.

Câu nói của Bernanos phải làm chúng ta phải suy nghĩ : "Tai họa lớn lao nhất của thế giới này, không phải vì có những kẻ nghịch hay chống đạo, nhưng vì chúng ta là những Kitô hữu không có nhiệt tình tông đồ. Thật là điên rồ khi khoe khoang rằng chúng ta đã biết được chân lý, một chân lý toàn vẹn sống động, một chân lý giải thoát và cứu rỗi nhưng lại nằm yên bất lực trong tay chúng ta. Các bạn nói thế giới không chịu trở lại, không chịu sống tốt, nhưng thực ra các bạn đã thiếu nhiệm vụ với thế giới. Cũng vì thái độ thờ ơ của chúng ta nên nhiều người không biết đến dung nhan của Đức Kitô, hoặc là qua các bạn, họ đã thấy một Đức Kitô méo mó, dị hình."

Câu nói này có tính thúc bách, đồng thời cũng làm chúng ta suy nghĩ và nhìn lại mức độ hăng say của chúng ta. Khi dấn thân trong việc dạy giáo lý là chúng ta đã nói lên ước muốn được sai đi làm việc cho Chúa, nhưng phải làm với thái độ nào, đó là điều chúng ta phải suy nghĩ và học hỏi trong suốt cuộc sống.

1-3. Đức tính nhân bản.

Giáo lý viên là người luôn lớn lên trong đời sống nhân bản để có thể đảm nhận trách nhiệm được trao phó. Họ là người có những đức hạnh cần thiết trong công việc và cuộc sống, có tinh thần hy sinh, kiên nhẫn và năng động. Nói chung mọi đức tính nhân bản đều rất cần thiết cho vai trò giáo lý viên. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên vài đức tính sơ khởi như : lịch sự, vui vẻ, kính trọng tha nhân. Thiết tưởng đó là những đức tính căn bản của giáo lý viên.

Giáo lý viên lịch sự trong tác phong, trong cách nói năng, ăn mặc sẽ dễ thu hút người nghe. Con người ngày nay, nhất là giới trẻ thích nhìn vào gương tốt mà bắt chước hơn là chỉ nghe giảng thuyết, họ cần một chứng từ hơn là những kiểu nói hùng biện.

Tiếp đến, Giáo lý viên cần phải vui vẻ vì chỉ như thế họ mới thu hút được người khác. Giống như loài ong đến với đám hoa, người ta thích đến với những ai vui tươi và hồn nhiên cho dù bên ngoài có vẻ trầm mặc. Nhưng ở đây, ta muốn nhấn mạnh đến niềm vui nội tâm. Trong sinh hoạt tông đồ, nhiều người đã không làm tỏa sáng được điều họ muốn truyền đạt. Lý do vì họ không thao luyện cho mình có một niềm vui nội tâm vững chắc và sâu xa. Họ vui nhưng chỉ là cái vui hình thức, cái vui hời hợt bên ngòai. Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, mặc dù Ngài đã dùng Thánh Giá và cứu chúng ta, nhưng Tin Mừng của Ngài đã bắt đầu bằng niềm vui Giáng Sinh và kết thúc bằng niềm vui Sống lại. CG khởi đầu việc giảng dạy bằng những mối phúc thật và kết thúc bằng lời hứa một niềm vui "mà không ai cướp đi được"(Jn 16,22). Đọc các thư Phaolô, ta thấy Ngài nhắc với các kitô hữu hơn 50 lần những câu : "hãy vui lên ! Hãy giữ lấy niềm vui ! Hãy đem sự vui mừng đến cho mọi người ". Tóm lại, vui tươi là một trong những đặc tính của sự thánh thiện, nó chiếu sáng và sưởi ấm mọi người và mọi cảnh vật chung quanh chúng ta.

Một điểm khác trong sự trưởng thành nhân bản là biết kính trọng tha nhân. Ý thức về người khác và kính trọng họ không phải chỉ là một nhân đức, nhưng là tổng hợp của ngàn nhân đức âm thầm hay rực sáng. Kính trọng người khác :

- đó là phép lịch sự, biết lắng nghe và biết xuất hiện với những cung cách thật dễ thương,

- đó là sự thông cảm biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác,

- đó là lòng khoan dung, không chắt bóp vụn vặt,

- đó là sự dịu dàng, biết đối xử chân tình, không nóng giận,

- đó là lòng nhân hậu luôn biết tha thứ,

- đó là tâm tình khiêm hạ, luôn nhận ra giá trị của người khác...

Như vậy, điều thiện lớn nhất mà ta có thể làm cho người khác là kính trọng họ.

Tóm lại, lịch sự, vui vẻ, kính trọng tha nhân là những đức tính khởi đầu, từ đó ta có thể xây nên những đức tính khác của một người trưởng thành nhân bản. Mà trưởng thành nhân bản chính là cái nền để xây dựng một người trưởng thành kitô giáo và là điều kiện để làm việc tông đồ có hiệu quả.

1-4. Khả năng chuyên môn :

Càng ngày công việc càng được chuyên môn hóa. Đối với việc loan báo Tin mừng, chúng ta cũng cần trở thành những thợ lành nghề, nghĩa là biết cách sống, nói và hành động thế nào cho có hiệu quả nhất. Điều này dễ hiểu, chúng ta không thể làm cho người khác tin nếu chúng ta yếu niềm tin, chúng ta không thể nói về Chúa nếu chúng ta chỉ biết sơ sài về Chúa, chúng ta không thể truyền đạt cho ai điều gì nếu chúng ta không có chút vốn liếng nơi mình. Vậy để trở thành con người chuyên môn trong công tác tông đồ, giáo lý viên cần học hỏi những cách thức, những kỹ năng qua sách vở, qua những khóa đào tạo. Nhưng việc đào tạo chủ động vẫn thuộc về mỗi người chúng ta, người khác không thể nhồi nhét điều gì nếu chúng ta không muốn nhận, hoặc là, người thì muốn nhồi nhét điều này, kẻ thì muốn đón nhận điều kia. Vì thế giáo lý viên cần biết mình đang cần gì, mình có thể phục vụ tốt nhất về phương diện nào để có thể đầu tư nhiều hơn về phương diện ấy. Tuy nhiên, ngoài việc trau dồi một khả năng chuyên môn thích hợp nào đó, chúng ta cần có một kiến thức phổ thông về nhiều lãnh vực khác. Thiết nghĩ đó là một hành trang phong phú sẽ giúp giáo lý viên làm việc có hiệu quả hơn và nhất là có tự tin trong sứ mệnh của mình. (Còn tiếp)

Nguồn: Huấn Luyện Giáo Lý Viên, mancoichihoavn.com

TRANG QUỚI CHỨC

BÃI NHIỆM QUỚI CHỨC

Một thành viên Quới Chức có thể bị bãi nhiệm vì phạm lỗi nặng như: bỏ phế nhiệm vụ, gây thiệt hại nặng cho người thuộc quyền, sống bê tha, gây mất đoàn kết hay chống đối hoặc bất tuân quyết định chung. Cha sở phải đệ trình lên Đấng Bản Quyền để xin bãi nhiệm. (Điều lệ Quới Chức Giáo Phận Vĩnh Long, điều 31).

Bãi nhiệm là một hình thức kỹ luật ở mức độ nặng nhất đối với các thành viên của Ban Quới Chức.

Chúng ta cần phân biệt giữa :

Mãn nhiệm:  Xong nhiệm kỳ . " Nhiệm kỳ của Ban Quới Chức là 4 năm. Hết hạn, cha sở cùng với BQC duyệt lại nhân sự nhiệm kỳ mới" (ĐLQC, điều 27)

Từ nhiệm: Tử bỏ nhiệm vụ của mình, nói cách khác là xin thôi việc. Quới chức đang còn trong nhiệm kỳ (chưa xong nhiệm kỳ), vì lý do nào đó xin thôi,  không làm nữa. (xem ĐLQC, điều 30)

Bãi nhiệm: Theo giáo luật: "Bãi nhiệm, tức là biện pháp nhằm trừng phạt một tội, chỉ có thể được thực hiện chiếu luật" GLHTCG, điều 196, #1)

Trong Điều Lệ Quới Chức, không có mục nói về khung kỷ luật, duy chỉ có điều 31 trong điều lệ nói tới hình thức kỷ luật này. Điều này cho thấy :

Đối với Ban Quới Chức Giáo Hội rất ưu ái, có thể nói các thành viên của Ban Quới Chức là những "con cưng" của Giáo Hội.

Giáo Hội không dung túng, thiên vị, không để cái xấu làm hại lợi ích con cái mình.

Quới Chức thật sự phải là những người gương mẫu, phục vụ, là những gương sáng chứ không phải là những gương mù, gương xấu cho giáo dân tại các họ đạo.

Hiểu theo hướng tích cực, điều 31 trong ĐLQC là lời nhắc nhở cho các thành viên trong BQC cố gắng trao dồi bản thân, để ngày một hoàn thiện hơn.

Dĩ nhiên khi áp dụng điều 31 này, Đấng Bản Quyền và nhất là cha sở, chắc chắn đã phải đắn đo, do dự và đã qua nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo. Không ai muốn tự chặt tay mình cả, trừ khi đã hết cách !

Thành viên BQC khi đã bị bãi nhiệm thì sẽ không được hưởng những quyền lợi theo Quy Định của Điều Lệ Quới Chức.

SỐNG  ĐẸP

Đừng sợ vấp ngã !

Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ ?

Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị ngã ?

Lần đầu tiên tập bơi, bạn uống nước và suýt chết đuối phải không?

Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng banh không?

Không sao đâu, vì...

Walt Disney từng bị tờ báo sa thải vì thiếu ý tưởng. Ông cũng nếm mùi phá sản nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland.

Lúc còn học phổ thông, Louis Paster chỉ là một học sinh trung bình.Về môn hoá, ông đứng hạng 15 trong số 22 học sinh của lớp.

Lev Tolstoy, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng "Chiến tranh và hoà bình" bị đình chỉ học đại học vì "vừa không có khả năng, vừa thiếu ý chí học tập".

Henry Ford thất bại và cháy túi tới năm lần trước khi thành công.

Ca sĩ opera nổi tiếng Enrico Caruso bị thầy giáo cho là thiếu chất giọng và không thể nào hát được.

Vậy, xin bạn chớ lo sợ thất bại. Điều đáng sợ hơn là bạn đã bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không cố gắng hết mình.

Nguồn: songdep.xitrum.net

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Không mua được đâu con!

Con của mẹ, Chị Vân về rồi. Sáng nay, mẹ đã nói hết lời nhưng cô và chị vẫn không chịu ở lại. Điều khiến mẹ buồn là sự thay đổi của con. Lần này chị Vân lên, con chẳng còn quan tâm, gần gũi với chị như trước.

Chị Vân không có được may mắn sinh ra và lớn lên ở TP như con, nhưng khi còn bé, con rất quý chị. Mỗi khi chị Vân ở quê lên, mang cho những chú dế lửa hay cào cào, con rất thích và chơi đùa cả ngày không chán. Lớn một chút, chị Vân lại mang cho con những thứ bánh trái ở quê do chính tay cô và chị làm. Chị còn lặn lội ra bờ ruộng hái rau tập tàng mang lên cho ba. Những thứ ấy chứa đựng biết bao tình yêu thương...

Vậy mà giờ đây, con đã che miệng cười khi thấy chị Vân nâng niu những chiếc hộp giấy với những chú dế bên trong; khi chị lấy ra chiếc bọc to với những rau lang, rau dền cơm, mồng tơi, rau sam, rau đắng...

Con à, tuy xa quê đã lâu nhưng giờ đây, giữa TP ồn ào, náo nhiệt này, có những lúc vô tình nghe tiếng dế trong đêm, ba mẹ vẫn thấy bồi hồi. Bữa cơm chiều hôm trước với nồi canh rau tập tàng nấu cùng tép rong, ba đã ăn đến chén thứ tư mà vẫn còn thòm thèm... Những thứ ấy, không có tiền bạc nào mua được. Những thứ ấy, dù người ta có lớn bao nhiêu đi nữa thì cũng không được phép quên con à.

Mẹ không muốn nói với con mãi những điều đại loại như "quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người" nhưng trong hành trang của cuộc đời, nếu không mang theo những thứ ấy, con sẽ không thể nào đứng vững và bay xa.

Khuê Minh, nld.com.vn

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Ai thực sự đã làm đời bạn khác đi?

Hãy thử trả lời vài câu hỏi dưới đây:

- Hãy kể tên năm người giàu nhất thế giới. Hãy kể tên vài người đoạt vương miện hoa hậu hoàng vũ trong mấy năm gần đây. Hãy kể tên 10 người đã đoạt giải Nobel. Hãy kể tên 6 nghệ sĩ mới đây được nhận giải thưởng của viện hàn lâm khoa học - nghệ thuật điện ảnh trao tặng.

Bạn có thể trả lời dễ dàng không? Chắc là không? Vấn đề là không ai trong chúng ta nhớ đến những ngôi sao của ngày hôm qua cả, dù những thành tích của họ không phải là thành tích hạng hai. Họ là những siêu sao trong lĩnh vực của họ. Thế mà khi tràng pháo tay chấm dứt, khi những giải thưởng mờ nhạt đi, những thành tích bị lãng quên thì những lời chúc mừng nồng nhiệt cùng những tước hiệu cũng sẽ bị chôn vùi theo chủ nhân của nó.

Và đây là những câu hỏi khác, hãy xem thử bạn sẽ trả lời như thế nào?

- Hãy kể tên vài thầy cô đã giúp đỡ bạn trong quá trình học tập. Hãy kể tên 3 người đã từng giúp bạn trong những lúc khó khăn. Hãy kể tên vài người đã cho bạn những bài học đáng giá. Hãy nghĩ đến người đã làm bạn thấy cuộc sống giá trị và ý nghĩa. Hãy nghĩ đến năm người mà bạn thích nói chuyện với họ. Hãy nêu tên một nhân vật trong phim nào đó mà câu chuyện của họ làm bạn ngưỡng mộ và rung động.

Dễ hơn phải không? Và bài học chính là những người đã làm cuộc đời bạn khác đi không phải là những người danh tiếng nhất, nhiều tiền nhất, hay nhiều giải thưởng nhất. Họ chính là những người đã từng bận lòng với bạn.

Nguồn: songdep.xitrum.net

Chúng ta thường quên đi sự hiện diện của những người chung quanh đã hun đúc nên cuộc đời chúng ta: cha mẹ, thầy cô, bạn bè, láng giềng... Chính họ là những người đã hàng ngày quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ những buồn vui cuộc đời với chúng ta, làm cho cuộc sống chúng ta thêm ý nghĩa. Hãy biết quý trọng người thân, bạn bè,...và những người quanh ta.

2585    24-04-2012 20:53:42