Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Làm Chứng Bằng Đời Sống Đức Tin - tháng 05 năm 2013

  1. Lời Chủ Chăn
  2. Tự Sắc Porta Fidei
  3. Diễn Giải
  4. Lời Nguyện Chung
  5. Áp Dụng Thực Hành
  6. Học Kinh Thánh
  7. Tìm Hiểu Giáo Luật
  8. Trang Linh Mục
  9. Trang Tu Sĩ
  10. Trang Sống Ơn Gọi
  11. Trang Thiếu Nhi
  12. Trang Giới Trẻ
  13. Trang Gia Đình
  14. Trang Giáo Lý Viên
  15. Trang Quới Chức
  16. Sống Đẹp
  17. Chuyện Thường Ngày
  18. Hỏi Đáp Mục Vụ
  19. Một Chút Tâm Tình

LỜI CHỦ CHĂN

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/.2 , P.1
Vĩnh Long

28.04.2013

Kính gởi : Các Linh Mục,
                    Các Tu Sĩ, Chủng Sinh

                    Anh Chị Em giáo dân 

                    Địa Phận Vĩnh Long

V/V Làm Chứng Bằng Đời Sống Đức Tin

Thắp sáng niềm tin: "Thiên Chúa đã làm hai cái đèn lớn - cái đèn lớn hơn để điều khiển ngày, cái đèn nhỏ hơn  để điều khiển đêm?" (St 1,16). Hai cái đèn nầy chi phối vạn vật, các loại thảo mộc, các sinh vật và con người.

Chúa Giêsu là Mặt Trời soi đàng công chính. Người Kitô hữu được ánh sáng Chúa chiếu soi, thì cũng phải phản chiếu ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa cho trần gian.

Các mục tử vùng Bêlem đã đón nhận Tin Mừng về Một Hài Nhi sinh ra trong hang đá, Họ đã thấy và vui mừng kể lại  những điều tai nghe mắt thấy cho nhiều người, khiến họ  ngạc nhiên (x. Lc 2,18).

Maria Mađalêna khóc nức nở vì không tìm thấy xác của Chúa Giêsu. Khi nghe gọi tên mình, bà nhận ra Đấng Phục Sinh đang đứng gần ngôi mộ, Bà vội vã đi  báo Tin Mừng Chúa sống lại cho các môn đệ (x. Gioan 20,,16-18).  

Phêrô và các môn đồ hoang mang. Họ không tin vào lời chứng của Mađalêna. Nhưng  Đấng Phục Sinh đến với họ, đang lúc họ họp nhau trong sợ hãi, cửa đóng then cài. Năm mươi ngày sau, nhờ Ánh Sáng và Lửa Mến Chúa Thánh Thần, Phêrô và nhóm mười hai đã ra đi loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh, trước tiên cho cư dân ở Giêrusalem:

"Đức Giêsu thành Nazaret là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em, đã bị nộp và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại. Về điều nầy, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đức Kitô."  (x. Tđcv 2,22-.24.32.3)

Các ngài  rao giảng và làm chứng trước mặt các trưởng tế, các luật sĩ và biệt phái, các thủ lãnh Do Thái, dầu phải bị đánh đòn, bị đe dọạ, giam giữ (x. Tđcv 5,17-42). Như thế, Tin Mừng không ngừng được loan báo, và ánh sáng đức tin  được nhóm lên khắp nơi.

Bằng chứng đáng tin: Đời sống đức tin chân chính

Cây nến sáng lãnh nhận ngày chịu Phép Rửa Tội chỉ về bổn phận của người Công Giáo là để Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong Đức Tin (x. Nghi Thức Rửa Tội).

Thật vậy, cần phải để Chúa dẫn dắt chúng ta ra khỏi những lầm lạc và biến đổi chúng ta trước. Thế nên, thời ban đầu, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh, và cầu nguyện không ngừng (x.Tđcv 2,42).

Ngày nay cũng như mọi thời mọi lúc, người Công Giáo cần nắm vững  các điều phải tin, tích cực tham dự các việc cử hành Phụng Vụ, cách đặc biệt là Thánh Lễ, chăm lo Cầu Nguyện và hơn nữa, ân cần tuân  giữ  các điều Hội Thánh truyền dạy, thì mới mong đạt tới đời sống Kitô hữu đích thực. "Ta là Ánh Sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng sự sống" (Gioan 8,11).

Thật khó mà nói về Chúa Giêsu, về sứ điệp của Người và lời mời gọi sống hạnh phúc của Người cho  thế giới hôm nay, một thế giới  vẫn khao khát được an toàn, tìm kiếm  chân lý vĩnh cửu, nhưng đồng thời cũng mang tâm trạng ngờ vực, đôi lúc quá bận bịu, có khi thất vọng (x. Sứ điệp gởi cho Tổng Giáo Phận New York ngày 11.3.2013).

Tình trạng của xã hội hỗn loạn, khủng bố, bạo hành, tham ô, gian dối, lạm dụng trẻ em, chẳng những làm cho nhiều người cảm thấy cuộc sống bấp bênh, mất tin tưởng với nhau, mất tin tưởng đối với người có trách nhiệm.

Người ta thường  tìm cách đổ lỗi cho kẻ nọ người kia, có khi che đậy tội lỗi của mình bằng cách bôi lọ và sẵn sàng triệt ha kẻ khác.

Người Công Giáo phải vững niềm tin, tin chắc Chúa thương chúng ta.

Tin Phúc Âm có sức luyện lọc và canh tân, làm phát sinh hoa trái lành thánh, bất cứ nơi nào cộng đoàn các tín hữu biết lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Ơn Chúa trong chân lý và sống trong tình bác ái  (x. Bênêđitô XVI, Buổi Tiếp Kiến cuối cùng ngày 27.2.2013)

Phải quyết tâm chống lại mọi cám dỗ sống buông thả, biếng nhác, chè chén. Phải tha thiết van nài Lòng Chúa Xót Thương. "Chúa mời gọi chúng ta sám hối. Chúa không ngừng tha thứ, thì chúng ta cũng đừng chán mà phải kiên nhẫn xin Chúa tha thứ" (ĐGH Phanxicô trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin, ngày 17.03.2013)

Bước vào tháng Kính Đức Maria, Mẹ chúng ta, hãy chạy đến cùng Mẹ. Xin Mẹ  chuyển cầu cho chúng ta biết luôn phụng thờ Chúa và phục vụ tha nhân trong tình bác ái.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
        Giám Mục của Anh Chị Em

TỰ SẮC PORTA FIDEI

CHỦ ĐỀ: LÀM CHỨNG BẰNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

Chúng ta mong ước Năm Đức Tin sẽ khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức Tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng. Năm này sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là "chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo hội" (Hiến chế về Phụng Vụ Sacrosanctum Concilium, số 10.) Đồng thời, chúng ta ước mong việc làm chứng bằng đời sống của các tín hữu sẽ tăng tiến trong sự khả tín. Tái khám phá nội dung đức Tin được tuyên xưng, được cử hành, được thể hiện qua đời sống và cầu nguyện (x. Gioan Phaolô II, Tông hiến Fidei depositum (ngày 11 tháng Mười 1992): AAS 86 (1994), 116, DC 90 (1993), tr. 1-3) và suy tư về chính việc làm của lòng tin, đó là nhiệm vụ mỗi tín hữu phải thực hiện, nhất là trong Năm Đức Tin này (Porta fidei số 9).

DIỄN GIẢI

Trong tác phẩm "Anh em nhà Karamazốp", Dostoevski, kể lại rằng: Một bà già bị khủng hoảng về đức tin, đến hỏi ý kiến một vị linh mục. Cuối cùng vị linh mục đã đưa ra một phương cách để giúp bà củng cố niềm tin của mình, đó là bằng tình yêu. Vị linh mục nói: Hãy cố gắng yêu thương láng giềng của bà thật tình. Càng yêu thương, bà chắc chắn hơn về sự hiện hữu của Chúa và đời sống mai hậu sau khi chết. Càng yêu thương, đức tin của bà càng lớn lên và những nỗi ngờ vực sẽ bị tiêu tan.

Đức Tin và Đức Mến luôn đi đôi với nhau. Đức Tin đưa tới  Đức Mến. Có thực sự tin Chúa, chúng ta sẽ yêu mến Người và yêu mến tha nhân như Chúa dạy.

Ngày 06.4.2013, trong bài giảng tại nhà nguyện Cư xá Thánh Marta,  ĐTC Phanx-xi-cô nói: "Các con có đức tin là nhờ được nâng đỡ bởi đức tin của anh chị em mình, cũng như đức tin của các con cũng sẽ góp phần nâng đỡ đức tin cho những người khác."  Đức tin là một hành vi cá nhân, nhưng đức tin không phải là một hành vi riêng rẽ. Bởi vì Đức tin là một quà tặng đón nhận từ Thiên Chúa và tha nhân. Không ai tự ban cho mình đức tin, cũng như không ai tự ban tặng sự sống cho mình. Người tin nhận được đức tin từ người khác, nên cũng phải truyền đức tin lại cho người khác.

Trước đó, ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI, trong bài giảng Thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ tại Madrid, ngày 22.8.2011 đã nói với các thanh thiếu niên: "Cha xin các con hãy yêu mến Giáo Hội vì Giáo Hội đã sinh ra các con trong đức tin, đã giúp các con lớn lên trong sự hiểu biết về Chúa Ki-tô, và đã dẫn dắt các con khám phá ra vẻ đẹp tình yêu của Ngài. "  Hội Thánh sinh ra chúng ta trong đức tin và nuôi dưỡng đức tin chúng ta lớn lên trong tình yêu  ngày càng mật thiết hơn  đối với Chúa Giêsu, và nhờ đó, chúng ta góp phần nâng đỡ đức tin của anh em mình và làm chứng cho đức tin, ngay cả khi bị phản bác, khước từ. "Tình bạn với Giê-su sẽ dẫn các con đến chỗ dám làm chứng cho đức tin ở bất cứ nơi nào các con đến, ngay cả khi gặp phải sự bài bác hay dửng dưng."

Tình yêu của chúng ta đối với Đức Giê-su và tha nhân, thúc giục chúng ta nói với người khác về đức tin của chúng ta: "Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình" (Rm 15,1). Và "Tôi tin" đồng nghĩa với "Tôi phó thác, tôi chấp nhận" (Đức Hồng y Ratzinger, Đức tin ki-tô giáo hôm qua và hôm nay, tr.88). Như vậy, đức tin xuất phát từ trái tim, chứ không phải từ tâm  trí. 

Để có thể làm chứng cho Chúa, người tín hữu cần có một đức tin trưởng thành. Thiên Chúa không muốn chúng ta tin vào Ngài cách mù quáng. Ngài muốn chúng ta biết Ngài, tiếp xúc với Ngài để có kinh nghiệm về Ngài. Từ đó, chúng ta mới tín nhiệm  và tin tuyệt đối vào Ngài. Tin là cảm nghiệm mối tương quan cá vị của mỗi người với Chúa. Chúa Giê-su không đòi hỏi các môn đệ điều chi khác, Ngài chỉ cần họ "tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy" (Ga 14,1). Cũng thế, với ông trưởng hội đường Giaia, Ngài chỉ đòi hỏi ông một niềm tin vững mạnh, trưởng thành "ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Vì thế,  mặc cho những người khác không tin, ông vẫn cứ tin là con ông sẽ sống (x. Mc 5, 21 - 43).

Muốn có một đức tin vững mạnh, trưởng thành, chúng ta cần "ở lại với Chúa" (x. Ga 1,39), sống gần bên Chúa, để mối giây liên kết tình yêu giữa chúng ta với Chúa hoạt động liên tục. Đức tin sẽ lớn dần sau những lần chúng ta tiếp xúc và tín nhiệm Thiên Chúa.

Trong đời sống đức tin, chúng ta đừng ngại đón nhận những thử thách, ngay cả những lúc tưởng như chìm đắm trong đêm tối đức tin. Bởi vì, Chúa luôn khen thưởng những ai tiến lên phía trước, dám tin tưởng vào Ngài và những lời hứa của Ngài, ngay cả khi chúng ta cảm thấy lòng tin của mình đang lung lay chao đảo.

Sống đức tin là làm chứng về Chúa, là chấp nhận đi theo Chúa cho đến cùng, dù phải hy sinh thân mình, như gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Và không cần phải tìm các thánh Tử đạo ở đâu xa, chính cách chúng ta sống đức tin và đức ái một cách mẫu  mực - như sống với Đấng Vô Hình -  đã trở thành một cách nói về Thiên Chúa cho người thời nay (x. Bài Giáo Lý VII của ĐTC Bê-nê-đictô XVI về Năm Đức Tin).

Mọi tín hữu đều được mời gọi làm chứng cho đức tin, qua đời sống, lời nói và hành động của mình, để mọi người tin yêu Chúa như chúng ta đang yêu mến và tin tưởng vào người. "Bổn phận truyền bá đức tin là bổn phận của mọi môn đệ Chúa Kitô, tùy theo khả năng của họ" (GH, số 17). Và "một đức tin toàn diện phải bao gồm các mặt: tuyên xưng, cử hành, sống và làm chứng"  (Thư Chung HĐGMVN năm 2012, số 6).  Tuyên xưng đức tin trọn vẹn với niềm xác tín. Cử hành đức tin ấy trong Phụng Vụ, đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể. Thể hiện đức tin trong cuộc sống và làm chứng về vẻ đẹp đức tin cho mọi người (x. Porta fidei, 9).

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc nhở: "Nhưng hãy nhớ rằng chúng ta không thể tự sức mình làm chứng. Làm chứng cho Chúa là một hồng ân. Hồng ân của Đức Tin. Chúng ta cần cầu xin mỗi ngày: Lạy Chúa, xin hãy gìn giữ Đức Tin của con, xin hãy làm cho đức tin đó lớn lên; ước gì đức tin con nên mạnh mẽ, can đảm; và xin Chúa thương trợ giúp con, khi con phải công khai làm chứng cho Chúa..."  (ĐTC Phan-xi-cô, bài giảng tại nhà nguyện Cư Xá Thánh Marta,  06.4.2013).

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Những điều Chúa mạc khải, Hội Thánh rao giảng, chúng ta tin trong lòng, chúng ta tuyên xưng trên miệng, và chúng ta diễn tả bằng đời sống. Trong Năm Đức Tin, chúng ta phải làm chứng đức tin bằng đời sống mình. Chúng ta cùng hiệp ýýý cầu nguyện:

1. Chúa phán: "Ai tin và chịu phép rửa sẽ được ơn cứu độ". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn tin thật trong lòng những gì Chúa mạc khải, và làm chứng đức tin ấy bằng gương sáng và đời sống đạo của mình.

2. Chúa phán: "Các con hãy đi trình diện với các tư tế, thì sẽ được khỏi bệnh". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu luôn tin rằng mình đã được tha thứ, để chừa tránh tội lỗi, tin rằng mình có sự sống Phục sinh, để luôn sống thánh thiện.

3. Chúa phán: "Đức tin của con đã cứu chữa con". Chúng ta cầu nguyện cho các kitô-hữu luôn tin vào tình thương Chúa, tin vào sự sống phục sinh của Chúa, tin vào quyền năng Chúa, thì cũng biết luôn tìm cách thi hành thánh ý Chúa.

4. Thánh Giacôbê viết: "Đức tin không việc làm là đức tin chết". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết thể hiện đức tin mình bằng đời sống đạo, bằng các việc lành, và bằng việc giúp nhau lãnh các bí tích.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con diễn tả đức tin mình bằng đời sống. Xin cho chúng con biết sắp xếp thời giờ, công việc trần thế, để có thể sống đạo, thực hành Lời Chúa, hầu ngày sau đặng lên thiên đàng đời đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

SỐNG CHỨNG NHÂN

Sau khi công bố Hiến Chương Nước Trời qua các mối phúc, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi..." (x. Mt 5, 13tt). Trong Tin mừng theo thánh Matthêu, các môn đệ là những người trước tiên được Chúa Giêsu giáo huấn và Người muốn qua các ông những lời dạy của Người đến được với mọi người. Cũng vậy, sau khi phục sinh Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ và truyền lệnh cho các ông: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này". (Lc 24, 47 - 48). Như thế có thể nói theo một khía cạnh nào đó, đời sống của người môn đệ Chúa Kitô là đời sống chứng nhân, làm chứng cho sự hiện diện, sự sống và tình yêu của Thiên Chúa trong chính cuộc sống mình.

Chúa Giêsu là mẫu gương hoàn hảo cho mọi người ở mọi thời. Trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, Người đã nói, đã làm để cho người ta thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho mọi loài, mọi vật. Tình thương ấy cao cả đến mức "Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta" (Rm 8, 32). Nơi Chúa Giêsu người ta thấy và cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và tình thương của Người.

Các thánh Tông đồ và cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi đã sống lời dạy của Chúa Giêsu một cách tuyệt vời. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại hình ảnh các cộng đoàn tiên khởi thật đẹp và giàu tình thương, họ sống như thế này "mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu" (Cv 1, 43 - 45), họ chỉ là một nhóm nhỏ nhưng họ đã làm cho những người chung quanh phải tự hỏi: Họ là ai mà tốt vậy? Đấng họ tôn thờ là ai mà họ yêu thương vậy? ... họ không biết phải gọi tôn giáo "mới" này tên gì nên họ gọi theo cách sống là đạo tình thương. Nhờ cách sống đạo tình thương này mà cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi ngày càng lớn mạnh và được lan rộng.

Tertuliano đã nói một lời bất hủ: "Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu". Nhìn lại lịch sử Giáo hội, nơi nào đức tin công giáo được loan truyền là nơi đó có sự bách hại giết chóc, nhưng nơi nào có sự bách hại thì nơi đó lại trổ sinh hoa trái dồi dào. Giáo hội Việt nam là một điển hình rõ nét. Qua hơn 450 năm đức tin được gieo rắc trên mảnh đất Việt nam này, với hơn 100 ngàn tín hữu đã hy sinh để làm chứng cho niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh cho ngày nay sinh hoa quả là hơn 8 triệu anh chị em tín hữu, một con số không phải là lớn nhưng cũng cho thấy được hạt giống là máu các thánh tử đạo đã trổ sinh hoa trái.

Hướng về con người Chúa Giêsu, những lời dạy của Người cũng như nhìn về đời sống của các tông đồ, các Kitô hữu tiên khởi, của các thánh tử đạo... để mỗi con người ngày nay sống theo lời Chúa dạy và tiếp bước đời sống đức tin của cha ông mà làm chứng cho Thiên Chúa.

Con người thời nay rất dị ứng với những lời nói xuông vì chỉ là "bánh vẽ", "lừa gạt" và "mị dân" khiến người ta thường cảnh giác và không tin vì họ đã bị lừa quá nhiều rồi, họ cần những việc làm cụ thể và thiết thực đi kèm với lời nói (rao giảng), có như thế mới chứng minh được những điều được chúng ta rao giảng là chân thật. Thiên Chúa đáng yêu và đáng tôn thờ như thế nào anh chị em lương dân tự họ không thể biết nhưng họ biết được qua đời sống của các Kitô hữu và các cộng đoàn họ đạo.

Một sự thật đáng buồn là người tín hữu chúng ta phần nhiều chưa quan tâm đến tính quan trọng của việc truyền giáo bằng đời sống chứng tá nên còn nhiều các tín hữu "đạo vòng" (vòng vòng ngồi ngoài nhà thờ khi tham dự thánh lễ), người tín hữu chúng ta vẫn làm ăn gian dối, lừa đảo, chiếm đoạt, cờ bạc, đề đóm...chẳng những ta không làm chứng cho tin mừng, cho Chúa mà trái lại ta còn là một phản chứng, một cản lực cho người ta đến với Chúa.

Trong hầu hết các cuộc gia nhập đạo của những anh chị em lương dân, chúng ta đều thấy phần đóng góp của những chứng tá sống động nơi người Kitô hữu. Chính những anh chị em giáo dân bình thường, quê mùa, ít học nhưng có niềm tin mạnh mẽ và tấm lòng rộng mở. Lối sống tốt lành, thánh thiện, yêu thương, phục vụ, hy sinh, quên mình của họ là đường lối mà bàn tay quyền năng của Thiên Chúa sử dụng để đưa các linh hồn về với Chúa và Giáo Hội. 

Xin Chúa cho chúng con được trở nên những chứng nhân cho Chúa trong xã hội ngày nay, để qua chúng con mà anh chị em lương dân nhận biết và tin vào Chúa.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 28. CÁC THƯ CHUNG

1/ Thư chung gồm những thư nào và tại sao gọi là thư chung?

Thư chung gồm bảy thư: một của Thánh Giacôbê, một của Thánh Giuđa, hai thư do Thánh Phêrô viết và ba thư của Thánh Gioan.

Gọi là thư chung vì các thư ấy không đề gửi cho ai hoặc cho một giáo đoàn nào. (Điều nầy tất không thể áp dụng cho lá thư thứ hai và thứ ba của Thánh Gioan). Nhưng vì các thư nầy được coi như phụ trương cho lá thư thứ nhất, nên cũng được coi là thư chung.

THƯ CỦA THÁNH GIACÔBÊ (Giac)

1/ Giacôbê là ai? Ai là tác giả của lá thư này?   

Trong phần nhập đề bức thư tác giả đã tự giới thiệu: " Giacôbê, nô lệ của Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô" (1,1). Nhưng ai là Giacôbê thì không có chi tiết nào rõ rệt cả. Trong các bản văn Tin mừng thì có tới ba người mang tên Giacôbê con của Zêbêđê (Mt 4, 21) và là anh em của Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử ( Mt 17, 1), ngài được gọi là " Giacôbê tiền" để phân biệt với một Tông đồ khác cùng tên.

Giacôbê thứ hai là một Tông đồ, con của Alphêus (Mt 10, 3) là anh em bà con với Chúa Giêsu (Mc 6,3; Gal 1, 19) và Giacôbê thứ ba là người được Chúa hiện ra sau khi sống lại (Cv 12, 17) và Thánh Phaolô đã gặp tại Giêrusalem sau cuộc ngã ngựa ( Gal 1,18-19) ngài được coi là rường cột của Giáo hội Giêrusalem làm một với Thánh Phêrô và Thánh Gioan ( Gal 2, 9) cũng chính ngài đã công bố quyết định của cộng đồng đầu tiên họp tại Giêrusalem năm 49 (Cv 15,13-29).

Từ những điểm trên, nhiều tác giả cho rằng Giacôbê người anh em của Chúa cũng là Giacôbê cầm đầu Giáo hội tại Giêrusalem và là người đã viết lá thư này.

2/ Lá thư được viết cho ai?   

Thư được viết cho "12 chi tộc kiều ngụ tha hương" (1, 1) một tước hiệu ám chỉ các tín hữu "dân Israel mới", dòng dõi của Abraham, thừa kế của lời hứa (Gal 3, 29).

3/ Thư được viết vào thời gian nào?

Theo truyền thống thì Giacôbê, người anh em của Chúa bị tử đạo vào năm 62, nên lá thư có thể được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ I.

4/ Thánh Giacôbê viết thư này nhằm mục đích gì?   

Ngài viết để cảnh tỉnh Giáo hội "trước những ảnh hưởng của thế tục" hầu sống Tin mừng được trọn hảo hơn. Sứ điệp ấy, được tóm gọn trong câu 22 của chương 1 như sau: "Lời đã nghe hãy lo làm trọn, chớ nghe suông mà tự dối mình".

5/ Bí tích nào có nguồn gốc từ bức thư này?  

Bí Tích Xức dầu có nền tảng Thánh kinh trong lá thư của Thánh Giacôbê 5, 13 - 16 như sau: "Ai trong anh em đau khổ, yếu đau, liệt lào, hãy mời các vị niên trưởng trong Hội thánh đến, họ sẽ cầu nguyện đặt tay lên người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa".

Lời Chúa :  "Mỗi người hãy mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận" (1, 19). " Đức tin không việc làm là đức tin chết " (2, 17).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con Bí tích Xức dầu để đỡ nâng chúng con chống lại những cám dỗ của ma quỷ khi gặp yếu đau, liệt lào. Xin cho chúng con biết sử dụng Ơn Chúa cho nên trong đời sống con. Amen.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

NƠI THÁNH (tt)
(Đ.1205-1243)

7. Cử Hành Phụng Tự và Gìn Giữ Nơi Thánh

7.1. Tại nhà thờ

Sau khi đã được cung hiến hay làm phép, trong các nhà thờ đó có thể cử hành mọi việc thờ phượng Thiên Chúa, trừ những gì được dành riêng cho nhà thờ của họ đạo (đ.1219). Ví dụ:

Rửa tội: phải ban bí tích Rửa tội cho người thành niên tại nhà thờ họ đạo của đương sự; cho nhi đồng tại nhà thờ họ đạo của cha mẹ chúng (đ.857§2). 

- Hôn phối: hôn nhân giữa hai người Công giáo hoặc giữa một người Công giáo và một người đã được Rửa tội ngoài Công giáo phải được cử hành trong nhà thờ họ đạo, ngược lại phải có phép của Bản quyền (đ.1118§1).

- An táng: thông thường, nghi thức an táng của tất cả mọi tín hữu đã qua đời phải được cử hành trong nhà thờ họ đạo của người ấy (đ.1177§1).

- Trường hợp khác: cha quản nhiệm không được phép thi hành trong nhà thờ đã được uỷ thác cho ngài những nhiệm vụ thuộc họ đạo được nói đến ở điều 530 (đ.558).

Những ai có trách nhiệm coi sóc nhà thờ phải lo liệu giữ gìn sạch sẽ tôn nghiêm và mỹ quan, tránh những gì không phù hợp với sự thánh thiện. Hơn nữa, các ngài phải quan tâm và có những biện pháp để bảo vệ các đồ thánh an toàn thích hợp (đ.1220).

Việc lui tới nhà thờ trong lúc cử hành phụng tự luôn được tự do, miễn phí (đ.1221). Ngược lại, nếu ai lui tới nhà thờ ngoài giờ phụng tự để chiêm ngắm một hoạ phẩm hay thưởng thức thánh nhạc có thể phải trả tiền vào cửa (ở bên Tây mới có chuyện nầy).

7.2. Tại nhà nguyện

Nhà nguyện đã được chính thức làm phép có thể cử hành tất cả các việc thờ tự, trừ khi Bản quyền sở tại hoặc luật lệ đã cấm (đ.1225).

Việc các tín hữu lui tới nhà nguyện cần được bề trên liên hệ của nơi ấy chấp thuận (đ.1223).

7.3. Tại phòng nguyện

Nếu muốn cử hành thánh lễ và các nghi thức phụng tự khác tại phòng nguyện thì cần phải xin phép Bản quyền sở tại (đ.1228), ngoại trừ phòng nguyện của các giám mục. Vì phòng nguyện được dành riêng cho vài tư nhân, nên những người khác không có quyền lui tới. 

TRANG LINH MỤC

ÍT ĐIỀU CẦN CHÚ Ý TRONG MỤC VỤ HÔN PHỐI

A.  VIỆC ĐIỀU TRA TRƯỚC HÔN PHỐI.
B.  RIÊNG VỀ MẤY  NGĂN TRỞ HÔN PHỐI.
C.  HÌNH THỨC KẾT HÔN VÀ VIỆC CHỨNG HÔN.
D. VỀ ĐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ.
E. VIỆC GHI SỔ SÁCH

A/. VIỆC ĐIỀU TRA HÔN PHỐI

(DE INVESTIGATIONE PRAMATRIMONIALI)

I. LUẬT ĐIỀU TRA.

"Trước khi cử hành bí tích hôn phối, phải chắc chắn không có gì cản trở việc cử hành hữu hiệu và hợp pháp" (Can. 1066). Để được biết chắc như thế, một trong các phương thế giáo luật dạy, là điều tra kỹ lưỡng trước khi kết hôn.

Chiếu theo Can.1067 và Huấn thị Sacrosanctum ngày 29.06.1941 của thánh Bộ bí tích, chúng ta nên lưu ý mấy điểm sau :

1. Ai điều tra ?

- Cha xứ (cha sở) có quyền chứng hôn. Tức là cứ thường lệ cha xứ bên nữ, dù ngài có đồng ý cho đôi hôn phối thành hôn ở giáo xứ bên đàng trai hay ở một giáo xứ khác.

- Việc điều tra này buộc nhặt (sub gravi), dù cha xứ chắc (moraliter certus) không có gì ngăn trở cũng phải thi hành.

- Và phải đích thân làm lấy, trừ khi có lý do chính đáng mới được nhờ người khác (H.T.Sacrosanctum, số 4).

- Còn cha xứ đàng trai và cha khác có liên hệ, nếu được chính đương sự hoặc cha xứ của đương sự xin, phải sẵng sàng giúp việc điều tra đó (Ibid).

2. Điều tra lúc nào?

Phải điều tra vào thời gian thích hợp (tempore opportuno) trước khi kết hôn, nghĩa là trước hoặc trong thời gian rao hôn phối.

3. Điều tra về những gì?

Phải dò xét tất cả những gì có thể ngăn trở cho vụ hôn phối bất cứ cách nào.

a.Trước hết là về bí tích rửa tội và bí tích thêm sức, xem đương sự  đã lãnh nhận chưa, nơi lãnh nhận... (Sacrosantum, số 4).

- Nếu đương sự đã không được rửa tội tại xứ (hay sở) của cha, thì ngài phải đòi chứng chỉ rửa tội của cả hai bên, hoặc của bên Công giáo (đối với hôn phối được chuẩn ngăn trở dị giáo). Nếu là hôn phối xin chuẩn ngăn trở tạp giáo, thì đòi chứng chỉ rửa tội cả bên Kitô hữu không Công giáo.

- Theo huấn thị Sacrosanctum, chứng chỉ rửa tội phải mới được cấp chưa quá sáu tháng tính đến ngày định thành hôn. Huấn thị dạy như vậy, nhưng thiết tưởng khi không có lý gì mà nghi đương sự đã có đôi bạn, thì chứng chỉ cấp đã lâu cũng được. Chứng chỉ đó phải được trích lục từ  sổ rửa tội của giáo xứ (giáo sở), trong đó phải ghi đầy đủ những điều cần phải ghi chú theo Can 1122§1 (xem E 2: Về việc ghi sổ sách - tr. 20).

- Trường hợp nguy tử, nếu không thể có bằng chứng gì hơn, thì đương sự thề mà quả quyết mình đã chịu phép rửa tội là đủ (Can. 1068). Ngoài trường hợp nguy tử, nếu không có chứng chỉ chính thức trích sao từ sổ rửa tội của giáo xứ, thì một nhân chứng thật chắc chắn cũng đủ, hay nếu đương sự chịu phép rửa tội khi đã khôn lớn thì chính người ấy thề quả quyết mình đã chịu phép rửa tội cũng được.

b. Tiếp đến là điều tra xem đôi hôn phối có liên hệ với những giáo xứ hay giáo sở nào để nếu cần, thì sẽ rao ở đó, hay sẽ phải thông báo một khi đã thành hôn: xem họ đã đến tuổi thành niên hay còn là vị thành niên; xem cả hai hay ít

ra một bên là góa, thì lại phải điều tra về cái chết của người bạn cũ của họ để biết chắc không có ngăn trở dây hôn phối, và còn xét coi giữa hai người toan kết hôn có ngăn trở họ hàng, ngăn trở công hạnh hay ngăn trở tội ác... hay  không.

c. Cha xứ, cha sở phải hỏi vị hôn phu và vị hôn thê, hỏi riêng lẽ và một cách khôn ngoan, khéo léo, tế nhị, dè dặt... xem họ có mắc ngăn trở gì không, có tự do ưng thuận hay bị ép buộc (Can. 1057).

Theo huấn thị Sacrosanctum thì đây là lúc lấy KHẨU CUNG, nhưng vì có những câu hỏi sau khi học giáo lý hôn phối xong mới có thể trả lời, nên ta thường lấy khẩu cung sau khi đã dạy đủ giáo lý, miễn là trước khi cho kết hôn.

II. VỀ RAO HÔN PHỐI : 

Rao hôn phối là một phương thức điều tra, giáo luật buộc phải thi hành (Can.1067), và thỉnh thoảng nên nhắc cho tín hữu nếu biết ngăn trở gì thì buộc phải báo cáo cho cha xứ hay Đấng Bản quyền (Can. 1069).

- Bình thường buộc phải rao đủ ba lần.

- Theo năng quyền thập niên số 30, cha xứ (sở) được chuẩn rao một lần, miễn là có lý do chính đáng và chắc chắn không có ngăn trở nào.

- Cha quản hạt được chuẩn rao hai lần (N.Q.T.N. số 33).

- Chỉ Đấng Bản quyền mới được chuẩn rao ba lần.

- Trái lại những vụ hôn phối được chuẩn ngăn trở khác tôn giáo thì không rao.

-  Nếu đàn trai thuộc một giáo xứ hay một giáo sở khác, thì phải rao cả hai nơi. Nếu có một bên nào- sau 14 tuổi- đã ở nơi nào khác quá sáu tháng, thì phải xin ý kiến Đấng Bản quyền coi có cần rao nơi đó không. Nếu có lý để nghi ngờ có ngăn trở, thì cũng xin ý kiến như vậy.

III. CHUYỂN HỒ SƠ:

Các cha xứ (sở) đã được xin điều tra, xin rao hôn phối, phải cố gắng làm tốt và sớm. Sau khi làm xong, gởi cho cha xứ (sở) đàng gái đã xin rao gồm: văn thư điều tra, chứng chỉ rao, chứng chỉ rửa tội, thêm sức, hay có tài liệu gì khác trong văn hàm xứ sở của mình liên quan đến vụ hôn phối... Chúng ta thường liên lạc trực tiếp với nhau, dù là hai cha khác giáo phận. Nhưng theo huấn thị ngày 4.7.1921 của bộ bí tích và huấn thị Sacrosanctum đã dẫn (số 4a), thường thường phải hoặc nên qua trung gian tòa giám mục của hai giáo phận trực tiếp với nhau, và trước khi cha xứ (sở) chứng hôn, phải được phép (nihil obstat) của tòa giám mục giáo phận mình.

IV. KHẢO VÀ DẠY GIÁO LÝ :

Cha xứ phải khảo hạch đôi hôn phối, xem họ có biết đủ giáo lý công giáo không (cách riêng về bí tích hôn phối).

* Theo Ủy ban giải thích giáo luật của Tòa Thánh ngày 2 và 3.6.1918 và Cộng đồng Đông dương, số 262, nếu thấy đôi hôn phối dốt giáo lý, thì hãy chịu khó dạy kỹ cho họ ít là những điều căn bản của Giáo lý Công Giáo (Can. 1063). Do vậy, chúng ta nên uyển chuyển trong vấn đề này, nhất là đối

với hoàn cảnh khó khăn ngày nay. Không nên bắt họ thuộc lòng quá nhiều. Chúng ta nên chịu khó dạy cho hiểu là đủ.

* Riêng đối với người tân tòng, nếu Hội Đồng Giám mục Việt Nam có qui định thời gian dự tòng ít là một năm, thì thiết tưởng nên hiểu đó là trường hợp bình thường. Những người xin theo đạo để cưới vợ, lấy chồng, mà lại trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, thì phải hiểu đó là trường hợp ngoại thường, nên xử trí một cách uyển chuyển, theo khả năng của họ. Dĩ nhiên phải dạy cho họ biết giáo lý tối thiểu, để họ có thể có một đức tin chân thực, sống đạo có căn bản, chứ không phải chỉ dạy qua loa, sơ sài... Nhưng nếu đòi hỏi quá kéo dài thời gian, có thể thiệt hại cho họ, làm họ  chán nản, ác cảm, có khi liều chung sống với nhau sinh gương xấu...

B/. VỀ CÁC NGĂN  TRỞ HÔN PHỐI

Giáo luật buộc cha xứ (sở) phải điều tra kỹ lưỡng xem đôi hôn phối có mắc ngăn trở mà giáo luật qui định từ 1073- 1094. Trong đó có một số ngăn trở có thể được chuẩn. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ các ngăn trở, phân biệt các ngăn trở nào là do luật tự nhiên, do luật Thiên Chúa, hay do luật Giáo hội, ngăn trở nào là thượng đẳng, ngăn trở nào là hạ đẳng. Chúng ta nên xem kỹ lại bản giải thích các năng quyền thập niên từ  trang 68-78.

Sau đây xin lưu ý thêm về mấy ngăn trở:

Ngăn trở khác đạo:

- Ngăn trở khác đạo giữa một người đã rửa tội trong Giáo Hội Công giáo hoặc đã rửa tội trong một giáo phái Kitô giáo không Công giáo mà sau đã gia nhập Công giáo với một người Kitô hữu không Công giáo, được gọi là ngăn trở tạp giáo và là ngăn trở cấm hôn.

- Ngăn trở khác đạo giữa một người Công giáo và một người lương không hay chưa rửa tội, được gọi là ngăn trở dị giáo và là ngăn trở tiêu hôn (impedimentum dirimens), thượng đẳng.

Giáo Hội Công giáo khắt khe đối với những vụ hôn phối khác tôn giáo (Can.1124-1129). Nhưng hoàn cảnh ngày nay, hôn nhân hỗn hợp quá nhiều, chúng ta nên tìm cách gỡ rối để bên Công giáo được yên lương tâm, được hưởng các ân huệ của Hội Thánh, và con cái họ được chính thức hóa. Lý do gỡ rối (ut cesset publicus concubinatus) này là một lý do mạnh để ban ơn chuẩn.

Theo Tự sắc Matrimonia mixta, để được chuẩn ngăn trở khác đạo, cần những điều kiện sau đây:

1.  Bên Công giáo phải làm hai điều :

- Một là tuyên bố mình sẵn sàng tránh những nguy hiểm làm mất đức tin của mình.

- Hai là thành thật hứa (buộc ngặt) sẽ lo liệu hết sức để con cái đã hay sẽ sinh ra được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công giáo

2. Phải cho người bạn không Công giáo hiểu rõ những điều người bạn Công giáo phải cam kết, để người ấy ý thức người bạn Công giáo cam kết những gì, buộc làm những gì.

3. Phải dạy cho cả hai bên biết các mục đích và hai đặc tính của hôn nhân (giúp nhau hoàn thiện và sinh sản), mà không bên nào được loại bỏ một đặc tính nào. Ngoài ra, cần dạy giáo lý cho bên Công giáo thật kỹ càng, giúp người ấy sống đức tin vững vàng, ý thức nhiệm vụ của mình, làm gương tốt ... để người ấy có thể cảm hóa người bạn không Công giáo (và gia đình), gây cảm tình đối với đạo Công giáo.       

C/. VỀ HÌNH THỨC KẾT HÔN VÀ VIỆC CHỨNG HÔN

I. HÌNH THỨC KẾT HÔN CÓ THỂ PHÂN BIỆT :

- Pháp lý

- Phụng vụ.

Chỉ hình thức pháp lý mới là căn bản, cần thiết để hôn nhân được thành sự.

II. HÌNH THỨC PHÁP LÝ LẠI CÓ THỂ PHÂN BIỆT:

- Thông thường

- Ngoại thường

-  Đặc biệt

1.Thông thường: kết hôn trước mặt linh mục quản xứ, hay Đấng Bản quyền, hay một linh mục do các ngài ủy quyền hợp pháp và hai nhân chứng (Can.1108-1109).

2.Ngoại thường: nếu không có linh mục quản xứ  hay Đấng Bản  quyền hoặc linh mục được ủy nhiệm như nói ở Canon 1108-1109, hoặc liên lạc với các ngài quá bất tiện thì :

  1. Trong trường hợp nguy tử, kết hôn trước mặt hai nhân chứng mà thôi cũng thành.
  2. Ngoài trường hợp nguy tử, kết hôn như vậy cũng thành, miễn là suy đoán sau một tháng nữa hoàn cảnh cũng vẫn không thay đổi.

Trong cả hai trường hợp, nếu sẵn có một linh mục hay phó tế nào khác có thể hiện diện được, thì phải mời các vị ấy chứng hôn cùng với hai nhân chứng. Nếu không có linh mục hay phó tế nào, chỉ kết hôn trước mặt hai nhân chứng mà thôi, hôn phối vẫn thành (Can.1116).

3. Đặc biệt: ngày 05.05.1972, Tòa thánh đã ban năng quyền đặc biệt cho các Đấng Bản quyền Việt Nam, để các ngài ban lại cho các linh mục trong hoàn cảnh đặc biệt như : được quyền chứng hôn thành sự với một nhân chứng hoặc không nhân chứng nào, không phân biệt ranh giới giáo phận, miễn là phải biết chắc chắn hai bên chưa kết bạn và không bị ngăn trở nào (số 3).

Chúng ta nên lưu ý :

* Theo Canon 1108, thì chỉ Bản quyền và linh mục quản xứ là có thường quyền (potestas ordinaria) chứng hôn theo hình thức thông thường, và các ngài chỉ có thể ủy quyền riêng từng vụ hôn phối, riêng cho một linh mục nhất định. Không được ủy cách tổng quát, trừ đối với linh mục phó xứ cộng quản (Can.1111§2).

Nhưng nhờ năng quyền thập niên số 19, đức Giám mục giáo phận " ủy quyền tổng quát cho các linh mục quản sở, các phó xứ cộng quản và các phó tế (nếu được bổ nhiệm như phó xứ cộng quản) được chứng hôn ( hình thức thông thường) trong nơi mình thi hành quyền nhiệm".

*  Ở Việt Nam hiện nay, có khá nhiều nơi không có linh mục quản xứ, sở (như vùng kinh tế mới chẳng hạn), thiết tưởng giáo dân đã đủ điều kiện để kết hôn theo hình thức ngoại thường. Chúng ta cần hướng dẫn cho giáo dân  trước để họ biết, kẻo khi muốn thành hôn mà không có linh mục, lại sống với nhau cách bất hợp pháp, làm đau khổ lương tâm... Cũng không nên bắt họ phải hy sinh đến nỗi kéo nhau đến một cha xứ quá xa xôi.

* Còn trường hợp nào là đặc biệt không thể chứng hôn theo hai hình thức nói trên mà phải chứng hôn theo hình thức đặc biệt, cần phải cân nhắc hoàn cảnh cụ thể từng nố cho thật kỹ lưỡng.    

III. HÌNH THỨC PHỤNG VỤ:

Có ba nghi lễ hôn phối:

- Trong thánh lễ (sách lễ mùa Vọng trang 340)

-  Ngoài thánh lễ (sách lễ mùa Vọng trang 350)

-  Giữa người Công giáo và người chưa rửa tội (sách lễ mùa Vọng trang 354)

IV. THEO HÌNH THỨC NÀO ?

1. Bình thường, hôn phối của hai người Công giáo (dù là goá) phải được cử hành theo hình thức pháp lý thông thường, kèm theo hình thức phụng vụ trong thánh lễ, hoặc ngoài thánh lễ khi có lý do chính đáng.

2. Hôn phối giữa một người Công giáo và một người không Công giáo (được chuẩn ngăn trở khác đạo) cũng phải cử hành theo hình thức pháp lý thông thường. Nhưng khi có lý do quan trọng thì Đấng Bản quyền được chuẩn,  miễn là giữ được tính công khai cho toà ngoài (Matrimonia mixta số 8-9).

Còn về hình thức phụng vụ :

* Nếu bên kia là người Kitô giáo không Công giáo, thì cử hành theo nghi thức ngoài thánh lễ, nhưng khi Đấng Bản quyền đồng ý, được cử hành trong thánh lễ, và người không Công giáo không rước lễ.

* Nếu người bên kia chưa rửa tội thì theo nghi thức riêng nói ở số III, 3 bên trên.

3.  Khi cử hành hôn phối khác đạo ( đã được chuẩn ngăn trở ), nếu có lý do chính  đáng, có thể bỏ hình thức phụng vụ.

Khi cử hành hôn phối theo hình thức pháp lý ngoại thường hay đặc biệt, nếu có thể, nên kèm theo nghi thức phụng vụ ( ít là đọc Lời Chúa), nhưng khi có lý do hợp lý, thì bỏ hết nghi thức phụng vụ.        

V. "PHÉP GIAO" LÀ GÌ ?

Hình thức kết hôn mà người ta quen gọi là "phép giao", không có nghĩa là chỉ cử hành hôn phối theo hình thức pháp lý, không kèm theo hình thức phụng vụ . Thực ra, phép giao là cử hành hôn phối với hình thức phụng vụ ngoài thánh lễ, một cách khiêm tốn, âm thầm, không long trọng, không rầm rộ ... Đây thường là một biện pháp kỷ luật, theo thói quen từ lâu trong các giáo xứ Việt Nam. Chúng ta áp dụng cho những đôi hôn phối ít xứng đáng, đã làm gương xấu ( ví dụ: đã công khai sống chung với nhau, đã mang thai ... trước khi kết hôn theo tôn giáo). Nói là: "theo thói quen các giáo xứ Việt Nam", vì luật chung không có biện pháp kỷ luật đó.    

VI. KẾT HÔN Ở ĐÂU ?

Bình thường, hôn phối phải cử hành trong nhà thờ và là nhà thờ xứ. Nhưng khi có lý do chính đáng, thì được cử hành tại tư gia. (C. 1115).

D/. ĐẶC ÂN  THÁNH PHAOLÔ

1. Hôn phối giữa hai người lương (nghĩa là không rửa tội) :

Hôn phối giữa hai người lương theo nghi lễ và nghi thức của họ, được coi là hợp pháp và hữu hiệu (matrimonium legitimum). Theo luật tự nhiên, nó cũng phải có tính bền vững. Tuy nhiên vì không phải là bí tích, nên sự bền vững đó không tuyệt đối. Theo 1Cr 7, 15 thì khi một trong hai người trở lại đạo Công giáo, nếu người kia không trở lại hay không chịu sống chung hòa thuận khỏi làm sĩ nhục Đấng Tạo Hóa, người trở lại đạo Công giáo có quyền kết hôn với một người Công giáo. Hôn phối trước bị bãi bỏ. Đó là đặc ân đức tin (privilegium Fidei) hay đặc ân thánh Phaolô (privilegium Paulium. Can. 1143- 1147).

2. Điều kiện:

a. Hôn phối giữa hai người lương thành, nghĩa là có hôn phối thực sự.

b. Một bên trở lại đạo Công giáo, bên kia cứ đi lương.

c. Bên đi lương không muốn sống chung với bên Công giáo: BỎ THỂ LÝ hay BỎ TINH  THẦN.

3. Giải thích ba điều kiện:

a. Hôn phối thành giữa hai người lương : "Lương" đây là chưa rửa tội, dù là dự tòng. Nếu một bên rửa tội ngoài Công giáo, một bên lương thì không có đặc ân thánh Phaolô theo đúng nghĩa, nhưng trường hợp đặc biệt, có lợi cho đức tin (cho đạo) thì Tòa Thánh có thể tháo gỡ hôn phối đó để người trở lại đạo Công giáo được kết hôn (chữa tận căn- sanatio in radice) với một người Công giáo khác.

Hôn phối giữa hai người lương là thành :

- Khi có cưới hỏi, có giá thú đàng hoàng.

- Khi chính hai vợ chồng tự coi mình là vợ chồng thật, cả láng giềng, bà con cũng coi như thế, không thắc mắc.

- Dù hồ nghi thì cũng phải cho là thành (In dubio standum est provalore matrimonii. Can. 1060).

b. Một bên trở lại Công giáo: Việc một bên trở lại đạo Công giáo, nghĩa là chịu phép rửa tội trong Giáo Hội Công giáo, tự nó không đoạn tiêu (tiêu hôn) hôn phối giữa hai người, nhưng chỉ ban quyền cho người trở lại Công giáo được hỏi (interpellare) người bạn cùng đi lương xem có còn muốn sống chung nữa không? Nếu người ấy trả lời phủ quyết, thì bên trở lại Công giáo được quyền đi kết hôn với người Công giáo, và chỉ khi kết hôn thật sự, hôn phối  cũ mới chấm dứt.

Để dùng đặc ân thánh Phaolô hữu hiệu (valide), một bên trở lại và rửa tội rồi, bên kia chưa rửa tội là đủ. Nhưng để  hợp pháp (licite), sự trở lại Công giáp đó phải chân thành, vì chỉ có chân thành, mới lãnh bí tích rửa tội cách hợp pháp.

Do vậy, phải bảo người muốn trở lại Công giáo về điều đó trước khi ban phép rửa tội cho họ. Nếu không có ý ngay lành, không thật lòng muốn chung sống hoặc làm hòa lại với người bạn hợp pháp, hay là mưu mô để lấy cớ  bỏ người bạn hợp pháp... thì không có điều kiện để chịu phép rửa tội. Tuy nhiên, nếu thấy bất tiện khi bảo như thế, thì phải theo ý đương sự.

c. Bên lương bỏ đi:

- Bỏ thể lý: Thật sự đã không còn sống chung, hoặc hỏi mà từ chối hẳn việc sống chung (dissessus có thể là formalis hay materialis)

- Bỏ tinh thần: Muốn sống chung nhưng không sống hòa thuận,  làm sĩ nhục Đấng Tạo Hóa (pacifice sinecontumelia Creatoris): chế nhạo đạo thánh, nói hay làm những điều nguy hiểm cho đức tin hay đạo đức của bên Công giáo, hoặc hay cải cọ, mắn chưởi, đập đánh...

Sau khi rửa tội, hoặc cả sau khi đã hỏi người bạn không Công giáo rồi về sống chung với nhau mà có những chuyện như thế, không phải lỗi do bên Công giáo, thì người này vẫn có quyền dùng Đặc Ân để đi lấy người Công giáo.

4. Interpelatio (hỏi) :

Để chứng minh "sự bỏ đi" của người bạn bên lương, thì phải HỎI (danh từ giáo luật là Interpellare) người ấy hai điều:

a. Có muốn trở lại đạo Công giáo, chịu phép rửa tội như người bạn kia không?

b. Có bằng lòng sống chung với người bạn đã theo đạo Công giáo cách hòa thuận, không sỉ nhục Đấng Tạo Hóa không? (Can. 1144).

CÁC CHI TIẾT:

Thời gian hỏi :

- Thường phải hỏi sau khi bên trở lại Công giáo đã được rửa tội, trước khi kết hôn với người Công giáo.

- Trường hợp có lý do quan trọng, thì Đấng Bản quyền có thể cho phép hỏi trước khi rửa tội.

- Hỏi ai ? Phải hỏi chính người bạn còn đi lương, và hỏi nhân danh người bạn đã trở lại đạo Công giáo.

- Trường hợp nào phải hỏi ? Phải hỏi LUÔN, trừ khi Tòa Thánh đã tuyên bố thể khác. Dù thấy hỏi vô ích, cũng vẫn phải hỏi. Nhưng khi không thể hỏi được, có thể xin Đấng Bản quyền chuẩn cho khỏi hỏi. Thường Đấng Bản quyền chỉ được chuẩn hỏi sau khi người bạn trở lại Công giáo đã được rửa tội. Nhưng nếu có lý do quan trọng, ngài có thể chuẩn hỏi trước khi rửa tội. (Pastorale munus số 33).

Trong cả hai trường hợp (chuẩn hỏi, chuẩn trước rửa tội), trước khi ban ơn chuẩn, phải làm thủ tục điều tra về lý do, ít là theo lối hành chánh (processu summario extrajudiciali). Nếu bỏ câu hỏi một của Can. 1144, chỉ hỏi câu hai (của khoảng luật này) và người ấy trả lời "KHÔNG" thì dùng Đặc Ân thành.

Hình thức hỏi: có ba hình thức

- Hỏi tư (riêng) privatim

- Theo lối tòa án (có trát gọt, có thẩm phán...)

- Lối ngoài tòa án, tức là lối hành chánh.

Hai hình thức sau là chính thức (authentica) làm do lệnh Đấng Bản quyền của người tân tòng.

Hỏi thế nào?

a. Phải hỏi thẳng, đừng loanh quanh, úp mở, mà phải nói rõ là nếu... thì người tân tòng có quyền đi lấy vợ hay chồng là người Công giáo.

b.  Phải hỏi do quyền của Đấng Bản quyền và nhân danh người tân tòng. Nếu đương sự yêu cầu, thì Đấng Bản quyền phải cho họ một thời gian để suy nghĩ, và bảo họ nếu quá thời gian đó mà không trả lời thì coi như trả lời phủ quyết (Can 1145).

c. Đại diện Đấng Bản quyền có  thể là cha xứ hay một giáo sĩ, hoặc giáo dân đứng đắn, khôn ngoan. Nếu một người không chắc, nên có thêm một nhân chứng. Phải ủy quyền bằng văn thư. Và thường nếu giao cho một giáo sĩ chức nhỏ hay một giáo dân thì bắt họ thề làm việc cho đàng hoàng. Khi hỏi, phải làm biên bản hay báo cáo viết thành văn (hai bản).

d.  Hỏi tư là khi người tân tòng tự ý hỏi nhân danh cá nhân mình, hoặc do Đấng Bản quyền cho phép. Dù người tân tòng tự ý hỏi lấy, nếu Đấng Bản quyền xét thấy có giá trị, ngài có thể cho là đủ, nhưng phải có bằng chứng để có giá trị ở tòa ngoài. Thí dụ: có hai nhân chứng. Trường hợp không hỏi được chính thức thì phải cho hỏi như vậy. Nhưng nếu có thể, chính linh mục hỏi lấy. Trong mỗi trường hợp, các câu hỏi và trả lời phải được viết vào giấy. Cũng có thể hỏi bằng thư, và có một thời hạn đủ rộng rãi để trả lời (Syn. Tunq. Tit III, C III, 1,5).

Chú ý: Để tránh những rắc rối có thể xảy ra, cần bảo người bạn tân tòng, trước khi tái hôn với người Công giáo hãy liệu giải quyết vụ hôn phối trước cho dứt khoát đi đã. Thí dụ: ly dị ở tòa đời (nếu trước có giá thú), hoặc tuyên bố trước mặt gia đình người bạn cũ, hoặc hai bên làm giấy dứt khoát bỏ nhau, bên người tân tòng giữ một bản.

E/. VỀ VIỆC GHI SỔ SÁCH

1. Cử hành phép hôn phối xong, linh mục quản xứ phải ghi vào sổ hôn phối (những điều đã in sẵn trong sổ- Can. 1121)

2. Nếu là hôn phối có phép chuẩn, phải ghi chú điều đó bên lề và giữ văn bản tha ngăn trở, cùng với tờ khai khẩu cung (Can. 1121§3).

3. Phải ghi chú hôn phối vào sổ rửa tội của người lãnh bí tích hôn phối, nếu họ đã được rửa tội trong giáo xứ (Can. 1122§1).

4. Phải thông báo (notificatio) cho giáo xứ, nơi những người ấy đã chịu phép rửa tội để ghi vào sổ (Can. 1122§2).

Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh

TRANG TU SĨ

MÌNH THÁNH CHÚA KITÔ

Câu tuyên xưng:  "Mình Thánh Chúa Kitô" và lời đáp "Amen" vang vọng trong tôi nhiều điều!

Hai tuần một lần vào ngày Thứ Sáu tôi đưa Mình Thánh Chúa đến cho những người già bệnh không đến nhà thờ được. Mang Chúa trong mình để đưa Chúa đến cho mọi người, cảm giác này thật khó diễn tả. Tôi đã từng tự hỏi "mình tội lỗi có đáng gì đâu mà được chạm vào Mình Thánh Chúa?". Nhưng rồi Chúa đã giúp tôi hiểu ra một điều "những người già bệnh kia đang khao khát Chúa". Đã hai năm rồi tôi làm đôi chân cho Chúa đi đến với những đứa con đau bệnh liệt lào của Người. Tôi cảm nhận được sức mạnh Tình Yêu từ Thánh Thể Chúa, và tôi cảm thấy yêu thích công việc này mà không còn cảm giác sợ khi cận kề bên người bệnh và những người trong cơn hấp hối.

Trong những người tôi đưa Mình Thánh Chúa có Bà Hai là người đi đứng khó khăn, sức khỏe lại kém hơn những người khác. Thế nhưng Bà lại là người lúc nào cũng có mặt sớm nhất trong những lần tôi đưa Chúa đến. Gần đây sức khỏe Bà không tốt, hai chân thường đau nhức nên tôi gợi ý muốn đưa Chúa đến nhà để bà khỏi phải đi xuống chỗ chung nhưng Bà nói:

- Tui muốn xuống đây để được đọc kinh và rước Chúa cùng với mọi người. Hơn nữa, để mấy đứa con chở tui đi như vậy để nó cũng thương mến Chúa mà lo sống Đạo cho tốt.

Từ dạo đó, cậu út hay chở Bà đến thật sớm để cùng mọi người lần chuỗi - đọc kinh chuẩn bị tâm hồn rước Chúa. Có hôm vì công việc bận rộn nên cậu quên bẵng không nhớ chở Bà đến, khi đó tôi nhờ một người quen gọi điện nhắc cậu đưa Bà đến. Mọi người: Bà Ba, Bà Sáu, Ông Tám cùng đồng lòng chờ Bà Hai, Ông Tám thở dài nói:

- Tội nghiệp Bà Hai chân yếu không tự mình đi đâu được, chắc là buồn lắm!

Cậu Út vội vã đưa mẹ đến nơi trong sự mong đợi của mọi người. Vừa vào, Bà Hai cặp mắt đỏ hoe cảm động nói:

- Tui tưởng hôm nay không được rước Chúa rồi, cám ơn dì và mọi người đã chờ tui!

Rồi hai tuần sau tôi lại đưa Mình Thánh Chúa đến. Khi tôi vừa đến đầu ngỏ thì đã nhìn thấy cậu chín chạy hớt hãi sang nhà bên cạnh, tôi nhìn sang thấy có nhiều người đang xúm xít. Như có linh cảm điều gì không tốt, tôi hỏi vội:

- Có chuyện gì vậy, cậu Chín?

- Bà Hai bị xỉu rồi, dì ơi.

Có tiếng Bà Ba từ trong nhà vọng ra:

- Lần trước thằng Út quên chở bả đi nên lần này muốn tự mình đi, ai dè....

Câu nói bỏ lửng của Bà Ba nhưng ai nghe cũng hiểu. Bà Hai không muốn bỏ lở cơ hội được rước Chúa dù chỉ một lần, Bà đã tự đi nhưng vì sức khỏe không cho phép nên đã ngất xỉu trên đường. Khi hay tin Bà Hai xỉu, hai người con của Bà chạy đến định đưa Bà đến trạm xá, nhưng khi vừa tỉnh lại Bà cương quyết đòi con trai đưa đi rước Chúa. Cậu Út cõng mẹ trên lưng đi như chạy sang chổ chúng tôi  trong sự ngỡ ngàng của mọi người chỉ vì Bà ao ước được rước Chúa. Khuôn mặt tái xanh, Bà thều thào:

- Dì Út, tui muốn rước Chúa!

- Dạ được!

Tôi đáp vội rồi hối mợ chín làm ly nước trà đường nóng để Bà uống cho khỏe. Bà Hai ngoan ngoãn như một đức trẻ uống từng ngụm nước nóng như muốn mau mau lấy lại sức khỏe để chung cùng với mọi người chuẩn bị rước Chúa. Vừa đặt ly nước xuống bàn, Ba Hai nhìn tôi yếu ớt giọng nói:

- Dì Út bắt đầu đọc kinh đi. Tôi không sao đâu.

Tôi bắt đầu giờ kinh nhưng trong lòng thấy không yên, thỉnh thoảng lại ngoái nhìn Bà đang ngồi dựa cửa (vì Bà không chịu nằm), gương mặt xanh xao nhưng giọng vẫn còn thều thào đọc theo lời kinh. Rồi đột nhiên tôi không nghe thấy tiếng đọc kinh của Bà nữa, - "Bà Hai lại xỉu rồi" - Tôi hốt hoảng kêu lên. Các cậu con Bà chạy đến lo lắng đỡ Bà lên giường nằm. Sau khi vừa tỉnh lại, Bà đưa mắt nhìn tôi và hỏi vội; "Cho tui rước Chúa chưa?". Tôi liền đưa Mình Thánh Chúa đến, Bà cung kính rước Chúa vào lòng, hai giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt vốn đã in nhiều dấu chân chim. Mọi người đứng chung quanh đó đã rất cảm động, đặc biệt hai người con trai của Bà - cậu Hai dụi dụi mắt rồi nói lời cám ơn tôi và mọi người. 

Sự việc ngày hôm đó vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi hình ảnh đẹp, một mẫu gương sống đức tin tuyệt hảo. Đặc biệt trong Năm Đức tin này sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là "chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo hội" [14]. Đồng thời, chúng ta ước mong việc làm chứng bằng đời sống của các tín hữu sẽ tăng tiến trong sự khả tín. Bà Hai vốn dĩ là một người giáo dân bình thường, nhưng Bà đã yêu Chúa bằng một tình yêu phi thường. Bà tin tưởng vào Tình Yêu Chúa, nơi Thánh Thể Người là nguồn sống và Bà bất chấp tất cả để đạt được. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết làm chứng cho Chúa bằng đời sống đức tin của mình.

MTG Cái Nhum

NIỀM TIN TRONG ĐỜI THƯỜNG

Cô giáo Cúc cũng là giáo lý viên của một họ đạo. Cô không lập gia đình, nuôi đứa cháu mồ côi cha, mẹ nó đã đi bước nữa. Khi phát hiện căn bệnh thì đã gần thời gian đám cưới của đứa cháu. Lễ rước dâu vừa xong, được vài người bạn thân (trong đó có một người không công giáo) đưa lên bệnh viện ung bướu khám thì bác sĩ bảo bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối.

Khi nhận kết quả, cô lặng người một chút nhưng sau đó, bình thản bảo với các bạn: "Ai mà chẳng chết. Đứa cháu yên bề gia thất rồi là mình xong bổn phận. Được Chúa báo trước ngày chết bằng cơn bệnh nầy thật là quý giá. Có nhiều ngày giờ để chuẩn bị..."

Sau ngày đó, nghe lời khuyên của bác sĩ, cô thu xếp việc nhà, đến bệnh viện phẩu thuật để cắt bỏ khối u ác tính, rồi hoá trị, xạ trị... Người xanh xao, tóc rụng... Nhưng với mái tóc giả, cô tiếp tục đến nhà thờ và miệt mài với những lớp giáo lý cho trẻ em lớp Khai Tâm vốn là "nghề" của cô, song song với nghề "gõ đầu trẻ" từ bao nhiêu chục năm nay. Ai không biết chuyện bệnh của cô sẽ không ngờ là cô bệnh nặng như vậy. Cho đến một ngày bệnh tái phát nặng, bạn cô định đưa cô đi bệnh viện, cô bảo: "Mình biết sức của mình. Chúa cho mình bao nhiêu ngày sống cũng quá đủ. Mình đã chuẩn bị xong hết mọi thứ để về cùng Chúa rồi..." Cô chấp nhận những cơn đau cuối cùng cách bình thản. Không đầy 2 tháng sau, cô êm ái ra đi vào một buổi chiều muộn trong tiếng nguyện kinh của mọi người vây quanh cô.

Hiện diện trong Thánh lễ an táng và trong dòng người đưa tiển cô đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi thấy có nhiều bạn bè giáo viên của cô không là người công giáo... những lời ca của các em thiếu nhi vang lên cách mạnh mẽ, dứt khoát: "Phúc cho người được Chúa thương gọi về. Khúc khải hoàn nhịp tưng bừng rộn rã...; khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ..." thật sự làm cho tôi và mọi người xúc động... Khi ra về, người bạn không công giáo đồng hành từ lúc cô phát bệnh, ngậm ngùi nói: "Mình rất cảm phục Cúc. Nếu là mình chắc mình không bình thản được như vậy đâu. Chắc tại Cúc tin có Chúa và tin có đời sau!... Tôi xúc động và thầm nhủ: "Cô Cúc ơi! Mong rằng đời sống tốt với đồng nghiệp, sự chuyên tâm với bổn phận đạo đời, và nhất là sự ra đi thanh thản của cô sẽ là tiếng nói mang đến sức thuyết phục mãnh liệt... về niềm tin tôn giáo của cô với mọi người!"

Cuộc đời Kitô hữu phải là một cuộc đời làm chứng. Đức Kitô làm chứng cho Chúa Cha, tới một mức trổi vượt trong cuộc sống, trong sự chết và trong sự phục sinh của Người. Rồi chính Người lại sai các môn đệ ra đi làm chứng cho Người tại Giêrusalem, khắp miền Giuđa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất. Chính nhờ chứng tá của các Tông Đồ truyền lại từ thời nọ qua thời kia mà ngày nay chúng ta được đón nhận giáo lý Tin Mừng cứu độ. Thì đến lượt mình, chúng ta cũng phải tiếp nối sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô, phải coi cả cuộc đời mình là cuộc đời làm chứng.

Có ba cách làm chứng: nói, làm và sống. Nhưng hiệu quả nhất là làm và sống. Vì nói thì dễ, làm khó hơn, và sống như mình nói lại càng khó hơn nữa. Chính việc làm và đời sống làm cho lời mình nói đáng tin hơn. Cả khi người ta chưa nói hay không thể nói, chưa làm hay không thể làm một số điều nào đó, thì người ta đã có thể sống điều mình xác tín và muốn chia sẻ. Theo Đức Phaolô VI, làm chứng bằng cuộc sống, bằng hành động cụ thể là một cách rao giảng thầm lặng, không nghe được, nhưng thấy được và rất hữu hiệu, nhất là đối với con người thời nay vì họ rất  nhạy cảm với việc làm và dị ứng với những lời nói suông. 

Vậy để loan báo Tin Mừng cách thuyết phục, người Kitô hữu phải sống thế nào cho cuộc đời mình trở thành đáng tin. Đời sống đáng tin thì tự nhiên lời nói cũng đáng tin. Làm tông đồ, rao giảng Phúc Âm đặc biệt thích hợp cho ngày nay là làm cho đời sống Kitô hữu đáng tin. Như vậy toàn bộ cuộc sống ta đều phải "làm chứng": lời ăn tiếng nói, cách cư xử, giao tiếp, trong gia đình, ngoài xã hội, khi làm việc, khi vui chơi giải trí... Đối với người có ý thức truyền giáo thì nhất nhất việc gì, khía cạnh nào của đời sống họ cũng có thể là lời loan báo. Lời trách nặng nề nhất của người chưa biết Chúa đối với tín hữu công giáo có lẽ là: "Người công giáo các anh chị không mấy đáng tin; các anh chị nói một đường làm một nẻo. Đức tin, giáo lý nghe thì thật hay nhưng không thấy đem lại cho xã hội một cái gì thật sự tốt đẹp và mới mẻ". Lời phê bình đó có lẽ là quá đáng nhưng hãy coi đó như một lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại cuộc sống "chứng tá" của mình.

Vậy, việc làm chứng bằng đời sống của các tín hữu được tăng trưởng trong sự đáng tin cậy. Tái khám phá nội dung đức tin được tuyên xưng, cử hành, sống, cầu nguyện, và suy tư về chính hành vi đức tin, là một công việc mà mỗi người kitô hữu phải coi là của mình, phải đặt ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, nhất là trong Năm Đức Tin này.

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

CHỌN

"Chính Thầy đã chọn anh em" (Ga 15,16)

Trong cuộc sống hàng ngày, con người gặp phải biết bao điều nghịch lý. Sau đây là một trong những nghịch lý đó: có những điều tưởng rằng tôi chọn nhưng thực ra không phải là tôi chọn, nhưng đó là một "định mệnh", là một "huyền nhiệm" của kiếp người trong cõi nhân sinh. 

Có những điều tôi không có quyền lựa chọn, chẳng hạn như: tôi có chọn được dân tộc để sinh ra không? Tôi có chọn được cha mẹ không? Tôi có chọn được nơi sinh, ngày tháng năm sinh không?... và thậm chí có điều tôi lựa chọn nhưng thực sự có phải là tôi có quyền chọn lựa không?

Tôi chọn con đường đi tu làm linh mục để phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Ôi! Điều đó tốt đẹp quá đi chứ. Nhưng phải chăng cứ vào Chủng Viện bảy năm tu hành, một năm đi thử, học hành giỏi giang, đạo đức thánh thiện là được làm linh mục? Điều đó không có gì là đảm bảo. Bởi lẽ con chọn nhưng Chúa có chọn con không. Hay nói cách khác điều tôi chọn có đúng ý Chúa không?  Do đó, mà con đường tu trì là một con đường rất đặc biệt trong lựa chọn: không phải tôi, cha mẹ tôi, hay ông bà tôi muốn là được. Nhưng cần phải được Chúa chọn như Chúa nói "chính Thầy đã chọn anh em" (Ga 15,16). Chính điều đó cho tôi hiểu rằng, con đường tu trì mà tôi chọn không phải "đi từ dưới lên" nhưng là "đi từ trên xuống". Nghĩa là khởi đi từ Thiên Chúa thông qua bề trên của mình và thật đúng với câu nói "mưu sự tại Thiên, thành sự tại nhân". Như thế Chúa đã, đang và sẽ chọn gọi tôi tiến đến chức linh mục. Nhưng tôi có tự do đáp trả lại lời mời gọi đó không? Trong tâm tình đó, nếu người có ơn gọi sẽ dễ dàng xin thưa với Chúa rằng "này con xin đến để thực thi ý Ngài". Do đó, chọn Chúa có nghĩa là chọn luôn cả Thánh ý Chúa.

Đức Giêsu luôn thi hành Ý Chúa Cha như  Lời Ngài đã nói: "Lương thực của Ta là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Ta"(Ga 4,34).

Cả cuộc đời của Đức Giêsu đã sống triệt để câu nói trên. Đức Giêsu có quyền chọn cha mẹ và gia đình quyền quý cao sang, chọn một nơi ra đời đầy đủ tiện nghi, chọn một địa vị và quyền lực để thi hành sứ mạng, chọn một dân tộc hùng mạnh để sống chứ ? Vì "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa"(x. Pl 2,6-8). 

Nhưng Ngài đã không chọn, mà chọn cha mẹ quê mùa, chọn một gia đình nghèo nàn, chọn một nơi sinh ra thật tồi tàn, chọn một dân tộc cứng đầu cứng cổ, chỉ vì một điều đó là "Thánh Ý Chúa Cha". Và ngay cả giây phút bi thương nhất trong đời tại vườn Ghét-sê-ma-ni Đức Giêsu vẫn chọn "nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha"(Mt 26,39). Cho nên, Đức Giêsu đã chọn Thánh Ý Chúa Cha bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá để cứu độ chúng ta. Đó chính là cách lý giải nghịch lý trên tuyệt vời nhất.

Tôi đang là những dự tu, là đệ tử các dòng, là ứng sinh linh mục. Tương lai Chúa sẽ chọn gọi tôi sẽ trở thành tu sĩ, là linh mục và tôi phải hoạ lại đời sống của Đức Giêsu ở trần gian này, thì không có con đường nào khác hơn con đường Đức Giêsu thầy Chí Thánh của mình đã đi qua. Đó là con đường luôn biết lắng nghe và thực thi Ý Chúa mỗi ngày. Con đường khổ giá rồi mới đến vinh quang. Con đường tự huỷ chết đi rồi mới sinh nhiều hoa trái.

Nhưng chọn Thánh Ý Chúa không phải là một chuyện đơn giản, mà là cả một cuộc hành trình trở về, hành trình từ bỏ chính mình. Như vậy có thể nói ngoài Chúa Giêsu không ai trổi vượt hơn Đức Maria về việc chọn Thánh Ý Chúa . Như xưa Đức Maria đã chọn để Chúa đi vào cung lòng Mẹ trở nên một trong Chúa. Thì nay chúng ta có dám chọn Chúa và Thánh Ý Chúa để Chúa bước vào "định mệnh" đời ta không?

TRANG THIẾU NHI

 GIÁO DỤC LÒNG QUẢNG ĐẠI CHO CON CÁI

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: "Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,38).

2. CÂU CHUYỆN:

Bé Tâm 3 tuổi, mỗi khi đến trường đều mang theo một vài món đồ chơi yêu thích và giữ khư khư món đồ chơi ấy, không muốn cho các bạn khác mượn hay cùng chơi chung, dù nhiều lần cô giáo đã nhắc nhở bé và dạy bé cần biết quảng đại chia sẻ đồ chơi với chúng bạn, nhưng bé vẫn không chấp nhận với lý do: "Đồ chơi đó của con, mẹ đã mua cho con!". Hậu quả là các bạn nhỏ khác trong lớp dần dần không thích chơi với bé Tâm nữa.

3. SUY NIỆM:

1) Ích kỷ là thái độ biểu hiệu tinh thần ấu trĩ:

Theo các chuyên gia tâm lý: hầu như ai trong chúng ta cũng ít nhiều ích kỷ, thể hiện qua hành động ngay từ bé đã bảo vệ quyền lợi của mình và ít muốn chia sẻ những gì của mình cho người khác. Nhưng khi lớn lên, nhờ được giáo dục từ trong môi trường gia đình đến nhà trường và ra ngòai xã hội... chúng ta sẽ dần dần học tập lọai trừ thói xấu ích kỷ để biết quan tâm phục vụ tha nhân. Thái độ nghĩ đến người khác được coi là thước đo về mức độ trưởng thành nhân cách của một con người. Những ai chỉ biết nghĩ đến mình sẽ bị xã hội đánh giá là người ấu trĩ dù đã lớn tuổi ... đang khi người nào dù ít tuổi mà biết ứng xử vị tha sẽ được kính trọng là trưởng thành nhân cách. Ai quên mình hy sinh cả mạng sống cho quê hương sẽ được tôn vinh là anh hùng dân tộc, và những tín hữu sẵn sàng chịu chết vì đức tin sẽ được Hội thánh tôn vinh lên hàng thánh nhân tử đạo.

2) Ích kỷ sẽ trở thành tội ác nếu không được uốn nắn kịp thời:

Người ích kỷ uôn nghĩ về mình, vơ vào cho mình những quyền lợi vật chất và tinh thần. Họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, mà không thấy cái hại lâu dài: hễ thấy điều gì có lợi là lao đầu làm ngay bất kể hậu quả tốt xấu. Người ích kỷ cũng hay "suy bụng ta ra bụng người" khi cho rằng ai cũng hám lợi như họ. Những hành động hy sinh, nhường nhịn, quên mình vị tha phục vụ... đều chỉ là "giả dối" mà thôi. Nếu không được uốn nắn từ bé, tính ích kỷ sẽ có nguy cơ biến tướng thành "ích kỷ hại nhân": Chỉ vì ích riêng mà làm hại người khác: Nhẹ thì bôi bẩn ra ghế đá công viên để bắt khách phải vào ngồi trong quán của mình như một số quán bên Hồ Tây Hà nội, hoặc rải đinh trên đường để xe bị thủng lốp phải đến vá tại quán sửa xe của mình. Nặng thì đốt cháy kho hàng hay đánh chìm cả một con tàu để phi tang số hàng đã đánh cắp...

Các bậc cha mẹ trong gia đình cần giúp con em lọai trừ thói ích kỷ và tập cho con tính quảng đại chia sẻ ngay từ thuở thơ ấu như sau:.

3) Bãy việc nên làm để tập cho con tính quảng đại:

1- Quan tâm giáo dục: Ở trẻ em, chia sẻ không phải là tính cách bẩm sinh mà được hình thành thông qua việc giáo dục của cha mẹ. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên lưu tâm dạy dỗ trẻ biết chia sẻ để sau này khi lớn lên chúng sẽ có thể sống nhân ái, chan hòa với bạn bè và xã hội.

2- Giúp trẻ phân biệt "nên và không nên": Trước hết cha mẹ thầy cô giúp trẻ phân biệt những gì nên và những gì không nên chia sẻ cho chúng bạn: Chẳng hạn: khăn mặt, bàn chải đánh răng... là những đồ dùng cá nhân, sẽ không tốt khi dùng chung. Những thứ bé nên biết chia sẻ như: đồ chơi, kẹo bánh, truyện tranh... Đối với trẻ em lớn hơn thì dạy chúng biết cảm thông với chúng bạn gặp khó khăn về tài chánh, hoặc giúp nhau ôn tập bài vở...

3- Cần làm gương sáng: Để trẻ biết chia sẻ, trước hết cha mẹ cần nêu gương sáng. Chẳng hạn: Hãy năng chia sẻ bằng việc cho con quà bánh, năng dùng từ "chia sẻ" để diễn tả việc mình đang làm.

4- Tập từng việc nhỏ: Khi con đang ăn bánh hay kẹo, mẹ có thể gợi ý: "Con hãy chia cho mẹ 1 cái nhé". Nếu bé không muốn cho, thì hãy nhắc bé: "Con có nhớ lần trước con đã vui thế nào khi mẹ cho con hộp kem không? Giờ mẹ cũng sẽ rất vui nếu con cho mẹ một cái kẹo của con". Trước tình huống này, bé sẽ hiểu rằng sự chia sẻ sẽ làm cho người khác được vui. Nếu bé quảng đại chia sẻ thì người khác mới sẵn sàng chia sẻ với bé và ngược lại. Mẹ cần cho bé thấy: ở lớp học việc chia sẻ sẽ giúp bé có thêm nhiều bạn thân hơn.

5- Khen thưởng đúng lúc: Mỗi khi bé biết chia sẻ, mẹ nên động viên đúng lúc. "Hôm trước mẹ rất vui khi con cho bạn Thanh mượn đồ chơi xếp hình, mẹ thấy con và bạn ấy chơi với nhau rất vui và hai đứa đã xếp được nhiều hình đẹp". Như vậy, bé sẽ nhớ rằng, hành động cho mượn đồ chơi làm cho mẹ vui, còn bé cũng sẽ vui hơn khi có bạn cùng chơi chung.

6- Cương quyết kiên nhẫn: Nếu bé vẫn tranh giành đồ chơi với bạn, mẹ hãy tỏ ra cương quyết và cứng rắn hơn bằng cách đưa ra hai điều để bé tự chọn: "Con sẽ cho bạn mượn chiếc xe lửa đó hay để mẹ sẽ cất nó đi!". Bạn chớ nản lòng khi thấy con bạn chưa thay đổi được bao nhiêu. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và tin chắc rằng: Sớm muộn gì con bạn cũng sẽ thay đổi. Tuyệt đối không nên đánh mắng con nếu bé chưa hành xử tốt. Sự la mắng đánh đòn sẽ chỉ làm cho con bạn thêm ương ngạnh bướng bỉnh mà thôi.

7- Xin Chúa trợ giúp: Giáo dục là việc bổn phận cha mẹ phải làm hằng ngày. Tuy nhiên nếu muốn cho việc giáo dục đạt kết quả tốt thì cha mẹ đừng quên cầu nguyện. Hãy năng cầu xin Chúa ban cho con bạn tập được đức tính quảng đại chia sẻ để nên con ngoan của Chúa Cha, nên môn đệ của Chúa Giê-su và trở thành anh chị em của mọi người.

4. THẢO LUẬN: Bạn đánh giá thế nào về bảy việc cha mẹ nên làm nói trên, để giúp con biết quảng đại chia sẻ cho tha nhân ngay từ khi chúng còn nhỏ dại?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa. Xin giúp chúng con biết ý thức tầm quan trọng phải tập luyện tính quảng đại cho con cái chúng con. Xin cho chúng con biết nêu gương sáng và kiên nhẫn dạy dỗ con cái bắt đầu từ những việc cụ thể, và biết năng cầu xin Chúa ban ơn lành cho con cái chúng con. Nhờ đó chúng sẽ dần dần trở nên con thảo của Chúa Cha trên trời, nên môn đệ thực sự của Chúa Giê-su, và nên anh chị em của mọi người trong gia đình Hội Thánh. - AMEN.

LM ĐAN VINH (Hiệp Hội Thánh Mẫu).

THAM DỰ THÁNH LỄ CÁCH Ý THỨC
VÀ TÍCH CỰC LÀ LÀM CHỨNG CHO ĐỨC TIN

Một việc làm hết sức quen thuộc của người ki tô hữu đó là tham dự Thánh lễ hay còn gọi là tham dự việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Chúa Giê su trước khi đi vào cuộc tử nạn trong bữa tiệc ly đã lập nên Bí Tích Thánh Thể để ở lại với loài người một cách thiêng liêng.

Sách giáo lý dạy: "Bí tích Thánh Thể là Bí tích Đức Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh giá và để ban Mình Máu Người trong hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta"

Khi lập nên Bí tích Thánh Thể Chúa nói: "Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta" (Lc 22, 19b). Như vậy mỗi khi cùng nhau tham dự Thánh lễ là mỗi khi ta cùng với Linh mục cử hành Bí tích Thánh Thể. Để rồi ta được nuôi dưỡng bằng chính Thịt và Máu của Chúa Giêsu qua hình bánh và hình rượu.

Như Chúa Giêsu đã nói trong chương 6 Tin mừng theo thánh Gioan: "Ai ăn Thịt Ta và uống Máu ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết vì thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống" (Ga 6, 55 - 56).

Còn gì cao trọng hơn cho người ki tô hữu mỗi khi cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ. Dầu vậy nhiều khi ta tham dự nhiều lần trong đời dễ đưa ta tới thái độ xem thường hay tham dự không ý thức và tích cực nữa. Có lẽ cũng do ta chưa hiểu rõ ý nghĩa và giá trị cao quý của Bí tích Thánh Thể.

Sách Giáo lý có dạy ta khi tham dự Thánh lễ như sau: "Ta phải hợp lòng hợp ý với Chủ tế và cộng đoàn dâng lễ, giữ các lễ nghi, thưa kinh, ca hát chung với nhau và rước lễ cho sốt sắng"

Trước đây,  ta hay dùng cụm từ "đi xem lễ", nay đã được thay thế bằng "đi tham dự Thánh lễ" hay "đi dâng Thánh lễ. Vì thế, ngày nay cả cộng đoàn cùng dâng Thánh lễ cùng với vị Chủ tế là Giám mục hay Linh mục. Mỗi người đóng góp phần của mình vào để làm cho Thánh lễ bớt đi tính thụ động.

Bên cạnh đó, thái độ của ta với Chúa Giêsu Thánh Thể cũng không kém phần quan trọng. Một thái độ cung kính nghiêm trang xứng hợp nói lên tấm lòng tôn thờ của ta với Chúa.

Ngoài ra cách ăn mặc khi đến Nhà thờ dâng lễ cũng nói lên sự kính trọng của ta với Chúa. Nhiều người lầm tưởng rằng Nhà thờ như sàn diễn thời trang để rồi họ đến Nhà thờ trong với quần áo đủ mọi kiểu cách lòe loẹt thậm chí không kín đáo.

Thiết nghĩ bấy nhiêu đây nếu mỗi người kitô hữu khi đến đều ý thức cùng nhắc nhau khi đến Nhà thờ dâng lễ thì thật là tốt. dĩ nhiên có rất nhiều cách để làm chứng cho đức tin nhưng nếu ta làm tốt được những điều căn bản này cũng là cách để ta làm chứng cho đức tin trong năm đức tin này.

TRANG GIỚI TRẺ

Bài Giáo Lý VII của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin
Làm thế nào để nói về Thiên Chúa trong thời đại chúng ta?

Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ bảy của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô hôm thứ tư ngày 28 tháng 11, 2012. 

* * * * * *

Anh chị em thân mến,

Câu hỏi chính mà chúng ta đặt ra hôm nay là câu hỏi dưới đây: làm thế nào để nói về Thiên Chúa trong thời đại chúng ta?  Làm thế nào để truyền đạt Tin Mừng, để mở đường cho chân lý cứu độ của Người trong những tâm hồn thường đóng kín của những người đương thời của chúng ta, và tâm trí của họ đôi khi bị phân tâm bởi nhiều tia sáng hào nhoáng của xã hội?  Các Thánh sử cho chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu trong khi công bố Nước Thiên Chúa đã tự hỏi mình điều này: "Chúng ta có thể so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì, hoặc chúng ta sẽ sử dụng dụ ngôn nào?" (Mc 4:30).  Ngày nay chúng ta nói về Thiên Chúa thế nào?  Câu trả lời đầu tiên là chúng ta có thể nói về Thiên Chúa, bởi vì Ngài đã nói với chúng ta.  Do đó điều kiện đầu tiên để nói về Thiên Chúa là lắng nghe những gì chính Thiên Chúa đã nói. Thiên Chúa đã nói với chúng ta! Cho nên Thiên Chúa không phải là một giả thuyết xa xưa về nguồn gốc của thế giới, hay một trí thông minh toán học xa cách với chúng ta.  Thiên Chúa chăm sóc cho chúng ta, yêu thương chúng ta, đã tự mình đi vào thực tại của lịch sử của chúng ta.  Ngài đã thông truyền chính mình đến nỗi trở nên nhập thể.  Vì vậy, Thiên Chúa là một thực tại của cuộc sống chúng ta, Ngài quá tuyệt vời đến nỗi Ngài thậm chí có thì giờ cho chúng ta, chăm sóc chúng ta.  Trong Chúa Giêsu thành Nazareth, chúng ta gặp gỡ dung nhan của Thiên Chúa, Đấng từ Trời xuống để lặn ngụp trong thế giới loài người, trong thế giới của chúng ta, và dạy chúng ta "nghệ thuật sống", con đường đi đến hạnh phúc, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa (x. Ephesians 1:5; Romans 8:14).  Chúa Giêsu đã đến để cứu chúng ta và chỉ cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng.

Nói về Thiên Chúa trước hết có nghĩa là biết rõ ràng về những gì chúng ta phải mang đến cho những người nam nữ của thời đại chúng ta: Ngài không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, một giả thuyết, nhưng một Thiên Chúa cụ thể, một Thiên Chúa có thật, đã đi vào lịch sử và hiện diện trong lịch sử, Thiên Chúa của Đức Chúa Giêsu Kitô, như là câu trả lời cho câu hỏi cơ bản về lý do tại sao và làm thế nào để sống.  Vì vậy, để nói về Thiên Chúa đòi hỏi một sự quen thuộc với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người, đòi hỏi một sự hiểu biết cá nhân về Thiên Chúa và một đam mê thực sự để sống kế hoạch cứu độ của Ngài, không chiều theo cám dỗ về thành công, nhưng theo phương pháp của chính Thiên Chú. Phương pháp của Thiên Chúa là phương pháp khiêm nhường: Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta; đó là phương pháp được thể hiện trong việc nhập thể, trong ngôi nhà đơn sơ ở Nazareth và trong hang đá ở Bethlehem, phương pháp hạt cải.  Chung ta đừng sợ sự khiêm tốn của những bước nhỏ, và tin tưởng ở nấm men lan dần trong bột từ từ làm nó dậy lên cách mầu nhiệm (x. Matthew 13:33).  Để nói về Thiên Chúa trong công việc Phúc Âm hóa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần phục hồi sự đơn giản, cần trở lại với yếu tố thiết yếu của lời loan báo: Tin Mừng về một Thiên Chúa, Đấng là có thật và cụ thể, một Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta, một Thiên Chúa Tình Yêu đã đến gần chúng ta trong Đức Chúa Giêsu Kitô cho đến tận Thánh Giá, và là Đấng trong việc Phục Sinh của Người ban cho chúng ta niềm hy vọng và mở ra cho chúng ta một đời sống vĩnh cửu, sự sống đời đời, sự sống thật.  Nhà truyền thông biệt tài là Thánh Phaolô cho chúng ta một bài học đi thẳng vào trung tâm của đức tin, của câu hỏi về việc biết "làm sao để nói về Thiên Chúa" với sự đơn giản tuyệt vời.  Ngài đã viết trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô: "Đối với tôi, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hấp dẫn hay kiến thức cao siêu để loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Vì khi còn ở với anh em, tôi đã quyết tâm không biết gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Ðấng chịu đóng đinh" (2, 1-2).   Như thế thực tại thứ nhất là Thánh Phaolô không nói về một triết lý mà ngài đã tự mình khai triển, ngài không nói về những tư tưởng được tìm thấy ở nơi khác hoặc được sáng chế, nhưng nói về một thực tại của đời sống của ngài, nói về Thiên Chúa đã đi vào đời sống của ngài, nói về một Thiên Chúa thật hằng sống, đã nói với thánh nhân và sẽ nói với chúng ta,  ngài nói về Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Đã Sống Lại.  Thực tại thứ hai là Thánh Phaolô không vụ lợi, không muốn tạo ra một nhóm đông người hâm mộ mình, không muốn đi vào lịch sử như thủ lãnh một trường phái có những kiến thức vĩ đại, không tìm danh lợ, nhưng Thánh Phaolô rao giảng Đức Kitô và muốn đưa mọi người về với Thiên Chúa chân thật và có thật.  Thánh Phaolô chỉ nói với một lòng ao ước rao giảng Đấng đã đi vào cuộc đời ngài và Đấng là sự sống thật, là Đấng đã chinh phục được ngài trên đường đi Đamascô.  Vì vậy, nói về Thiên Chúa có nghĩa là dành chỗ cho Đấng đã tỏ cho chúng ta biết Ngài, Đấng đã tỏ lộ dung nhan yêu thương của Ngài.  Điều này có nghĩa là ra khỏi chính cái tôi của mình bằng cách dâng nó cho Đức Kitô, trong khi ý thức rằng chúng ta không phải là những người có thể đưanhững người khác về cho Thiên Chúa, nhưng phải chờ họ từ chính Thiên Chúa, phải cầu cho họ từ Ngài.  Như thế việc nói về Thiên Chúa luôn phát sinh từ việc lắng nghe Ngài, từ sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa được thực hiện trong việc quen thuộc với Ngài, trong đời sống cầu nguyện và theo các Giới Răn.

Đối với Thánh Phaolô, thông truyền đức tin không có nghĩa là tự khoe mình, nhưng nói một cách cởi mở và công khai về những gì ngài đã thấy và đã nghe trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, những gì ngài đã kinh nghiệm trong cuộc đời của ngài, là cuộc đời đã được biến đổi từ ngày đó bởi cuộc gặp gỡ này: nghĩa là kể lại về Chúa Giêsu là Đấng mà ngài cảm thấy hiện diện nơi mình và đã trở thành hướng đi thực sự của cuộc đời ngài, để làm cho mọi người hiểu rõ rằng Người thật sự cần thiết cho thế gian và quyết định cho sự tự do của mọi người.  Thánh Tông Đồ không hài lòng với việc chỉ rao giảng bằng lời, nhưng gói ghém toàn thể cuộc đời ngài trong công trình cả thể của đức tin.  Để nói về Thiên Chúa, chúng ta phải dành chỗ cho Ngài, trong niềm tin tưởng rằng Ngài hành động trong sự yếu đuối của chúng ta: dành chỗ cho Ngài mà không sợ hãi, với lòng đơn sơ và niềm vui, trong niềm xác tín sâu xa rằng chúng ta càng đặt Ngài, chứ không đặt mình, ở trung tâm bao nhiêu, thì việc truyền thông sẽ càng có hiệu quả bấy nhiêu.  Điều này cũng đúng cho các cộng đoàn Kitô hữu: các cộng đoàn này được mời gọi để chứng tỏ tác động biến đổi của ân sủng của Thiên Chúa, bằng cách thắng vượt cá nhân chủ nghiã, sự đóng cửa lòng, tính ích kỷ, sự thờ ơ và bằng cách sống tình yêu của Thiên Chúa trong các liên hệ hàng ngày của họ.  Chúng ta có tự hỏi rằng các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta có thực sự giồng như thế không?  Chúng ta cần phải cất bước lên đường để luôn luôn và thực sự trở thành những người rao giảng về Đức Kitô chứ không rao giảng về mình.

Ở điểm này, chúng ta phải tự hỏi rằng chính Chúa Giêsu đã truyền đạt thế nào.  Chúa Giêsu trong địa vị độc đáo của Người, nói về Cha của Người là Abba - và về Nước Thiên Chúa, với đôi mắt đầy lòng nhân từ đối với những phiền muộn và khó khăn của cuộc sống con người.  Người nói một cách rất hiện thực và, tôi dám nói, điều chính yếu của lời loan báo của Chúa Giêsu là làm cho chúng ta biết rõ ràng rằng thế giới và đời sống của chúng ta có gía trị đối với Thiên Chúa.  Chúa Giêsu chứng tỏ rằng dung nhan của Thiên Chúa được tỏ lộ trong thế giới và trong việc tạo dựng, và Người cũng cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa hiện diện trong những biến cố của đời sống thường nhật của chúng ta như thế nào.  Điều này đúng cả trong những dụ ngôn về thiên nhiên, về hạt cải, về cánh đồng với nhiều hạt giống khác nhau, lẫn trong đời sống chúng ta, như trong các dụ ngôn người con hoang đàng, ông Lazarus và các dụ ngôn khác của Chúa Giêsu.  Từ các sách Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu quan tâm đến mọi hoàn cảnh của nhân loại mà Người gặp như thế nào, Người lặn ngụp trong thực tại của những người nam nữ ở thời đại của Người, với một lòng tín thác hoàn toàn vào sự trợ giúp của Chúa Cha.  Thiên Chúa hiện diện thực sự trong lịch sử một cách tàng ẩn, và chúng ta có thể gặp Ngài nếu chúng ta để tâm.  Và các môn đệ, là những người sống với Chúa Giêsu, đám đông là những kẻ gặp Người, xem cách Người phản ứng với những vấn đề khác nhau, họ thấy Người nói năng thế nào, cư xử ra sao, và họ thấy trong Người hoạt động của Chúa Thánh Thần, hoạt động của Thiên Chúa.  Trong Người lời rao giảng và cách sống đi đôi với nhau: Chúa Giêsu hoạt động và giảng dạy, luôn luôn bắt đầu từ một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa Cha.  Cách này trở thành một biểu thị cần thiết cho chúng ta, là những Kitô hữu: cách chúng ta sống trong đức tin và đức ái trở thành một cách nói về Thiên Chúa thởi nay, bởi vì nó cho thấy rằng, với một cuộc đời sống trong Đức Kitô, sự đáng tin cậy, sự hiện thực của những gì chúng ta nói bằng lời nói, không còn chỉ là lời nói, nhưng cho thấy thực tại, thực tại thật sự.  Và trong điều này, chúng ta phải cẩn thận đọc các dấu chỉ của thời đại mình, đó là, phân biệt các tiềm năng, các ước muốn, và các trở ngại mà chúng ta đang gặp trong nền văn hóa hiện đại, đặc biệt là lòng ước muốn sự chân thực, lòng khao khát sự siêu việt, sự nhạy cảm đối với việc bảo vệ các tạo vật, và truyền thông mà không sợ hãi câu trả lời được đức tin vào Thiên Chúa cung cấp.  Năm Đức tin là một cơ hội để khám phá những con đường mới ở mức độ cá nhân và cộng đoàn, với óc tưởng tượng của chúng ta được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần, để rồi ở khắp nơi quyền năng của Tin Mừng thành sự khôn ngoan của đời sống và hướng đi của cuộc đời.

Trong thời đại chúng ta cũng thế, có một nơi đặc biệt để nói về Thiên Chúa là gia đình, trường học đầu tiên cho việc truyền đạt đức tin cho các thế hệ mới.  Công đồng Vaticanô II nói về cha mẹ như là những sứ giả đầu tiên của Thiên Chúa (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 11; Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem, 11.), được mời gọi tái khám phá sứ mệnh của mình, gánh trách nhiệm trong việc giáo dục, trong việc mở lương tâm của những trẻ nhỏ cho tình yêu của Thiên Chúa, như là những giáo lý viên và thầy cô dạy đức tin đầu tiên cho con cái của mình.  Và trong nhiệm vụ này, điều quan trọng hàng đầu là tỉnh táo, nghĩa là biết nắm lấy những cơ hội thuận tiện để đưa vào gia đình những buổi nói chuyện về đức tin và để giúp con cái trưởng thành trong việc suy nghĩ có phán đoán về nhiều cách thức điều kiện hóa mà con cái phải chịu.  Sự chú ý này của cha mẹ cũng có nghĩa là nhạy cảm trong việc nhận ra những thắc mắc về tôn giáo có thể có trong tâm trí con em, đôi khi hiển nhiên, đôi khi tiềm ẩn.  Ke đến là niềm vui: việc thông truyền đức tin phải luôn có một âm điệu vui tươi.  Đó là niềm vui Phục Sinh, là niềm vui không im lặng cũng không che đậy những thực tại đau đớn, khổ sở, cực nhọc, khó khăn, hiểu lầm, và chính cái chết, nhưng có thể cung cấp các tiêu chuẩn để giải thích tất cả mọi sự theo quan điểm của niềm hy vọng Kitô giáo.  Cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng chính là cái nhìn mới này, khả năng này để nhìn thấy mọi hoàn cảnh với đôi mắt của Thiên Chúa.  Điều quan trọng là giúp tất cả tất cả các phần tử của gia đình hiểu rằng đức tin không phải là một gánh nặng nhưng là một nguồn vui sâu xa, nó có nghĩa là cảm nhận được hoạt động của Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của điều tốt lành, mà không làm ồn ào; và nó cung cấp những hướng đi có giá trị để sống cuộc đời của mình một cách tốt đẹp. Cuối cùng, khả năng lắng nghe và đối thoại: gia đình phải là một môi trường trong đó chúng ta học chung sống bên nhau, hòa giải những xung đột trong cuộc đối thoại hỗ tương, là cuộc đối thoại tạo ra bởi việc lắng nghe và bằng lời nói, để hiểu hiểu nhau và yêu thương nhau, để thành dấu chỉ của tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa cho nhau.

Như thế, nói về Thiên Chúa có nghĩa là chứng tỏ qua lời nói và đời sống rằng Thiên Chúa không phải là một Đấng đi đôi với cuộc sống của chúng ta, nhưng trái lại là Đấng đảm bảo thật của nó, Đấng đảm bảo cho sự cao cả của con người.  Vậy, chúng ta trở lại lúc đầu: nói về Thiên Chúa có nghĩa là truyền thông bằng sức mạnh và sự đơn giản, bằng lời nói và đời sống của chúng ta, điều thiết yếu là: Thiên Chúa của Đức Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy một tình yêu quá cao cả đến nỗi nhập thể, chết và sống lại cho chúng ta.  Thiên Chúa này đòi hỏi chúng ta theo Ngài và để cho mình được tình yêu bao la của Ngài biến đổi, ngõ hầu canh tân cuộc đời chúng ta và những mối quan hệ của chúng ta.  Thiên Chúa này đã ban cho chúng ta Hội Thánh, để chúng ta cùng bước với nhau, và qua Lời Chúa cùng các Bí tích, đổi mới toàn thể Thành của loài ngưởi, để nó có thể trở thành Thành của Thiên Chúa.

Nguồn:giaoly.org
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

TRANG GIA ĐÌNH

BÀI 13. HOÀ HỢP VỢ CHỒNG: TRIỂN NỞ TRONG TÌNH YÊU

"Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả,
hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả." (1 Cr 13,7)

Với lời cam kết: "Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)", đôi bạn chính thức trở thành vợ chồng.

Lời cam kết khép lại thời kỳ đính hôn, đồng thời mở ra cánh cửa cho cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Trong đời sống hôn nhân và gia đình, việc tiếp tục vun xới cho tình yêu lứa đôi là một việc rất quan trọng. Gia đình có được hạnh phúc hay không, chủ yếu là do hai vợ chồng có biết chăm sóc cho tình yêu thuở ban đầu, để tình yêu ấy dần dần trở thành ân sâu nghĩa nặng, không bao giờ tàn phai.

Thế nhưng, làm sao để tình yêu dành cho nhau mỗi ngày một thêm triển nở? Làm sao để sống lời cam kết ngày thành hôn được thêm sâu xa hơn? Để tình nghĩa vợ chồng ngày càng thêm đậm đà và bền chặt, vợ chồng cần phải:

1. Tôn trọng nhau

Trong ngày thành hôn, anh chị cầm tay nhau cam kết sẽ yêu thương và tôn trọng nhau không chỉ một năm, hai năm, năm năm, mà là "mọi ngày suốt đời". Yêu thương và tôn trọng phải đi đôi với nhau. Vợ kính trọng chồng, chồng tôn trọng vợ. Cả hai quý mến, trân trọng nhau.

Trước hết, trọng kính là phải nhìn nhận nhau. Vợ không phải là người hầu hoặc nô lệ của chồng, mà là người bạn đời. Nam và nữ khác biệt nhau, nhưng bình đẳng với nhau vì cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa, được tạo dựng để trở thành trợ tá của nhau, bổ túc cho nhau và hiệp thông với nhau.

Tiếp đến, trọng kính là phải đón nhận nhau. Gia đình Nadarét được bắt đầu bằng sự đón nhận: "Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng sợ đón bà Maria vợ ông về..." (Mt 1,20). Không chỉ đón nhận những ưu điểm, mà còn cả những khuyết điểm, nghĩa là  đón nhận trọn vẹn con người của nhau với quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai. Thuở mới quen nhau, anh chị đã khám phá ra rất nhiều cái đẹp của nhau, những cái làm cho nhau ngưỡng mộ, si mê. Khi bước vào cuộc sống gia đình, anh chị dần dần khám phá thêm nhiều điều khác. Những điều này có thể là "mặt trái" của nhau. Đón nhận nhau ở đây, trước hết là tôn trọng những khác biệt về cách suy nghĩ, cảm nhận... qua việc trao đổi, lắng nghe, để hiểu biết con người của nhau hơn, nhờ đó giúp nhau mỗi ngày một nên hoàn thiện.

Sự tôn trọng được diễn tả qua cách cư xử, qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Không phải chỉ tôn trọng nhau trong lúc thành công, thịnh vượng và mạnh khoẻ, trái lại trong lúc gian nan, thất bại và bệnh tật lại cần phải tôn trọng và nâng đỡ nhau hơn nữa. Tránh nói với nhau bằng những lời lẽ tục tằn, thô lỗ, hoặc nói xấu nhau với người thứ ba. Ngược lại, biết dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng âu yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, lễ độ, "tương kính như tân".

2. Hy sinh cho nhau

"Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Một trong những bằng chứng về tình yêu chân thật, đó là sự hy sinh, quên mình. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau, thì chưa phải là yêu nhau thật sự.

Trời có lúc nắng, lúc mưa. Cuộc đời mỗi người cũng vậy, có lúc thịnh lúc suy, có lúc vui lúc buồn, có lúc khỏe lúc đau. Tình yêu luôn đòi hỏi sự thuỷ chung. Nếu chỉ yêu nhau lúc thịnh vượng, may mắn, mạnh khoẻ, còn khi gặp gian nan khốn khó, rủi ro, thì lìa bỏ nhau, thử hỏi như vậy có phải là yêu nhau thành thật hay không? Khi thành thật yêu nhau, người ta phải chấp nhận thực tế đó.

"Đi đâu, cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam".

Ngược lại với sự quên mình là tính ích kỷ. Kẻ ích kỷ thường độc tài, độc đoán, chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ biết đến quyền lợi của mình. Kẻ độc tài có thể bắt người khác vâng theo ý mình, nhưng không dễ làm người khác yêu mình.

Hy sinh quên mình là vì hạnh phúc của vợ, của chồng, của con. Hy sinh trong những vấn đề cụ thể. Hạnh phúc gia đình được xây dựng bằng những điều nhỏ mọn, bằng những hi sinh liên lỉ hằng ngày của cả đôi bên, chẳng hạn như trong việc sử dụng tiền bạc, thời giờ, mua sắm, giải trí... Đừng chỉ quyết định theo sở thích riêng của mình, bất chấp sở thích của vợ hoặc chồng.

Khi xảy ra những mâu thuẫn do bất đồng ý kiến, hy sinh có nghĩa là "một nhịn chín lành". Dĩ nhiên có những điều không thể nhượng bộ, nhất là trong lãnh vực luân lý hay đạo đức. Chấp nhận làm điều xấu để làm vui lòng chồng hay vợ không phải là hy sinh quên mình, nhưng là đồng loã với cái xấu và càng làm hại người kia hơn.

Hy sinh cũng có nghĩa là tha thứ. Nhân vô thập toàn. Thánh Phaolô dạy: "Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán tráùch người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau". (Cl 3,12-13)

Sự hy sinh còn được biểu lộ qua việc quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả, gian khổ vì nhau, nhất là khi người bạn đời gặp thử thách, bệnh tật, khó khăn. Đây chính là lúc sống lời cam kết trung thành với nhau ngày thành hôn.

3. Đối thoại với nhau

Đối thoại là yếu tố quan trọng giúp duy trì và củng cố hạnh phúc trong gia đình. Nhờ đối thoại, vợ chồng, cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, giảm bớt những bất đồng.

Đối thoại là nói và nghe. Cần nói cho nhau biết những điều mình suy nghĩ và mong ước, đồng thời cần nghe những suy nghĩ và mong ướccủa người khác. Nghe không phải chỉ bằng đôi tai, mà còn bằng cả khối óc và con tim.

Những chuyện quan trọng trong gia đình vợ chồng cần phải chia sẻ, bàn bạc cùng nhau. Cha ông ta có câu "Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn". Làm việc gì cũng nên trao đổi và thống nhất trước khi hành động. Trong lúc bàn bạc, cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, không nên độc tài, độc đoán, áp đặt ý của mình. "Trong tất cả những gì có liên hệ đến đời sống chung trong gia đình, hai vợ chồng đều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau" ( x. GL 1135).

Nếu thường xuyên chia sẻ tâm tình với nhau, vợ chồng sẽ dễ dàng đi đến chỗ thống nhất trên các lãnh vực công ăn việc làm, tổ chức đời sống, giáo dục con cái, giải trí, giao tế bạn bè, đời sống đạo đức... Nhờ đó, sẽ hiểu nhau, tin tưởng nhau và gắn bó với nhau hơn.

4. Dành thời giờ cho nhau

Yêu nhau, người ta luôn nghĩ đến nhau và muốn ở bên cạnh nhau. Tình yêu cần sự hiện diện. Nhiều cặp vợ chồng đã đi tới chỗ đổ vỡ vì thường phải sống xa nhau hoặc quá lo công ăn việc làm, không còn để ý gì đến nhau. Bởi vậy, vợ chồng cần ưu tiên dành thời giờ cho nhau, chuyện trò tâm sự với nhau, chia sẻ cho nhau những niềm vui, những nỗi buồn, nói lên những suy nghĩ, những ý định của mình trong cuộc sống, cũng như nâng đỡ, an ủi, khích lệ và cổ vũ lẫn nhau.

5. Nói với nhau những lời âu yếm

Tình yêu hai vợ chồng dành cho nhau cần được khẳng định lại mỗi ngày qua những lời nói dịu dàng, những cử chỉ âu yếm. Những lời nói đó tuy đơn sơ, nhưng lại là hương thơm ướp đậm tình yêu. Đừng đợi đến lúc ái ân mới nói những lời yêu đương và mới tỏ những cử chỉ thân mật.

Giữa vợ chồng có trăm ngàn cách để bày tỏ tình yêu: từ lời nói đơn giản nhất : "Anh yêu em" hay "em yêu anh", đến những biểu lộ sự ân cần, lòng biết ơn, lời nói khuyến khích, xây dựng.... Bức tranh cổ truyền Việt Nam ghi lại những mẩu đối thoại âu yếm giữa hai vợ chồng:

Chàng ơi, trẩy sớm hay trưa?
Để em gánh gạo tiễn đưa hành trình.

Thương nàng đã đến ngày sinh

Ăn ở một mình, trông cậy vào ai!

Rồi khi sinh gái sinh trai

Sớm khuya mưa nắng lấy ai bạn cùng.

6. Làm tròn bổn phận vợ chồng

Thánh Phaolô khuyên các cặp vợ chồng: "Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ" (1 Cr 7,3-5).

Nên một trong thân xác là một trong những yếu tố nòng cốt của tình yêu vợ chồng. Vợ chồng luôn muốn nên một với nhau, chẳng những về tâm hồn mà cả về thể xác. Họ muốn trao hiến cho nhau, hòa tan trong nhau, để đem lại hạnh phúc cho nhau. Đừng làm cho việc chăn gối thành nhàm chán và nghèo nàn, nhưng cần làm cho nó nên mới mẻ và phong phú, để mỗi lần trao hiến cho nhau, cả hai đều cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Để được hoà hợp và hạnh phúc, vợ chồng cần phải học hỏi thêm về tâm sinh lý nam nữ qua các sách giáo dục hôn nhân và gia đình hoặc những tài liệu chuyên môn.

7. Cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau

Thiên Chúa là Tình yêu. Chính Ngài đã thiết lập hôn nhân và gia đình. Ngài luôn muốn đồng hành với hai vợ chồng để giúp họ yêu thương nhau và xây dựng cuộc sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc như Ngài mời gọi họ. Đời sống cầu nguyện trong gia đình thật cần thiết, nhất là giữa hai vợ chồng với nhau. Vì thế, phải thường xuyên cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau. "Đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." (Mt 18,20). Hạnh phúc của gia đình là có Chúa hiện diện trong nhà, chia sẻ mọi biến cố vui buồn. Ngài ở giữa như nút dây nối kết hai vợ chồng, giúp họ lắng nghe nhau, hiểu nhau, thuỷ chung với nhau và cùng nhau tiến bước, vượt qua mọi gian nan thử thách của cuộc sống.

Nihil Obstat : Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25.08.2004

Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh

Imprimatur : Mỹ Tho, ngày 03.09.2004

+ Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Mỹ Tho

   Chủ tịch Ủy Ban Giáo lý Đức tin

Nguồn:  UB Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN, giaoducconggiao.net

LÀM CHỨNG BẰNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

Một hôm sau lễ Phục Sinh, có một thanh niên lái xà lan đến xin học đạo, anh nói với tôi: "Thưa Cha, con là người Khờ-me, con đi xà lan, con yêu một cô gái Công giáo, gia đình cô muốn con trở thành người công giáo mới cho làm đám cưới. Xin Cha giúp con học đạo." Tôi nói với anh: "Trong một tuần, anh có thể đến với tôi mấy lần, vào giờ nào?".Anh nói: "Con phải đi xà lan, chỉ có lúc lấy hàng và về bến dỡ hàng con mới rảnh. Con biết chữ, xin Cha cho con cuốn sách giáo lý, Cha chỉ bài cho con, trên xà lan con sẽ học, khi cập bến con sẽ trả bài cho Cha."

Thực ra, theo cái nhìn của anh: học giáo lý là học thuộc lòng, không cần cắt nghĩa, không cần thực tập và thực hành sống đạo. Thuộc giáo lý là được.

Thực tế, học đạo là gì? Là tin nhận Chúa, gặp gỡ Chúa, đối thoại với Chúa, hiểu biết thánh ý Chúa, làm theo điều Chúa dạy sống theo ý và làm đẹp lòng Chúa. Trở lại là từ bỏ chính mình, tẩy trừ con người cũ khỏi mọi tội lỗi, với những tính hư nết xấu, mặc lấy con người mới là chính Chúa Ki-tô để sống cho Thiên Chúa và sống cho anh chị em. Muốn hiểu rành rẽ giáo lý con cần phải được hướng dẫn, giải thích, cắt nghĩa rõ ràng từng câu giáo lý, con mới dễ học, dễ nhớ, con nhìn có cái nhìn tổng hợp từng bài và tất cả các bài để con nắm được chân lý cứu rỗi. Học rồi con cần thực hành, thực hành nhuần nhuyễn con mới không quên, đang khi học giáo lý con cần thực tập sống đạo: làm dấu, cầu nguyện, tham dự thánh lễ, sống theo ý Chúa, tuân giữ lề luật Chúa, làm việc bác ái, làm việc tông đồ. Để dễ học hành, con cần có những mẫu gương sống đạo tốt giúp con lấy mẫu, noi đòi, bắt chước qua việc chỉ dẫn cặn kẻ. Còn có những việc đạo đức bình dân mà con cần thực tập thành thới quen, hiểu biết ý nghĩa và làm với lòng yêu mến. Như vậy con đường theo đạo của con khởi đầu là học đạo, thứ đến là tập sống đạo, rồi đến hành đạo và sau cùng là truyền đạo. Đây không phải công việc làm ngày một, ngày hai, nó đời hỏi sự kiên nhẫn, bền tâm trì chí theo đuổi một thời gian năm sáu tháng, nó hệ tại lòng mộ mến cương quyết học hành tới nơi tới chốn của con.

Một điều con không thể bỏ qua là người dạy đạo cho con chính là người đang làm chứng cho con bằng đời sống đức tin con mình. Ngày nay, người ta cần đời sống chứng nhân hơn là thầy dạy.

Một người sống đức tin là người luôn sống dưới sự hiện diện và cặp mắt của Thiên Chúa, việc con làm thầm kín có thể không ai thấy. Chúa thông biết tất cả, nên con sống theo sự chỉ dẫn của lương tâm tốt lành, do đó luôn làm lành, làm điều thiện cho mọi người, lánh ác.

Người ấy luôn tin tưởng phó thác con người và cuộc đời cho Chúa, Chúa làm chủ sử dụng cuộc sống, Chúa điều khiển hướng dẫn và con luôn làm theo ý Chúa, đi trên con đường của Chúa, để cuối cùng con tiến vào nước trời sống gắn bó với Chúa.

Một người sống đức cậy là luôn đặt hy vọng nơi Chúa, Chúa ban ơn, giúp sức, nâng đỡ, Chúa cùng con hành động, giúp con thành công. Những gì Chúa hứa Chúa sẽ thực hiện: sự sống đời đời, vinh quang và hạnh phúc nước trời Chúa sẽ dành cho con.

Một người sống đức mến sẽ thưc hành lời Chúa muốn với tất cả tâm tình thương mến Chúa. Có hành động trong tình yêu Chúa, mọi việc con làm mới có giá trị đem lại phần rỗi. Thông thường người ta chỉ làm theo thới quen, làm cho có làm, ít ai làm với tất cả lòng mến Chúa, Khi con đã theo Chúa, với tất cả trái tim yêu mến con làm việc, con cầu nguyện vì yêu Chúa, con đi lễ vì mến Chúa, con lãnh nhận các bí tích, làm mọi việc đạo đức và bác ái phục vụ mọi người cũng chỉ vì lòng thương mến Chúa, con mới thực sự là người con hiếu thảo của Chúa.

Khi con học đạo chin chắn và con sống đạo đàng hoàng thì đời sống hằng ngày của con sẽ là đời sống nhân chứng đức tin giữa lòng cuộc đời. ai thấy cuộc sống tốt đẹp ấy của con cũng phải ngợi khen chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Đạo Chúa đã biến đổi con thành tạo vật độc đáo của Chúa, người con hiếu thảo đảm đang của Chúa, người làm chứng trung thành của Chúa, can đảm vượt qua mọi rào cản, bất chấp mọi gian nan thử thách để dẫn đưa mọi người về với Chúa.

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

MỘT VÀI THÁCH ĐỐ TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ

I. NHỮNG THÁCH ĐỐ CHUNG

1. Xã hội nặng tính vô thần

Ở đây chúng ta không tìm hiểu thuyết vô thần nhưng chỉ nói đến tình trạng và nguyên nhân của vô thần trong xã hội ngày nay.

-  Tình trạng vô thần :

Theo thống kê của Viện Truyền giáo năm 2000 thì :

- Dân số thế giới : 6.055.049.000 người.

- Kitô hữu            : 1.999.566.000 người, (trong đó công giáo gần 1 tỷ)

- Người ngoài kitô         : 4.038.709.000 người

(Theo Status of global Mission in International Bulletin of Missionary Research)

Nếu nhìn vào Châu Á, ta sẽ thấy tình trạng có vẻ gay go hơn nhiều. Theo thống kê của Viện Thống Kê Tòa Thánh thì :

- Dân số Á Châu :         3.500.000.000 người

- Công giáo          :         95.000.000 người = 2, 8%

BẢNG THỐNG KÊ

Nhìn vào thống kê chúng ta thấy công giáo là thiểu số, một thiểu số làm chúng ta phải suy nghĩ và chắc chắn chúng ta cần có một thái độ nào đó trước tình trạng này.

Riêng ở Việt Nam, tới nay chúng ta chưa có một phương pháp rõ rệt để điều tra cho biết chính xác những người còn thành tâm giữ đạo. Nhưng chắc chắn một điều là ngoài những người vô thần công khai, còn có những người vô thần ẩn danh trong số những người tự xưng là có tín ngưỡng. Sau khi thấy tình trạng vô thần qua những con số thống kê, chúng ta thử tìm xem đâu là những nguyên nhân đưa tới tình trạng này.

-  Nguyên nhân vô thần :

Khi nói đến nguyên nhân vô thần, người ta thường nghĩ ngay đến các tà thuyết. Nhưng thực ra tà thuyết chỉ hoành hành khi nào người kitô hữu bỏ quên sứ mệnh của mình. Các cuộc điều tra cho thấy rõ rằng về mặt tôn giáo, chẳng phải sự vô tín ngưỡng hay chủ thuyết vô thần chiếm ưu thế ngày nay, nhưng đúng hơn chính là thái độ dửng dưng, hoang mang bối rối, do dự và chờ thời của các tín hữu. Bernanos đã khẳng định : "Tai họa lớn nhất của thế giới không phải vì có những kẻ nghịch đạo, nhưng vì chúng ta là những tín hữu quá tầm thường... Bạn nói thế giới này vô thần, vâng, bởi vì chính bạn đã thiếu nhiệm vụ với thế giới ". Như vậy tình trạng vô thần có thể đến từ những nguyên nhân sau đây :

- Không được nghe Tin Mừng :

Phần lớn người công giáo không hiểu rõ về Phúc Âm và giáo lý nên không thể nói về Chúa cho bất cứ ai. Một số người thường lấy những tổ chức lễ lạy và tiền dâng cúng để "bù" lại những khiếm khuyết của họ trong việc học đạo và sống đạo. Do đó lỗi thứ nhất của người công giáo là không tìm cách gây thắc mắt trong tâm hồn người khác để ít ra họ có ý muốn tìm hiểu đạo. Tiếp đến, vì không hiểu rõ về đạo nên cũng không dám nói đến đạo hay niềm tin của mình.

- Gương xấu của người công giáo :

Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến tình trạng vô thần có lẽ là do đời sống bất xứng của người công giáo. Gandhi, vị anh hùng của Ấn Độ đã nói khi nhìn thấy cách sống của người công giáo : "Tôi tin Đức Kitô và Tin Mừng của Người, nhưng tôi không tin những người theo đạo của Người". Tạp chí Lumière et Vie số 313 in một bài có nhan đề : Những cái bất xứng của người kitô giáo. Tác giả đưa ra nhiều lỗi của người kitô giáo như chia rẽ, trục lợi, đời sống thiếu gương sáng, thiếu chứng từ...

Càng ý thức sâu xa, chúng ta càng thấy rằng Tin Mừng của Đức Kitô phải thấm nhập vào mọi sinh hoạt của đời sống. Tin Mừng không phải là lý thuyết nhưng là cuộc sống. Nếu đời sống của người công giáo không thể làm chứng về Chúa thì ta không thể gây thắc mắc nơi những người ngoài công giáo và cũng không giúp cho thế hệ trẻ đứng vững trong đức tin kitô giáo. Dĩ nhiên cũng có những người thành tâm sống đạo và đem Tin Mừng của Chúa vào môi trường sống, nhưng những người như thế hình như qua ít ỏi, không đủ làm dậy men trong thúng bột.

2.  Tự do quá đáng

Ngày nay hình như có một sự nở rộ các phong trào bênh vực nhân quyền và khuynh hướng dân chủ hóa trong mọi lãnh vực. Đây là một điều tốt, nhưng nếu nó vượt quá giới hạn phải có thì tình trạng này sẽ dẫn đến một sự hàm hồ. Thay vì đặt nhân vị con người vào đúng chỗ của nó, óc cá nhân chủ nghĩa và sự tự do quá trớn làm cho con người coi thường mọi kỷ cương, quyền bính và trật tự chung.

3. Sự thăng tiến khoa học kỹ thuật :

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay là một thánh đố cho niềm tin kitô giáo. Những phát minh mới lạ đang mở ra một chân trời mới, rộng lớn và khác biệt với cái thế giới cổ truyền. Biết bao người trẻ sinh ra trong xã hội tin học, lớn lên với máy tính... Bên cạnh đó là cuộc sống mất niềm tin, thiếu vắng lý tưởng.

Ngày nay nhiều người thường cho rằng khoa học và đức tin đối lập nhau. Đối với các nhà khoa học, hình như đức tin và khoa học thuộc về hai thế giới khác nhau, mỗi thế giới hướng theo một nguyên tắc riêng biệt. Nhưng suy nghĩ một chút, ta thấy khoa học và đức tin không đối lập nhau nhưng thuộc hai lãnh vực khác nhau. Khoa học có mục đích chứng minh sự thật có sẵn và đức tin chỉ lối để tìm nhận sự thật. Thí dụ khi nói về việc tạo dựng : khoa học nghiên cứu vật chất đã được tạo dựng, trong khi đức tin giải quyết được việc tạo dựng nhờ mạc khải.

Con người ngày nay hướng về thực dụng, chỉ chấp nhận những gì có thể chứng minh hay kiểm nghiệm được, vì thế một số người thường đặt tất cả hy vọng vào khoa học, họ tin tưởng khoa học sẽ giải thoát nhân loại. Nhưng thực ra khoa học dựa vào sự hiểu biết những định luật vật chất chỉ có thể mang đến một lời giải đáp vật chất. Vì vậy nếu tin khoa học là một lời giải đáp thì đó cũng chưa giải đáp được toàn thể con người. Trên những đau khổ về vật chất: bệnh tật, khốn cùng, chiến tranh... con người nhờ có sự hiểu biết về phẩm vị, còn muốn thoát khỏi vòng tối tăm của kiếp người, để đạt tới ánh sáng chân thật là Thiên Chúa.

4. Việc tục hóa và coi trọng vật chất

Kỹ nghệ phát triển làm thay đổi đời sống con người về nhiều mặt, người ta sống vội, yêu cuồng, phó mặc cho sự hấp dẫn của xã hội tiêu thụ. Các giá trị vật chất dần có chỗ đứng quan trọng trong đời sống con người nên các giá trị tinh thần hình như bị hạ giá. Đời sống con người ngày càng bị tục hóa nên có người còn cho rằng các giá trị tinh thần là ảo tưởng của những người không có năng lực hay ngu dốt. Trong một xã hội xuống dốc, đạo đức vắng bóng và khủng hoảng niềm tin đó, dĩ nhiên đồng tiền được lên ngôi. Nguyễn Việt Hà đã khẳng định : "Muốn biết rõ về ai, nên nhúng người ấy nhiều lần vào đồng tiền. Cái thứ dung dịch siêu thặng này làm trôi đi tất cả những màu mè bọc ngoài. Đạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng, dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật... Lịch sử nhân loại chứng kiến số người tự tử vì tiền gấp tám lần số người tự tử vì tình, có phải thế mà thời đại chúng ta hết những nhà đạo đức thật" (Nguyễn Việt Hà, Cơ hội của Chúa, Nxb Văn học, 1999, tr. 436).

Thật ra, chúng ta không có lý do nào để lánh xa thế giới vật chất, vì đây chính là món quà Chúa ban để sử dụng và phát triển nhân cách. Chúng ta cần có của cải vật chất để sống, nhưng điều quan trọng chính là thái độ tự do trước của cải, nghĩa là con người dùng của cải nhưng không vương vấn nó, không để cho nó chi phối hoàn toàn cuộc sống của mình.

II. NHỮNG THÁCH ĐỐ RIÊNG CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM

Để thăng tiến nền Huấn giáo của Giáo Hội Việt Nam, nhiều thách đố liên quan đến vấn đề mục vụ được đặt ra. Chúng ta cần phải biết rõ những thách đố đó để có thể khắc phục hoặc để dò tìm một đường lối huấn giáo cụ thể hơn cho các đối tượng mục vụ.

Gần 40 năm sau Vaticanô II, các tín hữu Việt Nam phần lớn chưa làm quen được với các văn kiện của Công đồng. Mặc dù có rất nhiều người thiện chí muốn truyền đạt, nhưng chỉ một số nhỏ có thể tiếp thu được và đa số hình như vẫn còn xa lạ với những ngôn từ trong các chỉ thị của Giáo Hội. Như thế, chắc chắn có những trở ngại trên đường mục vụ mà Giáo Hội Việt Nam phải đối diện :

1. Quan niệm tách biệt giữa xã hội và tôn giáo

Do ảnh hưởng của các tôn giáo truyền thống, người Việt Nam có một cái nhìn tách biệt về thế giới con người. Có hai thế giới: thế giới thánh hiến và thế giới phàm tục, đồng thời cũng có hai loại người : loại người được tách khỏi thế gian (linh mục tu sĩ, tăng ni...) và người thế gian (giáo dân...). Theo cái nhìn này, những người thuộc về thế gian thì không trong sạch và ngược lại những người không thuộc về thế gian thì được coi là trong sạch, thánh thiện.

Thí dụ : người Việt Nam không chấp nhận những người thánh hiến nghĩ đến việc đời, việc gia đình; phần lớn người công giáo thích rước lễ nơi tay vị linh mục hơn nơi người giáo dân...

Kết quả : Khó thăng tiến vai trò người giáo dân, người giáo dân thụ động không tham gia vào các việc phụng vụ và các sinh hoạt mục vụ...

2.    Việc mục vụ thiếu đổi mới

Phần lớn người tín hữu chấp nhận việc được rửa tội, siêng năng đi lễ, chịu khó đọc kinh, rước xách... như là những dấu hiệu tốt của đời sống đạo. Nói chung, không có những thay đổi về cách thức mục vụ. Người tín hữu không được huấn luyện về thần học và sứ vụ truyền giáo nên không có sự hiệp thông và đồng trách nhiệm với giáo hội.

Kết quả : Không có sáng kiến, chấp nhận sự chỉ đạo của cha xứ. Mọi sinh hoạt tôn giáo đóng khung trong xứ đạo của mình, và cho rằng chỉ các linh mục tu sĩ mới cần học hỏi thêm về thần học.

3. Phân biệt giai cấp

Ngoài sự phân biệt giữa tu và tục còn có sự phân biệt tuổi tác. Những người lớn tuổi luôn luôn có quyền và hợp lý. Cả trong các sinh hoạt của Giáo Hội, vấn đề giai cấp vẫn còn rất rõ nét : người lớn tuổi hơn luôn được coi là có kinh nghiệm và đúng, người dưới chấp nhận nghe theo và làm theo những chỉ thị từ trên mà không cần suy nghĩ.

Kết quả : Giáo hội chậm tiến, giới trẻ không muốn cộng tác và đóng góp sáng kiến.

4. Vai trò giáo dân

Chưa quan tâm đến vấn đề thăng tiến vai trò người giáo dân, chưa có chương trình huấn luyện giáo dân về thần học và mục vụ. Người giáo dân chấp nhận làm tay làm chân hơn là làm con tim và khối óc.

Kết quả : Linh mục quá bận rộn, giáo dân dễ thụ động, việc mục vụ thiếu sáng kiến và đổi mới.

5. Phân biệt nam nữ

Mặc dù có giảm bớt trong vài lãnh vực nhưng vấn đề phân biệt nam nữ vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội và tôn giáo tại Việt Nam. Trong tâm thức người Việt Nam nói chung, phần lớn còn đánh giá nam trên nữ dưới nhất là trong phạm vi nghề nghiệp và giai cấp xã hội. Trong gia đình người ta thường giáo dục người nữ tinh thần vâng phục chịu đựng...

Kết quả : không phát huy được hết khả năng của nữ giới.

Kết luận : Nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên có nhiều tiến bộ, nhiều hy vọng nhưng cũng đầy dẫy những thách đố và lo âu. Nếu nhìn vào xã hội Việt Nam, chúng ta cũng nhận ra một điểm khá rõ rệt là thanh thiếu niên đã bắt đầu lãnh đạm với đạo. Điều này làm chúng ta phải suy nghĩ về vai trò và sứ mạng của mình. Nói cách khác, ta phải làm gì để thức tỉnh niềm tin nơi các tín hữu, giúp họ ý thức và đảm nhiệm lấy trách nhiệm làm người công giáo trong xã hội của mình.

Dĩ nhiên ơn Chúa và sự sẵn sàng của các tâm hồn vẫn là yếu tố quyết định, nhưng nhìn vào lịch sử của khoa Huấn giáo và qua những chỉ dẫn của Giáo Hội về việc dạy giáo lý, chúng ta thấy vai trò giáo lý viên cũng rất quan trọng : với một đời sống tâm linh vững chắc, một kiến thức thần học đầy đủ, giáo lý viên có thể đóng góp rất nhiều trong việc làm tăng trưởng đức tin trong các tâm hồn.

Thêm vào đó, giáo lý viên cần được huấn luyện thêm về sư phạm và những kỹ năng chuyên môn để có thể canh tân liên tục và quân bình... trong việc truyền đạt nội dung giáo lý.

Tu Viện Mân Côi Chí Hòa

TRANG QUỚI CHỨC

Sống Đức Tin Trong Cuộc Sống Đời Thường

"Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng" (Jn 3,19b).

Sáng và tối là hai từ đối nghĩa chỉ hai trạng thái đối nghịch nhau. Kinh thánh dùng để chỉ tình trạng thánh thiện và tội lỗi; ai thuộc về Chúa thì ở trong ánh sáng, đó là những người hành xử minh bạch, rõ ràng, còn những kẻ làm mờ ám, gian ác, tội lỗi thì ở trong bóng tối, họ thuộc về ma quỉ.

Trần gian, khi tội lỗi xuất hiện, lý trí con người không còn sáng suốt để phân biệt chính tà, thiện ác, loài người lâm vấp, gây ra không biết bao nhiêu tai họa từ việc này đến việc khác, thật giống như người ở trong bóng đêm múa may quay cuồng, bước đi lập bập.

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Người là Ánh Sáng đến để soi rọi vào lương tâm con người giúp con người lấy lại khả năng lúc đầu khi Thiên Chúa tạo dựng để con người có thể nhận ra chân lý, phân biệt chính tà, thiện ác, tốt xấu....bằng chính những lời giảng dạy và chính cách hành xử trong suốt thời gian ở trần của Người.

Thế nhưng có một sự thật đáng buồn là con người dường như đã quen với lối sống cũ, con người không thích thay đổi nên dù biết những gì Chúa Giêsu mang đến cho họ là tốt, là hay, là ích lợi...thế nhưng trong hành động con người vẫn làm theo những gì họ vẫn quen làm hay những người xung quanh vẫn làm.

Nói nghe sao bi quan, tiêu cực quá! Thế nhưng hãy nhìn vào cuộc sống đời thường của phần đông các Kitô hữu thì chúng ta sẽ thấy. Trong tập quán sinh hoạt hàng ngày được bao nhiêu người sống xứng danh là người "có đạo" ?

Lời Chúa là ánh sáng, giúp con người nhận biết sự thật, tốt xấu, thiện ác... nhưng chỉ biết mà thôi không đủ để người đó trớ nên tốt lành thánh thiện. Chỉ khi hành động, làm chân lý, thực thi công bằng bác ái như yêu cầu của Chúa, con người mới thuộc về ánh sáng, thuộc về Chúa, mới trở nên tốt lành.

Có thể nói đây là chướng ngại của chúng ta trong đời sống. Chúng ta không để cho Lời Chúa hướng dẫn hành động của mình nhưng lại phó thác cho thế gian và xác thịt làm chủ hành động của chúng ta để rồi biết thì biết đó nhưng làm thì vẫn làm dù hậu quả của nó xấu thế nào cũng mặc, không cần quan tâm. Rốt cục có đạo, có niềm tin cũng chỉ là trên lý thuyết, nó chỉ dừng lại ở ước muốn mà thôi.

Cần phải hành động. Hãy can đảm và nổ lực dẹp bỏ chướng ngại này thì đời sống chúng ta sẽ thay đỗi. Hãy cỡi bỏ chiếc áo giấy mà ma quỉ và tội lỗi khoác lên cho mình, hãy mặc lấy chiếc áo trắng tinh tuyền không tì ố mà Thiên Chúa đã trao khi lãnh nhận bí tích rửa tội để thay đổi thân phận của chúng ta từ thể xác lẫn tinh thần.

SỐNG ĐẸP

TẠI SAO TÔI CHỌN CHÚA

10 khuyết điểm tuyệt vời của Chúa Giêsu

Những chia xẻ "10 khuyết điểm tuyệt vời của Chúa Giêsu" do ĐTGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tại Strasbourg, Pháp trong cuộc họp mặt "Niềm Vui Sống Đạo" của các bạn trẻ Việt Nam Công Giáo sống tại Âu Châu.

8 - Chúa Giêsu như điên cuồng

Trong Toà Tổng trấn Phi-la-tô, lúc chịu xử án, Chúa Giêsu bị lính của Tổng trấn cho choàng áo đỏ, đội vương niệm bằng gai để chế nhạo như là kẻ điên cuồng. Nhưng không phải chỉ người ngoài, mà ngay cả Phê-rô, người vừa được Chúa Giêsu cử sẽ làm đầu Hội thánh Ngài: "Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi..." (Mt. 16, 18), người được Chúa tin yêu như thế cũng không chịu nổi những lời nói như điên dại của Chúa Giêsu: "Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Mt. 16, 21). Điên dại vì gọi môn đệ theo mình, đồng thời thông báo mình phải chịu khổ đau, bị giết chết; và xem ra điên dại hơn nữa khi bảo rằng chết sau ba ngày sẽ sống lại! Và suốt cả các cuốn Phúc âm trang nào cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên về thái độ và lời nói khác lạ của Ngài:

"Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên nầy, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại... (Lc. 6, 27-31).

Nói như thế, làm sao có thể nghe cho được, khi tâm tư ta còn sống trong tâm trạng "măt đền mắt, răng đền răng"!

Và tôi xin kể cho các bạn kinh nghiệm của tôi về sứ điệp "điên dại" nầy của Chúa Giêsu. Lúc tôi sống những năm tháng tù đày tại quê nhà, có lúc những người canh tù tâm sự cho tôi hay, họ thắc mắc và ngạc nhiên về thái độ vui cười, thân thiện của tôi đối với họ: trong hoàn cảnh nầy làm sao có thể thanh thản và dung thứ như thế được! Tôi đã có dịp chia sẻ các kinh nghiệm đó trong cuốn sách "Năm chiếc bánh, và hai con cá", tôi vừa cho phổ biến trong năm nầy. Nhưng ở đây tôi muốn nói, chính sự "điên dại" của tình yêu thương Thiên Chúa đối với tôi, đối với mọi người là "khuyết điểm" làm tôi say mê hơn cả; sự điên dại đó lôi kéo tôi bước theo Chúa Giêsu!

(còn tiếp)

Đức Hồng Y Px.  Nguyễn Văn Thuận

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Để gia đình hạnh phúc hơn...

Đâu là khuyết điểm chung nhất của các gia đình ?

Tiến sĩ James Bossard, sau 40 năm nghiên cứu đã khẳng định: "Khuyết điểm hay gặp nhất trong đời sống gia đình chính là ngôn ngữ mà cha mẹ nói trước mặt con cái mình".

Sau khi nghiên cứu các cuộc đối thoại trong bữa ăn gia đình, Ông khám phá ra người ta mất quá nhiều thời giờ cho việc phê bình người vắng mặt.

"Hiếm khi họ nói tốt về người khác."  "Họ than phiền về bè bạn, hàng xóm và mọi lãnh vực cuộc sống, về chuyện họ nghe được khi sắp hàng ở siêu thị  và về sự vụng về của ông chủ..."

"Bầu khi tiêu cực này ảnh hưởng rất lớn nơi trẻ em, khiến chúng thiếu cởi mở, ít sống hòa đồng.

Đôi lúc họ còn mâu thuẫn và to tiếng. Khiến bữa ăn trở nên nặng nề ... và trẻ em dễ bị rối loạn"

Tiến sĩ Bossard nó : "Đã từ lâu, Vị Thày vĩ đại nhắc ta phải cẩn thận trong lời nói :

Đó là Lời thầy Giêsu trong Matthêu 15:11. "Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra"

Ngài cũng nói : "Lòng đầy thì miệng xuất ra" (Mt 12:34).Kẻ hời hợt, ích kỷ, ngôn từ của họ cũng sẽ như thế. Nhưng người có niềm tin phải nói khác,phải biết nói lời của Thánh Thần.

Như vậy vấn đề chính không phải là giọng nói mà là tâm hồn.

Lời phản ảnh điều có trong tâm hồn.

Chúa Giêsu xác định lời ta nói phản ảnh điều chất chứa trong lòng.  "Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình ; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của họ" (Mt 12:35).

Muốn cho lời bạn luôn đúng đắn trước tiên phải thay đổi chính tâm hồn bạn.

Xin Chúa biến đổi trái tim chúng ta !

Nếu bạn muốn thay đổi tâm hồn, hãy bắt đầu bằng lời nguyện: "Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy." (Tv. 51:12)

Hãy dành thời giờ đến với Ngài, nguồn suối mọi điều thiện hảo và ngay chính, bạn sẽ được Thần Khí ngài hướng dẫn lời bạn nói.  Hãy nói lời có ảnh hưởng tốt đẹp cho những người bạn thân thiết và yêu quý.

(Sưu tầm internet)

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI ?

Hỏi: Nhân mùa Phục Sinh tưởng niệm Chúa Kitô chết và sống lại, xin cha giải thích: nếu phép rửa đã tha hết mọi tội rồi và nhất là Chúa đã chết để cứu chuộc cho loài người, như vậy đã đủ để mọi người được cứu rỗi chưa, hay còn phải làm gì nữa?

Trả lời:

Thiên Chúa là tình thường, là Cha rất nhân lành, là "Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý." (1 Tm 2 :4). Vì thế, Thiên Chúa đã sai Con Một mình là Chúa Giêsu xuống trần gian làm Con Người để "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người" ( Mt 20:28).

Như thể đủ cho chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa không muốn cho một ai phải bị lên án và hư mất đời đời vì tội lỗi.

Giáo Hội cũng dạy rằng: "Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Công Đồng Quiercy (năm 833, DS 624) đã dạy rằng: không có, đã không có và sẽ không có người nào mà không được Chúa Kitô chịu đau khổ vì mình." (x. SGLGHCG, số 605)

Nghĩa là sự cứu rỗi cho con người là ước muốn của chính Thiên Chúa, một điều chắc chắn mà mọi tín hữu chúng ta phải tin và hy vọng, căn cứ vào lời Chúa và lời dạy trên đây của Giáo Hội.

Tuy nhiên, cho được hưởng công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô để vào Nước Trời hưởng Thánh Nhan Chúa, người ta cần phải có những điều kiện sau đây:

I- Trước hết, phải được tái sinh qua Phép rửa,  vì "ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin sẽ bị kết án" (Mc 16:16) . Lại nữa: "không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần khí" ( Ga 3:5).

Trên đây là chính những lời Chúa Giêsu đã nới với các Tông Đồ và với ông già Ni-cô-đê-mô xưa về tầm quan trọng và sự cần thiết phải lãnh nhận Phép rửa để được tái sinh trong sự sống mới sau khi con người cũ đã chết vì hậu quả của tội Nguyên Tổ (original sin).

Tuy nhiên, cần nói thêm một lần nữa ở đây là mặc dù Chúa nói như trên, nhưng Ngài vẫn dành cho những người không biết Chúa và không được rửa tội một lối thoát, nếu họ chẳng may rơi vào hoàn cảnh không được ai nói cho biết về Chúa và được chịu phép rửa để vào Nước Trời. Nói rõ hơn, những người đã sinh ra và chết trước khi Chúa Cứu Thế Giêsu ra đời, hoặc ngay cả sau khi Chúa sinh ra nhưng không được ai dạy bảo cho họ biết về Chúa, về Tin Mừng cứu độ và về Phép rửa khiến họ không được rửa tội thì đó không phải là lỗi của họ, bởi vì "Làm sao họ tin Đấng họ không nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng? .như Thánh Phaolô đã quả quyết..(Rm 10: 14). Nói cách khác, không ai có thể tự mình nhận biết có Thiên Chúa mà không cần người khác giúp lúc khởi đầu. Đó là lý do tại sao Chúa Kitô đã chọn và sai các Tông Đồ đi  "... khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu rỗi. Còn ai không tin sẽ bị kết án." ( Mc 16: 15-16)

Như thế, phải cần phải có người rao giảng Tin Mừng của Chúa cho người khác từ ban đầu cho đến ngày nay.Đó là sứ mệnh Phúc Âm hóa thế giới mà Giáo Hội đã lãnh nhận từ Chúa Kitô qua các Thánh Tông Đồ và những người kế vị để mang Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ và mầu da ở khắp nơi trên trái đất này.

Nhưng như đã nói ở trên, nếu có những người không biết Chúa Kitô và Phúc Âm sự sống của Người vì không ai rao giảng cho họ, thì đó không phải là lỗi của họ. Dầu vậy, nếu họ đã sống ngay lành theo tiếng nói của lương tâm hướng dẫn, thì họ vẫn có thể được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, vì "Ngoài Người (Chúa Kitô) ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Cv 4: 12; 1Tm 2: 5; SGLGHCG số 1281, Lumen Gentium, số 16)

Ngược lại, những người đã nghe Phúc Âm của Chúa, đã được tái sinh qua Phép Rửa mà không sống những cam kết khi được rửa tội là thực tâm yêu mến Chúa, yêu tha nhân và xa lánh mọi tội lỗi, thì Phép rửa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô cũng không mang lại lợi ích thiêng liêng nào cho họ.

Nói khác đi, công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô được áp dụng không những cho những người đã nhận biết Chúa, đã được rửa tội - và đang sống những cam kết của Phép rửa ( Baptismal promises) mà còn áp dụng cho cả những người không được biết Chúa và không được rửa tội vì không ai dạy cho họ biết. Đó là trường hợp của tổ tiên Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới đã sinh ra và chết đi trước khi Chúa Cứu Thế Giêsu ra đời, rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại. Những người này không biết Chúa và không được lãnh phép Rửa thì đó hoàn toàn không vì lỗi của họ, nên Chúa không thể lên án họ vì lỗi này được. Ngược lại, họ vẫn có thể được cứu rỗi nếu họ đã sống ngay lành theo sự hướng dẫn của lương tâm và có ý đi tìm Đấng Tối cao là Thiên Chúa để thi hành thánh ý Ngài như đã nói ở trên..

Đang khi còn bị treo trên Thập giá, Chúa Giêsu đã bị "một tên linh lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người: tức thì máu cùng nước chảy ra." ( Ga 19 : 34)

Nước đó chính là nước rửa cho con người sạch mọi tội một lần nhưng không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội và trả lại cho con người tình trạng "ngây thơ, công chính ban đầu" (original innocence and justice), một tình trạng ơn phúc đặc biệt mà Adam và Eva đã được hưởng trước ngày hai người phạm tội vì ăn trái cấm, đem lại hậu quả to lớn là "vì một người duy nhất mà tội lỗi xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người bởi vì mọi người đã phạm tội." ( Rm 5: 12)

Nói khác đi, sự bất tuân của Adam và Eva đã đem tội và sự chết vào trần gian. Nhưng nhờ một người duy nhất vâng phục Thiên Chúa là Chúa Kitô mà "muôn người cũng sẽ thành người công chính" vì "nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hòa giải với Người để anh em trở nên thánh thiện, tinh tuyển không có gì đáng trách trước mặt Người." (Cl 1: 22) theo lời dạy của Thánh Phaolô.

Nhưng đó chỉ là viễn ảnh của niềm tin và hy vọng chứ chưa tức khắc thành sự thật ngay bây giờ cho ai, trử khi có ai chết ngay sau khi được rửa tội thì chắc có cơ may được hưởng ngay ơn cứu độ để vào Nước trời như Người trộm lành trước kia. Chúa Giêsu đã tha thứ mọi tội cho anh ta vì anh đã sám hối và xin thương xót trước khi chết. (Lc 23:42-43)

Nhưng nếu vẫn tiếp tục sống trên trần thế này, thì mọi người chúng ta lại có nhiều cơ hội để phạm tội thêm nhiều lần nữa vì bản chất yếu đuối của con người, vì gương xấu của thế gian và nhất là vì ma quỷ cám dỗ bao lâu ta còn sống trong thân xác có ngày phải chết này.

Mặt khác, Phép Rửa, tuy xóa một lần mọi tội lỗi, nhưng không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội, mà vẫn còn để lại trong con người "một số những hậu quả của tội như những đau khổ, bệnh tật, sự chết hoặc những yếu đuối gắn liền với sự sống như những yếu đuối về tính tình...và nhất là sự hướng chiều về tội lỗi mà truyền thống gọi là tình dục, hay còn được gọi là "lò sinh ra tội lỗi (formes percati) được để lại đó cho con người phải chiến đấu chống lại nó" cho đến hơi thở cuối cùng của đời người trên trần thế này. (x. SGLGHCG số 1264)

Ngoài ra,như đã nói ở trên, còn phải kể đến những gương xấu, những dịp tội đầy rẫy ở khắp trên trần gian này nhất là những cám dỗ mãnh liệt của ma quỉ là "thù địch của anh em như sư tử gầm thết rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1 Pr 5: 8),  nhằm lôi kéo con người ra khỏi tình thương của Chúa và ơn cứu độ của Người.

Đó là tất cả những thách đó, những nguy cơ mà con người phải đối phó sau khi được rửa tội để sống một đời sống mới theo Thần Khí hướng dẫn để được ơn cứu độ. Vì nếu "hướng đi của xác thịt là sự chết" thì "hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an."( Rm 8 :6)

II- Phải làm gì nữa để xứng đáng được ơn cứu rỗi?

Chúa là tình thương và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá và đủ cho con người được cứu độ. Nhưng vì con người còn có ý muốn tự do ( free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng để hoặc sống theo Chúa "là Đường, là Sự Thật và là sự Sống" (Ga (14: 6) hay khước từ Chúa để sống theo "văn hóa của sự chết" chối bỏ Thiên Chúa, tôn thờ vật chất, tiền bạc và mọi thú vui vô luân, vô đạo, gian ác, độc dữ, bất công, bóc lột, độc tài, hà khắc ... như thực trạng của thế giới tục hóa ngày nay. Đặc biết là ở các nước Âu Mỹ , và các quốc gia chậm tiến và độc đảng cai trị, nơi không còn gì là luân lý phổ quát (universal moral) khiến người ta coi việc giết thai nhi là hợp pháp, bán con cái cho bọn mãi dâm buôn người là việc buôn bán tự nhiên của các cặp vợ chồng đã mất hết bản chất làm cha mẹ trong một xã hội quá suy đồi về luân lý, đạo đức. như xã hội Viêt Nam hiện nay.

Lại nữa, một tệ trạng đang được phổ biến ở các quốc gia Âu Mỹ là việc cho hợp thức hóa hôn nhân đồng tính (same sex mariage), một suy thoái đạo đức nghiêm trọng về mục đích của hôn nhân và nền tảng gia đình mà Thiên Chúa đã thiết lập từ đầu khi tạo dựng con người và trao cho sứ mệnh "Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất." (St 1: 28)

Như thế, để hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, người tín hữu phải thực tâm tỏ thiện chí sống đức tin từ trong nội tâm ra đến hành động cụ thể bên ngoài để cộng tác với ơn thánh trong nỗ lực thánh hóa bản thân và giúp thánh hóa người khác qua gương sống chứng nhân của mình.

Sự cộng tác với ơn thánh thật vô cùng cần thiết, vì nếu không thì, từ ban đầu Thiên Chúa đã không truyền cho dân Do Thái nói riêng và con người ngày nay nói chung Mười Điều Răn của Chúa mà ông Mô-Sê đã long trọng nói với dân Do Thái xưa như sau :

"Hãy xem: hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn : hoặc được chúc phúc, hoặc bị nguyền rủa.  Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em mà tôi truyền cho anh em hôm nay. Anh em sẽ bị nguyền rủa nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA..." ( Đnl 11: 26-28)

Vâng nghe những mệnh lệnh của Thiên Chúa có nghĩa là thi hành những Điều Răn Người đã truyền cho ta phải tuân giữ để được chúc phúc và được cứu độ nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Thiên Chúa ban những lề luật đó không vì lợi ích nào của riêng của Ngài, mà vì lợi ích của con người mà thôi. Vì nếu không có lề luật nào ràng buộc, để con người tự do chém giết, trộm cắp, lấy của người khác làm của riêng tư, cướp vợ ,giật chồng của nhau... thì thế giới này sẽ đi về đâu ? Có giới răn của Chúa mà người ta còn vi phạm, còn làm những sự dữ ở khắp nơi từ xưa đến nay, huống chi là nếu không có lề luật nào chi phối, thì xã hội loài người đã bị tiêu diệt từ lâu rồi. Do đó, chúng ta phải cám ơn Chúa về những lề luật mà Người đã truyền cho con người phải thi hành để được chúc phúc ngay trong cuộc sống trên trần gian này, trước khi được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Thật vậy, những ai đã được rửa tội rồi cũng ví như dân Do Thái xưa đã vượt qua Biển Đỏ dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê để trở về quê hương và tiến vào Đất Hứa. Nhưng họ đã không được vào đất này ngay mà còn phải sống trong sa mạc mấy chục năm để được thử thách về lòng tin yêu Thiên Chúa của họ. Khi sống trong hoang địa, họ đã chịu thiếu thốn mọi sự, từ thức ăn đến nước uống. Vì thế họ đã kêu trách Chúa và ông Mai-sen về những gian khổ mà họ phải chịu đựng . Và tệ hại hơn nữa họ đã đúc Con Bê bằng vàng và sụp lậy nó như vị thần đã đưa họ ra khỏi ách nô lệ bên Ai Cập! (Xh 32: 1-6)

Thiên Chúa đã nổi giận và muốn tiêu diệt đám dân vô ân này, nhưng nhờ ông Mô Sê khẩn cầu thay cho họ mà Thiên Chúa "đã thương không giáng phạt dân Người như Người đã đe." (Xh 32: 14)

Ngày nay, là dân Tân Ước, chúng ta là dân mới của Thiên Chúa đã được tái sinh qua Phép rửa, tức là cũng đi qua nước như dân Do Thái xưa vượt qua Biển đỏ để vào đất tự do, thoát ách nô lệ bên Ai Cập. Phép rửa cũng giải phóng cho con người khỏi ách nô lệ tội lỗi để sống đời mới theo Thần Khí hướng dẫn để được cứu độ. Nhưng cũng như Dân Do Thái xưa phải sống trong hoang địa 40 năm trước khi được vào Đất Hứa là đất Ca-na-an "tràn trề sữa và mật" (Ds 13:27), dân Tân Ước ngày nay cũng phải sống trong trần thế này một thời gian dài ngắn tùy số phận của mỗi người . Nghĩa là sau khi được tái sinh qua Phép Rửa , chúng ta chưa vào ngay Đất Hứa là Thiên Đàng mà còn phải "lưu vong" trong sa mạc trần thế này để được thử thách về đức tin, đức cậy và đức mến.

Nếu đức tin đã được chứng minh cụ thể bằng đức mến nồng nàn, nghĩa là thực tâm yêu mến Chúa trên hết mọi sự và tuân giữ các Giới Răn của Người, yêu mến tha nhân như Chúa Kitô đã dạy cộng thêm quyết tâm xa lánh mọi tội lỗi tức là thi hành những cam kết khi được rửa tội thì "anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời..." như Thánh Phaolô đã dạy. (Pl 2:15) 

Nói khác đi, những ai đã và đang cố gắng sống theo đường lối của Chúa, chống lại những đòi hỏi bất chính của bản năng, gương xấu của trần gian và mưu chước cám dỗ của ma quỉ, thì đang cộng tác hữu hiệu với ơn thánh để được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.

Khi sạch tội, con người sống trong ơn phúc của Thiên Chúa, nghĩa là sống ơn cứu độ ngay ở trần thế này. Ngược lại, nếu không có thiện chí cộng tác của cá nhân với ơn Chúa mà buông mình sống theo "văn hóa của sự chết" thì ơn tái sinh của Phép Rửa sẽ trở nên vô ích và Chúa cũng không thể cứu ai thiếu thiện chí đó.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy Lậy Chúa, Lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên cao mới được vào mà thôi." ( Mt 7 :21)

Thi hành ý Cha trên trời có nghĩa là yêu mến Người trên hết mọi sự thể hiện cụ thể qua việc tuân thủ những Điều Răn của Chúa, vì "ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy

"Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy,
anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy
như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy

và ở lại trong tình thương của Người
." (Ga 14: 23; 15: 10)

Như thế, thi hành các luật điều về yêu thuơng, công bình, bác ái, xa lánh tội lỗi và sống thánh thiện là thi hành ý muốn của Cha trên trời, Đấng yêu thương con người đến nỗi đã "sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội cho chúng ta" (Rm 8 :3). Và chính nhờ "máu Thánh Tử đổ ra mà chúng ta được cứu chuộc". ( Ep 1 :7)

Tóm lại, Phép rửa và công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô có giá trị cứu rỗi tuyệt đối, nhưng chỉ hữu ích cho những ai có thiện chí cộng tác với ơn Chúa sau khi được rửa tội bằng quyết tâm sống ơn tái sinh của Phép Rửa là "phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để cho Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện" như Thánh Phaolô đã dạy. ( Ep 4: 22-24)

Nói khác đi, nếu con người không có quyết tâm chừa bỏ mọi tội lỗi và thực thi đức ái nồng nàn thì không những Phép rửa mà cả công ơn cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô cũng sẽ trở nên vô ích, vì Thiên Chúa phải tôn trọng tự do của con người chứ không bắt buộc ai phải yêu mến và nhận ơn cứu rỗi của Người. Người chỉ mời gọi và con người có tự do để đáp trả hoặc ưng thuận hay khước từ lời mời gọi đó.

Sau hết, không thể viện cớ Chúa nhân từ và hay tha thứ để cứ tự do sống theo thế gian và xác thịt.

Chúa đầy lòng xót thương: đúng. Nhưng nếu con người lợi dụng tình thương của Chúa để đi hàng hai, nửa nóng nửa lạnh thì "Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta" như lời Người đã cảnh cáo trong sách Khải Huyền. (Kh 3:16)

Đó là tất cả những gì chúng ta cần suy niệm về tình thương tha thứ của Thiên Chúa, về công nghiệp cứu chuộc vô giá ( invaluable) của Chúa Kitô và những gì ta phải làm để cộng tác với ơn Chúa hầu được hưởng ơn cứu độ của Người.

Lm  Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn: conggiaovietnam.net

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

CÂYCẦU

Vùng nọ có hai anh em sống kế nhà nhau. Họ đã từng rất hòa thuận nhưng gần đây xảy ra mâu thuẫn chỉ vì một sự hiểu lầm nhỏ trong kinh doanh.         

Một buổi sáng, có một người đến gõ cửa nhà người anh, John. Đó là một người thợ mộc với túi đồ nghề to tướng: "Tôi đang tìm việc và hi vọng ông có việc gì đó cần đến tôi".           

"Rất đúng lúc" - John nói. "Tôi có một công việc cho anh đây. Anh nhìn thấy cái hố to đằng kia không? Đó là "tác phẩm" của hàng xóm nhà tôi, mà không, thực ra là em trai tôi. Tuần trước, có một bãi cỏ ở giữa hai nhà và nó đã lấy xe ủi đào đi tạo thành cái hố. Nó làm việc đó để chọc tức tôi nhưng hãy xem tôi trả đũa lại nó. Tôi muốn anh xây cho tôi một hàng rào cao khoảng 3m. Tôi không muốn nhìn thấy nó thêm nữa".
Người thợ đáp: "Tôi hiểu. Hãy cho tôi đinh và chỉ cho tôi chỗ ông muốn xây rào. Tôi sẽ hoàn thành tốt công việc". John đưa cho người thợ mộc những thứ anh ta cần rồi vào thành phố, nói rằng mình sẽ quay lại vào cuối ngày.   

Người thợ mộc đo đạc, xẻ gỗ, đóng đục chăm chỉ cả ngày. Hoàng hôn xuống, cả nông trại chuyển dần về tối thì người thợ mộc cũng kết thúc công việc và John trở về. Nhưng John không thấy hàng rào đâu, thay vào đó là một cây cầu. Cây cầu nối liền hai nhà. Và ở phía đầu cầu bên kia, người hàng xóm, người em trai đang chạy lại với vòng tay mở rộng. "Anh thật rộng lượng khi xây cây cầu này sau tất cả những gì em đã nói và làm" - Người em nói với John. Giữa hai anh em không còn gì ngăn cách nữa. Họ chạy lại bên nhau, ôm chặt nhau sau nhưng mâu thuẫn không đáng có. Họ quay lại nhìn người thợ mộc để nói lời cảm ơn nhưng người thợ mộc đang khoác túi đồ nghề lên vai chuẩn bị ra đi.   

"Không, chờ đã. Anh hãy ở lại đây với chúng tôi một vài ngày. Chúng tôi muốn cảm ơn anh" - Người anh nói.   
"Tôi cũng muốn ở lại" - Người thợ lên tiếng - "Nhưng còn rất nhiều cây cầu khác đang đợi tôi".   

Nguồn: gxdaminh.net

1036    06-05-2013 17:12:15