Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Loan Báo Tin Mừng Cho Mọi Người - Tháng 08 năm 2004

Chủ đề: LOAN BÁO TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI

I. ĐỌC THƯ CHUNG CỦA HĐGMVN số 8

Hãy mạnh dạn đến với những môi trường mới. Có thể đó là những môi trường địa lý chưa bao giờ được nghe rao giảng Tin Mừng, những vùng đất chưa in dấu chân nhà truyền giáo. Đó là những môi trường văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật...Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của Tin Mừng.
Hãy đến với những con người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, hoặc đã nghe mà chưa sống Tin Mừng.
Hãy hiện diện trong môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Hội Thánh (x. Gaudium et Spes 1). Hội Thánh phải loan báo Chúa Kitô và làm cho Chúa Kitô trở nên tất cả cho mọi người. Tin Mừng phải hội nhập vào mọi lãnh vực của con người.

II. CHUYỆN MINH HOẠ

TIN TƯỞNG HAY THẤT VỌNG

Trong một lần nói chuyện, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen chỉ vào thánh giá ngài đang đeo trên ngực rồi nói: "Thánh giá bạc mà tôi đang đeo đây, tôi đeo để đền tạ." Khi hỏi lý do, ngài trả lời: "Một hôm tôi vào thăm một người bạn gốc Do thái bán đồ nữ trang ở Nữu Ước. Ông nói với tôi: 'Tôi có một ít thánh giá bạc cho Đức Cha,' và ông trao cho tôi một bao đựng khoảng hơn một trăm thánh giá. Tôi hỏi: 'Ông kiếm được ở đâu vậy?' Ông trả lời: 'Từ các nữ tu, họ mang đến và nói với tôi: 'Chúng tôi không còn đeo tượng thánh giá nữa, vì chính những tượng này đã làm ngăn cách, chia rẽ chúng tôi với thế giới hôm nay. Ông trả cho chúng tôi bao nhiêu tiền với số bạc này.' Tôi cân và thấy chúng nặng khoảng 30 miếng bạc.' Rồi ông nói với tôi: 'Tôi nghĩ rằng tượng thánh giá đã là một cái gì biểu hiệu quí giá đối với các Kitô hữu. Phải chăng có gì không ổn, có gì trục trặc với tôn giáo của Đức cha?'" (trích Through the Year With Fulton Sheen, trang 41-42)

Người ta bán tượng thánh giá và cho rằng thánh giá là căn cớ làm cho họ xa lạ với thế giới hôm nay. Giuđa đã bán Chúa và nộp Chúa bằng cái hôn của mình để lấy 30 đồng bạc. Ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay, người ta đã đang bán Chúa với những giá cả khác nhau, và với những lý do khác nhau.

Ngày xưa Phêrô chối Chúa qua những lời chất vấn của các đầy tớ gái. Ngày hôm qua một số người đã chối đạo trước những hạch sách đe dọa của quan quyền, và ngày hôm nay với những lý do này hay lý lẽ nọ cũng đã khiến cho có những người chối Đức Kitô, không dám nhận mình là Kitô hữu. Vậy thì ai sẽ là người làm chứng về Chúa cho con người thời đại hôm nay?

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Loan báo Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm hay Phúc Âm hóa là mối quan tâm trên hết mọi quan tâm của Đức Gioan-Phaolô II. Mở đầu Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ (Redemptoris Missio) ngài viết: "Ngay từ khi khởi sự triều đại Giáo hoàng, tôi đã lựa chọn đi đến tận cùng trái đất để bày tỏ nhiệt tâm truyền giáo". Cũng trong Thông Điệp nầy, ngài đã lấy lại những lời mà ngài đã nói với Hồng Y Đoàn năm 1980 : "Tôi đã rảo qua các nẻo đường của thế giới để loan báo Tin Mừng, để củng cố anh em tôi trong đức tin, để an ủi Giáo Hội, để gặp gỡ con người. Đó là những cuộc hành trình đức tin ... Đó là những cơ hội giảng dạy giáo lý lữ hành, những cơ hội loan báo Tin Mừng, trong việc mở rộng - qua mọi vĩ tuyến - Tin Mừng và Quyền Giáo Huấn Tông đồ tới mọi miền trái đất hiện nay" (số 63)

Người ta cho rằng Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo TinMừng) của Đức Phaolô VI công bố ngày 8.12.1975 là biến cố lớn nhất trong thời hậu Công đồng. Theo đánh giá của Đức Gioan-Phaolô II thì tuy "đó không phải là một Thông điệp, nhưng về tầm quan trọng, có lẽ nó vượt qua nhiều Thông điệp." Có thể coi nó như lời giải thích cho giáo huấn của Công Đồng về nhiệm vụ thiết yếu của Giáo Hội: "vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!"

Đức Phaolô VI trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi quan niệm loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm hóa là đổi mới mọi người, dù là Kitô giáo hay không, căn cứ trên xác tín rằng Đức Kitô là ơn cứu độ cho mọi người và cho mỗi người. Vì thế Giáo Hội phải được mở ra cho mọi người, mọi dân tộc, mọi giá trị, mọi nền văn hóa. Hiểu như thế thì loan báo Tin Mừng vượt ra và bao trùm lên việc truyền giáo theo nghĩa hẹp thời xưa: Loan báo Tin Mừng không chỉ nhằm hoán cải các cá nhân để đưa họ nhập vào Hội Thánh nhưng còn nhằm đưa các giá trị Phúc Âm thấm nhập vào các nền văn hóa, các não trạng, các lối sống, các cơ chế.

Còn Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô đã dùng thuật ngữ Phúc Âm hoá mới (new evangelization) theo nghĩa: mới không phải trong nội dung và mục đích căn bản, nhưng mới trong ý thức, trong nhiệt tình, trong một số cách thức và phương pháp cũng như trong một số địa bàn và khu vực hay trung tâm văn hóa mới (areopagi).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II luôn tỏ ra như nôn nóng trước nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Ngài nói ngài cảm thấy bị thúc bách phải công bố tính khẩn cấp của việc truyền giáo, đặc biệt trong thế giới ngày nay, "một thế giới đã đạt được những cuộc chinh phục vĩ đại, nhưng dường như đã đánh mất ý nghĩa của những thực tại tối hậu và ý nghĩa của chính sự hiện hữu của mình". Thế giới như đang lùi xa Tin Mừng.

Con người ngày nay, ngày càng có khuynh hướng giản đơn mọi việc vào một mục đích duy nhất là làm sao thu được nhiều lợi nhuận của cải vật chất và tìm cách hưởng thụ chúng càng nhiều càng tốt. Tinh thần nầy cũng ít nhiều ảnh hưởng đến người tín hữu, những người mà đáng lý ra nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, cần chứng tỏ niềm tin công khai của mình vào Chúa Kitô và đem Chúa đến cho người khác, thì lại cố tỏ ra cho giống với cách sống, nếp nghĩ của người khác, trong khi quên mất đi căn tính của mình là đem Chúa đến cho mọi người, "và cho rằng thánh giá là căn cớ làm cho họ xa lạ với thế giới hôm nay".

Thư Mục Vụ củ HĐGMVN dựa trên đường hướng của các Đức Giáo Hoàng, mời gọi chúng ta chẳng những là phải ra đi với một nhiệt tình mới, nhưng còn phải đến với những môi trường mới :

1. Những môi trường mới.

Thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15), Đức Thánh Cha mời gọi phải có những đường lối và phương pháp mới thích hợp với nền văn hóa hiện đại và bằng chính những phương tiện mà nền văn hoá nầy cung cấp cho ta, chẳng hạn trong lãnh vực truyền thông xã hội (phim ảnh, băng từ, ca nhạc, truyền thanh, truyền hình, Internet ...) các cuộc gặp gỡ đối thoại liên tôn.... Chính Đức Thánh Cha đã đưa ra những sáng kiến tiêu biểu như: các cuộc du hành mục vụ khắp năm châu, các đại hội giới trẻ, những cuộc hành hương đến những trung tâm hay đền thờ lớn, nhất là ngày cầu ngyện cho hòa bình, cùng với đại diện của các tôn giáo lớn thế giới năm 1986 tại Assisi, quê hương thánh Phanxicô.

Về những khu vực hay trung tâm văn hóa mới (areopagi) nhắc nhớ công cuộc rao giảng của thánh Phaolô tại Athêna, Hy Lạp, và Đức Thánh Cha đã dùng danh từ này như biểu tượng của những môi trường mới, nơi ta ngày nay phải loan báo Tin Mừng.

Đó là các thế giới khoa học, văn hóa, thông tin, giới văn nghệ sĩ và trí thức, hay là việc đấu tranh cho hòa bình, việc phát triển và giải phóng các dân tộc, bảo vệ thiên nhên, bảo vệ quyền con người, thăng tiến phụ nữ và trẻ em v.v....

Thư Mục Vụ cũng mời gọi người Kitô hữu sẵn sàng đi vào "mọi môi trường nhân loại" để "hiện diện", "chứng tá" và sống như "ánh sáng" của Tin Mừng (s. 8). Đây là ba cách thức loan báo Tin Mừng mà Thư Mục Vụ muốn đề xuất cho chúng ta:

Bằng sự hiện diện "như men trong bột", một cách âm thầm người Kitô hữu sống chứng tá cho niềm tin của mình và qua đời sống tốt đẹp trong bậc sống của mình với những công việc bình lặng thường ngày, họ phản chiếu khuôn mặt yêu thương của Chúa Giêsu.

Đời sống chứng tá đó có thể dệt nên cách âm thầm bằng cầu nguyện và hy sinh. Một cách truyền giáo dễ dàng nhưng rất đắc lực . Dễ dàng là vì ai cũng có thể làm và đắc lực vì những lời cầu nguyện kèm theo hy sinh vì lòng yêu mến Chúa có sức cứu rỗi các linh hồn.

Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu suốt những năm ngắn ngủi sống trong bốn bức tường kín, nhưng đã âm thầm hy sinh cầu nguyện cho nhiều linh hồn được rỗi. Một Mônica, suốt đời hy sinh hảm mình cầu nguyện cho chồng cho con: người chồng ngoại đạo đã trở lại và Augustinô biến đỗi nên một vị thánh.

N hững lời cầu nguyện, hy sinh tuy bề ngoài ít người biết đến nhưng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc truyền giáo và được ví như rễ cây đối với thân. Những cọng rễ ẩn dật nằm sâu dưới mặt đất ít ai để ý đến. Người ta thường trầm trồ khen ngợi thân cây cứng cáp, cành lá xum xuê và nghỉ ngơi dưới bóng mát của nó nhưng nếu không có những cọng rễ tí teo ẩn khuất đang hút những chất bổ dưỡng từ lòng đất để nuôi dưỡng thì thân cây chỉ là một khúc gỗ khô không cành, không lá chỉ đáng ném vào lửa đốt đi.

Lời cầu nguyện và hy sinh có thể làm nên những việc phi thường, hoán cải được những con người cứng lòng nhất. Nhiều khi những kết quả của những việc làm bên ngoài lại do chính lời cầu nguyện gây nên.

2. Phúc âm hoá mới

"Hãy đến với những con người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, hoặc đã nghe mà chưa sống Tin Mừng" (TMV s. 8).

Thư Mục Vụ không chỉ mời gọi "Phúc Âm hoá" tức là hãy đến với những người "chưa được nghe rao giảng Tin Mừng", nhưng đồng thời cũng dạy chúng ta hãy tái truyền giáo hay "Phúc Âm hoá mới" cho những người "đã nghe nhưng chưa sống Tin Mừng". Có thể đó là những người sống đạo theo thói quen, hình thức; cũng có thể là những người có đạo những tinh thần của Chúa chưa bén rễ sâu; hoặc là những người có đạo nhưng chưa gắn bó với lời của Chúa và cuối cùng là những người đã bỏ đạo ít là bên ngoài.

Đây là những đối tượng thật sự cần được "Phúc Âm hoá mới". Họ cần được gần gũi, cần có những gương sáng, cũng như những lời động viên khích lệ, đặc biệt qua những biến cố vui buồn của cuộc sống. Chính Chúa Giêsu đã làm gương khi "bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm một con chiên bị lạc" (Mt 18, 12-13).

Cái chết của Anrê Phú Yên vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Việt nam chắc chắn có sức thuyết phục và củng cố niềm tin của giáo hữu trong thời cấm cách.

Tìm gặp được Chúa Giêsu lúc 16 tuổi và ba năm sau, lúc 19 tuổi, Anrê đã sẵn sàng từ bỏ tất cả và dâng hiến mạng sống vì Chúa Giêsu. Khi Quan Tổng Trấn hỏi vì sao không chịu chối đạo để được tha, Anrê Phú Yên đã trả lời: "Tình yêu đáp lại tình yêu, mạng sống đáp trả mạng sống. Chúa Giêsu đã yêu tôi và đã thí mạng sống vì tôi. Tôi cần phải đáp trả lại tình yêu của Người và lấy mạng sống của tôi đáp trả lại mạng sống của Người". Với những lời đó và tâm tình đó, Chân Phước Anrê Phú Yên đã như muối ướp và ánh sáng chiếu soi bao nhiêu thế hệ trẻ và sau gần bốn trăm năm, tinh thần của vị thánh trẻ Anrê Phú Yên vẫn còn có sức mạnh khơi dậy lòng yêu thương và niềm hy vọng trong thời đại chúng ta.

3. Vấn đề hội nhập

a/ Ý niệm : Đây là vấn đề to lớn và thời sự, được quan tâm trong nhiều lãnh vực. Người ta nói đến việc "hội nhập kinh tế", "hội nhập văn hoá", "hội nhập cảnh huống" Thiếu sự hội nhập, người ta sẽ bị đứng ngoài cuộc, lẻ loi cô độc và không có cơ hội phát triển mạnh được hoặc có khi bị đào thải nữa. Vấn đề "hội nhập" trong việc loan báo Tin Mừng hay Phúc âm hoá cũng có những quy luật riêng.

b/ Qui luật của việc hội nhập : việc hội nhập cũng có những qui luật của nó. Thế thì qui luật hội nhập của việc Tin Mừng hoá chính là mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt qua của Đức Giêsu

+ Mầu nhiệm Nhập thể : việc hội nhập đích thực của Tin Mừng, một cách nào đó, là việc thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa trong thời gian và không gian. Chính bởi vì Thiên Chúa đã tự trao ban chính mình một lần cho tất cả (Dt 9, 26), nghĩa là một cách trọn vẹn cho chúng ta trong con người của Đức Giêsu thành Nadarét, mà Lời của Người muốn tiếp tục tự trao ban trọn vẹn cho mỗi nền văn hoá.

Dụ ngôn "hạt giống âm thầm mọc" trong lúc người gieo không hay biết (x. Mc 4, 26-29) là một minh hoạ cụ thể cho qui luật của sự hội nhập trong việc Phúc Âm hoá. Bất chấp nắng mưa, bất chấp người ta có nhận ra hay không, hạt giống âm thầm mọc lên, đâm hoa kết hạt.

+ Mầu nhiệm vượt qua : Trong Đức Giêsu, chúng ta không chỉ ngiêm ngắm Lời nhập thể, mà còn là Lời bị đóng đinh.

Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên còn phải được bổ túc bằng lời Chúa Giêsu : "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, thì nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12, 24). Để đến với người, sống với mọi người, và đem Chân lý đến cho họ, cần biết bao cọ xát, hy sinh, tha thứ, chấp nhận...rồi ra Chân ly sẽ dần lộ ra và được người đón nhận.

Như vậy, qui luật của việc hội nhập chính là qui luật của Mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Chúa Giêsu.

(Tư liệu : Internet)

Thay lời kết: Đời sống chứng tá của người kitô hữu.

Một lần kia, trong giờ dạy giáo lý, vị linh mục nói : "Theo anh chị em, những người đang ngồi đây, ai là người gây ảnh hưởng sâu đậm nhất trong đời sống đức tin của anh chị em. Có thể đó là bà mẹ, là người cha, là giáo viên, là người hàng xóm của anh chị em. Tôi đề nghị anh chị em đứng lên và bắt tay người mà anh chị em cảm phục nhất".

Ngồi bên phải vị linh mục là một bà cụ đã ngoài 75 tuổi. Bà cụ chưa bao giờ nói trước công chúng, bà cũng không phải là một nhà giảng thuyết, hoặc một người làm việc trong nhà thờ, bà cụ chỉ là một người mẹ, một người vợ công giáo đầy lòng tin, hết lòng tận tụy với bổn phận hằng ngày mà thôi.

Thế mà cả một chuỗi dài người cứ nối tiếp nhau tiến đến bắt tay cụ, họ nói : "Cuộc sống âm thầm, tận tụy, đầy lòng tin của cụ, cách sống của cụ đối với con cháu, với hàng xóm chung quanh, trong rất nhiềunăm qua, đã làm cho chúng tôi cảm nhận sự hiện diện tình thương của Đức Kitô, Chúa chúng tôi".

Một cuộc đời an bình, thanh thản, ấm áp tình người, nhưng cũng đầy nghị lực của người phụ nữ Công Giáo nầy đã làm chứng về Chúa Giêsu cho biết bao nhiêu người mà bà đã gặp qua trong suốt cuộc đời dài của bà. Một tấm gương sống động về truyền giáo!

Trong một lần gặp gỡ với một nhóm bạn đang tìm hiểu giáo lý Phúc Âm: vì sao sao người Kitô-hữu chúng ta được ví như là muối đất, dĩ nhiên mọi người đều nghĩ rằng đó là do phẩm chất mặn, có tác dụng bảo quản thức ăn của muối; thế nhưng có bạn lại có ý kiến rất độc đáo : "Muối tạo ra cơn khát". Đúng vậy, muối tạo ra cơn khát. Khát tình thương, khát niềm vui, khát niềm an ủi, khát lời động viên khích lệ … và còn có cả khát khao Thiên Chúa nữa. Chúng ta hãy là muối để tạo ra cơn khát Chúa nơi mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết nổ lực làm cho Danh Chúa được rạng sáng và đón nhận, nơi môi trường hằng ngày chúng con đang sống. Xin Thánh Thần Chúa không ngừng thúc đẩy chúng con hăng say phục vụ Chúa và phần rỗi các linh hồn. Amen

IV. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.
Tôi không ý thức mình có bổn phận loan báo Tin Mừng.
Tôi chỉ loan báo Tin Mừng cho những người đã tin. Không nói Chúa cho người vô thần.
Tôi chỉ loan báo Tin Mừng cho những người dễ thương. Không nói Chúa cho người xấu ác.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Ơn cứu độ Chúa ban cho tất cả mọi người, không loại trừ bất cứ ai, không phân biệt bất cứ hạng người nào. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho các Kitô-hữu, không ngừng loan báo Tin Mừng cho mọi người:

1. Hội Thánh tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, đang hiện diện khắp nơi, vận dụng nhiều phương thế để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người.

2. Mọi người dầu giàu nghèo hay sang hèn, đều có quyền được loan báo Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh, đều nhận biết Chúa Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất trần gian, và đến với Chúa để nhận lãnh ơn cứu độ.

3. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, ý thức sứ vụ của mình, để dấn thân loan báo Tin Mừng cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh và mọi khả năng của mình.

4. Thánh Phaolô nói: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, dù là người lớn hay trẻ nhỏ, đều nhiệt tình sống Tin Mừng Chúa dạy, nên gương sáng cho mọi người.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Nước Chúa cho mọi người. Xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên chúng con, để cùng với Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô, chúng con mang Tin Mừng Chúa đến cho mọi người ở khắp nơi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

V. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

ĐỐT NÓNG TÌNH NGƯỜI

Ngày nay, chúng ta cần lửa Thánh Thần đốt lên niềm tin vào "Lòng thương xót Chúa". Hơn nữa, chúng ta càng rất cần lửa thánh đó đốt nóng lên "tình người", để chúng ta biết yêu thương nhau và xót thương nhau. Đức Thánh Cha Gioan- Phaolô II đã nói:"Con người ngày nay dường như chống lại Thiên Chúa giàu lòng thương xót, thậm chí họ có khuynh hướng loại bỏ khái niệm lòng thương xót ra khỏi cuộc sống và ra khỏi lòng người. Từ ngữ và ý tưởng về lòng thương xót dường như làm cho con người khó chịu" (Thông điệp Dives in misericordia, số 2).

Đức Thánh Cha đã rất tha thiết với việc rao giảng "Lòng thương xót Chúa". Một việc nhỏ chứng minh sự tha thiết của ngài là: vào năm 1998, đang lúc Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu họp tại Rôma, đã xảy ra vụ giết người thê thảm ngay tại Vatican . Một hạ sĩ quan thuộc đội cận vệ Thụy Sĩ phục vụ Đức Giáo Hoàng đã bắn chết ông đại tá chỉ huy và vợ ông, rồi sau đó anh đã tự sát. Hôm sau, tại nguyện đường của đội cận vệ, ba chiếc quan tài được đặt bên nhau trước bàn thờ. Chính Đức Thánh Cha đã đến đó cầu nguyện cho ba người quá cố và chia buồn với các người thân cả bên bị giết và bên ám sát. Cử chỉ bao dung này của Đức Thánh Cha đối với kẻ giết người và tự tử, đã nói lên một gương sáng gây cảm động và cảm phục, rất đáng chúng ta noi theo để loan truyền lòng thương xót của người mục tử nhân lànhSẽ rất thiếu sót, nếu chúng ta không nói lên một sự thực khủng khiếp mang tính cảnh giác, đó là hiện nay lực lượng Satan vô hình nhưng rất mạnh và ác độc đang quấy phá Hội Thánh và nhân loại bằng đủ mọi cách rất tinh vi, kể cả dưới nhãn hiệu đạo đức. Chỉ bằng cầu nguyện và khổ chế, chúng ta mới đối phó được mưu chước Satan quỉ quái luôn ngăn chặn chúng ta đón nhận lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần. Satan ngày càng gieo rắc vào các tâm hồn và cộng đoàn các thứ nghi kỵ, hiểu lầm, thành kiến, chủ nghĩa cá nhân, tinh thần phe nhóm gây nên chia rẽ. Đang khi đó, Chúa tuôn đổ rất nhiều ơn xuống cho Hội Thánh và trần gian, chỉ mong có người biết đón nhận, để cùng với Chúa làm cho Hội Thánh trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất cho một nhân loại đoàn kết yêu thương.

Từ những suy nghĩ đó, tôi (có lẽ các bạn cũng nghĩ thế) ước mơ trở nên một ngọn đèn nhỏ cháy lửa yêu thương. Ngọn đèn nhỏ này không có gì để cho, ngoài sự hiện diện của yêu thương trong âm thầm, chân thực, hiệp thông với lửa trái tim Chúa Giêsu.

Chớ gì cộng đoàn đức tin của chúng ta trở thành những tổ ấm tình yêu, biết nhìn nhau bằng đôi mắt nhân ái, cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương, liên đới với nhau bằng cảm thương trong khiêm tốn và quảng đại, chia sẻ tình người, tình Chúa cho mọi người, ở mọi nơi.

VI. TẢN MẠN

TRUYỀN GIÁO TẠI CHỖ

Trời đã vào hạ. Tân, trưởng giới trẻ Giáo Xứ vừa tưới chôm chôm, vừa đăm chiêu suy nghĩ. Các Giáo Xứ miền quê càng lúc càng bi đát. Mấy đứa có khả năng một chút là vào thành phố hết, tìm nổ con mắt cũng không thấy được một Giáo Lý Viên nào, bây giờ lại bảo phải truyền giáo thì truyền thế nào được mà truyền không biết.

"Anh Tân ơi !" - "Ai đấy ? Tân đây". Tân tự hỏi: "Ai gọi mình giờ này không biết ?" - "Ở đâu đấy ?" - "Ở đây nè !" Vùng này, cây cối vườn nhà nào cũng um tùm, tìm nhau thật khó. Trông thấy Thắng vừa ló mặt ra khỏi lùm chôm chôm, Tân chào. Thắng hỏi: "Anh Tân có nghe nói chiều nay cha mời giới trẻ họp về truyền giáo không ?" - "Có, bảy giờ tối. Anh có đi không ?" - Thắng trả lời ngay: "Phải đi chứ ! Trẻ nó đi hết sạch rồi còn ai nữa đâu, mình không đi thì ai đi, vả lại phải đi chứ..."

Thắng định nói gì, xong lại thôi. Im lặng một lát, Thắng tiếp: "Theo anh, mình phải làm gì ?" Tân ngẫm nghĩ một chút rồi bảo: "Tôi cũng chưa biết ý của cha sở thế nào. Truyền giáo là chuyện của mấy ông cha, bà phước, chứ mình biết gì mà truyền !"

Thắng nói có vẻ gay gắt: "Theo tôi, muốn truyền giáo, trước hết phải dẹp hết Hội Đồng Giáo Xứ. Anh thấy đấy, cha dâng lễ thì mấy ông ấy ở ngoài tán gẫu. Cha giảng, mấy ông rút thuốc ra hút, có khi lại còn tranh thủ ghé nhà ông nào đó làm vai ly, gần đến rước lễ mới bò về. Đi vào các đám tiệc thì vênh váo, ăn nói thì hồ đồ, làm thì không làm, chỉ giỏi phê bình, chỉ trích. Có ông, tiền bạc lem nhem, chẳng khác gì Pha-ri-sêu ngày xưa đâu anh ạ ! Hôm nay họp thế nào tôi cũng nói."

Tân ôn tồn bảo: "Suy nghĩ kỹ đi rồi hãy nói !" - "Tôi đã suy nghĩ kỹ lắm rồi, có bằng chứng hẳn hoi, cha hỏi là đưa ra ngay". Nói xong, Thắng cười đắc chí. Tân vẫn chăm chú nhìn vòi nước trắng xoá đang rót vào bồn chôm chôm, nước đục ngầu, tư lự.

Thắng lại tiếp: "Có khi còn phải dẹp luôn cả các bà xơ nữa là khác. Sơ gì tối ngày chỉ lo làm kinh tế, mua hết vườn này tới vườn khác, chẳng chịu lo chuyện Nhà Thờ, Nhà Thánh gì cả". Tân vẫn chậm rãi phân tích: "Cộng đoàn có bốn bà, một bà lo Ca Đoàn, một bà lo đào tạo Giáo Lý Viên, một bà lo Giáo Lý Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức rồi, còn đòi gì nữa. Giáo Xứ không cho họ được lấy một xu, mà có cho chắc họ cũng không lấy, thì họ phải tự làm mà sống chứ sao, chả lẽ lại sống bằng Man-na, mà Man-na ngày nay cũng chẳng phải từ trời xuống, mà là từ tôi, từ anh sang".

Tối hôm ấy, chỉ có trên dưới hai chục người đi họp với cha sở. Mới chịu chức khi tuổi đã ngoài ba mươi, cha Thanh rất năng nổ trong công tác mục vụ, nhưng Giáo Xứ vẫn không tiến được. Trẻ đứa thì đi học, đứa thì đi thành phố làm ăn. Nhà Thờ trống huếch trống hoác, Lễ Chúa Nhật toàn ông già, bà cả. Chán. Nhưng phải làm một cái gì đó. Cha Thanh tự nhủ.

Đọc kinh xong, cha tươi cười nói: "Năm nay, Năm Truyền Giáo, tuần trước tôi xin các bạn suy nghĩ xem ta phải làm gì. Bây giờ tôi muốn nghe ý kiến của các bạn".

Thắng nhanh nhẩu: "Thưa cha, con nghĩ, muốn truyền giáo trước hết phải dẹp Hội Đồng Giáo Xứ đi, hay ít ra cũng phải cho ông trùm Hoan và ông trùm Huân nghỉ. Các ông đã không làm gì, tụi con muốn làm, lại không cho". Cha Thanh mỉm cười nói: "Cám ơn anh Thắng". Thắng ngồi xuống, mặt vênh lên, ngầm kiêu hãnh...

Tân lên tiếng: "Con nghĩ, Giáo Xứ phải có quỹ truyền giáo để bồi dưỡng cho những người truyền giáo, như ông quản Bính, ông ký Ban, suốt đời lo cho kẻ liệt, có khi phải ở nhà người ta cả tháng, cứ thế lấy gì mà ăn ?"

Đến phiên Phương Linh có ý kiến: "Con thấy, Năm Truyền Giáo này là để cho những xứ khác. Xứ mình ai cũng có đạo rồi, còn truyền giáo cho ai nữa ?"

Hồng Loan tươi cười tiếp lời: "Con thấy, điều quan trọng là mình phải cầu nguyện cho việc truyền giáo, phải góp tiền giúp cho các vùng truyền giáo. Tụi con còn trẻ lấy tiền đâu ra mà giúp ?"

Nghe ý kiến của mọi người xong, cha Thánh nói: "Cám ơn các bạn, tôi nghĩ muốn truyền giáo, trước hết, ta phải biết truyền giáo là gì và ai phải truyền giáo đã. Truyền giáo không phải là cắm lên một cây Thánh Giá ở những chỗ chưa có Thánh Giá, cũng không phải là đổ nước cho những người chưa được Rửa Tội, mà truyền giáo trước hết là đem Thiên Chúa cho những người chưa biết Ngài và đem tình yêu Thiên Chúa cho những người chưa hề được nếm cảm tình yêu ấy. Các bạn không phải đi đâu xa cả, theo gương Chúa Giê-su đã đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en, ta cũng tới với những người thuộc Giáo Xứ mình đã. Các bạn hãy đến với những đối tượng này xem sao: những người già neo đơn; những gia đình đói khổ, rối rắm, các em đến tuổi đi học mà không được cắp sách tới trường; những em xì-ke ma túy, các cô gái buôn phấn bán hương..."

Cha Thanh ngưng một chút, nhìn mọi người một vòng rồi tiếp: "Các bạn đến với họ bằng tình thương, bằng sự tôn trọng, nhưng cũng cần phải có chút ít vật chất, vì Thánh Gia-cô-bê bảo: "Nếu có anh, hay chị em mình trần trụi, và lương thực hằng ngày cũng thiếu, mà có người trong anh em lại bảo: 'chúc anh chị đi bình an, mặc hco ấm, ăn cho no, mà anh em lại không cho họ những cần thiết cho thân xác họ, thì có ích gì ?' Nên tiền cho các gia đình neo đơn, thì tôi là cha sở và Giáo Xứ lo, còn tiền cho trẻ em thất học, thì giới trẻ lo. Các bạn đồng ý không ?"

"Thưa cha, xứ mình toàn tòng mà làm gì có chuyện đó ?" Phượng Linh hỏi. "Nếu các bạn thấy xứ mình không có chuyện đó, thì ta sẽ tính kế hoạch khác". - "Tụi con có tiền đâu mà lo cho trẻ em thất học ?" Hông Hoa, thủ quỹ nói. Cha Thanh hỏi: "Thế quỹ còn được bao nhiêu ?" - "Dạ còn 200.000". - "Tôi cho giới trẻ các bạn canh tác đất của Giáo Xứ làm quỹ khuyến học. Các bạn còn thắc mắc gì không ?"

Mọi người im lặng. Thắng tự nhủ: "Cái ông cha này sao mà vẽ vời nhiều chuyện quá đi !" Thắng nói: "Cha mới về cha không biết, từ xưa tới giờ, Giáo Xứ mình toàn quyên góp cho xứ khác thôi, chứ có bao giờ phải giúp người trong xứ đâu. Nên con e rằng, cha bắt đầu phương án hai là vừa !"

Cha Thanh phớt lờ những gì Thắng vừa nói, tiếp: "Bây giờ các bạn chia thành từng ban cho tôi: ban người già neo đơn và gia đình khó khăn; ban trẻ em thất học; ban tệ nạn xã hội. Chiều thứ bảy, các bạn đem danh sách vào cho tôi. Sáng Chúa Nhật ta làm lễ xuất quân". Im lặng một lát, cha nói: "Nếu không còn ý kiến nào nữa, thì thôi ta nghỉ... Cám ơn các bạn".

Sáng Chúa Nhật, cha Thanh dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho việc truyền giáo. Xong, cha phát lệnh lên đường: trưởng ban người già neo đơn, gia đình rối rắm là Hồng Hoa; trưởng ban tệ nạn xã hội là anh Tân; trưởng ban trẻ em thất học là Phượng Linh và trưởng ban canh tác đất cho quỹ khuyến học là Phương Thảo. Cha còn căn dặn: "Không thể truyền giáo nếu không phải là người cầu nguyện, nên từ nay Lễ xong, xin các bạn ở lại ít phút cầu nguyện cho việc truyền giáo".

Kết thúc giờ cầu nguyện ấy, bao giờ cộng đoàn cũng hát: "Lạy Chúa, xin hãy sai đi", hoặc "Lạy Chúa xưa Chúa đã phán", hay "Ngài sai tôi đi rao giảng..."

Mới xuất quân có hai tuần, cha Thanh đã nhận được những thống kê không thể ngờ: Giáo Xứ chỉ có chưa đầy 4.000 dân, mà có đến 30 cụ neo đơn, hơn 30 gia đình mỗi ngày chỉ được bữa cháo bữa rau, gần 100 em ở tuổi đi học mà không được cắp sách đến trường, có cả gái bán hoa, cả xì-ke, ma túy, con số này không ít, khoảng gần 50 gia đình rối. Ngoài ra có 4 gia đình gần 50 năm không xưng tội rước lễ.

Cha Thanh họp cấp tốc các trưởng ban, chỉ thị: "Mỗi ban lên kế hoạch gấp cho tôi". Rồi cha cẩn thận căn dặn: "Các bạn nhớ là ta tới với họ vì lòng yêu thương, tôn trọng, không kết án, không thương hại, không bố thí. Họ là những con người cần phải được tôn trọng".

Chiều hôm ấy, các ban trình bày kế hoạch xong, cha sở tuyên bố: "Tôi đã cho mua 10 tạ gạo để cứu đói ngay cho 30 gia đình bữa cháo, bữa rau. Việc của các bạn là tìm xem có cách nào để giúp họ ra khỏi tình trạng nghèo khổ. Kế hoạch trồng hoa huệ của ban canh tác rất tốt, tiến hành ngay, để có quỹ cho các em trước khi năm học bắt đầu. Anh Tân tiếp tục tìm xem em nào hút xì-ke, hút ở đâu, ai đưa ma túy vào Giáo Xứ mình ?... Tuần này tôi sẽ thăm 4 gia đình bỏ đạo lâu năm"...

Sáng Chúa Nhật, cha thông báo con số thống kê, và xin cả Giáo Xứ tham gia vào công trình yêu thương. Cả Xứ như sống hẳn lên. Lễ xong, trên đường về Giáo Dân bàn tán xôn xao. Có người bảo: "Đúng là làm phước nơi nào, cầu ao rách nát". Người khác lại bảo: "Từ lâu mình vẫn có thói quen xấu, đèn nhà ai nấy sáng, nên anh chị em mình bữa cháo, bữa rau mà mình không biết. Còn mình, Lễ Bổn Mạng uống hết thùng bia này đến thùng bia khác, cơm dư gạo thừa thì lấy nuôi heo, nuôi chó, mà lương tâm vẫn không hề cắn rứt, đã thế lại còn nhìn ngta bằng nửa con mắt". Người khác nữa lại bảo: "Đâu chỉ nhìn họ bằng nửa con mắt thôi đâu, họ không có tiền đóng quỹ, còn loại họ ra khỏi xóm nữa !"

Riêng Thắng thì có vẻ bực bội nói: "Mình giúp họ mà họ có để cho mình giúp đâu. Ai chẳng có tay có chân như nhau, giơ tay ra lấy miếng ăn của người cũng lành lặn như mình, ai mà chẳng thấy nghẹn. Tôi nghĩ, kế hoạch của cha sở sớm muộn gì cũng làm vỡ toác vết thương tự ái trong lòng người ta cho mà xem. Kế hoạch này thế nào cũng tiêu tùng cho mà xem !"

"Vỡ hay không, tôi không biết", Phượng Linh nói, "Chỉ biết là mới phát động phong trào truyền giáo chưa đầy một tháng, mà Nhà Thờ đã đông hẳn lên. Ai cũng nôn nao mong chờ tin truyền giáo. Ai cũng rộng tay giúp đỡ. Chúa Nhật nào Giáo Xứ cũng như ngày hội. Người, người đi thăm nhau. Ngoài đường, nụ cười nhiều hơn nước mắt. Giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo lúc đầu lác đác, nay hầu như cả xứ tham dự".

Phượng Linh xúc động lắm, vừa nói vừa rưng rưng nước mắt, nói thêm: "Tôi thấy Chúa như đang có mặt. Việc này không phải là của cha sở, cũng chẳng phải là của ai hết mà là của Chúa !" Thắng lại càng bực hơn, gạt ngang: "Thôi đi bà. Ít bữa nữa truyền giáo thành "truyền giống" bây giờ cho mà xem !" Nói xong, Thắng rẽ vào hẻm, về nhà, hậm hực.

Thắng vừa vào đến nhà đã thấy Ngọc Linh chạy ra, hớn hở nói cười: "Ông ăn phải đũa ai mà mới sáng sớm mặt đã xưng lên thế. Ông không nghe cha giảng à ? "Ta phải thành Tin Mừng cho mọi người !" Cái mặt chảy ra thế thì chỉ đem tang tóc cho người ta thôi, chứ mừng gì mà mừng ? À, hôm nay tôi sẽ đi thăm bà Hai Lúa. Từ ngày bà về đây đến giờ, tôi chỉ nghe nói, chưa hề biết mặt. Ở trong Giáo Xứ với nhau,cha bảo, phải biết nhau". Thắng lẩm bẩm: "Công nhận cái ông cha này khéo mồi chài thật. Cả đến con Linh nhà mới, cả đời không bao giờ thấy giơ tay làm dấu, mà hôm nay cũng đòi đi truyền giáo".

Ngọc Linh ở với Thắng đã lâu, chẳng biết có phải là vợ chồng hay không, vẫn chưa có mụn con nào, nghe dân làng bảo, hai đứa không thương nhau, hình như ở với nhau để trả nợ hay sao ấy, nên hễ cứ mở miệng ra là y như rằng thế nào cũng kê nhau, mà phần thắng bao giờ cũng thuộc về Linh...

Người đầu tiên cha Thanh ghé thăm là cụ phó Lâm. Nhà chỉ có hai ông bà và cô gái út đã ngoài 30. Nghe nói trước đây cụ cũng ở trong làng, nhưng vì bị người ta xỉa xoi quá nên dọn nhà ra rẫy ở, bỏ luôn Nhà Thờ. Cụ ông đang nằm võng, lần chuỗi. Cụ bà đang ngồi trên ván nhai trầu. Nhà tương đối khá giả.

"Chào cụ !" Thấy có người vào, cụ Lâm xoè bàn tay, che mắt, nheo mày hỏi: "Ai đấy ?" - "Dạ, thưa cụ, con là cha sở đây ạ !" Không tin ở tai mình, cụ hỏi: "Hả, cái gì ?" Cha Thanh ghé sát tai cụ, nói: "Con là cha sở ạ !" Cụ Lâm vội chắp tay trước ngực, cung kính: "Con lạy cha ạ !" Mấy mươi năm nay, từ khi cụ phải tản cư ra rẫy để được hai chữ bình an, ngoài ông quản Bính ra, không hề có một người ghé thăm. Nay được cha sở ghé thăm, cụ xúc động, mắt cay xè, mặt mếu máo.

"Cụ khách sáo quá, con chỉ đáng tuổi con cụ thôi mà !" - "Loan Anh ơi, lấy nước !" Cụ Lâm gọi với xuống bếp. "Con mới về, lu bu quá, nay mới có dịp ghé thăm cụ. Năm nay cụ được bao nhiêu rồi ?" - "Dạ, năm nay con 84, bà ấy 80..." Nói xong, cụ nhìn lung vào vùng nắng trước mặt. Cây chôm chôm trước ngõ to bằng cây mít, tán xum xuê, phủ kín bông, nhạt dần trước mắt cụ. Cụ bỏ Nhà Thờ được bao nhiêu năm thì cây chôm chôm ấy được bấy nhiêu tuổi.

Cha Thanh hỏi: "Cây chôm chôm đẹp ghê ha, bông thế này tha hồ trái. Cụ trồng lâu chưa ?" - "Dễ chừng 40 năm. Trồng được hai năm mới sinh cô út. Nay nó đã ngoài 30. Bốn mươi năm nay Nhà Thờ, Nhà Thánh chẳng đi được, buồn quá cha ạ !" Nói tới đó, cụ bật khóc nức nở. Câu chuyện của 40 năm về trước lại hiện về trong trí cụ, khóc xong cụ kể:

"Con chẳng dấu gì cha. Con có một đứa con trai không được bình thường lắm. Mặt mũi thì đen đúa. Tính tình thì hung bạo. Nó có một khoảnh bắp đang trổ cờ, thì có ba đứa thuộc xứ Bình Hoà, thả bò mà không để ý. Bò ăn mất của nó một mảng. Nó nổi cơn điên, đánh cả ba đứa, đánh quá tay, hai đưa chết, nó quăng xác xuống ao, đứa còn sống chạy mất, nó không tìm được. Đêm, thấy bò về mà không thấy người, cả nhà túa ra đi tìm. Thấy dép của tụi nó, chiếc trên bờ, chiếc dưới ao, lặn xuống, tìm được hai đứa. Đứa thứ ba, mặt mũi xưng vù, đang núp trong bụi chuối, sợ quá, hoá câm, không nói được. Thấy bắp bên bờ ao, bị ăn mất một mảng. Ai cũng nghi thằng Tĩnh nhà con. Con hỏi, nó bảo không phải nó. Được ít tuần, đi đâu cũng bị dân làng xỉa xói, nó chịu không nổi, treo cổ chết. Mộ nó còn ngoài kia kìa, có ai cho chôn trong nghĩa địa đâu ?"

Im lặng một lát, cụ tiếp: "Khi ấy, nhà con còn ở trong Xứ cơ. Con vẫn đi Lễ hằng ngày. Bọn trẻ con lếu láo, cứ thấy con lại tru tréo: Bố thằng Tĩnh giết người, tự tử. Con buồn quá, không đi Lễ ngày thường nữa, chỉ đi Lễ Chúa Nhật thôi. Vào Nhà Thờ, hễ con ngồi vào ghế nào, thì người ta lại đứng lên, tranh xa". Cụ bật khóc: "Thiên hạ người ta coi con như người cùi vậy, tủi quá, con dọn nhà ra đây ở... cứ mỗi lần nghe chuông Nhà Thờ, lòng lại tê tái". Cụ nhìn cha Thanh, âu yếm nói: "Cha đến nhà con hôm nay, thật chẳng khác gì Chúa đến, vậy xin cha ở lại dùng cơm với gia đình con". Nghe vậy, bà Lâm đứng phắt dậy, đi ngang qua cha Thanh, khẽ gật đầu chào, rồi đến chỗ ông, bà ghé tai nói: "Sao ông lẩn thẩn thế ? Nhà có gì đâu mà mời cha". Thoáng nghe vậy cha Thanh nói: "Hôm nay, có gì thì con cũng không ở được. Xin cám ơn cụ".

Cây chôm chôm trước cửa vẫn đong đưa, nhịp nhàng theo gió. Con suối bên hông vẫn róc rách, ngày đêm cuốn trôi đi mọi thứ. Cụ Lâm chưa biết phản ứng ra sao, thì cha Thanh tiếp: "Thôi, hôm nay con đến đây để xem cụ có muốn đi Nhà Thờ lại không. Chuyện kia nay đã 40 năm rồi còn gì, trước cả khi con được sinh ra nữa. Thôi, quên đi, cụ ạ. Làng này chắc chẳng còn ai nhớ tới chuyện ấy đâu". - "Thưa cha, cụ Bính cũng bảo con thế, nhưng con buồn quá..." - "Thôi, buồn làm gì nữa". Bà Lâm xen vào: "Tại ông ấy hết đấy cha ạ. Con bảo về nhà cũ ở, ở đây xa Nhà Thờ Nhà Thánh, đêm hôm lỡ có chuyện gì ai mà xoay cho kịp. Ổng không chịu. Con Loan Anh, mãi đến năm 20 tuổi, ông mới chịu cho Rước Lễ Lần Đầu tại xứ đạo khác, chứ ở đây ông cũng chẳng chịu".

Cụ Lâm, mắt dán chặt xuống đất, mặt đuỗn ra, ân hận. Bên ngoài, suối vẫn róc rách. Cây chôm chôm vẫn nhịp nhàng theo gió. Cha Thanh ân cần hỏi: "Bây giờ cụ tính sao ? Cụ có muốn đi Lễ lại không ?" - "Được như thế thì còn gì bằng, nhưng con chưa xưng tội". - "Con sẽ giải tội cho cụ ngay". - "Con chưa chuẩn bị..." - "Cụ chuẩn bị đi, con chờ..." Giải tội cho cụ Lâm xong, cha Thanh ra về, lòng hân hoan, tự nhủ: "Mình phải tìm gặp hết mọi người trong Giáo Xứ, họ cần đến mình"...

Gió thổi mạnh. Bụi mịt mù. Cây lao xao. Cha vẫn đang đăm chiêu, thì Hồng Hoa hớt ha hớt hải chạy tới. Hồng Hoa trợn mắt: "Nè, cha coi: Gia đình ông chín Toàn, từ Trung vào, không đất, không cát, có người mai mối mua được một miếng đất. Không đủ tiền, vay nặng lãi từ 10% đến 20% một tháng, rồi mua dây, mua máy, tất cả đều bằng tiền vay hết, đến khi được thu hoạch, năm nào cũng không đủ trả tiền lời, chứ đùng nói tới vốn. Bán hết đất, vẫn chưa trả hết tiền lời. Ông kể, mượn có 5 triệu, trả đã 15 triệu mà vẫn thiếu nợ. Ông bảo, bây giờ ai muốn giết ông thì giết thôi, ông không trả nữa. Tìm hiểu ra mới biết, những người cho vay tiền không cho ông được bán hàng cho ai hết mà phải bán cho họ. Một ký cà phê 10 ngàn, họ chỉ trả có tám. Hèn chi cứ đói lên, đói xuống".

Im lặng một lát, Hồng Hoa tiếp: "Còn bà Sáu Thòn, có mỗi mình, cả đời làm mướn, dành dụm mãi mới được ít triệu, phòng khi về già. Bị dụ dỗ chơi hụi. Hụi bể. Chủ bỏ chạy. Bây giờ không còn một xu dính túi... Còn nhiều chuyện thương tâm lắm cha ơi. Cha có cách nào không ?"

Cha Thanh đang chau mày suy nghĩ, thì ông trùm Hoan tới: "Thưa cha, có hai người xin được xức dầu". Cha Thanh bảo Hồng Hoa: "Thôi, con về đi nha, nghĩ thử xem có cách nào không ?" Trên đường đi, ông Hoan nói: "Trong hai người xin xức dầu hôm nay, một bà rất đạo đức, bị ung thư gan. Còn một ông sắp chết mà vẫn khô khan". - "Ông đã chuẩn bị cho họ chưa ?" - "Bà thì kỹ rồi, còn ông kia thì không biết sao".

Lãnh Bí Tích Xức Dầu xong, bà Tư Hùng mời cha Thanh uống nước, vui vẻ kể: "Con là Tân Tòng. Từ khi ông nhà con chết, con mới được biết Chúa. Con bị một cục bướu to bằng ngón tay cái ở gan. Bác sĩ bảo không mổ được. Con đang tìm hiểu Dòng Ba Cát Minh, chỉ xin Chúa cho con sống, để con Khấn Dòng, mà nếu Chúa không muốn thì thôi. Con xin vâng theo ý Chúa"... Từ giã bà Tư Hùng, ông Hoan nói: "Bà này thì đạo đức, không có gì phải lo. Ông em bà này mới đáng ngại. Con cái ông ở ngoại quốc hết. Vợ ông đưa ông về Việt Nam , để được gần Nhà Thờ. Bà kể ma quỉ phá ông kinh khủng, không muốn cho ông trở lại..."

Gần tới nhà, ông Hoan bước vội vào nhà, la lớn: "Cha tới !" Nhà hơi âm u. Ông bảy Nhạn vẫn nằm trên giường, ngáy o o. Cha Thanh ngồi xuống chiếc ghế đặt sẵn bên cạnh giường, nắm tay ông, nói: "Chào ông. Tôi tới Giải Tội và Xức Dầu cho ông đây". Ông vẫn nằm im, không nhúch nhích. Tiếng ngáy vẫn o o, đầu đặn. Cha la lớn: "Ông Bảy ơi, tôi tới Xức Dầu để ông được khỏe lại đây !" Ông vẫn không nhúch nhích. Bà Bảy sốt ruột, quì sụp xuống, mặt xấp xuống đất, khóc nức nở. Tiếng ngáy vẫn o o.

Bên ngoài, gió vẫn vi vu, rì rào, thỉnh thoảng lại xoáy lên một cơn lốc, kéo hết cả bụi bặm, rác rến lên cao. Cha Thanh vẫn nhắm mắt nguyện cầu. Sốt ruột quá, bà Bảy đi lại chỗ cha Thanh nói nhỏ: "Xin lỗi cha, để con giúp cho ổng". Rồi bà lay đầu, lắc mạnh người ông, vừa nói, vừa khóc: "Ông Bảy, tôi lạy ông. Tôi phải tốn bao tiền bạc, đưa ông về đây để lo liệu cho linh hồn ông. Cha tới nè, dậy Xưng Tội, Rước Lễ đi". Ông vẫn nằm im. Bà bực bội, dựng đầu ông dậy. Ông hé mắt nhìn, rồi vội nhắm lại. Bà quát: "Ông có chịu Xưng Tội không ?" ông không nói, mắt vẫn nhắm nghiền...

Cha Thanh ngồi xuống bên cạnh, nắm tay ông hỏi: "Ông có tin Chúa thương ông không ?" - "Có..." - "Ông có tin Chúa muốn cho ông hạnh phúc không ?" - "Co..." - "Ông có muốn được tha thứ tội lỗi và được chữa lành không ?" - "Có..." Cha Thanh phấn khởi hỏi: "Vậy tôi giải tội và xức dầu cho ông nha ?" - "Không, cha về đi, lần khác tới, tôi chưa chuẩn bị..." Nghe thế, bà Bảy tuyệt vọng, oà khóc. Bên ngoài, trời vẫn nắng. Nhà như âm u, ngột ngạt hơn. Cha Thanh nói: "Ta im lặng cầu nguyện cho ông"...

Cả nhà cầu nguyện xong, cha Thanh lại đến bên ông, ân cần hỏi: "Ông có muốn được chữa lành không ?"

Ông Bảy vẫn im lặng, không nói. Bà tức quá, nói: "Ong giả vờ đấy, chứ mệt mỏi gì. Cách đây năm phút, Ông còn nói như sáo. Nghe cha tới, làm bộ vậy đó. Cha về, lại nói như sáo bây giờ". Nói xong, bà mời cha Thanh sang bàn, kể: "Ổng không có Đạo, lấy con mới theo Đạo. Đám cưới xong là bỏ Đạo suốt từ đó tới nay đã hơn 50 năm. Bài bạc, hút xách, có lúc còn đâm thuê chém mướn, con khổ suốt đời vì ông. Nhiều khi con tính bỏ, nhưng lại thương linh hồn ổng, không dám bỏ. Lúc ổng bệnh nặng, con đã đưa ổng tới cha Lương ở Dòng Chúa Cứu Thế bên Mỹ, Xức Dầu cho ông. Đang tỉnh táo, cứ nghe cha đến là lại nằm ngáy o o. Cha Lương bảo, con phải cầu nguyện nhiều, vì ma quỉ đang ra sức giựt lại người của chúng. Ở Mỹ xa Nhà Thờ quá, con muốn đưa ông về đây, để được gần Nhà Thờ. Vậy mà..." Bà lại bật khóc. Cha Thanh an ủi: "Thôi, bà đừng lo, tôi sẽ xin cả Giáo Xứ cầu nguyện cho ông"...

Sáng Chúa Nhật, Nhà Thờ đông nghẹt. Mọi người đều hồi hộp chờ nghe tin truyền giáo. Khi mọi người đã có mặt đông đủ, thì cụ Lâm chống gậy bước vào. Không còn chỗ, ông chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ đứng dậy, bước ra chào đón cụ, rồi nhường ghế cho cụ ngồi. Cụ nghẹn ngào. Một số bà đạo đức thấy cụ đi Nhà Thờ mừng ra nước mắt. Lễ xong, Cha Sở thông báo một số tin vui truyền giáo, xong, cha phát động phong trào cả Xứ cùng truyền giáo: "Tháng này, ta sẽ cầu nguyện đặc biệt cho một số gia đình rối rắm, cho một cụ hấp hối được ơn ăn năn trở lại, cho các em đang hút chích..." Cuối cùng, cha nói: "Tôi đang cần một số tiền lớn. vậy ai có tiền dư, xin cho tôi mượn, tôi sẽ hoàn lại sau"...

Tất cả các gia đình bị thòng lọng vay nặng lãi xiết, đều đã được Giáo Xứ tháo gỡ. Một số em hút chích đã bắt đầu đi Lễ, tham gia các Nhóm Cầu Nguyện. Giáo Xứ vui hẳn lên. Ngày nào, 7 giờ tối cha cũng cho đổ chuông, để các gia đình cầu nguyện cho việc truyền giáo. Những người từ lâu không nhìn mặt nhau, đã bắt tay nhau thân thiện. Vườn hoa Huệ của các em thất học, thu hoạch lần đầu đã gần đủ tiền đóng học cho các em. Giáo Xứ thấm đẫm tinh thần lá lành đùm lá rách. Không còn ai mặc cảm, chẳng còn ai bị khinh khi... (Trích từ Ephata)

VII. NGHỆ THUẬT CẦU NGUYỆN

CON CHÚNG TÔI DẠY CHÚNG TÔI CẦU NGUYỆN

Một tối kia, vợ chồng chúng tôi dùng một đoạn Phúc Âm để cầu nguyện. Hôm ấy chúng tôi cảm thấy Chúa chạm đến mình một cách đặc biệt nên dễ dàng đáp trả với Ngài. Dù không nói lên một lời, chúng tôi cảm nhận rằng mình cầu nguyện sâu lắng. Khi cầu nguyện xong, bước ra khỏi phòng, chúng tôi trông thấy con mình bước tới bập bẹ : "Ba, Ba". Đấy là tiếng đầu tiên trong đời cháu nói được, vì cháu lặp đi lặp lại như tụng kinh. Dĩ nhiên đó là cách duy nhất mà cháu có thể dùng để liên hệ với mọi người. Cháu đứng giữa nhà một cách thoải mái, vì chúng tôi sung sướng nhìn cháu.

Chúng tôi bổng nhìn nhau cười ồ. Cùng một lúc, hai vợ chồng đều ý thức rằng mình cố gắng cầu nguyện sốt sắng thì cũng giống như cháu nói lên tiếng "Ba, ba".

Quả là một ân sủng đối với chúng tôi vào đêm hôm ấy. Kỷ niệm nầy thường nhắc chúng tôi phải để ý nhiều hơn về cách mình phải đến với Chúa như một trẻ thơ. Dù chúng ta có cố gắng lắng nghe và đáp trả hết lòng mình trong quá trình cầu nguyện, thì quả là một hồng ân nếu chúng ta cảm nhận được tình phụ tử của Cha: Cha chăm sóc chúng ta từng giây, từng phút, vì chúng ta là những người con mà Ngài yêu thương với một tình yêu vô biên.

Ngay cả khi con chúng ta la hét trong một ngày mình bận việc, thì cũng có thể là một cơ hội chúng ta học được cách ngõ lời với Chúa.

Con tôi cũng dạy cho tôi cách cầu nguyện với Chúa. Nếu tôi ở trên lầu, chúng đứng dưới cầu thang và kêu to "Má". Cháu lặp đi lặp lại mãi "Má, Má" đến độ không nghe cả tiếng tôi trả lới "Má đây". Điều nầy lại làm cho tôi bật cười, vì nhiều lần tôi đã đối xử với Chúa như vậy. Biết bao nhiêu lần tôi tập mãi miết kêu cầu Ngài đến nỗi không còn thời giờ để lắng nghe Ngài lên tiếng.

Chúa Giêsu thích thái độ của trẻ thơ. Thậm chí Ngài còn khuyên chúng ta hãy trở hên trẻ thơ thì mới vào được Nước Trời. Trẻ em thì thơ ngây, dễ tin và chân thành.

Tôi còn nhớ câu chuyện sau đây của một người bạn Hàn Quốc:

"Con của chúng tôi tên là Dan, cháu mới một tuổi. Thường cháu gây ra mọi thứ âm thanh để người ta để ý đến cháu. Tôi rất vui khi hiểu rằng đó là cách mà cháu cầu nguyện với Chúa.

Một hôm, trong Thánh lễ Chúa Nhật, Dan tỏ ra rất ngoan. Cháu không hề quậy phá, mà trái lại còn giúp cho Thánh lễ thật sốt sắng. Sự việc xảy ra như sau:
Trước lúc Rước lễ, vị linh mục lên tiếng với cộng đoàn: Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức người dạy, chúng ta dám nguyện rằng:
Ngay lúc ấy, cháu Dan kêu to hết sức mình: "Ba". Tất cả chúng tôi cười phì, nhưng vị chủ tế nói tiếp: "Chúng ta hãy noi gương bé Dan để ngõ lời với Cha chúng ta trên trời".

Chưa bao giờ trong đời, tôi đọc Kinh Lạy Cha với niềm vui trọn vẹn như thế ! Tôi rất sung sướng nghe cháu Dan gọi tôi là ba, vì tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa càng vui hơn khi chúng ta gọi Người là "Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng..."
Cám ơn cháu Dan vì 'bài giảng' của cháu. Bài giảng thật ngắn, nhưng thật đầy ý nghĩa.

1225    19-04-2012 16:09:10