Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Loan Báo Tin Mừng Theo Giáo Huấn Hội Thánh - Tháng 06 năm 2004

Chủ đề: LOAN BÁO TIN MỪNG THEO GIÁO HUẤN HỘI THÁNH

I. ĐỌC THƯ CHUNG HĐGMVN số 5.

Ý thức việc loan báo Tin Mừng là chân tính của Hội Thánh lữ hành (x. Ad Gentes), Hội Thánh không ngừng nhắc nhở con cái mình tập trung mọi nổ lực vào việc truyển giáo, đồng thời phải thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân lại trong thời đại nầy (x. Evangelii Nuntiandi; Redemptoris Missio). Mở đầu ngàn năm mới, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II một lần nữa mời gọi mọi thành phần trong Hội Thánh hãy "ra khơi truyền giáo" (x. Millennio Ieunte). Ngài đặc biệt trao nhiệm vị truyền giáo trong thiên niên kỷ mới cho các Hội Thánh tại Châu Á (x. Ecclesia in Asia ), trong đó có Hội Thánh Việt nam.

II. CÂU CHUYỆN MINH HOẠ

BẦU TRỜI BÉ NHỎ

Ngày kia, tại một làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hổn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bải vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét : "Phong hủi ! Phong hủi !"

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt nước mắt sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:
- Tại sao ông lại lo lắng cho con ?
Nhà truyền giáo đáp:
- Vì ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em bé.
Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi :
- Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông ?
Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:
- Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.
Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé trút hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau :
- "Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời !"
Mẫu gương sáng ngời của vị truyền giáo và của em bé trên đây khơi dậy trong chúng ta sự cảm phục và niềm hân hoan sâu sắc. Tình yêu thật kỳ diệu ! Tình yêu đã làm nên những việc phi thường !

Công khai hay âm thầm, lớn lao hay nhỏ mọn, việc làm của tình yêu luôn luôn là việc phi thường. Bởi lẽ tình yêu đòi buộc chúng ta thoát ra khỏi cái tầm thường tì tiện của ích kỷ, để mở rộng lòng cho những chiều kích vô biên của Thiên Chúa.

"Hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi. Và hãy yêu thương kẻ khác như chính mình".

Khi cố gắng thực thi lệnh truyền trên đây, chúng ta xác tín rằng mọi hành vi bác ái yêu thương dù nhỏ bé tới đâu cũng đều giúp chúng ta mang lại một chút thực tại Nước Trời cho xã hội trần thế. (VietCatholic News. Thứ Sáu 14. 5. 2004)

Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Truyền Giáo. Đây là thời điểm thuận lợi và cần thiết để mọi người Công Giáo Việt Nam nhìn lại quan niệm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về tương quan giữa Tin Mừng Chúa Kitô và những giá trị văn hoá dân tộc. Bao gồm các tôn giáo, tín ngưỡng. tư tưởng và những phong tục tập quán của người Việt Nam ta.

Mục vụ tháng 6 với chủ đề : Loan Báo Tin Mừng theo Giáo Huấn của Hội Thánh. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình, nhìn lại cách thực hiện của mình đối với những lời dạy của Thầy Chí Thánh là Đức Kitô, nhìn lại cách mình thực hiện lời dạy của Hội Thánh qua các Giáo Huấn. Bởi lẽ, khi có nhiều người Công Giáo Việt Nam thấm nhuần được tư tưởng của các vị chủ chăn thì việc làm chứng, việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho anh em đồng bào mình sẽ càng được êm ái tốt đẹp hơn, hữu hiệu hơn.

Hãy đem lời khuyên của nhà truyền giáo trong câu chuyện trên mà thực hành trong đời sống chúng ta : "Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt". Chính những gì được thấy sẽ có sức đánh động và thuyết phục hơn được nghe. Chính gương sáng đời sống của người Kitô hữu sẽ là những bài giảng hay hơn cả, bởi vì "con người hôm nay thích những chứng nhân hơn là những thầy dạy". (Đức Phaolô VI, tríchTông huấn Loan Báo Tin Mừng).

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Hội Thánh tông truyền vì được xây dựng trên nền tảng các tông đồ, theo ba nghĩa :

- Hội Thánh "đã và đang được xây dựng trên nền tảng các tông đồ" (. Ep 2. 20), là những chứng nhân đã được chính Đức Kitô tuyển chọn và sai đi.

- Hội Thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần ở trong Hội Thánh, gìn giữ và lưu truyền giáo huấn, kho tàng quý báu, những lời lành mạnh do các tông đồ giảng dạy (x. 2 Tim 1, 13-14);

- Hội Thánh tiếp tục được các tông đồ giảng dạy, thánh hoá và hướng dẫn cho đến khi Đức Kitô trở lại, nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử : giám mục đoàn, "với sự trợ giúp của các linh mục, hiệp nhất với Đấng kế nhiệm thánh Phêrô là mục tử tối cao của Hội Thánh".

Ngay từ đầu sứ vụ của mình Đức Giêsu đã "kêu gọi những kẻ người muốn chọn, và thành lập nhóm Mười Hai để các ngài ở với Người vả để Người sai đi rao giảng" (x. Mc 3, 13-14). Từ đó các ngài là "những người được sai đi" (đó là ý nghĩa của từ Hy Lạp Apostoloi : Tông đồ).

Qua các ngài, Đức Kitô tiếp tục sứ mạng của Người: "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20. 21). Như vậy sứ mạng của các tông đồ là tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô: "Ai tiếp đón anh em là đón tiếp Thầy" (Mt. 10, 40).

Như vậy, chính Chúa Giêsu tuyển chọn 12 vị Tông đồ làm nền tảng Giáo hội, đặt thánh Phêrô làm đầu Giáo Hội như là vị Giáo hoàng tiên khởi, và ban quyền thánh hoá, giáo huấn và cai quản Giáo hội như mục tử chăn dắt đoàn chiên. Tại Cêsarê Philipphê Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: "Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy... Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16:18-19)

Đức Giê-su đã chia sẻ quyền năng của Thiên Chúa với Phê-rô. Ông được trao ban uy quyền đặc biệt trong Hội Thánh của Đức Giê-su. Với địa vị đặc biệt này, Phê-rô luôn đứng đầu danh sách các tông đồ (Lc 6:14 -16) và ông có đặc quyền lãnh đạo trong mọi lãnh vực của Hội Thánh (Cv 1:15 ).

Ở đây chúng ta thấy Hội Thánh được thiết lập như một cộng đồng có phẩm trật. Trách nhiệm lãnh đạo tối cao được trao cho những người do Đức Giê-su đã tuyển chọn để chăn dắt đoàn chiên của Ngài.

Kế vị Thánh Phêrô trong trách vụ lãnh đạo tối cao, cùng với Giám Mục đoàn, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã đề ra những định hướng cho Hội Thánh ngày nay tiếp bước sứ mạng truyền giáo mà Chúa Giêsu trao, đặc biệt cho ngàn năm thứ ba nầy.

VớiTông Thư "Bước Vào Thiên Niên Kỷ Mới" (Novo Millennio Ineunte) Đức Thánh Cha công bố chương trình mục vụ cho hành trình Đức Tin và nhiệm vụ tông đồ truyền giáo của Giáo Hội trong ngàn năm mới: Nên Thánh và Truyền Giáo là hai yếu tố gói ghém tất cả chương trình mục vụ của Giáo Hội. Nên thánh là hành trình biến đổi cuộc sống theo Tin Mừng để thuộc về Chúa là Đấng Thánh (NMI 30). Truyền giáo là làm chứng cho Thiên Chúa là Đấng Thánh và thông truyền cho mọi người niềm vui được biết Chúa và được thuộc về Chúa (Phil 3,7-9).

Với Giáo Hội tại Châu Á, qua Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, ĐứcThánh Cha tin rằng thiên niên kỷ thứ ba nầy dành ưu tiên truyền giáo cho người Châu Á : "Nếu trong thiên niên kỷ thứ nhất của Kitô Giáo, Thánh giá được trồng trên đất Châu Âu, trong thiên niên kỷ Kittô giáo thứ hai, thánh giá được trồng trên đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu xin trong thiên niên kỷ Kitô Giáo thứ ba, Giáo Hội sẽ gặt được một mùa gặt lớn trên lục địa vừa rộng lớn, vừa tràn trề sức sống nầy" (Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu số 1).

Là Kitô hữu chúng ta tuyên xưng Giáo Hội Tông Truyền, bởi vì Tin Mừng đã được loan báo cho chúng ta nhờ các Tông Đồ là những chứng nhân đầu tiên .

Chúng ta tin rằng:
- Giáo hội được xây dựng trên nền tảng Tông đồ.
- Giám mục đoàn và Đức Giáo hoàng là những Đấng kế vị các Tông đồ mà thánh Phêrô là vị chủ chăn tối cao của Giáo hội. Các vị Giáo hoàng liên tiếp kế vị thánh Phêrô tới nay là 263 vị.
- Giám mục đoàn và Đức Giáo Hoàng chỉ tin và dạy những điều các Tông đồ dạy.
Chúng ta tuyên xưng Giáo Hội Tông Truyền cũng có nghĩa là tuyên xưng không phải con người đã chọn Thiên Chúa, nhưng chính là Thiên Chúa đã chọn và sai phái con người.

Các tông đồ cũng là những con người yếu kém, bình thường như chúng ta. Điều đó đối với Chúa không có gì là quan trọng. Với sự ưng thuận và một chút quảng đại của con người, Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Giáo Hội đã được khai sinh từ một nhóm nhỏ những con người nghèo hèn, dốt nát, nhưng các ngài đã trở thành biểu trưng của cột trụ mà không quyền lực nào có thể lay chuyển được.

Tin Giáo Hội Tông Truyền là tin sức mạnh ở trong sự yếu đuối, tin Giáo Hội Tông Truyền là tin ở cái chết đã trở thành nguồn ơn cứu thoát, tin Giáo Hội Tông Truyền là tin ở quyền năng Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động trong những bất toàn của mỗi người chúng ta.

Và tin Giáo Hội Tông Truyền cũng chính là tin vào sự dẫn dắt của Giáo Hội qua Huấn Quyền nhất là trong nhiệm vụ chủ yếu của mọi tín hữu trong Hội Thánh Chúa: Truyền Giáo. Bởi vì, chúng ta được sai đi để làm chứng về Chúa, để nói lời của Chúa, chứ không phải của chúng ta, cho mọi người.

Xin Thánh Thần Chúa giúp chúng con ngoan ngoãn vâng theo sự dẫn dắt của Người trong việc làm chứng về Chúa Kitô cho mọi người, một cách trung thành qua sự chỉ dẫn của Hội Thánh. Amen

IV. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

1. GỢI Ý SUY NIỆM.

"Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Trí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến" (Ga 16,13-15).

Sự kiện công đồng Giêrusalem trong sách Tông đồ Công Vụ.(x.Cv 15,1tt): "Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…". Có những người rao giảng không theo Thánh Thần và Hội Thánh. Trái lại, Tin Mừng Chúa Kitô phải được rao giảng theo giáo huấn của Hội Thánh trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

2. GỢI Ý SÁM HỐI

Tôi rao giảng Chúa Kitô theo sự mô phỏng của riêng tôi. Xin Chúa thương xót tôi.
Tôi không vâng phục Huấn Quyền của Hội Thánh. Xin thương xót tôi.
Tôi phiền trách các vị chủ chăn, các bề trên trong Hội Thánh không chịu theo ý kiến của cá nhân tôi. Xin thương xót tôi.

3. LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu đến trần gian cứu chuộc nhân loại, và Ngài truyền cho Hội Thánh tiếp tục loan báo Tin Mừng Cứu độ cho đến tận cùng trái đất. Trong khi đó, con người thời nay lại chạy theo xu hướng tục hóa, bỏ qua tiếng nói của lương tâm, thường chống lại những giáo huấn của Hội Thánh. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

- Chiều ngày phục sinh, Chúa Giêsu phán: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con, hãy nhận lấy Thánh Thần". Chúng ta cầu nguyện cho thành phần lãnh đạo trong Hội Thánh, luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn khi chỉ thị và giáo huấn cho Dân Chúa.

- Chúa Giêsu phán: "Ai nghe các con là nghe Thầy". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người tin rằng Chúa Thánh Thần hằng sống động trong Hội Thánh, để luôn vâng phục mà thực hành các chỉ thị của Hội Thánh về công cuộc loan báo Tin Mừng hiện nay.

- Chúa Giêsu phán: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng nhờ năng cử hành Thánh Thể, và làm cho cuộc sống mình thành của lễ hiến dâng hằng ngày cùng với Chúa Giêsu, dâng lên Thiên Chúa.

- "Kính nhớ Thánh Tâm Chúa Giêsu là kính nhớ tình thương của Thiên Chúa". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, dành ít thời giờ mỗi ngày tôn kính Thánh Tâm Chúa, và diễn tả tình thương ấy trong cung cách đón tiếp anh chị em mình.

Kết thúc: Lạy Chúa, Hội Thánh nhận lãnh sứ vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Con Chúa. Xin cho chúng con luôn theo chỉ thị của Hội Thánh mà thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng khắp nơi, hầu làm cho mọi người đón nhận ơn cứu độ. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

V. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

HIỆP THÔNG TÔNG ĐỒ

Theo Công Đồng Vatican II, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng là của mọi tín hữu. Chính bí tích Rửa tội đã trao cho người tín hữu sứ mạng thừa sai. Mỗi tín hữu đều có trách nhiệm truyền giáo như hàng giáo phẩm, chỉ khác là ở những lãnh vực khác nhau. Họ không phải là người chia sẻ sứ vụ truyền giáo của hàng giáo phẩm, mà sứ vụ ấy đã nằm ngay trong bản chất của họ rồi. Họ cũng không cần phải chờ lệnh sai đi của hàng giáo phẩm, họ đã được Chúa sai đi qua bí tích Rửa tội rồi. Công tác truyền giáo của họ có thể đi bên cạnh hàng giáo phẩm mà không dưới quyền lãnh đạo của hàng giáo phẩm, nhưng họ phải hiệp thông với hàng giáo phẩm : Sự hiệp thông này là dấu hiệu bảo đảm sự chân chính của công tác truyền giáo do họ thực hiện. Chúa Thánh Thần vẫn ban đặc sủng cho họ mà không qua cơ cấu.

Công tác tông đồ của người giáo dân chỉ đặt dưới quyền của hàng giáo phẩm khi chính nhu cầu truyền giáo đòi hỏi để mang lại kết quả dồi dào hơn.

Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 10 . 10 . 2003, ở số 5, Tuân theo giáo huấn của Hội Thánh, dạy rằng:"Ý thức việc loan báo Tin Mừng là chân tính của Hội Thánh lữ hành, Hội Thánh không ngừng nhắc nhở con cái mình tập trung mọi nỗ lực vào việc truyền giáo, đồng thời phải thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại này. Mở đầu ngàn năm mới, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II một lần nữa mời gọi mọi thành phần trong Hội Thánh hãy "Ra Khơi Truyền Giáo". Ngài đặc biệt trao nhiệm vụ truyền giáo trong thiên niên kỷ mới cho các Hội Thánh tại Châu Á, trong đó có Hội Thánh tại Việt Nam ".

Như vậy, đây cũng là dịp thuận tiện, năm truyền giáo, để chúng ta nhìn lại cách thức chúng ta sống "hiệp thông tông đồ" trong cộng đoàn chúng ta, trong họ đạo chúng ta. Đọc lại Công Đồng Vatican II, LG số 25 :"Việc rao giảng Phúc Âm là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám Mục, Giám Mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô. Giám Mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, rao giảng cho những kẻ được trao phó cho các ngài, đức tin sống động và được áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức tin đó bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Các ngài rút ra những cái mới cái củ trong kho tàng mạc khải để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đàn chiên mình. Mọi người phải kính trọng các Giám Mục như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo khi các ngài hiệp thông với Giáo Hoàng Rôma mà dạy dỗ; các tín hữu phải chấp nhận phán quyết của Giám Mục mình, khi nhân danh Chúa Kitô, công bố những gì về đức tin và phong hóa, cũng như phải tuân theo ngài với một lòng kính cẩn tuân phục. Mọi người phải lấy lý trí và ý chí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Giáo Hoàng Rôma, dù khi ngài không tuyên bố từ thượng tòa. Như vậy là kính trọng, nhận biết giáo huấn tối thượng và chân thành chấp nhận các phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua tính chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài lặp lại nhiều lần đề nghị một giáo thuyết, hay qua cách diễn tả của ngài".

Qua những tài liệu giáo huấn trên, chúng ta cùng nhau suy nghĩ và khám phá lại việc phục vụ được trao cho hàng giáo phẩm trong Hội Thánh; từ đó, chúng ta tự hỏi:

- Giám Mục đoàn tập họp trong hiệp thông với Đức thánh Cha, giám mục Rôma, đối với Hội Thánh là một ngọn hải đăng và là một sự kích thích khiến các Kitô hữu hành động: chúng ta có chú ý và trung thành lắng nghe huấn quyền để sống những gì được đề nghị cho chúng ta không ?

- Giám Mục, hình ảnh của Đức Kitô mục tử, với tư cách là người kế vị của các tông đồ, là dấu hiệu cụ thể của sự hiệp nhất đối với Hội Thánh địa phương: cụ thể, cộng đoàn chúng ta, họ đạo chúng ta cảm thấy được hiệp nhất với Giám Mục và với quyền giáo huấn của ngài như thế nào ?

- Hiệp nhất với Giám Mục của chúng ta, chúng ta có cảm thấy Giáo Phận như là một Hội Thánh được xây dựng bằng những viên đá sống động mà chúng ta là thành phần không ? Vì thế, chúng ta có tham dự vào những sáng kiến của Giáo Phận, thực hiện cụ thể kế hoạch mục vụ của Giáo phận không ?

- Chúng ta có xác tín rằng trong Hội Thánh không ai là một hòn đảo, nhưng tất cả chúng ta đều làm việc để phục vụ cùng một vương quốc, không phải là của chúng ta mà là của Thiên Chúa ?

- Chúng ta có cảm thấy mình có trách nhiệm phải hành động "cùng với Hội Thánh" chứ không phải ở ngoài Hội Thánh không ?

- Chúng ta có hiểu rằng lòng trung thành với quyền giáo huấn, với Giám Mục, với cha sở, với bề trên không phải là một sự cưỡng bức, nhưng là ân huệ, ân ban của tự do và tăng trưởng không ?

VI. TRANG THIẾU NHI

I/- Chuyện kể:

Hôm nay là ngày bế giảng năm học 2003 - 2004, Tí thấy vui mừng lắm. Vui, vì kết quả học tập cuối năm em đạt loại giỏi và sẽ được lãnh thưởng. Mừng, vì đã đến hè, em sẽ được vui chơi thoải mái, không còn phải lo lắng ba chuyện học hành thi cử. Thế nào em cũng xin ba má cho về quê ngoại chơi, tha hồ mà tắm sông, tha hồ mà đi bắt dế ngoài đồng với mấy đứa con cậu bảy.

Tối hôm đó, Tí thước khuya hơn mọi khi, em tự nhủ: "Bây giờ là hè rồi, mình có thể thức khuya xem ti-vi, sáng mai mình ngủ nướng cũng chẳng sao, vì đâu phải dậy sớm học bài nữa!". Hơn mười giờ đêm, lúc hai mắt đã nhíp lại vì buồn ngủ, Tí mới chịu tắt ti-vi để lên giường.
-Dậy, dậy đi Tí! Dậy đi, trễ học rồi đó!
Đang ngon giấc, nghe tiếng má kêu, Tí trả lời giọng ngái ngủ:
-Hè rồi mà má, đi học gì nữa, má quên hôm qua bãi trường rồi sao!
-Má kêu con dậy đi học giáo lý đó chớ, bộ con quên hôm nay là ngày khai giảng khóa giáo lý hè sao?
-Chết thiệt, Tí tung mền vùng dậy, mình quên mất dụ học giáo lý hè. Năm nay, Tí mười hai tuổi, em đã ghi tên vào lớp giáo lý Thêm sức. Má mà không nhắc thì mình quên mất tiêu rồi!

Bảy giờ Tí có mặt ở Nhà thờ, nhưng các lớp vẫn chưa vào học. Hôm nay là ngày đầu tiên mà. Tí được Cha Sở xếp vào lớp Thêm Sức do thầy Khanh phụ trách, còn em Ti học lớp Vỡ Lòng của dì Sáu. Tí còn gặp cả cô Bảy Lan Anh, dì Tư, cô Hai Anh, cô Tư Liễu, thầy Nhật ,những thầy cô đã từng dạy em hồi các lớp Vỡ Lòng, Rước Lễ và Dự bị Thêm Sức. Em cũng được gặp lại bạn bè cũ và có dịp làm quen với nhiều bạn mới nữa. Đối với Tí, buổi khai giảng giáo lý hè hôm nay thật vui!

Khi trở về nhà, Tí tự nhủ rằng: "Mình sẽ cố gắng học giáo lý thật siêng và thật giỏi, không phải chỉ để chuẩn bị lãnh Bí tích Thêm sức trước mắt, mà còn tích lũy kiến thức lâu dài, để tạo điều kiện thuận lợi cho ước vọng loan báo Tin Mừng sau này!".

II/-Trò chuyện cùng thiếu nhi:

-Các em thiếu nhi thân mến, năm nay Hội thánh Việt Nam nhắc nhở chúng ta đáp trả lời mời gọi "Ra khơi" của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, bằng cách hướng về sứ vụ truyền giáo. Cùng hiệp thông với Hội thánh Việt Nam , Đức Giám Mục Tô-ma Địa phận Vĩnh Long chúng ta, cũng mời gọi các tín hữu thuộc đoàn chiên của ngài sống "Năm Truyền Giáo".

-Để việc truyền giáo đi đúng hướng và đạt kết quả tốt đẹp, chắc chắn chúng ta phải học hỏi và tuân theo sự hướng dẫn của Hội thánh, thể hiện qua các gương sống và các giáo huấn của Hội thánh về việc truyền giáo.

-Thật vậy, trong suốt lịch sử của mình, Hội thánh luôn có những vị lãnh đạo quan tâm đến sứ vụ truyền giáo, cũng như luôn có những Giáo huấn để hướng dẫn và thúc đẩy công cuộc truyền giáo của Hội thánh( như Đức Thánh Cha Piô XI, với Thông điệp Rerum Ecclesiae, ban hành ngày 18-2-1926; Công Đồng Vaticanô II, với Sắc lệnh Ad Gentes ban hành ngày 07-12-1965; Đức Thánh Cha Phao-lô VI, với Tông huấn Evangelii Nuntiandi, ban hành ngày 08-12-1975…).

-Thế nhưng đó là việc của người lớn, còn trong lứa tuổi thiếu nhi chúng ta thì điều cần thiết nhất là phải siêng năng học hỏi giáo lý, vì giáo lý cũng là một hình thức giáo huấn của Hội thánh. Việc siêng năng học hỏi giáo lý sẽ giúp các em trang bị cho mình những kiến thức căn bản về Đạo Chúa, nhờ đó em có thể sống và rao giảng về Đạo Chúa cho mọi người.

Vậy hè năm nay, các em có cùng với bạn Tí quyết tâm siêng năng học giáo lý, đi học đầy đủ và luôn học thuộc bài, để chuẩn bị sau này trở nên một nhà truyền giáo nhiệt thành của Hội thánh không?

III/-Bài học thực hành:
-Em luôn cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo chungcủa Hội thánh.
-Em nhịn bớt tiền ăn quà, tiêu xài cá nhân,để đóng góp vào quỹ truyền giáo, với phương châm: "Của ít - Lòng nhiều".
-Em siêng năng học giáo lý, để trang bị kiến thức, chuẩn bị cho việc truyền giáo sau này.
-Em tập nói về Chúa cho những bạn chưa biết Chúa chung quanh em.

VII. TẢN MẠN

CĂN TÍNH NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

CĂN TÍNH

Trong chữ kép "căn bản" thì "căn" có nghĩa là "rễ" còn "bản" có nghĩa là "gốc". Có gốc, có rễ thì sẽ có cây. Cây mọc ra cành, ra lá, đơm hoa, kết trái. Bứt hoa, hái trái, cây vẫn là cây; ngắt hết cả lá, cây vẫn là cây. Nhưng nếu chặt gốc, nhổ rễ thì cây chết, không còn là cây nữa. Nếu cứ cố tình gọi là cây thì người ta phải nói đó là cái "cây chết".

Như thế, "căn tính" là cái tính chất gốc rễ, cái tính chất chính của con người. Mất những cái ngoại nhập, cho dù đó là những tư tưởng ảnh hưởng sâu xa đến người ấy đi nữa, người ấy vẫn là người ấy. Nhưng nếu mất đi cái tính chất chính, cái "căn tính", thì người ấy không còn là người ấy nữa, mà biến thể thành một người khác. Con người thật của người ấy đã chết.

"Căn tính" của một dân tộc làm nên văn hóa của dân tộc ấy. Nó tạo thành nếp cảm, nếp nghĩ, nếp sống của dân tộc. "Căn tính" của người Việt Nam tạo thành "văn hóa Việt Nam", chứ không phải tư tưởng Khổng Mạnh, tư tưởng Trung Hoa hay "văn minh Tây phương" làm nên văn hóa Việt Nam, cho dù tư tưởng Khổng Mạnh, tư tưởng Trung Hoa hay văn minh Tây phương từng thời đã ảnh hưởng lớn trên nếp sống người Việt Nam.

"Căn tính" của người Công giáo làm nên "văn hóa" của người tín hữu Công giáo, nó làm nên nếp cảm, nếp nghĩ, nếp sống của người Công giáo. Người Công giáo có thể chịu ảnh hưởng của nhiều trào lưu tư tưởng trên thế giới, trải qua nhiều thời đại, tuy nhiên những trào lưu tư tưởng ấy không làm nên người Công giáo. Bỏ những tư tưởng ấy đi, người Công giáo vẫn là người Công giáo, nhưng nếu bỏ những cái được gọi là "tính chất gốc rễ", tính chất chính của người Công giáo thì người Công giáo ấy không còn là người Công giáo nữa.

Như thế, người Công Giáo Việt Nam có hai cái rễ chính : rễ Việt Nam và rễ Công Giáo. Nếu hai cái rễ này mà mọc ngược chiều nhau, mỗi cái rễ kéo cái cây "Người Công Giáo Việt Nam " về một nẻo thì khổ lắm. May mắn làm sao, hai cái rễ ấy lại đồng thuận với nhau, bổ túc cho nhau, đâm sâu xuống lòng đất cùng chiều với nhau, khiến cho cái cây "Người Công Giáo Việt Nam " càng ngày càng vững chắc, càng phát triển cành lá sum suê. Giữ được cả hai cái rễ ấy, người Công Giáo Việt Nam sẽ sống mạnh, sống vững. Mất một trong hai cái rễ ấy, người Công Giáo Việt Nam sống thiên lệch và kém phát triển. Mất cả hai cái rễ ấy thì... ôi thôi ! Không còn là người Công Giáo Việt Nam nữa, mà người ấy đã biến thể rồi !

CĂN TÍNH VIỆT NAM

1. Tuổi ta, tuổi tây

Nếu có ai hỏi một bà mẹ về đứa con của bà ấy : "Cháu lên mấy rồi bà ?" Bà ấy sẽ trả lời một cách hãnh diện : "Dạ, nhờ trời cháu nó lên tám tuổi tây, còn tuổi ta thì đã lên chín rồi đấy ạ !" Tại sao có chuyện một đứa bé lại mang hai thứ tuổi thế nhỉ, mà tuổi nọ lại hơn tuổi kia một năm mới quái ! Thưa, là vì người mẹ này, cũng như mọi người Việt Nam , trong căn tính là "tôn trọng sự sống, bảo vệ sự sống". Ở bên Mỹ có cuộc tranh đấu dai dẳng giữa hai phong trào "pro choice" và "pro life". "Pro choice" thì chọn lựa tự do phá thai, giết chết thai nhi. "Pro choice" lý luận rằng thai nhi chưa sinh ra đời thì chưa có sự sống, chưa phải là người. "Pro life" thì cương quyết bảo vệ sự sống, bảo vệ thai nhi. "Pro life" cho rằng thai nhi khi vừa được tượng hình trong lòng mẹ thì đã có sự sống, đã là người rồi. Tuổi ta hơn tuổi tây, vì theo "căn tính", người Việt Nam coi ngót một năm em bé ở trong bụng mẹ đã là người rồi, thành ra khi vừa sinh ra thì đã lên 1 tuổi. Bởi thế, theo "căn tính" thì nhất định người Việt Nam phải "pro life", nếu "pro choice" thì mất căn tính Việt Nam rồi.

2. Chúc tuổi, mừng tuổi

Lại nói về tuổi. Mỗi năm vào đúng ngày sinh của mình, người Tây phương mừng "birth day", mừng ngày mình sinh ra. Hỏi rằng Việt Nam ta có thói quen mừng "birth day" không ? Trả lời là không thì cũng không đúng, mà trả lời là có thì cũng không đúng. Thật ra theo phong tục thì người Việt Nam không mừng "birth dy" cá nhân từng người, nhưng mừng "birth day" tập thể thì có đấy, hay nói khác đi là cả nước mừng "birth day" chung một ngày, đó là ngày Tết Nguyên Đán.

Cái ngày Tết đầu năm này thật lạ lùng và mang nhiều ý nghĩa. Trong đó việc chúc tuổi, mừng tuổi có ý nghĩa khá đặc biệt. Trẻ già lớn bé, nam phụ lão ấu, không cần biết đã được sinh ra vào ngày nào, tháng nào, cứ đến ngày Tết Nguyên Đán là coi như được thêm một tuổi. Do đó kẻ dưới thì chúc tuổi người trên, người trên thì mừng tuổi kẻ dưới. Đây là sự hiể hiện tính cộng đồng và bình đẳng cao độ nhất.

Lại nói thêm về cái tính cộng đồng và bình đẳng theo căn tính của người Việt Nam trong ngày tết. Đây là những ngày ai cũng được quyền nghỉ ngơi, vui chơi, no đủ. Bởi vậy ông thầy bói... mò mới bói một câu vô thưởng vô phạt như thế này : "Số cô không giầu thì nghèo, ngày ba mươi tết thịt treo đầy nhà". Đúng quá rồi ! Giàu hay nghèo thì ngày tết cũng có thịt ăn. Thế rồi ông Tú Xương thì nói : "Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết, kiết cú như ai cũng rượu chè". Ngày tết thì không có đẳng cấp thứ bậc "con nợ", "chủ nợ" gì cả. Đòi nợ lúc nào thì đòi, cấm đòi trong ngày tết. Thế mới vui chứ !

3. Cái bàn thiên

Ca dao Việt Nam có câu : "Đêm đêm ra thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con". Cái chữ "thắp đèn trời" này có thể hiểu nhiều cách : là thắp đèn mà hướng về Trời; là nhìn những ngôi sao trên trời mà tưởng tượng đó là đèn của Trời, rồi thắp "ké"; là thắp ngọn đèn trên cái bàn thờ Trời.

Cách hiểu thứ ba có lẽ cụ thể và đúng nhất. Nhà người Việt Nam , đặc biệt ở miền quê, thường có cái bàn thiên ở trước cửa nhà hay trong vườn sau. Cái bàn rất đơn sơ, chỉ có một cái chân gỗ, đội một cái mặt cũng bằng gỗ. Ở trên có đĩa đựng hoa quả, một bát cắm nhang và đôi khi có một cái đèn dầu. Sáng chiều, người ta ra cái bàn ấy, bày hoa trái, thắp nhang, thắp đèn rồi xá xá lạy lạy, miệng lẩm bẩm cầu xin Trời ban phước cho gia đình mình.

Cái bàn thiên mộc mạc và cử chỉ đơn sơ ấy nói lên cái đạo của người Việt Nam : Đạo thờ Trời. Người ta tin có Trời, và trong mọihoàn cảnh đều trông cậy Trời giúp; được cái gì thì tin là do Trời ban cho. Tôn giáo nào du nhập Việt Nam mà không có Trời, người Việt mình liền thêm Trời cho tôn giáo ấy. Đạo Công giáo vào Việt Nam thì vốn đã có sẵn Đức Chúa Trời rồi nên không cần phải thêm Trời nào khác vào nữa.

4. Áo dài, phở, cá lóc nướng trui, hột vịt lộn

Mấy thứ kể trên có liên quan gì với nhau và có liên quan đến căn tính của người Việt Nam không ? Thưa, có hẳn đi chứ.

Áo dài Việt Nam , so với quốc phục các xứ khác thì xem như đơn sơ nhất, nhưng lại nổi bật nhất. Áo dài vừa kín đáo vừa phô bày, vừa đoan trang vừa khêu gợi. Áo dài mềm mại hợp với thân hình mềm mại của phụ nữ Việt Nam . Áo dài mềm mại cũng cần phải được mặc chung với quần lụa mềm, quần sa tanh trơn, chứ không thể mặc với quần "patte" may bằng vải cứng cho đỡ phải ủi. Mặc như vậy là phá vỡ mất cái thế hòa hợp của áo dài.

Phở là món ăn Việt Nam đang chinh phục thế giới. Tây, Tàu, Mĩ, Nhật, Đại Hàn, Mễ, Lào, Cao Bốt... đều thích ăn phở. Phở là món tổng hợp mùi, ị, màu sắc. Bát phở được bưng lên, khói nóng bốc nghi ngút, thơm lừng. Lấy thìa múc tí nước dùng mà nếm nhé. Nó ngọt, thơm, bùi, béo một cách đặc biệt khó tả. Vắt thêm tí chanh, cho vài lát ớt đỏ tươi, ngắt vài lá húng cho vào bát, nếu cần thì thêm tí nước mắm, rắc tí hạt tiêu, thế là có một bát phở ngon lành. (Còn tương đen, tương đỏ, giá sống, giá trụng, ngò gai là những... phụ tùng thêm vào sau, tùy khẩu vị, phở "chính thống" thì không có). Một tổng hợp màu sắc hiện ra trước mắt: nước dùng vàng hanh, banh phở trắng tươi, hành và rau húng xanh ngăn ngắt, thịt tái tươi hồng, thịt chín nâu sậm, ớt đỏ như son. Đẹp quá sức. Ăn một bát phở như thế làm sao mà không mê cho được.

Cá lóc nướng trui (theo kiểu miền quê) là đắp bùn bên ngoài con cá lóc, thảy vào đống lửa than cháy hồng. Trong khi chờ đợi cá chín thì đốn một tàu lá chuối, vào vườn quơ một nắm rau thơm đủ loại, với lại ớt và rau sống nữa, giã sẵn đậu phụng, đâm sẵn nước mắm hay pha sẵn mắm nêm. Đừng quên bánh tráng. Bao giờ con cá hồng lên như cục than là được. Đem cá ra, gỡ lớp đất bọc bên ngoài đi. Con cá bây giờ trắng tinh, thơm phưng phức. Dọn tất cả lên tàu lá chuối, rưới hành mỡ, rắc đậu phụng lên con cá; lấy bánh tráng, rau sống, rau thơm cuốn miếng cá lại, chấm đẫm nước mắm đâm hay mắm nêm mà ăn. Bảo đảm ngon can không nổi. Món cá lóc nướng trui là tổng hợp hương hoa đồng nội một cách vừa hài hòa vừa... ác liệt. Dân nhậu với vài chai "nước mắt quê hương" mà gặp món này thì trời gầm cũng không bỏ.

Còn hột vịt lộn ! Món này người Phi Luật Tân cũng mê lắm, họ cho là ngon nhất trên đời. Người Phi gọi hột vịt lộn là "bờ lút". Vì hột vịt lộn ngon quá, đáng mê quá nên "bờ lút" biến nghĩa thành, tốt, khỏe, trôi chảy v.v... Gặp nhau mà hỏi "bờ lút" không, có nghĩa là hỏi nhau có khỏe không, làm ăn có phát tài không, công việc có trôi chảy không.

Người Việt ăn hột vịt lộn cầu kì hơn nhiều. Hột vịt lộn mà không có kèm theo muối tiêu và rau răm thì coi như... đồ bỏ, chẳng có "bờ lút, bờ liếc" gì hết. Nhưng tại sao lại phải ăn hột vịt lộn với muối têu và rau răm ? Đây là một sự tổng hợp, hài hòa kì diệu.

Hột vịt lộn ngon và bổ lắm, nhưng có hai tính chất : hàn (lạnh) và khích dục. Thế thì hạt tiêu nóng để quân bình cái hàn, còn rau răm là một vị có tính tiết dục để quân bình cái "của" kia. Thế là vừa ngon, vừa bổ mà lại vừa... lành, không gây phiền toái gì cả !

Áo dài, phở, cá lóc nướng trui, hột vịt lộn, như thế, đều biểu lộ cái căn tính "uyển chuyển, hòa hợp" của người Việt Nam ta.

5. Ông bà, cha mẹ, anh chị em, chú bác, cô dì, cậu mợ...

Ý tôi muốn nói đến hệ thống danh xưng của người Việt Nam . Hồi nhỏ, mỗi dịp lễ tết, họ hàng đến nhà đông đảo, tôi không biết chào hỏi như thế nào, mà chào sai thì bị mắng. Tôi đành đứng yên một chỗ, cúi đầu xoay một vòng cho tiện.

Người Việt có một hệ thống danh xưng rất chi tiết, có danh xưng riêng cho từng thứ bậc. Khi người ta trọng cái gì thì thường nói về cái ấy rất rất chi tiết, hoặc trang trí, tô điểm rất kĩ lưỡng. Trọng cái nhà thì trang hoàng cái nhà cho thật đẹp, thật sang, trọng cái xe thì gắn đủ các thứ cho cái xe, trọng ai thích ai thì nghĩ nhiều về người ấy hay nói nhiều về người ấy. Người Việt trọng đời sống gia đình, gia tộc thì có những danh xưng rất đầy đủ, riêng biệt cho từng nhân vật trong gia tộc. Tâm tình trọng đời sống gia đình, gia tộc, khi được thăng hoa lên đến nguồn gốc của gia đình, gia tộc mình thì làm nên đạo ông bà. Đó là đạo rất Việt Nam .

Tóm lại thì tính chất tôn trọng, bảo vệ sự sống; thờ Trời; sống tinh thần cộng đồng và bình đẳng; uyển chuyển hòa hợp và trọng nếp sống gia đình, tình gia tộc là những căn tính của người Việt Nam . Dù đi đến đâu, người Việt vẫn đem theo những căn tính đó.

CĂN TÍNH CÔNG GIÁO

1. Phép rửa

Phép rửa tội là cánh cửa đưa một người vào đạo Công giáo trở thành con cái Chúa. Làm con Chúa là một quà tặng lớn lao quá, nhưng để nhận lãnh món quà ấy, ứng viên cũng cần một thái độ can đảm, dứt khoát, quả quyết.. Phép rửa tội là dấu hiệu rõ rệt ghi nhận một người thực sự gia nhập đạo Công giáo. Mà khi đã chịu phép rửa tội, tôi được làm con cái Chúa, thì đồng thời cũng nhận lấy sứ mệnh rao truyền lời Chúa, rao truyền Tin Vui Nước Trời.

Như thế, căn tính thứ nhất của người Công Giáo là làm con Chúa và có sứ mệnh rao truyền Tin Vui Nước Trời, nói dễ hiểu là làm tông đồ giáo dân.

2. Công giáo - Catholic - Catholique

Có một số người không có thiện cảm với đạo Công giáo vì những lí do riêng tư nào đó thì hay phê bình danh xưng Công giáo (Catholic, Catholique). Vì chữ Catholic có nghĩa là "hoàn vũ" nên những người này phê bình rằng đạo Công giáo cótham vọng trở thành đạo duy nhất khắp hoàn vũ. Họ nói, "tham vọng làm quốc giáo của một nước đã là khó coi, đằng này lại tham vọng làm tôn giáo của cả hoàn vũ thì quá đáng lắm."

Tôi hiểu chữ Công giáo (Catholic, Catholique) theo một cách khác. Nghĩa Công giáo đúng là vũ trụ, hoàn vũ. Điều ấy có nghĩa là cánh cửa đạo Công giáo mở rộng, ai cũng bình đẳng, có quyền vào đạo, ai cũng được mời gọi làm con cái Chúa, không có giới hạn nào cả. Một số giáo phái chỉ hạn chế cho những ai, những giai cấp nào đó mới được gia nhập.

Từ đó, tôi hiểu rằng người theo đạo Công giáo cũng phải có trái tim mở rộng, chấp nhận tất cả mọi người. Đó cũng là một trong những căn tính của người Công giáo vậy. Điều này cũng nói lên tính chất cộng đồng của Công Giáo. Chúa muốn người ta sống với nhau trong tinh thần cộng đồng, mà cầu nguyện, thờ phượng Chúa cũng trong tinh thần cộng đồng. Đi rao giảng thì "hai người một", cầu nguyện thì "hai ba người tụ họp lại", cầu nguyện với Đức Chúa Cha thì "lạy Cha chúng con ở trên trời...", cư hành nghi thức phụng vụ, dâng thánh lễ thì cùng nhau đến nhà thờ cử hành chung trong tinh thần cộng đồng. Khi chúng ta tạo một tâm thức và thực sự sống tâm thức "Cộng Đồng Công Giáo" là chúng ta đang sống căn tính "cộng đồng" của Công Giáo.

3. Điều răn nào trọng nhất ?

Có lần, một thầy thông luật hỏi Chúa Giêsu là điều răn nào trọng nhất. Ý ông này muốn hỏi về Mười Điều Luật Chúa truyền cho Môi Sen. Ông này muốn làm khó Chúa, vì khó mà nói trong đó điều răn nào trọng nhất. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đưa ra một hướng nhìn mới mà nhà thông luật chưa hề nghĩ tới. Chúa nói rằng điều răn trọng nhất là thờ phượng Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn; và điều răn thứ hai, cũng trọng như điều răn thứ nhất, là hãy yêu người như yêu chính mình. Chính vì thế mà trong sách kinh bổn đạo Công giáo, sau khi đã liệt kê đủ mười điều răn Đức Chúa Trời, thì tóm lại rằng : "Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy" Nói cho gọn hơn, đã là người Công Giáo thì phải "mến Chúa - yêu người". Hai vai này phải cân xứng, phải hòa hợp. Không vừa mến Chúa vừa yêu người thì mất căn tính Công giáo rồi.

4. Nhà thương, cô nhi viện, viện dưỡng lão, trại phong cùi, trường học

Đạo Công giáo được thiện cảm và tin tưởng tại Việt Nam (mà tôi nghĩ cũng tại các quốc gia khác), phần nhiều cũng là nhờ có những nhà thương và trường học tốt. Trong nhà thương Công Giáo, mọi nhân viên, từ cha tuyên úy, các nữ tu, đến các bác sĩ, y tá, thư ký văn phòng, lao công... đều tận tụy làm việc, đều phục vụ hết lòng. Các cô nhi viện, viện dưỡng lão, trại phong cùi, phần lớn cũng do Công giáo đảm trách. Ở chế độ nào thì những nơi ấy cũng có người Công giáo phục vụ. Chẳng ai muốn tranh giành quyền được sống chung và hầu hạ người phong cùi cả.

Các trường học Công Giáo thường có uy tín vì đã cung ứng một nền giáo dục tốt, phục vụ tuổi trẻ với tinh thần giáo huấn chân chính và với lòng yêu thương. Vì thế, người ngoài Công giáo cũng muốn gửi con em vào học "trường đạo".

Những cơ quan từ thiện và giáo dục này và nhiều cơ quan từ thiện, giáo dục khác nữa biểu lộ căn tính "bác ái và phục vụ" của Công Giáo. Người Công giáo mà đánh mất căn tính "bác ái, phục vụ" thì không còn là Công Giáo thật sự nữa.

5. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Là người thì ai cũng tham sống sợ chết. Thế mà các Thánh Tử Đạo không sợ chết, lại còn sung sướng đón nhận cái chết nữa. Chết vì đạo thì được gọi là "phúc tử vì đạo". Thái độ ấy, tâm thức ấy do "đức tin" tạo nên: tin vàoThiên Chúa, tin vào ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, tin vào Hội Thánh Công Giáo. Á thánh André Phú Yên và 118 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam đã thể hiện một cách rất hùng hồn đức tin của mình. Người Công Giáo chân chính "tuyên xứng đức tin" trong các thánh lễ và tuyên xưng đức tin trong cuộc sống của mình. Cha mẹ Công Giáo Việt Nam khi nghĩ về con cái, lo cho con cái thì cái lo nhất là sợ chúng "mất đức tin". Mất gì thì mất, miễn là đừng "mất đức tin". "Mất đức tin" đây được hiểu là đánh mất niềm tin vào Chúa. Cái sợ thứ hai của cha mẹ Công Giáo Việt Nam là sợ con cái "rối đạo". "Rối đạo" đây được hiểu là "nghi ngờ, mất sự tin tưởng vào Hội Thánh".

Người Công Giáo chân chính thì mở lòng ra để chấp nhận và kính trọng niềm tin của những người anh em thuộc các tôn giáo khác, nhưng kiên vững trong niềm tin của mình vào Thiên Chúa và Chúa Giêsu, đồng thời giữ sự hiệp thông và tuân theo giáo huấn của Hội Thánh. Đánh mất điều này là đánh mất căn tính Công Giáo của mình đấy.

Tóm lại, làm con cái Chúa với sứ mệnh rao giảng Tin Vui Nước Trời; sống đạo trong tinh thần bình đẳng, cộng đồng và biết chấp nhận mọi người; mến Chúa - yêu người; phục vụ với lòng bác ái; tín thác vào Chúa, hiệp thông và tuân theo quyền giáo huấn của Hội Thánh là những căn tính của người Công Giáo. ( Trích từ Vietcatholic News)

VIII. NGHỆ THUẬT SỐNG

MÀI RÌU

Minh đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Sau vài tháng làm quen với cuộc sống, Minh quyết tâm đi làm, kiếm chút tiền về phụ giúp gia đình, thay vì sống nhờ gia đình người anh rể.

Rời San José, Minh lên tận Humboldt xin làm nghề đốn cây.Thấy Minh vạm vỡ, ông chủ bèn trao cho Minh một chiếc rìu và dẫn cậu vào rừng, rồi bảo:
- Cậu thử đốn cây này cho tôi xem.
Đã quen lao động bên quê nhà, Minh đốn cây thật điêu luyện, khiến ông chủ vui nhận Minh ngay, vừa cho lương, vừa cho nơi trú ngụ.

Thứ hai, thứ ba, thứ tư trôi qua như gió thoảng. Sang đến ngày thứ năm, ông chủ gọi Minh vào văn phòng và trao cho cậu tấm ngân phiếu:
- Cám ơn cậu đã làm việc vất vả cho công ty. Đây là tiền lương cho suốt tuần này của cậu.
Minh sung sướng mân mê tấm ngân phiếu đầu tiên cậu làm ra được trên đất Hoa Kỳ. Như bật nhớ điều gì, Minh hỏi ông chủ:
- Cám ơn ông chủ đã trả lương suốt tuần cho tôi. Nhưng tại sao ông lại không trả ngày thứ sáu mà lại trả ngày hôm nay?
- Thật đáng tiếc! Nhưng đây là tiền lương đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi trả cho cậu.
- Thế nghĩa là ông chủ đuổi tôi?
- Thật đáng tiếc! Nhưng tôi không thể tiếp tục mướn cậu được nữa, vì theo biên bản, cậu đốn được nhiều cây nhất vào ngày thứ hai, nhưng qua ngày thứ ba, số cây cậu đốn được giảm dần, và ngày thứ tư, cậu là người đốn được ít cây nhất trong hãng.

- Nhưng tôi đã làm hết sức tôi kia mà. Tôi đến sở trước hết mọi người, ra về sau cùng. Tôi chỉ nghỉ ăn trưa có 30 phút, thay vì 1 giờ. Tôi làm việc không ngừng. Tôi làm việc ngay cả trong giờ nghỉ uống cà phê. Ông chủ còn muốn gì nữa?
Thấy Minh thật thà, ông chủ bèn hỏi:
- Thế cậu em có mài rìu mỗi ngày không?
Minh như chợt hiểu:
- Tôi quá mải mê làm việc, nên không có giờ mài rìu được! Mong ông chủ thông cảm cho!

***

Phần chúng ta, chúng ta có giờ để mài rìu không?

Có người trong chúng ta sung sướng vì làm việc hết mình, làm việc thêm giờ, để có tiền đem về cho vợ, cho chồng, để có tiền nuôi con ăn học. Làm việc quên nghỉ, quên cả đùa chơi, tán gẫu với con cái... Quên mất mài rìu: Quên mất làm cho tình yêu vợ chồng thêm bén nhạy, quên mất mài cho mối liên hệ giữa cha mẹ con cái phải sắc bén.

Quà quý nhất cha mẹ tặng cho con cái, không phải là tiền bạc, làm việc thêm giờ, nhưng là tình cha yêu mẹ, tình mẹ thương cha mãi sắc bén !!!

Thầy cô, tu sĩ chúng ta sung sướng vì đã dấn thân hết mình dạy dỗ trẻ thơ. Hy sinh mọi ngày nghỉ... Lắm khi chúng ta quên mất mài rìu: Việc giáo dục của chúng ta chỉ được sắc bén, hiệu nghiệm khi chúng ta biết cầu nguyện. Lắm khi chúng ta tự gạt mình, cho rằng quá bận công tác tông đồ, nên không tìm ra được giờ rảnh để cầu nguyện. Thật ra, giờ thể lý luôn luôn có, nhưng giờ tâm lý lại không.

Tin Mừng kể lại:

1 - Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (Luca 6,12)
2 - Khi Đức Giêsu cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện. (Luca 11,1)
Lạy Chúa, xin cho tim con cảm nghiệm được nhu cầu cầu nguyện, nhu cầu yêu thương, trong cuộc sống lăn lộn, làm việc vất vả này.

Frère Fortunat Phong, FSC

 

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC VÀ SUY GẪM LỜI CHÚA : Ga. 20, 21-22

"Như Cha đã sai Thầy, thì cũng sai anh em". Nói thế rồi Người thổi hơi và phán bảo các ông : "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần …".

Các tông đồ đã nhận lấy Thánh Thần để ra đi truyền giáo. Chính Thánh Thần đã làm cho các ngài hoàn toàn đổi mới.

Các thánh tử đạo đã để cho Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn để các ngài có thể mạnh dạn dùng chính đời sống, mạng sống để làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy nhìn lại lòng quảng đại, nhiệt thành trong việc phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và xã hội nơi hai Thánh Philipphê Minh và Thánh Giuse Lựu.

II. GIA ĐÌNH KITÔ HỮU

CỘNG ĐOÀN PHỤC VỤ CON NGƯỜI

1. Lệnh truyền mới của tình yêu thương :

- Hội Thánh có sứ mạng hướng tất cả mọi người tới chỗ đón nhận Lời Thiên Chúa trong đức tin, cử hành và công bố đức tin ấy trong các Bí tích và kinh nguyện. Sau cùng diễn tả đức tin ấy qua những việc làm cụ thể phù hợp với ơn và lệnh truyền mới về tình yêu thương.

- Điều này cũng có giá trị cho cả đôi bạn và gia đình kitô hữu : Kim chỉ nam và qui luật của gia đình là Thánh Thần của Đức Kitô đã được đổ xuống trong lòng họ nhờ việc cử hành bí tích hôn phối. Tiếp nối với phép rửa trong nước và Thánh Thần, bí tích hôn phối nêu lên một lần nữa luật tình yêu của Tin Mừng và nhờ ơn Thánh Thần, nó khắc sâu luật ấy vào lòng đôi bạn kitô hữu.

- Như vậy, gia đình kitô hữu được luật mới của Thánh Thần hướng dẫn và được mời gọi sống tình yêu phục vụ đối với Thiên Chúa và tha nhân trong sự hiệp thông mật thiết với Hội Thánh. (Gioan Phaolô II, Tông huấn về gia đình, số 63).

2. Nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi mọi anh em :

- Được lệnh truyền mới của tình yêu linh hoạt và nâng đỡ, gia đình kitô hữu thể hiện sự tiếp đón tôn kính, phục vụ mọi người, luôn luôn nhìn mọi người trong phẩm giá của họ là những ngôi vị và là con cái của Thiên Chúa. (Gioan Phaolô II, Tông huấn về gia đình, số 64).

- Điều đó phải làm, trước hết là ích lợi cho chính gia đình mình. Sau đó là vì hạnh phúc của mọi người. Tuy nhiên, để cho việc phục vụ con người được gia đình sống đúng theo Tin Mừng, cần phải mau mắn thực hiện điều Công đồng Vatican II đã nói : "Để thực thi bác ái mà không sợ một chỉ trích nào và đề thấy rõ được là bác ái đích thực, cần phải nhìn thấy nới tha nhân hình ảnh của Thiên Chúa, vì họ được dựng theo hình ảnh Ngài" (Sắc lệnh tông đồ giáo dân, 8). Một nhiệm vụ khác nữa của gia đình là đào tạo những con người biết yêu thương và là sống tình yêu trong mọi tương quan với người khác bằng cách gia đình không tự khép kín nhưng mở rộng ra cho mọi người, hướng tới người khác nhờ sự quan tâm đúng mức như Đức Giêsu Kitô - Đấng yêu thương tất cả mọi người. Cũng như gương của hai thánh tử đạo mà ta đã thấy nơi đời sống của các ngài.

Xin mượn lời cầu nguyện của Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, lúc sắp chết rũ tù ở Vĩnh Long như là một hướng ý để chúng ta cùng cầu nguyện. Ngài đã sẵn sàng dâng hiến cho Chúa tất cả gia đình và mạng sống để làm chứng cho Chúa qua lời cầu nguyện sau đây : "Con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng dâng cho Ngài hy sinh lớn lao hơn hết là mạng sống con và gia đình vợ con của con".

Xin hai thánh tử đạo giúp chúng con, những người sống đời sống gia đình biết hy sinh quên mình, phục vụ anh em chúng con ngay cả trong những khi phải hy sinh cả tài sản, địa vị, sức khoẻ … theo gương Thầy Chí Thánh là Đức Kitô. Xin hai thánh giúp chúng con ý thức rằng : chúng con được mời gọi sống cho Chúa theo bậc sống của mình và trong nhiệm vụ nào chúng con cũng có thể nên thánh được, nếu chúng con toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa và anh em như một người đầy tớ trung tín. Amen

III. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

PHÊ PHÁN HAY KHÍCH LỆ

Năm 1967, trong giờ huấn đức cho các chủng sinh, Cha Antôn Ngô văn Thuật dạy rằng:"trong mỗi con người, cho dù người đó có xấu đến đâu đi nữa, nơi họ vẫn còn có ít là 5% tốt. Chúng ta nên nhìn vào 5% tốt đó mà khích lệ họ, hơn là dựa vào 95% xấu kia mà phê phán họ."

Và trong quyển sách "Corps et Ames ", tác giả Maxence Van der Meersch đặt những lời sau đây nơi miệng linh mục Vincent:". . . Nếu bạn vĩnh viễn tạ từ niềm hy vọng có khả năng đạt tới sự hoàn hảo nơi con người thì bạn cũng hãy tạ từ luôn cuộc sống đi thôi. Vì lúc đó sẽ chẳng còn gì trên mặt đất chúng ta nữa cả. Không còn gì ngoài chuyện tranh giành, chém giết và hưởng thụ trước khi bản thân gục ngã. Không còn nữa những vấn đề nhân bản, lương tâm, bổn phận, luân lý, văn minh. Nếu không tin rằng mình có thể cứu thoát anh em mình được, con người kể như hư hỏng. Chết hay cứu thoát : cũng vậy thôi !".

Vâng, đó là lý tưởng, đó là việc mỗi người Kitô hữu chúng ta phải làm. Nhưng thực hiện được những lời khuyên đó, thật là chua cay.

PHÊ PHÁN: Con người với con người thường là một yếu tố gây thất vọng.

Sau khi đã cố gắng thử tạo nên điều tốt, nâng cao tâm hồn lên, dứt con tim ra khỏi sự tầm thường và đê tiện, rất nhiều người, rất nhiều vị tông đồ trong lãnh vực xã hội cũng như tôn giáo đã thấy niềm tin của họ nơi con người bị lung lay và tiêu tan mất. Người ta cảm thấy họ trở thành hoài nghi, lời nói của họ cho thấy một đôi nét chua chát nào đó. Họ buông thả để rồi cuối cùng rơi vào tình trạng cay đắng, phê phán, gay gắt. Không còn nữa ảnh hưởng sáng tạo nơi con người của họ trong thế giới quanh mình.

Không nhận ra nhưng càng ngày họ càng bắt tay với những sức ép gây thất vọng cho những tâm hồn khác, làm cho cuộc sống trở nên u ám và thẳng tay bẻ gãy những cây sậy mảnh mai yếu ớt. Chúa Kitô kêu gọi chúng ta:"Đừng dập tắt tim đèn còn khói". Trong mọi tâm hồn, lúc nào cũng vẫn còn một ngọn lửa leo lét, một tia sáng, một khát vọng điều thiện hảo. Sự dữ tuyệt đối không có trong con người. Đôi khi có vẻ như sự dữ đã chiếm hữu toàn bộ con người, nhưng ngay khi chúng ta đến gần, thật gần với một tâm hồn, chúng ta sẽ khám phá ra những phần đời thanh thoát và những dấu vết của ân sủng nơi họ. Với nhiều người, chỉ cần có một người tin tưởng họ là có thể làm tuôn trào mọi điều tốt lành nơi họ.

Do đó, điều gây thất vọng hơn cả sự dữ nữa, chính là trạng thái tầm thường phổ thông nơi mọi người. Người ta cảm thấy quá rõ những giới hạn của người khác đến nỗi người ta có cảm tưởng như là một bức tường không bao giờ có thể xô ngã được. Đúng thế, bức tường đó sẽ không bao giờ sụp đổ nếu như người ta mãi mãi nghĩ rằng nó không thể đổ. Nhưng điều có thể thay đỗi, chính là niềm tin, là sự xác tín con người có thể trở nên hoàn hảo, là sự chắc chắn rằng một khi đã quăng vào lò lửa tất cả những mãnh lực sáng tạo của chúng ta, thì con người sẽ nên tốt.

KHÍCH LỆ: Do đó, thế giới này quá cần những con người có thể khích lệ những con người khác. Đại đa số con người cần phải được khích lệ. Không ai có vẻ vững tin nơi mình mà trong âm thầm lại không đớn đau về một mặc cảm thua kém nào đó. Họ ngần ngại về phẩm chất những quyết định riêng tư, về giá trị của ảnh hưởng, về tầm mức của hành động mình.

Charles Schwob viết:"Chính khi khích lệ một cá nhân mà người ta tìm thấy, người ta khám phá ra những khả năng tuyệt vời của anh ta. Không gì hủy hoại hoài bảo của một người cho bằng những chỉ trích của người lớn. Tôi không bao giờ khiển trách một ai cả. Tôi nghĩ rằng tốt hơn nên khích lệ, nên giới thiệu cho người ta một lý tưởng để người ta đạt tới. Chính vì thế, tôi luôn sẵn sàng ngợi khen và tôi ghét cay ghét đắng việc la mắng. Nếu tôi thấy một việc làm thiện chí, tôi chân thành ủng hộ và tôi không tiếc lời ngợi khen".

Sự ngợi khen thường là dấu chỉ của một tâm hồn có phẩm chất. Bản thân của mình phải tốt đã, để có thể nhận thức điều tốt, thưởng thức sự thiện và nhiệt tình tỏa lan sự thiện trong môi trường sống quanh mình. Như bất cứ những gì có giá trị, lời khen ngợi vẫn có nguy cơ có thể tác hại và trở thành trống rỗng, thô thiển và xu nịnh. Thế nhưng, khi xuất phát từ một con tim thành thật, lời khen ngợi trở thành một trong những món quà đẹp nhất mà chúng ta có thể tặng người khác. Lời khen trương rộng và triển nở, lời khen mang lại cho con tim một ngọn lửa mới, làm cho chúng ta sống trong một bầu khí thích thú và hoan lạc.

Biết như vậy, nhưng tội nghiệp thay, trên thế giới mà chúng ta đang sống, lại thường thấy những gì trái nghịch với tinh thần nêu trên. Cùng với sự mĩa mai, sự phỉ báng là một trong những khuynh hướng thông thường và khó chịu nhất mà chúng ta vẫn gặp thấy quanh mình. Nhưng chúng ta hãy cố gắng theo gương của thánh Phaolô :"Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô. Tôi có lời khen anh em . . ." (1Cor 11,1 ).

1315    19-04-2012 16:13:27