Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Loan Báo Tin Mừng Theo Gương Chúa Giêsu - Tháng 04 năm 2004

Chủ đề: LOAN BÁO TIN MỪNG
THEO GƯƠNG ĐỨC GIÊSU KITÔ

I. ĐỌC THƯ CỦA HĐGMVN số 3.

Chúa Giêsu là sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất. Ngay từ đầu, Ngài đã xác định sứ mạng của Ngài là rao giảng Tin Mừng theo lệnh truyền của Đức Chúa Cha: "Thần Khí Cúa ngự trên tôi, bởi Ngài đã xức dầu cho tôi, Ngài đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó" (Lc 4,18 ; x. Is 61,1).

Để rao giảng Tin Mừng, Ngài đã không biết mệt mỏi đi đến khắp mọi nơi, tiếp xúc với tất cả mọi hạng người, thực hiện rất nhiều việc lạ lùng để làm chứng Nước Chúa đã đến.

Xác định rao giảng Tin Mừng theo ý Chúa Cha là lẽ sống (x. Mc 1,38 ; Lc 4,43) nên Ngài hiến trọn cuộc đời, đến tự nguyện hy sinh cả mạng sống, chấp nhận cái chết tủi nhục trên Thánh Giá để hoàn thành thánh ý Chúa Cha.

II. TRUYỀN GIÁO THEO MẪU GƯƠNG CHÚA GIÊSU

1. "Sứ mạng của Đức Giêsu là rao giảng Tin Mừng..."
"Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ mọi điều Thầy truyền cho các con" (Mt 28, 19- 20). Chúa Kitô, trước khi về trời đã để lại cho Hội Thánh lệnh truyền ấy như là lời di chúc đặc biệt mà Hội Thánh phải cất giữ và ấp ủ từng ngày, để thao thức truyền giáo của Chúa Kitô trở thành nỗi thao thức và niềm say mê của Hội Thánh.

Lệnh truyền ấy vừa là bổn phận, vừa làm cho Hội Thánh vinh quang. Bổn phận là vì Hội Thánh phải tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô. Còn vinh quang là vì Hội Thánh được cộng tác với Chúa Kitô mang ơn cứu độ cho trần gian. Ý thức bổn phận vinh quang ấy, Hội Thánh luôn luôn lên đường dấn thân cho hoạt động truyền giáo.

Mọi người trong Hội Thánh: giáo sĩ (do Bí Tích Rửa tội và Truyền Chức) và giáo dân (do Bí Tích Rửa tội, được dự phần vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế cộng đồng của Đức Kitô) đều có bổn phận truyền giáo.

Để thực hiện lệnh truyền nầy, Hội Thánh đăm đăm nhìn vào mẫu gương của Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu Kitô, Sứ Giả đầu tiên loan báo Tin Mừng.

Thật vậy, chính Đức Giêsu đã là "vị sứ giả đầu tiên và vĩ đại nhât của Tin Mừng" (LBTM số 7). Ngài không mệt mỏi đi rao giảng Lời Thiên Chúa và rao giảng là sứ mạng mà Chúa Cha đã giao phó cho Ngài: " Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" (Lc 4, 18).

Sứ mạng nầy mang tính sống còn như cơm bánh nuôi sống con người : "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4, 34).

Sứ mạng ấy cũng mang tính cấp bách. Ngài phải bôn ba khắp miền Palestine để rao giảng cho người Do-thái: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làmg xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Ngài đi khắp miền Galiliê, rao giảng trong các hội đường của họ" (Mc 1, 38-39).

Và như một mục tử tốt lành tận tuỵ vì đàn chiên, Chúa Giêsu đã bôn ba khắp miền Galilê và vùng lân cận để rao giảng Tin Mừng, để chữa lành, để an ủi để tìm kiếm những người tội lỗi, Ngài cũng muốn mỗi mục tử của Ngài là các linh mục cũng biết tận tuỵ, hi sinh vì đàn chiên của mình...

2. "Ngài đã không bết mệt mỏi, đi đến khắp mọi nơi..."

+Trong khi đi đó đây rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã thể hiện một lối sống thân tình ở giữa mọi người. Sự hiện diện của người đem lại bình an và có sức cuốn hút người khác đến với Ngài. Một sự hiện diện đầy tình thương, thông cảm và tha thứ.

Tình thương của Người không bao che, không dung túng cho tội lỗi, nhưng độ lượng với người có tội để mời gọi họ trở về đường ngay nẻo chính. Với người phụ nữ xứ Samari có đến sáu đời chồng, bằng những lời ân cần hết sức, nhưng cũng không kém phần dứt khoát, Chúa Giêsu đã buộc chị phải nhìn nhận thân phận của mình mà vẫn không cảm thấy bị xúc phạm: "Người bảo chị: "Chị hãy gọi chồng chị rồi trở lại đây". Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng". Đức Giêsu bảo: "Chị nói: tôi không có chồng là phải, vì chị đã có năm đời chồng, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị nói đúng" (Ga 4, 1- 30).

Với người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang cũng vậy. Trước sự hung hăng đắc thắng của người Biệt Phái như là cớ để bảo vệ Lề Luật vừa để gài bẩy, Chúa Giêsu đã hết sức nhẹ nhàng: "Người bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi"" Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi" Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?"" "Tôi cũngvậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" (Ga 8, 1-11)

Lời của Chúa Giêsu nhẹ nhàng là thế, nhưng cũng rất dứt khoát, làm cho những kẻ to tiếng kết tội chị phụ nữ phải cúi mặt nhận ra thân phận của mình. Nhưng cũng chính thái độ nhẹ nhàng và dứt khoát của Chúa Giêsu lại mang lại sự giải thoát cho chị phụ nữ. Không chỉ giải thoát chị khỏi tay những kẻ kết án mà còn là một sự giải thoát đúng nghĩa và quan trọng: cứu chị khỏi vòng kềm hãm của tội, đưa chị vào thế giới của bình an và tình yêu.

Người tội lỗi và người nghèo khó là hai hạng người được Đức Giêsu đặc biệt quan tâm khi đi rao giảng Tin Mừng. Ngài ghét tội nhưng thương kẻ có tội. Ngài chú tâm tìm kiếm những người nghèo khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi bên lề xã hội (x. Lc 4, 18)... những người mà thông thường xã hội chẳng hề quan tâm, để đem Tin Mừng giải thoát đến cho họ : "kẻ nghèo được nghe Tin Mừng" (Mt. 11, 5).

Đây là một mẫu gương về sự nhân lành của một mục tử -yêu thương và chăm sóc- chữa lành và tha thứ- để trong khi thi hành sứ mệnh của một mục tử, các linh mục của Chúa cũng biết trãi rộng tâm hồn của mình trên đàn chiên của các ngài, nhất là những chiên đau yếu bệnh tật, bị bỏ rơi.

Người truyền giáo cũng rất cần có lối sống giản dị, tinh thần khiêm nhu, cởi mở. Lối sống kiểu cách, cầu kỳ có thể trở thành rào chắn làm cho ta ngại dấn thân đã vậy, nó cũng sẽ tạo ra một khoảng cách lớn với anh chị em, khiến ta trở thành xa lạ với mọi người. Lối sống càng giản dị, ta càng dễ khiêm nhu, cởi mở. Một lối sống và một tinh thần như thế đòi phải có đức khó nghèo ngự trị thẳm sâu nơi nhà truyền giáo. Bởi đó, ta cần khước từ những xa hoa, những tiện nghi, không tranh giành quyền lợi, không tranh giành ảnh hưởng. Chỉ cần như thế thôi, nhà truyền giáo đã là một bằng chứng hấp dẫn, mạnh mẽ và quan trọng của Tin Mừng.

Đồng thời, một lối sống giản dị, một tinh thần khiêm nhu, cởi mở, một đức tính khó nghèo như thế, còn giúp ta dễ dàng tôn trọng những tập quán, những tôn giáo, những hình thức văn hóa và các dị biệt khác của anh chị em.

+ Đức Giêsu gặp gở và đối thoại với nhiều người. Nhờ đó, Ngài hiểu được họ và họ cũng hiểu Ngài để sẳn sàng giải bày tâm hồn ra với Ngài:
- Với ông Nicôđêmô, "bậc thầy trong dân Israel " (Ga 3, 10), nhờ đó ông hiểu cần phải được tái sinh.
- Với ông Dakêu, trưởng ty quan thuế (Lc 19, 1-10) và ông hứa sẽ thay đổi cuộc đời.
- Với những người thu thuế và tội lỗi ( Mt 9, 10-13) để họ cảm nhận được sự cao cả của ơn giao hoà.
- Với người phụ nữ tội lỗi (Lc 7, 36-50) để giúp cô hiểu được rằng ai "được tha nhiều thì sẽ được yêu mến nhiều".
- Với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4, 1-30) và hướng lòng bà về một sự "thờ phượng chân thật".

Chính nhờ gặp gỡ và đối thoại mà Ngài mới có thể nói với các môn đệ: "ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái" (Ga 4, 35).

Một sự hiện diện đầy tận tuỵ, lắng nghe và thông cảm của những sứ giả loan báo Tin Mừng, sẽ là điểm tựa cho đàn chiên, trong bước đường tìm kiếm và sống đức tin của mình.

+ Đức Giêsu còn làm nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Đấng Cứu Tinh phải đến.

Những phép lạ Ngài làm không nhằm mục đích làm loá mắt thiên hạ, nhưng với mục đích duy nhất là để chứng tỏ Nước Thiên Chúa đã đến và niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai nay đã được ứng nghiệm (x. Mt. 11, 5).

Những phép lạ mà Đức Giêsu làm chính là những dấu chỉ nhằm mục đích khơi dậy đức tin nơi người ta (x. Ga 2, 11).

"Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn các vị thầy", Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã từng nói như vậy. Đức Hồng y Phạm Đình Tụng, trong bài phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục Á châu đã nêu gương Mẹ Têrêsa như sau: "Bởi sự kính trọng sâu xa và tình yêu thương hữu hiệu của Mẹ đối với mọi người, Mẹ đã giảng dạy một cách hữu hiệu cho chúng ta biết thế nào là Đấng Thiên Chúa tình thương của người Kitô". Đức Giêsu một lần nữa đã làm phép lạ cho con người thời đại hôm nay, qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa Calcutta cách riêng và qua đời sống các vị thánh nói chung. Các ngài đã hoạ lại cuộc đời của Chúa Giêsu và là mẫu gương cho tất cả các nhà truyền giáo.

3. "Rao giảng Tin Mừng là lẻ sống của Đức Giêsu ..."

"Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi thì nó mới sinh nhiều hạt khác" (Ga 12, 24). Ra đi, là dứt bỏ chính mình, là sống theo sự sắp xếp của Thiên Chúa, chưa đủ. Rao giảng, rất tốt đẹp, nhưng chưa đủ. Còn phải là cả một đời tận tuỵ hy sinh, miệt mài hao mòn cho đến chết, như Thầy Chí Thánh đã chết vì yêu thương. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã nêu gương và mong muốn chúng ta cống hiến như Ngài cho Nước Trời được hiển trị.

Cả cuộc đời của Đức Giêsu là "tự nguyện hy sinh cả mạng sống, chấp nhận cái chết tủi nhục trên Thánh Gía để hoàn thành thánh ý Chúa Cha" (TMV số 3)

Đó cũng chính là con đường mà người sứ giả Tin Mừng phải đi : "Phần tôi, một khi được dương lên cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12, 32). Hiến tế đẹp nhất mà người loan báo Tin Mừng dâng hiến là cống hiến cả những năm tháng cuộc đời mình với lòng yêu thương đến hao mòn như Chúa Giêsu, "Vị Sứ Giả đầu tiên và vĩ đại nhất của Tin Mừng".

Lạy Chúa Giêsu, xin sai thêm nhiều thợ gặt nhiệt thành, thánh thiện, dám hy sinh đến quên mình cho công cuộc cứu rỗi các linh hồn, để vinh quang Nước Chúa lan tràn khắp mặt đất. Amen.

III. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

1. GỢI Ý SUY NIỆM.

"Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến". (Lc 10,1 tt)

Các môn đệ được sai đi theo chỉ thị của Chúa Giêsu.
Thời thơ ấu của Chúa Giêsu, Ngài loan báo Tin Mừng thế nào?
Thời ẩn dật tại Nagiarét, Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng thế nào?
Thời hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã làm gì và nói điều gì để loan báo Tin Mừng?

2. GỢI Ý SÁM HỐI

Con có những ý nghĩ và việc làm, theo ý riêng, để loan báo Tin Mừng, mà không theo gương mẫu Chúa Giêsu. Xin thương xót con.
Con không thực hiện việc loan báo Tin Mừng, theo những chị thị của Chúa Cứu Thế.
Con không giống người mang danh Kitô-hữu. Xin Chúa thương xót con.

3. LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Từng giây phút và cả cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, là một công cuộc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy dõi theo cuộc đời của Chúa mà thực thi sứ vụ Kitô-hữu của chúng ta, và hãy cùng nhau dâng những lời ước nguyện cho chúng ta và cho mọi người:

- Chúa Giêsu phán: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, biết noi gương Chúa Giêsu mà loan báo Tin Mừng cho hết mọi người, ở mọi thời và khắp mọi nơi.

- Trong thời tuổi trẻ, Chúa Giêsu ngoan ngoãn sống theo nề nếp thánh gia thất. Chúng ta cầu nguyện cho các em thiếu nhi, theo gương Chúa Giêsu, chăm ngoan việc học giáo lý, việc đạo đức, và việc rèn luyện bản thân, nên gương sáng cho các bạn đồng lứa tuổi.

- Trong thời lao động, Chúa Giêsu tận tâm phụng sự Thiên Chúa và phục vụ gia đình. Chúng ta cầu nguyện cho những người trong độ tuổi lao động, luôn trung thành thờ phượng Chúa, sống liêm chính, nên ánh sáng cho trần gian.

- Trong thời công khai, Chúa Giêsu để lại rất nhiều mẫu gương cho việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho những nhà truyền giáo, cho các Kitô-hữu trong họ đạo chúng ta, luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, và giúp đỡ anh chị em tìm gặp Chúa Giêsu.

Kết thúc: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, hằng hữu, Chúa dạy chúng con phải vâng nghe lời Con Yêu Dấu của Chúa. Xin Chúa ban Thánh Thần giúp chúng con hiểu biết và thực thi những điều Con Chúa dạy bảo, và liên kết chúng con nên một với Con Một Chúa, là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

IV. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI

Con hằng xin Chúa ban cho sức mạnh.
Để gồm thâu bao sự nghiệp, uy quyền.
Ngài bỏ mặt con yếu đuối như Sên.
Để con sống khiêm cung và vâng phục.
Con hằng xin xác thân mình khoẻ khoắn.
Để làm nên chuyện đội đá vá trời.
Ngài lại cho, nào tật bệnh, dể duôi.
Để nghiệm ra việc nào là hữu ích.
Con xin chúa thât nhiều tiền lắm của.
Cứ vinh vang và thoải mái tràn trề.
Ngài lại cho con áo rách, nón mê.
Để con được khôn ngoan và nhân đức
Con xin Chúa cho quyền cao chức trọng.
Đi đến đâu cũng võng lọng dù che.
Ngài để con ra thấp kém, u mê.
Để con biết luôn cậy nhờ vào Chúa.
Con xin Chúa ban dư đầy mọi sự.
Được thong dong để nếm trải mùi đời.
Ngài chỉ cho con sự sống mà thôi.
Để thưởng thức vị ngọt bùi, tân khổ.
Những điều con xin, cuối cùng, tay trắng.
Chúa lặng thinh, không đáp lại nữa lời.
Dường như, ở một cõi rất xa xôi.
Ngài nghe thấu, Ngài cho con tất cả.
Chuyển thể thơ: Đình Bảng
Paradoxes of prayer
I asked God for strength,
that I might achieve.
I was made weak,
that I might learn humbly to obey.
I asked for health,
that I might do greater things.
I was given infirmity,
that I might do better things
I asked for riches,
that I might be happy.
I was given poverty,
that I might be wise…
I asked for power,
that I might have the praise of man.
I was given weakness,
that I might feel the need of God.
I asked for all things,
that I might enjoy the life.
I was given life,
that I might enjoy all things…
I got nothing that I asked for,
but everything I had hoped for,
Almost despite myself,
my unspoken prayers were answered,
I am among all, most richly blessed!

V. TRANG THIẾU NHI

I. Câu chuyện: Sáng Chúa Nhật sau lễ, thay vì học giáo lý, Cha Sở cho các em thiếu nhi xem phim "Cuộc đời Chúa Cứu Thế". Bộ phim làm Tí và các bạn cảm động lắm, nhất là đoạn Chúa bị bắt, bị đánh đòn, kết án và đem đi giết. Mấy tụi con gái thương Chúa, khóc sụt sùi ra mặt, còn đám con trai quay mặt dấu đôi mắt đỏ hoe.

Riêng Tí, hình ảnh trong phim gây ấn tượng nhất lại là cảnh Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường rao giảng Tin Mừng: Chúa đi trước, các môn đệ tiếp bước theo sau. Đến đâu các ngài cũng được dân chúng tuôn đến vây quanh, lắng nghe, kính trọng và tỏ lòng mến phục. Suốt trên đường từ nhà thờ về nhà, Tí luôn bị ám ảnh bởi ước mơ: giá mà mình sinh ra vào thời Chúa Giêsu, mình cũng sẽ bỏ mọi sự để theo làm môn đệ của Chúa, cùng đi với Chúa trên khắp các nẻo đường để loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Tí giật mình thức giấc, em đưa mắt nhìn lên đồng hồ treo tường, kim giờ chỉ 1 giờ 15 phút: "Thôi chết rồi, hồi sáng mình hẹn đúng 1 giờ chiều sẽ tập văn nghệ với các bạn nhà Thầy Thơ!". Tí ngồi bật dậy, rồi ba chân bốn cẳng cắm đầu chạy ào ào. Đến đầu ngõ, em đâm sầm vào một người nào đó. Ngẩng đầu nhìn lên định xin lỗi, Tí bỗng há hốc miệng không thốt lên lời: đứng trước mặt em không ai xa lạ, mà chính là Chúa Giêsu. Tí lắp bắp trong miệng:

-Ông là, Ông là?
-Phải - Chúa nhìn Tí cười hiền từ - Ta chính là Chúa Giêsu đây!
-Ồ, Chúa đi đâu giữa trưa nắng vậy?
-À, ta đi rao giảng Tin Mừng đây. Nhưng Ta đang cần một số môn đệ để phụ giúp rao giảng với ta, ngặt nỗi đi từ sáng tới giờ mà chưa kiếm được ai cả.
Nghe Chúa nói như vậy, Tí mừng như đánh lô tô trong bụng, em rụt rè dọ ý Chúa:
- Vậy, con có thể xin theo làm môn đệ Chúa được không ạ? Con khao khát đều đó từ lâu rồi.
-Được, con hãy theo Ta!
-Vậy Chúa đợi con chút nha, con chạy lại đàng nhà Thầy Thơ để báo cho các bạn biết, không thôi họ cứ chờ con đến tập văn nghệ.
-Ai không bỏ bạn bè mình mà theo Ta, thì không xứng là môn đệ ta đâu!
-Nhưng còn ba má con, để con trở về báo tin cho họ, không chừng chiều nay họ sẽ khóc đỏ mắt để tìm con đó.
-Ai không bỏ cha mẹ mình mà theo Ta, thì không xứng là môn đệ ta!
-Nhưng đàng nào con cũng phải trở về nhà để đập heo lấy tiền và một số vật dụng cá nhân, để phòng bị cuộc sống cho con và cả Chúa nữa chứ.
-Chớ mang theo vàng bạc hay tiền túi, chớ mang theo bị, áo, giày dép,vì thợ thì đáng hưởng công của mình!
-Thôi được rồi, con sẽ đi theo Chúa liền - Tí phụng phịu trả lời, trong lòng đã bớt đi một phần hứng khởi ban đầu, vì một loạt những từ chối của Chúa trước những yêu cầu mà Tí cho là cấp thiết.

Chúa và Tí cùng đi, đi hoài, đi mãi,băng qua một cánh đồng lớn, qua vài ngôi làng nhỏ, rồi lại tiếp đến một cánh đồng mênh mông. Tí bắt đầu cảm thấy mỏi mệt, trên đầu trời nắng chang chang, cổ họng thì khô rát, chân nhức mỏi và bắt đầu phỏng rộp. Lúc đầu Tí còn cố bước nhanh để đi ngang hàng cạnh Chúa, nhưng em dần đuối sức, bước chân cứ nặng như đeo chì và cứ thế tụt dần lại đàng sau. Cắm cúi ráng bước thêm được một lúc, thì Tí cảm thấy mình không còn chịu đựng được nữa. Em nghe hơi thở mình nặng nhọc và mắt bỗng mờ đi. Ngước mặt nhìn lên, em hốt hoảng vì Chúa đã đi khá xa đàng trước. Em cố sức gào lên: "Chúa ơi, đợi con với, con mệt quá! Con không bước nổi nữa rồi!". Nhưng hình như Chúa không nghe thấy, Ngài vẫn nhanh chân rảo bước về phía trước và bỗng rẽ khuất sau môt rặng cây. Sợ lạc mất Chúa, Tí sợ hãi gom tàn sức lao theo. Nhưng em bỗng cảm thấy kiệt sức, mắt hoa lên rồi tối sầm lại, chân em vấp phải một mô đất trên đường, té lăn quay và rơi tỏm xuống con mương ngập nước bên đường. Chết rồi, Tí không biết bơi! Em cảm thấy mình chìm trong nước và bị ngộp thở. Tí giẫy dụa và gào lên: "Cứu con với, Chúa ơi! Cứu con với, Chúa ơi!".

-Tí! Tí!dậy, dậy đi con! Làm gì giữa ban ngày ban mặt mà ngủ mớ dữ vậy!

Nghe tiếng ba kêu, Tí giật mình thức giấc, mồ hôi hột toát ra đầm đìa. Hú hồn, hoá ra chỉ là một giấc mộng. Cũng may là ba má không thể biết mình mằm mớ thấy gì, chứ ba má mà biết được là quê lắm đó. Rồi Tí tự nhủ: "Ừ, hoá ra làm môn đệ theo Chúa không dễ chút nào cả. Không phải chỉ được toàn những lời ca khen, thán phục, như trong phim Tí đã xem, mà còn có cả mồ hôi, sự hy sinh chịu đựng và nước mắt nữa!". Giấc mơ này Tí quyết định giấu kín trong lòng, không kể cho ai biết đâu. Mà nếu các bạn có biết cũng đừng kể lại cho ai nha. Họ cười Tí chết!

II. Trò chuyện cùng thiếu nhi:
Các em thiếu nhi thân mến,
Trong câu chuyện trên, bạn Tí đã có ước mơ được làm môn đệ của Chúa Giêsu và được cùng Người lên đường loan báo Tin Mừng. Ước mơ đó thật chính đáng, vì Đức Giêsu chính là bậc thầy trong việc loan báo Tin Mừng.

-Chúa Giêsu không những dạy các môn đệ phải lên đường loan báo Tin Mừng, bằng việc sai các ông đi rao giảng (Mt 10,5), mà chính bản thân Người còn là một tấm gương sáng trong lĩnh vực đó. Thật vậy, Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng mọi nơi, từ khắp xứ Giuđêa đến Galilêa..; rao giảng trong mọi lúc, khi thì trong Hội đường, lúc thì trên đường đi, cả những lúc dừng chân nghỉ mệt( bên bờ giếng Giacóp-rao giảng cho chị đàn bà xứ Samari)…; rao giảng cho mọi người, cả dân Do Thái lẫn dân ngoại( vùng Tyrô và Siđôn); rao giảng cho cả người công chính lẫn kẻ tội lỗi…

-Chúa Giêsu cũng làm gương khi dạy các môn đệ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng, chính Người đã gợi ý cho các ông cầu xin Cha ban nhiều thợ gặt (Mt 9, 36-38).

-Để có người cộng tác trong việc loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã quan tâm đào tạo các môn đệ bằng những lời dạy dỗ, bằng các huấn thị, các dụ ngôn, các phép lạ,và cả bằng đời sống gương mẫu của Người.

-Chúa Giêsu cũng đã dùng mọi phương cách có thể, để phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng: từ việc dùng những giáo huấn cao siêu, đến những dụ ngôn bình dân; từ việc dùng lời nói thuyết phục, đến những phép lạ kèm theo; từ việc thuyết giảng chung cho cả đám đông, đến việc hướng ý mở đường cho từng cá nhân riêng biệt (cho người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Gia-kêu…)…

Tóm lại, Chúa Giêsu là tấm gương sáng cho chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng. Và chắc chắn chúng ta cũng không thể không học nơi Người một tâm hồn quảng đại, một đời sống hy sinh và một tấm lòng nhân từ, thương xót vô biên. Đó là những đức tính không thể thiếu trong con người của một nhà truyền giáo đích thực, dù trong bất cứ thời đại nào.

III. Bài học thực hành:

-Vâng lời Chúa Giêsu dạy, em siêng năng cầu nguyện cho việc truyền giáo.
-Em siêng học giáo lý và rèn luyện nhân cách, để sau này trở thành nhà truyền giáo theo chân Chúa Giêsu.
-Em tập cách sống quảng đại, hy sinh và giàu lòng nhân từ, để sau này trở nên thợ gặt nhiệt thành của Đức Kitô trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam .

VI. TÀI LIỆU TRUYỀN GIÁO

Quan điểm và Mong Ước của các Đức Giám Mục Việt Nam về Sứ Mạng Truyền Giáo của Giáo Hội
Tài liệu Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu:
Bản trả lời của các giáo phận Việt Nam cho bản câu hỏi "Lineamenta"

Hạt giống Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đã đến với Việt Nam từ bốn thế kỷ. Nhưng trước đó cả ngàn năm, trên vùng đất này, đã có ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và một loại Tín Ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam , con người Việt Nam , đã được nhào luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các tín ngưỡng đó.

Vì vậy khi Tin Mừng Đức Giêsu Kitô được loan báo cho người Việt Nam, không khỏi xảy ra những va chạm - có khi đến mâu thuẫn - giữa cái cổ truyền với cái mới lạ, giữa cái được gọi là "quốc hồn quốc túy" với cái bị xem là ngoại lai. Đối với người Kitô giáo, cái mới đã làm đảo lộn nền luân lý và đời sống tâm linh của cá nhân cũng như cơ cấu và lề thói của xã hội, gây nhiều khó khăn cho việc chung sống với đa số đồng bào của mình.

Việc loan báo Tin Mừng chịu nhiều yếu tố của những thực tại trên chi phối, làm cho gương mặt Đức Giêsu khi tỏ khi mờ trong cái nhìn của người ngoài Kitô giáo và cả trong tâm thức của người tín hữu Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có khi tưởng như hạt giống Tin Mừng sắp chết khô, thì cũng có thời được thấy "cây đức tin" sinh nhiều hoa trái.

Sau đây, từ những bài báo cáo nhận được, chúng tôi rút ra vài kết luận xin được đem chia sẻ như những kinh nghiệm có ý nghĩa đặc biệt trong ịch sử truyền giáo trên đất nước Việt Nam; từ đó chúng tôi sẽ đưa ra quan điểm mà chúng tôi xét là cần được lưu tâm; sau cùng chúng tôi nói lên những ước vọng của chúng tôi, ước vọng của những người đã được phúc lành nhận Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, và mong được hết tình phục vụ Lời Chúa và Giáo Hội của Người một cách hữu hiệu.

I. Kinh nghiệm bốn trăm năm truyền giáo
1. Giáo Hội Việt Nam đã thu gặt một số hoa trái ngon ngọt

Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và nhất là Đạo Ông Bà đã xây dựng từ hơn một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái. Thật vậy, lòng hiếu khách và bao dung làm cho người Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với những người tỏ ra có thiện cảm với mình, cho dù họ từ xa đến. Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, người Việt Nam là một mãnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liên hàm chứa trong Tin Mừng.

Hơn nữa, tình trạng nghèo đói khốn khổ triền miên của dân tộc đã tạo nên một khoảng trống mà họ chờ mong được lấp đầy. Nhờ các nhà truyền giáo, họ đã nhận lãnh nhiều điều tốt lành: những thường thức về vệ sinh, khoa học, những hiểu biết mới, những đồ vật quý hiếm cũng như những trợ giúp vật chất - dù rất khiêm tốn - những nhân vật thánh thiêng đầy nhân ái v.v... khiến họ, nhất là những người thuộc lớp bình dân, sẵn sàng đón nhận giáo lý mà những người tốt lành như vậy mang đến ho họ. Đàng khác, những tập tục phi lý và phi nhân (bùa mê, sát tế) làm nên một gánh nặng đè lên cuộc đời của họ: do đó, khi đã tìm gặp một vị thần đầy yêu thương, họ liền cảm thấy được giải thoát và tin theo.

2. Giáo Hội Việt Nam cũng đã phát hiện có nhiều trái sâu
Thoạt nhìn bên ngoài, tưởng chừng tất cả mọi hoa trái thu vào đều tốt đẹp, nhưng qua một thời gian, mới thấy có những hoa trái bị đục khoét từ bên trong. Khi xét lại có thể nhìn nhận rằng chính những ưu điểm của con người Việt Nam đã làm cho người ngoài ngộ nhận.

Tính dễ dãi đã tạo thuận lợi cho việc tiếp xúc thuở ban đầu: phong cách lễ nghĩa đưa đến việc lầm tưởng người nghe đã đầu phục những chân lý được nêu lên. Thật ra, việc nhập đạo nhiều khi chỉ ở cấp độ lễ nghĩa, tình hàng xóm, "bánh ích đi bánh quy lại". Nhiều trường hợp chỉ do khi lập gia đình với người công giáo, họ đã nhượng bộ những yêu sách của Giáo Luật.

Nói một số khác, một đời sống sung túc hơn làm cho họ cảm thấy không cần đến với đạo nữa. Những phong trào sôi nỗi, những mời gọi của xã hội hiện thời hấp dẫn hơn, đẩy họ xa rời môi trường nhà thờ và những biểu hiện bên ngoài còn ít oi của văn hóa Kitô giáo.

3. Giáo Hội Việt Nam tìm hiểu nguyên nhân của các khó khăn

a. Có những bất lợi khách quan đè nặng trên đời sống tôn giáo người Kitô hữu Việt Nam

Bối cảnh Việt Nam hiện nay đầy biến động. Những bất ổn do hậu quả chiến tranh gây nên là yếu tố nổi bật. Thế hệ hậu chiến tranh - chiếm 80% dân số - mang nặng một não trạng kế thừa của gia đình đã trải qua thời chiến, cộng với những thèm khát được bù trừ trong hiện tại. Hiện tại hậu chiến tranh nầy lại đang ở thời kỳ mở cửa về mặt kinh tế, nên chịu ảnh hưởng vô số những yếu tố có tính cách phá hoại nếp sống gia đình và đời sống đức tin.

Sau biến cố năm 1975, Nhà Nước Việt Nam đã đưa ra những giới hạn đối với sinh hoạt tôn giáo: hoạt động các hội đoàn, việc huấn giáo, thậm chí công tác mục vụ của các vị chủ chăn mọi cấp; các phương tiện truyền thông xã hội để trở hành độc quyền của Nhà Nước; các cơ sở giáo dục, y tế, v.v... trước đây của Giáo Hội không còn nữa, khiến việc loan báo Tin Mừng như mất hết các phương tiện vật chất.

b. Trầm trọng hơn là những nguyên nhân thuộc phạm vi huấn giáo và mục vụ

Công tác huấn giáo bắt đầu vào việc tiếp cận con người. Thời gian qua cho thấy người Á Đông khó tiếp thu ngôn ngữ của giáo lý Kitô giáo.

Họ vốn có một di sản tâm linh sâu sắc, thường cảm thấy bị xúc phạm bởi những câu như: "chỉ có một Đấng Cứu Độ duy nhất là Đức Kitô", "Phúc Âm hóa các dân tộc", "phải rửa tội mới được lên Thiên Đàng". Những kiểu nói đó như không kể gì tới giá trị ngàn đời của tôn giáo họ đã quen theo. Một số biểu tượng trong phục vụ công giáo đối nghịch với những quan niệm của người Á Đông. Quan niệm trung dung của người Á Đông bị dội khi họ phải học một vài tín điều qua những lối nói cứng ngắt có vẻ trịch thượng (tính vô ngộ của Đức Giáo Hoàng, độc thần chẳng hạn).

Trong khi thuyết giảng với ngônngữ như thế, một số linh mục, tu sĩ, lại theo lối sống gần với người Tây Phương hơn là với đồng bào, và vì có mức học vấn cao nên họ thường tỏ ra tự tin, có khi tự mãn. Nhà thờ thường xây theo kiến trúc Tây Phương, một số các ảnh tượng đã được thực hiện theo hình dáng Việt Nam , nhưng chưa có gì là sâu sắc. Trong phụng tự, việc hội nhập văn hóa tuy đã có vài sáng tác (như các ngày Tết dân tộc, lễ Trung Thu), nhưng cho đến nay mới còn ở mặt ngoài. Ở đôi nơi, mặt ngoài nầy lại không thích hợp (dâng hoa rườm rà, dù lọng... nhắc nhớ những nghi lễ phong kiến hơn là đưa vào thái độ phụng thờ thâm sâu). Sống theo chiều hướng nầy, người dạy đạo dần dần xa cách lớp người học đạo, và làm cho những người nầy có cảm tưởng Kitô giáo chỉ là một tôn giáo ngoại lai.

Bên cạnh những khiếm khuyết về mặt tiếp cận với người Á Đông như nói trên, còn có một mâu thuẫn nội tại. Một đàng, Giáo Hội như bung ra một cách rầm rộ (nhất là trước năm 1975 và sau thời kỳ mở cửa); xây cất, thu cho mình tối đa những phương tiện vật chất - nhà thờ, đền đài, xe cộ, máy móc hiện đại; đàng khác, trình độ giáo lý của người làm công tác loan báo Tin Mừng hãy còn thấp kém, việc đào tạo huấn luyện dậm chân tại chỗ, còn rất nhiều thiếu sót. Tình trạng nầy không những gặp thấy ở các giáo lý viên tại các giáo xứ (chỉ là người thiện chí dâng công cho công tác tông đồ), mà ngay cả ở cấp chủng viện, tập viện của một số đông dòng tu. May thay các người phụ trách lãnh vực nầy ý thức khiếm khuyết đó: tất cả các giáo phận đều thấy cần đưa vào chương trình huấn luyện môn truyền giáo học.

4. Giáo Hội Việt Nam kinh nghiệm tám Mối Phúc

Những phương tiện lớn lao như xây dựng cơ sở vật chất, tổ chưc sinh hoạt có tính cách tập trung đông đảo, tức là những gì tỏ ra quyền lực sức mạnh quần chúng, thì bị giới hạn tối đa. Nhưng những công việc có vẻ sơ đẳng, âm thầm, như giúp trẻ khuyết tật, người phong cùi, người nghèo ở những vùng xa xôi hẻo lánh không được ai quan tâm, thì người công giáo và nhất là các nữ tu được mời gọi tham gia. Sự hiện diện âm thầm với những phương tiện nhỏ bé, nghèo nàn, dễ được mọi người chấp nhận. Như vậy Giáo Hội trở lại gần với người nghèo hơn, đồng cảm với họ trong thân phận làm người. Nhờ đó, qua chứng tá của người tín hữu, những người khác dễ nhận ra thông điệp và khuôn mặt đích thực của Đức Kitô, Đấng đã làm người nghèo ở giữa các người nghèo để phục vụ.

II. Quan điểm

Với những kinh nghiệm trên đây, Giáo Hội Việt Nam nghĩ rằng cần phải quan niệm lại cách thức loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á Châu.

Trước hết, vì lục địa Á Châu không phải là một vùng đất hoang mà chúng ta có thể gieo trồng bất cứ giống gì. Trái lại, đây là vùng đất của những tôn giáo và của những nền văn hóa lâu đời hơn nhiều so với Âu Châu. Ở đây vốn đã sẳn có một vũ trụ quan, một nhân sinh quan, và một quan niệm tôn giáo rất phong phú và còn khá vững chắc. Tại đây, phần lớn người ta không phải là không biết đến Thiên Chúa, trái lại, họ cũng đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Người một cách nào đó, và gọi Người bằng những tên gọi khá nhau, như là Trời, là Thiên, là Brahman v.v... Do đó, "truyền giáo" không phải là giới thiệu một Thiên Chúa, một Đức Kitô hoàn toàn xa lạ, mà một cách nào đó, có thể nói là "làm sáng tỏ cái đức sáng" (minh minh đức) vốn đã hiện hữu tiềm tàng, hay là giúp cho người ta "ngộ" được" cái chân lý, mà theo công đồng Vatican II đã có phần nào trong các tôn giáo khác (x. Nostra Aetate, số 2, đoạn cuối), đặc biệt là của Á Châu. Hãy theo cung cách của chính Đức Giêsu, là nói cho người ta biết Thiên Chúa đang ở giữa họ, ngay trong lòng họ, bây giờ và tại đây, chứ không phải tại Giêrusalem hay ở một nơi nào khác, một thời nào khác. Nói khác đi, chính từ thứ nước uống hằng ngày mà người ta có thể khám phá ra nước hằng sống (x. Ga 4,7-26). Bởi vì chính Thiên Chúa đã sáng tạo nên vạn sự, do đó, một cách nào đó, phải nói rằng sự hiện hữu của các tôn giáo ngoài Kitô giáo, cũng đều do sự quan phòng của Người.

Tuy nhiên, cách nhận thức về Thiên Chúa, quan niệm về Thực tại Tối Hậu nơi người Á Châu không giống với Tây Phương. Có hai đặc điểm chính của triết học và tôn giáo Á Châu, đó là trước hết, người ta có một cái nhìn tổng hợp, hài hòa về mọi thực tại, kể cả Thực Tại Tối Hậu, mà người ta gọi là Trời, Thiên, Ðại Ngã, Brahman hay Ðạo. Thứ đến, vì đây là một cái nhìn hài hòa, kết hợp âm dương, nội ngoại, siêu việt nội tại. Vì thế mà cách đặt tới thực tại là con đường phủ định, via negativa. Người ta không thể giải thích Thiên Chúa là gì, nên chỉ nói Người không phải như thế nầy, không phải như thế kia, do đó mà người ta quan nệm rằng nên dùng cái tâm hơn là dùng lý trí để nghiệm chân lý.

Thần học Âu Châu, nhất là thần học Kinh Viện không thích hợp với tinh thần tôn giáo Á Châu, vì nó quá thuần lý. Người Á Châu nghĩ rằng không thể phân tích chân lý, không thể giải thích mầu nhiệm, cho nên chọn sự im lặng hơn là lời nói, và không chấp vào ngôn từ, chữ nghĩa: ngôn từ chữ nghĩa như là ngón tay chỉ mặt trăng, cái quan trọng là mặt trăng chứ không phải ngón tay. Vì thế mà không nói đến tâm hư (lòng trong = thanh liêm, thanh bạch).Lão nói tới vô vi (làm mà như không làm gì cả). Phật nói tới vô ngã (Anaha = không nghĩ tới mình, coi mình chỉ là không). Phải chăng ở đây có cái gì giống với mầu nhiệm của kenosis của sự tự hạ quên mình của Chúa Kitô, và mầu nhiệm của ngôi mộ trống, một cái không, một cái trống rỗng nhưng chứa đựng cả một chân lý tuyệt vời: Chúa Kitô đã phục sinh. Ngôi mộ trống đã trở nên dấu chỉ của Ðấng phục sinh. Cũng vậy, các nhà hiền triết Á Châu thường cho rằng không cần nhiều lời để nói về thực tại vốn không thể nà diễn tả được. "Đạo khả đạo phi thường đạo" (Lão Tử). Vì thế, Hội Thánh ngày nay phải chấp nhận một sự đa dạng về thần học. Nếu có lối suy tư diễn tả thần học của Tây Phương, thì cũng cần có lối suy tư diễn tả của người Châu Á, ít ra là cho người Châu Á, và điều nầy không ai làm thay người Châu Á được. Đã đến thời mà người Châu Á không còn bằng lòng sao chép, diễn dịch các tư tưởng thần học Phương Tây. Đức Giêsu là người Châu Á, nhưng tư tưởng của Người phải đi vòng qua Châu Âu rồi mới trở vê Châu Á. Bây gờ đã đến lúc tư tưởng của Người có thể đến thẳng với các dân tộc Á Châu. Ngôn ngữ Kinh Thánh quả thật gần với ngôn ngữ các thánh hiền Đông Phương hơn là ngôn ngữ của các nhà tư tưởng Tây Phương.

Đối với Á Châu. Đạo bất viễn nhân (Khổng Tử). Trời hay Thiên Chúa không xa con người. Do đó mầu nhiệm Thiên Chúa làm người rất thích hợp với tâm hồn Á Đông. Một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương nhân từ, một Thiên Chúa ở giữa loài người, chia sẻ thân phận con người và gánh vác những nỗi khổ đau của nhân loại, rất gần với niềm tin tưởng và chờ đợi của con người vốn không quen hướng tới những thực tại siêu quá cao vời, mà là tới những khuôn mặt từ bi của các bồ tát như Quan Thế Âm chẳng hạn. Ðó cũng là lý do giải thích tại sao không những người Công Giáo, mà cả những người ngoài Kitô giáo tại Việt Nam, cũng yêu mến và tìm đến với Đức Mẹ. Cũng chính vì thế, một khuôn mặt Chúa Kitô hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29), phản ảnh một người Cha nhân hậu (x. Lc 6,36). Đấng muốn qui tụ mọi người trong đại gia đình nhân loại mớ, trong đó mọi người hiếu với Cha, yêu thương hòa hợp với anh em, dễ thu hút tâm hồn Châu Á, hơn là một vương quốc theo hình ảnh phong kiến. Đạo lý Đông Phương vốn trọng chữ Trung chữ Hiếu và chữ Nhân rất gần với tinh thần của Kitô giáo: trung với Chúa hiếu thảo với ông bà cha mẹ tổ tiên và nhân ái với mọi người.

Do đó chúng tôi nghĩ nên có một nền Kitô học Châu Á và một nền Thần Học Châu Á mang một sắc thái nhân bản và hiện sinh hơn.

Cùng với một nền Kitô học và Thần học như vậy, cũng cần phải xây dng một Hội Thánh như một gia đình con cái Thiên Chúa, hơn là phẩm trật với những cơ chế và pháp luật kiện toàn.

Một Hội Thánh như một cộng đồng gia đình sẽ dễ hội nhập vào trong lòng xã hội Á Châu. Các tín hữu Công Giáo sẽ đến với anh em đồng bào của mình không phải như những kẻ xa lạ đến để thuyết phục, chinh phục hay ban phát, mà trước hết là để gặp gỡ chia sẻ. Chia sẻ là vừa cho vừa nhận. Chính Ðức Kitô cũng đã làm như vậy khi Người nhận từ nhân loại máu mủ thịt xương, cơm ăn áo mặc, lời nói và văn hóa, v.v... để rồi có thể chia sẻ cho nhân loại tình thương của Thiên Chúa nhờ tất cả những gì mà chính Người đã nhận được từ nhân loại. Một giám mục chúng tôi đã phát biểu đề tài nầy như sau tại Công Đồng Vatican II: "Quan niệm Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Cách trình bày mầu nhiệm Giáo Hội bằng những từ ngữ về gia đình rất quen thuộc và dễ hiểu đối với mọi người (...) Trình bày Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa giúp các Kitô hữu trở về với Tin Mừng, trở về với cách giảng dạy đơn sơ của Đức Giêsu (Đức Giêsu dùng rất nhiều hình ảnh về gia đình), nhờ đó để dễ hiểu và thấm nhuần Tin Mừng hơn" (Acta Sunodalia Vat. II Vol II, Pars II, P 42-45, Typus Polyglottis Vaticanis, 1972). Chính Công Đồng Vatican II cũng đã nói về đề tài nầy trong nhiều văn kiện, như trong Hiến Chế về Giáo Hội Lumen Gentium, 6, 32, 52; Sắc lệnh về truyền giáo, 1; Sắc lệnh về linh mục, 6.

Hội Thánh hôm nay cũng không đến để chỉ cho hay ban tặng, dù là ban tặng chính Đức Giêsu. Thật ra, Đức Giêsu cũng là người Châu Á. Người sinh ra và làm người giữa lục địa mênh mông của các tôn giáo và các nền văn hóa lớn nầy. Hội Thánh hôm nay cũng ý thức mình là Hội Thánh "trong thế giới" và các Giáo Hội Á Châu cũng ý thức mình vốn ở trong Á Châu nầy, giữa các anh em của mình. Hội Thánh Á Châu vẫn đang đón nhận từ các nền văn hóa và tôn giáo Á Châu những giá trị bồi dưỡng cho chính niềm Kitô giáo của mình, cũng như ngày ngày vẫn chia sẻ cơm ăn áo mặc với mọi người.

Vì thế loan báo Tin Mừng, theo quan niệm của Hội hánh Việt Nam chúng tôi trước hết là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, tức là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13). Nói cách khác, loan báo Tin Mừng đồng nghĩa với làm chứng cho Chúa Kitô (x. Lc 24, 47, 48, Cv 1,8), bởi vì họ là những kẻ sẵn sàng và dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua dấu chỉ của tình thương, và nói theo Bernanos, thì "chỉ có họ mới biết bí quyết của hy vọng". Chúng tôi nhờ lại kinh nghiệm của Giáo Hội chúng tôi thuở ban đầu, theo báo cáo của linh mục Gaspar d'Amarat ngày 31.12.1632, nghĩa là 5 năm sau khi Tin Mừng được rao giảng, nói về cộng đồng tín hữu tại Thăng Long (Hà Nội ngày nay): "Giáo hữu ở đây được hơn một ngàn người, họ yêu thương nhau đến nỗi những người chung quanh, vì chưa biết gọi tên họ là gì, nhưng vì nhìn cách họ sống, đã gọi họ là "Đạo những người yêu nhau". Đó cũng chính là kinh nghiệm của Giáo Hội sơ khai tại Giêrusalem vậy (x. Cv 2,42-47, 4,32-35).

III. Những ước mong

Với những quan điểm như trên, và trong hoàn cảnh hiện tại của Á Châu và của Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam chúng tôi mong muốn các giáo hội khác chia sẻ với chúng tôi quan niệm về sứ vụ, và cung cách đặc biệt của chúng tôi loan báo Tin Mừng, đó là không tìm cách thuyết phục, tuyên truyền, càng không phải là chinh phục kéo cho được đông người "vào" đạo, nhưng trái lại là đi đến với mọi người (x. Mt 28,19) làm người với mọi người (x. Ga 1,14), như là nhânchứng của Chúa Kitô hiện thân tình yêu của Cha trên trời.

Hơn bao giờ hết, Giáo Hội Việt Nam hôm nay là những hạt lúa đang được gieo vào lòng đất, rải rác khắp cánh đồng, ít ai thấy được những thành quả to lớn... như là những bông lúa to có thể đếm hay cân đong được, mặc dù vậy, chính những hạt lúa bị chôn vùi kia lại đang trổ sinh một mùa lúa mới. Dựa vào Lời Chúa, chúng tôi thả lưới (Lc 5,6) chúng tôi gieo và rồi dù ban ngày hay ban đêm, dù chúng tôi thức hay ngủ, lúa vẫn mọc lên, và chúng tôi có quyề hy vọng (x. Mc 4,26-27).

Nhà "truyền giáo" Việt Nam hôm nay thường là giáo dân, đặc biệt là nữ tu. Cũng như trong thời đầu của Giáo Hội tại đây, và giống như thời Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem, chính giáo dân là những người đầu tiên đã đem Tin Mừng ra khỏi Giêrusalem (x. Cv 11, 19-21). Ngày nay, giáo dân và nữ tu, và cả giới trẻ nữa, đang âm thầm làm chứng cho Đức Giêsu ở khắp mọi miền đất nước chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cho công lao của họ được nhìn nhận, và việc làm của họ phải được nâng ở khuyến khích.

Tóm lại, một Giáo Hội nghèo mới thích hợp với đại dương mênh mông của người nghèo. Một Giáo Hội khiêm nhu nhỏ bé dễ hòa mình vào giữa đại đa số những người nghèo của Châu Á. Và một Giáo Hội không quyền lực dễ gần gủi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm. Vì phải chăng đã đến lúc cần sáng tạo ra những "mô hình" mới của Giáo Hội như là những cộng đồng nhỏ bé, dễ hòa mình vào những cộng đồng xã hội của người nghèo: những cộng đồng ngèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không còn e dè sợ hãi khi tiếp cận, gặp gỡ, những cộng đồng mở rộng hơn là khép kín. Sau cùng đó là những cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống toàn diện của con người, không chỉ khép kín trong đời sống thuần túy tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống vật chất, nâng cao văn hóa và giáo dục cho người dân, nhất là những người nghèo, tục ngữ Việt Nam có câu: "có thực mới vực được đạo". Giáo Hội không được sai đến để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội v.v... nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội không quan tâm đến những vấn đề ấy. Chúa Giêsu đã loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, mà Tin Mừng của Người là "làm cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy" (Lc 7,22). Châu Á là lục địa của biết bao nhiêu người đui mù, què quặt, điếc hay cùi v.v... đang mong chờ niềm vui được cứu chữa, và Giáo Hội phải biết chia sẻ những nỗi đau khổ, cũng như những nỗi "vui mừng và hy vọng" của họ.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

VII. NHÌN VÀO CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA

MỖI NGƯỜI CHÚNG TA THẤY GÌ ?

Bạn và tôi, chúng ta hãy bắt đầu với bộ phim mang tính thời sự nhất hiện nay nhé !!!
Trong thời gian gần đây người ta nói nhiều đến một tác phẩm điện ảnh mang tựa đề "THE PASSION OF THE CHRIST" (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) do đạo diễn Mel Gibson thực hiện.

Từ trước đến nay đã có nhiều bộ phim diễn lại toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng cuốn phim mới này chỉ đề cập đến 12 giờ, tức nửa ngày cuối cùng của Đấng Cứu Thế. Dựa vào các sách Phúc Âm theo Mathêu, Marcô, Luca va Gioan, Chúa Giêsu trải qua 12 biến cố dưới đây trong cuộc khổ nạn của Ngài để cứu nhân loại tội lỗi :

- Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu.
- Chúa Giêsu bị Giuda Iscariốt, một trong 12 môn đồ phản bội.
- Anna, nhạc phụ của Thượng Tế Caipha, chất vấn Chúa Giêsu.
- Caipha thẩm tra Chúa Giêsu.
- Hội nghị các đầu mục Do Thái lên án Chúa Giêsu.
- Philatô xét xử Chúa Giêsu.
- Vua Hêrôđê xét xử Chúa Giêsu.
- Philatô ra lệnh đánh đòn và đóng đinh Chúa Giêsu.
- Quân lính La Mã chế nhạo Chúa Giêsu.
- Chúa Giêsu bị điệu đi đóng đinh.
- Chúa Giêsu bị đặt vào thập giá.
- Chúa Giêsu sinh thì trên thập giá ở Núi Sọ (Đồi Golgatha).

Những người được xem cuốn phim của Mel Gibson đã nhận định rằng : Đây là một bức họa sống động của cuộc tử nạn Chúa Giêsu.

Đúng vậy, Mel Gibson dùng các hình ảnh và sự đẫm máu của phim Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu để lột mặt nạ mọi người và bắt chúng ta phải đối diện với sự thật. Đó là vì tội lỗi của chúng ta và vì thế mà Chúa Giêsu vô tội phải chịu đau đớn, chịu thống khổ vô vàn như thế. Qua đó, từng hình ảnh được diễn lại các tội lỗi của loài người chúng ta, ngay trước mắt ta, qua hình ảnh vô số nhân vật trong Phúc Âm:
- Sự lười biếng của ta, qua hình ảnh các vị tông đồ nơi vườn Giếtsêmani.
- Sự phản bội của ta qua hình ảnh Giuđa.
- Sự dối trá của ta qua hình ảnh Phêrô.
- Sự hèn nhát của ta qua hình ảnh Tổng Trấn Philatô.
- Sự kiêu ngạo của ta qua các tư tế lãnh đạo.
- Sự thờ ơ của ta qua hình ảnh của vua Hêrôđê.
- Và sự sợ hãi của ta được dấu kín dưới bề ngoài can đảm qua hình ảnh tên trộm không hối lỗi trên cây thập giá.
- vv và vv .

Thật sự là các cảm nghiệm này tràn ngập và đáng xấu hổ. Bạn và tôi, chúng ta có thấy được những điều đó khi nhìn vào cuộc khổ nạn của Chúa không ? Chúng ta có thấy được là do hậu qủa của tội lỗi loài người mà Chúa đả phải hy sinh cả tính mạng mình để chuộc lại không ?

Nhưng chúng ta cũng không nên thất vọng vì khi lên thập giá của Chúa chúng ta còn thấy được tình thương của Chúa, thấy được ơn cứu độ, thấy giá trị của đau khổ , mà Chúa đã thương ban cho loài người chúng ta.

Hãy nhìn lên lên thập giá Chúa Giêsu mỗi khi bạn và tôi gặp đau khổ, mỗi khi gặp rắc rối trong cuộc đời. Hãy bám chặt vào Chúa là Đấng cứu độ chúng ta. Và hãy quyết tâm bước đi theo Chúa, bước đi trong cuộc khổ nạn của Chúa mỗi ngày trong đời sống chúng ta.

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA: Tobia 8,5-10

Tôbia nói với Sara rằng: "Chúng ta là con cháu của các thánh, chúng ta không thể kết bạn như những chư dân, họ không nhìn biết Thiên Chúa". Thế rồi cả hai người cùng đứng dậy thành khẩn cầu xin cho được an lành. Tôbia đã nguyện rằng: "lạy Chúa là Thiên Chúa của cha ông chúng con! Trời đất, bể khơi, khe suối, sông ngòi và mọi loài Chúa dựng nên, ở những nơi đó, hết thảy chúng ta hãy ca tụng Chúa! Chúa đã dùng bùn đất mà tác tạo Adam, và ban cho ông được Eva làm người nội trợ. Và giờ đây, thân lạy Chúa, Chúa biết rằng không phải vì lý do sắc dục mà con cưới cô em đây làm vợ, song chỉ vì mến yêu dòng dõi những người biết ca tụng danh Chúa tới muôn đời". Sara cũng nguyện rằng: " Lạy Chúa,xin thương xót chúng con, nguyện cho cả hai chúng con đều sống an khang tới tuổi già".

II. GIA ĐÌNH SỐNG CẦU NGUYỆN

Tôi tự hỏi có bao nhiêu đôi vợ chồng biết hằng ngày cầu nguyện chung với nhau như vợ chồng Tôbia và Sara. Nếu không, đó là một thiếu sót lớn. Bởi trrong đời sống vợ chồng, cầu nguyện là nền tảng của mọi phương thế nên thánh. Nói cách khác, đôi vợ chồng nào thiếu sự cầu nguyện thì gia đình ấy được ví như một ngôi nhà xây trên cát.

1.Cầu nguyện là nền tảng của mọi con đường nên thánh trong gia đình.

Để hiểu được tai sao nói cầu nguyện là nền tảng của mọi con đường nên thánh, chúng ta cần phải suy nghĩ cách thành thật và thấu đáo hai vấn đề này: Tại sao phải cầu nguyện và phải cầu nguyện như thế nào? Trả lời cho hai vấn đề này còn là nói lên tầm quan trong của sự cầu nguyện trong đời sống vợ chồng.

Tại sao phải cầu nguyện?

Câu hỏi này không phải là dư thừa trong trào lưu của xã hội hiện nay. Khuynh hướng của con người thời nay là họ thích làm những gì họ thấy là có lợi cho mình cách này hay cách khác. Tôi uống thuốc vì tôi biết rằng thuốc làm cho tôi khỏi bệnh. Tôi tập thể dục vì tôi biết đó là bí quyết sống lâu. Tôi quan hệ với một ai đó vì tôi biết người đó sẽ giúp đỡ tôi. Đối với sự cầu nguyện thì sao? Tại sao tôi cầu nguyện? Cầu nguyện có ích gì cho tôi không? Nếu tôi không cầu nguyện, tôi có mất mát gì không?

Giáo Lý Công Giáo cho dạy cho ta biết lý do phải cầu nguyện: Vì cầu nguyện liên kết ta với Thiên Chúa là nguồn sự sống. Hơn nữa, Người vẫn hằng kêu mời và chở đợi ta đến thưa chuyện với Người.

Như vậy, cầu nguyện đối với người tín hữu là việc tối cần thiết, vì giúp ta múc nguồn ân sũng từ Thiên Chúa, Đấng ban sự sống để ta được sống trong ân đời sống con cái Chúa. Nhờ cầu nguyện ta cũng được Chúa ban thêm những ơn trợ giúp cho đời sống tín hữu của mình.

Xét về mặt tâm lý, người ta cũng thấy rằng cầu nguyện là một nhu cầu. Một nhu cầu giống như những nhu cầu thể lý, cần được đáp ứng và thoả mãn. Vì đó là một nhu cầu sống còn. Về mặt đức tin, con người không thể làm được gì nếu không có ơn Chúa, không có sự trợ giúp, nâng đỡ của Chúa. Thiếu cầu nguyện là thiếu sự kết hợp với Thiên chúa, thiếu sự nâng đỡ của Chúa, con người giống như cây thiếu nhựa sống. Cầu nguyện là chìa khoá để giải quyết mọi vấn đề trong gia đình.

Phải cầu nguyện như thế nào?

Câu hỏi này cũng không phải là dư thừa khi đa số trong chúng ta đều có ít nhiều khinh nghiệm về sự cầu nguyện trong gia đình, khi chúng ta đã thuộc lòng không biết bao nhiêu kinh bổn. Thật vậy, thông thường khi nói đến cầu nguyện chúng ta nghĩ ngay đến đọc kinh. Nhưng chắc chắn đó chưa phải là cầu nguyện thực sự. Cũng như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải thú nhận rằng mình chưa biết cầu nguyện, nhất là cầu nguyện với tư cách và với bổn phận là vợ là chồng, là cha là mẹ.

Giáo Lý Công Giáo dạy : Cầu nguyện là nâng cao tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Người trong tình yêu.

Người ta có thể cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh, vui, buồn, sướng khổ của cuộc đời...Nói như vậy có nghĩa là cả cuộc đời chúng ta, không chỉ lúc chúng ta trầm tư hướng lòng lên Chúa, mà cả trong khi hoạt động chúng ta vẫn có thể cầu nguyện, vì chúng ta vẫn kết hiệp với Chúa, gắn bó với Chúa.

Để nên thánh trong đời sống gia đình thì đòi hỏi các đôi vợ chồng chẳng những phải biết cầu nguyện mà còn phải cầu nguyện nhiều hơn. Bởi vì đó là một cuộc sống đòi hỏi nhiều hy sinh và chiến đấu.

2. Cầu nguyện, bí quyết hạnh phúc gia đình

Để thấy được sự cần thiết và tầm quan trọng của sự cầu nguyện trong đời sống vợ chồng, chúng ta nên đọc lại sách Tobia mà Phụng vụ đã trích đọc trong Lễ Hôn phối. Trước khi gặp được người chồng đích thực của mình là Tôbia, nàng Sara đã từng có bảy người chồng, nhưng tất cả đều bị giết chết ngay trong đêm tân hôn. Chúa sai thiên thần đến nói cho Tôbia biết rằng bất hạnh xảy đến cho Sara là do bởi quỷ Asmôđê, kẻ xúi giục vợ chồng kết hợp với nhau chỉ bằng nhục dục mà thôi. Bảy người chồng trước của nàng Sara đã chết bất đắc kỳ tử bởi họ đến với nàng chỉ vì ước muốn của xác thịt mà thôi. Do đó, để tránh cho Tôbia khỏi rơi vào cái chết ấy, thiên thần Raphael đã khuyên chàng cùng với Sara cầu nguyện trước khi kết hợp với nhau. Để cuộc kết hợp của họ không chỉ là một cuộc trao đổi trong thân xác mà còn là cuộc gặp gỡ trong tình yêu thực sự. Tôbia và Sara đã hiểu được rằng sự kết hợp của họ cần phải được xây dựng trên nền tảng siêu nhiên. Chúng ta hãy lắng nghe lời cầu nguyện của hai người trước khi họ kết hợp với nhau: " Lạy Chúa, chúc tụng Chúa đã dựng nên Adam và Eva vợ ông để trợ giúp và nâng đỡ ông. Chúa nói con người ở một mình không tốt, chúng ta hãy dựng nên một người giống nó. Giờ đây không phải vì sắc dục mà con cưới cô em đây làm vợ, nhưng chỉ vì ý ngay lành".

Tác giả sách Tôbia ghi nhận: sau lời cầu nguyện của Tôbia và Sara, quỷ Asmôđê không làm gì được hai người nên đành rút lui. Bí quyết để được hạnh phúc mà Tôbia và Sara đã khám phá ra đó là trước khi kết hợp trong thân xác, thì họ đã nên một trong tinh thần và ân sủng của Chúa nhờ cầu nguyện.

Câu chuyện Tôbia và Sara trên đây là đề tài cho các đôi vợ chồng Kitôhữu chúng ta suy nghĩ. Sự cầu nguyện có soi sáng và củng cố tình nghĩa vợ chồng không? Chúng ta có nghĩ rằng sự cầu nguyện đích thực có thể giúp cho việc kết hợp vợ chồng luôn mới và phong phú hơn không? Hai người có biết kết hợp đức tin với tình cảm, đời sống thường ngày với đời sống thần linh không? Khi gặp thử thách và bất hòa trong gia đình, hai người có nghĩ rằng sự an bình nội tâm của mỗi nguời và hoà khí trong gia đình đều có thể tìm lại được nhờ cầu nguyện không?

3. Các Thánh Tử Đạo sống gắn bó với Chúa

Cuộc đời của Hai Thánh Philipphê Phan văn Minh và Giuse Nguyễn văn Lựu là cuộc đời của những người gắn bó mật thiết với Thiên Chúa mà các Ngài tôn thờ. Mối thân tình nầy được bồi đắp thêm mỗi ngày nhờ các Ngài năng cầu nguyện với Chúa, gắn bó với Chúa. Một sự gắn bó mật thiết đến độ, dù hy sinh, gian khổ vẫn không làm các Ngài chùn bước, xa lìa Đấng mà các Ngài đã quyết chí gắn bó cuộc đời mình với Ngài. Đời sống cầu nguyện đã nâng đỡ các ngài dám xả thân chịu chết để bảo vệ đức tin của mình.

Xin hai Thánh Tử Đạo giúp gia đình chúng con biết lấy việc cầu nguyện, việc gắn bó với Chúa làm trọng tâm đời sống chúng con, để nhờ ơn Chúa nâng đỡ, chúng con sống xứng đáng với Chúa và với nhau trong đời sống gia đình. Amen

Thay cho lời kết

Xin ghi lai kết quả của một cuộc thăm dò mới đây do cơ quan thống kê của Hoa Kỳ thực hiện và được Hội Đồng Toà Thánh về Gia Đình trích dẫn. Theo thống kê này, cứ hai cặp vợ chồng không có tôn giáo thì một cặp kết thúc bằng ly dị (50%). Trong khi đó, cứ ba cặp hôn phối có tôn giáo thì chỉ có một cặp ly dị (33%). Thống kê này cũng cho biết trong mỗi đôi vợ chồng có sống đạo và tham gia các sinh hoạt tôn giáo đểu đặn thì chỉ có môt đôi ly dị mà thôi (1%). Nhưng trong một trăm đôi vợ chồng không những sống đạo mà còn biết cầu nguyện với nhau mỗi ngày thì chỉ có một đôi ly dị (1%).

LỜI CẦU CHO GIA ĐÌNH

Cầu xin cho đừng có gia đình nào được bắt đầu mà không có nền tảng nâng đỡ.
Cầu xin cho đừng có gia đình nào bị tan rã vì thiếu vắng tình thương.
Cầu xin cho đôi bạn biết phục vụ nhau trong thân xác cũng như trong tinh thần.
Ước mong sao cho đừng có gia đình nào phải sống dưới gầm cầu.
Ước mong sao cho đừng có người ngoài xen vào tổ ấm gia đình và cuộc sống của đôi bạn.
Xin đừng ai ép buộc họ sống không có viển tượng tương lai.
Xin cho đôi bạn có thể sống "hôm qua, hôm nay và mãi mãi tương lai" trog tình phục vụ nhau.
Ước chi gia đình bắt đầu và kết thúc một cách có ý thức về con đường sống dành riêng cho họ.
Xin cho người nam có được ân sũng làm người cha tốt,
Xin cho người nữ trở thành bầu trời đầy sự dịu hiền, sự tiếp đón và sức nồng ấm.
Xin cho những người con biết được sức mạnh phát sinh từ tình yêu thương.
Nguyện xin Chúa chúc lành cho Gia đình. Amen.
Xin cho người vợ người chồng có đủ sức mạnh yêu thương không cùng.
Ước gì không ai bước lên giường ngủ mà không xin được tha thứ hay tao ban tha thứ.
Ước chi những trẻ nhỏ học biết ngay từ đầu đâu là ý nghĩa của đồi sống.
Ước chi gia đình biết thực thi sự chia sẻ vòng tay yêu thương và cơm bánh.
Ước chi người vợ và người chồng không phản bội chính mình, và không phản bội con cái.
Ước chi sự ghen tương không làm chấm dứt niềm xác tín về tình yêu giữa hai người.
Ước chi trong bầu trời, ngôi sao sáng nhất là niềm hy vọng luôn hướng về trời trong hiện tại và mai sau.
Nguyện Xin Chúa chúc lành cho gia đình. Amen

(Bài hát "Lời Cầu Nguyện của Gia Đình" Lm ZEZINHO)

1387    19-04-2012 16:22:25