Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Những Thuận Lợi và Khó Khăn Của Việc Dạy Giáo Lý - Tháng 06 năm 2010

LỜI CHỦ CHĂN

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 VĩnhLong

Vĩnh Long, ngày 12.05.2010

V/v Những thuận lợi và những khó khăn của việc dạy Giáo lý

“Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn, hết tình đại lượng và dụng tâm dạy dỗ” ( 2 Tim 4,2).

Hãy rao giảng Lời Chúa. Đây là lời khuyên cuối cùng của thánh Phaolô, gởi cho Timôthêô trong lúc Phaolô bị giam giữ lần thứ II. Timôthêô nao núng vì thấy việc rao giảng gặp khó khăn. Rao giảng là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh, của các Tông đồ (Tđcv 4,19-20), của Phaolô (1 Cor 1,17), và của mọi mọi người đã lãnh nhận ánh sáng đức tin (Gioan Phaolô II, CT 16)..

1. Ngay từ buổi đầu, các Tông đồ đã gặt hái được nhiều thành qua. Sau bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô đã có ba ngàn người xin lãnh nhận Phép Rửa (Tđcv 2,41), rồi các tín hữu tỏ ra chuyên cần nghe Tông đồ giảng dạy(Tđcv 2,42). Thế nhưng các ngài cũng trải qua nhiều thử thách: Thấy Phêrô và Gioan giảng cho dân chúng trong Đền Thờ, các thầy tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, những người thuộc nhóm Sađốc kéo đến gây sự. Họ bắt Phêrô và Gioan, tống ngục để hôm sau đưa ra xét xử giữa hội đồng các kỳ mục (Tđcv 4,1- 7). Còn Phaolô thì sao ? Khi người Do Thái biết được Phaolô bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu Kitô, thì đã bàn kế giết ông (x. Tđcv 9,20. 23).

2. Ngày nay, trong các Họ Đạo của Địa Phận Vĩnh Long, các Linh mục, các Tu sĩ với sự trợ giúp của nhiều giáo lý viên vẫn đang lo cho có những buổi học giáo lý, lo cho trẻ em được Rước Lễ lần đầu và lãnh nhận Bí Tích Thêm sức, các lớp giáo lý hôn nhân , các lớp giáo lý dự tòng. Xem ra giáo dân vẫn còn chuyên cần với giáo huấn của Hội Thánh.

Tuy nhiên không thể phủ nhận những khó khăn tại nhiều nơi: nào là các em không còn thì giờ để theo các lớp giáo lý ở Nhà Thờ, nào là cha mẹ sợ con mình vì phải đi học giáo lý nên không có sức để học bài ở nhà trường, có khi bỏ cả Lễ Chúa Nhật để đi học thêm. Học ở Nhà Thờ thì ít mà học ở Nhà Trường, ở Nhà Thầy Cô giáo thì nhiều; hiểu biết đạo lý không được bao nhiêu, nhưng được nhồi nhét vào đầu nhiều thứ vô bổ. Hơn nữa, xao lãng việc học giáo lý cũng đưa đến tình trạng bỏ kinh hôm, kinh mai, lôi thôi trong việc lãnh nhận các Bí Tích. Thử nghĩ xem: mỗi tuần chỉ đến Nhà Thờ một lần, rồi suốt tuần không còn nhớ đến Chúa, không cầu nguyện nữa, như thế có khác gì một người ăn uống thiếu thốn, thất thường, làm sao có sức đề kháng trước biết bao thử thách, biết bao cám dỗ tràn lan biến xã hội nầy thành một môi trường bị ô nhiễm, lôi kéo vào những tệ nạn nguy hại khôn lường.

3. Thế nên, là những bậc cha mẹ, những nhà giáo dục đức tin, chúng ta không thể khoan nhượng trước thái độ xem thường việc học giáo lý. Phải làm sao để bảo vệ tương lai của Hội Thánh, bảo vệ hạnh phúc của con em chúng ta. Cần nêu cao trách nhiệm của mọi thành phần dân Chúa, tạo sự cộng tác giữa các gia đình và Nhà Thờ cũng như cải tiến phương pháp truyền đạt đức tin, kết hợp việc học với thực hành, đừng coi nhẹ việc đọc kinh chung trong gia đình như là một phương thế cần thiết để nuôi dưỡng và giáo dục đức tin.

Luôn ghi nhớ và thực hành theo lời khuyên bảo của Thánh Phaolô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tim 4,2).

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
                   
Giám mục Vĩnh Long

THƯ MỤC VỤ

CHỦ ĐỀ: NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ

Thuận lợi

Toà Thánh đã ban hành các văn kiện hướng dẫn chi tiết và cụ thể về sứ vụ dạy Giáo Lý cho Hội Thánh toàn cầu. HĐGMVN theo hướng dẫn của Toà Thánh cũng đã thiết lập Ủy Ban này đang làm việc để liên kết mời gọi sự cộng tác của nhiều thành phần Dân Chúa nhằm đẩy mạnh việc giảng dạy Giáo Lý. Cũng trong chiều hướng này Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin đã thành lập Ban Giáo Lý Toàn Quốc Và Ban Giáo Lý các Tỉnh để khơi gợi tổ chức và điều hành sinh hoạt Giáo Lý.

Một số giới trẻ và phụ huynh vẫn quan tâm đến đời sống đức tin và nhiệt thành giúp đỡ những người khác sống đức tin. Một tài sản rất quí báu của Hội Thánh Việt Nam đó là khoảng hơn 50.000 Giáo Lý Viên thiện nguyện ở độ tuổi 25 đến 60 tuổi, phần lớn trong số này là giáo dân.

Một điểm cũng rất đáng chú ý đó là sự thiện cảm của người Việt Nam đối với các chức sắc các tôn giáo, nhất là đối với các linh mục, tu sĩ công giáo.

Khó khăn

Với phương tiện truyền thông nhanh nhạy, những cuộc khủng hoảng về kinh tế, về xã hội, về đạo đức của con người, về những gương xấu trong xã hội và Giáo Hội, nạn phá thai, về sự tan rã của nhiều gia đình…đã nhanh chóng được phổ biến khắp nơi với những bài bình luận, những hình ảnh sống động gây ảnh hưởng rất lớn và nhiều nơi áp đảo dư luận làm cho nhiều người nản chí và giới trẻ khó phân biệt đâu là thật, đâu là dối trá.

Sự việc toàn cầu hoá và di dân đã ảnh hưởng trực tiếp đến các làng quê và xứ đạo có truyền thống lâu đời. Nhiều giáo xứ trước đây nhờ các thành viên trẻ hoạt động rất năng nổ trong mọi sinh hoạt mục vụ, nay vắng vẻ vì phần đông giới trẻ đi đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp hoặc ra nước ngoài để tìm việc làm. Tất cả những thay đổi tạo nên những khó khăn trên mới chỉ là khởi đầu của một xã hội đang biến đổi, chắc chắn nó chưa dừng lại và những biến thái của nó sẽ ảnh hưởng sâu rộng nhiều đến từng cộng đồng, từng gia đình và cá nhân.

Một não trạng mới đang hình thành nơi giới trẻ đó là con người và cuộc sống chỉ có giá trị làm ra được nhiều tiền. Và thực tế giới trẻ thấy tiền có thể giải quyết hết mọi việc. Tiền bạc giải quyết được các nhu cầu con người, tạo cho con người cuộc sống dễ chịu, có điều kiện cho con người hưởng thụ mọi thú vui của cuộc sống. Não trạng này làm cho một số người trẻ hoài nghi các giá trị nhân bản, luân lý và đời sống đức tin. Họ coi tiền bạc, lợi nhuận là tiêu chuẩn đánh giá mọi việc và dễ dàng đảo lộn các giá trị.

Trong tình hình như thế việc dạy giáo lý gặp hai khó khăn lớn: Thứ nhất thiếu Giáo Lý Viên, trước đây việc dạy giáo lý do các thành viên trẻ đảm nhận, nay phần đông giới trẻ đi làm, đi học hoặc vì sinh sống mà đi đến những nơi khác không thể tiếp tục công việc phục vụ như trước. Đặc biệt các xứ đạo vùng quê những người có khả năng, có học thức cao đều bỏ làng quê tìm đến các thành phố làm việc.

Thứ đến điều kiện sống của các học sinh, học viên ngày nay cũng rất khó đến lớp giáo lý. Lý do các em phải học rất nhiều, học ban ngày, học buổi tối và học cả ngày Chúa nhật.

Một lý do khác nữa là phụ huynh: nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến việc học văn hoá và việc làm tương lai của con cái nên rất lơ là với việc học giáo lý. Nhiều trường hợp phụ huynh miễn cho con cái khỏi đi học giáo lý để có giờ lo học văn hoá.

Ngoài ra nạn tục hoá và đời sống thực dụng cũng đã ảnh hưởng đối với một số người Công Giáo. Nhiều gia đình trẻ thích sống biệt lập không muốn giao tiếp với ai, không muốn mở cửa nhà cho ai vào. Thói quen của bố mẹ họ trước đây như thăm viếng hàng xóm, giao lưu, đọc kinh liên gia, liên ái nay không còn nữa. Họ muốn cuộc sống cuộc sống riêng gia đình mình, không muốn phiền toái tiếp đón hay thăm nom. Ngược lại cũng có những gia đình trẻ thích ồn ào lễ hội, dạ hội hoặc mở tiệm kinh doanh phục vụ giới trẻ… tạo nên lối sống “xô bồ” và trong những hoàn cảnh như thế việc sống đạo, việc chăm lo học Giáo Lý thật khó (TMV, 19-22).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Có một câu chuyện như này: Hai người từ nông thôn lên thành phố tìm việc làm. Một người định đi Thượng Hải, một người định đi Bắc Kinh. Trước khi lên tàu, hai người đột nhiên thay đổi ý định khi họ nghe được những lời bàn tán tán ở nhà ga: Người Thượng Hải nhanh nhạy, người tỉnh ngoài đến hỏi đường cũng phải trả tiền; người Bắc Kinh chất phác, thấy người ăn xin không những cho bánh mì mà còn cho cả quần áo cũ. Người định đi Thượng Hải nghĩ: Hay là đi Bắc Kinh tốt hơn, nếu không kiếm được tiền cũng không sợ đói. Người định đi Bắc Kinh nghĩ: Hay là đi Thượng Hải tốt hơn, chỉ đường cho người ta cũng kiếm được tiền, Thượng Hải thật dễ kiếm tiền. Thế là hai người đổi vé cho nhau, người định đi Bắc Kinh đi Thượng Hải, còn người định đi Thượng Hải lại đi Bắc Kinh.

Người đến Bắc Kinh phát hiện: Bắc Kinh quả nhiên rất tốt, không những ở trước các ngân hàng có nước khoáng được uống tự do, mà ở các điểm quảng cáo, ăn điểm tâm cũng không mất tiền.

Người đến Thượng Hải phát hiện: Thượng Hải quả là tốt: Chỉ đường có thể kiếm được tiền, trông nhà vệ sinh cũng có thể kiếm tiền, múc chậu nước để cho người ta rữa mặt cũng có thể kiếm được tiền. Chỉ cần động não, động tay làm cái gì đó là đều có thể kiếm được tiền. Bằng nhận thức và tình yêu của người nông dân gắn bó với đất, người đến Thượng Hải ra ngoài thành lấy đất giàu chất bùn chở vào thành phố bán cho người ta trồng cây cảnh, mỗi ngày cũng kiếm được 50 đồng. Qua ba năm cần cù lao động, anh ta mua được một căn nhà nhỏ ở mặt phố. Sau đó, anh ta nhận thấy rằng các nhà hàng và cửa hiệu ở Thượng Hải rất tráng lệ, nhưng các biển hiệu lại rất bẩn vì bụi, nên anh ta thành lập một công ty nhỏ, chuyên nhận cọ rửa biển hiệu. Công ty của anh ta làm ăn ngày một phát đạt và mở rộng kinh doanh đến tận Hàng Châu, Nam Kinh.

Không lâu sau, anh ta đi Bắc Kinh để khảo sát thị trường. Khi tàu đến ga Bắc Kinh, có một người nhặt rác thò đầu vào toa giường nằm chìa tay xin anh ta cái vỏ chai nước khoáng: Hai người đều ngẩn người trong giây lát, vì họ nhận ra 8 năm trước chính họ đã đổi vé cho nhau.

Câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy: Đầu tiên, cơ hội đối với mỗi người chúng ta đều rất công bằng, nhưng cơ hội chỉ dành cho người có khả năng kịp thời nắm lấy cơ hội. Tám năm trước, chuyện về người Bắc Kinh chất phác và người Thượng Hải nhanh nhạy, cả hai người từ nông thôn lên thành phố tìm việc đều nghe thấy. Nhưng người định đi Bắc Kinh cho rằng: Đi Thượng Hải tốt hơn vì làm gì cũng kiếm được tiền. Anh ta không những kịp thời nhận ra được cơ hội mà còn kịp thời nắm bắt cơ hội, anh ta đã kiên quyết từ bỏ ý định ban đầu để đi Thượng Hải để làm giàu. Ngược lại, người đi Thượng Hải lại cho rằng đi Bắc Kinh tốt hơn, cho dù không kiếm được tiền cũng không lo bị đói. Anh ta là người không có tầm nhìn sắc sảo để nhận ra cơ hội, cơ hội kiếm tiền xuất hiện chỉ như cơn gió thoảng qua. Quả là “Sai một ly đi một dặm”, sự lựa chọn con đường khác nhau, kết quả cũng khác hẳn nhau.

Một nhà tâm lý học nổi tiếng nói một câu như thế này: “Nếu thời gian có thể đi ngược trở lại thì sẽ có một nửa số người trên thế giới trở thành vĩ nhân”. Giả dụ thời gian có thể quay ngược lại 8 năm trước, tôi tin rằng “người đã đi Bắc Kinh” nhất định sẽ chọn lại đi Thượng Hải. Nhưng đáng tiếc là thời gian không thể quay ngược được, cho nên chỉ vì “sai một ly” nên thế giới này mới có người thì tỷ phú, kẻ thì phải đi ăn mày.

Và ta cũng có thể nói rằng, trên con đường của cuộc sống, lựa chọn thế nào thì cuộc sống sẽ như thế. (NGUYỄN THIÊM, Kiến Thức Ngày Nay, số 712).

Cuộc sống của con người là một chuỗi những chọn lựa không ngừng và chọn cái nầy thì phải bỏ cái kia, dĩ nhiên thôi. Có điều trong bậc thang giá trị của những chọn lựa, từ những việc vặt vãnh như ăn cái nầy hay mặc cái kia, đến chọn lựa nghề nghiệp, cho đến cái cao nhất là chọn lựa vận mạng đời mình: chọn đời nầy hay đời sau, đòi hỏi một quá trình học hỏi, kinh nghiệm và phấn đấu không ngừng. Hạnh phúc viên mãn và số phận của con người tuỳ thuộc vào những chọn lựa có tính quyết định của mỗi người.

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về chủ đề hôm nay:

Việc dạy giáo lý rất quan trọng nên Hội Thánh đã phổ biến cho hoàn cầu nhiều tài liệu hướng dẫn chỉ dạy việc dạy giáo lý. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tuân lệnh Hội Thánh lập nhiều ban để giúp dạy và phổ biến tài liệu dạy giáo lý.

Những Thuận Lợi:

- Việt nam có khá nhiều thiện nguyện dạy giáo lý, trên 50.000 người.
- Tín hữu tôn trọng và tín nhiệm.

Những Khó Khăn:

- Thế giới bị trần tục hoá chạy theo tiền bạc lần lần sa vào lối sống truỵ lạc, đâu còn tâm trí thích nghe và sống theo giáo lý.
- Phong trào di dân, bỏ làng mạc và xứ sở để đi tìm sống dễ dãi khoái lạc hơn làm mất truyền thống đạo lý ở làng quê, quên sống đạo hay sống lơ là có lệ thôi.
- Kém lòng đạo thì dĩ nhiên số người thiện nguyện dạy giáo lý sẽ giảm sút. Giải quyết thế nào?

Việc truyền đạt đức tin cho con cái là nhu cầu cấp thiết mà mọi tín hữu đều ý thức, từ các vị chức sắc trong Giáo Hội đến các bậc cha mẹ trong gia đình. Điều đáng mừng là hiện nay trong Giáo Phận đã và đang phát triển việc dạy Giáo Lý nâng cao, có bài bản hơn, rộng khắp trong các Hạt , nhằm đào tạo nhân sự giúp các cha xứ có các cộâng tác viên chăm lo về việc dạy Giáo Lý trong các Họ đạo.

Các cha xứ cũng đã vận dụng những thời điểm thuận lợi trong Họ đạo của mình, như mỗi Thứ Năm hàng tuần, mỗi Chúa Nhật và nhất là trong dịp Hè với chương trình dạy Giáo Lý từ Khai Tâm đến Trường Thành, theo sự đôn đốc và hướng dẫn của Vị Chủ Chăn Giáo Phận, nhằm giúp thanh thiếu niên có điều kiện hiểu biết và đào sâu đức tin trong cố gắng và khả năng của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhìn ở góc độ Giáo Phận và Họ đạo, khó khăn hiện nay mà hầu như nơi nào cũng gặp phải đó là tình trạng thanh thiếu niên ngày càng ít tham dự các lớp Giáo Lý. Lý do thì nhiều, nhưng tựu trung câu trả lời thường là: không có giờ, vì còn các em còn phải lo học chữ, phải lo đi làm việc để kiếm sống!

Thời xưa cũng như ngày nay, nhu cầu học hỏi, mở mang kiến thức và lao động để nuôi sống bản thân và gia đình là việc chính đáng, đâu có ai phủ nhận điều đó. Thế nhưng, là người Công giáo, chúng ta ý thức rằng, cần phải phát triển con người cách toàn diện: thể xác và linh hồn (thể xác và tinh thần) và cũng không được đảo lộn trật tự về giá trị của các chiều kích đó, như đặt vật chất lên trên tinh thần; gia tăng của cải vật chất mà làm hại cho luân lý, đạo đức. Mục đích tối hậu của đời người là hạnh phúc đời đời, chứ không chỉ có đời nầy, “chết là hết”.

Vậy, do đâu ngày nay các phụ huynh xem ra trọng việc cho con em học chữ nghĩa hơn là học Giáo lý?

Thiết tưởng điều mà ngày nay người ta gọi “lối sống thực dụng” đã ảnh hưởng đến tâm thức và hành động của nhiều bậc phụ huynh trong chúng ta.

Thực dụng “là chỉ nhằm vào những gì có thể mang lại lợi ích vật chất thiết thực và trước mắt cho mình, không quan tâm đến những mặt khác” (theo từ điển Bamboo).

Như vậy, “thực dụng” là lối sống của những con người coi trọng vật chất, xem nhẹ những giá trị tinh thần. Đối với người sống thực dụng thì những gì mang lại lợi ích vật chất là quan trọng nhất, do đó lý tưởng, tình yêu, hạnh phúc, sự quảng đại hy sinh là thứ yếu, thậm chí vô nghĩa nếu không nhằm đạt lợi ích vật chất.

Những người theo lối sống thực dụng thường luôn làm mọi việc theo cách chắc chắn phải có kết quả, và cái kết quả ấy phải nhìn thấy được, cân đo đong đếm được. Họ có thể có kinh tế khá giả vì trong làm ăn, họ chỉ làm những việc có lợi cho mình và ít khi để lỗ vốn.

Về cách nhìn vấn đề, họ hay thay đổi quan niệm do suy nghĩ hơn- thua, căn cứ vào kết quả điều đó mang lại lợi ích vật chất nhiều nhất cho họ, mà ít quan tâm tới giá trị tinh thần của mục đích hành động của mình và thường chẳng bận tâm đến ảnh hưởng của việc mình làm tới những người khác. Do đó, tiền bạc được dùng làm thước đo giá trị. Người nào kiếm được nhiều tiền thì càng được coi trọng. Và khi tiền bạc trở thành mục tiêu của cuộc sống thì mục đích, lý tưởng cuộc đời, bị phụ thuộc vào đồng tiền: học cho giỏi chỉ mong kiếm được những việc làm, ngành nghề hấp dẫn, có thể giúp họ mau chóng trở nên giàu có; và theo họ, có tiền là có tất cả. Họ hối hả chạy đua làm giàu, bất chấp thủ đoạn để đạt bước đường thăng tiến; nhân phẩm, đạo đức bị đặt xuống hàng thứ yếu. Kể cả nếu cha mẹ không kiếm được nhiều tiền bằng con cái thì cũng không được coi trọng và rất khó dạy bảo con.

Chính vì chỉ nhằm vào những gì có thể mang lại lợi ích vật chất thiết thực và trước mắt cho mình, không quan tâm đến những mặt khác khiến họ sống hám lợi, chỉ quan tâm đến mình, sống ích kỷ và thờ ơ với những người xung quanh không liên quan tới mình. “Người khác” chỉ có giá trị khi phù hợp với những tính toán lợi ích cá nhân của họ.

Sự cám dỗ của đồng tiền và nhu cầu kiếm tiền bằng mọi cách đã làm không ít người choáng ngợp, sẵn sàng chà đạp lên luân thường đạo lý, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục các giá trị nhân văn chân chính và giáo dục đạo lý truyền thống trong gia đình. Quan niệm có tiền là có tất cả đã khiến người ta quên mất rằng tiền bạc đâu có làm nên hạnh phúc. Đồng tiền dẫu có là một trong những phương tiện mang đến hạnh phúc gia đình nhưng tự nó chỉ có giá trị do người ta gán cho và lại chưa bao giờ là hạnh phúc cả. Đặt thước đo bằng tiền trong tương quan gia đình và xã hội thường dẫn đến nhiều nghịch cảnh đau lòng. Vả lại cuộc sống đâu chỉ là vật chất là mua bán, đổi chác…..mà còn là yêu thương, hy sinh, quảng đại, bao dung….

Thật vậy, cuộc đời con người đâu chỉ là ăn, uống, hưởng lạc, rồi chết là hết, mà còn là niềm thanh thoát bình an trong tâm hồn khi cảm thông chia sẻ với người khốn cùng, là niềm vui dạt dào khi cha mẹ tự nguyện hy sinh cho con cái nên người, là cống hiến đến quên mình cho những lý tưởng cao đẹp…Những điều nầy tiền của, vật chất làm sao mang lại được!

Để định hướng và hình thành nhân cách đạo đức của trẻ cần phải có sự cộng tác của gia đình, cái nôi bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người từ trẻ đến lúc trưởng thành. Gia đình là trường học đầu tiên giáo dưỡng nhân cách và lối sống có văn hoá, có đạo lý cho con người. Gia giáo bao giờ cũng đi trước giáo dục xã hội.

Là trường dạy đức tin, gia đình – trước tiên là các bậc ông bà, cha mẹ – phải ưu tiên dạy con cháu tâm tình thờ phượng, yêu mến, phó thác đối với Thiên Chúa, đồng thời giữ các giá trị truyền thống gia đình như hiếu kính, lễ nghĩa, biết ơn, nhân ái, hy sinh… qua chính gương sáng đời sống của mình. Chính cha mẹ, những vị thầy đầu tiên phải ưu tiên chọn những giá trị đạo đức trên các giá trị của vật chất để giúp con cái phát triển toàn diện: vừa có đạo đức vừa tài năng. Thật vậy, mấu chốt của vấn đề ngày nay người ta chuộng lối sống thực dụng, đặt giá trị vật chất lên hàng ưu tiên, là vì con người sống như không có “ngày mai”, không có sự sống đời đời và coi như “chết là hết”. Ngay cả khi tin có Thiên Chúa đầy yêu thương, nhân từ và công bằng, thưởng kẻ lành và kẻ dữ, nhưng vì ngay từ nhỏ do không được quan tâm đúng mức, đào sâu Giáo lý, thêm vào đó là những cám dỗ của tiện nghi vật chất, họ lao vào chọn cuộc sống trước mắt đời nầy.

Như vậy, để việc truyền đạt đức tin cho thanh thiếu niên được thuận lợi và mang lại kết quả hữu hiệu cần có sự cộng tác chặt chẽ giữa Gia đình, Họ đạo và các em. Gặp mặt trao đổi với phụ huynh trước, trong và khi sắp kết thúc Khoá Giáo Lý để nhắc nhở, mời gọi sự cộng tác của các cha mẹ là việc thiết thực nên làm. Các Giáo Lý Viên cố gắng dạy một cách đơn sơ, dễ hiểu với một Thời Khóa Biểu hợp lý. Cũng cần tưởng thưởng các em khi kết thúc Khoá Giáo Lý, để khích lệ chính các em và gia đình.

Được sự quan tâm đúng mức từ gia đình, việc dạy Giáo lý tại Giáo xứ mới phát huy và thăng tiến được, vì có sự hổ trợ từ nền tảng đạo đức mà cha mẹ đã gầy dựng cho con cái.

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc dạy Giáo lý của mỗi người như thế nào?

- Có nhận định việc dạy giáo lý – truyền giáo là việc cần thiết không?
- Có biết dầu là tín hữu thường cũng có ít nhiều phận sự dạy giáo lý.
- Có tham gia việc dạy giáo lý không?
- Có cố gắng học giáo lý để biết Chúa, biết đạo đúng hơn, rõ hơn, để sống đạo tốt và nhờ đó dạy người, giúp người giữ đạo, sống đạo.
- Trong thời đại tục hoá truỵ lạc, chúng ta có nhận định việc dạy giáo lý (truyền giáo) là cần kíp hơn nữa không?

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Sống giữa trào lưu tục hoá của trần gian, việc sống đạo, việc dạy và học giáo lý ... xem chừng như là những chuyện ngược đời. Tuy nhiên, con người vẫn luôn sẵn có ý hướng thiện. Vậy chúng ta hãy cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Những người Hy Lạp xin ông Philipphê: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người luôn bày tỏ ước muốn được Chúa cứu chuộc, và được biết Chúa Giêsu Kitô.

2. Thánh Philipphê thưa: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, và như thế là đủ”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người, nhờ việc trình bày giáo lý cách thích hợp, mà nhận biết Thiên Chúa là nguồn mọi ơn phước.

3. Người Do Thái nói: “Ông lấy quyền nào mà làm những việc đó?”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, luôn thuận theo đức tin của Hội Thánh, để tìm hiểu giáo lý đạo Chúa, và giúp người khác giữ vững đức tin.

4. Người Do Thái than phiền: “Những lời đó chói tai quá, ai nghe được?”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, luôn quan tâm tìm hiểu, thực hành và yêu mến Lời Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn mạc khải chân lý Nước Trời để mời chúng con nên thánh. Xin cho chúng con tận dụng những thuận lợi của các phương pháp dạy giáo lý, và vượt qua những trở ngại, mà đem ơn cứu độ cho mọi người. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô. ..Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Đa số những người có trách nhiệm về giáo dục đều có chung nhìn nhận rằng: việc giáo dục ngày nay khó quá. Nhan nhãn trên các trang báo là những bài viết, những tin tức gây sốc về các em học sinh, sinh viên. Các em thác loạn, chơi bời liêu lỏng… kể cả đến việc đánh thầy cô, những người giáo dục mình đến trọng thương vì những lý do vô lối. Phải chăng giới trẻ ngày nay hết phương giáo dục, những người có trách nhiệm nên làm gì để có thể đem những điều hay, điều tốt đến với các em.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, con người bị chi phối một cách mạnh mẽ bởi môi trường xã hội. Xã hội có lành mạnh, có tốt đẹp thì con người trong xã hội ấy mới được tốt đẹp. Nhìn những biểu hiện hiện tại như đã nói trên thì đó là “quả” của “cây” mà chúng ta đã gieo từ những năm qua. Với những căn bệnh thành tích, chạy theo chỉ tiêu đã làm cho việc giáo dục những con người như là xây nhà trên nóc, không có chất lượng, không phải là đào tạo những con người mà chạy theo những con số. Kết quả: học sinh cấp hai không đọc được chữ, giáo viên vì muốn nâng thành tích cho lớp để được khen thưởng sẳún sàng nâng điểm cho học sinh lớp mình lên khá, giỏi… Nhìn sâu qua những thực trạng trên ta phải nhận thấy rằng vì mưu cầu ích lợi cho mình người ta sẳn sàng đánh mất lòng trung thực, mỗi người mỗi kiểu, lớn theo kiểu lớn, nhỏ theo kiểu nhỏ và như thế ảnh hưởng rất mạnh mẽ trên những người trẻ đặc biệt là trong môi trường giáo dục. Vì thế, điều quan trọng hơn cấp thiết trong môi trường giáo dục ngày nay là xây dựng lại lòng trung thực; phải dạy cho những người trẻ biết phân định phải trái, tốt- xấu và chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Người công giáo nói chung hay giới trẻ Công giáo nói riêng, cũng là những con người sống trong một xã hội thực dụng, muốn đạt mục đích bằng mọi giá kể cả dùng những phương tiện xấu. Xem ra những điều chúng ta học trong Giáo lý lại không ứng dụng được trong môi trưởng xã hội hiện nay. Chúa dạy: có thì nói có, không thì nói không; nhưng trong thực tế, sống như thế xem ra chết chắc, vì không giống như nhiều người khác, không thăng tiến được.

Điều nầy đòi hỏi chúng ta, những người có trách nhiệm phải làm sao để việc dạy giáo lý có hiệu quả trong một hoàn cảnh khó khăn như thế? Trước hết, cần dạy các em tin vào Chúa và Giáo Hội. Vì có tin các em mới có tể an tâm sống theo niềm tin của mình, giữa một xã hội xô bồ, chông chênh và thiếu lý tưởng. Đồng thời cần có phương pháp thích hợp để lôi kéo các em đến với lớp Giáo Lý. Và cuối cùng là phải có sự cộng tác của gia đình nhằm nhắc bảo thôi thúc các em; ý thức việc học hỏi đức tin là trọng hơn mọi việc khác trên đời.

Chúng ta những người có trách nhiệm giáo dục cần phải kiên trì trong việc dạy và sống lòng trung thực; phải cho những người trẻ thấy được giá trị cao cả của Tin mừng. Phải cho họ nhận ra rằng Thiên Chúa Hằng Hữu, con người còn có sự sống đời đời sau cuộc sống tại thế này, vì thế, giá trị tuyệt hảo không nằm nơi các loại hữu hạn mà chúng ta chiếm hữu được nhưng ở nơi Thiên Chúa Đấng Hằng Hữu. Giáo dục con người là vinh dự và là trách cao cả của cád bậc cha mẹ. Giáo dục đức tin là trọng trách trổi vượt hơn cả! Do đó, đòi hỏi phải kiên trì cùng với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

Ai đó đã nói: “con người còn sống là còn biến đổi”. Nhìn những khó khăn của việc giáo dục, của việc dạy giáo lý không làm chúng ta nản chí vì tin rằng Chúa luôn luôn ở cùng và hướng dẫn Giáo hội. Chúng ta cũng tràn đầy hy vọng vì trong xã hội tục hoá này vẫn còn nhiều những tấm gương sống trung thực cho dù vẫn biết rằng mình sẽ bị chèn ép loại trừ. Do được gáio dục tốt về đạo đức, nhờ việc học Giáo lý, nhiều tấm gương sáng sẽ biến đổi bộ mặt xã hội ngày một nên tốt hơn.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 53: SÁCH ES-THER

Sách nầy cũng giống sách Giu-đích ở chỗ các người Do thái được cứu nhờ một người đàn bà: đó là Esther. Và còn hơn thế nữa, các kẻ thù địch hại người Do thái thì họ bị trừng phạt. Esther là thiếu nữ Do thái được tuyển vào làm hoàng hậu nước Ba Tư, đế quốc Assyria.

Nội dung tôn giáo của sách Esther dạy ta: Thiên Chúa luôn luôn bênh vực che chở Dân Ngài khỏi sự đe dọa diệt vong trong quá khứ, cũng như hiện tại và cả trong tương lai nữa khi dân biết tin tưởng chạy đến với Ngài.

Lời Chúa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7, 7).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm đức tin còn yếu hèn của chúng con vì chúng con hay hoài nghi tình yêu của Chúa dành cho chúng con mỗi khi gặp thử thách. Xin cho chúng con luôn biết phó thác vào Tình yêu của Ngài. Amen.

SỐNG ĐẠO

NĂM LINH MỤC – CHUYỆN VỀ ĐỜI LINH MỤC
Hoa Vành Vành – Đời Tận Hiến Của Cha Phaolô Trọng

Đời của cha trải qua nhiều biến cố bất ngờ như những chuyện tiểu thuyết. Không ai ngờ tưởng được những biến cố đó đã đưa cha được ơn thiên triệu làm linh mục.

Cậu Trọng là con một của một gia đình đạo đức, công chức đời Pháp thuộc, nhưng vẫn giữ hồn Việt, mến yêu tổ quốc. Lúc cậu Trọng 16 tuổi, nghe lời mời của tổ quốc, gia nhập phong trào Thanh Niên Tiền Phong chống Pháp, bắt đầu cho tương lai đời mình, sẳn sàng đón nhận khó nhọc, hy sinh, miễn sao giành lại độc lập cho tổ quốc, cho dân tộc. Nhưng hoài bảo không đạt được vì một chuyện không nghĩa lý gì cả!

Nguyên cậu Trọng thường dùng một khăn tay màu xanh, có thêu tên T. C. T (Trịnh Công Trọng) màu đỏ. Khăn xanh, có tánh cách ngoại thường không mấy ai xài lại ghép với đỏ, có thể bí mật chỉ lá cờ của Pháp. Tập đoàn bắt đầu hoài nghi cậu Trọng là gián điệp Pháp gài vào. Con công chức, học trường Pháp, rồi theo cách mạng, ai tin được. Ngờ vực này lan rộng ra, Tập đoàn đã nghĩ đến loại trừ, cầm tù hay thủ tiêu.

Cậu Trọng nghe được, nên đã trốn về quê. Đâu có được yên, Tập đoàn đã cho bắt ông thân và bác của Trọng giam tù làm con tin. Thêm một cái rủi nữa là ông nội của Trọng lúc đó lâm trọng bệnh… Trọng ở trong hoàn cảnh bi đát, bắt buộc phải ra đầu thú, để cho cha và bác được về lo lắng cho ông cụ. Tình trạng này kéo dài không nhớ bao lâu, Trọng vẫn ở tù, cho đến giai đoạn Pháp chiếm được chính quyền thì cậu Trọng mới được trả tự do.

Đời biến chuyển, cậu Trọng được cho sang Pháp du học. Đã là tù nhân của cách mạng, lại mang tiếng gián điệp nên cậu Trọng được ưu đãi, vả lại Trọng cũng có óc sáng suốt thông minh, học hành có khi hơn sinh viên Pháp và sinh viên ngoại quốc nên được thiên hạ kính yêu.

Đời lên hương, trong thời gian học tập, Trọng có quen với một cô gái, thân nhau lần hồi tình yêu đã chớm nở và đã đi đến xếp đặt cưới hỏi. May hay rủi?

Đàng gái ngẫm nghĩ tình trạng chánh trị ở Việt Nam chưa ổn, về sống ở Việt Nam chắc gặp nhiều khó khăn… nên đã từ hôn và gả con cho một thanh niên Pháp. Mối tình đỗ vỡ lại gây một biến cố lạ đời. Cậu Trọng chơi đàn Violon hay đặc biệt (không biết có phải là nghệ sĩ không, vì là bạn quen với Trần Văn Trạch, nghệ sĩ nổi tiếng ở Miền Nam). Trước giờ tách biệt, cậu Trọng xin tặng người yêu một bản đờn (không biết bản đờn gì). Dứt bản đờn, không ai ngờ được, Trọng đã đập cây đờn và ném đi xa. Cương quyết đoạn tuyệt với tình đời, từ đó cho đến chết không chơi nhạc nữa. Anh em linh mục về sau, ít ai biết Cha Trọng biết nhạc, chơi nhạc.

May hay rủi? Qua những biến cố, chúng ta có thể nhận thấy bàn tay của Chúa. Cậu Trọng đã tìm một cha linh hướng để định hướng cho tương lai mặc dầu chỉ còn 10 tháng nữa là tốt nghiệp đại học nghiệp vụ ngân hàng thế giới của Thuỵ Sĩ, cậu Trọng đã chọn đời hiến thân, đời tu làm linh mục để phục vụ Chúa và nhân loại.

Đời linh mục của cha ở Vĩnh long ai ai cũng biết: đơn sơ, hiền hậu, vui vẻ với mọi người, luôn sẳn sàng phục vụ, đời sống nội tâm dồi dào.

Có một điểm mà không ai ngờ được là cha rất thích hoa vành vành, trong phòng cha luôn có chậu vành vành, ai tọc mạch hỏi cha chỉ cười, nhưng người thân vẫn moi ra được: vì tôi hèn kém, không rực rỡ, kém hương vị mà được Chúa thương (đồng bệnh tương thân) với lại cánh hồng đẹp nhưng đến lúc gần tàn thì những cánh hoa lần lượt rơi rụng, còn vành vành vẫn giữ nguyên vẹn cũng là hoài bảo của tôi, nở cho Chúa, tàn cũng cho Chúa, hiến thân vĩnh cửu.

Đối với Cha Phaolô, tuổi trẻ đã bị tù đày, lúc già cũng gặp cảnh khổ nhọc. Đúng ra cha đã tận hiến: tươi nở cho Chúa tàn lụi vì Chúa.

Đường lối của Chúa tuyệt vời!
Thiện chí của người cao siêu!

THÁNG TRÁI TIM

Là tháng mà Hội Thánh muốn chúng ta chú tâm tôn thờ Chúa Tình Yêu, Tình yêu vô cùng, vô hình của Chúa Ba Ngôi, mà cũng tình yêu hữu hình của Chúa Nhập Thể qua hình ảnh Trái Tim của Chúa Giêsu. Trái tim là hình ảnh của Tình yêu. Chúng ta cố gắng suy niệm về Tình Yêu của Chúa.

Chúa là Tình Yêu và bởi yêu mà Chúa tạo dựng một hữu thể ngoài Chúa hầu có đối tượng để yêu. Muốn đối tượng đó đáng Chúa yêu thì Chúa lại ban cho có hình ảnh Chúa nghĩa là cho có lý trí và ý chí, là hiểu biết và thương yêu.

Nguyên tổ không đáp lại tình yêu mà còn phản bội. Việc phản bội mang tánh cách vô cùng vì phạm đến Chúa vô cùng, không còn phương cứu vãn.

Nhưng tội hồng phúc, kéo được ân huệ tràn ngập (felix culpa, gratia plena). Nói hơi quá đáng là tình yêu của con người bắt ép Chúa giáng trần nhập thể mang tính loài người, dùng nhân tính chịu khổ nạn để đền tội thay cho nhân loại. Chúa chịu chết để nên vật lễ vô giá thượng tiến cho Chúa Cha. Chúa chết vì yêu, yêu vô cùng, yêu quá cái tầm nhận định hiểu biết của con người.

Đối với tình yêu như thế, chúng ta cảm nghĩ thế nào? Có khiếp đảm trước những phản bội không? Nguyên tổ phản bội vì có khi chưa nhận biết tánh cách vô cùng của Chúa, còn chúng ta?

Xin Chúa thương xót chúng con, gìn giữ chúng con khỏi sa phạm tội. Xin dạy chúng con biết yêu mến Chúa. Ước gì con được yêu mến Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Ước gì cả đơì con chỉ sống động vì tình yêu.

Có tình nào bằng tình Chúa? Tình đời dầu thành thật và nồng nhiệt đến đâu, cũng có phần ích kỷ hạn hẹp, không nói đến tình yêu giả dối, lừa bịp, lợi dụng.

Tình yêu tận hiến hoàn toàn mới có phần nào đáp lại Tình Yêu vô cùng của Chúa. Xin cho con biết yêu, biết sống Tình Yêu. Đó là sống Tháng Trái Tim đúng ý Hội Thánh

TÌNH YÊU KẾT HỢP

Ai yêu mến Thầy, thì Cha Thầy yêu mến người ấy và Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở lại trong người ấy.

Thiên Chúa tình yêu đã muốn có đối tượng để yêu, đã tạo dựng con người ngoài Chúa để yêu. Nguyên tổ đã phản bội, Chúa giáng trần mặc lấy nhân tính chịu chết để đền tội vì yêu mà cùng chết để giữ lại tình yêu.

Hơn nữa, Chúa muốn đạt đỉnh của tình yêu là kết hợp như lời Chúa phán như đã nói trên. Thực tế, Chúa đã lập Phép Thánh Thể, đã ban Mình và Máu Chúa làm của ăn, của uống nuôi chúng ta. Đây là mầu nhiệm đức tin. Kết hợp không như Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần là Một. Dầu sao cũng có hình ảnh của việc kết hợp. Vì Mình Máu Thánh Chúa vào trong ta, biến đổi con người chúng ta nên giống Chúa, kết hợp các thành phẩn tín hữu với Chúa Giêsu, thành một Nhiệm Thể là Hội Thánh. Không nên một như Chúa Ba Ngôi, mà nên một như cội nho và cành nho.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng cho con hiểu biết ít nhiều về mầu nhiệm cao siêu này. Xin dạy chúng con biết sống tình yêu kết hợp.

Yêu nhau thì sống gần nhau, chung nhau, một lòng một ý như nhau, cộng tác với nhau trong mọi việc để tạo được hiệu quả của yêu đương là kết hợp, đó là hạnh phúc.

Nói yêu nhau mà sống xa nhau thì buồn, có khi khổ nữa. Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Có giữ cảm nghĩ này thường xuyên trong ngày, trong giờ đọc kinh đã đành mà cả ngoài giờ; nhớ nhiều càng tốt, nhớ thường xuyên càng hay.

Kế đến phải một lòng một ý với Chúa, không muốn những chi Chúa không muốn, và chỉ muốn những điều Chúa muốn (cùng nhìn một hướng).

Sau cùng, làm việc với Chúa, nương tựa làm việc nhờ Chúa.

Sống thường nhớ Chúa, sống theo ý Chúa, sống làm việc với Chúa đó là sống tình yêu kết hợp. Sống đúng ý Chúa là sống hạnh phúc, ngay khi còn ở trần thế.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA GIÁO PHẬN (tt)–

1. Tổ chức Giáo phủ

“Toà giám mục giáo phận gồm những tổ chức và nhân viên giúp Giám mục trong việc lãnh đạo toàn thể giáo phận, nhất là trong việc điều hành hoạt động mục vụ, trong việc quản trị giáo phận, cũng như trong việc thi hành quyền tư pháp” (đ.469)

Việc tổ chức Giáo phủ, chúng ta dựa vào điều 469 của Bộ Giáo Luật để phân thành ba ngành chính: ngành tài chánh, ngành hành chánh và ngành tư pháp. Tháng rồi chúng ta đã tìm hiểu về ngành tài chánh (quản trị tài sản của Giáo phận), tháng nầy chúng ta tiếp tục tìm hiểu ngành thứ hai đó là ngành hành chánh. Trong ngành nầy gồm có vị Tổng Đại Diện, các Đại Diện Giám mục, Chưởng Ấn và Lục Sự.

2. Ngành Hành Chánh

a. Tổng Đại Diện

“Trong mỗi giáo phận, Giám mục giáo phận phải đặt một Tổng Đại Diện với quyền thông thường, chiếu theo quy tắc của những điều khoản sau đây, để giúp ngài trong việc lãnh đạo toàn giáo phận” (đ. 457§1).

Trong tiếng Việt, chúng ta thường gọi Cha Tổng Đại Diện là Cha Chính hoặc là Cha Bề Trên Giáo phận; trong tiếng Latin gọi ngài là Vicarius generalis và Giáo luật hiện hành vẫn gọi bằng tên đó, nghĩa là Tổng Đại Diện (x. đ. 475).

Trong giáo phủ của Giáo phận, chức vụ Tổng Đại Diện nỗi bật nhất (x. Vat. II, CD. 27,a), chính ngài cũng có thể là vị điều hành giáo phủ để điều phối mọi công việc liên quan đến hành chánh, đồng thời đôn đốc các nhân viên toà giám mục chu toàn giáo vụ đã được uỷ thác (x.đ.473§2-3).

Trong toàn Giáo phận, Cha Tổng Đại Diện là người có thường quyền thứ hai sau Giám mục Giáo phận trong quyền hành pháp (x.đ.479).

Thường quyền (potestas ordinaria), nghĩa là quyền gắn liền với chức vụ (đ.47§1). Theo luật, ngài được xem là “Bản quyền địa phương” hay “Bản quyền sở tại” (Ordinarius loci, đ. 134§3). Do đó, Cha Tổng đại diện có toàn quyền hành pháp trong Giáo phận tựa như Giám mục Giáo phận, ngoại trừ những trường hợp mà Giám mục Giáo phận đã dành riêng cho mình hoặc những công việc mà luật đòi phải có uỷ nhiệm đặc biệt của Giám mục (x. đ.479§1). Cụ thể như sau:

- Tổng đại diện chỉ có quyền hành pháp, chứ không có quyền lập pháp và tư pháp.

- Trong lãnh vực hành pháp, quyền của Tổng đại diện có thể bị giới hạn do chính Giáo luật. Ví dụ: Điều 470 nói rằng: “Việc bổ nhiệm những người thi hành chức vụ trong giáo phủ là quyền của Giám mục Giáo phận”. Việc bổ nhiệm các chức vụ là một hành vi hành chánh. Nhưng ở đây, luật dành cho Giám mục Giáo phận; nên Tổng đại diện không thể bổ nhiệm, ngoại trừ khi được uỷ nhiệm đặc biệt của Giám mục Giáo phận.

- Ngoài ra, điều 134§3 quy định khi nào luật quy định cho Giám mục Giáo phận có thẩm quyền làm điều gì, thì phải hiểu là chỉ có Giám mục Giáo phận và những ai được luật đồng hoá với ngài (x. đ.368) mới được làm; khi nào luật dùng từ “Bản quyền địa phương” thì phải được hiểu là cả Giám mục Giáo phận lẫn Tổng đại diện đều có thẩm quyền như nhau.

.Vì chức vụ Tổng Đại Diện được luật xem là “Đấng bản quyền địa phương” và có “thường quyền”, nên trong Giáo phận, nếu có Giám mục phó hoặc Giám mục phụ tá thì luật buộc Giám mục Giáo phận phải bổ nhiệm vị nầy làm Tổng Đại Diện; và nếu có những công việc cần được uỷ nhiệm đặc biệt, thì Giám mục Giáo phận phải ưu tiên uỷ thác cho vị Tổng Đại Diện hơn những người khác (x. đ. 406§1).

Giáo vụ của vị Tổng Đại Diện sẽ chấm dứt nếu: a/ ngài là một linh mục thì giáo vụ sẽ chấm dứt khi: mãn nhiệm kỳ, từ chức, bãi chức và khi Giám mục Giáo phận đã hết chức (chết, thuyên chuyển, huyền chức…); b/ nếu ngài là một Giám mục phó hay là Giám mục phụ tá thì: Giám mục phó đương nhiên là Giám mục Giáo phận; Giám mục phụ tá vẫn tiếp tục chức vụ mà mình đang giữ (x.đ.481).

- Đại Diện Giám mục

“Mỗi khi việc lãnh đạo tốt đẹp giáo phận đòi hỏi, Giám mục giáo phận cũng có thể đặt một hay nhiều Đại Diện Giám mục; các vị nầy có quyền thông thường mà luật phổ quát dành cho Tổng Đại Diện, hoặc trong một phần nhất định của giáo phận, hoặc trong một số công việc nào đó, hoặc đối với các tín hữu thuộc một lễ điển nhất định, hoặc thuộc về một nhóm người nào đó…” (đ.476).

Trong khi luật muốn rằng mỗi Giáo phận chỉ nên có một Tổng Đại Diện (x.đ.475§2), thì con số các Đại Diện Giám mục không bị hạn chế mà tuỳ vào nhu cầu của mỗi Giáo phận. Dĩ nhiên, thẩm quyền của các Đại Diện Giám mục được xác định cụ thể vào một lãnh vực nào đó của Giáo phận như chúng ta thấy điều 476 đề nghị. Hiện nay, trong Giáo phận của chúng ta có các Đại Diện Giám mục như: Đại Diện Giám mục về các đại chủng sinh, Đại Diện Giám mục về giáo dân (Qưới chức, Giới trẻ, Thiếu nhi, Gia trưởng, Hiền mẫu…Dưới Đại Diện Giám mục về giáo dân thì có các cha đặt trách lo cho mỗi giới đó).

Trong lãnh vực của mình, các vị Đại Diện Giám mục cũng có thường quyền như vị Tổng Đại Diện (x.đ.476, 479§2).

Giáo vụ của các vị Đại Diện Giám mục chấm dứt cũng giống như của vị Tổng Đại Diện, ngoại trừ khi các ngài là Giám mục phụ tá (x.đ.481§2).

Việc phối hợp công việc giữa Tổng Đại Diện và các Đại Diện Giám mục, cũng như giữa các vị nầy với Giám mục Giáo phận, bộ Giáo luật quy định như sau:

1/ Chính Đức Giám Mục Giáo phận phối trí công tác mục vụ của các Tổng Đại Diện và Đại Diện của mình (đ.473§2).

2/ Khi một ơn huệ nào đã bị Tổng Đại Diện hay một Đại Diện Giám mục bác, thì một Đại diện khác không có quyền ban cấp cách hữu hiệu; nhưng có quyền nài xin Giám mục, nhưng phải nói rõ lý do đã bị bác. Ngược lại, nếu một ơn huệ đã bị chính Giám mục Giáo phận bác, thì không thể xin các vị Đại Diện của ngài được nữa, đừng kể khi có sự thoả thuận của chính Giám mục (x. đ. 65§2-3).

3/ Tổng Đại Diện và các Đại Diện Giám mục là những Bản Quyền Sở Tại nhưng chỉ hưởng quyền gọi là thường quyền đại diện (ordinaria vicaria). Hiểu một cách nào đó, các vị nầy làm “phó” cho Giám mục Giáo phận, nên phải thống nhất với người mà mình làm đại diện. Trong thần học và pháp lý gọi là hiệp thông Giáo hội và hiệp thông phẩm trật. Giữa những vị nầy phải có sự thống nhất với nhau về chiều dọc, nghĩa là với Giám mục Giáo phận và chiều ngang, nghĩa là giữa Tổng Đại Diện và các Đại diện Giám mục với nhau (x. đ.480).

TRANG LINH MỤC

Có một người thấy con chim sẻ nằm ngửa dang hai chân hướng lên trời. Anh ta liền hỏi: “Tại sao chim nằm kiểu lạ đời như vậy?” Chim sẻ trả lời: “Tôi nghe rằng, hôm nay bầu trời sẽ sập xuống”. Anh chàng cười lớn tiếng và nói với chim: “Ngươi nghĩ cái cẳng như cây tăm của ngươi có thể giữ bầu trời khỏi đè xuống hay sao?” Chim sẻ đáp: “Ồ! Tôi không nghĩ như thế, nhưng mà tôi phải làm những gì có thể làm được chứ?”

Khi đọc sơ qua bản dự thảo về sứ vụ dạy giáo lý, tôi nhận thấy thuận lợi thì ít nhưng những khó khăn trong việc dạy giáo lý thì nhiều: Nào là thiếu giáo lý viên, nào là các em phải học nhiều quá không còn giờ học giáo lý và nhất là nạn tục hóa và đời sống thực dụng đã len lỏi vào cách suy nghĩ và đánh giá của một số gia đình công giáo… Nhưng chẳng lẽ mình đành bó tay sao? Câu trả lời của con chim sẻ có thể bộc lộ một sự thật sâu sắc, đáng cho ta suy nghĩ: Tôi không nghĩ là đôi chân bé nhỏ của tôi có thể giữ bầu trời khỏi đè xuống. Nhưng mà tôi phải làm những gì mình có thể làm được.

Khi Chúa Giêsu đến trần gian thì đâu có sẵn nhân sự, Ngài cũng phải từng bước chọn lựa huấn luyện các Tông đồ để cộng tác với Ngài trong việc rao giảng Tin Mừng.

Khi được sai đến một họ đạo nào đó thì vấn đề nhân sự luôn được đặt ra: có hay không có người cộng tác? Và nhất là làm việc được hay chẳng ra gì? Đôi khi tôi đòi họ phải như thế này hay thế kia nhưng làm sao mà theo ý mình được. Hãy bắt đầu với những gì mình có trong tầm tay để rồi với ơn Chúa ta sẽ có trong tay những gì mình muốn.

Ta thường hay than phiền về con người và cuộc sống đạo, nhưng lại ít khi tích cực để làm gương và có những sáng kiến thích hợp. Cái thất bại duy nhất thật khốc hại không phải là đã cố gắng làm mà không thành công, nhưng là đã đầu hàng trước, không dám thử.

Khi nhìn vào các em thiếu nhi tôi thấy chúng được học quá nhiều và có những điều không cần học mà phải học, còn những điều cần học thì lại không có giờ. Thương thì đòi phải có sáng kiến và hy sinh. Tôi chọn chiều thứ năm hàng tuần để gặp gỡ và dâng lễ cho thiếu nhi vào giờ thích hợp nhất. Tôi nghĩ rằng không phải em nào cũng học chiều có những em học buổi sáng; không phải chiều thứ năm nào cũng học mà có những ngày trống và tôi phải tận dụng tối đa những cơ hội nầy. Và tạ ơn Chúa, tôi khởi đầu với con số O và Chúa đã thêm vào đằng trước những số 1, 2, 3…mãi cho đến hôm nay.

Xin Chúa giúp con luôn biết nhiệt tâm cộng tác với Chúa dù khi thuận lợi hay khi gặp khó khăn. Xin Tình yêu Chúa lôi kéo và thúc bách con làm tròn sứ mạng mà Chúa trao phó. Amen.

TRANG TU SĨ

MỘT VÀI CHIA SẺ

Đi từ Thành Phố ra đến Xuân Lộc, Đồng Nai. Hai bên đường tôi thấy những ngôi nhà thờ thật đẹp, thật cao to nguy nga, đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh nhà thờ những căn nhà dành cho việc mục vụ dạy giáo lý cũng rất đẹp, mỗi lớp học giáo lý được trang bị máy vi tính, máy chiếu hẳn hoi, vậy mà linh mục tiếp tôi ngài bảo: “ trang bị đầy đủ như thế mà không có bao nhiêu học trò đâu sơ ơi, chúng nó bận đi học thêm đủ thứ, oải lắm.”

Đây không phải là trường hợp đặc biệt của giáo xứ tôi vừa kể, đây cũng không phải là câu nói tôi được nghe lần đầu. Đây là tình trạng chung của tất cả các lớp giáo lý hiện nay. Các người phụ trách giáo lý: linh mục, tu sĩ, giáo lý viên than phiền vì tình trạng các em nghỉ học giáo lý thường xuyên, hay nếu có đến lớp cũng chỉ vì bắt buộc. Các em vào lớp ngồi học với vẻ mặt mệt mỏi. Hỏi thì các em trả lời bận học thêm, học thêm từ thứ hai đến Chúa Nhật không ngày nào nghỉ. Những bài học giáo lý không thể hấp dẫn bằng những trò chơi gam. Ngồi chơi game mấy tiếng đồng hồ không thấy lâu bằng nửa giờ học giáo lý. Mặc dù hôm nay những người có trách nhiệm dạy giáo lý, hay những người trách nhiệm huấn luyện giáo lý viên, đã cố gắng áp dụng những phương pháp sư phạm khoa học nhất, tìm kiếm những trò chơi phù hợp và sinh động nhất, thế nhưng cũng không thể thu hút được các em đến với lớp giáo lý đông và thường xuyên hơn. Tình trạng này thường gặp ở Thành Phố, ở vùng quê thì đỡ hơn đôi chút.

Tình trạng thành tích, dối trá cũng len lỏi vào trong môi trường dạy giáo lý, tôi đã gặp trường hợp này. Tôi phụ trách một lớp Giáo lý thêm sức ở một họ đạo lớn tại Thành Phố Hồ Chí Minh, trong lớp tôi dạy có một số em thường xuyên nghỉ học dù đã nhắc nhở, mời phụ huynh đến để hỏi thăm hoàn cảnh của từng em. Những em này thuộc diện con nhà khá giả, bố mẹ cũng đạo đức, thế nhưng các em thường xuyên vắng mặt. Hôm nào đi học, tôi hỏi lý do vắng mặt các em bảo: “bận học thêm, bận đi thi.” Nhưng thật ra các em đi chơi game. Một hôm tôi cho các em làm bài kiểm tra giáo lý mà trước đó một tuần tôi đã nhắc nhở những bài, những nội dung mà tôi sẽ kiểm tra. Thế nhưng, hôm đó các em hầu như không học bài, giờ kiểm tra các em lật tài liệu ra chép, tôi nhắc nhở các em vẫn không dẹp và sau đó, khi được khuyên bảo thì tỏ thái độ bất cần, không muốn nghe.

Xin chia sẻ những kinh nghiệm có vẻ như bó tay trước hoàn cảnh hiện nay trong sứ mệnh cao cả là dạy Giáo lý. Tuy nhiên, tôi vẫn tin Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong Giáo Hội, Người sẽ có cách của người, nếu mỗi chúng ta đều cố gắng hết lòng cộng tác cho Danh Cha cả sáng.

Một nữ Tu (MTG Cái Nhum)

Làm sao để lôi kéo trẻ đến nhà thờ?

Nếu có dịp đọc qua “Gợi ý bản thảo thư mục vụ năm 2009” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Sứ vụ dạy giáo lý, mục “Hiện tình việc dạy giáo lý tại Việt Nam”, kết hợp với những kinh nghiệm dạy giáo lý trong hoàn cảnh của Giáo Hội trong xã hội hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng những khó khăn của Giáo Hội là quá lớn so với những thuận lợi trong việc dạy giáo lý. Càng ngẫm nghĩ, tôi càng thấy kết quả của sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới, cụ thể là trên đất nước Việt Nam lúc này sao mà xa xôi quá!…

Thử nghĩ mà xem: daỵ giáo lý là giúp hướng con người tới Thiên Chúa, một công việc của lòng tin nếu không muốn nói đến việc sử dụng trí tưởng tượng của cả người dạy lẫn người học! Nói một cách nôm na theo kiểu những anh chị em tân tòng, thì học giáo lý là “học đạo,” để “giữ đạo” Chúa. Mà đạo chính là con đường dẫn con người tới gần Thiên Chúa, nguồn sống vĩnh cửu. Đó chính là con đường Giêsu. Muốn đi theo con đường Giêsu, con người phải tuân thủ những đòi hỏi cần thiết của nó: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16, 24) Trong khi đó, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay hướng con người đến chủ nghĩa thực dụng, những cái lợi trước mắt, sự dễ dãi, hưởng thụ, nuông chìu đối với bản thân hơn là sự từ bỏ và hy sinh… Thì việc dạy giáo lý gặp nhiều khó khăn là điều dễ hiểu thôi!

Nhìn chung, thuận lợi của Giáo Hội Việt Nam trong việc dạy giáo lý cũng không phải là ít. Vẫn có sự quan tâm của Hội Đồng Giám Mục, vẫn còn có nhiều người biết quảng đại dấn thân, đóng góp khả năng của mình, hy sinh thời giờ và công sức cho sự thăng tiến đức tin của người khác. Con số 50.000 giáo lý viên thiện nguyện của toàn quốc cũng không phải là một con số nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào thực tế đang diễn ra hàng ngày trong xã hội hôm nay, làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống Giáo Hội. Người kitô hữu được mời mọc bởi những lợi ích chóng qua: tiền, tài, danh vọng, cuộc sống thoải mái theo quan niệm càng làm được nhiều tiền mà ít vất vả hy sinh thì càng được hạnh phúc; con cái học cao hay việc làm tốt thì cha mẹ được nở mặt nở mày với người ta… và những quyến rũ tương tự như thế không ngừng nâng cao “ước muốn leo thang” của những người trẻ hôm nay. Dần dần nhiều bạn trẻ đã bỏ quê nhà đi tìm cho mình một việc làm có thu nhập cao ở tỉnh thành. Nơi họ đạo tôi đang giúp là một thí dụ điển hình.

Vào 8 năm về trước, khi lần đâu tiên tôi được sai đến, lúc đó giới trẻ và thiếu nhi khá đông, hầu hết các sinh hoạt trong họ đạo đều nhờ vào các bạn trẻ. Cha Sở đã tạo điều kiện cho một số bạn đi học các khóa Sư phạm giáo lý do giáo phận tổ chức. Các bạn là những cộng tác viên nhiệt thành và tích cực của Cha Sở trong việc dạy giáo lý cho thiếu nhi trong họ. Vậy mà khi trở lại đây lần thứ hai cách đây gần 1 năm, một số đông các bạn đã rời xa quê đi làm ở Sài Gòn hay ở tận Đồng Nai, Vũng Tàu… vì ở những nơi đó đồng lương cao hơn, ngoài ra còn có công việc ổn định. Một vài bạn sa chân lỡ bước khi tiếp xúc với cuộc sống mới rồi bị nhiễm căn bệnh thế kỷ! Nghe rất đau lòng! Đâu là tương lai tươi sáng trong khi các bạn muốn đi tìm cho mình một tương lai? Cả các em thiếu nhi ngày đó giờ đây cũng học xong hoặc sắp xong trung học, chuẩn bị vào Đại học hay Cao đẳng; rồi các em cũng sẽ lại rời bỏ xứ sở mà đi đến các tỉnh thành để học. Các em phải học rất nhiều, đâu còn thời giờ cho họ đạo, cho người khác nữa. Họ đạo giờ đây phần đông là những người lớn tuổi, giới trẻ thưa thớt, giáo lý viên chỉ còn lại một vài người.

Nhìn lại chặng đường dài của công cuộc truyền giáo, có thể nói đây là thời gian Giáo Hội Việt Nam gặp rất nhiều thách đố trong việc dạy giáo lý, những khó khăn đến từ sự phát triển của nền kinh tế thị trường tế. Nó luôn tạo cho con người ngày nay một sức ép, một sự tranh đua không có điểm dừng về những giá trị hào nhoáng của cuộc sống, làm cho họ ngày càng bị cuốn hút bởi những hấp dẫn bên ngoài và đánh mất chính mình. Làm sao để giúp người giáo dân nhất là các bạn trẻ biết nhận ra những cạm bẫy đó mà trở về với chính mình, biết góp phần mình ra sức phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong khả năng của mình?

Hỏi tức là trả lời cách nào đó, là cố gắng trong khả năng và phương tiện đang có để giúp các em hiểu và sống đạo.

Một Nữ Tu (MTG Cái Mơn)

TRANG SỐNG ƠN GỌI

ƠN GỌI NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC

Hôm rồi có một vị linh mục hỏi chúng tôi: Ơn gọi này có đưa ta đến vui tươi hạnh phúc không ? Tôi thưa ngài rằng: niềm vui và hạnh phúc con đặt lên hàng đầu, đó là cốt lõi nền tảng ơn gọi. Chúng con chia sẻ và giúp nhau cách này hay cách khác, nhất là bằng đời sống cầu nguyện để nhận ra chúng con được Chúa thương yêu âu yếm, được Chúa cứu độ. Chỉ có niềm vui và hạnh phúc mới giữ chúng con “ở lại” với Ngài và liên đới với nhau trong mối dây thân thương đó.

Ơn gọi càng được nhiều người “nhào vô” chúng ta càng hạnh phúc. Hạnh phúc không phải vì chúng ta có số đông, chúng ta được nhiều người biết đến, chúng ta nổi tiếng, chúng ta vênh vang hãnh diện. Nhưng hạnh phúc vì có nhiều người nhận ra được lòng thương yêu âu yếm của Chúa. Hạnh phúc vì càng ngày càng có nhiều người hạnh phúc.

Ơn gọi của chúng ta chẳng có gì để làm bảo đảm cho tương lai có của ăn của để, cho cuộc đời khi gặp đau thương thử thách, cho mạng sống khi bệnh tật ốm đau già nua... nhưng có niềm vui hạnh phúc vì nên giống Đức Kitô, nên một trong Đức Kitô.

Ơn gọi chẳng có được nâng đỡ bằng tường cao kín cổng, áo mão cân đai, khấn đơn khấn trọn, bề trên bề dưới... nhưng có niềm vui hạnh phúc vì có Chúa ở cùng, có Chúa đồng hành, có Chúa là bạn thân nâng đỡ và tất nhiên cũng có những người bạn gắn bó hơn ruột thịt máu mủ (Mt 12,48-50)

Ơn gọi là niềm vui và hạnh phúc không phải bởi những lễ nghi long trọng ồn ào náo nhiệt có quay có nháy. Không phải bởi những cuộc ăn nhậu tưng bừng chén chú chén bác. Không phải bởi có những cấp bậc lớn lao dòm ngó đến để chúng ta dựa hơi gây tiếng. Nhưng có bầu khí ấm cúng thân tình, âm thầm và lặng lẽ để đón nhận cái niềm vui hạnh phúc từ chiều sâu bên trong.

Tại sao theo ơn gọi vẫn có người sống lơ mơ ? Thưa vì khi được nghe chia sẻ về đời sống cầu nguyện và thực tập sống cầu nguyện thì thấy đời mình như được bơi trong dòng sông yêu thương êm ái hạnh phúc buông lỏng trôi nổi bồng bềnh, nhưng rồi khi gặp sóng gió bão bùng gầm thét thì la hoảng loạn, quẫy lung tung, đạp um sùm đến hụt cả hơi. Điểm căn bản là bởi người đó chưa hết lòng hết sức bơi đến Bến đến Bờ; chưa khao khát hết lòng hết sức hết trí khôn; chưa đạt tới được niềm vui hạnh phúc thật sự mà niềm vui hạnh phúc thật sự; đó là chính Chúa chứ không phải là chuyện gì khác (ngoài Chúa ra con còn tìm đâu thấy hạnh phúc!). Đã đành là ơn Chúa, nhưng con người cũng cần khao khát đón nhận, tha thiết với ân ban, bởi tình yêu thì không dồn ép. “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống” (Tv 41). “Ôi lậy Chúa, con thấy mình đói lả, chỉ có Ngài làm no thỏa được thôi” (TT Kinh Trưa MC)

Ơn gọi niềm vui và hạnh phúc thúc đẩy ta can đảm vượt khó khăn, băng qua chướng ngại, lên đường kiếm tìm gặp gỡ những tâm hồn đang chờ đợi, đang khát vọng. Chúa vẫn đang ân cần nhờ chúng ta giúp Ngài một tay, phụ với Ngài trong ơn gọi này. Dù sức khỏe, kinh tế, văn hóa... không được như lòng người mong đợi nhưng chúng ta vẫn can đảm lên đường...

Ơn gọi sống niềm vui và hạnh phúc đặt Chúa Giêsu Thánh Thể làm trung tâm điểm trong đời sống. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi năm dành thời gian ra được bao nhiêu tùy theo hoàn cảnh mỗi người để được ở cận kề bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Chiêm ngắm, lắng nghe, tâm tình, tỏ bày và xin ơn... .

Có người đến với ơn gọi dòm qua ngó lại rồi lè lưỡi quắc mắt lắc đầu bỏ đi... vì không tìm thấy nơi chúng ta có điều gì hợp với họ, chúng ta cũng không buồn cũng chẳng trách cứ. Có người sống với ơn gọi, rồi một thời gian bỏ đi lập gia đình, chúng ta cũng chẳng khó chịu mà còn chúc mừng cho chọn lựa phù hợp với họ. Có người đến với ơn gọi mà đặt nhà cửa, tiền của, ruộng vườn... không đúng chỗ…

Viết ra đây bài Ơn gọi không phải để chúng ta an ủi nhau cho đỡ tủi, không phải để tâng bốc nhau, không phải để người khác lé mắt chơi vì quá lý tưởng nhưng sự gì chân thật thì phát xuất bởi Chúa. Điều gì chúng ta chưa sống được, chưa thực hành được, hoặc có những sai sót thì qua việc tiếp xúc với Chúa hằng ngày mọi nơi mọi lúc, rồi Chúa sẽ thực hiện cho chúng ta. Chúng ta tin như thế. Và Ngài sẽ làm cho ơn gọi này được phát triển qua sự cộng tác hết lòng của chúng ta.

Viết theo tamlinhvaodoi.net

TRANG THIẾU NHI

HỘI CHỨNG “MẤT LỬA”

NHẠY BÉN, NHIỆT TÌNH, KHÁT KHAO, BỨC PHÁ được coi là “thương hiệu” độc quyền của tuổi trẻ. Tuổi trẻ xưa rày vẫn như cây xanh đang căng tràn sức sống. Từ hoạt động đến cách sống tuổi trẻ luôn khẳng định thương hiệu của mình với những hoài bão lớn lao. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao vẫn có những người tuổi hãy còn xuân, năng lực còn đầy lại rơi vào trạng thái bất an trong muộn phiền, ngao ngán.

1. Chán nản buông xuôi

 Cô  Thanh Xuân phụ trách lớp giáo lý chuẩn bị  lãnh Bí tích Thêm Sức. Giờ lên lớp, để thay đổi bầu khí nhàm chán với câu giáo lý hỏi thưa, cô có sáng kiến cho các em vui chơi ngay trong phòng lớp.

- Cô Thanh Xuân: chúng ta cùng vui chơi một chút nhe!
- Cả lớp: Yeh!
- Cô Thanh Xuân: Cô cho các em chơi trò “Tôi bảo”
- Cu Tí: Trời! Trò này biết rồi, chán lắm. Trò khác cô ơi!
- Cô Thanh Xuân: ngượng ngùng, mất hứng!

Thầy trò không hiểu nhau đôi lúc làm vắng đi những nụ cười đáng ra phải có. Niềm vui mới nhóm lên rồi vội tắt dễ gây bao hụt hẫng cho người, nhất là nơi những con người luôn dấn thân lòng đầy nhiệt huyết.

Thầy Hùng Dũng giúp xứ nơi một họ đạo với cha sở tuổi cao. Thầy giúp thì hiếu động, cha sở thì cầu an nên việc mục vụ thật khó sinh động và khởi sắc.

- Thầy giúp: Tháng sau xin Cha cho các em đi hành hương nhe cha!
- Cha sở: đi đâu cho xa, Đức Mẹ ở nhà vẫn thế!

Vài tháng sau ông thầy cũng “liều mình” đến gặp cha sở.

- Thầy giúp: hè này Cha cho các em đi đâu chơi không cha?
- Cha sở: hè lo học giáo lý, ở đó mà đi chơi!

Giữa cha và thầy ai cũng có lý nhưng điều  đáng nói ở đây là sự mất lửa trong mục vụ dễ làm cho sức sống họ đạo vẫn cứ ù lì không gì thay đổi. Thầy Hùng Dũng dẫu có nhiệt tình đến đâu có lúc cũng nãn chí anh hùng là lẽ đương nhiên.

Hội chứng mất lửa này thật nguy hiểm vì nó nhận chìm bao nhiệt tình và sáng kiến. Những đột phá nếu biết tận dụng và điều hướng chắc chắn sẽ mang đến những điều diệu kỳ cho cuộc sống. Những đột phá mà bị “đả phá” sẽ có hiệu ứng ngược lại. Lúc đó người ta sẽ rơi vào trạng thái lo âu, áp lực nặng nề, buông xuôi tất cả.

2. Xuống tinh thần

Hội chứng mất lửa là tình trạng khá phổ  biến nơi những người trẻ. Nhưng rồi hội chứng này cũng ăn sâu vào đời sống của bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào hay giữ chức vụ gì. Sức khoẻ tinh thần đóng vai trò rất quan trọng nhưng nhiều lúc ta lại bỏ quên. Có người hăng say trong công việc, làm việc miệt mài, sức khoẻ dần dần yếu kéo theo tinh thần cũng mệt mỏi. Trong tình trạng đó dù một thất bại nhỏ thôi cũng đủ làm cho họ bị xuống dốc trầm trọng. Huống chi một người đang ấp ủ một dự định lớn, với một kế hoạch rõ ràng nhưng cuối cùng không thực hiện được thì càng hụt hẫng biết chừng nào. “Dự định bao điều ngày ấy tiêu tan”

Những người quá lo âu cũng dễ bị hội chứng mất lửa này xâm chiếm. Họ lý tưởng hoá bản thân nên luôn bận tâm người khác nói gì, nghĩ gì, đánh giá mình ra sao. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho cuộc sống nặng nề không yên. Có người lại quanh quẫn với những chuyện buồn xảy ra trong quá khứ, quá bận tâm cho hiện tai, lo lắng nhiều về tương lai, vô tình làm cho tinh thần không lúc nào thanh thãn. Tinh thần xuống cấp kéo theo những phản ứng bù trừ như nóng nảy, bực mình hay la rầy vô cớ.

3. Chữa trị hội chứng mất lửa

Đi tìm một thứ miễn dịch cho hội chứng mất lửa rất cần sự nỗ lực của từng cá nhân. Trước hết, bạn hãy quên đi những lỗi lầm người khác cùng với những bất toàn của họ. Bạn cũng tập đón nhận những thất bại của mình trong bình tĩnh và sáng suốt, vì đó là điều không ai tránh khỏi. Bạn nên nhớ rằng trong Thánh Kinh có những bậc vĩ nhân nhưng cũng đã từng thất bại. Các Tông đồ được ơn Chúa Thánh Thần, đầy khôn ngoan, nhưng khi rao giảng mọi người cho các ông là “đầy rượu rồi”(Cv2,1-13). Thánh Phaolô và Barnaba có tài giảng thuyết, nhiều người không ngớt khen tặng và tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng hai ông cũng bị một số kẻ sách động trục xuất ra khỏi thành của ho ï(Cv14, 44-52). Ngay như chính Chúa Giêsu, Người đã làm nhiều điều cả thể trong dân, nhưng Người cũng bị dân chúng chối từ không chút tiếc thương.

Tiếp  đến bạn hãy để tâm trí mình hướng về những điều tích cực. Hãy nghĩ về những gì mình đã làm cách tốt đẹp trong quá khứ, và hướng về tương lại với bao niềm vui mới đang đón chờ. Can đảm suy nghĩ cách lạc quan sẽ đẩy lùi những nghi nan xảy đến trong đời. Nhà tâm lý người Mỹ Richard Carlson đã khuyên: “Dù bạn có đau khổ, mệt mỏi thật sự cũng không nên than vãn, vì nó sẽ giống như bạn đeo vòng kim cô vào người, tự tạo áp lực cho mình,và luôn cảm thấy mệt mỏi. Thay vào đó, bạn hãy nghỉ ngơi và nghĩ đến thành quả mình đã làm được trong một ngày, bạn sẽ phấn chấn vui tươi trở lại”.

 Và  cuối cùng, mỗi chúng ta cùng lặp lại lời mà các bạn trẻ thường hát với nhau: “Thà rằng thắp lên ngọn lửa cháy còn hơn ngồi mà nguyền rủa bóng tối cuộc đời”. Tôi, bạn và tất cả chúng ta được mời gọi hãy thắp lên ngọn lửa nhiệt tình, ngọn lửa yêu thương, để ngọn lửa mang thương hiệu độc quyền của tuổi trẻ luôn luôn cháy sáng giữa bóng tối cuộc đời. 

TRANG GIỚI TRẺ

Là con người hữu hạn nên hầu như khi thực hiện bất cứ chuyện gì từ nhỏ đến lớn chúng ta đều phải gặp phải những khó khăn bên cạnh những thuận lợi có thể thấy trước được. Công việc truyền đạt giáo lý là một trong những công việc mà Chúa Giêsu đã trao ban cho Giáo hội qua các Tông đồ. Đây lại là công việc đòi hỏi Giáo hội phải thực hiện xuyên suốt không ngơi nghỉ từ đời này sang đời khác.

So với trước đây, việc dạy giáo lý ngày nay có phần thuận lợi hơn từ bên trong lẫn bên ngoài. Việc dạy giáo lý được Giáo hội quan tâm nhiều hơn. Một cách kỷ lưỡng hơn là Giáo hội quan tâm để soạn ra những tài liệu học hỏi phù hợp với từng lứa tuổi. Nhiều người hiểu được lợi ích của việc học giáo lý. Nhiều người có thiện cảm hơn với những người làm công tác dạy giáo lý.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên việc dạy giáo lý gặp phải nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải nói đến là một số cha mẹ chưa ý thức đủ để nhắc nhở và động viên cho con em của mình. Do thời gian trước đây việc dạy giáo lý còn nhiều thiếu sót cho tầng lớp thiếu nhi và giới trẻ lúc ấy. Mà tầng lớp ấy hiện nay phần lớn đã là cha mẹ. Lẽ ra, họ đã bị thiếu sót thì ngày nay dễ dàng thuận tiện hơn nhiều họ phải lo cho con cái của mình đầy đủ hơn.

Khó khăn thứ hai là con người hôm nay nhất là giới trẻ chịu ảnh hưởng quá mạnh đến lối sống hưởng thụ và thực dụng. Chính lối sống này làm cho nhiều bạn trẻ cảm thấy dị ứng với việc học giáo lý. Họ không cần nghĩ đến tương lai miễn sao cuộc đời này họ có nhiều tiền nhiều của cải là được. Bởi vì, giáo lý luôn dạy phải kiếm tiền bằng chính mồ hôi nước mắt, bằng chính sức lao động của mình.

Thuận lợi đã có thì người trẻ Công giáo chúng ta hãy nắm bắt thời cơ hết sức thuận tiện ấy. Còn khó khăn thì người trẻ chúng ta cũng dư sức vượt qua, nếu được hướng dẫn đến nơi đến chốn. Làm thế nào để thế hệ đi sau luôn tốt hơn thế hệ đi trước. Có học giáo lý chúng ta mới có thể sống đạo tốt được. Để rồi mai ngày trở nên cha mẹ chúng ta biết làm gương tốt, gương sáng cho con cháu của mình.

TRANG GIA ĐÌNH

DẠY CON TỪ CÂY ĐINH

Một hai cây đinh nằm vương vãi trên đường chẳng mấy ai quan tâm. Cũng có người lượm lên , để dành, rồi cũng quên đi, cây đinh vẫn nằm im đó, không công dụng gì.

Tuy nhiên nếu có người nhìn thấy đem về lau chùi và tìm cách sử dụng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.

Điển hình một cậu bé nọ có tính rất xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm cha cậu bé đứa cho cậu một túi đinh rồi nói với cậu: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cây đinh lên hàng rào gỗ.Ngay ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cây đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu bé đã tập kềm chế cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào..

Đến một ngày, cậu đã không nổi giận một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo: “Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề giận với ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ cây đinh ra khỏi hàng rào”.

Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm, cậu bé vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng đã không còn một cây đinh nào trên hàng rào nữa.. Hàng rào đã không giống như xưa nữa. Cha cậu liến đến bên hàng rào, ông nhỏ nhẹ nói với cậu: “ Con đã làm rất tốt, nhưng những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa. Nếu con nói điều gì trong cơn nóng giận, những lời nói ấy cũng giống như nhưng lỗ này, chúng để lại những vết thương khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi. Con hãy nhớ vết thương tình thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác”.

Người cha trên đã chú ý từng lỗi nhỏ của con .Nếu không đóng, không nhổ từng cây đinh, tức đứa con không thấy lỗ đinh, không thấy lỗ đinh là không thấy vết thương tinh thần trong tâm hồn tha nhân. Có thể hôm nay đứa con còn nhỏ,nó chưa hiểu thế nào là vết thương tinh thần, nhưng nó vẫn nhớ mãi những lỗ đinh. Trong chuyện trên, cậu bé đã biết nhận ra và đã nói: “Cậu nhận thấy rằng kềm chế cơn giận của mình dễ hơn là là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào”

Nhiều cha mẹ dễ bỏ qua những chuyện giận hờn của con cái. Có khi cho là chuyện không đáng, đôi khi do nuông chiều con quá đáng, thậm chí nó giận ghét tới ông bà, cha mẹ, anh chị em trong nhà, cha mẹ vẫn cười tự hào và vỗ về con.Đang khi giận hờn, ghen ghét đã là những mối tội đầu trong bảy mối cần “Cải tội bảy mối có bảy đức”.

Một kỵ mã đã xem thường một cây đinh hỏng hóc trên móng sắt con ngựa đang chơ ûđồ nặng, đã qụy ngã dọc đường trước khi tới nhà. Hậu qủa vì tham lam bắt con ngựa chở nặng và sợ cướp nên càng thúc ngựa chạy nhanh. Cuối cùng tất cả đồ đạc đã vào tay bọn cướp. Người kỵ mã ân hận thì đã muộn .

Từ tuổi thơ, tôi còn nhớ ba tôi đã dạy một việc rất nhỏ, hoàn toàn vô ý thức, sau này đa trở thành phương pháp giáo dục nhân bản và đạo đức con người, đạo đức Kitô giáo nơi tôi. Một hôm có khách tới nhà, tôi bưng nước lên. Sau khi khách ra về, tôi dọn dẹp úp ly , nhưng trong ly còn nước trà cặn, tôi đã bưng hất ra cửa. Ba tôi nhìn thấy đã chạy lại rầy và dạy tôi : “Con tạt nước như vậy không được. Lỡ có người đi ngang qua cửa nhà mình thì sao? Con sẽ tạt trúng người ta. Có phải vô lễ, vô giáo dục không? Cho tới nay và suốt đời tôi không bao giờ quên và làm như vậy, và đã trở thành bài học giáo khoa giúp tôi dạy các em thiếu nhi và cả người lớn.

Tục ngữ Việt nam có câu: “Cái sảy nảy cái ung”, nghĩa là cái lỗi nhỏ như mụn trứng cá mà không sửa dạy, không uốn nắn , sẽ thành cái ung nhọt lớn nguy hiểm hơn. Tôi đã thấy bà mẹ đồng tình vơi con bắt con gà con của nhà hàng xóm cho con chơi. Bà đi chợ về thấy con đang thích thú vuốt ve con gà con mới nở. Bà biết rõ con bắt trộm của nhà hàng xóm, lập tức bà đã bắt giấu để dành cho con chơi.

Cái xấu không phải giá trị con gà. Thật ra nó vẫn giá trị đối với tài sản một phần tư xu của bà góa nghèo trong Phúc Aâm. Nhưng nó đã hư hỏng từ lương tâm người mẹ, do có thể phán đoán sai vì cho rằng con gà con. Nhưng nếu không gía trị, sao bà đem giấu? Và bà phải biết rằng con gà con đối với đứa bé là rất lớn. Nếu không sửa dạy con ngay bây giờ, sau này nó sẽ trở thành đứa trẻ trộm cắp không ngờ và khi đó ăn cắp con gà mẹ cũng không thấm tháp gì. Người ta nói: “Còn nhỏ ăn cắp con gà, lớn ăn cắp con bò” .

Nhiều người xưng tội: “Con có ăn cắp vặt”. Các cha giải tội đã phải ngạc nhiên hỏi: “Ăn căp vặt là ăn cắp gì? Thưa: “Ăn cắp trái cà trái ớt”. Trong Mười điều răn con học thế nào? Thưa: “Điều răn thứ bảy: Chớ lấy của người”. Chỉ có Chúa mới phán xét điều nặng nhẹ thôi!

Lm. Sơn Đoài

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

ĐỨC KI-TÔ, BẬC THẦY CỦA GIÁO LÝ VIÊN

Chúng ta đã đặt vấn đề dạy Giáo Lý theo cách thức nào là tốt nhất. Vậy không gì hơn là chúng ta hãy phân tích để học hỏi đường lối dạy Giáo Lý của chính Đức Giê-su Ki-tô đã áp dụng. Xin liệt kê 8 nguyên tắc rất đơn giản mà hiệu nghiệm:

I. TRỰC TIẾP NÓI VỚI NGƯỜI NGHE:

Đức Giê-su Ki-tô quả thật là một con người của quần chúng. Người đi khắp nơi trong suốt cả cuộc đời để gặp gỡ quần chúng. Chung quanh Người luôn có một đám đông tìm đến để lắng nghe, và Người đã chạnh lòng thương họ, không quản ngại giảng dạy cho họ, nhiều khi đến kiệt sức.


Trên núi, trong hoang địa, dưới thuyền, ngoài bãi biển, trong Hội Đường, nơi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, tại bàn ăn, giữa tiệc cưới, ở mọi góc phố, và cả trên Thập Giá, ở đâu Người cũng có những lời giảng dạy về Chúa Cha, về Nước Trời, về giới răn Yêu Thương, về lòng tha thứ...


Người tiếp xúc với đủ mọi hạng người: kẻ giàu người nghèo, kẻ bệnh tật, người đang gặp khổ đau, người Pha-ri-sêu, các Luật Sĩ, sĩ quan Rô-ma, người miền Sa-ma-ri, các cô gái điếm, người thu thuế, kẻ tử tù... miễn là họ có lòng chân thành sám hối, muốn đi theo con đường Đức Giê-su mời gọi.


Đức Giê-su không hề biên soạn và viết ra một tác phẩm nào cho mục đích giảng dạy gián tiếp, Người trực tiếp nói với mọi người, đối thoại một cách ân cần, khi nhỏ nhẹ, lúc hùng hồn, và đặc biệt là yêu quý trẻ em lúc nào cũng quấn quít bên Người (x. Mt 18, 2; Mc 10, 14).

II. TRÌNH BÀY VỪA TẦM NGƯỜI NGHE:

Đa số thính giả của Đức Giê-su là người bình dân chất phác, lao động chân tay, mù chữ hoặc ít học. Người đã dùng ngôn ngữ của chính họ và những hình ảnh minh họa gần gũi dễ hiểu để giảng dạy và trò chuyện thân tình với họ, tận tụy giải đáp các thắc mắc của họ và không tiếc lời khen ngợi, khích lệ những ai có thành tâm thiện chí.

Ngược lại, đối với những một số ít người có học, hoặc khi họ muốn tranh luận bắt bẻ, Đức Giê-su cũng sẵn sàng lý luận, trưng dẫn Kinh Thánh (x. Mt 11, 10; 12, 40; 15, 4. 8) vận dụng Luật Mô-sê (x. Mt 5, 21. 27. 31. 33. 38. 43), viện lẽ khôn ngoan trong cuộc sống (x. Mt 5, 15; 6, 24; 12, 25. 29. 33; Lc 6, 39 – 40; 48 – 49) để thuyết phục họ, hoặc thẳng thắn phi bác, cho thấy họ đã lầm lạc hay ngoan cố.


III. DÙNG CÁI DỄ HIỂU ĐỂ NÓI VỀ CÁI KHÓ HIỂU:

Khi muốn dạy một chân lý cao siêu, một mầu nhiệm khó hiểu, mới lạ và khó tin, Đức Giê-su đã chọn những sự việc và sự vật cụ thể, mượn những khái niệm gần gũi, những hình ảnh quen thuộc, những kinh nghiệm sống động của đời thường làm dẫn chứng hay minh họa.
Có thể nói, Người đã vận dụng phương pháp quy nạp đơn sơ hơn là phương pháp diễn giải phức tạp; dùng lối ẩn dụ so sánh để đi tới kết luận hơn là chọn những luận lý kinh viện bác học.
Đức Giê-su còn thường dùng các dụ ngôn (Paraboles) để giảng dạy. Thay cho những định nghĩa trừu tượng, các chân lý và mầu nhiệm đã được gói ghém trong một câu truyện kể ngắn gọn, với đầy đủ tình tiết hấp dẫn mà hợp lý hợp tình, nghe xong là tự khắc hiểu được bài học, tự mình rút ra được một số yếu tố siêu việt của Nước Trời và có thể áp dụng ngay vào đời sống thường nhật hiện tại.

IV. ĐÚC KẾT THÀNH NHỮNG CÂU DỄ NHỚ:


Sau khi đã diễn giải một chân lý, một mầu nhiệm, một giới luật mới để giúp người nghe hiểu được một cách sáng tỏ, bao giờ Đức Giê-su cũng có những lời đúc kết ngắn gọn và giản dị để giúp họ ghi nhớ sâu xa và thấm thía, đồng thời sẵn sàng đem ra thực hành một cách dễ dàng.

Xin đơn cử những câu kết luận như thế trong Tin Mừng:

§ Về việc cầu nguyện: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9).

§ Về đức khiêm tốn: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14, 11).


§ Về tinh thần phục vụ: “Thầy đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ” (Mc 10, 41).


§ Về sự bền đỗ: “Kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn thì lại ít” (Mt 22, 14).


§ Về lòng tình yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).


§ Về sự từ bỏ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).

V. NHẮC LẠI DƯỚI NHIỀU HÌNH THỨC:

Khi trình bày một chân lý hay một điểm Giáo Lý, Đức Giê-su thường nhắc đi nhắc lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Như vậy, vấn đề càng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hành trong đời sống hơn mà lại không sợ nhàm chán đơn điệu. Hơn nữa, một lần vấn đề được nhắc lại, vẫn có dịp để thêmbổ túc những khía cạnh mới.
Ví dụ, để minh họa cho lòng Chúa yêu thương những người tội lỗi, luôn chờ mong họ hoán cải, Đức Giê-su đã dùng rất nhiều dụ ngôn khác nhau mà Tin Mừng theo Thánh Lu-ca đã ghi lại trong toàn bộ chương 15 như: Dụ Ngôn Con Chiên Bị Mất, Dụ Ngôn Đồng Bạc Bị Mất, Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu (x. Lc 15, 1 – 32).

VI. TIẾN TỪNG BƯỚC THEO TRÌNH ĐỘ CỦA NGƯỜI NGHE:

Một chân lý cao siêu, một mầu nhiệm khó hiểu không thể trong một bài dạy, trong một lần học mà có thể đón nhận trọn vẹn ngay được. “Mưa lâu thấm đất”. Rõ ràng cần phải có thời gian để thấm thía. Vì thế, Đức Giê-su đã luôn luôn vén tỏ mầu nhiệm Nước Trời, Nước Thiên Chúa từng bước, từng chút một. Mỗi lần giảng dạy, Người lại bổ túc thêm một ít, đào sâu và mở rộng thêm những gì đã dạy trước đó.
Lấy ví dụ, Đức Giê-su đã từ từ tỏ mình cho các môn đệ rằng chính là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế, để rồi cuối cùng, đến lúc chín muồi, Người mới tự giới thiệu Người chính là Con Thiên Chúa trong biến cố Hiển Dung trên một ngọn núi cao (x. Mc 9, 2 – 8).
Một ví dụ khác: Đức Giê-su đã 3 lần tiên báo về cuộc thương khó và cái chết Người sẽ phải chịu để chuẩn bị cho các môn đệ có thể bình tĩnh đón nhận biến cố Vượt Qua đau xót nhưng cần thiết này (x. Mc 8, 31; 9, 30 – 32; 10, 32 – 34).

VII. DÙNG KINH THÁNH ĐỂ MINH CHỨNG:


Đức Giê-su thường trích dẫn những lời Thánh Kinh để giúp người nghe dễ tin và hiểu sâu hơn những lời Người giảng dạy.

Những lời Kinh Thánh ấy còn minh chứng rằng: Người đến là để hoàn tất mọi sự. Những lời Người nói, những việc Người làm vừa nối tiếp, vừa thực hiện những gì đã được tiên báo trong Cựu Ước. Người chính là Đấng mở ra thời Tân Ước, thực hiện mọi lời hứa và mọi ý định của Thiên Chúa đối với Dân của Người (x. Mt 11, 10; 12, 40; 15, 4. 8).

VIII. VỪA GIẢNG DẠY VỪA CẢM HÓA:

Trong khi diễn giải mầu nhiệm Nước Trời, Đức Giê-su cũng gợi lênnơi người nghe lòng yêu thích, khao khát đón nhận chân lý và sẵn sàng thay đổi cuộc sống.
Đã có một số không hưởng ứng lời mời gọi ấy (như chàng thanh niên giàu có còn tiếc rẻ của cải đời này trong Mc 10, 17 – 22), nhưng ngược lại đã có rất đông người đã được cảm hóa để đổi đời ( như: người đàn bà xứ Sa-ma-ri trong Ga 4, 7 – 42; người phụ nữ ngoại tình trong Ga 8, 3 – 11; người mù từ thuở mới sinh trong Ga 9, 1 – 38; người bệnh liệt giường vác chõng ra về trong Ga 5, 5 – 14; ông Da-kêu trong Lc 19, 1 – 10; người gian phi trên thập giá trong Lc 23, 39 – 43...)

IX. KẾT LUẬN:

Đã từng có một Hội Nghị Quốc Tế, thuần túy phi tôn giáo, được tổ chức đặc biệt để nghiên cứu về khoa sư phạm của “thầy giáo Giê-su thành Na-da-rét”. Và các nhà khoa học về giáo dục và sư phạm của hơn 120 quốc gia đã nhất trí chọn Người là “Nhà Giáo mẫu mực của mọi thời”.
Vậy, chẳng lẽ các Giáo Lý Viên là các môn đệ của Đức Giê-su, lại không học hỏi khoa Sư Phạm Giáo Lý nơi chính vị Tôn Sư vĩ đại của mình? (Tài liệu sưu tầm)

TRANG QUỚI CHỨC

TÔI DẠY GIÁO LÝ

(Nhớ về Cha sở Giuse Nguyễn Ngọc Thích)

Tôi là giáo lý viên, vừa là biện sở, lại nằm trong Ban Mục Vụ của giáo xứ. Hôm na,y sau giờ giáo lý chúng tôi, ba anh em: câu Thơ, Ô Trùm Tấn và tôi đến cha sở xin ý kiến về việc chuẩn bị cho trẻ Rước Lễ Lần Đầu. Vừa ngồi xuống ghế cha sở đã gọi tên tôi cho ý kiến:

Nầy anh Quang, từ nãy giờ tôi ở trên nhà nghe anh nhiệt tình dạy dỗ trẻ và căn dặn cẩn thận: ngày mai đi lễ Bổn Mạng cha Antôn. Anh nhắc trẻ làm tôi hơi ngượng, anh bảo mai chúng con đi lễ mổn mạng cha Antôn; ai hứa đi đưa tay lên! Tôi ở trên nhà không nhìn thấy nhưng chắc là chúng đưa tay 100% phải không. Anh còn nhắc đi nhắc lại đi lễ sẽ có quà! Đây là điểm làm tôi ngượng vì sợ bên ngoài người ta nghe chúng ta dụ con nít cách quá tầm thường. Sao anh không nhắc chúng nợ tình cảm cha con hãy đi lễ cầu nguyện cho cha, nhắc chúng công ơn thiêng liêng cha làm cho chúng và cho giáo xứ, dip bổn mạng đi lễ cầu nguỵên cho cha là bổn phận trả ơn.

Đa số trẻ con không nói dối, chúng hứa đi lễ là nhiệt tình hứa thật đấy, nhưng sáng ngày còn ngáy ngủ ai gọi chúng dậy và ai đưa chúng đi? Tại sao anh không dặn đơn sơ thế nầy: “chúng con về nhà nói với mẹ sáng mai gọi con dậy đi lễ Bổn Mạng cha Antôn và mẹ cùng đi với con”. Theo tôi không cần dùng từ “ba mẹ” vì với hai người sự việc có vẻ loảng ra, và cha thường ít quan tâm đến việc nầy. Mẹ thưong con, con xin thì mẹ đáp ứng. Sáng mai nhở ra quên gọi con dậy hay gọi trễ chúng sẽ quậy cho xem!

Về mặt sư phạm anh thiếu sót vì không biết gắn việc giáo dục vào gia đình. Đáng lý ra trong mấy tháng giáo lý hè chúng phải có ít nhất một lần gặp gở phụ huynh. Cha chỉ rao trên tòa giảng điều nầy là việc làm chiếu lệ, kết quả ít bởi trên tòa cha đâu thể giải thích nhiều việc. Thông thường cha chỉ gặp phụ huynh một lần có khi được hai hay ba lần trước ngày cử hành Bí Tích Rước Lễ hay Thêm Sức; có còn hơn không nhưng nếu chúng ta tổ chức gặp phụ huynh vào giữa tháng học thì hay hơn khi mọi sự đã sẳn sàng. Đây chỉ là cách thông báo hay phàn nàn gì đó cho qua chuyện.

Còn việc anh hứa cho quà càng sai sư phạm. Không bao giờ nên việc gì cũng thưởng quà. Phần thưởng tinh thần quí hơn: một lời khen, một tràng pháo tay đủ làm các em lên tinh thần và cố gắng làm việc. Anh đã ở trong hội Hướng Đạo Sinh ngày xưa thì hãy nhớ lại cách thưởng ra sao. Phần thưởng thì khác quà. Trò chơi nào cũng có phần thưởng: phần thưởng cho đội chiến thắng là một tràng hoa bằng cỏ bên vệ đường kết vội vàng đeo lên cổ xót làm sao, một nhánh cây thay cho chiếc cúp…vậy mà hướng đạo sinh luôn vui vẻ, sinh hoạt đều đặn và hội viên được âm thầm giáo dục, nhẹ nhàng đến đổi chúng không hay biết…chỉ khi lớn lên họ mới nhận ra rằng đức tính nầy, tập quán nọ tôi đã học được ở phong trào hướng đạo sinh..

Còn bàn về quà của bạn thì bạn không nói tôi cũng biết và học sinh cũng dư biết đó là cái bánh Hương Lan hay Đồng Khánh chứ gì! Đổi mẫu bánh với giấc ngũ nướng ban mai thì lỗ là chắc! Và bạn quên rồi, Chúa Giêsu đã trách những người Do Thái sáng đi tìm Chúa rằng: Ta biết biết các ngưoi tìm Ta không phải vì đã thấy phép lạ nhưng vì đã được ăn no! Chớ lo tìm của ăn hay hư nát, hảy tìm cùa ăn bền bỉ để được hằng sống..”(Gn. 6,27) Đem việc đi lễ Bổn Mạng đổi lấy cái bánh nghe nó lạc lỏng sao ấy!

Chúng ta cũng cần lưu ý tâm lý trẻ em nhất là trẻ em Cái Mơn. Cách chung ngày nay bánh trái thừa thải, nhiều trẻ cho bánh qui không nhận, nếu cho chung đoàn thể thì chúng nhận cầu vui với bạn nhưng không bao giờ dùng bởi thường dùng thứ ngon hơn. Bạn hứa cho quà mà chúng biết là bánh thì chúng không tha thiết gì. Tôi thây các cha phó, quí dì tặng ảnh Chúa, Mẹ, các thánh chúng thích hơn nhiều.

Glv. Pet. Nguyễn văn Quang (trích từ caimon.co.cc)

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Chỉ là một cái vạch

Chuyện xảy ra ở sân bay Charles De Gaulle-Paris. Trong khi chờ đến phiên làm thủ tục nhập cảnh, một hành khách Việt Nam đã giẫm lên vạch sơn phía trước hàng người. Một nhân viên cửa khẩu lịch sự nhưng nghiêm khắc lập tức yêu cầu người này lùi lại đúng nơi quy định. Mọi việc rất nhanh, bình thường, hầu như không gây chú ý cho bất cứ ai, nhưng bộc lộ một điều quan trọng: những thói quen xấu hằng ngày sẽ đưa người ta tới những hành động sai mà chính mình cũng không hề để ý.

Vượt qua các vạch quy định là chuyện gần như có thể bắt gặp ở khắp nơi ở nước ta vào bất cứ giờ giấc nào, trong vô số trường hợp, mà dễ thấy nhất là trên đường phố. Khi đèn đỏ bật lên ở các trụ đèn giao thông, không phải người đi đường nào cũng dừng lại đúng chỗ trước các vạch sơn. Rất nhiều người cố tình chạy lố, cán lên vạch sơn, một số khác còn phóng hẳn lên phía trước cả thước, hẳn để "xí phần" chạy đầu, khi đèn xanh bật lại. Vì vượt quá xa nơi cần dừng, họ đã không còn nhìn thấy đèn, và khi đèn trở lại màu xanh, họ vẫn cứ án binh bất động, cho đến lúc những người phía sau bấm còi, họ mới cho xe chạy.

Tại sao cứ phải cán lên các vạch sơn trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dừng đúng chỗ? Phần đường bị lấn hầu như chẳng đáng gì, chẳng giảm được giây đồng hồ nào, và trong nhiều trường hợp, rõ ràng chẳng phải để tranh chấp với bất kỳ ai, thế nhưng chúng ta vẫn cứ nhất định phải lấn lên. Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao?! Vì sao chỉ với khoảng cách một gang tay nhưng chúng ta vẫn không thể tạo được phản xạ văn minh là biết dừng đúng chỗ? Vì sao chúng ta cứ tập cho mình tính xấu không tôn trọng những quy định đặt ra nhằm bảo vệ chính mình, với tư cách là một thành viên của xã hội?

Thói quen xấu của người này không thể không va chạm với thói quen tốt của người khác. Rất nhiều những người dừng xe trước đèn đỏ đúng quy định đã bị chính những người muốn vượt đèn đỏ thúc xe vào lưng với câu quát mắng: "Ai biểu ngừng lại làm gì?!". Cũng không ít trường hợp những người ở phía trước trong khi tiếp tục chờ đèn xanh mới khởi động xe đã bị những người phía sau thúc còi riết róng hoặc lườm nguýt một cách đầy khó chịu, như đã làm một điều gì sai trái.

Ai cũng muốn sống ở đô thị, nhưng không phải ai cũng biết tôn trọng những quy định dành cho dân đô thị. Mà nếu không tập được những thói quen, những phản xạ cần thiết của người dân đô thị, có lúc chúng ta sẽ gặp những bất ngờ, bởi chính những hành vi quen thuộc hằng ngày của mình...

... Giống như người đã giẫm lên vạch sơn ở sân bay Charles De Gaulle.

Camera (thanhnien.com.vn)

SỐNG ĐẸP

Nghe cha dạy con gái

Trên đường đời, sẽ có lúc con gái của bạn cần nghe những lời khuyên mạnh mẽ ấy, để có thể tiếp tục tiến lên...

- Một người không tốt với con, con không nên quá bận tâm. Trong cuộc sống của con, không ai phải có nghĩa vụ đối tốt với con trừ cha mẹ. Còn với những người tốt với con, con nên trân trọng và biết ơn điều đó.

- Nhưng con cũng cần phải có chút đề phòng bởi mỗi người khi làm bất cứ việc gì đều có mục đích riêng. Hãy nhớ, họ tốt với con không đồng nghĩa với việc họ phải quý mến con.

- Không có ai là không thể thay thế, không có vật gì thuộc hoàn toàn sở hữu của con. Vì thế, nếu sau này người con yêu thương không còn ở bên, hay họ không còn là nơi con có thể đặt niềm tin, con cũng đừng bi lụy.

- Sinh mệnh con người thực sự ngắn ngủi, con đừng để mỗi ngày trôi đi vô ích. Người ta tham vọng sống lâu nhưng con chỉ cần sống hạnh phúc mỗi ngày. Hãy trân trong và yêu lấy cuộc sống hiện tại của con.

- Trên đời này không có gì là nhất cả, tình yêu chỉ là cảm giác bất chợt đi qua cuộc đời con, nhưng nó sẽ theo thời gian và lòng người mà thay đổi. Nếu như người đó rời xa con, con hãy học cách chờ đợi. Hãy để thời gian rửa sạch vết thương, để tâm hồn con lắng lại rồi nỗi đau của con cũng sẽ dần biến mất. Con đừng mơ ước một tình yêu hoàn hảo, cũng đừng thổi phồng nỗi đau khi nó không còn.

- Có những người thành đạt mà không cần trải qua nhiều trường lớp, nhưng điều đó không có nghĩa con thôi nỗ lực học tập. Kiến thức con học được chính là vũ khí con cần có, hãy nhớ người ta không thể làm gì nếu họ chỉ có tay không.

- Con không nhất thiết phải chăm sóc cha nửa cuộc đời con lại và cha cũng thế. Khi trưởng thành, con có thể tự mình bước đi, trách nhiệm của cha cũng đã kết thúc. Sau này dù con hạnh phúc hay buồn đau, con đều phải tự mình lựa chọn và có trách nhiệm với nó.

- Con có thể bắt mình phải giữ chữ tín, nhưng không thể yêu cầu người khác làm thế với mình. Con có thể yêu cầu bản thân phải đối đãi tốt với người, nhưng con không thể kì vọng người ta sẽ làm ngược lại. Khi con tốt với họ, họ không có nghĩa vụ phải tốt lại với con. Hãy nhớ điều này nếu không con sẽ luôn gặp ưu phiền trong cuộc sống.

- Cha đã mua vé số trong 26 năm thế nhưng chưa một lần trúng, điều đó nói lên rằng muốn giàu có phải dựa vào nỗ lực làm việc của bản thân, trên đời này không có bữa ăn nào là miễn phí cả.

- Chỉ những ai có duyên phận mới trở thành người thân của nhau, cho dù trong cuộc sống bận rộn con ít khi gặp mọi người, nhưng con hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn bên họ, hãy dành cho họ thời gian để yêu thương con hơn, và hãy gọi điện cho mẹ con.

Quỳnh Phạm (dantri.com.vn)

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Khi gặp những khó khăn, bạn hãy gọi điện thoại cho Chúa theo các số sau:
(có thể gọi trực tiếp không cần qua tổng đài)

1.Khi buồn sầu. Hãy gọi : Ga 14
2. Khi bị bỏ rơi. Hãy gọi : Tv 27
3. Khi muốn gặt hái thành công. Hãy gọi : Ga 15
4. Khi đã trót phạm tội. Hãy gọi : Tv 51
5. Khi lo lắng. Hãy gọi : Mt 6,25-34
6. Khi gặp nguy hiểm. Hãy gọi : Tv 91
7. Khi cảm thấy Thiên Chúa như xa vắng. Hãy gọi : Tv 139
8. Để củng cố đức tin và thêm lòng cậy trông. Hãy gọi : Tv 27
9. Khi cô đơn sợ sệt. Hãy gọi : Tv 23
10. Khi cay đắng, muốn chỉ trích. Hãy gọi : 1Cr 13
11. Để có bí quyết hạnh phúc. Hãy gọi : Cl 3,1-17
12. Để hiểu Kitô hữu là ai. Hãy gọi : 2Cr 5,15-19
13. Khi xuống tinh thần, thất vọng. Hãy gọi : Rm 8,31-39
14. Khi muốn bình an và nghỉ ngơi. Hãy gọi : Mt 11,25-30
15. Khi thế giới dường như lớn hơn Thiên Chúa. Hãy gọi : Tv 90
16. Để sống như con cái Thiên Chúa. Hãy gọi : Rm 8,1-30
17. Để được an toàn khi đi làm hay du lịch. Hãy gọi : Tv 121
18. Để thanh thản cầu nguyện. Hãy gọi : Tv 67 hoặc Pl 2,1-5
19. Muốn được khôn ngoan hơn. Hãy gọi : Hc 8,31-37
20. Muốn can đảm để nhận việc. Hãy gọi : Gs 1,1-18
21. Để sống hoà hợp với mọi người. Hãy gọi : Rm 12,1-21
22. Khi làm ăn. Hãy gọi : Mc 10,17-31
23. Khi sa sút tinh thần. Hãy gọi : Tv 27
24. Khi túi tiền trống rỗng. Hãy gọi : Tv 37
25. Khi mất lòng tin nơi kẻ khác. Hãy gọi : 1Cr 13
26. Khi thiên hạ không tốt với ta. Hãy gọi: Ga15
27. Khi đang thất vọng vì công việc. Hãy gọi : Tv 126
28. Khi thấy mình vĩ đại trước thế giới. Hãy gọi : Tv 19

Các số khác:

1. Để đối phó với sợ hãi. Hãy gọi : Tv 34, 5-9
2. Để cảm thấy an toàn yên ổn. Hãy gọi : Tv 125
3. Để cảm thấy an tâm. Hãy gọi : Mt 14,22-33
4. Để nhắc nhở trong việc buôn bán. Hãy gọi : Hc 26,29-27,3
Tất cả các đường dây này đều được nối lên trời. Hoạt động miễn phí 24/24 giờ.
Bạn hãy bồi dưỡng thêm cho đức tin của mình. Hãy nhấc máy và gọi liền nhé, mọi nghi nan ngờ vực hay sợ hãi sẽ tan biến mất.

(Sưu tầm)

6096    24-04-2012 09:44:54