Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Phép Thánh Thể Bữa Tiệc Của Chúa - Tháng 06 năm 2005

CHỦ ĐỀ: PHÉP THÁNH THỂ BỮA TIỆC CỦA CHÚA

I. THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA số 16.

Hiệu quả cứu độ của hy tế được thực hiện sung mãn trong việc hiệp lễ, khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa. Hy Tế Thánh Thể tự nó hướng tới việc hiệp nhất thâm sâu của chúng ta là những tín hữu, với Chúa Kitô qua việc rước lễ: chúng ta nhận lấy chính Ngài, Đấng đã tự hiến cho chúng ta, chúng ta nhận lấy thân mình Ngài, thân mình mà Ngài đã nộp vì chúng ta trên Thập Giá, máu mà Ngài đã “đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26,28). Hãy nhớ những lời của Ngài: “ Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn lấy tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”(Ga 6,57).

Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng: một sự hiệp nhất như thế , mà Ngài so sánh tương tự như hiệp nhất trong đời sống Ba Ngôi, thực sự được thể hiện. Thánh Thể đích thực là một bữa tiệc, trong đó Chúa Kitô tự hiến làm của ăn. Khi Chúa Giêsu nói lần đầu tiên về thức ăn nầy, các thính giả của Ngài đều ngỡ ngàng và bối rối, đòi buộc Ngài phải nhấn mạnh đến chân lý khách quan của những lời Ngài: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”(Ga 6,53). Đây không nói đến một của ăn theo cách tượng trưng: “ Thịt tôi là của ăn thật, và máu tôi là của uống thật”(Ga 6,55). 

II. DẪN GIẢI

Đoạn Thông Điệp có hai phần:

Phần 1

Thánh lễ là hy tế (tế sống) phải được hiệp lễ mới có được hiệu quả sung mãn.
Hiệp lễ (Rước lễ) để được nên một với Chúa Kitô, và cùng với Chúa nên của lễ hiến tế.
Nhờ đó, chúng ta tôn thờ Chúa (bằng việc dâng lễ) có giá trị thích đáng, nhờ được ơn tha tội và hưởng được sức sống của chính sự sống của Chúa.

Phần 2

a) Nhắc đến hiệp lễ là hiệp nhất giống như hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi. Có thể nghĩ: bữa ăn tập thể cùng với nhau là một bữa tiệc.

b) Thánh lễ là bữa tiệc, vì trong tiệc mới có thực phẩm cao quý, mà chính trong Thánh lễ Chúa ban Mình Máu Người làm thực phẩm...cho nên phải nhận thấy Thánh lẽ là bữa tiệc cao quý nhất.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

THÁNH THỂ BỒI DƯỠNG TÂM HỒN

Có một thiếu nữ người Nhật, chừng 18 tuổi, tên là Nakamura, mà tôi đã rửa tội cho, khoảng 4 năm trước khi hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản. Cô là một tín hữu nhiệt thành, đi dự lễ và rước lễ mỗi ngày. Sau vụ bom nguyên tử, một ngày kia, khi đi rảo trong đường phố, tôi thấy một túp lều tạm lợp tôn, với vài cây cột chống đỡ. Khi tôi tiến lại gần thì một mùi hôi thối xông ra nồng nặc, khiến tôi phải trở lui. Nhìn vào, tôi thấy cô Nakamura, nằm trên đất, tay chân dạng ra, quần áo rách rưới và bị cháy sém, cả mình mẩy đều thương, đầy máu mủ, chảy ra thấm dần xuống đất. Cô ở trong tình trạng này đã 15 ngày, không ai săn sóc, không được rửa lau. Cực nhọc lắm cô mới ăn được chút cháo do cha cô đưa tới. Chính ông cũng bị thương nặng.

Bàng hoàng trước cảnh tượng hãi hùng, tôi không thể thốt ra được lời nào. Một lát sau, Nakamura mở mắt ra. Thấy tôi đang đứng bên cạnh mỉm cười, Nakamura nhìn tôi, mắt đầy lệ và cố gắng chìa cánh tay cụt đầy máu mủ cho tôi. Cô nói với tôi bằng một giọng mà không bao giờ tôi quên được: "Thưa cha, cha có mang Mình Thánh Chúa cho con rước không?" Một cuộc hiệp lễ sốt sắng đường nào, thật khác với các lần hiệp lễ khác mà trong nhiều năm, ngày nào tôi cũng trao Mình Thánh cho cô.

Sau đó, tôi được nghe những lời chia sẻ về cảm nghiệm thiếu vắng Thánh Thể, về những khát khao được rước lễ, trước những khổ đau và giờ chết sốt sắng của cô, khiến lòng mình cháy lên ngọn lửa yêu mến Thánh Thể không tàn lụi. Vài ngay sau Nakamura chết trong Chúa Giêsu mà cô hằng yêu mến. Chính Ngài cũng nóng lòng chờ đợi cô để tiếp nhận cô mãi mãi trên quê trời. (theo Cha Arrupe Dòng Tên).

Thiếu vắng Chúa Giêsu Thánh Thể là cảm giác mà Martha đã nghiệm thấy, khi Lazarôchết. Bà nói: "Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết". (Jn 11:32). Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ cả thể là cho ông Lazarô sống lại. Cũng như Martha, Nakamura đã nhận thức rằng dù Chúa Giêsu Thánh Thể vắng mặt (vì không được rước Chúa), nhưng Chúa sẽ không bao giờ bỏ cô. Ngài sẽ trở lại để đem cô về với Ngài trong niềm hạnh phúc. Chính Thánh Thể đã làm cho chúng ta quên đi mọi đau khổ và vui sướng được rước lấy Thánh Thể là sức mạnh khôn sánh cho chúng ta vượt thắng mọi khổ đau trong cuộc sống.

IV. DIỄN GIẢI

Từ thời Cựu Ước, bánh và rượu đã có tính cách tiên trưng cho của ăn Thánh Thể mà Đức Giêsu sẽ thiết lập trong thời Tân Ước.

Bánh Thánh Thể là bánh của cuộc xuất hành, cuộc giải phóng, cuộc hành trình đi về miền đất hứa và cũng liên hệ đến manna là thức ăn nuôi dân Chúa trong Sa mạc. Thời Tân ước, phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi sống đám đông, tiên báo cho sự phong phú của tấm bánh duy nhất là Thánh Thể.

Hội Thánh cũng coi “bánh và rượư” (St 14, 18) do Melkisêđê, vị vua kiêm tư tế, dâng lên Thiên Chúa, là tiên trưng cho lễ vật của Hội Thánh (x. GLCG 1333). Cũng như việc hiến dâng hy lễ của Melkisêđê được thực hiện trong việc chúc phúc và tạ ơn (St 14, 20), thì hành vi tư tế của Đức Giêsu cũng được diễn ra trong sự chúc lành và tạ ơn (x. Mt 26, 26).

Bánh và rượu được dâng lên Thiên Chúa với lòng cảm mến tri ân vì trước hết, bánh và rượu là tặng phẩm là “hoa mầu ruộng đất”, Thiên Chúa ban tặng cho con người. Đó là ân huệ vô điều kiện mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Tuy nhiên, bánh và rượu đồng thời cũng do công lao con người làm ra, do công lao khó nhọc của nhiều người.

Dâng bánh rượu cho ai là tức là dâng lên những khó nhọc và công lao của mình. Đó còn là dâng cả sự sống của mình: chia sẻ bánh rượu với người nào, tức là chia sẻ sự sống với người ấy. Như thế, bánh rượu không chỉ là thức ăn nuôi dưỡng thân xác, nhưng còn là biểu tượng của tình yêu san sẻ.

Thánh Thể là một bữa tiệc hy tế.

Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, viết năm 57, thánh Phaolô gọi Phép Thánh Thể là “bữa ăn của Chúa” (coena, convivium Dominica ). Đó là một bữa tiệc hy tế, được đánh dấu bằng việc Chúa Kitô đổ máu ra trên đồi Golgôtha. Bữa tiệc Thánh Thể cũng đồng thời là một bữa tiệc thánh qua đó những dấu chỉ đơn sơ ẩn chứa sự thánh thiện khôn dò của Thiên Chúa: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Chúa Kitô trở nên lương thực!”. Tấm bánh trên bàn thờ được bẻ ra cho chúng ta chính là “Bánh Thiên Thần”. Một hồng mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta chỉ biết, với đức tin, khiêm tốn cúi đầu đón nhận (x. Ecclesia de Eucharistia số 48).

Chúng ta thử tìm hiểu từ “hy tế” có ý nghĩa gì và bữa tiệc hy tế đem lại ơn ích gì cho người tham dự.

1) Hy tế có nghĩa là tế sống.

Từ xưa, loài người đã nhận biết Chúa là Chủ Tể (Trời sanh Trời dưỡng) và con người hoàn toàn lệ thuộc (sống thác nhờ Trời). Để tỏ lòng tin nhận, họ tôn thờ.

Việc tôn thờ cao trọng nhất là tế lễ. Vật lễ để hiến tế không chi quý bằng mạng sống...Cho nên muốn dâng mạng sống mình cho Chúa nghĩa là đón nhận cái chết, không muốn giữ cái sống để giao hoàn sự sống của mình về lại cho Chúa, thì đó là hy tế (tế sống).

Xem ra Chúa cũng chấp nhận ý kiến hy tế, nên Chúa đã bảo Abraham sát tế Isaac, để thử lóng ông thôi! Đúng ra Chúa muốn vật thọ tạo phải hướng về Đấng Tạo dựng như mục đích tối chung, nên sau đó, Cháu bảo Abraham bắt con chiên thay thế...

Nói được loài người theo đường hướng đó. Thay vì tự hy tế, sát tế, thì dùng con vật để thế cho mình. (Nota: Dưng hoa, nến, cũng có dụng ý thay thế mình. Hoa, nến, là một thứ vật lễ, héo úa, tàn lụn trước mặt Chúa: sống cho Chúa, chết cho Chúa.)

Sát tế xong rồi thì con vật được sát tế trở thành thực phẩm cho bữa tiệc tham dự. Gọi là bữa tiệc tham dự, vì người dùng tiệc, đúng là tham dự vào việc hy tế. An thịt con vật được sát tế, đó là muốn mình được đồng hoá với tế vật để cùng được hy tế (tế sống mình) dâng tiến Chúa.

Qua tánh cách tham dự nầy, chúng ta hiểu được tại sao xưa có luật cấm ăn của cúng! Không phải của cúng nhơ nhớp vì bị quỷ ngồi lết trên đó, nhưng vì không nên tham dự vào việc cúng tế dị đoan.

Chúa lập Phép Thánh Thể đó là thể hiện Thánh Tế, cũng là để hoàn hảo hoá tiệc cúng tế, tiệc ăn lễ chiên vượt qua thời Cựu ước.

Thánh Thể (đúng hơn Thánh Thể) là một Bữa tiệc.

2) Thánh Thể (Thánh lễ) là Bữa tiệc hồng ân.

Hồng ân là ân lớn.

a) Ơn lớn là vì ơn ban cho cả nhân loại. Chúa Nhập Thể làm người để có thể đại diện cho nhân loại, chịu sát tế, hầu chuộc lại ơn làm nghĩa tử cho cả mọi người.

b) Ơn lớn, vì nói được Thánh lễ là nguồn mọi ơn. Có Thánh lễ mới có được ơn cứu chuộc. Có ơn cứu chuộc mới có được các ơn khác: ơn tha tội, ơn làm nghĩa tử, ơn có khả năng sống làm con, ơn được quy tụ thành một gia đình của Chúa và tất cả mọi ân huệ khẩn thiết cho đời sống siêu nhiên.

Ơn lớn vì là ơn cho mọi người, ơn bao quát cả cuộc sống.

c) Càng phải lưu ý: Ơn lớn là ơn cao cả vô cùng của Phép Thánh Thể, là ơn Chúa tự liều mình cho chúng ta, để chúng ta được thông phần sự sống của Chúa. Thông phần như thế chúng ta mới có được cuộc sống vui phúc, vinh quang và vĩnh cửu. Chính Phép Thánh Thể đem đến và bảo đảm cho chúng ta hạnh phúc ấy.

Muốn ngàn đời xin cảm mến ca tụng Chúa!
Thánh Thể đem lại sự sống đời đới.

”Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không có sự sống đời đời” (Ga 6, 53). Việc hiệp thông Thánh Thể là nhằm mục đích bồi dưỡng, làm sống động, gia tăng sinh lực tức là đem đến cho ta sự sống vĩnh cửu.

Nếu Đức Giêsu là “sự phục sinh và sự sống” (Ga 11, 25) thì Người cũng có quyền thông chia sự sống cho kẻ khác. Bằng cách nào?

Không phải bằng tác động từ bên ngoài, nhưng dưới dạng “thức ăn”. Trái ngược với thức ăn thường vốn bị tiêu hoá và nên máu thịt của người ăn, Thánh Thể lại biến đổi con người nên Thịt Máu của Chúa đến một mức độ nào đó. Chính vì vậy mà Thánh Thể là thức ăn không hư nát, đưa đến sự sống, là lương thực phục sinh.

Muốn được cứu độ chúng ta phải tháp nhập vào Chúa Kitô, Đấng là nguồn Sự Sống và là chính Sự Sống. Chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể là ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô để được biến đổi thành thân thể Chúa Kitô, để được sống muôn đời với Ngài.

Việc hiệp thông trong Thánh Thể nối kết chúng ta mỗi ngày cách hoàn hảo hơn với Chúa Kitô và làm cho chúng ta thông hiệp vào tình yêu của Người trong Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần chẳng những thực hiện một sự hiệp nhất mới mẻ không ngừng giữa Chúa Kitô và những người thông hiệp mà còn giữa những tín hữu với nhau.

Qua việc rước lễ Chúa Kitô “ở lại” với chúng ta, những người Chúa thương mến đến độ chết thay cho chúng ta. “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”. (Ga 6,56) Phần chúng ta cũng phải “ở lại” trong tình yêu của Người bằng cách sống với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, qua việc noi gương Người ra đi dấn thân phục vụ anh em theo gương Chúa “cúi xuống rửa chân cho các môn đệ” trước khi lập Phép Thánh Thể.

Nhờ việc rước lễ, chúng ta được nên một với Chúa Kitô, được cảm nếm tình yêu thương chan chứa của Chúa. Đức Giáo hoàng Piô XII đã nói về Thánh Thể như sau: “Chúa Giêsu ước ao chuyện vãn với chúng ta thật thân tình, đặc biệt sau khi chúng ta rước lễ”. Do đó cần chuẫn bị tâm hồn chu đáo trước khi rước lễ và sốt sắng tạ ơn sau khi rước lễ.

Kiểm điểm:

- Tôi có xem thường Thánh lễ không? Dầu được mời, tôi cũng tránh né, không đến tham dự Thánh lễ.
- Thánh lễ là một Bữa tiệc, tôi có ham dự không, dầu tôi không xứng đáng?
- Bởi không xứng, tôi có cố gắng cho mình có đủ điều kiện để tham dự Thánh lễ?
- Phải tâm sạch trước (sạch tội) và trang điểm chút ít (mặc áo hợp cho lễ cưới) nghĩa là có tình với Chúa. Tôi tham dự lễ thế nào?
- Tôi có cảm thấy khoái lạc khi chịu lễ không? Cảm khoái được bao nhiêu lần.
- Tôi có biết rước lễ là hiệp lễ không?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy con biết ham thích dự lễ và rước lễ để được có Chúa trong cuộc đời đầy gian nan thử thách của mỗi chúng con. Amen

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN 

GỢI Ý SUY NIỆM.

Bữa tiệc là một bữa ăn thịnh soạn, có chuẩn bị dọn thức ăn thức uống có chất bổ dưỡng và số lượng nhiều, đãi nhiều người cùng thưởng thức.

”Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Vì kết quả của bữa tiệc cho người dự tiệc thật dồi dào sức sống thần linh. Hiệu quả của việc Rước lễ: Kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và hiệp nhất với nhau; xoá bỏ tội nhẹ và gia tăng ơn thánh hoá; thêm sức chống trả chước cám dỗ và sửa tính mê nết xấu; bảo đảm cho ta hưởng phước đời đời.

Quyết tâm: Siêng năng tham dự tiệc Thánh Thể.  

GỢI Ý SÁM HỐI

Tôi xem thường giá trị của bữa tiệc Thánh Thể. Xin Chúa thương tha thứ.
Tôi không hiểu biết hết lợi ích của việc Rước Lễ. Xin Chúa thương xót tôi.
Tôi không chuẩn bị để vào Bữa Tiệc Thánh Thể, tôi không “tiêu hoá” Thánh Thể. Xin tha thứ.  

LỜI NGUYỆN CHUNG.  

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
"Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, Chúa xức dầu thơm trên đầu tôi, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa”. Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể để thết đãi Dân Chúa. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, kín múc mọi hiệu quả trong bữa tiệc Chiên Thiên Chúa:

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Bênêđitô, các Giám mục và Linh mục, nhiệt thành trong sứ vụ mục tử, để sốt sắng dọn tiệc Thánh Thể Chúa cho đoàn dân riêng của Chúa.

Các môn đệ hỏi Chúa: “Thầy muốn chúng con dọn Tiệc Vượt Qua ở đâu?”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết dọn lòng xứng đáng để dự tiệc Thánh Thể và biết đóng góp phần lễ vật của mình vào Hy Tế của Chúa.

Sau khi dân chúng ăn no, Chúa bảo các môn đệ: “Hãy thu những phần còn thừa, kẻo phí đi”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, sau khi dự tiệc Thánh Thể, biết để cho chính Chúa Giêsu hoạt động trong tư tưởng, lời nói, việc làm và đời sống của mình.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, siêng năng tham dự tiệc Thánh Thể Chúa, giúp nhau hưởng tận nguồn dinh dưỡng cho sự sống đời đời.

Kết thúc: Lạy Chúa là Mục Tử nhân lành, Chúa dọn tiệc vô giá vô biên để thiết đãi dân Chúa, là chính Thánh Thể của Con Chúa. Xin Chúa lại ban Thánh Thần nhắc nhở chúng con siêng năng tham dự Tiệc Chiên Thiên Chúa, hầu đạt tới phúc trường sinh. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Thánh Thể, Bữa Tiệc Thân Ái
Mỗi ngày, gia đình hợp nhau nhiều lần để dùng bữa (bữa ăn). Thỉnh thoảng ngày lễ hoặc dịp vui còn mời thêm bà con bạn bè đến dự (bữa tiệc).

Bữa ăn cần thiết để nuôi sống thân xác, bồi dưỡng sức khoẻ, làm cho lớn lên. Những bữa tiệc có bạn bè đến dự là những cuộc tập hợp vui tươi và thân ái giữa những người thương mến nhau. Nhờ những cuộc tập hợp này, bạn bè càng hiểu nhau, thương mến nhau, hiệp nhất với nhau hơn.

Linh hồn ta cũng cần được nuôi sống, bồi dưỡng, và lớn lên:"Như Chúa Cha hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn lấy tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy" (Ga 6, 57). Chúa Giêsu lấy chính Mình Máu Ngài để nuôi dưỡng linh hồn ta: "Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống" (Ga 6, 55). Như vậy, Thánh thể là một bữa ăn.

Thánh Thể còn là một bữa tiệc thân ái giữa các tín hữu. Chúa Giêsu mời gọi mọi người đến ngồi cùng bàn dự tiệc với Ngài. Nhờ tiệc Thánh Thể, mỗi người kết hợp với Chúa Giêsu và yêu thương anh em mình, "vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1Cor 10, 17). Bữa tiệc Thánh Thể đem lại cho mọi người tình thân và niềm vui. Đúng vậy, nhờ việc rước lễ, chúng ta được kết hiệp với Đức Kitô, thì Đức Kitô cũng liên kết chúng ta với những người anh em khác.

Cũng như các bữa tiệc ở đời thường, mục đích là để bày tỏ sự cảm thông và yêu thương giữa những người cùng tham dự bữa tiệc. Điều này rất dễ thấy, khi ta chịu khó quan sát trong một đám cưới, hay đám giỗ: những người thân quen nhau, tìm đến với nhau và cùng vào ngồi chung một bàn. Nhưng cũng có những trường hợp đáng buồn, những người đồng bàn với nhau lại thù nghịch nhau. Linh mục Poucel nói:"Ăn uống là đoàn kết, nhưng đoàn kết thế nào được, nếu những người cùng ăn uống với nhau, lại không thông cảm và tha thứ cho nhau".

Bữa tiệc Thánh Thể thì khác với các bữa tiệc đời thường. Khi chúng ta rước lễ, nghĩa là cùng ăn một tấm bánh, cùng uống chung một chén, chúng ta được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô. Nói cách khác, rước lễ là rước chính Đức Kitô: Việc rước lễ trao ban sự sống của Đức Kitô cho chúng ta. Mỗi người chúng ta được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, thì rõ là, chúng ta là anh em với nhau, và chúng ta chỉ còn là anh em với nhau, bao lâu chúng ta còn kết hiệp với Đức Kitô. Như vậy, hiệu quả của tiệc Thánh Thể là cùng ăn một bánh, cùng uống một chén, thì cũng cùng thực hiện những hành động bác ái, "hầu trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô".(Kinh nguyện Thánh Thể III)

Ngày 16 . 03 . 2000, ngày thứ tư trong năm ngày giảng tĩnh tâm cho ĐGH Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận (sau này là hồng y) đã làm nổi bật hiệu quả của tiệc Thánh Thể, bằng việc kể lại kinh nghiệm của chính ngài trong những năm bị tù đày như sau:

"Khi mới bị bắt ở tù vào năm 1975, một câu hỏi dằn vật tâm tư tôi:"Làm sao tôi có thể dâng Thánh Lễ được ?". Thật vậy, khi tôi bị bắt, họ không cho tôi mang theo gì cả. Hôm sau, tôi được phép viết thư về nơi tôi bị bắt đi, để yêu cầu gửi những thứ cần thiết như quần áo, thuốc đánh răng, . .v. v. . . Trong đó tôi xin gửi cho tôi ít rượu thuốc đau bao tử. Người được phép thăm nuôi tôi, hiểu ngay lập tức điều tôi muốn nói, và đã gửi cho tôi một chai rượu nhỏ có dán nhãn hiệu "Thuốc đau bao tử" cùng với vài mẫu bánh lễ được giấu trong một lọ chống ẩm.

Công an hỏi tôi:"ông bị đau bao tử sao ?"
"Vâng".
"Đây là thuốc của ông".

Tôi chắc không bao giờ mình được vui sướng như thế. Mỗi ngày tôi dâng Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay tôi. Hằng ngày tôi có thể quỳ gối trước Thánh Giá của Chúa Giêsu, uống với Ngài chén cay đắng nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, tôi cam kết với cả con tim, và với hết tâm hồn một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu giữa Chúa Giêsu và tôi, hoà lẫn Máu của Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh lễ đẹp nhất trong đời tôi.

Trong thời gian mới bị đưa ra Bắc, tập trung trong trại cải tạo, tôi được xếp vào một đội 50 tù nhân. Chúng tôi ngủ chung với nhau trong cùng một phòng. Mỗi người chỉ chiếm một khoảng 50 phân. Mỗi đêm chúng tôi dàn xếp để 5 người Công Giáo có thể nằm cạnh tôi. Đèn tắt lúc 21giờ 30 và mọi người đều ngủ. Trong giường, tôi đã dâng Thánh lễ thuộc lòng, và trao Mình Thánh Chúa bằng cách đưa tay dưới chiếc mùng muỗi. Chúng tôi đã làm những hộp nhỏ bằng bao giấy gói thuốc lá để đựng Mình Thánh Chúa. Tôi luôn luôn mang Mình Thánh Chúa Kitô trong túi áo của tôi.

Từ khi có buổi học tập hằng tuần, mà tất cả mọi đội 50 người của trại cải tạo tham dự, tôi lợi dụng giờ nghỉ, và với sự trợ giúp của bạn bè Công Giáo, Mình Thánh Chúa được trao ban cho bốn đội tù nhân kia. Tất cả đều biết rằng Chúa Giêsu đang ở giữa họ, và Ngài chửa lành mọi đớn đau thể xác cũng như tâm thần. Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau chầu Mình Thánh Chúa. Sự hiện diện âm thầm của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể đã làm nên nhiều điều kỳ diệu: Nhiều người Công Giáo đã bắt đầu tin tưởng trở lại một cách nhiệt tình. Và xác chứng của họ về việc phục vụ và yêu thương đã có một ảnh hưởng lới lao hơn bao giờ hết đối với các tù nhân khác, ngay cả những anh em Phật giáo và ngoài Công Giáo cũng tin theo. Sức mạnh của Chúa Giêsu vô phương đối kháng. Đêm tối của lao tù biến thành ánh sáng Phục Sinh.

Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc cách mạng trên thập giá. Cuộc cách mạng của văn minh tình thương bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Thể, và từ đó phát ra nguồn sinh lực."

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tín thác vào Chúa. Tiệc Thánh Thể Chúa đã dọn sẵn, đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân các chúng con:"thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sống trong Chúa Giêsu", như thánh Ignatiô thành Antiôkia đã nói.

VII. NGHỆ THUẬT GIẢNG

BÀI GIẢNG NGHÈO

Vào cuối thánh lễ Chúa nhật, cha chủ tế, theo thói quen tốt lành, ra gặp giáo dân ở cửa nhà thờ. Thấy cha vui vẻ, hiền hậu, một em bé lên ba tiến đến gần chào cha:
- Con chào cha ạ.
- Chào con. Con khoẻ không?
- Dạ thưa cha, có.
Quay sang cha mẹ em bé, cha khen:
- Chà, con anh chị dễ thương quá.
- Nó lém lắm cha ơi!
- Đâu có lém, tôi thấy cháu ngoan và thông minh lắm, sau này chắc sẽ học giỏi.
- Cha cầu nguyện cho cháu. Chúng con mong sau này cháu cũng đi tu làm linh mục.
Em bé nhanh nhẩu tiếp lời:
- Lớn lên con không đi tu làm linh mục đâu.
- Tại sao vậy?
- Tại làm linh mục nghèo hoài à. Chúa nhật nào cũng nghèo.
- Mà nghèo thì đâu có gì xấu, ai cũng thương người nghèo mà.
- Con cũng thương cha đó, nên con mới muốn lớn lên làm bác sĩ.
- Vậy sao?
- Để con có tiền giúp cha, vì chúa nhật nào về, ba con cũng bảo: “Bài giảng mấy cha kia thật hay, mà bài giảng cha sao nghèo quá!”.
Bài giảng chúng ta sẽ thật sự nghèo nàn nếu trong 10 phút giảng chúng ta chẳng hề “gọi tên người mình yêu dấu”- Chúa GIÊSU KITÔ.
Bài giảng, lớp học giáo lý, khoá sinh hoạt thiếu nhi, thanh niên của chúng ta sẽ rất nghèo nàn, nếu chúng ta không bao giờ nói lại LỜI CHÚA, gieo hạt giống LỜI CHÚA vào lòng giáo dân, học sinh, bạn trẻ.

Cho dầu chúng ta có tài hùng biện, cho dầu chúng ta ăn nói lưu loát, cho dầu chúng ta kể chuyện hấp dẫn, nhưng nếu chúng ta không nhắc đến Chúa GIÊSU KITÔ, không công bố LỜI CHÚA, thì bài giảng, lớp học, khoá sinh hoạt của chúg ta vẫn nghèo hoàn nghèo.

Tuy chúng ta có ăn nói lắp bắp, cách trình bày chúng ta có vụng về, nhưng nếu chúng ta luôn nói đến Chúa, nói về Chúa, nói với Chúa GIÊSU, lập đi nhắc lại LỜI CHÚA, thì bề ngoài bài giảng có thể xem ra nghèo, nhưng thật ra rất phong phú. Vì không phải chúng ta đánh động con tim người nghe, mà chính CHÚA mới đánh động và cảm hoá con tim họ. Không phải lời của chúng ta thay đổi lòng người, nhưng chính LỜI CHÚA mới là hạt giống trổ sinh ra muôn ngàn hoa trái.

”Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, gặp được LỜI CHÚA, con đã nuốt vào. LỜI CHÚA trở thành hoan lạc cho con, thành niềm vui của lòng con, vì con được mang danh Ngài”

VIII. TIN GIÁO HỘI 

TƯỜNG THUẬT THÁNH LỄ KHAI MẠC THỪA TÁC VỤ PHÊRÔ CỦA ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Thánh lễ Khai Mạc Thừa Tác Vụ Phêrô của Đức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô, lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 24 tháng 4 năm 2005, giờ Roma, tức là lúc 3 giờ chiều Chúa Nhật, ngày 24 tháng 4 năm 2005, giờ Việt Nam, với sự tham dự thật đông của khoảng 350 ngàn tín hữu đứng chật quảng trường và dọc suốt Đại Lộ Hoà Giải tiếp liền đó. Ngoài ra, còn khoảng 50 ngàn tín hữu, tham dự Thánh lễ qua Màn Ảnh Truyền Hình đã được lắp sẵn, không phải tại quảng trường Thánh Phêrô, --- như chúng ta nhìn thấy qua đài truyền hình CNN, --- mà là những màn ảnh Truyền Hình Lớn đã được lắp trước đây tại một số địa điểm trong thành Phố Roma, cho dịp lễ An Táng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. đó là chưa kể con số hằng triệu tín hữu khắp nơi trên thế giới theo dõi Thánh Lễ Khai Mạc nầy, qua các hệ thống Truyền Thanh và Truyền Hình, và cả hệ thống Internet nữa.

Tham dự Thánh lễ, có những đại diện của 131 quốc gia. Nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng như Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha, Tổng thống và Thủ Tướng Đức, Thủ Tướng Pháp, Thống đốc Jeb Bush, người công giáo và là bào đệ của Tổng Thống Hoa Kỳ. đặc biệt người anh ruột của Đức Tân Giáo Hoàng, linh mục Georg Ratzinger, thì được dành cho một ghế nơi gần bàn thờ.

Về phía Anh Giáo, người ta thấy có Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo Rowan Williams.

Từ Chính thống giáo, người ta thấy có Đức Tổng Giám Mục Chrisostomos, đại diện cho Đức Thượng Phụ Bartolomêô I, giáo chủ đại kết Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli; Đức Tổng Giám Mục Kiril, đại diện cho Dức Thượng Phụ Chính Thống giáo Moscowa, Liên Bang Nga.

Ngoài ra, còn có một số vị lãnh đạo cao cấp Hồi giáo.

Trong số các tín hữu từ nước ngoài đến, người ta lưu ý đến cộng đoàn các tín hữu từ Đức đến, khoảng 100,000 ngàn người.

Vấn đề an ninh cũng rất chu đáo. Chính quyền Ý đã huy động một lực lượng cảnh sát an ninh khoảng 10 ngàn người. Vùng trời phía trên nơi cử hành Thánh Lễ, thì cấm mọi máy bay vào, trong một khu vực có đường kính rộng 8 cây số.

Trước khi đoàn đồng tế --- gồm TC chủ tế và các vị Hồng Y đồng tế --- từ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, hay đúng hơn từ Bàn Thờ Tuyên Xưng Đức Tin, tức Bàn Thờ Chính của Đền Thờ thánh Phêrô, tiến ra quảng trường mặt tiền Đền Thờ thánh Phêrô, thì vào lúc khoảng 9 giờ 30 phút giờ Roma, ĐTC Benedictô XVI cùng với các Vị Giáo Chủ Giáo Hội Công Giáo Đông phương, tiến xuống hầm dưới Bàn Thờ Chính, để kính viếng phần mộ ủa Thánh Tông Đồ Phêrô. ÐĐược biết Dây choàng Pallium bằng len trắng và chiếc nhẫn ngư phủ, --- hai biểu hiệu cho quyền của Đức Giáo Hoàng, --- đã được đem đặt nơi Bàn Thờ Tuyên Xưng Đức Tin trong Đền Thờ Thánh Phêrô từ ngày hôm trước. Và khi đoàn rước bắt đầu tiến ra quảng trường, thì ca đoàn cất hát kinh cầu các thánh... Theo sau bên cạnh ĐTC người ta thấy còn có hai thầy phó tế mỗi người bưng một dĩa bạc, dĩa nầy đựng dây Pallium và dĩa kia đựng chiếc nhẫn ngư phủ để trao cho ĐTC trong thánh lễ, tiếp liền sau khi đọc bài Phúc âm.

Có thể nói, nghi thức trao Dây Choàng Pallium và Nhẫn Ngư Phủ, tức nhẫn giáo hoàng, là điểm đặc biệt và cảm động nhất của Thánh lễ Khai Mạc ThừaTác Vụ Phêrô của Đức Tân Giáo Hoàng Benedictô XVI, trong y phục màu vàng thật trang trọng.

Trong bài giảng dài khoảng 30 phút và đã được dân chúng ngắt ngang hoan hô đến 28 lần, ĐTC đã không trình bày chương trình hành động cho triều giáo hoàng, nhưng nói đến sự hiệp nhất giáo hội, và xin mọi người cầu nguyện cho Ngài; Ngài ý thức rằng ngài không chu toàn thừa tác vụ một mình. Thật ra, --- theo ĐTC nói --- ngài không có khả năng để chu toàn thừa tác vụ một mình.

ĐTC đã nói như sau: "Trong giây phút nầy, là một con người già yếu phục vụ Chúa như tôi đây, tôi phải lãnh lấy trách vụ to lớn, một trách vụ thật sự vượt quá khả năng con người. Làm sao tôi có thể làm được? Làm sao tôi có khả năng để làm điều nầy? Thưa quý bạn thân mến của tôi, tất cả anh chị em vừa dâng lời khẩn cầu toàn thể các Thánh, được đại diện bởi vài vị nổi tiếng trong lịch sử Thiên Chúa tiếp xúc với con người. Như thế, tôi cũng có thể nói với niềm xác tín mới rằng: Tôi không cô đơn một mình. Tôi không nên làm một mình điều mà thật ra tôi không bao giờ có thể làm một mình. Tất cả các Thánh của Chúa hiện diện để bảo vệ tôi, nâng đỡ tôi và đưa tôi đi. Và thưa anh chị em thân mến, những người bạn của tôi, những lời cầu nguyện của anh chị em, sự khoan dung của anh chị em, tình thương của anh chị em, đức tin và niềm hy vọng của anh chị em, luôn đồng hành với tôi".

Sau khi đã giải thích ý nghĩa của dây Pallium và chiếc nhẫn ngư phủ, ĐTC kết thúc bài giảng nhắc lại những lời kêu gọi của đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II: Anh chị em đừng sợ, đừng sợ đón tiếp Chúa Kitô. Đặc biệt, ĐTC đã ngỏ lời với những người trẻ như sau: "Các bạn trẻ thân mến, ngày hôm nay, với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín to lớn, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Cha nói với chúng con rằng: chúng con đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất điều gì cả, và Chúa ban cho chúng ta đủ mọi sự. Khi chúng ta hiến thân cho Chúa, chúng ta nhận lại gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật. Amen.

Hãng tin AFP đã trích thuật những phản ứng tích cực của nhiều người tham dự Thánh Lễ khai mạc nầy, nhất là khi Ðức Tân Giáo Hoàng Benedicto XVI nhắc lại lời mời gọi của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô II: Xin đừng Sợ! ĐTC đã giải thích lời mời gọi nầy như sau:

"Đến đây, tâm trí tôi trở lại với ngày 22 tháng 10 năm 1978, khi Đức Gioan Phaolô II bắt đầu thừa tác vụ của ngài tại quảng trường thánh Phêrô nầy. Những lời của ngài trong dịp đó luôn vang lên bên tai tôi: "Xin đừng sợ! Hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô!" Đức Gioan Phaolô II lúc đó đang ngỏ lời với người quyền thế, với kẻ có sức mạnh trên thế giới nầy, những kẻ lo sợ Chúa Kitô có thể đến lấy đi mất điều gì đó ra khỏi quyền lực của họ, nếu như họ để cho Chúa Kitô ngự vào, nếu như họ cho phép đức tin được tự do. Phải, chắc chắn ngài lấy điều gì đó khỏi họ: đó là sự thống trị của tham nhũng, đó là việc lèo lái luật pháp và sự tự do muốn làm gì tuỳ ý. Nhưng Chúa Kitô không lấy đi bất cứ điều gì có liên quan đến phẩm giá hay sự tự do của con người hoặc liên quan đến việc xây dựng một xã hội công bằng. Đức Gioan Phaolô II lúc đó cũng ngỏ lòi với mọi người, nhất là những người trẻ. Thử hỏi chúng ta chẳng lẽ không lo sợ cách nầy hay cách khác hay sao? Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô bước vào cách trọn vẹn trong đời sống chúng ta, nếu chúng ta mở rộng hoàn toàn chính mình để tiếp rước ngài, thì thử hỏi chúng ta không sợ rằng Ngài sẽ lấy đi điều gì đó ra khỏi chúng ta hay sao? Chúng ta đang lo sợ phải bỏ đi điều gì đó có ý nghĩa, điều gì đó duy nhất, điều gì đó làm cho cuộc sống nầy trở nên tươi đẹp, có phải vậy không? Liệu chúng ta không liều đi đến hậu quả nầy là sự tự do của chúng ta bị giảm xuống và bị thiếu đi hay không? Và đây, một lần nữa, Đức Gioan Phaolô II nói với chúng ta rằng: Không phải vậy! Nếu chúng ta để Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời mình, chúng ta không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô nầy mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa nầy là khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa nầy mà chúng ta hy vọng cảm nghiệm được vẽ đẹp và sự giải phóng."

Và lời cuối cùng của bài giảng của ĐTC, --- như chúng tôi vừa nhắc đến trên đây --- là lời ngài mời gọi các bạn trẻ như sau: "Các bạn trẻ thân mến, ngày hôm nay, với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín to lớn, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Cha nói với chúng con rằng: chúng con đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, và Chúa ban cho chúng ta đủ mọi sự. Khi chúng ta hiến thân cho Chúa, chúng ta nhận lại gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật. Amen.

Trong phần rước lễ, theo nguồn tin của Vatican , thì có 320 linh mục phụ giúp trao Mình Chúa cho tín hữu.

Kết thúc Thánh Lễ, ĐTC ban phép lành long trọng cho tất cả mọi người. Cộng đồng hiện diện cất hát kinh Lạy Nữ Vương Thiên ÐĐàng. Và ĐTC bước lên Xe mui trần từ từ đưa ngài đi vòng quanh Quảng trường vẫy tay chào và ban phép lành cho mọi người. (Theo Veritas Asia)

IX. NGÀY GIA ĐÌNH CỦA GIÁO PHẬN VĨNH LONG

NGÀY HỌP MẶT GIA ĐÌNH 29/04/2005

Trước đó một tháng, cha sở mời các vợ chồng chúng tôi họp mặt với nhau tại nhà thờ. Ngài trao cho chúng tôi những văn kiện của Hội Thánh về gia đình. Thiệt tình mà nói, chúng tôi ngỡ ngàng vì Hội Thánh cũng quan tâm chăm sóc các gia đình !. Khi đọc văn kiện, chúng tôi phải nhờ cha sở giải thích mới có thể hiểu đôi chút.

Chúng tôi cố gắng thu xếp công việc nhà để đi dự Ngày Gia Đình của Giáo Phận.

Đến nhà thờ Chánh Toà, chúng tôi nhận phiếu đeo mang số tổ của mình, như một thành viên trong một gia đình mới, rồi nhận phần ăn sáng. Ăn xong, tôi tìm nhóm theo số của mình để làm quen với các bạn. 6 giờ 30 cha Matthêu Hiền tập hát những bài ca chủ đề cho chúng tôi.

Đúng 7 giờ, nghi thức khai mạc Ngày Gia Đình, không hoành tráng lắm, nhưng gây ấn tượng cho chúng tôi bởi Băng reo: Gia Đình Kitô-hữu, yêu thương, hạnh phúc.

Tiếp theo là rước kiệu Thánh Gia Thất lên nhà thờ. Và ở đó, chúng tôi nghe cha Phaolô Lưu Văn Kiệu trình bày ý nghĩa các văn kiện Hội Thánh về Gia Đình: Thiên Chúa muốn nhân loại giống hình ảnh Thiên Chúa: yêu thương, hiệp thông trong đời sống hôn nhân và gia đình; Gia đình là Cung Thánh sự sống, là nơi mà sự sống được sinh ra, được bảo vệ, nuôi dưỡng; “Gia đình là Hội Thánh tại gia”;” Gia đình còn có sứ vụ loan báo Tin Mừng”. Ngài cũng mời gọi chúng tôi múc lấy nguồn sống, nguồn lực để tổ chức gia đình hạnh phúc từ Bí Tích Thánh Thể.

Sau đó chúng tôi về nhóm mình để thảo luận.. Đến 10 giờ, ai trong chúng tôi cần nhận bí tích Giải Tội thì có các cha đang sẵn sàng, ở nhà thờ cha Matthêu Hiền tập hát thánh lễ.

Cùng đồng tế với Đức Cha Tôma, các cha trẻ năm nay ít hơn những năm trước. Anh chị em chúng tôi cũng ít, dù vậy, khí hậu trong nhà thờ Chánh Toà thật nóng đã làm cho ai nấy đều chảy mồ hôi mỡ. Có người đã bị xỉu. Bài giảng lễ của Đức cha đã làm chúng tôi xem xét lại gia đình mình và cầu nguyện nhiều cho các gia đình.

11 giờ 30 chúng tôi được cha Benoit Thiên dọn cho mỗi người một hộp cơm: vì đói và mệt nên ăn rất ngon.

12 giờ 30, chúng tôi tiếp tục về nhóm thảo luận, một số anh chị em có những khó khăn riêng, cần tư vấn gia đình, cũng được các cha giúp đỡ riêng.

13 giờ 30, chúng tôi được các cha giải đáp những vấn nạn chung. Vui và cảm động nhất là khi xem các em trường mẫu giáo Thanh An trình bày các tiết mục: kịch, múa và hát minh hoạ. Các em thật hồn nhiên trong sáng.

Cuối cùng có 2 anh chị bước lên bày tỏ cảm tưởng.

16 giờ, Đức cha ban huấn từ kết thúc Ngày Gia đình. Một đại diện các gia đình nói lời cám ơn. Đức cha đáp lời và ban phép lành bế mạc.

Một người nói nhỏ với chúng tôi: Ước gì sang năm có nhiều người hơn - năm nay có khoảng 1200 - người nhất là những người trong các gia đình đang gặp khó khăn, đến tham dự ngày gia đình.

1718    20-04-2012 10:20:48