Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Phép Thánh Thể Cử Hành Mầu Nhiệm Vượt Qua - Tháng 04 năm 2005

CHỦ ĐỀ: PHÉP THÁNH THỂ CỬ HÀNH MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

I. THƯ CHUNG CỦA HĐGMVN số 4.

Cử hành Thánh lễ là cử hành Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô, là loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến (x. Nghi thức Thánh lễ). Chúa Giêsu Kitô vượt qua thế gian đi về cùng Chúa Cha (x. Ga 16:17 ), nhưng cũng vượt qua thế gian để đến với chúng ta: "Thầy ra đi và đến cùng anh em" (Ga 14:28 ). Vượt qua thế gian, như vậy, Người ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28:20). Chúa Giêsu đi về cùng Chúa Cha nhưng vẫn ở giữa chúng ta. Mỗi lần cử hành Thánh lễ, cùng với Giáo hội và trong Giáo hội, chúng ta đón Chúa đến. Vì Người đến, Người mới hiện diện ở giữa chúng ta, và do đó chúng ta sung sướng nhận ra Người, gặp gỡ và tiếp xúc với Người, rồi đi về cùng Chúa Cha với Người. Người hiện diện, nên chúng ta thờ lạy, chiêm ngắm, nhưng quan trọng hơn cả là đón tiếp Người và cùng vượt qua với Người.

Cử hành Thánh lễ là cử hành Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa trong hiện tại của ngày hôm nay. Trong Thông điệp Giáo hội từ Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: "Nền tảng và nguồn gốc của Giáo hội, chính là tất cả Tam Nhật Vượt Qua. Tridiuum Paschale, nhưng Tam Nhật này như được chứa đựng, được thực hiện trước và cô đọng lại mãi mãi trong hồng ân Thánh Thể. Trong hồng ân này, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo hội nhiệm vụ hiện tại hoá không ngừng Mầu nhiệm Vượt qua (x. số 5).

II. DẪN GIẢI

Vượt Qua là mầu nhiệm vì hiểu cho đúng nghĩa thì phải nói: Chúa đến, Chúa ở lại với chúng ta.

Vượt qua, vì mặc dầu chúa đến, ở lại, nhưng Chúa không trụ lại mãi nơi trần thế (vượt qua).

Chúa đến để cứu sống, để giải thoát và để đồng hành cùng chúng ta về quê trời. Đó là ý nghĩa, mục đích của Thánh Thể.

Chúng ta cần phải đón nhận Chúa Kitô và biết thích dụng Thánh Thể.

III. CHUYỆN MINH HỌA

TỪ MÊ XE ĐẾN YÊU CHÚA

Cha Cédric Claessens, quốc tịch Bỉ, sinh ra trong một gia đình Công giáo, gồm năm người con, hiện là phó xứ Namur tại Bỉ. Trước khi trở thành linh mục, Cha đã được huấn luyện để làm doanh nhân và đã từng đoạt giải quán quân về xe đạp tại Thuỵ Sĩ năm 1989. Lúc đó, Cédric Laessens chỉ biết có xe đạp và không quan tâm gì đến Chúa.

Một ngày kia vào năm 1991, cha mẹ Cédric đề nghị anh đến Czestochowa, Ba Lan, tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, với sự có mặt của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II.

Thoạt tiên, Cédric không có ý định tham dự, vì xem ra vô ích khi phải phí mất 10 ngày cho Chúa, nhưng vì người cha cứ nài nỉ và chi tiền cho chuyến đi, nên anh đồng ý, nhưng không phải đi để gặp Chúa, mà là để tham dự lễ hội. Ngày khởi hành, trên xe buýt, anh phát chán vì mọi người chỉ ca hát, cầu nguyện, lại ca hát và cầu nguyện...nhưng có một điều đánh động anh đó là: có một niềm vui chân chính rạng chiếu trên khuôn mặt của của những người tín hữu trẻ đang cầu nguyện nầy. Anh tự vấn lương tâm và thấy rằng, mặc dầu anh có mọi điều kiện để hạnh phúc, nhưng xem ra niềm vui của họ sâu thẳm và rạng ngời hơn của anh nhiều.

Khi đến Czestochowa vào ngày áp của Đại Hội, vào đêm canh thức nổi tiếng với sự tham dự của 1.500. 000 bạn trẻ khắp thế giới, Cédric tự nhủ: tôi thì tôi có xe gắn máy...họ thì có Chúa Giêsu và anh ta đã không tham dự đêm canh thức cầu nguyện mà đi đến một quán rượu, ở đó, chỉ có khoảng ba mươi người!

Sau Đại Hội, trên đường về, đoàn dừng lại tại một làng quê nhỏ của Ba lan để cử hành Thánh lễ. Cédric kể lại: “Tôi tham dự Thánh lễ như bình thường, nghĩa là không mấy nhiệt thành, dù có khá hơn so với những ngày đầu khi mới đi. Ngay lúc truyền phép, khi vị chủ tế nâng cao Mình Chúa Kitô, tôi nhìn theo, như đã từng làm hàng trăm lần trước, nhưng lần nầy, tôi khóc vì xúc động khi nhìn Mình Thánh Chúa. Trong khoảng một phần giây, tôi đã gặp được Chúa Giêsu Thánh Thể, và hiểu ra rằng Chúa Giêsu không phải là một triết thuyết, nhưng là một con người sống động đầy tình yêu thương tôi. Tôi như bị đốt cháy bởi Tình Yêu của Ngài. Và khi lễ xong, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, như chưa từng có trong đời”.

”Sau đó, khi trở về nhà, tôi sắp xếp lại đời sống của mình: dành cho Chúa chổ nhất trong cuộc đời, sau đó mới đến gia đình, bạn bè, rồi mới đến vui chơi giải trí và cuối cùng là xe gắn máy...Tôi khao khát cháy bỏng việc dự lễ và rước lễ. Tôi cũng nghiệm ra rằng chỉ có Tình Yêu của Chúa mới có thể lấp đầy cuộc đời của một con người, dù họ là linh mục, hay lập gia đình hoặc sống độc thân”.

”Vài năm sau khi đã sống với càm nghiệm nầy, càm nghiệm đã biến đổi cuộc đời của tôi, tôi đã xin vào Chủng Viện Namur, Bỉ, để được làm linh mục”.

”Ngày chịu chức linh mục là ngày đẹp nhất đời tôi. Ngày ấy khắc khi vào tâm trí tôi không bao giờ quên. Cử hành Thánh lễ và giải tội là điều vượt qúa sức tưởng tượng con người. Là linh mục, một đàng là phải đối mặt với nổi khốn khổ của nhân loại, đàng khác, là chứng nhân cho quyền năng lạ lùng của Thiên Chúa trên những người nam và nữ, mỗi khi chúng ta ban ơn bí tích cho họ. Mỗi ngày, tôi càm nghiệm được sự bất đối xứng vô cùng giữa sự nghèo nàn của mình và công trình lạ lùng mà Chúa thực hiện qua thừa tác vụ của tôi”.”Xin nhắn nhủ các bạn trẻ: Đừng sợ đáp lời mời gọi của Chúa, vì Chúa có thể lấp đầy tâm hồn bạn hơn những gì mà bạn ước mong”.Cédric Claessens đã gặp được Chúa Giêsu Thánh Thể và đã được Tình Yêu cùa Người biến đổi. Tình yêu đáp trả tình yêu. Khi cảm nhận được Tình Yêu lớn lao Chúa dành cho mình, Cédric bị thôi thúc phải dâng lại cho Chúa tình yêu của mình và tình yêu lớn nhất là chính mạng sống, cuộc đời của mình để phụng sự Chúa và anh em. Ước nguyện đó được cha thể hiện trong thiên chức linh mục mà Ngài lãnh nhận.

IV. DIỄN GIẢI

Đức Giêsu muốn thiết lập một lễ Vượt Qua mới, trong khung cảnh (trong bầu khí) của lễ Vượt Qua Do thái.

Chắc chắn Đức Giêsu vừa nghĩ đến lễ Vượt Qua, vừa nghĩ đến cái chết sắp tới của Ngài. Và trong Bữa Tiệc Ly, Ngài đã nói lên ý nghĩa của cái chết ấy, đó là một cái chết tự hiến, một cái chết cứu chuộc, một cái chết mang lại sự sống, mang lại ơn giải thoát. Máu Ngài sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội, như máu chiên con bôi lên cửa nhà người Do-thái, để con đầu lòng của họ được tha chết.

Không thể chối cãi ý nghĩa Vượt Qua của cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, cũng như ý nghĩa Vượt Qua trong việc thiết lập bí tích Thánh Thể thật rõ ràng trong ý định của Chúa Giêsu.

Chính Đức Giêsu đã cho các môn đệ thấy tương quan giữa lễ Vượt Qua Do thái và cái chết của Người: “Chúng con biết rằng trong hai ngày nữa là lễ Vượt Qua và Con Người sẽ bị nộp để bị đóng đinh” (Mt 26, 2).

Và chiều đến, Người bảo các môn đệ: “Thầy ước ao từ lâu ăn lễ Vượt Qua nầy vời các con trước khi chịu nạn." (Lc 13, 15).

Thánh Gioan cũng nhấn mạnh đến sự kiện “Vượt Qua” của Đức Giêsu trong khung cảnh lễ Vượt Qua của người Do thái: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Người đi từ thế gian nầy (vượt qua) đến cùng Chúa Cha...” (Ga 13, 1).

Thánh Phaolô đã nhận thấy ý nghĩa của cuộc “vượt qua” nầy trong cái chết của Đức Giêsu: “Lễ Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã chịu sát tế...” (1Cr 5, 7).

Lễ Vượt Qua Do Thái

Lễ nầy có mục đích tưởng niệm việc Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập. Các yếu tố chính của nghi lễ gồm có:

Việc sát tế một con chiên và dùng máu chiên ghi dấu trên cửa để tránh tai hoạ khi thiên thần Chúa đi qua.

Một bửa ăn thánh và cộng đồng trong thái độ chuẩn bị hành trình (Xh 12, 11). Thức ăn gồm có thịt chiên, bánh không men và rau đắng.

Lễ Vượt qua không đơn thuần là một lễ kỷ niệm, một vọng tưởng về quá khứ. Đó là “việc hồi niệm”(mémorial) mà quá khứ, hiện tại và tương lai được thâu gồm trong một hành động duy nhất. Trong việc tưởng niệm nầy, dân Chúa nhắc lại những gì Thiên Chúa đã làm cho cha ông thuở xưa, đồng thời cũng canh tân lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với lời hứa. Việv giải phóng mà Thiên Chúa thực hiện thuở xưa, nay vẫn còn được thực hiệnnơi những kẻ trung thành với Giao ước.

Lễ vượt Qua là lễ của dân mà Thiên Chúa đã chọn bằng một Giao Ước. Bởi đó, nghi lễ hoàn toàn có tính cách cộng đồng và chỉ dành riêng cho người Do thái, người ngoại bang không được tham dự (Xh 12, 43-49). Toàn thể dân Chúa đồng thanh cử hành việc giài phóng, việc vượt qua từ tình trạng nô lệ và tôn thờ ngẫu tượng của Ai Cập đến sự tự do của Giao Ước mới với Giavê trong sa mạc.

Ý nghĩa chính yếu của lễ nầy là một chuyễn động. Một việc “vượt qua” (passage) nhắc lại sự kiện Giavê đi ngang qua nhà người Do thái, tha chết cho con đầu lòng của họ, trong khi đánh phạt con cái Ai Cập (Xh 12, 13.23.27) đồng thời cũng có nghĩa là việc dân Do thái đi ngang qua Biển Đỏ, bỏ vùng đất nô lệ mà vào lãnh địa tự do.

Lễ Vượt Qua của Đức Giêsu

Đức Giêsu muốn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ trước khi người chịu nạn, tuy khung cảnh là lễ Vượt Qua Do thái, nhưng Đức Giêsu đã cho thấy rõ ý định của Người là cử hành một lễ Vượt Qua mới. Đây mới là lễ “Vượt Qua” đích thực mà lễ Vượt Qua Do thái chỉ là hình bóng.

Trước tiên, “chiên vượt qua” của nghi lễ mới nầy không phải là một con chiên như lề luật qui định mà là chính Chúa Kitô. Chiên vượt qua “mới” được hiến trao làm thức ăn, dưới hình thể bánh và rượu (Lc 22, 19-20).

Toàn thể Phúc Âm Thánh Gioan, đặc biệt là trình thuật khổ nạn chủ yếu trình bày Đức Giêsu như chiên vượt qua đích thực. Ngay từ khi Đức Giêsu xuất hiện, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Người như: “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1, 29).

Lễ Vượt Qua mới cử hành việc “đi qua” của Đức Giêsu từ thế giớ nầy đến cùng Chúa Cha. Đó là cuộc Tử Nạn đưa đến Phục Sinh vinh hiển, đồng thời đó cũng là việc “vượt qua” của những người được Chúa Kitô kéo từ tội lỗi đến ân sủng.

Công đồng Triđentinô (khoá xxii) đã trình bày về ý nghĩa của lễ Vượt Qua mới nầy cách rõ ràng trong “Giáo thuyết về Hy Tế Thánh Lễ”, ch. 1 : “Sau khi cử hành lễ Vượt Qua cũ, mà đoàn lũ đông đảo con cái Israel đã hiến tế để tưởng nhớ việc ra khỏi Ai Cập” (Xh 12, 1). Chúa Kitô đã thiết lập lễ Vượt Qua mới, nơi đó Người tự hiến chính mình qua Hội Thánh, bởi tay linh mục, dưới những dấu chỉ khả giác, để ghi nhớ việc “đi qua”của Người từ thế giới nầy đến Chúa Cha, khi Người chuộc lại chúng ta bằng việc đổ máu và “kéo chúng ta ra khỏi quyền lực tối tăm để chuyển đưa chúng ta vào vương quốc của Người” (Cl 1. 13) (FC 766).

Đức Giêsu Vượt Qua thế gian để đến với Chúa Cha và cũng để đến với chúng ta.

Chúa Giêsu Kitô vượt qua có nghĩa là “đi về cùng Chúa Cha” (x. Ga 16, 17), nhưng đồng thời cũng có nghĩa là đến với chúng ta : “Thầy ra đi và đến cùng anh em” (Ga 14, 28).

Chúa Kitô Phục Sinh đích thực là Đấng đã vượt qua “thế gian” nhưng đồng thời ở cùng chúng ta luôn mãi, trong thế giới này. Muôn đời và mãi mãi Ngài là Emmanuel đang đến và đang hiện diện giữa loài người qua Phép Thánh Thể. Nhờ đó mà mỗi người chúng ta sung sướng được đón Chúa mỗi ngày, được nhận ra, gặp gỡ, chiêm ngắm, thờ lạy Ngài, để rồi cùng tiến bước với Ngài trên mọi nẻo đường trần thế.

Thật vậy, gặp gỡ Chúa là để yêu mến, kết hiệp với Chúa và cùng Chúa đi đến với anh em, trên hành trình về cùng Thiên Chúa là Cha, là đích điểm, hạnh phúc, và là gia nghiệp của tất cả chúng ta.

Nên một với Chúa trong Bí tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta sống mỗi lúc một sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua trong chính đời sống chúng ta, nghĩa là biết ra khỏi mình, ra khỏi cái “tôi” ích kỷ, và tham vọng, cái “tôi” khép kín và muốn vơ vét tất cả về mình, để biết sống cho Chúa và cho anh em, để “tôi” không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi, luôn rộng mở tâm hồn và sẵn sàng trở nên hiến lễ tình yêu, theo lời mời gọi tha thiết của Đức Kitô : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu mến anh em”.

Chúa Giêsu Phục sinh hiện diện liên lỉ trong Phép Thánh Thể mời gọi ta đón tiếp Chúa cách tử tế và thân mật.

Chúa than phiền: Ta đến giữa dân Ta mà dân Ta không tiếp Ta. Vùng Ghêrasa, dân chúng xin Chúa rời khỏi vùng xứ của họ.

Tiếp đón tốt là nhà Bêtania...

Chúa ở xa thì Bêtania mong đợi, nhớ nhung. Giờ Chúa đến, cả nhà đều vui. Mátta phấn khởi và hết sức muốn làm cho Chúa được vui, mặc dầu là vui bên ngoài với những bửa cơm thịnh soạn.

Maria đón tiếp Chúa, mong làm vui lòng Chúa, ngồi bên cạnh để chăm nghe lời Chúa.

Lazarô tiếp đón Chúa? Phúc Âm không nói chi cả, nhưng chúng ta có thể nghĩ: con người trầm lặng của Lazarô chỉ nhìn Chúa, không hẳn tiếp Chúa bằng cái nhìn, mà tiếp Chúa, để Chúa chiếm ngự cả con người Lazarô, tạo cho Lazarô tâm hồn bám sát, kết hợp với Chúa. Đối với Lazarô, Chúa là lẽ sống, và sự thật Chúa đã ban cho Lazarô được sống lại.

Tham dự Thánh lễ, chúng ta tiếp đón Chúa thế nào? Xua đuổi, bỏ rơi, hay tiếp đón với tất cả tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể xin thêm đức tin cho chúng con, giúp chúng con ý thức Chúa đang hiện diện thực sự nơi Phép Thánh Thể, để chúng con tìm đến, gặp gỡ và sống kết hợp thân mật với Chúa. Amen

Xét Mình

- Chịu Mình Thánh, ta có thực sự tiếp đón Chúa không?
- Chịu Mình Thánh như thói lệ, như việc lành, việc tốt, như phương tiện đạt may, đạt phúc...ta có tâm trạng thế nào?
- Rước Chúa rồi có bỏ rơi Chúa không?
- Có biết đồng hành với Chúa không?
- Có cảm được nổi vui thích ở gần Chúa, với Chúa không?

Tham khảo:

- Pâque nouvelle, revue de formation Chrétienne
- Vì sự sống trần gian, Antôn Ngô văn Vững sj.
- Simonhoadalat.com

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI

Con lười biếng, không cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa: Không tham dự Thánh Lễ, không xưng tội chịu lễ, và không Chầu Mình Thánh Chúa. Xin Chúa thương tha thứ.
Con kém tin: Nơi Hình Bánh đơn sơ, lại chứa đựng Sức Sống dồi dào và vinh hiển.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Cử hành Bí Tích Thánh Thể là cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Sống Bí Tích Thánh Thể là kết hợp với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và Phục sinh của Người và mở lòng ra với tha nhân. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mình và cho mọi người:

Chúa Giêsu phán: “Ai ăn Thịt Ta, sẽ sống đời đời”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn sốt mến Thánh Thể Chúa, và thật sự trang nghiêm khi cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu phán: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu: siêng năng và sốt sắng tham dự Thánh Lễ, Rước Lễ, viếng Chúa, chầu Thánh Thể và luôn sống Mầu nhiệm Thánh Thể.

Chúa Giêsu phán: “Hãy ra công làm việc cho có của ăn đem lại sự sống đời đời”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người: lãnh nhận được hiệu quả của Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, cùng chết với Chúa Kitô và cùng được sự sống dồi dào của Chúa.

Chúa Giêsu phán: “Khi Ta chịu treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta: sốt sắng kết hợp với Thánh Thể Chúa, tham gia chịu thương khó với Chúa, và cùng được phục sinh với Người.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn yêu thương chúng con đến cùng, nên đã ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin cho chúng con biết kết hợp với Chúa để cảm nhận sự hiện diện yêu thương của Chúa và chia sẻ yêu thương đối với anh em. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

THÁNH THỂ LÀ CUỘC VƯỢT QUA CỦA CHÚA

"Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết" (1Cor 11,26). Thánh Phaolô đã đưa ra lời cảnh cáo long trọng ấy cho các tín hữu Corintho, họ có vẻ như không hiểu rõ phẩm giá của bữa ăn của Chúa.

Chúng ta đừng ngạc nhiên về điều đó. Các hội đoàn tu trì trong giới Hi hóa đã quen tổ chức những bữa ăn theo nghi thức như thế. Chúng ta không biết có những bữa ăn ấy trong đạo Do Thái miền Palestine vào thời Đức Giêsu hay không, nhưng tập tục ấy đã được du nhập vào cộng đoàn Do Thái ở Rôma, và phái Essêniô cũng có thực hành tập tục này ở Qumran, bên bờ Biển Chết.

Mỗi lần cử hành Thánh Thể là tưởng niệm cuộc vượt qua của Chúa, sự chết và phục sinh của Người. Trong niềm xác tín ấy, thánh Patrice đã cầu nguyện:

Thật khủng khiếp đối với chúng con, lạy Chúa của sự sống.Chúa của sự sống mà chúng con sống,khi tin rằng tình yêu Ngài đã nhận lấy nó, và chúng con bắt đầu sống bằng chính Chúa.nBởi vì chúng con không nói cách hiển nhiên, tư tưởng chúng con không thể giữ vững dưới quyền năng của nó, niềm tin vào Đức Giêsu nắm giữ chúng con: Từ khắp nơi thiên hạ đánh đổ niềm tin vào cuộc Phục Sinh của Người, họ mời gọi chúng con xem đó là chuyện không đứng vững trước sự phán đoán của loài người. Nhưng Ngài, lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa tốt lành: Đức Kitô của Ngài đã đi qua các tầng trời và các đỉnh cao của chúng con, để nhận lại vào lòng công trình của Chúa và hòa giải mọi sự. Người đã bẻ gãy con tim khép kín của con người, khi bẻ gãy con tim của Người trên thập giá. Cho chúng con ở giữa lòng cuộc sống này mà sự dữ muốn làm thui chột đi. Cho chúng con những người đã chẳng chọn sinh ra đời, những người thù ghét cái phá hủy chúng con. Chúa đã ban tặng sự tự do được tái sinh và được phục sinh, được mãi mãi là Thánh Thể ! Trong cuộc đời đi qua này mọi hạnh phúc đều có mặt trái của nó. Sự Phục Sinh của Con Chúa là ánh sáng duy nhất hiện diện ở mọi lúc: Để tưởng nhớ đến giờ của Người, chúng con muốn hiệp thông với Người trong thế giới nơi Người soi bóng, trong sự ghi nhớ đời đời trái tim yêu của Người. Và chúng con xin Người ban cho chúng con ánh sáng để phục vụ Người trong sự đơn sơ.

(Patrice de la Tour du fin, Concert eucharistique, Desclée 1972)

Vậy thì chẳng có gì khác thường, việc các cộng đoàn mới, do các môn đệ của Đức Giêsu Nazareth lập nên, có tập tục họp lại với nhau quanh một bàn ăn, trong cuộc họp vào ngày thứ nhất mỗi tuần. Những người mới trở lại không được đồng hóa bữa ăn cộng đoàn của các Kitô hữu với những bữa ăn họ thực hiện trong tôn giáo cũ của họ.

Chắc chắn thánh Phaolô trách họ về chuyện họ thiếu tình bác ái huynh đệ, bởi vì họ ngồi vào bàn không chờ đợi nhau và vì người này còn đói trong lúc người khác đã ăn uống no say. Thánh Phaolô nói đó "không phải là để ăn bữa tối của Chúa" (1Cor 11, 20). Những lời trách cứ hẳn còn đi xa hơn sự thiếu tình liên đới ấy. Và Phaolô không sợ phải nói lên:"Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt của mình" (1Cor 11, 29).

Bởi vì thân thể ấy là "thân thể phải thí ban vì anh em" (Lc 22, 19), và máu ấy là "máu giao ước mới, phải đổ ra vì anh em và nhiều người" (Lc 22, 20 và Mc 14, 24). Ăn và uống để tưởng nhớ đến Chúa, đó là sống cuộc vượt qua của Người. Để "trở nên cái chúng ta tiếp nhận", theo biểu từ đẹp đẽ của thánh Augustinô, trả lời Amen và sống trong sự hiệp thông với anh em chưa đủ, mà còn phải trở nên một cách nào đó "thân thể phải thí ban" và "máu phải đổ ra". Quên điều đó là quên rằng"chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến".

Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô không phải chỉ là cái chết của Người. trong Giao Ước củ, cuộc Vượt Qua đã là sự cứu thoát, sự giải phóng khỏi vùng đất nô lệ, việc ra đi khỏi cảnh tôi đòi. Cuộc Vượt Qua là một cuộc sinh ra, sự sinh ra của một dân bước đến sự thể hiện lời hứa. Chân trời của họ: đó là sự sống.

Thánh Gioan, tác giả Phúc Âm thứ tư, đã nêu rõ hơn cả mối tương quan giữa cuộc khổ nạn của Chúa và cuộc Vượt Qua của Do Thái. Theo ngài, Đức Giêsu chết vào giờ người ta sát tế con chiên (Ga 19,14). Thánh Luca cũng để Chúa nói:"Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình" (Lc 22, 15). Còn thánh Phaolô, ngài quả quyết:"Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta" (1Cor 5, 7). Cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu là cuộc vượt qua từ thế giới này về với Chúa Cha (Ga 13, 1), nó không phải chỉ là cái chết, nhưng còn hơn thế nữa, là sự sống lại của Người.

Tối thứ năm tuần thánh, Đức Giêsu ban mình cho các môn đệ và Người nói với họ:"Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy", là Người đã loan báo sự sống lại của Người rồi. Người không chỉ ban một kỷ niệm về một cái đã qua, nhưng ban sự hiện diện của một người đang sống.

Đó là lý do để bữa ăn của Chúa luôn luôn được cử hành vào ngày thứ nhất trong tuần. Nếu nó là sự tưởng niệm bữa Tiệc Ly, họ đã đặt bữa ăn ấy vào tối thứ năm, nếu họ muốn nhắc lại cái chết của Đức Giêsu, thì họ đã phải cử hành nó vào ngày thứ sáu; nhưng phải đón nhận sự sống lại của Người, nên họ cử hành nó vào ngày thứ nhất trong tuần; và ngày ấy được ghi dấu bởi bữa ăn này, gọi là Ngày của Chúa (Chúa Nhật).

Thánh Thể là cuộc Vượt Qua của Chúa, ngay sau khi truyền phép, cả cộng đoàn tung hô:"Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến". Rồi chủ tế đọc tiếp ngay:" Vì thế, lạy Chúa, giờ đây cử hành nghi lễ tưởng niệm ơn cứu chuộc, chúng con kính nhớ Đức Kitô chịu chết và xuống ngục tổ tông, chúng con tuyên xưng Người sống lại và lên trời ngự bên hữu Chúa".

(Kinh Nguyện Thánh Thể IV)

VII. TÌM HIỂU TÔN GIÁO BẠN

ĐẠO PHẬT ĐỜI LÝ

BÀI 1. TÍN-NGƯỠNG Ở GIAO-CHÂU

Trước khi các tông-giáo tràn vào, người Việt chắc đã tôn-sùng những mãnh-lực thiên-nhiên, như núi sông, sấm chớp. Những di-tích còn lại không những ở trong tập-tục của dân-gian, mà trong điển-lệ tế-tự, nay còn những vị thần, được thờ tại rất nhiều nơi, mà không ai biết rõ gốc-tích từ đâu tới. Thần Cao-sơn chắc cũng là đức-thánh Tản-viên, thần Long-thủy có lẽ gốc ở thác Bờ. Lại như các đền hay "cha" Pháp-Vân, Pháp-Vũ, Pháp-Lôi, Pháp-điện hẳn là di-tích các thần mây, mưa, sấm, chớp.

Đến hồi Bắc-thuộc, đạo Nho và đạo Lão được đem vào. Nhất là trong đời loạn-li sau khi Hán mất, Sĩ-Nhiếp là thái-thú ở Giao-châu, giữ một vùng yên ổn, thì nhiều nhà trí-thức Trung-hoa tụ tập ở Luy-lâu, trị-sở Giao-châu. Nhờ đó Nho-học và Ðạo-học lại càng bành-trướng. Trong hai đạo mới, đạo Lão là thích-hợp với tín-ngưỡng gốc của dân Việt, cho nên nó lan tràn chóng và hòa lẫn với những tập-tục dân-gian. Còn như Nho-giá, tuy được dựa thế những kẻ cầm-quyền, phần đông là nho-sĩ, nhưng nó cũng chỉ giữ tính-cách thường chứ không thành một tín-ngưỡng mới.

Sau đó, đạo Phật từ Ấn-độ mới lan đến góc đông-nam lục địa. Với tính-cách ôn-hòa, thần-bí, Phật-giáo chóng ăn sâu vào lòng tín-ngưỡng người Việt. Nó dung-hòa dễ-dàng với sự sùng-bái thường, và nó dễ đi đôi với Đạo-giáo đến đấy từ trước.

Ba tông-giáo Nho, Lão, Phật đã sớm thành cơ-bản của tín-ngưỡng dân Việt, và đồng thời tiến-triển. Cho nên thường gọi là Tam-giáo. Ta nói là tam-giáo tịnh hành, nhưng theo thời-đại, một hay hai giáo vẫn được chuộng hơn. Ta sẽ thấy trong thời nhà Lý, Phật-giáo chiếm bậc nhất. Nhưng ta cũng phải nhận rằng Phật-giáo hành ở xứ ta, cũng như ở Trung-quốc bấy giờ, đã dung-hòa với Ðạo-giáo và những tín-ngưỡng gốc ở dân-gian. Nó đã biến thành một tông-giáo lấy Phật làm gốc, nhưng lại ghép vào các vị thần-linh, mà xưa chỉ là một mãnh-lực thiên-nhiên. Và nó dùng những kỳ-thuật, theo-đuổi những mục-đích thích-hợp với Đạo-giáo hơn là Phật-giáo.

Địa-vị các tăng-gia, trong suốt đời Lý, vẫn là trọng; nhưng ảnh-hưởng về chính-trị hình như không có bao nhiêu. Về phương-diện tinh-thần và luân-lý, thì hẳn rằng Phật-giáo có ảnh hưởng lớn. Nó đã đổi cái triều-đình vũ-phu và mộc-mạc của các đời Ðinh, Lê, đóng ở chỗ đầu ngàn cuối sông, ra một triều-đình có qui-mô, có lễ-độ, ở giữa bình-nguyên, có thể so-bì với các nước khác ở miền bắc.

BÀI 2. ĐẠO PHẬT TỚI VỆT NAM

Nhờ một câu chuyện giữa thái-hậu Linh-nhân, tức là Ỷ-lan, mẹ Lý Nhân-tông, với một nhà sư có học uyên-bác, mà ta còn biết gốc-tích đạo Phật ở nước ta. Sách TUTA (1) còn ghi chuyện ấy rất rõ-ràng trong chuyện Thông-biện quốc-sư (TUTA 19a).

Ngày rằm tháng 2 năm Hội-phong thứ 5 (1096), thái-hậu đặt tiệc chay ở chùa Khai-quốc, thết các tăng. Tiệc xong, thái-hậu kê-cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng. Thái-hậu hỏi:

" Nghĩa hai chữ Phật và Tổ thế nào? Bên nào hơn? Đạo tới xứ ta đời nào? Truyền-thụ đạo ấy, ai trước ai sau? Mà sự niệm tên Phật, hiểu tâm tổ là do từ ý ai? "

Các sư đều im-lặng. Chỉ có vị Trí-không trả lời rất tường-tận từng khoản. Vì đó, thái-hậu ban cho sư hiệu Thông-biện quốc-sư. Về đoạn truyền giáo vào xứ ta, lời sư đại-khái như sau:

" Phật và Tổ là một. Phật truyền đạo cho Ca-diệp. Về đời Hán có Ma-đằng đem đạo vào Trung-quốc, Ðạt-ma lại truyền vào nước Lương và nước Ngụy. Ðạo rất thịnh khi dòng Thiên-thai thành-lập. Dòng ấy gọi là Giáo-tông. Sau lại có thêm dòng Tào-kê, tức là dòng Thiền-tông. Hai dòng ấy vào nước ta đã lâu năm. Về dòng Giáo, có Mâu Bác và Khang-tăng-hội là đầu. Về dòng Thiền, trước nhất có Tì-ni-đa-lưu-chi; sau đó, Vô-ngôn-thông lại lập ra một dòng Thiền khác nữa. "

Trí-không trả lời như thế đã khá rõ-ràng. Nhưng thái-hậu có óc phán-đoán, lại hỏi thêm chứng những điều nói trên. Sư trả lời rành-mạch, dẫn những sách cũ, những lời của các người xưa, mà nay ta còn tìm lại được một phần, nó có thể khiến ta tin rằng những chứng Trí-không đem ra đều là đich-xác.

Trí-không viện lời của hai người xưa bên Trung-quốc, một người nói đến sự truyền dòng Giáo-tông, một người chứng việc truyền dòng Thiền-tông vào nước Việt.

Chứng đầu là lời pháp-sư Đàm-thiên kể lại một câu chuyện mà sư này nói với vuaTề Cao đế (479-483). Vua Tề khoe với sư rằng mình đã xây-dựng chùa tháp khắp mọi nơi, kể cảGiao-châu; rồi vua nói thêm rằng: "Xứ Giao-châu tuy nội-thuộc, nhưng chỉ là một xứ bị ràng-buộc mà thôi. Vậy ta nên chọn các sa-môn có danh-đức, sai sang đó để giảng-hóa. May chi sẽ làm cho tất-cả nhân-dân được phép Bồ-đề. "

Vua Tề tưởng rằng nước ta còn kém về đạo Phật cho nên mới có ý ấy. Nhưng sư Đàm-thiên biết rõ rằng sự thật là trái ngược: nước ta đã được Phật-hóa từ lâu, trước cả nước Tề ở vùng Sơn-đông nữa. Sư trả lời rằng:

" Xứ Giao-châu đường thông với Thiên-trúc (Ấn-độ). Khi Phật, Pháp chưa tới Giang-đông (nước Tề), thì ở Luy-lâu (kinh đô Giao-chỉ, nay là làng Lũng-khê ở phủ Thuận-thành tỉnh Bắc-ninh), đã có xây hơn hai mươi ngôi chùa, chọn hơn năm trăm vị tăng và tụng mười lăm quyển kinh rồi. Vì đó, mà người ta đã nói rằng Giao-châu theo Phật trước chúng ta. Lúc ấy, đã có những vị sư Ma-la-kê-vực, Khang-tăng-hội, Chí-cương-lưu-chí và Mâu Bác ở đó. "

Sau đó dẫn lời Đàm-thiên ở trên, sư Trí-không còn nói thêm một chứng của sư, là: "Sau đó lại có sư Pháp-đắc-hiền được Tì-ni-đa-lưu-chi truyền tông phái của tổ thứ ba là bồ-tát Ðạt-ma cho. Sư ấy ở chùa Chúng-thiện và dạy hơn 300 đệ-tử. "

Chứng thứ hai là thuộc về dòng Thiền-tông. Sư Trí-không viện lời Quỳnh Đức-Dư, là viên tể-tướng đời Ðường, về cuối thế-kỷ thứ tám. Đức-Dư đã viết trong tựa sách Truyền-pháp rằng: " Sau khi Tào-khê mất, phép Thiền rất thịnh, và dòng Thiền nối-dõi không dứt. Có thiền-sư Chương Kính-Huy là học trò Mã-tổ đi truyền giáo ở các xứ Ngô Việt và có đại-sư Vô-ngôn-thông đi truyền ý phái Bách-trượng và giảng pháp ở xứ Giao-châu ".

Đó là hai chứng mà sư Trí-không đã bày trước thái-hậu. Ta có thể tin vào đó chăng? Ông Trần Văn-Giáp trong sách BA (3) đã khảo-cứu các sách Phật, và đã thề rằng, tuy những lời của Đàm-thiên kể lại trên không còn thấy trong những sách còn lại, nhưng những nhân-vật kể trong đó đều có thật, và còn có chuyện hợp với lời trên. Về sách TUTA cũng chép lại gốc-tích các dòng Thiền, nó chứng thật lời Quyền Ðức-Dư, mà nay vẫn thấy trong sách Tàu còn lại.

Trong những nhân-vật kể trong lời Trí-Không, thì Mâu Bác là xưa nhất. Bác nguyên người Thương-ngô, sang Giao-châu ở với mẹ, vào khoảng cuối đời Hán Linh-đế (năm cuối là 189). Bấy giờ Sĩ Nhiếp coi quận Giao-châu. Giao-châu được yên-tĩnh, trong khi nước Hán bị loạn; cho nên nhiều người học giỏi chạy sang ở đó. Sự học càng bành-trướng ở Giao-châu. Mâu Bác ban đầu theo học Đạo-giáo và phép thần-tiên. Nhưng vào khoảng năm 194-195, Bác lại theo đạo Phật. (BA)

Xem vậy thì trước Mâu Bác, Phật-giáo đã được hành ở Giao-châu rồi. Đạo Phật từ đâu đã vào đất Việt? Có thể từ đất Hán, vì đạo đã vào Hán chừng một trăm năm trước. Nhưng đạo cũng rất có thể từ Ấn-độ được theo đường bể đem vào, theo các thuyền buôn đi dọc bờ bin Ấn-độ, sang biển Trung-hoa. Khi sư Đàm-thiên nói xứ Giao-châu đường thông với Thiên-trúc, có lẽ sư muốn nói đường thủy. Những người Tây-vực, tức là ở vùng tây-bắc Ấn-độ, đã sang buôn-bán dọc bờ biển. Những đồng tiền bạc, tìm thấy ở nội-địa trong Nam, chứng tỏ rằng đồng-thời với các hoàng-đế ở Rome, xứ Tây-vực đã có liên-lạc với đất Ðông-dương. Trong chuyện phật chùa Pháp-vân ở Luy-lâu, có nói rằng đời Sĩ Nhiếp, đã có hai vị sư Ấn-độ, là Kì-vực và Khâu-đa-la qua đó. Những chuyện kể sau sẽ làm ta tin thêm vào thuyết ấy. (Thuvienhoasen.org)

(Giáo sư Hoàng Xuân Hãn/ VietCatholic News )

VIII. TẢN MẠN

VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH

” Vượt qua chính mình” là một cụm từ vừa đẹp vừa hay được các bạn trẻ dùng đến nhiều trong cuộc sống. Nói lên một nổ lực tinh thần của mỗi người để vượt khó. Các bạn thấy đó, cuộc sống không dễ dàng như mình cứ tưởng khi mới bước chân vào đời với bao dự phóng cho tương lai.

Chắc các bạn có xem chương trình Hugo hàng tuần trên HTV7 phải không? Để đạt được thành công với tổng số điểm cao nhất, Hugo phải lấy được càng nhiều viên kim cương càng tốt, quẹo trái quẹo phải sao cho đúng hướng và hợp lý, vượt qua tất cả những rào cản chướng ngại vật, tránh né những con thú dữ và cuối cùng đạt được mục tiêu . Cuộc chơi nhỏ dành cho thiếu nhi, nhưng xem ra đó là bài học lớn dành cho mọi người trong cuộc lữ hành trần thế này. Chúng ta luôn chủ tâm tiến lên phía trước, nhưng không ngây thơ khù khờ, mà phải luôn cảnh giác với những động thái đi đúng đường quẹo đúng hướng, tránh né vật cản, vượt qua hố sâu , cuối cùng là vinh quang.

Các bạn mến, muốn vượt qua những khó khăn bên ngoài, chúng ta phải biết bắt đầu từ chính mình. Nơi bản thân, có nhiều thứ rào cản làm chúng ta ngại ngùng chân bước. E dè sợ hải, mặc cảm tự ti, lười biếng nhút nhát, an phận thụ hưởng . Các bạn từng theo dõi những kỳ Thế Vận Hội Olympic, nội dung chạy 400 m vượt rào thật hấp dẫn phải không các bạn? Các vận động viên phải cố gắng hết mình ngay từ vạch xuất phát. Thể lực và ý chí đã giúp các vận động viên vượt qua tất cả các rào cản trên đường chạy.

Sức trẻ của bạn còn làm được nhiều và hơn thế nữa, nếu : Có khi ai đó mời bạn tham gia hợp tác vào một công việc; lúc bấy giờ bạn dễ thấy xuất hiện những rào cản nơi bản thân: sợ trách nhiệm, thiếu khả năng, kém sức khoẻ, chờ lúc khác . Chuyện nhỏ bạn ơi ! Ngạn ngữ Pháp có câu “vouloir c’est pouvoir”. Mình có muốn thì mới được, nếu mình không muốn thì chào thua.

Mời bạn thử nghỉ lại, lịch sử cứu độ đã có những cuộc Vượt Qua vĩ đại. Dân tộc Do Thái đã vượt qua từ kiếp sống nô lệ sang vùng Đất Hứa tự do. Đức Giêsu đã Vượt Qua từ sự chết đến sự sống lại vinh quang. Chúng ta cũng vượt qua chính mình, từ con người cũ sang con người mới, để cùng sống lại với Đức Kitô, trong niềm vui phục sinh.

Chuyện vui
Vào ngày Chúa nhật, trong một lớp giáo lý, một nữ tu dạy các em thiếu nhi:
- Các cha là những người có chức thánh. Các em không được xúc phạm đến các ngài, như chưởi mắng hay gây thương tích.
Một em thiếu nhi nêu lên thắc mắc:
- Thưa dì, em có tội không, vì hôm qua trong khi đùa giỡn với cha phó, em đã vô ý làm cho mụt mụn trên mặt cha chảy máu thánh ?

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

ĐẦY THÌ ĐỔ

Khổng Tử vào xem miếu Hoàng Công nước Lỗ, thấy có một cái lọ đứng nghiêng, bèn hỏi người coi miếu vì sao như thế.

- Đó là một vật quý của nhà vua thường để bên chỗ ngồi để làm gương. - Người coi miếu nói.

Khổng Tử bảo:

- Ta nghe nói nhà vua có vật quý để làm gương, vật đó để không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa vặn thì đứng ngay, mà đầy quá thì lại đổ, có lẽ là vật này chăng?

Khổng Tử bèn sai đổ nước vào. Quả nhiên, nước đổ vừa vặn thì lọ đứng ngay, nước rót đầy thì lọ đổ, đổ hết nước ra thì lọ đứng nghiêng. Thấy vậy, Người than rằng: 'Than ôi! Ở đời chẳng có gì đầy mà không đổ."

Tăng Tử thưa:

- Xin hỏi, có cách gì giữ cho đầy mà không bị đổ?

Khổng Tử đáp:

- Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu độn: công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm tốn; sức khỏe hơn người nên giữ bằng cách nhút nhát; giàu có hơn người nên giữ bằng cách nhún nhường. Đó là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi quá đầy mà không đổ.

( Trích Tin Vui)

873    20-04-2012 10:29:20