Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Phép Thánh Thể và Chức Linh Mục - Tháng 02 năm 2005

CHỦ ĐỀ: PHÉP THÁNH THỂ VÀ CHỨC LINH MỤC

I. ĐỌC THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA số 8

"Tôi đã được cử hành thánh lễ trong nhà nguyện trên triền núi, trên bờ hồ, trên bãi biển, tôi đã dâng thánh lễ trên bàn thờ dựng ngay trong sân vận động, trên công trường các thành phố? Những khung cảnh khác nhau ấy của những lần cử hành Bí Tích Thánh Thể làm cho tôi cảm nhận mãnh liệt tính cách phổ quát của chúng và có thể nói là tính cách vũ trụ. Đúng thế! Vũ trụ! Vì dù thánh lễ được cử hành trên một bàn thờ nhỏ của một nhà nguyện thôn quê đi nữa, Bí Tích Thánh Thể vẫn được cử hành theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Bí Tích Thánh Thể là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao gồm và thấm nhập toàn thể thụ tạo. Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời. Chính vì thế mà Ngài, linh mục thượng phẩm đời đời, khi bước vào cung thánh vĩnh cửu nhờ máu đổ ra trên thập giá, Ngài đã hoàn lại cho Đấng Tạo Thành và là Cha toàn thể thụ tạo được cứu chuộc. Ngài thực hiện điều đó nhờ tác vụ linh mục của Giáo Hội, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh. Chính thực đó mới là mầu nhiệm đức tin (mysterium fidei) được thực hiện trong Bí Tích Thánh Thể: thế gian thoát thai từ tay Thiên Chúa Tạo Thành, trở về với Ngài sau khi đã được Chúa Kitô chuộc lại."

II. DẪN GIẢI

1. Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ nhiều nơi trong nhiều cảnh trí khác nhau...gợi ý cho chúng ta thấy được Thánh lễ có tính cách phổ quát nghĩa là khắp nơi đều có Thánh lễ, giờ nào cũng có Thánh lễ (không nơi nầy thì nơi khác) và Ngài kết luận: thế giới là bàn thờ để dâng lễ.

2. Ngài cũng dạy chúng ta: Thánh lễ là dây nối kết trời và đất: Hiến lễ là nhìn nhận Chúa tuyệt đối tạo dựng, nhìn nhận con người là vật thụ tạo hoàn toàn lệ thuộc và phải hướng (trở về) về với Chúa.

3. Chính Con Thiên Chúa đã làm người để nên của lễ và cũng làm Đấng tế lễ, để nhờ Thánh lễ cứu chuộc và giao hoà (=nối kết) loài người với Chúa.

4. Công trình nầy, Chúa thực hiện nhờ tác vụ của linh mục.

III. CÂU CHUYỆN MINH HỌA

"GIÊSU THÁNH THỂ LÀ EMMANUEL, LÀ CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA" (Mt 1,23)

Khi thánh Gioan Maria Vianney tới làng Ars nhỏ bé không mấy ai biết tới, một vài người mỉa mai nói với ngài: "Ở đây không có việc gì làm cả". Thánh nhân trả lời: "Như vậy là có mọi chuyện phải làm rồi đó!". Và ngài làm ngay. Ngài đã làm gì?

Thức dậy từ hai giờ sáng, ngài đến cầu nguyện gần bàn thờ trong thánh đường tối tăm. Ngài đọc kinh Nhật Tụng, nguyện gẫm và dọn mình dâng lễ Misa. Sau thánh lễ, ngài cám ơn Chúa rồi cứ cầu nguyện tới trưa. Ngài luôn quì gối trên nền nhà, không tựa mình vào đâu hết, tràng hạt trong tay, mắt chăm chú nhìn lên nhà tạm.Những sự việc này tiếp tục trong một thời gian ngắn.

Nhưng rồi ngài phải đổi lại thời khóa biểu, đổi lại từ căn bản chương trình của ngài. Chúa Giêsu và Đức Mẹ Đồng Trinh dần dần lôi kéo các tâm hồn đến giáo xứ nghèo nàn này, cho tới khi nhà thờ trở nên chật chội không đủ chứa những đám đông. Nơi tòa giải tội của cha sở thánh trở nên chen chúc với những hàng di hối nhân không dứt. Cha sở thánh bắt buộc phải giải tội từ 10, 15 tới 18 giờ một ngày. Sự biến đổi đã xảy ra như thế nào? Từ một ngôi nhà thờ nghèo nàn, một bàn thờ từ lâu không dùng đến, một nhà tạm bỏ trống, một tòa giải tội cũ kỹ và một linh mục kém tài bất lực. Làm sao những sự việc này đạt tới một thay đổi rõ ràng như thế tại một ngôi làng hẻo lánh?

Ngày nay chúng ta cũng có thể hỏi câu đó về làng San Giovanni Rotundo, thuộc tỉnh Garganô nước Ý. Trong một thời gian dài, làng này không mấy ai biết đến, một nơi giữa miền sỏi đá hoang vu. Ngày nay San Giovanni Rotundo là một trung tâm đời sống tinh thần và văn hóa, danh tiếng khắp hoàn cầu. Ở đây cũng chỉ có một người ốm yếu, một tu viện cũ kỹ điêu tàn, một nhà thờ bỏ hoang, bàn thờ và nhà tạm vắng vẻ, một cha dòng nghèo khó luôn bám chặt cỗ tràng hạt không ngừng đếm.

Sự thay đổi đến như thế nào? Nguyên nhân nào đưa tới sự biến đổi xứ Ars và San Giovanni Rotundo, đến nỗi hàng trăm ngàn, và có lẽ hàng triệu người từ khắp nơi trên hế giới kéo về đây. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm những biến đổi như thế. Ngài sử dụng theo cách của Ngài những "sự vật coi như vô ích" (1 Cr 1,28). Ta phải hoàn toàn qui hướng về Ngài, qua sức mạnh thần linh vô biên của phép Thánh thể, hướng về sức mạnh toàn năng tỏa ra từ các nhà tạm xứ Ars và San Giovanni Rotundo tới các tâm hồn, qua tác vụ của hai linh mục này, các ngài là "những thừa tác viên chân thực của nhà tạm" và là "những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa" (1 Cr 4,1).

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

THÁNH THỂ LÀ BÍ TÍCH TÌNH YÊU TỰ HIẾN

Bí tích Thánh thể là trọng tâm đời sống của Hội Thánh, trọng tâm của đời sống linh mục, nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Chúng ta dừng lại một khía cạnh rất cơ bản và cổ điển, đó là khía cạnh hy tế của bí tích. Chúng ta nỗ lực nhìn khía cạnh này một cách cụ thể và sát gần với kinh thánh tân ước và cuộc đời của Chúa Giêsu.

1. Tình Yêu tự hiến của Chúa Giêsu :

Nói đến Tình Yêu Tự Hiến là động tới cốt lõi của mầu niệm Thánh thể và cũng là cốt lõi của đời sống linh mục.

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành Tình Yêu tự hiến của Chúa Giêsu (Dt 9, 12-14 ). Đó là một tình yêu ở trong trái tim của Chúa, thấm nhuần cuộc đời của Người.

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc sống dâng hiến. Cuộc đời ấy là của lễ dâng lên Chúa Cha, của lễ làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Cuộc đời Chúa Giêsu là Hy tế . Nơi Chúa Giêsu, mọi sự đều là của lễ, từ lời giảng dạy đến các phép lạ, từ những hành vi cử chỉ và lời nói thông thường cho đến sự hy sinh lớn nhất là hy sinh mạng sống.

Mọi sự đều biểu lộ tình yêu, biểu lộ sự mật thiết với Chúa Cha, sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Sự dâng hiến của Chúa Giêsu hoàn tất bằng cái chết và trong cái chết. Chết là dâng trọn bản thân, dâng cả cuộc sống. Chết là không giữ lại gì cả, là dâng hiến tất cả.

Hội Thánh luôn coi cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là một hy tế. Hy tế ấy khác với hy tế Cựu ước, vì hoàn toàn là hy tế tình yêu, là sự dâng hiến bản thân. Chúa Giêsu không dâng hiến cho Chúa Cha điều gì bên ngoài, mà là chính mình. Không có sự dâng hiến nào so sánh được với sự dâng hiến này, dù đó là sự dâng hiến của toàn thể nhân loại từ thời đại này sang thời đại khác. Chỉ có hy tế của Đức Giêsu mới là sự dâng hiến của Người Con, nên đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng và có khả năng khoả lấp muôn vàn tội lỗi. Tình yêu khoả lấp muôn vàn tội lỗi không là tình yêu mong manh của con người, mà là Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và đối với tất cả nhân loại.

Đức thánh cha Gian Phaolô II, trong Thông điệp Ecclesia de Euchanstia, đã gọi bí tích Thánh Thể là một hy tế theo nghĩa đen. Sự dâng hiến trong tình yêu và vâng phục cho đến chết của Chúa Giêsu tiên vàn là sự dâng hiên cho Chúa Cha ( xem số 13 ).

Nơi bí tích Thánh Thể, Tình Yêu Dâng Hiến cho Chúa Cha trở thành Tình Yêu tự hiến cho nhân loại. Chúa Giêsu yêu thương loài người chúng ta đến nỗi chấp nhận trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta. Cái chết của chúa Giêsu là cái chết cứu chuộc, là cái chết mang lại sự sống. Người chết để cho chúng ta được sống.

Chúa Giêsu đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình ( KNTT 2). Bí tích Thánh Thể là Thân Mình Chúa Giêsu bị nộp vì chúng ta, là Máu Giao Ước Mới đổ ra cho chúng ta và mọi người được tha tội. Nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh hoàn toàn giống như nơi bí tích Thánh Thể, tình yêu dâng hiến cho Chúa Cha trở thành tình yêu tự hiến cho chúng ta. Người yêu Chúa Cha đến cùng, Người cũng yêu nhân loại chúng ta đến cùng: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu (Ga 15,13 ).

Không có gì nơi Đức Giêsu mà không có giá trị mạc khải, vì Người là Ngôi Lời của Chúa Cha, đã đến trần gian để mạc khải tình yêu của Chúa Cha. Sự tự hiến của Đức Giêsu nơi thập giá và trong bi tích Thánh Thể biểu lộ tình yêu tự hiến của Chúa Cha nơi Người Con.

Ngày hôm nay, chúng ta không còn thấy Đức Ki tô Nhập Thể, mà chỉ thấy Chúa Kitô Thánh Thể; và thấy Chúa Kitô Thánh Thể là thấy Chúa Cha. Ngày nay câu nói của Đức Giêsu ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9) vẫn ứng dụng đúng cho chúng ta.

2. Thánh Thể và sư tự hiến của Hội thánh:

Bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Đó là một Hội Thánh biết yêu thương, vì đã học yêu thương, đã không ngừng cử hành Mầu Nhiệm Tình Yêu sâu thẳm nhất. Hội Thánh hiểu thế nào là yêu thương, vì có kinh nghiệm về tình yêu. Hội Thánh được Thiên Chúa yêu thương và sống nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ Chúa Thánh Thần, Hội Thánh kinh nghiệm các khía cạnh khác nhau của tình yêu thần linh.

Khía cạnh mà Hội Thánh kinh nghiệm nhiều hơn cả là tình yêu tự hiến của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Ki tô, vì Hội Thánh không ngừng đón nhận và sống bằng sự tự hiến ấy. Hội thánh sống bằng Thân Mình bị nộp, bằng Máu đổ ra cho mọi người được tha tội.

Vì Tình Yêu của Thiên Chúa Tình Yêu tự hiến, yêu bằng tình yêu của Thiên Chúa là yêu bằng tự hiến. Chính vì thế bản chất tình yêu của Hội Thánh là tự hiến. Hội Thánh tự hiến chứ không chiếm hữu. Hội Thánh trở nên lương thực cho loài người, nên bánh bẻ ra để xây dựng một thế giới mới. Dù bên ngoài nhiều người có vẽ không cần, không thích Hội Thánh, Hội Thánh vẫn phải tự hiến không ngừng như Chúa Giêsu đã tự hiến cho Hội Thánh.

Hội Thánh không chỉ tự hiến cho con người, mà quan trọng và căn bản hơn, Hội Thánh tiên vàn phải cùng với Chúa Ki tô tự hiến mình cho Thiên Chúa. Trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, Đức thánh cha Gian Phao lô II nhắc lại: Giáo Hội đã được mời gọi tự hiến chính mình cùng với hy tế của Chúa Ki tô. Đó là lời của Công đồng Vaticanô II dạy, liên hệ đến các tín hữu: " Khi tham dự vào hy tế Thánh thể, nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống kitô hữu, họ hiến dâng lên Thiên Chúa tế phẩm và tự hiến chính mình với tế phẩm đó . ( xem số 1 3 )

3. Thánh thể và sự tự hiến của linh mục:

Đời sống linh mục thông phần mầu nhiệm dâng hiên của Chúa Giêsu, thể hiện tình yêu thiên của Hội Thánh. Đinh cao của sự dâng hiến của Chúa Giêsu là Hy Tế thập Giá. Mỗi lần cử hành Thánh lễ, Hội Thánh cử hành Hy Tế Thập giá của Chúa Giêsu.

Đời linh mục không kết hiệp với hy tế thập giá Chúa Giêsu thì không là đời linh mục đúng nghĩa nữa. Đối với người linh mục, mỗi lần cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể là một lần thể hiện sự kết hiệp hết sức cơ bản này. Kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh là cùng với Ngài dâng hiến đời mình cho Chúa Cha và tự hiến bản thân cho nhân loại, đặc biệt cho những người nghèo và đau khổ.

Người linh mục phải là hiện thân cho Tình Yêu của Chúa Giêsu Ki tô, và là chứng nhân cho Tình Yêu của Thiên Chúa.

Chỉ có Tinh Yêu ấy mới chiến thắng được tội lỗi và sự chết, giải thoát con người khỏi mọi thứ xiềng xích, làm cho con người trở nên con cái tự do của Thiên Chúa, cho con người chia sẻ Sự Sống, Niềm Vui, Hạnh Phúc của Thiên Chúa.

Linh mục thánh hoá bản thân nhờ thánh lễ. Trước hết chính thánh lễ là nguồn ơn cứu độ cho linh mục. Trong thánh lễ linh mục cử hành mầu nhiệm thánh giá cứu độ. Linh mục tiếp cận với ân sủng mầu nhiệm thánh giá Chúa, và trở thành, theo kiểu nói của Phao lô, người phân phát các mầu nhiệm.

Linh mục phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Linh mục là tư tế và là của lễ giống như Chúa Giêsu ( Sacerdos et victima ). Linh mục tự hiến mình cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu (in persona Christi). Lời truyền phép là lời của Chúa Giêsu và của linh mục: này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; này chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra vì các con và mọi người được tha tội...

Đỉnh cao của sự thánh thiện là nên một với Chúa Giêsu để được đưa vào lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. không có nơi nào mà linh mục được nên một với Chúa một cách triệt để như trong thánh lễ. Vì ích lợi của Dân Chúa là Dân tư tế, mà Chúa Giêsu muốn có một sự đồng hoá huyền nhiệm giữa linh mục với Người với tư cách là Thượng Tế. Dân tư tế chỉ có thể dâng thánh lễ, nhờ thánh lễ và trong thánh lễ mà linh mục cử hành.

Chính vì lý do quan trọng đó, mà điều 909 trong giáo luật nhắc: linh mục đừng quên cầu nguyện để dọn mình thích đáng cử hành Thánh lễ và cám ơn Thiên Chúa sau Thánh lễ.

(Bài giảng tĩnh tâm Giáo Phận Phan Thiết, Tháng 01 năm 2004 + Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc)

Về phương diện tu đức, không thể chối cải sự cần thiết của Phép Thánh Thể đối với cuộc đời dâng hiến vốn đòi hỏi một sự thánh thiện lớn hơn, một sự hy sinh quảng đại hơn, nhất là với các linh mục mà chức vụ gắn liền với hy tế Thánh Thể, nhu cầu tìm hiểu và sống mầu nhiệm Thánh Thể là một đòi hỏi khẩn thiết, và đương nhiên Phép Thánh Thể cũng phải là trung tâm và là cội rễ của toàn thể đời sống linh mục.

Linh mục phải cầu nguyện và suy niệm về Phép Thánh Thể để có thể thấm nhập mầu nhiệm Chúa Kitô mỗi ngày một hơn. Phương thế trổi vượt để phát triển đời sống sống thiêng liêng của linh mục là Lời Chúa và Thánh Thể. "Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của hai bàn tiệc nầy trong việc thánh hoá các linh mục” ( PO 18; x. OT 7).

Xin Mẹ Maria dạy cho các linh mục biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, sống gắn bó với Lời và Mình Chúa, để trổ sinh ơn ích cho bản thân mình và đem nhiều lợi ích cho các tín hữu. Amen.

Suy nghĩ:

1. Chúng ta có biết Thánh lễ là mối dây nối kết con người với Thiên Chúa không?
2. Chúng ta có biết Thiên Chúa tạo dựng cao cả vô cùng, là Đấng tuyệt đối nghĩa là không ai, không thần thánh nào đối sánh được?
3. Có nhớ mình hoàn toàn lệ thuộc Chúa không?
4. Có biết tham gia với linh mục để dâng lễ?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Tháng trước chúng ta đã học "Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể", hay nói cách khác: "Không có Giáo Hội, nếu không có Thánh Thể". Với lệnh truyền của Chúa, chúng ta lại nhận ra: "Chỉ có Thánh Thể, khi có Chức Linh Mục Thừa Tác". Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy cho họ ăn". Chúng ta cầu nguyện cho Hàng Giáo Sĩ trong Hội Thánh, nhiệt thành trong việc rao giảng Lời Chúa và sẵn sàng ban phát các Bí tích của Chúa, cho những ai có đức tin và chân thành ước muốn.

2. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Chúng ta cầu nguyện cho các Linh mục, luôn trở NÊN MỘT với Chúa Giêsu Thánh Thể trong hết mọi sự: trong đời sống, lời nói, việc làm, và tâm tình yêu mến; và trở nên HIỆN THÂN của Chúa Kitô cho mọi người.

3. Phúc Âm thánh Marcô viết: "Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi hoạt động của các Linh mục, và cùng cộng tác với các Ngài để cho Danh Chúa được cả sáng.

4. Nhu cầu Sự Sống của Giáo Hội càng nhiều, càng cần Thánh Thể và các Bí Tích, thì cũng càng cần có nhiều Linh mục thánh thiện. Chúng ta cầu nguyện cho giới trẻ trong họ đạo chúng ta, sẵn sàng đáp lời Chúa gọi, dấn thân trong đời sống Linh mục để phục vụ Dân Thánh Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, Chúa muốn hằng ở cùng Hội Thánh mọi ngày, nhờ Chức Linh mục và nhờ Bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con sốt mến sống Bí tích Mình Máu Thánh Chúa, và kính yêu Chức Linh mục của Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TẤM BÁNH BẺ RA

Trong bữa ăn tối trước ngày từ giã cõi trần để về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể (1Cr 11,23b-25a) tự nguyện trở thành tấm bánh bẻ ra để làm lương thực nuôi sống nhân trần; và thiết lập chức linh mục thừa tác (1 Cr 11,24b.25b), để tái diễn hy tế đẫm máu trên Núi Sọ, minh chứng tình yêu vô biên của Ngài đối với loài người, vì Ngài đã yêu thương con cái mình cho đến cùng (Ga 13,1).

Tấm bánh là chính thân mình Đức Giêsu đã phải trải qua nhiều giai đoạn: là hạt lúa miến tinh tuyền đã được gieo cấy trong trần gian, đã lớn lên trong ánh nắng mặt trời cũng như trong băng giá của làng Nazareth, đã vươn lên trên nhân loại tội lỗi tựa cây lúa xanh tươi vươn lên giữa đám cỏ lùng. Rồi đã bị gặt hái, bị nghiền nát, bị nướng trong lò, bị bẻ ra trong nhà Tiệc ly và trên Núi Sọ, và được trao cho mọi người.

Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu Linh mục là một cuộc hiến tế không ngừng vì vinh quang của Chúa Cha và để mang ơn cứu độ cho loài người Hy lễ đó bắt đầu từ giây phút nhập thể, từ tiếng "xin vâng" từ Trời của Ngôi Lời: "Này con đến, để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa" (Dt 10,7), đạt cao điểm tại Bữa Tối Sau Hết và tột điểm là Núi Sọ.

Với Linh mục thừa tác:

Linh mục, hiện thân của Chúa Giêsu Linh mục giữa lòng đời, được mời gọi trở thành họa ảnh của Người một cách trung thực. Vì linh mục của mọi thời vẫn là, và phải là linh mục sống với, sống trong và sống theo gương Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm.

Trong mỗi giây phút, linh mục là người phục vụ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc ấy phải gồm những món ăn mà Chúa Cha muốn ban tặng cho con cái Ngài, là lương thực bổ dưỡng và giúp tăng trưởng trong ân sủng, trong tình yêu, chứ không phải những gì "hợp khẩu" với linh mục.

Như Chúa Giêsu Linh mục đã nêu gương trong suốt cuộc sống thế trần, đặc biệt trong bữa tiệc ly, linh mục được mời gọi trở nên tấm bánh bẻ ra cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Tấm bánh ấy phải có chất bổ dưỡng, chất sống, kín múc từ Lời Hằng Sống, từ cuộc sống kết hiệp thâm sâu với Chúa, từ những cố gắng thánh hóa trong công tác mục vụ và trong cuộc sống đời thường. Càng dám hy sinh thời giờ, tâm trí, sức lực của mình cho nhiệm thể Chúa Kitô, tấm bánh cuộc đời linh mục càng trở nên ngon miệng và bổ dưỡng cho thực khách cũng như lữ khách trên hành trình Đức Tin.

Đời linh mục là một của lễ toàn thiêu dâng lên Cha, đồng thời trao ban chính bản thân mình cho tha nhân, như Cha Thánh Maximilien Kolbe đã dám hiến dâng chính mạng sốn mình để cho người anh em được sống trong trại tù Auschwitz: "Tôi là linh mục Công Giáo, không vợ không con, tôi xin chết thay cho người này", như cha Olivier đã từng cảm nghiệm: "Linh mục là một con người bị người khác ăn", như Thánh Ignatio đã ao ước "Chớ gì răng thú dữ nghiền nát tôi để trở thành tấm bánh miến tinh tuyền dâng tiến Chúa".

Để có thể "yêu thương đến cùng" và ở lại với các môn đệ cho đến tận thế, Chúa Giêsu Linh mục đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích của sự hiện diện yêu thương. Linh mục cũng được mời gọi trở nên dấu chỉ của một sự hiện diện yêu thương đối với đoàn chiên của mình, nhất là đối với các con chiên lạc. Linh mục càng yêu thương một cách trong sáng và dám cho đi tất cả vì Chúa, thì sự hiện diện của Chúa Giêsu càng rõ nét. Như thế, những ai tiếp xúc với linh mục càng dễ gặp gỡ Chúa Giêsu sống trong linh mục, và linh mục trở nên nhịp cầu gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, như lời tuyên thệ của người nông dân xứ Ars trong vụ án phong Thánh cho Cha Thánh Gioan Maria Vianey "Tôi đã thấy Chúa Giêsu hiện diện trong Cha xứ của tôi"

Với chức Linh mục cộng đồng:

Mọi Kitô hữu đều được tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu, khi sống trọn vẹn chức tư tế cộng đồng đã lãnh nhận cùng với bí tích Thánh Tẩy. Cuộc đời của người Kitô hữu cũng trở thành tấm bánh bẻ ra cho anh chị em, qua việc quan tâm chia sẻ của cải, tình yêu thương và những hoa trái thiêng liêng cho những người trong gia đình, nơi làm việc và những đối tượng phục vụ. Mỗi Kitô hữu sẽ là của lễ đẹp lòng Chúa Cha như Chúa Giêsu Linh mục, khi quảng đại hiến dâng ý riêng mình để "ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời".

Trong Năm Thánh Thể, mỗi ngày, nhất là khi cử hành Thánh lễ, các linh mục và mọi Kitô hữu được mời gọi yêu thương nhau, tha thứ cho nhau và trở thành hy lễ yêu thương, như hy lễ của Chúa Giêsu Linh mục được tái diễn hằng ngày trên bàn thờ, để cứu độ thế giới, và như hy lễ vẹn toàn của Mẹ Maria dưới chân Thập Giá. (Theo Thiên An)

VII. THƯ GIÃN

NGHE TIẾNG CHÚA

Sau khi chầu Thánh Thể, trong một buổi sinh hoạt giáo lý, Trung đố hết mọi người:
- Làm thế nào để mình có thể nghe tiếng Chúa?
Kẻ trả lời kiểu này, người góp ý kiểu nọ, câu trả lời nào cũng bị Trung cho là sai cả, vì không đúng với Tin Mừng.
Sau khi mọi người đầu hàng, Trung mới thong thả vừa nói vừa cười:
- Thì "CHIÊN" Chúa.
- Chiên Chúa ?!!!
- Vậy, anh chị không nghe Chúa bảo: "Con chiên ta thì nghe tiếng ta" ở Gioan 10, 27 đó sao?
Mọi người phá lên cười sung sướng.

Nụ cười thật đơn sơ, hồn nhiên, không chút áy náy lo sợ "phạm thượng". Chúng ta "nghe tiếng Chúa" không những khi chúng ta "CHIÊN" Chúa, mà còn chính khi chúng ta chiêm ngưỡng Người bị LỘT TRẦN, bị TREO LÊN, bị ĐÂM THỦNG, chúng ta sẽ nhận ra Người (Lu-ca 23, 47-48). Chúng ta cũng sẽ nhận ra Người khi chúng ta chiêm ngưỡng Người CHIÊN cho chúng ta ăn (Gioan 21, 9).

Chúng ta sẽ "nghe tiếng Người", không phải chỉ là Lời phát ra thành âm, hay chép thành văn, hoặc "nghe tiếng Người" bằng những tư tưởng, những ý niệm trong trí mà thôi, chúng ta còn "nghe tiếng Người" bằng những cảm nghiệm, những cảm giác "bừng cháy trong tim" (Lu-ca 24, 32), bằng những phương thế khác tùy Chúa xử dụng, vì Người là Thiên Chúa nên Người có trăm phương ngàn cách để thông đạt cho chúng ta mà không phải bị giới hạn trong ngôn từ hay tư tưởng mà thôi.

"Phải chi hôm nay bạn nghe được tiếng Chúa, thì xin chớ cứng lòng!" (Thánh Vịnh 95, 7)
(Sưu tầm)

VIII. NGHỆ THUẬT SỐNG

Hãy biết ơn ai đã làm ta tổn thương, vì nhờ họ mà ta trở nên cứng rắn hơn.
Hãy biết ơn ai đã lừa dối ta, vì nhờ họ ta nhìn đời bằng con mắt từng trải hơn.
Hãy biết ơn ai đã đánh ta đau, vì nhờ họ ta ít gây ra nhiều nghiệp chướng.
Hãy biết ơn ai đã ruồng bỏ ta, vì nhờ họ ta biết làm sao để đứng vững một mình.
Hãy biết ơn ai đã làm ta vấp ngã, vì nhờ họ mà ta vững bước hơn trên đường đời.
Hãy biết ơn ai đã làm ta nhục nhã, vì nhờ họ mà ta khôn ngoan và biết chịu đựng hơn.
Hãy biết ơn tất cả những người đó, vì nhờ họ mà ta có được những thành quả ngày hôm nay.

1112    20-04-2012 10:32:16