Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Rao Giảng Tin Mừng Bằng Các Phương Tiện Truyền Thông - Tháng 11 năm 2002

Chủ đề: RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

 

I. LỜI CHÚA : Lc 5, 36-39

Đức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn nầy : “ Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ”.

“ Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mớ”i. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói : “ Rượu cũ ngon hơn”.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM


Những người Pharisêu, do truyền thống và những luật lệ cứng nhắc, giống như bầu da cũ đã bị chai cứng, không thể đón nhận Đức Giêsu. Như bầu da mới, những chương trình và công việc mục vụ của Giáo Hội phải thích ứng với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Cũng vậy, chúng ta đừng để tâm hồn mình ra xơ cứng, khiến ta không thể đón nhận những sứ điệp mới mà Chúa Kitô mang đến cho mỗi người.

III. CHUYỆN MINH HỌA : BÁN HẠT GIỐNG


Một phụ nữ nằm mơ, thấy mình đang bước vào một cửa hàng mới khai trương. Chị rất ngạc nhiên nhìn thấy Thiên Chúa ngồi đằng sau quầy.
” Chúa bán gì ở đây vậy ? ” Chị hỏi.
” Mọi thứ mà lòng người ao ước ” : Chúa trả lời.
Thú vị quá, người phụ nữ quyết định hỏi mua những thứ tốt nhất mà con người có thể ước mơ : “ Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn, hạnh phúc, khôn ngoan, và sự tự do khỏi mọi nỗi sợ hãi. Không chỉ cho con mà cho hết mọi người”.
Chúa mỉm cười: “ Chắc con chưa hiểu rõ rồi, con yêu. Ta không bán hoa quả. Ta chỉ bán hạt giống thôi”.

IV. DIỄN NGHĨA

1. Gieo hạt giống Tin Mừng

Trước khi về trời Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ của Người một di chúc : “ Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28, 19-20).

Lệnh truyền đi loan báo Tin Mừng cho muôn như là một hạt giống được Chúa giao cho Giáo Hội làm sao nhân ra khắp mặt đất hầu mọi người được đón nhận ơn cứu độ.

Rượu mới thì phải đựng trong bầu da mới vì nếu không rượu mới sẽ làm vở bầu da cũ. Rượu thì đổ mà bầu da cũng bị hư. Đức cố HôngY Fx, Nguyễn văn Thuận nói : “ Thời đại mới, nhu cầu mới, phương pháp mới. “ Ta sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28, 20). Chúa Kitô vẫn ở với Hội Thánh và tiếp tục ban cho Hội Thánh một lễ Hiện Xuống mới . (Đường Hy Vọng số 296).

Hạt giống nắm trong tay, Giáo Hội mà trong đó mọi người tín hữu do ân huệ của Bí Tích Rửa tội có trách nhiệm phải lựa chọn đất và phương pháp phù hợp để hạt giống Tin Mừng của Chúa đủ điều kiện nẩy mầm và phát triển tốt đẹp. Câu truyện gợi ý trên Cho thấy Chúa không gói sẵn cho mỗi người một nhúm bình an, hạnh phúc hay khôn ngoan, Ngài ban cho mỗi người những hạt giống bình an, hạnh phúc và khôn ngoan để mỗi người tự vun trồng và gặt hái kết quả theo như nỗ lực mình đã bỏ ra chăm sóc.

Ngày xưa, suốt ba năm đi rao giảng, Đức Giêsu đã lê chân khắp các nẻo đường xứ Palestin, từ thôn quê đến thành thị để loan báo Nước Trời. Các Tông đồ kế tục sứ nghiệp của Đức Giêsu cũng vậy, bằng các phương tiện của người đương thời, các ngài chẳng quản ngại dùng đủ loại phương tiện : đi bộ, đi thuyền, đi ngựa , thư từ, miễn sao Chúa Kitô được giới thiệu cho mọi người.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình cho mãi đến hôm nay, Giáo Hội vẫn luôn dấn bước rao giảng Tin Mừng bằng hình thức tiếp xúc trực tiếp giữa người loan báo và người nghe như Đức Giêsu Phục sinh đã làm đối với hai môn đệ Emmaus, khiến các ông thốt lên : “ Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng, lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta và giải nghĩa Kinh Thánh cho ta đó sao ” (Lc 24, 32); nhưng đồng thời cũng còn bằng các phương tiện thông tin đại chúng theo nhịp phát triển của khoa học kỹ thuật phục vụ con người như : sách vở, báo chí, radio, truyền hình, và phương tiện phổ biến thông tin mau chóng nhất hiện nay là internet.

Sắc lệnh về Giám mục Christus Dominus dạy : “ Các hình thức hoạt động tông đồ cần phải thích nghi đúng mức với những nhu cầu hiện đại, quan tâm tới các hoàn cảnh của con người, không những về điều kiện thiêng liêng và luân lý, mà cả hoàn cảnh xã hội, dân số và kinh tế nữa. ” (GM 17c).Mới đây, trong Sắc Lệnh về Internet, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết : “ Lịch sử truyền giáo không chỉ là vần đề bành trướng về địa lý, bởi vì Giáo Hội cũng cần phải vượt qua nhiều ngưỡng cửa văn hoá, mội ngưỡng cửa đều đòi hỏi những năng lực và sáng kiến mới mẻ trong việc loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô”.

Hạt giống tốt cần phải có cách gieo trồng thích hợp thì cây mới trĩu quả được. Là con người, chúng ta phải vận dụng những phương tiện hữu ích của con người, để Đức Kitô tuy chỉ có một, nhưng được giới thiệu bằng nhiều cách thế thích hợp khác nhau cho con người sống ở những thời ký khác nhau, được đón nhận, theo cách thế hữu hiệu nhất.

2. Chúng ta đang sống trong một thời đại truyền thông.

Theo Alan Napleton, Giám đốc điều hành của NEA (New Evangelization of Americas), một tổ chức giáo dân hoạt động về truyền thông trong sự vâng phục các Đức Giám Mục tại Mỹ Châu, thì thế giới chúng ta sống hôm nay chìm ngập trong những thông tin truyền thông . Chúng ta bị dội xuống trên đầu từ hừng đông cho đến khi đêm xuống với một dòng vô tận những thông tin đủ loại. Thử nhìn vào các trang báo hằng ngày, nghe radio, xem Tivi, trên Internet chúng ta bị choáng ngộp bởi những tin tức, nhất là quảng cáo, tiếp thị , và giải trí. “ Ngày nay trẻ con thấu hiểu văn hóa nhạc pop hơn những thực tại đức tin căn bản. Họ biết và ngưỡng mộ đời sống phóng đãng của các tài tử, minh tinh đủ loại hơn là hạnh tích sáng ngời của các Thánh. Thành thử, chúng ta bị cám dỗ để tin rằng truyền thông là dành cho ma quỷ”.

Dù văn hoá truyền thông không có gì đảm bảo cho chúng ta sự thật tuyệt đối : thượng vàng, hạ cám, thứ gì người ta cũng có thể đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, thế nhưng, nếu chúng ta vì sợ hãi mà né tránh không tận dụng những phương tiện nầy xét theo góc độ hữu ích của nó là dễ tiếp cận với con người, làm cho Lời nói và khuôn mặt của Đức Kitô hiển thị trước mắt mọi người thì một cách nào đó, chúng ta tự co cụm lại và đứng bên ngoài dòng chảy phát triển của nhân loại.

Theo Alan Napleton, cần phải rửa tội truyền thông và thêm sức cho nó. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã làm nhân dịp Tháng Năm hàng năm, vào Ngày Truyền Thông thế Giới, Ngài đưa ra một sứ điệp đặt trọng tâm vào quan hệ giữa Giáo Hội và Truyền Thông. Đức Thánh Cha khẳng định : “ Trước đây truyền thông tường thuật các biến cố, nhưng ngày nay, các biến cố được nhào nặn cho thích hợp với các yêu cầu của truyền thông ”, nó mở ra những cơ hội chưa từng có cho việc làm cho sự thật được tiếp cận rộng rãi hơn, với nhiều người hơn.

Đức Thánh Cha kêu gọi những người công giáo hãy tận dụng cách tích cực những phương tiện truyền thông như một cơ hội để rao giảng Tin Mừng. Ngài chỉ ra rằng không có sự dữ nội tại trong các phương tiện truyền thông như TV hay Internet; và những phương tiện nầy có thể đem lại cả sự thiện lẫn sự dữ. Ngài thúc giục chúng ta hãy dấn thân vào thế giới truyền thông cách có hiệu quả và nói “ ngôn ngữ của truyền thông ” với sự mạnh mẽ và rõ ràng cần thiết, và dùng khí cụ mạnh mẽ nầy cho lợi ích của Giáo Hội.

Nói về Internet trong Sứ Điệp : “ Internet, diễn đàn mới để loan báo Tin Mừng ” nhân Ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thứ 36, Đức Thánh Cha khẳng định đây là một cơ may cần phải tận dụng, không thể bỏ qua: ” đối với Giáo Hội, thế giới ảo mới mẻ nầy mời gọi làm cuộc mạo hiểm lớn lao là sử dụng năng lực của nó để loan báo sứ điệp Tin Mừng ” .

Ngài khẳng định Giáo Hội cần tiếp cận phương tiện mới mẻ là Internet với thái độ thực tiễn và tin tưởng, sử dụng nó giống như những phương tiện truyền thông khác, như một phương tiện chứ không phải là cùng đích : “ Internet có thể ban tặng những cơ hội tuyệt vời để loan báo Tin Mừng nếu được sử dụng cách thành thạo và khi ý thức rõ đến mặt mạnh, mặt yếu của nó. ”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng lưu ý là “ những mối tương quan thiết lập nhờ các phương tiện điện tử không bao giờ có thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp và nhân bản, cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng đích thực. Bởi vì việc loan báo Tin Mừng luôn tuỳ thuộc hứng tá cá nhân của người được sai đi loan báo Tin Mừng ” (x. Rm 10, 14-15).

Việc loan báo Tin Mừng bằng Internet sẽ diễn ra thế nào hay nói cách khác, khuôn mặt của Đức Kitô có hiện lên và tiếng nói của Đức Kitô có được nghe không ? Đức Thánh Cha trả lời : “ Bởi vì chỉ khi khuôn mặt của Người được thấy và tiếng nói của Người được nghe mà thế giới sẽ biết đến Tin Mừng cứu chuộc. Đó chính là mục tiêu của việc loan báo Tin Mừng. Và đó chính là điều sẽ làm cho Internet trở thành một không gian đích thực cho con người, bởi vì nếu không có chổ cho Đức Kitô, thì cũng không có chổ cho con người”.

Tất cả những nỗ lực của Giáo Hội sử dụng những phương tiện truyền thông chỉ nhằm đến một mục đích : Đức Kitô được đón nhận hầu con người được cứu độ. Vấn đề là cần phải có những người nhiệt tâm bằng cách nầy hay cách khác, dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng, những người “ dám ra khơi ” (x. Lc 5, 4).

3. Thay lời kết : Cần đi vào lòng người.

Chúng ta cần tận dụng những phương thế thích hợp của loài người như các phương tiện truyền thông để rao giảng Tin Mừng; nhưng để Tin Mừng được đón nhận, cần thiết điều chúng ta rao giảng phải đi vào lòng người, nghĩa là tạo điều kiện cho họ tự nhận hiểu và ham thích đón nhận Đức Kitô làm lẽ sống của họ. Bởi vì khích lệ, động viên người khác vận dụng ý chí, nỗ lực của họ sẽ chẳng kết quả bao nhiêu, vì có thể thái độ của họ thay đổi, nhưng chính con người họ thì không : có thiện cảm với Kitô giáo, nhưng sống chết với Đức Kitô thì chưa.

Như Đức Giêsu ngày xưa không nệ ngược xuôi khắp xứ Palestine cốt làm cho người Do thái đón nhận Chúa và giáo lý của Người, không lừa ngựa, xe cộ, báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet … chúng ta cũng vậy, mỗi người lãnh nhận trách nhiệm rao giảng Tin Mừng một cách vô điều kiện, với tất cả mọi nỗ lực của mình, có phương tiện nào trong tay thì sử dụng phương tiện ấy, miễn là Chúa Kitô được rao giảng, còn kết quả là ở Chúa.

Tuy nhiên, cần ý thức rằng Tin Mừng không phải là truyền thông. Truyền thông chỉ là phương tiện đưa Đức Kitô đến với mọi người. Do đó, điều cốt yếu không phải là sử dụng phương pháp nầy hay phương pháp khác cho bằng trở nên như Đức Kitô, mặc lấy những tâm tình và lối sống của Ngài để Đức Kitô được rạng chiếu trên khuôn mặt và công việc của chúng ta.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con mỗi người biết tận dụng những phương thế thích hợp để giới thiệu Chúa cho anh em chúng con, hầu mọi người được đón nhận ơn cứu độ. Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA : Lc 5, 37

” Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư”.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

RA ĐI VỚI PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

Chúa Giêsu truyền dạy : ” Các con hãy đi . . . ” (Mt 28, 19). Vậy, công việc truyền giáo bắt đầu bằng việc ra đi. Ra đi khỏi con người cũ của mình, để sống cho con người mới trong Đức Kitô. Ra đi khỏi pháo đài vị kỷ của mình, để sống vị tha, chan hoà yêu thương với mọi người. Ra đi bằng đôi chân đến với mọi người, để đem Tin Mừng Tình Thương đến cho mọi người. Ra đi như Đức Kitô để rao giảng, trực tiếp đối diện giữa người nghe và người nói; qua ánh mắt, qua giọng nói, người rao giảng truyền đạt Tin Mừng cho người nghe. Đức Kitô đã ra đi 3 năm liền, Ngài đi liên tục từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam, tứ phía dân Do Thái đến phía dân ngoại. Có lần, dân Capharnaum vì mộ mến Ngài nên đã xin Ngài ở lại với họ, Ngài đã tuyên bố : ” Ta còn phải đi rao giảng Tin Mừng cho các thành khác nữa ” (Lc 4, 42-44).

Ngày nay, phương tiện truyền thông rất hiện đại, dù rằng việc ra đi bằng đôi chân, bằng sự gặp gỡ giữa người với người luôn vẫn là cần thiết và sống động, nhưng nếu các Kitô hữu biết tích cực cộng tác vào việc phổ biến Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông hiện đại như Truyền hình, Truyền thanh, băng Video, băng Cassette, dĩa VCD, Internet, bích chương, bích báo, sách báo . . . Thì công việc truyền giáo có thể đạt hiệu quả nhiều hơn, nhanh hơn.

Vậy, Ra Đi truyền giáo với phương tiện truyền thông xã hội thế nào ?

Thánh Phaolô ra đi bằng thư từ.

Ngoài việc thánh Phaolô đi rao giảng, đến và tiếp xúc với mọi người, ngài còn viết thư gửi các giáo đoàn mà ngài đã thành lập hay đã đi qua, để thăm hỏi, nhắn nhủ, dạy dỗ. Nhất là các bức thư viết từ trong tù. Sự giam giữ không cho phép ngài đi rao giảng bằng đôi chân,, tuy đó là nỗi đau lòng cho ngài, nhưng lại rất phong phú và ích lợi, bởi vì nó khiến ngài đào sâu các suy tư về mầu nhiệm mà ngài đã từng rao giảng và đã từng sống. Ngay chính lúc bị giam giữ như thế, thánh Phaolô vẫn cứ tiếp tục ra đi rao giảng Tin Mừng , qua các bức thư, một cách sâu sắc, sáng sủa hơn, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần : Phaolô bị giam giữ chứ Tin Mừng đâu thể bị giam giữ.

Một giáo dân ra đi bằng sách báo đạo đức.
Cha Jesse Brena, dòng Tên, người Tây Ban Nha, đã từng đi truyền giáo tại Trung Quốc, nay đã 73 tuổi, đang phục vụ tại Đài Loan, đã kể lại rằng :

Một ngày kia, tôi đón Taxi ở thành phố Đài Bắc. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc thấy một dòng chữ ở bên trong cửa của hàng ghế sau : ” Bạn có thể tìm thấy một vài quyển sách và vài trang giấy nói về Kitô giáo, phía sau ghế bạn đang ngồi. Trong lúc xe chạy, xin mời bạn đọc chúng. Nếu bạn thích, khi rời xe, bạn có thể mang theo ” .

Tôi thấy đằng trước bác tài xế có đặt một pho tượng thánh nhỏ. Tôi hỏi bác : ” Bác tài xế ơi, xin vui lòng nói cho tôi biết các hành khách có thật sự quan tâm đến loại sách đạo của bác không ? ”

Ồ, có chứ. Có người đọc. Có người lấy cả sách nữa.
Tôi hỏi tiếp : ” Bác cảm thấy thế nào ? ”
- Thật sung sướng, anh à. Anh biết không, tôi không có nhiều giờ để đi nhà thờ. Tôi luôn chạy trên đường phố. Đây là cách làm việc tông đồ của tôi. Tôi rất sung sướng được làm hai việc cùng một lúc : tài xế và loan báo Tin Mừng, mà không phải thêm giờ. Đây là một nghề tuyệt vời!

Theo tôi được biết, có một vài người cộng tác đã phân phát cho các tài xế Taxi ở Đài Bắc những băng dán ở cửa xe có in hình thánh giá và những lời sau đây : ” Chúa cùng lái xe với chúng ta ” . Mặt sau của băng dán là lời cầu nguyện của các bác tài xế như sau: ” Lạy Chúa khi con lái xe, xin giúp con biết yêu mến tha nhân như chính mình, để con không làm gì xúc phạm hoặc gây thiệt hại cho con cái Chúa. Xin giữ mắt con được sáng suốt, tay chân được khéo léo. Xin giúp tâm trí con được an bình và thân xác được thư thái. Xin đừng để con nhiễm thói cạnh tranh và mọi bực bội về việc làm của người khác, và xin giúp con được thượng lộ bình an ” .

Trên đây là một cách Ra Đi với phương tiện truyền thông mà ai cũng có thể có trong tầm tay. Vì tò mò và cũng nhân lúc rảnh rỗi, hành khách bị kích thích để đọc, đó là cơ hội để Lời Chúa đến với họ. Cũng tương tự như vậy, ở một họ đạo kia, một thanh niên đã có sáng kiến : Xé quyển Tân ước ra từng tờ. Đi đâu, anh cũng bỏ vào túi áo dăm ba tờ. Đến bất cứ nhà nào, khi ra về, anh vờ quên một tờ giấy trên bàn. Nếu có người gọi thì anh nói : à tôi quên. Nếu không ai gọi thì anh tin rằng sẽ có người đọc.

Giáo Hội ra đi bằng phương tiện truyền thông hiện đại.

Báo Thời Sự Công Giáo 1994, số 3 đưa tin :Tại Hội nghị khoáng đại của Hội Đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội tại Rôma từ ngày 1 đến 4 . 3 . 1994 , Đức cha Baptista, tổng Giám mục Vinius, thủ đô Lithuanie, trong bài phát biểu về những thách đố đối với ngành truyền thông tại Lithuanie, cho biết rằng : kể từ năm 1990, tức là sau khi Lithuanie được độc lập, thế giới truyền thông nói chung cởi mở đón nhận Giáo Hội và cho Giáo Hội cơ hội diễn đạt tự do. Tuy nhiên, sự hào hứng ban đầu đó giảm sút mau lẹ. Lý do là vì Lithuanie mở rộng cửa đón nhận tất cả những gì đến từ thế giới bên ngoài, điều tốt cũng như điều xấu. Trên bình diện tôn giáo, người ta chứng kiến hiện tượng các giáo phái với những phương tiện về tài chánh dồi dào tràn ngập Lithuanie. Trên bình diện luân lý, nạn dâm ô xuất hiện với tất cả mọi hệ lụy đi kèm.

Trong giới kinh doanh, người ta đầu cơ để trục lợi mà không quan tâm đến công bằng xã hội. Trong khi đó lại thiếu những tín hữu Công Giáo được huấn luyện đầy đủ và có khả năng điều khiển các phương tiện truyền thông. Các tín hữu Công Giáo đã từng can đảm sống đức tin thì nhìn về quá khứ với niềm nhung nhớ và tìm cách phục hồi truyền thống tôn giáo, nhưng các thế hệ trẻ thì không cảm thấy bị thu hút bởi những truyền thống này; nhiều người khác thì chập chững bước vào con đường đối thoại với thế giới hiện đại vì không có một nền văn hóa Kitô vững chắc.

Tuy nhiên, khi đưa ra một số lý do trên, Đức tổng Giám Mục Lithuanie không có ý làm cho người ta bi quan. Đối với Giáo Hội Công Giáo Lithuanie cần phải bắt đầu lại từ con số không, dựa trên những nền móng vững chắc. Cho đến nay, một số bước tiến quan trọng đã thực hiện được như : Giáo Hội Công Giáo tiếp tục ấn hành đều đặn một số tạp chí như : “ Thế giới Công Giáo ” nhắm tới giới bình dân ; tuần báo “ Khuynh hướng mới ” ấn hành mỗi tuần 4000 số; nguyệt san “ Gia đình mới ” nhắm tới giới trí thức đại học, ấn bản 2000 số ; tạp chí “ Logos ” tuyển tập các bài báo có tính chất triết học, ấn hành 4000 bản. Về mặt Truyền Hình, đài truyền hình quốc gia mỗi tuần truyền đi một chương trình Công giáo dài nửa giờ, do trung tâm truyền hình Công giáo sản xuất, được trang bị kỹ thuật đầy đủ nhờ sự giúp đỡ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Đài Phát Thanh Công Giáo Lithuanie mỗi buổi sáng cũng dành 20 phút cho chương trình tôn giáo, như chú giải Kinh Thánh. Phẩm chất các chương trình này rất tốt và được nhiều người nghe.

Ủy ban Giám Mục Lithuanie về truyền thông xã hội có nhiệm vụ giám sát các chương trình phát thanh và truyền hình Công giáo. Hiện nay Giáo Hội đang cố gắng thành lập một trung tâm thông tin Công giáo để cung cấp tin tức cho báo chí. Ngoài ra, các nhà xuất bản Công giáo đã thành lập một hiệp hội phối hợp và phân phối sách báo Công giáo một cách hữu hiệu hơn.

Mối quan tâm chính của Giáo Hội Công giáo Lithuanie là huấn luyện nghề nghiệp và tôn giáo cho những người được mời gọi phục vụ Tin Mừng trong lãnh vực truyền thông xã hội. Hiện có một số sinh viên đang theo học về báo chí hoặc đang thực tập tại nước ngoài. Các tổ chức thông tin Công giáo liên hệ cần gia tăng nỗ lực đào tạo các lớp ký giả Công giáo.

KẾT

Giáo Hội Công giáo Lithuanie có nhiều thuận lợi trong việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để rao giảng Tin Mừng. Ngày nay ai cũng công nhận rằng các phương tiện truyền thông xã hội ảnh hưởng rất lớn nơi quần chúng, nhất là truyền hình, hầu như ai ai cũng xem. Xét về ảnh hưởng của truyền hình, người ta thấy có hai mặt : mặt tích cực, truyền hình có thể giúp gia tăng kiến thức tổng quát, cũng như kiến thức tôn giáo ; mặt tiêu cực, truyền hình có thể gây hại cho con người, nếu như, chỉ vì lợi nhuận hay vì một ý thức hệ nào đó mà người ta tuyên truyền những giá trị làm suy đồi đời sống. Do đó, Giáo Hội cần đào tạo nghề nghiệp và tôn giáo để có những người chuyên môn tham gia trong lãnh vực này, hầu cổ võ những giá trị luân lý và tinh thần lành mạnh, tránh những gì có thể gây tai hại cho người Kitô hữu, nhất là cho sự ổn định và hạnh phúc của các gia đình.

Nhân ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 28 cử hành ngày 15/ 5 / 1994, ĐGH Gioan-Phaolô II đã gửi đến sứ điệp về “Truyền hình và Gia đình”, với lời dẫn nhập như sau :

“Anh chị em thân mến, trong những thập niên gần đây, truyền hình đã đẩy mạnh một cuộc cách mạng truyền thông có ảnh hưởng sâu xa đến đời sống gia đình. Ngày nay, truyền hình chính là một nguồn thông tin và giải trí đối với vô số gia đình. Truyền hình có thể làm cho đời sống gia đình thêm phong phú, thắt chặt mối dây liên hệ giữa các phần tử trong gia đình, khuyến khích tình liên đới của họ với các gia đình khác và với cộng đồng nhân loại. Truyền hình có thể giúp các gia đình gia tăng không những kiến thức tổng quát, mà cả kiến thức tôn giáo nữa. Nhưng truyền hình cũng có thể gây hại cho gia đình bằng cách tuyên truyền những giá trị làm suy đồi đời sống, phổ biến những tin tức sai lầm, trình chiếu những quảng cáo khai thác những bản năng thấp kém của con người, cản trở sự tôn trọng lẫn nhau, ngăn chặn công lý và hoà bình. Ngay cả một số chương trình truyền hình không có nội dung luân lý đáng trách, nhưng cũng có thể gây những hiệu quả tiêu cực, như làm cho các phần tử gia đình bị cô lập với nhau, không còn có những liên hệ đích thực với người khác”.

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN THÁNG MƯỜI MỘT CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

GỢI Ý SÁM HỐI.

Tôi tin Hội Thánh cùng thông công, nhưng tôi lại thiếu nhiệt tình góp phần mình vào các hoạt động của Hội Thánh, như: tôn kính các thánh, dâng việc lành cho các đẳng linh hồn, an ủi những người đau khổ vì cô đơn, loan báo Tin Mừng, với hết khả năng có thể của tôi. Xin Chúa thương xót tha thứ cho tôi.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa cứu độ tất cả mọi người. Tháng mười một này, Hội Thánh mời gọi chúng ta cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa Cứu Thế: bằng việc an ủi và nâng đỡ những người cô đơn, bằng việc rao giảng Tin Mừng nhờ các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay và bằng việc lập công tích đức cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn. Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho mọi người:

Hội Thánh là cộng đoàn lữ hành tiến về Thiên đàng. Chúng ta cầu nguyện cho hàng giáo sĩ và các tu sĩ trong Hội Thánh, chẳng những biết chăm lo cho phần rỗi của mình, mà còn biết dùng các công đức và khả năng riêng, để đem ơn cứu độ và Tin Mừng Chúa đến cho mọi người.

Chiến tranh, khủng bố, tai nạn… đã gây ra biết bao cảnh goá bụa, cảnh tang thương cho nhân loại. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người biết yêu thương nhau, dùng lời nói và việc làm mà an ủi và nâng đỡ những người goá bụa, những kẻ mồ côi và những nạn nhân đang sống sót.

Khoa học càng tiến bộ, nhân loại càng có nhiều tiện nghi; lẽ ra con người càng tiến gần đến ơn cứu độ. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu biết sử dụng các tiến bộ khoa học, các tiện nghi, nhất là các phương tiện truyền thông hiện đại, nhằm tích cực loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Khi tuyên xưng đức tin, chúng ta nói: “Tôi tin các thánh thông công,… tôi tin sự sống đời sau”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết hết lòng yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã dạy, và biết dâng những việc lành phúc đức mà cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Kết thúc: Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con xưa nay. Xin cho chúng con biết sử dụng tất cả những ơn Chúa đã và đang ban xuống cho chúng con nữa, để đem lại lợi ích cho phần rỗi chúng con và các đẳng linh hồn, và để chia sẻ tình thương của Chúa đến với những anh em đang sống chung quanh chúng con. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

IX. CHIA SẺ


LỊCH SỬ NGÀY LỄ CÁC ĐẲNG 2/11


Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, "Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ." Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.

Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.

Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời Sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công đồng Trentô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thuỷ, các con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.

Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.

Lời Bàn

Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyện tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ Sự chia lìa với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.

Lời Trích

”Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hoả ngục - hoặc ngay cả “một thời gian ngắn của hoả ngục”. Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác... Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng 'lửa' luyện tội là tình yêu Thiên Chúa 'nung nấu' trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao Khát muốn được xứng đáng với Đấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì sự mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn" (Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu). VietCatholic News ( 20/10/2002 ) Lm Nguyễn Phước, OFM

X. ĐIỂM TIN

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
NHÂN NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG LẦN THỨ 36

CHỦ ĐỀ: "Internet: Diễn đàn mới để Loan báo Tin mừng"
Chúa nhật 12 tháng 5 năm 2002

Anh chị em thân mến,
1. Giáo hội trong mọi thời đại tiếp tục công trình đã khởi sự từ ngày lễ Hiện xuống, khi các Tông đồ, trong quyền năng Chúa Thánh Thần, ra đi trên các đường phố của Giê-ru-sa-lem để loan báo tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô bằng nhiều thứ tiếng (x. Cv 2,5-11). Suốt những thế kỷ tiếp theo, sứ vụ phúc âm hoá đó lan rộng đến mọi hang cùng ngõ hẻm của địa cầu, lúc Ki-tô giáo cắm rễ tại nhiều nơi và học cách nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bởi vì luôn vâng phục lệnh truyền của Đức Ki-tô là rao giảng Tin mừng cho mọi dân nước (x. Mt 28,19-20).

Nhưng lịch sử truyền giáo không chỉ là vấn đề bành trướng về địa lý, bởi vì Giáo hội cũng cần phải vượt qua nhiều ngưỡng cửa văn hoá, mỗi ngưỡng cửa đều đòi hỏi những năng lực và sáng kiến mới mẻ trong việc loan báo Tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Thời đại những khám phá lớn lao, thời Phục hưng và phát minh ngành in, thời Cách mạng kỹ nghệ và sự xuất hiện của thế giới hiện đại: những thời gian đó cũng là những ngưỡng cửa đòi có những hình thức phúc âm hoá mới mẻ. Giờ đây, với cuộc cách mạng truyền thông và tin học đang độ cao trào, Giáo hội hiển nhiên đang đứng ở một cổng vào khác có tính quyết định. Vì thế, quả là thích hợp vào ngày Quốc tế truyền thông năm 2002 chúng ta sẽ suy nghĩ về chủ đề: "Internet: Diễn đàn mới để Loan báo Tin mừng".

2. Internet quả là một "diễn đàn" mới, hiểu theo nghĩa của Rô-ma cổ là một địa điểm công cộng nơi đó các việc chính trị và thương mại được tiến hành, các bổn phận tôn giáo được chu toàn, nhiều sinh hoạt xã hội được diễn ra, và những gì tốt đẹp nhất và tệ hại nhất trong bản tính nhân loại được phô bày ra. Đây là một khoảng không gian của thành phố đông đúc và hối hả, phản ánh nền văn hoá bao quanh đồng thời tạo nên một nền văn hoá cho riêng mình. Điều đó cũng đúng với không gian máy tính (cyberspace), đây được xem như là một lĩnh vực mới mở ra vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ mới. Giống như những lĩnh vực mới của các thời đại khác, nó cũng đầy những nguy cơ và hứa hẹn, và không thiếu vắng sự mạo hiểm Đã đánh dấu những thời kỳ thay đổi lớn lao khác. Đối với Giáo hội, thế giới ảo mới mẻ này mời gọi làm cuộc mạo hiểm lớn lao là sử dụng năng lực của nó để loan báo sứ điệp Tin mừng. Vào lúc khởi đầu của thiên niên kỷ mới, thách đố này nằm ở trung tâm ý nghĩa của việc tuân theo mệnh lệnh "ra khơi" của Chúa: Duc in altum! (Lc 5,4).

3. Giáo hội tiếp cận phương tiện mới mẻ này với thái độ thực tiễn và tin tưởng. Cũng như những phương tiện truyền thông khác, đây là một phương tiện chứ không là một cùng đích. Internet có thể ban tặng những cơ hội tuyệt vời để loan báo Tin mừng nếu được sử dụng cách thành thạo và khi ta ý thức rõ đến mặt mạnh và mặt yếu của nó. Trước tiên, khi cung cấp những thông tin và gợi lên những thích thú, nó tạo nên sự gặp gỡ ban đầu với sứ điệp Ki-tô giáo, đặc biệt giữa những người trẻ càng ngày càng hướng về thế giới máy tính như là cửa sổ của thế giới. Vì thế điều quan trọng là cộng đoàn ki-tô hữu suy nghĩ về những cách thức thực tiễn để giúp những người mới tiếp cận Internet chuyển từ thế giới ảo của máy tính đến thế giới thực của cộng đoàn ki-tô hữu.

Tiếp đó, Internet cũng có thể cung cấp một hình thức bước đi theo mà việc loan báo Tin mừng đòi hỏi. Đặc biệt trong một nền văn hoá không mang lại cho ta những trợ giúp, đời sống ki-tô hữu cần đến những chỉ dẫn và giáo lý vững chắc, và đó có lẽ là lãnh vực mà Internet có thể cung cấp những trợ lực quí báu. Đã có trên mạng biết bao nguồn thông tin, tài liệu và giáo dục về Giáo hội, lịch sử và truyền thống, giáo thuyết và dấn thân của Giáo hội trong mọi lãnh vực trên mọi nơi của thế giới. Vì thế, rõ ràng rằng trong khi Internet không thể thay thế kinh nghiệm sâu xa với Thiên Chúa mà chỉ đời sống sinh động, phụng vụ và bí tích mới có thể trao tặng, chắn chắn nó cung cấp một bổ sung và trợ lực vô song cho việc chuẩn bị gặp gỡ Đức Ki-tô trong cộng đoàn và nâng đỡ người mới tin trong cuộc hành trình đức tin vừa mới bắt đầu.

4. Tuy nhiên có một số câu hỏi cần thiết và hiển nhiên nảy sinh khi sử dụng Internet để loan báo Tin mừng. Quả thế, bản chất của Internet là cung cấp một nguồn thông tin hầu như vô tận, mà phần lớn chỉ có tính nhất thời. Trong một nền văn hoá được nuôi dưỡng bằng cái chóng qua, người ta dễ có nguy cơ tin rằng chính những sự kiện, chứ không phải những giá trị mới quan trọng. Internet trao tặng những kiến thức rộng rãi chứ không dạy về các giá trị; và khi các giá trị bị coi thường, nhân tính của chúng ta bị giảm sút và con người dễ dàng quên đi phẩm giá siêu việt của mình. Dầu nó có khả năng vô biên làm những điều tốt đẹp, nhưng một vài cách thế đê hèn và gây hại mà Internet có thể được sử dụng là điều mà mọi người đều thấy, và chính quyền chắc chắn có trách nhiệm bảo đảm rằng công cụ tuyệt diệu này phục vụ ích chung và không trở thành một nguồn gây nguy hại.

Hơn thế nữa, Internet xác định lại cách tận căn mối tương quan tâm lý của một con người đối với thời gian và không gian. Người ta chú ý đến cái hữu hình, ích lợi và có giá trị tức thời; có thể thiếu cái thúc đẩy đào sâu tư tưởng và suy tư. Quả thế con người rất cần đến những khoảnh khắc và thinh lặng nội tâm để suy tư và xem xét cuộc sống và mầu nhiệm của nó, và dần dần làm chủ cách trưởng thành chính mình và thế giới bao quanh. Hiểu biết và khôn ngoan là kết quả của việc chiêm ngưỡng thế giới, chứ không dến từ sự tích lũy đơn thuần các sự kiện, dầu gây thích thú như thế nào đi đếnchăng nữa. Chúng là kết quả của một cái nhìn thấu suốt ý nghĩa sâu xa của sự vật trong tương quan với nhau hay với toàn thể thực tại. Hơn nữa, như một diễn đàn trong đó mọi sự được chấp nhận một cách thực tế và hầu như không có gì bền vững, Internet ủng hộ một lối suy nghĩ mang tính tương đối và đôi khi khuyến khích trốn chạy khỏi trách nhiệm và dấn thân cá nhân.
Trong một bối cảnh như thế, làm sao chúng ta có thể trau dồi sự khôn ngoan phát xuất không chỉ từ thông tin nhưng từ suy tư, sự khôn ngoan biết cách phân biệt phải trái, và duy trì bậc thang giá trị phát sinh từ sự khác biệt đó?

5. Nhờ Internet, người ta nhân lên những cơ hội tiếp xúc theo những cách thức mà cho tới nay không thể tưởng tượng được. Sự kiện ấy mở ra những khả năng kỳ diệu truyền bá Tin mừng. Nhưng cũng phải nhận thức rằng những mối tương quan được thiết lập nhờ các phương tiện điện tử không bao giờ có thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp và nhân bản, cần thiết cho việc loan báo Tin mừng đích Thực. Bởi vì việc loan báo Tin mừng luôn tuỳ thuộc chứng tá cá nhân của người được sai đi loan báo Tin mừng (x. Rm 10,14-15). Giáo hội phải làm như thế nào đây để chuyển từ loại tiếp xúc nhờ Internet đến sự giao tiếp sâu xa hơn mà việc loan báo Ki-tô giáo đòi hỏi? Chúng ta phải phát triển như thế nào sự tiếp xúc đầu tiên và trao đổi thông tin do Internet đem lại?

Chắc chắn là cuộc cách mạng điện tử hứa hẹn sẽ mang lại nhiều khám phá tích cực để phát triển thế giới; nhưng cũng có khả năng nó làm gia tăng những bất bình đẳng hiện có khi sự chênh lệch về thông tin và phương tiện giao tiếp càng gia tăng. Làm sao chúng ta có thể bảo đảm rằng cuộc cách mạng thông tin và giao tiếp mà Internet là phương tiện hàng đầu sẽ giúp cho việc toàn cầu hoá về phương diện phát triển con người và tình liên đới là những mục tiêu gắn liền mật thiết với sứ vụ loan báo Tin mừng của Giáo hội?

Cuối cùng, trong thời buổi nhiễu nhương này, cho phép tôi đặt ra câu hỏi: làm sao chúng ta có thể bảo đảm rằng phương tiện kỳ diệu này trước kia được hình thành trong bối cảnh hoạt động quân sự giờ đây có thể phục vụ cho chính nghĩa hoà bình? Nó có thể giúp cho nền văn hoá của đối thoại, tham gia, liên đới và hoà giải mà không có nó thi hoà bình không thể triển nở không? Giáo hội tin rằng nó có thể; và để bảo đảm rằng đó là điều sẽ xảy ra, Giáo hội nhất quyết đi vào diễn đàn mới mẻ này, khi được trang bị bằng Tin mừng của Đức Ki-tô, Hoàng tử Hoà bình.

6. Internet làm cho hàng tỉ hình ảnh xuất hiện trên hàng triệu màn hình máy tính trên khắp địa cầu. Từ giải ngân hà hình ảnh và âm thanh đó, khuôn mặt Đức Ki-tô có hiện lên và tiếng nói của Đức Ki-tô có được nghe không? Bởi vì chỉ khi khuôn mặt của Người được thấy và tiếng nói của Người được nghe mà thế giới sẽ biết đến Tin mừng cứu chuộc. Đó là mục tiêu của việc loan báo Tin mừng. Và đó chính là điều sẽ làm cho Internet trở thành một không gian đích thực của con người, bởi vì nếu không có chỗ cho Đức Ki-tô thì cũng không có chỗ cho con người. Vì thế, trong Ngày Truyền thông thế giới này, tôi dám kêu gọi toàn thể Giáo hội dũng cảm bước qua ngưỡng cửa mới mẻ này, để ra khơi trong biển sâu là mạng máy tính, để hôm nay cũng như trong quá khứ, sự dấn thân cao cả cho Tin mừng và văn hoá có thể tỏ cho thế giới "vinh quang của Thiên Chúa trên khuôn mặt Đức Ki-tô" (2 Cr 4,6). Nguyện xin Chúa chúc lành cho những ai đang hành động cho mục tiêu đó.
Vatican , ngày 24 tháng 1 năm 2002, lễ Thánh Phan-xi-cô đờ Salê

+ Gioan-Phaolô II
(VietCatholic News)

CÁC LỜI THƯA CHO NĂM MẦU NHIỆM SỰ SÁNG


Đọc kinh Mân Côi (Lần Chuỗi) là một thói quen tốt của người Công Giáo Việt Nam . Không biết từ lúc nào, chúng ta có thói quen khác hẳn với người Công Giáo các nước khác là có một câu thưa đồng nhất sau mỗi Mầu Nhiệm. Thêm vào đó, có những lúc, thay vì Lần Chuỗi ngắn thì lại đọc thêm phần suy gẫm (ngắm) khoảng 2 phút cho mỗi Mầu Nhiệm Lời của phần này có chút hơi khác nhau theo từng địa phận đàng Trong hay đàng Ngoài, nhưng tựu trung vẫn là dựa theo Phúc Âm và Thánh Truyền để giúp thấm nhuần thêm những Mầu Nhiệm đang đọc.

Nay Đức Thánh Cha vừa ra tông thư "Rosarium Virginis Mariae", trong đó Ngài thêm Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng để kính nhớ cuộc đời công khai của Đức Kitô, chúng tôi mạo muội xin đề nghị lời thưa thích hợp cho từng Mầu Nhiệm dựa theo ý của vị Cha chung.

Phép lần hạt Mân Côi năm sự Sáng
Thứ Nhất: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Gio-đan.
Ta hãy xin cho được sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Thứ Hai: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nước thành rượu tại Cana:
Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời
Thứ Ba: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và ơn thống hối:
Ta hãy xin cho được ơn cải sửa tâm hồn.
Thứ Bốn: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor:
Ta hãy xin cho được luôn luôn lắng nghe Lời Người.
Thứ Năm: Đức Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể:
Ta hãy xin cho được siêng năng rước Mình Máu Thánh Người.

Bị chú:
Các lời xướng và thưa cần phải hợp với vần bằng trắc và ngắn gọn để dễ xướng và dễ thưa theo như cung điệu thưa kinh của tiếng Việt và cũng để dễ nhớ. Nội dung cũng không đi ra ngoài ý nghĩa Thánh Kinh và thần học của Đức Thánh Cha đã gởi gấm vào những Mầu Nhiệm mới này.

Xin bàn thêm về lời văn: Kho tàng phong phú của văn hoá và văn chương Việt Nam được thể hiện rõ nét trong các bản kinh và sách bổn Hỏi - Thưa của Giáo Hội Việt Nam ngay từ những thế kỷ đầu của việc truyền giáo. Công trình dịch thuật các bản kinh từ Latinh hay tiếng Bồ Đào Nha đã đi sâu vào đời sống đạo đức của người Công Giáo Việt Nam một phần lớn là do các vị truyền giáo đã được sự cố vấn và tham gia trực tiếp vào công tác chuyển ngữ của các nhà Nho học đương thời. Kết quả là các lời kinh tràn đầy ý thơ và tuy ngôn từ cỏ vẻ cổ xưa nhưng thật là bình ân, dễ hiểu. Nếu có dịp nghe lại những kinh dài các cụ già hay đọc và suy gẫm từng câu một thì sẽ thấy "chỉ toàn là thơ", cung điệu nhịp nhàng và các câu đều ngắn gọn để khi đọc lên không bị "hụt hơi". Vì thế đề nghị là các câu thưa nên kết bằng dấu huyền hay tối thiểu là không dấu, nói chung là vần bằng. Các lời kinh cũng nên dùng những từ ngữ dễ hiểu. Lấy thí dụ: dùng chữ Chúa biến hình trên núi Tabor, không dùng chữ "hiển dung" (transfiguratio) vì chữ này rất khó hiểu, xa lạ Đối với người bình dân dù cũng chưa hẳn là sai nghĩa với chữ transfiguratio trong Latinh hay các tiếng Âu Châu (transfiguration): biến hình, chuyển từ hình này qua hình khác (trans-figure). Tự điển New World Dictionary của Webster dịch thêm là: "2. To transform so as to exalt or glorify". Nếu dùng chữ hiển dung theo nghĩa thứ 2 này của Webster thì hiển có nghĩa là vẻ vang (TĐ Hán Việt Thiều Chửu) và dung (dong) có nghĩa là dáng dấp thì cũng đúng: dáng dấp vẻ vang, sáng rực.

Lại nữa, yếu tố truyền thống hay yếu tố "đại chúng, phổ tông" cũng nên chú ý. Lấy thí dụ Kinh Lạy Cha trong Sách Lễ Rôma, bản dịch mới của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho thử nghiệm năm từ năm 1992 đến năm 1997 (trang 506):

"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời ....". Mười năm trôi qua, cho đến ngày hôm nay (2002), không thấy ai đọc câu này hết mà vẫn đọc: " Lạy Cha chúng con ở trên trời ...": ngắn gọn, phổ thông và vẫn không đi ra ngoài ý "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời". Kinh Lạy Cha bằng tiếng Anh (Our Father) vẫn giữ những chữ cổ chứ không thay ổi theo thời đại này, cũng chỉ vì yếu tố phổ thông, đại chúng.

"Our Father, who art in heaven, hallowed be thy name; thy kingdom come; thy will be done on earth as it is in heaven ... " (xem Sacramentary trang 561). Lm Nguyễn Quang Vinh ( VietCatholic News ( 21/10/2002 )

XI. TẢN MẠN

SỨC MẠNH CỦA LÒNG KIÊN QUYẾT

Ngôi trường tiểu học miền quê được sưởi ấm nhờ nhờ một lò sưởi đốt bằng than đá cũ kỹ. Một cậu bé lãnh nhiệm vụ mỗi ngày đến trường sớm để đốt lò sưởi ấm phòng học trước khi thầy giáo và các bạn đến lớp.

Một buổi sáng nọ, người ta phát hiện ngôi trường bị chìm trong khói lửa. Người ta đã kéo ra khỏi ngôi trường một cậu bé bất tỉnh thừa chết thiếu sống. Cậu bé bị phỏng nặng khắp phần thân dưới và được chở đến một bệnh viện miền quê gần đó.

Nằm trên giường, cậu bé bị phỏng nặng, nữa tỉnh nữa mê, nghe loáng thoáng mẫu chuyện giữa bác sĩ và mẹ của cậu . Bác sĩ nói với người mẹ rằng cậu bé chắc chắn sẽ chết - vậy là tốt hơn - do lửa đã huỷ hoại phần dưới của thân thể cậu.

Nhưng cậu bé can đảm không muốn chết. Cậu bé nhất quyết phải sống. Không hiểu sao, cậu bé vẫn sống trước sự ngạc nhiên của bác sĩ. Khi cơn nguy tử đã qua, cậu bé lại nghe mẫu đối thoại giữa bác sĩ và mẹ của cậu ta. Mẹ nói vì lửa đã huỷ hoại gần hết da thịt phần dưới của thân thể, thà cậu bé chết còn hơn chịu một số phận khủng khiếp suốt đời tàn tật.

Một lần nữa, cậu bé quyết chí. Cậu không muốn tàn phế cuộc đời. Cậu muốn đi. Nhưng thật đáng tiếc, cậu bé không thể cử động đôi chân yếu ớt lê thê của mình.

Rồi thì cậu bé cũng được rời bệnh viện. Mỗi ngày mẹ cậu bé phải xoa bóp những ống chân teo tóp của cậu, cậu vẫn không Có cảm giác, không tự điều khiển được chút nào cả. Vậy mà ý chí cương quyết muốn tự bước đi vẫn mạnh như bao giờ.

Khi không ở trên giường thì cậu được đặt vào một chiếc xe lăn.. Một ngày đẹp trời, mẹ cậu đẩy xe cậu đến một bãi cỏ để hít thở không khí trong lành. Hôm đó, thay vì ngồi trên xe lăn, cậu băng mình ra khỏi xe, tự trườn lướt trên thảm cỏ, kéo lê đôi chân phía sau.

Cậu bé hướng đến cộc hàng rào màu trắng bao quanh lô đất. Với một sự cố gắng phi thường, cậu tự đứng dậy trên hàng rào. Lần lượt từ trụ này sang trụ khác, cậu kéo lê mình dọc theo hàng rào, quyết tâm phải đi được. Cậu bé bắt đầu làm như thế mỗi ngày đến đổi có một con đường mòn trên thảm cỏ dọc theo hàng rào. Cậu bé không mong muốn gì khác hơn là phát triển cuộc đời trên đôi chân của mình.

Cuối cùng, nhờ luyện tập xuyên suốt mỗi ngày, cùng với sự bền tâm và nghị lực thép, cậu bé tự đứng dậy được, tiếp đến đi chập chững, rồi tự mình bước đi, sau đó là : chạy !

Cậu bắt đầu đi học, rồi chạy đến trường, chạy trong niềm vui sướng tuyệt vời vì còn chạy được. Sau này cậu còn tham gia đội đua của trường.

Mãi về sau, nơi Madison Square Garden, chính chàng trai trẻ này mà trước đây không còn hy vọng sống sót, chắc không còn khả năng đi đứng, mất hết hy vọng để chạy được, chàng trai đầy kiên quyết đó là bác sĩ Glenn Cunningham, trở thành người chạy nhanh nhất thế giới ! (Dịch từ Internet)

XII. NGHỆ THUẬT SỐNG

Hãy tin vào chính mình
Bạn hãy đặt cho mình những tiêu chuẩn thật cao.
Bạn xứng đáng với tiêu chuẩn tốt nhất.
Bạn hãy cố gắng thực hành điều bạn muốn.
Và đừng bao giờ chịu dừng lại ở mức thấp.

§ § § §

Bạn hãy tin vào chính mình.
Điều bạn chọn lựa không thành vấn đề.
Bạn hãy giữ vững tinh thần chiến thắng.
Và như vậy bạn sẽ không thua cuộc.

§ § § § §

Bạn hãy hướng thẳng đến mục tiêu.
Cũng đừng lo lắng nếu lỡ trệt đường.
Điều quan trọng nhất là
Những gì bạn học được trên con đường đó.
Hãy gìn giữ những gì bạn đã đạt được.
Để trở thành như bạn ao ước.

§ § § § §

Bạn hãy vươn cao trên những tầng mây.
Và cứ để những giấc mơ đẹp giải thoát bạn .

(Dịch từ Internet)

2054    17-04-2012 14:21:07