Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Sứ Vụ Dạy Giáo Lý Bắt Nguồn Từ Kế Hoạch Của Chúa Cha - Tháng 02 năm 2010

LỜI CHỦ CHĂN

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 VĩnhLong

Vĩnh Long, ngày 27.01.2010

V/v Kế hoạch Cứu rỗi của Chúa Cha

Kính gởi : Quí Cha, Quí Tu Sĩ Nam Nữ,
               Anh Chị Em Giáo Dân Giáo Phận Vĩnh Long

“Các con sẽ làm chứng về những điều đó” ( Luca 24,48)

1. Thánh Luca đã cẩn thận ghi lại những lời căn dặn của Chúa Giêsu trong lần hiện ra cuối cùng. Người lên trời còn các môn đồ sẽ ở lại trần gian với sứ mạng làm chứng nhân của Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc duy nhất.

Trong buổi tiếp kiến chung, Thứ Tư ngày 20.1.2010, Đức Bênêđitô XVI đã diễn giải lời của Chúa Giêsu “Các con sẽ là chứng nhân về những điều đó”: Những điều đó là những diều nào? Trước tiên Chúa Giêsu muốn nói đến Thập giá và sự Sống Lại. Các môn đồ đã thấy Chúa bị đóng đinh, họ xem thấy Đấng Phục Sinh và bắt đầu hiểu tất cả những gì Kinh Thánh nói về mầu nhiệm Khổ nạn và Phục Sinh. Những điều đó chính là mầu nhiệm Đức Kitô, Mầu Nhiệm của Con Thiên Chúa làm người, đã chết vì chúng ta và đã sống lại, Người đang sống và Người sống mãi để bảo đảm sự sống vĩnh cửu của chúng ta.

“Phải nên trọn mọi điều đã viết về Ta trong Luật Môisen và các Tiên Tri cùng Thánh Vịnh… Đức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba thì sống lại từ cõi chết; và nhân danh Ngườiphải được rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi, khởi sự từ Giêrusalem” (Luca 24,44b.46-47).

2. Thiên Chúa đã có Kế hoạch cứu rỗi . Kế hoạch đó đã được hé mở cho thấy một tia hy vọng chiến thắng, khi TC phán với tên cám dỗ: “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi” (ST 3,15). Những lời nầy được coi như Tin Mừng khởi thủy.

Kế hoạch của Thiên Chúa được bày tỏ trong lời loan báo của Thần sứ Gabriel: “Nầy Bà sẽ thụ thai và sinh con trai, và Bà sẽ gọi tên con trẻ là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavid tổ phụ Người. Người sẽ làm vua nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô tận”’ (Luca 1,31-33) .

Chúa Giêsu cũng đã quả quyết với Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình, để tin vào Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Gioan 3,16).

Thánh Phêrô đã mạnh dạn rao giảng cho dân chúng trong ngày lễ Ngũ Tuần về ý định cứu chuộc của Thiên Chúa :

“Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi, nhưng thiên Chúa đã cho Người sống lại.

Xin toàn thể nhà Israel biết chắc điều nầy : Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm CHÚA và làm Đấng KITÔ” (Tđcv 2,23-24.36) .

Và để được cứu chuộc, Thánh Phêrô kêu gọi dân chúng: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ lãnh nhận ân huệ là Thánh Thần” (Tđcv 2,38).

Sau hết, Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta về kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa Cha :

“Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài (TC Cha), Chúa đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô…

“Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, chúng ta được cúu chuộc, được tha thứ tội lỗi.

Thiên Chúa đã cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý nầy là kế hoạch yêu thương Chúa đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Kitô”’ (Êph 1,5.7.9-10).

Như thế, nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô và được thánh hóa trong Chúa Thánh Thần , các tín hữu làm thành đoàn dân được cứu chuộc, là Hội Thánh, là Thân Thể của Chúa Kitô (x. Eph 1,22).

3. Thế nên, Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo hay Kế Hoạch Cứu Rỗi của Thiên Chúa Cha, được gọi là Mầu Nhiệm Kitô giáo, gồm có bổn phần Tuyên Xưng, Cử Hành, hướng dẫn đời sống và làm nền tảng cho Kinh Nguyện của Hội Thánh.

Học Giáo Lý để cảm mến Chúa, sống theo Chúa và rộng mở ra cho mọi người, bởi lẽ họ cũng phải trở thành Thân Thể của Chúa Kitô (Đức Bênêđitô XVI, ngày 20.1.2010). Đó là sứ mạng của Hội Thánh, của mọi tín hữu: “Các con sẽ làm chứng về những điều đó” ( Luca 24,48).

Tôma Nguyễn Văn Tân
            
+ Giám mục Vĩnh Long

THƯ MỤC VỤ


CHỦ ĐỀ: SỨ VỤ DẠY GIÁO LÝ
BẮT NGUỒN TỪ KẾ HOẠCH CỦA CHÚA CHA

Sứ vụ Dạy Giáo lý bắt nguồn từ kế hoạch cứu độ của Chúa Cha, có khuôn mẫu là sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô và được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, để làm cho mọi người trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa trong Con Một yêu dấu của Ngài và được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa (x.1 Ga 1,1-3; Ep 1,3-14).

Sứ vụ Dạy Giáo lý của Hội Thánh bắt nguồn từ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Do lòng nhân hậu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người để con người được thông phần sự sống hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài. Thiên Chúa đã đến với con người, giúp con người tìm kiếm, nhận biết và yêu mến Ngài hết lòng. Thiên Chúa triệu tập mọi người đã bị tội lỗi phân tán để hợp nhất thành gia đình của ngài là Hội Thánh. Để thực hiện điều này, khi tới thời viên mãn, Ngài đã sai Chúa Con đến làm Đấng chuộc tội và cứu độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người trở nên nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần, và do đó, được thừa kế đời sống hạnh phúc của Ngài. (x.GLHT 1) (THƯ MỤC VỤ SỐ 4-5)

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Chuyện kể về Check Liseger phi công bị bắt trong chiến tranh thế giới thứ hai, khi nghiền ngẫm về cuộc đời mình, trong thời gian ở tù, đã ngộ ra rằng: đôi bàn tay của mình trống rỗng, chưa làm gì cho Chúa và quyết tâm dâng hiến cuộc đời còn lại của mình để phụng sự Nước Chúa như sau:

Check Liseger là một phi công trong chiến tranh thế giới thứ hai. Check tham dự cuộc hành quân có tên là "Mãnh Hổ" vừa để trả đũa vụ Trân Châu Cảng vừa để tấn công các lực lượng của Nhật trên Thái Bình Dương.

Mặc dù giữ bí mật cao độ, cuộc hành quân này cũng không được thực hiện như dự tính. Chiếc tàu sân bay cho phi công cất cánh máy bay đi đánh phá, đã bị Nhật khám phá ra trước khi vào hải phận của họ. Check và các bạn được lệnh bay đi ném bom ngay, dù lúc ấy họ chưa đủ nhiên liệu để bay trở về căn cứ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì trời tối mịt, máy bay hết xăng, Check phải bỏ máy bay nhảy dù xuống một vùng đất lạ bên dưới. Anh ta rơi trên lục địa Trung Hoa, ở vùng Nhật kiểm soát.

Ba năm tiếp theo sau đó, Check bị biệt giam trong một trại giam của Nhật. Trong trại giam đó, Check xin một quyển Thánh Kinh để đọc, vì không có việc gì làm cả, cũng không hy vọng gì được cứu thoát hay trốn khỏi trại tù. Check đọc thư Roma chương 10 và anh biết rằng mình có thể được cứu vào sự sống vĩnh hằng, nếu tin nhận Chúa Giêsu là Đấng đã được Thượng Đế cho từ cõi chết sống lại. Check tin như vậy, và cuộc đời anh đã thay đổi hẳn, mặc dù phải sống trong trại tù nhơ bẩn đầy chuột bọ. Trước khi được phóng thích, thân hình Check đầy cả ghẻ chốc mụn nhọt, vì điều kiện sống tồi tệ.

Anh kể lại: "Một hôm tôi giơ hai tay tôi lên và thưa với Chúa rằng: "Lạy Chúa, con sẵn sàng đi với Chúa. Con muốn được lên nơi phước lộc vĩnh hằng không còn mụn nhọt ghẻ lở nữa."

Nhưng lúc ấy Check cảm thấy Chúa nhìn vào bàn tay mình, anh nói: "Đôi bàn tay tôi giơ lên. Chúa nhìn vào đó và thấy rõ hai bàn tay không có gì cả. Tôi tự hỏi: Sao hai bàn tay tôi không có gì cả? Tại sao Chúa nhìn vào đôi bàn tay ấy? Ý nghĩ này làm tôi bừng tỉnh. Tôi đã 33 tuổi mà chưa bao giờ nói cho bất cứ người nào về Chúa Giêsu cả."

Việc nhận ra đôi bàn tay trống rỗng đã thôi thúc Check trở lại Nhật làm một giáo sĩ.

Sau khi học xong trường dạy Kinh Thánh, ông đã dành ra 30 năm đem Phúc Âm đến cho người Nhật, là những người ông từng thả bom giết hại. Ông giúp thành lập hơn 20 ngôi giáo đường và nói cho hàng ngàn người nghe về Chúa Giêsu. Khi Check làm xong nhiệm vụ, hai bàn tay ông không trống rỗng nữa, và Chúa đã thấy rõ như vậy.

Còn bạn thì sao? Với hai bàn tay Chúa ban, bạn đã làm được những gì cho Ngài?

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về chủ đề hôm nay:

Có thể hiểu dạy Giáo lý là dạy đạo, dạy đường lối do Chúa đặt để, hướng dẫn.

Chúa Cha ra kế hoặch, định đường lối. Chúa Con thể hiện công trình và chỉ dạy. Chúa Thánh Thần hoàn hảo hóa. Vì thế, chúng ta quả quyết Chúa chính là nguồn gốc của việc dạy Giáo lý.

Hoàn hảo hóa là làm cho kế hoặch và những bài học đạt hiệu quả: quy tụ nên Hội Thánh, thúc giục con người sống theo ý Chúa, làm con Chúa, hưởng gia nghiệp Chúa, thông phần vinh phúc của Chúa.

Thời các Tông đồ, việc dạy giáo lý là dùng Cựu Ước – vì Tân Ước chưa được viết ra và chưa được Hội Thánh công nhận - để giải thích những biến cố liên quan đến cuộc đời và giáo huấn của Đức Kitô. Một phần của giáo lý nầy được ghi lại và họp thành bộ Tân Ước. Một phần khác được truyền lại qua Thánh Truyền. Đến thời các Giáo Phụ thì hầu hết các bài Giáo Lý được giảng dạy dưới hình thức giải thích Lời Chúa trong Thánh Kinh.

Qua mọi thời đại Lời Chúa là nguồn mạch của Giáo Lý: “Việc dạy Giáo Lý luôn rút nội dung từ nguồn mạch sống động là Lời Chúa được truyền lại qua Thánh Truyền và Thánh Kinh, bởi vì Thánh Truyền và Thánh Kinh tạo thành một kho tàng Lời Chúa duy nhất, được trao phó cho Hội Thánh” (Catechesi Tradendae, số 27, x. Dei Verbum, số 10 a e b; x. 1 Tim 6,20).

Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của “Lời Chúa” theo đức tin của Hội Thánh, để nhận ra nguồn mạch của sứ vụ dạy Giáo lý xuất phát từ ý định cứu độ muôn đời của Chúa Cha.

Lời Chúa chính là:

Lời Hằng Hữu, tức là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, Con Thiên Chúa;

Lời Thiên Chúa lúc tạo dựng, nhờ Người mà mọi sự hiện hữu được tạo thành;

Chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời làm người và ở cùng chúng ta;

Thánh Kinh, Lời được Thiên Chúa linh hứng và viết thành văn tự;

Truyền Thống của Hội Thánh, lưu giữ cách trung thực Lời của Thiên Chúa cho mọi thế hệ.

Lời Chúa là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa, Đấng làm một với Thiên Chúa Cha, và là Thiên Chúa thật. Tin Mừng Thánh Gioan mở đầu bằng cách trình bày Đức Chúa Giêsu Kitô như sau:

“Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).

Lời Hằng Hữu

Ngôi Lời "hằng hữu" bởi vì Ngôi Lời có từ đời đời, trước khi bất cứ điều gì hay người nào hiện hữu. Ngôi Lời không những ở cùng Thiên Chúa, mà Ngôi Lời chính là Thiên Chúa. Giáo huấn của Thánh Gioan về việc Ngôi Lời có trước khi tạo dựng là tâm điểm của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi của Công Giáo. Thiên Chúa có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa Duy Nhất.

Lời Chúa Khi Tạo Dựng

Tin Mừng Thánh Gioan mở đầu bằng câu "Từ nguyên thủy" (từ khởi đầu) là cố ý ám chỉ Sách Sáng Thế: "Lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo trời đất" (St 1,1) để chỉ sự liên hệ giữa hai Sách với nhau: Sách Sáng Thế mở đầu với câu chuyện về tạo dựng tất cả mọi sự, bắt đầu với ánh sáng. Tin Mừng Thánh Gioan là câu chuyện tái tạo dựng về tinh thần đã được mặc khải và hoàn thành nhờ Đức Chúa Giêsu Kitô, là ánh sáng thế gian.

Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng tất cả mọi sự bằng cách dùng Lời mà phán. "Rồi Thiên Chúa phán, “Hãy có ánh sáng”, và liền có ánh sáng. . . . Rồi Thiên Chúa phán: “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước”" (St 1,3a, 6a). Mỗi ngày, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán Lời Ngài. Vào ngày thứ sáu, "Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”" (St 1,26a). Một lần nữa Lời được phán ra và chúng ta, người nam và người nữ, đã hiện hữu theo chính hình ảnh Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng Thánh Gioan chúng ta học biết rằng Lời tạo dựng này, mà nhờ đó mà muôn vật được tạo thành, là Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa, có mặt trước thời gian: Người ở với Thiên Chúa từ nguyên thủy, và là Thiên Chúa.

“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành” (Ga 1,3)

Ngôi Lời Làm Người

Ngôi Lời Hằng Hữu, nguồn mạch của tất cả những gì hiện hữu, đã làm người và ở giữa chúng ta:

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga ,14).

Ngôi Lời thật sự đã làm người thật và đã ở giữa chúng ta trong một giai đoạn của lịch sử, ở vùng Palestine, làm người Do Thái, và sống dưới quyền đô hộ của Đế Quốc Rôma. Nhưng hiện nay Người vẫn còn ở giữa chúng ta trong Thánh Kinh, trong các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, trong Hội Thánh, trong tha nhân và trong mỗi người chúng ta.

Thánh Kinh: Lời Hằng Sống của Thiên Chúa

Thánh Kinh là Lời Chúa được các Thánh Ký ghi lại bằng văn tự qua dòng Lịch Sử Cứu Độ, dưới sự linh hứng của Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa là tác giả chính của Thánh Kinh. Người đã dùng ngôn ngữ và khả năng hữu hạn của các Thánh Ký mà mặc khải cho ta qua Thánh Kinh như xưa kia Ngôi Lời đã làm người để nói với chúng ta.

Thánh Kinh gồm Cựu Ước và Tân Ước là một câu chuyện về tình yêu của Thiên Chúa đối với Dân Ngài. Mặc khải cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa là Lời Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng trở thành một người trong số chúng ta, đã sống lại từ cõi chết, Đấng ban cho chúng ta sự sống đời đời, và tiếp tục ở cùng chúng ta.

Thánh Truyền Lưu Giữ Lời Thiên Chúa

Thánh Truyền cũng là Lời Chúa, được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ủy thác cho các Tông đồ, rồi các Tông đồ lưu lại toàn vẹn cho các đấng kế vị các ngài, nhưng Lời ấy được lưu lại bằng lời giảng dạy, gương sáng và các thể chế mà các Tông đổ đã thiết lập. Những điều mà các ngài đã “lãnh nhận từ Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý” (MK 7).

Thánh Kinh là Lời Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Thánh Kinh không chứa trọn vẹn Lời Chúa vì Lời viên mãn của Thiên Chúa chính là Đức Kitô, mà không một sách nào có thể chứa trọn. Lời này đến với chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Cả hai có cùng một nguồn mạch là Thiên Chúa, hợp thành một Kho Tàng Đức Tin, được các Thánh Tông Đồ truyền lại trong Hội Thánh, nhằm mục đích cứu độ con người (x MK 10).

Còn Giáo Lý là cách Hội Thánh trình bày, giải thích, áp dụng và bảo toàn Kho Tàng Đức Tin này. Cho nên Thánh Kinh là nền tảng của Giáo Lý vì “Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng với các Tông Đồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (MK số 21).

Giáo Lý không phải là Thánh Kinh. Giáo Lý giúp chúng ta hiểu biết và áp dụng Thánh Kinh trong Hội Thánh. Giáo Lý trình bày các giáo huấn của Hội Thánh một cách có hệ thống và đầy đủ để hướng dẫn đời sống chúng ta.

Giáo Lý cũng không trái ngược với Thánh Kinh và không có ưu thế trên Thánh Kinh, nhưng lệ thuộc vào Thánh Kinh và phục vụ Thánh Kinh. Nhờ học Giáo Lý chúng ta hiểu biết Thánh Kinh một cách tường tận và đúng hơn theo truyền thống của Hội Thánh. Cả Giáo Lý lẫn Thánh Kinh nuôi dưỡng thừa tác vụ dạy Giáo Lý (x. Chỉ Nam Chung về Giáo Lý, số 128).

Thánh Kinh, Lời Thiên Chúa, dẫn chúng ta về cội nguồn là Thiên Chúa Cha, Đấng đã yêu thương dùng Lời của Người để dựng nên chúng ta, sai Lời của Người là Chúa Con đến trần gian để cứu chuộc chúng ta và ban Thánh Thần của Người để đưa chúng ta về lại với Thiên Chúa Tình Yêu qua việc hiệp nhất chúng ta trong Chúa Kitô (x. 2Cor 13,11-13).

Như vậy, việc dạy Giáo lý dựa trên nền tảng là Thánh Kinh, giúp chúng ta khám phá ra: ”Sứ vụ Dạy Giáo lý của Hội Thánh bắt nguồn từ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa” (TMV, 5).

(Dựa theo tài liệu Giáo Lý Chúa Nhật 2008 của HĐGMHK, Phaolô Phạm Xuân Khôi soạn) .

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc dạy Giáo lý của mỗi người như thế nào?

Chúng ta có tin việc dạy Giáo lý bắt nguồn từ Thiên Chúa không?

Có biết Giáo lý là đạo, là đường dẫn chúng ta đến Chúa, đạt mục đích tối chung. Đạo, đường đó do Chúa chỉ định, có biết không?

Dạy Giáo lý là trách nhiệm của mỗi người, Chúa minh nhiên hay mặc nhiên trao cho mỗi người; cho nên chính việc dạy Giáo lý bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Có quyền dạy Giáo lý theo ý riêng, phê bình, giải thích lệch lạc không?

Dạy và học Giáo lý phải đi đôi với nhau. Có học mới dạy được. Muốn dạy thì trước hết phải học. Chúng ta có thấy dạy và học đều là khẩn thiết không?

Ngoài ra còn nhiều điều khiếm khuyết trong việc dạy Giáo lý, chúng ta cũng cần kiểm điểm…

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là tình yêu. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã mạc khải trọn vẹn tình yêu thương của Người cho nhân loại. Tin tưởng vào tình thương vô biên của Thiên Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

  1. Chúa là Đấng nhẫn nại và hay an ủi, chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong gia đình Hội Thánh hằng ngày biết đối xử với nhau theo tinh thần bác ái của Đức Kitô, luôn hiệp nhất trong yêu thương và chân lý vẹn toàn.
  2. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người nhận biết Chúa là Cha từ bi nhân hậu và Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Độ Người sai đến.
  3. Giới trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, của Giáo hội, chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người Kitô hữu trẻ tuổi biết tận dụng thời giờ Chúa ban để trao dồi kiến thức, đức hạnh để sau này trở nên những người hữu ích cho Giáo hội và xã hội.
  4. “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa”, chúng ta hiệp lời cầu xin cho các cộng đoàn họ đạo luôn biết kết hợp mật thiết với Chúa để không có thử thách, gian nan nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, xin lắng nghe lời chúng con cầu nguyện, xin cho chúng con luôn xác tín rằng Chúa luôn hiện diện để nâng đỡ và an ủi chúng con trong mọi trạng huống của cuộc sống thường ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

SỐNG VỚI CHÚA CHA

Nhìn lại dòng lịch sử cứu độ, người Kitô hữu chúng ta thấy có sự khác biệt trong cách thể hiện của Thiên Chúa qua dòng thời gian. Thiên Chúa của Cựu Ước là một Thiên Chúa hùng mạnh, quyền năng, bênh vực dân Chúa chọn và trừng phạt thẳng tay để sửa phạt dân được chọn. Nhưng trong Tân ước, qua Đức Giêsu ta lại thấy một hình ảnh Thiên Chúa đầy yêu thương, chăm sóc những người nghèo khó bệnh tật, nâng đỡ những người yếu đuối và cảm thông tha thứ cho những con người tội lỗi. Vậy phải chăng Thiên Chúa đã thay đổi hành động khi Con Ngài làm người, hay Thiên Chúa bất nhất trong chính bản thân của Người…

Tin mừng Thánh Gioan chương 1 câu 1 quả là minh chứng hùng hồn cho ta biết phần nào về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiệp nhất của Thiên Chúa duy nhất: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”(Ga1,1). Qua câu này, thánh Gioan muốn cho đọc giả của mình thấy được rằng, Ngôi Lời là Đức Giêsu đã có từ muôn thuở, hằng ở với Chúa Cha và hiệp nhất với Thiên Chúa Cha trong bản tính Thiên Chúa. Nói theo cách khác, Thiên Chúa vẫn luôn luôn là một, từ trước muôn thưở và muôn đời vẫn thế, Ngài là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần hiệp nhất trong một Thiên Chúa duy nhất.

Vậy làm sao ta có thể giải thích được khi trong lịch sử ta thấy có sự khác biệt trong cách hành xử của Thiên Chúa đối với dân Người. Chúng ta phải nghĩ sao về những lệnh truyền tru diệt, quét sạch nhiều thành phố, tận diệt cả nam lẫn nữ, kể cả những trẻ em nữa. Rồi những cơn giận của Thiên Chúa, những hành động ghen tương của vị Thiên Chúa cao cả…. Câu trả lời đó chính là không phải Thiên Chúa thay đổi trong cách hành xử của Người mà là con người đã thay đổi trong sự hiểu biết về Thiên Chúa. Sở dĩ trong Cựu Ước người ta viết như thế là vì sự hiểu biết của con người về Thiên Chúa lúc ấy chỉ có thế, người ta chưa thể biết nhiều hơn. Nhưng qua Đức Giêsu, con người hiểu biết rõ hơn về Thiên Chúa, muốn biết Chúa Cha hãy nhìn vào Đức Giêsu. Thiên Chúa là muôn thưở, bất biến, thường tồn nhưng cách nhận biết của con người cần phải có thời gian, cần phải theo một tiến trình.

Như vậy, Chúa Cha là nguồn mạch mọi sự, là khởi đầu cho tất cả mọi công trình. Chính Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ hãy chạy đến với Chúa Cha bởi Người là phát sinh mọi điều thiện hảo, cả trong kế hoạch mặc khải tình thương cũng do chính Người khởi sướng. Qua Đức Giêsu, con người đến được với Chúa Cha, thấy được hình ảnh một Thiên Chúa tình thương, gần gũi với những con người bé mọn. Nhưng làm sao biết được điều ấy nếu không được học hỏi, được chia sẻ về Chúa cũng như là giáo lý của Người. Vì thế, học giáo lý là hết sức quan trọng trong việc nhận biết Thiên Chúa và sống trong tình thương của Người. Qua Đức Giêsu ta thấy Thiên Chúa thật gần gũi yêu thương mà ta không còn sợ hãi, sợ gặp gỡ Thiên Chúa, sợ bị trừng phạt… mà ta thấy mình cần phải sống như thế nào để có thể đáp lại tình thương của một Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự, là khởi nguồn của tình yêu thương.

Nếu định nghĩa “Cầu nguyện là sự gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa và tâm hồn ta trong bầu khí yêu thương, thông cảm của tình cha con” thì không thể có tâm tình yêu thương ấy nếu ta chưa biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Nhờ học giáo lý ta có được tâm tình ấy, và hiểu biết giáo lý cho ta sống một cuộc sống đạo đích thực bình an hạnh phúc trong Thiên Chúa là Đấng tác thành và thánh hoá mọi sự.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 49: SÁCH GIÓP

Nội dung sách nầy kể về một ngườøi tên là Gióp. Ông là người đạo đức tin tưởng vào Chúa và xa lánh điều ác. Ông rất giàu có: nhiều lạc đà, chiên cừu. Ông có mười người con: bảy trai, ba gái.

Nhưng Chúa cho phép Satan thử thách ông qua việc tài sản và con cái đều bị cướp và bị giết chết, còn bản thân ông cũng bị cùi lỡ. Tuy nhiên, ông vẫn một mực trung thành, không oán giận Thiên Chúa.

Bài học quý báu của Gióp để lại cho chúng ta:

- Mặc dầu gặp phải tai ương đau khổ, ta cũng không mất lòng tin tưởng, phó thác vào tình thương vô biên của Thiên Chúa. Sẵn sàng chấp nhận mọi sự xảy đến.

- Người công chính gặp đau khổ nhưng ông không hiểu được vì chưa được mạc khải về sự sống lại đời sau.

Lời Chúa: “Khi sinh ra đời, tôi trần truồng, tôi sẽ trần truồng mà chết. Chúa cho Chúa lấy lại, tôi ca tụng Chúa”. (Gb 1, 21).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường than trách Chúa khi gặp phải gian nan thử thách. Xin gia tăng đức tin nơi chúng con để chúng con luôn tin tưởng phó thác vào Chúa Quan Phòng khi gặp những phong ba bão táp của cuộc đời. Amen.

SỐNG ĐẠO

TUẦN LỄ CẦU CHO KITÔ GIÁO HIỆP NHẤT

Trên cõi trần ô trọc nầy, chúng ta thấy tình trạng hỗn loạn lan tràn khắp chốn: người chống đối người, tập đoàn công kích lẫn nhau, quốc gia tranh chấp với quốc gia, ngay giới tôn giáo cũng đấm đá nhau. Đáng ngại, đáng buồn hơn nữa là chính Công giáo, tự xưng là đạo chung cho cả nhân loại, mà vẫn chia rẽ đố kỵ nhau.

Trong thảm cảnh nầy, Hội Thánh đau buồn khổ tâm, thảm xót. Vì hiệp nhất là căn bản, cốt yếu của Hội Thánh, do Chúa hoạch định và giao cho Hội Thánh sứ mạng thi hành. Nhưng thật thảm hại, khi chia rẽ xảy ra khá nhiều, Hội Thánh cũng không thể hiểu nỗi. Phải làm gì? Phải sống thế nào?

Hội Thánh nhận thấy mình thiếu khả năng, chỉ biết ngước nhìn lên Chúa cầu khẩn, đồng thời van nài, nhắn nhủ tín hữu nhậân biết hiệp nhất là ý định của Chúa. Thực hành hiệp nhất chính là sứ mạng Chúa giao phó. Mong muốn hiệp nhất, cố gắng đạt hiệp nhất chưa đủ, cần phải cầu nguyện. Cần trước tiên là cần nhờ Chúa. Tuy nhiên Hội Thánh cũng nhắc chúng ta tham dự công trình tạo nên hiệp nhất:

Giữ bình an trật tự nơi chính mình. Mình không nên loạn, thì mới có thể giúp người khác không hỗn loạn, không chia rẽ.

Tôn trọng lẫn nhau. Tranh chấp, lấn áp nhau, không hiệp nhất được.

Tránh những việc gây chia rẽ như phê bình, ganh tỵ, đố kỵ, khinh chê, vì những việc nầy nói được phát xuất từ tâm trạng chia rẽ.

Sống tình yêu, hành động theo tình yêu, giống như tình yêu của Chúa. Hiệu quả của tình yêu là kết hợp.

Tuần lễ Hiệp nhất chỉ có bảy ngày thôi sao? Hiệp nhất phải thường xuyên. Vì thế, Hội Thánh muốn chúng ta thường chú tâm cầu nguyện cho Hiệp nhất và cộng tác cho công trình Hiệp nhất, để chúng ta được kết hiệp với Chúa, kết hiệp vĩnh cửu.

MÙA CHAY

Trước Lễ Phục Sinh Hội Thánh đặt 40 ngày để đón nhờ, thụ hưởng ân huệ Chúa sống lại.

Ăn chay, đúng hơn là ăn ít, nhịn ăn, nhịn đói chút chút. Hiện nay Hội Thánh chỉ còn buộc có hai ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu tuần Thánh. Nhưng tại sao còn giữ mãi tiếng Mùa Chay?

Chúng ta có nhận biết ăn chay để làm gì? Có lợi ích gì không? Có thể nghĩ ăn chay là để hiệp thông với Chúa 40 ngày trong sa mạc hay ăn chay để hưởng được nhiều ơn…? Nghĩ như thế cũng được.

Nhưng lý do căn bản đòi mình phải ăn chay là để kiềm chế dục vọng. Dục vọng tự nó không phải là xấu. Trước nguyên tội, dục vọng là khuynh hướng tự nhiên, cần cho cuộc sống. Sau nguyên tội, nó trở thành ham vui, ham sướng, ham tự do phóng túng…do đó, cũng sinh ra ham tiền. Những ham muốn nầy đúng là dục vọng.

Có thể hiểu dục vọng là ham muốn quá đà, ham muốn hỗn loạn, bất chấp trật tự, luật lệ, rơi vào tình trạng đam mê…làm mình mất nhân phẩm, xã hội cũng mất an vui.

Nghĩ đến dục vọng thì chúng ta nhận định cần phải kiềm chế bớt dục vọng, khuynh hướng còn mãi trong con người. Cần phải thường xuyên kiềm chế – không ngừng!

Hội Thánh đặt 40 ngày, thời gian dài để chúng ta chuẩn bị đón nhận Chúa Phục Sinh, mà cũng muốn cho chúng ta nhờ: đời chúng ta phải là đời khổ chế, khổ luyện, đời vác thánh giá - như Chúa Giêsu - để diệt trừ tội lỗi, sống an vui, khoái lạc, vinh hiển cùng với Chúa Phục sinh.

THÁNH - LỄ

Thánh lễ là việc người Công giáo chúng ta cúng tế Thiên Chúa.

Xem ra có điều giống như các tôn giáo khác, nhưng sự thật có nhiều điểm khác biệt.

Dâng lễ vật là để tôn thờ. Người Công giáo thờ là nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, cao cả, không thần phật nào, đấng nào sánh được. (Có người thờ quỷ, dâng của lễ để khỏi bị hại…Cũng có người thờ linh vật, hình thú, kể như thần linh tỏ hiện nơi thú vật).

Thờ cũng hàm chứa tư tưởng hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa. Chỉ có Chúa mới có quyền tuyệt đối trên con người.

Đối với các đạo khác, tiếng thờ có nghĩa là các vị, các vật mình thờ có quyền năng, tài lực, có tác động lợi ích hay tác hại, trổi vượt hơn mình, hơn thường dân, nên phải kính trọng hơn.

Về vật lễ dùng để cúng tế (dâng lễ) càng có những khác biệt. Vật cúng tế thường là vật quý trọng trong vũ trụ như hoa quả, vàng hay trân châu – kể là đáng giá – để dâng tiến, để tỏ lòng kính trọng bề trên.

Có trường hợp cúng tam sinh (xưa nói trại ra cúng tam sên) là ba vật sống: trâu-bò-dê hay cua-tôm-cá. Cũng có thể vì linh thần đòi buộc bắt thanh thiếu nhi làm vật lễ, nên họ sát tế những người nầy để chuộc mạng, để khỏi mắc tai ương, hoạn nạn, đe dọa.

Công giáo đặt hoa nến trên bàn thờ không phải là lễ vật cúng tế mà để tỏ lòng thần phục: sẳn sàng sống chết vì Chúa (hoa khô héo, đèn tàn lụn trước mặt Chúa). Vật lễ, hy lễ đích thực là Mình và Máu Chúa, nói được là cả nhân tính, vì thế quả quyết được Ngôi Lời Nhập Thể tự lãnh nhận làm vật lễ, hy tế.

Đây là một mầu nhiệm trong đạo, mầu nhiệm cao cả:

Thiên Chúa tuyệt đối!
Của cúng tuyệt đối!
Việc tôn thờ tuyệt đối!
Đúng là Thánh Lễ tuyệt đối!
Không có việc nào quý báu, cao trọng hơn.

Chúng ta hãy hết trí, hết lòng, sấp mình tôn thờ, yêu mến Chúa trong Thánh Lễ.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

SỰ BÓ BUỘC CỦA LUẬT

Trong phần vừa qua, chúng ta tìm hiểu một cách khái quát về Bộ Giáo Luật hiện hành 1983. Phần nầy, chúng ta tìm hiểu xem luật chi phối những ai? Hay nói cách khác, những ai buộc phải giữ Giáo luật? Điều nầy chỉ giới hạn vào những luật thuần tuý của Giáo hội (leges mere ecclesiasticae), nghĩa là luật do thẩm quyền trong Giáo hội đặt ra chứ không nói đến những luật thuộc về đức tin hay luân lý. Những luật đó bao gồm: luật phổ quát, luật riêng và luật địa phương.

  • Luật phổ quát

Một khi luật phổ quát của Giáo hội đã được ban hành và có hiệu lực, thì nó chi phối tất cả những ai hội đủ ba yếu tố mà điều 11 ấn định: a/ Người đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo, hoặc đã được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo; b/ Người biết sử dụng trí khôn; c/ Người đã trọn bảy tuổi.

a/. Yếu tố thứ nhất: người đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo, hoặc đã được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo (“tiếp nhận” để nói đến những anh em Chính Thống, Tin Lành hoặc Anh Giáo; còn cụm từ “trở lại đạo” dùng cho những anh em ngoài Kitô giáo). Do đó những người chưa được rửa tội (người ngoại và kể cả tân tòng), thì không buộc phải giữ luật Giáo hội. Cũng vậy, những người đã được rửa tội nhưng ở ngoài Giáo hội Công giáo (anh em Chính Thống, Tin Lành và Anh Giáo) cũng không buộc giữ luật của Giáo hội. Đây là điều mới mẻ của Công đồng Vat. II, về vấn đề đại kết và về tính pháp lý của các cộng đoàn.

b/. Yếu tố thứ hai: người phải biết sử dụng trí khôn vừa đủ. Việc giữ luật là một hành vi nhân linh; do đó, những người thường xuyên không có khả năng sử dụng trí khôn (đần độn, trí óc kém phát triển hay điên khùng; không áp dụng cho những người say rượu hay sử dụng ma tuý), thì được xem như không có trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình và bị đồng hoá với nhi đồng (x. đ.99). Trường hợp những người ‘mát’, nghĩa là lúc sáng suốt và lúc không sáng suốt, thì họ cũng được miễn khỏi giữ luật của Giáo hội (x. đ.1322, 1323).

c/. Yếu tố thứ ba: người đã đủ bảy tuổi trọn, tính từ ngày sinh. Do đó, nếu có em nào là thần đồng, trí khôn phát triển như một người trưởng thành, nhưng chưa đủ bảy tuổi thì cũng không buộc phải giữ Giáo luật. Ngược lại, nếu ai đã hơn bảy tuổi nhưng mắc bệnh tâm thần (không thể làm chủ bản thân), bệnh Down (thiếu sử dụng trí khôn vừa đủ), thì cũng không thể thực hiện một hành vi nhân linh nên cũng không buộc phải giữ luật Giáo hội.

Ba yếu tố trên đây cần phải hội đủ cùng một lúc nơi một người thì mới buộc giữ luật của Giáo hội. Tuy nhiên, đây chỉ là một nguyên tắc tổng quát để buộc thi hành những bổn phận phải làm; còn về quyền lợi thì luật có nhiều khoản trừ, chẳng hạn: người dự tòng được hưởng vài quyền lợi như việc an táng (x. đ.1183§1) hay là á bí tích cho cả người tân tòng và người không Công giáo nữa (x. đ.1170); các nhi đồng chưa đến bảy tuổi cũng có thể được rước lễ lần đầu (x. đ.912-913), hưởng ân xá (x. đ.996)…

Ngày 15/12/2009 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố Tự Sắc “Omnium in mentem” để sửa đổi năm khoản Giáo luật. Trong đó có ba khoản luật liên quan đến cụm từ “và chưa công khai bỏ Giáo hội” ở các khoản số 1086§1, 1117 và 1124. Bởi một số nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, v.v. có những người làm đơn ra khỏi Giáo Hội để tránh những trách nhiệm dân sự (đóng thuế). Theo luật hiện hành, thì những người ấy không buộc phải giữ Giáo luật về ngăn trở tiêu hôn do khác đạo và hình thức cử hành hôn phối theo Giáo luật. Từ nay, việc làm đơn rời bỏ Giáo Hội như thế không có hiệu lực về Giáo luật đối với hôn phối nữa (semel catholicus semper catholicus). Và như thế có nghĩa là tất cả những ai hội đủ ba yếu tố nói trên (x. đ. 11) thì phải giữ luật của Giáo hội ở mọi nơi (x. đ.12§1).

  • Luật riêng biệt

Trên đây là ba yếu tố để giữ luật Giáo hội nói chung, nhưng không phải lúc nào nhà lập pháp cũng có ý ra luật áp dụng cho hết mọi người và mọi nơi. Có những luật phổ quát nhưng chỉ ra cho một nhóm người (giáo sĩ và tu sĩ); có những luật chỉ ra cho một địa phương nhất định. Do đó, một nguyên tắc chung: nếu là luật phổ quát riêng thì chỉ buộc những người mà luật đó nhắm tới dù họ ở bất cứ nơi nào, chẳng hạn luật buộc giáo sĩ và tu sĩ phải giữ luật độc thân.

Nếu trong một lãnh thổ nào đó mà luật phổ quát không có hiệu lực do một tập quán đã có 100 năm (x. đ.5§1), hoặc do Đức Giáo Hoàng sửa đổi cho lãnh thổ đó, hoặc do vị thẩm quyền địa phương được năng quyền bãi bỏ hay sửa đổi, thì mọi người đang hiện diện trong lãnh thổ đó được miễn trừ khỏi giữ những luật đó (x. đ.12§1). Ví dụ tại Việt Nam, giáo dân được chuẩn khỏi ăn chay và kiêng thịt vào ngày thứ tư lễ tro vì trùng vào ba ngày Tết nguyên đán; một người nước ngoài đang đi du lịch tại Việt Nam cũng được hưởng sự miễn chuẩn nầy.

  • Luật địa phương

Luật địa phương được xem là đối địa (x. đ.13§1), nên chỉ chi phối những người mà luật đó nhắm đến, nếu họ có cư sở hoặc bán cư sở và hiện đang cư trú tại đó (x. đ.12§3).

Vì vậy để giữ luật địa phương, thì ngoài việc hội đủ ba yếu tố dành cho luật phổ quát của Giáo hội, còn cần phải thêm hai yếu tố khác của điều 12 và 13 nữa, nghĩa là: phải có cư sở hoặc bán cư sở; và hiện đang cư trú tại đó. Hai yếu tố nầy cần phải hội đủ cùng lúc; nếu chỉ thiếu một trong hai yếu tố thì không còn bị luật địa phương ràng buộc nữa. Từ đây phát sinh hai hệ luỵ:

a/. Nếu ai đang có mặt tại một nơi mà mình không có cư sở hoặc bán cư sở thì không buộc giữ luật tại nơi mình đến, chẳng hạn như trường hợp của những khách du lịch, tạm trú…Tuy nhiên, điều 13§2,2 quy định những trường hợp: (1) luật về bảo vệ trật tự công cộng (khi cử hành phụng vụ công cộng; hành sử công quyền: Giám mục, thẩm phán, chủ chăn); (2) luật xác định các thể thức của các văn kiện pháp lý, hành vi hành chánh (thủ tục tố tụng); (3) luật liên quan đến các bất động sản nằm trong lãnh thổ (khế ước, di chúc) thì phải giữ luật địa phương.

b/. Nếu ai hiện ở ngoài lãnh thổ mà mình có cư sở hoặc bán cư sở thì không còn buộc phải giữ luật của địa phương mình nữa, vì mình không có mặt ở đó; cũng giống như mục “a” không cần phải giữ luật nơi đang hiện diệân, vì mình không có cư sở nên không thuộc quyền (một người từ Vĩnh long ra Đà lạt nghỉ mát: anh ta không buộc phải giữ luật của Đà lạt bởi vì anh ta không có cư sở hay bán cư sở tại đây. Mặc khác, anh ta cũng không buộc phải giữ luật của Vĩnh long nữa vì lẽ hiện nay anh đã ra khỏi lãnh thổ đó rồi). Tuy nhiên, điều 13§2,1 lưu ý rằng việc không giữ luật địa phương phải tránh những gì làm nguy hại đến lãnh thổ của mình, cũng như những luật là tòng nhân.

Sau cùng, những người vô gia cư (vagus) là người không có cư sở hoặc bán cư sở nơi nào cả, thì phải giữ những luật phổ quát và luật địa phương tại nơi mà họ đang ghé qua (x. đ.13§3).

TRANG LINH MỤC

Giáo lý nhằm mục đích tối hậu là giáo dục con người trong đời sống đức tin có liên hệ đến mọi mặt trong cuộc sống. “Dạy giáo lý là giáo dục đức tin cho trẻ nhỏ, thanh niên và người lớn, gồm đặc biệt là dạy giáo lý kytô giáo một cách tổ chức và hệ thống, nhằm khai tâm họ vào cuộc sống kitô hữu sung mãn” (DGL 18; GLHT 5).

Việc giáo dục đức tin cho con người bao gồm nhiều góc độ như: nhận thức, luân lý đạo đức, tôn giáo…

1. Truyền thông lẽ đạo (nhận thức):

Học, hiểu, nhớ giáo lý là điều rất cần thiết cho việc sống đạo. Việc sống đạo của mỗi người phụ thuộc vào khả năng và trình độ nhận thức của họ. Nhận thức là nền tảng của đời sống.

2. Đổi mới bản thân (Luân lý đạo đức)

Bước đầu nhận thức phải đem đến bước kế tiếp là đổi mới trong cách sống. Giáo lý phải đưa đến cách sống mới phù hợp với đạo lý, phải đưa người tín hữu dến một nếp sống có tính người hơn.

3. Đi vào con đường hiệp thông (tôn giáo)

Nhận thức lẽ đạo và đổi mới bản thân cho phù hợp với đạo lý phải đưa con người đi vào con đường hiệp thông với Thiên Chúa - con người - vũ trụ làm nên hạnh phúc vững bền cho họ. Càng đi sâu vào con đường hiệp thông hài hòa đó, con người càng cảm nhận hạnh phúc vững chắc hơn.

4-.Mục đích của việc dạy Giáo lý

"Giáo lý hoàn tất được một trong những mục tiêu căn bản khi trở nên trường dạy cầu nguyện, nhờ đó giúp cho mỗi người nuôi dưỡng cuộc đối thoại trong tình mến với Chúa là Đấng Tạo thành và la Cha, với Chúa Kitô là Thầy và là Đấng Cứu chuộc, với CTT là Đấng ban sự Sống.

"Nhờ cuộc đối thoại này mà những gì người ta nghe và học, không phải chỉ hiểu bằng trí khôn, nhưng cảm nhận bằng trái tim, và diễn tả qua hành động.

"Vì giáo lý không chỉ là công bố những chân lý đức tin, nhưng nhắm đến hành động đáp trả, nhờ đó mỗi người sẽ đóng một vai trò riêng trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, và sẵn sàng chịu đau khổ vì sứ mạng của Giáo hội.

"Đừng để cho bất cứ ai, vì lỗi của chúng ta, mà không biết những điều họ phải biết, để đời sống của họ có một hướng đi đúng" (ĐTC GP II, Giáo lý là cuộc đối thoại về Ơn gọi). 

ĐTC Gioan Phaolô II cũng đã ân cần dặn dò như sau: Rao giảng hay dạy giáo lý là giáo dục đức tin, là làm sao cho con người không những tiếp xúc, nhưng còn hiệp thông mật thiết với Chúa Ghiêsu Kitô, vì chỉ một mình người có thể đưa ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Thánh Thần và làm cho ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi chí Thánh (x.Catechesi tradendae, 5).

TRANG TU SĨ

TÌNH YÊU CÓ SỨC BIẾN ĐỔI

Hôm nay, đầu tuần, biết tâm lý các em dễ ngán ngẫm vì cuối tuần qua được nghỉ học ở nhà. Nên tôi cố tình đến lớp sớm hơn mọi thường. Thoáng nhìn trước cửa lớp thấy các em có mặt đã khá đầy đủ, tự nhiên tôi thấy lòng rộn lên một niềm vui. Tiến gần lại với khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười, tôi nhận thấy các em cũng đang quay về hướng mình chào hỏi cung kính vui vẻ. Tôi bắt đầu khơi chuyện:

  • Cuối tuần qua, các em có đi đâu chơi không? Thăm được những ai?
  • Các em đi lễ Chúa nhật đầy đủ?

Cả mấy chục đứa vây quanh giành trả lời. Tiếng cười nói rộn rã làm cho các em lớp khác gần đó cũng muốn được tham gia. Chợt nhìn đồng hồ đã điểm đúng 8 giờ, các em trở về chổ của mình để bắt đầu cho giờ học. Dường như cái không khí ồn ào náo nhiệt lúc nãy vẫn còn nên cả lớp cứ nhao nhao. Tôi nghiêm giọng nói:

  • Các em trật tự để chúng ta đọc kinh xin Chúa thánh hóa giờ học này

Vẫn còn một vài tiếng xì xào ở cuối lớp. Tôi đứng lặng yên một lúc, dường như các em cũng cảm nhận phần nào tầm quan trọng của việc “thánh hóa giờ học” nên cả lớp im phăng phắt. Sau đó, Tôi bắt đầu làm dấu Thánh Giá, bắt hát kinh Chúa Thánh Thần và cho các em ngồi xuống. Không khí lớp học lúc này lắng dịu hơn.

Hôm nay lớp vắng hai em, một em với lý do bệnh, còn em kia vì phải đi học thêm nên đã hai tuần rồi không đến lớp. “vẫn là do học thêm, vẫn tại vì cha mẹ không quan tâm nhắc nhở…”, trong lòng tôi thầm trách những bậc làm cha mẹ sao lại quá vô tâm, chỉ biết trao dồi cho con mình những kiến thức bên ngoài, còn tinh thần, lòng đạo đức, bổn phận học biết về Chúa, về cuộc sống đời đời thì lại coi thường. Là một người Công Giáo, học giỏi, được thành đạt trong xã hội nhưng lại không biết giỏi Thiên Chúa, về giáo lý và những nguyên tắc đạo đức của Giáo Hội thì sẽ dễ đi đến chỗ ích kỷ, không biết đến người khác mà chỉ nhìn thấy nhu cầu của bản thân… rồi các em sẽ sống được với ai? ai có thể trọng dụng các em lâu dài được? Lại càng không đảm bảo được những em đó sau này sẽ hiếu thảo với ông bà cha mẹ anh chị em của mình.

Lớp học đã bắt đầu được hơn 15 phút nhưng sao các em vẫn không tập trung được, thì ra là có một nhóm 3,4 em ăn mặt rất model, quần áo vừa bó vừa ngắn ngủn (mặc dù tôi đã rất nhiều lần nhắc nhở các em về cách ăn mặc làm sao cho phù hợp với mọi hoàn cảnh, nhất là khi tham dự Thánh Lễ và giờ học giáo lý phải mặc đồ kín đáo và lịch sự, vì cách ăn mặc cũng nói lên phần nào tính cách của một con người), các em đang chụm đầu vào một cái gì đó có vẻ hấp dẫn lắm, tiến thẳng lại gần thì ra là một cuốn sổ nhỏ có ghi chép gì đó ở trong, thoạt nhìn thấy tôi đến bên, một em trong nhóm đã nhanh tay lấy cuốn sổ đó giấu đi. Thấy sự việc không bình thường nên tôi ôn tồn hỏi:

  • Có chuyện gì mà mấy đứa bàn tán giờ này vậy?

Không một em nào trả lời, nên tôi hỏi tiếp:

  • Cho cô xin cuốn sổ lúc nãy được không?

Vẫn là điệp khúc im lặng, nhưng lần này một em trong nhóm đã lặng lẽ rút cuốn sổ từ trong hộc bàn đưa cho tôi trong thái độ rụt rè. Mở sổ ra, thấy phía trên đầu trang có ghi “Tuyết Lam”, tôi đưa cuốn sổ lên hỏi:

  • Cuốn sổ này của Tuyết Lam phải không?
  • Của em, nhưng không liên quan tới em.

Câu trả lời vừa cụt ngủn vừa cộc cằn, thiếu tôn trọng người lớn. Nén cơn buồn giận trong lòng, tôi vẫn giữ nguyên thái độ ôn tồn nói:

  • Tuyết Lam, là con gái, em phải nói năng nhẹ nhàng hơn, không nên cộc cằn thô lỗ không hay đâu.
  • Em đã nói là em không có liên quan, sao cô không tin, cô còn muốn em nói gì nữa?

Không nén lòng được trước thái độ khiếm nhã của học trò, tôi nghiêm giọng:

  • Nếu em vẫn tiếp tục nói giọng điệu này thì cô không thể chấp nhận em ở lại trong lớp này.

Tôi vừa dứt lời thì em giận dữ bỏ đi ra, vừa đi vừa dậm mạnh chân, miệng lầm bầm gì đó nghe không rõ. Em bỏ ra đi để lại phía sau những ánh mắt ngơ ngác nhìn theo. Em đã đi rồi mà sao lòng tôi vẫn cảm thấy một nỗi đau xót với câu hỏi tự đặt ra mà chưa có câu trả lời “là do lỗi của ai? Do tôi thiếu kiên nhẫn hay vì em quá ngang bướng?” (còn ti?p)

Một nữ tu

GIÁO LÝ TÂN TÒNG – MỘT SỨ VỤ

Khi được sai đến họ đạo ở một vùng nông thôn vừa bé nhỏ vừa nghèo nàn này, con đã được Cha Sở (ở họ đạo chính) cho biết: công việc của con sẽ là chăm sóc nhà thờ và các công việc phục vụ bàn thờ…, hiện diện với giáo dân, thăm viếng người bệnh. Mặc dù họ đạo chỉ có vài trăm giáo dân thôi nhưng đủ mọi thành phần. Con lại phụ trách dạy các lớp giáo lý... Con “ớn” nhất là lớp giáo lý tân tòng.

Đây là một họ đạo thuộc Giáo phận Vĩnh Long mà con được nghe nói lại là mới được thành lập. Với số giáo dân rất ít ỏi, và người dân đa số thuộc dân tộc Khơ-me, đời sống của họ rất đơn sơ mộc mạc, thật thà, thậm chí có người chưa biết một chữ “i tờ”, cho nên việc học giáo lý đối với họ là một điều mới lạ và rất là “khó nuốt”. Nhưng con thiết nghĩ sự đơn sơ, tính cần cù có thể là một lợi thế đối với việc truyền đạt cho họ kiến thức ban đầu về Thiên Chúa và tình yêu của Người. Tuy nhiên cũng không ít trở ngại cho vấn đề đức tin, vì người dân chất phát quê mùa thì chỉ hiểu và tin được những gì mà họ trông thấy, những gì đơn giản nhưng thực tế, những điều gần gũi với cuộc sống… Còn nghe nói về Chúa là một điều rất cao vời, vượt quá khả năng hiểu biết của họ.

Ban đầu, con áp dụng những phương pháp giáo lý căn bản như: kể chuyện, đặt câu hỏi và dùng hình ảnh để cắt nghĩa cho họ. Là những người đã trưởng thành, họ chăm chỉ và hứng thú lắng nghe. Con mừng và cám ơn Chúa lắm vì xem như con đã thành công bước đầu khi số anh chị em đều thuộc nằm lòng những câu giáo lý đã học. Nhưng sau một thời gian, con nhận thấy sự “dậm chân tại chỗ” của họ, vì những gì họ đã học chỉ ở mức độ “thuộc lòng” nhưng lại không hiểu mấy.

Con suy nghĩ… rồi thử đưa ra một phương pháp khác kèm theo các phương pháp đã áp dụng trước. Đó là cầu nguyện và thực hành những điều đã giải thích. Mỗi khi cắt nghĩa cho họ một bài giáo lý nào, con yêu cầu họ nói lại những gì họ đã cảm nhận được, rồi con cùng với họ dâng một lời cầu nguyện ngắn phù hợp cho bài giáo lý đó.

Khi kết thúc giờ giáo lý, con đề nghị họ về nhà áp dụng thực hành một, hai việc làm tốt đối với gia đình hoặc những người lân cận, đồng thời con cũng giải thích cho họ hiểu đây là điều Chúa muốn họ sống đạo theo lời Chúa dạy. Với sự quyết tâm và lòng kiên trì, dần dần giờ giáo lý đã có phần đạt hiệu quả hơn. Hơn nữa, trong mỗi đầu giờ giáo lý, con kêu gọi họ cùng chia sẻ cho nhau nghe những việc tốt mà họ đã thực hiện, cũng như những khó khăn gặp phải trong khi thực hành...

Những giờ dạy giáo lý cho các tân tòng là những kinh nghiệm rất quý báu cho bản thân con về sứ mạng của một nữ tu khi nói về Chúa cho những người chưa biết Chúa. Bản thân con luôn tự nhủ lòng: mình phải cố gắng sống những gì mình chia sẻ. Nhờ vậy, con ý thức hơn sứ vụ của mình trong việc dạy giáo lý cho người ngoài Công Giáo. Trước giờ dạy giáo lý, con cầu nguyện, đang khi dạy con cũng cầu nguyện, xin Chúa ở trong con, nói thay cho con. Con cân nhắc từng ý từng lời, bởi vì con nghĩ rằng mình không phải chỉ truyền đạt cho họ những kiến thức về một Thiên Chúa vô hình, cứng nhắc và thụ động; nhưng phải làm sao gieo vào lòng họ hạt giống đức tin, giúp họ cảm nhận được Thiên Chúa đầy tình thương và nhận ra những dấu chỉ tình thương Chúa đã và đang thể hiện hàng ngày nơi cuộc sống của con người. Và nhắc nhở họ cũng phải thể hiện tình thương của Chúa cho những người xung quanh.

Đây là điều mà chính con phải thực hiện mỗi ngày trong ơn gọi và đời sống cộng đoàn của con.

Một nữ tu

TRANG SỐNG ƠN GỌI

TÔI TRỒNG - ANH TƯỚI

Mọi ơn gọi đều xuất phát từ Tình Yêu Thiên Chúa. Không phải gọi một lần mà Thiên Chúa cất tiếng mời gọi chúng ta luôn. Ngài gọi mọi nơi mọi lúc. Ngài gọi qua từng biến cố mà chúng ta trải qua. Ngài gọi qua từng người mà chúng ta gặp gỡ. Ngài gọi chúng ta khi vui cũng như lúc buồn. Ngài gọi lúc chúng ta hớn hở với thành công cũng như khi ê chề vì thất bại. Ơn gọi của chúng ta nằm trong kế hoạch yêu thương từ ngàn đời của Thiên Chúa vì “Thiên Chúa Là Tình Yêu”.

Nhìn lại ơn gọi của mình, tôi nhận ra tình yêu thiên Chúa dành cho tôi và chuẩn bị cho tôi từ lâu. Nơi gia đình với những câu chuyện kể Kinh thánh của ông bà giúp tôi biết Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà ông bà tôi cảm nghiệp được. Trong từng lời kinh tôi học được từ gia đình đó cũng là cách mà Thiên Chúa muốn gọi tôi. Và khi thấy tôi có “chút nhận thức” Thiên Chúa mời gọi tôi mạnh mẽ hơn qua các giờ giáo lý, qua từng lời dạy của quý Thầy, quý Dì và đặc biệt là qua Cha sở. Có thể nói đó là những người đầu tiên trồng hạt giống ơn gọi trong tôi. Biết rằng ơn gọi là sự đáp trả của chính tôi nhưng nếu không có những con người “gieo trồng” thì làm sao tôi có thể lớn lên.

Nói một cách khác, qua những người trong gia đình, nơi Giáo xứ Chúa âm thầm nói với tôi về tình thương của Ngài. Ngài không nói chỉ một lần cũng không hét thật mạnh mà Ngài nhẹ nhàng từng bước một mời tôi bước vào trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Nếu tôi không lắng nghe làm sao tôi đáp trả? Làm sao tôi nghe được nếu những con người trên không nói cho tôi. Họ chấp nhận gieo trồng một cách âm thầm. Họ chấp nhận chăm bón vun tưới từng chút một. Và họ tin rằng Thiên Chúa sẽ cho mọc lên, “Phaolô trồng, Apôlô tưới những Thiên Chúa mới cho mọc lên”. Đó cũng là cách mà Thiên Chúa dùng để mạc khải kế hoạch yêu thương của Ngài cho con người.

Có thể nói được rằng: trong chương trình Quan Phòng của Thiên Chúa, Ngài muốn tỏ mình ra cách trọn vẹn cho chúng ta để chúng ta có thể đạt được sự hiệp thông với Ngài. Ngài tỏ mình ra trong thời gian và nơi con người. Ngài mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống và hiệp thông với Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hiệp thông với Ngài trong từng bậc sống.

Ơn gọi tu trì xuất phát từ chính tình thương của Thiên Chúa. Ngài mời gọi con người trước tiên qua gia đình của họ. Qua cha mẹ, Thiên Chúa vun trồng ơn gọi bằng những câu chuyện kể rất đơn sơ, mộc mạc về tình yêu của Thiên Chúa mà họ cảm nhận được; qua những lời kinh gia đình; qua những nhắc nhở dạy bảo trong yêu thương. Và Ngài còn mời gọi con người qua cộng đoàn tình thương mà họ sinh sống là Giáo xứ. Nơi Giáo xứ, Thiên Chúa làm cho hạt giống ơn gọi lớn lên qua những giờ giáo lý; bằng sự quan tâm chăm sóc của Cha sở; bằng gương sống yêu thương và tận tụy sứ vụ Linh mục,…

Mỗi người có trách nhiệm vun trồng ơn gọi. Nói một cách chính xác hơn, mỗi người có trách nhiệm rao truyền tình thương ngàn đời của Thiên Chúa. Vun trồng ơn gọi là một trong những phương cách. Tình thương của Thiên Chúa có từ ngàn đời. Nhưng tình thương ấy sẽ không đến được với con người nếu con người không tích cực cộng tác. Thiên Chúa có thể biến cái không thành có nhưng Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi sự cộng tác của con người. Vun trồng hôm nay để tình thương Chúa được lớn lên và trổ sinh ngày mai. Đó là cách chúng ta làm cho kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa được lan rộng đến muôn ngàn đời.

TRANG THIẾU NHI

MÉO MÓ HÌNH ẢNH NGƯỜI CHA

Mỗi người kitô  hữu có sứ mạng hoạ lại cách trung thực về một Thiên Chúa đầy tình yêu. Tình yêu ấy đã được thánh Luca cụ thể hoá bằng hình ảnh Người Cha Nhân Hậu. Thiên Chúa không ngừng hành động trong yêu thương vì thế người tín hữu phải chọn cách diễn tả về Người sao cho xứng hợp.

Với những người không biết không tin, họ không thể nào diễn tả cách đúng đắn về Thiên Chúa. Những kẻ  chối bỏ hay chống đối Thiên Chúa thì lại càng tệ hại hơn. Chắc chắn họ sẽ dành những lời không hay để nói về Thiên Chuá, dùng những hình ảnh không tốt để diễn tả  chính Người. Những hạng người ấy sao trách cứ họ được. Nếu có lời nào để nói với họ cùng lắm ta chỉ nên lặp lại cách nói của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Điều đáng quan tâm là những người biết Chúa, tin Chúa phải diễn tả cách nào để giúp người khác nhận ra Thiên Chúa ta thờ là Đấng nhân hậu và từ bi. Ta trình bày Thiên Chúa bằng hình ảnh người cha rất gần hay là một quan toà đang chờ xét xử? Ta nói về giới răn của Chúa với ý hướng khuyến khích thi hành hay chỉ để ngăm đe? Ta nhắm đến những việc làm tốt để đời sống trổ sinh hoa trái trong Thánh Thần hay chỉ cố dùng hình ảnh hoả ngục đời đời để doạ hù đến ghê sợ? Thiết nghĩ người tông đồ hôm nay cần biết Chúa nhiều để diễn tả cho đúng đắn về một Thiên Chúa tình thương.

Thú thật, thuở nhỏ tôi nhiều lần đã hoảng sợ về những bài giáo lý nói về hình phạt đời đời nơi hoả ngucï. Chúng ta tin có hoả ngục. Hoả ngục là hình ảnh được dùng mang tính răn đe nhưng đã hình thành trong tôi về một Thiên Chúa quá khắc khe, khó tính. Tôi phải sống tốt để khỏi bị phạt, suy nghĩ ấy đã kéo dài suốt nhiều năm tháng trong thời thơ ấu của tôi. Tôi đến nhà thờ, tôi đọc kinh, tôi làm điều lành chỉ vì để thoát khỏi lò thiêu đốt. Một thái độ sống rút rè đã có nơi tôi để rồi nhiều khi tôi khiếp sợ cả Thiên Chúa. Trong khi đó, hỏa ngục là rào chắn cuối cùng để chúng ta khỏi xa lìa Thiên Chúa. Giữ đạo là sống an vui trong Chúa và với Chúa, chứ không phải vì sợ hoả ngục.

Kinh nghiệm tuổi nhỏ cho tôi hiểu rằng dạy giáo lý mang tính doạ hù dễ làm cho người khác hiểu sai về Thiên Chúa. Điều đó đã phản lại tinh thần Chúa Giêsu mong muốn: Các con hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo. Tin Mừng loan báo gây cho người ta sự sợ hãi hoá ra là“tin buồn” rồi còn gì. Tin Mừng phải đem đến niềm vui và bình an thật trong tâm hồn. Niềm vui thật chính là khi người ta nhận biết Chúa là Đấng yêu thương và đón nhận Chúa là lẽ sống cho đời.

Người loan báo Tin mừng là người hoạ lại hình ảnh Thiên Chúa cho người khác. Bằng cách sống và lời rao giảng, mỗi kitô hữu cần diễn tả Thiên Chúa là người người cha đầy tình thương chứ không như vị quan toà quá nghiêm khắc, một Thiên Chúa toàn năng nhưng không xa cách, một Thiên Chúa công bình nhưng rộng tình thứ tha.

Hãy đem Thiên Chúa trao tặng cho người khác vì đó là  món quà độc nhất và quý nhất.  Tặng quà cho ai là tặng niềm vui cho họ, còn tặng Thiên Chúa là tặng hạnh phúc đời đời.

TRANG GIỚI TRẺ

Trong một gia đình khi đứa con còn nhỏ nhờ ai mà nó biết đây là mẹ của nó, đó là cha của nó, kia là bà hay là ông của nó…? Chắc chắn người đầu tiên cho nó biết chính là cha mẹ của nó. Vì yêu thương nên cha mẹ mới chỉ cho nó biết. Nhờ đó, nó sẽ cư xử cho đúng phép tắc của một con người. Và nhờ đó mà nó biết nó cần phải tin vào ai và làm theo sự hướng dẫn của ai.

Cũng vậy, ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa Cha đã muốn chỉ cho con người biết Người là Đấng nào. Để rồi con người biết tin vào Người, biết sống theo sự hướng dẫn của Người hầu đạt được hạnh phúc thật. Đó là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha dành cho con người.

Hôm nay, mặc dù Thiên Chúa Cha không trực tiếp nhưng qua giáo huấn của Giáo hội Người chỉ cho con người biết Người là ai cũng như hướng dẫn con người tìm về quê thật.

Để tiếp nhận giáo huấn ấy con người cần phải học giáo lý. Bởi lẽ, mục đích đầu tiên của việc học giáo lý là để biết Chúa. Ông bà chúng ta nói rằng: “Vô tri bất mộ” nghĩa là không biết thì không thể tin được.

Là người trẻ, chúng ta cần phải biết học hỏi. Học, học nữa học mãi phải là một trong những châm ngôn sống của người trẻ chúng ta. Mà một trong những điều quan trọng của người trẻ Công giáo là cần phải biết học cho biết Chúa nhiều hơn. Nhờ vậy, chúng ta mới biết Đấng ta tôn thờ và tin tưởng vào Người nhiều hơn.

TRANG GIA ĐÌNH

Khi tạo dựng loài người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa là Cha muốn gây dựng một gia đình mà mọi người là con. Sinh ra làm người chúng ta biết được gì là do cha mẹ. Đạo Thiên Chúa là đạo mạc khải nên con người có thể tìm biết Chúa qua vũ trụ thiên nhiên và nhờ Thiên Chúa dạy bảo. “Thiên Chúa mạc khải trọn vẹn ý định của Người khi cử Người Con Chí Ái là Đức Kitô, Chúa chúng ta, và khi cử Thánh Thần đến với loài người ” (Glcg 50). Ngay từ cựu ước Thiên Chúa đã dùng cha mẹ dạy bảo con cháu : “Nghe đây, hỡi Israel ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng.Anh em phải lập lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà, cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-7). Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Thiên Chúa mạc khải từ từ, tuần tự qua Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, nên việc con người dạy bảo nhau là sứ vụ Chúa trao : “Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,20a).

Trong phạm vi bài này, chúng ta hãy tìm hiểu sứ vụ dạy giáo lý bắt nguồn từ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan, đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho cho mọi người biết mầu nhiệm Thánh ý Người. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời đã nhập Thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính Thiên Chúa” (Dv.2). Sứ vụ dạy giáo lý là gì? Tại sao sứ vụ ấy lại bắt nguồn từ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa?

  • Sứ vụ dạy giáo lý là gì ?

Trong Hội Thánh hôm nay, mỗi người lương dân muốn trở về với Chúa để sống trong Hội Thánh, họ phải học giáo lý; một em nhỏ muốn lãnh Bí Tích giải Tội và Rước Lễ đầu đời cũng phải học giáo lý; một bạn trẻ muốn lãnh Bí Tích Thêm Sức cũng phải học giáo lý; các bạn trẻ muốn xưng tội và Rước Lễ Bao Đồng cũng phải học giáo lý; các bạn trẻ muốn cử hành lễ Hôn Phối, sống đời Hôn Nhân gia đình cũng phải học giáo lý. Vậy giáo lý công giáo là gì ? là “ Kho tàng đức tin chứa đựng trong Thánh Truyền và Thánh Kinh, đã được các tông đồ giao phó cho toàn thể Hội Thánh. Nhờ gắn bó với kho tàng ấy mà toàn thể dân thánh hiệp nhất với các mục tử, vẫn một niềm trung tín, chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, sống hiệp thông huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh và các giờ cầu nguyện, đến nỗi trong cách giữ đạo, hành đạo và tuyên xưng đức tin được truyền lại, các mục tử và đoàn chiên đồng tâm nhất trí với nhau cách lạ lùng” (Glcg 84). Việc dạy giáo lý giúp cho mọi người chưa biết Chúa nhận biết Thiên Chúa là nguyên nhân và cùng đích của mọi sự, con người phát sinh từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa. Giúp cho mọi người gặp gỡ, đối thoại, sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa trong đức tin, đức cậy và đức mến. Giúp cho mọi người biết thánh ý Chúa, làm theo ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa và hoàn toàn hiệp thông với Chúa. Như vậy, việc dạy giáo lý và giúp mọi người nhận biết, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa, yêu thương và phục vụ mọi người trong tình huynh đệ. Sứ vụ dạy giáo lý là sứ vụ cần thiết phải thực hiện vì: “Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta…muốn cho mọi người được cứu và nhận biết chân lý ” (1 Tm 2,3-4). “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử ” (Dt 1,1-2). Chúa Kitô đã truyền cho các môn đệ trước khi về trời : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy anh em. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

  • Tại sao sứ vụ dạy giáo lý lại bắt nguồn từ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha ?

Thiên Chúa nhân hậu tràn đầy yêu thương đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa và muốn thông chia cho họ hạnh phúc muôn đời. Để thực hiện ý định tốt lành ấy, Thiên Chúa luôn luôn tìm đến con người, kêu gọi họ, giúp họ tìm biết Chúa và đem toàn tâm toàn lực tin cậy yêu mến Chúa. Thiên Chúa dùng lời Chúa quy tụ mọi người, thanh tẩy họ trong phép rửa sạch mọi tội lỗi, quy tụ họ thành một gia đình là Hội Thánh nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần họ trở nên nghĩa tử, được kêu lên Abba, Cha ơi !

Bằng chứng cụ thể trong trường hợp của Thánh Phaolô. Phaolô nói với người Do Thái ở Giêrusalem về ơn gọi và sự học đạo của mình : “Tôi là người Do Thái, sinh ở Tacxê miền Kilikia, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Gamatiel, tôi được giáo dục để giữ luật cha ông một cách nghiêm nhặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như các vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đamát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị.

Đang khi tôi đi đường và gần đến Đamát, thì vào khoảng trưa, bỗng có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi : “Saolê, Saolê, tại sao ngươi bắt bớ Ta ? Tôi đáp : Thưa Ngài, Ngài là ai ? Người nói với tôi :Ta là Giêsu Nazareth mà ngươi đang bắt bớ. Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói : Lạy Chúa, con phải làm gì ? Chúa bảo tôi : Hãy đứng dậy, đi vào Đamát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm. Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dẫn vào Đamát.

Ở đó có ông Khanania, một người sùng đạo, sống theo lề luật và được mọi người Do Thái ở Đamát chứng nhận là tốt. Ông đến, đứng bên tôi và nói : “Anh Saolê, anh thấy lại đi. Ngay lúc ấy, tôi thấy lại được và nhìn ông. Ông nói :Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. Quả vậy anh, sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. Vậy từ đây anh còn chần chờ gì nữa ? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi” (Cvtđ 22,3-16). “Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết : Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mạc khải” (Gal 1,11-12). “Thiên Chúa sẽ dành riêng cho tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gal 1,15-16).

“Việc Chúa Cha thông ban chính mình nhờ Ngôi Lời và trong Thánh Thần, vẫn hiện diện và tác động trong Hội Thánh : “Thiên Chúa Đấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền thê của con yêu dấu mình; và Thánh Thần, Đấng làm cho tiếng nói sống động của Tin Mừng vang dội trong Hội Thánh, và nhờ Hội Thánh vang dội trong thế giới, vẫn hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho Lời Chúa Kitô cũng được kêu gọi truyền đạt kho tàng ấy từ thế này sang thế hệ khác, bằng lời rao giảng Đức tin, bằng cách sống đức tin trong tình chia sẻ huynh đệ và diễn tả đức tin đó trong phụng vụ và kinh nguyện” (GLCG 3).

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

Thánh Kinh & Việc Dạy Giáo Lý

Thánh Kinh là Lời Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Thánh Kinh không chứa trọn vẹn Lời Chúa vì Lời viên mãn của Thiên Chúa chính là Đức Kitô, mà không một sách nào có thể chứa trọn. Lời này đến với chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Cả hai hợp lại thành một Kho Tàng Đức Tin, được các Thánh Tông Đồ truyền lại trong Hội Thánh. Còn Giáo Lý là cách Hội Thánh trình bày, giải thích, áp dụng và bảo toàn Kho Tàng Đức Tin này. Cho nên Thánh Kinh là nền tảng của Giáo Lý vì Thánh Kinh “trình bày Lời của Chính Thiên Chúa dưới một dạng không thay đổi” và làm cho “tiếng Chúa Thánh Thần vọng đi vọng lại trong những lời của các ngôn sứ và các Tông Đồ” (Dei Verbum, số 21).

Liên Hệ giữa Giáo Lý và Thánh Kinh

Giáo Lý không phải là Thánh Kinh. Giáo Lý giúp chúng ta hiểu biết và áp dụng Thánh Kinh trong Hội Thánh. Giáo Lý trình bày các giáo huấn của Hội Thánh một cách có hệ thống và đầy đủ để hướng dẫn đời sống chúng ta.

Việc dạy Giáo Lý, một hình thức của thừa tác vụ Lời Chúa, phải được nuôi dưỡng và thăng tiến trong sự thánh thiện nhờ Lời Chúa trong Thánh Kinh (x. Dei Verbum, số 12). Môn Giáo Lý phải lấy Thánh Kinh làm nguồn cảm hứng, học trình căn bản, và mục đích, bởi vì Thánh Kinh củng cố Đức Tin, nuôi linh hồn, và bồi dưỡng đời sống tâm linh: “Thánh Kinh cung cấp khởi điểm, nền tảng và quy luật cho việc dạy Giáo Lý” (Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh, số 19). Vì thế chúng ta thấy các sách Giáo Lý hiện đại dùng rất nhiều Lời Chúa để chứng minh và trình bày Giáo Lý.

Giáo Lý không trái ngược với Thánh Kinh và không có ưu thế trên Thánh Kinh, nhưng lệ thuộc vào Thánh Kinh và phục vụ Thánh Kinh. Nhờ học Giáo Lý chúng ta hiểu biết Thánh Kinh một cách tường tận và đúng hơn theo truyền thống của Hội Thánh. Giáo Lý là kho tàng khôn ngoan được tích trữ trong hơn 2000 năm lịch sử Hội Thánh. Cả Giáo Lý lẫn Thánh Kinh nuôi dưỡng thừa tác vụ dạy Giáo Lý (x. Chỉ Nam Chung về Giáo Lý, số 128).

Dùng Thánh Kinh trong việc Dạy Giáo Lý

Vì ý thức được rằng Thánh Kinh là nền tảng của Giáo Lý, cho nên các sách giáo khoa về Giáo Lý hiện đại chưng dẫn rất nhiều câu Thánh Kinh để chứng minh nguồn gốc của những giáo huấn Hội Thánh trong bài Giáo Lý. Các Giáo Lý viên có nhiệm vụ phải hiểu tường tận và sử dụng những câu Thánh Kinh này để giúp cho chính mình vả các học sinh có một sự hiểu biết vững chắc về những điều mình dạy dựa theo ánh sáng Lời Chúa. Không những Giáo Lý viên phải hiểu biết Lời Chúa mà phải thấm nhuần và sống Lời Chúa để họ trở nên linh hoạt và thu hút khi nói về Chúa. Muốn truyền thụ Lời Chúa cho linh hoạt, Giáo Lý viên cần có những phương pháp khác nhau để đem Thánh Kinh vào bài Giáo Lý, như các trò chơi về Thánh Kinh, vẽ tranh, tô màu Thánh Kinh, chiếu phim Thánh Kinh…. Ba phương pháp thông dụng nhất có thể dùng trong mọi lớp Giáo Lý là:

1) Kể chuyện Thánh Kinh

Chúng ta ai cũng thích nghe kể chuyện, đặc biệt là các trẻ em. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn để giảng dạy dân chúng. Trong các dụ ngôn này, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh quen thuộc với các thính giả của Người để giúp họ hiểu giáo huấn cao siêu của Nước Trời. Một Giáo Lý viên cũng phải biết kể chuyện cách hấp dẫn và hợp với lứa tuổi cùng trình độ kiến thức của học viên để giúp họ hiểu bài Giáo Lý mình dạy.

2) Hoạt Cảnh

Một trong những cách để làm cho Thánh Kinh trở nên sống động, nhất là với trẻ em, là diễn kịch. Các hoạt cảnh này có thể được sửa soạn kỹ càng hay ứng biến tại chỗ. Chúng có thể được diễn tả cách hiệu quả bởi các trẻ em trẻ khoảng sáu tuổi, cũng như người lớn. Hoạt cảnh là một phương pháp dạy học có thể được dùng thường xuyên, giúp cho nhiều người tham gia, và sử dụng nhiều giác quan trong tiến trình học hỏi. (Hoạt cảnh không bao giờ được thay thế việc công bố Tin Mừng và bài giảng trong Thánh Lễ). Không những trẻ em có thể đóng hoạt cảnh, mà đôi khi sự tham gia của phụ huynh làm cho các hoạt cảnh thêm sống động. Trong khi có thể đóng những vở kịch nhỏ bất cứ lúc nào, có một số thời điểm của năm Phụng Vụ rất thích hợp cho hoạt cảnh Thánh Kinh, như các mùa Vọng/Giáng Sinh và mùa Chay/Phục Sinh. Nhưng bạn cũng có thể dùng bài đọc Chúa Nhật hay bài Giáo Lý bạn sẽ dạy làm đề tài cho hoạt cảnh của bạn. Nên chọn những câu truyện dễ đóng kịch, như dụ ngôn người con hoang đàng, người Samaritanô nhân từ. . . .

Sau hoạt cảnh, khuyến khích tham dự viên tham gia việc suy niệm cá nhân và nhóm nhỏ. Cung cấp các câu hỏi dùng để hội thảo tại chỗ, và có thêm cả những câu hỏi để các em đem về thảo luận trong gia đình sau biến cố này (từ Tips for Using Scripture in Catechesis and Prayer của HĐGMHK).

3. Cầu Nguyện bằng Thánh Kinh

Cách tốt nhất để tập cho học sinh cầu nguyện bằng Thánh Kinh là dùng Thánh Kinh trong khi cầu nguyện mở đầu lớp học. Hầu hết các sách giáo khoa về Giáo Lý ngày nay mở đầu một bài học bằng một câu hay một đoạn Thánh Kinh thích hợp với bài học đó, cùng một lời nguyện ngắn và một hình ảnh đẹp giúp chúng ta suy niệm về câu Thánh Kinh này. Hãy cùng học sinh đọc to đoạn Thánh Kinh ấy. Rồi nói các em vừa lập đi lập lại câu Thánh Kinh, vừa nhìn ngắm bức hình và tự hỏi xem Chúa muốn nói gì với các em qua đoạn Thánh Kinh đó. Sau đó cho vài em chia sẻ cảm nghiệm của mình trước khi cầu nguyên chung.

Một hình thức cầu nguyện bằng Thánh Kinh khác là Lectio Divina. Có nhiều cách khác nhau trong tiến trình này, nhưng đây là một cách có thể dùng dễ dàng trong một lớp học. Tiến trình này được HĐGMHK đề nghị trong tài liệu Tips for Using Scripture in Catechesis and Prayer cho Chúa Nhật Giáo Lý 2008.

  • Bắt đầu bằng cách hỏi các tham dự viên để cho tâm trí và tinh thần lắng đọng.
  • Giải thích rằng bạn sẽ đọc lớn tiếng một đoạn Thánh Kinh vài lần, và mời các tham dự viên cùng theo dõi với bạn bằng cách nhìn vào Thánh Kinh của họ.
  • Đọc qua lần thứ nhất, họ phải lắng nghe để tìm được một lời hay một câu làm cho họ chú ý. Họ có thể viết xuống để suy nghĩ sau đó.
  • Trước khi lớn tiếng đọc đoạn Thánh Kinh lần thứ nhì, yêu cầu tham dự viên suy nghĩ xem đoạn Thánh Kinh này có ý nghĩa gì đối với đời sống của chính họ.
  • Trước khi đọc đoạn Thánh Kinh lần thứ ba, yêu cầu tham dự viên suy nghĩ về việc họ phải trả lời thế nào đối với Lời của Thiên Chúa.
  • Sau mỗi lần đọc để cho các tham dự viên suy nghĩ về đoạn Thánh Kinh và cầu nguyện bằng đoạn Thánh Kinh ấy. Họ có thể dùng sổ tay để viết các suy tư, cám tưởng, hình ảnh và tư tưởng mà bài đọc gợi ra trong tâm trí họ xuống.
  • Cuối cùng, sau một thời gian thích hợp, hỏi xem có tham dự viên nào muốn chia sẻ lớn tiếng tư tưởng và lời cầu nguyện của họ từ cảm nghiệm này không.

Tóm lại trong việc dạy Giáo Lý, hãy làm sao để cho Thánh Kinh thấm nhuần đời sống chúng ta và lan tràn đến các học sinh của chúng ta. Muốn được như thế, chúng ta phải đọc trước những câu Thánh Kinh có liên quan đến bài Giáo Lý mình sắp dạy ít ra là ba ngày, suy niệm về câu Thánh Kinh và Giáo Lý mà mình sẽ dạy. Hãy nhóm những lời ấy lên trong trí tưởng tượng của mình, và mời những lời ấy vào đời sống mình là nơi mà chúng có thể trở nên sống động và thích hợp với kinh nguyện hằng ngày. Có như thế khi đến lớp học, Chúa ở trong chúng ta sẽ dạy thay cho chúng ta và các học sinh sẽ được thấm nhuần Lời Chúa cùng hiểu được sự liên hệ giữa bài Giáo Lý với Thánh Kinh và với đời sống thường nhật của các em. (Tài Liệu Giáo Lý Ngày Chúa Nhật 2008 của HĐGMHK. Phêrô Phạm Xuân Khôi soạn).

TRANG QUỚI CHỨC

ĐÈN TRONG ĐÊM TỐI

“Có thể nói được rằng ảnh hưởng lớn nhất mà Giáo Hội tác động trên xã hội là sự thấm nhập của các quy luật đạo lý vào các tiến trình sinh hoạt xã hội. Khi rao giảng đức chính trực, tình yêu thương người bên cạnh, trung tín trong hôn nhân, tận tụy trong giáo dục, ngay thẳng trong các khế ước, phục vụ công ích trong chức phận và việc làm của mình, Giáo hội thành công trong việc cải hóa tác phong và cơ cấu xã hội, xây dựng một lục địa Âu châu có nền văn hóa Kitô giáo.” (x. Học thuyết xã hội Công giáo, quyến I, chương III)

Đức Kitô đến trần gian mang đến Tin Mừng cho cả thế giới. Tin Mừng chính là nền luân lý mà Ngài đã say sưa rao giảng không mệt mõi. Ngài đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên : “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẽ. Người dạy thì có uy quyền” (Mc 1, 27), người khác thì nói: “Xưa nay chưa từng có ai nói năng như người ấy” (Jn 7,46). Thật là mới mẽ vì luật cũ bảo : mắt đền mắt răng đền răng, còn Chúa Giêsu lại bảo: ai vả má bên này hãy đưa luôn má bên kia. Người không chịu dừng lại ở mức độ: kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân, mà Ngài lại muốn người ta tiến xa hơn: Điều gì anh em muốn người khác làm cho mình thì hãy làm điều đó cho họ.

Chính giáo thuyết đó đã làm thay đổi cả thế giới trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống của con người. Nó làm cho người ta sống văn minh hơn, phong phú hơn, quả đúng như lời của Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến cho họ được sống và sống dồi dào”(Jn 10,10). Một thế giới dù của cải có tràn ngập mà sống không có lý, có tình, thì con người làm sao có thể nếm được hạnh phúc; trái lại, người ta sẽ phải gặp nhiều đau thương, tang tóc hơn. Mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, nước mạnh đánh nước yếu…..những điều đó đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Cho đến khi nền luân lý Kitô giáo lan rộng, mọi sự trở nên tốt đẹp hơn, người ta đối xử với nhau có tình người hơn, biết tôn trọng nhau hơn, cụ thể hoàng đế Rôma, Constantinô, đã hủy án tử hình bằng thập giá vì đó là án quá dã man, cho nghỉ việc ngày lễ tôn giáo….đó là những điều mà cho đến ngày nay, ai cũng thấy đó là hợp tình hợp lý. Điều đó ông chỉ thực hiện khi ông trở thành Kitô hữu.

Giáo thuyết của Chúa Giêsu đem đến quả là tốt đẹp, nhưng nếu các tông đồ đã không liều thân rao giảng, các Kitô hữu đã không sống, hoàng đế Constantinô đã không áp dụng, thì cũng bằng không. Như thế chúng ta thấy điều quan trọng đòi buộc mỗi Kitô hữu là phải dấn thân để thực hành giáo huấn của Đức Kitô, điều mà người đã giao phó cho những ai thuộc về Người: anh em là ánh sáng, là muối cho đời.

Người ta gọi người Kitô hữu là người có đạo, nghĩa là người học biết giáo huấn của Chúa Giêsu. Giáo huấn đó chính là đèn, là chất mặn của muối nhưng nếu đèn đó không được thắp lên, hay thắp lên rồi để trong thùng, thì có ích gì. Người có giáo huấn tốt đẹp mà không thực hành giáo huấn đó thì cũng giống như cây không sinh trái, không mang lợi ích gì cho mình, cho đời.

Một ánh đèn loé lên, một mảng tối biến mất. Nhiều ngọn đèn được thắp lên, ánh sáng công bằng và bác ái sẽ lan tràn.

Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc. Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới. Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con. Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.

Rabbouni

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Ăn hoài cũng ngán…

“Ăn cái gì cũng chê, đã vậy thì cho ăn rau luộc chấm nước mắm cho biết”. Mẹ vùng vằng. Tưởng mẹ giận nên nói vậy, ai dè, đến bữa cơm, chỉ thấy trên bàn có mỗi dĩa rau luộc và chén nước mắm tỏi ớt. Đang đói bụng, nhìn những cọng rau xanh mướt với chén nước mắm đủ màu sắc đỏ, trắng, vàng nâu thơm lừng, mọi người cùng ăn. Đến khi ngẩng lên thì nồi cơm đã hết veo.

Mẹ trố mắt: “Cha con mày không để phần cơm cho mẹ à?”. Giọng mẹ không có chút gì là bực bội, trái lại, còn vui vẻ nữa là khác. “Ngon quá em à. Lâu lâu rửa ruột bằng rau luộc chấm nước mắm tỏi ớt, ngon hơn cả cao lương mỹ vị”- ba vừa nói vừa ưỡn bụng.

Tối đó, mẹ nói với con: “Nói cho mẹ nghe thử xem, con ăn rau luộc chấm nước mắm hồi sáng có ngon thật không? Hay là vì con thấy mẹ giận nên nói cho mẹ vui?”. “Ngon thật mẹ ạ. Lâu lắm rồi mới có một bữa mẹ không tất bật với bữa cơm gia đình như thế. Công việc ở công ty bận rộn nhưng vì không muốn để “mất nếp nhà” nên mẹ vẫn cố gắng nấu đủ ngày hai bữa cơm cho ba và chúng con. Nhưng nếu ngày nào cũng thịt bò xào, cánh gà chiên nước mắm, tôm kho tàu, cá chẽm chưng tương... thì làm sao mà nuốt nổi hả mẹ? Đã thế, ba đang bị tăng cholesterol, thằng út bị béo phì mà mẹ cứ “nhồi nhét” như vậy càng thêm khổ, thêm bệnh. Ba và tụi con không ăn được vì ngán quá chứ không phải vì mẹ nấu dở”.

Nghe con nói, mẹ thở hắt ra. Rồi mẹ gật gù: “Đúng rồi. Cao lương mỹ vị mà cho ăn hoài cũng ngán phải không con? Mẹ sẽ “tiếp thu”, từ nay không ép mấy cha con ăn theo ý muốn của mẹ nữa”.

Mẹ đúng là một người vợ, người mẹ tuyệt vời. Nhưng mà mẹ nhớ đừng có cho ba và chúng con ăn rau luộc chấm nước mắm liền tù tì một tuần lễ mẹ nhé...

Việt Trung (Báo Người Lao Động)

TẢN MẠN

BỆNH “LIỀU”

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có phước làm quan, có gan làm giàu”. Muốn làm giàu thì phải gan dạ. Hễ thấy điều gì có lợi thì phải làm ngay. Tuy nhiên, gan dạ ở đây cũng cần kinh qua sự tính toán, chứ không phải thấy điều gì cũng hút đầu vào làm đại, chỉ bị thua thiệt mà thôi.

Cần phải nhắc lại rằng: Gan dạ không bao giờ đồng nghĩa với liều mạng. Gan dạ là tốt nhưng liều mạng là xấu và rất nguy hiểm. Thế mà rất nhiều người lại có sự nhầm lẫn tai hại này. Liều lĩnh thể hiện sự bướng bỉnh, dại dột và ngu dốt. Thế nhưng, có rất nhiều người chứng tỏ “bản lĩnh” của mình, muốn khẳng định mình là con người có quyền, có tự do và có tiền bằng cách “liều”. Những người liều mạng thì chúng ta gặp ở khắp nơi, trong mọi hoàn cảnh của xã hội, ở mọi hạng người. Nhưng giờ đây, chúng ta thử nhìn vào một dạng bệnh liều trong đời tu:

Dạng bệnh liều thứ nhất: Liều mình trong những mối tình “vụng trộm, ngoài luồng”. Tình yêu thật tốt đẹp và đáng quý trọng, có gì mà phải phàn nàn. Thế nhưng, gọi là “vụng trộm, ngoài luồng” vì “tình yêu nam-nữ” đi ngoài đường lối chính đáng của bậc sống tu trì. Họ muốn “thử yêu” một lần xem sao, vì Chúa cũng dạy mình “yêu người” mà! Nhưng khổ thay “tình yêu” nào phải trò đùa! Đùa với tình yêu trong những mối tình vụng trộm khác nào giỡn mặt với “bom” nổ chậm! Vậy mà cũng có người “liều mạng” mới ghê chứ! Họ đã bị bệnh nặng thật rồi!

Số đại chủng sinh và tu sinh ở các Dòng (nam lẫn nữ) chuyển hướng nhiều nhất là do “liều mạng” đi hàng đôi, “bắt cá hai tay”. Họ muốn có được cả Chúa và “người ấy” nữa. Hậu quả là cuối cùng chẳng bắt dính được con cá nào. Tiếc thay! Vấn đề không dừng lại ở chỗ Chủng sinh và tu sinh thôi mà còn đi xa hơn nữa. Bởi lẽ, cám dỗ “liều mạng” trong vấn đề này đâu chừa ai đâu. Càng được tự do nhiều chừng nào thì càng dám “liều mạng” nhiều chừng đó. Đừng nghĩ rằng: đã khấn trọn rồi, đã có chức thánh rồi thì giống như vàng y vậy, sợ gì lửa! Nhưng thực tế thì không phải vậy! Con người dù sống trong cấp bậc nào cũng có những cám dỗ, có những yếu đuối. Hãy biết sức mình!

Trợ thủ đắc lực giúp những người thực hiện chuyện “liều mạng” trong vấn đề này chính là Điện thoại di động. Hình ảnh một “chiến sĩ của Chúa” ôm chiếc điện thoại rỉ rả nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày, mỗi tối, sao thấy khó coi quá! Chuyện sử dụng Điện thoại di động là con dao hai lưỡi đã rõ như ban ngày.

Ai trong chúng ta cũng đã hiểu biết rằng: Không một tội lỗi nào mà không do con người có những lần “liều mạng” làm quen với những dịp tội! Tôi không dám nói, chiếc điện thoại di động là dịp tội cho con người, nhưng khi sử dụng nó cách lạm dụng thì rất có thể nó là dịp tội đấy (tốn tiền, tốn giờ, tốn công suy nghĩ dẫn đến lo ra, chia trí trong khi thi hành nhiệm vụ. . .)

Dạng bệnh liều thứ hai: Liều mình trong việc kiếm tìm những lợi lộc thấp hèn cho bản thân. Vì muốn cho mình thoải mái trong vấn đề tiền bạc hoặc những phương tiện hiện đại mà rất nhiều người dám “liều mạng” trong việc tạo ra thật nhiều mối quan hệ không chính chắn như cha nuôi, mẹ nuôi, chị em kết nghĩa, anh em thiêng liêng. . . Đã có không ít những rắc rối xảy, thậm chí là những đau lòng đã xảy ra xung quanh vấn đề này khiến cho danh dự của người môn đệ Chúa bị giảm sút rất nhiều! Việc “liều mạng” trong vấn đề này được nguy trang dưới nhiều lớp vỏ thánh thiện và chính đáng lắm. Nhưng ôi thôi, nhiều chuyện rắc rối, nhiều tội luỵ cũng phát sinh từ vấn đề có nhiều tiền! Tiền bạc, của cải, là cản trở lớn nhất để con người được sống thanh thoát.

Dạng bệnh liều thứ ba: Liều mình trong men rượu. Có một điều mà ai cũng biết là không ai mạnh hơn rượu. Thế mà có nhiều người “liều mình như chẳng có”, không lượng sức của mình nên “chết” thê thảm: chết vinh dự, chết uy tín, chết phẩm giá. . . Có hàng ngàn chuyện chẳng hay ho gì xảy ra xung quanh chuyện rượu chè liên tục và quá chén! Những giải pháp “nhậu mục vụ” hình như càng lúc càng lộ rõ gương mặt thật của mình: rất xấu!

Bệnh liều đã rõ là căn bệnh rất nguy hiểm trong đời sống con người nói chung và đời sống tu nói riêng. Bệnh này cũng rất dễ “lây” và biến chứng nữa, nên cần ngăn chặn kịp thời. Ai biết mình có “bệnh” thì phải lo sớm mà chữa trị. Khi chữa bệnh thì phải tìm cho đúng thầy, đúng thuốc kẻo “tiền mất tật mang” và bệnh có thể nghiêm trọng hơn. Chất liệu quí báu nhất cần phải có nơi liều thuốc trị bệnh liều là sự “từ bỏ”. Cách trị bệnh “liều” hữu hiệu nhất là chuyên cần cầu nguyện, giữ giờ Kinh Phụng Vụ hàng ngày và lần chuỗi. Đừng để bệnh “liều” làm hư hoại con người của mình vốn rất quý trọng trước mặt Thiên Chúa!

SỐNG ĐẸP

Có những người bạn cần nhớ đến trong cuộc đời...…

1. Khi gặp được người mà bạn thật sự yêu thương: Hãy nỗ lực giành lấy cơ hội trở thành một nửa của người ấy bởi vì nếu người ấy ra đi, tất cả sẽ không còn kịp nữa.

2. Khi gặp một người bạn có thể tin tưởng được: Cần giữ quan hệ tốt với người đó vì trong cuộc đời mỗi người, gặp được tri kỷ không phải là điều dễ.

3. Khi gặp người đã từng giúp đỡ bạn: Nhớ tỏ thái độ cảm kích đối với người ấy vì họ đã mang lại sự thay đổi trong cuộc đời bạn.

4. Gặp người đã từng yêu bạn: Nên nở nụ cười cảm kích với họ vì đã giúp bạn hiểu thêm về tình yêu.

5. Gặp người từng ghét cay ghét đắng bạn: Nên cười xã giao với họ vì họ làm bạn trở nên kiên cường hơn.

6. Gặp người đã từng phản bội bạn: Nên nói chuyện với họ vì nếu như không phải họ, ngày hôm nay bạn sẽ không hiểu biết gì về thế giới này.

7. Gặp người bạn đã từng yêu: Nên chúc phúc cho họ, bởi vì khi yêu, bạn chẳng đã từng mong muốn họ vui vẻ hạnh phúc đó sao?

8. Gặp người đi qua vội vàng cuộc đời bạn: Cần cảm ơn họ đã đi qua cuộc đời này của bạn, bởi vì họ là một bộ phận sắc màu trong cuộc sống phong phú và đa dạng của bạn.

9. Gặp người đã từng hiểu lầm bạn: Hãy nhân thể giải quyết sự ngộ nhận, bởi vì bạn có thể chỉ có một cơ hội này để giải thích mà thôi.

10. Và hãy cảm ơn một nửa của bạn hiện nay bởi vì người ấy đã yêu bạn, vì bạn và người ấy đang hạnh phúc.

(Theo Sohu)

CHÚT TÂM TÌNH

VỊNH CHA SỞ

Làm cha sở thật là khổ sở
Nếu hòa đồng bị mang tiếng không “nghiêm”
Còn cương nghị bị coi là “khó tính”
Khi giảng dài bị cho là “tra tấn”
Lúc vắn gọn bị ca thán “qua loa”
Làm việc xông pha bị xếp loại “đường phố”
Miệt mài chiêm niệm bị chê “tủ lạnh”
Còn phốt Su-tan bị chê “bóng bảy”
Đơn giản sơ-mi bị xếp “bố đời”
Không rượu không chè bị coi “giữ kẽ”
Chút rượu chút bia bị kết “rượu chè”
Nếu nghỉ hè bị coi “lười biếng”
Còn siêng làm bị mang tiếng “bao sân”
Chịu khó tiếp dân bị coi “lười kinh nguyện”
Còn ít tiếp dân bị mang tiếng “quan liêu”
Làm việc năng nổ bị xếp loại “kiêu”
Họ đạo bề gì bị mang tiếng “yếu”

.......................

Cha sở như cục thịt dai
Người chê dai nhách nhai hoài không trôi
Nhai chi đem ném cho rồi
Nhưng kẻ hết mồi họ lại lượm lên
Cuộc nhậu cũng đỡ hao “tiền”
Cụng ly zô tới cũng liền vài hơi
Đi đâu đi hắt cho rồi
Nhưng ổng đi rồi còn biết thay ai?

Lm. Sơn Đoài

SỐNG LỜI CHÚA

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô,từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. (Eph 1,3)

1765    24-04-2012 10:17:04