Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Xây Dựng Hội Thánh Hiệp Thông và Hiệp Nhất - Tháng 03 năm 2011

LỜI CHỦ CHĂN

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2
Vĩnh Long

             16.2.2011

V/v: Xây dựng Hội Thánh Hiệp Thông và Hiệp Nhất

Chúa Kitô thiết lập Hội Thánh thành một Cộng Đoàn hiệp thông và hợp nhất khi Người sai các Tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”  (Gioan 19,21); và Người thổi hơi ban Thánh Thần cho các ngài: “Các con hãy lãnh nhận Thánh Thần”  (Gioan 19,22).

Ngày Lễ Ngũ Tuần,  Chúa Thánh Thần  ngự xuống trên cộng đoàn bé nhỏ tề tựu trong Phòng Tiệc Ly (x. Tđcv 1,13; 2, 1tt) và  thánh hiến các Tông đồ thành những chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh. Nhờ lời giảng của Phêrô mà ngày hôm đó 3.000 người lãnh nhận Phép Rửa  (x.Tđcv 2,37-41).

Đó là Cộng Đoàn Nguyên Thủy, Cộng Đoàn tiêu biểu  sống hiệp thông và hợp nhất với nhau. Cộng Đoàn nầy có những đặc điểm sau đây :

.  Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy,

.  luôn luôn hiệp thông với nhau,

.  siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh,

.  cầu nguyện không ngừng ( Tđcv 2,42).

Trong bài mục vụ tháng 3 nầy, chúng ta muốn tìm hiểu xem Nghi Lễ Bẻ Bánh quan trọng như thế nào đối với các tín hữu, đối với Hội Thánh.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 15.9.1965, Đức PhaolôVI đã quả quyết: “Hội Thánh cử hành Thánh Lễ, và Phép Thánh Thể xây dựng Hội Thánh”. Kinh Thánh cho chúng ta biết: Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc, là nền tảng (x. Mt 21,42; Tđcv 4,11; 1 P 2,7), là điểm qui tụ, liên kết  mọi  tín hữu thành Tòa Nhà của Thiên Chúa (x.1 Cor 3,9) .

Nhờ Phép Rửa chúng ta được thanh tẩy trong Thánh Thần để nên một thân thể (1 Cor 12,13), được nên giống Chúa Kitô là Đầu, là Thủ lãnh là Nguyên lý (x. Col 1,15-18). Đại Hội Thánh Thể quốc tế năm 2012 sẽ được tổ chức tại Dublin, Ái nhĩ lan,  với chủ đề Phép Thánh Thể : hiệp thông với Chúa Kitô và hiệp thông với nhau. Dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II việc cử hành Thánh Lễ  xây dựng Hội Thánh hiệp thông, là điểm then chốt và xuyên suốt các văn kiện  của CĐ Vaticanô II, và đang là một yếu tố trong chương trình canh tân Hội Thánh. Giáo huấn của Thánh Phaolô không ngừng soi sáng  cho Hội Thánh để canh tân đời sống Thánh Thể của các tín hữu :

“Bánh ta bẻ ra, không phải là thông phần Thân Mình Đức Kitô sao ? Vì chưng chỉ có một tấm bánh, nên ta, tuy là nhiều, cũng chỉ là một thân mình, vì tất cả chúng ta cùng chia phần một Bánh” (1 Cor 10,16t). “Anh em là Thân Mình của Đức Kitô, và ai theo phận nấy mà làm chi thể của nhau” (1 Cor 12,27; Rom 12,5; x. Lumen Gentium 7).

Hiệp Thông là một liên hệ tình yêu hỗ tương và trao hiến chính mình nẩy sinh từ mối liên hệ với Chúa Giêsu Kitô. Nhờ những lời truyền phép, Thánh Thần Chúa  biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, vừa kết hợp chúng ta, là những chi thể, làm một với  Chúa Kitô là Đầu, để cùng dâng lễ và cùng trở nên của lễ với Người. Đây mới thật sự là Lễ Tế hoàn hảo, là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Khi chúng ta chịu Mình Máu Thánh Người, chúng ta được thông hiệp với Người, và nhờ  Người mà thông hiệp với Chúa Cha, với anh chị em tín hữu 

Người tiếp tục hiện diện trong hình bánh, trong Nhà Tạm, để làm mối hiệp thông  hồng phúc cho Hội Thánh. Hội Thánh chỉ giàu có nhờ những gì lãnh nhận từ Phép Thánh Thể. Thế nên tình trạng số người đi lễ ngày càng thưa thớt, nhà thờ vắng lạnh là biểu hiệu của một sự suy thoái đạo đức.

Mong sao cho mọi người biết đón nhận Lòng Thương Xót  Chúa, quay trở lại  với Phép Thánh Thể là Ân Ban vô giá của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục của anh chị em

THƯ MỤC VỤ

Tháng 03/2011

CHỦ ĐỀ:

XÂY DỰNG HỘI THÁNH HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT

Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện : ”Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21) (Sứ Điệp Của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 5).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Báo Tuổi Trẻ ngày 28/12/2010 có một bài viết ca ngợi tấm lòng luôn tìm hạnh phúc cho người khác của anh Vũ Quốc Tuấn ở xã Minh Phú (Đoan Hùng, Phú Thọ).

Hoàn cảnh gia đình đã khiến anh sớm vất vả từ bắc vào nam để kiếm kế sinh nhai, giúp đỡ mẹ và các em. Trên con đường xuôi ngược đó, chính anh đã trải qua, đã hiểu và đồng cảm với những con người nghèo khó, bất hạnh. Bài báo ghi:

“Năm 2008, khi đang làm bảo vệ ở Bệnh viện Nhi, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, trong đó anh day dứt mãi với số phận cháu Tạ Thị Thu Hà (Gia Lâm, Hà Nội). Đã 6 năm, cứ một tuần ba lần, chị Thanh (mẹ cháu) lại đạp xe đèo con lên viện chạy thận nhân tạo. Nhìn cô bé trạc tuổi con mình đau đớn chống chọi với bệnh tật, nhìn người mẹ khóc hết nước mắt bên giường bệnh của con, anh không thể cầm lòng.

Một ý định nảy ra trong đầu anh “cho cô bé một quả thận của mình”. Nhưng trước khi cho, anh đã bắt xe ôm tìm đến nhà Hà tìm hiểu gia cảnh. Anh càng nhói lòng khi gia đình Hà cũng túng bấn, nghèo khó như nhà anh trước đây.

……………..

Sau chuyến đi ấy, anh Tuấn đã gặp bác sĩ ở Bệnh viện Nhi để bày tỏ nguyện vọng. Tất cả đều bất ngờ trước quyết định của anh bởi trước đó chưa có ai tự nguyện hiến thận cho người dưng. Họ để anh suy nghĩ nhưng anh Tuấn quả quyết “tôi đã suy nghĩ kỹ và chấp nhận tất cả, kể cả hậu quả xấu nhất”.”

Thánh Phao-lô viết cho tín hữu Côrintôï những lời cốt yếu của sự hiệp nhất “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).

Chia sẻ chung một tấm bánh, chúng ta chia sẻ với nhau chung một tinh thần vị tha của Chúa. Như thế, tuy nhiều nhưng chúng ta đều sống cho nhau, đều hợp thành một thân thể.

(Nguyễn Hiền Nhu, Radio Vatican)

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về chủ đề Xây Dựng Hội Thánh Hiệp Thông Và Hiệp Nhất sau đây:

  1. Thư mục vụ đòi chúng ta phải sửa đổi cách sống đạo (canh tân) như thế nào để có hiệu lực tạo nên Hội Thánh hiệp thông
  2. Hiệp thông là liên kết với nhau nên như một, trao đổi (thông truyền) cho nhau những thiện hảo.
  3. Tại sao phải hiệp thông? Vì chúng ta là thành phần của Hội thánh, là đại gia đình của Chúa, là con một Cha, là anh em nhau.
  4. Sống hiệp thông là ý định của Chúa cho nên cũng là nhiệm vụ và cũng là sứ mạng của tín hữu.

Ai trong mỗi người công giáo chúng ta cũng cảm thấy ấm lòng và có phần yên tâm khi đến một nơi xa lạ nhưng lại thấy hình ảnh của một ngôi thánh đường công giáo. Điều này được các du học sinh, các công nhân người việt nam công giáo đi học tập và làm việc ở nước ngoài chia sẻ. Khi ra khỏi giáo xứ, ra khỏi đất nước còn nhiều lo lắng nhưng rồi lại yên tâm khi thấy tinh thần hiệp thông của giáo hội thật rõ nét và đậm đà ở nơi đất khách quê người. Chỉ cần đến nhà thờ dự lễ hay sinh hoạt một lần, những người ấy đều được tiếp đón và giúp đỡ chân tình như “người nhà”, và quả thật chúng ta là người nhà với nhau vì là con một Chúa, dù có khác tiếng nói và phong tục, màu da và suy nghĩ…

Giáo xứ chính là cộng đoàn cơ bản biểu lộ tinh thần hiệp thông trong Giáo Hội. Trong giáo xứ, Giáo Hội đang hiện hữu trong đời sống cụ thể thường ngày: cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa, bẻ bánh Lời Chúa, cầu nguyện, yêu thương và vác thánh giá cuộc sống đời người. Giáo xứ không chỉ là một đơn vị cơ cấu của một tổ chức tôn giáo rộng lớn hơn là giáo hội, song là thực tại cụ thể của Giáo Hội. Giáo xứ chính là sự hiện diện của Đức Kitô, trong thế giới, trong tiệc Thánh Thể và trong tình yêu liên kết những ai thông phần. Vì giáo xứ là một thực tại cụ thể của Giáo Hội hoàn vũ nên có thể nói rằng tinh thần hiệp thông ở cấp độ giáo xứ cũng diễn tả tinh thần hiệp thông trong giáo hội.

Các yếu tố xây dựng tình hiệp thông

Cộng đoàn giáo xứ gồm một nhóm gồm các cá nhân và gia đình quen biết nhau, chia sẻ những giá trị chung và có tương giao với nhau. Họ sống gần gũi nhau trong một khu xóm hay một phần đất tỉnh thành. Trong đó các phần tử của cộng đoàn sống tương giao với nhau và ý thức họ lệ thuộc vào nhau trong đời sống đức tin. Họ cùng nhau thờ phượng, cùng nhau lớn lên trong đức tin và cùng nhau đương đầu với các biến cố cuộc sống. Họ quây quần bên nhau để cầu nguyện, dâng lễ, để mừng những sự kiện chào đời, rửa tội, thành hôn và an táng của các gia đình. Có rất nhiều mối dây liên kết họ với nhau.

Đức tin  (x.Ep 4,5)

Khi các Kitô hữu tuyên xưng đức tin thì họ gắn chặt với đức tin của Giáo Hội được truyền lại từ các tông đồ. Điều mà tôi tin không phải do tôi nghĩ ra hay đạt đến bằng suy luận, nhưng đức tin ấy được thông truyền. Quả thật khi nói "tôi tin" nghĩa là tôi nhập cuộc vào những điều chúng tôi tin, và vì thế đức tin mang chiều kích cộng đoàn. Như thế, hiệp thông Giáo Hội không đơn thuần là sự hiệp thông cảm tính dựa trên nền tảng một tình cảm nào đó, hay trên ước muốn sống chung hòa bình nào đó nhưng sự hiệp thông ấy rất hữu hiệu, nghĩa là một chia sẻ trong chân lý. Chính nội dung tôi tin và sự gắn bó với Đấng mà tôi tin làm nên chúng ta là Giáo Hội.

Cầu nguyện (x.Cv 2, 42)

Giáo Hội trước hết là dân tư tế nghĩa là được triệu tập để thông hiệp với Thiên Chúa trong đời sống phụng vụ và cầu nguyện, bằng việc tuyên xưng và thực hành một đức tin chân chính; và chính trong sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, chiều kích hiệp thông với anh em được mở ra và lớn lên trong tình yêu và sự phục vụ. Hiệp thông trong Giáo Hội trước hết phải được hiểu là một ân ban của Thiên Chúa vì thế Giáo Hội phải luôn cầu xin. Giáo Hội hiệp thông trước hết và trên hết là sự hiệp thông với Thiên Chúa, chính trong sự hiệp thông với Thiên Chúa mà sự hiệp thông với anh em được mở ra, lớn lên, và vững mạnh. Việc cầu nguyện của Kitô hữu không chỉ biểu thị tương quan chiều dọc với Thiên Chúa, mà còn biểu thị các tương quan chiều ngang với Giáo Hội và các thành phần Giáo Hội nữa. Sự cầu nguyện luôn luôn là sự cầu nguyện của Giáo Hội, nó chính là hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Mặt khác, thánh Augustinô nói rằng cầu nguyện làm cho trái tim của chúng ta được giãn nở. Cầu nguyện mở lòng ta ra với tha nhân. Cầu nguyện là đưa “mọi sự và mọi người” vào tâm hồn ta, để tất cả được xuất hiện dưới ánh sáng của Chúa. Khi cầu nguyện ta không chỉ trông cậy Chúa cho ta, mà còn cho mọi người có quan hệ với ta. Tương quan cá nhân với Chúa, tương quan cộng đoàn với Chúa xen kẽ nhau trong đời sống cầu nguyện của ta. Có thể nói một Giáo Hội càng hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa thì càng có khả năng thông hiệp với nhau. Vì sự hiệp thông mà chỉ dựa trên sức riêng hay cố gắng của con người thì thiếu nền tảng và mỏng manh. Chính trong đời sống cá nhân mỗi người mà ta có thể thấy được kinh nghiệm này cách rõ ràng.

Phụng vụ

Toàn bộ Phụng Vụ và mỗi Bí Tích của Giáo Hội đều hướng về sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Trong mọi hoạt động phụng vụ, Giáo Hội sống hiệp thông dưới hai hình thức hữu hình và vô hình, đối thần và huynh đệ.

Cộng đoàn giáo xứ cùng tập họp nơi nhà thờ để dâng thánh lễ là thể hiện chiều kích hiệp thông rõ ràng giữa hữu hình và vô hình, là diễn tả hình ảnh Giáo Hội hiệp thông trong cùng một đức tin, đức cậy, đức mến và tham dự vào cùng một hy tế của Đức Kitô vì tất cả cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất, tham dự một cử hành phụng vụ duy nhất và chia sẻ một Tấm Bánh duy nhất : “hiệp thông trong cộng đoàn Giáo Hội là dấu chỉ dễ nhận ra nhất trong số các hiệu quả của hiệp thông Thánh Thể, không thể chấp nhận hiệp thông Thánh Thể mà không đưa tới hiệp thông Giáo Hội”. Phụng vụ không những xây dựng tình hiệp thông mà còn giáo dục sống tinh thần hiệp thông trong giáo hội.

Ý thức thuộc về giáo hội

Ý thức mình thuộc về Giáo Hội là yếu tố quan trọng để xây dựng tình hiệp thông. Ý thức thuộc về Giáo Hội không chỉ là ý thức mình là người đã gia nhập Giáo Hội nhưng còn phải ý thức mình là một yếu tố tạo nên sức sinh động hay hủ hóa giáo hội. Quả thực, Kitô hữu liên đới cách mật thiết với cộng đoàn Giáo Hội với những biến cố xảy đến: đồng cảm cùng Giáo Hội. Sự thánh thiện của Giáo Hội cũng được chung chia cho mình, tội lỗi của mỗi người cũng ảnh hưởng đến tính thánh thiện của giáo hội. Giáo Hội là Giáo Hội của Đức Kitô nhưng cũng là Giáo Hội của mỗi người mà chúng ta thuộc về. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, nhưng cũng là Giáo Hội của những con người cụ thể trong một thời đại nhất định.

Với những suy nghĩ được trình bày ở trên,  mong rằng mỗi người chúng ta góp phần xây dựng giáo xứ của mình thành cộng đoàn hiệp thông theo khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi.

(Jos. Thuần)

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc Xây Du&ng Hội Thánh Hiệp Thông Và Hiệp Nhất  như thế nào:

  1. Tôi có giữ đạo để rỗi linh hồn một mình?
  2. Tôi có nhận thấy các tác động tốt hay xấu của tôi đều có âm hưởng đến tập thể không?
  3. Tôi có khổ tâm khi nhận thấy họ đạo bơ thờ, xuống dốc, thiếu lòng đạo. Tôi có tâm trạng thế nào? Hay phớt tỉnh?
  4. Có nhận thấy việc góp phần cho họ đạo thăng tiến là một nhiệm vụ của mình không?
  5. Có sống như ngoại càn khôn không?

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

Thông thường chúng ta vẫn nhìn Giáo Hội như là một thể chế rộng lớn mang tính quốc tế, hoạt động có quy củ, trật tự và người công giáo chúng ta thường tự hào về điều này. Nói đến Giáo Hội là chúng ta nghĩ ngay đến đền thánh Phêrô uy nghi, những tòa nhà đồ sộ ở Vatican, với những bộ và ủy ban hoạt động, với hàng Giám mục, Linh mục và Tu sĩ; nhưng lại coi nhẹ, thậm chí quên rằng Giáo Hội cũng là chính chúng ta, những người trong cùng một cộng đoàn giáo xứ hay những cộng đoàn cùng tin Đức Giêsu Kitô.

Sẽ thật sai lầm nếu ai đó coi Giáo hội Chúa Kitô chỉ là một tổ chức xã hội, một tổ chức trần thế vì giáo hội tổ chức chặt chẽ và hoạt đông hiệu quả. Giáo hội trước tiên là một mầu nhiệm vì Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là xuất phát từ chương trình cứu độ phổ quát của Chúa Cha, sứ vụ và công trình cứu độ của Chúa Con và tình yêu thánh hóa của Chúa Thánh Thần (CĐ Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 2-3). Như thế, Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (GH 4). Sự hiệp nhất của Ba Ngôi vừa là nguồn gốc, vừa là mạch sống, vừa là mẫu mực cho sự hiệp nhất của Giáo Hội: được sinh ra bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông trong Giáo Hội cũng sẽ trở về với Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, cho đến ngày tất cả mọi sự quy phục Người Con, Đấng đến lượt mình sẽ cũng trao lại mọi sự cho Chúa Cha, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (1 Cr 15, 28).

Sự hiệp thông của Giáo Hội bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi, tham dự và sống bằng sự hiệp thông ấy, đồng thời mô phỏng sự hiệp thông ấy: Thiên Chúa muốn có Giáo Hội bởi vì Ngài muốn có sự hiệp nhất ấy, và cũng bởi vì tình yêu sâu thẳm của Người được biểu lộ trong sự hiệp nhất ấy . Cha Yves Congar nhận định rằng: “sự hiệp nhất của Giáo Hội là một sự chuyển thông và nối dài sự hiệp nhất trong Thiên Chúa”. Chính vì thế, Hiệp thông là một trong ba đặc tính làm nên mầu nhiệm giáo hội. Chúng ta không thể nào hiểu giáo hội một cách đúng đắn và đầy đủ nếu không nhìn đến đặc tính hiệp thông.

Trình bày về đặc tính hiệp thông của Giáo Hội cho đầy đủ và bài bản là một điều đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ở đây,  xin được chia sẻ một vài ý tưởng để chúng ta sống hiệp thông cụ thể trong môi trường họ đạo mà chúng ta đang sống

- Hiệp thông không phải chỉ là tụ họp bên cạnh nhau, sinh hoạt, ăn uống chung với nhau. Ở chợ người ta tụ họp, buôn bán, trao đổi, ăn uống bên nhau nhưng nào có tinh thần hiệp thông thực sự? Hình ảnh của đống đá với các viên đá xếp bên cạnh nhau, xếp chồng lên nhau làm thành một “tập thể” nhưng cuộc đời, hoàn cảnh của các viên đá không có liên hệ gì với nhau. Mỗi viên đá là một thế giới riêng khép kín.

- Hiệp thông cũng không phải chỉ là sự liên kết giữa tôi và anh vì tôi cần đến anh để làm việc, tôi không thể phục vụ một mình và anh cũng thế. Tôi có nhiệm vụ của tôi và anh có nhiệm vụ của anh. Chúng ta cần dựa vào nhau để mà sống, để phục vụ cho một lý tưởng. Đây có thể là sự đoàn kết mà người ta hay đề cao: “đoàn kết là sức mạnh” nhưng vẫn chưa phải là tình hiệp thông thực sự. Hình ảnh của chiếc xe đạp với các phụ tùng như: căm, niềng, xích, bàn đạp, tay lái…được nối kết với nhau để cho chiếc xe đạp có thể di chuyển về một hướng. Tuy nhiên, nếu cái xích nó đứt, cái căm nó gẫy, cái bánh xe bị bể thì xe dừng lại, nhưng các bộ phận khác cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy. Tôi là anh căm, chị niềng bị gẫy thì sẽ có chị niềng khác được thay, em vỏ bị nổ thì đã có em vỏ khác thay thế và thế là chiếc xe đạp có thể chạy tiếp. Hiệp thông còn hơn thế nữa chứ không chỉ dừng lại là đoàn kết.

- Vậy hiệp thông là gì ? Có nhiều cách định nghĩa và mỗi định nghĩa chỉ diễn tả được một phương diện chứ không toàn diện vì hiệp thông đúng nghĩa và đích thực chỉ có ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy chỉ xin dùng hình ảnh cụ thể và sống động của thánh Phaolô để diễn tả tình hiệp thông giữa chúng ta. Đó là hình ảnh của một thân thể con người:

...Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày".

Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết.

Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một chi thể. (1 Cr 12, 5-27).

Chúng ta thấy, mỗi bộ phận trong cơ thể có một chức năng riêng nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Một ngón tay bị đứt chảy máu thì miệng la lên, nước mắt chảy, chân chạy đi tìm bông băng…; một cái mụn nhọn ở chân có thể làm cả cơ thể sốt, nằm im một chỗ; một khối u ác tính trong gan có thể hủy hoại cả một cơ thể và tất nhiên một hệ thống đề kháng mạnh khỏe sẽ ảnh hưởng tốt lên cả cơ thể.

Như vậy chuyện của tôi không còn chỉ là của tôi nữa, sự thánh thiện hay tội lỗi của tôi không phải là chỉ thuộc về cá nhân tôi nữa nhưng còn ảnh hưởng đến cả cộng đoàn, đến những người anh em tôi. Tôi thánh hay tội thì sự thánh thiện và tội lỗi ấy ấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến anh em tôi. Và ngược lại, những sai lỗi và thánh thiện của anh em tôi có ảnh hưởng trực tiếp đến tôi. Trong kinh tin kính chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm các thánh cùng thông công là thế đó. Như vậy chúng ta có một sự hiệp thông sâu xa dựa trên cùng một đức tin, các bí tích và Lời Chúa và chia sẻ cùng một Thánh Thần để nên Thân Thể Đức Kitô. Đó là sự hiệp thông đích thực giữa các Kitô hữu đối với nhau.

Giuse Thuần

HỌC KINH THÁNH

 

          BÀI 3  : PHÚC ÂM THEO THÁNH MATTHÊÔ (Mt)

 

1/ Thánh Matthêô là ai?

 Mt là 1 trong nhóm 12 Tông Đồ ( Mt 10, 2-4; Mc 3, 16-19;  Lc 6, 14-16; Cv 1, 13). Ngài là nhân viên thu thuế ( Mt 10, 3) được Chúa Giêsu gọi lúc ngồi ở bàn thu thuế ( Mt 9, 9). Theo Papias (Giám mục thành Hiêrôplis khoảng năm 138) thì Mt cũng được gọi là Lêvi, đã soạn Phúc âm bằng tiếng Aram, nhưng bản đó đã bị thất lạc. Hiện nay người ta chỉ tìm được những bản bằng tiếng Hy Lạp.

 

2/ Mt nhằm mục đích gì và nhắm vào thành phần độc giả nào khi viết Phúc âm?

Thánh Mt trích dẫn Cựu ước rất nhiều trong Phúc âm của mình, nhằm mục đích chứng minh Chúa Giêsu Nazareth chính là Đấng Messia Thiên Chúa đã hứa và như thế ngài nhắm vào số độc giả người Do Thái.

 

3/ Phúc âm của ngài được viết vào khoảng năm nào và viết tại đâu?

Khoảng năm 75. Theo truyền tụng thì Thánh Mt đã rao giảng và làm việc tại Antiôchia (Cv 11, 25) có lẽ tại đây ngài đã soạn Phúc âm.

 

4/ Tại sao ngài được tặng biểu tượng con bò?

Vì ngài trình bày cuộc đời của Chúa Giêsu như của lễ toàn thiêu hoàn hảo theo như luật phụng tự thay cho toàn thể nhân loại.

 

5/ Lễ Thánh Matthêô được Giáo hội mừng kính vào ngày nào? Lễ Thánh Matthêô được Giáo hội mừng vào ngày 21/ 9 dưới tước hiệu Tông đồ Thánh sử. Năm 1956 Đức Thánh Cha Piô XII đã đặt ngài làm quan thầy cho những người quản thủ thư viện.

 

Lời Chúa:  "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". (Mt 28, 19-20).

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết dâng Chúa mọi biến cố vui buồn cùng với những lao động vất vả trong cuộc sống để Chúa biến đổi thành của lễ đền tội cho chính con và cho anh em con. Amen

SỐNG ĐẠO

MÙA CHAY

Xưa Hội thánh buộc tín hữu giữ 40 ngày chay (chỉ trừ Chúa Nhật) có vẻ nhiệm nhặt, và có thể nhiều người không giữ nổi, nên hiện nay, Hội thánh chỉ còn giữ lại hai ngày chay: Lễ tro và Thứ sáu tuần thánh.

 

Chỉ còn có 2 ngày, mà cứ giữ lại hai tháng Mùa Chay? Chúng ta hãy tìm hiểu đôi chút.

 

Để chuẩn bị mừng lễ Phục sinh, để đón nhận ơn Phục Sinh, thì vài ngày chay tịnh sao cho đủ được.

Nói Mùa nghĩa là nói phải có một thời gian dài để có thể thực hiện những điều mà tiếng "chay" hàm chứa ý nghĩa.

 

Thường tín hữu hay nói: ăn chay, đền tội. Ăn chay đền tội đi đôi nhau, nên đòi tín hữu dùng thời gian kiểm điểm đời mình. Thấy nhiều tội lỗi, phải ăn năn hối cải và cố gắng giữ đời trong sạch.

 

Chay tịnh cũng có thể giúp cho kiềm chế thể xác, nâng cao tâm thần (bắt xác thể nhịn ăn chịu đói, còn tinh thần vui nhận) quyết bỏ thể xác, châm lo cho linh hồn là điều khẩn thiết cho tín hữu thụ hưởng ơn Phục sinh.

Nhờ chay tịnh mà con người nhận biết không nên đeo đuổi những chi thế tạm  mà phải tìm những chi cho vĩnh cửu.

Chay tịnh cũng là phương thể để con người không lạm dụng tiền bạc, không mua sắm những tiện nghi không cần thiết, những thực phẩm xa hoa bừa bãi... nhưng biết dùng tiền bạc chia xẻ, bố thí, làm việc thiện.

Một đặc điểm nữa: chấp nhận chay tịnh là một việc dùng tự do tốt, dùng chính đáng. Dùng tự do tốt, dùng chính đáng là căn bản cốt yếu của cuộc sống của con người.

Nhận chay tịnh đâu phải là một việc nô lệ, bị đàn áp nên phải giữ, nhưng là một việc do tình yêu màø đón nhận;  đó chính là việc rất thích hợp, ứng dụng cho việc chuẩn bị dọn mình đón nhận ơn phục sinh.

Sống chừa tội, lánh tội, đàn áp tính xấu, làm việc lành, bố thí, giúp người, hy sinh những thoã mãn tạm qua mà hoài bão những thiện hảo vĩnh cửu.

Đó là dọn mình đặc biệt

Đáng hưởng  ân huệ Phục Sinh.

THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE: TÔN SÙNG

 

Hội thánh muốn chúng ta nhận thánh Giuse làm bổn mạng gia trưởng và đời lao động,  vì thánh Giuse là gia trưởng và sống đời sống lao động. Nhưng chúng ta có thể hiểu Hội Thánh muốn khuyến khích chúng ta: Tôn Sùng Thánh Cả Giuse

Tôn sùng là ham mộ và kính trọng đặc biệt hơn các thánh khác, thường hay nhớ Đấng mình tôn sùng, xin cho mình được ơn Chúa, ham noi gương đức hạnh của ngài.

 

Việc tôn sùng không hẳn là hoàn toàn khẩn thiết, không tôn sùng vẫn rỗi linh hồn được, nhưng có tôn sùng thì có thể đạt nhiều lợi ích cho cuộc sống đạo.

 

Tôn sùng Mẹ Maria là do Chúa trối, còn tôn súng thánh Giuse chúng ta có thể nói, là chính Chúa Giêsu và Mẹ Maria thể hiện.

 

Còn chúng ta, có tôn sùng thánh Giuse không? Trên cả thế giới, chắc có rất nhiều tín hữu tôn sùng thánh Giuse và trong Hội thánh nhiều nhà tu, nhiều chủng viện, nhiều cộng đoàn tôn sùng thánh Giuse... vì Chúa đặt ngài không những là gia trưởng ở Nazareth mà còn là gia trưởng của đại gia đình Hội thánh.

 

Dẫu vậy việc tôn sùng là việc riêng của cá nhân, nhận thấy nơi đấng mình tôn sùng có những nét sống, những đặc tính làm cho mình mến mộ.

 

Thánh Giuse có quyền gia trưởng nhưng thể hiện cách đơn sơ hiền lành khiêm tốn, không oai vệ truyền lịnh, sai khiến. Dĩ nhiên Chúa Giêsu và Mẹ Maria mến phục. Kề cận với thánh Giuse chúng ta có khiếp đảm, lẫn trốn lánh xa không?

 

Phần khác, không có đức hạnh nào mà ngài không có. Cần có,  để phần nào đào luyện Chúa Con và Nữ Vương Thiên Quốc. Đặc biệt, ngài sống những đức hạnh đó một cách đơn sơ, không có tánh cách cao siêu, anh dũng lạ thường có thể làm cho người ngoài xem vào đâm ra ngán sợ, không dám thi hành.

 

Nơi thánh Giuse, chúng ta thấy có nhiều điểm hợp với căn tính, lẽ nào chúng ta không nghe lời Hội thánh khuyến khích chúng ta tôn sùng ngài!

 

Nếu chúng ta thành tâm tôn sùng thánh Giuse thì chắc chắn ngài sẽ bảo vệ, đào luyện chúng ta nên giống Con Chúa giáng trần, nên con của Chúa...

 

Nota: Xin thánh Antôn Padova cho tìm lại được của, vật đã mất... không phải là việc tôn sùng.

 

Thánh lễ... ai dâng?

Có đạo, giữ đạo là phải thờ Chúa, mà thờ Chúa thì phải có cúng. Dường như không có đạo nào mà không có cúng! Cúng là dâng lễ vật để tỏ lòng tôn thờ. Cho nên gần như mỗi tín hữu đều có tin có cúng.

Trong đạo chúng ta cũng có cúng, thường gọi là dâng lễ. Mà dâng lễ cũng là việc của tập thể, có nhiều nghi lễ khó thực hiện nên luật Hội Thánh chỉ cho linh mục có quyền dâng lễ. Dân chúng hay nói: cha sở làm lễ, dâng lễ - còn giáo dân luôn luôn thì xem lễ, dự lễ, chầu lễ- nhưng theo ý tôi tín hữu trưởng thành đều phải dâng thánh lễ.

Chưa biết dâng thánh lễ, thì phải kể là chưa biết tôn thờ Chúa.

Có thể quả quyết: dâng thánh lễ là nhiệm vụ của mọi tín hữu.

Cho được dâng lễ, thì trước tiên phải có vật lễ, tín hữu mượn vật của Chúa đi lại lễ vật dâng cho Chúa: bánh và rượu...Thêm vào đó con người cũng muốn mình có phần trong lễ vật. Nhưng chính con người thì có chi gọi được là của riêng? Chỉ có "chịu khó". Thêm chịu khó vào lễ vật cũng không tăng thêm giá trị- chỉ còn lại cả con người của mình, mình cũng muốn dâng tất cả cho Chúa, mà đúng là phải vậy. Vì tất cả con người chúng ta Chúa tạo dựng thì tất cả đều là của Chúa, không thêm chi hơn được, xem ra đúng lý và thích đáng, của Chúa dâng lại cho Chúa đó.

Nhưng Chúa không cho là thích đáng. Để giải quyết, Chúa đã giáng trần nhập thể và nhập thế, tạo nên một vật lễ siêu tuyệt thích đáng và cũng chính Chúa dâng lễ vật nầy trên Thánh giá!

Chính Chúa dâng và còn ghép cả con người vào lễ vật, lại cũng nhờ tay linh mục để thực hiện việc dâng lên.

Chúng ta vẫn biết thánh lễ là một việc cao siêu, trọng đại hơn cả việc tạo dựng vũ trụ mình có phần trong đó. Vì vậy chúng ta không nên chỉ xem lễ, dự lễ, chầu lễ, mà phải hết sức đặt cả tâm can vào việc dâng lễ để chúng ta tôn thờ Chúa, thuộc trọn về Chúa, được kết hợp với Chúa. Đó là được hưởng một phần hạnh phúc vĩnh cữu ngay khi còn ở trần gian.

Chúng ta đã dâng lễ thế nào? Đự lễ như đi dự một buổi hội bắt buộc, hay như đi dự một tấn kịch? Có xác ở đó mà không có hồn, hay hồn bận lo chuyện khàc?

Có đúng là vật thọ tạo của Chúa không? Có là con của Chúa không?

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

CHA SỞ
(can. 519-544)

Ở nước ta, vị linh mục coi sóc họ đạo được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau: thầy cả - một danh hiệu rất xa xưa mà ngày nay ít được nhắc đến; cha sở, cha chánh sở, cha bổn sở - có lẽ do bắt nguồn từ việc bổ nhiệm một linh mục vào một địa sở nào đó; cha xứ, cha chánh xứ hay quản xứ - để chỉ một linh mục phụ trách một giáo xứ. Ở bên Tây người ta gọi là curé (Pháp) hay cura (Tây Ban Nha), có lẽ bắt nguồn từ tiếng Latinh cura animarum (chăm sóc các linh hồn). Bên Anh thì gọi là parish priest, nghĩa của nó cũng giống như tiếng Latinh và tiếng Việt của chúng ta; Mỹ thì gọi là pastor mà tạm dịch là "chủ chăn" hay "mục tử". Dù nghĩa nào đi nữa thì cũng ám chỉ vị linh mục coi sóc các linh hồn tại một phần dân Chúa nhất định nào đó. Để thống nhất và hợp với đại đa số nơi trong Địa phận, chúng ta gọi là cha sở (họ đạo-cha sở).

Thông thường, chúng ta thấy rằng một cha sở coi sóc một họ đạo (x.đ.526). Tuy nhiên, bộ Giáo luật hiện hành còn dự liệu ba cách thức khác nữa: một cha sở coi nhiều họ đạo; một nhóm cha sở coi sóc một họ đạo; một nhóm cha sở coi sóc nhiều họ đạo.

Để cho dễ, chúng ta chọn cách thức thông thường của Giáo luật, đó là một cha sở một họ đạo để làm tiêu chuẩn học hỏi; rồi sau đó sẽ quy chiếu các cách thức còn lại. Bài nầy và những bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu: khái niệm về cha sở; điều kiện làm cha sở; việc bổ nhiệm; hạn kỳ; sự tựu chức; nhiệm vụ; mãn nhiệm vụ.

  1. Khái niệm về cha sở

Điều 519 cho chúng ta một khái niệm tổng quát về cha sở:

Cha sở là chủ chăn riêng của họ đạo được trao phó cho ngài và ngài thi hành nhiệm vụ mục vụ của cộng đoàn được uỷ thác cho ngài/, dưới quyền Giám mục Địa phận, mà ngài đã được kêu gọi để chia sẻ thừa tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và lãnh đạo đối với cộng đoàn ấy/, với sự cộng tác của các linh mục hoặc phó tế khác và với sự giúp đỡ của các giáo dân, chiếu theo quy tắc của luật.

Qua lối hành văn đặc biệt của nguyên ngữ Latinh chỉ có một câu nhưng bao gồm nhiều mệnh đề nối tiếp nhau, tạo nên một khái niệm hết sức phong phú về nội dung thần học và mục vụ của khoản luật trên về cha sở. Chúng ta tạm tóm lại trong ba mối liên hệ: cha sở với họ đạo; cha sở với giám mục; cha sở với những công sự viên. 

  1. Cha sở với họ đạo

Đối với họ đạo: "Cha sở là chủ chăng riêng". Tiếng "riêng" (proprius), đối lại với "thay thế" (vicarius) (x.đ.131§2). Theo nghĩa nầy, khi một linh mục được bổ nhiệm làm cha sở cách hợp pháp và nhận chức theo luật thì đương nhiên ngài có mọi năng quyền của cha sở tại họ đạo đó (giống như Giám mục với địa phận). Quyền nầy được gọi là "thường quyền", nghĩa là quyền gắn liền với giáo vụ (x.đ.131§1). Chẳng hạn như quyền chứng hôn, ngoài Thường Quyền của Địa phận và cha sở, bất cứ ai chứng hôn cũng phải được uỷ quyền thì hôn phối đó mới thành. Nói cách khác, cha sở có quyền hành pháp trong toàn họ đạo mà ngài được uỷ thác (không có quyền tài phán với chức năng lập pháp, tư pháp, cưỡng chế toà ngoài) và quyền thi hành nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và cai quản.

b. Cha sở với Giám mục Địa phận

Đối với Giám mục, cha sở ở "dưới quyền của Giám mục địa phận". Sự lệ thuộc nầy không chỉ có tính cách hành chánh nhưng còn mang ý nghĩa thần học nữa. Thực vậy, một đàng cha sở thông dự với Giám mục vào các tác vụ tư tế của Đức Kitô; đàng khác, họ đạo không phải là Giáo hội địa phương, nhưng là thành phần của nó. Chính Giám mục Địa phận uỷ thác, trao phó họ đạo cho cha sở.

c. Cha sở với những cộng tác viên

Đối với những cộng tác viên khác "được sự giúp đỡ của họ (các linh mục khác, đại chủng sinh, tu sĩ nam/nữ và giáo dân) chiếu theo luật định". Mặc dầu cha sở được uỷ thác coi sóc một họ đạo hay nhiều hơn nữa, nhưng khi thi hành giáo vụ Công đồng Vat. II và Giáo luật dự liệu cho có nhiều người cộng tác như: các linh mục khác, các phó tế, các đại chủng sinh, các tu sĩ và cả giáo dân nữa. Nói cách khác, cha sở là một tác nhân của sự thông hiệp trong họ đạo; ngài cố gắng làm sao để cổ võ trách nhiệm của hết mọi thành phần dân Chúa trong họ đạo để xây dựng một họ đạo hiệp thông và sinh động.

2. Điều kiện làm cha sở

Đối với Giáo luật, ứng viên của chức vụ cha sở phải có ba điều kiện như sau:

- phải là một thể nhân (persona physica) (x.đ.520§1);

- phải có thánh chức linh mục (x.đ.521§1);

- phải trổi vượt về đạo lý lành mạnh, tác phong đứng đắn, có lòng nhiệt thành với các linh hồn và những nhân đức khác...(x.đ.521§2).

Phải là thể nhân: Điều nầy là một mới mẽ của Công đồng Vat.II. Từ nay không thể đặt một pháp nhân làm cha sở: nếu như một họ đạo được trao cho một dòng tu, thì dòng tu ấy phải đề cử một linh mục để được Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm làm cha sở, chứ không thể hết các linh mục trong dòng thay nhau làm cha sở hoặc là cha sở cách chung chung; trường hợp một nhóm linh mục làm cha sở thì mỗi người cũng phải được bổ nhiệm đích danh.

Phải có thánh chức linh mục: Đây là điều kiện cần thiết để việc bổ nhiệm được hữu hiệu (x.đ.521§1). Việc quản trị một họ đạo khác với việc quản trị một đơn vị hành chánh hay xã hội, "họ đạo là một cộng đoàn Kitô hữu" (đ.515§1), được xây dựng trên các bí tích mà đặc biệt là bí tích Thánh Thể (x.đ.528§2). Vì vậy những ai không có thánh chức để thi hành những giáo vụ đòi buộc thì không thể trao ban giáo vụ nầy (x.đ.150).

Phải trổi vượt về đạo lý lành mạnh, tác phong đứng đắn, có lòng nhiệt thành với các linh hồn...Điều kiện thứ ba nầy, thực ra, giả thiết phải có nơi bất cứ mọi giáo sĩ, vì đó là điều kiện cần thiết để lãnh nhận chức thánh (x.đ.1029; 1051§1), nhưng ở đây Giáo luật nhắc lại nhằm ý thức vai trò của người hướng dẫn dân Chúa.

Ngoài ra, luật địa phương có thể đặt ra những điều kiện khác để làm cha sở trong địa phận, hoặc cho từng họ đạo cụ thể. Vì thực tế cho thấy có thể một linh mục làm việc rất thành công tại một họ đạo nầy, nhưng có thể bị "bế tắc" khi được đổi sang họ đạo khác, do nhiều yếu tố đặc thù của mỗi nơi.

(Nguồn: Cha Nguyễn Ngọc Thử, Chú giải mục vụ và pháp lý; Phan T. Thành, Giải thích Giáo luật; John P. Beal et al., New Commentary on the Code of Canon Law).

TRANG LINH MỤC

Trong Sứ Điệp Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010 khẳng định: "Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng linh mục". Có thể nói một cách tương tự như vậy, để xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất trong Hội Thánh cũng cần bắt đầu từ hàng linh mục, linh mục phải sống tinh thần hiệp thông: hiệp thông với Giám mục, với anh em Linh mục và với Giáo dân.

1. Hiệp thông với Giám mục 

Chúng ta có thể nói được rằng Linh mục chính là hiện thân của Giám mục trong cộng đoàn mình coi sóc .Vì thế, Linh mục phải gắn bó và cộng tác mật thiết với Giám mục, coi Giám mục như là người cha của mình, kính cẩn vâng phục ngài. Vâng phục là căn tính của linh mục, bởi khi nhận chức linh mục, linh mục đã đặt hai tay của mình vào trong lòng bàn tay của giám mục để thề hứa xin vâng lời ngài, cũng như đấng kế vị ngài. Khi được trao sứ vụ, linh mục thành tâm nói cho giám mục nghe điểm yếu và điểm mạnh của mình, để cho giám mục biết có nên cất nhắc mình vào sứ vụ đó hay không. Và khi Giám mục trao sứ vụ thì vui vẻ nhận lời, đừng so đo tính toán, vì toàn cả cuộc đời ta đã dâng cho Chúa. Khi gặp khó khăn trong công tác mục vụ hay thậm chí khi sa ngã trên đường đời, linh mục đơn sơ tâm sự với giám mục như người cha để nhận lời khuyên. Các ngài cũng mạnh dạn đề nghị bề trên của mình những ý tưởng để phát triển giáo phận. Đề nghị là trách nhiệm của mình, còn thực hiện là trách nhiệm của bề trên. Ngay cả khi những đề nghị của mình không được thực hiện thì linh mục cũng vui, vì ngoài mình ra, còn hằng trăm, nếu không nói là hàng ngàn đề nghị khác. Người cha của giáo phận chỉ làm những gì mà ngài cho là có lợi chung cho cả giáo phận.

 

2. Hiệp thông với anh em Linh mục

Tuy không chung máu huyết, nhưng tình anh em linh mục được đặt nền tảng trên bí tích Truyền Chức. Thực vậy qua bí tích Truyền Chức Thánh, người linh mục không chỉ là linh mục đơn độc, thi hành thừa tác vụ cách đơn độc, mà trở nên thành viên của linh mục đoàn, là anh em với nhau,nên phải biết yêu thương và nâng đỡ nhau.

Cụ thể các linh mục lớn tuổi phải tập bao dung và sẵn sàng chỉ dẫn cho các linh mục trẻ như những người anh đi trước. Còn các linh mục trẻ phải khiêm tốn lĩnh hội kinh nghiệm của người đi trước. Nên nhớ rằng con người không nhỏ đi chút nào khi mình học hỏi kẻ khác. Sự trưởng thành nhân cách hệ tại ở việc khiêm tốn đón nhận những lời chỉ bảo, những kinh nghiệm quý báu của những người đi trước.

Công Đồng khuyên các linh mục phải sống tình huynh đệ đặc biệt với anh em linh mục của mình: «các linh mục đừng quên lòng hiếu khách, phải lo làm việc thiện và san sẻ của cải, nhất là phải chú tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải và ngay cả những vị bị bách hại » (PO. 8). Không chỉ chia sẻ, linh mục còn được mời gọi sống tinh thần nghèo khó. Thước đo của linh mục không phải là chiếc ô tô đẹp hay tài sản ngài có, nhưng là tương quan mật thiết với Chúa và quảng đại với anh em. Ngày xưa, Giu-Đa đã bán Chúa vì ba mươi đồng bạc, ước gì linh mục ngày nay không bán rẻ nhân cách linh mục của mình vì tiền bạc.

Linh mục cũng là con người. Họ được mời gọi lãnh nhận thiên chức từ những con người yếu đuối mỏng dòn, nhiều khi mỏng dòn hơn cả giáo dân. Ý thức chính từ những mỏng dòn yếu đuối của mình, người linh mục luôn sẵn sàng nâng đỡ những anh em khác khi họ sa ngã. Thánh Công Đồng dạy: « Các ngài phải biết rằng mình đặc biệt có trách nhiệm với những vị đang gặp những hoàn cảnh khó khăn; các ngài phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo một cách tế nhị. Đối với những vị khiếm khuyết về một vài vấn đề nào đó, các ngài phải luôn lấy tình bác ái huynh đệ và quảng đại mà đối xử, lại phải cầu nguyện rất nhiều với Chúa cho các vị đó, và phải luôn tỏ ra mình là anh em bạn hữu đích thực của họ » (PO.8). Hành trình của con người là sự trở về với Chúa. Chúng ta luôn xác tín rằng mỗi tội nhân, kể cả chúng ta, đều nhận được ân sủng để trở về với Ngài và với anh em. Nói như ĐHY Nguyễn Văn Thuận: « Mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai ».

3. Hiệp thông với giáo dân.

Như chúng ta đã biết : giáo xứ là một cộng đoàn, là một xã hội vì thế phải có những người đứng đầu, những vị lãnh đạo.

Người đứng đầu và lãnh đạo trong giáo xứ thường là các linh mục. Để tạo được một bàu khí hiệp thông, những vị chủ chăn cần lưu ý tới một số điểm sau đây :

 - Nhìn nhận các khả năng của giáo dân: « Các linh mục phải thành thật nhìn nhận và nêu cao phẩm giá và vai trò riêng biệt của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. Các ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giao dân, lưu ý đến nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại». Và khi nhìn nhận khả năng của giáo dân, «các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội, để họ được tự do và có lãnh vực hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyến khích họ đảm trách công việc» (PO.9).

  - Xây dựng giáo xứ hiệp nhất: «Các ngài phải tìm cách hòa hợp các tâm trạng khác nhau, để không ai cảm thấy mình xa lạ trong cộng đoàn tín hữu». Đồng thời, «các ngài là những người bênh vực ích chung mà các ngài gìn giữ nhân danh Giám Mục, đồng thời là những người can đảm bảo vệ chân lý để các tín hữu không bị lôi cuốn bởi một chủ thuyết nào» (PO.9). Kinh nghiệm cho thấy, giáo dân thường sống đoàn kết, hiệp thông chung quanh một mục tử can đảm thực thi chức năng ngôn sứ của mình.

Để tránh gây chia rẽ trong cộng đoàn, linh mục cũng cần tránh xa sự tùy tiện của người lãnh đạo, nhất là trong việc đề cử các ban ngành. Ở nhiều nơi, đã có tình trạng giáo dân tập họp để bầu các ban ngành theo nội quy của giáo xứ. Cha xứ không đồng ý và đã chọn những người khác hợp sở thích của mình. Vì thế, giáo xứ chia rẽ. Một ít theo cha xứ. Số còn lại cho rằng giáo dân được quyền tự quyết trong việc chọn người đại diện của mình. Giáo xứ chia rẽ trầm trọng, người đến nhà thờ thưa dần. Đức Giám Mục phải đổi cha xứ đi nơi khác.

Còn một vấn đề khác rất cần cho tinh thần đoàn kết trong giáo xứ. Thông thường, khi nhận một xứ mới, trong giáo xứ thường có hai khuynh hướng: một theo cha mới và một theo cha cũ. Vì thế, để tránh xung đột xảy ra, cha mới nên dạy cho giáo dân biết tôn kính các linh mục quản xứ trước mình. Đây là một thái độ của những con người trưởng thành. Chúng ta không cần loại trừ người khác, hoặc các công trình của người khác để khẳng định chính mình. Ngược lại, khi có thái độ tôn trọng các vị tiền nhiệm thì giáo dân cũng tôn trọng linh mục quản xứ hiện tại, cũng giống như cha mẹ biết tôn trọng ông bà thì con cái sẽ tôn trọng cha mẹ.

Linh mục là người của Thiên Chúa, nhưng cũng là người của mọi người, nên các ngài cần sống tinh thần hiệp thông hơn bao giờ hết. Khi linh mục sống hiệp thông với Giám mục của mình, với anh em linh mục và với giáo dân là các ngài đang góp phần xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất trong Hội thánh.

Vì thế ước mong các giám mục và linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giêsu trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy chí thánh, biết tôn trọng và phát huy vai trò người giáo dân trong tinh thần đối thoại và cộng tác

TRANG TU SĨ

Ngày nay Giáo Hội đang đứng trước nhiều khó khăn của thời đại, mà nạn phá thai là một trong những thách thức lớn. Trong đó Việt Nam là một trong những nước có tỷ số phá thai cao nhất thế giới.  Đối với Hội Thánh Chúa trước những tệ nạn của xã hội cũng giống như toàn thân thể bị đau nhức do những ung nhọt của chi thể. Là những nữ tu, chúng tôi cùng đồng cảm với những ưu tư thao thức của Giáo Hội Mẹ, đặc biệt để xây dựng Giáo Hội hiệp thông và hiệp nhất nơi mọi người. Chúng tôi cố gắng cống hiến một chút công sức nhỏ bé xây dựng tình hiệp nhất yêu thương đối với mọi người xung quanh.

 

Cùng với sự trợ giúp của những tấm lòng nhân ái, chúng tôi có được "Gia Đình Têrêsa", chiếc nôi nhỏ để bảo vệ sự sống thai nhi và đồng thời cũng là nơi sưởi ấm lại những tâm hồn băng giá do bị tổn thương từ những tệ nạn xã hội gây nên. Gia Đình Têrêsa chúng tôi đã đón nhận hơn ba mươi em gái độ tuổi từ mười hai đến ba mươi lăm, đa số các em là ở tuổi mười bảy đến hai mươi với những hoàn cảnh tương tự..., một phần ba trong số các em là Công giáo, còn lại là không Công giáo. Chúng tôi lắng nghe hoàn cảnh của các em như người bạn cần được sẻ chia để giúp các em thoát ra được sự giày vò của bản thân, lòng oán hận người đã phá hoại cuộc đời mình, nhất là giúp các em can đảm đối mặt với thực tế và có trách nhiệm với đứa con nhỏ đang hình thành trong lòng mình... Đây là một trong những mảnh đời thật thương tâm mà chúng tôi đã gặp trong lúc họ đang tìm cách loại bỏ kết quả lỗi lầm của mình:

- Sao con lại muốn phá thai?

- Ông chủ nói rằng yêu thương con và hứa sẽ lo lắng cho con, nhưng khi con báo cho biết là con có thai thì ông không nhận và còn nói là con có thai với người khác, khi con xác quyết nói đó chính là con của ông thì ông kêu con phá bỏ nó đi ...

- Nhưng đó là con của con, con nở lòng giết hại đứa nhỏ vô tội sao?

- Con cũng không muốn như vậy đâu, nhưng con đang đi làm để giúp cho mẹ và các em ở quê nhà, nếu để bào thai ngày càng lớn dần thì sẽ không đi làm được và còn bị bà con lối xóm chê cười nữa ... giờ con mới thấy rõ ông ấy chỉ lợi dụng con thôi chứ không có một chút tình yêu nào cả !!!

- Con có biết phá thai là một tội ác không? Nó cũng giống như tội giết người, mà đối với người công giáo chúng ta đó là một tội trọng, con có hiểu điều này không?! Con của con nó không có tội, nó cần được yêu thương và sự chăm sóc của con. Con hãy can đảm lên!

- Nhưng con biết đi về đâu và sống như thế nào trong những ngày sinh con, con cũng không có quen biết ai giúp đỡ được .. (khóc...) nhiều khi con muốn chết đi cho rồi nhưng còn mẹ và các em đang trông chờ con đem tiền về ...

- Dì sẽ đưa con đến một nơi để con có thể an tâm dưỡng thai chờ ngày sinh con, nơi đó cũng có những người có hoàn cảnh như con, là Gia Đình Têrêsa do các dì phụ trách.

 

Thật không dễ chút nào vì không phải ai cũng dễ đón nhận và can đảm đối mặt với thực tế, dễ quên đi những tổn hại mà người khác đã gây cho mình, càng khó khăn hơn khi phải tha thứ... nhưng nhờ ơn Chúa giúp và với thời gian các em đã dần cảm nhận được tình thương vẫn còn tồn tại trên thế gian này, các em đã có thể nói ra những u uất trong lòng cho nhau nghe, an ủi động viên nhau vượt qua khó khăn cũng như cảm nhận sự quan tâm và tình thương chúng tôi dành cho các em. Với cố gắng cho các em nhận ra tình yêu Thiên Chúa cũng như lấy lại niềm tin và sức sống, Gia Đình Têrêsa đã giúp các em từ tâm trạng đậm đầy nước mắt đau thương, đến sự an bình qua những tiếng nói cười và sự quan tâm lẫn nhau.  Dì Út là Chị Trưởng trong cộng đoàn, Dì thường hay dạy các em biết thêm về Chúa, Mẹ Maria và Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đấng bảo trợ Gia Đình Têrêsa. 

Đối với những em có đạo thì việc lắng nghe Dì Út dạy là điều cần thiết để nung nóng lại lòng nguội lạnh bao lâu xa cách Chúa, còn đối với các em chưa có đạo thì đây như một khám phá mới, các em tin lời nói của Dì vì đời sống của Dì đã là một minh chứng. Dì thường hay lấy ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu cho các em xem, Dì dạy các em nhìn vào Mẹ Maria để tập cách sống yêu thương dịu dàng của một người mẹ, nhìn vào Chúa Giêsu với khuôn mặt xinh tươi, vui vẻ, hiền lành để có thể sinh ra được một đứa con kháu khỉnh - dễ thương. Các em cũng đã nhận ra được rằng đứa con mà họ đang cưu mang là quà tặng của Chúa, tuy bào thai kia chưa sinh ra nhưng nó đã là một con người, nó có quyền sống và cần được bảo vệ.

 

Khi đọc lại những dòng suy tưởng mà các em viết cho Gia Đình Têrêsa, tôi đã cảm nhận được sức sống mới nơi các em muốn làm lại cuộc đời cho một tương lai tốt đẹp hơn. Có em thỏ thẻ: "Dì ơi, con tưởng rằng cuộc đời của mình đã không còn gì nữa, con không còn người thân nào cả và cũng không dám tin vào bất cứ lời nói của ai nữa... nhưng các Dì đã cho con lại niềm tin, cho con hiểu rằng trên đời này vẫn còn tình thương, còn có nhiếu người tốt, có nhiều người hoàn cảnh đáng thương hơn con... Dù mai này con có đi đến đâu, con sẽ vẫn nhớ đến nơi này và con sẽ sống thật tốt như Dì đã dạy con...".

 

Xây dựng Hội Thánh hiệp thông và hiệp nhất là xây dựng một Hội Thánh yêu thương trong đó mọi người có thể chia sẻ yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và từ đó tình yêu lan rộng đến những người chung quanh. Vâng, chung quanh chúng ta có rất nhiều mảnh đời và mỗi mảnh đời đều có hoàn cảnh đau thương của nó, sự hiệp thông và hiệp nhất kêu gọi chúng ta vui lòng hiến thân phục vụ cho tha nhân, hay nói khác đi hiến thân phục vụ tha nhân cũng là một cách để xây dựng Hội Thánh hiệp thông và hiệp nhất.

 

MTG CÁI NHUM

 CÓ PHẢI ĐI TU LÀ DỨT BỎ TÌNH THÂN?

 

Ngày tôi rời gia đình, dâng hiến tuổi xuân cho Chúa trong Hội Dòng, tôi nghĩ rằng đó là ngày tôi quyết định từ giã nơi tôi đã được sinh ra, được nuôi nấng và lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của những người thân, bỏ lại cha mẹ, anh chị em và cắt đứt mối liên hệ với mọi người... để lo một việc duy nhất là tu thân, trở nên một nữ tu hiền lành, thánh thiện... Vậy là đủ! 

Thế nhưng khi đã vào nhà dòng, được sống chung với chị em và được học hỏi về đời tu, tôi mới ngộ ra rằng những ý nghĩ đó là hoàn toàn sai. Trong nhà dòng, lời cầu nguyện, Thánh lễ và những hy sinh đều ưu tiên cho gia đình.  Lúc nào tôi cũng có thể nhớ và cầu nguyện cho gia đình và người khác.  Những ưu tư lo lắng của người thân, tôi đều có thể chia sẻ, không phải một cách gián tiếp nhưng là trực tiếp, vì tất cả những vấn đề nan giải tôi đều dâng cho Chúa, và "Đối với Chúa, không có gì là không thể làm được" (Lc 1, 37). Lòng tin này một phần rất lớn đã khuyến khích, nâng đỡ và vun đắp ơn gọi của tôi hơn hai mươi năm qua.

 

Bằng chứng là nhiều lần tôi phải đã muốn bỏ cuộc do khủng hoảng tinh thần, khi đối diện với những thiếu thốn về vật chất và tinh thần của gia đình...  Nhờ lòng cậy trông vào Chúa và kiên trì cầu nguyện, kết quả là mọi khó khăn đều qua đi, gia đình được an vui, cha mẹ và người thân đều ủng hộ ơn gọi của tôi. Thế là tôi vững tâm tiến bước... Càng lớn lên trong đời tu và mối hiệp thông với Thiên Chúa, tôi nhận thấy tình gia đình càng khắn khít hơn, đậm đà hơn. Tôi biết mình càng phải sống hết tình cho Chúa và Giáo Hội, trong sự hiệp thông không thể thiếu giữa ơn gọi và tình thân.

 

Dựa vào lời Chúa "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi" (Lc 14, 26),  nên có nhiều người lầm tưởng rằng: đi tu là phải dẹp bỏ hoàn toàn mối liên hệ mật thiết với gia đình thì mới xứng đáng với Chúa.  Nhưng theo kiểu nói của người Do Thái, sự dứt bỏ (hay ghét bỏ trong một số bản dịch khác) phải hiểu là yêu ít hơn như trong Phúc Âm Thánh Matthêu ghi lại: "Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy" (Mt 10, 37).  Chúa Giêsu muốn người môn đệ phải đặt Chúa lên hàng ưu tiên, hơn cả cha mẹ trong bậc thang giá trị của loài người, chứ không phải cắt đứt tình hiệp thông với gia đình trong khi dâng mình phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội.

Thật vậy, đi tu không phải là cắt đứt tương quan với gia đình.  Trái lại, người đi tu phải là những người luôn biết gìn giữ và tăng triển tình hiệp thông đối với những bậc sinh thành và người thân trong chính đời dâng hiến của mình.  Vì gia đình là không thể thiếu đối với một con người. Vả lại, nơi gia đình, con người được hấp thụ những tinh hoa của sự sống, một sự sống đầy đủ được thông truyền bởi Thiên Chúa. 

 

Gia đình cũng là trung tâm của nền tảng tâm linh mà con người được lãnh nhận đầu tiên từ cha mẹ. Cũng vậy, tình gia đình và những liên hệ tình thâm không thể tách rời khỏi đời sống của những người tận hiến.  Một tu sĩ trung thành của Chúa và đắc lực của Giáo Hội phải là một người có tình cảm và gắn bó với người thân. Vì khi chúng ta biết trân trọng huyết nhục tình thân trong gia đình thì mới có thể hết tình yêu mến tha nhân, và hăng say, dấn thân trong việc phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội.  Chính khi đó, chúng ta mới chu toàn luật Chúa và hiệp thông với anh chị em.

 

Giáo Hội trở nên hiệp thông thật sự khi những người con của Giáo Hội là những con người biết sống tình hiệp thông: hiệp thông với Chúa và với nhau. Người tín hữu một khi đã sống tốt giới răn Chúa dạy: "Hãy thảo kính cha mẹ", sẽ là người biết sống cho Chúa và Giáo Hội. Và ngược lại, người sống đời tận hiến một khi đã sống tốt mối hiệp thông với Chúa và trách nhiệm với Giáo Hội, thì cũng là người con thảo hiếu trong gia đình và hiệp thông với anh chị em. Nhờ đó, tình hiệp thông trong Giáo Hội ngày càng được duy trì và phát triển.  

 

MTG CÁI MƠN

TRANG SỐNG ƠN GỌI

XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

 

Nói đến đời sống cộng đoàn, thiết nghĩ đó là một khái niệm hết sức quen thuộc đối với mọi người, nhất là những người đang theo đuổi ơn gọi tu trì tại các dòng tu, tu hội. Nhưng trong thực tế chúng ta khó mà hiểu hết được ý nghĩa và trách nhiệm trong đời sống cộng đoàn. Vấn đề hiểu thôi đã khó rồi huống chi là vấn đề sống như thế nào lại càng khó hơn! Với những năm tháng sống trong Dòng cùng với những điều đã được học hỏi, tìm hiểu qua sách vở. Sau đây tôi xin mạn phép được chia sẻ để phần nào giúp chúng ta hồi tưởng lại những ngày tháng qua mình đã sống, làm như thế nào trong cộng đoàn nơi mình sống và tìm cách làm cho cộng đoàn mình đang sống ngày càng trở thành cộng đoàn của Đức Tin, một cộng đoàn huynh đệ yêu thương bước theo dấu chân Thầy Chí Thánh.

 

Trước tiên, chúng ta phải biết cộng đoàn là gì?

 

Theo xã hội học, người ta phân biệt đám đông (crowd), nhóm (group) và cộng đoàn hay cộng đồng (community). Vậy cộng đoàn là tập hợp một số người cùng sống chung với nhau những quan hệ bền vững mà mục đích chính không phải là một công việc, nhưng là sự gặp gỡ và đón tiếp lẫn nhau; tuy họ sống chung cho một lý tưởng, một mục đích, nhưng điều căn bản hơn là họ thường hướng về nhau, và không phải chỉ sống bên nhau mà còn sống với nhau. Cộng đoàn tiên khởi của chúng ta là gia đình, trong đó moi người đều chăm lo làm ăn xây đắp gia đình được ấm no, hạnh phúc.... Lý do cộng đoàn này tồn tại là cuộc chung sống, là đón nhận và yêu thương lẫn nhau, chia sẻ với nhau đời sống vật chất và tinh thần. Tiếp đến là cộng đoàn gia tộc, gắn liền với nòng cốt gia đình. Đi xa hơn một chút nữa, ta có cộng đoàn giáo họ, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận..., cộng đoàn Giáo hội hoàn cầu. Ta có thể nói tới những cộng đoàn bạn bè, liên kết với nhau do thiện cảm và chọn lựa. Thường loại cộng đoàn này không bền vững lắm, nên chỉ là cộng đoàn theo nghĩa rộng. Nhưng ngày nay, khi nói đến cộng đoàn là người ta thường nói đến các cộng đoàn Dòng tu. Như thế, khi nói đến cộng đoàn tu sĩ (dòng tu) ta biết đó là cộng đoàn đức tin, vậy để nhận ra đúng bản chất của nó thì chỉ bằng con mắt đức tin. Cộng đoàn tu sĩ được qui tụ lại nhân danh Chúa Kitô và chung quanh Chúa Kito là Đấng mà các thành viên quyết đi theo. Như trong huấn thị Những Yếu Tố Cốt Yếu viết ở Phần II, số 18 có ghi: "Sự thánh hiến tu trì thiết lập một sự hiệp thông đặc biệt giữa tu sĩ với Thiên Chúa, với các thành viên của tu đoàn. Mà vì tu sĩ được thánh hiến cho Thiên Chúa trong Đức Kito, nhờ tham dự vào sự thánh hiến của Đức Kito, cho nên có thể nói cách khác, rằng sự hiệp thông tu trì là một sự hiệp thông trong Đức Kito".

 

Để cộng đoàn tu trì ngày càng thêm vững mạnh, thiết nghĩ điều kiện cần là phải có thái độ thiêng liêng: phải luôn coi cộng đoàn mình là một cộng đoàn đức tin. Vì mỗi người chúng ta là một nhân vị, Chúa mời gọi mỗi người mỗi cách, vì thế để cộng đoàn trở nên có ý nghĩa thì mỗi thành viên luôn phải đặt Chúa là tâm điểm trong cuộc sống với một ý chí vững mạnh vào Ngài bước đi theo Người và thuộc trọn về Người. Đặc biệt, là qua thánh lễ và kinh nguyện hàng ngày, vì qua thánh lễ chúng ta đón nhận của ăn thần thiêng nuôi sống linh hồn chúng ta và cộng đoàn chúng ta. Chính những của ăn này làm cho đời sống cộng đoàn phát triển bền vững, tạo mối dây liên kết với Thiên Chúa và với mọi người còn sống cũng như đã qua đời. Trong đời sống cộng đoàn mọi người đều được mời gọi đào sâu đời sống cầu nguyện để kết hợp với Chúa qua cây Thập Giá và liên kết với anh em qua lời kinh, lời cầu cho sự hợp nhất, yêu thương. Thử hỏi một cộng đoàn mà lơ là trong việc đọc kinh, cầu nguyện chung và tham dự thánh lễ hàng ngày thì hỏi có tồn tại sao được?  Cũng như con người chúng ta nếu bỏ lơ việc ăn uống thì sống làm sao nổi.

 

Cũng chính qua thần lương nuôi dưỡng linh hồn ta và làm cho ta được biến đổi qua cuộc sống thường ngày, và được thể hiện qua cuộc sống tình huynh đệ. Tôi xin được mượn lời của Thánh Phaolo: "Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo" (Cl 3, 12-14).  Thiết nghĩ đây cũng là những tâm tình mà mỗi người chúng ta phải nuôi dưỡng và phát triển nơi bản thân:

- Hãy có lòng thương cảm: là chúng ta phải biết rung nhịp cùng những khổ đau, yếu đuối cũng như những những niềm vui nỗi buồn của anh em mình.

- Lòng nhân hậu: là lòng tốt, thiện ý thiện tâm đối với kẻ khác, là luôn luôn nghĩ tốt cho người khác, luôn mong ước tìm lợi ích và niềm vui cho anh em mình, có sự tin tưởng, và không lên án anh em khi anh em mắc lỗi.

- Khiêm nhu: là điều kiện của mọi tình yêu chân thành. Có tinh thần khiêm nhu, chúng ta sẽ tránh được óc phê phán người anh em mình và luôn coi mình là kẻ hèn mọn.

- Hiền hòa: tính hiền hòa đi theo sự đơn sơ, vui vẻ, rộng rãi, dễ dãi với người khác.

- Sự nhẫn nại: là sức giai bền trong sự chịu đựng những gì mà người khác xúc phạm tới mình. Có người hễ bị xúc phạm chỉ bởi một lời nói đùa, một câu nói vô ý... là tỏ vẻ giận hờn, đỏ mặt tía tai. Như thế là thiếu nhẫn nại. Chúng ta phải chống lại những khuyết điểm đó, phải biết tự chủ, học cho biết lướt thắng những xúc động như thế. Chúng ta phải rèn luyện mình như các vận động viên đấm bốc để quen chịu va chạm, thậm chí cả những cú đấm knock out mà không than vãn, kêu ca, không thể để cho đau khổ đánh bại mình. Chúng ta phải luôn là cây cổ thụ chứ đừng là cây xấu hổ, hễ đụng tới là quắp lại.

- Chịu đựng lẫn nhau: mỗi người chúng ta là một nhân vị, mỗi người một tính cách, sở thích... khác nhau. Vì thế, sự chịu đựng lẫn nhau là rất cần thiết. Như Thánh Phaolo tông đồ gửi tín hữu Galata (6, 2): "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là chu toàn luật Đức Kito". Như vậy khi chúng ta hiểu biết được ai cũng có gánh nặng, thì chúng ta mới biết nâng đỡ nhau và đừng chất gánh nặng lên người khác. Và hãy luôn nhớ rằng những người anh em cũng đang phải chịu đựng ta và nhất là Chúa vẫn luôn chịu đựng ta.

- Yêu thương và tha thứ cho nhau: cộng đoàn là Hội thánh Chúa Ki-tô thu nhỏ, trong cộng đoàn mọi người đựơc mời gọi yêu thương và tha thứ cho nhau như Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta "các con hãy tha thứ không những bảy lần nhưng mà là bảy mươi lần bảy " và " hãy yêu thương tha nhân như chính mình".Vì là con người ai cũng có lúc yếu đuối, sa ngã, xúc phạm tới tha nhân. Vì thế chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy thừa nhận rằng mình cũng yếu đuối như bao người khác mà thậm chí còn hơn. Nhưng chúng ta đã được tha thứ từ chính Chúa Giêsu. Cho nên chúng ta cũng hãy tha thứ cho những anh em mình và yêu thương anh em mình như chính mình vậy. Hãy coi nhau như là anh em trong cùng một gia đình, như Cha thánh Phanxico có nói mỗi người hãy coi anh (chị) em là một ân huệ Chúa ban cho, và mình thật lòng vui mừng vì có họ ở với mình. Hãy đùm bọc, che chở cho nhau, đừng đem những chuyện không tốt về cộng đoàn mình mà đi nói với người khác.

 

Nói tóm lại, tất cả các đức tính trên đều được Thánh Phaolo nói trong Thư 1 Cr 13: "Đức mến thì thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vêng vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả...".

 

Đời sống cộng đoàn là một ân ban mà Thiên Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không. Bởi thế, chúng ta đừng tự vạch ra cho mình một lý tưởng về tình huynh đệ, đời sống chung theo ý kiến của mình để chúng ta khỏi rơi vào tình thế bi quan tiêu cực vì lý tưởng quá xa vời và mơ hồ. Song chúng ta phải biết cầu xin Thiên Chúa ban cho mình và anh (chị) em biết đón nhận và làm phát triển những ân ban đó. Và chính đời sống cộng đoàn sẽ giúp cho chúng ta không cảm thấy cô đơn, chán nản khi đồng hành với anh (chị) em, cùng nhau cất lên những lời kinh tiếng hát và cùng nhau chia sẻ một tấm bánh là chính Mình Máu Đức Ki-tô. Hy vọng và cầu chúc mỗi người chúng ta luôn được đầy tràn ân thiêng của Chúa, và xin sức mạnh và tình yêu Chúa trợ lực mỗi người chúng ta, để chúng ta luôn biết hy sinh, chịu đau, chịu thương để người khác cắt tỉa những cái hư, những tật xấu, nhằm loại bỏ cái tôi ích kỷ, tội lỗi của chính mình, để trở thành những phần tử ưu tú trong cộng đoàn, Giáo Hội và xã hội như lòng Chúa mong ước.

Sưu Tầm

TRANG GIỚI TRẺ

TUỔI TRẺ - ĐỨC TIN - CUỘC SỐNG

TẠI SAO LẠI ĐI LỄ CHÚA NHẬT?

 

1. Ngày của Chúa

Chúa nhật có phải là một ngày như bao ngày khác? Thưa không. Đã hẳn là mọi ngày đều thuộc về Chúa. Trong đời ta, đã có hàng ngàn Chúa nhật, và kể từ khi thế giới được tạo dựng, đã có hàng tỉ Chúa nhật.

 

Tuy nhiên giữa hàng ngàn và hàng tỉ Chúa nhật này, xét cho cùng chỉ có một ngày đáng kể: đó là ngày Đức Kitô Phục sinh, một ngày của lễ hội và vui mừng. Thế nhưng, chúng ta đã làm mất đi ý nghĩa của Chúa nhật.

Từ thời đầu tiên của Kitô giáo, sau ngày lễ Ngũ tuần, các Kitô hữu có thói quen hội họp nhau lại vào ngày đầu tuần, tức là ngày Chúa nhật, để tưởng nhớ Đấng đã sống lại. Ngày đó, hơn mọi ngày khác, họ đặc biệt nhớ lại việc Đức Kitô chiến thắng tử thần và Người đang sống vĩnh viễn với các Kitô hữu. Họ cho đó là một việc sinh tử đối với đời sống thiêng liêng của mình, đến độ ngưng hết mọi hoạt động để gặp gỡ nhau như anh em trong đức tin. Và họ sẽ thực sự gặp Đức Kitô hằng sống ở đâu, nếu không phải trong phép Thánh Thể?

Trong lúc quy tụ nhau lại như thế, họ luôn ý thức rằng mình đang xây dựng Hội thánh, là Dân mới của Thiên Chúa, là cộng đoàn của Chúa Kitô - chữ Hội thánh muốn nói đến một tập thể quy tụ lại - gồm nhiều người khác nhau về tuổi tác, văn hoá, nghề nghiệp, giai cấp xã hội. Và tại các buổi họp Chúa nhật này, họ cũng thường dẫn theo các Kitô hữu trẻ tuổi.

 

2 . Ý nghĩa của Chúa nhật

Giáo hội lấy Chúa nhật làm ngày nghỉ ngơi. Đó là 24 giờ để sống vô cầu. Lúc đó, nếu có làm việc thì không phải để kiếm tiền, mà là để tiêu khiển, để tìm được niềm vui khi sáng tạo một cái gì đó. Chúa nhật là ngày ta dành thờ giờ để sống và để nghỉ ngơi. Đa số trong chúng ta đều có nhu cầu cần được giải phóng trong một vài tiếng đồng hồ khỏi những điều cưỡng chế để có thể thoát khỏi những lo âu và bận rộn của mình.

 

Chúa nhật cũng là ngày chia sẻ niềm vui. Một niềm vui xuất phát từ sự xác tín rằng Đức Kitô đã sống lại và chúng ta cũng sẽ sống lại. Chia sẻ niềm vui; dành thời giờ để sống, nghĩa là gặp gỡ tha nhân, lối xóm và bạn bè. Đó là dịp để vợ chồng chuyện trò với nhau thân mật hơn, để các thành phần trong gia đình lắng nghe nhau một cách chăm chú hơn. Đó là ngày để ta thăm viếng những người đang đau khổ vì cô đơn: những ông bà lớn tuổi, những bạn bè đau ốm...

 

Trên hết, Chúa nhật là một ngày ta được tự do để dâng hiến một khoảng thời gian cho Chúa. Ta dành ra một lúc dài hơn để cầu nguyện và suy gẫm. Giáo hội mãi mãi không quên ngày Chúa nhật đầu tiên, ngày Đấng sáng lập Giáo hội đã sống lại, và vì thế Giáo hội đã lấy ngày Chúa nhật làm ngày quy tụ tất cả mọi người lại chung quanh Đức Kitô hằng sống qua việc cử hành Thánh Thể. Trong ngày đó mọi người ra khỏi nhà để đến gặp các bạn đồng đạo khác và cùng cử hành việc Đức Giêsu sống lại. Không chỉ là một giờ đơn giản trong 168 giờ của tuần lễ, đây là một giờ để sống với Đức Kitô nhằm củng cố đức tin của ta: nhờ đó ta thêm xác tin rằng Đức Giêsu Kitô đã đem lại cho cuộc đời một ý nghĩa, cái chết là một ngưỡng cửa phải đi qua, sống là khám phá ra khả năng yêu thương của mình.

 

Sau hết, Chúa nhật là một trạm tiếp sức cho ta trên đường hy vọng, là một sự nếm trước cuộc sống tương lai, ở đó Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ trong mắt mọi người, sẽ không còn than van, cũng chẳng còn khóc lóc nữa, Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự. Chúa nhật là ngày thực hiện trước ngày lễ vĩnh cửu trong Nước Trời (x. Cv 21,4).

 

Trên đây là giá trị nhân bản và giá trị Kitô giáo của Chúa nhật trong cái nhìn đức tin. Quả thật, ngày hôm ấy phải trở thành một thời gian rạng rỡ vui mừng, giúp ta phát triển toàn vẹn thân xác, tâm trí và linh hồn. Chúng ta đã sống ngày đó như thế nào? Như một ngày mệt mỏi và trì trệ.

 

3. Thánh lễ có cần thiết không?

Xưa kia người ta đi lễ vì đó là luật lệ của xóm làng. Ngày nay, đi lễ hay không càng lúc càng trở thành một quyết định, một sự lựa chọn, một sự tham gia, một dấn thân. Dĩ nhiên Giáo hội luôn duy trì luật buộc mọi Kitô hữu phải tham dự thánh lễ Chúa nhật - hoặc thánh lễ cử hành sớm lên, vào chiều thứ bảy trước đó. Đây vẫn là một bổn phận quan trọng của người Kitô hữu.

 

Thế nhưng điều thiết yếu, nhất là đối với giới trẻ, là hiểu được tầm quan trọng căn bản của phép Thánh Thể. Nếu người ta chỉ thấy đó là một nghi thức thêm vào trong cuộc sống mà không khám phá ra ý nghĩa sâu xa của nó, nếu người ta dừng lại ở khía cạnh bên ngoài của luật buộc, lúc bấy giờ thánh lễ trở thành một gánh nặng vô nghĩa. Người ta không còn nhận ra thánh lễ có một vai trò không thể thay thế được để sống một đức tin chân chính vào Đức Giêsu Kitô trong Giáo hội. Chẳng phải vì buộc đi lễ nên thánh lễ có tầm quan trọng đến thế. Nhưng chính vì nó có tầm quan trọng sinh tử mà nó trở nên cần thiết, không thể thiếu được đối với người Kitô hữu, tựa như ta cần lương thực để sống, cần hiện diện để yêu thương vậy.

 

Sau đây là câu hỏi đích thật mà ta cần đặt ra cho mình: Đức Kitô vẫn luôn luôn sống phải không? Ta có đáng bỏ công đến gặp các tín hữu để cùng nhau tìm gặp Người chăng? Tóm lại, vấn đề là biết mình có muốn sống như một Kitô hữu hay không.

 

QUESTIONS SUR LA VIE ET LA FOI của Jacques Lacourt

Imprimatur:

Đức Cha G. VANEL, Tổng Giám Mục Auch. 23.03.1990

Nguồn: dunglac.org

 

TRANG GIA ĐÌNH

XÂY DỰNG HỘI THÁNH VIỆT NAM NHƯ MỘT GIA ĐÌNH

Ông Trùm nói với ông Biện: "Bữa Chúa nhật hổm, tôi nghe Cha sở đọc chậm rãi "Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010, Ngài đọc số 5 như sau: "Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nổ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong gia đình ấy:

* Mọi Kitô hữu, Giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà.

* Mọi người đều bình đẳng với nhau trên nền tăng ơn gọi làm người trong thê giới và làm con Chúa trong lòng Hội Thánh.

* Mọi người cùng chia sẻ sứ mạng và trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, nhưng thể hiện những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi của Chúa Kitô, vì chính người tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha, vừa là bằng chứng mà hội Thánh phải sống để trình bày cụ thể trước mặt mọi người như chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện: "Xin cho họ nên Một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con."(Ga 17,21) Có phải không ông Biện? Ông Biện trả lời: "Bữa hổm, Cha sở đọc đoạn văn ngắn, sao bữa nay ông Trùm nhắc lại nó dài dữ vậy!nhưng có điều là nội dung ông vừa nói tôi nghe dễ hiểu hơn cái mà Cha sở đọc. Ồ! Tôi nghĩ ra rồi: nội dung ông vừa nhắc lại vừa nằm trong bản văn vừa có phần Cha sở cắt nghĩa. Chung qui như Cha sở nói Gia đình Ba ngôi hiệp nhất và hiệp thông với nhau, mỗi Ngôi có trách nhiệm riêng, nhưng Ba Ngôi cũng làm việc chung với nhau, thật đoàn kết, thật thống nhất. Gia đình Hội Thánh Việt nam, mọi Kitô hũư đều hiệp thông và hiệp nhất, đồng tâm nhất trí làm tròn trách nhiệm của mình để đoàn kết cộng tác với nhau hầu nên Một trong Chúa Ba Ngôi."

 

Ông Biện hỏi: "Làm sao có thể xây dựng Hội Thánh Việt Nam như một gia đình?" .Ông Trùm vò tóc, bứt tay rồi nói: " Nói thì vậy chứ làm đâu có dễ. sứ điệp viết: "ước mong bầu không khí huynh đệ nghĩa tình đậm đà thắm thiết giữa các thành phần Đại Hội Dân Chúa: Giám Mục, Linh Mục tu sĩ, Giáo dân già trẻ lớn bé, đủ mọi thành phần, nghề nghiệp, công tác, được lan toả rộng rãi và thấm sâu vào đời sống Hội Thánh tại Việt nam ở mỗi cấp độ, trong mỗi gia đình, mỗi giáo sứ,mỗi dòng tu, mỗi giáo phận như những làn sóng nhấp nhô ngoài biển cả đi về đâu?"

 

Ông Trùm bình tĩnh nói tiếp: " Mấy hôm rầy, sau bữa ăn tối, tôi với bà nhà và đứa con trai lớn của tôi bàn bạc với nhau về vấn đề này, thằng Hai nói: "Ba má thấy không, mọi người trong gia đình ta mà không thực lòng yêu nhau thì mỗi người trong gia đình ta có hợp tác với nhau chặt chẽ được không? Giữa ba má với nhau cũng có rắc rối, giữa chúng con với nhau còn rắc rối hơn nữa. Mọi rắc rối được giải trừ khi ba má thực tâm yêu nhau, hy sinh cho nhau, chỉ muốn hạnh phúc cho nhau, chỉ muốn làm đẹp lòng nhau. Lúc đó, có những khó khăn nào mà ba không đương đầu, có những vất vả cực nhọc nào mà má không cam chịu, ba sẵn sàng gánh cho má, má sẵn sàng đỡ cho ba , trong hoàn cảnh như vậy tình thương là tất cả, ba với má không còn là hai mà là một, một sự hiệp thông thân mật từ gốc lên tới ngọn. Giờ đây, giữa ba má và chúng con, ba má lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh chịu cực khổ vì chúng con, miễn là chúng con ngoan ngoãn, dễ thương, thành công trong học hành, tốt đẹp trong sống đạo, sống có nhiều nghĩa tình, biết cảm thông với cha mẹ nghèo khó, chữ nghĩa chẳng bao nhiêu, danh phận chẳng hơn người, chịu thương chịu khó để đỡ đần cha mẹ, hy sinh lam lũ để nuôi dưỡng, an ủi, làm hãnh diện tuổi già. Chính lúc ấy, cha mẹ và chúng con là một, một sự hiệp thông, đoàn kết không phân rẽ người lãnh đạo và kẻ phải phục tùng. Chúng con làm thay cho cha mẹ tất cả những gì mà chúng con có thể. Chúng con sung sướng và hãnh diện vì chúng con là con của cha mẹ và cha mẹ rất sung sướng và hạnh phúc vì có đàn con như chúng con.

 

Rồi giữa anh chị em chúng con với nhau, chúng con ý thức chúng con là con cái của ba mẹ, mỗi đứa được sinh ra, được ba mẹ nuôi dưỡng giáo dục từng ly từng chút, con thương từng đứa em, chăm nom, dắt dìu, hướng dẫn, chúng con là phần thân thể của nhau. Là anh là chị chúng con hy sinh cho em út, sẵn sàng chịu thiệt thòi lo cho các em sống vui, sống khoẻ,. Khi may lành sung sướng, chúng con biết chia sẽ cho nhau, khi đớn đau bệnh tật, hay gặp điều không tốt, chúng con biết an ủi, nâng đỡ, hỗ trợ và khuyến khích nhau. Chúng con luôn luôn tôn trọng, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, lấy hạnh phúc của anh chị em là hạnh phúc của mình. Ba má thấy anh em chúng con không phân bì , ghen tương, ganh ghét nhau, luôn hãnh diện vì nhau, luôn vui sống bên nhau, những dịp gia đình sum họp như ngày Tết, những ngày lễ lớn của Chúa, những ngày kỷ niệm Sinh Nhật, Bổn Mạng, Ngày Cưới của ba mẹ, ba mẹ thấy chúng con đồng tâm nhất trí, cộng tác với nhau thế nào, gần 30 con cháu sum vầy bên ba mẹ như một, chúng con phải nhìn nhau để chia sẻ và nâng đỡ nhau. Đến giờ phúc này, trong bầu khí yêu thương và hiệp nhất của gia đình, chúng con đồng lòng làm mọi việc vì vinh quang Thiên Chúa, vì sự an vui hạnh phúc và vinh dự cho ba mẹ, vì phần rỗi cho mọi người. Ba mẹ chúng con là ông bà Trùm của họ đạo chớ bộ. chúng con hiệp lực yểm trợ ba mẹ cống hiến thật tốt cho Chúa. Cho Hội Thánh cho họ đạo thân yêu của chúng con."

 

"Giờ đây con trộm nghĩ, họ đạo, giáo phận và Hội Thánh Việt Nam muốn trở thành cộng đồng hiệp thông, hiệp nhất thì mọi thành viên Kitô hữu giáo sỹ, tu sĩ, giáo dân cũng phải biết sống đúng ơn gọi và  chu toàn trách nhiệm trong vị trí của mình mà đóng góp tài năng, công sức, của cải và cả lòng đạo đức thánh thiện cho cộng đồng. Thành công và vinh quang cùng chia, thất bại và tủi nhục cùng chịu, tất cả sống cho Chúa, tất cả sống cho nhau và cho mọi người".

 

"Ông Biện thấy không ! Thằng Hai con tôi nó cũng có nhận định hay, tôi ước mong họ đạo mình là một gia đình sống động, hạnh phúc. Giáo phận mình cũng là một gia đình ấm êm, thánh thiện, đạo đức, Hội Thánh Việt Nam là một gia đình hiệp nhất, yêu thương trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi". Ông Trùm nói với ông Biện như thế, và cả hai ông cùng ước mong "Các Giám Mục và các Linh Mục Việt Nam không chỉ những người quản trị giỏi, nhưng trước hết là người của Chúa và là những  Mục Tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giêsu trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy Chí Thánh, biết tôn trọng và phát huy vai trò người giáo dân trong tinh thần đối thoại và cộng tác".

 

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

 

Bài 3. VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ CỦA GIÁO LÝ VIÊN

 

I.     Vai trò của giáo lý viên.

1. Vai trò là gì?

Trong bài trên ta đã biết căn tính giáo lý viên thuộc xứ truyền giáo gồm 4 yếu tố đó là:

- Được Chúa Thánh Thần kêu gọi

- Được Hội Thánh trao cho một sứ mệnh

- Được cộng tác với nhiệm vụ tông đồ của Giám Mục,

- Được liên kết đặc biệt với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh cho muôn dân.

Vì có căn tính như vậy, giáo lý viên phải hiểu rõ vai trò của mình trong hoạt động truyền giáo.

 

Ví dụ: như khi diễn kịch thì mọi diễn viên phải nhận một vai diễn: vai chính, vai phụ... rồi trong xã hội mỗi người có một vai trò: vai trò lãnh đạo, vai trò quản lý. Vai trò là chức năng, là tác dụng và nhiệm vụ mà mỗi người hay một vật nào đó phải thể hiện để làm cho có sự biến đổi hay hoạt động, như vai trò của trái tim trong tuần hoàn của máu là bơm và hút cho máu lưu thông.

 

2. Vai trò của giáo lý viên là gì?

Trong hoạt động truyền giáo, vai trò của giáo lý viên là chức năng, là nhiệm vụ và tác dụng phải lo, là quyền lợi và trách nhiệm loan báo cho mọi người biết Tin mừng của Chúa Kitô bằng mọi phương thế thích hợp như là: Lời nói, việc làm và cả đời sống bản thân nữa.

 

II.   Vai trò giáo lý viên thuộc xứ truyền giáo

Rất phong phú và đa dạng.

 

1. Lý do

Thường ta chỉ nghĩ rằng giáo lý viên có vai trò lo dạy giáo lý cho trẻ em, quan niệm này rất phổ biến trước Công đồng Vatican II (1963). Công đồng này đã xác định: "Việc dạy giáo lý phải thực hiện chu đáo cho các thiếu nhi, cho các thanh niên và cho cả những người đã trưởng thành", đây là nói đến giáo lý viên ở xứ đạo lâu đời.

 

Còn giáo lý viên ở xứ truyền giáo thì có vai trò: "Loan báo Tin mừng lần đầu tiên nhằm khêu gợi đức tin, giúp tìm ra lý lẽ để theo đạo, tập cho quen sống đời sống Kitô hữu, giúp hội nhập vào cộng đoàn ở địa phương". Riêng giáo lý viên ở Việt Nam thì không bao giờ được quên là còn 93% đồng bào chưa biết đến Tin mừng. Đặc biệt ở Giáo phận Banmêthuột thì còn 97% nữa, mà tình hình loan báo Tin mừng rất khó khăn.

2. Phong phú và đa dạng thế nào?

 

Vai trò giáo lý viên thuộc xứ truyền giáo được liên kết với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh, nên vừa phong phú và đa dạng.

Trước hết, bao gồm toàn bộ việc công khai truyền giảng sứ điệp Kitô giáo: loan báo đầu tiên, giới thiệu, trao đổi về lý do muốn làm dự tòng.

 

Tháp tùng dự tòng để dẫn bước họ dần dần vào việc tuyên xưng đức tin và lãnh các bí tích, rồi hội nhập vào Giáo hội để cùng nhau làm chứng cho Đức kitô.

3. Hội Thánh mô tả và đề cao vai trò phong phú và đa dạng của giáo lý viên: giáo lý viên là gì?

 

Hội Thánh muốn cho mọi mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về vai trò phong phú và đa dàng giáo lý viên thuộc xứ truyền giáo để mọi người dễ nhất trí với nhau trong việc xác định vai trò của giáo lý viên và tổ chức công việc cho hài hoà.

III.   Giáo lý viên là ai?

1. Tông điệp "sứ vụ Đấng Cứu độ" của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: "Những cán bộ chuyên trách, những chứng tá trực tiếp, những người Phúc âm hoá không thể thay thế, tượng trưng cho sức mạnh cơ bản của cộng đoàn Kitô giáo, đặc biệt là các cộng đoàn trẻ".

 

2. Giáo luật khoản 785/1 dạy: "Những giáo dân được huấn luyện thích đáng và trổi vượt về đời sống Kitô giáo, để dưới sự hướng dẫn của các vị thừa sai họ dấn thân giảng dạy giáo lý Phúc âm, tổ chức các cử hành Phụng vụ và các việc bác ái". Sổ tay hướng dẫn về giáo lý viên có dạy: "giáo dân" được Hội Thánh uỷ thác cách đặc biệt, theo nhu cầu địa phương, để giúp những người chưa biết Đức Kitô và cả tín hữu nữa, có thể nhận biết yêu mến và bước theo.

 

Ngoài ra bộ Phúc âm hoá còn dựa theo tông huấn "Kitô hữu giáo dân" để nhắc các mục tử có thể trao cho giáo lý viên giáo dân làm những việc không thuộc riêng chức thánh như: thi hành tác vụ Lời Chúa, chủ toạ buổi cầu nguyện, rửa tội, cho rước lễ tuỳ theo các qui tắc, luật định vai trò giáo lý viên giáo dân đặt nền tảng trên bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối nữa.

 

IV. Các nhiệm vụ

Bộ Phúc âm hoá đã dựa theo thực tế để nêu lên các nhiệm vụ một cách tổng quát giúp ta thấy được tình hình hiện tại.

 

1. Nhiệm vụ chuyên trách về giáo lý như giáo dục đức tin cho giới trẻ và người lớn.

- Chuẩn bị cho các dự tòng và gia đình họ nhận các bí tích khai tâm vào Kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể)

- Cộng tác vào những sáng kiến để ủng hộ họ và củng cố các giáo lý viên như việc tĩnh tâm, cuộc giao lưu.

 

2. Nhiệm vụ cộng tác trong rất nhiều hình thức tông đồ với các thừa tác viên có chức thánh, tuỳ theo quy định của các ngài:

a. Từ việc loan báo Tin mừng lần đầu cho những người chưa theo Kitô giáo đến việc dạy giáo lý cho dự tòng, linh hoạt việc cầu nguyện trong cộng đoàn, đặc biệt là việc Phụng vụ Chúa nhật khi có linh mục.

b. Từ việc giúp đỡ các bệnh nhân cho đến việc cử hành nghi lễ an táng.

c. Từ việc huấn luyện các giáo lý viên khác cho đến việc tháp tùng giáo lý viên tự nguyện và hướng dẫn các sáng kiến mục vụ. Từ việc thăng tiến con người và công lý cho việc trợ giúp người nghèo và các hoạt động khác có tính cách bác ái xã hội.

d. Việc dạy giáo lý ở các xứ đạo

 

3. Nhiệm vụ tuỳ theo giới tính và tuổi tác:

e. Đàn ông có gia đình xem ra thích hợp với nhiệm vụ làm linh hoạt viên cho cộng đoàn giống như nhiệm vụ gia trưởng.

f. Phụ nữ có nhiệm vụ thích hợp hơn với việc giáo dục trẻ em và thăng tiến nữ giới.

g. Người trưởng thành đã lập gia đình có nhiệm vụ làm chứng chắc chắn cho giá trị hôn nhân.

h. Người trẻ có nhiệm vụ tiếp xúc với thanh niên, thiếu niên.

TRANG QUỚI CHỨC

ÔNG BIỆN

 

Trong thành phần Ban Quới Chức, các Ông Biện chiếm số  đông hơn cả.

 

Theo từ điển tiếng Việt,  "biện"  là động từ chỉ việc  lo liệu, sắm sửa lễ vật hoặc bữa ăn, uống.

 

Như vậy "Ông Biện" là người lo liệu, xem xét, sắp đặt công việc của họ đạo.

 

Muốn làm được như thế, Ông Biện phải là người có khả năng biện luận để phân biệt phải trái, cũng không thể thiếu khả năng biện bạch, biện biệt và biện hộ để có thể trình bày rõ ràng các vấn đề thuộc quyền mình đảm nhận; để xử lý công việc một cách trôi chảy và đúng đắn

 

Cuộc sống rất đa dạng, phức tạp, biến hoá không ngừng và hầu như không theo một qui tắc nào, vì thế khi xử lý công việc nhiều khi chúng ta không thể tìm ra nguyên tắc để áp dùng, lúc đó cần phải xoay trở theo tình thế sao cho hợp tình hợp lý, sao cho mọi người đều thoả mãn mà không mắc phải sai lầm.

 

Trong Ban Quới Chức, Ông Biện là người va chạm với thực tế nhiều nhất. Cũng chính vì thế mà nếu như Ông Biện không phải là "Ông Biện" đúng nghĩa sẽ rất lúng túng, e dè và bối rối khi đối diện với công việc. Trong thực tế có nhiều ông biện hầu như không làm công việc của một ông biện, mà thực tế chỉ là người giao liên, chỉ biết nhận và chuyển mà không dám giải quyết công việc mặc dù nó nằm trong quyền hạn mình.

 

Để khắc phục tình trạng này, trước hết các Cha sở pảhi hướng dẫn các Ông Biện cách sống và  thực hiện chức năng làm Biện của mình. Thứ đến, ý thức vai trò quan trọng của mình làm cầu nối giữa cha sở và anh chị em tín hữu trong Họ Đạo, Ông Biện cần phải có tinh thần học hỏi, cầu tiến, phải thấu đáo công việc mà mình đảm trách. Có thế thì kiến thức mình mỗi ngày sẽ được bổ sung, uy tín của mình mới được nâng lên, dần dần sẽ phục vụ đắc lực hơn.

 

Khi chọn Ban Quới Chức, các cha sở chọn người cộng tác để xẻ chia trách nhiệm hầu công việc coi sóc họ đạo được hiệu quả hơn. Nếu như các biện sở không dám đương đầu với công việc, mọi việc chỉ biết nhận và giao cho cha sở thì cha sở sẽ rất vất vả và việc phục vụ của các ngài sẽ bị hạn chế bởi thời gian, tinh thần và sức khoẻ. Mong các ông biện cố gắng luyện rèn để thu tích năng lực để cộng tác đắc lực với cha sở hầu họ đạo mỗi ngày một phát triển hơn.

 

SỐNG ĐẸP

HÃY QUAN TÂM ÂN CẦN

 

Ông lão 80 tuổi ngồi trên chiếc ghế sô-pha cùng người con trai trí thức 45 tuổi. Đột nhiên có tiếng một con quạ gõ gõ cái mỏ vào ô của sổ của căn nhà.
Người cha già hỏi con trai: "Cái gì vậy?".           

Người con trai trả lời: "Một con quạ".      

Vài phút trôi qua, người cha lại hỏi con trai: "Cái gì vậy?".     

Người con trả lời: "Cha, con đã nói với cha rồi. Đó là một con quạ".

Một lúc nữa lại trôi đi, người cha già lại hỏi: "Cái gì thế?".

Đến lúc này, có chút bực dọc, khó chịu trong giọng điệu của người con trai khi anh ta trả lời cha: "Đó là một con quạ, một con quạ!"          

Một lúc lâu sau, người cha lại hỏi con trai cũng vẫn câu hỏi "cái gì thế?". 

Lần này người con trai thực sự tức giận hét vào mặt người cha già mà rằng: "Tại sao cha cứ hỏi đi hỏi lại con cùng một câu hỏi thế hả? Con đã nói bao nhiêu lần rồi, đó chỉ là một con quạ. Cha không hiểu hả?".  
Thoáng chút ngần ngừ, người cha đi vào phòng mình, mang ra một cuốn nhật kí đã cũ nát. Cuốn sổ ông giữ gìn kể từ khi người con trai ra đời. Mở một trang, người cha đưa cho cậu con trai đọc. Khi người con trai đón lấy, anh ta thấy những dòng chữ được viết trong nhật kí như sau:  

"Hôm nay, đứa con trai bé bỏng 3 tuổi ngồi cùng tôi trên chiếc ghế sô-pha. Khi một con quạ đậu trên cửa sổ, con trai đã hỏi tôi 23 lần rằng đó là cái gì, và tôi cũng đã trả lời 23 lần rằng đó là một con quạ. Tôi nựng con mỗi lần nó hỏi tôi cùng một câu hỏi, lặp đi lặp lại 23 lần. Tôi không hề cảm thấy khó chịu, mà trái lại, càng yêu thương đứa con ngây thơ bé bỏng này hơn"...

Khi cha mẹ bạn trở nên già cả, đừng chối bỏ và coi họ như một gánh nặng. Hãy nói với họ bằng những từ ngữ lịch sự, tử tế, kính trọng, và khiêm tốn. Hãy quan tâm, ân cần với họ. Bởi chính họ đã nuôi nấng bạn từ tấm bé, luôn thể hiện tình yêu vị tha, lớn lao đối với bạn, không quản ngại nắng mưa, bão tố, cho bạn có được ngày hôm nay.

Ánh Nguyệt (dantri.com.vn)

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Khi người ta gửi đi một nụ cười

Cô gái cười với một người xa lạ rầu rĩ, nụ cười làm cho anh ta cảm thấy phấn chấn hơn. Anh nhớ đến sự tử tế của một người bạn cũ và viết cho người ấy một lá thư cảm ơn. Người bạn này vui sướng vì nhận được thư của người bạn cũ lâu ngày không gặp đến nỗi, sau bữa trưa anh boa một món tiền lớn cho chị hầu bàn. Chị hầu bàn ngạc nhiên vì món tiền boa quá lớn, đã quyết định mang tất cả đi mua xổ số. Và trúng số. Ngày hôm sau chị đi nhận giải và cho một người ăn mày trên phố một ít tiền lẻ. Người ăn mày rất biết ơn vì đã hai ngày nay anh ta chẳng được ăn gì. Sau bữa tối anh ta trở về căn phòng tối tăm của mình. Trên đường về, anh ta thấy một chú chó con đang rét run cầm cập, anh mang nó về để sưởi ấm cho nó. Chú chó rất vui mừng vì được cứu khỏi cơn bão tuyết sắp đến gần. Đêm ấy, trong khi mọi người đang ngủ say thì ngôi nhà bốc cháy, chú chó con sủa róng riết. Chú sủa cho đến khi đánh thức tất cả mọi người trong nhà dậy và cứu tất cả mọi người thoát chết. Một trong những chú bé được cứu thoát đêm ấy sau này trở thành bác sĩ tìm ra một loại vắc-xin chữa khỏi một căn bệnh vô cùng nguy hiểm cho loài người. Tất cả là nhờ một nụ cười.

 

Nguồn:  xitrum.net

 

Câu chuyện vui trên đây nhắc chúng ta  con người sống là sống với, liên đới với nhau, đồng cảm với nhau. Sự lo âu, giận dữ hay niềm vui và bình an của người nầy phản chiếu lên khuôn mặt của người đối diện. Hãy sống hoà nhã, nhân ái, yêu thương và vui tươi với nhau. Chúng ta sẽ  nhận lại những gì đã trao tặng.

 

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

 

CHÚNG TA QUYẾT ĐỊNH SỐ PHẬN CHÍNH MÌNH...

Leonardo da Vinci vẽ bức Bữa Tiệc Ly mất bảy năm liền. Đó là bức tranh vẽ Chúa Giêsu và 12 vị tông đồ trong bữa ăn cuối cùng trước khi ngài bị môn đồ Giuđa phản bội.

 

Leonardo tìm người mẫu rất công phu. Giữa hàng ngàn thanh niên ông mới chọn được một chàng trai có gương mặt thánh thiện, một tính cách thanh khiết tuyệt đối làm mẫu vẽ Chúa Giêsu. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt sáu tháng liền trước chàng trai, và hình ảnh Chúa Jésu đã hiện ra trên bản vẽ.

 

Sáu năm tiếp theo ông lần lươt vẽ xong 12 vị tông đồ, chỉ còn có Giuđa, vị môn đồ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc. Họa sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kì tàn ác. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đi ngưòi bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình ...

 

Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất, Vinci đều thấy chưa đủ để biểu lộ cái ác của Giuđa. Một hôm Vinci được thông báo có một kẻ mà ngoại hình có thể đáp ứng đươc yêu cầu của ông. Hắn đang ở trong một hầm ngục ở Roma, bị kết án tử hình vì tội giết người và nhiều tội ác tày trời khác ...

 

Vinci lập tức lên đường đến Roma. Trước mắt ông là một gã đàn ông nước da đen sạm với mái tóc dài bẩn thỉu xõa xuống gương mặt, một gương mặt xấu xa, hiểm ác, hiển hiện rõ tính cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hóa. Đúng đây là Giuđa!

 

Được sự cho phép đặc biệt của đức vua, người tù được đưa tới Milan nơi bức tranh đang vẽ dở. Mỗi ngày tên tù ngồi trước Da Vinci và người họa sĩ thiên tài cần mẫn với công việc truyền tải vào bức tranh diện mạo của một kẻ phản phúc.

 

Khi nét vẽ cuối cùng được hoàn tất, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Vinci quay sang bảo lính gác: "Các ngươi đem hắn đi đi!". Lính canh túm lấy kẻ tử tù, nhưng hắn đôt nhiên vùng ra và lao đến quì xuống bên Da Vinci, khóc nức lên :" Ôi, ngài Da Vinci! Hãy nhìn con! Ngài không nhận ra con ư?".

 

Da Vinci quan sát kẻ mà sáu tháng qua ông liên tục nhìn mặt. Cuối cùng ông đáp: "Không! Ta chưa từng nhìn thấy ngươi cho đến khi ngươi được đưa đến từ hầm ngục Roma ...". Tên tử tù kêu lên: "Ngài Vinci ... Hãy nhìn kỹ tôi! Tôi chính là người mà bảy năm về trước ngài đã chọn làm mẫu vẽ Chúa Giêsu..."

 

Câu chuyện này là có thật, như bức tranh Bữa tiệc ly là có thật. Chàng trai từng được chọn làm hình mẫu của Chúa Giêsu chỉ sau hơn 2000 ngày đã tự biến mình thành hình tượng hoàn hảo của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử.

Tương lai không hề được định trước. Chính chúng ta là người quyết định số phận của chính mình...

Nguồn: Sống và Yêu.

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Phải tôn trọng Phụng Vụ và Kỷ Luật Bí Tích như thế nào ?

  Có nhiều người thắc mắc về những vấn đề sau đây:

1.  Có sự khác biệt giữa linh mục này với linh mục khác trong việc cử hành các nghi thức Phụng Vụ và Bí Tích.

2. Nghi thức "tắm trong Thánh Thần" là nghi thức gì?

Để trả lời cụ thể cho những thắc mắc nêu trên, xin được đi vào chi tiết của từng vấn nạn như sau:

1-Trước hết, về việc cử hành các nghi thức Phụng Vụ - nhất là cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn, Giáo Hội mong muốn các linh mục và Giám Mục cử hành theo đúng Lễ Quy (Canon of  Mass) đã được ghi rõ từng phần bằng chữ Đỏ (Rubric).  Nghĩa là không ai được phép tự ý "phăng" ra nghi thức nào riêng của mình khi cử hành Thánh lễ Tạ Ơn.  Cụ thể, trong phần mở đầu Thánh lễ, nghi thức sám hối (penitential rite) được cử hành  với hai chọn lựa như sau:

a. Một là theo qui định như đọc kinh cáo mình và kinh xin Chúa thương xót (Kyrie Eleison)

b. Hai là rảy nước phép (sprinkling of the Holy water) (ngày Chúa nhật và các ngày Lễ trọng)

Nghi thức này chỉ có mục đích chuẩn bị tâm hồn Chủ Tế, Đồng tế, Phó tế và cộng đoàn tham dự Thánh Lễ, khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ có tội lỗi để xin Chúa tha thứ những lỗi lầm nhẹ không tránh được trong đời sống thường ngày, hầu xứng đáng hiệp nhất với Chúa Kitô và  toàn thể Giáo Hội trong việc diễn lại Hy Tế Thập giá và Bữa Tiệc Ly của Chúa, để Tạ Ơn Chúa Cha và xin Người thương ban những ơn trọng đại qua việc cử hành Thánh Lễ "là đỉnh cao và là nguồn sống của Giáo Hội và đời sống Kitô giáo".  Nhưng nghi thức này không phải là bí tích hòa giải (xưng tội)  nhằm tha thứ mọi tội nặng và nhẹ (mortal and venial sins) cho ai đang tham dự Thánh Lễ. Do đó, nếu ai ý thức rằng mình đang có tội trọng thì "không được cử hành thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa nếu chưa được ơn tha thứ qua bí tích hòa giải" (x. Giáo luật số 916, Sách Giáo Lý Công Giáo (SGLGHCG-số 1415)

Vì lý do trên, nếu linh mục nào "phăng" ra giáo lý riêng của mình, để mời hết mọi người tham dự Thánh Lễ, lên rước Mình Máu Thánh Chúa, lấy cớ Chúa đã tha thứ hết qua nghi thức sám hối lúc đầu Lễ, là sai trái hoàn toàn, vì biết đâu có những người tham dự đang mắc tội trọng mà chưa được tha thứ qua bí tích hòa giải như Giáo lý và Giáo luật của Hội Thánh đòi hỏi.  Lại nữa, có thể có những người đã ly dị nhưng chưa được tháo gỡ hôn phối cũ (Annulment) mà lại đang sống chung với người khác như vợ chồng.  Những người này không thể lãnh các bí tích hòa giải và Thánh Thể bao lâu tình trạng hôn phối của họ chưa được giải quyết hợp pháp theo giáo luật.

Linh mục có bổn phận nhắc nhở giáo dân tham dự Thánh lễ về những điều quan trọng này, cũng như lưu ý những ai không phải là người Công giáo nhưng đến tham dự Thánh lễ thì xin miễn lên rước Lễ; vì phần này chỉ dành riêng cho các tín hữu Công Giáo đang  sống  trong tình trạng ơn phúc (không có tội trọng) mà thôi. Ai mời mọi người tham dự lên rước Lễ hết không phân biệt có Đạo hay không là đi ngược lại với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Cũng không thể cho tất cả trẻ em tham dự Thánh Lễ với cha mẹ, được rước Mình Thánh Chúa mà không cần biết các em đó đã được rước lễ lần đầu chưa, như một số linh mục Mỹ và Canada đã làm. Các trẻ em phải được học hỏi giáo lý về bí tích hòa giải và Thánh Thể trước khi được rước Mình Thánh Chúa lần đầu và các lần sau.  Mình Thánh Chúa Kitô không phải là bánh kẹo, để phân phát vô ý thức cho tất cả các trẻ em tham dự Thánh lễ với phụ huynh.

Riêng về phần linh mục, kỷ luật bí tích và nghi thức Thánh Lễ Tạ Ơn không cho phép linh mục  đọc lời truyền Phép (consecration) ngoài lễ qui của Thánh lễ. Nghĩa là, không thể đổ thêm rượu nho vào chén Máu Thánh đã truyền phép, như một linh mục kia đã bảo Thừa Tác Viên Thánh Thể làm khi thấy chén Máu Thánh đã cạn trong lúc đang cho giáo dân rước Lễ! Cũng không thể đọc thêm lời truyền phép, để có đủ Mình Thánh cho giáo dân rước khi thiếu Mình Thánh.

Theo Lễ Qui, và Giáo Luật thì tuyệt đối cấm truyền phép riêng một chất thể (bánh hay rượu) hay cả hai chất thể ngoài khuôn khổ Thánh Lễ, nghĩa là lời truyền phép chỉ được đọc một lần trong Thánh lễ mà thôi. (can. no. 927)

Về các kinh và lời nguyện trong Thánh Lễ, thì chỉ có Chủ tế và Đồng tế đọc chung Kinh Nguyện Thánh Thể (Tạ Ơn) cùng giơ tay trên của lễ, và cùng đọc lời Truyền phép. Phó Tế và giáo dân không được phép đọc chung  kinh nguyện nào của Thánh Lễ;  trừ kinh cáo mình ở đầu Lễ và kinh Lạy Cha sau Truyền Phép.

2- Về việc cử hành các bí tích khác

Khi có linh mục hiện diện thì giáo dân và ngay cả các tu sĩ nam nữ (các Sơ, thầy Dòng) không được phép rửa tội cho ai cả. Phó tế chỉ rửa tội cho trẻ em, theo yêu cầu của cha xứ. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp (nguy tử) và nếu không có linh mục hay phó tế, thì bất cứ ai kể cả người chưa được rửa tội cũng được phép rửa tội miễn là phải theo ý Giáo Hội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi. (SGLGHCG số 1256)

Giáo Hội chỉ có hai bí tích chữa lành: đó là bí tích hòa giải và xức dầu bệnh nhân. Cũng chỉ có bí thêm sức, thông ban các ơn sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để  giúp tín hữu sống và thực hành những cam kết của bí tích Rửa tội hầu được cứu rỗi. Ngoài ra, không có "bí tích" hay nghi thức nào gọi là " Tắm trong Thánh Thần" như một vài linh mục đã tự ý "phăng" ra  trò "ảo thuật" này, mượn danh Chúa Thánh Thần để tụ họp giáo dân, cầu nguyện lâm râm và đặt tay cho một số người té ngã, bất tỉnh rồi một số người khác cầm khăn ướt đắp trên mặt những người té ngã để vực họ đứng lên, và nói là họ được "tắm trong Thánh Thần"!

Tôi khẳng định: không hề có nghi thức nào của Giáo Hội gọi là "Tắm trong Thánh Thần" như trên, do một vài linh mục đang làm ở một vài giáo xứ ỏ Mỹ hiện nay. Chúng ta cầu xin ơn Thánh Linh là việc đạo đức rất tốt lành, cần được khuyến khích và thực hành.  Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ và an ủi dịu hiền. Ngài đến với ai, thì ban ơn soi sáng cho người ấy biết đường thật nẻo chính, để đi hầu được cứu độ và sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa là Cha nhân lành. Do đó, người tín hữu phải luôn cầu xin ơn Thánh Linh để biết sống đẹp lòng Chúa.  Nhưng không thể phù phép hóa ơn Chúa Thánh Thần với nghi thức quái dị gọi là "tắm trong Thánh Thần" như một vài linh mục đang làm và hướng dẫn sai lầm giáo dân về ơn Chúa Thánh Linh.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 

GÓC THƠ

GIUSE TRẦM LẶNG

Thánh Giuse sống âm thầm

Cả đời biết giữ lặng im, vâng lời

 

Nghe tin Đức Mẹ mang thai

Ngài không nói, chỉ định rời đi xa

Thiên thần khuyên nhủ đừng đi

Ngài liền ở lại chăm lo cho Nàng

 

Làm nghề thợ mộc gian nan

Giuse chịu đựng, không than trách gì

Lúc Con lạc ở Đền thờ

Đức Mẹ trách Chúa, Giuse đứng nhìn

 

Cả đời Ngài vẫn lặng im

Thánh Kinh cũng chẳng một lần nhắc chi

Nhưng Người Công Chính Giuse

Hy sinh thầm lặng, sớm khuya không lời

 

Nhọc nhằn gian khổ cả đời

Không ai khen tặng, không ai chúc mừng

Thương con, thương vợ hết lòng

Dẫu cô đơn lắm vẫn không nói gì

 

Lạ kỳ mà cũng diệu kỳ

Làm nhiều, nói ít, đó là Giuse

Con người trầm lặng, đơn sơ

Nhưng chẳng hững hờ, một mực tin yêu

 

Trầm Thiên Thu

 GHI ƠN TIỀN NHÂN

Giáo Phận Vĩnh Long trong tháng 01-2011 vừa qua đã dành nhiều tâm tình để  mừng hai Đức Giám Mục Antôn Nguyễn Văn Thiện, dịp Đại Lễ Kim Khánh 50 năm Giám Mục (22.01.1961 - 22.01.2011) và Đại thọ 105 tuổi; đồng thời mừng Sinh Nhật lần thứ 97 của Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu 21.01.1914 - 21.01.2011) với Bó Hoa Thiêng Liêng kết thành lời cầu nguyện dâng kính dưới đây:

NGUYÊN VĂN PHÉP LÀNH TÒA THÁNH

 

BẢN DỊCH PHÉP LÀNH TOÀ THÁNH

 

Kính gửi Hiền Huynh Antôn Nguyễn Văn Thiện

Giám Mục Hiệu Toà Spello,

Nhân dịp Kỷ Niệm 50 Năm Tấn Phong Giám Mục

Vào ngày Lễ Nhớ Thánh Vinh Sơn (Phó Tế Tử Đạo 22.01)

Ta ưu ái phó thác Hiền Huynh cho sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh và thân ái ban Phép Lành Toà Thánh làm bảo chứng muôn ơn phúc trên trời.

 

Làm tại Điện Vatican, ngày 12 tháng 01 năm 2011

+ Bênêđictô XVI, Giáo Hoàng

 NGUYÊN VĂN THƯ CÁM ƠN CỦA ĐỨC CHA GIACÔBÊ 

THƯ CÁM ƠN CỦA ĐỨC CHA GIACÔBÊ NGUYỄN VĂN MẦU

 

Kính gởi:  Đức Cha, các Cha và Giáo phận

Xin chân thành cám ơn bó hoa thiêng liêng và xin đáp tình bằng việc dâng lễ các Chúa Nhật trong năm cho Giáo phận và mỗi ngày ý thứ hai trong thánh lễ cũng cầu cho Giáo phận.

Xin Chúa cho chúng ta sống Hiệp Thông.

 

+ J. Nguyễn Văn Mầu

    Lão bộc

3451    24-04-2012 20:26:16