Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Bài giảng tĩnh tâm đầu Mùa Chay 2019 của cha Cantalamessa dành cho giáo triều Rôma - 1

Hôm thứ Sáu 15 tháng Ba, cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng đã trình bày trước giáo triều Rôma bài giảng tĩnh tâm đầu Mùa Chay 2019 với chủ đề “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”.

Bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.


Mùa Vọng năm ngoái chúng ta đã bắt đầu suy niệm một câu từ Thánh Vịnh: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42: 2). Trong bài giảng Mùa Chay đầu tiên này, tôi muốn suy tư với các bạn về điều kiện cần thiết để “nhìn thấy” Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu, đó là sự thanh sạch trong tâm hồn: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5: 8).

Chúng ta biết rằng trong Kinh Thánh những chữ “thanh sạch” và “sự thuần khiết”, như trong ngôn ngữ hàng ngày, có ý nghĩa rất rộng. Phúc âm nhấn mạnh đến hai lĩnh vực cụ thể: sự công chính trong ý định và sự thuần khiết trong đạo đức. Đối lập với sự công chính trong ý định là đạo đức giả; và ngược lại với sự thuần khiết trong đạo đức là lạm dụng tình dục.

Trong lĩnh vực đạo đức, từ “tinh khiết” thường được dùng để chỉ một hành vi nhất định trong lĩnh vực tính dục, phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hóa và mục đích nội tại của tính dục. Chúng ta không thể tiếp xúc với Thiên Chúa, Đấng là tinh thần, bằng phương thế nào khác hơn là tinh thần của chính chúng ta. Nhưng rối loạn hay tệ hơn là những biến thái trong lĩnh vực tính dục này có tác dụng, mà mọi người đều có thể thấy được, là làm tăm tối tâm trí. Nó giống như lấy chân khuấy bùn trong ao: bùn ở phía dưới bị khuấy lên và làm vấy bẩn tất cả nước. Thiên Chúa là ánh sáng và một người chọn cách hoạt động như thế “ghét ánh sáng.” 

Tội ô uế ngăn chúng ta nhìn thấy thiên nhan Chúa, hoặc, nếu có thấy đi nữa, thì cũng chỉ là một hình ảnh đã bị biến dạng hoàn toàn. Thiên Chúa trở thành không phải là một người bạn, một đồng minh, và một người cha mà là một đối thủ, một kẻ thù. Con người xác thịt đầy những dục vọng và những ao ước của cải cũng như những thứ đi kèm khác. Trong tình huống này, Thiên Chúa dường như là một người cản đường cản lối ngăn chặn con đường dẫn đến những ham muốn xấu xa với các lệnh truyền quyết liệt của Người: “Ngươi phải!” và “Ngươi không được!” Tội lỗi khơi dậy một sự cay đắng thầm kín đối với Chúa trong lòng mọi người đến mức nếu để cho họ quyết định, họ sẽ ước rằng trên thực tế Chúa không hề tồn tại thì hơn.

Tuy nhiên, trong dịp này, tôi muốn tập trung chủ yếu vào ý nghĩa thứ hai của “sự thanh sạch trong tâm hồn” hơn là ý nghĩa thứ nhất - sự thuần khiết trong đạo đức. Tôi sẽ đề cập đến sự công chính trong ý định, mà trong thực tế đối lập với đạo đức giả. Mùa phụng vụ chúng ta đang sống lúc này cũng định hướng chúng ta theo chiều hướng đó. Chúng ta đã bắt đầu Mùa Chay hôm Thứ Tư Lễ Tro với việc nghe lại những lời khuyên răn được liên tục lặp đi lặp lại của Chúa Giêsu:

“Khi làm việc lành phúc đức, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường làm…Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả…Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả” (Mt 6: 1-18) Thật đáng ngạc nhiên khi thấy tội đạo đức giả nặng nề như thế, đến mức là tội lỗi mà Chúa Giêsu đã tố cáo nhiều nhất trong Tin mừng, nhưng tội ấy lại rất ít khi được đưa vào các công thức tự vấn lương tâm thông thường của chúng ta. Nếu không tìm thấy câu hỏi: “Tôi có từng là một kẻ đạo đức giả không?” trong bản xét mình, ta phải tự mình thêm câu hỏi ấy vào, và hiếm khi nào ta có thể bước qua câu hỏi tiếp theo mà không cảm thấy mình có tội. Hành động đạo đức giả lớn nhất là che giấu thói đạo đức giả của chính mình, che giấu nó khỏi chính chúng ta và những người khác, nhưng không thể che giấu tội ấy trước Thiên Chúa. Đạo đức giả phần lớn gây sững sờ vào thời điểm nó bị nhận ra. Và đây là những gì tôi đề xuất trong bài suy niệm này: đó là nhận ra phần đạo đức giả, ít nhiều có ý thức, trong các hành động của chúng ta.

Blaise Pascal viết rằng một người có hai cuộc sống: Một là cuộc sống thực sự của anh ta và cái thứ hai là cuộc sống tưởng tượng mà anh ta sống trong tâm trí của chính mình và trong tâm trí của những người khác. Chúng ta làm việc chăm chỉ để tôn tạo và bảo tồn con người tưởng tượng của mình đến mức bỏ bê thực thể của chúng ta. Nếu chúng ta có một số đức tính hoặc công đức, chúng ta cẩn thận làm cho chúng được người đời biết đến cách này cách khác ngõ hầu có thể gắn chúng vào cái hiện sinh tưởng tượng của mình. Chúng ta thậm chí tách biệt một đức tính khỏi cuộc sống thực của mình và gắn nó vào cuộc sống tưởng tượng, chẳng hạn, để được người đời ca tụng, chúng ta sẵn sàng trở thành những kẻ hèn nhát để có được danh tiếng là dũng cảm đến mức dám liều mất mạng. 

Chúng ta hãy cố gắng khám phá nguồn gốc và ý nghĩa của từ “hypocrisy” - “đạo đức giả”. Nó xuất phát từ ngôn ngữ của kịch nghệ. Lúc đầu, nó chỉ đơn giản có nghĩa là “đóng kịch, diễn xuất trên sân khấu.” Yếu tố nội tại của sự giả dối xảy ra ở tất cả các giai đoạn sản xuất của sân khấu đã không thu hút được sự chú ý của những người thời xưa mặc dù người ta thừa nhận giá trị đạo đức và nghệ thuật cao của nó. Đây là nguồn gốc của sự phán xét tiêu cực đối với nghề diễn xuất, là ngành nghề bị hạn chế trong những thời kỳ nhất định. Có những thời kỳ, nghề này chỉ dành cho những người nô lệ, và thậm chí bị trực tiếp cấm chỉ bởi những nhà hộ giáo Kitô. Nỗi buồn và niềm vui được trình bày và nhấn mạnh không phải là nỗi buồn và niềm vui thực sự mà chỉ là bề ngoài, chỉ là một hư cấu. Các ngôn từ và thái độ bên ngoài không tương ứng với thực tế bên trong của tâm hồn. Những gì xuất hiện trên khuôn mặt của một người không phải là những gì trong trái tim của người đó.

Chúng tôi sử dụng từ “hư cấu” với một nghĩa trung tính hoặc thậm chí là tích cực. (Nó đề cập đến một thể loại văn học và giải trí rất phổ biến ngày nay!) Người xưa đã cho nó ý nghĩa mà nó thực sự có: “làm bộ”. Đâu là sự tiêu cực trong giai đoạn “hypocrisy” – “hư cấu kịch nghệ” - được chuyển sang từ “hypocrisy” - “đạo đức giả”. Sau một thời gian là một thuật ngữ trung tính vào thuở ban đầu, nó đã trở thành một trong số ít những từ có ý nghĩa hoàn toàn tiêu cực. Có những người dám hãnh hiện mình là người quá kiêu ngạo, hay là kẻ bất cần đời, nhưng không ai hãnh hiện mình là một kẻ giả hình.

Nguồn gốc của từ này đưa chúng ta đi đúng hướng để khám phá bản chất của đạo đức giả. Nó biến cuộc sống thành một sân khấu nơi chúng ta biểu diễn cho công chúng xem; nó có nghĩa là đeo mặt nạ để không còn là một người thật nhưng trở thành một nhân vật. Một nhân vật hư cấu không có gì khác hơn là một sự biến thái của một con người thực. Người thực thì có diện mạo cụ thể; trái lại một nhân vật thì đeo mặt nạ. Con người thực thì hoàn toàn trần trụi; còn nhân vật thì được phủ hoàn toàn trong những lớp áo quần. Con người thực thì yêu thích sự chân thực và thực tại; còn nhân vật lại sống một cuộc đời hư cấu và giả tạo. Con người thực thì tuân theo niềm tin của chính mình; còn nhân vật lại sống theo một kịch bản. Con người thực thì khiêm tốn và hiền lành; còn nhân vật thì phức tạp khôn lường.

Xu hướng bẩm sinh này ở con người đã được nhân lên đáng kể bởi văn hóa hiện tại bị chi phối bởi hình ảnh. Phim, truyền hình và Internet, tất cả chúng chủ yếu dựa trên hình ảnh. René Descartes nói: “Cogito, ergo sum” “Tôi nghĩ, vì thế tôi là”, nhưng ngày nay có xu hướng được thay thế bằng “Tôi xuất hiện, vì thế tôi là”. Một nhà đạo đức học nổi tiếng định nghĩa đạo đức giả như “một lòng tôn kính nửa vời trước nhân đức” [La Rochefoucauld: “hypocrisy is a tribute vice pays to virtue” - Điều này thường được hiểu là người đạo đức giả nói một đàng nhưng làm một nẻo, anh ta nói những điều anh ta biết điều là đúng nhưng không sống với xác tín của mình. Kẻ giả hình nhận thức được rằng hành vi của anh ta là sai trái hoặc tội lỗi, và vì vậy anh ta nói lên sự thật với một lòng tôn kính. Đó là một lòng tôn kính nửa vời cốt để che đậy lối sống thực của mình - chú thích của người dịch]. Nó đặt ra những cái bẫy cách riêng cho những người có lòng đạo đức và hàng giáo sĩ. Một thầy rabbi trong thời Chúa Kitô nói rằng 90 phần trăm những kẻ đạo đức giả trên thế giới này có thể được tìm thấy ở Giêrusalem. Lý do rất đơn giản: bất cứ nơi nào các giá trị tinh thần, lòng đạo đức và các nhân đức được đánh giá cao nhất, nơi đó cám dỗ sống giả hình là mạnh nhất để người ta không nghĩ mình không có những điều đó.

Một mối nguy hiểm khác đến từ vô số các nghi lễ mà những người ngoan đạo được giả định phải thực hiện; và từ cơ man các quy tắc mà họ phải tuân thủ. Nếu những nghi thức này không đi kèm với một nỗ lực liên tục để thiết lập chúng trong tâm hồn của một người vì tình yêu đối với Thiên Chúa và người lân cận, thì chúng trở thành những cái vỏ rỗng. Thánh Phaolô, khi nói về những nghi thức bên ngoài và giới luật, nói: “Những điều ấy có vẻ khôn ngoan: nào là ‘sùng đạo tự ý’, nào là ‘khiêm nhường’, nào là ‘khổ hạnh’, nhưng không có giá trị gì nếu cứ sống trong ham muốn xác thịt lăng loàn.”(Côl 2:23). Trong trường hợp này, vị Tông đồ nói rằng mọi người đang “giữ hình thức tôn giáo nhưng phủ nhận sức mạnh của nó” (2 Tim 3: 5).

Khi đạo đức giả trở thành mãn tính, nó tạo ra, cả trong đời sống hôn nhân và đời sống tận hiến, một “cuộc sống hai mặt”: một là công khai và nổi tiếng trong khi mặt kia thường được che dấu – một cuộc sống ban ngày và một cuộc sống ban đêm. Đó là trạng thái tâm linh nguy hiểm nhất đối với một linh hồn, và việc thoát ra khỏi nó trở nên vô cùng khó khăn trừ khi có thứ gì đó từ bên ngoài can thiệp và phá vỡ bức tường đang phong tỏa một người phía sau. Đó là tình trạng mà Chúa Giêsu mô tả với hình ảnh của những mồ mả tô vôi:

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23: 27-28) Nếu chúng ta tự hỏi tại sao đạo đức giả lại là một điều kinh tởm đối với Thiên Chúa như thế, thì câu trả lời đã rõ ràng. Đạo đức giả là một lời nói dối. Nó che khuất sự thật. Thêm vào đó, đạo đức giả hạ bệ Thiên Chúa và đưa Ngài xuống vị trí thứ hai trong khi đưa các tạo vật – là công chúng – lên vị trí thứ nhất. Như thể ai đó trước sự chứng kiến của một vị vua lại dám quay lưng lại với nhà vua để chỉ tập trung vào những người hầu. “Con người chỉ trông vào vẻ bề ngoài, nhưng ĐỨC CHÚA nhìn thấu tâm can” (1 Sam 16: 7). Trau chuốt vẻ bề ngoài hơn là tâm hồn tự động có nghĩa là đặt con người trọng hơn Thiên Chúa.

529    19-03-2019