Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Cuộc trở lại chớp nhoáng: Éric-Emmanuel Schmitt, “bị cháy” bởi đức tin


Được nuôi dạy trong một gia đình không-giữ đạo, văn sĩ Éric-Emmanuel Schmitt kể trong quyển tiểu sử của mình, làm thế nào một đêm ở sa mạc Sahara đã làm cho ông “bị cháy” bởi đức tin và “thấm nhập” vào trong một lực “còn cực mạnh” hơn mình, ông không còn là chủ của mình được nữa.

Ông muốn gọi chuyện này là “mạc khải” thình lình hơn là trở lại. Nhưng chứng từ của văn sĩ Éric-Emmanuel Schmitt cho thấy, thêm một lần nữa, các ân huệ của sự trở lại bất thình lình có thể xảy ra trong tất cả mọi lúc, mọi trạng huống của đời sống.

Tuổi vị thành niên, ông tự cho mình là người nổi loạn, ông không chịu đựng được các thành kiến, Éric-Emmanuel Schmitt dễ nổi giận, ông chiến đấu cơn giận nhờ sự giúp đỡ của triết lý, một trường học đích thực để có được tự lập và tự do. Đến tuổi 16, ông khám phá ra mình mê viết lách và kịch nghệ. Ông say sưa làm. Ông vào trường Cao Đẳng Hành Chánh, ông đậu thạc sĩ, đi nghĩa vụ quân sự và sau đó là dạy ở đại học ba năm. 

“Đâu đó, có gương mặt thật của tôi chờ tôi”

Khi ông 28 tuổi, chính lúc đó ông quyết định đi bộ ở sa mạc vùng Nam Algeria trước khi đi ra khỏi môi trường đại học mà ông cho là tù túng, giam mình trong một số phận mọi sự đã được định đoạt và thành công. Ông cảm thấy cần phải bị hiểm nguy. Trong sa mạc, ông “phải giữ thinh lặng, chịu đựng nóng nảy, cố gắng đi đến nơi có nước để tiếp tục sống”, ông giải thích. “Dù nhạt nhẽo nhưng sa mạc nâng cao người nào vượt được nó…”. Một tư tưởng lởn vởn trong đầu ông: “Đâu đó, có gương mặt thật của tôi chờ tôi”

Ngày 4 tháng 2 – 1989, một đêm lạnh giá, không nước uống, không thức ăn, bị lạc trong sa mạc mênh mông Hoggar – nơi đã lôi cuốn Charles de Foucauld cách đây hơn 80 năm – chàng thanh niên trẻ Éric-Emmanuel nhận một ơn mà ông không đi tìm. Ông thổ lộ với nhật báo ý Avveniretrong một cuộc phỏng vấn: “Tôi nhận một ơn và một món quà phi thường. Và tôi dành trong lòng tôi trọn nơi chốn, trọn không gian cho món quà này”.

Và ông đã mô tả đêm huyền bí Đêm của lửa đó như sau:

“Sáng chói. Chớp nhoáng. Tôi cảm nhận tất cả. Bỗng chốc, tôi lãnh hội được trọn vẹn. Các chữ bay mất. Kệ! Một tiếng nói thổi trong đầu tôi mà sau này tôi mới nói lên được. Còn bây giờ thì tôi phó thác tất cả. Và trong tư thế nhận… Tôi ôm vào… Tôi nóng rực. Tôi đang cháy. Ánh sáng tăng dần dần. Chịu không thấu. Cùng lúc, tôi không còn nghĩ thành câu, xúc giác tôi không còn cảm nhận được với măt, với tai, với da. Bị đốt cháy, tôi tiến gần đến một sự hiện diện. Càng tiến đến, tôi càng không nghi ngờ. Càng tiến đến, tôi càng không đặt câu hỏi. Càng tiến đến, tôi càng thấy hiển nhiên. “Tất cả đều có một ý nghĩa”. Chúc mừng… Tôi đi vòng vòng ở một nơi mà tôi không hiểu tại sao. Ngọn lửa là tôi sẽ gặp lò lửa… Tôi xém biến mất ở đây… Đây có thể nào là giai đoạn cuối của cuộc đời tôi? Lửa! Mặt trời nóng bỏng. Tôi cháy, tôi hòa trộn, tôi mất các giới hạn của tôi. Tôi vào trong mái nhà. Lửa…” 

“Tôi trở thành tín hữu kitô”

Ở sa mạc Hoggar, Éric-Emmanuel Schmitt có được xác tín sự hiện diện của Chúa. Vào thời điểm đó, không có gì nói được với ông đây là Chúa của người tín hữu kitô. Chỉ tại Pháp trong những năm sau đó ông mới đọc Tin Mừng. Ông làm chứng cho kinh nghiệm thứ nhì này trong quyển Đấng Vô Hình.

“Tôi đọc bốn quyển Phúc Âm trong một đêm, và lúc đó tôi lại xúc động vô cùng: có nghĩa sự việc đặt tình yêu trước hết, đẩy mạnh tình yêu như một giá trị chính yếu đã làm tôi chấn động, thật sự chấn động. Từ đó, tôi bắt đầu học về kitô giáo, thật sự là học, một cách rất thâm sâu kể cả những phản biện của nó. Và nhiều năm sau, trả lời cho câu hỏi ‘Chúa Giêsu có phải là con Thiên Chúa không?’, tôi trả lời ‘có’. ‘Chúa Giêsu có sống lại không?’, tôi trả lời ‘có’… và tôi trở thành tín hữu kitô”.

Từ đó, đức tin trong lòng Éric-Emmanuel Schmitt tưới lên đời ông và tác phẩm của ông. Và dù thành công văn chương hay truyền thông có khuấy động nhiều chăng nữa, người ngưỡng mộ linh mục Foucauld không bao giờ quên đêm ở sa mạc Hoggar.

Marta An Nguyễn dịch

797    06-09-2017