Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Đạo nào cũng giống nhau - 2

2. Vũ trụ quan và Nhân sinh quan:

 

a. Công giáo :

Tự đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và mọi loài, và Công trình sáng tạo của Chúa đều tốt lành (St 1,1 ...) Nhất là Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa (St 1,27), có nam có nữ (Mt 19,4). Vì thế Chúa là vua vũ trụ (Tv 48,8), là vua mọi loài thụ tạo (Tv 92,1). Ngài chăm sóc và nuôi sống mọi loài (Mt 6,24-34). Vì thế con người luôn ngước mắt về đấng Tạo Thành (Tv 17,7), mọi vật đều ca tụng Thiên Chúa (Tv 144,10), làm vinh danh Chúa (Tv 28, 1; Pl 2,11); Mọi vật thụ tạo đều đặt hi vọng nơi Thiên Chúa (Thánh Vịnh 24,5). Con người trông chờ ơn cứu độ (Tv 32,20), vì Chúa chính là phần rỗi của mỗi người (Tv 70,5), là Ðấng giải thoát của con người (Tv 39,18; 143,2)... Mọi người "trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau" (xem Kinh Tin Kính).


b. Phật giáo:


Con người không do Chúa dựng nên, sống nhiều kiếp (luân hồi). Cứu cánh của con người là được giải thoát vào Niết Bàn tức trở về thể Chân Như.


Khi muốn nói về con người và vũ trụ bởi đâu mà có hay nguồn gốc con người và vũ trụ trong Phật giáo như thế nào, thì chúng ta phải ghi nhận ý kiến của giáo sư Takakusu: "Về vấn đề sáng thế luận hay vũ trụ luận thì Phật giáo không có lý thuyết dành riêng cho chúng. Phật Giáo không đề cập đến sự sáng thế hay sáng tạo nào. Vũ trụ không có điểm đồng tâm. Nó là một cộng đồng tạo tác của cả mọi loài. Hơn nữa mỗi chúng ta đều tự tác tự thọ. Phật giáo không tin tưởng các học thuyết cho rằng tất cả phát xuất từ một nguyên nhân, mà quả quyết rằng vạn hữu nhất định xuất hiện do nhiều nguyên nhân22. Nói cách khác, "Phật giáo, khác với các tôn giáo khác, không tin có Tạo-vật-chủ. Ðối với Phật giáo, vũ trụ vạn hữu sinh ra không nhờ một Ðấng nào hay một phép nào ngoài nó cả, mà chỉ do tự kỉ nhân quả tiếp nối nhau mà thành. Như thế đối với Phật giáo vũ trụ là vô thỉ, không có cái ban đầu. Mà đã vô thỉ thì làm gì có cái nguyên nhân đầu tiên?23.


Như trên, khi bàn về vũ trụ quan, Phật giáo không chấp nhận đặt câu hỏi: "Nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ là gì?" hay "Ai sáng tạo vũ trụ vạn vật?" Ðặt câu hỏi như vậy là sai lầm, phải đặt như thế này: "Thực tại của vũ trụ vạn hữu như thế nào? Phát nguyên từ thực tại, vũ trụ vạn hữu đã thành hình và biến chuyển bởi những nguyên nhân gì và như thế nào?."


Trả lời câu hỏi thứ nhất, Phật giáo có Thực Tướng Luận, tức là lý thuyết về thực thể của vũ trụ mà Phật giáo quen gọi là Thể Chân Như (Thể: trạng thái, Chân: cái thật, Như: cái không thay đổi). Trả lời câu hỏi thứ hai, Phật giáo có Duyên Khởi Luận, tức là năm lý thuyết nói về nguyên nhân phát sinh vũ trụ vạn hữu, trong đó có con người. Cả năm lý thuyết đều công nhận:


1. Chân Như là bản thể của vũ trụ vạn hữu.

2. Nguyên nhân làm sanh khởi vũ trụ vạn hữu là mê vọng hay vô minh.

3. Muốn giải thoát, phải trừ cho được mê vọng 24.


Tóm lại Phật giáo cho rằng vũ trụ vạn vật và con người có là do Thể Chân Như bị quấy động. Nói cách khác "Chân Như vì duyên với vô minh mà diêu động và làm phát sanh ra vũ trụ vạn hữu25. Theo kinh điển nhà Phật, "Chân Như là một trạng thái bất biến, viên mãn, tròn đầy, trong sáng." Kinh Phật thường ví sự xuất hiện của vũ trụ, trong đó có con người như nước biển nổi sóng. Chân Như là nước biển yên lặng. Nước động thành sóng tức là thành vũ trụ, thành con người giả tưởng, biến hóa sinh diệt... Khi được hỏi tại sao thể Chân Như bị quấy động, Ðức Phật cho rằng "đó thuộc vấn đề siêu hình, không cần biết đến26. Ðiều quan hệ là nhận sự kiện Thể Chân Như bị quấy động đó, rồi trở lại được với Thể Chân Như yên lặng trong sáng. Ai đạt tới tức là Như Lai. Người ta thường gọi Ðức Phật là Ðức Như Lai, nghĩa là người đã viên giác trở về với Thể Chân Như. Thể Chân Như đây là một trạng thái sống hoàn toàn trong Niết Bàn, chứ không phải là một ngôi vị, một Thượng Ðế.


Nếu hỏi "mỗi vật hữu hình được tổ hợp bởi những yếu tố nào?," Phật giáo trả lời: "Tất cả những sắc pháp hay vật hữu hình đều là một tổ hợp của bốn đại chủng (tứ đại), tức là bốn yếu tố hạt giống: đất (cứng), nước (ướt), lửa (ấm) và gió (động) (Thổ, thủy, hỏa, phong)." Nếu hỏi "mỗi nhân cách (người) hình thành như thế nào?", Phật giáo trả lời: "Mỗi nhân cách (người) hình thành do tổ hợp của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức27.


Mà vì được phát sinh ra do Thể Chân Như bị quấy động nên đời sống của con người và vạn vật là đau khổ: Sinh - Lão - Bệnh - Tử là khổ. Khế Kinh có câu "Ðời là bể khổ, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển28.


Vì chủ trương vạn hữu, kể cả con người, là Vô Ngã, Vô Thường, nên Phật giáo không chấp nhận có một Ðấng Tối Cao hằng hữu, cũng như không chấp nhận "người ta có linh hồn bất tử (hay có Ngã Thường Hằng). Phật giáo nói rõ: "Một Atman hay một linh hồn, hay một ngã là điều không thể có, tin có linh hồn bất tử và Ngã Thường Hằng là sai lầm và điên rồ29.


Không chấp nhận linh hồn bất tử, Ngã Thường Hằng, nhưng Phật giáo lại dạy mọi vạn hữu đều tử sinh, sinh tử trong kiếp luân hồi. Ðức Phật đã dùng hình ảnh bánh xe quay tròn để diễn tả luân hồi: sanh tử, tử sanh không ngừng giống như bánh xe lăn. Thân xác con người (hay thân con thú) đều do tứ đại mà có là đất, nước, gió, lửa. Khi thân người chết, tứ đại lại trở về bản thể cũ rồi do cơ duyên tụ họp lại để thành thân người khác, súc khác, vật khác... cứ vậy mà luân hồi mãi. Con người không chỉ có thân xác mà còn có tinh thần (không nói là linh hồn) và tinh thần là tổ hợp bởi ngũ uẩn: thọ, tưởng, hành, thức, sắc (riêng sắc lại là tổ hợp của tứ đại). Khi người ta chết, Tinh thần cũng không bị tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần mà thôi, nghĩa là cũng chịu kiếp luân hồi 30.


Kiếp luân hồi theo luật nhân quả. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp theo nhau, tương quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà có. Do đó, nếu kiếp này tạo nhân tốt thì kiếp sau sẽ có quả tốt, bằng kiếp này tạo nhân xấu thì kiếp sau sẽ có quả xấu. Phật giáo bảo: tùy theo nhân quả tốt hay xấu mà sau mỗi kiếp trong vòng luân hồi, một chúng sinh (vật, người) nhập vào một trong sáu cảnh giới (kiếp mới): địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, a-tu-la, loài người và cõi trời. Nhập vào cõi trời là cảnh giới cao nhất, nhưng vẫn chưa ra khỏi vòng luân hồi. Chúng sinh chỉ ra khỏi vòng luân hồi khi nhập vào một trong bốn cõi Thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Buddha được gọi là Phật vì Ngài đã nhập vào cõi Thánh cao nhất 31.

Ðiều đương nhiên là "Ðạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ," "làm thiện lánh ác." Ðối chiếu Công giáo với Phật giáo chúng ta thấy những điểm giống nhau trong phạm vi sống đạo, thực hành đạo hay phạm vi luân lý. Chúng ta có thể đan cử:


III. Sống Ðạo

1. Công giáo:

 

Sống Lời Chúa. Khi trong đám đông nghe Chúa Giêsu giảng dạy, có tiếng kêu lên: "Phúc thay cho lòng đã cứu mang Thầy, và vú đã cho Thầy buù," lập tức Ngài đáp lại: "Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn" (Luca 11,27-28). Chỗ khác, khi Chúa còn đang giảng, có người đến thưa: "Mẹ và anh em Thầy đang đứng ở ngoài, họ tìm Thầy," Ngài liền đưa mắt nhìn đám dân chúng vây quanh và bảo: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?... Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì người đó là anh em Ta, là mẹ Ta" (Mát-thêu 12,50). Nghe lời Chúa và thực hành ý Chúa, chính là tuân thủ giới răn Chúa truyền. Và đó là điều kiện để nên trọn lành, để được sự sống. Lần kia có chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?," Chúa trả lời vắn gọn: "Ðể được sống đời đời, bạn hãy tuân giữ các giới răn Thiên Chúa truyền dạy" (Mát-thêu 19,16-17). Nhiều lần Chúa đã dạy: "Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ giới răn của Thầy" (Galát 14,24; x. Mác-cô 16,15; Galát 14, 21 và 24);...


Phật giáo:

 

Qui Y Tam Bảo là "trở về với ba điều quý: Phật, Pháp, Tăng. Xét về sự là gửi thân vào Ðức Phật, vào Ðạo Phật, vào Tăng chúng của Phật; Về lí là nương theo đức Giác có đủ Phước và Huệ, nương theo sự Chánh, không theo tà kiến, nương theo đức Tịnh không nhiễm trược, không chấp nệ 32 và giữ Ngũ giới là năm điều cấm mà các Phật tử "tu tại gia" không được làm: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói sai sự thật, không uống rượu 33.


2. Công giáo:

 

Bác Ái. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã công bố: "Phúc cho những kẻ có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót. Phúc cho những kẻ yêu chuộng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mát-thêu 5,6 và 9). Rất nhiều lần Chúa truyền dạy chúng ta "phải tha thứ cho người khác" (Mát-thêu 5, 21-26), "phải yêu thương cả thù địch của chúng ta" (Mát-thêu 5, 43-48) "phải viếng thăm người đau ốm, tù tội... và Chúa đồng hóa việc bác ái chúng ta làm cho một người hèn mọn nhất như là làm cho chính Chúa" (x. Mát-thêu 25,31-46 Mác-cô 12,28-34). Xin hãy đọc thêm "bài ca bác ái" của Thánh Phaolô (1Côrintô 13,1-33) và "kinh hòa bình" của Thánh Phanxicô thành At-si.


Phật giáo:

 

Từ, Bi, Hộ, Xả: Từ là "lòng lành," do tấm lòng ấy mà làm lợi ích, an lạc cho chúng sanh; Bi là "lòng xót," do tấm lòng ấy mà cứu tai nạn, khổ não cho chúng sanh; Hộ là "lòng vui," tự mình vui và mừng giùm cho chúng sanh khi họ được điều thiện; Xả là "lòng thí xả," tha thứ cho người, tự mình hi sinh để giúp cho chúng sanh được an lạc, không kể kẻ lạ người quen, kẻ oán người thân. Ðó là Tứ Vô Lượng mà Ðức Phật, nhờ tu trì đã đạt được. Niết Bàn Kinh (quyển 15) chép: "Ai tu Từ thì có thể dứt lòng tham dục, ai tu Bi có thể dứt lòng sân nhuế, ai tu Hỉ có thể dứt lòng buồn oán, ai tu Xả có thể dứt lòng tham dục và sân nhuệ34.


3. Công giáo:

 

Cầu Nguyện. Phúc âm kể rằng Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong khi Ngài chịu phép rửa (Luca 3,21), trước khi Ngài đi rao giảng (Mát-thêu 4,1), trước khi Ngài tuyển chọn các Tông đồ (Mác-cô 6,12), khi biến hình trên núi Tabor (Mác-cô 9,29), trong bữa tiệc li, trong vườn cây dầu (Mát-thêu 26,4) và ngay trên Thánh giá (Luca 13,34). Không chỉ làm gương, nhiều lần Chúa còn dạy chúng ta phải cầu nguyện. Thánh Luca nói rõ: Chúa có ý dùng dụ ngôn "một bà góa đã kiên tâm nài nẵng, khiến ông quan án cứng lòng phải nể" cốt dạy chúng ta phải cầu nguyện (Luca 8,1...). Cũng theo thánh Luca, khi vừa vào vườn cây dầu, Chúa đã căn dặn các tông đồ: "Chúng con phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ" (Luca 22,39) (x. Mát-thêu 6,5-13; Luca 11,9-13; Ga 16,23-27)…


Phật giáo:

 

Tụng Niệm, là Tụng Kinh và Niệm Phật. Hết tụng kinh rồi lại niệm Phật, miệng thì tụng Tên Phật, lòng tin tưởng Ðức Phật. Cất tiếng cao mà tụng Kinh và niệm Phật sẽ được 10 ơn ích: Bài trừ chướng ngủ, thiêu ma kinh sợ, tâm chẳng tán loạn, chư Phật hoan hỉ... 35.

 

4. Công giáo:

 

Sám hối, kiêng thịt ăn chay. Chúng ta hãy đọc lại những bài mở đầu Phúc âm của Matthêu (3,1-12), của Maccô (3,1-8), và đọc thêm: Thánh Vịnh 50, Dân Số 6,2; Ðnl 9,9; 12,16; Cv 15,20, để thấy tầm quan trọng của tâm tình thống hối mà Chúa đòi hỏi và kêu gọi chúng ta. Về chay tịnh, xin đọc phúc âm thánh Matthêu để thấy Chúa đã làm gương như thế nào (Mát-thêu 4,2-11) và dạy phải ăn chay làm sao (6,16-18)). Luật hiện hành của Giáo Hội cũng qui định về việc thống hối và chay tịnh (Giáo Luật 1249-1253)…


Phật giáo:

 

 

Sám hối, ăn chay trường, cấm sát sanh: Phật dạy: "Phàm còn xuống lên ba cõi, lặn lội trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi." Thường các chư Tăng và thiện nam tín nữ tụng kinh sám hối (Hồng Danh Sám) vào tối ngày 14 và 30 hay 29 mỗi tháng 36. Ăn chay là cữ ăn những chất thịt, cá, cữ uống rượu, cữ ăn năm món nồng (hành, tỏi, hẹ, kiệu, ngò). Có "chay kì" là ăn chay có kì hạn nhất định trong mỗi tháng, mỗi năm (nhị trai, tứ trai, lục trai, thập trai, nhất nguyệt trai), và có "chay trường" là ăn chay luôn trong mỗi ngày không gián đoạn cho đến hết đời. Ăn chay là một phương pháp tu hành của người Phật tử. Họ hiểu sâu xa lời Phật nói "Sự sống sống bằng sự chết" 37. Sát sanh là giết mạng sống của chúng sanh. Theo Niết Bàn Kinh, tội sát sanh có ba cấp: Cấp hạ khi giết từ một con kiến cho đến một mạng súc sanh, vì bất cứ một loài vật nào cũng có thể tạo ra chút ít thiện căn. Giết nó là phải chịu tội báo. Cấp trung khi giết một mạng người phàm cho đến một vị tu hành đắc quả Anahàm, lúc đó sẽ bị đọa vào ba đường ác trụy: địa ngục, ngã quỉ, súc sanh. Cấp thượng khi giết cha mẹ cho đến bực Alahán, lúc đó sẽ bị đọa vào Atì đại địa ngục, chịu khổ vô cùng đời đời. Người ta còn phân biệt: "sát tâm" là cố ý giết hại hay vui thích việc giết hại; "sát duyên" là mình làm duyên cớ cho việc giết hại; "sát pháp" là dùng kế hoạch để giết hại (đánh, chém, thuốc độc...). Khi thọ giới, một Phật Tử phát nguyện: "Ðệ tử nguyện giữ không sát hại các loài sanh vật, không tự mình sát, không bảo người ta sát hại, hoặc thấy người khác sát hại mà lấy làm vui" 38.

620    18-03-2019