Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Địa ngục trống rỗng?

 

Lời Chúa rất rõ ràng: Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, Người kiên nhẫn đối với anh em vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong” (1 Tm 2, 4 ; 2 Pr 3, 9).

Cùng một lúc, lời này nói lên thực tế dành cho những ai muốn tách ra khỏi tình yêu anh em và lòng thương xót Chúa. Thực tế này, đó là địa ngục, một chủ đề chính trong lời rao giảng của Chúa Giêsu: “Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25, 41).

Làm thế nào để hóa giải được ý muốn cứu độ cho tất cả mọi người và một thực tế địa ngục dành cho một số người? Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22, 14). Câu này đã dẫn đến một nền văn học rộng lớn về ơn cứu độ của nhiều người, về số lượng và tiền định của họ… Đứng trước các lập luận này, nhiều tác giả triển khai về một ý tưởng “giả”: chắc chắn địa ngục có tồn tại, nhưng có khả thể có một hy vọng cho một sự cứu độ phổ quát, nơi không có một ai bị nguyền rủa. Khi đó, địa ngục như một khả thể, thậm chí là mối đe dọa, nhưng không phải như một thực tế. Theo nhà thần học Hans Urs von Balthasar, “đó là hy vọng cho tất cả”.

Nhiều tác giả khác thì cho địa ngục là “nơi tạm”: vào ngày cuối cùng, tất cả thiên thần thất sủng và những người bị lên án sẽ được hiệp thông trong tình yêu của Chúa. Học thuyết về sự phục hồi phổ quát (apocatastase) được Origen ở thế kỷ thứ 3 bảo vệ và bị Giáo hội xem là trái với lời của Chúa. Khái niệm đúp về địa ngục, một mặt địa ngục là “trống rỗng” hay “cuối cùng được trống rỗng” gần như khá hấp dẫn, nhưng nó ngược với hai nguyên tắc thiết yếu của đức tin chúng ta: tình yêu vô hạn và lòng thương xót của Chúa và tầm cao lớn của tự do con người.

Chúa của tình yêu không buộc chúng ta phải nói “có” với Chúa: tình yêu áp đặt bị cho là hãm hiếp. Nói cách khác, nếu Chúa là tình yêu, địa ngục là một đòi hỏi không lẫn tránh đi đâu được: nhân danh tình yêu, thì thiết yếu phải có một “nơi” ngoài nơi của Chúa để những người từ chối không yêu Ngài có nơi để họ không bị áp đặt bởi “tầm nhìn” của Ngài. Sách Khải huyền cho chúng ta thấy, một phần ba các thiên thần tách ra khỏi tình yêu, họ theo Lu-xi-phe trong sự sa ngã của nó (Ap 12, 4).

Tình yêu vô tận của Chúa và sự tự do vĩ đại của con người ngược với một địa ngục trống rỗng.

Như vậy địa ngục đầy cả các thiên thần sa ngã, điều này cho chúng ta thấy sự vĩ đại của tự do: tự do đồng ý với tình yêu nhưng cũng là tự do chống với tình yêu vô tận của lòng thương xót Chúa. Và chuyện này là chuyện nghiêm túc. Lời Chúa về ngày giờ sau hết là “lời mời gọi đến trách nhiệm, với trách nhiệm này, con người phải dùng tự do của mình cho số phận đời đời của mình và cũng là lời kêu gọi khẩn cấp hoán cải” (Giáo lý Giáo hội công giáo § 1036). Đức Hồng y Journet khẳng định, trong địa ngục không có một tạo vật nào có ý tưởng cáo buộc Chúa đã để mình ở nơi này, vì một cách xác quyết họ biết chính họ đã chọn không sống trong tình yêu của Chúa.

Như thế, Giáo hội vừa khẳng định có sự tồn tại của địa ngục và sự đời đời của nó, vừa luôn cầu nguyện để không một ai bị sa ngã. Về câu hỏi “có bao nhiêu người được chọn!”, Chúa Giêsu trả lời bằng cách đưa trách nhiệm về cá nhân mỗi người: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!” (Lc 13, 23-28). “Khi các thánh tiến tới, tôi muốn được ở trong số!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

789    07-12-2017