Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đức Giáo Hoàng trong Khánh Nhật Truyền Giáo: Đời sống là sứ mạng và là quà tặng

 Vào năm 1926, Đức Giáo Hoàng Pius XI đã quyết định Giáo Hội cần một ngày để cầu nguyện cho các nhà truyền giáo, và canh tân sự dấn thân của Giáo Hội cho các việc truyền giáo. Ngày hôm nay (20/10), Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo được cử hành vào Chúa Nhật cuối cùng của Tháng 10, trên khắp toàn cầu, như một dấu chỉ của sự hỗ trợ và liên đới cho các việc truyền giáo và các nhà truyền giáo khắp nơi.

Một danh từ, một động từ và một tính từ

Trong bài giảng của Ngài cho Thánh Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn suy tư về ba từ lấy từ các bài đọc Chúa Nhật: “một danh từ, một động từ và một tính từ”. Danh từ được chọn là “núi”. Danh từ này xuất hiện trong bài đọc thứ nhất từ Sách Isaiah, và một lần nữa trong Tin Mừng “Khi Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, nói với các môn đệ của Ngài gặp Ngài trên núi Galilee”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, dường như là “núi là nơi yêu thích của Thiên Chúa cho việc gặp gỡ con người”.

Đức Giáo Hoàng nhắc lại các ngọn núi khác trong Kinh Thánh: Núi Sinai và Núi Carmel, Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu, sự biến hình của Ngài trên Núi Tabor, cuộc chịu nạn của Ngài trên Núi Calvary, và sự lên trời của Ngài trên Núi Olives. “Núi cũng là một nơi mà Chúa Giêsu dành nhiều giờ cầu nguyện trong sự hiệp nhất trời và đất”, Đức Giáo Hoàng nói, “và hiệp nhất chúng ta, các anh chị em của Ngài, với Chúa Cha”.

Danh từ: “núi”

Núi nói với chúng ta là chúng ta được mời gọi để “đến gần Thiên Chúa và người khác”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tiếp, “trong sự thinh lặng và trong cầu nguyện, tránh những tin đồn và lời nói sau lưng vốn loại trừ chúng ta”. Chúng ta nhìn mọi sự theo cách tiếp cận khác từ ngọn núi, Ngài nói tiếp: “Núi hiệp nhất Thiên Chúa với các anh chị em của chúng ta trong một cái ôm duy nhất của sự cầu nguyện”. Núi cuốn hút chúng ta đi lên và tách xa khỏi những sự chóng qua, và mời gọi chúng ta tái khám phá điều gì là thiết yếu và lâu dài: Thiên Chúa và các anh chị em của chúng ta”.

“Việc truyền giáo bắt đầu trên núi”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định, “ở đó chúng ta khám phá điều gì thật sự có ý nghĩa”. Điều đặt ra một câu hỏi: “điều gì thật sự có ý nghĩa với đời tôi? “Đến đỉnh cao nào mà tôi có thể đi lên?”, Ngài nói.

Động từ “Đi lên”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục bài suy tư của Ngài khi xác định là từ đồng hành với danh từ “Núi”: động từ “đi lên”. Chúng ta không được sinh ra để cứ ở lì dưới mặt đất, Đức Giáo Hoàng nói, “chúng ta được sinh ra để đi lên những tầm cao và ở đó gặp gỡ Thiên Chúa và các anh chị em của chúng ta”. Điều này có nghĩa là chúng ta phải “đi lên”, Đức Giáo Hoàng nói, “để chống lại sức hút trọng lực vốn tạo ra bởi sự qui ngã của chúng ta”. Đi lên cần nỗ lực, Ngài nói thêm, “nhưng đó là cách duy nhất để có được một quan điểm tốt hơn về mọi sự”, như bất cứ một nhà leo núi nào đều biết.

Đức Giáo Hoàng triển khai phép ẩn dụ về việc leo núi, khi nói rằng chúng ta không thể chịu rủi ro của việc bị đè bẹp xuống: “vì thế trong cuộc sống chúng ta phải tước bỏ khỏi bản thân mình những thứ vốn không hữu ích”. Ngài nói, “đây là bí mật của truyền giáo: đi, bạn phải bỏ lại một điều gì đó phía sau, loan báo, trước hết bạn phải từ bỏ”. Một việc loan báo đáng tin cậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, được đi kèm bởi một gương sống: “một đời sống phục vụ vốn có khả năng chối bỏ hết mọi điều vật chất vốn làm thu hẹp con tim và làm cho người ta thờ ơ và nhìn vào trong”. Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng đặt ra một câu hỏi: đâu là những nỗ lực chúng ta thực hiện “để đi lên”? Chúng ta có khả năng bỏ đi “thứ rác vô ích của thế gian để leo lên núi của Chúa không?”

Tính từ: “Tất cả”

“Núi nhắc nhớ chúng ta về điều gì là quan trọng”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói. Động từ “đi lên nói với chúng ta về cách đi lên đó”. Nhưng có một từ thứ ba, thậm chí quan trọng hơn, từ ấy là: tính từ “tất cả”. “Tất cả”, được lặp lại liên tục trong các bài đọc Chúa Nhật này: Isaia nói “Tất cả mọi dân”, vốn được lặp lại trong Thánh Vịnh; Thiên Chúa khao khát “hết mọi người được cứu”, Thánh Phaolô viết; “Đi và rửa tội cho muôn dân”, Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng. “Chúa biết chúng ta luôn dùng từ “của tôi” và “của chúng ta”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích, nhưng Ngài dùng từ “tất cả”: vì “không ai bị loại trừ khỏi trái tim của Ngài; vì mọi người đều là tài sản quý giá, và ý nghĩa của cuộc sống được tìm thấy chỉ ở nơi việc cho tài sản này cho người khác”. Đây là sứ mạng của chúng ta, Đức Giáo Hoàng nói: “đi lên núi cầu nguyện cho mọi người và đi xuống núi để là quà tặng cho mọi người”.

“Người Kitô Hữu luôn chuyển động”, luôn “hướng ra ngoài”, Đức Giáo Hoàng nói. “Mọi người mong đợi mọi thứ từ người khác, nhưng người Kitô Hữu đi với người khác”, Ngài nói. “Những người làm chứng cho Chúa Giêsu thì đi ra với hết mọi người”, Ngài nói thêm, “không chỉ với những người bạn hữu hay nhóm nhỏ của mình”.

Những chỉ dẫn cho việc truyền giáo

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ chúng ta về lời chỉ dẫn mà Chúa mang lại cho chúng ta “đi ra với người khác”. Chỉ có một điều, và điều ấy rất đơn giản, Đức Giáo Hoàng nói: “rao giảng cho mọi người”, chứ không phải cho chúng ta, nhưng “các môn đệ của Ngài”. Một người môn đệ “đi theo Thầy hằng ngày và chia sẻ niềm vui của tình môn đệ với người khác. Không phải qua việc chinh phục, ra lệnh, cải đạo, mà qua việc làm chứng”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói.

Sứ mạng của chúng ta là “trao ban bầu khí trong sạch và trong lành cho những người bị chìm trong sự ô nhiễm của thế giới chúng ta”, Đức Giáo Hoàng nói. Sứ mạng của chúng ta là “làm chứng, chúc lành, ủi an, vực dậy, và chiếu toả vẻ đẹp của Chúa Giêsu”.

“Đời sống của các bạn là một sứ mạng quí giá”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc, “đó không phải là một gánh nặng để mang, mà là một quà tặng để trao ban. Vì thế, hãy can đảm! Chúng ta hãy tiến bước đến với mọi người cách không sợ hãi!”

Đan Sĩ (Vatican News)

1019    22-10-2019