Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đức Gioan-Phaolô II đã nói, giáo sư Crucitti đã cứu tôi

Đức Gioan-Phaolô II đã nói, giáo sư Crucitti đã cứu tôi

Bác sĩ Pierfilippo Crucitti nhớ lại mối quan hệ giữa Đức Gioan-Phaolô II và người cha bác sĩ phẫu thuật của ông, người đã mổ cho ngài.

 

Francesco Crucitti sinh ra trong một gia đình khiêm tốn (thân sinh của ông là công nhân đường sắt) ở Reggio Calabria, miền Nam nước Ý. Ông là học sinh xuất sắc, ở tuổi 16 đã thành thạo về khoa học. Vào thời đó, các gia đình không đủ khả năng để cho con cái ăn học. Sau đó, Francesco, người con cả được chọn để đến Bologna học y khoa. Năm 21 tuổi, ông tốt nghiệp và bắt đầu làm việc ở Pađua. Ông chuyên về phẫu thuật tổng quát, lồng ngực và tiết niệu.

Nhưng làm việc ở miền Bắc nước Ý làm ông xa gia đình, ông rất buồn nên khi Phòng khám Đa khoa Agostino Gemelli của Đại học Thánh Tâm công giáo mở ở Rôma năm 1967, ông cùng vợ và hai con: Antonio và Roberta dọn về Rôma, người con thứ ba là Pierfilippo sinh ở Rôma năm 1968. Nghề nghiệp chuyên môn của của ông dính với Bệnh viện đa khoa Gemelli. Chính ở đó, giáo sư Crucitti chữa cho Đức Gioan-Phaolô II sau khi ngài bị ám sát ở Quảng trường Thánh Phêrô và tên của ông dính với giáo hoàng Ba Lan.

Nhân dịp tưởng niệm vụ ám sát, chúng tôi gặp Pierfilippo Crucitti, con trai của bác sĩ Francesco, cũng là bác sĩ phẫu thuật, và anh trai Antonio cũng là bác sĩ phẫu thuật, để ghi nhớ sự kiện ấn tượng này và để nói về mối quan hệ giữa Đức Gioan-Phaolô II và bác sĩ phẫu thuật cho ngài bốn lần (vụ ám sát, làm hậu môn nhân tạo, cắt polyp ruột già và mổ ruột dư).

Năm 1978, một hồng y người nước ngoài được chọn làm giáo hoàng. Ở nhà bác sĩ có ai nói về giáo hoàng đến từ Ba Lan này không?

 Bác sĩ Pierfilippo Crucitti: Chúng tôi theo dõi mật nghị trên truyền hình và khi tên của Đức Karol Wojtyla được xướng lên, chúng tôi không biết ngài là ai, đến từ nước nào, nhưng ai cũng nhớ câu nói của ngài: “Khi tôi nói sai, xin anh chị em sửa cho tôi”. Giáo hoàng Gioan-Phaolô II là giáo hoàng làm cho giáo dân yêu mến ngay và được mọi người đánh giá cao.

Ngày 13 tháng 5, năm thứ tư trong triều giáo hoàng của ngài là ngày đã đi vào lịch sử. Bác sĩ còn nhớ gì về ngày khủng khiếp đó không?

Năm 1981, tôi 13 tuổi. Chiều 13 tháng 5, tôi đang chơi quần vợt. Mẹ tôi ở nhà một mình, bà gọi cho tôi: “Con về nhà liền!” Bà sợ vì bà đã nghe tin vụ ám sát. Tôi về nhà, và cùng mẹ và anh chị, chúng tôi theo dõi tiếp tục trên truyền hình. Cha tôi đang làm việc tại nhà săn sóc Piô XI và khi thăm người chị đang ở phòng khám, chị vào phòng không gõ cửa và nói cha tôi bỏ tất cả công việc đến ngay Bệnh viện đa khoa Gemelli, nơi giáo hoàng đang được đưa vào điều trị. Ông lên xe phóng hết tốc lực về Gemini, được xe cảnh sát hộ tống trên một đoạn đường. Sau 11 giờ đêm, chúng tôi mới nói chuyện được với cha, và cha nói đã mổ xong cho giáo hoàng.

Ông nhận tin khi nào?

Cuộc gọi đầu tiên rất ngắn lúc một giờ sáng. Cha muốn trấn an chúng tôi, cha nói mọi sự đã ổn và cha cho biết, cha sẽ ở lại bệnh viện. Và cha tôi đã ở lại bệnh viện thêm ba ngày nữa, nếu tôi nhớ không lầm.

 Khi về nhà, ông đã kể cho gia đình về trường hợp phẫu thuật này như thế nào?

Ngay lập tức thì cha tôi không nói gì nhiều, nhưng những năm sau đó, ông mới kể cho chúng tôi nghe những chi tiết mới. Ông cho biết, lúc đầu tình hình rất nguy kịch vì xuất huyết nhiều: viên đạn đụng đến động mạch mạc treo tràng dưới, xuất phát trực tiếp từ động mạch chủ cung cấp máu cho đại tràng, nhưng rất may động mạch chủ không bị thương. Nếu động mạch chủ bị thương thì giáo hoàng sẽ không có đủ giờ để đến bệnh viện. Ngài đã mất rất nhiều máu, nhưng không quá nhiều để dẫn đến tử vong.

Ông cũng cho chúng tôi biết, khi giáo hoàng ở trong phòng mổ thì có nhiều người đến. Trước hết là linh mục Stanislas, người hỏi thăm tình hình, Đức ông Monduzzi và những người khác trong đoàn của giáo hoàng. Đến một lúc nào đó, cha tôi ngửi thấy có mùi thuốc lá đặc biệt, ông quay lại thì biết đó là Tổng thống Pertini.

Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trở thành như thế nào với thân phụ của bác sĩ?

Một mối quan hệ rất đặc biệt đã hình thành với cha tôi. Đó là thời gian ngài phải mổ hậu môn, một hậu môn nhân tạo để thoát phân. Sau một tháng thì phải đóng hậu môn lại. Vào thời điểm đó, cha tôi không phải là bác sĩ kỳ cựu hoặc kinh nghiệm nhất. Thêm nữa, các đề nghị của các bác sĩ nổi tiếng đến từ khắp nơi trên thế giới. Quyết định của Bệnh viện đa khoa, trường hợp này sẽ được một bác sĩ lớn tuổi mổ. Cha tôi nói quyết định này cho giáo hoàng biết, ngài nói: “Từ khi nào bệnh nhân không được chọn bác sĩ mổ cho mình?” Và ngài quyết định cha tôi sẽ mổ lần thứ hai này vì hai người đã tin cậy nhau. Mỗi khi gặp nhau, họ ôm nhau, giáo hoàng không cho cha tôi hôn tay, họ cười đùa và rất hiểu nhau.

Vì thế cha của bác sĩ là “bác sĩ mổ của giáo hoàng?”

Đúng vậy, vì lý do này mà ngài mổ thêm hai lần nữa: một vào năm 1992 vì có một khối u ung thư đại tràng và năm 1996 khi ngài mổ ruột dư.

Khi đó, giáo sư Francesco Crucitti là bác sĩ đầu tiên trong lịch sử đã mổ cho một giáo hoàng đến 4 lần. Nhưng trong một phỏng vấn, giáo sư đã nói “giáo hoàng là một “bệnh nhân không gương mẫu”, vì sao?

Ông biết đó, bác sĩ mong bệnh tự chăm sóc mình, làm theo lời khuyên, tập luyện để phục hồi chức năng, thực tế là kiên nhẫn. Nhưng thay vào đó, giáo hoàng đặt những cam kết của ngài lên hàng đầu chứ không phải sức khỏe của mình, vì vậy cha tôi nói giáo hoàng là bệnh nhân “không gương mẫu.”

Nhưng đến một lúc, thân phụ của bác sĩ bị bệnh và thành bệnh nhân. Giáo hoàng quan tâm đến tình trạng bệnh của ông không?

Năm 1990, cha tôi phát hiện ra mình bị ung thư tuyến tiền liệt và chúng tôi quyết định mổ ở Baltimore, vì lý do riêng tư, chúng tôi muốn mổ ở Mỹ. Tôi cùng đi với cha tôi đến Mỹ, và đêm trước khi mổ, khi chúng tôi đang ở trong phòng bệnh thì điện thoại reo. Cha xin tôi trả lời vì ông không nói tiếng Anh giỏi, nhưng cuối cùng thì cha tôi nhắc máy và nói chuyện. Khi nói xong, cha tôi làm dấu thánh giá. Tôi hỏi, cha nói chuyện với ai, ông trả lời: “Đức Giáo hoàng”. Chính ngài ban phép lành cho cha tôi trước khi mổ, ngài rất nhạy cảm với những người thân cận ngài.

 Nhưng không may, dù được mổ nhưng bệnh vẫn tiến triển…

Hai năm sau, ngày 26 tháng 8 năm 1998, cha tôi qua đời. Những tháng cuối cùng, chúng tôi giữ cha tôi ở nhà để chăm sóc, anh tôi và tôi đều là bác sĩ. Trong thời gian đó, mỗi ngày linh mục Stanislas thư ký của ngài đều gọi thăm. Buổi sáng khi cha tôi qua đời, người đầu tiên đến nhà chúng tôi là một hiến binh. Ông chia buồn và cầu nguyện trước thi thể cha tôi, nhưng sau đó ông muốn xem căn nhà. Tôi ngạc nhiên, ông nói với tôi: “Giáo hoàng sẽ đến”.

 Giáo hoàng đang ở nhà nghỉ mát Castel Gandolfo vào tháng 8…

Đúng, ngày hôm đó ngài về Rôma để có buổi tiếp kiến và để chào cha tôi. Những năm sau đó, ông Navarro Valls nói với tôi, nhiều người khuyên giáo hoàng không nên tạo tiền lệ, đến thăm một người qua đời không phải là tu sĩ. Nhưng ngài trả lời: “Tôi phải đi vì người này đã cứu mạng tôi.”

Và ngài đến sau 10 giờ. Xe của ngài dừng trước cửa nhà chúng tôi, qua đường della Farnesina và ngài thấy mình đứng trước hai bà vừa đi mua sắm về. Anh tôi và tôi dìu tay ngài, chúng tôi lên cầu thang và vào thang máy. Tại lối vào căn hộ, ngài ôm mẹ tôi và nói “Cám ơn, cám ơn”. Ngài nói như vậy mỗi khi ngài gặp mẹ tôi.

Năm nay, ngày 13 tháng 5, kỷ niệm 40 năm ngài bị ám sát. Bác sĩ cảm nhận gì trong ngày này qua mối thân tình giữa giáo hoàng và thân sinh của bác sĩ?

Phản ứng đầu tiên là cảm nhận cuộc tấn công này nhằm ngăn chặn sứ mệnh thay đổi Giáo hội và thế giới của giáo hoàng trẻ và năng động này đang đảm nhận. May mắn, mưu toan này bị thất bại và ngài đã có thể dìu dắt Giáo hội thêm 25 năm nữa, đưa Giáo hội vào thiên niên kỷ thứ ba. Giáo hoàng là nhân vật trọng tâm trong những thay đổi mang tính lịch sử trong những năm này.

Suy nghĩ thứ hai là sự kiện này đã thay đổi câu chuyện của gia đình chúng tôi như thế nào. Trước hết, ngài đã cho chúng tôi hiểu, tình bạn của ngài với cha tôi quan trọng như thế nào đối với ngài. Việc một người vĩ đại như Giáo hoàng Gioan-Phaolô II  muốn cùng chúng tôi cầu nguyện ngày hôm đó là niềm an ủi lớn lao và để lại cho chúng tôi một kỷ niệm không thể phai mờ về ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

344    15-05-2021