Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đức Maria và Giáo Hội

 

 
Lời giới thiệu:

Stefan_Lochner_Madonna_im_Rosenhag.jpg

Nhân dịp ngày lễ đầu tiên trong toàn Giáo Hội mừng kính Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, chúng tôi trân trọng gửi bạn đọc một bài viết của Cha Karl Rahner về đề tài này. Bài suy niệm này trích trong tuần Linh Thao mà Cha Rahner giảng cho các sinh viên thần học tại Berchmanskolleg, Pullach gần Munich và Học viện Đức Quốc, Roma (1964). Tuy là bài giảng tĩnh tâm, nhưng ta có thể thấy được sự nối kết của cha Rahner về vai trò của Đức Mẹ trong Giáo Hội, đặc biệt với cách nói „người được cứu độ một cách trọn hảo“. Ngoài ra, cũng cần ghi nhận công lao của cha Rahner trong chương VIII của tông huấn Lumen Gentium bàn về mối liên lạc giữa Thánh mẫu học với Kitô học và Giáo Hội học. Bài viết này được dịch từ bản tiếng Đức trong Rahner, Karl: Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel-Verlag, München, 1965, 262 – 269. Bản văn còn có thể được sửa chữa hoặc bổ sung.



Dẫn nhập 

Dù thánh Inhaxio đã không đề cập cách rõ ràng nhưng đề tài này hoàn toàn thích hợp trong bối cảnh của các bài tập Linh Thao. Hình ảnh Đức Mẹ xuất hiện vài lần trong Linh Thao: trong ba cuộc tâm sự nơi mà Thánh Inhaxio, trong bài chiêm chiệm về biến cố Sứ Thần Truyền Tin và Giáng Sinh, trong khung cảnh trước toàn thể triều thần Thiên Quốc, mời người làm Linh Thao thực hiện những cuộc dâng hiến lớn của mình
[1]. Từ ba cuộc tâm sự ấy ta thấy rằng vai trò của Đức Maria có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong toàn bộ đời sống thiêng liêng của thánh nhân. Theo chiều hướng đó, Giáo Hội trong sách Linh Thao cũng đóng một vai trò có tính quyết định. Giáo Hội xuất hiện cho chúng ta như là khuôn mẫu tột cùng của Thần Khí. Những quy tắc để đồng cảm nghĩ với Giáo Hội[2] là bằng chứng cho vai trò quan trọng mà thánh Inhaxio dành cho đề tài Giáo Hội.

 

Lần lượt trong tuần 4[3] của tiến trình Linh Thao chúng ta sẽ quan sát Đức Mẹ từ một quan điểm hoàn toàn mới. Thật ra, trong toàn bộ các bài Linh Thao, chúng ta chẳng đụng chạm gì đến thần học cả, đúng hơn chúng ta chiêm niệm lịch sử cứu độ: bắt đầu từ suy niệm về tội, cho đến chiêm ngắm sự sống lại vinh hiển của Chúa Giêsu. Hoa trái của lịch sử cứu độ là ơn cứu độ. Bây giờ, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Liệu điều lý tưởng về con người được cứu độ, con người mới, được giải thoát khỏi tội lỗi và được tháp nhập vào đời sống tự tại của Thiên Chúa có là một ý tưởng trừu tượng hay điều này có thể được cụ thể hoá nơi con người chúng ta không?

 

Về việc này chúng ta có thể nói rằng sự hiện thực hoá này không hề diễn tả chỉ đơn thuần một quy luật khả dụng và dễ thủ đắc suông suông, cho bằng việc hiện thực hoá này thực sự đã xảy ra trong một trường hợp hoàn toàn đặc biệt. Từ bài chiêm niệm về tình yêu[4], khi chúng ta trải nghiệm một lần nữa vấn đề tình yêu nơi con người chúng ta, thì chúng ta sẽ không cần phải tự trang bị mình bằng một hình ảnh trừu tượng nào cả. Trong vương quốc sống động của Thiên Chúa thì những điều lý tưởng không hề là những định đề chung chung, nhưng thật ra là những con người hết sức cụ thể, cụ thể như chính Thiên Chúa. Chúng ta tìm thấy cái lý tưởng được hiện thực hoá về con người được cứu độ hoàn toàn, vô tì vết, thánh thiện, được hiến dâng cho Thiên Chúa nơi Đức trinh nữ Maria đầy ơn phúc, mẹ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

 

Đức Maria, người được cứu độ một cách toàn vẹn

Trong tưởng tượng của chúng ta, hình ảnh lý về con người lý tưởng nhất thiết phải là một con người cởi chính mình và quy hướng về Đức Kitô. Nhưng hầu như chẳng khi nào người ta đạt được tình trạng lý tưởng như vậy. Đúng hơn, con người lý tưởng trong cuộc đời chúng ta chỉ được thực thi nhờ việc bước theo Đức Kitô một cách hoàn hảo, điều này vốn được thể hiện qua cuộc đời của một con người khác. Hình ảnh lý tưởng của một con người mở ra hoàn toàn trước Đức Kitô được tìm thấy cách cụ thể nơi Đức Maria. Mẹ là người được cứu độ một cách toàn vẹn (die vollkommen Erlöste); hoàn toàn theo một cách thức rất riêng. Nhưng cách thức được cứu độ này nơi Đức Mẹ lại đồng thời là trường hợp lý tưởng đối với những điều làm nên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đó là những sự việc, nhờ cấu trúc nội tại của ân sủng, trở thành và phải trở thành quy luật và mục tiêu của cuộc sống chúng ta.

 

Giờ đây chúng ta có thể suy niệm tiếp nội dung vừa được trình bày theo nhiều cách thức khác nhau kia, những điều đã được hàm chứa cách cụ thể nơi chân dung Đức Maria và đồng thời cũng là điều sẽ trở nên ít nhiều khả thi nơi cuộc đời phàm hèn của chúng ta. Ở đây chúng ta không muốn vây vào một cuộc tranh luận đụng chạm đến những nét nền tảng của khoa thánh mẫu học. Dầu vậy, tôi muốn nói rằng việc Đức Maria được cứu độ một cách toàn vẹn là điều được tuôn trào một cách hết sức tự nhiên từ cách nói của niềm tin từ trước đến nay chúng ta về Mẹ: Mẹ là người Mẹ đầy ơn phúc, Mẹ Đấng Cứu Chuộc trần gian.

 

Trong tư cách là người được cứu độ cách toàn vẹn, Mẹ chính là hình ảnh của sự hiệp nhất – chứ không phải đồng hoá-, của tâm trí, thân xác và linh hồn. Bằng quyết định căn bản mở cuộc hiện hữu nhân sinh của mình ra trước Chúa, Mẹ đã đón nhận tất cả vào cuộc đời mình. Nơi Mẹ có sự thống nhất hoàn bộ mọi giây phút cuộc đời, những giây phút mà chúng ta đã thử đọc từ lăng kính của bài chiêm niệm về Ba Mẫu Người trong sách Linh Thao[5]. Mẹ đã sống lòng tôn kính Thiên Chúa không lúc nào ngơi. Nơi Mẹ, ta có thể nói cách trừu tượng rằng, tình trạng hữu hiệu của ân sủng đến từ Thiên Chúa và thái độ mở ra trước ân sủng của một thụ tạo đã giao nhau một cách trọn vẹn. Thậm chí, ta có thể nói, nơi cuộc đời Đức Maria, Thiên Chúa đã được thụ tạo của Ngài đón nhận một cách triệt để nhất. Bởi thế ta mới gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là người đã đón nhận ân sủng của vị Thiên Chúa làm người trong cung lòng mình. Nơi Mẹ, sự đón nhận thụ động và hành động chủ động, tinh thần và thân xác hiệp nhất với nhau một cách không thể tách rời. Mẹ cũng là người, vì tin vào Lời Chúa, nên được chúc phúc;  bởi Mẹ cũng là người, trong thân phận thụ tạo, đã nói tiếng “Xin Vâng” với Chúa, ngay tại thời điểm mà ân sủng cứu độ được Thiên Chúa thực sự quyết định và thực hiện trong lịch sử.

 

Tại thời khắc ấy của lịch sử cứu độ, chúng ta gặp Đức Maria. Mẹ đã nói lời đồng thuận và đón nhận Thiên Chúa, Mẹ nói tiếng xin vâng trong Thánh Thần và trong từng điều cụ thể của cuộc đời thể lý và tâm linh của mình. Nói theo lời các giáo phụ, Mẹ đón nhận Ngôi Lời trong đức tin, trong tâm hồn và trong lòng dạ.

 

Nói „Đức Maria được cứu độ theo cách toàn vẹn“ cũng có nghĩa là nơi Mẹ, sự khởi đầu và kết thúc mà Thiên Chúa thiết lập nơi lịch sử hoàn toàn đối ứng nhau. Vì vậy Mẹ vừa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội vừa là Đấng được đưa về Thiên Quốc, nghĩa là lên trời với trọn vẹn tâm hồn và thân xác. Trong khi hành vi và vận mệnh cuộc đời chúng ta trong thân phận con người lúc nào cũng đổ vỡ cách đáng tiếc, thì nơi Mẹ điều ấy trở thành một sự hiệp nhất đầy phúc đức, giữa những gì Mẹ dự định và thực hiện, những gì Mẹ quyết định trong tự do nhân bản và những gì Mẹ đón nhận như là nghĩa vụ. Nơi đời chúng ta, có nhiều chuyện có khi “lòng thì muốn mà tay với không tới“, cũng có những cuộc đời mà vận số bị lơ là, lỡ chuyến, khiến cuộc đời cứ chật vật mãi, nên những sự kiện đời họ chỉ là những chuỗi ngày èo uột, chứ không tự mình tự do xây dựng cuộc đời được. Nơi Đức Maria, trong lời Fiat thì mọi sự đã đồng hiện diện. Trong những gì khiến Mẹ trở thành Mẹ của Ngôi Lời, thì Mẹ cũng đưa tất cả những gì Thiên Chúa sắp đặt cho Mẹ vào trong hành động vì tình yêu của mình.

 

Đức Maria và đời linh mục

Nếu nơi Đức Mẹ, người được cứu độ cách trọn vẹn, chúng ta khám phá ra sự thống nhất toàn hảo và đầy hồng phúc giữa điều được tặng ban từ Thiên Chúa và những đóng góp từ phía con người, thì điều ấy cũng có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta, những linh mục. Hẳn là chúng ta không có ý coi Đức Mẹ như là kiểu mẫu của chức linh mục cho phụ nữ hay những ý nghĩ đại loại như vậy. Dầu vậy, chúng ta không được phép quên rằng, Đức Mẹ không chỉ có một chức năng uyển chuyển trong lịch sử cứu độ, mà còn có chức năng mang tính quyết định nhất, nếu xét từ phía nhân loại chúng ta.

 

Nói như thánh Phaolô, tất cả chúng ta được xây dựng từ nền tảng các tông đồ và các ngôn sứ (Eph 2, 20) và là con cái trong đức tin của tổ phụ Abraham (Rm 5,16). Lịch sử tính của cuộc đời riêng từng người chúng ta phụ thuộc một cách căn bản vào lịch sử cuộc đời của những người khác. Nếu nhận xét này đã có giá trị cho những hoạt động bình thường, tức những hành vi không tên của chúng ta, thì lại càng có giá trị đối với những hành vi có chiều kích thừa tác, có liên quan đến dòng lịch sử cứu độ, và theo cách đó, những hành vi này hoà cuộn vào dòng chảy suy tư của Giáo Hội. Ở đây, ta thấy cuộc đời Đức Mẹ không chỉ là một vận mệnh tư riêng. Mẹ không trở nên Mẹ Thiên Chúa cho chính Mẹ, nhân danh người mẹ theo thể lý hay bởi tình yêu cá nhân của riêng Mẹ, tức những chuyện liên quan đến đời tư của Mẹ mà thôi. Còn hơn thế, mẫu tính của Đức Maria mở lối dẫn vào ơn cứu độ. Tuy nhiên, điều này lại có nghĩa là Đức Maria thuộc về chức năng thừa tác và đại diện của Giáo Hội theo một cách rất đặc biệt. Ngay cả khi ý tưởng này không ổn, không biện minh được, thì chức năng thừa tác này của Mẹ vẫn được duy trì, bởi nó có giá trị ngay từ trong chính đặc tính “một lần duy nhất” nơi cuộc đời Mẹ. Chức năng một lần duy nhất và xác định của Mẹ trong Giáo Hội là sự hoàn toàn hội nhất và hoà hợp giữa hành trình đời sống cá nhân với ý thức về căn tính của Mẹ. Nơi Mẹ không có sự khập khiễng giữa tác vụ và ý thức chủ thể. Giáo Hội có một lập trường đối lập với lạc giáo Donatisme ngay từ đầu rõ đến độ Giáo Hội luôn luôn coi là điều rất hiển nhiên, rằng Mẹ Thiên Chúa cũng là người mẹ rất thánh. Nói cách khác, từ công thức thần học này, chúng ta nói rằng nơi trường hợp duy nhất của Mẹ, tức là sự phân chia giữa tác vụ và con người là điều không thể xảy ra được, không phải bởi lý do như thể Mẹ không còn là cá thể tự do nữa, cho bằng bởi Mẹ, nhờ hiệu quả của ân sủng Thiên Chúa, vốn đã làm Mẹ trở nên con người tự do, đến độ nơi Mẹ sự toàn vẹn của chức năng và sự thánh thiện trở nên một điều đã được tiền định.

 

Đối với chúng ta trong thân phận linh mục, sự thống nhất giữa tác vụ và sự thánh thiện cá nhân nơi Đức Maria trở thành một mẫu gương không thể bỏ qua: anh em phải trở nên giống như vậy! Ơn gọi độc thân dâng hiến để phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Đức Kitô, Giáo Hội và con người xét cho cùng chính là việc trở nên một, trở nên hội nhất giữa việc thực thi thừa tác vụ và sự triển nở cá nhân mình, điều mà chúng ta có cùng một nét chung với Đức Maria.

 

Là người được cứu độ cách toàn vẹn, cả cuộc đời Đức Mẹ là sự thống nhất giữa hành trình trở nên chính mình và công trình phục vụ phổ quát. Ta có thể nói rằng, đó là sự thống nhất giữa sự thánh thiện và đời làm tông đồ. Nơi Mẹ điều này làm điều kiện khả hữu cho điều kia. Mẹ trở thành Mẹ rất thánh qua việc Mẹ đón nhận Ngôi Lời như Con Chiên cứu độ trần gian, qua việc Mẹ dâng tình mẫu tử như của lễ dâng hiến con mình, cũng như cả đời Mẹ không gì khác hơn là hành trình để mình được tiêu hao vì tác vụ mục tử của con Mẹ đối với các linh hồn. Cá nhân tính của Mẹ cũng chìm tan dần theo sứ mạng đời Mẹ, hoà biến vào sự phục vụ tông đồ, và chính ngay tại điều này, Mẹ đã sống trọn vẹn điều Mẹ phải sống, một lần và duy nhất. Cái mốt thời thượng tôn sùng duy nhân bản xoay quanh chân dung một nhân vật nổi tiếng nào đó mà thế kỷ 19 đã phát động xét cho cùng phản ánh một khuynh hướng duy kỷ, không dẫn người ta thực sự đến với Đức Kitô và theo hướng đó, cũng chẳng phải là một dạng tôn sùng Đức Maria cách đúng đắn. Cuộc đời của người trinh nữ này là một cuộc đời nhỏ bé, nghèo hèn và không có nhiều sự kiện, trải qua trong một rẻo đất Palestine tí teo, nhưng chấp nhận để mình được sử dụng, xoá mình cho công cuộc của Thiên Chúa với tư cách là nữ tỳ, xảy ra chỉ một lần và duy nhất. Cùng lúc, chính cuộc đời như thế đã trở nên hình mẫu cá thể tính tuyệt đối trong nhân loại. Nơi hiện hữu của Đức Maria, không có gì bị bỏ sót, không có gì bị để trống. Nhưng chính qua những điều ấy, Maria đã không làm gì để xây dựng chân dung cho chính mình, cho bằng cho người khác, cho người con của mình và cố gắng chu toàn những bổn phận đời thường. “Này tôi đây là nữ tỳ …” chính là cách nhìn của Maria về mình, như là người phụng sự Thiên Chúa và chỉ Ngài mà thôi. Và vì điều này mà Mẹ trở thành Nữ Vương Thiên Đàng và Nữ Vương Nhân Loại (Regina Coeli et Regina Mundi).

 

Qua đó, ta có thể thấy được đó là điều hiển nhiên khi nơi Đức Maria, đấng được cứu độ cách toàn hảo, ân sủng và tự do đã tiến tới một sự hiệp nhất tuyệt đối và đầy thánh thiện. Từ điểm này chúng ta có thể làm cơ sở cho việc suy tư về mọi đặc ân và biệt tôn đối với Đức Trinh Nữ rất thánh Mẹ Thiên Chúa. Kể cả chủ đề sự đồng trinh của Mẹ, vốn là diễn tả của sự tinh tuyền của giao ước mới. Là hình ảnh tiêu biểu đầu tiên cho sự tinh trắng, Đức Maria đại diện cho hình ảnh cánh chung của Hội Thánh được thánh hiến bởi Đức Kitô giữa lòng nhân loại, cũng giống như tình trạng linh mục chúng ta qua sự độc thân khiết tịnh.

 

(còn tiếp)

Karl Rahner, S.J.
(dongten.net 25.05.2018)

 

[1] Trong một số bài Linh Thao bản lề, Thánh Inhaxiô thường mời người thao viên làm các cuộc “tâm sự”, tức những lời cầu nguyện đầy tâm tình lên trước hết là các ngôi vị của Thiên Chúa rồi sau đó lên Đức Bà, như là cách để đào sâu ân sủng mà người ấy nhận được trong một giờ cầu nguyện. (ND)

 

[2] Sau phần chính của các bài Linh Thao, Thánh Inhaxio có thêm vào một phụ chú giúp người thao viên có đồng cảm nghĩ với Giáo Hội. (ND)

 

[3] Tức là quãng thời gian cuối của kỳ tĩnh tâm, khi người thao viên chiêm niệm sự Phục Sinh của Đức Kitô. (ND)

 

[4] Bài Linh thao “Contemplatio ad amorem” (chiêm niệm để đạt đến tình yêu) nằm ở cuối kỳ tĩnh tâm và là đỉnh cao của thời gian này. Bài này không chỉ là những ý tưởng trừu tượng về tình yêu, cho bằng nếm cảm cụ thể từng điều một, rất vừa vĩ mô vừa vi mô, đời thường về những gì mình trải nghiệm về ân sủng yêu thương của Thiên Chúa trong những ngày cầu nguyện đã qua. (ND)

 

[5] Đây là một bài Linh Thao quan trọng về sự thanh luyện ý riêng, trong đó Thánh Inhaxiô mời thao viên tuần tự suy xét từng mẫu người, trong đó người ta đi từ giữ ý riêng hoàn toàn cho đến tự do thuận theo ý Chúa hoàn toàn. (ND)

366    26-05-2018