Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đức tin công giáo của Joe Biden sẽ hình thành mối quan hệ của ông với giáo hoàng và các giám mục Hoa Kỳ như thế nào

Đức tin công giáo của Joe Biden sẽ hình thành mối quan hệ của ông với giáo hoàng và các giám mục Hoa Kỳ như thế nào

 

Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ trước Chánh án John Roberts, bà Jill Biden cầm quyển Kinh thánh của gia đình trong lễ nhậm chức của ông tại Điện Capitol ở Washington ngày 20 tháng 1 năm 2021. (Ảnh CNS / Kevin Lamarque, Reuters)

Khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông là người công giáo thứ hai ở chức vụ này, sau khi là người công giáo thứ tư được một đảng lớn đề cử. (Đảng Dân chủ đề cử Al Smith năm 1928, John F. Kennedy năm 1960 và John Kerry năm 2004.) Một chủ đề trong diễn văn nhậm chức của ông Biden là hàn gắn chia rẽ sâu đậm ở Hoa Kỳ, nhưng nhà thần học và sử học Massimo Faggioli lập luận trong quyển sách mới của ông, sự phân cực trong Giáo hội cũng là một thách thức cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden Joe Biden và công giáo ở Hoa Kỳ (Joe Biden and Catholicism in the United States). Tác giả Faggioli tìm hiểu xem đức tin của ông Biden đóng vai trò trọng tâm như thế nào trong chiến dịch tranh cử, cách người công giáo Hoa Kỳ thách thức Đức Phanxicô cũng có thể làm cho chính quyền Biden đau đầu và tại sao ông cho rằng Vatican và Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với nhau trong tương lai gần để bảo vệ nền dân chủ và sự ổn định trên thế giới.

 Giáo sư Massimo Faggioli và quyển sách Joe Biden và công giáo ở Hoa Kỳ

Massimo Faggioli là nhà sử học Giáo hội, Giáo sư Thần học và Tôn giáo học tại Đại học Villanova, Philadelphia và là nhà văn đóng góp cho tạp chí Commonweal. Ông là giảng viên của Đại học St. Thomas từ năm 2009 đến năm 2016, nơi ông là giám đốc sáng lập của Viện Công giáo và Công dân.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Giáo sư Faggioli, đã được biên tập lại rõ ràng và đầy đủ.

Ông viết, “đất nước không có vấn đề với ông Biden là người Công giáo, nhưng một bộ phận không phải là không đáng kể của Giáo hội Hoa Kỳ – trong số này có các giám mục,  giáo sĩ và giáo dân – có vấn đề với đạo công giáo”. Ý giáo sư là như thế nào?

Giáo sư Massimo Faggioli: Trong các nghiên cứu của tôi về các ứng cử viên tổng thống công giáo trước đây cho thấy, rõ ràng là có những người công giáo không thực sự hài lòng với những ứng cử viên này, nhưng nó chưa bao giờ trở thành một vấn đề liên công giáo trong các chiến dịch. Sau cuộc bầu cử của Kennedy, có một tổng thống công giáo là một khoảnh khắc đáng tự hào và đoàn kết giữa những người công giáo. Đó là điều mà chúng ta không thấy bây giờ vì chiến tranh văn hóa, bất kể điều đó có nghĩa là gì, đã thực sự định hình lại các đảng phái chính trị và các Giáo hội, kể cả Giáo hội công giáo. Ngay bây giờ, bản sắc tôn giáo ở đất nước này không phải là người công giáo, người tin lành hay chính thống giáo, nhưng là loại công giáo nào, loại tin lành nào, loại chính thống giáo nào.

Ngay bây giờ, bản sắc tôn giáo ở đất nước này không phải là người công giáo, người tin lành hay chính thống giáo nhưng là loại công giáo nào, loại tin lành nào, loại chính thống giáo nào.

Đây là điều mà bây giờ ông Biden phải giải quyết, điều mà tổng thống John Kennedy chưa bao giờ phải đối diện. Nó có thể là một trở ngại, nhưng cũng có thể là một lợi thế vì có rất ít người công giáo khác trên diễn đàn công cộng có đức tin đáng tin cậy như  ông Biden. Chúng ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với ông về mặt chính trị, nhưng ông là người xác thực; không giả tạo; ông không lợi dụng nhà thờ.

Giáo sư viết trong cuốn sách “Biden đã biến đức tin công giáo của mình trở thành một phần trọng tâm của chiến dịch. Ông Biden làm điều này như thế nào? Ông kêu gọi đến ai?

Tôi nghĩ điều này là rõ ràng nếu chúng ta so sánh chiến dịch tranh cử của ông với bốn ứng cử viên công giáo trước đó. Mỗi người trong số họ đều phải để đức tin công giáo trong lãnh vực riêng tư. Vì đức tin của họ bị tấn công trong các chiến dịch, phản ứng bảo vệ của họ là nói, “Tôi là người công giáo, nhưng điều này thực sự không quan trọng đối với đường lối chính trị của tôi”. Đó là điều mà Biden không làm và không cần phải làm vì không còn phong trào chống công giáo lớn ở đất nước này nữa.

Chúng ta có thể thấy qua cách ông đề cập đến các nhân vật công giáo quan trọng như Đức Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô, và khi ông đề cập đến tu sĩ dòng Tên người Đức Alfred Delp, đã bị Đức quốc xã hành quyết. Đó không phải là đóng kịch để tranh cử, đó là điều chúng ta luôn thấy ở Joe Biden, giống như trong các cuộc phỏng vấn của ông với diễn viên Stephen Colbert, vì thế điều này toát ra khá tự nhiên trong suốt chiến dịch tranh cử.

Chúng ta có thể không đồng ý với Joe Biden trên mọi vấn đề, nhưng tôi thấy nhiều tín hữu Mỹ có thể thấy điều gì đó ở đức tin của ông là  thật, một cái gì xác thực nơi ông.

Đây là một phần của lời kêu gọi bởi vì

chúng ta có thể không đồng ý với Joe Biden trên mọi vấn đề, nhưng tôi thấy nhiều tín hữu Mỹ có thể thấy điều gì đó ở đức tin của ông là  thật, một cái gì xác thực nơi ông.

Có những điểm tương đồng nào giữa ông Biden và Đức Phanxicô có thể giúp ích cho mối quan hệ làm việc không?

Ngược với thời của ông Al Smith hay John Kennedy hay John Kerry, bây giờ có một điểm chung rất tốt giữa Nhà Trắng của Biden và Vatican.

Hai người có điểm chung, cả ông Biden và Đức Phanxicô đều được bầu vào chức vụ cao nhất khi họ gần nghỉ hưu hoặc thậm chí sau khi nghỉ hưu, họ đại diện và lãnh đạo hai cộng đồng rất chia rẽ. Nhưng điểm chung quan trọng nhất của họ là sự phản đối của giới công giáo chống lại một bên, cũng gần giống như giới công giáo chống lại bên kia.

Ông Biden và Đức Phanxicô được bầu vào chức vụ cao nhất khi họ gần nghỉ hưu hoặc thậm chí sau khi nghỉ hưu, họ đại diện và lãnh đạo hai cộng đồng rất chia rẽ.

Vì vậy, có một sự chồng chéo rất quan trọng – về mặt ý thức hệ, văn hóa, chính trị – giữa phong trào Trump ở mức quốc gia và phong trào chống-Phanxicô. Kể từ năm 2015, tôi nghĩ họ đã không thể tách rời. Vì vậy, họ sẽ hiểu, họ có một đường lối chung, một đối kháng chung.

Và tôi nghĩ điều này sẽ giúp họ hình thành một mối quan hệ tốt đẹp trong ngắn hạn và trung hạn. Về lâu dài, Vatican và phương Tây, vẫn còn có những khác biệt quan trọng. Và những khác biệt này sẽ xuất hiện với thời gian, và tôi nghĩ, nhưng không phải ngay bây giờ, vì mối đe dọa khẩn cấp chống lại nền dân chủ, chống lại một sự ổn định nào đó là nghiêm trọng đến mức tất cả những khác biệt lâu dài sẽ bị để qua một bên trong một thời gian. Tôi tò mò muốn biết, liệu ông Biden là người công giáo thì lợi hay không lợi cho mối quan hệ của ông với Vatican, đặc biệt là xung quanh một số vấn đề của sự sống, nơi có sự khác biệt quan điểm rõ rệt.

Về mặt lịch sử,  đây là một vấn đề hoặc cũng có thể là một trở ngại. Nhưng không phải bây giờ, tôi nghĩ, chỉ vì Đức Phanxicô. Đức Phanxicô không bao giờ dùng ngôn ngữ của những người bảo thủ xã hội về vấn đề phá thai. Và vì vậy rõ ràng có sự khác biệt giữa ngôn ngữ của Đảng Dân chủ và Giáo hội công giáo về vấn đề phá thai. Nhưng cũng có sự khác biệt giữa cách mà Vatican hiện nay nói về phá thai và cách mà đảng Cộng hòa nói về phá thai. Và vì vậy điều này bây giờ khác với những gì đã xảy ra với ông John Kerry và Đức Gioan-Phaolô II và Barack Obama với Đức Bênêđictô XVI.

Vatican luôn muốn có quan hệ tốt với tổng thống Hoa Kỳ, dù có khoảng cách giữa một số chính sách đối nội cũng như đối ngoại.

Cả Biden và Vatican đều có vấn đề với các giám mục Hoa Kỳ, và đây là một vấn đề nghiêm trọng. Họ hiểu nhau bởi vì họ phải đối diện với hàng giám mục Mỹ bị cô lập, trở nên không thể đối phó, cho giáo hoàng cũng như cho tổng thống công giáo.

Vatican luôn muốn có quan hệ tốt với tổng thống Hoa Kỳ, dù có khoảng cách giữa một số chính sách đối nội cũng như đối ngoại.

Giáo sư nói, các giám mục Hoa Kỳ đã từ chối Biden dưới bất cứ hình thức đấu dịu nào, thậm chí còn hành động có phần đối nghịch sau cuộc bầu cử của ông khi họ thành lập một nhóm làm việc đặc biệt để xem xét cách làm việc với một tổng thống công giáo. Giáo sư nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa Giáo hội Mỹ và tân tổng thống?

Chà, chúng tôi không biết. Chúng tôi không biết gì thêm về nhóm làm việc này.

Tôi nghĩ một sự thay đổi ngôn ngữ là cần thiết. Nhưng điều cần làm là điều mà tôi chưa thấy xảy ra, đó là phải suy nghĩ lại những gì đã xảy ra trong vài năm qua. Thành thật mà nói, tôi không bao giờ mong chờ các giám mục Hoa Kỳ nói với người công giáo, “hãy bỏ phiếu cho Joe Biden.” Tôi không bao giờ mong đợi điều đó. Nhưng cũng thật bất ngờ khi thấy loại mù quáng này đã có, không phải tất cả, nhưng đặc biệt ở một số người trong số họ, cho đến cuối nhiệm kỳ tổng thống Trump, về những gì cựu-tổng thống làm cho người công giáo, đặc biệt với người công giáo Mỹ-La tinh và người công giáo Mỹ gốc Phi.

Tôi không nghĩ điều này đã giúp cho Giáo hội công giáo ở đất nước này tỏ ra thù địch với một tổng thống công giáo ngay từ ngày đầu.

Vì thế về mặt lịch sử và đạo đức đã có một sự tính toán kém cỏi để hiểu những gì đã xảy ra. Và chính khi họ có thể tìm hiểu và học cách để đối phó với một tổng thống không hoàn hảo, trong tư cách là người công giáo hay chính trị gia. Nhưng chắc chắn, tôi không nghĩ điều này đã giúp cho Giáo hội công giáo ở đất nước này tỏ ra thù địch với một tổng thống công giáo ngay từ ngày đầu. Điều này chỉ có thể gây thiệt hại cho Giáo hội và có thể giúp ích rất ít để người công giáo tạo ảnh hưởng một cách đúng đắn đến các vấn đề trong cuộc sống.

Giáo sư có thấy các giám mục thân thiện với tân chính quyền không? Liệu họ có đóng một vai trò nào trong việc nhân danh người công giáo Mỹ để có tiếng nói không?

Tôi nghĩ họ sẽ làm được. Đặc biệt là hồng y Wilton Gregory, Tổng Giám mục ở giáo phận Washington, D.C., hồng y Cupich, tổng giám mục Chicago, hồng y Tobin, Tổng Giám mục  Newark, giám mục McElroy, giáo phận San Diego. Thành thật mà nói, đó là một nhóm nhỏ, nhưng tôi tin rằng họ sẽ đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra có một ít giám mục, các tu sĩ Dòng Tên của đất nước, cũng như những tiếng nói công giáo khác mà không nhất thiết phải là giám mục hay giáo sĩ. Tôi không thấy sự thay đổi nhanh chóng của các giám mục Hoa Kỳ trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Tôi không thấy.

Điều gì mang lại hy vọng cho ông ở tân chính quyền?

Những gì chúng ta thấy vào tối thứ ba trong lễ tưởng niệm các nạn nhân Covid ở Washington, D.C., là một dấu hiệu hy vọng lớn. Các nguồn cội mang tính biểu tượng và tinh thần của đất nước này là vô cùng to lớn, và Joe Biden đã chứng tỏ cho thấy khả năng khéo léo dựa trên nguồn cội này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

960    24-01-2021