Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Đức Tổng Giám mục Auza: Cần có ‘sự đoàn kết liên thế hệ’ để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta - tt

Đức Giáo hoàng Phanxico nói việc tái giáo dục lương tâm này không chỉ liên quan đến sự chẩn đoán và khắc phục những thất bại trong quá khứ, mà còn phải bác bỏ những điều được cho là giải pháp quá hời hợt hoặc các giải pháp từng phần rất phổ biến trong một số môi trường, giống như một số mâu thuẫn chúng ta đã nói đến trước đây. Ngài nói thêm, sự tái nhạy cảm của lương tâm này liên quan đến việc lắng nghe cẩn thận hơn những gì Thiên Chúa đã nói với chúng ta về sự tốt lành của thế giới và của tha nhân và biết chân nhận một thái độ biết ơn đối với món quà thế giới và tính nhưng không trong cách bắt chước lòng quảng đại của Người (LS 220-221).

Thứ ba, sự hoán cải sinh thái là công nhận rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt, và sự quyết tâm mà chúng ta phải có. Đức Giáo hoàng Phanxico nói, để làm được như vậy, hãy bắt đầu bằng một nhận thức rằng cần phải có một “tình đoàn kết mới và phổ quát” để cùng nhau xây dựng lại ngôi nhà chung của chúng ta với một hệ sinh thái toàn diện (13, 14). Đức Giáo hoàng Phanxico đưa ra rất nhiều ví dụ về những nơi và quốc gia đã cho thấy sự cải thiện môi trường tuyệt vời như sông ngòi được làm sạch, rừng được phục hồi, cảnh quan được làm đẹp, và năng lượng tái sinh được cải tiến — theo ngài, tất cả những điều này cho thấy con người vẫn có khả năng can thiệp tích cực” (58).

Tôi chắc rằng tất cả quý vị có mặt ở đây đã tham gia vào nhiều hoạt động như vậy. Chúng ta thực hiện mọi hành động lớn và nhỏ vì ích lợi cho môi trường, không phải vì tấm hình lưu niệm với đôi găng tay cầm túi rác lớn, rồi đăng ảnh lên Instagram hoặc Facebook hoặc WhatsApp; cũng không phải vì có được cảm giác dễ chịu khi làm điều tốt; trên hết, chúng ta làm điều đó vì được thúc đẩy bởi niềm tin của các mệnh lệnh đạo đức và tôn giáo để là người quản lý giỏi cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa, là người đồng sáng tạo với Người trong việc bảo tồn và chăm sóc món quà tạo vật tuyệt vời này mà Người đã giao phó cho chúng ta.

Một khi chúng ta từ bỏ những hành vi cũ, tự mình rèn luyện để có thái độ đúng đắn, và quyết tâm làm việc cùng nhau, Đức Giáo hoàng Phanxico muốn giúp chúng ta phát triển điều mà ngài gọi bằng thuật ngữ “linh đạo sinh thái” mà ngài hy vọng sẽ dần dần đem đến một văn hóa sinh thái thực sự.

Đối với Đức Giáo hoàng Phanxico, một linh đạo sinh thái đích thực bao gồm một số yếu tố:

Yếu tố đầu tiên là ý thức về những giới hạn của chúng ta. Đức Giáo hoàng Phanxico nói, “Chúng ta không phải là Chúa.” Trái đất đã có trước chúng ta và nó được trao lại cho chúng ta” (66). Điều này có nghĩa là chúng ta không được khẳng định quyền thống trị tuyệt đối trên tạo vật mà phải hiểu thấu đáo rằng chúng ta được trao cho quyền quản lý đối với nó. Nếu không có tinh thần nhận biết sự ưu việt của một Đấng Tạo hóa, “cuối cùng chúng ta sẽ tôn thờ các quyền lực của trần gian, hoặc của chính chúng ta thay thế vị trí của Thiên Chúa, thậm chí đến mức tuyên bố một quyền lực vô hạn để chà đạp tạo vật của Người dưới chân” (75).

Thứ hai, linh đạo sinh thái này đòi hỏi một sự đào tạo hoặc giáo dục về sinh thái thích hợp, đó là truyền đạt một lòng kính sợ và ngạc nhiên trước vẻ đẹp của món quà tạo vật (12); chân nhận rằng mọi sinh vật khác đều có giá trị và mục đích bên trong (69, 84); và một “đạo đức sinh thái”, giúp mọi người phát triển trong tình đoàn kết, tính trách nhiệm và sự chăm sóc đầy lòng trắc ẩn” (210).

Thứ ba, linh đạo sinh thái này dẫn đến một cách sống mang tính ngôn sứ và chiêm nghiệm — một cách hiểu khác về chất lượng cuộc sống — hành động theo bài học cổ xưa “ít hơn là nhiều hơn” (222). Sự đơn giản, sự điềm đạm và chừng mực như vậy cho phép chúng ta biết hài lòng với số ít, hiểu đúng giá trị những điều nhỏ bé, biết ơn và đồng thời có tinh thần buông bỏ những gì chúng ta sở hữu, để thoát khỏi tình trạng nô lệ cho mọi thứ, chúng ta có thể sống cuộc sống trọn vẹn hơn (223).

Cuối cùng, nó dẫn đến khả năng sống với nhau như anh chị em trong sự hiệp thông, biết rằng chúng ta cần có nhau và cùng chia sẻ trách nhiệm đối với ngôi nhà chung của chúng ta (228-9). Không có tình đoàn kết huynh đệ này, những nền tảng của đời sống xã hội bị xói mòn và những gì diễn ra sẽ là những cuộc chiến giữa các lợi ích đối chọi và chống lại một nền văn hóa thật sự biết chăm sóc cho môi trường và chăm sóc cho nhau (229).

Một sự hoán cải sinh thái và linh đạo như vậy là đủ sự thách thức ở cấp độ cá nhân; ở cấp độ chung, văn hóa, xã hội và toàn cầu, rõ ràng nó đòi hỏi khắt khe hơn nhiều. Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxico kêu gọi chúng ta đừng tập trung quá nhiều vào chiều dài của hành trình bắt đầu từ vị trí hiện tại của chúng ta đến nơi mà chúng ta hy vọng sẽ đến, mà hãy tập trung vào từng bước một. Ngài nhấn mạnh, “một hệ sinh thái toàn diện bao gồm những hành động đơn giản mỗi ngày phá vỡ luận lý của tính bạo lực, sự bóc lột và tính ích kỷ” (230). Nó gồm có trong “một con đường yêu thương bé nhỏ,” không bỏ qua một “lời nói nhã nhặn, một nụ cười hoặc một cử chỉ nhỏ gieo rắc hòa bình và tình bạn” (230). Mọi thứ đều làm nên sự khác biệt.

Cảm ơn quý vị rất nhiều.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/7/2019]

313    20-07-2019