Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Gấp Kinh Thánh lại, bạn nhớ điều gì ?

Từ Kinh Thánh, chắc hẳn mỗi người sẽ tự rút ra cho mình nhiều bài học. Ở góc độ nào đó, tôi cho rằng chỉ cần hiểu theo cách của bản thân và cố gắng sống thật tốt, đôi khi chẳng cần chiêm nghiệm quá sâu xa (nhưng hiểu sâu xa thì càng tốt!). Nếu được hỏi ấn tượng cá nhân về Thánh Kinh, tôi sẽ trả lời mình thích Cựu Ước nhiều hơn Tân Ước.
GẤP THÁNH KINH LẠI, BẠN NHỚ ĐIỀU GÌGẤP THÁNH KINH LẠI, BẠN NHỚ ĐIỀU GÌ

Không bàn đến thần học, chỉ đơn giản vì những mẩu chuyện trong đó gắn bó với ký ức tôi - một tuổi thơ lớn lên trong vòng tay ngoại. Ngay lúc tập tành ê a đánh vần, tôi đã được nghe kể chuyện Ađam - Eva, Chúa gọi Samuel nơi đền thờ hay chuyện gia đình ông Gióp đầy thú vị. Những buổi tối trước khi ngủ, trong cuộc trò chuyện giữa hai bà cháu luôn là hình ảnh về dân Do Thái. Vốn là cậu bé ưa hỏi, mẹ kể rằng, ngày nhỏ tôi luôn lẽo đẽo theo chân bà bất kể lúc nào, để mong nghe giải thích cho bằng được câu chuyện vừa tìm hiểu (dù rằng, lời lý giải ấy, bây giờ chẳng còn đọng lại bao nhiêu). Thánh vịnh được tôi đọc như một cách rèn luyện cho môn “tập đọc” thời cấp một. Lớn lên một chút, bà cho tôi tiếp cận với sách Khôn Ngoan, Giảng viên rồi các sách tiên tri… Và, cậu bé bắt đầu nghe được những triết lý sâu xa…

Một ngày kia, bà mất. Tôi không còn ai chuyện trò và cũng không giữ được thói quen lật từng trang Cựu Ước mỗi khi chiều về. Ngày đưa tang, ra đến phần mộ, tôi vẫn ao ước bà tiếp tục sống mãi, sống hoài để kể chuyện Thánh Kinh cho tôi nghe. Khi ấy, 16 tuổi, tôi ngộ ra một điều (mà vốn dĩ đã đọc từ vài năm trước): “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Một thời để chào đời, một thời để lìa thế, một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây. Mọi sự đều đi về một nơi, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất”. (Gv 3,1 - 2,20).

Sau này, mỗi lần nghe ai đó nhắc đến những mẩu chuyện, bóng dáng bà lại ẩn hiện. Chập chờn thôi mà thân quen, gần gũi. Có lẽ vì vậy, Cựu Ước đối với tôi hay hơn bất kỳ môn học nào hoặc tác phẩm văn chương nào!

TUYẾT LINH

1003    13-09-2017