Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Giờ kinh Phụng vụ là gì?


Chúng ta thường thấy các linh mục và tu sĩ cầu nguyện bằng một quyển sách nhỏ. Đôi khi, một số giáo dân cũng có những quyển sách nhỏ đó, ngồi trong nhà thờ mà cầu nguyện. Vậy họ đang cầu nguyện gì?

Các linh mục, tu sĩ và phó tế có bổn phận cầu nguyện hằng ngày với Giờ kinh Phụng vụ, hay còn gọi là Kinh nhật tụng. Các vị cầu nguyện những lời kinh cố định mỗi ngày, theo những giờ khác nhau từ sáng đến tối. Cầu nguyện theo lịch, không chỉ dành riêng cho những người được thánh  hiến cho Chúa, mà còn là một việc cầu nguyện chung cho cả giáo dân.

Người Do Thái cầu nguyện vào những giờ nhất định trong ngày. Vua Đavid, người viết Thánh vịnh, đã nói rằng:

Chiều hôm, sớm mai và chính ngọ,

tôi than van, tôi rên rỉ.

Và Người đã nghe tiếng tôi.

(Thánh vịnh 55, 17)

Ngay cả tiên tri Daniel cũng cầu nguyện vào những giờ nhất định trong ngày.

Thoạt khi Ðaniel biết là văn kiện đã được châu phê, thì ông về nhà. Các cửa sổ trên gác của ông vẫn cứ mở hướng về Yerusalem. Và mỗi ngày ba lần, ông vẫn quì gối mà cầu nguyện và ngợi khen trước Thiên Chúa của ông, y như ông đã từng làm từ trước đến nay. (Dn 6, 11)

Người Do Thái có truyền thống cầu nguyện ba lần mỗi ngày, sáng, chiều và tối. Và việc cầu nguyện này phát triển thành một bài cầu nguyện qua các thánh vịnh để bày tỏ nhiều khao khát của tâm hồn con người. Chúa Giêsu cũng nhiều lần cầu nguyện với thánh vịnh, nhất là khi Ngài thốt lên những lời của Thánh vịnh 22 khi chịu treo trên thập giá: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Ngài bỏ tôi.”

Bởi vì thời tiên khởi, hầu hết Kitô hữu là người Do Thái, nên họ tiếp tục truyền thống cầu nguyện bằng Thánh vịnh. Kiểu cầu nguyện này vẫn được tiếp nối khi Giáo hội lớn lên, như cha Timothy Gallagher đã viết trong quyển Giờ kinh Phụng vụ của mình, “Xuyên suốt Giáo hội, từ Palestine, Antioch, Constantinople, và châu Phi, các Kitô hữu hội nhau trong nhà thờ của mình mỗi ngày hai lần để cầu nguyện với thánh vịnh. Họ hội nhau mỗi ngày để hát những bài thánh ca ban sáng và ban tối.”

Về sau, truyền thống này được mở rộng trong các tu viện thành cầu nguyện với thánh vịnh bảy hay tám lần mỗi ngày, cố gắng sống lời của thánh Phaolô là “cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5, 17.)

Giáo hội dùng 150 Thánh vịnh cho các giờ kinh, và tạo thành một vòng cầu nguyện. Hiện tại, tất cả các thánh vịnh được dùng để cầu nguyện xuyên suốt thời gian bốn tuần (nếu đọc đủ mọi giờ kinh.)

Các tu sĩ chiêm niệm giữ trọn nhịp độ cầu nguyện này, còn các linh mục và tu sĩ hoạt động thì thường “gộp” các giờ kinh. Ví dụ như, một linh mục quản xứ phải họp cả buổi chiều và tối, thì cha sẽ đọc Kinh chập tối và Kinh tối một lần trước khi đi ngủ. Những người sống đời thường ít coi trọng giờ giấc trong ngày bằng các tu sĩ, những người có một nhịp điệu cầu nguyện và làm việc chặt chẽ.

 

Từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội tiếp tục thúc đẩy việc cầu nguyện này, và khuyến khích giáo dân cũng cầu nguyện bằng Giờ kinh Phụng vụ.

Những người làm mục vụ phải xem đó là những giờ chính yếu, nhất là giờ Kinh Chiều, được cử hành chung trong nhà thờ và các ngày Chúa nhật và những dịp lễ trọng. Và cả các giáo dân cũng được khuyến khích đọc Kinh nhật tụng, dù là với linh mục, hay với nhau, hay là đọc một mình (Sacrosanctum Concilium, 100).

st

5056    14-06-2017