Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Một tu sĩ Dòng Tên gương mẫu?

 

Nhưng chính trong các yếu tố khác nhau nêu trên đã giúp cho chúng ta nhận diện được một vài quyết tâm trong tư tưởng của giáo hoàng tương lai, thì chắc chắn sự đào tạo ở Dòng Tên sẽ giải thích rõ hơn định hướng các tư tưởng và các nguồn trong phương pháp của ngài.

Vào ngày 21 tháng 9 -1953, khi 17 tuổi, ngài đã nhận được ơn gọi của mình. Trước khi đi gặp các bạn trong Ngày Sinh Viên, ngài quyết định đi xưng tội ở nhà thờ trong khu vực của mình. Ngày hôm đó ngài cảm nhận có “kinh nghiệm gặp gỡ” và biết mình sẽ là linh mục, nhưng không vì thế mà trong thời chủng sinh, khi đi dự đám cưới của một người chú, ngài đã không phải lòng một cô gặp trong đám cưới này. Ngài vào chủng viện Villa Devoto, sau đó vào học viện Dòng Tên ngày 11 tháng 3 – 1958. Khi được hỏi lý do nào ngài vào Dòng Tên, Jorge trả lời mình, bị “lôi cuốn bởi tính cách cứng rắn trong việc bảo vệ Giáo hội của Dòng Tên”. Sau này nghĩ lại, ngài cho biết động lực vào Dòng Tên của mình là do sự nghiêm nhặt của kỷ luật và hoạt động truyền giáo của Dòng. Truyền giáo có thể là sứ vụ lôi cuốn ngài nhất như ngài nhấn mạnh nhiều trong Tông huấn đầu tiên của mình: Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii gaudium) công bố ngày 24 tháng 11 – 2013. Ngài mong muốn đi truyền giáo ở Nhật Bản. Không phải vì thích Á châu nhưng nước Nhật là nước khó rao giảng Phúc Âm. Thánh Phanxicô Xaviê, một trong các bạn của Thánh I-Nhã đã là người đầu tiên mang đạo công giáo vào nước Nhật, năm 1549, xác quyết, như trong thư Thánh Phanxicô Xaxiê gởi cho Thánh I-Nhã, rằng người Nhật “thật sự mong muốn biết các chuyện mới về Chúa cũng như các chuyện về khoa học tự nhiên khác”. Nhưng năm 1614, hoàng đế Tokugawa cấm kitô giáo. Nước Nhật đóng cửa với các tư tưởng nước ngoài cho đến năm 1854, ngày mà các nhà truyền giáo Pháp của hội Truyền giáo Nước ngoài Paris rụt rè bắt đầu công việc truyền giáo đã bắt đầu có ở đây từ thế kỷ 16, mới đầu là ở thành phố Nagasaki. Bây giờ nước Nhật có 500 000 tín hữu (0,5 % tổng số dân Nhật) trong 16 địa phận với 1 800 linh mục. Linh mục Pedro Arrupe, điều khiển Dòng Tên từ năm 1965 đến năm 1981, ngài đến Nhật năm 1938. Ngài ở đây một nửa đời mình. Linh mục cựu Bề trên Tổng quản Adolfo Nicolas xin được gởi qua Nhật năm 1963. Chịu chức ở Tokyo năm 1967, sau một thời gian ngắn cha trở lại Âu châu, sau đó cha trở lại Nhật và làm bề trên giám tỉnh cho đến năm 1999. Muốn đi qua Nhật nhưng lại chưa bao giờ ra khỏi nước Argentina, đó là yếu tố cho thấy tính thích thách đố trong nhân cách của Jorge Bergoglio, sở thích theo khẩu hiệu của các tu sĩ Dòng Tên Để danh Chúa càng cả sáng! (Ad majorent Dei Gloriam!)

Nhưng cũng có thể ngài có một trực giác nào đó trong nghĩa Lịch sử. Hoặc, có một lý do ít được thú nhận hơn – ngược với lề luật của Dòng Tên, loại bỏ mọi tham vọng cá nhân, điều này giải thích chưa có một giáo hoàng Dòng Tên nào trước Đức Phanxicô -, một chiến lược trong việc dự trù sự nghiệp còn chưa rõ. Tuy nhiên ước muốn này không thành hình vì lý do sức khỏe. Người ta từ chối chủng sinh trẻ vì bệnh đường phổi. Sau một cơn bệnh nhiễm trùng nặng, một phần trên lá phổi bên mặt của ngài bị cắt, đây là một cuộc phẫu thuật rất khó khăn. Khi chữa trị bệnh sưng màng phổi, ngài phải bị chích lên tục và có những cơn đau chịu không thấu. Kinh nghiệm đau đớn thể xác này đã giúp ngài có một phân định tốt nhất về những gì mang lại hạnh phúc cho cuộc đời, nhưng ngài cũng quá sợ đau đớn thể xác. Ngài cũng nói giễu về việc có một vài người thích ngài đi Nhật để… loại trừ ngài!

Bên cạnh khía cạnh truyền giáo còn có khía cạnh kỷ luật của Dòng Tên đã lôi cuốn ngài: “Chắc chắn ngài cần một trật tự, chặt chẽ và an toàn”, linh mục Dòng Tên Henri Madelin giải thích trong quyển sách “Ngài làm như thế” (Ainsi fait-il, Plon, 2013). Cũng nên nhấn mạnh ở đây việc đào tạo tu sĩ Dòng Tên lâu hơn việc đào tạo các tu sĩ Dòng khác: mười bốn hoặc mười lăm năm. Sau hai năm tập viện – ở Dòng Đa Minh chỉ một năm – thì chủng sinh Dòng Tên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, chủng sinh sẽ học triết lý và khoa học nhân văn trong vòng ba năm. Sau đó là hai năm thực tập, thường thì trong địa hạt giáo dục, trước khi học năm năm thần học. Việc đào tạo kết thúc với “năm ba” (gọi là giai đoạn thử nghiệm thứ ba), một hình thức làm mới lại mà Thánh I-Nhã đặt rất quan trọng vì ngài cho rằng năm này là năm tổng hợp thiêng liêng cho tâm hồn để đương sự không bị nhừ tử vì những năm tháng học hành dài đằng đẵng trước đây. Một hoặc hai năm sau thì khấn trọn. Một đặc điểm lớn: chính ở giai đoạn cuối này mà người tu sĩ Dòng Tên khấn lời khấn thứ tư – lời khấn này không có ở các Dòng khác, lời khấn luôn tuân phục Đức Giáo hoàng!

Đi theo đúng quy trình này, sau thời kỳ ở nhà tập Córdoba, Jorge Bergoglio theo các công việc nhân bản của mình. Cha học tiếng la-tinh nơi triết gia cổ đại Cicerón, nên vì thế đã có thể làm cho cha nắm được nghệ thuật hùng biện. Ngày 12 tháng 3 năm 1960, sau khi khấn lần đầu, cha được gởi đi chủng viện Casa Loyola ở Chi-lê, nơi ngoài giờ học, cha có một cuộc sống rất nghiêm nhặt, đặt trọng tâm vào cầu nguyện. Cha về lại Trường Thánh Giuse Cả (Colegio Máximo San José) để thi lấy bằng cử nhân triết lý. Trường Thánh Giuse Cả là một trung tâm của Dòng Tên ở San Miguel, Buenos Aires. Giữa năm 1964 và năm 1966, cha là giáo sư tâm lý và văn chương ở trường Vô nhiễm Santa Fe, rồi ở trường Cứu chuộc, Buenos Aires. Trong thời gian này cha bắt đầu học thần học ở San Miguel, trường trực thuộc đại học Dòng Tên San Salvador. Chính trong thời gian cha học thần học mà cha được thụ phong linh mục. Ngày 13 tháng 12 năm 1969, cha được Tổng Giám mục Ramón José Castellano, giáo phận Córdoba phong chức. Cha thực tập “năm ba” ở Henares, Tây Ban Nha và khấn trọn ngày 22 tháng 4 năm 1973. Như chúng ta biết, đây là một quá trình đào tạo lâu dài, rõ ràng quá trình này đã cho thấy sự tiến triển trong tư tưởng của Jorge Bergoglio. Một sự đào tạo củng cố và đào sâu lời cầu nguyện, cho thấy nơi cha một thao thức mới về nạn nghèo khổ, một sở thích dạy học, mang đến cho cha một phương pháp phân tích có thể áp dụng vào một số lớn vấn đề và đương nhiên một hiểu biết sâu đậm về thần học:

– Cầu nguyện. Trước mật nghị bầu chọn ngài năm 2013, khi được hỏi các đức tính nào giáo hoàng tương lai phải có, cha trả lời: “Trước hết là cầu nguyện”. Câu trả lời này trông thì bình thường, nhưng không bình thường vì đối với tu sĩ Dòng Tên, cầu nguyện có một ý nghĩa khá đặc biệt. Bề ngoài cầu nguyện có vẻ như một thao luyện, theo nghĩa khắc kỹ của nó, một khổ luyện (tiếng Hy Lạp askesis), nhưng đây là một thao luyện thiêng liêng, như tập sách Linh thao danh tiếng của Thánh I-Nhã. Đó là suy niệm, cũng như cầu nguyện. Người ta thường quên triết gia Descartes, tác giả tập sách nổi tiếng Suy niệm siêu hình (Méditations métaphysiques) là học trò của các cha Dòng Tên ở trường La Flèche, thực chất các suy niệm của ông là một hình thức thế tục và hợp lý hóa của cầu nguyện, các suy niệm này đòi hỏi sự chú tâm đặc biệt để có được sự thật qua trực giác. Khi chúng ta đọc trong các bài viết về tiểu sử của Đức Phanxicô, ngài dậy trong khoảng 4 giờ đến 4 h 30 sáng mỗi ngày, ngài để ra 2 giờ để cầu nguyện trước khi bắt đầu một ngày làm việc dài, thì chúng ta phải hiểu, hai giờ này không phải chỉ ngồi đọc kinh. Tìm ý Chúa trong các quyết định, trên thực tế là phải tập trung suy nghĩ. Là nỗ lực được nâng đỡ bởi trí thông minh. Nếu Bergoglio là người trực quan, thì chúng ta có thể nói, đàng sau sự ngẫu phát bề ngoài, các trực giác của ngài là kết quả của một thao luyện hàng ngày trong cách cầu nguyện suy niệm.

– Khó nghèo. Thật sự khi ở Buenos Aires, ngài chưa biết thật sự thế nào là nghèo. Gia đình ngài thuộc tầng lớp trung lưu, ngài có một mái nhà để ở và chưa nếm mùi đói. Ở Chi-lê, nơi ngài được gởi đến sau thời kỳ tập sinh, khi đi dạy giáo lý, Jorge Bergoglio đã thấy các trẻ em rất nghèo, một số em đi chân không đến trường. Lần đầu tiên giáo hoàng tương lai thấy người vô gia cư nằm co ro ngoài trời mùa đông. Kinh nghiệm này đã thuyết phục ngài, một cách dứt khoát cho sự đúng lý và đúng lúc nguyên tắc dẫn đường của học thuyết xã hội của Giáo hội – “chọn lựa ưu tiên cho người nghèo”. Từ đó, cứu giúp người nghèo là công việc hàng đầu của ngài.

– Giáo dục. Trong thời ngài phụ trách giáo dục, việc giảng dạy đã để lại cho ngài nhiều kỷ niệm khích lệ. Jorge Bergoglio có tài năng giáo dục rõ rệt. Những năm tháng đọc sách khi còn nhỏ đã mang lại cho ngài xác quyết, tin tưởng ở học trò của mình, phát triển óc sáng tạo của chúng, truyền cho các em di sản văn chương phong phú của các văn sĩ tiếng Tây Ban Nha. Ngài không ngần ngại mời các nhà văn vào lớp mình, xin văn hào Jorge Luis Borges đọc các truyện ngắn của học sinh mình. Văn hào Jorge Luis Borges rất hứng thú, ông đề nghị xuất bản các truyện này, ông viết lời nói đầu cho tập truyện có tên Các truyện ngắn đặc biệt. Giai đoạn này nói lên một trong các cá tính của giáo hoàng: thích phiêu lưu, thích sáng tạo nhưng cũng bám vào hình ảnh, vào mô thức đã được diễn tả hay, đã được tôi luyện. Ngài thổ lộ với linh mục Antonio Spadaro: “Chúng ta phải sáng tạo”. Như thế chúng ta có thể phỏng đoán, bây giờ Jorge Bergoglio vẫn còn tìm trong văn chương chất liệu để sáng tạo.

– Phương pháp. Nhưng nhất là trong sự đào tạo trong Dòng Tên của mình, Jorge Bergoglio rút tỉa được một phương pháp hướng dẫn cha trong các cuộc thảo luận khó khăn nhất. Phương pháp này không phải chỉ tóm gọn trong công thức nổi tiếng “phân định trong hành động” dù ngài có nói trong bài phỏng vấn với tạp chí Văn minh Công giáo (La Civiltà cattolica) của Dòng Tên, đúng là trên điểm này mà ngài nhấn mạnh trước hết. Theo ngài, phân định là khả năng “làm những chuyện nhỏ mỗi ngày với một quả tim rộng mở cho Chúa và cho người khác”. Vì thế phân định đòi hỏi một khả năng mở rộng tấm lòng và lắng nghe cao. Ngài nói tiếp, vì thế, “tu sĩ Dòng Tên phải là người có tư tưởng rộng mở, tư tưởng chưa trọn”. Sự khẳng định này đặc biệt soi sáng vì nó cho thấy khoa biện chứng của các tu sĩ Dòng Tên dạy thì thật đặc biệt. Theo truyền thống triết lý, thực chất chỉ có hai con đường lớn của phương pháp luận. Hoặc biện chứng theo Hegel, có thể giải quyết các nghịch lý qua một thuật ngữ thứ ba, loại đi các căng thẳng giữa hai cái đầu tiên, nhưng thường phải trả cái giá khá đắt của sự rút gọn dẫn đến “cái kia” cũng là “một cái”. Hoặc bài-biện chứng theo Kierkegaard, từ chối việc loại bỏ các căng thẳng, xem đây là tương quan bi thảm của cuộc hiện sinh. Còn đối với các tu sĩ Dòng Tên, còn có một khả năng thứ ba, đó là khái niệm cô đọng, như Đức Giáo hoàng viết trong Bài tập linh thao, làm “làm hài hòa các nghịch lý”, “thiết lập một đơn vị nhưng không loại bỏ tính đa dạng, không giảm đi xung đột”.  Sự thiết lập mang tính tôn trọng sự khác biệt, nhưng ít nhất gom tụ lại trong ý nghĩa “hội nhập văn hóa”, một thành ngữ diễn tả đúng tính cách này. Như thế từ sự giảng dạy của các tu sĩ Dòng Tên, Jorge Bergoglio cho rằng, các ý thức hệ “dán” trên thực tế một chủ thuyết hệ thống thiếu phân định và vì thế phải biết thực tiễn, chấp nhận các nghịch lý nhưng không thỏa hiệp với các đối thủ.

– Thần học. Cuối cùng, quá trình giảng dạy thần học lâu dài ở trường San José đã giúp cho Bergoglio khẳng định các ưu tiên hàng đầu của mình. Nếu suy diễn từ các thánh, các giáo hoàng, các thần học gia ngài hay trích dẫn hoặc ngài cố ý không nhắc đến, thì chúng ta sẽ dựng lên được một tầm nhìn nào đó của di sản tôn giáo, làm cảm hứng cho suy nghĩ và soi sáng tư tưởng của ngài ngày nay. Trong số các thánh ngài yêu mến, chắc chắn có các thánh Dòng Tên, trong số này có Thánh người miền Savoie Pierre Favre (1506-1546), người bạn đồng thời của Thánh I-Nhã, được Đức Piô IX phong chân phước năm 1872. Trong một tự sắc ngày 17 tháng 12 năm 2013, vào chính ngày sinh nhật của mình, một chọn lựa có tính biểu tượng cao, Đức Phanxicô đã phong thánh cho chân phước Pierre Favre. Chắc chắn trong thời gian được đào tạo, ngài đã đọc Ký ức (Mémorial), tập viết duy nhất của chân phước Favre. Là nhà thần nghiệm, Thánh Pierre Favre có một cái nhìn khoan dung đối với các tín ngưỡng khác, ngài cầu nguyện cho người do thái, Đức Phaolô  III giao cho ngài sứ vụ đối thoại với người tin lành, là linh mục hành hương đi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nổi tiếng là người rất dịu dàng trong giao tiếp với người khác, ngài là “người hiện đại nhất trong ba người bạn đồng hữu của Thánh I-Nhã”. Bergoglio, khi là giáo hoàng, đã giới thiệu Thánh Pierre Favre như khuôn mẫu của sự quân bình giữa chiêm niệm và sứ vụ. “Tình thân thiện của Thánh Pierre Favre với Chúa đã làm cho ngài  hiểu rõ rằng, kinh nghiệm nội tâm và đời sống tông đồ luôn đi đôi với nhau”, Đức Phanxicô xác nhận trong thánh lễ ngày 3 tháng 1 năm 2014 trước 350 tu sĩ Dòng Tên ở nhà thờ Gesù, Rôma nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày tái lập lại Dòng Tên năm 1814 sau khi bị hủy bỏ năm 1773.

Nếu bây giờ quay về với các vị lãnh đạo Giáo hội, chúng ta sẽ dễ dàng thấy Đức Phanxicô đặc biệt đã được đánh động bởi hình ảnh của Đức Phaolô VI. Linh mục Dòng Tên Pierre de Charentenay chứng minh cho thấy Đức Phaolô VI là “giáo hoàng hiện đại đầu tiên”, quốc tế hóa hội đồng hồng y hay đơn giản hóa nghi thức giáo hoàng. Giáo hoàng tương lai tâm đắc với Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi, 1975) nói về việc phúc âm hóa cho “người đương thời chúng ta”. Sau này ngài còn nói, đây là bản văn của một “tài liệu mục vụ lớn được viết cho đến giờ này”. Và đến khi làm giáo hoàng, chính ngài đã viết tông huấn đầu tiên mang tên Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii gaudium 2013), bản văn mà đa số các nhà quan sát viên cho rằng, đây là chương trình triều giáo hoàng của ngài, cho thấy quyết tâm của Đức Phanxicô đặt hành động của mình theo gót chân Đức Phaolô VI. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi ngài phong chân phước cho Đức Phaolô VI ngày 19 tháng 10 năm 2014.

Và cuối cùng, chúng ta sẽ không kết thúc suy nghĩ về sự đào tạo của Đức Phanxicô mà không nhắc đến luận án ngài dự trù làm về Romano Guardini, nhà thần học Đức gốc Ý. Năm 1973, năm ngài khấn trọn và cũng là năm ngài được đề cử làm bề trên Tỉnh Dòng Argentina, với một khối lượng công việc bề bộn, ngài không thể nào hoàn tất luận án mà có thể ngài đã nghĩ đến. Tuy nhiên năm 1986, ngài trở lại với dự án của mình ở Sankt Georg, Francfort, sau khi đến Đức năm 1985 để học tiếng Đức. Nhưng sau đó ngài bị gọi về Argentina và bị gởi đi Córdoba. Như thế phải hiểu, trong hoàn cảnh này, ngài gặp khó khăn để tìm tài liệu về suy tư của Romano Guardini, thần học gia lớn của thế kỷ 20 và là một trong các giáo sư của hồng y Ratzinger. Hồng y Ratzinger đặc biệt ngưỡng phục tác phẩm Đức Chúa (Le Seigneur), quyển sách tham vọng nhất của thần học gia Guardini có tựa đề phụ là Suy niệm về con người và về đời sống Chúa Giêsu Kitô (Méditations sur la personne et sur la vie de Jésus-Christ), dựng lên một sự song song giữa Chúa Giêsu, Đức Phật và Socrate. Tác phẩm này cũng là một trong các tác phẩm yêu chuộng của Đức Phanxicô, cho thấy ngài có một sự gần gũi rất mạnh của tư tưởng kitô học với vị tiền nhiệm của mình. Nhưng Đức Bênêđictô XVI kính phục nhà thần học Đức nhiều nhất về các bài viết phụng vụ, và chúng ta có thể nghĩ đức Bergoglio quan tâm nhiều hơn đến các lãnh vực khác như các bài viết của Guardini về “phân cực”, các bài đọc tôn giáo về các nhà văn lớn như  Dante hay Dostoïevski, hay nghiên cứu của nhà thần học về thời cánh chung. Thần học gia Guardini, vào đầu sự nghiệp của mình đã ảnh hưởng bởi triết gia Max Scheler, người đề nghị Guardini khai phá kitô giáo như một Weltanschauung, một “cái nhìn thế giới”, và thường xuyên được Đức Phanxicô trích trong các bài diễn văn cũng như trong các bản văn chính thức như Thông điệp Chúc tụng Chúa. Chắc chắn đây là quy chiếu thần học chính yếu của ngài.

Marta An Nguyễn dịch

1066    16-02-2018