Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Năm câu hỏi đặt ra cho tương lai của Nhà thờ Đức Bà

 

Năm ngày sau khi Nhà thờ Đức Bà bị cháy dữ dội, năm câu hỏi được đặt ra cho tương lai Nhà thờ Đức Bà.

  1. Tình trạng hiện nay của Nhà thờ Đức Bà như thế nào?

Nếu điều tệ nhất đã được tránh, thì tất cả chưa phải là màu hồng. Hai cấu trúc chính đã mất hoàn toàn. Khung cột kèo được mọi người trầm trồ có từ thế kỷ 13 và nóc tháp của kiến trúc sư Viollet-le-Duc thực hiện đã ra tro trong vụ cháy. May mắn là phần lớn các tác phẩm nghệ thuật trang hoàng bên trong nhà thờ, Kho Báu của nhà thờ chính tòa, các đàn ống, các thánh tích đã được cứu. Một số các vật dụng khác bị thấm nước nhưng điều tệ nhất đã thoát. Tuy cấu trúc của nhà thờ còn đứng vững, nhưng các chuyên gia chưa tuyên bố chiến thắng. Vì không còn khung cột kèo nên một số khung đá bây giờ không có chỗ dựa, nhất là các đầu mối, chúng có thể rơi bất cứ lúc nào. Khi rơi chúng sẽ có thể kéo theo các cấu trúc khác, nhất là khung hoa hồng phía bắc, và tác hại đến tình trạng chiếc vòm đã hư hại nhiều. Công việc đang tiến hành hiện nay là củng cố để tránh điều tệ nhất xảy ra.

  1. Cuộc điều tra đã tới đâu?

Ngay hôm sau ngày cháy, tòa án Paris đã mở cuộc điều tra về “sự hủy hoại không cố ý gây hỏa hoạn”. Ngay từ đầu, hướng điều tra nghiêng về tai nạn. Ngọn lửa bắt đầu trên mái ở nóc tháp và lan nhanh khắp chiều dài của mái. Ngay ngày Nhà thờ Đức Bà bị cháy, khoảng năm mươi cảnh sát của đội hình sự đã hỏi các người thợ trên công trường. Cho đến nay, các nhà điều tra chưa vào được bên trong nhà thờ để ghi nhận và thu thập các bằng chứng vật chất. Một khi phần này làm xong, họ sẽ có tất cả các yếu tố để biết nguồn gốc vụ cháy.

  1. Cần bao nhiêu thời gian để khôi phục nhà thờ?

Tuy Tổng thống Emmanuel Macron hứa sẽ xây lại trong năm năm, nhưng nhiều sử gia và chuyên gia không tin vào thời gian năm năm này. Hiện nay, có nhiều chẩn đoán khác nhau. Theo ước tính chung, các chuyên gia dự trù từ 10 đến 20 năm. Các công việc dọn dẹp vệ sinh, củng cố và làm khố mất nhiều thì giờ. Tất cả tùy thuộc vào quyết định của quốc gia. Một số người muốn xây lại khung cột kèo bằng gỗ để các thế hệ tương lai được thấy kỹ thuật làm việc của người xưa. Một quyết định đáng khen ngợi nhưng cần nhiều thời gian. Một số khác thì đề nghị nên làm khung bằng kim loại hay bê-tông, nhanh hơn và tránh được thảm họa vừa qua. Còn nóc tháp thì cho đến giờ này còn nhiều tranh cãi. Làm lại y như kiến trúc sư Viollet-le-Duc ngày xưa đã làm hay làm một cái mới theo kiến trúc đương đại? Cuộc thảo luận vẫn còn mở và Nhà nước chưa quyết định. 

 

  1. Dự trù chi phí sửa chữa là bao nhiêu?

Hiện nay chưa có câu trả lời. Chỉ sau khi biết được các thiệt hại như thế nào thì mới lượng định được chi phí. Cho đến giờ phút này, ưu tiên là làm cho cấu trúc được an toàn. Ông Jean-Jacques Aillagon, cựu Bộ trưởng Văn hóa trả lời trên báo L’Obs ngày thứ ba 16 tháng 4: “Đây không phải là một ước lượng chính xác nhưng tôi biết chi phí sẽ rất lớn trong việc phục hồi các di tích lịch sử. Với Nhà thờ Đức Bà có thể sẽ lên từ 600 triệu đến một tỷ âu kim”. Hiện nay các lời hứa cho đã vượt quá một tỷ âu kim. Nếu các ước tính của ông Jean-Jacques Aillagon là đúng thì tiền quyên góp để xây Nhà thờ Đức Bà đã đủ. Một vấn đề đã được giải quyết.

  1. Điều gì sẽ xảy ra trong các tháng tới?

Với các công việc củng cố, tiếp tục điều tra, tiếp tục thảo luận, chúng ta sẽ còn nói nhiều đến Nhà thờ Đức Bà. Theo tin tức mới nhận được, Đức ông quản nhiệm Patrick Chauvet đề nghị xây một “nhà thờ chính tòa tạm thời bằng gỗ” ở sân trước nhà thờ để đón du khách hàng năm đến thăm đây, nơi biểu tượng của thành phố Paris.

Còn về nhân viên làm việc ở nhà thờ, trong vài tuần tới, họ sẽ được phân bố lại. Chắc chắn 67 nhân viên làm việc ở đây sẽ được bổ đến các giáo phận khác nhau của Paris. Đức Tổng Giám mục Aupetit cũng tạm dời trụ sở của mình. Thứ tư vừa qua, Lễ Truyền Dầu đã được cử hành ở nhà thờ Saint-Sulpice. Thánh lễ Phục Sinh sẽ được cử hành ở nhà thờ Saint-Eustache.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

734    21-04-2019