Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Nguyệt san tháng 01/2016: Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

1. LỜI CHỦ CHĂN

2. DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

3. LỜI NGUYỆN CHUNG

4. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

5. TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

6. TRANG LINH MỤC

7. TRANG TU SĨ

8. TRANG SỐNG ƠN GỌI

9. TRANG THIẾU NHI

10. TRANG GIỚI TRẺ

11. TRANG GIA ĐÌNH

12. TRANG GIÁO LÝ VIÊN

13. TRANG QUỚI CHỨC

14. SỐNG ĐẸP

15. HỎI ĐÁP MỤC VỤ

16. SỐNG LỜI CHÚA

17. THẦN HỌC KINH THÁNH

18. MỘT CHÚT TÂM TÌNH

 

1. LỜI CHỦ CHĂN

Vĩnh Long ngày 25.12.2015

Kính gửi: Quý Cha

              Quý Tu sĩ nam nữ

              Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

Anh chị em thân mến

Ngày 8 tháng 12 năm 2015, tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khai mạc Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót của Hội Thánh Công Giáo, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Năm Thánh này sẽ bế mạc vào ngày 20-11-2016, lễ Chúa Kitô Vua. “Mục đích của Năm Thánh là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống” . Mục đích là như thế, nhưng nguyên nhân do đâu, tại sao lại đề cập đặc biệt đến lòng thương xót trong năm thánh ngoại thường nầy? Sở dĩ đề cập đến lòng thương xót, chắc có lẽ cũng có lý do của nó.

Nó có thể là do con người trong bối cảnh xã hội văn minh hiện đại của ngày hôm nay sống trong trạng thái hoài nghi về Thiên Chúa và về con người. Nó có thể là do con người chúng ta sống với nhau thiếu tình với Chúa và thiếu tình với con người. Từ đó phát sinh nhiều thảm trạng mà không ai lường trước được: chiến tranh, bất công, bất ổn, bất an trong tâm hồn và nơi thể xác. Sống như thế thì con người không tìm được hạnh phúc, mà chỉ gặp bất hạnh. Cho nên lòng thương xót là cần thiết.

Với mục đích như thế, mọi tín hữu trong đó có chúng ta được kêu gọi chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và “… hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia” (x. Tv 136). Quả thật Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót qua công trình sáng tạo, qua sự quan phòng và cứu chuộc của Ngài. Lòng thương xót đó được thể hiện qua Chúa Giêsu Kitô. Nơi Chúa Giêsu Nagiaret lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh .

Với mục đích như thế, mọi tín hữu trong đó có chúng ta được kêu gọi cụ thể hóa lòng thương xót của Chúa trong đời sống đức tin của chúng ta. Chúng ta sống thế nào để mọi người xung quanh thấy được Thiên Chúa chúng ta thờ thật là một Thiên Chúa có tình yêu, có lòng thương xót đáng được trân trọng và đáng được làm tiêu chuẩn sống luân lý của tất cả mọi người.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em sống Năm Thánh Lòng Thương Xót.

 

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

 

2. DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Tháng 01/2016

 “Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia”

“Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36).

Trong khi cử hành Năm Thánh ngoại lệ để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII phát biểu vào ngày khai mạc Công Đồng, để xác định hướng đi của Công Đồng: “Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Hội Thánh Công giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ”[1]. Muốn thế, Hội Thánh Hiền Thê phải chiêm ngắm và kết hợp thường xuyên với Đấng Phu Quân, là Dung mạo hữu hình của Thiên Chúa Toàn năng Giàu lòng Thương xót.

1. Thiên Chúa Toàn năng và hay Thương xót

“Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136).

Thiên Chúa tỏ lộ sự toàn năng của Ngài qua lòng thương xót. “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài”[2]. Thiên Chúa là Đấng trung thành (hesed) giàu nhân nghĩa. “Ngài thứ tha mọi lỗi lầm của ngươi, Ngài chữa lành tất cả các bệnh tật của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống ngươi khỏi huyệt sâu. Ngài vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn” (Tv 103,3-4). “Ngài chữa lành những người bị dập nát tâm can và băng bó các thương tích của họ… Chúa nâng dậy những kẻ bị chà đạp, hạ kẻ gian ác xuống đến sát đất” (Tv 147,3.6). Lòng thương xót làm cho lịch sử của Thiên Chúa nơi dân Israel Cựu ước trở thành lịch sử cứu độ. Không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến đời đời, con người vẫn luôn sống dưới ánh mắt thương xót của Chúa Cha: “vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136). Không phải ngẫu nhiên mà dân Israel đưa thánh vịnh này, được gọi là “Bản trường ca Hallel”, vào những ngày lễ quan trọn nhất. Trước khi chịu Khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng Thánh vịnh lòng thương xót này.[3]

2. Dung mạo hữu hình của Lòng Thương Xót

“Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).

Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, để muôn đời tưởng nhớ đến Người và cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã đặt hành động tối thượng này của Mạc khải dưới ánh sáng của Lòng thương xót. Cũng trong chính bối cảnh lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu đã trải qua Khổ Nạn và Cái Chết, ý thức mầu nhiệm Tình yêu cao cả sẽ diễn ra trên Thập Giá.[4] “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16). Tình Yêu ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ lộ trong hiến tế Thập giá và cả cuộc đời của Chúa Giêsu. “Khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Giêsu và dung mạo lòng thương xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ vụ mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa”[5]. Bản thân Người là Tình Yêu ban tặng cách vô điều kiện. “Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng thương xót.”[6]

Chúa chạnh lòng thương (x. Mt 9,36) và nuôi ăn, cả bánh vật chất và bánh tinh thần, đám đông dân chúng đi theo Người đói khát, mệt mỏi và kiệt sức, không người chăn dắt. Chúa cảm thương và hiểu thấu tâm tư những kẻ đến tìm gặp Người (như Giakêu, chị phụ nữ Samaria, Nicôđêmô, người thu thuế Lêvi - Matthêu, người mẹ góa mất con thành Nain, những bệnh nhân, những người bị quỉ ám,…) và đáp ứng những nhu cầu chân thực nhất của họ.

3. Lòng thương xót là tiêu chuẩn nhận biết con cái thật của Thiên Chúa

“Tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi?” (Mt 18,33).

“Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xứ với các con như vậy, nếu mỗi người trong các con không thật lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta: “Chúa Giêsu khẳng định lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Tóm lại, chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua”.[7]

Để có thể sống, tuyên xưng lòng thương xót đó, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý chúng ta “liên tục suy niệm Lời Chúa, nhất là tham dự cách ý thức và có suy nghĩ bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải, mang một ý nghĩa rất lớn. Thánh Thể luôn đưa chúng ta lại gần tình thương mạnh hơn sự chết này”[8].

Trong năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội này, các đức Giám mục Việt Nam kêu gọi “mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống. […] Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, anh chị em hãy tích cực thực thi lòng thương xót”[9].

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

1.Cá nhân, gia đình của anh chị có một quyết tâm cụ thể đổi mới gì trong cuộc sống để chiêm ngắm, sống, chia sẻ lòng thương xót cúa Chúa?

2. Phúc-âm-hóa xã hội trong Năm Lòng Thương xót này có thể được thể hiện ở lãnh vực, hay đối tượng nào cấp thiết nhất ở địa phương của anh chị? Trong vùng, đất nước của anh chị? Và trên thế giới?

______________________________________

 

[1] Diễn từ khai mạc CĐ Vatican II, Gaudet Mater Ecclesia, 11.10.1962, 2-3.

[2] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q.30, a.4.

[3] ĐGH Phanxicô, Misericordiae Vultus, 7.

[4] Ibid.

[5] Ibid. 8.

[6] Ibid.

[7] Ibid. 9.

[8] Dives in Misericordia, 13.

[9] HĐGMVN, Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 3.

Lm.  Luy Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn: ubmvgiadinh.org

 

3. LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Khi chiêm ngắm “Thiên Chúa là Tình Yêu”, chúng ta còn biết: “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót”. Nếu chúng ta có thể yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương, thì chúng ta cũng có thể ‘thương xót như Chúa Cha’. Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện:

1.       Chúa phán: “Hãy có lòng thương xót như Cha là Đấng hay thương xót”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh trên thế giới, biết học và tập “có lòng thương xót như Chúa Cha”, để trở nên hiện thân của lòng thương xót Chúa.

2.       Đức Maria cất tiếng hát: “Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa trải bao thế hệ, đối với mọi người, ở khắp mọi nơi; để họ cùng đón nhận ơn cứu rỗi.

3.       Chúa phán: “Hãy làm như người Samaritanô mà thương xót anh chị em ngươi”. Chúng ta cầu nguyện cho các kitô-hữu biết thể hiện lòng thương xót Chúa đối với người nghèo, người bị bỏ rơi, và người đang gặp đau khổ.

4.       Chúa phán: “Hãy vào hưởng sự vui mừng, vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong giáo xứ, trong lối xóm chúng ta, biết yêu thương giúp đỡ nhau, như hiện thân của lòng thương xót Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa tỏ lòng thương xót đối với tất cả mọi người. Xin cho chúng con và mọi người tận hưởng lòng thương xót Chúa, biết yêu thương nhau và giúp nhau tận hưởng ơn cứu rỗi đời đời. Chúng con cầu… Amen.

 

4. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Mất, tìm thấy, quả là niềm vui lớn. Chúa Giêsu, đã rất tâm lý khi dùng hình ảnh, bài học nào đó để dạy cho những người đi theo Chúa hay những người cần phải dạy - đặc biệt là những người Pharisêu hay Biệt phái mỗi khi có dịp. Chúa dùng dụ ngô, Chúa dùng những câu chuyện, những hình ảnh đôi khi xem ra chẳng dính gì đến bài học hay thậm chí ngược với bài học Chúa cần dạy. Để khi ngộ ra rồi thì người nghe càng thấm và càng nhớ.

Trong Tin mừng Chúa lấy hình ảnh hết sức gần với đời sống du mục của người Do Thái vì nghề chính của người Do Thái là nghề chăn chiên: "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó". Lẽ dĩ nhiên là sau khi tìm được con chiên bị mất đó thì người bị mất vui và niềm vui đó được chia sẻ với bạn bè, với đồng nghiệp, với họ hàng, với hàng xóm.

Hình ảnh con chiên, con vật được đẩy xa hơn một chút đó là đồng tiền. Đồng tiền nó chính là gia sản của con người và họ tìm đủ mọi cách khư khư để giữ không để cho nó rơi rớt hay bị mất. Chúa Giêsu dùng ngay hình ảnh của người phụ nữ bị mất tiền. Tiền nó quý đến độ phải thắp đèn soi cũng như quét nhà thật kỹ để tìm cho kỳ được đồng tiền bị mất. Tìm được, dĩ nhiên người phụ nữ ấy phấn khởi và mời bạn bè hàng xóm lại để chia vui.

Đỉnh điểm trong cái mất được đẩy lên cao hơn nữa không phải là mấy con vật, mất đồng tiền mà là mất người. Chúa Giêsu lại đưa ra câu chuyện hết sức hấp dẫn và lý thú. Những người có mặt hôm đó chăm chú nghe vì câu chuyện quá hay.

Câu chuyện về người con hoang đàng quá quen thuộc với chúng ta nhưng rất lạ với những người nghe hôm ấy. Giản đơn là có hai đứa con, đứa thì hư hỏng bỏ nhà ra đi. Sau khi ra đi mới chợt nhận ra lầm lỗi của mình và hối lỗi quay về. Người cha vui vẻ đón nhận con mình vào lại nhà. Niềm vui không thể nào diễn tả được để rồi người cha thết tiệt ăn mừng.

Tâm tình, câu chuyện mà Chúa Giêsu muốn chuyển tải đến đó chính là ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người, không phải chỉ cách tổng quát và tập thể, nhưng còn là một cách cá biệt. Ngài không muốn một số kẻ được chọn nào đó, Ngài muốn cứu vớt tất cả. Cho dù chỉ có một linh hồn cần được đưa về với Ngài (một con chiên trong số 100 con) Ngài cũng lo liệu tìm mọi cách để đưa kẻ ấy trở về.

Chúa Kitô là mục tử tốt lành, biết tên từng con chiên một. Sứ mệnh của Ngài là đưa những con chiên lạc nhà Israel trở về đàn. Cũng như Chúa Kitô, Kitô hữu không được bỏ rơi kẻ nào trong những tương giao nhân loại hay tôn giáo của mình, nhưng phải sẵn sàng tiếp nhận mọi thiện chí, sẵn sàng tiếp xúc một cách chân thành hữu ích. Không phải môi trường rộng lớn mới là quan trọng.

Cho dù tội lỗi đến đâu, chúng ta không bao giờ được thất vọng vào Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa và của Chúa Kitô luôn đeo đuổi chúng ta. Thiên Chúa luôn mong chờ chúng ta, để vác chúng ta lên đôi vai khi cần và đưa chúng ta về lại ràng. Chúng ta hãy tin tưởng vào sự âu yếm của Thiên Chúa chúng ta. Hãy thưa với Ngài rằng chúng ta là con chiên lạc lối và hãy xin Ngài đến tìm kiếm ta cho mau để từ đây săn sóc ta như con chiên thân thuộc trong tình yêu thắm thiết của Ngài.

Thiên Chúa vui mừng biết bao được tụ họp đoàn dân Ngài trong Giáo hội để nhờ Chúa Kitô dâng lên hy lễ thờ phượng. Trong đoàn chiên đông đảo, vẫn có đó, vẫn còn đó những con chiên trung tín nhưng cũng có những con thất tín bất trung lầm đường lạc bước. Với những con chiên lầm đường lạc bước đó, Ngài đã bằng cách này hay cách khác, đặc biệt là tình yêu thương tha thứ để chờ đợi, để đón mừng những con chiên đó quay về..

Trong dụ ngôn người cha nhận hậu, chúng ta phảng phất nhìn thấy được dụ ngôn người cha của đứa con hoang đàng một mạc khải về lòng thương xót, sự âu yếm khôn lường của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi. Tình âu yếm đó đã được Chúa Giêsu tỏ ra cho loài người trong việc Ngài chăm lo cho các tội nhân suốt sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và cách đặt biệt rõ nét nhất là trong viêc hy sinh mạng sống Ngài để chuộc tội cho họ.

Khi khám phá ra một tình yêu như vậy không thể làm cho ta tràn đầy tin tưởng vào Đấng đã yêu thương chúng ta. Chúng ta quá biết mình là những tội nhân; nhưng chúng ta từ nay không được quên rằng thân phận khốn nạn đó không làm Thiên Chúa ghét bỏ chúng ta, trái lại càng khiến Ngài yêu chúng ta hơn. Vì vậy chúng ta vững tin cho chính mình, và cũng vững tin cho những kẻ khác. Chúng ta cũng đang sống giữa những người tội lỗi. Khi thấy các anh em ấy gặp khốn khó hay lầm lạc, chúng ta hãy nhớ lại rằng họ vẫn được Thiên Chúa yêu, và tình yêu đó đủ mạnh để cứu rỗi họ.

Khi khám phá ra khuôn mặt, tấm lòng, tình yêu của Thiên Chúa chúng ta lại thấy mở ra sự đòi buộc của tình yêu đó trong tâm hồn chúng ta.

Và khi chúng ta cảm nhận được tình thương tha thứ từ nơi Cha thì khi đó chúng ta cũng mở lòng bao dung và yêu thương anh chị em đồng loại như Cha chúng ta ở trên trời vậy.

 

5. TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

BA LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

B.      Đức Khó Nghèo

a.       Giáo luật

Điều 600 của Bộ Giáo luật dạy về sự khó nghèo của các tu sĩ  như sau:

Lời khuyên Phúc Âm về đức khó nghèo theo gương Đức Kitô là Đấng từ chỗ giàu sang đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian, còn bao hàm sự lệ thuộc và sự hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản chiếu theo quy tắc luật riêng của mỗi tu hội (đ.600).

Bước theo Chúa Giêsu trong đời sống khó nghèo một cách tự do và tự nguyện (2Cr.8,9), Giáo hội mời gọi người tu sĩ sống nghèo qua:

-        thực tế và trong tinh thần

-        sống cần cù và đạm bạc

-        thanh thoát với của cải trần thế

-        hạn chế quyền tư hữu tài sản cá nhân và tập thể

Bộ Giáo luật hiện hành nói tới việc thực hành đức khó nghèo trên hai bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn (đ. 634§2, 635§2, 640, 669§1...), để mỗi người và cùng nhau thực hiện một tinh thần chung của lời khuyên thứ II.  Dầu vậy, nhà lập pháp cũng chỉ đề ra vài nguyên tắc hướng dẫn, và sau đó mỗi dòng sẽ tìm cách diễn đạt ra cụ thể dựa vào đặc tính riêng của dòng mình, như điều 635 nói: “mỗi tu hội phải ấn định các quy tắc thích hợp về việc sử dụng và quản trị tài sản, để cổ vũ, bảo vệ và biểu lộ sự nghèo khó riêng của mình (635§2). Vì thực tế mỗi dòng tu có những cách nhập cuộc khác nhau: Dòng sống với người nghèo chắc chắn sẽ sống sự khó nghèo khác với một dòng chuyên lo việc giáo dục, đòi hỏi những trường học trang bị dụng cụ sự phạm tối tân.

Bên cạnh đó, Giáo hội cũng lưu ý tránh tình trạng các tu sĩ thì thắt lưng buộc bụng để dành tiền xây nhà cao cửa rộng; cũng như những bữa ăn thiếu chất lượng và số lượng làm cho người tu sĩ thiếu sức khỏe để làm việc. Đó là óc tiết kiệm hay là sè sẻn, chứ không phải tinh thần nghèo khó. Lời khấn khó nghèo chứ không phải khấn dè sẻn và tiết kiệm (Chú giải Pháp lý - mục vụ-Lm. Pl. Nguyễn Ngọc Thử). Tinh thần của Giáo hội là mời gọi người tu sĩ biết dùng tiền của đời nầy nhưng không tận hưởng, là phương tiện sống bác ái tông đồ (1Cr.7,30).

 1/. Khó nghèo cá nhân

Đối với tài sản, từ dân luật cũng như giáo luật phân biệt hai thứ quyền: quyền tư hữu (thủ đắc và chuyển nhượng); và quyền quản trị (hưởng dụng). Từ cách phân biệt như vậy, điều 668 nói một cách chi tiết hơn trong việc từ bỏ tài sản khi khấn dòng.

1.1     Đối với những tài sản đã có trước khi vào dòng, thì các đương sự phải định đoạt về việc quản trị chúng (hoặc giao cho người khác, hoặc giao cho chính nhà dòng) trước khi khấn lần đầu; sau đó, nếu muốn thay đổi ý định thì phải xin phép bề trên. Nếu dương sự muốn khước từ hoàn toàn quyền sở hữu trên các tài sản ấy, thì sự khước từ chỉ có hiệu lực từ ngày khấn vĩnh viễn (đ.668§1-2).

1.2     Sau lúc khấn lần thứ nhất, bất cứ vật gì tu sĩ thủ đắc do công lao riêng hoặc với danh nghĩa của dòng thì coi như thủ đắc cho nhà dòng. Những gì tu sĩ nhận được bằng bất cứ cách nào với danh nghĩa hưu bỗng, trợ cấp và bảo hiễm thì được thủ đắc cho dòng, trừ khi luật riêng ấn định cách khác (đ.668§3).

Một điều tế nhị mà luật cũng đề cập tới : “ai đã ra khỏi dòng cách hợp lệ, thì không được đòi hỏi gì nơi dòng về bất cứ công tác nào đã làm trong dòng” (đ.702§1).

2/. Khó nghèo tập thể

Việc khó nghèo tập thể (nhà dòng sống khó nghèo) được nói tới trong các điều 634-640, trong phần nói về việc quản trị tài sản.

2.1. Các dòng tu (cũng như các tỉnh dòng và tu viện), xét vì là các pháp nhân theo giáo luật, nên có quyền thủ đắc, chấp hữu, quản trị và chuyển nhượng tài sản (đ.634§1). Tuy nhiên, đây là luật chung, Giáo luật cũng chấp nhận việc quy định ngược lại của luật riêng tuyên bố dòng khước từ quyền sở hữu tài sản (dòng Phanxico đã để Tòa thánh làm sở hữu chủ tài sản của họ).

2.2. Mặc dù Giáo luật nhìn nhận quyền tư hữu của các nhà dòng, nhưng Giáo hội cũng khuyến cáo và cảnh giác “phải tránh hết mọi hình thức xa hoa, trục lợi và tích lũy tài sản” (đ.634§2). Nói một cách khác, Giáo hội mong muốn các dòng tu thủ đắc tài sản chỉ nhằm vào mục tiêu chu cấp đời sống của các thành viên hay chỉ dùng vào các hoạt động tông đồ, chứ không phải để làm giàu. Ngoài ra, ở điều 640, Giáo hội một lần nữa nhắc nhở: “Các dòng tu, chiếu theo hoàn cảnh địa phương, hãy cố gắng nâng cao chứng tá phần nào cách tập thể về bác ái và khó nghèo; tùy theo khả năng, họ hãy dùng tài sản để đóng góp vào nhu cầu của Giáo hội và giúp đỡ người nghèo” (đ.640).

3/. Quản trị tài sản của dòng

 

6. TRANG LINH MỤC

Lòng thương xót Chúa:

Mối Phúc về lòng thương xót trong bối cảnh

của Tám Mối Phúc Thật và thuật ngữ Thương Xót

 

Với Mối Phúc nói về lòng thương xót, chúng ta bắt đầu phần thứ hai của các Mối Phúc trong Phúc Âm Mát-thêu. Bốn Mối Phúc đầu tiên nhắc đến tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, cũng như niềm tin vào Thiên Chúa, và sự khao khát tìm gặp Ngài. Còn bốn Mối Phúc kế tiếp nhắc đến tương quan của chúng ta với nhau, với tha nhân bên cạnh mình. Ai tin tưởng vào Thiên Chúa, và có tâm hồn nghèo khó, có tinh thần hiền lành khiêm nhường như Đức Ki-tô, và cùng với Ngài đón nhận những đau khổ xảy đến, cũng như cả cuộc đời luôn khát khao sống sự công chính, khát khao thánh ý của Thiên Chúa, thì người đó sẽ nhận ra rằng, tương quan của mình với anh chị em cũng cần được thay đổi. Yêu Chúa và yêu người là hai tinh thần luôn đi chung và tương hợp với nhau. “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. (Mc 12, 29-31). Ai tách lìa hai tinh thần này ra khỏi nhau, thì chưa sống trọn vẹn tinh thần của Đức Ki-tô.

Mối Phúc thứ năm này trong mạch văn có một điểm đặc biệt. Đó là từ ngữ “thương xót” được nhắc đến hai lần, trong vế đầu và trong vế cuối: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Còn ở các Mối Phúc trước, chúng ta thấy các cặp sau: tâm hồn nghèo khó và Nước Trời; hiền lành và được Đất Hứa; sầu khổ được Thiên Chúa ủi an; và khát khao nên người công chính được Thiên Chúa cho thoả lòng. Để giúp cho việc suy niệm về Mối Phúc này, giờ đây xin tìm hiểu về ý nghĩa của từ ngữ thương xót.

Thương xót trong tiếng Do Thái là hesed. Theo Cantalamessa, từ ngữ này có hai ý nghĩa nền tảng. Thứ nhất từ ngữ thương xót ngụ ý nói về thái độ của bên mạnh hơn (trong một hiệp ước, hay chỉ về Thiên Chúa) đối với bên yếu hơn, và thường thì diễn tả sự tha thứ cho những người bất tín và tội lỗi. Ý nghĩa thứ hai ngụ ý nói về thái độ hướng đến những hoàn cảnh bất hạnh và khổ đau của người khác (không nhất thiết là những người tội lỗi), và ý nghĩa này được diễn tả trong các hành động nhân hậu và thương xót. Như thế, có thể nói đó là lòng thương xót của trái tim và lòng thương xót của đôi tay.[1]

Theo thần học gia ĐHY. Walter Kasper, từ ngữ quan trọng nhất diễn tả lòng thương xót làhesed. Hesed diễn đạt những ý nghĩa như ơn huệ, dễ thương, và cũng có ý nghĩa ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót. Ý nghĩa của từ ngữ hesed vượt trên sự rung động hay tội nghiệp về những khổ đau của người khác, và chỉ về sự chú ý tràn đầy tự do và từ bi của Thiên Chúa đối với con người. Hơn nữa, từ ngữ hesed không chỉ về một hành động tạm thời, mà chỉ về hành động kéo dài. Như thế, hướng về Thiên Chúa, từ ngữ hesed này diễn tả ân sủng của Thiên Chúa dành cho con người. Ân sủng này của Thiên Chúa vượt trên tính hợp lý của tương quan giữa hai người trung thành với nhau. Nghĩa là dù con người có bất trung và bội phản, thì Thiên Chúa vẫn thương xót, và Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Ân sủng này của Thiên Chúa còn mang tính cách nhưng không vô điều kiện, và vượt trên mọi sự chờ đợi của con người. Tóm lại, ân sủng này của Thiên Chúa làm tan vỡ mọi chuẩn mực và thước đo của con người. Thiên Chúa quyền năng và thánh thiện đón nhận hoàn cảnh đầy khổ đau và tội lỗi của con người, Ngài đã nhìn thấy cảnh đời oái ăm của con người nghèo nàn và bất hạnh, Ngài đã đón nhận lời kêu van của họ, Ngài đã cúi mình xuống và tự hạ mình xuống, Ngài đã đi xuống với người đang chìm mình trong khổ đau, và dù cho bao sự bất trung của con người, Ngài vẫn tiếp tục đón nhận, tha thứ và ban cho con người những cơ hội mới, dù cho con người lẽ ra cần phải chịu những hình phạt. Tất cả những điều này của Thiên Chúa vượt trên mọi kinh nghiệm bình thường và sự chờ đợi của con người, vượt trên mọi mường tượng và suy nghĩ của con người. Trong sứ điệp của hesed, Thiên Chúa tự mạc khải một phần nào mầu nhiệm của Thiên Chúa.[2]

Trong tiếng Hy-lạp, từ ngữ eleao có ý nghĩa là thương xót, cảm thông. Theo Walter Kasper, Aristoteles là người đầu tiên đưa ra định nghĩa cho từ ngữ thương xót. Cụ thể hơn, Aristoteles đã chỉ ra rằng, kinh nghiệm của người khác dù không lầm lỗi gì nhưng phải chịu đau khổ, cũng làm cho chúng ta bị ảnh hưởng hay cũng đụng chạm tới chúng ta, bởi vì sự đau khổ đó có thể xảy ra với chúng ta. Qua đó, chúng ta sẵn lòng chia sẻ với họ sự đau khổ đó. Trong sự chia sẻ với những nạn nhân phải chịu đau khổ, có hai tâm tình được biểu lộ. Đó là tâm tình cảm thông và đoàn kết. Các Giáo Phụ đã đón nhận cách giải thích của Aristoteles về sự thương xót. Thánh Âu-tinh và thánh Tôma A-qui-nô đều đã giải thích sự thương xót ở trong ý nghĩa “trái tim dành cho những người đau khổ”.

Trong tiếng La-tinh thương xót là misericordia. Cor nghĩa là trái tim và miseri nghĩa là những người nghèo. Như vậy cả hai vị thánh đều theo ý hướng của Aristoteles: “miserum cor habens super miseria alterius – Có một trái tim biết khổ đau đối với khổ đau của những người khác”. Lòng thương xót và cảm thông này đối với thánh Âu-tinh và thánh Tôma A-qui-nô, không chỉ nằm ở trên phương diện cảm giác, hay chúng không chỉ mang dáng dấp của tình cảm, mà còn hướng tới một hành động, tìm cách để chiến đấu cũng như loại bỏ những đau khổ.[3]

Trong Tân Ước, lòng thương xót trong bản văn tiếng Hy-lạp là eleemosyne, có nghĩa là yêu thương người nghèo và giúp đỡ họ. Trong bản văn của Mát-thêu về Mối Phúc thương xót, từ ngữ được dùng trong tiếng Hy-lạp là eleemon, cũng mang ý nghĩa thương xót và cảm thông, ở đây Chúa Giê-su muốn nói về hành động đúng đắn của người môn đệ là biết sống cảm thông và thương xót.[4]

Từ ngữ thương xót trong tiếng Đức là Barmherzigkeit. Trước hết, trong từ ngữ này có từ Herz– trái tim (tâm hồn). Theo Schellenberger, trong lịch sử phát triển của tiếng Đức, thì vào thế kỷ 11, từ ngữ armselig có nghĩa tương đương với từ ngữ thương xót trong tiếng La-tinhmisericors. Nếu dịch sát nghĩa là “có tâm hồn nghèo khó”.  Danh từ là misericodia, từ tiếng Đức dịch sát nghĩa là Armseligkeit. “Armseligkeit được nêu ở đây, vì từ ngữ này liên hệ chặt chẽ với một tâm hồn nghèo khó”. Tu sĩ Christian von Stablo đã viết như vậy vào năm 865. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó trong tâm hồn, để qua đó Ngài có được trái tim nghèo khó như chúng ta có. Như thế, Chúa trở nên nghèo như chúng ta là người nghèo. Ở đây, Schellenberger đã giải thích khá thú vị. Từ ngữ nghèo – Armut trong tiếng Đức, khi liên hệ đến tương quan thương xót của Chúa (Đấng trở nên nghèo) dành cho chúng ta là người nghèo, thì được biến đổi thành B(i)-Armherzigkeit trong tiếng Đức. Như thế, khi Chúa Giê-su chúc phúc cho những người sống tinh thần thương xót, thì cũng liên hệ đến chính Ngài. Chúa Giê-su thật sự chính là lòng thương xót – B(i)-Armherzigkeit của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa trong Chúa Giê-su đã tự đồng hoá với con người, và con người cũng được đồng hoá với Chúa, khi con người sống đúng tinh thần thương xót –barmherzig của Chúa. Như thế lòng thương xót – Barmherzigkeit ngụ ý chỉ về tương quan của hai người trong cùng một tâm tình và hoàn cảnh, vì người ban tặng và hiến dâng đã tự mình bước vào hoàn cảnh của người đón nhận.[5]

Còn trong tiếng Việt Nam, từ điển Khai Trí đã định nghĩa từ ngữ thương: (1) Thương là yêu (mẹ thương con, vợ thương chồng…). (2) Thương là đau đớn xót xa (thương người nghèo khó, thương thân, thương tâm). Ngoài ra còn có những từ như thương cảm, thương hại trong ý nghĩa thương xót (thương hại cho thằng bé mới lọt lòng mà đã mồi côi).[6] Đọc trong Từ điển Công Giáo 500 mục từ, từ ngữ lòng thương xót (liên ái, Misericordia, Mercy, Miséricorde) được giải thích như sau: “Thương: đau lòng. Xót: thương sâu xa. Lòng thương xót là sự đau lòng, xót xa trước nỗi bất hạnh của người khác, thương được thể hiện bằng hành động cụ thể, như việc giúp đỡ hay ủi an”.[7] Hơn nữa, từ ngữ lòng thương xót này rất gần với từ ngữ lòng nhân hậu. Nhân: lòng thương yêu; hậu: sâu nặng. Nhân hậu: lòng thương yêu sâu nặng. Người có lòng nhân hậu luôn mong muốn và thực hiện điều tốt hoàn toàn vì lợi ích của người khác.[8]

Như thế, từ ngữ thương xót luôn là đề tài quan trọng trong Ki-tô giáo. Vì từ ngữ này gắn liền với hình ảnh và bản chất của Thiên Chúa, cũng như thuộc về căn tính và bản chất của Ki-tô hữu. Vì thế, một cách nào đó, có thể nói rằng, từ ngữ “thương xót” là từ ngữ điển hình của Ki-tô giáo. Nếu chiêm ngắm lại những biến cố xảy ra trong những thập niên vừa qua, người Ki-tô hữu càng thấy giá trị cao quý và quan trọng của lòng thương xót. Trong tác phẩm Barmherzigkeit – Lòng thương xót của Thần học gia ĐHY. Walter Kasper, có chương với tựa đề Barmherzigkeit – ein aktuelles, aber vergessenes Thema – Lòng thương xót, một đề tài có tính hiện tại nhưng lại bị lãng quên. Và Kasper đã mời gọi mọi người cùng suy tư về lòng thương xót, và có thể nói cùng kêu gọi đến lòng thương xót – Schrei nach Barmherzigkeit. Nếu chúng ta đồng ý bước vào hành trình suy tư này, cụ thể hơn bước vào hành trình suy niệm Mối Phúc về lòng thương xót, chúng ta cùng lật lại sách Thánh Kinh, để khám phá ra tầm quan trọng của lòng thương xót.

 [1] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.65.

[2] X. KASPER W., Barmherzigkeit, Herder Verlag, Freiburg 2012, t.51.

[3] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.30-31.

[4] X. STAUDINGER F., trong Exegetisches W#rterbuch zum Neuen Testament, Horst Balz und Gerhard Schneider (Hrgs.), Band I, Kohlhammer Verlag, Stuttgart 1980, .1043-45.

[5] X. SCHELLENBERGER B., Entdecke, dass du glueklich bist, t.74-75.

[6] HỘI KHAI TRÍ TIẾN ĐỨC, Việt Nam Tự Điển, nxb. Văn Mới, Sài-gòn – Hà Nội 1954, t.587.

[7] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, t.211-212.

[8] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, t.211.

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

Nguồn: dongten.net

 

7. TRANG TU SĨ

TÌNH THƯƠNG GIÁNG SINH

“Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia.”

Giáng Sinh một lần nữa lại về với chúng ta. Giáng Sinh – Noel, với hết mọi người trên hành tinh này đó là một lễ hội vừa đong đầy một niềm vui sâu lắng, lại vừa chuyển tải một sứ điệp chan chứa yêu thương và hòa bình.   

Đối với người Kitô Hữu trên khắp trái đất, ý nghĩa của Giáng Sinh năm nay, 2015, càng được diễn tả đậm nét trong một Năm Thánh, đặc biệt vừa mới được khai mở: Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ diễn ra trong suốt thời gian từ 8/12/2015 cho đến ngày 20/11/2016.

Chính trong những ý nghĩa sâu xa của niềm tin ấy khiến chúng ta phải ý thức niệm suy cho chính đáng mầu nhiệm trọng đại này, một mầu nhiệm mà khi con người càng ngẫm suy càng chìm đắm trong ngạc nhiên, tôn thờ, mến phục và biết ơn.

Giáng Sinh là một dấu chỉ cụ thể đầu tiên để gợi nhớ trong tâm thức sâu kín của con người về dung mạo đích thực của Thiên Chúa, không phải một Thiên Chúa “trên các tầng mây” cách xa nghìn trùng, nhưng là một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta - Emmanuel”, một Thiên Chúa của lòng thương xót.

Chính nhờ lòng thương xót - phẩm tính vĩ đại cũa Thiên Chúa mà chúng ta được có nhau trong tình Chúa tình người! và trong thời đại hôm nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục gõ cửa lòng nhân loại để trái tim thương xót của Người chạm đến trái tim bé nhỏ của con người chúng ta, để “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên”, để mầu nhiệm giáng sinh không nằm yên trong hai từ “kỷ niệm” nhưng sống động ngay tại lòng mỗi người chúng ta trong từng giây phút của cuộc sống.

Hang đá Belem nhắc cho chúng ta câu chuyện tình yêu chẳng môn đăng hộ đối, một chuyện tình làm say đắm bao thế hệ, làm rơi bao châu lệ của Đấng toàn năng tràn đầy hạnh phúc viên mãn tự nguyện bỏ ngai trời xuống thế làm người để chuộc lấy nhân loại tội lỗi chúng ta. Đấng có thể chọn một đời giàu sang nhưng đã muốn trở nên nghèo khó để chúng ta được nên giàu có, đấng có thể chọn quyền uy nhưng đã tự hủy mình ra không để khai mở một con đường mang tên tình yêu hiến tế.

Tình yêu đã bắt đầu như thế nào không ai trong chúng ta có thể hiểu được chỉ biết chắc một điều tình yêu xuất phát từ nơi Thiên Chúa, một tình yêu đã có tự thưở đời đời. Ngườii đã dựng nên mọi sự từ hư không bằng tình yêu sáng tạo và trân trọng mọi loài thọ tạo với một tình yêu dịu dàng trìu mến, Người gìn giữ nhân loại bằng một tình yêu thánh thiện và tín trung, ngay cả khi nhân loại sa ngã, bội phản thì tình yêu Người vẫn mãi là tình yêu thương xót.

Trong khu vườn thử thách, những giọt nước mắt tiếc nuối muộn màng của Ađam, Eva trước cánh cửa địa đàng tưởng chừng như đã khép lại vĩnh viễn lối về Thiên Quốc. Nhưng không, bởi Thiên Chúa toàn năng và là Thiên Chúa hay thương xót, Người yêu thương con người là hình ảnh của Người, như một người cha Người thực thi công lý nhưng cũng như một người mẹ Người nâng đỡ, vỗ về. Người long trọng loan báo kế hoạch Cứu Độ ngay khi tuyên án phạt kẻ xúi giục gây nên tội lỗi “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ rình cắn vào gót nó”.

Đây là Tin Mừng đầu tiên mở ra một chân trời hy vọng cho nhân loại vào chiến thắng của Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết. Cho con người được quyền cậy trông vào tình yêu thương tuyệt đối của Thiên Chúa, hy vọng  một ngày được giao hòa với Người trong sự hiệp thông như thưở ban đầu. Dù tội lỗi của con người cao ngập đến mấy thì Thiên Chúa còn vượt trên tất cả, luôn thứ tha và chờ đợi con người thống hối trở về. Và dù con người có bội phản ngã sa bao lần trong vực thẳm tăm tối tội lỗi thì tình yêu Chúa vẫn cứ mãi tiến tới để lấp đầy mọi ngăn cách… vì Chúa là Thiên Chúa của lòng xót thương.

Cảm tạ Chúa đã ban Con Một Chúa xuống thế làm người hầu chuộc lấy nhân loại tội lỗi chúng con. Ước mong chúng con ý thức sâu xa giá trị cao quý của phẩm tính làm con Chúa để sống xứng đáng với tình yêu Chúa dành cho chúng con. Amen.

MTG Cái Nhum

 

CẢM TẠ LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG

Lần đầu tiên Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót được mở ra trong lịch sử Giáo Hội. Tuy con chỉ là hạt bụi nhỏ bé được núp bóng thời gian trong ơn gọi thánh hiến, nhưng con cảm nhận mình thật diễm phúc được hiện hữu trong thời điểm nầy. Năm Thánh ngoại thường nầy là món quà quí giá Chúa ban cho Giáo Hội qua sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Một dấu ấn giúp con cảm nghiệm sâu xa tấm lòng thương xót vô biên của Chúa đã phủ đầy trên Giáo hội hoàn vũ, đặc biệt trên quê hương Giáo phận Vĩnh Long thân yêu của con.

Ngày 11/12 vừa qua, cột mốc thời gian trọng đại đã đưa Giáo phận Vĩnh Long đi vào trang sử mới. Ngày mà toàn thể đoàn chiên Giáo phận hân hoan đón nhận quà tặng cao trọng Chúa ban qua lễ Tấn phong Giám mục của Đức Cha Phêrô. Mọi thành phần dân Chúa khắp nơi xa gần, hiện diện khá đông đủ để tạ ơn Chúa và chung vui với Giáo phận. Đức Tân Giám mục Phêrô như mùa xuân mới mang đầy niềm vui và tràn sức sống về trên khắp quê hương Giáo phận, như cơn mưa rào đổ xuống đoàn chiên sau hơn hai năm khao khát đợi chờ vị Chủ chăn; cơn mưa nầy thấm ướt đồng cỏ khô cằn, để cỏ non mượt mà xanh tốt vươn lên nuôi sống đoàn chiên. Thánh lễ thật sốt sắng, trang trọng, trật tự, diễn ra trong tốt đẹp, bình an. Tham dự Thánh lễ, gương mặt mọi người rạng rỡ, toát lên niềm vui, quên sự mõi mệt dù thời gian khá dài. Cảm xúc và niềm vui trào tràn khi lần đầu tiên trong đời con được nhìn thấy sự hiện diện của Hội Đồng Giám mục trên khắp ba miền đất Việt. Có những Vị đã cao niên, không ngại đường xa, vượt hơn ngàn cây số đến tận mảnh đất Vĩnh Long để tạ ơn Chúa và chia sẻ niềm vui trọng đại với Giáo phận. Phải chăng tất cả phát xuất từ lòng thương xót của Chúa.

Nhìn lại lịch sử Giáo phận nhà, từ khi thành lập cho đến hôm nay đã gần 80 năm, dọc dài hơn 3/4 thế kỷ qua, ơn Chúa luôn đổ đầy. Giáo phận thành hình, lớn lên và trưởng thành trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Những khi Giáo phận găp phải khó khăn thử thách thì chính lúc ấy Chúa bồng bế Giáo phận trên tay, nâng niu ấp ủ để được sống còn đến hôm nay.

Năm Thánh Lòng Chúa thương xót đang trãi rộng khắp vũ hoàn. Quà tặng Chúa gởi trao cho Giáo phận là Đức Cha Phêrô trong thời điểm nầy, giúp con cảm nghiệm sâu xa hơn Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ trãi sang đời kia. Con cúi đầu cảm tạ lòng Chúa xót thương đã ban cho Giáo phận Vị mục tử mà chúng con hằng tha thiết nguyện xin. Thêm một lần nữa con xác tín mạnh mẽ hơn vào lòng Chúa xót thương. Xin lòng Chúa xót thương hằng ở cùng Đức Cha Phêrô và đoàn chiên của Ngài, để đám dân chài Giáo phận Vĩnh Long cùng với Thuyền trưởng hăng say tung buồm ra chốn trùng khơi, đến chỗ nước sâu thả lưới hầu cánh đồng truyền giáo đặng mùa bội thu.

MTG Cái Mơn

 

8. TRANG SỐNG ƠN GỌI

TAN CHẢY

Ngày 01.01.2016, Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là ngày đặc biệt của Giáo Phận Vì đã rất lâu hôm nay tại Nhà Thờ Chánh Tòa của Giáo Phận mới có thánh Lễ phong chức Phó tế. Còn riêng về cá nhân tôi thì đây là ngày hồng ân đi đôi với trách nhiệm. Trong niềm hân hoan ngày lãnh chức Phó Tế cho tôi ý thức rằng lãnh nhận chức Phó tế là để thi hành sứ mạng phục vụ (x.LG số 29). Ngay trong Thánh Lễ khi nhìn vào những ngọn nến cháy sáng trước bàn thờ với sự hao mòn và lem luốc của nó, cho tôi liên tưởng đến sứ mạng phục vụ của Thừa tác vụ Phó tế và Linh mục. Tôi cảm nhận sứ mạng phục vụ của ơn gọi đời linh mục ví như sự hao mòn của cây nến vậy.

Sáp ong được chọn lọc loại bỏ những tạp chất để đưa vào khuông đúc với thời gian thích hợp để cho ra đời một cây nến hữu ích cho đời. Việc này được ví như ứng sinh linh mục được chọn gọi vào sống trong môi trường tu học tại Đại Chủng Viện để nỗ lực tự đào tạo theo 4 chiều kích: nhân bản, thuộc linh, tri thức và mục vụ. Loại bỏ những “tạp chất” tức là xác định và thanh luyện dần động lực ơn gọi là đi tu vì lòng yêu mến Chúa và muốn cứu rỗi các linh hồn. Để rồi trải qua thời gian đào tạo khai tâm tại Chủng Viện, người ứng sinh linh mục với những khả năng thích hợp và sẵn sàng tiến tới chức thánh Phó Tế và Linh Mục. Qua đó mạnh dạn dấn thân phục vụ “Lời”, phục vụ “bàn” và sống đời linh mục với vai trò mục tử theo gương Đức Ki-tô Mục Tử là dám xả thân vì đoàn chiên và lo cho chiên được sống dồi dào (x.Ga10,12). Cụ thể qua việc tích cực dấn thân vào ba nhiệm vụ trọng yếu không được sao nhãn: tư tế, ngôn sứ và vương đế. Và đây thực sự là cây nến hữu ích cho đời tức là trở nên mục tử như lòng Chúa mong ước.

  Nến cháy và tỏa sáng. Ví như người linh mục phải cháy lửa yêu mến Chúa, qua việc thực hành các việc phụng vụ và đạo đức một cách trung thành và đạo đức. Tỏa sáng đời sống nhân đức yêu thương, khiêm nhường, hiền lành, khôn ngoan, công bằng, dũng cảm, tiết độ, khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục…Nến nếu không cháy, không tỏa sáng chỉ là một cây nến vô dụng mà thôi. Đời linh mục nếu không tỏa sáng đời sống nhân đức tức không thể hiện được đức ái mục tử trong đời sống linh mục chỉ là người chăn thuê (x.Ga10,12) hay một công chức đền thờ mà thôi.

Nến cháy càng mạnh, càng tỏa sáng thì nó phải chấp nhận sự hao mòn và tiêu vong. Tôi muốn nói đến việc sống tinh thần tự hủy, “kenosis” của Đức Ki-tô. Đời linh mục là một hành trình tự hủy theo gương Đức Ki-tô. Nến cháy sáng, nến chết đi chính bản thân mình để góp cho đời ánh sáng và sự ấm áp. Việc này được ví như cuộc đời linh mục, trong đời sống phục vụ biết quên đi chính mình, chết đi chính mình để “chiên được sống dồi dào” (Ga10,10). Để có thể sống tinh thần tự hủy, để có thể hy sinh phục vụ vô vị lợi theo gương Chúa Giê-su Mục Tử thì đòi người linh mục phải có đời sống nội tâm sâu sắc. Đời  sống nội tâm sâu sắc có được nhờ trung thành đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh, yêu mến và năng kết hiệp với Bí tích Thánh Thể, năng đọc, suy gẫm và thực hành sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, luyện tập sống các nhân đức để vượt thắng những tính xấu “trồng hoa thơm lấn dần cỏ dại”.

Sự tỏa sáng của nến cho ta thấy nến thể hiện được một đặc tính của tình yêu không phân biệt, Nến không thể nói rằng “tôi chỉ tỏa sáng cho những vật và những người tốt, những người mà tôi quý mến, còn người xấu thì tôi không tỏa sáng”. Ví như đời sống người linh mục cũng phải thể hiện đức ái mục tử, hy sinh, yêu thương và phục vụ cách không phân biệt chiên mập hay chiên ốm, chiên hiền lành hay chiên “cứng đầu”, chiên thuộc đàn hay không thuộc đàn… vì Chúa cho mặt trời trời mọc lên chiếu sáng trên người lành kẻ dữ. (x.Mt5,45)

Nến chấp nhận hao mòn khi cháy sáng. Nến trở nên dị dạng xấu đi khi chấp nhận để những dòng sáp nến tan chảy xuống bám vào thân nến. Ví như đời linh mục cũng phải ra khỏi chính mình để phục vụ, điểm quy chiếu không còn là chính mình nữa nhưng là Đức Ki-tô, “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (x.Ga3,30) miễn là Đức Ki-tô được rao giảng (x.Pl1,18). Như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông Huấn Evangelii Gaudium số 49: “Hãy lên đường, hãy lên đường cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô…Tôi muốn thấy một Giáo Hội bị bầm giập, tổn thương và lấm lem trên đường dấn thân, chứ không phải là một Giáo Hội 'xanh xao vàng vọt' vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an toàn của riêng mình”.

Tôi thiết nghĩ, chỉ khi nào sống phục vụ theo tinh thần tự hủy của Đức Ki-tô vì lợi ích đoàn chiên, dám xả thân, dám chấp nhận hao mòn và tiêu vong như nến cháy để “chiên được sống dồi dào” (Ga10,10). Và nếu cần thì cũng sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên thì lúc đó người linh mục xứng đáng với danh hiệu mục tử như lòng Chúa ước mong.

Xin mọi người hãy cầu nguyện nhiều cho tôi và các thầy Phó Tế luôn là cây nên sáng chấp nhận hao mòn vì Đức Kitô trong sứ mạng phục vụ của mình.

 

9. TRANG THIẾU NHI

Bài Học Trong Cách Cư Xử

Là cha mẹ, cách dạy con tốt nhất là nêu gương cho trẻ.

Bạn muốn dạy con cái mình không tám chuyện? Đừng ngồi lê đôi mách. Bạn muốn dạy con cầu nguyện. Hãy nguyện cầu. Muốn trẻ đối xử tốt với tha nhân. Hãy đối xử tốt với trẻ cũng như với những người mà bạn gặp gỡ. Muốn tập cho trẻ biết giữ bình tĩnh. Đừng nóng giận. Đáng buồn thay, dù bạn có cố gắng nổ lực đến đâu, vẫn có những lúc bạn thất bại khi dạy con theo cách này. Đôi khi, mọi thứ trở nên tồi tệ khiến bạn chỉ muốn nổi điên lên cho đến khi…ĐÙNG… Mẹ đang la hét, vùng vẫy và oang oang đưa ra một bài giảng ngẫu hứng dành cho bậc sau đại học về cách để nổi cơn tam bành.

Khi cơn giận lắng xuống, trái tim người mẹ, đồng thời, cũng thấm thía sự thất bại trong cách cư xử của mình. CHÍNH LÚC NÀY, đây sẽ là thời điểm con bạn sẽ ghi nhớ, chứ không phải là hàng trăm lần bạn chịu áp lực để thể hiện lòng vị tha và nhẫn nại. Đây là hình ảnh của bạn trong vai trò là một người mẹ sẽ khắc sâu trong tâm khảm đứa trẻ. Bạn là ai để dạy con cách cư xử khi chính bạn không thể xử sự đúng mực? Bạn không thể rút lại những lời đã nói ra, đó là lý do tại sao bạn cần phải tránh chúng hết sức có thể. Chúng ta muốn dạy con cái bằng việc nêu gương cho trẻ. Nhưng trong giây phút im lặng bẽ bàng và thua cuộc đó, hãy nhớ rằng, đây không hẳn là một thất bại. Bạn vẫn có thể nhân cơ hội này để dạy con.

Có một điều rất quan trọng ta có thể làm gương cho trẻ mà ta chỉ có thể dạy chúng khi ta phạm lỗi:  Làm thế nào để nói lời xin lỗi. Làm thế nào để thừa nhận rằng bạn đã sai. Vì vậy, đừng gục ngã! Đây là thời điểm cần thiết để bạn toả sáng. Hãy vượt qua cảm giác xấu hổ và thất vọng và biến nó thành một chiến thắng vinh quang. "Mẹ xin lỗi con. Lẽ ra mẹ không nên làm như thế." Không bào chữa. Có thể giải thích những gì đang xảy ra dẫn đến sai lầm của bạn để cho thấy bạn, lẽ ra, có thể cư xử theo cách khác. Hãy nói cho trẻ biết rằng người ta phải dành cả đời luyện tập để trở nên tốt hơn và luôn có nhiều điều cần được thực hiện. Hãy cho trẻ thấy sự khiêm tốn của bạn.

Sau đó hãy ôm con bạn vào lòng. Và bạn sẽ thấy rằng trẻ cũng có thể dạy ta những bài học tuyệt vời về sự tha thứ.

Nguồn: CAITLIN MARCHAND, Catholic Education Resource Center

Song Ân chuyển dịch

 

10. TRANG GIỚI TRẺ

NGƯỜI KITÔ HỮU

SỐNG HIỆP THÔNG TRONG LÒNG GIÁO HỘI

Một Cha sở thấy trong họ đạo có một người rất chăm chỉ đi nhà thờ, nhưng bỗng thấy vắng hẵn ông. Cha sở tới gặp thấy ông đang ngồi cạnh lò sưởi. Không nói gì, Cha lẳng lặng gắp ra một cục than hồng để trên tảng đá, hồi lâu than tàn dần, người kia bèn cất tiếng phá vỡ bầu khí nặng nề:

Thưa Cha, Cha khỏi cần phải nói lời nào hết, ngày mai con sẽ đi dự lễ như mọi khi…Than hồng một mình sẽ tàn lụi dần, cùng chung với các than trong lò, nó sẽ sáng hồng và nóng mãi.

Nếu ta hỏi chiếc lá cây: “Một mình có đầy đủ không?” Nó sẽ trả lời: “Không, đời sống của tôi nhờ ở cành cây đấy!” – Nếu ta hỏi cây thì sẽ được trả lời: “Sức sống của tôi ở rễ cây!” – Nếu ta hỏi rễ cây thì nó sẽ trả lời: “Không, sức sống của tôi thì ở trong thân cây, lá cây: nếu ngắt các bạn tôi đi, tôi sẽ chết”.

Những hình ảnh trên đây giúp chúng ta liên tưởng đến đời sống hiệp thông trong Hội Thánh: mọi người đều liên đới và gắn bó mật thiết với nhau trong Chúa Kitô như trong đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô sau đây:

(11) Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. (12) Nhờ đó, các thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Ðức Kitô, (13) cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của đức Kitô.

(14) Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. (15) Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðức Kitô vì Người là Ðầu. (16) Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái. (Eph 4, 11-16)

Hiệp thông là gì?

Hiệp thông là một danh từ được sử dụng trong Kitô giáo để chỉ về mối quan hệ giữa Kitô hữu với Thiên Chúa và giữa những Kitô hữu trong Hội Thánh với nhau.

Ý nghĩa thuộc linh: hiệp thông là sự giao tiếp giữa Kitô hữu với Thiên Chúa, được thể hiện qua các hình thức như cầu nguyện, xưng tội và thờ phượng. Nhưng mối quan hệ này là ở bên trong tâm linh của mỗi cá nhân với Thiên Chúa. Nếu ai phạm những tội trọng mà không chịu ăn năn, xưng tội để được tha thứ mà vẫn tiếp tục sa vào tội lỗi thì mối quan hệ của người đó với Chúa sẽ bị chia cắt.

Ý nghĩa thuộc thể: Hiệp thông là mối quan hệ giữa các Kitô hữu với nhau được thể hiện qua tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, cầu nguyện và chia sẻ lời Chúa với nhau như điều mà Chúa Giêsu dạy: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12).

Đối với Giáo hội Công giáo chúng ta, hiệp thông còn mang ý nghĩa là mối quan hệ về tổ chức trong Giáo hội. Một người bị mất đi sự hiệp thông khi người này bị khai trừ khỏi giáo hội và không được nhận lãnh bất kỳ ơn ích nào từ hoạt động thờ phượng của giáo hội.

Cùng cử hành, lãnh nhận các Bí tích

Sự hiệp thông này được thực hiện trong phụng vụ và các bí tích của Giáo Hội. Chính nơi đây mà ta được thông phần vào cuộc thương khó của Chúa Kitô và được hưởng nhờ công trạng của toàn bộ cuộc sống của Ngài. Qua các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh thể, chúng ta trở thành một phần thân thể cho đi của Chúa Kitô và của chi thể Ngài.

Bí tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải

Khi diễn tả hành vi của tình yêu cho người mình thương mến, chúng ta thường trao cho họ những kỷ vật để làm bằng chứng về tình yêu mà mình muốn dâng hiến. Với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.

Cũng vậy, khi Chúa Giêsu đến trần gian để cứu độ con người, và khi biết mình sắp trở về với Đấng đã sai mình, Người đã yêu thương họ đến cùng, Người cũng để lại cho Giáo Hội một bảo chứng để diễn tả tình yêu tuyệt đối của Người cho nhân loại, đó là Bí tích Thánh Thể.

Chúng ta được “hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Giêsu Thánh Thể khi chúng ta lên rước Mình Máu Thánh Chúa.

Nhưng chúng ta chỉ có thể rước Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chúng ta có tâm hồn yêu thương, trong sạch và hòa hợp (hòa hợp với Thiên Chúa và hòa hợp với nhau). Nhưng là những con người yếu đuối, dễ sa ngã và hay bất hòa, chúng ta cần đến với Chúa qua Bí Tích Giải tội.

Vì thế, trong Thư Mục Vụ; “Giáo Hội từ Bí Tích Thánh Thể “ĐGH Gioan Phaolồ II nhắc nhở: “Bí Tích Thánh Thể Và Bí Tích Giải tội là hai Bí tích được liên kết mật thiết với nhau. Nếu Thánh Thể hiện tại hóa Hy Lễ cứu độ của Thập Giá, không ngừng lưu truyền bằng bí tích, thì điều đó có nghĩa là từ Bí Tích Thánh Thể phát xuất một cuộc hoán cải liên tục, đáp lại từ chính bản thân lời khuyến cáo mà Thánh Phaolô nói với các tín hữu thành Côrintô: ‘Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa!’ (2 Cor 5,20).

Nếu một người Công giáo mang trong tâm hồn gánh nặng của một tội trọng, thì cuộc hành trình hối cải qua Bí tích Hòa Giải, trở thành một bước đường bó buộc phải đi qua, để có thể tham dự hoàn toàn vào Hy Tế Thánh Thể.

Ngài cũng đã nhắc lại lời chỉ dẩn trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Ai biết mình đang mang tội trọng, thì phải lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải trước khi đến Rước Lễ” và lời khuyến cáo nghiêm khắc của Thánh Phaolô: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén nầy” (1 Cor 11,28), “Nếu ai biết mình đang ở trong tình trạng tội trọng, thì phải xưng thú tội mình trước đã.”, “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa “ (1Cor 11, 27)

Câu hỏi gợi ý sống hiệp thông

1.       Chúng ta có thật sự sống hiệp thông với Chúa, với Giáo hội, với tha nhân chưa?

2.       Chúng ta có thật sự sống hiệp thông việc sống các Bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội chưa?

 

SAU NHỮNG CUỘC GẶP GỠ

Trong cuộc sống, có những cuộc gặp gỡ thắp sáng lên niềm hy vọng, có những cuộc gặp gỡ sưởi ấp con tim đang giá lạnh, có những cuộc gặp gỡ đem lại niềm vui tiếng cười, nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ khiến lòng người bùi ngùi, khắc khoải. Nhìn lại những cuộc gặp gỡ trong việc tông đồ của mình, tôi thấy mình được sống trong tương quan của một con người và của người con Chúa: cho và nhận.

Khi gặp gỡ chuyện trò, tôi học cách sẻ chia tình người, tình Chúa. Qua lắng nghe và chia sẻ, tôi cảm nhận nhiều hơn những ân huệ Chúa ban cho tôi, cho con người. Đồng thời, nảy nở nơi tâm hồn tôi lòng chạnh thương trước những hoàn cảnh éo le của cuộc sống. Dấn thân thăm hỏi sẻ chia, tôi thêm ý thức rằng mình cần vượt qua những cảm xúc thẹn thùng, ngần ngại của xu hướng tự nhiên để có thể đến với người khác với trọn con người mình, với lòng chân thành và mến yêu, với khát mong được lắng nghe người chia sẻ và được sẻ chia cùng người. Bài học này, tôi thấy mình phải học cả đời.

Đôi khi tôi thấy tâm trí mình lạc chìm vào trong những cảnh đời kém may mắn. Đồng hóa mình với họ, tôi cùng lâm vào bế tắc như họ mà chẳng thể sẻ chia được gì. Tôi nhận thấy sự mù tối của họ và chính tôi cũng đang mù tối. Những lúc này, điểm tựa duy nhất cho tôi là lòng tin yêu vào Chúa Giê su, Đấng đang hấp hối trên Thập tự giá. Chỉ có Ngài mới xoa dịu lòng tôi, đẩy xa mây mờ và khơi sáng lòng tin tưởng, cậy trông và mến yêu nơi tôi. Để rồi, tôi thâm tín rằng cuộc sống mà chính vì yêu thương Thiên Chúa đã tặng ban cho con người, lại đã dùng chính giá máu của Con Một để chuộc lấy, cuộc sống đó không thể xấu xa và vô nghĩa, nhưng đẹp biết bao, ý nghĩa dường nào, dù nó đang rơi vào hoàn cảnh nào chăng nữa. Từ đó, tự đáy lòng, tôi được gọi mời để sẻ chia cùng con người kinh nghiệm ấy.

Đến với họ, tôi cũng bắt gặp những tâm hồn khát bỏng tình người, lòng tin tưởng, yêu mến. Thế nhưng tâm hồn ấy lại đang bị bao phủ bởi mây mù của khung cảnh sống vốn cổ võ cho sự bất tín. Tôi cũng đã và đang chịu tác động của khung cảnh xã hội ấy, cũng hoài nghi, ngờ vực người chung quanh và cả Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Thái độ này là rào cản khiến tôi không đón nhận dồi dào tình yêu và ân sủng được trao ban cho tôi, do chính Thiên Chúa hay qua các trung gian. Tôi nhận thấy mình tiếp tục cần tình yêu và ơn sủng của Thiên Chúa, hầu mong tâm hồn mình được tẩy rửa khỏi những hoài nghi ngờ vực, để có thể tỏ lộ sự tươi sáng của lòng tin yêu nơi tình Chúa và tình người. Đó cũng là khát mong của tôi dành cho những tâm hồn còn đang chìm trong đám mây mờ ấy.

Tạ ơn Chúa đã yêu thương và huấn luyện con mỗi ngày và cho con được nhận thấy để dám dấn mình vào việc huấn luyện ấy. Xin tiếp tục soi trí mở lòng, để con luôn mãi được sống nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài giữa những cảnh đời của thế giới này.

Phạm Văn Đoàn

 

11. TRANG GIA ĐÌNH

Quy Định Của Tổng Giáo Phận Tp.HCM :

V/v Cử Hành Nghi Thức Hôn Phối

Cho Một Đôi Hôn Nhân Khác Đạo

Giáo luật chung hay luật giáo phận đều quy định không cử hành thánh lễ, khi cử hành nghi thức hôn phối cho một đôi hôn nhân khác đạo. Hiện nay, trong giáo phận, một số linh mục và giáo dân muốn được cử hành nghi thức này trong thánh lễ ?

I. GIÁO LUẬT TRƯỚC ĐÂY

– “Hôn phối giữa một người công giáo và một người không công giáo sẽ cử hành ngoài nhà thờ; nhưng nếu vị Bản Quyền cân nhắc cách khôn ngoan rằng không thể làm như vậy mà không có thêm nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn nữa, tuỳ theo phán đoán khôn ngoan của mình ngài có thể miễn chuẩn điều này, miễn là giữ nguyên quy định của điều 1102, 2”[1].

– “Trong hôn phối giữa một người công giáo và một người không công giáo, mọi nghi thức thánh khác đều bị cấm; nhưng nếu từ lệnh cấm này có thể sinh ra những nguy hại nghiêm trọng hơn, vị Bản Quyền có thể cho phép một số nghi thức thông thường của Giáo Hội, nhưng luôn luôn loại trừ việc cử hành Thánh Lễ”[2].

Giáo luật địa phận Sàigòn trước đây giữ nguyên các quy định trên. Thuật ngữ “phép giao” (chỉ có nghi thức hôn phối) được dùng để chỉ trường hợp hôn nhân khác đạo; và phân biệt với “phép cưới” (gồm cả Thánh Lễ và lời chúc hôn…) giữa hai người công giáo. “… Phải hết sức ngăn cản những đám cưới như thế, dù rất hiếm trong Xứ Truyền Giáo… Nếu không có chỉ thị khác, không có Rao Hôn Phối, và hôn phối phải cử hành không có gì long trọng, trước mặt vị linh mục của bên Công giáo và hai nhân chứng”[3].

    Như vậy, đối với hôn phối khác đạo, Giáo luật chung và luật địa phận Sàigòn quy định phải cử hành : 1- ngoài nhà thờ; không công khai (không có cộng đoàn tham dự);  2- có các nhân chứng; 3- cam kết theo công thức quy định của Giáo Hội; 4- không có thêm nghi thức nào khác : không có lời nguyện hay lời chúc lành hôn phối; 5- kể cả vị Bản Quyền cũng không được cho phép cử hành Thánh Lễ.

II. GIÁO LUẬT CHUNG HIỆN HÀNH

1- Giáo Luật 1983 quy định “§1. Hôn nhân giữa hai người Công giáo hoặc giữa một người Công giáo và một người đã được Rửa tội ngoài Công giáo phải được cử hành trong nhà thờ giáo xứ…  §3. Hôn nhân giữa một người Công giáo và một người  không được Rửa Tội có thể được cử hành trong nhà thờ hay tại một nơi thích hợp khác”[4].

Cử hành nghi thức hôn phối "thành sự" phải giữ như bí tích Hôn Phối về thừa tác viên chứng hôn và hai nhân chứng[5]. Để cử hành thành sự, phải là một "nghi thức công khai nào đó"; cấm cử hành lén lút, không có nhân chứng. Vị Bản Quyền sở tại có thể miễn chuẩn nghi thức giáo luật này trong từng trường hợp[6]. Cùng với miễn chuẩn nghi thức giáo luật này hay chính miễn chuẩn hôn nhân hỗn hợp và khác đạo, vị Bản Quyền có thể thêm một điều khoản bó buộc nào đó; nếu điều khoản này không được tuân giữ, cử hành hôn nhân đó bất thành[7].

2- Nghi thức cử hành hôn phối phải theo bản văn và qui định của Phụng Vụ[8]. Đối với người chưa Rửa Tội, bỏ câu "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" khi trao nhẫn[9].

3- Đức Phaolô VI đã bỏ lệnh phạt và lệnh cấm cử hành các nghi thức kèm theo nghi thức hôn phối : kinh nguyện, chúc lành… Nghi thức hôn nhân hỗn hợp hay khác đạo không được cử hành trong thánh lễ; nhưng có cử hành Phụng Vụ Lời Chúa và các nghi thức khác: giảng, chúc lành, hiệp lễ cho người Công giáo… “Trong trường hợp đặc biệt, vị Bản Quyền địa phương có thể cho phép cử hành các nghi thức trong thánh lễ, nhưng để cho phép người không Công giáo hiệp thông Thánh Thể phải theo các quy định của luật chung”, của Thánh Bộ Phụng Tự và của HĐGM[10].

III. MỘT VÀI GHI NHẬN

1- Giáo Hội đã không còn xem việc kết hôn khác đạo là việc cần “hết sức ngăn cản” và có những hình phạt rõ ràng kèm theo. Không thể giải thích rằng Giáo Hội không cử hành thánh lễ cho đôi hôn phối này vì muốn phạt họ.

2- Có lập trường cho rằng không cử hành thánh lễ, vì điều này đi ngược lại thần học bí tích Thánh Thể và Hôn Phối. Thánh Lễ là mầu nhiệm hiệp thông ân sủng, mầu nhiệm đức tin hiệp nhất các Kitô hữu. Theo truyền thống Phụng Vụ, phần Phụng Vụ Thánh Thể không để người không Công giáo tham dự.

3- Hôn Phối là giao ước hiệp nhất giữa hai người nam nữ. Theo tinh thần Tự sắc Matrimonia Mixta và sách Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân, mục đích chính của Giáo Hội khi quy định không cử hành hôn nhân khác đạo trong thánh lễ, là tránh nhấn mạnh sự bất hiệp nhất căn bản (tôn giáo) của hai người trong chính ngày cưới.

Hiện nay, trong Giáo Hội vẫn có trường hợp những người không Công giáo được tham dự các cử hành của Công giáo, kể cả thánh lễ[11]. Quan niệm chung về hôn nhân xem ra đề cao quyền tự do chọn lựa khi kết hôn hơn là việc đề phòng nguy hại do khác biệt tôn giáo.

4- Việc cử hành thánh lễ dẫn tới bất tiện về mục vụ. Người ngoài Công giáo và thân nhân của họ cần được hướng dẫn khi tham dự thánh lễ…

5- Trước đây, hôn nhân khác đạo là việc cần “hết sức ngăn cản” và “rất hiếm” khi xảy ra ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX; do đó, họ đạo không Rao Hôn Phối, vì đây là những trường hợp đặc biệt mà linh mục biết rất rõ mới đệ trình. Hiện nay, Tổng giáo phận TP.HCM mỗi năm có khoảng 800 đến 1000 trường hợp. Giáo Luật 1983 quy định phải “điều tra hôn phối” cho mọi trường hợp[12]. Như vậy, luật giáo phận cần quy định rõ cách thức điều tra hay Rao Hôn Phối cho cả trường hợp hôn nhân khác đạo[13].

5- Dù chỉ cử hành Phụng Vụ Lời Chúa hay có thánh lễ, Tổng giáo phận nên quy định rõ không được để cho người ngoài công giáo đọc Lời Chúa; và “để cho phép người không Công giáo hiệp thông Thánh Thể phải theo các quy định của luật chung”[14].

 IV. QUY ĐỊNH CỦA TỔNG GIÁO PHẬN TP.HCM

Được sự phê chuẩn của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, khi cử hành nghi thức hôn nhân khác đạo, linh mục chính xứ sẽ áp dụng các hướng dẫn mục vụ sau đây :

1- Linh mục chính xứ phải gởi giấy Rao Hôn Phối đến giáo xứ nơi người không Công giáo đang có gia cư hay bán gia cư. Linh mục chính xứ nơi này phải Rao Hôn Phối và hồi âm như thông lệ đối với đôi hôn phối Công giáo.

2- Nghi thức hôn nhân khác đạo phải cử hành công khai (có cộng đoàn tham dự), trong nhà thờ giáo xứ. Tổng giáo phận không cho phép cử hành nghi thức tại tư gia, ngoại trừ trường hợp nguy tử[15].

3- Theo luật chung, nghi thức hôn nhân khác đạo được cử hành ngoài thánh lễ[16]. Linh mục chủ sự phải cử hành Phụng Vụ Lời Chúa, giảng và chúc lành cho đôi hôn phối.

4- Nghi thức hôn nhân khác đạo được cử hành theo Sách Nghi Lễ Rôma, Nghi thức Cử Hành Hôn Phối, do Hội Đồng Giám mục ban hành. Người không Công giáo không đọc câu "… Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" khi trao nhẫn.

5- Linh mục chủ sự có thể cử hành phần Hiệp Lễ và cho những người Công giáo hiệp thông Thánh Thể. Để cho người Kitô hữu được Rửa Tội ngoài Công giáo hiệp thông Thánh Thể, phải có sự phê chuẩn của vị Bản Quyền giáo phận.

 6- Đức Tổng Giám mục cho phép linh mục chính xứ tự quyết định việc cử hành nghi thức hôn phối trong thánh lễ[17], với điều kiện là bên không Công giáo tự nguyện xin tham dự thánh lễ và cam kết tôn trọng sự trang nghiêm của nghi lễ. Khi việc cử hành thánh lễ nhấn mạnh thêm những bất hoà về tôn giáo, linh mục chính xứ không được cử hành thánh lễ.

Nếu cử hành nghi thức hôn phối trong thánh lễ, linh mục chính xứ phải hướng dẫn cho người không Công giáo và thân nhân của họ những điều cần thiết; đồng thời ngài phải lo liệu để thánh lễ được cử hành long trọng và trang nghiêm.

7- Dù chỉ cử hành Phụng Vụ Lời Chúa hay có Thánh Lễ, đôi hôn phối không đọc Lời Chúa, trừ khi người không Công giáo là dự tòng.

Toà Tổng Giám mục TPHCM ngày 20.12.2015

Linh mục Gioan Bùi Thái Sơn

Đại Diện Tư Pháp

[1] C.I.C. 1917, can. 1109, 3.

[2] C.I.C. 1917, can. 1102, 2.

[3] Directoire pour les Missions de la Cochinchine Occidentale et du Cambodge 1922, tr. 163-164.

[4]  Giáo luật điều 1118.

[5] Giáo Luật điều 1108,1.

[6]  Giáo luật điều 1127, 2.

[7]  PONTIFICIA COMMISSIONE PER L'INTERPRETAZIONE DEI DECRETI VATICANI II, La dispensa dalla forma canonica nei matrimonii misti, 9 apr. 1979, EV S1 n. 696.

[8] Sách Nghi Lễ Rôma, Nghi thức Cử Hành Hôn Phối, Hà Nội 2008, số 36.

[9] Sách Nghi Lễ Rôma, Nghi thức Cử Hành Hôn Phối, Hà Nội 2008, số 167.

[10] PAULUS VI, Matrimonia mixta, 30 mar. 1970, EV 3/2415-2447, n. 2441-2445.

THÁNH BỘ PHỤNG TỰ, decr. Ordo Celebrandi Matrimonium, 19 mar. 1990,  n.36.

[11]  Giáo Hội Nhật cho phép cả những đôi hôn phối không công giáo cũng được cử hành một nghi thức hôn phối đặc biệt trong nhà thờ, miễn là họ có tham dự 20 tiết giáo lý hôn nhân.

[12]  Giáo luật điều 1067.

[13] Những người không Công giáo sống trong địa giới giáo xứ cũng thuộc trách nhiệm mục vụ của linh mục chính xứ. "Các vị chủ chăn, nhất là các Giám Mục và linh mục chính xứ,… phải lo liệu để sứ điệp Tin Mừng đến tận những người không tin ở trong địa hạt mình, vì họ cũng phải được coi sóc về phần linh hồn không kém các tín hữu". Giáo luật điều 771, 2; Evangelii Nuntiandi 55-57; GL 528,1.

[14] HĐGM ITALIA, Chỉ thị về hôn nhân khác đạo, Enchir. CEI, vol. I, p. 1260, n. 4245, 5.

[15] Giáo luật điều 1118.

[16] Sách Nghi Lễ Rôma, Nghi thức Cử Hành Hôn Phối, Hà Nội 2008, số 36.

[17] PAULUS VI, Matrimonia mixta, 30 mar. 1970, EV 3/2415-2447, n. 2441-2445.

Quyết định của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc ngày 18.12.2015.

 

12. TRANG GIÁO LÝ VIÊN

25 Bài Giáo Lý Về Thánh Phaolô

Bài 23: Theo lịch sử, Phaolô bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ nhất khoảng sau năm 45. Vậy từ khi trở lại ở Damascus (khoảng năm 36) đến sau năm 45, thánh Phaolô làm gì? ở đâu?

Học hỏi thánh Phaolô, ta không dễ dàng bỏ qua thời gian “biệt âm vô tín” khá dài trong hơn mười năm trời, sau khi thánh nhân trở lại trên đường Damascus. Chúng ta không có tài liệu nào nói chính xác thánh nhân làm gì, ở đâu trong thời gian này, dù có nhắc đến những địa danh Syria, Arập, Judea và Celicia là những nơi thánh nhân đi qua.

Khác với những chi tiết kể lại trong ba hành trình truyền giáo, những gì thánh Phaolô làm trong thời gian này không được kể lại cách mạch lạc có thứ tự thời gian, mà thường thiếu rõ ràng, và đòi hỏi các nhà chuyên môn phải dàn dựng bối cảnh.

Qua những yếu tố góp nhặt trong Công Vụ Tông Đồ và trong các thư thánh Phaolô viết, các nhà kinh thánh có thể cắt nghiã phần nào những hoạt động của thánh Phaolô trong thời gian “âm thầm” này.

Sách Công Vụ Tông Đồ kể những sinh hoạt của Phaolô gần như liên tục, nghĩa là, ngay sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Phaolô đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô trong các hội đường (Cvtd 9:8-20).

Nhưng khi đọc thư gởi tín hữu Galata, thánh Phaolô tự thuật là sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Ngài: “cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày” (Gal 1:17-18). Và bẳng đi một thời gian dài, Ngài lên lại Jerusalem: “Rồi sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa” (Gal 2:1).

Lí do nào khiến thánh Phaolô không đi rao giảng tin mừng đến những vùng xa xôi ngay sau sự kiện Damascus, mà đợi thời gian dài như vậy? Một vài yếu tố ảnh hưởng đến sự kiện này.

Thứ nhất về mặt lịch sử, thời đó dưới quyền quan Caligula (khoảng năm 37-40) có những khủng hoảng về chính trị và kinh tế trong những thành phố lớn vùng Địa Trung Hải. Rồi cuộc xung đột căng thẳng, gần dẫn đến nội chiến, giữa người Hi Lạp và Do Thái trong vùng Alexandria bấy giờ. Những điều này có thể làm hạn chế việc đi lại của Phaolô khiến Phaolô ở lại Cilicia một thời gian dài.

Thứ hai là trong suốt hơn mười năm này, Phaolô vẫn đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Đối tượng Phaolô nhắm có thể là những người được gọi là “kính sợ Thiên Chúa”, một danh từ dùng để chỉ những người dân ngoại (Hi Lạp) tin vào những giá trị luân lý của Do Thái giáo và tham dự những buổi thờ phượng trong Hội Đường, nhưng họ không chịu cắt bì và không giữ hết các luật của Môisê.

Thánh Phaolô kể: “Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một” (2 Cor 11:24). Đây là bằng chứng Phaolô tìm đến rao giảng trong các Hội Đường, có thể nhằm vào những người “kính sợ Thiên Chúa”, và bị trừng phạt theo luật Do Thái (Đệ Nhị Luật 25:3). Người ta đoán lý do thánh Phaolô bị đánh đòn vì dám rao giảng Đức Giêsu là đấng Messiah trong các hội đường (xem 1 Cor 1:23).

Thứ ba là khi Phaolô lên Jerusalem lần thứ hai, sau mười bốn năm, Ngài đi với Barnabas và đem theo Titô để trình bày với các tông đồ về vấn đề các người ngoại gia nhập Kitô giáo (Gal 2:1). Phaolô nói: “Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại” (Gal 2:2). Điều này chứng minh Phaolô đã đi rao giảng tin mừng trong những năm này, và số người ngoại tin theo Chúa Giêsu đông đến nổi Ngài cần lên Jerusalem để tranh luận cho quyền lợi của họ, và hy vọng tìm ra câu trả lời.

Tóm lại, từ sau ngày gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Phaolô có thể ở ẩn chừng ba năm trong vùng Arập rồi về Damascus (Gal 1:17). Sau đó Ngài rao giảng tin mừng, trước hết cho người “kính sợ Thiên Chúa” (dân ngoại tin theo Do Thái giáo), trong các Hội Đường. Sau này Ngài rao giảng cho dân ngoại, mà cao điểm là ba hành trình truyền giáo.

Nguyễn khắc Hy, S.S.

Nguồn: liendoanconggiao.net

 

13. TRANG QUỚI CHỨC

BẦU ƠI THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG

Năm 2015 tạp chí Time đã chọn thủ tướng Đức, bà Angela Merkel là nhân vật của năm, bởi vai trò nổi bật của bà trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực và thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng và di cư ở Châu Âu.

Ai cũng biết bà Merkel là một chính trị gia có tài, đã từng ba lần giữ chức thủ tướng nước Đức, một quốc gia có nền kinh tế đứng đầu Châu Âu. Thế nhưng lý do chính để bà được chọn lần này không vì tài lãnh đạo nhưng vì bà đã làm một việc mà các chính trị gia khác đã ngần ngại không dám làm. Đó là bà đã tiếp nhận những người tị nạn từ Trung Đông và kêu gọi các quốc giá khác cùng thực hiện như bà đã làm.

Thế giới hiện nay đang trong tình trạng bất ổn về kinh tế, chính trị. Suy thoái kinh tế khiến nhiều quốc gia khốn đốn, khu vực đồng tiền chung Châu Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đồng tiền chung Châu Âu bị đe dọa, thêm vào đó là nạn khủng bố làn tràn khắp thế giới trước đây có Al–Qaeda chưa dẹp xong giờ lại đến nhóm Nhà Nước Hồi Giáo tự xưng IS nhóm này còn khát máu hùng hậu hơn rất nhiều.

Việc di cư của những người Trung đông vào các nước là cơ hội để các thành viên IS tra trộn cách dễ dàng để tiến hành khủng bố, đó chính là lý do khiến các chính trị gia ngần ngại tiếp nhận những người di dân. Bà Merkel biết điều đó không ? Biết. Nhưng tai sao bà đã dám tiếp nhận họ ?

Dĩ nhiên là những chính trị gia có những toan tính riêng của họ, thế nhưng quyết định của bà thủ tướng này là một quyết định táo bạo và đầy lòng nhân, bởi bà cũng biết làm như thế sẽ mất lòng dân, mất sự tín nhiệm vì phải cưu mang những người vốn không phải trách nhiệm của mình, một gánh nặng về kinh tế cho quốc gia mình, buộc dân của bà phải hy sinh quyền lợi cho người khác và hơn thế nữa nguy cơ khủng bố rất cao, không khác nào tự ôm bom vào mình. Bà có thể không giữ được chiếc ghê cho đến hết nhiệm kỳ !

Vậy động lực nào khiến bà phải làm như vậy ? Đứng trước một việc mà cái lợi chưa thấy cái hại đã rành rành thì tại sao bà lại chọn nhận phần thiệt về mình nếu không vì cảm thông với những người có hoàn cảnh đáng thương vì chiến tranh, vì chính trị…

Nên nhớ bà là người thuộc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Hành động của bà có thể nói được là một hành động tuyên xưng đức tin, một người dám thực hành những gì Chúa dạy. Bà đã thể hiện tấm lòng của người Samaria nhân hậu, Người Cha Nhân Hiền và hình ảnh của Đức Giê-su hiến thân trên thập giá.

Thế giới xung quanh ta còn nhiều hoàn cảnh đáng thương vì thế chúng ta hãy học lấy gương của bà Merkel để biết chia sẽ, dám chấp nhận phần thiệt về mình cho người khác cảm nhận được tình yêu, tình thương chân thật để mọi người vơi bớt những khổ đau.

Năm thánh Lòng Thương Xót, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta phải biết xót thương anh em như Chúa đã xót thương ta. Đó là việc chúng ta phải làm đó mới là sống đạo bởi nếu chỉ biết thôi thì chưa đủ thực hành mới tạo nên kết quả.

 

14. SỐNG ĐẸP

Cây Sáo Cuộc Đời

Vào những buổi chiều hè, lũ trẻ chúng tôi vui tươi ngồi trên lưng trâu cùng ngân nga điệu sáo làng quê quen thuộc…

Để có được một cây sáo, chúng tôi chặt cây nứa khô về cho nội. Nội cắt cây nứa ra từng khúc rồi khoét khoét những lỗ tròn tròn trên thân những khúc nứa. Sau đó, nội dạy chúng tôi phì phò những nốt đồ, rê, mi, són… rồi cuối cùng cũng ngân nga được bản nhạc làng quê quên quen thuộc.

Nếu như cây nứa khô ấy không được nội cắt ra và khoét lỗ thì một mai nó sẽ được người ta đem về nhóm bếp và bị đốt thành tro, nó sẽ không bao giờ trở thành những cây sáo.

Trong cuộc sống, người ta thường để ý đến những gì mình có, hay là cố gắng lấp đầy cho bản thân mình và gia đình mình. Thế nên, cuộc sống ngày càng trở nên đơn điệu và tẻ nhạt. Vì họ không dám buông tay ra để che lấy, để phủ lấp những cái thiếu thốn những cái khuyết nơi người khác. Sự thật, một khi đưa tay ra cho người khác thì sẽ để lại một chỗ trống nơi mình.

Thế nhưng, nếu người ta dám đưa tay ra che lấy chỗ thiếu thốn nơi người khác, và dám để lộ khoảng trống nơi mình, thì chắc hẳn cuộc sống này sẽ tạo nên một khúc nhạc du dương, một bản tình ca kết nối nhân loại trong tình yêu thương và chia sẻ. Như vậy, một bản nhạc cuộc đời cũng sẽ được tấu lên như bản nhạc làng quê du dương quen thuộc mà chúng tôi đã tấu trong những buổi chiều hè. Bản nhạc làng quê ấy, nó du dương bởi những đầu ngón tay đóng mở những lỗ trên thân cây sáo. Để bản nhạc được tấu lên thì chúng tôi phải mở lỗ này, bịt kín lỗ kia, chứ không thể đóng hết hay mở hết các lỗ rồi giữ mãi như vậy.

Ước mong sao mỗi người dám đưa tay ra để hở một khoảng trống nơi mình và che lấp khoảng trống nơi người khác, để bài tình ca cuộc đời được tấu lên.

Muối Biển

 

15. HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Cử chỉ cúi đầu trước Thánh Danh Chúa được qui định thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, liệu Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma hoặc Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích có cấm các linh mục đồng tế, các phó tế phụ lễ, các tu sĩ hoặc giáo dân hiện diện trong Thánh lễ, cúi đầu khi nghe Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria (và thêm nữa, tên của vị thánh được mừng trong ngày ấy…) không? – N. D., Antwerp, Bỉ.

Đáp: Bản văn của Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói về cử chỉ cúi đầu trong số 275:

"275. Cúi biểu lộ lòng tôn kính đối với những đấng, những người hoặc các dấu hiệu của họ. Có hai loại cúi: cúi đầu và cúi mình:

“a. Cúi đầu khi đọc danh Ba Ngôi, và tên thánh Giê-su, Ðức Trinh Nữ Maria và vị thánh trong Thánh Lễ kính vị này.

“b. Cúi mình hay cúi sâu khi chào kính bàn thờ, khi đọc các kinh Munda cor meum "Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy" và In Spiritu humilitatis "Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận", khi đọc câu trong kinh Tin Kính: Et incarnatus est "Bởi phép Chúa Thánh Thần", khi đọc câu trong Lễ Quy Rôma: Supplices te rogamus "Chúng con nài xin Cha". Thầy phó tế cũng cúi mình khi xin phép lành trước lúc công bố Tin Mừng. Ngoài ra vị tư tế cũng nghiêng mình một chút khi đọc các lời của Chúa lúc truyền phép”. (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Độc giả trên đây chúng tôi đang chủ yếu đề cập đến cử chỉ cúi đầu của vị chủ lễ. Qui định trên không nói bất cứ điều gì về ai phải làm cử chỉ cúi đẩu. Ngày nay, qui định này thường được giải nghĩa theo ý rằng người nào hoặc những người nào công bố bản văn sẽ là người làm cử chỉ cúi đầu.

Hầu hết việc cúi đầu đã được, và vẫn được, thực hiện trong hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma, và trong một số trường hợp, chỉ có linh mục sẽ biết thời điểm chính xác để làm cử chỉ này, như một phần của các lời nguyện được đọc thầm mà cộng đoàn không được nghe. Còn khi nghe được, các tín hữu nên làm cử chỉ, trong khi các thừa tác viên khác sẽ hướng về bàn thờ và cúi đầu, lấy mũ ra khi làm như thế.

Việc cúi đầu cũng sẽ được thực hiện khi vị giảng thuyết nhắc tới Thánh Danh Chúa Giêsu. Một số chuyên viên phụng vụ, như Fortescue, sử dụng một “quy tắc ba hoặc năm”, mà theo đó, sau lần thứ ba hoặc thứ năm, vị giảng thuyết nhắc đến Thánh Danh, các giáo sĩ có thể thực hiện cử chỉ cúi đầu nhẹ, và ngưng lấy mũ ra hoặc hướng đầu về nhà tạm nữa.

Trong hình thức thông thường, trong Kinh Vinh Danh và Kinh Tin Kính, toàn thể cộng đoàn và mọi thừa tác viên cúi đầu khi nghe Thanh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cũng như khi đọc chung với nhau.

Vào các dịp khác, thường chỉ có vị chủ tế làm cho cử chỉ này, khi cử chỉ cúi đầu được dành cho vị chủ tê trong các lời nguyện của chủ tế. Tuy nhiên, một vị đồng tế sẽ cúi đầu, nếu ngài nhắc đến Thánh Danh khi đọc một phần của Kinh Nguyện Thánh Thể.

Ở một số nước, mà trong đó Công Giáo có gốc rễ mạnh, tục lệ vẫn còn cho người Công Giáo là cúi đầu bất cứ khi nào nghe hoặc đọc Thánh Danh Chúa Giêsu.

Truyền thống này được dựa vào thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê 2, 9-10: "Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Các Giờ Kinh phụng Vụ).

Cử chỉ cúi đầu cũng bắt nguồn từ Hiến chế 25 của Công đồng chung Lyons II, được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X triệu tập năm 1274:

"Những người tụ tập trong nhà thờ cần ca tụng với một sự tôn kính đặc biệt Thánh Danh trên mọi tên gọi, hơn bất cứ tên nào khác khác dưới thế này được ban cho ai, để nhờ tên này mọi tín hữu được cứu độ, đó là Thánh Danh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu mọi người khỏi tội lỗi. Mỗi người cần thực hiện cho mình điều đã được ghi cho mọi người rằng, khi nghe hoặc đọc Thánh Danh Chúa Giêsu, hãy cúi đầu; bất cứ khi nào Thánh Danh được nhắc đến, đặc biệt là trong các mầu nhiệm thánh của Thánh Lễ, mọi người cần cúi đầu gối của trái tim mình, mà mọi người có thể thực hiện bằng việc cúi đầu”.

Chính Đức Giáo Hoàng này sau đó khuyến khích Dòng Đa Minh rao giảng và cổ vũ việc sùng kính Thánh Danh. Năm 1721, Đức Giáo Hoàng Innocent XIII thiết lập lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Lễ này được gỡ bỏ vào năm 1969, và đã được phục hồi bởi thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và nay được mừng vào ngày 3-1 mỗi năm.

Tục lệ này, một khi được lan rộng, thực sự gần như phổ quát, đã không may trở thành ít phổ biến ngày nay.

Về tục lệ cúi đầu, các qui định của Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM) không nói gì hoặc ủng hộ hoặc chống lại cả. Vì vậy, bất cứ nơi nào các tục lệ địa phương qui định rằng phải cúi đầu bất cứ khi nào Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria được nhắc đến, không có gì trong bản văn của GIRM cấm đoán nó.

Ở nơi nào không có tục lệ này, bất kỳ thành viên nào của các tín hữu có thể tiếp tục làm như vậy, như lòng sùng kính riêng tư và cử chỉ của sự tôn kính, và ở nhiều nơi, một số đông người Công Giáo duy trì việc thực hành ấy.

Nếu ai đang phục vụ trong năng lực thừa tác viên, như phó tế hay linh mục đồng tế, một lần nữa tôi không tin rằng bản văn của GIRM cấu thành một lệnh cấm. Tuy nhiên, nếu bạn là người duy nhất, ngoài vị chủ tế, làm cử chỉ cúi đầu, tốt nhất bạn không nên cúi đầu, vì như thế xem ra người ta hướng sự chú ý đến bạn nhiều hơn. Như GIRM nói trong số 42:

"42. Cử chỉ và điệu bộ thân thể của vị tư tế, phó tế, các thừa tác viên, cũng như của giáo dân nhằm làm cho toàn bộ cuộc cử hành toát ra vẻ đẹp, sự thanh cao và đơn sơ, làm cho ý nghĩa thật sự và đầy đủ của các phần khác nhau được nhận thức và làm cho sự tham dự của mọi người được khuyến khích. Do đó, phải chú ý đến những gì được qui định bởi luật phụng vụ và thực hành truyền thống của Nghi Lễ Rôma, và những gì mang lại lợi ích thiêng liêng chung cho Dân Chúa hơn là ý thích riêng hay tùy tiện.

“Điệu bộ chung của thân thể mà mọi người tham dự phải giữ là dấu chỉ tính tập thể và hiệp nhất của các phần tử cộng đoàn Kitô giáo tập họp cử hành Phụng Vụ thánh: nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự" (Bản dịch Qui chế Tổng quát, như trên). Zenit.org 1-12-2015)

Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ

Nguồn: Vietcatholic.org

 

16. SỐNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN C

SỰ TINH TẾ CỦA MẸ MARIA

Ga 2, 1 – 11

Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ của Con Một Ngài. Sau việc Chúa tỏ mình ra cho nhân loại qua ba nhà đạo sĩ phương Đông, Giáo Hội lại trình bầy cho nhân loại về các công việc của Chúa trong lúc khởi đầu rao giảng của Ngài để xây dựng nước trời khiến Chúa nhập thể giáng sinh cứu rỗi nhân loại. Phụng vụ Chúa nhật II thường niên, giới thiệu tiệc cưới Cana trong đó sự hiện diện  của Mẹ Maria rất đáng chúng ta lưu tâm chú ý.

 Sự thực trong tiệc cưới Cana, Mẹ có mặt ở đó từ lâu trước khi Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tới dự tiệc. Điều này cho ta hay Chúa đã rời gia đình, kết nạp các môn đệ và đi rao giảng nước trời. Chúa Giêsu đã dấn thân vào việc loan báo nước Thiên Chúa và nhận các môn đệ để chung  sống với họ và đi các miền để xây dựng nước trời. Mẹ có mặt trong tiệc cưới Cana và sau này dưới chân thập giá gợi ý cho ta  hay Mẹ đã tham gia mật thiết vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu Mẹ ở giữa nhân loại để  nhận đón ơn cứu chuộc mà Chúa mang lại cho nhân loại, cho con người.Bữa tiệc đang vui vẻ,chủ đám và chú rể, cô dâu, phấn khởi, hồ hỡi. Rượu  không thể thiếu. Nhưng, cái nhưng vẫn là cái có thể và đã xẩy ra trong tiệc cưới Cana. Mẹ Maria đã thấy nhà đám hết rượu. Sự tinh tế, tế nhị của Mẹ đã gợi lên biết bao thán phục nơi nhà đám xứ Cana hôm nay. Mẹ đã cảm thông với nhà đám và muốn giúp đỡ họ. Ở đây, ta thấy có sự tương phản giữa giờ của Chúa và sự khởi đầu trong tiệc cưới Cana. Phép lạ Chúa sẽ làm theo lời cầu bầu của Mẹ Maria và chính Mẹ đã thưa với Chúa về các nhu cầu của nhà đám. Mẹ đã cầu khẩn cùng Chúa Giêsu cho nhà đám và nhắn nhủ mọi người, nhắn nhủ nhân loại hãy làm theo lệnh của Chúa.

 Trước nỗi khốn khổ của đám tiệc đang vui, mà hết rượu sẽ biến gia đình nhà đám mất mặt với khách và đây là điều không thể chấp nhận nổi. Chủ tiệc biết rất rõ điều đó. Nỗi thống khổ và nhục nhã đã hiện rõ trên nét mặt của chủ tiệc. Mẹ Maria đã thấy rõ điều đó. Mẹ đã hiểu rõ nỗi bận tâm nhục nhằn của chủ tiệc và cả gia đình nhà đám. Mẹ đã ra tay nhận lấy tất cả và xin với Chúa một đặc ân là cất khỏi nỗi lo âu, đau khổ và nhục nhã của chủ tiệc để ông chủ không bị mất mặt, mắc cỡ, hổ thẹn với khách được mời và với nhiều người khác.

Chúa đã tiếp cứu và làm một phép lạ dấu chỉ để giới thiệu cho nhân loại về uy quyền và lòng quảng đại, thương xót của Chúa Giêsu. Chúa đã làm cho sáu chum lớn trống không, được các gia nhân đổ đầy nước biến thành rượu ngon. Chúa Giêsu loan báo trước cho nhân loại nước biến thành rượu trong tiệc cưới Cana là biểu trưng tiên báo máu của Ngài sẽ đổ ra trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Nước ở Cana biến thành rượu ngon tiên trưng cho nước hằng sống, mà người phụ nữ Samaria khi được Chúa gợi ý, đã xin cho bằng được thứ nước ấy. Ở đây, chủ tiệc đã nếm nước hóa thành rượu, ông là người hiểu rõ hơn ai hết, ông đã vui mừng cảm tạ và các môn đệ đã tin vào Chúa Giêsu. Chỉ một lời của Mẹ, chỉ một việc vâng phục của các gia nhân khi nghe Mẹ nói: " Ngài bảo gì cứ làm như vậy". Chúa đã cất nỗi khổ nhục cho đôi vợ chồng trẻ và cất sự hổ thẹn cho chủ tiệc, cho nhà đám. Chúa thay đổi tất cả và chỉ có Ngài mới làm được việc đó. Mẹ có đó để giúp con người, giúp nhân loại đến với Con của Mẹ.

 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN C

DẤU CHỈ CỦA PHÚC ÂM

Lc 1, 1 - 4; 4, 14 – 21

Chúa Giêsu được Thần khí đưa vào sa mạc, ăn chay và chịu ma quỉ cám dỗ trong bốn mươi đêm ngày, sau thời gian ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa, rồi Nagiarét. Cuộc đời dấn thân vì nước trời, giới thiệu Tin Mừng khởi đi từ việc Ngài liên kết mật thiết với Cha của Ngài trong sa mạc. Chính những ngày trò chuyện thân mật với Thiên Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu làm sáng tỏ Tin Mừng của Ngài, vai trò và sứ mạng của Ngài trong các Hội Đường ngày hưu lễ, đặc biệt tại Hội Đường Nagiarét hôm nay.

Ngày hưu lễ, Chúa Giêsu vào Hội Đường để tham dự nghi lễ với người Do Thái. Đây là điều hết sức tự nhiên và bình thường đối với mọi người Do Thái lúc đó. Có khác chăng là Chúa Giêsu mới vào sa mạc để sống những giây phút thinh lặng, quay trở về với Thiên Chúa Cha và chịu ma quỷ thử thách. Vào Hội Đường với một tâm hồn hoàn toàn thuộc về Cha, Chúa Giêsu đã khai mở sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài. Tuy nhiên, trong Hội Đường Nagiarét, làng quê của Ngài, Chúa Giêsu sáng nay đã vén lộ con người và vai trò của Ngài cho mọi người. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và được chính Thiên Chúa sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó mà ngôn sứ Isaia và nhiều ngôn sứ khác đã loan báo trong thời Cựu ước. Chúa Giêsu đã công khai tuyên bố không hề úp mở rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe" trước một cử tọa đang đăm đăm, chăm chú nhìn Ngài.

Câu chuyện xẩy ra ngay nơi làng quê thân thương của Chúa Giêsu trong ngày hưu lễ. Ngày sabbát là ngày nghỉ lễ của người Do Thái và theo thường lệ những người trong làng xóm, những bà con thân thuộc tụ tập nhau trong Hội đường để cầu nguyện, tạ ơn và giữ luật lệ Do Thái. Chúa Giêsu sau những ngày rời xa cha mẹ, gia đình, làng xóm để đi loan báo Tin Mừng và sống chung với nhóm môn đệ Ngài đã qui tụ. Hôm nay trở về làng quê, vào Hội Đường ngày hưu lễ, đáng lẽ ra Chúa Giêsu sẽ trao đổi, thuật lại những câu chuyện Ngài và các môn đệ đi truyền giáo trong thời gian vừa qua, đáng lẽ ra Ngài chỉ nói chuyện tâm tình làng xóm, nhưng không hôm nay Chúa Giêsu đã không dừng lại ở những chuyện tình cảm, làm ăn đời thường mà Chúa Giêsu lại mở sách trúng ngay đoạn ngôn sứ Isaia nói về Đấng cứu thế mà dân Do Thái và muôn dân đã mong đợi từ lâu đời. Ngài đã khẳng định Đấng Mêsia đó là chính Ngài đang ở trước mặt họ. Lời khẳng định ấy chắc chắn đã làm cho dân làng nhỏ bé Nagiarét phải kinh ngạc, sửng sốt.

Tin Mừng có đoạn đã chép: "Người ta đã xúc phạm Ngài khi họ chỉ thấy nơi Chúa Giêsu là Con bác thợ mộc Giuse và Mẹ của Ngài là bà Maria nội trợ".

Đoạn tin Mừng của thánh Luca hôm nay có một nét đẹp tương phản. Đáng lẽ ra kẻ làm được xức dầu phong vương phải là người oai phong lẫm liệt, quần áo cẩm bào xứng đáng chức vị vua. Nhưng Chúa Giêsu lại khác, Ngài được Chúa Cha phong vương, được xức dầu, Thiên Chúa Cha lại sai Ngài đến với những người nghèo khổ, những kẻ đui mù, điếc lác, què quặt, những kẻ bị áp bức, bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Chúa là vua nhưng là vua khiêm nhượng và khó nghèo. Thần dân của Ngài là những kẻ nhỏ bé, những kẻ thấp cổ, bé họng, những kẻ luôn chỉ biết làm theo ý Chúa. Điều này làm ta suy nghĩ về con người của ta. Là con Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, được tạo dụng giống hình ảnh Thiên Chúa, ta có đi con đường của Chúa đã đi hay ta chỉ hời hợt sống cái vỏ bên ngoài. Chúa mời ta và cũng sai ta đi loan báo Tin Mừng cho những con người nghèo khó. Liệu ta có theo bước đường của Chúa đã đi hay ta lại nghĩ khác theo ý của ta. Thiết tưởng, mọi người chúng ta không thể đi bất cứ con đường nào khác ngoài con đường mà Chúa đã đi. Niềm tin sẽ giúp ta can đảm, hăng hái phục vụ Chúa, giới thiệu nước trời và phục vụ anh em vì đây là dấu chỉ của Phúc Âm, của nước Thiên Chúa và của Chính Chúa.

 

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN C

ĐỨC GIÊSU, CON BÁC GIUSE THỢ MỘC BỊ CHỐI TỪ

Lc 4, 21 – 30

Trở về quê hương sinh trưởng Nagiarét, sau những ngày Chúa Giêsu và các môn đệ miệt mài đi rao giảng Tin Mừng, giới thiệu nước Thiên Chúa, lúc đầu dân làng có mặt hôm đó hồ hởi đón nhận những lời Chúa Giêsu trình bầy vì quả thực Ngài đã nổi tiếng về những phép lạ, những việc Ngài làm, những lời khôn ngoan Ngài phát biểu, Ngài dậy dỗ. Tưởng rằng dân chúng đã nhận ra Ngài, nhưng chớ trêu thay họ phấn khởi bao nhiêu, họ lại tỏ ra nghi ngờ về tông tích, lý lịch của Chúa Giêsu. Và sự gì xẩy ra đã xảy ra như  họ suy nghĩ, họ đánh giá.

Lời ngôn sứ Isaia mà Chúa Giêsu lật giở sáng nay trong Hội Đường Do Thái đã là một lời ám chỉ chính sứ mạng của Chúa Giêsu hay nói cách khác nói về Con người của Chúa Giêsu. Quả thực Chúa Giêsu đã nổi tiếng khắp miền Galilê, và các miền lận cận. Tiếng tăm của Ngài được đồn thổi khắp nơi. Tuy nhiên khi nói với những người đồng hương Nagiarét về vai trò, địa vị và sứ mạng của Chúa Giêsu, tất cả những người đồng hương chưa hiểu gì về lời mạc khải của Chúa, lòng họ đóng lại, họ không nhìn Chúa với con tim thật của họ mà họ nhìn Chúa với đôi mắt nghi ngờ. người đồng hương Nagiarét muốn Chúa phải làm những phép lạ như Ngài đã làm ở Capharnaum hay các vùng lân cận. Chúa từ chối họ vì thấy họ không có lòng tin, chỉ muốn thử thách Chúa  như ma quỉ đã từng thách thức Chúa khi Chúa vào sa mạc ăn chay, cầu nguyện, ma quỉ tưởng Chúa đói sẽ dễ bề cám dỗ, thử thách Ngài và chúng tưởng Ngài sẽ theo ý gian tà của chúng. Chúa đã khước từ thẳng thừng chúng và la mắng chúng, xua đuổi chúng. Chúa Giêsu đã không chỉ đem Tin Mừng cho riêng người Israen mà Ngài đem ơn cứu độ cho mọi người, mọi dân tộc kể cảngười ngoại đạo.

 Sự từ khước của những người đồng hương tại quê hương Nagiarét là một lời loan báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu phải đương đầu, đúng như lời Ngài đã nói: "Không ngôn sứ nào được đón tiếp nơi quê hương mình". Dân chúng hôm đó hăm hở nghe Chúa, hoan hô nhưng cuối  cùng họ hết thiện cảm với Chúa và cuối cùng trở nên bạo động: "Tất cả giận dữ xô đẩy Chúa Giêsu ra ngoài thành". Đây là một thái độ thù nghịch vì đối với Chúa Giêsu quê hương của Ngài không phải chỉ là làng nhỏ bé Nagiarét, nhưng là toàn cõi Palestina và tận cùng thế giới. Chúa Giêsu đã nghe những lời căm phẫn của mọi thành phần trong Hội Đường Nagiarét hôm đó. Lời la hét, căm phẫn này làm ta liên tưởng tới thượng hội đồng Do Thái sau này lên án Chúa Giêsu và kết án Ngài phải treo trên thập giá. Cái chết trên thập giá là tuyệt đỉnh sứ mạng ngôn sứ của Ngài, là lời nói cuối cùng chứng minh tình yêu tuyệt đối của Ngài: "Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta" Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu" ( Ga 15, 13 ).

 Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu dưới trần gian này. Người Kitô hữu được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu bằng lời nói, hành động, việc làm bác ái của mình. Như Chúa Giêsu được Cha Ngài xức dầu tấn phong và sai đi rao giảng. Người Kitô hữu cũng được Giáo Hội sai đi làm chứng cho Chúa Giêsu vì Hội Thánh là Hội Thánh truyền giáo, nên mọi Kitô hữu đều được mời gọi loan báo Tin Mừng.Chúa Giêsu đã rao giảng Tin Mừng, giới thiệu chính Ngài cho mọi người. Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng người nhà đã không đón tiếp Ngài. Giáo Hội cũng như Chúa Giêsu luôn bị chống đối và bách hại. Người Kitô hữu luôn được mời gọi loan báo Tin Mừng dù lúc thuận hay lúc nghịch vì họ đang sống ơn gọi ngôn sứ.

 Xin cho mọi Kitô hữu luôn sẵn sàng chấp nhận thử thách, chống đối và cả bách hại nữa để luôn giới thiệu Đức Kitô phục sinh cho mọi người trên khắp cùng trái đất.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

 

17. THẦN HỌC KINH THÁNH

Đức Maria, Hòm Bia “Giao Ước Mới”

Từ lâu, Phụng vụ và truyền thống Giáo Hội đã ca tụng Đức Maria là : “Hòm bia Giao ước mới”. Chúng ta thấy nguồn gốc thánh kinh này trong các bài đọc Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C.

So sánh câu chuyện Đức Maria thăm viếng bà Elizabeth với câu chuyện vua Đavít đưa Hòm Bia Giao Ước về Giêrusalem, ta sẽ thấy có sự tương đồng.

Đức Maria “lên đường” đi đến miền núi Giuđa, vua Đavít cũng đã làm như vậy  (xem Lc 1, 19; 2 Sm 6, 2). Khi thấy Hòm Bia, Đavít đã kêu lên: “Hòm Bia ĐỨC CHÚA đến với tôi thế nào được?”, bà Elizabeth cũng nói điều tương tự về “Mẹ của Chúa tôi” (xem Lc 1, 43; 2 Sm 6, 9).

Gioan nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth, Đavít cũng nhảy múa trước Hòm Bia (xem Lc 1, 41; 2 Sm 6, 16). Và như Hòm Bia ở ba tháng tại “nhà ông Obed-edom”, Đức Maria cũng ở lại ba tháng tại “nhà ông Zacharia” (xem Lc 1, 40,56; 2 Sm 6, 11).

Từ Hy Lạp mà Luca sử dụng để diễn tả tiếng kêu vui mừng (anaphoneo) của bà Elizabeth đã không được sử dụng bất kỳ nơi nào khác trong Tân Ước. Và từ này chỉ được tìm thấy 5 lần trong Cựu Ước tiếng Hy Lạp – và mỗi lần sử dụng đều có liên quan đến niềm “hân hoan” trước Hòm Bia (xem 1 Sbn 15, 28; 16, 4-5; 2 Sbn 5. 13).

Trùng hợp chăng? Không đâu! Hòm Bia Giao Ước Cũ chứa đựng các tấm bia Lề Luật, bánh manna trong hoang mạc và cây gậy tư tế của Aaron (xem Dt 9, 4). Nơi Hòm Bia Giao Ước Mới là Đức Maria, chúng ta thấy có Lời Chúa, Bánh Hằng Sống và vị Thượng Tế của dân mới Thiên Chúa. (xem GLGHCG, số 2676).

 Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn tin: Gpquinhon.org

 

18. MỘT CHÚT TÂM TÌNH

GIÊSU HÀI ĐỒNG CHIẾU TỎA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Ai thực thi lòng thương xót

thì hãy thực thi việc ấy cách vui vẻ” ( Rm 12,8)

Trong bầu khí của Mùa giáng Sinh này,đi đến đâu dù là người công giáo hay là không công giáo, chúng ta vẫn cảm thấy một bầu khí vui vẻ, mọi con đường được ấm lên bởi những ánh đèn, lòng người được ấm lên bởi những nghĩa cử cao đẹp qua sự chia sẻ tình thân ái cho nhau. Một cái nhìn, một nụ cười, một cử chỉ đẹp nho nhỏ cũng làm cho chúng ta có thể biểu lộ ra lòng thương xót như Chúa Giêsu Hài Đồng đã làm.

Nhìn đến những người chưa nhận ra được ánh sáng của lòng thương xót, xót xa với những con người đang sống ở những nơi bị áp bức, bị bóc lột, những người nghèo khổ, bệnh tật, những người đang sống bên lề xã hội. Làm sao chúng ta đưa được ánh sáng của lòng thương xót đến với họ, làm sao chúng ta biểu lộ dung nhan của Chúa cho hết mọi người? Mặc dù chúng ta ý thức rằng lòng thương xót của Chúa là một kho tàng không còn dành riêng cho người công giáo chúng ta, mà ngày nay nó đã được chiếu sáng đến người khác. Nhìn vào trào lưu sống ngày hôm nay, dường như một lối sống chỉ biết đến mình, chỉ biết quan tâm chính bản thân mình, họ không muốn trao ban cái mà họ có cho người khác, đó là LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA.

Mầu nhiêm Thiên Chúa làm người, qua hình ảnh Chúa Giêsu Hài Đồng là tấm gương sống động cho mỗi chúng ta, vì nhìn đến nhân loại tội lỗi mà Thiên Chúa Cha đã biểu lộ lòng thương xót của Ngài qua người Con của mình, bằng một hành động tuyệt hảo là chiếu dọi ánh sáng mới là chính Giêsu Hài Đồng xuống cho nhân loại. Vậy mà nhìn lại thái độ sống của mỗi chúng ta như thế nào? Chúng ta đã đáp trả ánh sáng và đón nhận ánh sáng đó như thề nào? Có thể chúng ta là chiếc cầu nối để ánh sáng đó được lan rộng ra và cũng có thể chúng ta dần để cho ánh sáng đó tắt đi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta bỏ qua cơ hội đem ánh sáng của lòng thương xót cho anh chị em, cho người chung quanh, cho những người mà chúng ta gặp gỡ trò chuyện hằng ngày. Vâng, lòng thương xót nó được sáng tạo và biểu lộ ra, từ chính tấm lòng chân thành của một con người muốn thể hiện nó, một lời hỏi thăm, một sự động viên và an ủi, một sự rung động trước những gì liên quan tới chúng ta, một sự nâng đỡ chân thành… Đó là những hình ảnh sống động giúp chúng ta làm bật lên lòng thương xót của chúng ta đối với người khác.

Chúa Giêsu Hài Đồng đến mang một lý tưởng, một mục đích đúng đắn. Nên mọi suy nghĩ, hành động và lời nói của Người đều phát xuất từ lòng nhân ái. Người có một tấm lòng cởi mở và trái tim nhân hậu. Vì vậy chúng ta hãy sống theo gương sáng của Người.

Mong sao câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô “Hãy xót thương như Chúa Cha!” sẽ sinh hoa kết quả trong tâm hồn mỗi người trong chúng ta.

Văn phòng Caritas Vĩnh Long

730    12-01-2016 00:34:25