Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Nguyệt san tháng 11/2015: Canh Tân các Cộng Đoàn Nhỏ và Gia Đình

LỜI CHỦ CHĂN

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

LỜI NGUYỆN CHUNG

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

TRANG LINH MỤC

TRANG TU SĨ

TRANG SỐNG ƠN GỌI

TRANG THIẾU NHI

TRANG GIỚI TRẺ

TRANG GIA ĐÌNH

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

TRANG QUỚI CHỨC

SỐNG ĐẸP

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

SỐNG LỜI CHÚA

THẦN HỌC KINH THÁNH

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

TIN NỔI BẬT

 

---------------------------------------

LỜI CHỦ CHĂN

Vĩnh Long ngày 25.10.2015

Kính gửi: Quý Cha

Quý Tu sĩ nam nữ

Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

 

 

MÙA THU PHỤNG VỤ

Mùa thu bắt đầu vào cuối tháng chin dương lịch. Mùa thu đến với những hình ảnh quen thuộc: lá vàng rơi, cái lạnh dịu dịu, bầu khí mùa thu cũng nhắc nhớ đến nghĩa trang, đến những người đã qua đời. Hội Thánh tôn kính những vị đã qua đời thánh thiện, đó là những vị thánh, nhắc nhỡ ta cũng phải ra đi, lìa đời, và cái quan trọng là phải lựa chọn: ta sẽ lìa đời, ra đi, nhưng về với ai?

 

Về với Chúa Giêsu là Đấng đã yêu thương chúng ta trước và đã chịu chết vì ta, hay là về với ai khác. Mùa thu với lá rụng nhắc nhở ta: “lá rụng về cội”, nhưng về cội nào? Cội Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, cội của cuộc sống phần xác và linh hồn của ta? Hay là cội ma quỷ đã chuẩn bị cho ta?

 

Tháng 11 vào mùa thu gợi nhớ đến cảnh đẹp của trời đất, gợi nhớ đến những bậc tiền nhân thánh thiện mà ta tôn kính vào đầu tháng. Các Thánh nam nữ đã yêu mến Chúa và đang hưởng phúc bên Chúa. Nhớ đến ông bà tổ tiên của ta đã qua đời, nhưng hiện tại không biết họ đang ở với ai?

Sau mùa xuân rực rỡ mời gọi ta đến với cảnh đẹp hoa tươi nở; mùa hè nắng gắt và những ngày tháng rong chơi, ta sẽ dùng mùa thu như thế nào để đẹp lòng Thiên Chúa và ích lợi cho đời sống chúng ta?

 

Lm. Phêrô Dương Văn Thạnh

Giám Quản GP. Vĩnh Long

 

 

 

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Tháng 11/2015

CANH TÂN CÁC CỘNG ĐOÀN NHỎ & GIA ĐÌNH

“Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27)

1. Hoán cải mục vụ hướng đến truyền giáo

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi một sự “hoán cải mục vụ và truyền giáo”, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc “quản trị thuần túy” trong Giáo hội đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới chúng ta phải “thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”[1]. Điều đáng băn khoăn và trăn trở “đó là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong cuộc đời”. Ngài khuyến khích “tôi thà có một Hội Thánh bị bầm giập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”[2]. Do đó, Hội Thánh cần có một cuộc canh tân không thể trì hoãn nữa. Và “mọi sự canh tân của Hội Thánh phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh quy vào chính mình”[3].

2. Một cách thế hiện diện mới của Hội Thánh

– Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh tại một địa phương nhất định. [...] Giáo xứ là một cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi xem xét lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo”[4]. Vì thế, Đức Thánh Cha nhắc đến đề nghị của các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XIII: quan tâm đến “các Cộng Đoàn cơ bản và các Cộng Đoàn nhỏ, các phong trào và các dạng hiệp hội là một nguồn làm phong phú Hội Thánh, được khơi dậy bởi Thần Khí để Phúc-Âm-hoá các vùng và các lãnh vực khác nhau. Các tổ chức này thường mang một nhiệt huyết Phúc-Âm-hoá mới và một khả năng mới để đối thoại với thế giới nhờ đó Hội Thánh được canh tân. Nhưng sẽ rất hữu ích cho các cơ chế này nếu chúng không mất tiếp xúc với thực tế phong phú của giáo xứ tại địa phương và sẵn sàng tham gia vào hoạt động mục vụ toàn thể của Hội Thánh địa phương”[5].

Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ: cách thế hiện diện mới của Giáo hội

– Các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản có giá trị “như một phương thế hữu hiệu để đẩy mạnh sự hiệp thông cộng tác trong các giáo xứ và giáo phận, và như một lực lượng thật sự cho công cuộc Loan báo Tin mừng. Những tập thể nhỏ bé này sẽ giúp các tín hữu sống thành những cộng đoàn đức tin, cầu nguyện và yêu thương như các Kiô hữu đầu tiên (x. Cv2,44-47; 4,32-35). Các tập thể này còn giúp các thành viên sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, từ đó trở thành điểm khởi hành vững chắc cho một xã hội mới, biểu hiện một nền văn minh tình thương. Cùng với Thượng Hội đồng, tôi khuyến khích Giáo hội tại Á châu, nơi nào có thể, xem các Cộng đoàn cơ bản này như một khí cụ hữu ích cho hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo hội. [...] Sự hiện diện của các cộng đoàn này không nghịch cùng các định chế và cơ cấu vững bền, vốn vẫn cần thiết cho Giáo hội để thực hiện sứ vụ của mình”[6].

 

Vậy Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (Small Christian Communities) hay còn gọi là Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (Basic Ecclesial Communities) là gì? Đâu là những đặc trưng của một Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ?

Bốn đặc điểm cốt yếu (tương ứng với những đặc tính DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, TÔNG TRUYỀN, CÔNG GIÁO của Hội Thánh nói chung) của các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ này như sau:

•Những người sống cùng xóm, làng, hay cùng khu phố, nghĩa là cùng một địa bàn dân cư, bởi bí tích Rửa tội, họ hợp thành một Cộng đoàn nhỏ như là Thân Mình Chúa Kitô, gặp gỡ họp mặt một lần trong một tuần lễ / hai tuần lễ / một tháng để chia sẻ kinh nghiệm sống hiệp thông (khoảng 10-20 gia đình thành một Cộng đoàn nhỏ, giáo khu hay liên gia). (Neighbours).

• Họ chia sẻ Phúc Âm. Lời Chúa hay Đức Kitô Phục sinh, qua dấu chỉ của Lời trong bối cảnh cuộc sống là cơ sở cho Cộng đoàn nhỏ. Những người tham gia mở lòng mở trí trước Tin Mừng để mình được lớn lên trong đời sống thần linh. Thỉnh thoảng, đi đến đỉnh cao của chia sẻ, là một cử hành Thánh Thể, dấu chỉ bí tích sự hiện diện của Đức Kitô trong Cộng đoàn. (Gospel Sharing).

• Họ biểu lộ đức tin của mình qua việc phục vụ. Được linh hứng từ Lời Chúa, họ hành động trong đức tin qua những việc làm tuy nhỏ bé trong tình hiệp thông, như “thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng xây một cây cầu, cùng đào một giếng nước, dựng một mái nhà tình thương...”[7], nhưng như những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại. Những hành động đức tin biến đổi thế giới từng ngày qua việc đề cao các giá trị công lý, tình thương, và hoà bình. Bằng cách đó, họ biến kinh nguyện thành hành động, đức tin thành việc làm, tình yêu thành phục vụ. Như thế, họ tiếp nối sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh trong địa bàn sinh sống của mình (Act in faith).

•Họ luôn giữ mối liên kết với Hội thánh toàn cầu, và địa phương. Các Cộng đoàn nhỏ không tồn tại biệt lập, nhưng luôn hợp nhất với Hội Thánh hoàn vũ. Các trưởng Cộng đoàn viếng thăm các Cộng đoàn láng giềng. Các thành viên trong Hội đồng mục vụ giáo xứ được chọn hay được bầu từ các Cộng đoàn nhỏ khác nhau này. Cha xứ, người nối kết sống động giữa giám mục và cộng đoàn giáo xứ nhận trách nhiệm đào tạo và hướng dẫn các trưởng Cộng đoàn nhỏ (trùm khu). Thánh Thể là dấu chỉ cao nhất của mối liên kết của Đức Kitô là Đầu với các chi thể của Thân Mình Người (with the Universal Church).

3. Tân Phúc-Âm-hoá bắt đầu từ Gia đình

Gia đình chính là Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nhất, cũng là đối tượng đầu tiên và là chủ thể đầu tiên của công cuộc mục vụ truyền giáo, nên được đòi hỏi phải quan tâm tân Phúc-Âm-hoá trước tiên. Nếu Hội Thánh là phúc lành của gia đình, thì gia đình cảm nhận cụ thể rõ ràng nhất phúc lành ấy nơi Cộng đoàn Giáo hội cơ bản địa phương, tức là giáo khu, giáo xứ, giáo họ thân thiết, gần gũi trong mối thâm tình hiệp nhất yêu thương và sống đức tin qua việc phục vụ nhau và phục vụ anh chị em lương dân trong xóm làng, khu phố mình chung sống hằng ngày. Nhưng gia đình cũng là phúc lành của Hội Thánh, vì Hội Thánh là Gia Đình của các gia đình. Vì thế, việc gìn giữ ơn huệ bí tích của Chúa một mặt thuộc trách nhiệm của đôi vợ chồng Kitô hữu và mặt khác là của cộng đoàn, ở đây hiểu cụ thể là cộng đoàn cơ bản (giáo khu, giáo họ, giáo xứ) mỗi bên tùy theo cách thế của mình. Trước những khó khăn nặng nề về việc gìn giữ sự hiệp nhất hôn nhân như tình trạng các gia đình ngày nay, việc phân định nghĩa vụ của mỗi bên và cả những thiếu sót của họ cần được tìm hiểu cách sâu xa và chân thành từ hai vợ chồng với sự giúp đỡ của cộng đoàn, nhằm hiểu biết, đánh giá và sửa chữa những gì đã thiếu sót hoặc bị bỏ quên của cả hai bên. Về việc này, vai trò của các cộng đoàn nhỏ, các hội đoàn hay hiệp hội trong giáo xứ và giáo họ thật quan trọng và rất ý nghĩa.

Câu hỏi thảo luận

1. Cộng đoàn Giáo xứ, cách riêng giáo họ, giáo khu của anh chị đã và đang làm gì để đồng hành với các các gia đình đang ở hoàn cảnh khó khăn?

2. Các gia đình trong giáo xứ hay giáo họ của anh chị liên kết với nhau thế nào để loan báo Tin Mừng cho những người lương dân, những người tín hữu xa Chúa, xa Hội Thánh đang sống quanh ta?

3. Các gia đình trong giáo xứ, các cộng đoàn nhỏ, cầu nguyện với Lời Chúa như thế nào?

–––––––––––––

[1] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013 (EG), 25.

[2] EG, 49.

[3] EG, 27.

[4] EG, 28.

[5] EG, 29.

[6] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 25.

[7] HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2015: Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các Giáo xứ và các Cộng đoàn sống đời thánh hiến, 4.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn: ubmvgiadinh.org

 

 

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Khi Tân Phúc Âm hoá Giáo xứ, một cộng đoàn lớn, thì Hội Thánh cũng muốn canh tân các cộng đoàn nhỏ và các gia đình; vì đó là những đơn vị thành phần của cộng đoàn Giáo xứ. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa nói với Phêrô: “Hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho những vị mục tử trong Hội Thánh, biết chăm sóc các con chiên, dù là những con chiên bé nhỏ, bệnh tật, nghèo đói và thấp hèn.

2. Chúa phán: “Người làm lớn là người biết yêu thương và phục vụ mọi người”. Chúng ta cầu nguyện cho các cộng đoàn lớn, cộng đoàn nhỏ và các gia đình biết luôn yêu thương và phục vụ nhau, giúp nhau đón nhận ơn cứu rỗi.

3. Chúa phán: “Khi con trở lại, con hãy nâng đỡ đức tin của anh chị em con”. Chúng ta cầu nguyện cho các cộng đoàn nhỏ và gia đình, biết giúp đỡ nhau tin tưởng phó thác vào quyền năng và lòng thương xót Chúa.

4. Chúa phán: “Con cũng cầu xin cho những ai nhờ chúng mà tin vào Cha”. Chúng ta cầu nguyện cho giáo xứ, các cộng đoàn lớn nhỏ và các gia đình, biết tìm ra những phương cách hữu hiệu mà giáo dục đức tin cho các thế hệ.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn mọi người được cứu rỗi. Xin cho các cộng đoàn lớn trợ giúp các cộng đoàn nhỏ và gia đình đoàn kết yêu thương nhau trong tình yêu Chúa, để cùng đạt tới đời sống vinh hiển trên thiên đàng. Chúng con cầu xin…Amen.

 

 

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

HIỆP NHẤT VỚI CHÚA ĐỂ YÊU THƯƠNG NHAU

Khi sống ơn gọi dành cho mỗi người, tất cả phải dựa trên nền tảng là tình yêu. Vì vậy đối tượng duy nhất của vợ chồng phải là Thiên Chúa vì chính Ngài là Tình Yêu. Tình yêu duy nhất của lòng họ phải xuất phát từ Thiên Chúa để họ được thánh hoá và trở nên thánh thiện. Thánh Gioan xác tín rằng: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu, thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4, 16). Mỗi thành viên trong gia đình – người chồng, người vợ, người con – cần phải có một tương qua riêng biệt với Thiên Chúa. Họ cần phải tìm đến và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành riêng cho cá nhân họ. Khi họ tận tình tìm kiếm Thiên Chúa họ sẽ khám phá ra tình yêu tuyệt đẹp nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ mạc khải cho họ thấy Thiên Chúa như là một người tình của họ. Thiên Chúa tỏ tình với con người như một người tình đặt trọn tình yêu của mình vào người mình yêu.

Tình yêu chưa được đáp lại thì chưa phải là một cuộc tình tuyệt đẹp. Thiên Chúa xem con người như một người tình của Ngài và chỉ ao ước con người đáp lại tình yêu đó.

Uớc muốn của Thiên Chúa được con người đáp lại tình yêu đã trở nên một thực tại nơi con người Chúa Giêsu, Con Một của Ngài. Chúa Giêsu là hình ảnh trung thực của Thiên Chúa mà Ngài đã có trước khi tạo dựng nên con người: “Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1, 2 - 3). Chúa Giêsu là hình ảnh sống động của tình yêu Thiên Chúa. Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài luôn liên kết mật thiết với Chúa Cha để biết và thực thi Thánh ý của Cha Ngài trên trời. Vì yêu Thiên Chúa và nhân loại, Ngài chịu chết trên Thánh giá để chuộc tội và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Ai tuyên xưng đức tin vào Con Thiên Chúa thì được hiệp thông với Thiên Chúa. “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa” (1Ga 4, 15). Nhờ và qua Chúa Giêsu Kitô con người được biết về tình yêu Thiên Chúa và được tình yêu đó thánh hoá họ để trở nên một với Thiên Chúa.

Tình yêu Chúa Giêsu đáp lại với Chúa Cha là một tình yêu trao ban. Chúa Giêsu mong ước nơi con người cũng biết đáp lại và trao ban tình yêu đó cho nhau. Lời trăn trối và cũng là điều răn của Chúa Giêsu cho con người trước khi lìa thế là: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15, 11 - 13). Tình yêu hiến trao của Chúa Giêsu đã được đáp lại qua biết bao đôi hôn nhân đã kết hôn trong nhà thờ. Cuộc tình giữa đôi hôn nhân thật đẹp khi họ đến ngôi Thánh Đường để tự nguyện tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô và thề hứa sống chung thủy với nhau nhờ ơn thánh và tình yêu của Thiên Chúa. Sự kết hôn của họ gồm có ba: Thiên Chúa và đôi tân hôn. Tình yêu Thiên Chúa thánh hóa họ và làm cho họ trở nên thánh thiện trong đời sống hôn nhân. “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1Ga 4, 12).

Tình yêu thánh hóa và kết hiệp gia đình với Thiên Chúa một cách tuyệt hảo là Bí Tích Thánh Thể. Khi gia đình tham dự buổi tiệc Thánh Thể là lúc bậc chồng/cha kết hiệp sự hy sinh của mình cho gia đình với Chúa Giêsu qua việc hiến tế của Ngài trên bàn thờ; bậc vợ/mẹ kết hiệp sự khiêm nhường phục vụ cho gia đình với Chúa Giêsu qua việc Ngài trở nên tấm bánh nuôi dưỡng các tín hữu; bậc người con kết hiệp đức vâng lời và lòng thảo kính cha mẹ mình với Chúa Giêsu qua việc tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính và tạ ơn Thiên Chúa khi Thánh lễ kết thúc. Qua Bí Tích Thánh Thể, gia đình họ được cùng trở nên một với Thân Thể Chúa Giêsu và với nhau. Khi từng phần tử trong gia đình đều có Chúa trong lòng là khi họ đang sống Nước Thiên Đàng nơi trần thế.

 

 

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

CÁC ÂN XÁ: ĐẠI XÁ VÀ TIỂU XÁ

(Đ.992-997)

I. LỊCH SỬ

Lịch sử các ân xá được bắt nguồn từ kỷ luật hòa giải của thời rất xa xưa trong Giáo hội. Các hối nhân, sau khi đã xưng tội xong phải trải qua một thời gian làm việc đền tội lâu dài, đôi khi đền suốt đời. Những việc đền tội ấy được gọi là “những hình phạt tạm thời” (poenae temporales); đối lại với những hình phạt “đời đời” trong hỏa ngục. Việc đền tội nầy, đôi khi Giáo hội chấp nhận cho các hối nhân, thay vì tự mình làm việc đền tội, có thể nhờ bà con, bạn bè làm thay. Nhờ đó, các tội nhân được giảm hình phạt, được hưởng “ân xá” nhờ tình liên đới của tha nhân.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc trong lịch sử Giáo hội, đã xảy ra những lạm dụng về việc ban ân xá, đến độ biến thành một thứ thương mại, có thể dùng tiền để mua ân xá. Vì thế, sau công đồng Vatian II, với Tông hiến “Indulgentiarum doctrina” (tạm dịch: Tín lý các ân xá), ban hành ngày 01-01-1967, Đức thánh Cha Phaolô VI đã chỉnh đốn lại kỷ luật ân xá, nhằm nêu bật ý nghĩa thiêng liêng của ân xá, và nhắm đến tinh thần bác ái đền tội, hơn là thực hiện những công việc bề ngoài trống rỗng.

Về phương diện thần học, tội lỗi không những xúc phạm đến Thiên Chúa nhưng còn gây ra xáo trộn trong thế giới và trong chính con người phạm tội nữa. Vì vậy, cho dù khi tội đã được tha thứ (khi lãnh nhận bí tích giải tội), nhưng sự xáo trộn vẫn còn, và cần được sửa chữa qua việc đền tội (tội và nợ). Việc đền tội có thể thực hiện do chính tội nhân, hoặc với sự giúp đỡ của Giáo hội, xét như là sự thông hiệp giữa các thánh. Nghĩa là tất cả Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, bao gồm cả Chúa Kitô, Đức Mẹ Maria và các thánh, san sẻ công nghiệp cho nhau.

Bộ giáo luật hiện hành dựa vào Tông hiến trên và đưa ra những quy tắc tổng quát, nhưng không đưa ra những chi tiết. Chúng ta tham chiếu cả hai nguồn Giáo luật và Tông hiến để thấy được cụ thể hơn.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT

1. Định nghĩa

Ân xá là việc tha trước mặt Thiên Chúa hình phạt tạm thời phải chịu vì các tội đã được xóa bỏ; Kitô hữu nào đã được chuẩn bị đầy đủ và đã thực hiện một số điều kiện đã được ấn định, thì được hưởng ơn tha thứ nầy nhờ sự trợ giúp của Giáo Hội; với tư cách là thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền mình để phân phát và áp dụng kho tàng đền tội của Đức Kitô và các thánh (đ.992).

Định nghĩa trên đây về ân xá được trích ra từ Tông hiến Indulgentiarum Doctrina ban hành ngày 01/01/1967 và Sắc lệnh của Bộ Xá giải Enchiridion of Indulgences ban hành ngày 29/6/1968 với tất cả các qui tắc điều lệ qui định về ân xá. Văn kiện này gồm tóm các nguyên tắc thần học về ân xá cho các tín hữu với sự hiệp thông với Giáo hội. Ân xá tăng cường niềm tin của từng cá nhân các tín hữu trong niềm hy vọng được hòa giải trong bình an với thiên Chúa.

Định nghĩa về ân xá của điều 992 cho chúng ta thấy rằng: Ân xá không tha thứ các tội lỗi đã phạm, nhưng ân xá xóa các hình phạt tạm (poena) gây ra bởi tội lỗi đã phạm (cái nợ); còn tội thì được tha thứ qua Bí tích Giải tội.

2. Các loại ân xá

Có hai loại ân xá: “Ân xá gồm có tiểu xá và toàn xá” (đ.993). Ân xá được gọi là tiểu xá hay còn gọi là từng phần (partialis), nghĩa là ân xá chỉ tha có một phần hình phạt; ân xá được gọi là toàn xá (indulgentia plenria), nghĩa là đại xá, tha hoàn toàn hình phạt tạm phải chịu vì tội (x.đ.993).

Tại sao có lúc gọi là toàn xá có lúc gọi là đại xá?

Trong truyền thống chúng ta có gọi là toàn xá và đại xá, nhưng trong Giáo luật ngày nay không còn phân biệt điều nầy nữa, chỉ còn gọi là toàn xá mà thôi (x.đ.993, GLGHCG.1471). Vì toàn xá hay đại xá cũng là ân xá tha toàn phần. Sở dĩ có sự phân biệt nầy là nhằm muốn nói lên sự trọng đại của những dịp trọng đại mà ta lãnh nhận ơn đại xá thì gọi là toàn xá (năm thánh, bách chu niên...); còn những lần cá nhân chúng ta làm một số những quy định theo luật thì được hưởng ơn đại xá (thờ lạy Mình Thánh Chúa ít là nữa giờ, đọc 50 kinh Mân Côi, đọc Kinh Thánh nữa giờ...).

3. Ai được hưởng ân xá?

Bất cứ tín hữu nào cũng có thể hưởng những ơn tiểu xá hoặc ơn toàn xá, hoặc cho chính mình, hoặc dành cho những người đã qua đời (đ.994).

Ân xá không tự nhiên được ban mà một người ước muốn được hưởng ân xá và phải làm một công việc nào đó đã được qui định. Ân xá này có thể áp dụng cho chính mình hay cho những người đã qua đời. Ân xá theo qui định của Giáo luật, không thể chuyển cho người còn đang sống (tôi không thể lãnh ơn xá nầy và rồi nhường cho một người còn đang sống), mà chỉ cho chính mình hay cho người đã qua đời.

4. Quyền ban ân xá

Theo điều 995 của Bộ giáo luật và những quy định trong sách “Mục lục các ân xá”, những người sau đây có thẩm quyền ban ân xá:

a/ Đức Thánh Cha, đích thân hoặc qua Tòa Ân giải Tòa thánh, có quyền ban ân xá trong toàn thể Hội thánh.

b/ Các Hồng y, Thượng phụ, Giám mục chỉ có quyền ban phép lành Tòa thánh với ơn đại xá một năm ba lần vào dịp lễ trọng thể. Tuy nhiên, các ngài có quyền ban ân tiểu xá cho những người hay những nơi dưới quyền của các ngài mỗi khi có thể. Các tín hữu có thể lãnh phép lành đại xá qua đài truyền thanh hay truyền hình, dựa theo nghị định của Tòa Ân giải Tòa thánh ngày 14/12/1985.

c/ Những người được luật cho phép (tân linh mục trong thánh lễ tạ ơn đầu tiên, kỷ niệm 25, 50 và 60 năm linh mục).

5. Những điều kiện để được hưởng ân xá

Những điều kiện để lãnh nhận ân xá được quy định ở điều 996. Điều luật nầy đưa ra hai yếu tố: yếu tố nền tảng ở đoạn 01 và những điều kiện thông thường khi lãnh nhận ân xá.

a/ Những yếu tố nền tảng:

- là người đã được rửa tội: để thành phần tử trong Giáo hội và được dự phần trong việc “các thánh thông công”;

- là không bị giáo vạ tuyệt thông: ngược lại thì không thể có sự thông công;

- đang có ơn nghĩa cùng Chúa: sạch tội trọng, hoặc ít là lúc cuối của các việc lãnh ân xá.

b/ Những điều kiện

Có hai điều kiện căn bản là: (1) có ý định muốn lãnh nhận ân xá và (2). thi hành những công tác như đã ấn định (ngày, nơi, dịp lãnh nhận ân xá và xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý ĐGH). Một điều kiện đòi hỏi khác là phải dứt lòng quyến luyến tội lỗi, dù tội nhẹ.

(1) có ý định muốn lãnh nhận ân xá : có ý chung chung cũng đủ, hoặc ý thường kỳ tỏ ra một lần mà không rút lại;

(2) thi hành những công tác như đã ấn định : xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.

- xưng tội : mỗi lần xưng tội cho một dịp lãnh nhận ân xá đặc biệt có quy định tiền trước; còn lãnh nhận ân xá thông thường thì một lần xưng tội cho những ngày lãnh nhận ân xá liền tiếp theo, nếu trong lòng không mắc hoặc vương vấn tội (cẩm nang các ân xá, No.26).

- rước lễ : điều nầy được thực hiện mỗi ngày khi lãnh nhận ơn xá Tín lý về ân xá No.9). Tuy nhiên, Bản quyền địa phương có thể miễn chuẩn việc rước lễ cho những người không thể tuân giữ được (người bệnh, người ở xa nhà thờ).

- cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng : việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng được diễn ta bằng việc đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng là đủ, nhưng vì lòng đạo đức mà đọc thêm những kinh khác cũng là điều tốt (Tín lý các ân xá No.10).

Nếu không có đủ điều đòi hỏi, hay không đủ 3 điều kiện trên, thì chỉ được tiểu xá (Tín lý các ân xá No. 7).

III. CÁC DỊP LÃNH ƠN XÁ

A. Ơn Toàn xá

Sau đây là mục lục các ân xá theo “Cẩm nang các ân xá” của Bộ xá giải, ban ngày 29/6/1968 và được tái bản hai lần từ đó đến nay.

Lưu ý: có thể nhận hưởng ân toàn xá bằng hai cách thế. Một số ân toàn xá có thể nhận mỗi ngày, một số ân toàn xá chỉ có thể được nhận hưởng trong những ngày hay những dịp đặc biệt. Nên để ý một điều là mỗi ngày một tín hữu chỉ nhận hưởng được ân toàn xá một lần mà thôi, ngoại trừ trường hợp nguy tử (articulo mortis). Thí dụ như vào một ngày nào đó, một người đã hưởng nhận ân toàn xá vào buổi sáng, nhưng buổi chiều trong giờ phút lâm chung, người ấy có thể được nhận ân toàn xá lần thứ hai.

1. Ân toàn xá mỗi ngày

Mỗi ngày, một tín hữu có thể nhận được một ân toàn xá nếu làm những việc sau:

(1) Viếng Mình Thánh Chúa ít nhất nửa tiếng đồng hồ (số 3).

(2) Đọc 50 kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, gia đình, tu viện hay cùng với hội đoàn (số 48).

(3) Đọc Kinh Thánh liên tục trong nửa tiếng đồng hồ với ý thức là đang đọc Lời Chúa (số 50).

(4) Đi đàng Thánh giá (số 63).

2. Ân toàn xá trong những dịp đặt biệt

(1) Thăm viếng một trong bốn đền thờ của các Thánh Giáo Phụ tại Rôma vào ngày lễ kính thánh Giáo phụ đó hay trong các ngày lễ buộc; hay là bất cứ một ngày nào đó trong năm do tự chính mình ấn định trước. Trong lúc thăm viếng đọc một kinh Lạy Cha và một Kinh Tin kính (số 11).

(2) Thăm viếng một đất thánh trong các ngày từ mồng một cho đến ngày mồng tám tháng mười một mỗi năm và cầu nguyện cho các linh hồn. Ân toàn xá nhận hưởng trong lần này phải chỉ cho các linh hồn nơi Luyện tội (số 13).

(3) Viếng nhà thờ hay nhà nguyện trong ngày 2 tháng 11 cầu cho các đẳng linh hồn (số 67).

(4) Viếng nhà thờ chính tòa, nhà thờ xứ vào ngày lễ bổn mạng và ngày 02 tháng 8 (số 65).

(5) Viếng nhà thờ nào vào ngày cung hiến, và đọc kinh Lạy Cha và Tin Kính một lần (số 66).

(6) Viếng nhà thờ hay nhà nguyện của tu viện trong ngày lễ thành lập dòng, và đọc kinh Lạy Cha và Tin Kính một lần (số 68).

(7) Viếng nhà thờ hay nhà nguyện và tham dự phụng vụ ở đó, trong thời gian có cuộc kinh lý mục vụ, và đọc kính Lạy Cha và Tin Kính một lần (số 69).

(8) Đón nhận với tâm tình đạo đức sốt sắng Phép lành của Đức Giáo Hoàng “Urbi et Orbi”. Ngay cả việc nghe hay đọc từ đài phát thanh hay truyền hình (số 12).

(9) Hiện diện tham dự Nghi Thức Thờ Kính Thánh giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và hôn kính Thánh giá trong Nghi thức này (số 17).

(10) Hiện diện tham dự cử hành Thánh lễ trọng thể cử hành trong dịp bế mạc một hội nghị Công giáo (số 23).

(11) Hiện diện tham dự tuần cấm phòng (tĩnh tâm) ba ngày liên tiếp (số 25).

(12) Hiện diện tham dự cách sốt sắng buổi cầu nguyện công cộng Reparation or Atonement theo nghi thức qui định vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa;

(13) Đọc chung kinh Thánh hiến nhân loại cho Chúa Giêsu Kitô Vua vào ngày lễ Chúa Kitô Vua (số 27).

(14) Vào giờ chết: bất cứ ai đó có thói quen đọc kinh nào đó hàng ngày lúc còn sống (số 28).

(15) Khiêm nhường tôn kính một vật thể đã được Đức Giáo Hoàng hay một Giám mục làm phép (thánh giá, tượng chịu nạn, áo đức bà, ảnh thánh đeo cổ). Tuy nhiên, ân toàn xá này chỉ được nhận hưởng trong ngày lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ khi đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin kính (số 35).

(16) Hiện diện tham dự một buổi giảng thuyết truyền giáo với điều kiện là phải tham dự đến nghi thức bế mạc buổi giảng thuyết;

(17) Khi nhận lãnh Bí tích Thánh Thể lần đầu. Ân toàn xá này được ban cho người rước lễ lần đầu và những người giúp đỡ trong nghi thức Thánh lễ Rước lễ lần đầu (số 42).

(18) Thánh lễ mở tay (Lễ mở tay hay Thánh lễ Tạ ơn của Tân Linh mục). Ân toàn xá này được ban cho chính vị tân Linh mục và những người tham dự lễ (43).

(19) Thánh lễ trong dịp kỷ niệm 25 năm, 50 năm và 60 năm ngày thụ phong Linh mục, với điều kiện đương sự ý thức lập lại trước mặt Chúa ý của lời tuyên hứa của ngày thụ phong: hứa chu toàn bổn phận cách trung thành trong ơn gọi. Nếu Thánh lễ được cử hành trọng thể, thì cả những người tham dự Thánh lễ cũng được nhận hưởng ân toàn xá (số 49).

(20) Thăm viếng nhà thờ nơi đang có hội nghị Giáo phận với điều kiện đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin kính. Trong suốt thời gian hội nghị, ân toàn xá này chỉ được nhận hưởng một lần thôi.

(21) Ngày Thứ Năm Tuần Thánh hay Ngày lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa với điều kiện đọc hay hát bài Tantum ergo cùng với câu Panem de coelo. Deus, qui nobis (Chúa đã ban bánh bởi trời cho nhân loại) (số 59).

(22) Hiện diện tham dự một nhà thờ hay bàn thờ trong lễ cung hiến với điều kiện đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin kính.

(23) Lập lại các lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào Thánh Lễ Vọng Phục sinh hay trong ngày kỷ niệm giáp năm hàng năm ngày nhận lãnh Bí tích Rửa tội (số 70).

(24) Đọc chung kinh “Veni Creator” ngày đầu năm dương lịch và lễ Hiện Xuống (số 61).

(25) Đọc chung kinh “Te Deum” vào ngày cuối năm dương lịch (số 60).

B. Ân tiểu xá

Ơn tiểu xá thì nhiều vô số kể, xin tạm ghi vài số của “Cẩm nang các ân xá mà thôi.

(1) Khi làm dấu Thánh giá: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (số 55).

(2) Đọc các kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội (số 2); Tin kính (số 16)

(3) Kinh trước Thánh giá “Lạy Đức Chúa Giêsu nhân lành” (số 9); Kinh đền tạ Thánh Tâm Chúa (số 26)...

Trên đây là những ân xá ban cho tất cả các tín hữu. Các tu sĩ, các hội viên các hiệp hội có thể được hưởng các ân xá khác ban riêng cho tu hội hay đoàn thể của họ.

Mỗi người chúng ta không những có thể lãnh nhận ân xá cho bản thân mình, nhưng còn có thể áp dụng cho người đã qua đời nữa (đ.994). Việc áp dụng ân xá cho người qua đời không những là một nghĩa cử liên đới bác ái, nhưng còn giúp chúng ta liên tưởng đến những giá trị vĩnh cửu đang khi chúng ta phấn đấu tại thế gian nầy nữa.

 

 

TRANG LINH MỤC

NĂM “ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN” :

ĐỘC THÂN CỦA NGƯỜI TU SĨ KITÔ GIÁO

Những người đi tu sống độc thân: Tại sao và để làm gì? Người tu sĩ ngày nay có hạnh phúc khi sống đời độc thân tận hiến không?

Thời xưa người ta ít biết hay chưa biết đến bậc sống độc thân xét như là một điều kiện sống thường xuyên mà một người nam hay một người nữ thề nguyện sống cả đời.

Độc thân của Chúa Giêsu

Nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu là người mẹ trinh khiết: Đức Maria, mẹ Người, khi thụ thai không biết đến người nam nào (cf. Mt 1,18-25; Lc 1,26-38). Đức Giêsu sinh ra không bởi sự kết hợp của một người nam và một người nữ, nhưng bởi quyền năng Chúa Thánh Thần xuống trên người trinh nữ Maria (cf. Mt 1,18; Lc 1,35). Việc Đức Giêsu sinh hạ đã là một hiện thực cánh chung, Nước Thiên Chúa đã đột nhập vào trần thế của con người. Ngay lúc Đức Giêsu được thụ thai trong lòng mẹ, lịch sử đã biến đổi tận căn, được đổi mới hoàn toàn bởi biến cố cứu thế, biến cố sẽ đạt tới viên mãn khi Người phục sinh, là ấn dấu cuối cùng.

Về bản thân của Đức Giêsu, Người đã và vẫn là độc thân. Các sách phúc âm quả thật thường nói đến gia đình gốc của Người (cha, mẹ, anh em và chị em), mà không bao giờ nói gì về một người vợ hay người con nào của Người. Đức Giêsu chọn không có riêng một gia đình huyết nhục, Người giữ một khoảng cách thật xa với gia đình (cf. Mc 3,20-21), nhưng chọn một gia đình mới, không còn đặt trên nền tảng quan hệ huyết nhục, cũng không dựa trên những quan hệ nào khác, bao gồm những ai thực thi thánh ý Chúa (cf. Mc 3,31-35). Gia đình của Đức Giêsu chống lại Người vì động thái của Người được cho không chỉ là cá biệt nhưng là lập dị, điên rồ. Là một kẻ vô gia đình, vô gia cư, lang thang, mất trí.

 

Việc rao giảng, mà trọng tâm là loan báo Nước Thiên Chúa và người ta phải cấp bách sám hối, là hậu cảnh giúp ta dễ hiểu việc Người chọn đời sống độc thân. Nói tắt một lời, những gì Đức Giêsu rao giảng và sống có vẻ như không thể tái hiện được trong lối sống gia đình. Người tuyên bố, “trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng” (Mt 22,30). Lối sống đó của chính bản thân Người cũng được yêu cầu dành cho những ai đi theo bên Người thường xuyên: ai đi theo Người phải “từ bỏ mọi sự” (cf. Lc 18,28), nghĩa là từ bỏ vợ con vì Người và vì Tin Mừng (cf. Lc 18,29).

Gioan Tẩy Giả xem ra cũng ở độc thân để thi hành sứ vụ của ngài và sống trong hoang địa. Hơn nữa, các tác giả như Flavius Joseph, Philone thành Alexandria và Plinius Cả, làm chứng dù chứng từ của họ không đồng nhất, cũng cùng chung xác định nhiều người trong số các người phái Essenes và phái Therapeutes là các tu sĩ sống độc thân. Không những thế, cũng lưu ý rằng trong xã hội rabbi do thái, vốn rất tôn kính giới răn của Thiên Chúa truyền cho con người hãy sinh sôi nảy nở (cf. St 1,26; 9,1.7) và cho rằng không chấp nhận được kiểu sống độc thân, cũng vẫn cho thấy có những trường hợp ngoại lệ và phát triển những cách tư duy, và quan niệm về sự tiết dục và tình trạng sống tiết dục thường xuyên như có một giá trị đạo đức và tiên tri nào đó. Trong xã hội Do Thái giáo thời Đức Giêsu, chọn sống độc thân là điều hiếm có và ngược dòng, nhưng là một chọn lựa thực tế khả thi. Đối với Đức Giêsu chọn lựa này phù hợp với thế đứng tách riêng và ý thức tiên tri của Người, hiến dâng hoàn toàn cho Nước Trời, cho việc rao giảng sự cấp bách của thời cánh chung. Bởi thế, đời độc thân của Chúa Giêsu trước hết có tính tiên tri và cánh chung, nhưng cũng thuộc đức nghèo khó của Người.

Chúa Giêsu nói về sự độc thân

“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).

“Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18,29-30).

Cần giải thích sự “từ bỏ” hay “ghét” ở đây có nghĩa là “yêu ít hơn” so với yêu mến Chúa Giêsu, Nước Trời, Tin Mừng. Gia đình là một phúc lành, nhưng thực tại mới và cánh chung mà Chúa Giêsu mang đến đòi hỏi người môn đệ phải đặt mình phục vụ cho Nước Trời, theo Chúa Giêsu đến mức từ bỏ mọi sự. Gia đình là một phúc lành, những mối dây liên kết huyết tộc cần được kính trọng; công ăn việc làm là thánh thiện và cần phải chú tâm làm việc với tinh thần trách nhiệm; đất đai và nhà cửa là phúc lành của Chúa; nhưng bây giờ tất cả những thứ này không còn là tối thượng nữa, mọi sự đều phải được quy hướng về Chúa Giêsu, Nước Trời, Tin Mừng. Không gì có thể cản bước cũng như đặt điều kiện trước tiếng gọi của Chúa Giêsu. Cũng lưu ý có một sự liên hệ chặt chẽ giữa việc từ bỏ khả năng kết hôn và từ bỏ nhà cửa, đất đai, gia đình gốc, các mối quan hệ ruột thịt, công việc nghề nghiệp.

Chỗ khác, Chúa Giêsu nói: “Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12).

Độc thân có thể liên hệ tới Nước Trời, có giá trị như một dấu chỉ, như một ám dụ về Nước Trời, được đảm nhận vì tình yêu Đức Kitô (cf. Mc 8,35; Mt 16,25; Lc 9,24) và Tin Mừng của Người (cf. Mc 10,29; Mt 4,23; 9,35; 24,14). Khi ấy độc thân trở nên là một thực tại tiên tri và cánh chung, chứ không có tính chức năng thực dụng; là một ơn ban cho một môn đệ được kêu gọi mở lòng ra đón nhận sự thật của riêng mình. Đó không là một nghĩa vụ, không là một biện pháp cũng không phải là mệnh lệnh dành riêng cho những “con người hoàn hảo”, nhưng là một đặc sủng cần được đón nhận đối với ai nhận ra mình được kêu gọi đi theo Chúa và mở lòng đón lấy.

Độc thân là một lối sống đòi hỏi chắc chắn phải có một gắn bó rất mật thiết với Chúa, bằng cầu nguyện; nhưng cũng đòi hỏi sống các mối quan hệ trong cộng đoàn và nối kết với sứ vụ mà người môn đệ được mời gọi thi hành. Kết hợp mầu nhiệm với Chúa, liên đới hiệp thông với anh em, và cùng thi hành sứ vụ đến với mọi người.

Độc thân là một hồng ân nên phải cảm tạ Chúa

Để sống đời độc thân thật tốt, điều đầu tiên là nhận biết và mỗi ngày một ý thức sâu sắc hơn rằng đây là một ơn ban, một đặc sủng được Chúa ban cho ai có thể đón nhận nó. Đây là một khả năng sống không phải được ban cho hết mọi người mà chỉ cho một số người nào đó thôi. Đời độc thân tận hiến phải được sống trong tự do và vì tình yêu. Bởi thế hết sức cần có một sự phân định ơn gọi trước cuộc hành trình sống ơn gọi. Chỉ khi ta ý thức rằng mình đã nhận được ơn huệ thì ta mới có thể tìm ngược lên đến ý định của Đấng ban ơn, đọc ra được tiếng gọi, và từ đó mà cảm thấy nảy sinh trách nhiệm vì được Thiên Chúa chọn gọi để thực thi một sứ vụ.

Đúng là người ta không tự mình chọn đời độc thân tận hiến, đúng hơn người ta đón nhận nó như một yếu tố chỉ có được ý nghĩa và giá trị trong khi đi theo Chúa. Người ta chọn đời sống độc thân tận hiến vì người ta bị hấp dẫn bởi Chúa Kitô và Nước của Người đến độ muốn tập trung toàn bộ cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu, muốn sống như Người đã sống, một cuộc sống hoàn toàn gắn bó với Người, trong khi mong đợi Người lại đến trong vinh quang. Họ có thể sống độc thân như thế bằng cách tập chú lòng khao khát, mong đợi, niềm hi vọng, lòng mến vào con người Đức Giêsu Kitô. Đúng hơn, ta phải nói rằng chọn lựa độc thân là kết quả của những điều đó. Như thế, chọn lựa đó không được thúc đẩy bởi một ước muốn thanh khiết theo nghi thức hay ước muốn được còn trinh nguyên thể lý, như thể các quan hệ tình dục đều nghịch cùng đời sống thiêng liêng, như thể khoái lạc là điều cấm kị, và ngược lại là cần phải khinh miệt xác thịt, thân xác hay thế gian.

Cần phải xác nhận rằng độc thân khiết tịnh không phải là một tình trạng tĩnh mà ta tồn tại trong đó nhưng là một sự đang thành hình trong thời gian. Điều đó có nghĩa là sự tập trung lòng khao khát Chúa của một anh em, chị em tuổi đôi mươi khởi đầu đời tu chẳng hạn, có thể rất nồng nàn và cũng rất lí tưởng, rất chân thực nhưng cũng thường không đủ sức đương đầu với thực tế vốn rất gian nan của hành trình đó. Thế nên, một khi đã chọn sống độc thân vì yêu mến Chúa và ước muốn đi theo Người trọn vẹn, những người độc thân tận hiến cần phải đổi mới và ước muốn lặp lại hằng ngày chọn lựa của mình, trong từng giai đoạn mới của cuộc sống khi mà cách thức yêu mến thay đổi, khi những khao khát tình cảm bền vững áp đảo, khi nỗi cô đơn chất nặng thêm cuộc sống của ta.

Quả thật, dù trong trường hợp nào, nếu độc thân tận hiến được hiểu như là một ân ban và là sự đáp lại tình yêu Chúa, thì đó sẽ là lý do để tri ân Chúa. Bằng không, đời độc thân sẽ chỉ như là một lề luật áp đặt phải tuân giữ, sống thiếu lòng cảm mến tri ân, rốt cuộc chỉ còn là một gánh nặng không chịu nổi. #

Luy Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn: ubmvgiadinh.org

 

 

TRANG TU SĨ

ĐỂ TẤT CẢ NÊN MỘT

Đứng tần ngần trước cổng, nó đưa tay nhấn cái chuông điện.

Kính koong! Kính coong!

Một vài giây trôi qua, cánh cửa bằng gỗ bật tiếng kêu cóc cách rồi nhẹ nhàng mở ra. Trước mặt nó là một Sơ, với khuôn mặt hiền từ, mái tóc lộ ra dưới chiếc lúp xám ẩn chứa tuổi đời đã dày dạn trên đường dâng hiến.

 

Sơ tỏ vẻ ngạc nhiên vì sự xuất hiện của nó,vừa mở vội cánh cổng, sơ vừa lên tiếng hỏi:

- Con về lúc nào vậy “Nhím?”

- Dạ thưa con mới về hồi đầu hôm Sơ ạ! Mẹ con bệnh nên con về thăm…

- Ừ! Mấy hôm trước ba Sơ ở đây cũng đi thăm bà, thôi con cầu nguyện cho bà, giờ mình chỉ biết vâng theo ý Chúa thôi con ạ! vào nhà đi con!

- Dạ, con cám ơn Sơ!

Đây là cộng đoàn của quý Sơ nhà trắng đang phục vụ tại quê hương nó. Nó đi tu chắc cũng ngót chừng ba năm rồi, ở tận Bến Tre trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum. Lúc quý Dì nhà nó còn phục vụ nơi này. Sau nhiều thay đổi và không dám trách cái thăng trầm, dâu bể của đời, của thời cuộc, quý dì Nhà nó dời đổi công tác. Bẵng đi mấy năm, nay quý Sơ về phục vụ. Vốn khác dòng, khác linh đạo, khác cả vị thế và nếp sinh hoạt nhưng mỗi lần về thăm quê, nó và các chị em tu sinh lại được quý dì bề trên nhắc nhở là phải biết đến chào hỏi quý Sơ. Nó cũng chẳng biết sao mà phiền phức đến thế. Nhưng rồi sau, nó mới hiểu do tình liên đới và vì đó là cách nó làm đẹp thêm khuôn mặt Hội dòng trong lòng gia đình nó, họ đạo và cả những người cùng chung lý tưởng phụng sự Chúa.

Nó đang chăm chú nhìn đàn cá nhỏ bơi tung tăng trong bể nước phì phò bọt trắng với ánh đèn neon, trông rất đẹp mắt. Chợt nhớ điều gì nó cất tiếng hỏi:

- Sơ Maria và Sơ Ane không có ở nhà ạ?

- Hai sơ vào làng dân tộc rồi, mỗi chiều thứ năm là bận thế đấy…Tại con biết sao không…Năm nay là năm đời sống thánh hiến nên tỉnh dòng muốn chú trọng về việc truyền giáo. Trước đây quý sơ không đi giúp họ nhiều nhưng bây giờ có sự rộng mở hơn, cũng hay lắm đó con!

- Dạ, nhà Dòng con cũng nhắc nhở thường xuyên đến ý nghĩa của năm đời sống thánh hiến cho chúng con. Nhất là việc canh tân chính bản thân để sống vui, sống khỏe, sống dồi dào đời dâng hiến…

- À! Vì chỗ nào có “tụi mình” là nơi đó có niềm vui phải không con?

- Dạ, mà hai năm nay giáo hội liên tục mời gọi canh tân và phúc âm hóa cho hết mọi “thành phần dân Chúa”, nên con cũng muốn không những chỉ canh tân chính con mà còn giúp gia đình con sống tinh thần Phúc Âm nữa…

- Chà… coi bộ con mới đi tu mà “nội công thâm hậu” quá ha…chắc mẹ con vui lắm khi con được về thăm bà nhỉ?

- Dạ, con cũng vui nữa. Cám ơn Chúa! Chúa đã làm nhiều sự tốt đẹp cho gia đình con lắm. Hồi trước ba con uống rượu nhiều, bỏ kinh, bỏ lễ…giờ ông bớt uống rượu, mỗi Chúa nhật là tự ý đi lễ luôn. Em con thì biết thương ba mẹ hơn, nó không còn cau có bất mãn với ba nữa. Mẹ con giờ tuy bệnh nhiều nhưng bà không khó chịu, vui vẻ và chịu uống thuốc lắm…

- Ừ! Mong bà mau khỏe, chứ bà nhiệt tình với công việc nhà thờ lắm…

 

Liếc nhìn đồng hồ, nó thấy tới giờ Sơ phải đọc kinh chiều, nó nhẹ nhàng chào:

- Thôi, chào Sơ. Con về để sơ còn đọc kinh…

- Ấy! đâu có sao con…hay là con ở đây đọc kinh chung với sơ rồi về, có bận gì không con?

- Dạ…dạ được.Vậy con đọc kinh chung với Sơ cho sốt sắng.

Tiếng đọc kinh bắt đầu cất lên trong căn phòng nguyện nhỏ bé, khi thì thánh thót trong trẻo, khi thì trầm ấm…nó cảm nhận sâu sắc một điều là trong Chúa Giêsu Kitô không hề có biên giới, không hề có phân chia…tất cả chỉ là một, là một mà thôi.

MTG Cái Nhum

 

 

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC QUAN TÂM

Năm vừa qua, họ đạo của Thư mừng kỷ niệm 100 năm được thành lập. Cha sở nhắn gởi đến mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ: “Một trăm năm giáo xứ được thành lập là một thế kỷ hồng ân của Chúa ban cho chúng ta. Vì vậy, mỗi người phải lo dọn tâm hồn và chung sức góp phần làm cho cuộc lễ thật trang trọng, để tạ ơn Chúa và đáp lại phần nào tình thương của Chúa đổ tràn trên họ đạo chúng ta”.

Trước ngày mừng đại lễ một tháng, mọi sinh hoạt cuộc lễ được phân công cho các thành phần trong họ đạo: gồm ban Quới chức, các Hội đoàn, Ca đoàn, lớp Dự tu và Thiếu nhi… Trong buổi họp, Cha sở nhắc lại lời của Thánh Phaolô: “Anh em là thân thể của Đức Kitô, mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27). Cha nói thêm: “Mỗi cộng đoàn nhỏ cùng góp sức thì ngày lễ sẽ được tốt đẹp”.

Lớp Dự tu của Thư và Ca đoàn được phân công làm sạch Đất thánh. Là trưởng lớp Dự tu,Thư rất tích cực và biết động viên các bạn, nên chỉ trong một tuần lễ, đã làm tốt những phần mộ được phân công. Còn ít ngày nữa là tới lễ, mà Đất thánh vẫn chưa sạch đẹp vì những phần mộ trách nhiệm của Ca đoàn còn nhiều cỏ rác. Đứng bên các phần mộ, Thư cảm thấy chạnh lòng nên thỏ thẻ với các bạn:

Ít ngày nữa là tới lễ rồi, nhìn Đất thánh vẫn chưa xong thật buồn lắm. Ngày mai được nghỉ học, lớp Dự tu chúng mình dọn Đất thánh luôn nha các bạn.

Một bạn có vẻ không bằng lòng liền phản ứng:

- Việc ai nấy làm, mỗi lớp được phân công rõ ràng rồi.

Thư nhẹ nhàng nói:

- Mình thấy mấy ngày qua, Ca đoàn lo tập hát nên chưa có giờ quét dọn Đất thánh đó.

Thư tiếp lời:

- Mẹ mình thường nói với chị em mình: “Con cháu biết lo cho mồ mả Ông bà tổ tiên là một cách báo hiếu đó, các Ngài sẽ cầu nguyện, phù hộ cho cháu con”. Vậy lớp mình cùng hy sinh thêm một ngày nữa để hưởng ân lộc của Ông bà tổ tiên nha các bạn.

Thế là sáng hôm sau, Thư và các bạn tới Đất thánh thật sớm. Ông Trùm cũng có mặt để lo cho mọi việc được hoàn chỉnh. Khi ông đang quét vôi lại lễ đài thì Ông Biện Việc chạy đến báo tin:

- Đêm qua mưa to gió mạnh, lại thêm nước ngập nên cây cầu xóm chài sập rồi Ông ơi!..!...

Biện Việc còn tiếp lời:

- Nghe đâu gió lốc làm sập mấy cái nhà bên xóm nầy nữa.

Ông Trùm nói:

- -Vậy là hôm nay đám trẻ đâu có học hành gì, Khổ nỗi xóm nầy đàn ông thì ở sông ở biển lo kiếm gạo nuôi con. Ở nhà chỉ có đàn bà, con nít, mà xóm nầy phần nhiều là lương dân nữa chứ!

Lặng thinh một chút…Ông nói:

- Người nghèo và lương dân là những đối tượng chúng ta cần quan tâm trước hết.

Một chút suy nghĩ, Biệc Việc liền nói:

- Việc chuẩn bị mừng lễ của họ đạo cũng gấp rút lắm. Lễ tới nơi rồi, nhưng chúng ta không thể làm ngơ trước sự cố nầy. Bây giờ Ban Quới chức mình chia ra để lo bắt tạm cây cầu dừa cho học sinh đi học. Nhà nào sập thì tìm cách dựng lại cho bà con trong xóm. Qua lễ chúng ta sẽ góp sức để lo xây cầu mới cho xóm dân nghèo nầy.

Mọi sinh hoạt chuẩn bị cho ngày đại lễ đã xong cũng như sự cố xảy ra nơi xóm chài được khắc phục. Tất cả cùng mang tâm trạng phấn khởi; bà con giáo dân vui mừng đón lễ, lương dân xóm chài sung sướng vì thấy mình được quan tâm.

Thánh lễ tạ ơn mừng 100 năm giáo xứ được thành lập diễn ra trang trọng và tốt đẹp. Mọi người kết chung tâm tình tạ ơn dâng lên Thiên Chúa. Tất cả cộng đoàn họ đạo vui mừng vì mỗi người ý thức trách nhiệm việc chung. Mỗi cộng đoàn nhỏ cùng biểu lộ đức tin bằng hành động đoàn kết, yêu thương. nhất là thể hiện bác ái bằng việc phục vụ cho dân nghèo, cho lương dân. Những việc làm tuy nhỏ bé trong tình hiệp thông nhưng có giá trị như những hạt giống truyền giáo âm thầm mọc lên. Như vậy, họ đang tiếp nối sứ vụ truyền giáo trong giáo xứ của mình. Đây là cách giới thiệu Chúa cho muôn dân, cách loan báo Tin mừng tốt nhất trong hoàn cảnh xã hội hôm nay.

MTG Cái Mơn

 

 

TRANG SỐNG ƠN GỌI

 

 

ĐỨC VÂNG LỜI

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi nói chuyện với các tu sĩ tận hiến của giáo phận mình đã lưu ý: "Đức vâng lời trong đời sống tận hiến là một huyền nhiệm". Vậy phải vâng lời như thế nào?

Theo nghĩa tiếng Việt: vâng lời có nghĩa là nghe theo lời của người nào đó, nghe không phải để cho lời lọt vào tai này và chui ra tai kia, nhưng là chấp nhận đáp lại “dạ vâng”. Như vậy, vâng lời là bỏ ý riêng mình, vâng theo ý Chúa qua sự vâng lời ý của bề trên. Vâng lời đòi hỏi sự khiêm nhu đích thực.

Theo nghĩa tôn giáo: vâng lời là thái độ chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa cho dù thánh ý của Người được diễn tả dưới bất cứ hình thức nào. Như vậy, vâng lời là chăm chú lắng nghe và đem ra thực hành.

Công Đồng Vatican II xác nhận: «Đức Vâng Phục là sức mạnh đặc biệt của các thừa tác viên Chúa Kitô, Đấng đã dùng sự vâng phục để cứu nhân loại» (TG 24,2). Nếu người ta nói: «Kỷ luật là sức mạnh của quân đội», thì ta có thể nói: «Đức Vâng lời chính là sức mạnh của Giáo Hội».

Đối với người tu sĩ đây là một trong ba lời khấn buộc phải giữ. Vâng lời là tham dự vào sự tuân phục của Đức Kitô. “Các tu sĩ lấy đức tin tùng phục các vị Bề Trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Đức Kitô.” (P.C 14)

Các linh mục Triều không bắt buộc khấn ba lời khấn: Vâng Lời, Khó Nghèo và Khiết Tịnh như các tu sĩ, nhưng phải giữ lời hứa vâng lời Đức Giám Mục và hứa sống trinh khiết độc thân và sống một cuộc sống giản đơn giữa anh chị em giáo dân của mình.

Vì thế, trong đời sống các linh mục đức vâng lời còn được thể hiện cụ thể qua việc thuyên chuyển các linh mục trong Giáo Phận. Có cha từ thành phố về đồng quê, có cha từ đồng quê lại lên thành phố, có những cha từ họ nhỏ đến họ lớn, có các cha từ cha phó lên cha Sở… Đặc biệt có các cha lớn tuổi phải thay đổi môi trường, thay đổi sinh hoạt, thậm chỉ có cả các cha đang mục vụ họ đạo vì tuổi già sức yếu được bề trên cho về nghỉ dưỡng… nhưng rất ít khi nghe các cha than phiền. Các ngài sẵn sàng ra đi vâng theo ý bề trên, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã đến để làm theo thánh ý Chúa Cha “tự nhận mình là thân phận tôi tớ” (Pl 2,7), và đã học tập đức vâng lời với những điều phải chịu đựng (Dt 5,8). Các cha sẵn sàng ra đi mà không đòi điều kiện nào. Các ngài thật là một môn đệ như lòng Chúa mong ước.

Nhưng ngược lại, lắm khi vì công trình đang dang dở để rồi đức vâng lời đáng lẽ phải được đặt lên hàng dầu thì bị giảm nhẹ so với những công trình của con người. Như một cha tâm sự: “tôi nhận thấy nơi chính mình cũng đã có lần bất phục tùng bài sai Đấng Bản Quyền: với một lý do mà tôi tự nghĩ là rất chính đáng. Năm đó, tôi đang xây dở dang công trình nhà thờ, và mọi tài khoản kế hoạch đang nắm độc quyền trong tay, nên tôi xin phép được ở lại để hoàn thành công trình xây cất nhà thờ. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mọi lý do cũng chỉ là sự bao biện cho sự bất phục tùng; bởi vì “Tiên vàn hãy phục tùng Đấng Bản Quyền”. Nếu còn muốn nán lại vì một lý do cá nhân nào thì giống như chàng thanh niên "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã". Đức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa" (Lc 9, 59).

Ngoài ra đức vâng lời lắm lúc còn bị hạ thấp bởi những ích kỷ bản thân mà không muốn “buông bỏ” như trong quyển Nhật Ký Truyền Giáo của cha Piô Ngô Phúc Hậu có kể lời của một giáo dân: “Cha xứ và giáo dân chúng con gắn bó với nhau khắng khít hơn cả xương sườn của Ađam gắn bó với da thịt của Eva, đến mức độ quyền phép của Đức Giám mục cũng không phân ly được. Bởi thế, khi con nứt mắt ra thì Cha xứ của con đã ở đó. Và bây giờ, khi con ngồi viết những dòng này thì ngài cũng vẫn còn ở đó, bình chân như vại”.

Chắc chắn về tình cảm thì ai cũng mến thương, không muốn xa đoàn chiên, xa nhà thờ, nhà xứ mà chúng ta có thời gian “sống – chết” vì “khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Nhưng bề trên thay mặt Thiên Chúa với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần chắc chắn các Ngài có cái nhìn hay hơn, tốt hơn và lợi ích cho giáo dân nhiều hơn. Vì “Khi Bề Trên ra lệnh điều gì, hãy xem như đó không phải là ông ta nói, nhưng chính Chúa, như thế người lãnh đạo chỉ là chiếc loa qua đó phát ra tiếng Chúa. (Thánh Alphonsus Rodriguez).

Chắc chắn khi vâng lời bề trên chúng ta đã là một tấm gương, một nhân chứng sống cho giáo dân mà không có một lời nào dạy về đức vâng phục hiệu quả cho bằng chính mình vâng phục. Cần lắm một sự hy sinh nơi những người hướng dẫn người khác về đức vâng phục đó.

Hãy nhìn vào gương Mẹ Maria mẹ của những người sống đời tận hiến. Kể từ lúc thưa xin vâng với sứ thần truyền tin, cả cuộc sống của Mẹ là một chuỗi những tiếng thưa xin vâng.

- Thưa xin vâng khi cảm nhận được từng nhịp đập của trái tim con Thiên Chúa trong lòng mình.

- Thưa xin vâng trên đường đi Bêlem giữa lúc bụng mang dạ chửa.

- Thưa xin vâng khi lặn lội bước hành hương trong nghịch cảnh.

- Thưa xin vâng khi lạc mất con trong đền thờ.

- Thưa xin vâng khi chứng kiến con Thiên Chúa lớn lên từng ngày trong cuộc sống.

- Thưa xin vâng để dõi theo từng bước trong sứ mệnh rao giảng của Chúa Giêsu.

- Thưa xin vâng khi đứng dưới chân thập giá.

- Thưa xin vâng để ôm trọn lấy tấm thân rách nát vì thương tích của Chúa Giêsu và nhất là thưa xin vâng khi đứng bên mồ Chúa Giêsu để tiếp tục cất giữ và suy niệm mọi điều xảy ra. Mẹ tin rằng mọi sự sẽ được hoàn tất theo đúng chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Để nói tiếng xin vâng với Thiên Chúa, Đức Mẹ đã phải nói “không” với chính mình. Để một lần nói xin vâng với Thiên Chúa, Mẹ đã phải nhiều lần nói “không” với chính mình. Tiếng “vâng” lớn thành hình nhờ những tiếng “không” nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh nhỏ bé âm thầm.

Lời đẹp nhất trong cuộc đời Đức Maria là lời thưa xin vâng. Mỗi người chúng ta cũng hãy dâng cho Chúa những gì đẹp nhất để Chúa thực hiện điều Ngài muốn.

 

 

TRANG THIẾU NHI

30 ĐIỀU GỢI Ý CHO GIỚI TRẺ XÉT MÌNH

1. Chấp nhận sự tầm thường của mình và không tìm cách vượt qua.

2. Sống không mục đích, buông trôi, thiếu cố gắng.

3. Ở lì trong tình trạng ấu trĩ về tri thức và tinh thần.

4. Bốc đồng, làm theo hứng, thiếu bàn hỏi, suy nghĩ, cầu nguyện.

5. Nhiều tham vọng nhưng lại không nhằm phục vụ tha nhân.

6. Thiếu can đảm để bênh vực chân lý và công lý.

7. Hạ mình khúm núm trước kẻ giàu có và quyền lực.

8. Bao giờ cũng tự cho là mình có lý.

9. Lo cho thân xác quá mức trong khi lại bê trễ phần linh hồn.

10. Yêu tha nhân một cách ích kỷ, chỉ đòi về mà không cho đi.

11. Không thiết gì đến việc thăng tiến tha nhân trong xã hội.

12. Biếng nhác, không làm việc mà vẫn hái ra tiền một cách dễ dàng.

13. Đòi hỏi trẻ em và người khác những điều mình không dám làm.

14. Không phát triển các khả năng tự nhiên để phục vụ.

15. Bo bo thành kiến, kỳ thị chủng tộc và giai cấp.

16. Phí phạm thời giờ và của cải của mình cũng như của người khác.

17. Thiếu tinh thần trọng của chung.

18. Không tỏ lòng xót thương người nghèo khó, bơ vơ tất bạt.

19. Dửng dưng vô cảm trước một đám tang.

20. Không bao giờ xin lỗi ai sau khi đã làm mích lòng họ.

21. Chẳng bao giờ biết lắng nghe người khác.

22. Không nhìn ra ưu điểm nơi người khác, chỉ dán mắt vào sở đắc của mình.

23. Hà tiện nụ cười và ánh mắt cảm thông.

24. Không yêu quý sinh vật, cỏ cây thiên nhiên là tạo vật của Chúa ban.

25. Không góp phần vào việc tông đồ, thừa sai rao giảng Tin Mừng.

26. Ngồi chờ phép lạ mà không tìm gặp Chúa trong các dấu chỉ thời đại.

27. Chỉ biết xin ơn này ơn nọ mà không biết cảm tạ ngợi khen Chúa.

28. Sống gian trá, giả hình, đeo mặt nạ, chỉ là Ki-tô hữu trên danh nghĩa.

29. Không để tâm trau dồi, trao đổi, học hỏi các kiến thức tôn giáo.

30. Thờ ơ, không chịu cầu nguyện trò chuyện với Chúa bao giờ.

Theo gợi ý của các linh mục SNAVET và LEBRET

 

CỘNG ĐOÀN XỨ ĐẠO : THÂN THỂ TRONG THÂN THỂ

Hội thánh được gọi là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Vì Hội thánh Công giáo gồm những người cùng tin và tuyên xưng vào Chúa Kitô. Mỗi cộng đoàn xứ đạo là một Hội thánh trong toàn thể.

Cộng đoàn xứ đạo là một tập thể được sinh động khi có những nhóm và những gia đình cùng cộng tác hài hòa với nhau. Xây dựng xứ đạo thành cộng đoàn sống đức tin và sống Lời Chúa là bổn phận căn bản đầu tiên của mỗi nhóm cũng như mỗi gia đình công giáo.

Mỗi một con người là một cá vị độc đáo trên thế gian này. Những cá vị này lại được dựng nên không phải để sống riêng lẽ mà sống cho nhau và vì nhau. Vì thế, mỗi người được Thánh Phaolô ví như từng bộ phận trong một thân thể: “Anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12, 27)

Cùng ý nghĩa đó mỗi nhóm hay từng gia đình trong một xứ đạo cũng là một bộ phận trong cùng một thân thể. Do đó, trong cùng xứ đạo không thể xảy ra sự mất đoàn kết giữa nhóm này với nhóm khác hay giữa gia đình này với gia đình kia.

Người ta thường nói xây dựng thì lâu mà đập phá thì mau. Chỉ cần một nhóm hay một gia đình không tích cực cộng tác thì cộng đoàn xứ đạo ấy khó giữ được sự toàn vẹn của một thân thể. Bởi lẽ, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Như thế bên cạnh xây dựng, cộng đoàn xứ đạo còn phải ra sức để bảo vệ sự toàn vẹn của thân thể mầu nhiệm này. Tác động của Lời Chúa và hiệu quả của Bí tích Thánh Thể là phương thế tốt nhất để bảo vệ.

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) Điều răn mới mà Chúa Giêsu đã truyền lại cho tất cả những môn đệ của Người. Yêu thương như Thầy là hy sinh, nhịn nhục, chịu đựng và tha thứ…

Cùng chia sẻ một tấm Bánh thánh những khi cử hành Thánh lễ thì hiệu quả cao đẹp nhất là hiệp thông với nhau.

Cộng đoàn xứ đạo là một Thân thể trong toàn bộ Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô là Hội thánh. Ước mong từng nhóm và từng gia đình biết ý thức được tầm quan trọng của sự toàn vẹn thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô.

 

 

TRANG GIỚI TRẺ

Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô

Về Các Ngày Lễ Trong Gia Đình

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 12 tháng 8 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình. Ngài giải thích về các ngày lễ trong gia đình.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mở ra một con đường suy niệm nho nhỏ về ba chiều kích, có thể nói là đánh dấu nhịp độ cuộc sống gia đình là: ngày lễ, làm việc và cầu nguyện.

Hãy bắt đầu với ngày lễ. Hôm nay chúng ta sẽ nói về ngày lễ. Và chúng ta nói ngay rằng ngày lễ là một phát minh của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại kết luận của tường thuật tạo dựng trong Sách Sáng Thế Ký mà chúng ta đã nghe: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Ngài làm. Khi làm xong mọi công việc, ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi. Thiên Chúa chúc phúc cho ngày thứ bảy và thánh hoá nó, vì trong ngày ấy Ngài đã nghỉ không còn làm mọi công việc tạo dựng của Ngài. “(2:2-3). Thiên Chúa dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc dành thì giờ để chiêm ngưỡng và tận hưởng điều đã được thực hiện cách tốt đẹp bởi công việc. Đương nhiên là tôi nói về công việc, không những chỉ theo nghĩa thủ công và nghề nghiệp, nhưng theo nghĩa rộng: mọi hành động mà với nó chúng ta, những người nam hay nữ, có thể hợp tác vào công việc tạo dựng của Thiên Chúa.

Vì vậy, lễ nghỉ không phải là dịp lười biếng ngồi trên ghế bành, hay say sưa với những trò tiêu khiển vớ vẩn; không, ngày lễ trước hết và trên hết là một cái nhìn yêu thương và biết ơn về công việc được thực hiện tốt đẹp; chúng ta mừng một công việc. Ngay cả anh chị em, những cặp vợ chồng mới cưới, mừng những việc làm của một thời gian đính hôn tốt đẹp: và điều đó tuyệt đẹp! Đó là thời gian để nhìn vào con cái, cháu chắt, đang lớn lên, và nghĩ rằng: thật đẹp! Đó là thời gian để nhìn vào nhà của mình, những bạn bè mà mình đã tiếp đãi, cộng đồng chung quanh mình, và nghĩ rằng: thật tốt! Thiên Chúa đã làm như thế khi Ngài tạo dựng thế giới. Ngài liên tục làm như vậy bởi vì Thiên Chúa mãi mãi tạo dựng, ngay cả bây giờ!

Một ngày lễ có thể xảy ra trong những hoàn cảnh khó khăn và đau thương, và được mừng ngay cả “với một cái bướu trong cổ họng.” Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp ấy, chúng ta xin Chúa ban sức mạnh để không hoàn toàn biến nó thành vô ích. Quý anh chị em là cha mẹ biết điều này: biết bao nhiêu lần, vì lợi ích của con cái, anh chị em có thể nuốt nỗi buồn để cho chúng sống một ngày lễ tốt đẹp, để chúng có thể thưởng thức ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống! Có biết bao yêu thương trong việc này!

Ngay cả trong môi trường làm việc, đôi khi – không sao lãng các bổn phận! - chúng ta biết để cho một vài tia sáng của việc mừng lễ “xâm nhập” vào đó: mừng sinh nhật, đám cưới, một em bé mới sanh, cũng như một người nghỉ việc hoặc mới vào... là những điều quan trọng. Điều quan trọng là ăn mừng. Đó là những giây phút làm quen trong bộ máy sản xuất: đó là điều tốt!

Nhưng thời gian thực sự của ngày lễ làm ngừng công việc chuyên môn, và là thời gian thánh thiêng, bởi vì nó nhắc lại cho những người nam nữ rằng họ đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng không phải là nô lệ của việc làm, nhưng là Chúa, và do đó chúng ta không bao giờ là nô lệ của công việc, nhưng là “chủ”. Có một giới răn cho điều này, một giới răn được áp dụng cho tất cả mọi người, chẳng trừ ai! Nhưng chúng ta biết rằng có hàng triệu người nam nữ và cả trẻ em đang làm nô lệ lao động! Trong thời gian này, chúng ta là nô lệ, bị bóc lột, nô lệ lao động, và điều này là chống lại Thiên Chúa cùng ngược lại với nhân phẩm!

Việc quá bận tâm với lợi nhuận kinh tế và hiệu quả của kỹ thuật đe doạ những nhịp điệu nhân bản của cuộc sống, bởi vì cuộc sống của con người có những nhịp điệu của nó. Thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật, được dành riêng cho chúng ta để chúng ta có thể tận hưởng điều không thể sản xuất và không thể tiêu thụ và không thể mua bán được. Nhưng chúng ta thấy rằng ý thức hệ về lợi nhuận và tiêu thụ muốn ăn tươi nuốt sống ngày lễ: đôi khi nó cũng bị thu hẹp thành một “dịp buôn bán”, một cách để kiếm tiền và tiêu tiền. Nhưng đó có phải là lý do để chúng ta làm việc không? Việc tham lam tiêu thụ, đưa đến việc phung phí, là một loại vi khuẩn kinh tởm trong số những vi khuẩn khác, cuối cùng làm cho chúng ta thấy mệt mỏi hơn trước. Nó làm tổn hại đến công việc thật và làm hao mòn cuộc sống. Những nhịp điệu vô trật tự của ngày lễ tạo ra những nạn nhân, thường là những người trẻ.

Sau cùng, thời gian của ngày lễ là thời gian thánh thiêng bởi vì Thiên Chúa ngự ở đó một cách đặc biệt. Thánh Lễ Chúa Nhật mang đến cho ngày lễ ân sủng của Đức Chúa Giêsu Kitô: sự hiện diện của Người, tình yêu của Người, hy tế của Người, việc biến chúng ta thành một cộng đồng, việc Người ở với chúng ta ... Và như vậy, mọi thực tại nhận được ý nghĩa trọn vẹn của nó: việc làm, gia đình, những niềm vui và khó khăn của mỗi ngày, ngay cả đau khổ và cái chết; tất cả mọi sự đều được biến đổi bởi ân sủng của Đức Kitô.

Gia đình được cung cấp một khả năng chuyên môn ngoại thường để hiểu biết, hướng dẫn và nâng đỡ giá trị thực sự của thời gian ngày lễ. Nhưng điều tốt đẹp là mừng lễ trong gia đình, thật là đẹp! Và đặc biệt là vào ngày Chúa Nhật. Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà những ngày lễ, trong đó có chỗ cho cả gia đình, là những ngày lễ thành công nhất!

Cùng một cuộc sống gia đình, được nhìn dưới cặp mắt đức tin, tỏ ra tốt đẹp hơn những cực nhọc mà chúng ta phải trả. Nó hiện ra như một kiệt tác của sự đơn giản, đẹp vì không giả tạo, không giả dối, nhưng có khả năng kết hợp với tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống thật. Nó xuất hiện như có một điều gì “rất tốt”, như Thiên Chúa đã phán sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x St 1:31). Vì vậy, ngày lễ là một món quà quý giá của Thiên Chúa; một món quà quý giá mà Thiên Chúa tạo thành cho gia đình nhân loại: Chúng ta đừng làm hỏng nó!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: giaoly.org

 

 

TRANG GIA ĐÌNH

HÔN NHÂN: QUÀ TẶNG CỦA TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG

C.S Lewis có lần đã nhận xét một cách khôn ngoan: "Khi mọi người đang vội vã lao về phía vách núi, bất cứ ai đi theo hướng ngược lại sẽ bị xem là điên rồ".

Vào tháng Bảy năm 1968, phần lớn thế giới nghĩ rằng Đức Giáo hoàng Phaolô VI bị mất trí vì ngài đã ban hành thông điệp đã được chờ đợi từ lâu, Thông điệp Sự sống Con người (Humanae Vitae), trong đó nhắc lại lệnh cấm lâu đời của Giáo Hội về mọi hình thức ngừa thai. Một làn sóng chống đối giận dữ bùng lên đối với quyết định của Đức Giáo Hoàng. Công giáo cũng như không Công giáo đều mắng nhiếc "ông già độc thân tại Vatican" vì đã cản trở sự hội nhập hoàn toàn của Giáo Hội để đi vào kỷ nguyên hiện đại.

Khi chúng ta kỷ niệm lần thứ bốn mươi thông điệp lịch sử này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của thông điệp đối với thời đại chúng ta. Để làm nền tảng cho những nhận xét của tôi, tôi muốn đặt Thông điệp vào bối cảnh thời gian của nó.

Vào năm mà Đức Giáo Hoàng Phaolô ban hành Thông điệp Sự sống Con người, Paul Ehrlich đã xuất bản một cuốn sách nhan đề “Quả bom Dân số” (The Population Bomb). Trong quyển sách bán chạy nhất (bestseller) năm 1968 này, Ehrlich đã đưa ra một số dự đoán ảm đạm. Chẳng hạn như:

- "Cuộc chiến nuôi ăn toàn thể nhân loại đã chấm dứt. Vào thập niên 1970 thế giới sẽ trải qua nạn đói... hàng trăm triệu người (bao gồm người Mỹ) sẽ chết đói..."

Thực tế: Sản xuất lương thực trên toàn thế giới tiến xa hơn sự tăng trưởng dân số, nạn béo phì hiện nay giết chết 300.000 người Mỹ mỗi năm.

- "Ấn Độ không thể nuôi ăn hơn hai trăm triệu người năm 1980."

Thực tế: Từ năm 1968, Ấn Độ đã tăng gấp đôi dân số lên đến nửa tỷ, và vẫn tự túc về lương thực.

- So sánh sự bùng nổ dân số với một khối u ung thư, Ehrlich bắt phải "cắt căn bệnh ung thư [quá nhiều người]" như là phương thuốc duy nhất để cứu nhân loại.

Thực tế: Ngày nay châu Âu đang hấp hối, với hầu hết các nước dao động quanh 60% mức sinh thay thế.

Trong bối cảnh đi ngược lại lời tiên đoán này, phản ứng với Thông điệp Sự sống Con người của Đức Giáo hoàng Phaolô VI hẳn nhiên không không có gì bất ngờ, mặc dù Thông điệp chỉ diễn tả lại những gì Giáo Hội đã dạy 2.000 năm qua. Cụ thể là:

"Có một mối liên kết không thể tách rời giữa hai ý nghĩa của hôn nhân: kết hợp và truyền sinh. Thiên Chúa đã thiết lập mối liên kết này và con người không có quyền tự ý hủy bỏ" (HV số 12)

Trong Sách Đệ Nhị Luật 18,21 chúng ta học cách phân biệt một vị tiên tri thật với tiên tri giả: Lời tiên tri có trở thành hiện thực hay không? Đánh giá bằng tiêu chuẩn này, Paul Ehrlich là một tiên tri giả. Còn Đức Phaolô VI thì sao?

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dự đoán bốn hậu quả tàn khốc nếu sử dụng các biện pháp tránh thai leo thang:

1) Sự không chung thủy trong hôn nhân gia tăng;

2) Nhìn chung đạo đức suy đồi, nhất là trong giới trẻ;

3) Chồng xem vợ đơn thuần chỉ là đối tượng tình dục;

4) Các chính phủ cưỡng bách các chương trình kiểm soát sinh sản quy mô trên người dân của họ.

Bốn mươi năm sau, bức tranh đạo đức bị vương vãi với thực tế ảm đạm:

1) Tỷ lệ ly hôn đã tăng gấp ba.

2) Các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục đã gia tăng từ 6 lên đến 50.

3) Tài liệu khiêu dâm, nhất là trên Internet, là một bệnh dịch lây nhiễm hàng triệu người mỗi năm.

4) Triệt sản bắt buộc đối với phụ nữ ở các nước thế giới thứ ba, với chính sách một con của Trung Quốc là tiên phong.

Trong những năm tuổi già sức yếu, Thánh Augustinô đã viết tác phẩm đồ sộ ngài, Kinh thành của Thiên Chúa (The City of God). Theo Thánh Augustinô, toàn thể thế giới bao gồm hai cộng đồng: Kinh thành của Thiên Chúa và Kinh thành của Con Người. Công dân của mỗi kinh thành được xác định không phải do nơi sinh hoặc nơi cư trú, mà là do đối tượng tình yêu của một công dân: đặt tình yêu của Thiên Chúa lên trên bản thân, hay tình yêu của bản thân trên Thiên Chúa.

Hai kinh thành vẫn ở với chúng ta. Paul Ehrlich và Đức Giáo hoàn Phaolô VI cũng có thể phù hợp như là biểu tượng của mỗi kinh thành. Kinh thành này, sự chết và bóng tối thắng thế, còn kinh thành kia là sự sống và ánh sáng. Sự chết hay sự sống? Lựa chọn là của chúng ta!

Đức Cha Victor Galeone, Giám mục Danh dự của Giáo phận St. Augustine, Florida, Hoa Kỳ.

Tạ Ân Phúc dịch

 

 

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

25 Bài Giáo Lý Về Thánh Phaolô

Bài 21: Thánh Phaolô nói nhiều đến Vinh Quang Thánh Giá và Đau khổ, vậy bản thân Ngài chịu những đau khổ nào?

Trong những hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô đã chịu đựng biết bao thử thách cả thể xác lẫn tinh thần. Những thành công trong việc truyền giáo phần lớn nhờ vào tính chịu đựng của một người cương nghị, can đảm, không thoái lui trước những khó khăn. Trước hết, hãy nhìn vào những đau khổ thánh nhân chịu về mặt thể xác.

Gần một phần ba (1/3) sách Công Vụ Tông Đồ kể chuyện Phaolô trong tù hay bị xử án. Rồi 5 trong số 13 lá thư Ngài viết đều nhắc đến Ngài như một tù nhân (xem thư gởi Philiphê, Philemon, Côlôsê, Ephêsô và 2 Timôthê).

Với Phaolô, chịu đau khổ là thông phần đau khổ Đức Kitô đã chịu, là làm sống lại những gì Đức Kitô đã sống cho hiện tại. Nghĩa là, nếu Chúa Giêsu đã chết cho người khác thì Phaolô cũng phải chịu đau khổ cho quyền lợi của tha nhân. Vì thế thánh Phaolô hãnh diện khi chịu đựng đau khổ vì danh Đức Giêsu Kitô và cho người khác (2 Cor 1:5-6; 12:15; Phil 1:12-14).

Thánh nhân khẳng định là trong yếu đuối, Ngài tìm thấy sức mạnh và sự hiện diện của Thiên Chúa (2 Cor 12:10); trong đau khổ, Ngài nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa tỏ hiện trong việc đem lại ơn cứu độ của dân ngoại và Do thái (2 Cor 4:7-12).

Vì những đau khổ quan trọng với Phaolô nên Ngài kê khai những chịu đựng của mình trong nhiều hoàn cảnh khác nhau (Rm 8:35; 1 Cor 4:8-13; 2 Cor 4:7-12; 6:3-10; 11:23-33; 12:10). Hãy nghe Phaolô kể về những đau khổ Ngài chịu:

“Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!” (2 Cor 11:24-28).

Ngoài số lần tù tội hay đắm tàu, thánh Phaolô còn nói đến “cái dằm đâm vào thịt” của Ngài: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cor 12:7).

Một số nhà kinh thánh cho rằng “cái dằm” này chỉ “một thuộc hạ Xatăn”, hay một cách nói ám chỉ là những khó khăn, thử thách Thiên Chúa gởi để giữ Phaolô khiêm nhường. Nhiều người khác cho rằng “cái dằm” này có thể chỉ những viết thương thể lí (như bệnh tật) mà Phaolô chịu (vì Phaolô không nói rõ những vết thương này trong 2 Cor 12:7;4:10; Gal 4:13-14), hay những vết thương tâm linh mà Phaolô gặp qua những chống đối của người khác.

 

Dù không biết chính xác tình trạng thể lí của Phaolô, những lời tự thuật của Ngài trong 2 Cor 11:22-28 nói lên những chịu đựng phi thường của một con người chỉ vì yêu mến việc rao giảng Tin Mừng mà thôi.

Cũng trong những đau khổ về thể xác, thánh Phaolô còn nhắc đến những hạn chế tài năng và vóc dáng của mình.

Khi so sánh với các tông đồ khác, Ngài viết: “Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa” (1 Cor 2:3-4). Ngài cũng nói đến những tố cáo người khác gán cho Ngài: “Có kẻ nói rằng: “Trong thư thì nghiêm khắc và hùng hổ; nhưng khi có mặt thì nhu nhược, nói chẳng ra hồn.” (2 Cor 10:10).

Đây là những bằng chứng cho thấy có lẽ Phaolô là một người có vóc dáng nhỏ nhắn, không có tài ăn nói, nhưng chắc chắn kiến thức hiểu biết của Ngài thì sâu rộng như ta thấy trong các thư Ngài viết, hay khi Ngài tự thuật: “Giả như tôi có thua kém về khoa ăn nói, thì về sự hiểu biết, tôi chẳng thua kém đâu! Trong mọi dịp và trước mặt mọi người, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy điều đó rồi.” (2 Cor 11:6).

Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.

Nguồn: liendoanconggiao.net

 

TRANG QUỚI CHỨC

SỰ THAY ĐỔI CẦN THIẾT

Cùng là một mẹ (đất mẹ, quê mẹ, tổ quốc) sinh ra thế nhưng có sự khác nhau rõ rệt giữa những người ở những vùng địa lý khác khác nhau trong cùng một lãnh thổ.

Khi nói đến “Dân Miền Tây” mọi người đều liên tưởng đến một người có khí chất mộc mạc chơn chất, phóng khoáng, dễ gần….

Có lẽ do ảnh hưởng của lịch sử và địa dư đã tạo nên khí chất của người Miền Tây là như thế.

Ngược dòng lịch sử về vài thế kỷ trước, nam bộ là vùng đất nam tiến còn rất hoang sơ chờ đón con người đến khẩn hoang lập ấp.

Về địa lý đây là nơi có thể coi như là nơi tụ họp của rất nhiều thành phần: người khẩn hoang có, người tị nạn có. Tị nạn chính trị, tị nạn tôn giáo (thời nhà Nguyễn). Cả những người Hán bên Tàu (Triều Châu, Phúc Kiến) trốn lánh sự truy nã của triều Mãn Thanh cũng tìm đến vùng đất này. Bởi một lý do rất đơn giản, đây là vùng đất xa mặt trời và rất hoang sơ, rừng thiêng, nước độc triều đình ít để tâm tới.

Thế nhưng đây lại là vùng đất rất trù phú, dưới sông cá tôm nhun nhút, trên bờ rau như cỏ quanh năm xanh tốt. Trong rừng muôn thú đầy đàn, đất đai thì phì nhiêu, trồng cây không cần phân bón, bệnh hoạn thì hái các loại cây cỏ, côn trùng .. xung quanh làm thuốc. Kinh nghiệm ông bà để lại là ở đâu có độc thì ở đó có loài giải độc.

Có lẽ do thiên nhiên ưu đãi cùng với tình cảnh giống nhau của người dân ở đây nên họ trở nên dễ cảm thông, phóng khoáng, sống an nhàn, không cần phải lo xa, không cần tích trữ……dần dần theo thời gian trở thành tính cách của người dân nam bộ nói chung và dân miền tây nói riêng.

Thế nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Sống trong môi trường sung túc như thế làm cho con người dần trở nên ù lì, tinh thần phấn đấu dần mài mòn . Người miền Tây chuộng nhất là hai chữ yên bình còn ngoài ra thì ai làm gì cứ mặc.

Thời đại ngày nay đã khác rồi. Dân cư đã bắt đầu chen chút, đất đai bị khai thác quá mức trở nên cằn cỗi, rau cỏ, tôm cá… không còn rọng sẵn dưới sông rạch, trong vườn, như ngày xưa nữa. Con người ngày nay không còn thảnh thơi như ngày xưa nữa, lộc trời đã cạn dần rồi. Đây là một thực tại không cần phải nhắc bởi ai cũng thấy, nhưng có một mãng khác của thực tại này người giáo dân miền tây không để ý tới, đó là chúng ta cũng còn rất “lè phè” trong cách sống đạo (xin lỗi!).

Ngày xưa cha ông của chúng ta tìm vào vùng đất này để tránh sự truy nã của triều đình nhà Nguyễn và đã gặp được vùng đất lành này để chuyên tâm giữ đạo. Đó là một gương phấn đấu tuyệt vời, nhưng có lẽ dần dà con cháu các ngài đã có được cuộc sống quá dễ dãi nên tinh thần đạo đức xem ra cũng cùn nhụt, thích cảnh an nhàn tự tại hơn.

Hãy nhìn vào thực tại tại các họ đạo chúng ta sẽ thấy. Những nơi chưa có nhà thờ, những nơi thiếu vắng linh mục, người giáo dân rất khát khao có được một ngôi nhà thờ, có linh mục đến thường xuyên để dâng lễ, ban bí tích. Thế nhưng, sau khi có ngôi nhà thờ khang trang xứng hợp thì nhiều lúc không có người quét nhà thờ, linh mục dâng lễ không có người tham dự.

Có lẽ chúng ta nên cần thức tĩnh, xốc lại tinh thần, phấn đấu việc đạo, việc đời một cách tích cực. Cần phải thay đổi cách nghĩ, lối sống các bạn ơi !!!

 

 

SỐNG ĐẸP

Xin Cho Tôi Sự Bình Yên

Có lẽ không ai trả lời được cho tôi câu hỏi đó, vì đơn giản có ai biết được ngày mai mình sẽ như thế nào, điều ta có thể làm được đó đơn giản chỉ là sống hết ngày hôm nay mà thôi.

Dạo này không biết sao tôi cảm thấy mình càng lúc càng thực dụng, có lẽ sống một cách máy móc quá lâu đã làm tôi quên đi cái cảm nhận của riêng mình. Cuộc sống là thế, nhất là ở những thành phố lớn. Con người ta cứ mãi chen nhau để tìm lấy chỗ sống. Tôi cũng không ngoại lệ , và đôi khi tôi cảm thấy mình cần một chút gì đó thật đơn giản. Để tôi có thể là chính mình, là chính tôi như ngày nào.

Chắc cũng không ít người có cùng suy nghĩ như tôi và cũng không ít người muốn thay đổi điều đó. Có lẽ sống là phải chấp nhận thay đổi từ cuộc sống, nhưng kèm theo nó bạn cũng phải vật lộn để đấu tranh cho chân lí của mình . Có thể cuộc sống chỉ thực sự bình yên khi ta không còn sống nữa.

 

Đừng vội quá bi quan thế đời còn rất dài và còn rất nhiều thứ để bạn trải nghiệm, đó chỉ là một phần suy nghĩ của tôi thôi, theo tôi khoảnh khắc bình yên thật sự chính là lúc mà ta cảm thấy hạnh phúc nhất, khi ta cho đi thứ gì đó, bữa cơm gia đình của ta , hay đơn giản đó chỉ là một nụ cười.

Cuộc sống rất quý giá và bạn sẽ không bao giờ tìm được một thứ gì có thể đổi lại cho bạn có thể sống thêm một ngày. Vì vậy, hãy tự tìm cho mình sự bình yên, từ sâu bên trong một nụ cười một hạnh phúc giản đơn.

Nguồn: songdep.net

 

 

 

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Trong Thánh Lễ, Linh Mục Dang Tay Cỡ Nào Là Đúng?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong Thánh Lễ, một linh mục địa phương dang hai tay rộng hết cỡ, khuỷu tay ra thật xa cơ thể; còn hầu hết các linh mục giữ khuỷu tay của họ gần với cơ thể. Thưa cha, liệu có hướng dẫn chính thức nào về việc dang tay không? - O. K., Dallas, Texas, Mỹ.

Đáp: Không giống như chữ đỏ của hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma, chữ đỏ hiện nay không nêu ra thông số kỹ thuật chi tiết về cái gọi là "việc dang tay”. Điều này không có nghĩa rằng việc dang tay xa hay gần là tùy ý, nhưng cho rằng một linh mục, thông qua việc huấn luyện và quan sát của mình, biết biểu hiện này có nghĩa là gì, và làm thế nào áp dụng nó phù hợp với truyền thống phụng vụ, và hình dáng cơ thể của mình.

Hình thức ngoại thường lại cụ thể hơn. Như một cuốn nghi thức phổ biến mô tả cử chỉ khi linh mục đọc lời nguyện đẩu lễ: "Trong khi [linh mục] đọc 'oremus' (chúng ta hãy cầu nguyện), ngài dang tay ra rồi chấp tay lại, và ngài cúi đầu xuống sách lễ. Khi ngài đọc lời nguyện đầu lễ, ngài đưa tay lên, - nhưng không vượt quá chiều cao hoặc chiều rộng của vai - và dang ra, các ngón tay gần với nhau và cúi về phía sách lễ khi tên thánh của vị thánh mừng hôm ấy được đọc lên. Khi ngài đọc ‘Per Dominum nostrum’ (nhờ Chúa…)…, ngài chấp tay lại".

Trong khi một linh mục cử hành hình thức thông thường có thể không bị ràng buộc chặt chẽ với các qui định chính xác ở trên, tôi sẽ nói rằng các qui định này cung cấp một nguyên tắc nhỏ, như những gì Giáo Hội hiểu, khi yêu cầu linh mục dang tay lúc đọc lời nguyện. Các qui định này đã không được phát minh bởi một chức sắc nào đó ở giáo triều Rôma trong thế kỷ XVI, nhưng đúng hơn là sự hệ thống hóa một luật đã phát triển qua nhiều thế kỷ.

Một linh mục có thể thực hiện theo các quy định trên. Tuy nhiên, kể từ khi phụng vụ hậu công đồng cố tình bỏ qua một đặc điểm kỹ thuật nghiêm ngặt của cử chỉ, thì sẽ là hợp pháp khi linh mục dang tay rộng hơn một chút, nếu ngài cảm thấy đó là thích hợp. Thí dụ, một số lễ phục hiện đại thường đòi hỏi một sự dang tay rộng hơn so với áo lễ Rôma truyền thống. Tuy nhiên, quy tắc trên không lưu ý chống lại các cử chỉ quá đáng, vốn có xu hướng thu hút sự chú ý vào linh mục, chứ không vào lời kinh mà ngài đang đọc.

Cử chỉ dang tay và đưa tay lên khi cầu nguyện được tìm thấy trong hình thức nào đó trong hầu hết các tôn giáo. Trong Kinh Thánh, chúng ta có một thí dụ của ông Mô-sê trong trận chiến chống lại A-ma-lếch (Amalek) (Xh 17, 11-12), cũng như các qui chiếu trong các Thánh Vịnh và sách các Ngôn sứ. Chẳng hạn ngôn sứ I-sai-a (Isaiah) tuyên bố với Ít-ra-en (Israel): "Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mặt không nhìn; các người có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe, Vì tay các người đầy những máu” (Is 1,15; bản dịch Việt ngữ của nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Các cử chỉ này cũng được tìm thấy trong Tân Ước, và các Kitô hữu thời ban sơ đã cầu nguyện với hai bàn tay nâng lên, mặc dù ở đây có thêm ý nghĩa của việc kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng dang tay ra trên thánh giá. Lúc ban đầu, hình như tập tục là dang rộng cả hai cánh tay và bàn tay để giống với hình thánh giá. Vì vậy nhà văn Kitô giáo thời đầu là Tertullian đã viết: "Nhưng chúng ta không chỉ nâng bàn tay lên, nhưng còn dang rộng, cho chúng giống với cuộc Khổ nạn của Chúa, và trong khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô" (De Oratione, 14) . Tuy nhiên, ngài cũng cảnh báo chống lại các cử chỉ quá mức trong khía cạnh này: "Khi cầu nguyện với sự đơn sơ và khiêm nhường, chúng ta sẽ dâng lời nguyện chúng ta lên Thiên Chúa, bàn tay của chúng ta

không nâng lên quá cao, nhưng được nâng lên với mức độ vừa phải và thích đáng, và khuôn mặt của chúng ta cũng không đưa lên với sự táo bạo" (De Oratione, 17).

Ngoài ra có rất nhiều hình ảnh trong các hang toại đạo và các nơi khác cho thấy cách thức các Kitô hữu thời ban sơ làm cử chỉ ấy. Đôi khi chúng trình bày các nhân vật Kinh Thánh như Daniel hoặc Susanna, hoặc một phụ nữ, mà một số học giả tin rằng đại diện cho các linh hồn của những người được chôn trong hạng toại đạo cầu bầu cho người còn sống.

Mặc dù không là chắc chắn, rất có thể các Kitô hữu thời ban sơ sử dụng tư thế này cho cả việc cầu nguyện cá nhân và công khai. Tuy nhiên, khi dòng đời trôi qua, nó dần dần trở thành một cử chỉ riêng của linh mục, ít là trong bối cảnh phụng vụ. Nó có thể đã chết do các sự cân nhắc thực tiễn, chẳng hạn như số lượng Kitô hữu đông nhiều hơn, nhà thờ trở nên đông đúc hơn, và có ít không gian để thực hiện cử chỉ ấy.

Cử chỉ của linh mục dang tay ngang trong một số phần của Thánh Lễ cũng giảm theo thời gian, mặc dù nó vẫn tiếp tục tồn tại trong một số Dòng tu như dòng Cát Minh và dòng Đa Minh. Nói chung trong thời Trung Cổ, cử chỉ là giống với thực tế hiện nay: do đó, sách "Micrologus" được viết trong thế kỷ XI cho biết: "Chúng tôi dang tay khi đọc lời nguyện đầu lễ, và trong suốt phần Lễ Quy nhưng chỉ ở bề rộng của ngực, và lòng bàn tay hướng vào nhau. Các ngón tay dính lại với nhau, và đầu ngón tay không cao hơn vai, cũng không vượt quá bề rộng của vai, và phải chú ý rằng khi nào bàn tay cũng phải đưa ra trước ngực (ante pectus). Trong khi làm cử chỉ này, linh mục cho thấy nơi bản thân mình Chúa chúng ta đang ở trên thánh giá”.

Thánh Tôma Aquinas cũng nói rằng "các hành động được thực hiện bởi linh mục trong Thánh lễ không phải là cử chỉ vô lý, vì chúng được làm để biểu hiện một điều khác. Linh mục dang tay để diễn tả cánh tay Chúa Kitô dang ra trên thánh giá. Ngài cũng đưa tay lên khi cầu nguyện, để nói rằng lời cầu nguyện của ngài được hướng lên Thiên Chúa cho con người, theo sách Ai ca [Ac 3, 41]: “Hãy giơ tay và hướng lòng lên Đức Chúa, là Đấng ngự trên trời”(Bản dịch, như trên)" (III , q. 83, a. 5).

Do đó, chúng ta có thể thấy rằng từ khá sớm, cử chỉ này trở nên được dành cho linh mục, ít là trong bối cảnh phụng vụ, và đã trở thành cử chỉ khá khắc khổ, mà chúng ta biết ngày nay. Điều này vẫn là tinh thần chung của cách thức mà cử chỉ cần được thực hiện trong bối cảnh phụng vụ.

Các tín hữu có thể sử dụng cử chỉ này bên ngoài phụng vụ để cầu nguyện riêng, trong nhóm cầu nguyện, và, ở các nước mà cử chỉ đã được phê duyệt, trong khi đọc Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ.

Một số chuyên viên phụng vụ tin rằng sự thực hành này là một sự bất thường. Nó đại diện cho dịp duy nhất khi một linh mục cầu nguyện với tay mở ra cùng với tín hữu. Trong tất cả các dịp khác, mà trong đó ngài dang tay ra, ngài cầu nguyện một mình đại diện cho tín hữu. Thật vậy, khi kinh Lạy Cha được đọc trong Kinh Thần Vụ, linh mục chấp bàn tay lại, chứ không dang ra. Các chuyên viên ấy tin rằng việc linh mục dang tay trong Thánh Lễ là một sơ suất chữ đỏ từ năm 1958, khi Đức Giáo Hoàng Piô XII cho phép kinh Lạy Cha được đọc bởi các tín hữu bằng tiếng Latinh, chứ không chỉ bởi linh mục như đã được thực hành cho đến nay. Thật là hợp lý cho linh mục dang tay trước khi có sự thay đổi này, chứ không phải sau đó. Họ đề nghị một sự thay đổi chữ đỏ để các linh mục, và mọi người, đọc kinh lạy Cha với đôi tay chấp lại.

Một số người khác chủ trương rằng kinh Lạy Cha, lời kinh của Chúa dạy, là một trường hợp đặc biệt. Vào lúc này, đây vẫn còn là một tranh luận kỹ thuật; chữ đỏ xác định rằng linh mục và các vị đồng tế cầu nguyện với đôi tay mở rộng.

Cuối cùng, vì một số dữ liệu lịch sử được đề cập trong bài viết này, tôi muốn cám ơn một bài viết từ năm 1926 của linh mục Joseph F. Wagner cho Homiletic & Pastoral Review (Tạp chí giảng thuyết và mục vụ), và được đưa lên mạng CatholicCulture.org. (Zenit.org 13-10-2015)

Nguyễn Trọng Đa dịch

Nguồn: vietcatholic.com

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

BÀI HỌC VỀ SỰ DÂNG CÚNG

Mc 12, 38 - 44

Đóng góp là điều quan trọng cho việc xây dựng chung. Đối với Giáo Hội, người Kitô hữu cũng có bổn phận sống bác ái, chia sẻ và góp sức xây dựng nhà Chúa, họ đạo ngày càng khởi sắc, ngày càng đi lên, ngày càng tốt đẹp. Nói thì dễ, thực hiện nhiều khi cũng có những lấn cấn, khó nói, khó làm. Các Kinh sư, Biệt Phái, Pharisiêu là những con người tự hào là thông suốt luật lệ, nhưng họ chỉ sống bề ngoài, hô hào to mồm, lớn tiếng nhưng thực tế họ chẳng đóng góp, chẳng chia sẻ mà chỉ bắt người khác làm theo những điều luật họ bầy vẽ thêm ra.

Chúa Giêsu hôm nay đã đưa ra trường hợp của một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm tiền trong đền thờ và Chúa đánh giá bà là người bỏ nhiều nhất vì bà đã đóng góp cả tài sản của bà vào đền thờ, vào nhà Chúa, vào Giáo Hội.

Ở đây ta thấy: Vẫn là cái hì hợm, cái ngộ nghĩnh nực cười và hết sức lố bịch của những người Biệt Phái, những Kinh Sư những người Pharisiêu, những nhà thông luật…

Tin Mừng của thánh Marcô 12, 38 - 44 chia ra làm hai phần thật rõ rệt: Chúa Giêsu ngay tại Giêrusalem, kinh đô tôn giáo của các Biệt Phái, Pharisiêu và các nhà thông luật quản lý, điều khiển, đã lên án gay gắt các hạng người này vì họ chỉ lớn tiếng, to mồm, hô hoán đủ thứ và bầy biện ra đủ mọi thứ khoản luật xem ra rất chi li hòng chất lên vai người khác, chứ chính họ không đưa ngón tay lay thử. Thánh Marcô rất dí dỏm khi viết về các Đấng, các Bậc này rằng: họ xúng xính trong bộ áo thụng, đeo thẻ kinh rỏng rẻng ở tua áo, ưa được bái chào người đường và thích ngồi chỗ nhất trong các đám tiệc tùng. Họ hám danh, hám lợi và lợi dụng chức vị để làm tiền những người nghèo khổ: họ giả bộ đọc kinh dài để nuốt tài sản các bà góa. Họ gài bẫy, giăng giây để kiếm cớ bắt bẻ, ám hại Chúa Giêsu nhân danh các tập tục, truyền thống họ tự nhận có quyền phải bảo vệ.

Đi sâu vào tâm địa, vào cõi lòng ác độ của họ, nhiều lần Chúa Giêsu đã lột mặt nạ của họ. Thay vì bảo vệ các bà goá, những cô nhi, những kẻ nghèo hèn, thấp cổ bé họng, các kinh sư, biệt phái đã hùa nhau “nuốt hết tài sản của họ”, nên cuộc sống của những người càng lúc càng trở nên bi đát hơn, quả những người tự xưng bảo vệ tập tục, truyền thống, bảo vệ tôn giáo càng lúc càng trở nên bỉ ổi, đê tiện! Do đó, Chúa Giêsu đã kết án bọn luật sĩ cách nặng nề và cảnh tỉnh mọi người lưu tâm, để ý, xa lánh bọn luật sĩ này vì họ là những mục tử thật gian ác, vô tâm, không có lòng tốt.

Trong phần hai của đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đề cao cử chỉ đẹp của người đàn bà góa nghèo. Chúa Giêsu đã đi từ một sự quan sát thực tế khi Ngài để ý xem những người bỏ tiền vào thùng tiền trong nhà thờ. Chúa đã thấy những cử chỉ, những điều mà kẻ khác không thể thấy vì vô tình hay do cõi lòng đã quen đánh giá sai lạc những sự kiện, những việc người khác làm.

Đối với Chúa Giêsu, sự việc thực tế diễn ra ngay trong đền thờ là một bài học Ngài dạy các môn đệ và mọi người. Đây là một câu chuyện thực có tính tương phản, đối nghịch: một bên là những người giầu có, lắm của nhiều tiền, một bên là bà goá nghèo. Tính cách tương phản được hiện lên rõ nét: khi các người giầu bỏ nhiều tiền nhưng là của dư thừa vào hòm tiền; còn bà goá bỏ một phần tư xu, tức hai đồng “tiền còm”, nhưng đó là tất cả gia tài chắt chiu cho cuộc sống của bà. Chúa Giêsu đã không chú ý đến số lượng, bề ngoài, dáng vẻ đạo đức, y phục, thẻ kinh, tua áo, sách kinh nặng trịch hay chỗ cao chỗ thấp trong Hội Đường, mà Ngài nhìn đến tấm lòng, cử chỉ đẹp, ý nghĩa của đồng tiền và thái độ của người dâng cúng. Chúa Giêsu đã chú ý đến thái độ âm thầm khiêm tốn của bà góa khi dâng cúng số tiền nhỏ, nhưng là gia tài dùng để nuôi thân, độ nhật của bà. Chúa Giêsu đã định giá trị của việc dâng cúng: “thiện căn ở tại lòng ta” và “của ít lòng nhiều”. Bài học khác được rút ra nữa là lòng quảng đại chia sẻ thì vô giới hạn. Điều Chúa nhắm tới là chia sẻ, chứ không phải làm phúc. Chia sẻ với người khác không những của dư thừa ta có mà còn cho đi cả những điều cần thiết ta có để khỏa lấp nỗi túng quẫn và đau khổ của con người, nhất là những người nghèo khổ, neo đơn, thất vọng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim nhạy cảm, quảng đại để chúng con luôn biết chia sẻ theo ý Chúa.

 

 

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Mt 10, 17 – 25

 

Nói tới các Thánh Tử Đạo, chúng ta không khỏi ngạc nhiên đến lạ lùng bởi vì hàng hàng lớp lớp các vị tử đạo trên khắp thế giới đã đổ máu đào để minh chứng cho Chúa Giêsu. Tertullien đã viết: “Chính dòng máu các Thánh Tử Đạo đã nẩy sinh Kitô hữu”. Và chúng ta cũng không thể tả xiết nỗi vui mừng khi sách Khải Huyền mô tả: “…Xuất hiện một đoàn lũ thật đông đảo không thể đếm được, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Chiên Con, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai và chính Chiên Con đã cứu độ chúng ta” ( Kh 7, 9 - 11 ). Họ là ai ? Vị Kỳ mục trả lời: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua những cơn thử thách lớn lao, đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu của Chiên Con” (Kh 7, 14). Họ là những người đã không tiếc gì với Chúa, đã không khước từ tình yêu dù để cứu lấy mạng sống mình. Và họ là những người đã luôn tin vào Chúa, tin vào ơn cứu độ chỉ có nơi Thập Giá của Đức Kitô.

Đọc lại lịch sử các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hông khỏi bùi ngùi xúc động, bởi vì các Thánh Tử Đạo Việt Nam xuất thân từ mọi thành phần trong xã hội. Họ là những người thấp bé trong xã hội. Họ là những giáo dân vì theo Chúa, nên họ đã bị bắt, bị kết án và bởi vì không chịu chối đạo, không chịu bước qua Thánh Giá, họ đã bị xử tử hình bằng nhiều cách hung bạo dã man. Họ là những phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng quyết không nhường bước, không thỏa hiệp để được sống thảnh thơi mà chối Chúa. Họ đã trung kiên, tín thác nơi Chúa và như thánh Phaolô họ đã: “Tôi làm được mọi sự trong Đấng củng cố tôi” (Pl 4, 13). Họ là cụ già 80 tuổi như thánh Lê Bảo Tịnh; là một bà cụ già 62 tuổi như nữ thánh Anê Đê; như một cậu trai 14 tuổi, thánh Phaolô Bột; là một thiếu nữ 12 tuổi như cô Lucia Liễu; như Phaolô Đạm 10 tuổi; như em bé Phaolô

Túc 9 tuổi. Họ là các Giám mục, các Linh mục, các Nữ tu. Họ là chủng sinh, là Ban Hành Giáo, là quan trong triều đình, là quân lính, là công chức, là y sĩ, là thương gia. Họ thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, trong Giáo Hội. Tất cả các Thánh Tử Đạo Việt Nam dù vô danh tiểu tốt hay có chức có quyền trong Hội Thánh, có địa vị trong xã hội. Tất cả họ đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Chúa Giêsu

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có thể là tổ tiên, cha ông, những người thân thương trong gia đình chúng ta, có thể là những Kitô hữu sống trong địa phận, trong giáo xứ, giáo họ, điểm giáo của chúng ta. Họ đã sống trên quê hương, đất nước của chúng ta, đã chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người chúng ta. Tuy nhiên, họ đã giữ vững đức tin, thà chết chứ quyết một lòng không chối Chúa, không bỏ đạo. Họ đã nghe tiếng Chúa: “Không có Thầy các con không thể làm được gì” (Ga 15, 5) hoặc “Ai yêu mạng sống hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ của Ta”. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã dám liều sống đức tin, làm chứng cho đức tin và chết cho đức tin, lấy máu mình làm chứng cho Thiên Chúa. Tử đạo là chọn Chúa, là chết cho Chúa. Tử đạo là sống đạo một cách sống động và làm môn đệ của Chúa. Các thánh tử đạo Việt Nam là men, là muối, là ánh sáng soi dọi đức tin cho những người khác. Nhờ các thánh tử đạo Việt Nam mà Giáo Hội Việt Nam càng ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Giáo Hội Việt Nam đã phát sinh các nhân chứng, đặc biệt là các Vị Tử Đạo. Lời tiền nhân nói rất đúng: Máu đào là hạt giống phát sinh Kitô hữu. Vì do máu các Đấng Tử Đạo của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà đức tin trong thế hệ trước đã mọc lên, và đức tin của thế hệ hiện tại được bảo toàn, và hy vọng đức tin của thế hệ mai sau được gìn giữ”.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống hết mình vì đức tin. Các Ngài đã giữ đạo và sống đạo một cách hết sức anh hùng. Các Ngài đã thà chết chẳng thà bỏ Chúa. Nên, Chúa đã củng cố đức tin cho các Ngài và trước những cực hình hết sức dã man, điên dại của những kẻ bách hại, các Ngài đã anh dũng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Các Ngài đã không hận thù, không gây hấn, không bạo lực; các Ngài luôn sống hiền lành và khiêm nhượng như Chúa Giêsu. Các Ngài đã sống yêu thương, trung tín và đơn sơ trước những kẻ bách hại đầy hận thù, gây hấn, dọa nạt. Các Ngài đã hiểu rõ lời Chúa: “Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của kẻ hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Các Ngài đã sống như lời một tu sĩ nói: “Hãy để cho mình bị bách hại, nhưng đừng bách hại ai. Hãy để cho mình bị đóng đinh, nhưng đừng đóng đinh ai . Hãy để cho mình bị vu khống, nhưng đừng vu khống ai”. Chúng ta hãy noi gương bắt chước các Ngài để làm chứng cho Chúa bằng đời sống đạo tốt, trung kiên và bền vững, luôn bám chặt và thuộc trọn về Chúa.

Trong cuộc đời có nhiều người chỉ mang danh Kitô nhưng lại sống phản Kitô. Họ sợ hãi, thỏa hiệp để được sống an nhàn. Họ quên mình là Kitô hữu. Chúa đã nói: “Không Thầy chúng con làm được gì” hoặc như thánh Phaolô viết: “Không phải là chính tôi mà là ơn Chúa ở với tôi” (1 Co 15, 10). Theo Chúa, chúng ta phải can đảm sống chứng nhân giữa đời bằng đức tin sắt đá của mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con can đảm, hăng say phục vụ vì chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời. Xin lảm cho chúng con trở nên những chứng nhân kiên trì, những chứng nhân bất khuất không chịu đầu hàng trước những bách hại, trước những đòn vọt, trước trăm ngàn sự thử thách. Amen.

 

 

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN

VUA PHỤC VỤ

Ga 18, 33b - 37

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra một số tước hiệu của Ngài như: mục tử, thầy, Chúa, Con Người, tôi tớ … Tuy nhiên, tước hiệu là Vua, Chúa Giêsu chỉ xác nhận vài giờ trước khi Ngài bị kết án. Philatô đã hỏi cung Chúa Giêsu: “Ông là Vua sao?”. Tước hiệu Vua ở đây có nhiều ý nghĩa. TÔI LÀ VUA: Bài tường thuật Ga 18, 33b - 37 rút ra từ bài thương khó của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của thánh Gioan, là một cuộc thẩm vấn kỳ lạ, bị cáo lại đặt câu hỏi với quan toà và kéo quan toà xoay quanh vấn đề “Vua dân Do Thái”. Theo dõi cuộc thống khổ của Chúa Giêsu, chúng ta chú ý nhân vật Philatô đối với Chúa Giêsu.

Philatô sau khi trao đổi với dân chúng ở ngoài phủ đường, ông đi vào trong và ra lệnh đưa Chúa Giêsu đến trước mặt ông. Ông hỏi Chúa Giêsu: “Ông mà lại là Vua dân Do Thái?”. Đây là lần đầu tiên tước hiệu Vua xuất hiện trong trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Tin Mừng nhất lãm cũng ghi lại tước hiệu này. Sự kiện này cho thấy tất cả đều bắt nguồn từ truyền thống tiên khởi. Ở đây, rất có thể tước hiệu Vua được thốt ra từ miệng của Philatô. Câu hỏi cung này chứng tỏ Philatô đã biết từ trước dân Do Thái tố cáo Chúa Giêsu. Đối với Philatô cũng như lời tố cáo của dân Do Thái: tước hiệu “Vua Do Thái” mang ý nghĩa chính trị. Vua Israel mang ý nghĩa tôn giáo (Ga 1, 19). “Vua dân Do Thái” mang ý nghĩa chính trị (Ga 18, 34).

Ở đây Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi của Philatô nhưng Ngài đặt câu hỏi cho Philatô: “Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về Tôi ?”. Câu hỏi của Chúa Giêsu nhằm làm rõ nghĩa câu hỏi cũng như ý nghĩa sâu xa của Philatô. Nếu tự ý Philatô nói ra câu đó, thì “Vua” có ý nghĩa chính trị, còn nếu do dân, hoặc ai đó nói về tước hiệu Vua của Chúa Giêsu, tước đó có nghĩa tôn giáo “Vua dân Do Thái”. Chúa Giêsu muốn làm rõ ý nghĩa của từ Vua, để nếu Philatô gán ghép cho từ Vua theo nghĩa chính trị, Chúa Giêsu sẽ phủ nhận, còn nếu hiểu chữ “Vua” theo nghĩa tôn giáo, Đức Giêsu là Đấng Mêsia phải đến trong thế gian, Chúa Giêsu sẽ chấp nhận. Philatô tỏ ra bực tức, ông không muốn hiểu tước vị “Vua dân Do Thái” theo nghĩa tôn giáo. Chính vì thế, Philatô đã hỏi Chúa Giêsu tiếp: “Ông đã làm gì ?”. Giờ phút này, Chúa Giêsu không ngần ngại xác định cho Philatô rằng Nước của Ngài không thuộc thế gian này, nghĩa là Nước của Chúa không tổ chức theo nghĩa chính trị mà Nước của Ngài hoàn toàn thuộc về lãnh vực thiêng liêng: “Nếu Nước Tôi thuộc về thế gian này, thì bộ hạ của Tôi đã cố chiến đấu không để Tôi bị nộp cho người Do Thái”. Đúng như lời Chúa Giêsu nói, Ngài có một Nước nhưng Nước đó là Nước Trời, Nước linh thiêng, hoàn toàn khác biệt với thế gian. Philatô khi nghe Chúa Giêsu nói về “Nước”, ông ta liền hỏi Chúa Giêsu: “Vậy thì ông là Vua sao?”. Chúa Giêsu không ngần ngại và Ngài khẳng định một cách trang trọng: “Ông nói đó : Tôi là Vua”.

Lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng Vương Quốc của Ngài thuộc thế giới thần linh. Ngài được Chúa Cha sai đến trần gian để làm chứng cho sự thật, nghĩa là Ngài làm chứng cho Thiên Chúa, làm chứng cho Nước Trời. Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa. Vương Quốc của Chúa Giêsu, chính Ngài đã thiết lập trong cuộc khổ nạn, Ngài chịu chết theo ý của Chúa Cha để cứu độ nhân loại: “…Còn Ta, khi Ta được nâng lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12, 32). Điều khác lạ xem ra hết sức nghịch lý ở chỗ; chính trong sự đau khổ, Chúa Giêsu xưng mình là Vua, và khi Ngài bị treo lên thập giá, Ngài mới chứng tỏ thật mình là Vua. Chúa Giêsu là Vua nhân từ, hiền hậu, Vua tôi tớ, Vua thí mạng sống để cho muôn dân được sống. Thật ra nếu có nghịch lý là nghịch lý đối với Philatô, đối với người Do Thái, đối chúng ta khi mọi người có ý nghĩ theo ý người đời, theo cái nhìn xác thịt của con người. Đối với Chúa Giêsu đó là một việc làm hoàn toàn ý thức, hoàn toàn tự hiến theo ý Thiên Chúa Cha. Ngài vâng phục tới cùng, vâng phục Cha Ngài cho tới chấp nhận cái chết trên thập giá. Suốt cuộc thẩm vấn, Philatô biết Chúa Giêsu vô tội (Ga 18, 38) và muốn tìm cách tha bổng Chúa Giêsu (Ga 19, 12). Nhưng Philatô tỏ ra hèn nhát, ông sợ áp lực của người Do Thái, ông sợ mất chức, mất quyền. Do đó, ông để mặc cho Chúa Giêsu bị án tử hình dù rằng Ngài hoàn toàn vô tội. Ông vẫn cho treo bản án: “Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái”.

Nuớc Chúa không thuộc trần gian nhưng vẫn hiện diện giữa trần gian. Người Kitô hữu thuộc về Vương Quốc tình yêu, lấy chân lý, yêu thương, hiệp nhất, hòa bình làm nền tảng. Vương Quốc của Chúa qui tụ mọi con dân sống tình huynh đệ bác ái và Vua Giêsu đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ. Liệu người Kitô hữu có can đảm làm chứng cho Vương Quốc tình yêu của Chúa Giêsu không ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết chiêm ngưỡng Chúa trong tư cách là Vua hiền lành, khiêm nhượng, Vua phục vụ, Vua tôi tớ. Amen.

 

 

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

MÙA ĐỢI CHỜ

Lc 21, 25 - 28. 34 – 36

Mùa vọng là mùa đợi chờ. Câu nói cuối cùng của Kinh Thánh là Maranatha: Lạy Chúa Gêsu xin ngự đến. Phải chăng đó là tâm trạng của những người đang bị kìm kẹp trong tội lỗi, trong cái vòng luẩn quẩn của kiếp nhân sinh, trong cái tục lụy của đấu tranh của kiếp người, trong vòng cương tỏa của dối gian lừa bịp. Sứ điệp tin mừng của hôm nay là tỉnh thức, là ăn ở như con cái sự sáng, là ngẩng đầu lên, là yêu thương trọn vẹn và sẵn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan luôn mang đèn sáng có dầu đức tin và ơn nghĩa Chúa trong cuộc sống của mình.

Tội nguy hiểm nhất là tội không sẵn sàng. Sự khôn ngoan đích thực của con cái Chúa là sống hôm nay như là sắp ra pháp trường tử đạo.

 

Nhìn quanh thế giới hình như cái cảnh nực cười của những ngày tiền Sôđôma đang tái diễn. Thiên hạ vẫn dựng vợ gả chồng. Vẫn say túy lúy càn khôn với những màn “áp phe” trục lợi và kiếm tiền. Vẫn còn tranh thủ quyền lực và tiếng tăm. Con cái sự dữ vẫn hoành hành trong những phương tiện truyền thông chống lại Thiên Chúa và Giáo hội, trong những màn nhạo báng chọc quê hay bôi nhọ những giá trị hình ảnh hiện thân của Kitô Giáo hay của chính Chúa Kitô bằng những hình ảnh phạm thượng hay cố ý tuyên truyền sai lạc những chân lý ngàn đời. Kẻ thù Giáo hội đang vênh vang với những chiến thắng tạm bợ tưởng chừng như tận thế đã đến cho nước Chúa và hiền thê của Ngài.

Tuy nhiên hình như Thiên Chúa vẫn đợi chờ và yên lặng. Hình như Ngài đang đi xa khỏi thế giới. Hình như trước khi Nôe vào tầu thiên hạ vẫn coi chuyện sửa soạn của ông là truyện điên rồ. Bài tin mừng hôm nay nhắn nhủ chúng ta: hãy sẵn sàng như người tôi tớ khôn ngoan đợi chủ đi dự tiệc cưới trở về. Hãy sống như con cái sự sáng. Chân lý bao giờ cũng là người chiến thắng sau cùng. Và khi Chúa đến dù là trong lúc không ai ngờ tới thì Ngài sẽ dành cho con cái sự sáng nhiều bất ngờ. Khó thay làm con sự sáng giữa bóng tối, làm con cái sự thực giữa thế gian, làm bông sen giữa bùn lầy.

Cuộc sống công giáo trong lúc trông chờ Chúa trở lại không phải chỉ là tiêu cực tránh bỏ tội lỗi mà thôi mà còn là cuộc sống đức tin vững vàng, sáng suốt, theo Chúa như môn đồ theo sư phụ để Thầy chết thì cùng chết với Thầy trong hân hoan và không phản bội chính nghĩa của Thầy là chân lý, sống lương thiện cho chân lý, theo lý tưởng cao vời Thầy đã vạch ra. Con đường thập giá là định mệnh là bản tính thứ hai của người Kitô hữu: có Chúa, là bạn Chúa, là môn đồ của Chúa, là chứng nhân là tử đạo cho Chúa. Tất cả gồm tóm trong thái độ sẵn sàng. Ma quỉ luôn cám dỗ ta như lý luận của Augustinô trước khi trở lại: tôi sẽ trở lại sẽ canh tân sẽ hoán cải nhưng không phải hôm nay mà ngày mai. Xin hãy đợi chờ vì tôi chưa sẵn sàng. Thế gian còn quá quyến rũ. Tội lỗi nào chả là trái cấm mang lại khoái lạc và quyến rũ không cùng. Nết xấu nào không mang vẻ hào hoa, văn minh, thời thượng. Và bao nhiêu con người khác vẫn sống như thế có sao đâu?

Bao giờ cái ngụy biện đó mới biến khỏi miệng lưỡi và đầu óc nông cạn của chúng ta, lúc đó chúng ta mới sẵn sàng để cho Chúa bắt lấy, để cho Chúa “saisi” (nắm) như ngôn từ của một nhà chiêm niệm người Pháp, để cho Chúa thực sự ăn chúng ta và lòng nhiệt thành nhà Chúa hay tình yêu ngài có thật sự làm cho chúng ta “perdu” (mất) mất mát như trong thánh vịnh 69, thì mùa xuân tâm linh mới thực sự trở lại trong linh hồn ta để có thể hát lên như Simêon: Xin cho con chết bình an như lời Chúa phán rõ ràng ngày xưa.

Mùa vọng là mùa lạc quan ngẩng đầu lên vì biết rằng ơn sủng Chúa sẽ mang lại bình an và sự cứu độ là linh dược chữa được mọi thứ bệnh hoạn của con người ngày nay (Sưu tầm internet)

 

 

THẦN HỌC KINH THÁNH

Hãy Quăng Lưới: Ngư Nghiệp Thời Chúa Giêsu

Cho đến thời Công đồng Vatican II, người ta nhận ra người Công giáo vì họ ăn cá vào các ngày thứ Sáu. Cá và người Công giáo như chim liền cánh cây liền cành. Con cá là biểu tượng Kitô giáo cổ xưa nhất.

Con cá trong tiếng Hy Lạp là ichthus, là những chữ đầu trong các từ Hy Lạp có nghĩa là - Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Đấng Cứu Thế - Biểu tượng cá đầy dẫy trong nghệ thuật và văn chương Kitô giáo. Biểu tượng này được nhìn thấy trên tranh ghép trong các nhà thờ Kitô giáo, trên bích họa, trên tường hang toại đạo ở Roma, trên cửa kính, chén, quan tài bằng đá, các kỷ niệm bia trên khắp mọi miền đất thuộc thế giới Roma.

Biểu tượng cá được người kitô giáo bị bách hại sử dụng như là mật danh cho Đức Kitô để tránh bị chính quyền Roma bố ráp và hành hình. Khi hình con cá xuất hiện bên ngoài một căn nhà Roma thì điều đó có nghĩa là Bữa Ăn tối của Chúa sẽ được cử hành vào đêm đó.

Cá trong Kinh Thánh

Tầm quan trọng của cá trong Kinh Thánh rất có căn cứ. Trong sách Sáng Thế Ký, cá là tạo vật xuất hiện đầu tiên (Stk 1,2). Chúng là chủng loại duy nhất không được mang lên thuyền Noê, có nghĩa là chúng tự cứu được mình! Trong sách Lêvi, chúng ta thấy có những luật lệ liên quan đến cá nào là thức ăn sạch (kosher[1]) và loại cá nào thì không.

Các phương pháp đánh bắt cá được ghi lại trong sách Khabacúc: lưỡi câu, lưới và chài (1,15[2]). Ông Gióp còn châm biếm hỏi liệu ai cho thể bắt thủy quái bằng lưỡi câu (40,25[3]).

Trong sách I Các Vua, cá gắn liền với sự khôn ngoan của Solomon (5,13[4]). Trong sách Tobia, ông Tobia được căn dặn “Mổ bụng cá ra, lấy mật, tim, gan và giữ nó bên mình, còn ruột thì quăng đi, vì mật, tim, gan của nó làm ra được thứ thuốc công hiệu” (6,3-7). Sau đó, Tobia đã lấy mật cá chữa bệnh đục nhân mắt cho cha mình.

Khi Nơkhemia tái dựng Giêrusalem sau cuộc lưu đày Babylon, Cổng Cá được xây dựng trên tường thành (Nkm 3,3[5]). Các ngư phủ cũng được Giêrêmia nhắc đến khi nói về việc đem người Israel trở về từ Babylon: “Này đây Ta sẽ sai nhiều ngư phủ đến đánh bắt chúng” (16,16). Một con cá lớn đã ngăn cản ngôn sứ Giona chạy trốn bằng thuyền trên biển Địa Trung Hải và buộc ông quay lại trên đất liền nơi ông phải đến trước hết.

Chúa Giêsu rao giảng với những thuật ngữ ngư nghiệp, vọng lại lời ngôn sứ Giêrêmia khi Ngài nói với Phêrô và những ngư phủ khác: Từ nay các anh sẽ đánh lưới người (Lc 5,11). Hai phép lạ đánh bắt cá được thuật lại trong Luca 5,1-11 và Gioan 21,1-8. Tất cả các tác giả tin mừng đều chứng nhận rằng Ngài đã nuôi ăn nhiều ngàn người với bánh và cá. Ngài so sánh Nước Trời với lưới kéo cá (Mt 13,47-48). Ngài trả thuế bằng đồng tiền tìm thấy trong miệng cá (Mt 17,27). Chúa Giêsu được cho là đã giảng dạy trên thuyền đánh cá và đi lại trên thuyền đánh cá. Đám đông theo Ngài đã mang theo bánh và cá (Mc 6,35-40). Người đói bụng xin cá (Lc 11,11). Chúa Giêsu ăn cá sau khi phục sinh ở Giêrusalem (Lc 24,42), và Ngài nướng cá cho các môn đệ trên bờ biển Galilê (Ga 21,9). Ngài đi đây đi đó với một nhóm ngư phủ. Và quan trọng hơn hết là Chúa Giêsu đã chọn các ngư phủ để làm một công việc quan trọng là rao giảng lời Ngài và xây dựng Giáo Hội của Ngài.

Đánh bắt cá vào thế kỷ thứ I

Biển hồ Galilê nổi tiếng về cá từ thời xa xưa. Có 18 loài cá bản địa ở hồ này. Chúng được xếp loại vào ba nhóm chính: cá mòi, cá “biny” and cá “musht” (còn gọi là cá Thánh Phêrô).

Cá mòi là loài đặc hữu của hồ Galilê. Ngày nay, vào mùa cao điểm, người ta đánh bắt cả mười tấn cá mỗi đêm. Biny gồm ba loại thuộc họ cá chép. Vì thịt chúng béo nên rất được ưa chuộng trong các ngày lễ và ngày Sabbath. Musht là loài cá lớn, có con dài 16 inches (0,4 m) và nặng 2 pounds (0,9 kg).

Hai câu chuyện của Chúa Giêsu có liên quan đến cá musht. Khi mùa đông đến, cá musht, là loài cá nhiệt đới, tập trung tại các nơi nước cạn phía bắc của hồ, nơi có dòng nước ấm từ các con suối dưới chân đồi Eremos đổ vào hồ. Điểm hấp dẫn đó lại là định mệnh cho loài cá này vì là cơ hội cho các ngư phủ đánh bắt được nhiều hơn. Có thể Chúa Giêsu đã nhìn thấy mội bãi cạn đầy cá musht nên bảo Phêrô thả lưới và được một mẻ cá đầy.

Vào mùa xuân, cá musht cặp đôi và đẻ trứng dưới đáy hồ. Sau khi thụ tinh, cá bố mẹ ngậm trứng trong miệng trong vòng ba tuần cho đến khi trứng nở. Cá bố mẹ trông chừng đàn con trong ít ngày. Để ngăn đàn con chui vào miệng lần nữa, cá bố mẹ ngậm những viên sỏi để cho đàn con thấy rằng “căn nhà” của chúng không còn tiện nghi nữa. Có thể chúng đã nuốt những đồng xu cùng với những viên sỏi và nhiều đồng xu được tìm thấy trong miệng cá musht. Đây có thể là điều đã xảy ra khi Chúa Giêsu bảo Phêrô lấy đồng xu trong miệng cá để trả thuế.

Nhiều phương pháp đánh bắt được sử dụng trong nhiều thế kỷ trên biển hồ Galilê. Có người bắt bằng tay không, có người dùng rỗ đan bằng liễu gai hoặc các loại bẫy cá bằng lưới hay dây thừng, có người dùng xiên, cung tên hay lao phóng. Nhưng phương pháp phổ thông nhất vẫn là lưới. Có ba loại đánh bắt bằng lưới.

Lưới kéo là kiểu đánh bắt cổ xưa nhất. Lưới có dạng như bức tường dài 300 feet (91,44 m) và cao 12 feet (3,6 m). Dưới đáy có chì lưới và dây thừng, ở trên có phao bần. Lưới được gấp lại. Một đội gồm 16 người giữ dây thừng gắn với lưới. Rồi thì con thuyền chèo ra xa với một đội khác cho đến khi lưới được rải ra hết và đi một vòng tròn trở về bãi biển. Ở đây đội thứ hai bước xuống thuyền và nắm lấy dây thừng. Cả hai đội kéo lưới vào bờ (hy vọng là có nhiều cá). Phương pháp này có thể bắt cá núp dưới đáy hồ. Cá được phân loại ra và người ta lại kéo lưới một lần nữa, có thể lên đến 8 lần trong một ngày.

Lưới quăng có hình tròn chu vi khoảng 20 feet (6,096 m), có chì gắn dưới đáy. Một người quăng lưới từ trên bờ nhưng cũng có thể từ trên thuyền. Kiểu lưới này đòi hỏi sự khéo léo vì lưới phải mở ra hoàn toàn khi đáp xuống mặt nước thì mới bắt được cá bên dưới chiếc lưới. Phêrô và Anrê đang đánh bắt với kiểu lưới này khi Chúa Giêsu đến gặp họ. Lưới chìm xuống và vây cá lại. Đôi khi người đánh bắt phải nhảy từ thuyền xuống nước để thu lưới và vì thế họ thường trần truồng. Có thể họ đang đánh bắt bằng lưới này khi nhận thấy Chúa Giêsu đứng trên bờ biển (Ga 21,7).

Phương pháp thứ ba là lưới ba lớp, hai mành lưới mắt lớn cao khoảng 5 feet (1,524 m) và một lưới mắt nhỏ ở giữa. Thuyền đi ra chỗ nước sâu, nơi không có đá để lưới không bị rách. Thường là thả lưới ban đêm. Một đầu lưới thả xuống biển, rồi thuyền kéo một vòng tròn như một chiếc chậu dưới nước. Lưới này bắt hết mọi loại cá lớn bé vì không thể thoát khỏi ba lớp lưới. Khi cá được mang vào bờ, phải cẩn thận gỡ cá ra khỏi lưới và như thế đòi hỏi thời gian và khéo léo. Lưới được trải ra trên đá để phơi khô và vá. Chỉ khi khẩn cấp thì mới vá lưới trên thuyền. Như vậy, chúng ta thấy Giacôbê và Gioan đang vá lưới trên thuyền trong Tin Mừng Matthêô (4,21). Và dù khẩn cấp hay không, họ đã bỏ công việc, cha mình và những người làm công để theo Chúa Giêsu.

Phương pháp cuối cùng vẫn còn được sử dụng ngày nay là lưới và cần câu. Người ta cho rằng Phêrô và Anrê dùng lưới và cần câu để bắt cá có đồng tiền trong miệng (Mt 17,27).

Ngư nghiệp

Các luật lệ về ngư nghiệp rất nghiêm nhặt. Khi kéo lưới lên bờ, cá trước tiên được phân loại thành cá sạch và không tinh sạch. Theo sách Lêvi 11,9-12, cá có vây và vảy thì được xem là sạch, những loại không có vây và vảy như cá trê hay lươn là cá không sạch. Và rồi phải tính số cá. Đếm cá là điều cần thiết để đóng thuế và bảo đảm mỗi người nhận đúng phần công lao của mình. Cá được bán tươi, còn dính nước trên mình.

Nhiều mẻ cá được mang tới Magdala. Bảo quản cá bằng muối rất thịnh hành vào thời Ptolemies. Trung tâm kỹ nghệ này là Magdala, nơi cá được phơi khô và xuất khẩu đi khắp nơi trong Đế quốc Roma. Magdala trong tiếng Hy Lạp là Tarichaea, nghĩa là “cá khô”. Tại đây, các được đóng giỏ để xuất khẩu và các ngư phủ chất lên những chiếc xe để cho la kéo lên bỏ các cửa tiệm tại Giêrusalem, hay kéo ra bãi biển để chất lên thuyền đi Roma. Cá khô từ Galilê được xem như cao lương mỹ vị trong giới quý tộc Roma. Cá từ Galilê cũng được ưa chuộng tại Damascus.

Ngư nghiệp là một kỹ nghệ phát đạt tại Galilê. Cá là nguồn protein chính và là thị trường lớn. Dân số Palestine vào thời Chúa Giêsu khoảng 500.000 người. Đại đa số ăn cá và bánh mì như nguồn lương thực chủ yếu. Thỏa mãn khẩu vị của tầng lớp thượng lưu tại quê nhà và hải ngoại với cá khô đã là một công việc có nhiều lợi nhuận.

Tại một điểm khảo cổ ở Bethsaida (nghĩa là “ngôi nhà của người đánh cá”), người ta tìm thấy nhiều phương tiện đánh cá: một con dấu bằng đất sét vẽ hai ngư phủ trên chiếc thuyền nhỏ, có lẽ để đóng lên các quai cầm trên những chiếc bình; hòn cân bằng chì, lưỡi câu, kim khâu bằng sắt và đồng, hòn cân bằng đá basalt và sắt, neo. Chắc hẳn, ngư nghiệp là nghề chính của người dân Bethsaida. Một quả cân chưa làm xong cho thấy có một xưởng làm các dụng cụ ngư nghiệp ở Bethsaida. Các bào tử cây lanh cũng được tìm thấy có rất nhiều. Lưới cá được làm từ cây lanh, các cánh buồm cũng vậy.

Tai Bethsaida, chính quyền Philip Herod bán quyền khai thác cá cho những cá nhân giàu có và họ bán lại quyền này cho các ngư phủ. Các ngư phủ phải trả một khoản thuế nặng cho các nhà đầu tư và như thế có sự bằng mặt mà không bằng lòng giữa họ với nhau. Matthêô, người thu thuế, có thể là một người trong số này. Năm tông đồ khác là Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan và Philipphê đều xuất thân từ Bethsaida.

Người làm nghề cá bao quát hết mọi lãnh vực của nghề nghiệp. Họ trang bị thuyền bè và dụng cụ để đi biển. Họ trả tiền công phụ và trả phần trăm cho người thu thuế. Họ bán sĩ bán lẽ, tính toán để bảo trì cá và thuyền bè, mặc cả. Họ mướn thuyền viên và người kéo lưới để làm việc (có thể là lao động phổ thông từng ngày), sửa chữa thuyền, vá lưới, chọn và đếm cá. Những ngư phủ này làm việc trong một hiệp hội pháp lý với những người khác. Họ thuộc về những phường hội nghề nghiệp (cũng giống như các hiệp hội thương mại).

Dêbêđê, cha của Giacôbê và Gioan, có đoàn thuyền riêng của mình và ông mướn người làm công ngày. Ta có thể phỏng đoán rằng ông và các con đã có một hoạt động kinh doanh tầm cỡ, đòi hỏi dịch chuyển nhiều. Phêrô và Anrê có thể là những cộng sự của họ.

Có thể Chúa Giêsu đi Giêrusalem và những nơi khác cùng với những ngư phủ chăng? Những nơi Chúa Giêsu đến đều là những thành phố mà những ngư phủ đến để lấy cá. Trong Tin Mừng Marcô, chúng ta thấy Chúa Giêsu đến Tyrô mà chẳng có lý do gì đặc biệt. Công việc kinh doanh đã đưa các ngư phủ đến đó. Thành phố Tyrô được các Ptolemies Ai Cập xây dựng và là một hải cảng nói tiếng Hy Lạp quan trọng trên bờ biển Phoenician. Kinh doanh ở đây đòi hỏi phải nói tiếng Hy Lạp trôi chảy. Cộng đoàn Kitô giáo sơ thời ở đây đã được sách Tông đồ công vụ chứng thực (21,3-7). Rất có thể Chúa Giêsu đến đó với những người bạn của mình để xuất khẩu cá của họ.

Giacôbê và Gioan, theo các tin mừng, thường xuyên đi Giêrusalem, nơi mà cá của họ bán rất chạy trong những dịp lễ hành hương. Có thể họ cung cấp cá cho gia đình thượng tế (tin mừng nói rằng Gioan quen biết với vị Thượng Tế Caiaphas). Có thể Chúa Giêsu lên Giêrusalem nhân những chuyến đi buôn bán này? Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thấy Ngài ở đấy trong nhiều dịp lễ trọng, có thể đây là thời gian mà những ngư phủ đưa cá của họ đến đây.

Chúa Giêsu chọn các ngư phủ

Chúa Giêsu giao cho các ngư phủ Bethsaida nhiệm vụ loan truyền sứ điệp. Họ là những người được ủy thác sứ mệnh lưới người và giảng dạy muôn dân. Có thể Ngài làm điều này vì nhiều lý do thực tế. Họ là những nhà kinh doanh sành sõi, nói được nhiều thứ tiếng. Tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Aram. Họ cũng phải biết tiếng Hípri. Biết tiếng Hy Lạp là điểm quan trọng đối với những người như Phêrô và các cộng sự vì có liên quan đến việc kinh doanh cá. Các tin mừng cho thấy rằng họ có thể nói chuyện với người phụ nữ Syro-Phoenician nói tiếng Hy Lạp (Mc 7,26), với dân chúng miền Thập Tỉnh (Decapolis) nơi xảy ra phép lạ chữa người điếc (Mc 7,31), và sự kiện ông Philip và Anrê nói chuyện với những người Hy Lạp (Ga 12,20-23). Họ cũng có thể biết lõm bõm tiếng Latinh. Phêrô nói chuyện với viên đại đội trưởng Roma, ông Cornelius (Cv 10,25).

Các ngư phủ có những thuộc tính mà những người khác không có. Họ khéo léo trong thương mại, họ biết khi nào, ở đâu và như thế nào để đánh bắt cá, họ cũng kiên nhẫn, không dễ dàng nãn lòng, mạnh mẽ, làm việc chăm chỉ và có khuynh hướng phường hội, cộng đoàn.

Là người kinh doanh, họ phải là người thẩm định đúng đắn, hiểu biết thị trường, ý thức về những trách nhiệm công dân cũng như tôn giáo. Họ phải tôn trọng luật lệ và biết hoạt động trong những giới hạn của luật lệ. Và khi hiến dâng những kỹ năng này cho Đức Giêsu, những ngư phủ này đã làm biến đổi thế giới.

__________________

[1] Về thức ăn sạch (kosher) và tố chất người Do Thái, xin xem bài nghiên cứu của Ts. Hoàng Anh Tuấn về sự thành công của người Do Thái tại đây:http://gpquinhon.org/qn/news/tap-chi-muon-phuong/Giai-ma-su-thanh-cong-cua-Israel-va-nguoi-Do-Thai-4136/#.VeuxAZc7Jvw

[2] Nó thả câu bắt hết, tung lưới chụp lấy tất cả, nó quăng chài gom lại. Vì thế, nó hân hoan vui mừng.

[3] Liệu ngươi có thả câu bắt được con Giao Long, lấy dây buộc lưỡi nó,

[4] Vua nói về các thứ cây, từ cây bá hương ở Libăng cho tới cây ngưu tất mọc ở bờ tường; vua cũng bàn tới các thú vật, các loài chim, các thứ rắn rết và các loại cá.

[5] Con cái Ha Xơnaa xây cửa Cá: họ làm khung, dựng cánh cửa, đặt then cài và thanh ngang

Tác giả: Elizabeth McNamer

Chuyển ngư:õ Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Nguồn : Gpquinhon.org

 

 

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Napoléon Trở Về Với Giáo Hội Công Giáo Trước Khi Chết

 

Napoléon đệ nhất, Hoàng đế nước Pháp, triệu tập tại điện Tuileries ở thủ đô Paris, một Ủy Ban của hàng Giáo Phẩm Pháp gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và Cha Jacques-André Émery, Bề Trên Tổng quyền Tu Hội Xuân Bích.

Mục đích của Napoléon là thuyết phục hàng giáo phẩm Pháp đứng về phía ông trong việc chỉ định các Giám Mục Pháp mà không cần sự đồng ý của Đức Thánh Cha.

Vừa bắt đầu cuộc họp, Napoléon thao thao lên tiếng công kích Đức Giáo Hoàng Pio VI thậm tệ. Ông vu khống là Đức Thánh Cha muốn giảm uy tín của ông khi Ngài không chấp thuận trao cho ông quyền chỉ định các Giám Mục tại Pháp. Napoléon giận dữ kết thúc bài diễn văn chửi bới Đức Thánh Cha:

- Khi khước từ như thế, Đức Thánh Cha vừa gây hoang mang nơi cộng đồng các tín hữu Công Giáo vừa nhằm tìm kiếm lợi lộc cho tiểu quốc Roma mà thôi!

Hoàng đế Napoléon I có tên thật là Napoleone di Buonaparte chào đời ngày 15-8-1769 tại Ajaccio trên đảo Corse. Thân sinh là ông Carlo Maria Buonaparte và thân mẫu là bà Maria Letizia Ramolino. Cả hai ông bà thuộc gia đình quý tộc giàu sang.

Cuộc đời Hoàng đế Napoléon I là bức tranh đầy dẫy mâu thuẫn và màu sắc đen đỏ lẫn lộn. Ông là biểu tượng của tham vọng quân sự và chính trị cuồng điên. Ông đi từ Tướng Lãnh đến Đệ Nhất Toàn Quyền rồi làm Hoàng Đế nước Pháp. Hoàng Đế nước Pháp không thôi chưa đủ, ông còn nuôi mộng làm bá chủ lục địa Âu Châu. Nhưng rồi khi ở mức độ huy hoàng lộng lẫy nhất của quyền uy ông bắt đầu thua trận tại các nước Tây-Ban-Nha, Nga và ở Waterloo nơi vương quốc Bỉ. Thất bại cuối cùng này đưa ông đến cảnh tù đày trên đảo Sainte-Hélène dưới quyền giám sát của người Anh. Ông qua đời tại đây ngày 5-5-1821, hưởng dương 52 tuổi.

Thế nhưng trong tư cách tín hữu Công Giáo, Napoléon lại kết thúc cuộc đời trong tâm tình đáng mơ ước nhất. Đó là tâm tình ăn năn thống hối, hoán cải trở về với Giáo Hội Công Giáo Roma, Giáo Hội mà trong thời đạt tột đỉnh danh vọng, ông nhất quyết đánh phá và triệt hạ cho bằng được!

Người ta kể lại rằng. Một hôm, một phóng viên người Pháp tìm đến đảo Sainte-Hélène để làm cuộc phỏng vấn sau cùng với vị cựu hoàng đế từng làm chấn động Âu Châu và từng vẫy vùng ngang dọc, coi trời bằng vung! Cuộc phỏng vấn bắt đầu bằng câu hỏi cổ điển thông thường nhất:

- Nếu được quay lại đàng sau thì ngài nên tránh lầm lỗi nào?

Chàng phóng viên trẻ tuổi chờ đợi câu trả lời liên quan đến các biến cố quân sự lẫy lừng nhất, các cuộc tiến quân xâm lược các nước lân bang đưa đến thất trận ê chề, chấm dứt một thời vàng son của Nã-phá-luân đại đế!

Thế nhưng chàng phóng viên ngạc nhiên biết bao khi nghe Napoléon giải thích như sau.

Không phải lầm lẫn chính trị quân sự là lầm lẫn to tát và đáng quan tâm. Bởi vì, chỉ cần một chút thận trọng là người ta có thể tránh được các thất trận đó, dễ như chơi! Lầm lẫn vĩ đại nhất mà tôi lỗi phạm lại là điều không ai nghĩ tới. Đó là việc tôi muốn bằng mọi giá phải đánh phá và triệt hạ cho bằng được Giáo Hội Công Giáo Roma. Ngày ấy Giáo Hội Công Giáo đối với tôi giống như con rắn. Và muốn giết chết rắn, chỉ cần đập dập đầu rắn. (Câu nói ám chỉ việc Napoléon từng chỉ trích và xúc phạm nặng nề đến Đức Giáo Hoàng Pio VI (1775-1799) và Đức Giáo Hoàng Pio VII (1800-1823). Thế nhưng tôi đã lầm, lầm lẫn to lớn, lầm lẫn vĩ đại, lầm lẫn ê chề! Bởi vì, tôi càng tìm cách đánh phá Vị Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo thì Giáo Hội Công Giáo lại càng hồi sinh, hồi sinh mạnh ngay giữa hai bàn tay tôi, ngay trước mắt tôi! Khi tôi cầm quân đánh phá các nước lân bang, tôi biết rõ mình chỉ đánh phá các đội quân mỏng dòn của loài người! Nhưng khi tôi quyết liệt chống lại Giáo Hội Công Giáo Roma, đặc biệt các Vị Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo Roma thì tôi thâm tín bài học sâu xa này là:

- Tôi không phải chỉ chống lại loài người mà tôi còn cả gan dám chống lại THIÊN CHÚA!

Và đó là tất cả thảm trạng và thất bại ê chề nhất cuộc đời tôi.

Khi giải bày rõ ràng ý nghĩ của mình - vào lúc ấy - cựu hoàng đế Napoléon I đã thực sự hồi tâm thống hối. Ông thành tâm trở về với Giáo Hội Công-Giáo, duy-nhất, thánh-thiện và tông-truyền. Ông sốt sắng lãnh nhận 2 bí tích Giải Tội và Thánh Thể.

Ngày cựu hoàng đế Napoléon cảm động rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ vào lòng, sau bao năm tháng dài bê trễ, ông cảm động giải bày:

- Niềm vui tôi cảm nghiệm bên trong thật bao la. Giờ đây tôi mới thật sự hiểu tại sao, ngay cả vào những lúc đen tối nhất của cuộc đời và trong những năm tháng sống xa lìa Đức Chúa GIÊSU KITÔ, tôi không bao giờ quên rằng, ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi chính là ngày tôi rước lễ lần đầu!

... ”Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: Anh em hãy sợ Đấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt THIÊN CHÚA. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn cả chim sẻ. Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA” (Luca 12,4-9).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, Anno VII, 31 Agosto 2008, n.34, trang 13)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

 

TIN NỔI BẬT

GIÁO PHẬN VĨNH LONG HÂN HOAN KÍNH BÁO

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

đã bổ nhiệm

CHA PHÊRÔ HUỲNH VĂN HAI

Linh mục Giáo Phận Vĩnh Long

làm Giám Mục Chánh Tòa Giáo Phận Vĩnh Long

 

************

 

LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC

sẽ được cử hành vào lúc 9g30

ngày thứ Sáu, 11.12.2015

tại Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long

 

************

 

THÁNH LỄ TẠ ƠN THIÊN CHÚA

sẽ được cử hành vào lúc 10g00

ngày thứ Hai, 14.12.2015

tại Nhà Thờ Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre

 

Xin anh chị em cầu nguyện cho Đức Cha Phêrô.

 

650    10-11-2015 08:47:48