Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Nguyệt san tháng 8/2016: Tân Phúc Âm Hóa Môi Sinh Văn Hóa

LỜI CHỦ CHĂN

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

LỜI NGUYỆN CHUNG

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

TRANG LINH MỤC

TRANG TU SĨ

TRANG SỐNG ƠN GỌI

TRANG THIẾU NHI

TRANG GIỚI TRẺ

TRANG GIA ĐÌNH

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

TRANG QUỚI CHỨC

TRANG SỐNG ĐẸP

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

SỐNG LỜI CHÚA

THẦN HỌC KINH THÁNH

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

TRANG LOAN BÁO TIN MỪNG

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

 

 

LỜI CHỦ CHĂN

Vĩnh Long ngày 25.07.2016

Kính gửi: Quý Cha

           Quý Tu sĩ nam nữ

               Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

 Anh chị em thân mến. Tháng trước tôi có dịp nói với anh chị em những nét tổng quát về Lòng thương xót trong luật công bình. Tháng nầy, tôi đề cập chủ đề Lòng thương xót trong tội phạm xã hội (số 19).

Lòng tha thứ của TC trải rộng đến những tổ chức tội phạm và nạn tham nhũng.

- Phạm vi Tội phạm xã hội: Những tổ chức tội phạm nầy luôn nghĩ rằng tiền bạc là trên hết, nên họ dùng đủ mọi phương tiện bất nhân, bất công để đạt được tiền bạc, bất chấp các giá trị khác cao trọng hơn tiền bạc. Những tổ chức nầy không nghĩ đến tòa án lương tâm, không nghĩ rằng tiền bạc cũng không đi theo họ vào cõi chết, tiền bạc cũng không giúp họ thoát khỏi cái chết và thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa. Cho nên, ĐGH kêu gọi những con người đã tham gia vào các tổ chức tội phạm này hãy thay đổi lối sống.

- Phạm vi Tham nhũng: ĐGH cũng kêu gọi chống lại những tác giả của tham nhũng và đồng lõa của chúng. Người tham nhũng là người sử dụng những phương tiện đáng lên án để thực hiện những điều trái với bổn phận và trái với lương tâm của mình. Tham nhũng là một trọng tội đang hủy hoại đời sống cá nhân và xã hội. “Nạn tham nhũng không cho chúng ta tin tưởng nhìn về tương lai, vì sự tàn nhẫn và tham lam sẽ làm tiêu tan dự định của những người yếu kém, và giẫm nát những người nghèo khổ nhất” (số 19). Đó là một tội ác, nhưng cũng có những người theo và tiếp tay với chúng.

Về điểm nầy, ĐGH tố cáo vết thương bị nhiễm độc này và ngài khẳng định rằng Năm Thánh của lòng thương xót là một quá trình hoán cải, một cơ hội để thay đổi cuộc sống của họ, một thời gian của lòng từ bi chân thành… (số 19). Thiên Chúa luôn luôn dang tay ra đón nhận và tha thứ cho mọi người thành tâm đến với Ngài.

Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được tầm quan trọng Lòng thương xót được thực thi trong các tổ chức tội phạm và nạn tham nhũng. Chúng ta không tham gia, không ủng hộ, nhưng cầu nguyện cho những tổ chức đó mau trở về đàng lành, trở về với Chúa để hưởng nhờ ơn tha thứ của Chúa.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

 

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Tháng 8/2016

TÂN PHÚC ÂM HOÁ MÔI SINH VĂN HOÁ

Văn hoá phải là lãnh vực ưu tiên cho sự hiện diện và dấn thân của Hội Thánh và cá nhân các Kitô hữu. Công đồng Vatican II nhận thấy sự tách rời của đức tin Kitô giáo và đời sống hằng ngày là một trong những sai lạc trầm trọng nhất của thời đại chúng ta[1].[…] Cần phải ghi nhớ rằng “nhờ văn hoá, con người, với tư cách là người, sẽ trở thành người hơn, và một khi ‘là’ người hơn như thế, thì cũng làm cho sự hiện hữu có giá trị hơn”[2].

1.       Các thách thức văn hoá

– Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong nền văn hoá đang thịnh hành, thế thượng phong được dành cho cái bề ngoài, cái trực tiếp, cái có thể thấy được, cái nhanh nhẩu, cái phù phiếm và tạm bợ. Cái thật nhường chỗ cho cái ảo” (Evangelii Gaudium, 62). Có thể thấy được sự góp phần rất lớn của các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại cho thực tế này. Có một nguy cơ là gốc rễ văn hoá truyền thống các nước đang bị xâm nhập thường xuyên bởi các lối suy nghĩ và hành động của các nền văn hoá khác “tiến bộ hơn” về mặt kinh tế nhưng yếu kém hơn về đạo đức. Các mẫu hành vi mới đang xuất hiện như là kết quả của việc chịu ảnh hưởng quá nhiều vào các phương tiện truyền thông xã hội. Hậu quả là các khía cạnh tiêu cực của các công nghệ truyền thông và giải trí đang đe dọa các giá trị truyền thống, đặc biệt đe dọa sự thánh thiêng của hôn nhân và sự bền vững của gia đình (x. Ibid., 6).

– Ngày nay nở rộ các phong trào tôn giáo, một số có khuynh hướng cực đoan trong khi một số khác đề nghị một linh đạo không có Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh văn hoá đậm nét cá nhân chủ nghĩa, các trào lưu tôn giáo này có thể phần nào lấp đầy khoảng trống do chủ nghĩa duy lý thế tục để lại. Phải nhìn nhận rằng, sở dĩ một số Kitô hữu chạy theo các trào lưu đó là vì một đàng do thiếu ý thức thuộc về Hội Thánh, đàng khác do tại các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta thiếu cơ cấu và bầu khí thân thiện, do tính quan liêu trong xử sự các vấn đề trong đời sống các tín hữu, do phương thức quản trị lấn át phương thức mục vụ, do tập trung vào việc ban các bí tích tách rời với các hình thức truyền giáo khác (x. Ibid., 63).

– Tiến trình tục hoá giản lược đức tin và Hội Thánh vào phạm vi cá nhân riêng tư. Não trạng thế tục hoá, phủ nhận Đấng siêu việt, làm cho đạo đức ngày càng xuống cấp, ý thức về tội lỗi của cá nhân và tập thể suy yếu dần, và chủ nghĩa duy tương đối ngày càng lan rộng. Tình trạng này làm con người mất phương hướng, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên vốn dễ bị tổn thương trước những thay đổi (x. Ibid., 64)

2.       Chiều kích đạo đức của nền văn hoá là thiết yếu

Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng diễn tả chính mình như “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), thúc bách các Kitô hữu ngày nay dấn thân cách kiên quyết và mới mẻ để xây dựng một nền văn hoá chính trị xã hội được gợi hứng từ Tin Mừng. “Sự toàn hảo của con người và phúc lợi của toàn xã hội là những cứu cánh thiết yếu của văn hoá: vì thế chiều kích đạo đức của văn hoá là một ưu tiên của người tín hữu trong hoạt động xã hội chính trị. Không chú ý đến chiều kích này sẽ dễ dàng biến văn hoá thành một công cụ làm nghèo nàn nhân loại”[3].

3.       “Sinh thái toàn diện” phản ánh nền “văn minh của Tình Thương”

Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi chú tâm đến “nền sinh thái văn hoá” nhằm bảo vệ các kho tàng văn hoá của nhân loại. “Văn hoá là cái gì còn hơn cả những gì chúng ta đã thừa hưởng từ quá khứ; nó cũng là, và trên hết là một thực tại sống động, năng động và hiện hữu thông dự, là điều không thể bị loại trừ khi chúng ta nghĩ lại về mối quan hệ giữa con người và môi trường”[4].

Sự suy thoái đạo đức và văn hoá đi kèm theo với sự làm hỏng môi sinh buộc chúng ta tự chất vấn những câu hỏi cơ bản về cuộc sống: “Đâu là mục đích của cuộc sống chúng ta trên thế giới này? Tại sao chúng ta ở đây? Đâu là mục đích của việc chúng ta đang làm và tất cả những nỗ lực của chúng ta nhằm tới cái gì? Trái đất cần gì từ chúng ta?

Đức giáo hoàng kêu gọi theo đuổi một nền sinh thái toàn diện biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi tầm nhìn nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh và nhân văn.

Để làm cho xã hội nhân bản hơn, xứng đáng hơn với con người, phải đem một giá trị mới cho tình yêu vào trong đời sống xã hội – bao gồm chính trị, kinh tế và văn hoá – bằng cách làm cho tình yêu đó trở thành một chuẩn mực vững bền và cao nhất cho mọi hoạt động. Chỉ có tình yêu bao gồm lòng nhân từ gọi là “lòng thương xót”, mới có thể hoàn toàn biến đổi con người. “Bác ái là điều răn mang tính xã hội cao cả nhất. Bác ái tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ. Bác ái đòi buộc thực thi công lý và chỉ có bác ái mới làm cho ta có khả năng đạt tới điều đó. Bác ái gợi hứng cho ta một cuộc sống tự hiến: ‘Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai liều mất mạng sống mình sẽ bảo tồn được mạng sống ấy’ (Lc 17,33)”[5]. Chỉ khi nào “nền văn minh tình yêu” ngự trị thì nhân loại mới có thể hưởng một nền hoà bình chân chính và vững bền”[6].

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

1. Đâu là những thách thức về văn hoá đáng chú ý nhất tại thành phố, vùng miền của anh chị?

2. Những bạn trẻ Kitô hữu của giáo xứ, giáo phận của anh chị chịu ảnh hưởng bởi văn hoá du nhập có ý thức và phản ứng như thế nào trước những làn sóng thế tục đang xâm thực đức tin từng giờ từng ngày?

3. Theo anh chị người Kitô hữu cần làm gì để làm cho tình yêu mang một giá trị mới trong đời sống văn hoá xã hội hôm nay?

-------------

[1] x. Gaudium et spes, 43.

[2] Gioan Phaolô II, Gửi cho UNESCO (23.06.1980), 7 : L’Osservatore Romano, bản dịch Anh Ngữ (23.06.1980), tr.9. x. HĐTT về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 554.

[3] X. HĐTT về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 556.

[4] Phanxicô, Laudato Si’, 143.

[5] GLHTCG, 1889.

[6] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 10. Id., Dives in Misericordia, 14; GLHTCG, 2212.

Văn Phòng HĐGMVN

 

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Người sai Con Một mang Tin Mừng gieo xuống trần gian. Người muốn chúng ta nên ánh sáng Tin Mừng cho trần gian, nhờ tình yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương ta. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1.       Chúa phán: “Chính các con là muối cho đời, ánh sáng cho trần gian”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh biết rao giảng Phúc Âm cho mọi loài, bằng sự nhiệt thành của tình yêu và lòng thương xót.

2.       Chúa phán: “Anh cũng hãy đi ra, và thể hiện lòng thương xót đối với người thân cận”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi kitô-hữu biết dùng mọi khả năng Chúa ban, để gieo vãi Tin Mừng cho mọi người, như hiện thân của lòng thương xót Chúa.

3.       Chúa phán: “Các con hãy làm cho muôn dân nên môn đệ Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu biết dùng tình yêu và lòng thương xót mình mà cảm hoá mọi người, làm cho mọi người nên môn đệ Chúa Kitô.

4.       Chúa phán: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết dùng mọi khả năng, nhất là biết dùng tình yêu và lòng thương xót mình mà rao giảng Tin Mừng.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con nhiều khả năng để cải tạo thế giới. Xin cho chúng con biết cộng tác với ơn Thánh Thần thúc đẩy, biết dùng tình yêu và lòng thương xót Chúa ban mà làm cho muôn dân đón nhận Tin Mừng.Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền

 

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TRƯỜNG HỌC YÊU THƯƠNG

Học và hành luôn đi đôi với nhau, đó là chìa khoá cho sự thành công, có một số người trời phú cho sự thông minh học đâu thuộc đó, nhưng để sử dụng cái máy tính nhân chia số thập phân thì chẳng biết bấm nút nào cho nó đúng! Cũng có người lái xe mô tô, chạy xe hơi ào ào, nhưng khi xe không khởi động máy thì chẳng biết đường nào mà rờ, đem tới thợ coi ra sao, té ra là đã khoá… xăng! Anh ta chưa hiểu lý thuyết vận hành của xe cộ!   

Có một vài giáo dân thuộc làu làu mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu điều luật Hội thánh; khi dự thánh lễ cha chưa giảng thì đã hiểu nội dung của bài Phúc Âm. Nhưng trong cuộc sống đời thường thì họ sống y như là người chưa biết chút gì về Lời Chúa: chửi thề, phóng túng, rượu chè, cờ bạc… họ chưa thực hành Lời Chúa, và họ bị người ta cho là “đồ vô đạo”.         

Không có môi trường nào để học và thực hành đức ái tốt cho bằng trong cộng đoàn, bởi vì cộng đoàn là nơi để chúng ta học tập yêu thương, thực hành yêu thương và nuôi dưỡng yêu thương.      

1. Học tập yêu thương  

Cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn dòng tu hay một cộng đoàn tu hội đời, là một gia đình mà các thành viên trong cộng đoàn “không liên hệ huyết thống” gì với nhau như gia đình thân bằng quyến thuộc của mỗi người, cho nên, khi gia nhập cộng đoàn là chúng ta tách mình ra khỏi tình cảm huyết nhục cha mẹ, anh em, chị em, để chúng ta sát nhập vào một gia đình mới, không phải cùng huyết thống, mà là liên hệ trong đức tin, đó chính là làm con cái của tổ phụ Abraham.        

Ở trong cộng đoàn mới nầy, chúng ta phải học tập yêu thương những người mà trước đây mình không quen biết, thương yêu để nhẫn nhục vì tính kiêu ngạo, khó chịu của chị em, anh em; học tập yêu thương để yêu thương những khuôn mặt cay cú quạu vọ của người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.

Bởi vì không ai tin chúng ta khi chúng ta dạy người khác phải yêu thương nhau, mà chính chúng ta lại chưa biết yêu thương người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.    

2. Thực hành yêu thương        

Để trở thành một Kitô hữu chân chính, thì không những phải học yêu thương mà còn là phải thực hành yêu thương. Học tức là suy tư, biện luận, phản bác, có nghĩa là dùng lý trí để suy xét, nhưng học yêu thương thì không phản bác, không biện luận, không xét nét gì cả, mà chỉ có dùng trí khôn ngoan để tìm cách thi hành đức ái sao cho hoàn hảo nhất mà thôi. 

Đức Chúa Giêsu chết trên thập giá vì yêu nhân loại tội lỗi, Ngài đã không phản bác, không biện luận, không xét nét, nhưng đã chọn cái chết khốc liệt nhất để yêu và cứu chuộc nhân loại. Cũng có nghĩa là Ngài đã làm cho nhân loại trước là được cứu chuộc; sau đó đến mình là hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại bằng sự phục sinh vinh hiển. Ngài đã thực hành yêu thương.

Nơi lý tưởng nhất để thực hành yêu thương chính là trong cộng đoàn mà ta đang sống

3. Nuôi dưỡng yêu thương      

Đi truyền giáo tức là đi đến nơi mà chúng ta chưa biết chưa quen, ở với một dân tộc hoặc một địa phương mà phải mất nhiều năm chúng ta mới thích nghi được với đời sống của họ. Tóm lại là vô cùng khó khăn, nhưng khó khăn và cảm thấy bị bỏ rơi nhất chính là khi chúng ta bị nỗi đơn dày vò, chính vì vậy mà có rất nhiều anh em, chị em đã ra đi không trở lại.    

Cộng đoàn chính là nơi nuôi dưỡng yêu thương, để khi chúng ta ra đi gặt hái trên cánh đồng truyền giáo, gặp những khó khăn, đau khổ, chúng ta lại được bồi dưỡng tinh thần, giải toả những khó khăn, tìm lại được giây phút yêu thương đầm ấm ngay trong chính cộng đoàn của mình. Vì hiểu được điều ấy, mà có một số dòng tu có một nội quy rất dễ thương: các thành viên sau ba năm phục vụ ở ngoài xã hội, thì trở về nhà dòng mẹ từ ba đến bốn tháng để nghỉ ngơi, bồi dưỡng tinh thần cũng như sức khoẻ…         

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nói: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho tôi, nhưng hãy hỏi tôi đã làm gì cho tổ quốc”. Nếu chúng ta chưa tìm được nơi cộng đoàn sự yêu thương, thì nên tự hỏi mình: tôi đã làm gì cho cộng đoàn của tôi để đức ái được phát triển?

Học tập yêu thương và thực hành yêu thương, chính là dấu hiệu của người môn đệ của Đức Chúa Giêsu trong thế kỷ 21 nầy vậy !       

Lm Philipphê Phạm Huy Phong

 

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

BA LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM (tt)

C. Đức vâng lời

IV/. Đức vâng lời theo phương diện giáo luật

1.       Bề trên hợp pháp

2.       Truyền khiến thay mặt Chúa

3.       Vâng lời “hợp theo hiến pháp riêng”

Khởi đi từ điều 601 của Bộ giáo luật về đức vâng lời, chúng ta đã tìm hiểu những khái niệm “Bề trên hợp pháp”, “truyền khiến thay mặt Chúa” và hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm hiểu cụm từ vâng lời “hợp theo hiến pháp riêng”.

Điều 601 dạy như sau:

Lời khuyên Phúc Âm về đức vâng phục, được đảm nhận trong tinh thần đức tin và đức ái để theo bước Đức Kitô là Đấng đã vâng phục cho đến chết, đòi buộc ý chí một sự phục tùng các Bề Trên hợp pháp, khi các ngài đại diện Thiên Chúa ban lệnh hợp theo hiến pháp riêng (đ.601).

Hiến pháp riêng (constitutiones) là bản luật tối cao của tu hội tận hiến nói chung, những quy định trong hiến pháp nhằm để bảo vệ ơn gọi riêng và căn tính của mỗi tu hội cách trung thành. Hiến pháp quy định những quy tắc căn bản về việc lãnh đạo của mỗi tu hội và về kỷ luật của các thành viên, dựa trên ý định của vị sáng lập và được thẩm quyền của Giáo hội thừa nhận (x. Đ.578 và đ. 587).

Hiến pháp là bản luật tối cao của tu hội tận hiến nói chung, nên mọi thành viên phải tuân theo hiến pháp của tu hội. Nói như thế, nghĩa là bề trên phải hành xử quyền hành trong giới hạn mà hiến pháp ấn định, và bề trên cũng phải vâng lời hiến pháp như các tu sĩ khác (x.đ.662).

Trong trường hợp bề trên truyền làm điều gì ngược với hiến pháp hay đi quá hiến pháp quy định thì làm sao?

Các nhà luân lý và giáo luật đưa ra cho chúng ta những ý kiến như sau:

a/. Trong trường hợp bề trên truyền điều gì trái với hiến pháp, thì dưới khía cạnh luân lý, tu sĩ không buộc phải vâng lời; còn dưới khía cạnh pháp lý, thì luật chung hay luật riêng có dự trù những biện pháp chế tài, chẳng hạn như khiếu nại lên cấp trên để xin tiêu hủy lệnh đó. Một trường hợp mà luật chung đã dự trù về sự vô hiệu hành vi của bề trên là không chịu tham khảo ý kiến hoặc là phải được sự chấp thuận của hội đồng cố vấn trong những vấn đề mà luật buộc phải hỏi ý kiến hay sự chấp thuận của họ (x.đ.627§2).

b/. Trong trường hợp bề trên truyền điều gì vượt quá hiến pháp thì có phải tuân hay không? Một ví dụ cụ thể: Bề trên có quyền sai một tu sĩ thi hành một hành vi nguy hiểm tới tính mạng hay không (một vùng đang có bệnh dịch tễ, vùng truyền giáo xa quê hương và đang có cơn bắt đạo gay gắt...)? Câu trả lời là không: bề trên không có quyền truyền lệnh như vậy; nhưng không ai cấm bề trên gọi lòng quảng đại anh hùng của các tu sĩ (theo chú giải của cha Phan Tấn Thành q.2, tr.526).

Trong thực tế có nhiều trường hợp vì vâng lời mà người tu sĩ bị mất hết tài cán và khả năng riêng của mình, có thể hiểu là bản lĩnh của mình, chính lúc đó người tu sĩ có quyền than thở như Đức Kitô trong vườn Cây dầu (Mt.26,38-42) và trên Thánh giá (Mt.26,46), nhưng hãy coi mình có diễm phúc được đi sâu vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh với Đức Kitô, Đấng đã học bằng cách trải qua đau khổ mà biết được vâng lời là gì (Dt.5,8), Đấng đã qua sự chết để đến sự sống lại và sự sống đời đời...(Lm. Pl. Nguyễn Ngọc Thử, q.4, tr.939).

Thực ra, như chúng ta đã tìm hiểu trong phần lịch sử, vào thời đầu của đời tu trì, đối tượng của sự vâng lời là tất cả những gì mà bề trên truyền khiến. Nói khác đi, tu sĩ hứa vâng lời cá nhân bề trên, coi như thầy dạy của mình trên đường tiến đức. Nhưng dần dần, khi khía cạnh cơ chế của đời tu trở nên nặng nề, các bề trên thường là những người có tài quản trị tháo vác hơn là những bậc thầy lão luyện về đường thánh đức. Do đó, người tu sĩ đi tìm mẫu mực trọn lành nơi bản luật dòng hơn là nơi cá nhân của bề trên. Điều nhận xét nầy cũng áp dụng được trong lịch sử của mỗi dòng. Khi mới thành lập, thì các tu sĩ tùng phục cá nhân vị tổ phụ, vì bị thu hút bởi một đặc sủng mới. Nhưng trước khi qua đời, vị tổ phụ thấy cần viết lại di chúc hay luật dòng để duy trì tôn chỉ của dòng; qua việc tuân giữ bản luật ấy mà các tu sĩ trung thành với ý định của vị sáng lập. Như thế ta thấy rằng đối tượng của sự vâng lời chuyển sang bộ luật chứ không còn hướng tới cá nhân của bề trên nữa. Hay nói cách khác, tu sĩ cam kết tuân giữ luật dòng vì nhờ đó mà họ nhận thấy ý định của đấng sáng lập, còn họ chỉ vâng lời các bề trên hiện tại bao lâu các vị ấy trung thành với ý định của đấng tổ phụ. Chính vì thế, Bộ giáo luật hiện hành nhấn mạnh tới bổn phận của mỗi dòng phải trung thành bảo vệ ý định của đấng sáng lập và gia sản của dòng mình. Điều 578 dạy như sau:

Mọi người phải trung thành duy trì tư tưởng và chủ trương của các vị sáng lập liên quan đến bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của tu hội mà nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội đã thừa nhận, cũng như liên quan đến những truyền thống lành mạnh của tu hội, tất cả những điều ấy tạo thành gia sản của tu hội.

Đến đây chúng ta đã tìm hiểu xong ba lời khuyên Phúc âm. Như chúng ta đã trình bày, ba lời khuyên Phúc âm làm nên cốt cách của đời sống tận hiến. Tuy nhiên, trải qua dòng lịch sử, có thời và có dòng nhấn mạnh đến một khía cạnh này hơn khía cạnh kia, tùy theo đặc sủng của mỗi dòng. Nhưng dù sao chúng ta cũng đừng quên rằng ba lời khuyên chỉ là phương tiện giúp cho người tu sĩ (cả bề trên lẫn bề dưới) nhắm tới mục đích tối hậu: tiến tới tình yêu trọn hảo qua việc tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, phục vụ Nước trời theo gương Đức Kitô. Cho nên khi áp dụng các phương tiện chúng ta hãy nhớ đến mục tiêu tối hậu của nó để đời tu không cảm thấy khô khan, khổ sở mà là niềm vui của một đời tận hiến; một hiến lễ dâng lên Thiên Chúa Cha mỗi ngày trong cuộc đời của mình.  

Lm. Phêrô Hồ Hoàng Vũ

 

TRANG LINH MỤC

ĐÔI NÉT SUY TƯ VỀ CHỨC LINH MỤC

Linh mục là người của Thiên Chúa. Trước hết, chúng ta xác tín rằng chức Linh mục không phải là sản phẩm của nhân loại, nhưng chính Chúa Kitô thiết lập Giáo Hội và đã thiết lập chức Linh mục để thông ban ơn cứu độ cho muôn dân. Trong thực tế, mọi tôn giáo đều cần đến hàng tư tế làm trung gian giữa thần thánh và con người. Nguồn gốc chức tư tế có từ thời Cựu Ước, được Tân Ước mô phỏng và kiện toàn với Đức Giêsu, Linh mục thượng phẩm. Có thể nói Linh mục hôm nay là bản sao của Chúa Kitô (Alter Christus, Chúa Kitô thứ hai).

Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Tư Tế là người được Thiên Chúa chọn để làm việc của Thiên Chúa, đến nỗi không ai có thể dành lấy cho mình chức vụ cao trọng nầy. Như thư Do Thái quả quyết: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aharon đã được gọi”. (Dt.5, 4). Thiên Chúa đã chọn Abraham làm tổ phụ của một dân tộc, để có một dân tôn thờ Thiên Chúa : “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Stk 12, 3). Abraham dù tuổi đã cao, quyết liệt bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa: “Ông ra đi mà không biết mình đi về đâu”. Ông hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa.

Suy tư nầy thật sát với chức Linh mục của thời Tân Ước. “Không phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài đã chọn con”. “Không phải con đã yêu Ngài, mà chính Ngài đã yêu con”, để con đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Linh mục là ơn gọi nhưng không được Thiên Chúa ban tặng, một hồng ân cao quý đến nỗi một nữ văn sĩ Công giáo thế kỷ 20 đã nói: "Chức Linh mục là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho nhân loại"

Thật vậy, Linh mục là mắt xích móc nối chuổi dài quà tặng. Kinh nghiệm cho thấy, một Họ Đạo có nghèo nàn, hẻo lánh mà nếu có Linh mục được Giám mục sai tới, thì sau đó mọi sự được đổi mới: Trường học, ký túc xá, giếng nước, Nhà Thờ, được mọc lên, chưa kể đến nhưng công trình phúc lợi xã hội khác kèm theo.

Linh Mục là người cầu nguyện, người can thiệp với Thiên Chúa cho dân chúng. Là trung gian chuyển cầu ý Thiên Chúa cho dân, và của dân cho Thiên Chúa, cho nên Linh mục được gọi là nhịp cầu nối. Nói ngắn gọn, Linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn có nhiệm vụ phục vụ dân trong lãnh vực tâm linh Tôn Giáo, lãnh đạo dân tôn vinh phụng thờ Thiên Chúa, bổn phận hàng đầu là cầu nguyện và dâng thánh lễ mỗi ngày, là người quản lý ban phát các bí tích, đem lại bình an và hạnh phúc cho tâm hồn người tín hữu.

Như vậy Linh mục là người của thần khí, theo gương Chúa Giê-su Kitô: Linh mục là Chúa Ki-tô thứ hai, Sacerdos est alter Christus “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê.” (Dt 5, 6), với quyền bính cao trọng được ủy cho để phục vụ dân Thiên Chúa - thánh hóa - giảng dạy và lãnh đạo. Tuy nhiên, hồng ân cao trọng đó lại được chứa đựng trong bình sành mỏng manh và dễ bể. Bởi vì “ thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm” (Dt 5, 1) mà đã là phàm nhân thì bất toàn. Suy nghĩ nầy cho ta thấy có sự giao thoa giữa yếu tố thần thiêng và trần gian nơi con người linh mục. Một đàng thấy được, đàng khác phải có đức tin để đọc ra căn cước của Linh mục.

Cuộc đời Linh mục là sự thách đố lòng trung thành. Giữa cuộc sống đầy bất trắc và biến chuyển không ngừng, giữ được cho mình bản chất Linh mục là điều không hề đơn giản. Linh mục được kêu gọi sống trung thành với Chúa Ki-tô và Giáo Hội trong sự vâng lời. Sự chiến đấu và hy sinh không thiếu vắng trong đời bất cứ một linh mục nào, đến nỗi người ta định nghĩa Linh mục cách gọn nhẹ và sâu sắc: “Linh mục là của lễ hy tế”. Của lễ hy tế được ép thành rượu ngon, được nghiền nát thành bánh thơm để làm lễ vật dâng trên bàn thờ Thiên Chúa. Cho nên cần cảm thông và cầu nguyện nhiều cho hàng Linh mục.

Có ai hiểu được sự cô quạnh của Linh mục, sau mỗi buổi lễ đông nghẹt người, còn lại chỉ vỏn vẹn một mình Linh mục với ngôi nhà thờ vắng lặng, với ngọn đèn chầu leo lét. Nghịch lý của đời Linh mục thì nhiều lắm: Biết bao nhiêu lời cố vấn tốt đẹp được Linh mục chia sẻ cho người này người khác, nhưng đến phiên mình, Linh mục vẫn cô đơn trong quyết định của mình. Giơ tay ban phúc lành tha thứ cho biết bao tội nhân, nhưng cuối cùng mình cũng chỉ là tội nhân hèn mạt, cần được tha thứ bởi một bàn tay khác. Con người đó vốn yếu đuối và hay chết, nhưng đem lại sự sống đời đời cho biết bao nhân sinh, nâng đỡ biết bao tâm hồn tan vỡ. Làm biết bao việc đại sự cho cộng đoàn, nhưng không giữ lại gì cho riêng mình. Giơ tay chúc lành và thánh hóa các tín hữu nhưng vẫn bất toàn và phải cố gắng mỗi ngày. Hướng dẫn biết bao người trẻ đi vào hạnh phúc gia đình, nhưng Linh mục lại không bước vào.

Linh mục là ai, vẫn còn là thắc mắc cần giải mã, bởi vì nơi Linh mục có nhiều mâu thuẫn đan quyện với nhau giữa thần thánh và gian trần. Đã có nhiều định nghĩa về chức Linh mục, nhưng không định nghĩa nào chỉ ra hết ý nghĩa về chức Linh mục.

Lm. Giacôbê Hoà Bình

 

TRANG TU SĨ

KHÁT MONG

Tôi đang làm việc tại phòng thánh, nhìn ra ngoài sân thấy cảnh nô đùa của các em thiếu nhi thật rộn ràng. Tôi thầm nghĩ: ngày xưa Chúa Giêsu cũng như vậy chăng? Tôi lại nhớ về tuổi thơ của chính mình, những kỷ niệm thời thơ bé tràn về…

 

Bỗng nghe có tiếng ồn ào ở một góc sân, thì ra hai em lớp Rước lễ đang cãi nhau. Ở một cự ly không xa lắm, tôi có thể thấy vẻ cáu gắt của hai em. Tôi bước ra, nhẹ nhàng hỏi khẽ:

-        Hai con sao thế?

-        Tại bạn đó Dì! -  Hoa nhanh nhảu đáp - Con đang ngồi, bạn chạy đụng vô con mà bạn không nhận.

-        Không phải đâu Dì, tại bạn ngồi không đúng chỗ, bạn ngồi giữa đường cơ mà… - An trả lời.

-        Thôi, Dì hiểu rồi, bạn nào cũng có lỗi, nếu các con cẩn thận hơn thì không có chuyện gì rồi. Hồi sáng này, trong thánh lễ cha giảng về chuyện gì nhỉ?

-        Dạ, tha thứ ạ! Hoa nhanh nhảu đáp.

-        Thế hai con hiểu chuyện cha kể ra sao?

-        Cha bảo chúng con phải quảng đại, phải tha thứ cho nhau, đó mới giống Chúa.

-        Chúa đã tha thứ khi mình chưa xin lỗi cơ, nhưng Chúa cần con xin lỗi để con khiêm tốn hơn - Hoa nhỏ nhẹ trả lời.

-        Hai con giỏi lắm, thế bây giờ thì sao nào?

Ánh mắt hai đứa nhìn nhau. Hoa buột miệng:

-        Con không giận nữa, mình xin lỗi bạn vì mình cũng có lỗi.

-        Còn An thì sao nhỉ?

-        Dạ, con cũng thế.

Nhìn dáng vẻ của hai đứa tung tăng tiếp tục cuộc chơi, trong tôi thấy rất vui, tôi nhớ lại Lời Chúa: “Ai trở nên như trẻ nhỏ mới được vào nước trời”, thật là hay. Các em đã biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, nhờ Lời Chúa biến đổi nên môi trường sống các em nhẹ nhàng, đầy lòng mến.

Nhìn vào cách xử sự của các em, tôi cũng nhìn lại thế giới của người lớn chúng ta. Chúng ta có thể am hiểu Phúc Âm hơn các em, nhưng để sống Phúc Âm thì vẫn còn là số ít, vì lý do đó mà môi sinh văn hóa chưa được thấm tình yêu và lòng thương xót chưa được trào tràn cho nhau. Nên môi trường sống nó nặng nề, lòng người chật chội vì bao ích kỷ, toan tính. Phải chi người lớn chúng ta bớt lý lẽ để có thêm bạn bè, bớt cái tôi để mình khiêm tốn gần gũi hơn.

Làm sao chúng ta có thể dự lễ, nghe Lời Chúa dạy mà chính chúng ta bỏ qua không cho Lời Chúa tồn tại trong ta, vậy chẳng khác nào lúa không rơi vào đất tốt chăng? Vậy mảnh đất tâm hồn ta loại gì: vệ đường, sỏi đá, hay bụi gai…

Tôi luôn xin Chúa cho tất cả mọi người được quảng đại đáp trả Lời mời gọi của Phúc Âm, để Phúc Âm được sống động trong môi trường mình sinh sống. Đó không đơn thuần là sống tốt mà còn là văn hóa tình thương xót của Thiên Chúa, thể hiện cho những người mà chúng ta gặp gỡ.

Là người tu sĩ, tôi luôn xin Chúa ơn biết lấy Phúc Âm là kim chỉ nam dẫn dắt, để Lời Chúa biến đổi làm tôi hài hòa hơn với chị em mình. Ước gì mỗi người chúng ta sống dưới ánh sáng của Tin mừng, để chúng ta dành một chỗ trong tim mình cho tha nhân, để hạnh phúc thôi hết lang thang và nhờ đó môi sinh văn hóa thấm đậm tình yêu, lòng thương xót của Chúa thể hiện rõ nét hơn, để cuộc đời này đáng sống và đáng yêu hơn.

MTG Cái Nhum

 

CẢM PHỤC LÒNG TỪ TÂM

Thấy rõ nhu cầu cấp bách của việc truyền giáo cần nhiều tay thợ gặt lành nghề, nên tìm mầm non ơn gọi là mục đích của các Hội Dòng. Vào đầu tháng bảy vừa qua, khóa Tìm Hiểu Ơn Gọi được diễn ra tại Hội Dòng, hơn 200 bạn trẻ đến từ 42 họ đạo xa gần được đón tiếp. Các bạn được mời gọi “Đến mà xem”: xem Nhà Dòng, nhìn đời sống của các nữ tu, quan sát sinh hoạt của Hội Dòng, tìm hiểu Linh Đạo, mục đích của Hội Dòng... Sau 3 ngày “đến mà xem”, khi nghe được tiếng Chúa gọi mời có một số em đáp lại, xin ghi tên vào Hội Dòng sống đời tu.

Vừa thi xong Tốt nghiệp Phổ thông, bạn bè cùng lớp chuẩn bị bước vào khung trời Đại học. Nhi và Hà thích dấn thân phục vụ nên xin Cha sở đăng ký tham dự khóa Tìm Hiểu Ơn Gọi nầy. Ngày trở về các em thật phấn khởi:

-        Chào Dì Hai chúng con mới về.

-        Mừng các em đi về bình an. Thế nào! Chúa gọi “đến mà xem”, xem rồi có đứa nào ở lại với Chúa không?

-        Dạ! Hai chị em con thật lòng muốn đi tu nên đã ghi tên vào Dòng rồi! Xin Dì cầu nguyện cho chúng con.

-        Cám ơn Chúa đã thương đến họ đạo nhỏ bé nầy, lâu lắm mới có người đi tu. Đây là hồng ân cao quý Chúa dành cho họ đạo qua hai em. Dì chúc mừng chúng con.

-        Dạ! Chúng con cám ơn Dì.

-        Bây giờ hãy nói cho Dì nghe động lực nào thúc đẩy các em quyết định đi tu vậy?

-        Nhi chậm rãi nói: Con thấy nhiều điều hay nơi Nhà Dòng, nhưng ấn tượng và đánh động lòng con là mục giới thiệu Hội Dòng, khi xem đoạn phim thấy các Dì tận tình chăm sóc người cùi, lo cho người khuyết tật, đi qua những cây cầu khỉ tới tận cánh đồng xa xôi hoang vắng mà giúp đỡ người bơ vơ nghèo khổ. Thấy người bất hạnh mà được những bàn tay nhân ái của các Dì xoa dịu nỗi đau làm con thật cảm động. Con cũng muốn phục vụ những người khốn khổ nên con chọn đời tu.

-        Còn Hà thế nào?

-        Dạ! Buổi chiều ngày cuối, con được đi tham quan các nơi trong Hội Dòng. Khi dừng chân nhà các cụ Neo Đơn, con thấy các bà nằm một chỗ được hai Dì tắm rửa, ân cần đút từng muỗng cơm... Điều ấy làm con suy nghĩ... Con cảm phục lòng từ tâm của Quí Dì lo cho người kém may mắn. Con cũng muốn xoa dịu nỗi khổ của những người nầy.

Động lực thúc đẩy hai em chọn đời tu thật đáng trân trọng, nhưng phải cầu nguyện nhiều, cần ơn Chúa giúp mới làm được nha em.

Người Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin mừng trong mọi thời đại, nhưng cuộc sống hôm nay việc rao giảng Lời Chúa cần chứng nhân hơn Thầy dạy. Hành động yêu thương, sự tận tâm giúp đỡ những con người khốn khổ là làm cho môi trường sống thấm đẫm tình yêu của lòng thương xót. Kitô hữu phải là men muối và ánh sáng trong môi trường văn hóa giữa lòng xã hội hôm nay. Sự dấn thân, hy sinh, quên mình với tấm lòng vô vị lợi chỉ có nơi những con tim thấm đẫm lòng thương xót. Ước gì mỗi người chúng ta ý thức và thực hiện tốt việc nầy.

MTG Cái Mơn

 

TRANG SỐNG ƠN GỌI

VỀ NHÀ HƯU

“Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng

mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6, 32)

Sau cuộc hành trình truyền giáo, các tông đồ phấn khởi trình bày cho Ðức Giêsu những điều mình đã làm và đã dạy. Thầy Giêsu cũng thấy nét mệt mỏi nơi khuôn mặt họ và Ngài đã khuyên: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 32). Lời mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ, những người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.

Tương tự, cứ sau một năm trong Giáo Phận lại có những tu sĩ, giáo sĩ mệt mỏi vì tuổi già hay sức khỏe sau những năm mục vụ truyền giáo nơi Họ Đạo cũng cần “lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Đây là thời gian cần thiết để các ngài tịnh dưỡng cầu nguyện. Như có lần một cha già nhà dưỡng lão tâm sự: “Tôi thật sự cám ơn Chúa cho tôi có thời gian nghỉ ngơi này để cầu nguyện, đọc kinh và được hoàn toàn kết hợp với Chúa cả hồn lẫn xác, được dành toàn bộ thời gian của mình có cho Chúa. Đây đúng là thời gian hồng ân”.  Nhưng không phải tất cả đều thấy đó là hồng ân và cảm nghiệm được sự quan phòng của Chúa, cho nên khi được về hưu thì có những người cho là “bị” và cũng có nhưng nỗi buồn mà linh mục Mi Trầm có liệt kê trong bài viết “Đường Về Nhà Hưu”:

1. Buồn vì mình hết thời

Khi còn là cha xứ, dù xứ nhỏ dù xứ lớn, cha nào cũng là cha xứ, oai ra phết. Có khi anh em nói vui: “Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” – “Thà làm cha xứ nhỏ nhoi còn hơn cha phó ở nơi to đùng.” Uy quyền là cái đáng yêu. Mất quyền thì thật bi thảm. Cha nghỉ dưỡng coi như mất quyền, do đó đâm tủi…Thôi, “Gặp thời thế, thế thời phải thế”. Có buồn cũng thế thôi. Hãy vui lên.

2. Buồn vì tưởng thiên hạ như quên mình rồi

“Còn duyên kẻ đón người đưa,

Hết duyên đi sớm về trưa một mình.”

Ai mong đền ơn thì sẽ khổ. Mười người phong cùi được lành thì chỉ một người trở lại cám ơn Chúa mà thôi. Chúng ta cũng vậy thôi! Phục vụ là cho không. Mình cứ làm, Chúa trả công. Giáo dân có thể nhớ, nhưng không đến thăm vì họ bận công việc của họ. Có khi họ đang cầu nguyện cho mình. Không sao đâu. Họ vẫn nhớ, vẫn thương, nhưng không đền ơn theo kiểu chúng ta muốn. Làm tốt nhiệm vụ là được. Chuyện khác để Chúa lo liệu.

3. Buồn vì nhiều dự tính bị dang dỡ

Khi còn tại chức, cha xứ muốn làm điều nầy, điều kia, đương nhiên là vì lợi ích cho giáo dân và cũng để thỏa mãn ước vọng tuổi trẻ. Nay về đây, dù muốn cũng không còn cơ hội, vì sức đã yếu và cơ hội không còn. Cha ở đây cũng tạm gọi như thân phận của “hổ nhớ rừng.”

4. Buồn vì cô đơn

Đây là cảm giác của nhiều cha, vì không có ai ở bên, không bà con anh em…Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác. Những người làm cha mẹ cũng phàn nàn rằng mình cô đơn. Con cái ra ở riêng và ở xa, mỗi đứa một ngã, bạn đời thì không còn… cô đơn. Các cha nghỉ dưỡng còn khá hơn nhiều đấy chứ: Có các cha anh em cùng ở, có các chủng sinh giúp đỡ, có các sơ chăm lo thuốc men, ăn uống. Khá hơn các cha mẹ đấy chứ. Tôi sẽ chấp nhận hiện tại, vui với hiện tại và sinh ích dù nhỏ ngay trong cuộc sống hiện tại là nơi đang nghỉ dưỡng.

Đời người rồi cũng sẽ đến thời của nó như sách Giảng Viên có nói: “Một thời để sinh ra, một thời để chết đi” (Gv 3, 2). Thôi đừng buồn, đừng tủi làm gì…Hãy cố gắng nghĩ đến điều có thể làm tùy theo sở thích và khả năng Chúa ban.

Có thể tất cả những nỗi buồn của của “nhà hưu” làm cho chúng ta cảm thấy e sợ nhưng hãy nhớ: “ơn Thầy đủ cho con”. Mọi cái cô đơn e sợ sẽ được ơn Chúa phủ đầy. Những công việc của mình sẽ được người khác dưới sự quan phòng của Chúa tiếp nối. Vì sau một thời gian dài hơn nửa đời người hoặc cả một đời người mục vụ Họ Đạo nay rất cần một thời gian nghỉ ngơi không bị vướng bận bởi công việc mục vụ. Mà chính Đức Giám Mục hay bề trên là người thay mặt Chúa nói với chúng ta: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6, 32).

Có thể vì lòng hăng say nhiệt thành chúng ta vẫn chưa muốn nghỉ ngơi cho dù tuổi già sức yếu, nhưng với đức vâng lời chúng ta hãy học theo Phêrô không muốn nhưng vẫn nói với Chúa: “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Kết quả, Phêrô và các bạn của Ông đã kéo được đầy ắp cá. Nếu chúng ta biết vâng lời như Phêrô thì mẻ lưới trong nhà hưu cũng sẽ là một mẻ lưới đầy cá.

Xin Chúa ban ơn cho con biết chấp nhận mọi biến cố trong cuộc đời, đặc biệt là trong những lúc con cảm thấy cô đơn, buồn chán.

Gioan Lê Tiến Thiện

 

TRANG THIẾU NHI

LÒNG TỰ TRỌNG CỦA THIẾU NHI

Chiếc xe du lịch bốn chỗ vừa dừng lại trên bến phà Đình Khao. Cậu bé nhà quê chạy lại mời mua vé số. Cậu đen đủi, ít nói, chỉ biết cầm cọc vé số đưa qua đưa lại trước mặt khách. Ông khách ăn mặc sang trọng, áo bỏ trong quần, giày tây bóng loáng lắc đầu không mua, mở cửa xe bước ra, đốt điếu thuốc lá phì phà. Cậu bé không chịu đi, lầm lì chìa cọc vé số trước mặt khách. Khó chịu, ông khách nói với người tài xế đàn em đi theo: “Cho nó 20 ngàn cho nó đi cho rồi đi”. Tài xế móc túi , lấy 20 ngàn nhăn nheo, đưa cho cậu bé, nói cọc lóc: “đi đi, không mua”. Không lấy tiền, cậu bé nhìn ông khách hào phóng với ánh mắt long lanh pha lẫn sự ấm ức, nó nói trong tức tửi: “Cám ơn chú, cháu đi bán vé số chứ không phải đi xin”, rồi bỏ đi vội vàng trước sự ngỡ ngàng của những người chung quanh. Anh tài xế nói với theo: “Đồ bán vé số mà cũng bày đặt sỉ diện”. Cậu bé không trả lời thêm câu gì nữa, cậu xuống phà trước, đang tiếp tục mời khách. Nhưng những người chung quanh thầm trả lời dùm cho cậu: “Đó không phải là sỉ diện, mà là lòng tự trọng anh à”.

Một thiếu nhi cũng cần có lòng tự trọng. Chúng ta hiểu như thế nào về lòng tự trọng của một thiếu nhi?

1. LÒNG TỰ TRỌNG CỦA THIẾU NHI

Tự trọng là coi trọng phẩm cách và danh dự, khả năng của mình. Một thiếu nhi có lòng tự trọng là thiếu nhi biết ý thức về giá trị của mình, tin vào bản thân để theo đuổi ước mơ và đạt tới thành công. Thiếu nhi biết ý thức giá trị của mình khi nó cảm nhận được người khác yêu thương và chấp nhận nó.

Thiếu nhi có lòng tự trọng có những thể hiện rất tích cực. Trước mặt mọi người, em luôn sống mẫu mực, làm gương sáng cho các bạn bè khác, vì ý thức nhân cách, danh dự của mình. Ý thức khả năng của mình, thiếu nhi đó luôn giơ tay phát biểu trong những giờ lớp, đưa ra ý kiến trong những buổi học nhóm, buổi họp mặt. Trong tập thể, bạn thiếu nhi đó là người có thói quen giải quyết những vấn đề khó khăn chứ không tạo những khó khăn để người khác phải giải quyết. Câu nói trên môi miệng của những thiếu nhi tự trọng không phải là: “việc này khó quá”, hay “chắc tôi không làm được” nhưng là câu rất tích cực: “Tôi sẽ làm được”. Khi được giao công việc, những thiếu nhi biết tự trọng sẽ có tinh thần dám nghĩ dám làm và làm hết sức mình.

2. THIẾU NHI CÓ LÒNG TỰ TRỌNG KHI CẢM NHẬN ĐƯỢC CHA MẸ YÊU THƯƠNG VÀ CHẤP NHẬN

Cách giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành lòng tự trọng của thiếu nhi. Một vài cha mẹ cho rằng thương con là làm thay tất cả các việc cho con cái. Làm như vậy, cacù em sẽ không có cơ hội để nhận ra được khả năng thật sự của mình. Ít tiếp xúc với công việc nên khi bị buộc phải làm việc, các em dễ mắc phải sai lầm. Cha mẹ thường xuyên la gầy chửi mắng khi con gặp khuyết điểm thì con cái sẽ cảm thấy sự kém cỏi, thiếu tự tin mỗi khi  làm việc gì. Hơn nữa, khi bị la mắng, con cái sẽ cảm nhận nó bị xúc phạm và sẽ không nhận ra được nhân phẩm cao quý của ù cần được tôn trọng. Khi con lầm lỗi, cha mẹ luôn tha thứ và chấp nhận, để em luôn chấp nhận mình nếu em lở mắc phải sai lầm mà cố gắng phấn đấu để tốt hơn mỗi ngày. Khi con cái làm được việc gì, cha mẹ cần nên khen ngợi để động viên tinh thần. Lời khen của cha mẹ sẽ làm cho con cái lên tinh thần vì chúng thấy mình có khả năng và khả năng ấy thật sự được cha mẹ công nhận.  Để khích lệ con cái, cha mẹ cần tập cho con cái phát biểu ý kiến giữa các thành viên trong gia đình, và thường xuyên chấp nhận ý kiến, để con cảm thấy tự tin trong tập thể. Khi làm việc, khi phát biểu, dù con mình đúng hay sai, qua mỗi hành động giáo dục, cha mẹ cần cho chúng thấy tình thương và sự chấp nhận của cha mẹ. Được yêu thương và chấp nhận, con cái sẽ cảm nhận được giá trị thật sự của nó trước mặt mọi người.

3. THIẾU NHI CÓ LÒNG TỰ TRỌNG KHI CẢM NHẬN THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG VÀ CHẤP NHẬN

Tình yêu Thiên Chúa là nền tảng vững chắc mà các thiếu nhi có thể xây dựng lòng tự trọng của mình. Thánh Phêrô được Chúa yêu thương, chấp nhận dù ông ít học, phạm  tội chối Chúa. Được Chúa tin tưởng trao trọng trách, thánh nhân đã có đủ tự tin trở thành người đứng đầu Giáo Hội. Trong Tin Mừng Luca, ông Giakêu được Chúa yêu thương đến thăm nhà, Chúa chấp nhận ông,  ông đã đủ tự tin làm gương sáng về đời sống công bằng, bác ái: “Phân nữa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi có chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Bà Mađalêna, người phụ nữ tội lỗi bị mọi người khinh dễ đã được Chúa chấp nhận, đã hoàn lương thành thánh. Trên đường đi Đamas bắt bớ người kitô hữu, được Thiên Chúa chấp nhận, thánh Phaolô đã hoán cải trở thành người rao giảng Tin Mừng nhiệt thành cho Chúa Kitô…Một cách đặc biệt, các trẻ nhỏ trong Tin Mừng được Thiên Chúa đề cao trở thành mẫu mực cho người khác yêu thương và bắt chước: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tinh thần trẻ thơ, sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Lc 18,17). Chúa Giêsu đã từng khẳng định sứ vụ đến trần gian để yêu thương và phục hồi giá trị con người ,Chúa đến không phải để giết chết, mà để cứu sống. Được phục hồi, mỗi con người được Chúa mời gọi nhận ra mình là một bộ phận trong thân thể Chúa Kitô mà “Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn” (1 Cr 12,18). Những người tội lỗi, yếu đuối thì càng được Thiên Chúa chấp nhận nhiều hơn: “những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả.” (1 Cr 12, 22). Đường lối sư phạm của Thiên Chúa là nền tảng vững vàng để các kitô hữu, đặc biệt là các em thiếu nhi xây dựng lòng tự trọng của mình. Trong quá trình dạy giáo lý, các giáo lý viên và các bậc cha mẹ cố gắng chỉ cho các em thiếu nhi thấy được Thiên Chúa luôn yêu thương và chấp nhận các em trong chương trình của Ngài. Khi xây dựng lòng tự trọng trên nền tảng tình thương Thiên Chúa, các em thiếu nhi sẽ đủ bản lĩnh, đủ tự tin để hoàn thiện bản thân và tích cực dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội.

4. ÍCH LỢI CỦA NHỮNG THIẾU NHI CÓ LÒNG TỰ TRỌNG

Từ nguồn trợ lực vững chắc là sự yêu thương và chấp nhận của người lớn, và hơn hết là của Thiên Chúa, các nhà giáo dục hãy tập cho con cái mình nói câu: “Tôi sẽ làm được” với niềm tự tin mạnh mẽ vào khả năng của mình và sự phó thác vào tình thương Thiên Chúa. Một thiếu nhi được giáo dục có lòng tự trọng như vậy sẽ làm được nhiều việc ích lợi cho Giáo Hội trong tương lai: Dám chu toàn tốt bổn phận được trao phó cho em, biết yêu thương và tôn trọng người khác, nhất là những người nghèo khổ, dám nghĩ dám làm theo Lời Chúa dạy trong Tin Mừng, hy sinh đảm nhận những công việc của họ đạo trong tương lai, quãng đại đáp lại tiếng Chúa gọi dâng mình cho Chúa làm linh mục, tu sĩ, không ngại gian khổ để dấn thân truyền giáo…

Thiếu nhi có lòng tự trọng khi nhận ra mọi người yêu thương và chấp nhận, Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận. Lòng tự trọng này là nền tảng để phát triển nhân cách, xây dựng tình anh em trong cộng đoàn,  xây dựng xã hội và Giáo hội.

Lm. Phaolô Phạm Thanh Sơn

 

TRANG GIỚI TRẺ

TRÁI NGƯỢC VỚI THÀNH CÔNG LÀ GÌ?

Theo phản ứng tự nhiên nhiều người sẽ nói rằng đó là Thất Bại! Nhưng có phải trái ngược với thành công là thất bại hay không?

Thành công là khi tôi cố gắng hết mình để làm điều tôi mong muốn và cuối cùng đạt được kết quả như ý muốn? Có nhiều người dù cố gắng bao nhiêu, làm thế nào cũng không đạt được điều đó, đó là thất bại? Điều quan trọng là cả hai đã cũng cố gắng, một người may mắn hơn đã thành công và một người đã không có được sự may mắn đó.

Ngược lại với thành công theo tôi nghĩ đó là sự Bình Thường, bình thường là khi tôi không cố gắng để đạt được điều tôi mong muốn, sự bình thường ấy đến một lúc nào đó sẽ trở thành Tầm Thường… Bởi vì tôi chỉ biết trông chờ vào may mắn và vào người khác!

Nhiều người đã trầy trật mới tìm được công việc như ý và cuối cùng họ đã thành công! Có những người lại không làm được như vậy, họ nhờ cha mẹ, người thân, bạn bè lót đường cho họ và sống một cuộc đời luồn cúi dưới người khác! Có thể nói rằng, họ đã thất bại trong hành trình Làm Người.

Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng trái ngược với thành công là thất bại vì ít nhất người thất bại là người đã cố gắng để làm điều mà họ muốn. Tuy chưa hoàn thành được điều đó nhưng chắc chắn trong tương lai họ sẽ không ngừng cố gắng để thành công.

Nếu tôi chịu sống một cuộc đời bình thường, không phấn đấu, không nổ lực để đạt được điều tôi mong muốn thì tôi là người đáng thương nhất! Bởi vì tôi đã uổng phí cuộc đời cho những giá trị tầm thường của cuộc sống!

Ai cũng cần ăn uống, ai cũng cần nghỉ ngơi… Nhưng không có nghĩa cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, xe cộ là thước đo của sự thành công!

Có một số người giàu có, sang trọng nhưng với người khác họ vẫn tầm thường, chỉ vì con đường làm giàu bất chính, chà đạp lên nhân phẩm và sức khỏe của những người lao động! Như vậy, giàu có không đồng nghĩa với thành công!

Tôi hiểu thất bại và thành công là như thế. Tôi và bạn, chúng ta đã làm gì để có được điều mà chúng ta đang tìm kiếm?

Lm. Phaolô Phan Thanh Duy

***********

ĐỨC MARIA MẪU GƯƠNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Theo chu kỳ năm Phụng vụ, hằng năm những lễ về Đức Mẹ là nhiều hơn tất cả các vị thánh khác. Đặc biệt ngày 15 tháng 8 là ngày Đại lễ về Đức Mẹ. Giáo Hội long trọng mừng Đức Mẹ được ơn hồn xác về trời.

 

Đức Mẹ Maria quả là một phụ nữ và cũng là người tín hữu tuyệt vời trong kế hoạch tình thương của Thiên Chúa. Cả đời sống của Mẹ là dấu chỉ sống động của lòng thương xót. Maria là hoa trái tốt lành của song thân Gioakim và Anna.

 

Thánh Truyền cho biết hai ông bà luôn phó thác, cậy trông và tin tưởng vào Chúa. Hai ông bà đã già nua tuổi tác mà vẫn không  có con, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương, chấp nhận lời khẩn nguyện của hai ông bà và cho hai ông bà cưu mang, hạ sinh người con yêu quý là Maria. Đây là hồng ân cao cả Thiên Chúa dành cho ông bà Gioakim và Anna.

Cũng là một thôn nữ bình thường như các cô thôn nữ khác nơi vùng đất nhỏ bé Palestine nhưng cô Maria được Thiên Chúa đoái thương đến. Qua sứ thần Gabriel, Thiên Chúa mời gọi cô cộng tác vào chương trình cứu độ. Nhờ sự đáp trả tận tình của Mẹ mà kế hoạch tình thương được diễn ra trôi chảy. Ngôi Hai Thiên Chúa bắt đầu nhập thể và nhập thế từ tiếng thưa xin vâng của Mẹ.

Đón nhận tình thương từ nơi Thiên Chúa, Mẹ Maria lên đường đến với người chị họ cũng đang mang thai. Cùng lúc ấy, Mẹ đã cất lên lời ca ngợi Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa…Lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia…”.

Đức Maria không chỉ ngợi khen tình thương Chúa bằng lời nói mà Mẹ còn ca ngợi bằng cả đời sống của mình. Mẹ luôn gắn bó với Chúa qua việc chu toàn tốt bổn phận làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Dù với bổn phận này Mẹ phải cảm nếm không ít chua cay và nước mắt. Chắc hẳn một điều với mọi người Mẹ sống thật hài hoà và khiêm tốn.

Điều chính yếu của Năm Thánh Lòng Thương Xót là mỗi tín hữu cần cảm nghiệm thật sâu sắc tình thương mà Thiên Chúa dành cho mình hay gia đình mình. Để rồi từ đó, mỗi tín hữu có một quyết tâm sống với Chúa cho trọn tình con thảo và với người khác cho vẹn nghĩa anh em.

Đức Mẹ Maria là mẫu gương sống động của Lòng Thương Xót cho mọi tín hữu. Mở rộng tâm hồn đón nhận tình thương Chúa ban và mở rộng cánh tay vươn đến anh chị em hẳn là việc làm cần thiết để người tín hữu noi gương Đức Mẹ.

Lm. Micae Nguyễn Hà Thiện Tâm

 

TRANG GIA ĐÌNH

CẢM THÔNG, LO ÂU VÀ TRĂN TRỞ

Quý bạn đọc thân mến,

Mới đây, nhân một buổi sáng nọ, có dịp bắt xe khách xuôi từ Thành phố Hoa về Sài Gòn, vừa bước lên, bác tài xế đẩy tôi cái vèo xuống tận hàng ghế chót, chung băng với đôi vợ chồng trẻ và cậu con trai nhỏ.

 

Trong câu chuyện hàn huyên tâm sự suốt hành trình, anh chị này không ngớt kể lể về đứa con đáng thương của họ: Chú biết không, thằng bé nhà mình năm nay bảy tuổi, tôi giật mình, vì cứ ngỡ là cháu mới lên hai hay cao lắm lên ba thôi. Người cha nói tiếp: Từ lúc mới sinh cho đến tháng thứ năm thì em phát triển tốt, nhưng sau đó, em bị sốt liên tục, vào ra bệnh viện như cơm bữa; kết quả là thân hình cậu bé còm cõi, miệng không nói được, trông có vẻ yếu ớt, thấy mà xót xa tội nghiệp. Người mẹ còn thổ lộ rằng: Chi phí ước tính mỗi tháng gia đình chúng tôi phải tốn cho “cậu hoàng tử nhí” ấy trên dưới là mười lăm (15) triệu đồng. Mặc dù tiền mất nhưng mà bệnh tật vẫn phải mang, không biết cho đến bao giờ?

Giây phút đó, tâm trí tôi tự động bật nhanh như chiếc lò xo, chợt nghĩ ngay đến các gia đình ngày nay hầu hết là ít con theo chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình “một (1) hoặc hai (2) con” không thêm không bớt. Bỗng dưng, lòng tôi vương vấn lo âu và trăn trở.

Ôi! Cứ phải thực thi chỉ thị “ít con, khỏe mạnh, ấm no và hạnh phúc”, thì nguy hiểm quá! Vì nếu lỡ như những đứa con thuộc “hàng quý hiếm” không may mang trên mình những bệnh tật ngoài ý muốn như trường hợp mới kể, hoặc thậm chí vì một lý do nào đó khiến những “hoàng tử, công chúa” không còn hiện diện trên đời nữa, thì hẳn nhiên các gia đình vắng bóng con cái, mái nhà trở nên hiu quạnh, ảm đạm, u buồn không thể tưởng tượng nổi; bấy giờ có muốn sinh con thêm cũng chẳng được.

Bởi vậy, đứng trước thực trạng gia đình ít con mà có thể dẫn tới một số bất trắc khó lường, tôi không có ý khuyến khích các gia đình đông con, nhưng chỉ muốn nêu lên vấn đề hầu để chia sẻ. Phần quyết định, xin nhường lại cho những người làm cha làm mẹ “liệu cơm gắp mắm” sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Lm. Đôminicô Nguyễn Khắc Xuyên

 

Nếu Tôi Là Cha Mẹ, Tôi Sẽ Sống Lại

Ngày đầu tiên như vậy có lẽ là khá suôn sẻ!

Tôi giữ được thế chủ động trên “chiến trường” và còn thu về chiến lợi phẩm là một xấp giấy đầy những con chữ nhỏ xinh.

Những năm gần đây người ta vẫn nói rằng trẻ con bây giờ hư và ranh mãnh lắm, dọa dẫm tôi trước rằng kiểu gì tôi cũng bị vùi dập tả tơi ngày đầu đứng lớp. Nhưng may mắn cho tôi, hoặc là họ nói dối, lớp tôi được phân dạy lại hết sức dễ thương, các em mới 7 tuổi, tuổi của những thiên thần.

Tôi là một cô giáo tiểu học.

Rất nhiều người cười khẩy, cười nhạt, hay cười phì khi tôi nói tôi thích làm cô giáo, và thực sự thì tôi đang là một cô giáo dạy trẻ con. Tôi thấy thương hại họ, chẳng phải vì trả đũa họ dám thương hại tôi, mà bởi vì họ đã mất đi nhiều điều làm cuộc sống này có ý nghĩa. Trẻ em chẳng có tội tình gì cả, chúng là những chủ thể thật thà và sống động hơn bất cứ thứ gì trong thế giới của con người. Tờ giấy không thể tự vấy bẩn, điều đó phải do những người có năng lực làm, và đó dĩ nhiên là người lớn. Tôi không thích cái cách họ vò nhàu nhò hay tệ hơn là xé toạc một tờ giấy mà họ lỡ tay hay cố ý làm xấu, người lớn thật quá ư buồn cười. Bởi vậy tôi muốn giữ cho những tờ giấy luôn trong sáng và tường minh, hoặc lấy chút gì đó mình có để sửa sang những tờ giấy tội nghiệp bị làm tổn thương, chỉ một chút thôi cũng được.

Và tôi là một cô giáo tiểu học.

Ngay khi nhìn thấy bọn nhóc, tôi đã biết tôi bị yêu mất rồi. Mắt đứa nào cũng sáng rực lên, trong lay láy. Nghịch ngợm, nhưng còn hơn những con mắt u sầu mệt mỏi, buồn chán thất vọng, hay lươn lẹo mưu mô của những người “thống trị” các em: người lớn. Có vẻ như tôi quá ác cảm với người lớn, nhưng quả thật phải sống giữa bầy con trẻ như vậy mới biết cảm giác chòng chành giữa hai sự đối lập hoàn hảo.

Cả lớp cứ nhộn nhạo như một bầy chim cánh cụt. Buổi học đầu tiên tôi cho một đề bài mở: Tưởng tượng em chính là cha mẹ của mình, hãy viết những thứ em muốn vào một mảnh giấy, bắt đầu bằng câu “NẾU TÔI LÀ CHA MẸ…”.

Sau khi ra nghe đề bài trông chúng còn đáng yêu gấp bội. Đàn cánh cụt con đã trở thành bầy chích chòe thực sự. Tôi ngồi ngắm từng đứa một, cười ngơ ngẩn, và phải đợi mãi đến bây giờ mới được một mình ngồi xem những thiên thần của tôi viết gì trong bài kiểm tra công việc “làm cha mẹ”. Hồi hộp như thể đi tìm kho báu dưới đáy Đại Tây Dương. Và có lẽ tôi sẽ nhớ những giây phút này đến hết đời.

Tờ 1: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ mua cho con cái áo siêu nhân như của thằng Tèo nhà bên.

Tờ 2: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ cho phép con tôi đấm thằng nào dám bảo nó là “Đồ con lợn”.

Tờ 3: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ bảo bác bảo vệ đừng gọi con tôi là con Sún nữa, nó chỉ bị rụng 2 cái răng cửa thôi chứ không phải sún.

Tờ 4: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ chỉ cho nó tắm 3 ngày một lần

……

Tôi cười một mình như bệnh nhân tâm thần. Đã biết trẻ con là những chiếc gương chân thực không biết nói dối, nhưng tôi cũng không thể ngờ chúng lại quá sức ngộ nghĩnh và thực thà đến vậy. Tính hài hước kiểu trẻ con luôn là liều thuốc tinh thần quý giá hơn bất kì kiểu hài châm chọc sâu cay nào của người lớn.

Đầu tiên là những điều bọn trẻ muốn, tiếp theo lại là những điều chúng “kể tội” cha mẹ. Tôi thấy thú vị, giống như một quan tòa đang đọc cáo trạng mà lũ trẻ gửi đến để bày tỏ nỗi lòng chẳng bao giờ dám nói với cha mẹ cả.

 

Tờ 11: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không quát to khi con tôi làm vỡ cái bình, bởi vì khi tôi làm vỡ cái bình thì ông bà nội hay ông bà ngoại của con tôi đều không đến để hét vào mặt tôi “Đồ phá hoại!”

Tờ 12: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không để con tôi ở nhà một mình, nó rất sợ tiếng thạch sùng cười.

Tờ 13: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không bảo con tôi “Im để bố nghe điện thoại” khi nó nhờ làm bài tập.

. . .

Tờ 19: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không nói chuyện tiền trong lúc ăn cơm.

Tớ 20: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không tát vào má con tôi khi nó bị điểm 2 môn Toán.

Tờ 21: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không bắt con tôi phải giống thằng Hải, thằng Tuấn, cái My hay mấy đứa khác.

Tờ 22: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không phải hỏi con tôi xem nó học lớp mấy khi bác Hà hàng xóm hỏi tôi chứ không phải hỏi nó.

Tờ 23: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không uống rượu say và húc đổ bờ rào.

Tờ 24: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không cãi nhau rồi ném li xuống sàn nhà.

Tờ 25: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không “cô” “cô” “tôi” “tôi” mà phải gọi chồng là anh yêu ơi, gọi vợ là em yêu ơi.

Tờ 26: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không nhờ cô Kiến đi họp phụ huynh cho con tôi, nó không thích thế.

Tờ 27: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không tức giận khi hét vào cái tai bị điếc của ông nội nó.

. . .

Tôi tháo kính và thở dài, lòng trùng xuống. Có lẽ người lớn sẽ không bao giờ hiểu được nỗi buồn của một đứa trẻ. Họ mặc định rằng trẻ con thì có gì đâu mà phải buồn, trẻ con là những đối tượng sung sướng nhất quả đất. Điều đó đúng nếu như chúng được sống đúng là chúng, nếu như chúng không phải nhìn thái độ của cha mẹ rồi mới dám làm việc này việc kia. Người lớn rất ích kỷ khi chỉ cho phép mình được phạm lỗi còn trẻ con thì không. Nếu họ làm, đó chỉ là nhầm lẫn, nhưng nếu con cái họ mắc phải, đó là lại cái tội.

Tôi hiểu cảm giác chờ mãi mà chẳng thấy ai về, tôi hiểu cảm giác con thạch sùng kêu lên buồn rầu ở xó nhà, nhưng tôi tự tưởng tượng rằng nó đang cười. Những ngày tháng tuổi thơ cô đơn bên bức tường hắt ánh sáng đèn mờ nhạt, mỗi đêm trước khi ngủ, bà tôi thường chỉ vào bóng cây ổi ngoài vườn in lên tường, bảo rằng bố mẹ tôi đã về và ngủ đi. Khi ấy tôi đã đủ tuổi để biết đâu là thật đâu là những lời an ủi xoa dịu, nhưng tôi vẫn ngủ, trong những giấc mơ, tôi chỉ thấy tôi cười, có những giấc mơ, tôi lại chỉ thấy tôi khóc.

Trẻ em có những bài học để tập làm người lớn, nhưng như thể khuyết thiếu và bất công bằng là đặc tính của người lớn, họ không bao giờ nghĩ mình phải học để hiểu trẻ em.

Không có gì quá đặc biệt và lớn lao, tôi nghĩ trẻ em chỉ cần được yêu thương và nuôi dạy bằng trái tim là đủ, là quá đủ để tạo nên một con người.

Tôi đã từng đọc ở đâu đó một vài câu chuyện.

Một người mẹ đi làm về mệt mỏi và thấy đống bừa bộn trên sàn bếp cùng đứa con gái mặt mũi tèm lem, người mẹ chỉ giận dữ nói cô con gái dọn sạch trước khi cô ta ngủ dậy rồi đóng sầm cửa lại, mà không hề để ý thấy trên bàn là chiếc bánh kem kỉ niệm ngày cưới của vợ chồng cô. Những người cha người mẹ như thế này, họ đã đóng cánh cửa yêu thương của mình với con cái, họ không bao giờ thấy giọt nước mắt của chúng.

Lại có một bà mẹ khác, khi nghe cô giáo gọi điện báo con trai cô đi học muộn 1 giờ đồng hồ, cô rất hoang mang, nhưng vẫn bình tĩnh để hỏi lý do tại sao con trai mình làm vậy.

“Bọn sâu cứ bò hết lên mặt đường sau khi trời mưa, chúng sẽ bị đâm chết mất, nhưng chúng không muốn đi, nên con phải nhặt hết chúng trở lại rãnh”. Câu trả lời của con trai khiến cô chỉ còn biết khóc và ôm chầm lấy thiên thần bé bỏng của mình: “Mẹ yêu con!”

Đó là lý do trên thế giới này có người xấu và có người tốt, có người buồn và có người vui, có người bất hạnh và có người hạnh phúc.

Quay trở lại với tập “điều tra”, tôi không mong thấy những dòng chữ “kể tội” hay thực chất là những dòng tâm sự trách móc đầy bất lực nữa.

Tờ 33: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không làm thêm giờ tới khuya nữa. Con tôi nó đi giày cũ cũng không sao, mặc quần áo cũ cũng không sao, nó không cần đồ mới đâu, mỗi lần tôi ho là nó lại khóc.

Tờ 34: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ cho con tôi đi theo bán hàng, tôi cũng mệt lắm chứ.

Tờ 35: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ ăn nhiều đến khi nào béo, con tôi không thích người gầy.

Tờ 37: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ nói “Mẹ bị đau” khi tôi thấy đau. Con tôi biết tôi bị đau dạ dày đấy.

Tờ 38: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ đi cai nghiện!

Tôi thấy có gì nóng ấm bò trên má, tôi cũng từng ước giá như mình có cơ hội để làm đứa con lo lắng được cho cha mẹ. Tôi biết trẻ con chóng quên nhưng rất quan tâm tới những người mà chúng yêu thương. Tôi biết những tâm hồn trẻ thơ không vô tâm như người ta tưởng. Lòng trắc ẩn và tình yêu được vun vén từ những thứ nhỏ nhặt hằng ngày, trong nhà, ngoài ngõ, hay chỉ một cái cây. Nó không hề khó khăn hay phải trả bất cứ cái giá nào như khi người ta lớn. Tôi thấy nhớ cha mẹ.

Nước rơi ướt nhòe tờ giấy cuối cùng, tôi cố lau mắt và vuốt khô những dòng chữ loang màu mực. Tờ giấy nhỏ nhất với một dòng chữ ngắn ngủi cụt ngủn. Chỉ một dòng chữ thôi, khiến tôi òa khóc như một đứa trẻ: “Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ sống lại”

Tuổi thơ dữ dội ùa về như một dòng sông. Cha mẹ tôi cũng mất khi tôi mới chỉ bảy tuổi. Và tôi biết rằng, tôi cần yêu thương các em, yêu thương thêm nhiều hơn nữa, để hoa lại có thể mọc trên những mảnh đất tâm hồn khô cằn nước mắt. Yêu thương vô điều kiện.

Tôi lấy bút đỏ nắn nót viết những điểm 10 thật tròn lên từng mảnh giấy.

Và lấy cho mình một tờ giấy trắng:

“Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ là cha mẹ của những đứa con”.

Minh – Mẫn

Trích trong “Người đi bán nắng”

 

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

ĐIỀU RĂN THỨ II: DANH CHÚA LÀ THÁNH

Tên gọi là chính con người. Tặng cho ai một tên gọi xấu là tấn công người ta. Vinh danh một tên gọi là vinh danh chính người mang tên gọi đó. Đường phố, quảng trường, dinh thự mang tên của những nhân vật là để vinh danh chính những nhân vật đó.

Điều răn thứ hai dạy chúng ta tôn kính Danh của Thiên Chúa. Điều răn đó cấm chúng ta sử dụng Danh Thiên Chúa cách bất xứng dưới bất cứ hình thức nào. Nhìn rộng hơn, điều răn thứ hai còn liên quan đến sự tôn kính tất cả những gì là linh thánh (GLHTCG số 2142).

Thiên Chúa đã mặc khải Danh của Ngài, nghĩa là Ngài thông ban chính mình: “Thiên Chúa có một tên gọi. Ngài không phải là một sức mạnh vô danh. Cho biết tên gọi của mình là cho những người khác nhận biết mình, một cách nào đó là tự trao mình, để người ta có thể tiếp xúc với mình, có thể hiểu biết mình cách thân mật hơn, và thật sự có thể gọi mình cách cá vị” (số 203).

Trong Tân Ước, chúng ta thấy ý nghĩa phong phú của việc mặc khải Danh Thiên Chúa và mối hiệp thông với Ngài. Chúa Giêsu nhìn sứ vụ của Người là làm cho chúng ta nhận biết Danh của Chúa Cha: “Con đã tỏ Danh Cha cho những người mà Cha đã ban cho Con từ giữa thế gian” (Ga 17,6). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu mặc khải rằng chính Người “mang Danh thánh của Thiên Chúa” (số 211). Chính vì thế chúng ta tôn kính Danh Giêsu như tôn kính Danh thánh. Thánh Phaolô nói rằng mọi đầu gối trên trời, dưới đất, và dưới lòng đất, phải quỳ xuống khi nghe Danh thánh GIÊSU (Phil 2,10).

“Vì tôn kính sự thánh thiện của Thiên Chúa, dân Israel không gọi Danh của Ngài” (số 209). Chúng ta học được rất nhiều từ sự sợ hãi thánh thiện này, và phải cẩn trọng khi nhắc đến Danh Chúa. Nhiều người nhắc đến Danh Chúa quá dễ dàng, trong những hoàn cảnh không thích hợp (số 2155).

Đàng khác, trong Danh Chúa Giêsu, sự hiện diện của Thiên Chúa chạm đến chiều sâu tâm hồn ta. Lòng yêu mến Danh Thánh để lại dấu ấn sâu sắc trong toàn bộ lịch sử đức tin Kitô giáo. Trong kinh Kính Mừng, Danh Chúa Giêsu chiếm vị trí trung tâm (số 2676), cũng giống như trong Kinh Giêsu của Giáo Hội Đông phương (số 435).

Điều răn thứ hai cũng cấm thề gian. Thề gian là kêu cầu Thiên Chúa làm chứng cho sự dối trá. Vì thế, loại trừ thói thề gian là một bổn phận đối với Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý và là quy luật của mọi chân lý.

Bội thề là dùng lời thề để hứa một điều gì, nhưng không có ý chu toàn lời đã hứa, hoặc sau khi đã dùng lời thề để hứa, lại không giữ lời hứa. Chúa Giêsu dạy mọi lời thề đều bao hàm mối tương quan với Thiên Chúa (x. Mt 5,33-37), do đó trong mọi lời nói, phải tôn trọng sự hiện diện của Thiên Chúa và chân lý của Ngài. “Đừng thề nhân danh Đấng Tạo Hóa, cũng đừng thề nhân danh thụ tạo, trừ khi hội đủ ba điều này: ta nói lên sự thật, vì nhu cầu, và với lòng kính trọng” (Thánh Inhaxiô Loyola). 

ĐHY Christoph Schưnborn

Nguồn: hdgmvietnam.org

 

TRANG QUỚI CHỨC

CHÚNG TA LÀ ANH EM

Giết người, xúc phạm, xâm hại thân xác sức khỏe, vinh dự người khác không phải là một tội ác mới mẽ gì. Nó đã có từ thời tạo thiên lập địa, khi Cain giết em mình là Abel, rồi dần dần lan rộng đến nỗi Thiên Chúa đã phải dùng đến cách thanh lọc bằng trận đại hồng thủy. Thế nhưng tội ác ấy như đã di căn trong loài người cho nên dù đã tự hứa rằng sẽ không dùng đến hình phạt đại hồng thủy, Thiên Chúa lại phải dùng đến lửa từ trời để tiêu diệt hai thành Sôđôma và Romôra nơi mà tội ác đã đầy tràn.

Thế nhưng, dường như loài người vẫn không lấy đó làm gương mà vẫn để cho lòng thù hận, chia rẽ thống trị. Thiên Chúa đã phải mặc lấy thân phận con người, nói tiếng loài người để kêu gọi nhân loại hãy yêu mến nhau, hãy coi đồng loại là anh em. Nhưng thật quái ác, nhân loại không hề ủng hộ lời hiệu triệu của Ngài, trái lại còn làm mọi cách để tống khứ Ngài ra khỏi trần gian này. Tệ hơn nữa, họ đã hành hạ cách dã man, rồi sau đó giết chết Ngài.Và cứ thế, nhân loại luôn sống trong thù hận,chiến tranh, chém giết.

Ngày nay, từ khủng bố đã trở nên rất quen thuộc đối với chúng ta, hầu như trên tivi mỗi ngày đều đưa tin khủng bố gần như xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Số người thương vong có khi lên đến hàng trăm.

Trong nước, nếu tính trung bình thì mỗi ngày các trang báo đưa tin không dưới một vụ án giết người, chưa kể đến những vụ hành hung, gây thương tích.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, số liệu các vụ án hình sự mỗi năm một tăng. Năm 2006 là 60703 vụ, năm 2013 là 68751 vụ.

Có một điều nghịch lý là người ta càng văn minh hơn thì con người càng ít tin vào Chúa và hệ lụy của nó là tội phạm cũng nhiều hơn chứ không giảm đi cả về số lượng lẫn mức độ trầm trọng.

Câu hỏi được đặt ra là có phải nền văn minh ngày nay là nền văn minh của sự chết ?

Điều này đã được đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã đề cập đến khi ngài còn sống.

Quả không sai, bởi khi người ta không coi đồng loại là anh em thì người ta sẽ sẵn sàng hành hạ và trấn lột người khác như một tên cướp và một kẻ ác càng tinh ranh thì nó càng nguy hiểm cho xã hội. Chỉ khi nào con người biết thực hành lời Chúa Giêsu dạy, xem đồng loại là anh em thì người ta mới biết xót thương người khác để quảng đại cứu giúp như trong câu chuyên người Samaria nhân lành vậy.

Lm. Ant. Lưu Thanh Tâm

 

TRANG SỐNG ĐẸP

Vết Thương Lòng

Có vết cắt không bao giờ hồi phục

Vết thương lòng mãi nhức mông lung

(Vết thương lòng – Hồng Dương)

Trong cuộc sống bận rộn hối hả ngày nay, vết thương lòng có thể xảy đến cho tất cả mọi người. Vết thương ấy có thể bị gây ra do người ta bị lừa dối tình cảm, bị mất mát đi người thân yêu, bị xúc phạm danh dự, bị lừa lọc tiền bạc… Đôi khi, thất bại trong thi cử cũng là một vết thương lòng khó phai.

Vết thương lòng khác vết thương trên thân thể. Khi bị một vết thương trên thân thể, ta có thể bị rỉ máu, đau đớn. Nhưng sau một thời gian chữa trị, vết thương không còn chảy máu, hết đau đớn, lành dần từng lớp theo từng cấu trúc da của cơ thể, đôi khi không còn để lại sẹo. Nếu có để lại sẹo thì dù sao vết thương trên thân thể sẽ không còn đau đớn nữa, nhưng vết thương lòng thì không như vậy. Vết thương lòng là những tổn thương sâu tận cõi lòng. Vết thương này không thể chữa trị trong một hai ngày, nhưng cần nhiều tháng, nhiều năm. Thậm chí không thể nào hồi phục được nữa, ta phải mang theo vết thương ấy suốt đời. Có khi vết thương tưởng đã lành lặn, nhưng rồi bất ngờ ký ức bị tổn thương quay về, vết thương bùng phát trở lại.

Hậu quả của những vết thương lòng nếu không được chữa lành là sự hờn giận, mất niềm tin vào cuộc sống, không còn tin vào chính mình, trở nên bi quan, thậm chí dẫn đến chết. Khi niềm hy vọng và niềm tin bị đánh mất, cuộc đời của con người trở nên vô vị. Vì vậy những vết thương lòng cần được chữa lành.

Vết thương lòng chỉ được chữa lành bằng tình yêu thương. Yêu thương là phương thuốc chữa lành, là nhịp cầu bắc lại khoảng trống đã mất trong tiến trình phát triển của con người. Những lời chia sẻ, những lời động viên, thái độ chân tình trong khuyên bảo, sự đồng cảm với những người có vết thương lòng là “thuốc sát trùng” tốt nhất để vết thương lòng không bị “mưng mủ” và “thối rữa”, nhưng sẽ “lành lặn” theo năm tháng.

Tuy yêu thương là yếu tố cần thiết để chữa trị vết thương lòng nhưng liều thuốc ấy chưa đủ, việc chữa lành vết thương còn cần đến sự cộng tác của chính người bị thương. Nếu tự giam cầm bản thân trong những đau khổ, nếu để cho những vết thương lòng làm chủ tâm trạng, người ta đang tự giam cầm bản thân trong địa ngục trần gian. Những con người đó chỉ nhìn vết thương qua ánh mắt của thù hận và chán nản. Ánh mắt ấy như những con vi trùng làm cho vết thương thêm “sưng tấy” và “mưng mủ”. Những vết thương lòng của những con người nhìn bằng ánh mắt của sự thù hận và chán nản như những vết thương không đáp ứng với “thuốc sát trùng”. Mỗi ngày vết thương ấy cứ lan rộng ra, từ một vết thương nhỏ trong tâm hồn chuyển sang thành một vết thương thực thể do tự họ làm hại bản thân.

Cuộc sống của mỗi người không ai giống ai. Mỗi người có một hành trình sống rất khác nhau. Có những nỗi đau xảy đến chẳng ai có thể lường trước được. Thế nhưng, nếu ai đó bị một vết thương lòng, họ đang có trong mình cơ hội để được lớn lên, để tạo nên sự khác biệt với tất cả mọi người. Sự trưởng thành của mỗi người được định hình từng ngày qua những nỗi đau đã trải qua. Từng nỗi đau chịu dựng sẽ là cánh chim để ta có thể bay xa và bay cao trong cuộc đời nếu ta biết trân quý hơn là thù ghét vết thương lòng. Vết thương lòng gây ra đau khổ cho con người nhưng bị đau đớn bởi vết thương lòng, con người mới nhận biết tình yêu thương quý giá biết chừng nào. Khi nhìn vết thương lòng của bản thân bằng ánh mắt yêu thương, người ta mới có thể nhìn vết thương của người khác bằng ánh mắt yêu thương như thế. Từ đó, người được chữa lành có thể chữa lành vết thương lòng của người khác bằng chính kinh nghiệm sống của mình.

Mỗi người đều có thể bị những vết thương lòng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tất cả những vết thương ấy cần được chữa lành bằng sự đồng cảm yêu thương của tất cả mọi người và sự cộng tác của chính họ khi nhìn về vết thương của bản thân với ánh mắt yêu thương hơn là thù hận.

Những vết thương lòng của con người giúp tôi nhận ra thái độ sống cố gắng đừng làm tổn thương bất cứ ai nhưng đồng cảm yêu thương với tất cả mọi người, đặc biệt luôn nhìn những vết thương lòng của bản thân với ánh mắt yêu thương.

Đức Thiện SJ.

 

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Tòa Thánh Thông Báo về việc chủ tế quay mặt về hướng nào khi cử hành Thánh Lễ:

Vẫn Giữ Nguyên Quy Tắc Phụng Vụ Hiện Nay

Khi Cử Hành Thánh Lễ

WHĐ (13.07.2016) – Sau khi Đức hồng y Robert Sarah đưa ra đề nghị: trong mùa Vọng, Thánh lễ được cử hành “hướng về phía Đông” (nghĩa là: quay lưng lại cộng đoàn - ND), Toà Thánh đã đưa ra minh xác: “không có hướng dẫn mới nào” dành cho việc cử hành mùa Vọng cả, đồng thời nhắc lại những quy tắc chung của Sách lễ Roma.

Nhằm tránh việc cho rằng cử hành Thánh lễ quay lưng lại cộng đoàn là quy tắc mới, Toà Thánh vào thứ Hai 11 tháng Bảy đã công bố một minh định rất rõ: “Không có những chỉ thị mới về phụng vụ bắt đầu từ mùa Vọng tới đây”, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Toà Thánh, đã viết trong bản thông báo, đáp lại những diễn giải không đúng, theo cha, từ đề nghị của Đức hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự.

Đức hồng y Bộ trưởng Bộ Phụng tự, tại Hội nghị về phụng vụ diễn ra ở London (Anh) hôm 5 tháng Bảy, đã đề nghị các linh mục khi cử hành các phần phụng vụ hướng về Chúa thì cũng đặt mình cùng hướng với các tín hữu, nghĩa là hướng về phía Đông, “hướng về Chúa đang ngự đến” - bằng cách quay lưng lại cộng đoàn. Đức hồng y Sarah, dựa trên ý hướng của các nghị phụ công đồng Vatican II, đã đề nghị các linh mục áp dụng điều này bắt đầu từ Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, tức ngày 27 tháng Mười Một 2016. Đức hồng y đã nhận được sự ủng hộ của Đức cha Dominique Rey, giám mục giáo phận Fréjus-Toulon (Pháp), cũng tham dự Hội nghị tại London.

Cuối tuần qua, Đức hồng y Sarah đã yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô, vốn trước đó ngài không trình báo với Đức Thánh Cha về đề nghị này. Nhằm tránh bị các phương tiện truyền thông thổi phồng như thông báo “những chỉ thị mới khác với những điều được nêu ra trong quy tắc phụng vụ hiện hành”, cha Lombardi nhắc lại những quy tắc liên quan đến cử hành Phụng vụ Thánh Thể, được nêu trong Sách lễ Roma “hoàn toàn vẫn còn hiệu lực”.

 

“Bất cứ nơi nào có thể, bàn thờ đều được đặt cách tường nhằm giúp đi quanh bàn thờ được dễ dàng và tại đó cử hành quay mặt về phía dân chúng. Bàn thờ sẽ được đặt làm trung tâm, mặc nhiên quy tụ sự chú ý của toàn thể cộng đoàn tín hữu”, trích Sách lễ Roma do Đức Phaolô VI ban hành năm 1970, sau công đồng Vatican II.

Điều này, Toà Thánh nhắc lại, vẫn là thể thức “thông thường” của cử hành Thánh lễ. Còn nghi thức “ngoại thường” vốn quen thuộc với những người chủ trương truyền thống và được Đức Bênêđictô XVI cho phép qua Tự sắc ngày 7 tháng Bảy 2007 thì “không thay thế nghi thức “thông thường”. (Theo La Croix)

Thành Thi chuyển ngữ

Nguổn: hdgmvietnam.org

 

SỐNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN C

HÃY TỈNH THỨC và SẲN SÀNG

Lc 12, 35 – 40

Người ta vẫn thường nói: có ai biết được chữ “ngờ”. Nghĩa là trong cuộc sống có những cái bất ngờ xảy ra mà không ai đoán trước được. Một trong những cái bất ngờ đó vẫn xảy ra hằng ngày với thân phận con người đó là cái chết. Có những cái chết được báo trước bằng những cơn bệnh, tuổi già, nhưng rồi có những cái chết thật bất ngờ.

Có lẽ chúng ta còn nhớ sự kiện chấn động thế giới về cuộc khủng bố tại toà tháp đôi của Mỹ năm 2001. Có ai đang sống trong toà tháp đôi đó lại nghĩ rằng mình sẽ chết vào ngày 11 tháng 9 năm 2001?. Giữa lúc hơn 3.000 người đang sinh sống, đang vui chơi, đang làm việc có ai trong số này nghĩ rằng mình sẽ bị bọn khủng bố tấn công và phải chết không? Một sự kiện khác, ngày 10/04/2010 cả thế giới cũng ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của vợ chồng tổng thống Ba Lan cùng đoàn tuỳ tùng gần 200 người. Chuyến bay đã không đưa họ đến nơi dự định mà đã đưa họ về với trời cao vào lúc 11g00 trưa cùng ngày. Liệu họ có nghĩ rằng đây là chuyến đi cuối cùng của mình không?. Hằng ngày chúng ta vẫn chứng kiến hoặc đọc thấy trên báo đài những sự ra đi bất ngờ như thế. Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta sự khôn ngoan của người con Chúa là phải biết tỉnh thức và trung thành trong việc bổn phận hằng ngày. Bởi vì chúng ta không biết ngày giờ Chúa viếng thăm.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “người đầy tớ chờ đợi chủ” và dụ ngôn “tên trộm” để nói lên tính bất ngờ về ngày Chúa viếng thăm. Người đầy tớ khôn ngoan phải “tỉnh thức” để khi chủ trở về thì lo thắp đèn sáng để đón chủ vào nhà. Chúng ta có thể liên kết hai dụ ngôn này với hình ảnh người quản gia trung tín để hiểu hơn về sự chờ đợi mang tính cách tích cực. Sự chờ đợi khôn ngoan của người đầy tớ không phải là khoanh tay ngồi đó đợi chủ mà phải biết  chăm chỉ làm việc bổn phận của chủ giao phó. Sự chờ đợi tích cực là tích luỹ kho tàng không bao giờ bị hao hụt hay mối mọt phá hoại bằng những việc lành phúc đức, là “biết coi sóc kẻ ăn người ở, là biết cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc” cho những người mà ông chủ đã giao phó cho mình. Những người mà ông Chủ giao phó cho chúng ta có thể là cha mẹ, vợ chồng, con cái trong gia đình. Những người đó có thể là những người chung công ty, chung sở làm, hay những người nghèo khổ bên cạnh chúng ta. Chúng ta đừng nghĩ rằng còn lâu chúng ta mới chết, còn lâu mới tới ngày tận thế để rồi chúng ta chỉ biết sống ích kỷ cho riêng mình, mà không hề biết quan tâm chia sẻ cho những người mà Chúa trao phó cho chúng ta.

Ngày  Chủ trở về có thể là những giây phút  Chúa đến viếng thăm mỗi người chúng ta qua thánh lễ, khi chúng ta cầu nguyện, qua những con người chúng ta gặp gỡ, hay mọi biến cố vui buồn của cuộc đời.. Ngày Chủ trở về cũng có thể là ngày Chúa đến để đưa linh hồn chúng ta ra khỏi thế gian. Ngày Chủ trở về cũng có nghĩa là ngày cánh chung, ngày đó sẽ khép lại toàn bộ lịch sử của nhân loại. Chủ sẽ vui mừng khi thấy chúng ta tỉnh thức, biết chu toàn bổn phận mà chủ đã giao phó hay Chủ sẽ giận dữ thấy chúng ta đang u mê lười biếng. Chủ sẽ thưởng công hay luận phạt tuỳ theo thái độ sống của chúng ta.

Sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hãy sống giây phút hiện tại một cách tích cực. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng đợi khi nào tôi già, tôi bệnh thì tôi sẽ lo ăn năn, lo sống tốt. Chúng ta đừng mạo hiểm đánh đổi sự sống đời đời của mình với những suy nghĩ hời hợt đó. Hãy luôn cố gắng giữ cho mình luôn sống trong tình trạng ân sủng.  Hãy sử dụng thời gian một cách hợp lý. Ðừng dùng giây phút hiện tại để phạm tội. Ðừng lao vào những đam mê mù quáng. Hãy sống tích đức để mua lấy Nước Trời mai sau.

Cuộc sống bon chen hằng ngày đôi lúc làm cho chúng ta quên tỉnh thức, quên đi cùng đích cuộc đời của chúng ta là hạnh phúc Nước trời. Nhân loại hôm nay vẫn còn đó những người sống thiếu tỉnh thức bằng đời sống lười biếng và thiếu trách nhiệm trong bổn phận của mình. Vẫn còn đó những người sống ngụp lặn trong đam mê tội lỗi. Vẫn còn đó những người sống tham lam bất chính hơn là tích đức cho đời sau.

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết sống giây phút hiện tại cho thật tốt bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày với Chúa và tha nhân trong công bình và bác ái, nhờ đó khi Chúa đến, chúng ta sẵn sàng cầm đèn sáng trong tay là niềm tin và những việc lành phúc đức để chúng ta tiến bước theo Chúa về quê trời.

Lm. Philipphê Nguyễn

 

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

SỰ THẬT SẼ GIẢI THOÁT ANH EM

Lc 12, 49 - 53

Người ta nói rằng thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng, biết rằng muốn khỏi bệnh thì phải chấp nhận uống những liều thuốc đắng và muốn biết sự thật thì phải dám lắng nghe, nhưng thông thường người đời lại thích những gì ngọt ngào, dù biết nhiều khi sự ngọt ngào ấy chỉ là sự giả dối, người ta thích nghe những lời khen ngợi hơn là lắng nghe những lời phê bình góp ý thẳng thắn. Cái khuynh hướng này nó ăn sâu vào mọi người từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân, ai cũng thích được khen ngợi, và càng làm lớn, người ta lại càng thích được khen, được ca tụng, và nhiều khi những người lãnh đạo chỉ còn đi tìm những lời khen ngợi dối trá. Còn người dám nói thật nhiều khi lại bì trù dập và ghét bỏ.

Chúa Giêsu đến là để nói lên sự thật và bênh vực sự thật, Ngài chỉ cho con người con đường và giải pháp đưa đến hạnh phúc đích thật. Chúa Giêsu vẫn can đảm và đi cho đến cùng sứ mạng của mình, Ngài không tìm cách để làm vừa lòng người nghe, mà chỉ muốn làm vừa lòng Thiên Chúa, Ngài không uốn câu cho vừa miệng cá, nhưng chỉ cho mọi người biết sự thật về tình trạnh của mình và chỉ cho mọi người biết Thiên Chúa là sự thật đích thực và còn cho biết rằng: Chỉ có sư thật mới có thể giải thoát anh em, vì thế ai muốn được giải thoát thì phải sống theo sự thật. Bài Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã tỏ lộ niềm khao khát mãnh liệt của Ngài là đưa cả nhân loại này vào con đường của Thiên Chúa, con đường tình yêu, mà ngài chính là người mở đường, là người khơi lửa và cũng chính vì thế mà Ngài đã nói: Thày đã đem lửa vào thế gian và Thày những khát khao cho lửa ấy bùng cháy lên.

Ngọn lửa tình yêu và sự thật của chúa Giêsu khi đưa vào trần gian đã gặp ngay sự chống đối của thế gian và của bóng tối là ma quỷ, chúng tìm cách dập tắt ngọn lửa sự thật, chúng muốn dùng bóng tối của gian ác bất công, giả dối để che phủ ánh sáng tình yêu và công lý, và chúng còn biến nhiều người trở thành đối nghịch với Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa đã nói với các môn đệ bằng kiểu nói dân gian: Anh em tưởng Thày đến để đem hòa bình cho trái đất sao? Thày bảo cho anh em biết, không phải như thế, nhưng là đem chia rẽ. Chúa Giêsu không đem đến sự hận thù chia rẽ, Ngài đem đến tình yêu và sự hiệp nhất, tuy nhiên vì có người đón nhận và người từ chối ánh sáng chân lý của Ngài, nên đã dẫn đến sự thù nghịch chia rẽ giữa người đón nhận và từ chối, giữa người tin và không tin. Sự chia rẽ ấy tạo ra một làm ranh dứt khoát không thỏa hiệp giữa cái tốt và xấu, thật và giả dối, ánh sáng và bóng tối, tội lỗi và công chính, tha thứ và thù nghịch, và sự chia rẽ ấy có thể xảy ra ngay trong một gia đình có những người chấp nhận và có những người không chấp nhận; Con trai chống lại cha, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng với con dâu…vì có người đứng về phía ánh  sáng còn người kia lại đứng về phía bóng tối.

Chúng ta thuộc về sự thật hay thuộc về sự dối trá, thuộc về ánh sáng hay bóng tối?  Là tín hữu, chúng ta sẽ phải là người thuộc về ánh sáng, thuộc về sự thật khi chúng ta dám đón nhận sự thật và dám sống trong ánh sáng. Thuộc về sự thật, là chúng ta dám để cho Lời của Chúa mổ xẻ và trách cứ chúng ta khi chúng ta sai lỗi, thành tâm khiêm nhường đón nhận sự sửa dạy của Chúa, và tuân hành theo sự hướng dẫn của Ngài. Thuộc về ánh sáng, chúng ta phải sống như con cái sự sáng, gạt bỏ khỏi mình những hành động, lời nói mờ ám, sư tối tăm của gian dối, sự mù mờ của bất công và những hành vi ám muội.

Ở trong gia đình, mọi thành viên cũng hãy là chứng nhân cho sự thật và tình yêu, hãy làm cho ngọn lửa tình yêu và sự thật của Đức Kitô bùng cháy trong gia đình mình, hãy tiếp thêm củi thêm dầu là những việc làm ngay chính, là sự công bình và hành động nhân ái giúp cho ngọn lửa sự thật bùng cháy. Đừng chỉ lo cho ngọn lửa trong bếp được đỏ rực mỗi ngày, mà hãy làm cho ngọn lửa của tình yêu của Tin Mừng được cháy sáng và soi dẫn cho mọi thành viên trong gia đình qua những giờ kinh tối sớm, qua những bữa ăn thân thiện giữa cha mẹ và các con. Có một điều là nhiều người đã nhìn thấy những vấn đề không ổn trong đời sống gia đình nơi chính bản thân hoặc những sai lầm nơi con cái, nhưng người ta vẫn không dám chấp nhận sự thật, trái lại họ tìm nhiều cách để che đậy, tránh né, vì thể diện gia đình hay vì bênh con một cách mù quáng, mà đã trở thành tai họa cho con cái và mang đến sự bất hạnh cho gia đình.

Thư Do Thái chỉ cho chúng ta một hướng đi để đạt tới ánh sáng và chân lý đó là: hãy cởi bỏ gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Đi theo hướng này, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thật. Amen

Lm.  Phêrô Nguyễn Thanh Phong

 

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN        

HÃY VÀO QUA CỬA HẸP  

Lc 13, 22 - 30

Trong chuyện ngụ ngôn của Lafontaine có kể lại câu chuyện chạy đua của thỏ và rùa. Con thỏ rất nhanh chân, còn rùa thì bước đi không thể so bì được với ai. Thế mà kết cuộc rùa đã thắng thỏ. Rùa biết thân phận mình, nên cố hết sức, tận dụng hết khả năng của mình để vượt chặng đường qui định. Rùa vẫn biết khả năng thắng cuộc rất mong manh.

Nhưng chính sự cần cù vượt khó: vượt qua sự mệt nhọc, vượt qua khả năng giới hạn của bản thân, vượt qua sự chê cười của đối phương. Chính những cố gắng đó đã đưa rùa đến chiến thắng.

Còn thỏ, quá ỷ lại vào tài năng bản thân, nên cứ lo rong chơi thoải mái, tìm của ăn để thưởng thức. No nê rồi mà thỏ vẫn còn nhìn thấy rùa đang lê từng bước chân nặng nề chưa đi đến đâu. Thỏ mỉm cười ung dung đánh một giấc ngon lành. Khi chợt tỉnh dậy, thỏ không còn nhìn thấy rùa đâu nữa. Thỏ bèn tăng tốc, vận dụng hết khả năng mình có, khi nhìn thấy bóng dáng rùa từ xa, thì không còn kịp nữa, rùa đã đến nơi. Thỏ đành ôm hận mà quay trở về với thất bại.

Có tài năng, nhưng quá ỷ lại, không biết vận dụng, không biết cố gắng, thì cũng trở nên vô dụng. Còn biết cố gắng vượt khó, sẽ thành công.

Chúa Giêsu bảo các môn đệ và những người thời bấy giờ: "Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp". Ngài bảo thế và Ngài đã làm gương. Ngài đã đi qua cửa hẹp của con đường Thập Giá. Ngài đã đi qua cửa hẹp của sự vâng phục, vâng phục đến hy sinh mạng sống. Ngài đã đi qua cửa hẹp của sự nhục nhã, bị người đời khinh chê. Ngài đã vượt qua tất cả và đã chiến thắng để đem sự sống đến cho con người. Vì yêu thương mà Ngài đã kiên trì vượt qua những khó khăn trở ngại để chiến thắng. Mặc dù là Con Thiên Chúa, Ngài không ỷ lại, không tự hào, nhưng với tất cả sự khiêm nhường và nhẫn nhục, mang lại chiến thắng, chứng tỏ tình yêu thương của Ngài. Chính vì thế Ngài kêu gọi mọi người đi trên con đường chiến thắng đó .

Trong mọi thời đại loài người luôn đi tìm con đường sự sống. Biết bao người đã nhìn thấy được con đường nhưng họ vẫn đi tìm, vì con đường mà họ hìn thấy không đúng như họ mong muốn, nên họ cứ mãi đi tìm, để rối đành ôm nỗi hận trong sự thất bại. Rất nhiều người không muốn đi trên con đường mà họ đã có được chiếc chìa khóa trên tay, họ không muốn mở cửa con đường, vì họ không muốn bước vào: nó chật hẹp quá, nó khó khăn quá và nhiều lúc không biết con đường đi đến đâu mới đạt được mục đích. Chiếc chìa khóa họ có trong tay trở nên vô dụng, vì không giúp gì được cho họ. Họ cũng đành ôm nỗi thất bại trong cuộc đua về đích.

Chúng ta, những người của thời đại mới, Chúa Giêsu cũng trao cho mỗi người chiếc chìa khóa của con đường sự sống: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp". Chúng ta đã nghe, đã biết rất nhiều. Chúng ta biết rất rõ con đường dẫn đến sự sống là con đường như thế nào. Nhưng chúng ta dể mang tâm trạng của con thỏ trong cuộc đua với rùa.

Trước tiên vì quá ỷ lại vào sức khỏe. Chúng ta ngỡ rằng thời gian còn dài, nên cứ mặc tình tìm sự hưởng thụ cho thân xác mà một ngày kia nó sẽ bị tiêu hao, vậy mà nó vẫn được phục vụ hết sức chu đáo, nhiều khi quá mức cần thiết, để rồi bất chấp tất cả, bất chấp cả tiếng nói của lương tâm ngay chính, bất chấp cả tiếng nói của con tim yêu thương, bất chấp cả tiếng kêu than của sự bất công mà chúng ta đã gây nên.

Chúng ta cũng ngỡ rằng, mình làm một số việc mà mình cho là đạo đức, những việc đó bảo đảm an toàn cho sự sống vĩnh cửu. Chính vì thế chúng ta cứ cho con người mình thoải mái trong lời nói, trong suy tư, trong những toan tính, và trong cách đối xử với người khác. Coi chừng chính những gì chúng ta ngỡ là đạo đức theo như mình muốn. Những gì chúng ta cho là bảo đảm, nó sẽ phản bội chúng ta. Giống như tài năng chạy nhanh của con thỏ đã phản bội nó vì sự ỷ lại và khinh dể kẻ khác. Không lẽ cuối cùng chúng ta sẽ lãnh nhận một câu nói phủ phàn :" Ta không biết các ngươi từ đâu tới".

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết tìm đúng con đường đi đến sự sống và can đảm bước đi cho đến cùng.

Lm. Gioan Lê Tiến Thiện

 

CHÚA NHẬT XXII THUONG NIEN C

KHIÊM TỐN

Lc  14, 1.7- 14

Chúng ta biết rằng từ bụi đất chúng ta được dựng nên và rồi chúng ta sẽ trở về với đất bụi. Cho nên xét cho cùng bản thân chúng ta không có gì đáng để vênh vang, kênh kệu. Chẳng qua chúng ta được Chúa dủ tình thương mà ban cho muôn vàn ơn này nọ thôi. Chứ “con người có là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”. Do đó, chúng ta phải biết khiêm tốn, phải biết hạ mình để được Chúa thương. Đó là bài học mà Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay.

Từ sách Huấn ca: “con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Ðức Chúa. Ðừng tìm những gì khó quá đối với con. Những điều vượt sức con, con đừng xét tới" (Hc 3,17-21), nhà hiền triết dạy phải hạ mình, đừng đòi hỏi, mơ mộng những chuyện cao xa mà mình không có khả năng thực hiện. Đừng cố tìm chỗ trổi vượt hơn người khác. Điều đó hãy để Chúa ban cho.

Tân Ước, Đức Giêsu tô đậm nét thêm cho đức tính nền tảng này qua việc đưa ra một thí dụ cụ thể. Đi ăn đám cưới thì xuống chỗ cuối cùng mà ngồi. Đừng cho mình sang cả, danh giá rồi nhảy tót lên ghế nhất mà ngồi. Nhắm mắt, nhắm mũi nhảy vô cho ra oai, cho mình là khách VIP để chút nữa người ta mời ra thì thật là bẻ mặt. Thật ra, giá trị của chúng ta không ở chỗ ngồi. Đức Giáo Hoàng đi xe bus vẫn là Đức Giáo Hoàng. Tên sát thủ đi máy bay vẫn là kẻ giết người. Quan trọng là tài năng và đức độ. Chức vị cho to, ngồi ghế cho cao mà trong lòng rỗng tuyếch thì cũng như không. Chi bằng, nhận ra giá trị thật của minh, đừng vượt quá cái giới hạn của mình chính là cái khiêm tốn của người khôn ngoan vậy. Như vậy, khiêm tốn là nhìn nhận đúng đắn về chính mình.

Ở đây, không phải là chúng ta nhu nhược, sợ sệt, nhát đảm hay đánh giá thấp, xem thường mình, nhưng thành thật trong khi nhận xét về mình. Chúng ta không tưởng tượng sai lầm và phóng đại về mình, nhưng biết đánh giá mình cho đúng mức. Mình như thế nào thì mình công nhận mình như thế ấy. Lời dạy của St. Paul: “Đừng đi quá những gì mình có”.

Vậy, sống khiêm tốn thì được cái gì?

1. Được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm tốn (Kn 3,34; G 22,29). Bởi có thứ gì đáng ghét hơn là kiểu tôi trông cậy vào tôi vì tôi hành động vì tôi. Theo St. Paul, Thiên Chúa yêu người khiêm tốn, vì họ ở trong sự thật. “Ngài yêu thích tâm hồn chân thật” (Tv 50/51). Sách Huấn Ca khuyên rõ: “càng hạ mình con càng đẹp lòng Thiên Chúa”.  Vâng, vì chỉ người khiêm tốn mới có thể biết và nhận ân sủng của Ngài. Vì mình cứ nghĩ mình đã tốt 100% thì mình dễ rơi vào thói tự cao, kiêu ngạo và không còn biết cậy dựa vào Chúa nữa. Người khiêm tốn được Chúa yêu thương, cứu  giúp. Vì hạ mình xuống, nhỏ bé, dễ thương thì Thiên Chúa sẽ nâng chúng ta lên. Như Đức Mẹ, Chúa đã làm những điều vĩ đại nơi Mẹ. Và chính Đức Maria cũng đã thốt lên: “Chúa dẹp phường lòng trí kêu căng, đề cao kẻ khiêm nhường”.

2. Khi sống khiêm nhường cta trở thành những người đại lượng. Vì chúng ta không đua chen để mưu cầu danh lợi. Không chạy trốn khó khăn, không mừng vì thấy điều dữ, cũng không quá háo hức trước vinh quang. Nhưng bình tâm đón nhận may rủi của cuộc đời như một quà tặng. Chúng ta sẽ là những người đơn giản. Chúng ta sẽ hành động không để đợi vinh dự, để chờ đáp ơn. Chùng ta sẽ hoạt động để cho chứ không phải để nhận nữa.

 Bài học: Khiêm tốn là sống theo sự thật của con người mình.

Chúng ta đừng sống như những thứ đồ dỏm, hàng fake, không có khả năng gì, chỉ lơ quơ dăm ba chút võ mèo cũng múa may như rồng, như cọp để nổ tanh bành cho sướng cái miệng. Chính cái tật hay “nổ” sẽ làm mình mất uy tín. Chúng ta không dùng những thứ vinh quang ảo đó để gạt người, dối mình. Để đánh mất giá trị của mình. Mặt khác, cũng đừng khuyếch trương danh tánh, tài năng cốt để cho người ta biết, để được ca ngợi, để trở thành có giá trước mặt người khác. Cái thứ vinh quang hời hợt đó cũng chỉ tồn tại được vài trống canh thôi. Vì tự khiêm người ta phục, khoe khoang người ta khinh đã là quy luật rồi.

Chúng ta là con Chúa, chúng ta sống theo những đức tính tốt Chúa đã ban cho mình. Chúa cũng cho chúng ta thời gian, sức khoẻ, trí khôn để học tập trau dồi thêm nhân đức. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng để sống cho thành thật, cho dễ thương. Không phải để chúng ta tranh dành cho được chỗ tốt hơn người khác nhưng để tự bản thân mình được trở nên người tốt, hữu ích.

Lm.  Phêrô Nguyễn Minh Thái

 

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN     

LỰA CHỌN        

Lc 14, 25 - 33

Có một cố gái người nước Bỉ, tên là Odette sinh ra trong một gia đình qúy tộc, thánh thiện và rất xinh đẹp. Năm 17 tuổi, cô đã quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng cha mẹ cô đã bắt trở về. Từ lâu ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.

Mọi người đã âm thầm chuẩn bị lễ cưới cho cô, các thiệp mời đều được kín đáo gởi đi. Nhưng vì lòng đã quyết đi tu dâng mình cho Chúa, khi đến phần giao ước, Odette đã dõng dạc tuyên bố: “con không chấp nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng, bởi vì tình yêu và đức tin con đã hiến dâng cho Thiên Chúa từ lâu”. Hơn nữa, sáng hôm sau, cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp của mình, nhằm hủy họai sắc đẹp của mình để không còn ai cấm cô đi tu nữa.

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng lúc mới 23 tuổi.

Hành động của Odette chắc chắn có nhiều người chê cười, cho rằng cô quá khờ, hoặc là một con người “thần kinh” không biết cách lựa chọn, một tương lai sáng lạng lại đi từ bỏ, một nhan sắc xinh đẹp mà hy sinh nó một cách không hề hối tiếc để rồi chấp nhận một cuộc sống âm thầm trong tu viện giữa bốn bức tường thầm lặng. Thật là một sự lựa chọn ngước đời. Nhưng sự lựa chọn này làm cho người ta còn có thể dễ chấp nhận hơn khi Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đã nói: “Nếu ai đến với ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ ta”. Nếu so sánh hai cách lựa chọn, một bên là gia đình và người thân của Odette, còn một bên là cách lựa chọn của Odette. Ta thấy cả hai cách lựa chọn đều có suy nghĩ, có sự tính tóan. Nhưng một bên lại là sự khôn ngoan của người đời, mà tạm thời tôi đặt cho đó là sự lựa chọn gần. Còn một bên là sự khôn ngoan của Thiên Chúa vì biết sống theo lời dạy của Đức Giêsu. Mà tôi gọi là sự lựa chọn xa. Lựa chọn gần, hay xa là điều rất quan trọng và ảnh hưởng không chỉ cuộc sống đời này, mà nó còn quyết định cho cả đời sống mai sau.

1. Lựa chọn gần

Đó là cách lựa chọn của Phêrô khi ngăn cản con đường thập giá của Đức Giêsu, cho nên Đức Giêsu đã trách ông: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của lòai người” (Mt 16,23). Cách lựa chọn của Phêrô được xem là một cách lựa chọn gần, vì ông chỉ nhìn thấy cuộc sống ngay ở hiện tại mà không hề thấy được cuộc sống mai sau mà mỗi người cần đạt được, chỉ phóng một tầm nhìn hạn hẹp mà không biết nhìn xa hơn. Chỉ biết hiện tại mà không hề biết đến tương lai. Chính vì thế mà Đức Giêsu mới khuyên mỗi người chúng ta phải biết từ bỏ những cái tạm bợ để lựa chọn cái bền vững. Khi Đức Giêsu nói “từ bỏ” ở đây không có nghĩa dạy chúng ta sống bất hiếu, nhưng là biết rõ bậc thang giá trị, giữa cái phù vân và cái muôn đời, giữa tình cảm người đời chóng qua với tình yêu Thiên Chúa vĩnh cữu. Vì thế, Đức Giêsu luốn muốn chúng ta phải biết bậc thang giá trị trong lực chọn của mình, biết chọn Thiên Chúa hơn là gia đình. Hơn nữa, trong mười điều răn Đức Chúa Trời điều thứ nhất là “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”. Nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn thường hay làm ngược lại, chỉ chọn Chúa khi không còn gì để chọn, chỉ đến với Chúa khi có thời gian rảnh. Nhất là không dám làm phiền lòng người khác mà chấp nhận đi dự tiệc để rồi lại bỏ lễ ngày Chúa Nhật mà không còn thấy bứt rứt lương tâm nữa…. tiếng Chúa bây giờ không còn là lựa chọn tối ưu mà là tiếng của tình cảm, của con người chóng qua, tiếng của vật chất đã đựơc thần thánh hóa hơn cả tiếng của Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy xem lại coi mình còn xứng đáng với Chúa không ?

2. Lựa chọn xa

Lựa chọn xa, là cách lựa chọn mà rất ít người nhìn thấy, hoặc thấy nhưng vì con luyến tiếc mà xem như không thấy nghĩa là “có mắt như mù”. Còn số khác thì không chịu thấy vì cho là xa vời, mơ hồ. Trong trường hợp lựa chọn của Odette được xem như là một sự lựa chọn xa. Ban đầu dưới con mắt người đời hành động của cô được xem như là điên rồ, nhưng thật ra đó là một hành động khôn ngoan, một sự lựa chọn tuyệt vời, một bằng chứng hùng hồn nhất về niềm tin và tình yêu đối với Đức Kitô, và để trung thành với tình yêu cao cả đó cô đã sẵn sàng hy sinh tất cả: Cha mẹ, tiền tài, danh vọng, chức quyền, sắc đẹp và chính đời sống của cô.

Thật vậy, cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, nó đã dệt lên thành đời sống riêng của mỗi người. Đối với người Kitô chọn lựa là đáp lại tiếng Chúa đang vang lên trong lòng mình từng giây phút trong cuộc sống. Chúng ta không những chỉ chọn lựa cho mình mà còn phải biết hướng dẫn cho người khác chọn lựa, nhất là cho con cái hướng dẫn cho chúng sẵn sàng hy sinh dâng mình cho Chúa và không ngăn cản nếu chúng muốn. Dù rằng không phải đi tu mới là chọn Chúa, nhưng tất cả mọi người chúng ta đều đang được tự do chọn Chúa ngay trong bậc sống của mình. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có xem Chúa là trên hết mọi sự chưa, chúng ta có xứng đáng là môn đệ Chúa chưa đó là một điều chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống thanh thóat với tình cảm, danh vọng và vật chất ở đời này để chọn Chúa là đích điểm tuyệt đối của đời con. Amen

Lm Carôlô Đặng Đăng Nguyên

 

THẦN HỌC KINH THÁNH

Bữa Tối Của Chúa Và Cuộc Xử Án Đức Giêsu

 Hằng năm vào Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta cử hành thánh lễ Tiệc Ly để tưởng niệm việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, rửa chân cho các môn đệ và trối lại cho chúng ta giới luật yêu thương.

 

Thực ra, Đức Giêsu đã dùng bữa tối cuối cùng với các môn đệ vào lúc nào? Để hiểu rõ vấn đề, tưởng cũng nên nói đến niên lịch của người Do-thái. Trong khi ngày mới của chúng ta bắt đầu vào lúc nửa đêm thì người Do-thái lại bắt đầu ngày mới vào khoảng 5 giờ chiều hôm trước. Dấu tích của tập tục này còn lưu lại trong phụng vụ Kitô giáo ngày nay (Kinh Chiều I, lễ vọng các đại lễ, thánh lễ Chúa nhật cử hành vào chiều thứ Bảy).      

Theo Tin Mừng Gioan thì Lễ Vượt Qua năm ấy rơi vào ngày thứ Bảy (x. Ga 19,31) và vì thế người ta ăn Chiên Vượt Qua vào chiều hôm trước, tức là thứ Sáu.      

Vẫn theo Gioan, vì Đức Giêsu sẽ chịu chết vào chiều thứ Sáu, và không thể ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ vào đúng ngày được, nên Người đã cử hành sớm hơn một ngày, vào chiều thứ Năm. Vì thế Gioan đã cho biết rằng Đức Giêsu đã dùng bữa tối với các môn đệ “trước Lễ Vượt Qua” (Ga 13,1), và theo truyền thống này, chúng ta vẫn cử hành thánh lễ Tiệc Ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh.

Tuy đồng thuận với Gioan về biến cố Đức Giêsu chịu chết vào chiều thứ Sáu (x. Mt 27,62; Mc 15,42; Lc 23,54) nhưng các tác giả Nhất Lãm lại khẳng định rằng Đức Giêsu đã dùng bữa tối cuối cùng với các môn đệ khi Lễ Vượt Qua đã đến.    

Tin Mừng Nhất Lãm nói gì?   

Thật vậy, cả Máccô và Mátthêu đều tường thuật rằng Đức Giêsu và các môn đệ đã dùng bữa tiệc ly vào “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế Chiên Vượt Qua” (Mc 14,12; x. Mt 26,17). Và Luca còn nói rõ hơn về thời điểm của bữa tiệc ly, từ các sự kiện trước đó như “Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là Lễ Vượt Qua đã đến gần” (Lc 22,1), cho đến khâu chuẩn bị như “Đã đến ngày Lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế Chiên Vượt Qua, Đức Giêsu sai ông Phêrô với ông Gioan đi” dọn bữa tiệc ly (Lc 22,7), rồi cả về thời khắc dùng bữa: “Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn cùng với các tông đồ” (Lc 22,14).          

Như vậy, theo các tác giả Nhất Lãm, Đức Giêsu đã dùng bữa tối cuối cùng khi đã là Lễ Vượt Qua, sau đó Người bị bắt, chịu đóng đinh và chết vào chính ngày đại lễ.  

Giải pháp Qumran        

Trải qua nhiều thế kỷ, các học giả tìm cách dung hoà sự khác biệt giữa ghi nhận của các tác giả Nhất Lãm cho rằng Đức Giêsu đã dùng bữa tối cuối cùng vào chính ngày Lễ Vượt Qua (ở đây hiểu là thứ Sáu), với ghi nhận của Gioan cho rằng vào ngày hôm trước (thứ Năm), nhưng xem ra không có giải pháp nào hoàn toàn thuyết phục.       

Mãi cho đến năm 1947, các văn bản Qumran được khám phá và mang lại một giải pháp mới cho vấn đề. Người có công đầu trong việc này là nữ học giả người Pháp Annie Jaubert [1].   

Tưởng cũng nên nói qua xem các văn bản Qumran là gì. Đó là các bản chép tay thuộc về một thư viện cổ hồi thế kỷ I trước Công nguyên của một cộng đoàn Do-thái giáo gọi là Nhóm Essêni. Trong các tài liệu tìm thấy, Sách Các Năm Toàn Xá, người ta sử dụng không phải chỉ một mà là hai loại niên lịch khác nhau. Loại thứ nhất là dương lịch dựa vào chu kỳ chuyển động của mặt trời, theo đó một năm có 364 ngày, đúng 52 tuần và các tháng được phân chia sao cho các đại lễ đều rơi vào thứ Tư. Vì thế, lễ mừng Năm Mới (Rosh Hashana) cũng như Lễ Lều (Sukkoth) và Lễ Vượt Qua (Peshah) đều rơi vào thứ Tư.  

Nhưng tại sao loại lịch này lại đặt ngày đầu Năm Mới vào thứ Tư? Thưa bởi vì theo sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, thì vào ngày thứ Tư, Người đã dựng nên mặt trời, mặt trăng và các tinh tú mà khởi đi từ đó dòng thời gian đã bắt đầu.          

Thay đổi niên lịch         

Loại dương lịch nói trên đã được người Do-thái sử dụng qua nhiều thế kỷ. Thực vậy, trong Cựu Ước, nếu căn cứ vào các ngày tháng biên niên sử, chúng ta có thể nhận thấy rằng Lễ Vượt Qua cũng như các đại lễ khác đều rơi vào ngày thứ Tư.

Vào khoảng năm 200 trước Công nguyên, các tư tế tại Giêrusalem đã quyết định thay đổi niên lịch và đưa vào sử dụng một loại lịch mới dựa trên sự kết hợp giữa 2 chu kỳ chuyển động của mặt trời và mặt trăng, gọi là Nhật-Nguyệt lịch. Loại lịch này chuẩn xác hơn lịch cũ, theo đó một năm có 365 ngày và các đại lễ có thể rơi vào bất kỳ ngày nào trong tuần.         

Loại lịch mới này dần dần đi vào đời sống thường nhật của người Do-thái, tuy nhiên để thay thế hoàn toàn loại lịch cũ thì cần phải trải qua một thời gian dài. Điều này giải thích tại sao sau đó cả 2 thế kỷ, vào thời Đức Giêsu, mà một phần lớn dân chúng vẫn còn sử dụng lịch cũ và cử hành các đại lễ theo những ngày tháng cũ. Nhóm Essêni tại Qumran thuộc vào những người từ chối sử dụng lịch mới vì cho rằng như thế là phạm đến tính bất di bất dịch của Luật Môsê.     

Nhóm Essêni vẫn tuân giữ nghiêm nhặt lịch cũ, như thấy ghi lại trong Kỷ Luật Cộng Đoàn (Manual of Discipline): “ Đừng đi trệch những gì Lời Thiên Chúa đã dạy về các thời khắc. Đừng dời các ngày tháng sớm lên và dịch chuyển các ngày lễ”.

Cả hai đều có lý  

Vào thời Đức Giêsu, cả hai loại lịch cùng lưu hành: Lịch cũ thì phổ biến nơi dân chúng, theo đó thì bữa tiệc Vượt Qua luôn rơi vào thứ Tư (tức là chiều thứ Ba của chúng ta ngày nay); còn lịch mới thì được giới tư tế chính thức và giới thượng lưu sử dụng, theo đó Lễ Vượt Qua có thể rơi vào bất kỳ ngày nào trong tuần. Lễ Vượt Qua của năm mà Đức Giêsu chịu chết rơi vào đúng ngày thứ Bảy.        

Như vậy, nếu Đức Giêsu đã ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ theo lịch cũ, tức là vào chiều thứ Ba là ngày mà dân chúng bắt đầu cử hành Lễ Vượt Qua thì sự dị biệt giữa các sách Tin Mừng về vấn đề này coi như được giải quyết xong. Thật thế, nếu Đức Giêsu đã ăn bữa tối cuối cùng vào chiều thứ Ba thì Tin Mừng Nhất Lãm có quyền khẳng định rằng Người đã cử hành bữa Tiệc Ly “vào chính ngày Lễ Vượt Qua” theo như lịch cũ. Trái lại, Gioan lại nói rằng Đức Giêsu đã cử hành bữa Tiệc Ly “trước Lễ Vượt Qua” theo niên lịch chính thức. Như thế cả hai đều có lý.

Toà án Do-thái bất hợp lệ?    

Giả thuyết mới nêu trên đã được hầu hết các học giả chấp nhận mà theo đó Đức Giêsu đã chịu chết vào thứ Sáu như các sách Tin Mừng đã xác nhận, nhưng trước đó Người đã ăn bữa tối cuối cùng vào chiều thứ Ba. Giả thuyết này không chỉ giải thích sự dị biệt trong các trình thuật về bữa Tiệc Ly mà còn giải quyết cả những vấn đề khác nữa.  

Vấn đề thứ nhất là khoảng thời gian của cuộc thương khó xem ra quá ngắn. Thật vậy, nếu bữa Tiệc Ly diễn ra vào thứ Năm và cuộc đóng đinh vào trưa thứ Sáu thì tất cả các sự kiện của cuộc thương khó chỉ diễn ra trong vòng 18 giờ.     

Chúng ta biết rằng sau khi bị bắt tại vườn Cây Dầu, Đức Giêsu bị điệu tới nhà thượng tế Khanan nơi diễn ra cuộc thẩm vấn lần thứ nhất (x. Ga 18,19-23), rồi Người lại bị dẫn đến nhà thượng tế Caipha (x. Ga 18,24), nơi họp Thượng Hội Đồng, một thứ toà thượng thẩm, quy tụ tất cả các thượng tế, kỳ mục và luật sĩ (x. Mc 14,53). Trong phiên xử khuya khoắt này người ta cố tìm các chứng cớ buộc tội Đức Giêsu, nhưng sự việc xem ra không đơn giản bởi vì các chứng cớ lại không ăn khớp với nhau (x. Mc 14,55-59). Sau đó Đức Giêsu còn bị sỉ nhục, khạc nhổ, chế nhạo và đánh đập (x. Mc 14,65). Rạng sáng hôm sau, Thượng Hội Đồng tái nhóm với 71 thành viên (x. Mc 15,1) và quyết định xử tử Đức Giêsu.    

Người La Mã xét xử      

Nhưng vấn đề chưa kết thúc tại toà án Do-thái. Sau phiên toà tôn giáo, người ta lại điệu Đức Giêsu tới tổng trấn Philatô (x. Lc 23,1). Tiến trình này chắc chắn phải kéo dài. Trước hết, phải có cuộc họp giữa các thủ lãnh Do-thái với quan tổng trấn để đệ trình các cáo buộc. Tiếp đến là cuộc thẩm vấn riêng giữa Philatô và Đức Giêsu, rồi ông này tuyên bố Đức Giêsu vô tội, rồi người Do-thái lại nêu ra những chứng cứ mới tố cáo Đức Giêsu.

Để phủi tay trong vụ án Đức Giêsu, người mà Philatô cho là vô tội, ông đã giao nộp Người cho nhà cầm quyền xứ Galilê là Hêrôđê Antipa vì Đức Giêsu là người Galilê nên thuộc thẩm quyền của vua này (x. Lc 23,7). Cuộc thẩm vấn này hẳn cũng đòi nhiều thời gian bởi vì Tin Mừng thuật lại rằng “nhà vua đã hỏi Người nhiều điều” (Lc 23,9). Cuối cùng Hêrôđê lại trả Đức Giêsu về cho Philatô (x. Lc 23,11).    

Philatô lại triệu tập các thượng tế, quan toà và dân chúng. Sau khi đối thoại với Đức Giêsu một lần nữa, ông quyết định trao số phận của Người vào tay dân Do-thái khi cho họ cái quyền lựa chọn tha Baraba hay tha Giêsu. Thêm vào đó, vợ quan Philatô còn sai người đến nói với ông rằng đứng kết án Đức Giêsu vì đêm hôm đó, trong chiêm bao, bà đã bị ám ảnh khổ sở vì cuộc xét xử này. Trước áp lực của dân chúng, Philatô đã tha Baraba (x. Mt 27,11-26). Các sự kiện tiếp theo là đánh đòn, đội mão gai, nỗ lực cuối cùng của Philatô nhằm giải cứu Đức Giêsu, và cuối cùng là bản án và hành trình nhọc nhằn tới Núi Sọ (x. Mt 27,27-31).      

Tất cả chỉ diễn ra từ đêm thứ Năm đến trưa thứ Sáu (?).        

Một thời biểu khác        

Tất cả các sự kiện liên quan đến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu không thể diễn ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế được. Trái lại, sẽ hợp lý hơn khi mà thời điểm diễn ra bữa tối cuối cùng được dời lên sớm hơn:         

Thứ Ba: Đức Giêsu ăn tiệc Vượt Qua vào buổi chiều, rồi Người bị bắt và điệu đến nhà thượng tế.  

Thứ Tư: Ban sáng, Thượng Hội Đồng nhóm họp để nghe các cáo buộc. Đức Giêsu bị giam qua đêm.    

Thứ Năm: Vào buổi sáng, Thượng Hội Đồng lại nghị án và quyết định tử hình Đức Giêsu, rồi điệu Người tới Philatô. Philatô thẩm vấn rồi giao nộp Đức Giêsu cho Hêrôđê. Đức Giêsu lại bị giam qua đêm.      

Thứ Sáu : Philatô thẩm vấn lần thứ hai, cho đánh đòn, đội mão gai, tuyên án và cho dẫn đi đóng đinh vào thập giá. Khoảng 3 giờ chiều, Đức Giêsu chết trên thập giá.   

Án lệ do luật định         

Giả thuyết mới nói trên đã mang lại bước tiến đáng kể trong việc giải thích các sự kiện. Theo sách Mishna, một thứ sách thánh của người Do-thái, thu thập các chú giải Luật Cựu Ước, chúng ta có thể biết về những điều vi luật nếu có trong vụ án Đức Giêsu: “Với các tội danh không dẫn tới án tử hình, việc xét xử diễn ra ban ngày, và việc tuyên án có thể vào ban đêm; còn với các tội danh đưa tới án tử hình, việc xét xử diễn ra ban ngày, và việc tuyên án cũng phải vào ban ngày. Với các tội danh không dẫn tới án tử hình, việc tha bổng hay kết án có thể diễn ra trong cùng một ngày; với các tội danh đưa tới án tử hình, việc tuyên bố trắng án có thể diễn ra cùng ngày hôm ấy, nhưng việc kết án thì không thể diễn ra trước ngày hôm sau. Vì lẽ ấy, các phiên toà không thể diễn ra vào ngày áp ngày sabát hay áp một ngày lễ” (Mishna, Sanhedrin 4,1).    

Như vậy, luật Do-thái quy định rằng mọi cuộc xét xử đều phải tiến hành ban ngày. Vậy nếu Đức Giêsu dùng bữa tiệc ly vào chiều thứ Năm thì Thượng Hội Đồng phải nhóm họp vào ban đêm, điều này sai luật. Đàng khác, các thành viên Thượng Hội Đồng và các nhân chứng không thể nhóm họp ban đêm chỉ là để bàn bạc trong khi chưa chắc rằng Đức Giêsu đã bị bắt hay chưa. Trái lại, nếu bữa tiệc ly diễn ra vào chiều thứ Ba thì chúng ta có thể nói rằng phiên toà đã diễn ra vào thứ Tư và sáng thứ Năm.        

Như trên, sách Mishna còn cấm kết án tử hình vào ngày áp ngày sabát và đại lễ. Nếu cứ tính theo thời biểu truyền thống, thì Đức Giêsu đã bị Thượng Hội Đồng Do-thái kết án tử hình vào thứ Sáu, ngày áp ngày sabát cũng là ngày áp Lễ Vượt Qua năm ấy ! Trái lại, nếu theo giả thuyết mới đã nêu, thì Đức Giêsu bị kết án vào sáng thứ Năm, tức là còn hơn một ngày nữa mới đến ngày sabát và Lễ Vượt Qua.   

Để tránh các quyết định nóng vội và cảm tính, Luật còn quy định rằng không được kết án tử hình bất kỳ ai trước 24 tiếng kể từ lúc bị bắt. Theo lịch trình cũ (ngắn) thì Đức Giêsu đã bị kết án tử hình chỉ vài giờ sau khi bị bắt. Còn theo thời biểu mới (dài) thì Người bị bắt vào chiều tối thứ Ba và bị kết án vào sáng thứ Năm theo đúng quy định của Luật.     

Nếu người Do-thái đã kết án Đức Giêsu vì cho rằng Người vi phạm Lề Luật thì không có lý gì họ lại xét xử một cách vi luật trầm trọng như thế !         

Sự im lặng lên tiếng      

Một số chi tiết khác trong Tin Mừng cũng rõ ràng ủng hộ giả thuyết cho rằng Đức Giêsu đã dùng bữa tiệc ly vào chiều thứ Ba và chịu chết vào thứ Sáu. Các Tin Mừng đều tuần tự kể lại những ngày cuối cùng của Đức Giêsu, nhưng lại không hề nói gì về hai ngày thứ Tư và thứ Năm ! Sự im lặng khó hiểu này đã khiến người ta nghĩ rằng trong hai ngày đó, Đức Giêsu đã lánh riêng ra một nơi để ở cùng các môn đệ. Nhưng bây giờ chúng ta biết rằng, hai ngày ấy, Người bị tạm giam theo đúng tiến trình của cuộc thương khó.        

Truyền thống cũng ủng hộ     

Giả thuyết mới nói trên còn nhận được sự ủng hộ mặc nhiên của Truyền Thống. Thật vậy, chúng ta biết rằng các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã giữ chay vào thứ Tư và thứ Sáu. Rất có thể, tập tục này đã khởi đi từ một truyền thống cho rằng Đức Giêsu bị bắt vào thứ Tư và chịu chết vào thứ Sáu, mà việc ăn chay là nhằm tưởng niệm hai biến cố này.    

Sách Didascalia Apostolorum còn cho biết thêm rằng: “ Sau khi ăn tiệc Vượt Qua vào chiều thứ Ba, chúng tôi (các tông đồ) đi đến núi Cây Dầu và vào ban đêm người ta đã bắt Chúa Giêsu. Ngày hôm sau, thứ Tư, Người bị giam giữ tại nhà Thượng Tế Caipha; cùng ngày hôm ấy, các trưởng tế nhóm họp và nghị án. Thứ Năm, họ điệu Người đến tổng trấn Philatô và đêm hôm ấy Người bị giam tại dinh tổng trấn. Sáng thứ Sáu, họ tố cáo Người trước Philatô, nhưng không đưa ra được chứng cứ nào xác thực. Họ đã làm chứng gian buộc tội Người và đòi Philatô xử tử Người. Cũng vào thứ Sáu, Người chịu đóng đinh ” (cap. XXI).         

Thánh Victorinô Pettau ở Stiria (+304) thì viết: “Chúa Kitô đã bị bắt vào ngày thứ Tư. Để tưởng niệm Người bị giam cầm, chúng tôi giữ chay ngày thứ Tư. Để tưởng niệm Người chịu chết, chúng tôi giữ chay ngày thứ Sáu”.     

Thánh Êpiphaniô, giám mục Salamina (+403) cũng viết rằng: “Khi ngày thứ Tư bắt đầu, Chúa đã bị bắt và Người chịu đóng đinh vào thứ Sáu”.         

Như vậy, đã tồn tại một truyền thống cổ vào khoảng thế kỷ III ủng hộ giả thuyết cho rằng Đức Giêsu đã dùng bữa tối cuối cùng của Người vào chiều thứ Ba.

Kiên trung đến cùng      

Theo truyền thống Gioan, Hội Thánh vẫn luôn tưởng niệm biến cố Tiệc Ly vào chiều thứ Năm Tuần Thánh.        

Một khi chấp nhận lối giải thích mới, phải chăng Hội Thánh cần thay đổi việc cử hành phụng vụ Tuần Thánh? Hẳn nhiên là không !     

Trong đời sống Hội Thánh, phụng vụ nhằm mục đích giáo huấn chứ không phải lịch sử. Cũng như chúng ta vẫn cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 dù biết rằng đó không phải là ngày tháng lịch sử chính xác của sự kiện, thì chúng ta cũng vẫn cử hành lễ Tiệc Ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh.

Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu thực tế đã diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, mấy ngày chứ không phải chỉ mấy giờ ngắn ngủi. Điều này khẳng định rằng cái chết của Người không phải là một kết cuộc bất ngờ, do một đám đông bị kích động, nóng vội quyết định một số phận, nhưng là cả một tiến trình được sắp đặt hẳn hòi và được chuẩn nhận bởi giới lãnh đạo Do-thái, nhà cầm quyền La Mã và cả dân chúng nữa.     

Bộ phim Cuộc khổ nạn của Chúa (The Passion of Christ) dù có bị phê phán là bạo lực và đẫm máu, nhưng có lẽ là gần với những gì thực tế đã diễn ra. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu thực ra bi thảm và hãi hùng hơn những gì chúng ta thường suy niệm. Điều này cho thấy ý chí kiên quyết của Người đi đến cùng cuộc khổ nạn, cho dù người ta đã ra sức hành hạ Người trong suốt bốn ngày ròng rã hòng đánh gục sức chịu đựng của Người.    

Là môn đệ của Thầy Giêsu, chẳng lẽ chúng ta lại tự hài lòng vì một vài chốc lát mình đã nhẫn nhục tín trung?     

Vinh Hưng, O.P.

 Nguồn: daminhvn.net

-------------------

[1] Xc. Annie Jaubert, La Date de La Cène, Gabalda, Paris 1957; Jésus et le calendriers de Qumran, New Testament Studies, Oct. 1960.

 

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

ANH EM HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ,

NHƯ CHA ANH EM LÀ ĐẤNG NHÂN TỪ

“Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. Lệnh truyền của Chúa Giêsu hướng đến bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài” (ĐTC Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).

Qua lời mời gọi này của Chúa Giê-su trong Phúc Âm của thánh Lu-ca, chúng ta thấy rằng, lòng nhân từ hay lòng thương xót chính là nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Thật vậy, Người Ki-tô hữu cần “xót thương như Chúa Cha, vì vậy, là ‘phương châm’ của Năm Thánh này. Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, luôn luôn, tự nguyện, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).

Lòng thương xót là nền tảng của Ki-tô hữu. Điều này được diễn tả rất sống động trong Tân Ước. Dụ ngôn về người Samaritanô (x.Lc 10,37) được nhắc ở phần trên là một thí dụ điển hình, nêu bật được lòng thương cảm đối với người gặp nạn. Hình ảnh sống động về ngày phán xét trong Phúc Âm thánh Mát-thêu (x.Mt 25,31-46), diễn tỏ rõ ràng rằng, lòng thương xót và nhân từ là điều kiện cần có để được ơn cứu rỗi. Điều răn mới của Chúa Giê-su ban cho các môn đệ là điều răn của lòng thương xót, của tình yêu thương lẫn nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Thánh Gia-cô-bê tông đồ, đã nối kết tinh thần sống Đức Tin với lòng thương xót. (x.Gc 2,13-15). Thật vậy, Người môn đệ của Chúa không thể làm ngơ và nhắm mắt trước nỗi khổ của anh em mình: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,17-18). Trong thời đầu tiên của Giáo Hội tiên khởi, lòng thương xót và nhân từ được nhấn mạnh qua việc tha thứ cho nhau (x.Cl 3,13), qua việc chia sẻ cho nhau tài sản và của cải (x.Cv 4,34-35), qua việc bố thí hay cứu trợ người nghèo khó (x.Cv 9,36; 10,2.4.31), qua lòng hiếu khách (x.1Tm 5,10), qua việc chôn tang người chết (x.Cv 8,2).

Thánh Phê-rô đã đưa ra một lời khuyên sống tinh thần thương xót: “ Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1P 3,8-9).

Thánh Phao-lô khuyên nhủ giáo đoàn Rô-ma sống tinh thần bác ái và xót thương: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-21).

Tất cả những lời khuyên và hướng dẫn trong Lời Chúa làm nổi bật tầm quan trọng của thái độ cảm thông và lòng thương xót mà tín hữu của Chúa Ki-tô cần thấm nhuần và thực thi. Như thế, Giáo Hội của Chúa Ki-tô được xây dựng qua chính những cử chỉ tràn đầy tình thương xót này, mà mọi tín hữu cần ý thức và cố gắng sống qua nhiều hình thức khác nhau.[1]

Ngoài ra, các Giáo Phụ cũng chú ý tới lòng thương xót là nền tảng cho đời sống Đức Tin. Giáo Phụ Hermas thành Roma (giữa thế kỷ thứ 2) trong tác phẩm Người Mục Tử (Le Pasteur) đã nêu ra một bảng hướng dẫn tín hữu thực thi những việc tốt, để qua đó họ sống cho Thiên Chúa: “Nâng đỡ các quả phụ, thăm viếng các trẻ mồi côi và những người bất hạnh, chuộc những kẻ nô lệ là đầy tớ của Thiên Chúa, sẵn sàng đón tiếp khách tìm chỗ trọ, không gây thù hận, bình tĩnh và tự hạ mình trước mọi người, kính trọng những người già cả, thi hành công lý, gìn giữ tình huynh đệ, tương trợ những người bị bách hại, kiên nhẫn, không tức giận, an ủi những tâm hồn bị tổn thương, không bỏ rơi những người bị khủng hoảng về Đức Tin mà giúp đỡ họ, đưa họ về lại con đường chính lộ, đón nhận người tội lỗi trở lại, không chèn ép những người thiếu nợ và những người nghèo khổ…”[2] Một thế kỷ sau đó, Cyprien de Carthade (+258) cũng đã giảng dạy về “Lòng thương xót và việc bố thí”. Lactance (Lactantius, + ca. 325) cũng đã viết một số tác phẩm về lòng thương xót, nhấn mạnh đến việc giúp đỡ người nghèo khổ .[3] Grégoire de Naziane (+ 390) cũng đã nhấn mạnh: “Với tất cả con người, chúng ta hướng về người nghèo khổ và tất cả những ai đau yếu, cũng như tất cả những ai đang chịu đựng khổ đau: …các quả phụ, những em bé mồ côi, những người bị đi đày, những nạn nhân của những ông chủ bất nhân, các nạn nhân của những người chủ vô liêm sỉ, những nạn nhân của những kẻ du côn, của những tên cướp bóc, những nạn nhân của những kẻ thu thuế bất nhân…Tất cả những người bất ngờ rơi vào trong khổ đau, đối với tôi họ cần được đón nhận lòng thương cảm nhiều hơn nữa. Đặc biệt tôi nghĩ đến những nạn nhân của sự dữ thật dễ sợ, thân xác đau khổ của họ đụng tới chúng ta”.[4]

Các Giáo Phụ nhắc đến nhiều thái độ và hành động bác ái được bắt nguồn từ lòng thương xót. Không dừng ở đó, mà Origene và Jean Chrysostome cùng các Giáo Phụ khác còn hướng đến cách sống bác ái trong chiều kích thiêng liêng. Cụ thể qua sự chú ý, thăm viếng, chia sẻ, ủi an những người đau khổ và bất hạnh. Đó là sự bác ái và nâng đỡ tinh thần rất cần thiết cho nhiều anh chị em bất hạnh.[5]

Như thế, Lời Chúa và lời các Giáo Phụ luôn mời gọi các tín hữu chú ý đến lòng thương xót trong cuộc sống, cụ thể qua việc sống tinh thần bác ái, yêu thương nâng đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi. Trong những anh chị em bất hạnh này, Chúa Giê-su đang hiện diện cách sống động. Khi nâng đỡ họ, là nâng đỡ Chúa Giê-su. Đó là con đường để đạt được ơn cứu độ.

--------------

[1] NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, Beauchesne, Paris 1980,c.1328-1329.

[2] Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1330.

[3] X. NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1331-1331.

[4] Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1331.

5] Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1332-1334.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

Nguồn: dongten.net

 

TRANG LOAN BÁO TIN MỪNG

GỌI NHAU THẾ NÀO ĐÂY?

Con đang mục vụ  ở một họ đạo miền quê. Nhiều lần tiếp xúc với những người lương dân, con mới thấy có một vấn đề liên quan đến cách xưng hô.

Xin được chia sẻ một vài cảm nhận của con thế này:

Đối với người miền quê, họ coi trọng danh xưng lắm. Có một anh mến con lắm nhưng không biết phải gọi con thế nào cho phải lẽ bởi anh này bằng tuổi của con: Anh ấy nói: “Bây giờ tôi kêu “linh mục” thì nghe xa lạ quá, kêu bằng “Cha” thì khó kêu quá, mà xem con ngang hàng thì không dám.” Con trả lời: “cứ kêu bằng anh hai vì con thứ hai, thế là từ đó vợ anh ấy cũng gọi con bằng anh hai, mấy đứa con thì gọi bằng Bác hai, nghe cũng vui vui.

 

Một ông cụ đã ngoài 70 tuổi, cứ gọi con bằng thầy. Một lần đến chơi với con trong nhà thờ, gặp thầy giúp xứ, cũng goị bằng thầy. Mỗi lần ông ấy gọi “thầy ơi” thì cả con và thầy giúp đều quay lại nhìn ông ấy. Ông ấy nói với con: “Tôi phải phân biệt thế nào đây, vì tôi biết thầy lớn hơn thầy kia? Con trả lời : “để phân biệt thì gọi tôi là Thầy cả nhé”, từ đó ông ấy cảm thấy thoải mái và nói chuyện một cách tự nhiên hơn.

Quả thật, từ Cha là một từ ngữ thiêng liêng vô cùng đối với người Việt nam nói chung, và với những người nhà quê mang nặng chất “đạo ông bà tổ tiên”. Bỡi họ quan niệm Cha phải là người sanh ra họ. Có nhiều người họ gọi con là “Ông Cha”, phải thêm chữ ông vào họ mới gọi được, từ Cha chỉ dành để gọi người sanh thành dưỡng dục họ mà thôi.

Con không có ý sáng chế ra một từ nào khác,  để thay thế từ cha trong mối liên hệ giữa mục tử và đàn chiên. Con chỉ nghĩ đến con đường tiệm tiến. Nó được khởi đi từ tiếng gọi anh hai, chú hai, bác hai, ông cha, thầy cả…… đến tiếng gọi “ông  cố” hay cha ơi, mục tử của con ơi. Con đường tiệm tiến ấy phải được kết dệt bằng một chuỗi những ngày tháng yêu thương cho nhau. Để đến một ngày nào đó họ sẽ nói: “Tôi cũng có Cha có mẹ mà sao tôi khoái mấy ông Cha nhà thờ quá và tôi xin theo đạo Chúa”.

Cánh đồng truyền giáo thật bao la, xin Chúa thêm lòng nhiệt thành cho con, cho những người công giáo trong họ đạo của con luôn thao thức về công việc truyền giáo. Tùy hoàn cảnh của mỗi người, không ai giống ai, bởi phương pháp truyền giáo là “truyền giáo không phương pháp”, gọi bằng danh xưng nào cũng không quan trọng, miễn Đức Kitô được rao giảng.

Xin Chúa chúc lành cho công việc truyền giáo của Giáo hội, của mỗi người chúng ta.

Lm.  Giacôbê  Nguyễn Văn Mẫn

 

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

HIỂU ĐỂ SỐNG ĐỨC TIN:

THIÊN CHÚA CỦA CHÚNG TA TÊN LÀ GÌ?

Các tín đồ Islam gọi Thiên Chúa là Allah, các tín đồ Do thái gọi Thiên Chúa là Giavê; còn Thiên Chúa của Kitô giáo tên là gì? Phải chăng là Chúa Ba Ngôi?  

Thật không dễ trả lời cho các câu hỏi vừa nêu, bởi vì có ít là hai điều khó khăn: thứ nhất, Thiên Chúa không có tên họ kiểu như loài người; thứ hai, mỗi dân tộc đặt tên cho Thiên Chúa theo ngôn ngữ của mình, cho nên danh xưng của Thiên Chúa không tuỳ thuộc vào tôn giáo cho bằng vào văn hoá. Lý do thứ nhất xem ra đơn giản: trên mặt đất này, có cả tỉ con người, vì thế cần phải đặt tên cho mỗi người để xác định căn cước cá nhân và để phân biệt với những người khác; còn Thiên Chúa thì chỉ có một, cho nên không sợ lẫn lộn. Tuy nhiên, trong cuộc giao tiếp giữa con người với nhau, chúng ta cần phải đặt tên cho mỗi đối thể để khỏi bị hiểu lầm hoặc lạc đề; vì thế chúng ta tìm cách đặt cho Thiên Chúa một tên. Thế nhưng tên này tuỳ thuộc vào ngôn ngữ của mỗi dân tộc, chứ không phải là tên của chính Thiên Chúa. Tôi xin lấy một thí dụ: tên riêng của ông Tổng thống Hoa kỳ là George Bush, và tất cả các nước trên thế giới đều cố gắng đọc cho đúng tên ông ta; tuy nhiên, chúng ta gọi ông là “tổng thống” trong tiếng Việt, chứ đâu phải theo nguyên gốc tiếng Anh là President. Như vừa nói, Thiên Chúa không có tên riêng, nhưng mỗi dân tộc gọi ngài theo ngôn ngữ của mình. Vì thế nhiều danh xưng dành cho Thiên Chúa tuỳ thuộc vào văn hoá chứ không tuỳ thuộc vào tôn giáo. Nói cụ thể, Allah không phải là tên riêng của Thiên Chúa dựa theo đạo Islam, nhưng là danh từ thuộc vùng ngôn ngữ ả-rập. Vì thế các tín đồ Kitô giáo nói tiếng Ả-rập cũng kêu cầu Allah trong lời nguyện. Một cách tương tự như vậy, trong tiếng Việt, các kinh nguyện gần đây bắt đầu với lời xưng hô “Lạy Thiên Chúa”; nhưng hồi đầu thế kỷ XX thì bắt đầu bằng lời

“Lạy Đức Chúa Trời”. “Thiên Chúa” và “Đức Chúa Trời” cũng vậy thôi, và chỉ được sử dụng ở trong tiếng Việt, chứ ra nước ngoài thì hết xài. Hơn thế nữa, cần phải nói rằng ở trên đất Việt Nam có 54 dân tộc, vì thế đến 54 cách xưng hô Thiên Chúa, chứ không hẳn là 54 tôn giáo.     

“Thiên Chúa” có nghĩa là Chúa Trời, còn “Allah” có nghĩa là gì?

Lẽ ra trước tiên phải hỏi “Chúa Trời” có nghĩa là gì đã; rồi sau đó, mới bước sang ý nghĩa của từ Allah. Chúng ta sẽ trở lại với danh xưng “Chúa Trời” khi bàn đến các danh xưng được sử dụng trong từ ngữ Hán Việt; bây giờ chúng ta nói đến Allah trước. Đây là một từ ngữ phổ thông trong tiếng Ả-rập để gọi các vị thần linh, chứ không phải là tên riêng của vị thần nào, tương đương với danh từ El trong tiếng Do thái được sử dụng trong Kinh thánh Cựu ước. Cũng nên biết rằng tuy danh xưng Allah được dùng 2697 lần trong sách Coran (tức là Sách thánh của Islam), nhưng mà theo truyền thống của đạo Islam, thì Thiên Chúa có đến 99 tên. Các nhà phê bình cho rằng nên hiểu 99 tên như là 99 ưu phẩm của Thiên Chúa, trong đó ưu phẩm được nhắc đến nhiều hơn cả là Al-Rahman (Khoan nhân) và Al-Rahim (hay thương xót). Dù sao, từ Allah ghép bởi hai từ al-ilah, một từ ngữ phổ quát trong vùng Trung đông để ám chỉ các thần linh, tương đương với danh từ El, eloah trong tiếng Do thái. Nói cách khác, không có gì là riêng tư độc đáo của đạo Islam hay đạo Do thái trong danh xưng dành cho Thiên Chúa. Hơn thế nữa, vào thời xa xưa, El là một từ ngữ rất chung chung, ám chỉ bất cứ nhân vật nào (tương tự trong tiếng Việt: “kẻ”, “vị”, “đấng”, “đức”). Có lẽ vì thế mà vào thời các tổ phụ, người ta phải kèm thêm một thuộc từ để xác định bản tính của Thiên Chúa, chẳng hạn như như El- elyon: (Đấng Tối cao), El Shaddai (Đấng Toàn năng), El-Hai(Đấng hằng sống). Mặt khác, các học giả còn lưu ý rằng đôi khi từ el hay elohim cũng được dùng để ám chỉ các thiên sứ (thí dụ Thánh vịnh 139,1; 29,1; Gióp 1,6). Dù sao, ngoài những danh xưng chung cho vùng văn hóa địa phương, người Do thái xác tín rằng Thiên Chúa đã mặc khải riêng cho họ một tên riêng của ngài là Giavê.         

 

Như vậy, “El” hay “Allah” là tên chung cho các thần linh; còn “Giavê” mới đúng là tên riêng của Thiên Chúa phải không?

Nếu chỉ dựa đoạn văn của sách Xuất hành (6,2-6), thì phải trả lời rằng: “đúng thế”. Đoạn văn viết như thế này:    

“Thiên Chúa phán với ông Môsê: Ta là Giavê. Ta từng hiện ra cho Abraham, Isaac, Giacop như El Shaddai, nhưng ta không cho họ biết danh hiệu Giavê”. Tuy nhiên, ngày nay, các học giả đã đặt lại vấn đề, bởi vì xem ra người Do thái đã biết đến danh xưng Giavê từ trước ông Môsê rồi, không những dựa theo đoạn văn Sáng thế chương 4 câu 26 (nghĩa là vào thời con cái ông Abel), nhưng theo sách Xuất hành (6,20) ngay cả bà thân mẫu của ông Môsê cũng đã mang tên là Jokebed (vinh quang của Giavê). Mặt khác, Giavê không phải là bí danh hay ám số gì hết: Giavê có nghĩa là “Đấng hằng hữu”. Dù sao, tên gọi Thiên Chúa không quan trọng cho bằng niềm thâm tín về bản tính của Ngài. Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Môsê về mối tương quan mới dành cho dân Do thái: Ngài đã thiết lập một giao ước với họ, họ là một dân được tuyển chọn. Đối lại, người Do thái không được thờ lạy thần linh nào nữa hết, theo như đoạn văn của sách Đệ-nhị-luật (6,4-5) quen gọi là kinh Shema: “Hãy nghe đây, Israel. Giavê Chúa của chúng ta, chỉ có một. Ngươi hãy yêu mến Giavê Chúa của ngươi hết tâm lòng, hết sức lực”.

Như vậy là từ thời ông Môsê trở đi, người Do thái cầu khẩn Thiên Chúa là “lạy đức Giavê” phải không?        

Các tác giả không nhất trí trong vấn đề này. Có ý kiến cho rằng tiếp theo việc mặc khải danh thánh Giavê, thì người Do thái đã kêu cầu danh xưng được coi như là tên riêng của Thiên Chúa. Có ý kiến khác cho rằng vì danh Thiên Chúa mang tính cách linh thiêng, cho nên các tín đồ không dám đụng tới nữa. Giới răn thứ hai đã chẳng nghiêm cấm “chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” đấy ư? Dù sao, thì từ thời đầu Công nguyên, các tín đồ không dám đọc tên Giavê nữa, và thay bằng tiếng Adonai. Adonai là một danh từ phổ quát, có nghĩa là “chủ, chúa, lãnh tụ” (đúng ra ở số nhiều, bởi vì số ít là Adoni). Danh từ này được dịch sang tiếng Hy-lạp là Kyrios, và tiếng La-tinh là Dominus. Mặt khác, như ta thấy trong các thánh vịnh, các người Do thái kêu cầu Thiên Chúa với nhiều danh xưng khác nhau: Lạy Đấng Thánh, Lạy Đấng Toàn năng, Lạy Đấng Tín Trung, Lạy Đấng Đáng Chúc tụng, vv.         

Dân Do thái tin rằng Thiên Chúa mặc khải danh của Người là Giavê, nhưng họ kêu cầu ngài là Adonai. Tân ước có thêm điều gì mới về danh xưng của Thiên Chúa không? Chúng ta nên phân biệt hai khía cạnh: ngôn ngữ và nội dung. Về ngôn ngữ, trong Cựu ước, Kinh thánh viết bằng tiếng Do thái, và vấn đề danh xưng có thể khảo sát dựa theo ngôn ngữ của dân tộc Do thái. Bước sang Tân ước, ta thấy rằng tuy Đức Giêsu (đọc theo nguyên gốc Do thái là Giơ-ho- sua có nghĩa là: Giavê cứu chữa) dùng tiếng Do thái, nhưng bản văn Phúc âm lại được viết bằng tiếng Hy-lạp. Vì vậy các từ ngữ của Cựu ước được chuyển dịch từ tiếng Do thái sang tiếng Hy-lạp. Đến khi Tin mừng được truyền bá sang dân tộc khác, thì các từ ngữ sử dụng còn phức tạp hơn nữa. Nói cách vắn tắt, hai từ ngữ Do thái vốn được coi như là riêng của đạo Do thái Elohim và Giavê (hoặc Adonai) thì được dịch sang tiếng Hylạplà Theos và Kyrios,

và tiếng Latinh là Deus và Dominus: những danh từ này vốn đã được sử dụng để chỉ các thần linh nói chung, chứ không riêng của một tôn giáo nào. Điều này cũng xảy ra trong các ngôn ngữ châu Âu sau này, thí dụ tiếng Pháp là Dieu và Seigneur, tiếng Anh là God và Lord. Nên lưu ý là từ deustiếng La- tinh, dieu tiếng Pháp và god tiếng Anh được dùng để gọi các thần; vì thế mà tuy cùng là một từ ngữ, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt thì có lúc phải dịch ra “thần” (hoặc thần linh), có lúc được dịch là “Thiên Chúa”; còn danh từ Dominus, Seigneur, Lord thì được dùng trong ngôn ngữ hằng ngày để gọi các “ông”, hoặc “ông hoàng, ông chủ”.  

Đó là nói vấn đề dịch thuật ngôn ngữ, còn vấn đề nội dung thì sao?         

Khi nói đến nội dung thì chúng ta gặp thấy nhiều điều mới, mà giới hạn thời giờ không cho phép tôi đi sâu. Tôi chỉ ghi nhận ba điều. Thứ nhất, thánh Phaolô dùng danh từ Theos (Deus, Dieu, God) cho Chúa Cha, và danh từ Kyrios (Dominus, Seigneur, Lord) cho đức Kitô; thánh Gioan thì gọi đức Kitô bằng cả hai danh xưng đó, cụ thể là trong lời tuyên xưng của tông đồ Tôma sau khi chạm đến Chúa Kitô phục sinh. Nhận xét thứ hai, nhiều học giả cho rằng danh xưng mới để ám chỉ Thiên Chúa trong Tân ước là “Cha”, và đức Giêsu đã dạy chúng ta hãy dùng từ này khi cầu nguyện, và Người đã nêu gương trước. Tuy nhiên, trong phụng vụ, các lời nguyện chính thức kêu cầu Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu (và được hiểu về Chúa Cha). Nhận xét thứ ba, các nhà thần học thú nhận rằng các ngôn ngữ của con người đều mang tính cách giới hạn, không thể nào diễn tả được bản tính của Thiên Chúa, như sách Đạo đức kinh đã viết: “Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh: đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cữu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến”.

Thế trong tiếng Việt, Thiên Chúa có nghĩa là gì?

Đây là một danh từ Hán Việt, Thiên Chúa (hoặc Đức Chúa Trời) không chỉ có nghĩa “Chúa trên trời” mà còn nghĩa là “Chúa cả trời đất” (hay Chủ tể càn khôn) nữa. Trong lịch sử truyền giáo, đã có nhiều cuộc tranh luận xem có nên dùng từ “Thượng đế” hay “Thiên chủ” không. Nhưng mà trong bối cảnh lịch sử văn hoá hồi thế kỷ XVII-XVIII, vì sợ gây hiểu lầm giữa quan niệm Thiên Chúa của Kitô giáo với Thượng đế của các tôn giáo cổ truyền, cho nên người ta tránh dùng từ “Thượng đế”, và thậm chí có lúc để nguyên tiếng La-tinh “Chúa Dêu” (Deus). Dù sao, nên lưu ý là danh xưng Chúa Trời có nghĩa là đấng dựng nên trời đất, trong khi quan niệm cổ điển “Trời” có khi được hiểu là đấng Chủ tể (ông trời), nhưng đôi khi được hiểu về thiên nhiên mà thôi (trời mưa, trời nắng thôi).

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op

1108    01-08-2016 06:38:55