Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Nhận được và không nhận được mầu nhiệm


Mầu nhiệm sâu đậm của đời sống là gì? Có bao giờ chúng ta thật sự hiểu đời sống? Có bao giờ chúng ta thật sự làm điều đúng? Điều gì nằm ở tâm điểm của đời sống?

Đó là những câu hỏi sâu sắc, gặm nhắm nội tâm con người và chúng ta không bao giờ có câu trả lời chắc chắn. Có bao giờ chúng ta thật sự hiểu đời sống mình nói lên điều gì?

Có và không! Tôi ngờ đa số chúng ta đều đi qua cuộc đời như đi xoay vòng giữa cái biết và cái không biết, giữa cảm giác an toàn và bất an, giữa ngày thấy mình làm việc đúng và ngày thấy mọi chuyện như đi ra ngoài chừng mực.

Nhà huyền bí Hồi giáo Rumi từng nói, chúng ta sống “với cái bí mật đôi khi chúng ta biết, và đôi khi không.”

Tôi ngờ tất cả chúng ta đều biết cảm nhận này. Dường như, có ngày chúng ta nhận ra mầu nhiệm của đời sống và thấy mình đang ở trong lòng sự việc, tại tâm điểm của nó. Không nhất thiết chúng ta nhận biết cái gì đó một cách có ý thức, nhưng có một cái gì được cảm nhận ở một mức độ sâu đậm hơn. Có những lúc cuộc sống chúng ta có cùng ý nghĩa như Vaclav Havel từng diễn tả. Ông gợi ý, sự vững vàng “không nằm ở xác tín cái gì đó sẽ chuyển biến tốt, nhưng nằm ở chỗ chắc chắn có một cái gì đó có ý nghĩa, bất hoặc nó chuyển biến như thế nào.” Có những ngày chúng ta biết sự thật của nó.

Song cũng có những ngày chúng ta không chắc về những gì chúng ta biết, chúng ta cảm thấy mình ở ngoài sự việc, dường như vòng đời loại chúng ta ra, và chúng ta đi vòng quanh bờ tình yêu và ý nghĩa, cảm thấy không chắc chắn, không vững vàng, cảm thấy có một tội lỗi nào đó không giải thích được bởi vì chúng ta cảm thấy cách này cách khác mình đang làm sai và không đúng chỗ.

Và vì thế chúng ta sống với một huyền nhiệm khi biết, khi không. Chúng ta cảm thấy vững vàng rồi lại thấy không chắc, thấy mạnh rồi thấy mong manh, thấy có đạo đức rồi thấy mặc cảm tội lỗi; thấy đáng yêu rồi thấy không đáng yêu; thấy biết mầu nhiệm đời sống rồi bỗng nhiên thấy không biết. Đôi khi chúng ta đứng trong sự việc, đôi khi chúng ta đứng ngoài.

Tôi lúc nào cũng ấn tượng bởi một câu nói sâu sắc trong Phúc Âm thánh Mác-cô. Thánh Mác-cô thuật lại khi Phê-rô phản bội Đức Giê-su ở phiên tòa xét xử, chối Thầy để khỏi bị giết. Liền sau đó, trong một câu nói bí mật thật hay, thánh Mác-cô nói ngắn gọn: “Phê-rô bỏ ra bên ngoài!”

Bên ngoài của cái gì đây? Rõ ràng thánh Mác-cô muốn nói một cái gì nhiều hơn là việc Phê-rô đơn giản bước ra khỏi cửa như bỏ ra khỏi phòng hay sân trong. Khi phản bội Thầy, và khi phản bội mình, Phê-rô “bỏ ra bên ngoài” của một cái gì đó, đó là, bên ngoài của những gì tốt nhất trong con người ông, bên ngoài cộng đoàn đời sống, và bên ngoài mầu nhiệm cuộc sống.

Và mầu nhiệm cuộc sống là gì?

Trong Phúc Âm thánh Mác-cô, Đức Giê-su nói: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn.” Người đang ám chỉ đến ai? Ai là “anh em”? Mầu nhiệm ở đây là gì? Cái gì làm cho mình ở trong sự việc? Cái gì làm cho mình ở ngoài và làm cho Phúc Âm phải dùng dụ ngôn?

Trong Phúc Âm thánh Mác-cô, câu trả lời rõ ràng: Mình “ở trong” hay “ở ngoài” quỹ đạo đúng đắn của cái biết, không dựa trên sự việc mình là người Do thái hay không Do thái, đàn ông hay đàn bà, đi hay không đi nhà thờ. Nhưng mình ở trong hay ở ngoài quỹ đạo của hiểu biết đúng đắn dựa trên việc “nhận được” hay “không nhận được” mầu nhiệm. Và mầu nhiệm là gì?

Cốt lõi, mầu nhiệm cuộc sống chính là thập giá của Đức Ki-tô hay, như nhiều học giả kinh thánh và tác giả thiêng liêng nói, đó là, đau khổ của Đức Giê-su trên thập giá, và hành động tự nguyện sống với những đòi hỏi của thập giá.

Thật không dễ để tổng hợp được hết tất cả những gì nằm trong ý nghĩa này. Để làm việc này, cần tổng hợp tất cả những thách đố sâu xa nhất với mặc khải, thần học, và thiêng liêng: tình yêu không điều kiện và lòng bao dung vô bờ của Thiên Chúa, sự hiện hữu đầy yêu thương của Thiên Chúa trong bản thể con người, tính mềm yếu như là con đường dẫn đến tình mật thiết, sự đồng nhất của Chúa với người nghèo và người bị bỏ rơi, mối quan hệ thiết yếu giữa đau khổ và vinh quang, tính nghịch lý của tình yêu và cuộc đời (chỉ có thể nhận được khi đã cho đi), cốt lõi của sự hy sinh quên mình là chìa khóa mở cửa tình yêu và lòng trung tín, và tầm quan trọng của việc tận hiến cuộc đời không hối tiếc (không đòi hỏi đền đáp khi mang thập giá của người khác).

Có rất nhiều chuyện bên trong mầu nhiệm này! Và khi chúng ta làm điều tốt nhất, chúng ta để cho tình yêu, chân lý,  lòng trung tín dẫn chúng ta đến nơi chúng ta không thích đến, chúng ta biết chân lý của nó và sống trong nó. Có những ngày, chúng ta biết mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa và Phúc Âm mang đến ý nghĩa cho chúng ta. Nhưng cũng có những ngày, giống như thánh Phê-rô phản bội Đức Giê-su, chúng ta “bỏ ra ngoài”, ngoài chân lý và những gì tốt nhất trong con người chúng ta, xa cuộc sống, tình yêu, chân lý, Đức Giê-su, Phúc Âm, tất cả giống như một dụ ngôn trống rỗng.

J.B. Thái Hòa dịch

833    30-11--0001