Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

''Phúc Trình Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvannia: Không Phải Như Nó Tỏ Ra'', nguyên văn tiểu luận của Peter Steinfels, tiếp theo

Điều gì có điều gì không trong phúc trình

Trước khi khảo sát kỹ hơn điều gì có trong phúc trình, điều quan trọng là phải hỏi điều gì không có trong đó. Ngoài việc nhắc đến hơn 300 linh mục săn mồi - thực ra là 301 - và hơn 1,000 nạn nhân trẻ em, hàng chục nhân chứng và nửa triệu tài liệu của giáo hội bị tòa đòi, hầu như không có các số liệu. Chẳng hạn, không có bản tính toán nTrước khi khảo sát kỹ hơn điều gì có trong phúc trình, điều quan trọng là phải hỏi điều gì không có trong đó. Ngoài việc nhắc đến hơn 300 linh mục săn mồi - thực ra là 301 - và hơn 1,000 nạn nhân trẻ em, hàng chục nhân chứng và nửa triệu tài liệu của giáo hội bị tòa đòi, hầu như không có các số liệu. Chẳng hạn, không có bản tính toán nào cho biết có bao nhiêu người được phong chức đã phục vụ trong sáu giáo phận kể từ năm 1945, một con số có thể hoặc xác minh hoặc thách thức các ước tính trước đây về tỷ lệ trổi vượt lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ. Không một cố gắng nào để biện phân các mẫu thống kê về tuổi người lạm dụng, tỷ lệ lạm dụng qua thời gian, các hành động của cơ quan chấp pháp, hay các thay đổi trong các đáp ứng của các viên chức giáo hội.ào cho biết có bao nhiêu người được phong chức đã phục vụ trong sáu giáo phận kể từ năm 1945, một con số có thể hoặc xác minh hoặc thách thức các ước tính trước đây về tỷ lệ trổi vượt lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ. Không một cố gắng nào để biện phân các mẫu thống kê về tuổi người lạm dụng, tỷ lệ lạm dụng qua thời gian, các hành động của cơ quan chấp pháp, hay các thay đổi trong các đáp ứng của các viên chức giáo hội.

 



Cũng không có so sánh nào với các định chế khác. Người ta tự nhiên thắc mắc một cuộc lục lọi về 70 tới 80 năm lạm dụng tình dục tại các trường công hay các cơ sở hình sự thiếu niên sẽ tìm thấy những gì.

Khoảng thời gian kéo dài rất lớn ấy đưa đến một số trường hợp đáng nhớ. Như Martin J. Fleming, chẳng hạn, sinh năm 1869, năm Ulysses S. Grant trở thành tổng thống. Ngài được phong chức năm 1898, một vài tháng sau khi Teddy Roosevelt và Rough Riders chiếm được San Juan Hill. Ngài mất năm 1950, khi Harry Truman làm tổng thống. Năm mươi sáu năm sau, vào năm 2006, Giáo phận Venice, Florida, thông báo cho giáo phận Scranton, Pennsylvania, rằng một phụ nữ báo cáo đã bị Cha Fleming lạm dụng vào năm 1940 khi cô sáu tuổi. Bây giờ cô ấy bị suy tim và muốn “sắp xếp mọi con vịt của mình cho có hàng lối” (put all of her ducks in a row = sắp xếp mọi chuyện cho ổn thỏa). Bất cứ điều gì đã xảy ra – phúc trình vốn kính đáo một cách bất bình thường – đều đã ám ảnh cô ấy trong hơn sáu thập niên, gây ra sầu khổ trong lòng và khiến cô phải tìm kiếm huấn đạo. Đức Giám Mục Scranton và các nhân viên của ngài đã kịp thời gặp cô, gọi việc lạm dụng là một điều kinh tởm, bày tỏ nỗi buồn về thời thơ ấu bị thương tổn của cô, và khuyến khích việc trị liệu.

Dù không có chi tiết, người ta có thể tưởng tượng nỗi đau ray rứt của người phụ nữ này; người ta có thể suy đoán rằng cô không phải là nạn nhân duy nhất; người ta có thể thắc mắc điều gì khác đã bị giữ kín trong bí mật hoặc bác bỏ trong một thời đại rất khác. Nhưng tất cả những điều chưa biết từ nửa tiền bán thế kỷ XX dường như vượt ra ngoài giới hạn của điều tự cho mình là một cuộc điều tra pháp lý nghiêm ngặt.

Đây có phải là điển hình đặc biệt không? Có, nhưng không phải là duy nhất. Người ta có thể nói cùng một điều như vậy về một số thí dụ được phúc trình làm nổi bật.

Thực vậy, người ta có thể tìm thấy những thí dụ tương tự trong đó khoảng thời gian điều tra dài hơn bảy thập niên - và khoảng cách nửa thế kỷ giữa khả năng lạm dụng và lời đầu tiên về nó tới tai các viên chức giáo hội - nêu ra nhiều câu hỏi về khái niệm trách nhiệm nhận tội của phúc trình.

Nhưng khoảng thời gian được chọn và khái niệm không giải thích của phúc trình về ý niệm trách nhiệm nhận tội chỉ là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn. Điều thiếu sót trong phúc trình, trước hết, là ý nghĩa bất cứ nào đó về lịch sử. Phúc trình coi hơn bảy thập niên từ năm 1945 cho đến ngày hôm qua như một khối. Đó là một thời gian dài trong cuộc sống của ngay cả các định chế căn bản nhất. Bạn có thể nào tìm hiểu sự tan vỡ gia đình từ năm 1945 hoặc các khuôn mẫu hoạt động tình dục trong khoảng thời gian đó mà không hết sức lưu ý đến nhân khẩu học, làm cha mẹ đơn chiếc, nữ quyền, các biện pháp ngừa thai, thập niên 60, quyền của người đồng tính, và các quy tắc đang thay đổi liên quan tới quyền tự chủ, quyền riêng tư và thoả mãn bản thân không? Hoặc, đơn cử một thí dụ khác, các liên hệ sắc tộc? Bạn có thể nào mô tả chính xác giai đoạn từ Thế chiến II đến ngày hôm qua mà không nêu bật phong trào dân quyền, Đạo luật Dân quyền và Quyền bỏ phiếu, và việc bầu Barack Obama không?



Cuộc gặp gỡ đầu tiên của riêng tôi với việc lạm dụng tình dục đã đến khi tôi vừa tròn mười bảy tuổi. Tôi đang làm việc tại một trại Hướng đạo nam và phát hiện ra và cố gắng thông tri cho những người cấp cao rằng một viên chức trại đang lạm dụng các thực tập sinh mười bốn tuổi. Ông ta bị sa thải, và thế là xong. Nhưng tất nhiên điều đó chưa xong. Là một thầy giáo, ông ta chuyển đến một tiểu bang khác, nhờ một trùng hợp phi thường, nhiều năm sau, tôi biết ông ta tiếp tục xách nhiễu. Kinh nghiệm đó vào mùa hè 1958 đã khiến tôi mẫn cảm các thay đổi triệt để và đáng hoan nghênh trong các phản ứng xã hội đối với việc lạm dụng tình dục kể từ thái độ im lặng mà lúc đó đang chiếm ưu thế nơi các phụ huynh, nạn nhân, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các viên chức chấp pháp cũng như các nhà hữu trách của Hướng đạo. Phải mất một thời gian mới nhận ra rằng lạm dụng tình dục trẻ em, trước đây vốn được mô tả như mối đe dọa từ những kẻ lạ mặt lẩn khuất trong các áo mưa, thực ra có thể là việc làm của bạn bè gia đình, chú bác qúy yêu, hướng đạo trưởng, bác sĩ, các người cha và cha dượng, hoặc thậm chí một giáo sĩ được ngưỡng mộ. Phải một thời gian dài hơn nữa các nhà trị liệu, các chánh án và các viện lập pháp mới quyết định phải làm gì đối với nó.

Đối với Đạo Công Giáo, Công đồng Vatican II, cùng với những thay đổi xã hội lớn, đã làm gián đoạn Giáo Hội và sự xấu hổ và im lặng do nền văn hóa cung kính của nó áp đặt. Bị thúc đẩy bởi các vụ kiện và tuyên truyền ầm ĩ (publicity) và chính sự kiện gia tăng các trường hợp lạm dụng, phản ứng của các giám mục đã bắt đầu thay đổi, muộn màng nhưng đáng kể, vào cuối thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990. Các thái độ đã có một bước ngoặt dứt khoát vào năm 2002 với việc các giám mục chấp nhận Hiến chương Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên, được thông qua sau những tiết lộ của tờ Boston Globe. Ngay cả việc lạm dụng tình dục của các linh mục cũng có một lịch sử. Nếu chúng ta tin các phát hiện của Trường Cao đẳng John Jay về Công lý Hình sự, thì nó đã gia tăng cuối thập niên 1960, tăng vọt vào thập niên 70 và sau đó giảm đi trong thập niên 80.

Các tác giả của phúc trình thuộc văn phòng bộ trưởng tư pháp đã đấu tranh mạnh mẽ để hạ giá thực tại này. Các kết luận của bản phúc trình về lạm dụng và che đậy được quả quyết một cách vượt thời gian. Bất cứ khi nào thay đổi được thừa nhận, ngôn ngữ của nó khá bực dọc.

Những độc giả kiên trì cho đến trang 297 sẽ chỉ tìm thấy tám trang dành cho “Giáo Hội và việc lạm dụng tình dục: quá khứ và hiện tại”, nghĩa là, trước năm 2002 và sau đó. Bốn trang được mở rộng dựa trên các ý kiến được gán cho các “chuyên gia” FBI, vốn đã được trích dẫn trong phần dẫn nhập. Những trang này được cho là để chứng minh rằng các uyển ngữ (euphemisms) thay cho việc lạm dụng tình dục được tìm thấy trong hồ sơ của giáo hội (và hiển nhiên không ở nơi nào khác) là một phần của cuốn sách dạy chơi trò che giấu. Nhận định này lên cao điểm trong một biểu đồ đủ mầu chiếm nửa trang minh họa “vòng bí mật này”. Cụm từ “vòng bí mật” và lời phân tích tương ứng được gán cho Giám mục Pittsburgh lúc đó là Donald Wuerl, người sau đó làm tổng giám mục của Washington (gần đây ngài đã từ chức).

Nếu các độc giả tò mò hoặc có quyết tâm lật đến trang 1,124 của bản phúc trình, họ sẽ phát hiện ra rằng cụm từ “vòng tròn bí mật” (a) không phải của Đức Cha Wuerl và (b) không liên quan gì đến cách phúc trình sử dụng chúng. Viết nguệch ngoạc trên một lời yêu cầu năm 1993 của một linh mục phạm tội để được trở lại thừa tác vụ, cụm từ này cho thấy mặc dù xem ra đã hồi phục, linh mục này không thể được bổ nhiệm mà không tiết lộ công khai trọn vẹn hành vi và cách đối xử của mình trong quá khứ. Như đã xảy ra, yêu cầu của linh mục này đã bị từ chối. Và chữ viết vội kia không phải của Đức cha Wuerl. Trước khi phúc trình được công bố, Đức Hồng Y Wuerl đã thông báo cho bộ trưởng tư pháp về việc này. Việc điều chỉnh của ngài đã bị làm ngơ. Ý niệm “Vòng bí mật” và biểu đồ ấn tượng kia dường như hoàn toàn là sự pha chế của các người viết phúc trình.

Bốn trang tiếp theo chính xác nhận diện cuộc vạch trần của tờ Boston Globe năm 2002 như là điều quan yếu buộc hàng giáo phẩm Công Giáo phải soạn thảo và thi hành Hiến chương Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên. Bản phúc trình thừa nhận “Xét chung, Hiến chương quả đã đẩy sự việc đi theo hướng đúng”. Tuy nhiên, hầu như mọi đoạn trước và sau lời thừa nhận này đều được viết một cách khéo léo để giảm thiểu hoặc loại bỏ tầm quan trọng của Hiến chương.

Phúc trình của đại bồi thẩm đoàn tự hào là một “hồ sơ lịch sử”, nhưng cử chỉ thoáng qua này đối với lịch sử là một bức tranh biếm họa. Nó tuyệt đối không lưu ý gì tới các tài liệu dài được đệ trình lên đại bồi thẩm đoàn bởi sáu giáo phận.

Những đệ trình này có thể được hiểu bởi những gì Đức Giám Mục Edward C. Malesic, giám mục mới được bổ nhiệm gần đây của Greensburg, tuyên bố cho chính ngài và giáo phận của ngài. Câu trả lời chủ yếu cho phúc trình của đại bồi thẩm đoàn, được ngài viết bằng chữ in nghiêng, có thể tóm tắt trong năm chữ: “Đây không phải là ngày hôm nay của Giáo Hội”.

Để làm bằng chứng, ngài và từng giáo phận khác đã lên tài liệu cho các chính sách chi tiết, một số đã có từ giữa những năm 1990 nhưng liên tục được cập nhật và thắt chặt, nhất là từ Hiến chương Dallas 2002, để tạo điều kiện và điều tra các lời tố cáo; đình chỉ các linh mục bị buộc tội và loại bỏ họ khỏi mọi thừa tác vụ nếu các lời tố cáo chứng tỏ là đáng tin cậy; báo cáo kịp thời các lời tố cáo cho cơ quan thi hành pháp luật; thiết lập và ban quyền cho các ban đánh giá giáo dân có chuyên môn nghề nghiệp để hướng dẫn giám mục; tiếp cận và hỗ trợ các nạn nhân; sàng lọc các chủng sinh; thiết lập các biện pháp phòng ngừa sâu rộng bao gồm các kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt và huấn luyện bắt buộc cho mọi nhân viên giáo hội và thiện nguyện viên hoạt động với trẻ em và thanh thiếu niên; giáo dục các cha mẹ; và sẵn sàng để mọi chương trình như vậy được kiểm toán thường xuyên bởi các cơ quan độc lập. Sau năm 2002, một số giáo phận đã lùng sục các sơ của họ hoặc mở chúng cho các chánh án quận để đảm bảo không có linh mục lạm dụng nào còn ở trong thừa tác vụ.

Dĩ nhiên, không có lý do tại sao một đại bồi thẩm đoàn phải coi lời khai của các giáo phận như thế theo giá trị bề mặt. Có lẽ các chính sách đầy ấn tượng để xử lý và báo cáo các lời tố cáo hoặc hỗ trợ các nạn nhân chỉ có trên giấy tờ chứ không có trên thực tế. Có lẽ con số gây ấn tượng về các giáo sĩ, các nhà giáo dục, các nhân viên phụ trách thanh thiếu niên và các nhân viên đã được rà soát và huấn luyện, các phụ huynh và học sinh được thông tri, số tiền chi ra và các cuộc kiểm toán được thực hiện đều giả cả, những lừa đảo (flimflam) lếu láo tạo ra vì mục đích giao tế. Có lẽ những biện pháp bảo vệ đầy ấn tượng này, nhiều biện pháp trong số này chưa đầy hai thập niên, hoạt động hữu hiệu ở một số giáo phận, nhưng không hữu hiệu ở các giáo phận khác. Đây là những khả thể đứng đắn mà một cuộc điều tra của một đại bồi thẩm đoàn đứng đắn có thể đã xem xét. Không có dấu hiệu nhỏ nhất nào, vâng nhỏ nhất nào, cho thấy đại bồi thẩm đoàn chịu nghiêm túc lưu ý đến loại lời khai sâu rộng, chi tiết, mà các giáo phận đã đệ trình liên quan tới các chính sách và chương trình hiện nay của họ.

Việc thiếu ý thức lịch sử đã làm phúc trình của đại bồi thẩm đoàn không nhìn thấy hai nhân tố cần thiết khác để hiểu các các câu trả lời của các viên chức Giáo Hội đối với các tố cáo lạm dụng. Một là việc cậy nhờ trị liệu pháp. Nhân tố kia là khoảng cách thường gặp giữa thời gian lạm dụng và thời gian tố cáo. Đối với cả hai nhân tố, năm 2002 là điều quan yếu.

Cậy nhờ trị liệu pháp

Các kết luận của phúc trình về lạm dụng và che đậy được quả quyết một cách vượt thời gian. Bất cứ khi nào việc thay đổi được thừa nhận, ngôn ngữ (của phúc trình) là ngôn ngữ bực dọc

Đến giữa thập niên 1980, các nhà lãnh đạo Công Giáo bắt đầu ra khỏi, tuy không đồng đều chút nào, trạng thái bác bỏ và tâm lý không biết gì về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Người ta ngày càng nhìn nhận rằng việc lạm dụng trẻ vị thành niên không đơn giản chỉ là một tội lỗi đòi phải ăn năn, có lẽ một cuộc tĩnh tâm và “một mục đích quyết tâm sửa đổi”; tác phong sai trái như thế báo hiệu một bệnh lý tâm lý nghiêm trọng. Các giám mục bắt đầu gửi các giáo sĩ bị tố cáo đi lượng giá và điều trị ở một số trung tâm điều trị, chủ yếu liên quan đến giáo hội và nguyên thủy thường được thành lập để điều trị các giáo sĩ nghiện rượu. Vào thời điểm các thủ tục chính thức của giáo hội khiến việc loại bỏ các cá nhân hoàn toàn khỏi chức linh mục trở thành một vấn đề không chắc chắn và kéo dài lê thê, “giải pháp trị liệu” này có vẻ hứa hẹn hơn. Không như việc hoàn tục, nó xem ra còn duy trì được đòn bẩy đối với các linh mục được điều trị chịu tuân thủ việc theo dõi, hạn chế và chăm sóc sau đó.

Các câu hỏi nghiêm túc về các trung tâm này và hiệu quả của chúng vẫn còn bỏ ngỏ. Vụ kiện đòi bồi thường cho các nạn nhân, vốn thông tri và lên khuôn một cách áp đảo cho các tường trình của phương tiện truyền thông về tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục, đã nhắm vào các giám mục. Các trung tâm điều trị phần lớn thoát khỏi sự chú ý của công chúng, ngoại trừ khi các luật sư của nạn nhân lý luận rằng các trung tâm này nói với giám mục, người dù sao đã trả tiền cho các dịch vụ của họ, bất cứ điều gì ngài muốn nghe hoặc dành cho ngài lá chắn, cả khi ngài làm ngơ các khuyến cáo của họ. Trên thực tế, chính một giám đốc gây tranh cãi của Viện Thánh Luca ở Maryland, đã là người đầu tiên cảnh cáo rằng việc giáo sĩ lạm dụng không phải là vấn đề của một vài quả táo xấu mà là một vấn đề có tính hệ thống. Nhiều cá nhân nhân viên của các trung tâm này có trình độ chuyên nghề cao. Họ tin rằng việc tái phạm rất họa hiếm. 

Là một phóng viên, tôi đã đến viếng Viện Thánh Luca vào năm 1992. Tôi rất có ấn tượng với tính chuyên nghiệp của nhân viên, sự nghiêm ngặt trong phương pháp của họ (ít nhất như được mô tả với tôi), và lập luận của họ cho rằng nó tốt hơn cho các người trẻ đang gặp nguy hiểm và giáo hội trong việc điều trị các linh mục, những người mà giáo hội vẫn duy trì được đòn bẩy đáng kể hơn là “thả lỏng họ” ra ngoài xã hội bằng cách hoàn tục họ. Tôi ra về lòng tự hỏi liệu các chuyên gia tận tâm này có đánh giá quá cao các kỹ năng của họ hay không. Nhưng tôi cũng đã ra về trong khi hiểu được tại sao khá nhiều giám mục có lương tâm, chứ không phải những vị chậm hiểu chỉ biết lo lắng về hình ảnh công cộng và bảo vệ các giáo sĩ của họ, đã hướng về các trung tâm này như giải pháp tốt nhất.

Trong một số trường hợp, sự tin tưởng này đã tỏ ra không đúng chỗ. Một số trung tâm chắc chắn dưới trung bình (subpar). Trung tâm Paraclete tại Jemez Springs, New Mexico, dường như là một thảm họa đặc thù, đã cho về “các vị khách” đang còn cần điều trị để làm công việc giáo xứ quanh vùng Tây Nam - và do đó, tạo thêm nhiều nạn nhân hơn. Một trường hợp nổi tiếng là James Porter, được gửi đến đó vào năm 1967 từ Fall River, Massachusetts; Porter tiếp tục quấy rối trẻ vị thành niên cả trong tư cách linh mục lẫn trong tư cách cựu linh mục cho đến khi bị tầm tra và bắt giữ vào năm 1993 sau chương trình truyền hình giật gân Primetime Live do Diane Sawyer điều khiển. Trung tâm đã đóng cửa trước các vụ kiện vào thập niên 1990 và không còn luẩn quẩn khi một loạt các cáo buộc và vụ kiện sau đó xuất hiện.

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về các chương trình tâm thần này. Năm 1992, các nhà trị liệu ở Viện Thánh Luca đã nhận thức rõ các trường hợp như Porter, từ hai thập niên trước và tiếp tục nhấn mạnh rằng kiến thức và cách điều trị hiện nay đã “đi trước cả nhiều năm ánh sáng”. Tuy nhiên, các khác biệt giữa các trung tâm dường như vẫn còn tồn tại. Phúc trình khẩn khoản nêu ra vấn đề này bằng cách nhắc đến việc “đánh giá” và “chẩn bệnh” và “điều trị”, trong các trích dẫn gây sợ hãi, rõ ràng ngụ ý rằng đây là những thao tác ma mãnh của các giám mục để che đậy sự vô trách nhiệm của họ.

Dù sao, chính sách tuyệt đối không khoan nhượng của Hiến chương Dallas đã chấm dứt “giải pháp trị liệu” này. Sau năm 2002, không linh mục nào bị tố cáo một cách đáng tin cậy đã lạm dụng trẻ vị thành niên, bất kể bao xa trong quá khứ và bất chấp liệu bây giờ có được coi là điều trị thành công hay không, được tiếp tục thi hành thừa tác vụ.

Không nhất quán về ngày tháng

Có một cảnh khó quên ở cuối cuốn phim Spotlight khi tờ Boston Globe trình bầy với báo chí bài viết đầu tiên phơi bày sự lạm dụng trong tổng giáo phận Boston. Tất cả các điện thoại trong phòng tin tức bắt đầu reo với các cuộc gọi từ các nạn nhân cuối cùng, họ đã được tiếp sức mạnh dạn, dám tường trình các kinh nghiệm của chính họ từ nhiều năm hoặc nhiều thập niên trước đó. Khoảng cách thường xuyên gồm nhiều năm này giữa việc lạm dụng tình dục và việc nạn nhân lên tiếng là một thực tại được thừa nhận rộng rãi. Điều chủ yếu là hiểu được sự gây hại về tâm lý của việc lạm dụng và nỗ lực mở rộng thời hạn truy tố (statutes of limitations). Điều cũng chủ yếu là theo dõi đáp ứng của các viên chức giáo hội.

Khi các tố cáo đáng tin cậy ban đầu chống lại các linh mục săn mồi được đưa ra sau Hiến chương Dallas năm 2002, các linh mục đã tự động bị loại khỏi thừa tác vụ nhanh bao nhiêu có thể. Nhiều người trong số những người mới bị tố cáo thực tế đã nghỉ hưu, không hoạt động hoặc đã chết. Ở Pennsylvania, cũng như trên toàn quốc, một phần trăm đáng kể các tố cáo ban đầu diễn ra sau năm 2002. (Một số ở Pennsylvania dường như được kích hoạt bởi vụ tai tiếng ở Đại học tiểu bang Pennsylvania năm 2011). Việc xác định ngày tháng khi tin tức lạm dụng lần đầu tiên đến tai các viên chức giáo hội không luôn dễ dàng căn cứ vào hồ sơ của phúc trình của đại bồi thẩm đoàn, một hồ sơ thường chỉ dừng lại ở các hành vi tình dục của kẻ quấy rối và đôi khi là hậu quả tàn hại đối với các nạn nhân. Các hồ sơ không tuân theo bất cứ khuôn mẫu thống nhất nào: khi nào các vụ lạm dụng xẩy ra, khi nào chúng được báo cáo và chúng được xử lý cách nào. Không có bản tóm tắt từng thập niên về việc có bao nhiêu linh mục bị tố cáo một cách đáng tin cậy, được giữ lại trong thừa tác vụ tích cực hoặc bị hạn chế, bị đưa vào điều trị, bị loại khỏi thừa tác vụ tích cực và / hoặc bị hoàn tục.

Chắc chắn sự chấn thương và vết nhơ (stigma) khiến các nạn nhân này im lặng đòi sự tự kiểm tra của cả giáo hội lẫn nền văn hóa rộng lớn hơn. Nhưng bất cứ ai điều tra các quyết định mà các viên chức giáo hội đưa ra đều nên biết rằng, theo ước tính của tôi, các tố cáo chống lại ít nhất một phần ba trong số 301 người phạm tội chỉ được đưa ra ánh sáng sau năm 2002, tức là, khi quyết định loại bỏ họ khỏi thừa tác vụ tích cực đã là chính sách đã được thiết lập rồi.

264    16-01-2019