Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

''Phúc Trình Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvannia: Không Phải Như Nó Tỏ Ra'', nguyên văn tiểu luận của Peter Steinfels - tt

Điều tra các đại bồi thẩm đoàn

Điều nghịch lý là những người nêu lên những câu hỏi hoàn toàn chính đáng về trách nhiệm nhận lỗi của các giám mục lại bỏ qua các câu hỏi về trách nhiệm nhận lỗi của các đại bồi thẩm đoàn.

Các đại bồi thẩm đoàn là những thực thể pháp lý bắt nguồn sâu sắc trong luật phổ thông (common law) và được đưa vào Tu chính án thứ năm của Hiến pháp. Mục đích của chúng không phải là để xác định tội lỗi hoặc vô tội mà chỉ là liệu có đủ căn cứ để đưa ra một bản cáo trạng và kích hoạt một phiên tòa hay không. Phiên tòa mới là nơi mà tội lỗi hoặc sự vô tội sẽ được xác định bởi mọi thủ tục thuận nghịch (adversarial) trong việc khảo sát bằng chứng và lời khai của cả hai bên dưới sự giám sát chặt chẽ của một thẩm phán. Đại bồi thẩm đoàn không hoạt động theo các quy tắc này. Chúng nghe bằng chứng ex parte (từ 1 bên), nghĩa là, không có đại diện của những người bị điều tra. Chúng hoạt động trong bí mật. Và trong thực tế, chúng hoạt động gần như hoàn toàn dưới sự chỉ đạo của một công tố viên địa phương, tiểu bang hoặc liên bang, một quan tòa cấp quận hoặc bộ trưởng tư pháp, mà các kết luận của vị này, các đại bồi thẩm đoàn chỉ việc đóng dấu chấp thuận.

Vì lý do này, các đại bồi thẩm đoàn đã trở thành đầu đề gây tranh cãi. Việc có được cáo trạng hay không tùy thuộc vào các nhu cầu chính trị của các công tố viên được bầu, một vấn đề được nêu lên bởi các cộng đồng thiểu số liên quan đến các vụ giết người của cảnh sát da trắng. Việc điều tra các đại bồi thẩm đoàn, giống như ở Pennsylvania, cũng tỏ ra có vấn đề. Stanley H. Fuld, một nhà luật học nổi tiếng, từng là chánh án của Tòa phúc thẩm New York, có lần đã chỉ ra rằng một bản cáo trạng “chỉ là bước đầu tiên trong diễn trình dài trong đó bị cáo có thể tìm được sự minh oan qua việc thi hành quyền được xét xử công khai, quyền có một bồi thẩm đoàn, quyền có luật sư, quyền đối chất với các nhân chứng chống lại họ và, nếu bị kết án, quyền kháng án”. Ngược lại, một phúc trình điều tra của đại bồi thẩm đoàn, “vừa là lời buộc tội vừa là lời lên án sau cùng, và, vì phát xuất từ một cơ quan tư pháp chiếm một vị trí đáng kính và quan trọng trong cộng đồng, nên tiềm năng gây hại của nó không thể nào tính toán được”. Ông Fuld nói tiếp: là một tài liệu tư pháp, một phúc trình của đại bồi thẩm đoàn “mang cùng ý nghĩa lên án có thế giá tương tự như một bản cáo trạng, tuy nhiên, không dành cho bị cáo lợi ích che chở như đã dành cho một người bị truy tố”.

Fuld tin rằng tiềm năng lạm dụng này đặc biệt to lớn khi một phúc trình điều tra của bồi thẩm đoàn nêu các tên tuổi; và phúc trình Pennsylvania tất nhiên nêu tên không những hàng trăm kẻ săn mồi, mà còn hơn năm mươi giám mục và quản trị viên giáo phận bị coi là có tội tương tự. Phần dẫn nhập của phúc trình không ngần ngại nói rõ ý định của nó, muốn trở thành chánh án và bồi thẩm đoàn, đồng thời đưa ra các lời kết án đối với “các tội ác mà nếu không sẽ không bị trừng phạt và bồi thường”: “Phúc trình này là cầu viện (recourse) duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nêu tên và mô tả những gì họ đã làm, cả những người phạm tội tình dục và những người che giấu họ. Chúng tôi sẽ rõi một tia sáng vào hành vi của họ, vì đó là điều các nạn nhân đáng có được”.

Điều rõ ràng là hầu hết mọi người đã coi phúc trình Pennsylvania là điều mà Chánh án Fuld gọi là “một sự lên án có thẩm quyền” mà không nhìn nhận các giới hạn của nó. Điều nghịch lý là những người nêu lên những câu hỏi hoàn toàn chính đáng về trách nhiệm nhận lỗi của các giám mục lại bỏ qua các câu hỏi về trách nhiệm nhận lỗi của các đại bồi thẩm đoàn. Những phát hiện của các báo cáo như vậy chỉ có thể bị thách thức sau khi chúng được công bố: bởi những người công kích, bởi các nhà phê bình có hiểu biết, bởi các nhà điều tra độc lập, bởi các chính trị gia bất đồng chính kiến, bởi các phương tiện truyền thông, v.v.

Trong trường hợp Pennsylvania, lẽ dĩ nhiên, các giám mục bị tê liệt. Không những tính khả tín của các ngài bị bôi nhọ bởi các thất bại trong quá khứ, thường là bởi những người tiền nhiệm đã qua đời, nhưng từ lâu họ đã thừa nhận rằng ưu tiên hàng đầu của họ, đúng như thế, phải là tránh đưa ra bất kỳ lời bào chữa nào cho tội ác săn mồi hoặc “ tái nạn nhân hóa” các người sống sót việc lạm dụng. Ai khác có thể lấp đầy khoảng trống này? Các nhà báo cấp tiến, các nhà tranh đấu tự do dân quyền, hay các nhà học thuật bất mãn với các giáo huấn Công Giáo về phá thai và hôn nhân đồng tính? ProPublica (Phò Cộng Hòa)?, Frontline (Tuyến đầu)? Các người Công Giáo bảo thủ không hài lòng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô? Các ngươi Công Giáo cấp tiến không hài lòng với hàng giáo phẩm bảo thủ? Chắc là không.

Cấu trúc phúc trình

Phúc trình Pennsylvania được chia thành năm phần, với tỷ lệ rất khác nhau. Tiếp theo Phần I, phần dẫn nhập mười hai trang đầy kích thích đó, Phần II dành hàng trăm trang cho mười tám thí dụ lạm dụng gây ngỡ ngàng, trong một số trường hợp, còn kệch cỡm nữa, ba thí dụ từ mỗi giáo phận trong số sáu giáo phận.

Mặt khác, Phần II liệt kê các giám mục và các viên chức chủ chốt khác của mỗi giáo phận và tất cả những kẻ lạm dụng bị cáo buộc trong bảy đến tám thập niên qua. Bằng một ngôn ngữ gần như nóng bỏng, đại bồi thẩm đoàn tuyên bố rằng họ đã tìm thấy bằng chứng lạm dụng tình dục trong mỗi giáo phận (“tán tỉnh [grooming] và mơn trớn bộ phận sinh dục” và “việc xâm nhập âm đạo, miệng hoặc hậu môn”); các giám mục và quản trị viên thì “biết các hành vi này”, nhưng thường xuyên vẫn bổ nhiệm những kẻ lạm dụng vào thừa tác vụ, bất chấp các khiếu nại, do đó lên năng lực cho những kẻ phạm tội và gây nguy hiểm cho các trẻ em. Các giáo phận thì bị nhận thấy đi tham khảo các luật sư và đạt được các dàn xếp bí mật với các nạn nhân nhằm cấm họ nói ra. Tương tự như vậy, các giáo phận cũng bị nhận thấy đã can ngăn các nạn nhân đến cảnh sát hoặc tiến hành “các cuộc điều tra thiếu sót, thiên vị của chính họ” mà không phúc trình các tội ác này.

Hiển nhiên, điều trên không có nghĩa các điều như vậy chỉ xảy ra đôi khi và ở một số nơi trong hơn bảy thập niên qua, nhưng chúng xảy ra thường xuyên, thường lệ và như phần dẫn nhập quả quyết, “ở khắp mọi nơi”.

Phần III là phần tổng quan gồm chín trang nói về “Giáo hội và việc lạm dụng trẻ em, quá khứ và hiện tại”. Phần IV dành sáu trang để đưa ra các khuyến cáo đã đề cập trong phần dẫn nhập.

Sau đó, trong “Phụ lục các Người phạm tội” dài 569 trang, phúc trình mô tả hồ sơ (profiles), từng giáo phận, mọi linh mục, phó tế hoặc chủng sinh mà phúc trình kết luận đã bị cáo buộc một cách đáng tin cậy là đã lạm dụng. Bản phúc trình gọi những hồ sơ này về hơn ba trăm linh mục có lẽ là phần “quan trọng nhất” và “sau cùng” của nó. Thật vậy, trong một số bản PDF của phúc trình trên trực tuyến, kể cả, một cách gây ngỡ ngàng, trang web của văn phòng bộ trưởng tư pháp, tài liệu kết thúc ở chỗ đó, tại trang 884. Trên thực tế, còn hơn 450 trang tiếp theo nữa. Những trang này bao gồm các câu trả lời được sao chụp từ các giáo phận, cựu giám mục, các viên chức giáo phận khác và thậm chí một số linh mục bị buộc tội phản đối để chứng minh sự vô tội của họ. Nhiều tài liệu trong số này nêu ra các câu hỏi quan trọng hoặc đưa ra những lời chỉ trích đáng kể. Mặc dù phúc trình quả quyết rằng các giáo phận đã được mời gửi các tuyên bố về các chính sách gần đây của họ, nhưng không có bình luận hay trả lời có thực chất nào của đại bồi thẩm đoàn.

Việc sắp xếp trên hữu hiệu, nhưng sai lệch và kềnh càng. Hữu hiệu vì những lời hùng biện có kịch tính, gần như kích động của phần dẫn nhập và sau đó vì mười tám thí dụ được chọn. Lệch lạc, bởi vì phúc trình dành hơn tám trăm trang cho các thí dụ đã chọn và “Hồ sơ Lạm dụng” giống như một bách khoa toàn thư. Non năm mươi trang, kể cả phần dẫn nhập, được dành cho việc phân tích, phát hiện và khuyến cáo của chính đại bồi thẩm đoàn. Kềnh càng, vì hàng trăm trang phân cách ba hạng “kinh khủng” của mỗi giáo phận ra khỏi danh sách mọi người phạm tội trong phụ lục và một lần nữa khỏi bất cứ câu trả lời nào. Bất kể là dùng thang cuộn trực tuyến hoặc lần rở qua các trang in, việc theo dõi các tố cáo và câu trả lời là điều rất khó khăn.

Xem tiếp: Điều gì có điều gì không trong phúc trình

363    18-01-2019