Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Tầm quan trọng của Thánh Gioan Bosco trong linh đạo và mục vụ của Đức Phanxicô

 

Linh mục Petitclerc Dòng Salê giải thích: “Đức Phanxicô tiếp tục là người truyền tải đặc sủng của Thánh Gioan Bosco”
Linh mục Jean-Marie Petitclerc, dòng Salê Don Bosco, nhà bách khoa, nhà giáo tại chỗ, người hướng dẫn thiêng liêng, diễn giả nổi tiếng, tác giả của nhiều tác phẩm giáo dục. Từ năm 2016 cha là linh mục tổng đại diện tỉnh dòng Salê của Pháp và miền Nam nước Bỉ kể cả Marốc, cha sáng lập mạng “Don Bosco Hoạt động Xã hội”.

Nhân ngày lễ kính Thánh Gioan Bosco 31 tháng 1, Linh mục Dòng Salê Jean-Marie Petitclerc giải thích tầm quan trọng của Thánh Gioan Bosco trong đường hướng linh đạo và mục vụ của Đức Phanxicô.

Đức Phanxicô đã viết lời nói đầu cho quyển sách mang tên “Niềm vui Tin Mừng với Don Bosco” (Evangelii gaudium avec Don Bosco) của tu sĩ Dòng Salê người Ý Antonio Carriero, được nhà xuất bản Salê Elledeci phát hành tại Ý ngày 15 tháng 1, 2019.

Đức Phanxicô đã tâm sự rằng, sứ điệp của Thánh Gioan Bosco là một “sứ điệp cách mạng ở thời mà các linh mục sống tách rời với giáo dân”. Đức Phanxicô giải thích, Thánh Gioan Bosco mang nhiệt huyết truyền giáo của mình đến các vùng “ngoại vi và hiện sinh”, ngài mang lại “niềm vui và sự chăm sóc đích thực của một nhà giáo cho tất cả các trẻ em ngài nhặt nhạnh ngoài đường”.

Zenit: Kính cha Jean-Marie Petitclerc, Dòng Salê Ý xuất bản quyển sách “Niềm vui Tin Mừng với Don Bosco” với lời nói đầu của Đức Phanxicô; xin cha cho biết các lời, các hành vi của Đức Phanxicô nói lên tầm ảnh hưởng nào của Thánh Gioan Bosco và đặc biệt qua cha Enrique Pozzoli?

Linh mục Jean-Marie Petitclerc: Chúng ta cần nhắc lại, Linh mục Enrique Pozzoli là linh mục rửa tội cho Đức Phanxicô ngày 25 tháng 12 năm 1936, là bạn thân của gia đình Bergoglio và là người mà khi 16 tuổi, Đức Phanxicô cho biết mình muốn đi tu. Và cũng cần nhắc lại, khi còn tuổi vị thành niên, Đức Phanxicô học trường Dòng Salê Ramos Mejia.

Vì thế bây giờ chúng ta thấy Đức Phanxicô tiếp tục là người truyền tải đặc sủng của Thánh Gioan Bosco. Tôi xin đưa ra:

  • Ngài luôn nhắc lại sự cần thiết phải “đi ra vùng ngoại vi”. Đây là cách Thánh Gioan Bosco phát triển cách mục vụ của ngài với người trẻ, không phải “kêu họ tới” mà “đến với họ”, học để đến với các người trẻ nơi họ sống và trong các lãnh vực họ thích.
  • Sự gần gũi của Đức Phanxicô với trẻ em, đặc biệt với các em khuyết tật. Cũng như Thánh Gioan Bosco, ngài biết thể hiện lòng dịu dàng.
  • Cách ngài kết hợp “thánh thiện” với “vui vẻ” theo cách của Thánh Phanxicô Salê, người cảm hứng cho Don Bosco, người đã nói “một ông thánh buồn đích thị là một ông thánh buồn”. Don Bosco mang lời nhắn này đến với người trẻ, kêu gọi họ trở nên thánh thiện và vui vẻ. Thánh Dominique Savio nói với một bạn trẻ vừa đến nhà nguyện do Thánh Gioan Bosco điều khiển: “Bạn biết là ở đây chúng tôi xem thánh thiện là phải luôn vui vẻ”.

Với mạng lưới Giáo dục Học đường (Scholas occurrentes) Đức Phanxicô đã giải thích tầm quan trọng của một nền giáo dục chú trọng đến toàn bộ “bàn tay, quả tim, cái đầu”. Ở điểm nào giáo dục toàn bộ của Thánh Gioan Bosco đặc biệt vẫn còn mang tính thời sự cho ngày nay?

Phương pháp giáo dục của Thánh Gioan Bosco là muốn trẻ em phát triển toàn diện. Ngài giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên trên nhiều khía cạnh: thể chất (phát triển qua thể dục thể thao, qua các sinh hoạt giúp trẻ em biết diễn tả), trí tuệ (chú trọng đến việc học và đào tạo), tình cảm (đồng hành riêng với từng em trong việc xây dựng căn tính tình cảm và tính dục), thiêng liêng (phát triển giáo dục để hướng nội, cầu nguyện và đào tạo lương tâm). Phương pháp sư phạm này chủ yếu dựa trên chất lượng của mối quan hệ giáo dục. Thánh Gioan Bosco thích lặp lại cho các đồ đệ của mình: “Không có yêu thương thì không có tin tưởng, và không có tin tưởng thì không có giáo dục”.

Một đường lối sư phạm như thế thì luôn thời sự, nhất là ở thời buổi chúng ta đang có sự thay đổi xã hội mạnh mẽ như ngày nay. Vào thời Thánh Gioan Bosco, người dân đi từ một xã hội nông thôn và nông dân qua một xã hội đô thị và công nghiệp; bây giờ chúng ta chuyển từ xã hội công nghiệp qua xã hội hậu công nghiệp, đánh dấu bởi cuộc cách mạng số. Trong những giai đoạn thay đổi như vậy, khi niềm tin mất dần trong các tổ chức lớn, Thánh Gioan Bosco xác tín vào khả năng để truyền tải, để giáo dục liên hệ nhiều đến chất lượng của mối tương quan người lớn-người trẻ, hơn là chất lượng tổ chức của hệ thống thể chế. Khi đó ngài đã tiên đoán, việc tạo uy quyền nơi người trẻ càng ngày càng ít gắn liền với người thực thi uy quyền, nhưng càng ngày càng gắn với chất lượng tương quan của người này với người trẻ, và điều này với sự thật ngày hôm nay đã chứng minh cho thấy ngài có lý.

Cha đã thu thập các chứng từ của các giáo sư trường dạy nghề nơi đường lối sư phạm của Thánh Gioan Bosco là tường thành chống thất bại: đâu là các động lực chính của nó?

Đúng là có nhiều người trẻ đến trường dạy nghề đã gặp khó khăn ở trường học chữ và đã làm cho các em mất tự tin nhiều. Theo tôi, các động lực chính trong phương pháp sư phạm của Thánh Gioan Bosco nhằm xây dựng lại lòng tự tin là:

  • Lòng nhân hậu, nhà giáo, giáo viên không bao giờ được đánh giá học sinh qua thành tích và cách ứng xử của học sinh trong hiện tại, nhưng họ phải luôn có khả năng phân định các tiềm năng tiến bộ của học sinh.
  • Ghi nhớ, nhắc lại sự thành công, vì khi nhớ lại mình đã thành công thì luôn giúp học sinh có khả năng đương đầu với các khó khăn của ngày mai.
  • Chú ý đến từng học sinh một, đặc biệt với các em có tiến trình khó khăn ở tuổi vị thành niên. Điều này không thực hiện qua các diễn từ hoa mỹ nhưng qua cách rỉ tai rất thân tình của Thánh Gioan Bosco.

Phương pháp sư phạm của Thánh Gioan Bosco có thể giúp “ngăn chặn sự triệt để tận căn của các người trẻ” như tựa đề một quyển sách của cha không?

Tiến trình triệt để tận căn là kết quả của sự phối hợp hai hiện tượng: tuyển dụng đưa vào đội ngũ do quan hệ (người thanh niên bị một nhóm bạn bè hớp hồn, cắt đứt các quan hệ xưa cũ với gia đình, với bạn bè) và bị tuyên truyền ý thức hệ.

Phòng ngừa việc tuyển dụng qua quan hệ cần phải chú tâm đến mạng quan hệ của người trẻ để họ không khép kín trong các quan hệ độc quyền, nhưng để họ giữ quan hệ với gia đình và cởi mở với các cuộc gặp gỡ khác. Giáo dục trong thân tình là giáo dục Thánh Gioan Bosco chủ trương là trụ cột cho bất kỳ chính sách phòng ngừa nào.

Phòng ngừa sự truyền bá ý thức hệ đòi hỏi sự phát triển tinh thần phê phán nơi người trẻ, để họ không bị lừa bởi các ý thức hệ sai lầm. Đây là vai trò chính của học đường nhưng chúng ta nhận thấy đôi khi ngày nay học đường không đóng được vai trò này một cách trọn vẹn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

721    31-01-2019