Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Tâm trạng cô đơn trong Tân Ước (1/4)

 

Đức Kitô là câu trả lời cuối cùng

Sách thánh Do Thái cho chúng ta một số quan điểm vô giá về tâm trạng cô đơn, soi sáng nhiều điều cả về nguyên do lẫn giải pháp. Tuy thế, khi các câu chuyện đó kết thúc, những gì chúng ta có được là các lời hứa hơn là câu trả lời thỏa mãn hoàn toàn. Các câu chuyện của dân Do Thái cho chúng ta một hướng đi, và hàm chứa lời giải trong đó, nhưng lại dừng lại trước khi hướng đi đó được giải bày trọn vẹn. Vì vậy, kết cục trong sách thánh Do Thái, chỉ xoa dịu tâm hồn phần nào, và vẫn còn đó những chất vấn chưa được giải đáp.

Điều gì sẽ làm cho chúng ta khỏi bị cô đơn? Chúa Giêsu đến, và Ngài là câu trả lời trọn vẹn và tận cùng cho câu hỏi đó. Ngài là nguồn nước hằng sống, có thể làm cho các vấn đề và các khát mong của cô đơn được lắng dịu. Nơi nhân cách và nơi thông điệp của Ngài, Đức Giêsu đã trực tiếp hướng chính mình vào vấn đề cô đơn. Ngài đến để rao giảng một “vương quốc”, một “triều đại Thiên Chúa” và một “sự sống mới” không “bởi cơm bánh” mà bởi “công chính, an bình, và hoan lạc trong Thánh Thần.” Ngài nói rằng chính Ngài là lối vào vương quốc, như lời các ngôn sứ Do Thái hứa, là Đấng sẽ làm đảo lộn hiện thực một cách kỳ diệu, lột bỏ khỏi tâm hồn chúng ta nỗi đau cô đơn của một tình yêu bất toàn và chấm dứt hoàn toàn, mãi mãi các đau đớn và thống khổ của chúng ta.

Bất hạnh thay, thường thường khi nhìn vào thông điệp thiết lập vương quốc của Đức Kitôâ, chúng ta có xu hướng tinh thần hóa và trừu tượng hóa thông điệp này, tách nó ra khỏi các vấn đề mật thiết của đời sống hàng ngày. Chúng ta xem tâm trạng cô đơn là một cái gì không thiêng liêng, quá sức tầm thường so với những gì Chúa Giêsu nói về vương quốc. Do đó, ít khi liên kết nhân cách và thông điệp của Đức Kitô với những gì có ý nghĩa trong cuộc đời chúng ta, đặc biệt là những điều “không thuộc về giáo hội” như nỗi cô đơn. Tuy thế, nhiều thông điệp của Chúa Giêsu nói chính xác (và không né tránh) về nỗi cô đơn, về cơn khát thiêu đốt trong tâm hồn chúng ta. Mỉa mai thay, có lẽ một trong những biểu đạt rõ ràng nhất về ý nghĩa cô đơn trong các thông điệp của Chúa Giêsu lại đến từ một người không theo Kitô giáo, ông Thomas Wolfe. Trong bài khảo luận “Con người cô đơn của Thiên Chúa”, ông nói thông điệp của Chúa Giêsu nói nhiều đến vấn đề này biết là chừng nào:

Tiêu điểm đời sống của Đức Kitô… là tiêu diệt đời sống cô đơn và thiết lập chính nơi đây, trên mặt địa cầu này một đời sống của tình yêu.

Minh chứng cho điều này vừa rõ ràng vừa quá nhiều.

[Thông điệp của Đức Kitô] nói với dân chúng, họ sẽ không sống và chết trong cô đơn, nỗi sầu khổ của họ sẽ được khuây khỏa, lời cầu nguyện sẽ được lắng nghe, cơn đói khát sẽ được làm cho thỏa, và tình yêu sẽ được đền đáp; trong tình yêu, họ sẽ phá đổ bức tường của nỗi cô đơn triền miên, thậm chí nếu tội lỗi và bất chính của thế gian này có nghiền nát họ ra như cát bụi, chỉ cần họ giữ tất cả những điều này trong tình yêu một cách ân cần thì họ sẽ được vào trong tình bằng hữu, trong hoan lạc, trong tình huynh đệ yêu thương, mà chưa từng có ai trước đó được nếm trải.

Đó cũng là ý định tối hậu của đời sống Đức Kitô, là mục đích lời rao giảng của Ngài. Và những gì Ngài mang đến là đời sống yêu thương sẽ tiêu diệt đời sống cô đơn. Hay, ít nhất, theo ý tôi, đó cũng là ý nghĩa cuộc đời của Ngài. Trong nhiều năm gần đây khi sống khá đơn độc, và nhận thức được nhiều về tâm trạng cô đơn, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần đời sống của Đấng này để xem thử liệu tôi có tìm được trong đó ý nghĩa nào cho chính tôi, tìm được lối đi cho một cuộc sống tốt đẹp hơn hiện giờ không. Tôi đã đọc những gì Ngài nói, không phải trong ý thức sùng kính và thánh thiện, nhưng trong ý thức tội lỗi, và cảm giác ăn năn, vì lời hứa về phần thưởng là thiên đàng có một ý nghĩa vô cùng đối với tôi. Tôi cố gắng đọc những lời của Ngài cách đơn sơ, trần trụi, như thể Ngài đang nói với tôi, và rồi khi đọc lời của những người khác, Homer, Donne, Whitman, và tác giả sách Giảng viên – và nếu ý nghĩ của tôi về lời của Ngài là ngu dại hay ngông cuồng, là ngây thơ đơn giản hay tầm thường vô vị, thì ý nghĩ của tôi chẳng có gì khác biệt với suy nghĩ của hàng chục triệu người khác, tôi chỉ gạt đi ý nghĩ đó khi tôi đã thấy, đã cảm nhận, đã nhìn ra và rồi cố gắng để không thêm bớt biến đổi điều gì nơi lời của Ngài.

Khi chúng ta nhìn vào thông điệp của Chúa Giêsu và cố để “không thêm bớt biến đổi điều gì”, thì chúng ta cũng nhìn ra được nhiều điều trong thông điệp của Ngài nói đến tâm trạngï cô đơn. Chúng ta nhìn ra trong thông điệp của Chúa Giêsu những phân tích rõ ràng về tâm trạng cô đơn của con người, cả về nguyên do lẫn đường hướng cần có để đi đến một giải pháp sáng tạo.

Chiều hướng đặc biệt mà Chúa Giêsu cho chúng ta là gì?

J.B. Thái Hòa dịch

 

417    16-09-2019