Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Thờ cúng tổ tiên của người Công giáo Việt Nam - 3

6. Một số nhận xét (thay lời kết luận)

6.1.   Thờ củng tổ tiên với giáo lý của đạo Công giáo


Có thể khẳng định rằng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng người Công giáo Việt Nam có cơ sở nền tảng trong chính giáo lý của họ. Vấn đề báo hiếu tổ tiên là điều mọi người phải quan tâm, giáo lý Công giáo đã đề ra những gì mà mọi tín đồ phải giữ, để chu toàn chữ hiếu đối với ông bà, cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời.

 

Với người Công giáo, Kinh Thánh là cơ sở nền tảng cho giáo lý và giáo luật của đạo Công giáo. Kinh Thánh có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Công giáo, trong đó họ tìm thấy cơ sở niềm tin của họ, tìm thấy lời chỉ dạy về cách sống, cách ứng xử với Thiên Chúa và với con người, trong đó bao gồm các quan hệ với cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, bạn hữu, và cả kẻ thù. Chính lòng hiếu thảo được Thiên Chúa chúc phúc và ban cho con cháu được sống lâu. Các tín đồ Công giáo luôn nhớ rằng, những người con không lo phụng dưỡng cha, và còn khinh thường mẹ thì phạm tội rất nặng: “Như người lộng ngôn, kẻ bỏ bê cha, kẻ khinh rẻ mẹ, là chọc giận Đấng tạo thành ra nó” [7]. Trong giáo lý Công giáo, chữ hiếu rất quan trọng, buộc mỗi người phải tuân thủ vì đó là luật của Chúa. Việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ là bổn phận bắt buộc, cha mẹ không phải mang ơn con cái về những điều đó. Đạo Công giáo rất đề cao công đức của cha mẹ trong việc sinh thành và giáo dưỡng con cái trưởng thành. Đây là chiều kích sâu xa của Công giáo, cho thấy việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ là một bổn phận, không được thoái thác bổn phận đó. Đức Giêsu cũng đã lấy tiêu chí thảo kính cha mẹ là tiêu chí đầu tiên mà tín đồ phải thực hiện để được nên trọn lành [8, tr.16 - 22]. Kinh Thánh công nhận niềm hạnh phúc trào tràn của một gia đình mà cha mẹ biết thương yêu con cái, và con cái biết kính trọng và thảo hiếu với cha mẹ.

 

6.2.    Những đặc trưng cơ bản của việc thờ củng tổ tiên ở người Công giáo

Người Công giáo tin rằng, con người có hồn và xác, cả hồn và xác đều do Thiên Chúa tạo dựng nên, được thể hiện qua ý nghĩa của trình thuật Thiên Chúa tạo dựng nên Ađam và Êva trong Kinh Thánh. Thuỷ tổ của loài người là Ađam và Êva.

 

Từ cơ sở niềm tin như vậy, những người Công giáo có những hình thức báo hiếu riêng với ông bà tổ tiên đã qua đời. Trong Công giáo, thánh lễ là công việc chuyển tải nhiều công phúc nhất. Việc thờ cúng tổ tiên ở người Công giáo có những đặc trưng cơ bản của nó như người chết được linh mục làm thánh lễ ở nhà thờ, được làm phép mồ trong Vườn Thánh. Trong ba ngày sau đó, họ hàng, làng xóm sẽ đến nhà hiếu để đọc kinh cầu nguyện cho người qua đời. Trong nhiều ngày đầu, thân nhân đều ra viếng mộ mỗi ngày, có gia đình thực hiện việc đó đến khi giỗ trăm ngày. Các chu kỳ giỗ thông thường là mỗi năm một lần vào ngày mà người đó mất, người ta xin lễ, đọc kinh, thăm mộ. Vào những dịp giỗ trọng (như 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu...) tất cả con cháu xa gần đều phải về “ăn giỗ” để tưởng nhớ người đã qua đời và để thể hiện sự “hiếu”, sự “kính” của mình với tổ tiên.

 

Một đặc trưng nữa của việc tôn kính tổ tiên nơi người Công giáo là: ngoài những ngày giỗ, niên lịch của Giáo hội còn dành một ngày riêng để cộng đoàn và con cháu cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, đó là ngày mồng 2 Tết Nguyên đán và ngày 2 tháng 11. Vào ngày đó, ở các xứ đạo ngoài thánh lễ do linh mục tổ chức tại nhà thờ, người giáo dân còn xin lễ cầu cho ông bà, cha mẹ, các gia đình tổ chức đi thăm mộ, sửa sang mộ, dọn dẹp Vườn Thánh. Một số nơi linh mục còn tiến hành dâng lễ ngay tại Vườn Thánh. Trong những ngày này, người giáo dân nhắc nhở con cháu tham gia thánh lễ đầy đủ và làm việc lành với ý chỉ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ và các linh hồn khác.

 

Việc tang ma giỗ chạp trong cộng đồng Công giáo có nhiều yếu tố hội nhập với văn hóa bản địa. Người ta cũng đặt một bàn nhỏ trưng hoa quả trước linh cữu người quá cố khi xác còn quàn tại nhà, có đặt lư hương để những người viếng xác thắp hương và xá người chết. Trong nhà người Công giáo cũng có bàn thờ ông bà cha mẹ, và nhiều người vẫn thường thắp hương ở đó, nhiều gia đình có đặt hoa quả nhất là trong dịp giỗ, dịp tết, hay khi cây nhà có trái đầu mùa... Nhưng, người Công giáo không tin người chết sẽ hưởng dùng những hoa trái ấy, họ làm thế là để biểu lộ lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu mà thôi. Các dịp giỗ chính như giỗ bảy tuần, giỗ trăm ngày, giỗ giáp năm, giỗ mãn tang, là những yếu tố được nhập từ văn hóa bản địa. Những mốc thời gian ấy vốn là truyền thống lâu đời của người Việt, người Công giáo ở Việt Nam cũng vẫn giữ những truyền thống ấy. Nhìn chung, người giáo dân Công giáo rất quan tâm đến việc báo hiếu tổ tiên. Điểm giống nhau giữa người Việt Công giáo với người Việt không theo Công giáo là họ đều thừa nhận sự tồn tại bất tử của linh hồn, nhưng điểm khác biệt giữa họ là quan niệm về hình thức tồn tại của linh hồn và do đó dẫn đến sự khác biệt về hình thức biểu lộ việc thờ cúng tổ tiên [4, tr.31].

 

6.3.   Sự khác biệt giữa người Công giáo và người không Công giáo trong việc thờ cúng tổ tiên

Khác biệt cơ bản là khác biệt trong quan niệm về hồn và sự tồn tại của hồn sau khi chết: trong quan niệm của người Công giáo, khi con người đã chết thì họ được hưởng nhan Chúa hay đến nơi luyện ngục chờ phán xét. Linh hồn ở nơi luyện ngục sẽ được con cháu cầu nguyện để sớm lên Thiên Đàng. Còn người Việt không theo Công giáo quan niệm linh hồn sau khi rời khỏi thể xác sẽ về nơi suối vàng để gặp tổ tiên ở đó. Nơi đó, cũng giống như dương gian, tổ tiên cũng có những nhu cầu như ăn, mặc, ở hay các nhu cầu khác như khi còn sống. Tổ tiên ở đó khác người sống ở chỗ: tổ tiên không thể làm ra những thứ mà mình sử dụng, mà phải nhờ con cháu gửi xuống. Con cháu sẽ gửi xuống những của cải vật chất cho ông bà qua những dịp giỗ, lễ tết, khi gia đình có công việc gì đó, hay khi con cháu cần cầu xin một điều gì. Những sản phẩm gửi cho tổ tiên bằng cách thông thường nhất là đốt vàng mã và cúng tế. Do vậy, cúng giỗ là một hình thức báo hiếu tổ tiên, nếu không cúng giỗ chu toàn cho ông bà tổ tiên nơi suối vàng sẽ bị tổ tiên quở trách, thậm chí nổi giận mà có thể gây ra những điều không may cho con cháu còn đang sống. Kết quả điều tra xã hội học tôn giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo tiến hành các năm 1995, 1998, 2003, 2005, 2007 cho thấy có khoảng 1/5 số người được hỏi cho rằng một trong những nguyên nhân họ thờ cúng tổ tiên là bởi sợ tổ tiên trừng phạt. (Kết quả điều tra có thể có sự khác nhau giữa các vùng, các năm). Với người Công giáo, điều duy nhất mà tổ tiên ông bà có thể làm là cầu Chúa giáng phúc cho người thân và con cháu hay cho những người đã giúp đỡ họ đang còn sống. Đây cũng là biểu hiện mối tương quan giữa người sống và người chết theo quan điểm của Công giáo. Cho nên tín đồ Công giáo thường không sợ ông bà tổ tiên, họ chu toàn việc cúng giỗ theo những cách thức riêng của Công giáo chỉ nhằm mục đích duy nhất là mong cho tổ tiên sớm được lên Thiên Đàng. Vì thế, những việc mà con cháu làm mang ý nghĩa báo hiếu, nhớ về nguồn cội.

 

Thờ cúng tổ tiên của người Công giáo và người không Công giáo có những khác biệt trong hình thức thể hiện. Với quan niệm tổ tiên chỉ hưởng dùng những công phúc, nên trong giỗ chạp người Công giáo thường chú trọng đến việc xin lễ, đọc kinh chung và làm những việc lành để hướng về ông bà tổ tiên; họ ít quan tâm đến việc sửa soạn đồ cúng, tuyệt đối không đốt vàng mã. Trên bàn thờ tổ tiên của người Công giáo chỉ có cắm hương trước di ảnh tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, một đĩa trái cây, một bình hoa với mục đích tôn kính ông bà, cha mẹ, chứ không hàm ý mời ông bà, cha mẹ dùng. Giỗ chạp trong Công giáo là dịp những người sống lập công phúc thay cho người chết để họ mau đền hết tội lỗi của mình, sớm được lên Thiên Đàng.

 

Người Việt Nam không Công giáo do tin rằng tổ tiên còn hưởng dùng những của cúng nên coi trọng việc chuẩn bị giỗ và đồ lễ cúng. Khi mời ông bà về với con cháu, nếu không có điều kiện kinh tế sửa soạn “mâm cao cỗ đầy” thì ít ra họ cũng phải có bát cơm, quả trứng, bộ quần áo bằng mã để hoá cho ông bà khỏi đói rét. Nếu không làm được như vậy thì con cháu sẽ không an lòng, thậm chí sẽ mang tội bất kính, bất hiếu với tổ tiên và có thể bị tổ tiên giận dỗi hay trừng phạt.

 

6.4.  Những điểm tương đồng giữa người không theo Công giáo và người Công giáo trong việc thờ củng củng tổ tiên

Điểm tương đồng trước tiên là quan niệm về sự chết. Chết không phải là hết. Mặc dù cả hai nhóm xã hội - tôn giáo này có lối diễn tả khác nhau về sự tồn tại và nơi cư ngụ của linh hồn sau khi chết, nhưng họ đều diễn tả một điểm: chết không phải là hết. Vì tin rằng chết không phải là hết nên cả người Công giáo và không Công giáo cùng chung một điểm nữa là luôn tin rằng tổ tiên sẽ còn quan tâm đến con cháu, vẫn luôn bên cạnh con cháu trong cuộc sống hàng ngày với những vui buồn của con cháu. Cho dù quan niệm như thế nào, thì việc giỗ chạp trước hết là một cách thức để báo hiếu tổ tiên. Mỗi người đều có cha mẹ, đều phải mang ơn sinh thành của cha mẹ. Hay nói cách khác, mỗi người đều được cấu thành từ những tế bào gia đình, lớn hơn là dòng họ, tổ tiên. Vì thế, xã hội hay những nhóm xã hội đều có bổn phận ghi ơn tổ tiên, đồng thời khuyến khích mỗi thành viên trong gia đình và dòng họ, trong cộng đồng phải báo hiếu tổ tiên. Điều này rất được coi trọng trong xã hội Việt Nam và trở thành bản sắc trong văn hóa Việt Nam.

 

Một điểm tương đồng nữa trong vấn đề thờ cúng tổ tiên giữa người Công giáo ở Việt Nam và các quốc gia khác như Trung Quốc, Philippine, Nhật Bản với người không Công giáo là ý thức tìm về nguồn cội. Trong việc báo hiếu, thờ cúng tổ tiên cả hai nhóm xã hội - tôn giáo đều có ý nghĩa này. Tầm quan trọng của nguồn cội là một trong những yếu tố không thể thiếu để ổn định mọi mặt tâm lý, tình cảm, ý chí, lý trí của một con người.


Ghi chú

(*) Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. ĐT: 0983650450. Email: duchanh05@gmail.com. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) trong đề tài mã số I2.2-2012.24.
 

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Hồng Dương (2001), Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hoá Việt Nam, Nxb 
Khoa học xã hội, Hà Nội.

[2] Lê Đức Hạnh (2008), “Vấn đề thờ cúng tổ tiên của người Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ - Việt Nam (Tiếp cận Nhân học Tôn giáo qua nghiên cứu trường hợp làng đạo Tử Nê - Bắc Ninh)”, Vietnam Intergration and Development, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

[3] Lê Đức Hạnh, Kết quả điều tra xã hội học tôn giáo tại xứ đạo Tử Nê năm 2008, 2014; Nỗ Lực 2009, 2011; Cái Mơn 2009, 2014.

[4] Phạm Thị Bích Hằng (1998), Vấn đề thờ kính to tiên trong nền văn hoá đương đại Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp đại học, Hà Nội.

[5] Nguyễn Như Thể, Nguyễn Hữu Triết, Hồ Văn Xuân (1992), Thần học giáo dân, t.1, Ủy ban đoàn kết Công giáo, Tp. Hồ Chí Minh.

[6] Đoàn Văn Thông (1994), Những bí an sau cõi chết, chương III, V và VIII, Nxb Nguồn sống.

[7] Kinh Thánh, sách Huấn Ca, chương 3, 16.

[8] Kinh Thánh, sách Mác Thêu, chương 19.

[9] http://luanvan.co/luan-van/tin-nguong-tho- cung-to-tien-cua-nguoi-viet-va-mot-so- quoc-gia-dong-nam-a-54616/,.

[10]  http://sachhiem.net/charlie/cn - ttdtg/ Duongcut.php.

[11] Susan Russell (1999), Christianity in the Philippines, Department of Anthropology, University of Illinois, USA, available on http://www.seasite.niu.edu/crossroads/russ ell/christianity .htm.

 

Tác giả: Lê Đức Hạnh

 

9973    02-02-2019