Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Tiến Trình của Sự Thánh Hóa

Tiến Trình của Sự Thánh Hóa

Hãy khám phá ra ơn cứu độ của bạn.

Đợi một chút! Không phải Thánh Phaolô là người đã nói rằng chúng ta được nên công chính là bởi lòng tin vào Đức Kitô, chứ không phải bởi những hành động của chúng ta đó sao? Không phải ngài là người đã nói, “Chúng ta không thể cứu độ chính mình” đó sao? Làm thế nào Phaolô có thể dành rất nhiều thời gian để nói với chúng ta rằng ơn cứu độ là một quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa, ngài cũng nói với chúng ta rằng chúng ta có thể “thất bại trước thử thách?” Làm thế nào Phaolô có thể nói rằng chúng ta nên tiếp cận với ơn cứu độ của chúng ta với “sự sợ hãi và run rẩy” và rằng chúng ta phải “kiên trì trong đức tin” nếu chúng ta muốn được cứu độ?

Điều đó có vẻ như một sự mâu thuẫn rất sâu sắc, nhưng chúng ta biết rằng Phaolô quá thông minh để quá bối rối. Vì vậy, chúng ta hãy xem tại sao Phaolô nói về việc được nên công chính bởi đức tin ngay cả khi ngài nói chúng ta làm việc chăm chỉ để chúng ta có thể đạt được ơn cứu độ của chúng ta.

Được Mời Gọi nên Thánh. Câu trả lời ngắn cho câu hỏi này là Phaolô đã thấy một sự khác biệt giữa sự công chính hóa, mà chúng ta đã xem xét trong bài báo đầu tiên, và sự thánh hóa, mà các trích dẫn trên mô tả. Nhưng sự khác biệt đó là gì?

Sự công chính hóa chỉ ra công trình của Chúa Giêsu trên thập giá. Bởi vì Người đã chết vì tội lỗi của chúng ta và đã sống lại, giờ chúng ta đã được tha thứ. Chúng ta được tha tội và chúng ta có thể chịu phép rửa để bước vào cuộc sống của Người. Tất cả những gì cần thiết cho sự công chính hóa là chúng ta tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa và tin rằng Người thật sự đã sống lại từ cõi chết.

Sự thánh hóa xây dựng trên sự công chính hóa này. Để được thánh hóa có nghĩa là trở nên thánh thiện. Điều đó có nghĩa là trở nên giống Chúa Giêsu hơn, Đấng Thánh của Thiên Chúa. Chữ “trở thành” nói với chúng ta rằng sự thánh thiện là một tiến trình đang diễn ra, chứ không phải là điều gì đó xảy ra qua một đêm. Đây là điều Phaolô muốn nói khi ngài nói với các tín hữu Texalônica rằng: “Ý muốn của Thiên Chúa là ah em nên thánh” và “Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện” (1 Tx 4,3.7). Đó là tiến trình lớn lên trong sự thánh thiện mà Thánh Phaolô đang đề cập đến khi ngài nói với người Philipphê hãy cố gắng để được ơn cứu độ (x. Pl 2,12) và khi ngài nói với tín hữu Côlôsê hãy kiên trì trong việc thực hành đức tin của họ (x. Cl 1,23).

Những Câu Chuyện từ Luca. Thánh Luca là một môn đệ và bạn đồng hành cùng với Phaolô. Luca nói với chúng ta rằng ngài ở cùng Phaolô trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ ba và khi Phaolô bị đưa đến Rôma làm tù nhân (Cv 16, 11-12; 27,1-2). Đây là chính là Luca người đã viết Tin Mừng mang tên của ngài, cũng như sách Công Vụ Tông Đồ.

Khi bạn đọc các tác phẩm của Luca, bạn có thể nói rằng Luca đã hiểu lời dạy của Phaolô về sự công chính hóa bởi đức tin. Bạn thấy điều đó trong câu chuyện về người Pharisêu và người thu thuế, khi người thu thuế đứng ở phía sau Đền Thờ và cầu nguyện, rất đơn giản, “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13). Chúa Giêsu nói rằng người này “khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi” (18,14). Bạn thấy điều đó cũng theo cách mà Luca là người viết Tin Mừng duy nhất bao gồm những câu chuyện như Giakêu (19,1-10), mười người phong hủi (17,11-19), và “người trộm lành” trên thập giá (23,39-43). Mỗi câu chuyện trong số này nói về những người đặt niềm tin vào Chúa Giêsu và nhận được ân sủng nhưng không của sự công chính hóa.

Nhưng Thánh Luca cũng hiểu rằng tất cả những người được nên công chính cũng được kêu gọi để được thánh hóa. Luca đã dành nhiều thời gian hơn các tác giả Tin Mừng khác để mô tả lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả về sự sám hối và sự thánh thiện (Lc 3,1-20). Luca đã chia sẻ câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giêsu về cây vả, về một người nông dân hy vọng trái cây từ cây của mình, giống như Thiên Chúa mong đợi dân của Người sinh hoa trái của sự thánh thiện của họ (13,6-9). Và Luca cũng đã chia sẻ câu chuyện của Chúa Giêsu về người đàn ông nghèo khó Lazarô và người giàu đã thờ ơ với ông để cho thấy rằng Thiên Chúa muốn dân của Người biết ra đi và chăm sóc cho những người nghèo (16,19-31).

Một Phần Tiếp Theo cho một Dụ Ngôn. Luca cũng là người duy nhất trong bốn tác giả Phúc âm kể lại câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giêsu về đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32). Trong câu chuyện, một người đàn ông trẻ được nên công chính – được cứu độ bởi người cha yêu thương của mình – khi anh ta về nhà. Tất cả quá khứ tội lỗi của anh đã bị xóa bỏ như thể nó chưa bao giờ xảy ra. Mọi thứ được giải quyết đơn giản chỉ vì đứa con trai đã trở về nhà.

Luca không nói cho chúng tôi biết người con trai này ra sao sau khi về nhà. Nhưng chúng ta có thể tưởng tượng hai kết thúc có thể xảy ra. Trong một lựa chọn, đứa con trai không thích sống trong nhà của cha mình. Có lẽ, sự khắc nghiệt trong lối sống của người cha là quá nhiều đối với anh và anh có thể chấp nhận nó hoặc bỏ lại.

Trong lựa chọn khác, người con trai thực sự muốn ở lại với cha mình. Nhưng để làm như vậy có nghĩa là tất cả những cách sống ích kỷ cũ của anh phải thay đổi, và bất cứ cách đạo đức nào anh sở hữu cần phải được củng cố. Anh không còn có thể tự do đi chơi và chè chén say sưa, gặp gỡ gái mại dâm, hoặc ăn cắp. Anh không còn có thể thức thâu đêm và sau đó ngủ bù cả ngày. Cách sống buông thả của anh không thể cùng tồn tại với lối sống của cha mình.

Trong cuộc sống mới của mình, người thanh niên trẻ sẽ phải thức dậy sớm và đi ra đồng để làm việc, như anh trai của anh đã luôn luôn làm thế. Thay vì chỉ nghĩ về bản thân, anh sẽ phải cân nhắc các nhu cầu và lợi ích tốt nhất của gia đình mình. Anh sẽ phải dành thời gian hàn gắn mối quan hệ của mình với người anh trai và cố gắng thể hiện tình yêu và sự tôn trọng với anh mình.

Những thay đổi này có khó khăn không? Có lẽ có. Nhưng mỗi khi đứa con hoang đàng bị cám dỗ bỏ đi lần nữa, anh có thể nhớ lại anh không cảm thấy được yêu thương và phải tuyệt vọng như thế nào khi anh ra ngoài, sống với những con lợn và phải chịu đói khát. Anh có thể nhớ lại tình yêu của cha mình và anh hạnh phúc đến thế nào khi cha anh ôm anh và chào đón anh trở về nhà.

Một Trái Tim Tan Vỡ. Đây là một cách tốt để hiểu nhu cầu của chúng ta về sự thánh hóa. Theo một số cách nhất định, tất cả chúng ta đều giống như người con trai hoang đàng hoặc như người anh trai của anh ta. Người con trai hoang đàng bị ràng buộc trong niềm kiêu hãnh và ích kỷ. Anh là một kẻ nô lệ cho niềm đam mê của mình và không hề quan tâm đến gia đình của mình. Mặt khác, anh trai của anh ta có thể đang sống trong nhà của cha mình, nhưng anh lại tràn đầy ghen tuông, cay đắng, ganh đua và giận dữ. Giống như hai anh em này, tất cả chúng ta đều có những lúc trong cuộc sống của chúng ta chống lại tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta cần sự thánh hóa liên tục.

Tất cả chúng ta đều có ý định tốt, nhưng kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng chúng ta cũng có khuynh hướng về tội lỗi và sự dữ. Ngay cả sau khi được rửa tội, chúng ta vẫn cảm thấy sự lôi kéo của tội lỗi. Ngay cả sau một đời cầu nguyện và cố gắng tuân theo các lệnh truyền của Thiên Chúa, chúng ta vẫn phải chiến đấu với những vấn đề như niềm kiêu hãnh, sự ích kỷ, lòng ham muốn và ghen tỵ. Giáo lý Giáo hội Công giáo cho chúng ta biết rằng khuynh hướng đối với tội lỗi và sự ác của chúng ta là một cuộc đấu tranh liên tục và dai dẳng (CCC, 2520).

Chẳng hạn, tại Thánh lễ hoặc trong lúc cầu nguyện, chúng ta có thể cảm thấy gần gũi với Chúa và bình an với mọi người trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng sau đó trong cùng một ngày, chúng ta cảm thấy xa Chúa. Suy nghĩ về một số thành viên trong gia đình hoặc bạn bè của chúng ta có thể trở nên tối tăm, thiếu kiên nhẫn và ít tử tế hơn. Trong một bối cảnh, chúng ta thấy dễ dàng để hào phóng, nhưng trong một hoàn cảnh khác, chúng ta nghi ngờ hoặc ủ rũ. Tại một thời điểm, chúng ta tử tế và chu đáo, và trong khoảnh khắc tiếp theo, chúng ta lại tức giận, thất vọng và không khoan dung.

Đây có phải là cách Thiên Chúa muốn chúng ta sống? Liệu Người có thực sự muốn chúng ta trở nên không nhất quán? Tất nhiên là không! Cha của chúng ta ở trên trời muốn chúng ta sống cuộc sống yên bình, ngay cả khi những khó khăn và thách thức đến với chúng ta.

Đó là một quá trình. Sự tương phản giữa con người “thánh thiện” và con người “tội lỗi” của chúng ta không phải là không thể đoán trước được. Chúng ta có thể học cách đối phó với những cách sống tội lỗi cũ của chúng ta và củng cố những cách sống thánh thiện mới của chúng ta.

Theo Thánh Phaolô, chúng ta có thể tiếp tục lớn lên trong sự thánh thiện khi chúng ta cởi bỏ “con người cũ” trong những cách sống tội lỗi của chúng ta và đặt vào “con người mới” mà chúng ta nhận lãnh trong phép rửa tội (Ep 4,22.24). Sự thánh thiện không phải là một sự kiện “một lần và được thực hiện”. Đó là một quá trình hàng ngày liên tục mang lại những thay đổi liên tục trong cuộc sống của chúng ta.

Nếu bạn muốn đúc kết vào các yếu tố thiết yếu của tiến trình thánh hóa, thì có ba bước để cho tiến trình này:

  1. Hãy cố gắng loại bỏ những cách sống tội lỗi (tức giận, oán giận, lừa dối, v.v.) và mặc lấy con người mới của bạn (tình yêu, lòng tốt, lòng thương xót, v.v.).
  2. Hãy dành thời gian cho Chúa Giêsu trong việc cầu nguyện cá nhân để bạn có thể nhận được tình yêu của Người và tìm thấy sức mạnh chúng ta cần để thực hiện những thay đổi này.
  3. Hãy cầu xin Chúa ban ân sủng mà bạn cần để chống lại cám dỗ ngay sau khi chúng ta thấy nó xuất hiện. Trở nên người được thánh hóa không phải là dễ dàng, nhưng có thể. Tại sao? Bởi vì chúng ta đã được nên công chính. Chúng ta không cần phải thương xót bản chất tội lỗi của mình. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần có thể thay đổi trái tim của chúng ta và giúp chúng ta sống theo một cách thức mới. Chúng ta có thể không bao giờ tốt nghiệp từ “Trường của Chúa Kitô”, nhưng chúng ta có thể tiến bộ, thậm chí là tiến bộ rất nhiều. Chúng ta chỉ phải kiên nhẫn với chính mình và cố gắng tiếp tục tiến gần hơn đến Chúa.

Một Sự Xét Mình Đơn Giản. Thánh Phaolô yêu cầu chúng ta tự kiểm tra xem chúng ta có đang sống trong đức tin không (Rm 12, 2). Nó không phải là một sự xét mình phức tạp. Trên thực tế, cũng giống như có ba bước cho quá trình thánh hóa, có ba câu hỏi về về việc xét mình:

  1. Bạn có nhận thấy rằng các loại hoa trái của Thánh Thần như bình an, kiên nhẫn, và tình yêu đang gia tăng trong cuộc sống của bạn không?
  2. Bạn có thấy rằng tội lỗi của xác thịt như giận dữ, oán giận, lừa dối, và những thứ tương tự đang giảm xuống không?
  3. Bạn có cảm thấy một sự mong muốn lớn hơn để chăm sóc cho những người xung quanh bạn, đặc biệt là người nghèo và thiếu thốn? Nếu vậy, bạn đang được thánh hóa.

Theo the Word Among us
September 2018 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

445    18-09-2018