Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Tĩnh tâm ngày 3: Bài suy niệm

GỢI Ý NGUYỆN GẪM HÀNG NGÀY

TUẦN TĨNH TÂM LINH MỤC

THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng - Lc 21,20-28

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.

“Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

 

Khởi Nguyện: Lạy Chúa, trong những ngày cuối năm Phụng Vụ, chúng con được tiếp cận với viễn cảnh của ngày Chúa quang lâm, ngày của Con Người. Tính đến giờ phút này, ngày ấy vẫn chưa đến với nhân loại, nhưng trong từng giây từng phút ở thế giới này, nhân loại đang phải chứng kiến những cảnh tang thương, khổ nhọc mà Chúa đã loan báo. Chúng con muốn dâng giờ cầu nguyện này để cầu nguyện cho những ai đang phải trải qua những đau khổ, buồn sầu. Đặc biệt, chúng con hướng lòng về những anh chị em đang gặp khó khăn thể xác lẫn tinh thần do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ, xin Chúa an ủi họ trong chính đau khổ mà họ đang phải đối diện. Xin Chúa giúp chúng con nguyện gẫm cho sốt sắng. Xin Chúa Thánh Thần đồng hành với chúng con trong giờ nguyện gẫm này.

1. Sự thờ ơ và khước từ Tin Mừng dẫn tới sự hủy diệt

Chúng ta đang sống ở những ngày cuối cùng của Năm Phụng Vụ, và Lời Chúa trong Tin Mừng của những ngày này, nhất là Tin Mừng hôm nay, cũng nói cho chúng ta về thời điểm cuối cùng, không phải là của một năm, nhưng là của mọi sự.

Hình ảnh thành thánh Giêrusalem sẽ bị tàn phá bởi các đạo binh, tượng trưng cho mọi công trình của con người, đạo cũng như đời, sẽ bị phá hủy. Không phải vì Thiên Chúa giáng phạt, nhưng do chính con người gây ra. Con người gây ra đau khổ, áp bức và chiến tranh cho nhau. Nhìn vào hai sự kiện nổi bật và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của con người trong năm qua chúng ta sẽ thấy điều đó: dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ ở miền Trung. Do đâu mà nó xảy ra, nếu không phải do con người? Con người muốn thỏa mãn tham vọng, ước muốn cá nhân của mình đã làm cho virus phát tán và lây lan; đã tác động đến môi trường khiến cho địa hình núi non không còn vững chắc, và việc sạc lở là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Đời sống tự nhiên xã hội là thế, đời sống luân lý và tâm linh cũng chẳng khác.Chúa Giêsu cảnh báo sự hủy diệt sắp xảy ra của thành Giêrusalem là hệ quả của sự từ chối Tin Mừng. Sự hủy diệt của Giêrusalem là kết quả từ sự thờ ơ trước sự viếng thăm của Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu Kitô: “Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đangở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (x. Lc 19,44).

Qua đó cho thấy, sự mù quáng thiêng liêng ngăn cản chúng ta nhận ra những dấu chỉ rõ ràng của những gì sắp xảy đến, và sự luận phạt sẽ dành cho những ai từ chối lắng nghe Lời ơn sủng và cứu độ của Chúa.

Là Linh mục, chúng ta vẫn thường giảng dạy cho anh chị em giáo dân về ngày cùng tận, cùng tận của toàn thể thế giới cũng như cùng tận cuộc đời của mỗi người, và mời gọi họ hãy luôn chuẩn bị cho ngày đó. Thế nhưng, chúng ta có bao giờ nghiêm túc nghĩ đến điều đó, khi nó xảy ra với chính mình hay chưa? Hay chúng ta vẫn nghĩ rằng, việc đó xảy đến với ai khác chứ chưa đến lúc xảy đến với tôi, để rồi chúng ta lơ là trong việc chuẩn bị, lơ là sống theo lời dạy của Tin Mừng. Hãy nhớ rằng, sự luận phạt và sự hủy diệt sẽ đến với những ai thờ ơ và khước từ Tin Mừng của Chúa.

2. Đấng Cứu Chuộc chúng ta sẽ ngự đến

Chúa Giêsu nói về “ngày báo oán”, là ngày mọi người phải trả lẽ về những việc mình làm. Chúa Giêsu là Đấng trung tín, những gì đã ghi chép trong Sách Thánh và những lời Ngài nói đều được ứng nghiệm. Chúa Giêsu cảnh báo về sự hủy diệt do sự thờ ơ và khước từ Tin Mừng của Chúa. Chúa cũng hứa sẽ không bỏ rơi những ai trung thành bước theo Chúa.

Các thánh và các vị tử đạo đã nhận biết sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô trong mọi trạng huống sống của họ. Do đó, họ đã biến nhà tù thành ngôi đền thờ ca tụng Chúa, và biến những giàn giáo thành ngai tòa vinh quang của Chúa. Chúa Kitô đã ban cho họ sự bình an trong lúc đối mặt với những sự đe dọa của trần thế. Ngài cho họ biết rằng, bước theo Chúa, họ có thể mất mát về phần thân xác, nhưng sẽ không bao giờ mất về phần linh hồn.

Chúa cũng nói về cuộc tái lâm của Chúa là một sự kiện nhất định sẽ xảy ra vào thời điểm Chúa chọn. Cuộc tái lâm này sẽ được đánh dấu bằng những dấu hiệu mà tất cả mọi người sẽ nhận ra: những dấu hiệu sẽ gây kinh hoàng và đau buồn cho những ai không chuẩn bị trước, nhưng đem lại điều kỳ diệu và vui mừng cho những ai sẵn sàng ra đón tiếp Người.

Nếu chúng ta thật sự thuộc về Đức Kitô, thì thời điểm Chúa đến không là thời điểm đáng sợ, nhưng là thời điểm của niềm vui và niềm hy vọng, như Chúa Giêsu nói: “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21,28).

Vì thế, xin cho mỗi người chúng ta, những chứng nhân cho niềm hy vọng vào Nước Trời mai sau, luôn biết chuẩn bị cho ngày Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng ta ngự đến. Và khi Chúa đến, chúng ta sẽ vui mừng thốt lên như lời cụ ngôn sứ Simêon: “Lạy Chúa, giờ đây, xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con đã nhìn thấy, ơn cứu cuộc Chúa dành sẵn cho muôn dân. Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Lc 2,29-32).

3. Niềm hy vọng: Ơn cứu chuộc và trời mới đất mới

Tại sao thời điểm Chúa đến là thời điểm của niềm vui và niềm hy vọng cho những ai  biết chuẩn bị sẵn sàng? Thưa bởi vì lúc ấy, niềm hy vọng của những ai mong đợi Chúa đến sẽ được thành toàn, như lời thánh Phaolô tông đồ nói: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

Vâng, Chúa sẽ trở lại mang niềm vui và ơn cứu rỗi cho loài người chúng ta, nếu chúng ta biết đón nhận Ngài, tin vào Ngài, sống theo lời dạy trong Tin Mừng và hết lòng tuân giữ Luật Chúa qua các giới răn Ngài truyền dạy.

Ngày Chúa trở lại cũng là ngày của cuộc sáng tạo mới, khi ấy trời mới đất mới được tạo lập. Chúa sẽ thiết lập một vương quốc của công lý và sự thật, Ngài sẽ thiết lập  triều đại hòa bình và công chính đến muôn đời. Ngài sẽ minh oan cho tất cả những ai trung thành với Ngài, và sự phán xét là món quà quý báu tưởng thưởng cho niềm hy vọng của những ai đặt niềm tin kiên vững vào Ngài.

Hiểu được như thế, tất cả mọi người và từng anh em Linh mục chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi mong chờ trong bình an và hy vọng về Ngày Cánh Chung, và nguyện xin cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Kh 22,20).

Kết Nguyện: Lạy Chúa, chúng con luôn biết rằng: con đường theo Chúa là con đường hẹp, con đường thập giá; nhưng con đường ấy lại là con đường đưa đến sự sống hạnh phúc viên mãn và tròn đầy trong Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con lòng can đảm và trung thành theo Chúa cho đến cùng trong sứ vụ linh mục, để đời sống của chúng con luôn là lời chứng cho Tin Mừng Nước Trời như lòng Chúa ước mong. Amen.


CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ

Lc 21,20-28

1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin Chúa đang ngự thật trong Phép Thánh Thể, trước mặt chúng con đây. Chúng con thờ lạy Chúa.

Chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa đã cho chúng con trải qua ba ngày tĩnh tâm thật sốt sắng. Cảm tạ Chúa vì ba ngày qua, Chúa đã dạy chúng con nhiều điều hữu ích về “sứ vụ rao giảng Tin Mừng”, để chúng con nhìn lại ơn gọi và sứ vụ của mình, và làm mới lại cách thức rao giảng Tin Mừng, ngõ hầu việc loan báo Tin Mừng của chúng con đạt nhiều hiệu quả hơn. Xin Chúa tiếp tục ban ơn nâng đỡ cho chúng con trong ngày còn lại của kỳ tĩnh tâm này.

2. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, từ những bài chia sẻ - suy niệm và cầu nguyện của ngày hôm nay, chúng con đã suy tư về hậu quả của việc bưng tai bịt mắt, và thành quả tốt đẹp của việc mở lòng ra để tiếp thu đón nhận.

3. Trước hết, khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội, chúng con biết được một thời gian khá dài, từ Giáo Hội sơ khai đến Công Đồng Vaticanô II, các tôn giáo thường tranh chấp nhau, hầu như không nhìn nhận nhau, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Từ đó dẫn đến sự bất khoan dung và đối đầu lẫn nhau. Đó là hậu quả của việc quay lưng lại với nhau.

Ngày nay, nhất là từ sau Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã trao cho chúng con trách nhiệm tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những người theo các tôn giáo khác, để khám phá và nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các tôn giáo; đồng thời thúc đẩy chúng con đào sâu căn tính của mình và làm chứng cho Chúa, làm cho các giá trị Tin Mừng thấm nhập vào các tôn giáo.

Vì thế, lạy Chúa, xin cho chúng con đừng đóng khung khép kín lại trong chính mình; nhưng mở ra với tất cả mọi người, nhất là những anh chị em không cùng tôn giáo với mình, để qua đời sống chứng tá và nhờ ơn Chúa, chúng con hy vọng sẽ đem nhiều người về với Chúa và Hội Thánh hơn.

4. Lạy Chúa, sứ điệp Lời Chúa ngày hôm nay cũng nói với chúng con về hậu quả của việc bưng tai bịt mắt, quay lưng lại với Chúa. Với những người đương thời, Chúa đã báo trước những tai họa khủng khiếp sẽ xảy ra cho thành Giêrusalem và cho dân Do thái, vì họ đã bưng tai bịt mắt, chẳng chịu nhận biết Đấng Kitô đang ở giữa họ, và chẳng chịu lắng nghe lời Ngài. Chính vì vậy mà thành Giêrusalem cùng với ngôi đền thờ tráng lệ đã bị quân đội Rôma tàn phá bình địa, “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” (x. Lc 21,6); đồng thời, dân chúng bị phân tán như đàn chiên bị đánh tan tác. Một hậu quả thật là nặng nề của việc bưng tai bịt mắt, quay lưng lại với Chúa.

Lạy Chúa, qua những sự kiện đó Chúa cũng cảnh báo cho mỗi người chúng con về một sự hủy diệt khốc liệt hơn, sẽ phải chịu sự hủy diệt không chỉ ở đời này, mà phải chịu sự hủy diệt muôn đời nơi linh hồn nữa. Đó là hậu quả của việc bưng tai bịt mắt, quay lưng lại với sứ điệp Tin Mừng. Và Chúa mời gọi chúng con phải biết đón nhận và sống Tin Mừng của Chúa, để ngày Chúa trở lại phán xét sẽ không là ngày đáng sợ cho mỗi người chúng con.

5. Lạy Chúa, Chúa sẽ trở lại, đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Thế nhưng, sự trở lại của Chúa là niềm vui hay là nỗi kinh hoàng tùy thuộc vào thái độ của chúng con đối với Tin Mừng của Chúa trong lúc này. Xin cho mỗi người chúng con biết mở lòng đón nhận Tin Mừng của Chúa, quảng đại sống theo và nhiệt thành đem Tin Mừng đó đến cho mọi người. Amen.

Lm. Giuse Trần Tử Hiếu

413    26-11-2020