Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Tông Huấn Gaudete Et Exsultate Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Ơn Gọi Nên Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay - 2

HOẠT ĐỘNG THÁNH HOÁ

25. Cũng như anh chị em không thể hiểu được Đức Kitô ở ngoài vương quốc mà Người đến để mang lại, vì vậy sứ vụ cá nhân của anh chị em cũng không thể tách ra khỏi việc xây dựng vương quốc ấy: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6:33). Sự đồng hoá của anh chị em với Đức Kitô và ý muốn của Người liên quan đến cam kết cùng Người xây dựng một vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình phổ quát. Chính Đức Kitô muốn cảm nghiệm điều này với anh chị em, trong tất cả các nỗ lực và hy sinh mà vương quốc này đòi hỏi, nhưng cũng trong tất cả niềm vui và sự phong phú mà vương quốc này mang đến. Anh chị em không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không tự mình dấn thân, bằng cả thân xác lẫn linh hồn, để cố gắng hết sức cho nỗ lực này.

26. Thật không lành mạnh khi yêu sự thinh lặng trong lúc chạy trốn việc tương tác với người khác, muốn được bình an và yên tĩnh trong khi tránh hoạt động, tìm cầu nguyện trong khi thờ ơ với việc phục vụ. Tất cả mọi sự đều có thể được chấp nhận và hòa nhập vào cuộc sống của chúng ta trong thế giới này, và trở nên một phần của con đường nên thánh của chúng ta. Chúng ta được mời gọi để làm người chiêm niệm ngay cả trong hành động và lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách thi hành sứ vụ riêng của mình một cách có trách nhiệm và đại lượng.

27. Chúa Thánh Thần có thúc giục chúng ta thi hành một sứ vụ và sau đó yêu cầu chúng ta từ bỏ nó, hoặc không hoàn toàn tham gia vào nó, để bảo vệ sự bình an nội tâm của mình không? Tuy nhiên, đã có những lúc chúng ta bị cám dỗ để hạ thấp sự tham gia hoặc cam kết mục vụ trong thế gian vào vị thế thứ yếu, như thể chúng là “những trò tiêu khiển” dọc theo con đường lớn lên trong sự thánh thiện và sự bình an nội tâm. Chúng ta có thể quên rằng “cuộc sống không có một sứ vụ, mà là một sứ vụ”. 

28. Không cần phải nói, bất cứ điều gì được thực hiện từ sự lo âu, tự hào hoặc nhu cầu gây ấn tượng với những người khác sẽ không dẫn đến sự thánh thiện. Chúng ta được thách đố để chứng tỏ sự cam kết của mình bằng một cách mà mọi sự chúng ta làm có ý nghĩa theo Tin Mừng và đồng hoá mình nhiều hơn với Chúa Giêsu Kitô. Thí dụ, chúng ta thường nói về linh đạo của giáo lý viên, linh đạo của linh mục triều, linh đạo của công việc. Cũng vì lý do đó, trong Evangelii Gaudium tôi đã kết luận bằng cách nói về một linh đạo của sứ vụ, trong Laudato Si' về một linh đạo môi sinh, và trong Amoris Laetitia về một linh đạo của đời sống gia đình.

29. Điều này không có nghĩa là bỏ qua sự cần thiết của những giây phú yên tĩnh, cô tịch và im lặng trước Thiên Chúa. Ngược lại. Sự hiện diện liên tục của các vật dụng mới, sự kích động của việc du lịch và hàng loạt các hàng hoá tiêu thụ đôi khi không để cho tiếng nói của Thiên Chúa được lắng nghe. Chúng ta bị tràn ngập bởi những lời nói, bởi những thú vui phiến diện và bởi một tiếng ồn ào càng ngày càng gia tăng, không được đổ đầy bằng niềm vui, mà bằng sự bất mãn của những người mà cuộc sống đã mất đi ý nghĩa. Làm thế nào chúng ta không thể nhận ra nhu cầu phải chặn cuộc đua này lại và và phục hồi không gian cá nhân cần thiết để thực hiện một cuộc đối thoại chân thành với Thiên Chúa? Tìm được không gian ấy có thể là điều đau đớn nhưng nó luôn luôn hiệu quả. Sớm hay muộn, chúng ta cũng phải đối diện với chính con người thật của mình và để cho Chúa đi vào. Điều này có thể không xảy ra trừ khi “chúng ta thấy mình đang nhìn chằm chằm vào vực thẳm của một cám dỗ đáng sợ, hoặc có cảm giác chóng mặt khi đứng bên bờ vực thẳm của tuyệt vọng, hoặc tìm thấy mình hoàn toàn cô đơn và bị bỏ rơi”. Trong những hoàn cảnh như vậy, chúng ta tìm thấy động lực sâu xa nhất để sống trọn vẹn cam kết của mình với công việc của mình.

30. Cùng những trò tiêu khiển nhan nhản khắp nơi trên thế giới ngày nay cũng làm cho chúng ta có khuynh hướng tuyệt đối hóa thời gian rảnh rỗi của mình, để chúng ta có thể hoàn toàn đắm mình vào các công cụ cung cấp cho chúng ta việc giải trí hoặc những thú vui chóng qua. Hậu quả là, chúng ta đến độ không bằng lòng với sứ vụ của mình, cam kết của chúng ta trở nên lỏng lẻo, và tinh quảng đại và sẵn sàng phục vụ của chúng ta bắt đầu giảm sút. Điều này làm mờ đi cảm nghiệm tâm linh của chúng ta. Liệu có nhiệt tình tâm linh nào có thể nên vững chắc khi ở bên cạnh sự suy nhược trong việc Phúc Âm hoá hay phục vụ người khác không?

31. Chúng ta cần một tinh thần thánh thiện có khả năng lấp đầy cả sự cô độc và việc phục vụ của chúng ta, cuộc sống cá nhân của chúng ta và những nỗ lực Phúc Âm hoá của chúng ta, để mỗi giây phút có thể là một biểu hiện của tình yêu tự hiến trong mắt Chúa. Bằng cách này, mỗi phút của cuộc đời chúng ta có thể là một bước đi dọc theo con đường lớn lên trong sự thánh thiện.

SỐNG ĐỘNG HƠN, NHÂN BẢN HƠN

32. Đừng sợ sự thánh thiện. Nó sẽ không lấy đi một năng lượng, sức sống hay niềm vui nào của anh chị em. Trái lại, anh chị em sẽ trở thành điều mà Chúa Cha đã nghĩ đến khi tạo thành anh chị em, và anh chị em sẽ trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và dẫn chúng ta đến việc nhận ra phẩm giá cao quý của mình. Chúng ta thấy điều này ở Thánh Giôsêphine Bakhita: “Bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ khi mới lên bảy, chị đã chịu đựng rất nhiều trong tay của các chủ nhân độc ác. Nhưng chị đã hiểu được chân lý sâu sắc rằng Thiên Chúa, không phải con người, là Chủ Nhân thật của mọi con người, của mọi sự sống con người. Kinh nghiệm này đã trở thành một nguồn khôn ngoan tuyệt vời cho người con gái khiêm tốn của châu Phi”. 

33. Theo mức độ mà mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, họ sẽ mang lại hoa trái lớn hơn cho thế giới của chúng ta. Các giám mục của Tây Phi đã nhận thấy rằng “chúng tôi đang được mời gọi trong tinh thần Tân Phúc Âm hóa để được Phúc Âm hóa và Phúc Âm hóa qua việc giúp đỡ tất cả các anh chị em, những người đã được Rửa Tội, gánh lấy vai trò của mình như là muối đất và ánh sáng thế gian bất ở cứ nơi nào anh chị em sống”. 

34. Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện không làm cho anh chị em trở nên ít nhân bản hơn, vì nó là một cuộc gặo gỡ giữa sự yếu đuối của anh chị em và quyền năng của ân sủng của Thiên Chúa. Vì theo lời của León Bloy, khi tất cả được nói và làm, “bi kịch lớn duy nhất trong cuộc đời là không trở thành một thánh nhân”. 

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

(còn tiếp)

730    11-04-2018