Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Trời đất, con tôi không còn tin nữa!


Đức tin không phải là một giòng sông trầm lặng. Nhất là ở tuổi vị thành niên, khi các em trẻ đang còn tuổi đi tìm chính mình và đi tìm Chúa… Làm sao đi ra khỏi giai đoạn khủng hoảng đức tin này?

Marion, 19 tuổi kể: “Ở trường, Chúa không phải là ưu tiên hàng đầu của con, con quá chán đi lễ. Con đi tìm, con muốn như tất cả mọi người…”. Có hằng hà các “Marion” này ở tuổi vị thành niên! Linh mục Christophe Danset hướng dẫn thiêng liêng ở một giáo xứ miền Bắc nước Pháp cho biết: “Đó là chuyện tự nhiên của tuổi này, các em chất vấn những gì mình được trao truyền, không hẳn chỉ có đức tin mà thôi”. Bà Béatrice Lefèvre, người lo về mục vụ giới trẻ của Văn phòng Tuyên úy Quốc gia cho biết: “Ở tuổi này, cái nhìn của người khác đè nặng trên các em, thừa nhận mình có đức tin sẽ làm rắc rối hơn nếu mình thuộc nhóm thiểu số, sẽ gây ra hoặc làm nổi bật sự khác biệt. Vì thế quan trọng là phải nói chuyện với các em về tác dụng của nhóm.”

Nhận thức về sự phức tạp của công việc, những người hướng dẫn không bó tay , họ tìm cách đến với các em trong cuộc sống của các em chứ không tìm cách đưa các em vào khuôn của người lớn! Làm sao mang đến cho các em hoặc làm cho các em tìm lại được hương vị của đức tin? Ông Xavier Behaegel, người lo cho giới trẻ ở địa phận Lille trả lời thẳng vào vấn đề: “Qua thời gian cùng sống trong tinh thần đồng đội cho thấy dấu hiệu của một Giáo hội nồng nhiệt, qua âm nhạc cho thấy dấu hiệu của một Giáo hội sống động, qua các chứng từ là dấu hiệu của một Giáo hội nhập thể và qua các phiêu lưu đánh dấu những năm tháng của tuổi vị thành niên”.

Chia sẻ nhóm

Như thế để tránh cho các em trẻ bỏ nhà thờ sau khi chịu phép thêm sức thì phải mang đời sống đồng đội đến cho các em. Cha tuyên úy Christophe Danset cho biết: “Trước khi nói đến hiệp thông thì các em phải sống trong tinh thần này, vì thế khía cạnh lễ hội là quan trọng hàng đầu”. Bà Béatrice Lefèvre bổ túc: “Trước khi tiếp thu một nội dung có tính cách thiêng liêng, thì các trẻ vị thành niên cần được đón nhận mà không bị phán xét, không ở dưới một áp lực nào”. Ông Xavier Behaegel nói thêm: “Ngay khi các em thấy thoải mái, dù ở môi trường nào, hướng đạo sinh, Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể…, các em sẽ không ngần ngại mời bạn bè vào. Điều ưu tiên của các em ở tuổi này là sống tinh thần bằng hữu, một tinh thần xây dựng chứ không phá hoại”.

Các em vị thành niên sống đức tin cùng với nhóm, ngay cả đi lễ ngày chúa nhật, nhóm đi thì… mình đi. Bà Béatrice Lefèvre xác nhận: “Thánh lễ thì hơi rắc rối. Trong công việc tuyên úy của chúng tôi, nhiều khi chúng tôi phải chú ý đến một giây phút đặc biệt trong thánh lễ, một cử chỉ, một bài đọc và thảo luận với các em trước khi đi lễ chung với nhau…”. Linh mục Behaegel thì nghiêm khắc hơn với một số buổi họp mặt: “Làm sao ra khỏi tình trạng ‘đứng-ngồi-quỳ-đứng-ngồi’ và những lời giảng không lọt lỗ tai? Đó là trách nhiệm của các linh mục! Làm thế nào mang lại niềm thích để tin và để các em cao ngồng này vào Giáo hội? Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người! Chúng ta phải chứng tỏ cho các em thấy, đức tin không phải là điều bắt buộc nhưng là một cuộc phiêu lưu mở ra các khoảng không gian tự do…”

Dĩ nhiên, trong một vài giáo xứ, các em trẻ có chỗ của mình. Theo linh mục  Christophe Danset, sự thành công của một thánh lễ cho các em trẻ tùy thuộc ba yếu tố: bài giảng của linh mục, phần âm nhạc – các em tất cả đều đồng ý ở điểm này -, và quan trọng nhất là cộng đoàn: “Các em phải thấy một cộng đoàn tín hữu đích thực và có chiều sâu! Trong số nhiều giáo xứ trong địa phận, để có thêm các em trẻ cho giáo xứ mình thì phải có những chọn lựa triệt để, tìm một nơi khác, một giờ khác và để các em hoàn toàn quyết định.”

Người lớn có động lực

Nhưng đức tin không phải chỉ ở thánh lễ. Để ca hát, cầu nguyện và thành lập cộng đồng, các em trẻ còn thích đi cắm trại hoặc các buổi thánh ca pop! Bà Béatrice Lefèvre nhấn mạnh: “Tuy nhiên phải cẩn thận, đừng để bầu khí có tính cách lôi cuốn, tạo cảm tình mà phải làm sao để các em có được một kinh nghiệm thiêng liêng lâu dài và mang lại hoa quả”. Phối hợp tinh thần lễ hội và hướng nội, cảm xúc và chiều sâu… Linh mục  Christophe Danset phát biểu: “Chúng ta khuyến khích để các em có nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa, để các em cầu nguyện và có tinh thần phục vụ. Và chúng ta mạnh dạn đề nghị với các em mà không sợ các em thích hay không”. Các kinh nghiệm có cơ sở nhất là khi các kinh nghiệm này được thử nghiệm qua nhiều ngày và với thời gian…

Những giây phút đậm đà này có được là nhờ người lớn có động lực, ở mọi lứa tuổi, làm ở bất cứ lãnh vực nào, thiện nguyện hay ăn lương, nấu ăn hay quản trò, đi bộ hay đi xe đạp, ở lều hay nằm đất… Linh mục Behaegel thố lộ: “Trước hết vai trò của chúng tôi là lắng nghe để có thể làm chứng, sau đó làm theo cách của Thánh Phanxicô Salê: ‘Chỉ nói về Chúa khi được hỏi, nhưng sống theo cách mà các em có thể hỏi mình!’ Tuy vậy, không gì ngăn chúng ta để không nói với các em các lời hy vọng vì chúng ta tin ở Chúa yêu chúng ta và mạc khải cho chúng ta”. Linh mục Christophe Danset nói tiếp: “Giao trách nhiệm cho các em, lặp lại với các em là mình tin tưởng các em. Giao hảo trong tình bằng hữu và tin tưởng là điều quan trọng để gìn giữ đức tin, nhất là đôi khi các em không được tự tin ở chính mình”.

Ông Xavier Behaegel phát biểu: “Cha mẹ đỡ đầu, ông bà cha mẹ đừng ngần ngại có những hành vi nhỏ: viết vài chữ để trong túi, một lời khuyến khích, một lời cầu nguyện…”. Và dù cha mẹ là người cuối cùng các em nghe thì cũng không nên… từ nhiệm! Bà Béatrice Lefèvre nhấn mạnh: “Các em mong chờ ở cha mẹ là chứng nhân của người tín hữu giữ đạo, không phải theo truyền thống, nhưng giữ đạo làm cho họ hạnh phúc. Phải nhất quán, nếu không sẽ không mang lại ý nghĩa…”

Các bài dễ hiểu

Còn Thánh Kinh thì sao? Linh mục Christophe Danset ghi nhận: “Các em trẻ chẳng biết gì. Các em chỉ biết vài đoạn về ông Giakêu, người con hoang đàng trở về, Tám Mối Phúc Thật hay sách Sáng Thế, nhưng người lớn có biết nhiều hơn thế không? Thật tai hại, tin ở Chúa nói qua Thánh Kinh mà không mở Thánh Kinh ra đọc!” Bà Béatrice Lefèvre nhận thức điểm yếu này: “Giao cho các em đọc một mình, các em sẽ khó hiểu vì Thánh Kinh có ngôn ngữ, có văn hóa riêng, phải làm cho các em chú ý để đào sâu bản văn, đó là cả một công việc mà các anh em tin lành đã làm với Ze Bible…” Một phong trào như Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể mời gọi các em suy niệm Thánh Kinh.

Gần đây có quyển sách “Thánh Kinh giải thích cho các người trẻ” (La Bible expliquée aux jeunes) của tác giả Jean-Louis Schlegel, nhà xã hội học về tôn giáo, giải thích sự ích lợi của Thánh Kinh, ông đưa ra các chỉ dẫn căn cứ theo sự thực về các tác giả và trình tự thời gian. Nhưng không quên vấn đề: liệu Thánh Kinh có nói thật không? khám phá thực tế con người của Thánh Kinh, chiều kích hiện sinh của nó, kết nối Lời Chúa vào đời sống của mình, đó là một trong các thách thức mỗi ngày của những người hướng dẫn các trẻ vị thành niên trong đức tin. Trong tin tưởng và trong hy vọng, bởi vì rốt cùng, thật sự mình biết được gì xảy ra trong tận đáy lòng? Ông Xavier Behaegel làm chứng: “Có biết bao nhiêu thanh niên trưởng thành sau này cho biết họ tiếp tục cầu nguyện riêng, họ không thể nào nói không có gì, chỉ nói đúng chữ “cám ơn”. Lúc đó chỉ cần, như cơn gió thoảng, như một kinh nghiệm nội tâm là thắp lên ngọn lửa và làm cháy lại lò lửa”.

Marta An Nguyễn dịch

933    17-08-2017