Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Đắng Sao Cho Đáng

CÁC BÀI VIẾT CỦA BÁC SĨ LƯƠNG LỄ HOÀNG

Tiểu sử BS Lương Lễ Hoàng

Bs Lương Lễ Hoàng, tốt nghiệp y khoa tại Sài Gòn, đã định cư tại CHLB Đức từ năm 1981. Vốn xuất thân từ Đại học Y Khoa Minh Đức, trường y đầu tiên ở miền nam với tôn chỉ kết hợp Đông Tây y trong tinh thần xây dựng một nền y học dân tộc, đại chúng và nhân bản bác sĩ Hoàng đã tiếp tục theo đuổi hoài bão phát huy giá trị của nền y học cổ truyền phương Đông ngay trên xứ người. Bên cạnh một số phát kiến đã đăng kí bản quyền phát minh tại CHLB Đức. Bác sĩ Hoàng còn là tác giả của một số tiểu luận chú trọng vào mục tiêu cổ động cho biện pháp phòng bệnh trên cơ sở sinh học. nhờ số kinh nghiệm thu thập trong nghiên cứu, giảng dạy và điều trị, bác sĩ Hoàng còn cộng tác theo kiểu con thoi trên trục Việt - Đức với nhiều khu du lịch nghĩ dưỡng, công ti dược phẩm và trung tâm điều trị ở quê nhà.
Với độc giả trong nước, từ năm 2000, bác sĩ Lương Lễ Hoà đã không còn xa lạ qua bộ sách dinh dưỡng và phòng bệnh", "khoẻ nhờ sinh tố, mạnh nhờ khoáng tố", "Nỗi buồn ngày mới lớn"... Từ tháng 6 năm 2003, bác sĩ Hoàng tự đảm nhiệm mục "Sức khoẻ doanh nhân" trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn với loạt bài hàng tuần gây được nhìêu chú ý của bạn đọc trong và ngoài nước.

Xin giới thiệu đến bạn đọc 41 bài viết của bác sĩ Lương Lễ Hoàng được đăng trên diễn đàn của trang web Văn hóa phương Đông.

1. ĐẮNG SAO CHO ĐÁNG

Nếu chọn loại khẩu vị dễ hài lòng thực khách thì hai vị mặn ngọt xem như... ăn chắc! Cầu kỳ hơn một chút thì đến vị chua, hay vị cay. Nhưng với người sành điệu trong ngành ẩm thực thì tuy không nói ra nhưng vị đắng mới là vị khó quên, vì lần đầu tuy có thể khó nuốt nhưng ăn được vài phen thì khó tránh cảnh "lia thia quen chậu".

Vị ngọt đúng là ngon nhưng chỉ ở đầu lưỡi. Chính nhờ vị đắng, đúng hơn nhờ có chất đắng trong thành phần, mà nhiều món ăn giữ được cá tính để khắc sâu trong lòng thực khách, như theobromin trong cacao, cafein trong cà phê và trà, nhóm terpenoid trong nhiều loại rau quả như khổ qua... Lời thật thì khó êm tai nhưng dù vậy cũng phải thành thật ghi nhận là hầu hết sản phẩm chocolate hiện nay trong nước, dù đã có nhiều tiến bộ, vẫn chưa có thể tranh hơn thua về chất lượng với hàng "ngoại" vì chocolate của ta không đủ... đắng. Tưởng ít đắng sẽ dễ ăn thì trật quẻ. Thẻ chocolate hay tách cà phê mà không có độ đắng nào đó thì chẳng khác nào sầu riêng không... mùi!

Chất đắng hấp dẫn là nhờ tác dụng đánh mạnh vào thần kinh vị giác, để từ đó gây phản xạ hưng phấn quy trình bài tiết nước bọt và dịch vị khiến thực khách thèm ăn và cứ vậy mà tiếp tục ngon miệng. Thức ăn có vị đắng vì thế là món ăn nên thuốc cho người biếng ăn, chậm tiêu.

Không chỉ dựa vào cảm thụ thần kinh trên mặt lưỡi, chất đắng trong thức ăn còn cải thiện chức năng tiêu hóa nhờ vừa đẩy mạnh phản ứng tổng hợp các loại men phân giải thức ăn, vừa điều hòa nhu động đường ruột để thức ăn được vận chuyển trong khung ruột với vận tốc lý tưởng. Món ăn có chất đắng do đó không nên thiếu trong khẩu phần của người lớn tuổi để tránh tình trạng đầy hơi, táo bón rất thường gặp. Muốn tận dụng tác dụng nhuận trường của chất đắng nên dùng thực phẩm có chất này như món khai vị trước phần ăn chính khoảng hai mươi phút.

Cứ tưởng chất đắng chỉ có công năng cục bộ trên đường tiêu hóa thì quả thật uổng công của người biết chọn món ăn có vị nhân nhẫn. Chất đắng trong cây cỏ, rau quả là hoạt chất can thiệp vào hàng trăm phản ứng biến dưỡng chất đạm. Bữa ăn chiều tuy nhiều chất đạm, như thịt cá, nhưng có đủ chất đắng đi kèm chẳng những không gây khó tiêu mà nhiều khi còn tạo cảm giác thư giãn an thần nhờ chất đắng xúc tác phản ứng tổng hợp tryptophan, một loại chất đạm có công năng trấn an trung khu điều khiển giấc ngủ.

Không chỉ tốt cho hệ thần kinh, chất đắng trong thức ăn còn giúp máu giữ độ loãng lý tưởng. Người có cuộc sống quá căng thẳng nếu muốn phòng ngừa tai biến trên vành tim, não bộ thì dù không quen miệng cũng nên tập thói quen có vài món đắng cho thường trên bàn ăn. Thầy thuốc ngành Đông Y ắt hẳn phải có kinh nghiệm sao đó từ thực tế lâm sàng mới đúc kết được quy luật "vị đắng vào tim", nghĩa là ăn món đắng có lợi cho tim mạch. Nói chi đến chuyện phức tạp, hầu như nền y học dân gian nào, Đông cũng như Tây, đều có kinh nghiệm dùng món ăn có chất đắng để giải cảm và giảm đau. Thử hỏi hiện có bao nhiêu loại thuốc trị cảm cúm nhức đầu với cafein, chinin, terpen... trong thành phần? Biết rồi thì sẽ hết nhăn mặt khi gắp phải miếng khổ qua quá đắng.

Chất đắng trong thực phẩm, trong dược liệu đúng là hữu dụng, nhưng đừng vì thế mà đồng hóa vị đắng với chất đắng. Vị đắng của cà rốt bị nhiễm nấm, của chuối hay cà chua thu hoạch quá sớm, của khoai lang trữ quá lâu dưới ánh sáng và nhiệt độ thái quá, tất nhiên không hữu ích mà thậm chí có hại cho sức khỏe vì là chất có khả năng sinh ung thư! Biết cách ứng dụng chất đắng trong thực phẩm cho mục tiêu phục vụ sức khỏe thì đúng là đáng... "đồng tiền bát gạo"! Nhưng nếu hiểu chưa đến nơi đến chốn để chỉ đánh giá tác dụng một cách hời hợt dựa trên vị đắng, thì không có gì khó hiểu nếu có lần nào đó phải đáng... "đời"!

1399    01-01-2011 07:39:57