Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Đức Giêsu Kitô, Lời Của Thiên Chúa - Tháng 02 năm 2006

CHỦ ĐỀ: ĐỨC GIÊSU KITÔ, LỜI CỦA THIÊN CHÚA

I. THƯ MỤC VỤ 2005 số 3

Sau khi đã ngỏ lời với nhân loại bằng nhiều thể nhiều cách, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Dt 1,2a). Đức Giêsu Kitô chính là Lời của Thiên Chúa (MK 1), Đấng “vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng ta” (1 Ga 1,2). Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Đức Giêsu đã đến hoàn tất Mạc Khải bằng chính sự hiện diện của Người, đồng thời Người tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cuộc tử nạn và phục sinh vinh quang.

Lời Chúa không chỉ là Lời Đức Kitô rao giảng, hay lời các tông đồ rao giảng về Đức Kitô, mà còn là trọn vẹn con người và cuộc sống tại thế của Người…

Là Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta, “vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội” (PV 7).

II. DẪN GIẢI

Hội đồng Giám Mục Việt Nam muốn dạy chúng ta:

Lời các tiên tri trong Kinh Thánh là Lời Chúa. Lời Chúa chính thật là Đức Kitô, vì chính Chúa Kitô là Ngôi Lời.

Bởi Chúa Kitô là Lời, vì thế không những lời trong Kinh Thánh là Lời Chúa, mà cả những việc làm, lối tiếp xúc, cách đối xử, các phép lạ, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô cũng chính là Lời Chúa.

Lời đó thường xuyên hiện diện giữa chúng ta. Mồi khi đọc Kinh Thánh, thì nói được, Chúa tâm sự với chúng ta.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

SỨC MẠNH LỜI CHÚA

Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ em. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ cũng không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ tợn như một hung thú.

Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: "Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm", đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: "Đọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin".

Tác giả viết câu chuyện trên, trong quyển sách mang tựa đề "Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo" đã kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ Ishi-I đi hành quyết. Họ đã không gặp được tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

Lời Chúa là chính Chúa, nên có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một tên sát nhân giết người không gớm tay như anh Tokichi Ishi-I và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội .

(Trích Veritas)

IV. DẪN GIẢI

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy cha ông ta; nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy ta qua Con của Người” (Dt 1, 1-2). Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọn vẹn và dứt khoát nơi Người Con Một, là Lời duy nhất và hoàn hảo, đã làm người và trở thành Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nơi Đức Giêsu Kitô là cao điểm và trọn vẹn của mặc khải, Thiên Chúa đã lập Giao ước mới và vĩnh cửu, với toàn thể nhân loại. Con Thiên Chúa “đã đến bổ túc và hoàn tất mặc khải bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình ra qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến’ (MK 4).

Vì Đức Giêsu Kitô là lời tròn đầy và sau cùng của Chúa Cha nói với nhân loại, nên sẽ không còn mặc khải chính thức nào nữa.

(Trích Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Biên Soạn Cho Giáo Dân, tr. 15)

Lời Kinh Thánh mà chúng ta đọc là chính Chúa nói với chúng ta. Ngài tiếp tục dạy dỗ, an ủi, chữa lành và củng cố đức tin chúng ta. Chúa Giêsu hiện diện sống động trong Lời của Người.

Lạy Chúa, xin cho chúng con, với niềm tin, cảm nhận sự hiện diện của Chúa qua Lời Chúa, để chúng con tiếp tục được Chúa dạy dỗ, nâng đỡ, như các tông đồ xưa. Amen

Kiểm điểm:

Tôi có nhận biết Kinh Thánh là Lời Chúa không?

Khi đọc Kinh Thánh, tâm trạng chúng ta thế nào? Hững hờ, theo lệ, không chú tâm, có khi cũng không biết mình đang đọc Lời Chúa nữa!

Tôi có nhận thấy Lời Chúa cao quý vô cùng không? Lời của người đời có khi được người ta cho là lời vàng ngọc; còn Lời của Chúa, Đấng chính là Sự Thật, khôn ngoan vô cùng…tôi có thái độ nào?

Tôi có mến Lời Chúa không? Lời Chúa là chính Chúa và là lời tâm sự của Người, mỗi khi tôi đọc Thánh Kinh.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Có những lúc tôi “bóp méo” ý nghĩa Lời Chúa. Tôi nhận ra tội của tôi.
Có lúc tôi bịa chuyện đặt điều bôi nhọ Đức Giêsu Kitô. Xin thương xót tôi.
Tôi kém tin Chúa Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Xin tha thứ cho tôi.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Đoạn khởi đầu Phúc Âm Thánh Gioan, đã khẳng định với chúng ta rằng: Ngôi Lời là Thiên Chúa, từ thuở đời vẫn ở nơi Thiên Chúa. Ngày nay, Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng ta. Người là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

  1. Thánh Phêrô đáp: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, chính nơi Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn trung thành theo Chúa Kitô, sống và giúp nhau sống Lời Chúa dạy.
  2. Chúa Giêsu phán: “Các lời Thầy nói với các con, Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người nói đó”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, nhận biết rằng: sống theo Lời Chúa Giêsu, là thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
  3. Chúa Giêsu phán: “Lời mà các con nghe đây, không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, nhận biết ý Thiên Chúa chẳng những nơi lời giảng, mà còn nơi hành động và cử chỉ của Chúa Giêsu.
  4. Chúa Giêsu phán: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta thật lòng yêu mến Chúa Giêsu, ngoan ngoãn sống Thánh Thể và sống Lời Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Ngôi Lời Chúa làm người để giáo huấn mà cứu độ chúng con. Xin cho chúng con thường năng kết hợp với Con Một Chúa, trong Thần Trí Chúa, để đáng thông phần sự sống vinh quang của Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

LƯỢC SỬ: Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người.

Lịch sử nhân loại có một mặt trong: cái được phát triển xuyên qua lịch sử nhân loại là chính tinh thần, là đời sống tinh thần. Khi nói về lịch sử tôn giáo thì đó là tương quan giữa Thiên Chúa (TC) với con người, là đời sống tôn giáo.

TRONG CỰU ƯỚC
Khởi đầu cuộc đối thoại:

a.Trước hết là sáng kiến của TC. Người nói trước, Người đi bước đầu. Sự can thiệp của Người là nhưng không, không do con người đòi hỏi. Do đó con người chỉ có việc nghe và đón nhận Lời Chúa. Abraham, Môisen, các tiên tri và toàn dân Dothái là những người được TC tuyển chọn và sai đi.

b. Lời TC đến với từng cá nhân: cuộc đối thoại diễn ra giữa hai tâm hồn, trong tự do, Nhưng sự tuyển chọn của TC nhằm tạo nên một dân tộc, một cộng đoàn. Chính Lời Chúa tạo nên dân tộc đó, quy tụ, soi dẫn, bồi dưỡng, phân xử nó.

c. Lời đó mạc khải sức mạnh. Nó được nói lên trong một tinh thần đầy sức mạnh, sức mạnh đối với Pharaon, sức mạnh trên núi Sinai, sức mạnh chống lại dân Canaan, sức mạnh mà những người được sai đi cảm nghiệm. Cho nên, đối diện với TC người ta có một tâm tình kính sợ, cảm thấy sự bất lực của mình. Dần dần, sức mạnh đó xuất hiện như một sức mạnh cứu độ, một sức mạnh đưa con người đến với TC, một sức mạnh tinh thần.

d. Lời đó mạc khải sự thánh thiện. Nó được nói lên trong một tinh thần thánh thiện. Vì TC nói là để thiết lập một giao ước, và giao ước đó là giao ước trong sự thánh thiện, trong tinh thần yêu thương của TC: Israel sẽ nên thánh vì TC là thánh. Giao ước đó đưa đến gần TC, kết hợp với TC, như vợ kết hợp với chồng, như con kết hợp với mẹ trong sự vâng phục là điều kiện để nên giống mẹ. Giao ước đó còn đưa mọi thành phần dân Chúa đến gần với nhau. Do dó, tình yêu đối với tha nhân được xây dựng trên lòng yêu mến Chúa (Đnl 15; Lev 19, 18). Nếu giao ước đó trước tiên là một hồng ân, là ân huệ, là ân sủng, thì nó cần được chinh phục, vì muốn nhận được hồng ân TC thì cần phải có những điều kiện. Điều kiện đó là Tin và Vâng Phục. Dần dần qua lịch sử, TC xuất hiện như một ai khác thánh thiện, và cũng dần dần những đòi buộc của lề luật được tỏ rõ. Trên gương mặt thánh thiện của TC, con người nhìn thấy sự yếu hèn của mình, đồng thời con người cũng tìm gặp sự can đảm nơi sức mạnh của TC.

e. Như thế đối với TC, thân phận con người được bày tỏ: TC đòi hỏi nơi con người niềm tin, bao hàm lòng khiêm tốn và tin tưởng, lòng kính sợ và yêu thương, một niềm tin được biểu hiện bằng cầu nguyện.

2. Thảm kịch đối thoại:

a. Con người tỏ rõ yếu đuối, không trung thành với giao ước, con người là con người tội lỗi, cái khó căn bản của con người là nên thánh như TC. Và công việc của TC là giải thoát con người khỏi sự yếu đuối, khỏi tội lỗi. Tội lỗi dần dần xuất hiện như sự khước từ, khinh miệt tình thương của TC. Nó là thất trung, là ngoại tình. Và nó sinh ra mọi sự dữ, mọi tai họa.

b. Nhưng TC thì vẫn trung thành với giao ước. Người vẫn là TC của Abraham, Isaac và Giacóp. Nhưng Người phải xét xử, Người chống 1ại tội lỗi, Người nổi giận đốâi với con người tội lỗi ngoan cố. Và Người trừng phạt vì Người ghen, ghen vì yêu. Israel bị phạt nhiều là vì đã được yêu nhiều. Nhưng hình phạt của TC nhằm làm cho kẻ thất trung cảm mến sự đau đớn của thất trung, và hồi tâm hoán cải trở về với TC.

c. Lòng trung thành của TC mạnh hơn sự khước từ của con người. Tình thương của TC vẫn bao la, sâu rộng hơn sự bội nghĩa của con người. Cho nên TC không cưỡng lại được lời cầu nguyện vì Người từ bi và tha thứ. Cũng vì thế mà TC an bài luôn luôn có một nhóm nhỏ người (Noe, Gêđêon, Eli, những người nghèo) để phát triển những công trình của tình thương, như nơi mỗi người chúng ta, Người duy trì một tia lửa nhỏ để đốt cháy lại. Và thế, tội lỗi cũng góp phần vào việc canh tân.

d. Sau khi giải thoát con người khỏi tội lỗi, TC đưa họ về đất hứa, xuyên qua sa mạc khắc khổ. Vì thế mà thực tại Xuất Hành ra khỏi Aicập, vượt Hồng Hải, nhũng ngày trong sa mạc, tiến về đất hứa là hình bóng của mầu nhiệm cứu chuộc.

3. Sự tiến bộ của cuộc đối thoại:

a. Một sự vươn lên mãi mãi qua thảm kịch tội lỗi, qua những diễn tiến lịch sử, cuộc đối thoại dần dần biểu lộ bản chất tinh thần của nó. Lời hứa của TC đầu tiên là hứa dòng dõi (Abraham), rồi hứa một vùng đất (Môisen), hứa một vương quốc (Đavít), sau cùng là hứa một nước tôn giáo thuộc bên trong (các tiên tri). Trong thời kỳ lưu đày, nước đó dần dần được quan niệm như kết quả của “Ngày của Giavê” chớ không phải của những nổ lực chính trị.

Điều đó có nghĩa là dân tộc Israel gặp thất bại triền miên: mỗi khi một hình ảnh về vương quốc được hứa hẹn tiêu tan đi, thì lại xuất hiện một hình ảnh khác gần gũi hơn với vương quốc đó. Nhưng từ nỗi thất vọng đó lại chiếm nở niềm hy vọng đích thực, một niềm hy vọng cánh chung hướng về một đất mới, nơi đó không có tội lỗi, không có khóc than, chỉ có công lý và hòa bình, sau khi Đấng Hằng Hữu chiến thắng sự dữ (Is. 11).

b. Những người nghèo: Nỗi thất vọng trong tâm hồn đó trở thành tinh thần nghèo. Khi người ta không biết đặt tin tưởng vào đâu nữa, thì còn TC, thì phó thác cho Người: sự an toàn ở nơi TC, phải tin tưởng nơi TC. Nhưng người nghèo mới là Israel đích thực. Nơi họ diễn ra cuộc đối thoại trong kính sợ và tin tưởng, trong khiêm nhượng và lòng hiếu thảo.

c. Tạ ơn: Lúc bấy giờ, giữa sa mạc, giữa những cơn thử thách, những sa ngã và những nổ lực quảng đại, một niềm xác tín dần dần trở nên vững chắc hơn: tình yêu thương của TC là căn nguyên mọi sự. Mọi sự là ân sủng. Đức tin triển nở thành lời Tạ ơn TC.

  • TRONG CHÚA KITÔ

Trong cựu ước đã có một cuộc đối thoại đích thực trong đức tin. Tuy nhiên, đức tin đó đang ở trong tình trạng chờ đợi và căn cứ trên những lời hứa, còn phải chờ Đấng Cứu Thế đến.

Và này Chúa Kitô xuất hiện. Người loan truyền nước TC đang ở đây. Người là sự hiện diện của TC giữa loài người. Sự hiện diện đó biến đổi, hoàn hảo hóa cuộc đối thoại tôn giáo. Cái nhìn cơ bản không hướng về tương lai mà hướng về hiện thời: nước TC đang ở trong con người, người ta có thể đạt đến nó bằng thái độ đức tin. Nhờ Chúa Kitô, cuộc đối thoại giữa TC và con người xuất hiện như một trao đổi giữa người với người. Và nhờ cuộc trao đổi đó, con người được đi vào đời sống TC Ba Ngôi.

Mọi phương diện của cuộc đối thoại trong Cựu ước, ta đều gặp lại ở đây, nhưng với một ánh sáng khác, ánh sáng của sự hiện diện hiện thời của TC. Quyền năng của TC được biểu lộ nơi Chúa Kitô, đặc biệt nơi cuộc khổ nạn và phục sinh như một năng lực cứu độ, tâm linh hóa và ca tụng. Yêu cầu thánh thiện và việc phân xử được biểu lộ nơi thập giá. Nhờ thập giá, ta đi sâu vào tính chất trầm trọng của tội lỗi, đồng thời cũng đi sâu vào ý nghĩa giao ước đích thực, một giao ước đòi hỏi sự vâng phục trong yêu thương. Chúng ta nhìn nhận tội lỗi chúng ta, qua sa mạc của nổ lực tinh thần và khắc khổ, trong một tinh thần nghèo, luôn luôn tiến tới, chúng ta muốn một niềm hy vọng của những người con TC và sống trong lời tạ ơn vì cuộc phục sinh.

Nước TC không xuất hiện trong huy hoàng hay vinh hiển trần tục, đúng hơn, nó hứa hẹn sự thất bại, nó là nước của những người hiệp nhất trong đức tin, cậy, mến, kết hợp với Chúa Kitô. Nước đó là nước phổ quát, vì nó bắt nguồn từ Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con.

  • TRONG GIÁO HỘI CỦA CHÚA KITÔ

Cuộc đối thoại diễn ra trong Giáo Hội giữa TC và người Kitô hữu chỉ là một tâm niệm về cuộc đối thoại được Chúa Kitô tạo lập, một cuộc đối thoại triển nở qua các thành phần của Giáo Hội, dưới nhiều hình dạng khác nhau, cuộc đối thoại đó luôn luôn lập lại lòng nhân lành và quyền năng của TC, nó cũng gợi lại một niềm hy vọng và lời tạ ơn. Nó triển nở, cho nên cũng làm cho phong phú hơn: sự đáp ứng của loài người được thêm phong phú nhờ mọi tiến bộ nhân loại, con người đáp lại lời của TC và tự hiến cho TC với một nhân tính phong phú hơn, ý thức hơn.

Điều cần lưu ý là cuộc đối thoại đó tiếp tục diễn ra trong đức tin. Sự hiện diện của TC ở giữa chúng ta là một sự hiện diện trong lịch sử và xuyên qua bức màn của nhân tính. Chúng ta bắt TC muốn gì nơi ta, biết rằng ta là con cái TC, nhưng cái mà ta sẽ là thì chưa được tiết lộ. Trong khi đối thoại trong lịch sử nơi trần gian, ta mong chờ được đối thoại với TC nơi Nhà của Người, trong vinh quang của người.

VII. TRANG KINH THÁNH

BÀI 2: CHÚA TẠO DỰNG THẾ GIỚI
(Stk 1, 1-31).

1/ Chương đầu của sách Stk cho ta thấy điều gì?
Chương đầu của sách Sáng thế cho ta thấy: Thiên Chúa sáng tạo nên thế giới trong sáu ngày, Ngài tạo dựng nó trong trật tự, đến ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi.

2/ Một cách chi tiết Thiên Chúa đã làm gì?
Đi vào chi tiết ta thấy:
+ Ba ngày đầu Chúa “tách” những khoảng không:
* Ngày thứ nhất: Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi tối tăm.
* Ngày thứ hai: Ngài tách nước phía trên ra khỏi nước phía dưới bằng một bầu trời.
* Ngày thứ ba: Ngài tách địa cầu với nước phía dưới.
+ Ba ngày cuối Chúa “trang trí” những khoảng không mà Ngài đã “tách” ra:
* Ngày thứ tư: Ngài cho mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao xuất hiện trên bầu trời.
* Ngày thứ năm: Ngài cho xuất hiện chim trên trời, cá dưới biển.
* Ngày thứ sáu: Ngài tạo dựng thú vật và con người trên mặt đất.
* Ngày thứ bảy: Ngài nghỉ ngơi.
3/ Câu chuyện Sáng thế nầy dạy ta bài học gì?
Câu chuyện Sáng thế dạy ta:
* Chỉ có một Thiên Chúa và tất cả mọi vật đều do Ngài dựng nên.
* Thiên Chúa là một Ngôi vị (là chủ thể yêu thương, hành động và hiểu biết). Ngài hằng sống và một Thiên Chúa có Ngôi vị (nơi Thiên Chúa có Ba Ngôi). Ngài có thể được yêu mến và được phụng thờ hết tình.
* Thiên Chúa tạo dựng thế giới từ hư vô (chỉ sau lời phán mọi loài, mọi vật liền có).
* Thiên Chúa là Chúa của trật tự.(ngày thứ nhất, thứ hai, thứ ba... Chúa làm theo tuần tự).
* Con người trỗi xa hơn vạn vật trên thế giới và họ là kiệt tác của tạo vật hữu hình.
* Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người có trí hiểu và tự do, có thể cai trị các tạo vật khác.
* Hôn nhân được Thiên Chúa chúc lành.
* Con người phải dành ít nhất một ngày cho Thiên Chúa.
* Thế giới và mọi vật trên thế giới đã được dựng nên đều tốt lành.
Lời Chúa: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (Stk 1, 31a).
Cầu nguyện: Chúng con xin cảm tạ Chúa vì đã tạo dựng vũ trụ nầy cho chúng con hưởng dùng. Xin cho chúng con không chỉ biết sử dụng chúng mà còn biết làm cho vũ trụ nầy ngày càng thêm tốt đẹp theo ý muốn của Chúa nữa.

VIII. MỘT CÁI NHÌN VỀ CÁC TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM (tt)

VÔ NHI VÔ BẤT VI!

Nhìn qua Quyển Đạo Đức Kinh chúng ta có thể nghĩ: Lão Tử muốn trao lại cHo đời một thứ kỷ thuật chánh trị, để an bang tế thế.

Đặc điểm của ông là nhìn Đạo, thấy nơi Đạo, một đường lối trị dân bình thiên hạ. Ông thấy Đạo là ‘tịnh’ và ông thấy đó là ‘vô vi’. Nhưng Đạo khởi động là Mẫu, thì sinh nên tất cả. Như thế là không có chi mà Đạo không làm: vô bất vi.
Cái ‘tĩnh’ và cái ‘động’ là một. Ông nhìn đó là Huyền Đồng: cái hiệp nhất huyền bí.
Đạo là căn nguyên cho tất cả, vậy sao ta không nhờ vào Đạo để đặt nền tảng cho lề lối trị quốc, bình thiên hạ.
Do đó, ông đặt nền tảng cho kỳ thuật chánh trị của ông bằng phương ngôn: vô vi nhi vô bất vi.
Chúng ta cố tìm hiễu.
Dĩ nhiên, theo thiển ý của mình, vì những lời của ông viết thường theo lối tiêu cực, nghịch thường, lại bí ẩn, có thể làm cho độc giả hiểu mỗi người mỗi cách.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận định: vô vi nhi vô bất vi nghĩa là làm mà như không làm. Có thể hiểu là làm tất cả cách kín đáo, bề ngoài ra vẻ tiêu cực, dường như không làm chi cả. Đúng ra chúng ta không thấy Đạo làm bất cứ việc gì (vô vi).

Kín đáo: về phần chánh trị gia, noi gương Đạo phải làm bất cứ việc gì, nhưng không làm cách ồn ào, nhộn nhịp, không làm theo sở thích tư dục của mình (làm theo sở thích tư dục thì rơi vào tánh cách tương đối). Do đó, dường như làm cách tiêu cực : không tranh đua, muốn đứng đàng sau, làm tốt công việc cũng không tỏ mình là chủ, là đứng trước. Đó là khởi từ vô vi mà đạt vô bất vi: không ai tranh nổi với mình, không ai đứng trước mình. Hiệu quả công việc mình phải tốt thôi.

Ông còn nêu lên tánh cách sâu xa hơn, xem ra tiêu cực nhưng thích dụng: Nhà cửa xây dựng tùm lum mà cái gì thích dụng? Chính là những chổ trống. Cái chén? Chổ thích dụng chính là khoảng trống trong chén. Do đó mà ông đề xướng: Không những theo gương Đạo (kín đáo, xem ra tiêu cực) mà tất cả mọi vật đều phải về lại với Đạo. Vật đều phải phản phục (hồi về với Đạo) để được nên một với Đạo (bảo nhất: bảo vệ nên một).

Việc làm theo gương Đạo, như Đạo, với Đạo, thì việc mới tốt, mới hoàn hảo.

Ngược lại, làm lối hữu vi, nghĩa là làm không theo đường lối của Đạo, thì không hoàn hảo và cũng không tốt được vì rơi vào giới tương đối: thiện-ác, tốt-xấu, khó-dễ, cao-hạ…tương sanh (hữu vô tương sanh, hiểu là đối chọi nhau) không còn đơn nhất, bất biến.

Con người tự do, trên nguyên tắc phải tùy Đạo, phải hướng về Đạo và tiến đến hiệp nhất với Đạo. Nhưng bởi không áp đặt, bắt buộc, nên con người hành vi theo ý riêng của mình, dành riêng cho mình…, sinh ra muốn lên mặt tranh đua. Do đó, không làm theo ý Đạo, giống như Đạo. Ngay việc mà đời có thể cho là đức, là tốt, nhưng nếu không giống Đạo, không như Đạo, thì không còn tốt nữa.

Làm như thế, có thể gọi là hữu vi : dạy người ta khôn khéo, đưa người đến xảo trá, trọng người hiền, trọng của quý, làm cớ cho người ta ham danh, ham tiền. Dùng cường lực để thắng người thì có thể gây oán ghét. Dùng binh lực (hữu vi) có hại hơn là lợi nên thánh nhân không dùng. Nhưng lại dùng bất nhơn chi giáo (dạy không lời): nhu thắng cương, nhược thắng cường. Bất tranh nhi thiện thắng (không tranh đua thì tất thắng).

Lối bề ngoài thấy là tiêu cực, nhưng đúng là noi gương Đạo, gần Đạo, để việc làm được tốt và được bảo nhất, nên một trong Đạo, tuyệt đối không còn biến chuyễn, không còn tương đối.

Về phản phục, bảo nhất (về với Đạo, hợp nhất với Đạo), Lão Tử nói theo lối bí ẩn của ông: mình muốn nên như “con đỏ” (xích tử), rắn rít không cắn được, chim không xớt được, hùm không cằn xé được. Và ai biết cách nhiếp (dưỡng) sinh, thì đi đường không gặp thú dữ, vào trận không bị đao thương.v.v… vì không có chổ chết. Về sau, đồ đệ lại hiểu cho cuộc sống hiện tại, tương đối: biết cách nhiếp sinh thì được trường sinh bất tử.

Đúng ra, kết hợp với Đạo thì không còn sợ những tai họa hổn loạn - như xích tử (con đỏ) – lại được lại được giống như Đạo, không còn tương đối, biến chuyễn. Tử nhi bất vong giả thọ: Chết mà không mất, đó là thọ!

Kỷ thuật vô vi nhi vô bất vi vẫn còn chổ sâu xa, và cũng có vẻ đẹp đáng mến.

IX. TẢN MẠN

Đổi !

Chuyển đổi từ họ đạo này sang họ đạo khác là chuyện bình thường theo nhu cầu mục vụ. Như vừa mới đây, 7 cha trong tỉnh Bến Tre đã nhận văn thư bổ nhiệm của Đức Cha. Đổi thì đi trong đức vâng lời và trong tinh thần siêu thoát. Nói thì nghe dễ nhưng trong thực tế không đơn giản chút nào. Thủ tục hành chánh làm cho những người trong cuộc cảm thấy bị hành hạ mệt mỏi.

Từ lúc nghe tin hành lang, đến tin bán chính thức, sau cùng là tin chính thức với “bài sai” hẳn hoi đã kéo dài hơn 2 tháng nay. Sống trong trạng thái lơ lơ lửng lửng, chân trong chân ngoài, không có làm được con khỉ khô gì ráo trọi. Với tinh thần “sắp sẳn”, ai cũng lo chuẩn bị hành trang lên đường, đồ đạc cho vô thùng sẳn, niêm phong cẩn thận. Tưởng chừng 10 ngày sau là đến họ đạo mới, nào ngờ 20 ngày, rồi 30 ngày cũng còn án binh bất động. Nghe đâu có cha phải xếp đồ vào rồi lại kéo ra đến 4 lần! Miệng lẩm bẩm câu gì đó …

Tội nghiệp cho giáo dân, họ hoang mang xao động. Buồn bả kể lể ỉ ôi. Trong thời gian ngắn ngủi còn lại, họ không biết làm gì hơn là cứ kéo đến thăm viếng làm mất thời giờ tiếp chuyện. Hết hội này đến nhóm kia bày trò ăn uống, từ “tiệc ly” cho đến “tiệc lỳ”, nuôi thúc cha bụng mỗi ngày một to lên như cái trống chầu! Bao lâu thủ tục hành chánh chưa xong thì giáo dân càng mừng mà cha thì lại càng rầu, thật trái ngược nhau! Một sáng nọ, chú từ quên giựt chuông, giáo dân nghỉ rằng cha âm thầm lặng lẻ đi rồi, không ai bảo ai, họ kéo đến chật kín nhà thờ, thánh lễ hôm đó thật đặc biệt. Tiển cha cũ làm sao, đón cha mới thế nào, họ đã lên kế hoạch phân công đâu đó sẳn sàng.

Người thân bạn hữu ở xa cứ gọi điện hỏi thăm “đi chưa” “chừng nào đi” “sao lâu vậy”. Thật là khổ và cũng thật là lổ. Tết này, có ân nhân gọi điện về nói rằng: “Gia đình chúng con định gởi tiền về cho cha, nhưng nghe tin cha sắp đổi đi, nên chúng con cũng … đổi ý”. Bỗng lễ trở nên khan hiếm, đâu biết chắc tuần sau cha còn ở đây hay không mà xin lễ. Và còn nhiều sự tương tự như thế. Tính ra thiệt hại kinh tế không nhỏ???

Những người sành điệu thưởng thức cà phê cho rằng những giọt cuối cùng là ngon nhất. Cũng vậy, những ngày còn lại thân thương hơn bao giờ, cha con trân trọng nhau hơn lúc nào, để giữ mãi mối dây tương thân tương ái luôn ngọt ngào bền lâu. Càng bước vào giai đoạn cuối, càng dễ cảm thông tha thứ, hình ảnh của mỗi con chiên sao ngoan hiền dễ thương quá. Đó cũng là điều an ủi, là niềm hạnh phúc của đời linh mục tu sĩ rày đây mai đó, theo gương Thầy Chí Thánh rảo quanh các làng mạc rao giảng Tin Mừng (Mc 1, 38).

(Lm. Nguyễn huỳnh Tươi tự thuật)

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

Chiếc là hoàn mỹ

Ngày xưa, có một vị đại sư muốn chọn một đệ tử làm người nối dõi. Một hôm, ông bảo hai đệ tử rằng: "Các con hãy ra ngoài và chọn về đây cho ta 1 chiếc lá đẹp nhất, hoàn mỹ nhất."

Hai đệ tử vâng lời thầy đi tìm lá. Thoáng chốc, người anh quay về và trình cho đại sư một chiếc lá không được đẹp lắm: "Thưa thầy, tuy chiếc lá này không phải là hoàn mỹ nhất nhưng nó là chiếc lá hoàn mỹ nhất mà con thấy".

Người em đi cả ngày trời và quay về với 2 bàn tay trắng, người em nói với vị đại sư: "Thưa thầy, con đã tìm và thấy rất nhiều lá đẹp, nhưng con không thể nào chọn được chiếc lá hoàn mỹ nhất." Cuối cùng, vị đại sư đã chọn người anh.

"Tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất", chúng ta vẫn cứ luôn nghĩ đến việc "hoàn mỹ nhất" nhưng nếu bạn cứ một mực đi tìm mà không nhìn vào thực tế, không so sánh với thực tế thì bạn cứ phải vất vả để rồi trắng tay. Cho đến một ngày nào đó, bạn mới phát hiện rằng: Chỉ vì mãi đi tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất mà bạn đã bỏ qua biết bao cơ hội lớn một cách đáng tiếc!

Hơn nữa, thứ hoàn mỹ nhất của con người cuối cùng có được bao nhiêu? Trên đời này đã xảy ra không ít chuyện đáng tiếc, đó cũng do một số người xa rời thực tế đi tìm "chiếc lá hoàn mỹ nhất", coi thường cuộc sống đạm bạc. Nhưng chính trong cuộc sống đạm bạc, vô vị đó mới chất chứa những điều kỳ diệu và to lớn. Điều quan trọng là thái độ của bạn như thế nào khi đối diện với nó.

Trong cuộc sống chúng ta, không nhất thiết cứ phải theo đuổi những thứ hoàn mỹ mà chỉ cần bình tâm lại, từng bước từng bước tìm chiếc là mà ban cho rằng là hoàn mỹ nhất. (sưu tầm)

XI. LỜI HAY Ý ĐẸP

Điều quan trọng không phài là những gì đã xảy ra với bạn; Mà chính cách nhìn của bạn sẽ quyết định bạn hạnh phúc hay không?

(Theo First News)

1228    20-04-2012 15:27:18