Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Đường Lối Sư Phạm Của Chúa Cha Trong Công Trình Tạo Dựng - Tháng 01 năm 2008

CHỦ ĐỀ:
ĐƯỜNG LỐI SƯ PHẠM CỦA CHÚA CHA TRONG CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG

I. THƯ MỤC VỤ số 4

Công trình giáo dục Kitô giáo, trước khi là công khó của con người, đã là kế hoạch của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, ban cho con người khả năng đạt tới chân lý và tự do (x. Hc 17, 3 &7), Thiên Chúa Cha đã định hướng công trình sáng tạo vũ trụ của Ngài bằng một đường lối sư phạm mềm dẻo phù hợp với lợi ích và thái độ đón nhận của con người. Thuở ban đầu, vì Dân Ngài chọn còn cứng lòng nên Thiên Chúa xem ra nghiêm khắc (x. Lv 26, 14-46; Đnl 28, 15-45), nhưng dần dà, từng bước một, Ngài tỏ cho họ thấy Ngài vẫn là một Thiên Chúa “Thành tín trong mọi lời Ngài phán, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm” (Tv 144, 13b).

II. DẪN GIẢI

Chúa ban cho nền tảng đón nhận giáo dục, ban cho lý trí đón nhận chân lý, ban cho tự do để tự nguyện đón nhận.
Thưở đầu, giáo dục cách mềm dẻo.
Tiếp đến, loài người đông lại ngang nghịch, trong giáo dục Chúa tỏ ra nghiêm khắc.
Dần dà, giáo dục của Chúa đầy yêu thương.

III. CHUYỆN MINH HOẠ


CUỘC SỐNG BẬN RỘN

Trong thời đại hiện nay, mọi người dường như bị lôi cuốn vào dòng chảy gấp gáp của cuộc sống. Chúng ta bị vây bủa bởi vô số công việc, vô số dự định và vô số những ước nguyện không thành.

Có một ông bố đã quyết định “thoát khỏi vòng xoáy”, rời bỏ lằn ranh chạy đua của cuộc đời để dành chút thời gian hiếm hoi của buổi chiều đi dạo cùng cậu con trai nhỏ của mình. Cậu bé “lắm chuyện” này không bỏ qua cơ hội để hỏi bố về những điều làm trí óc non nớt của bé quan tâm.
- “Làm sao mà dòng điện lại có thể đi qua những sợi dây điện thoại được hả bố?” Cậu bé hỏi.
- Người bố trả lời: “Bố không biết. Bố không rành về điện con à!”
- Đi thêm vài dãy phố, cậu bé lại tiếp tục: “Cái gì đã làm nên sấm và chớp vậy bố?”
- “Thú thật với con, bố chưa bao giờ tìm hiểu về chuyện đó.” Ông bố trả lời.
- Một lúc sau, cậu bé lại hỏi tiếp: “Vì sao có những chiếc lá biến thành màu vàng và những chiếc khác lại biến thành màu đỏ vào mùa thu hả bố?”
- “Bố cũng không rõ nữa con trai à!”

Cuối cùng, khi về gần đến nhà, cậu bé nói:
- “Bố ơi, bố đừng buồn vì con đã hỏi bố quá nhiều điều như vậy bố nhé!”
- “Không đâu con! Còn cách nào khác để con học hỏi nữa đâu?” Người bố kêu lên.

Có thể ông bố này không phải là một cuốn tự điển bách khoa biết đi, nhưng bạn phải trao quyển sách này cho ông, vì ông đã đầu tư thời gian vào việc lắng nghe và chuyện trò với con trai mình. Điều đó còn giá trị hơn việc trả lời đúng các câu hỏi. Ông đã muốn câu bé hiểu rằng: “Con rất quan trọng với bố, và vì thế, bố muốn dành thời gian cho con”. Vấn đề quan trọng là ông đã biết dùng thời gian cho điều thật sự ý nghĩa của đời mình.

Bạn đang làm chủ thời gian và lèo lái cuộc đời mình. Bạn có quyết định thoát ra khỏi vòng xoáy tất bật của đời sống thường nhật để dành thời gian cho những điều thật ý nghĩa của cuộc đời không?

IV. DIỄN GIẢI

Thiên Chúa dựng nên con người theo và giống hình ảnh Thiên Chúa (X. St 1,26). Vì được dựng nên “theo và giống hình ảnh Thiên Chúa” nên mục đích tối chung của con người là được thông phần bản tính Thiên Chúa. Toàn thể công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa là để cho con người, “chóp đỉnh của công cuộc tạo thành” được “trở nên Chúa” (thần hoá) đến một mức độ nào đó. Và có như thế, con người mới được hạnh phúc trọn hảo.

Như vậy, chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người là cho con người được thông phần bản tính Thiên Chúa hầu được hạnh phúc; và để thực hiện chương trình đó, Thiên Chúa đã dùng “một đường lối sư phạm mềm dẻo phù hợp với lợi ích và thái độ đón nhận của con người” (TMV 4).

Bằng một đường lối sư phạm khôn ngoan diệu kỳ, khi thì Thiên Chúa tỏ ra như một vị Thiên Chúa “khả úy” khi thì Ngài là hiện thân của sự “khả ái”, nhằm mục đích giáo dục Dân Chúa từng bước một, qua dòng lịch sử Israel.

Thiên Chúa, Đấng khả úy: đáng kính sợ.

Thiên Chúa đã thể hiện quyền năng của Người khi cứu dân Israel thoát ách lầm than, nô lệ ở Ai Cập: “Ngươi hãy nói với con cái Israel : Ta là Đức Chúa. Ta sẽ cứu các ngươi khỏi phải làm việc khổ sai cho người Ai Cập, sẽ giải thoát các ngươi khỏi làm nô lệ chúng. Ta sẽ giơ cánh tay, dùng uy quyền mà chuộc các ngươi” (Xuất Hành 6,6).

Và cũng chính Thiên Chúa đã muốn dẫn đưa Israel về Đất Hứa qua ngã sa mạc kéo dài trong 40 năm để huấn luyện họ biết cách sống, tôn thờ và yêu mến Chúa. Trong suốt thời gian đó, Thiên Chúa, lúc thì biểu lộ quyền uy của Ngài khi xuât hiện như sấm chớp, mây mù, cuồng phong, đá chạy: “Cả núi Sinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyễn mạnh”; khi thì đe phạt dân bằng những lời hăm dọa (x. Sách Lêvi 26, 14-46 và Sách Đệ Nhị Luật, 28,15-45) để họ một lòng trung thành thờ phượng yêu mến và kính sợ một mình Thiên Chúa mà thôi: “Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, Đấng ở giữa anh em, là một vị thần ghen tương; hãy coi chừng kẻo Đức Chúa của anh em nổi cơn thịnh nộ với anh em và tiêu diệt anh em không cho còn sống trên mặt đất” (Đệ Nhị Luật 6, 15); và cũng không thiếu những lần đã phạt dân rất nặng nề khi họ xúc phạm đến Chúa: cho rắn lửa xuất hiện cắn chết nhiều người, bị phong cùi, bị tàn sát….

Tất cả chỉ “vì Dân Chúa chọn còn cứng lòng nên Thiên Chúa xem ra nghiêm khắc” để sửa dạy họ. Tất cả chỉ vì yêu thương, muốn cho Dân của Chúa được nên tốt, nên hoàn thiện trước mặt Chúa mà thôi! “Con người thì thương xót cận thân còn Đức Chúa xót thương mọi xác phàm. Người trách cứ, sửa sai, dạy dỗ, và dẫn đưa, như mục tử dẫn đàn chiên” (Huấn Ca 18,13).

Thiên Chúa, Đấng khả ái: đáng yêu.

Trên đường tiến về Đất Hứa, băng qua sa mạc, chính Chúa dẫn đường đi trước dân Israel . Ngài dùng cột mây dẫn đường và che nắng ban ngày; dùng cột lửa để soi sáng ban đêm; đói thì cho manna làm thức ăn mỗi sáng; khát thì cho nước chảy từ tảng đá giữa sa mạc khô cằn; thèm thịt thì có chim cút từ trời rơi xuống; lại lấy đất các bộ tộc khác ban cho dân Ngài. Bất chấp những lầm lỗi của dân cứng cỏi hay lỗi phạm, Thiên Chúa giáo huấn họ từng bước để rồi dưới chân núi Sinai ký kết giao ước với họ, để nhận họ làm dân riêng của mình. Thiên Chúa tận tuỵ chăm sóc dân Ngài.

Sau mỗi lần phạt dân vì tội lỗi của họ, thì Chúa lai chạnh lòng xót thương: “ Thật vậy, nếu anh em trở lại với Đức Chúa, thì các anh em của anh em và con cháu của anh em sẽ gặp được lòng thương xót trước mặt quân chiến thắng và sẽ được trở về đất nầy: vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng từ bi nhân hậu, người sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ, nếu anh em trở lại với người ” (Sử Biên Niên II 30,9).

Từng bước một Thiên Chúa đưa dân vào khuôn khổ lề luật thánh ý Ngài, và Israel ngày càng khám phá ra lòng thương xót nhân từ của Chúa. Chính Vua Đavít khi nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua của dân tộc mình, dưới sự dẫn dắt yêu thương của Chúa, đã cảm kích thốt lên: “ Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm ” (Thánh Vịnh 144, 13b).

Câu trả lời của Thiên Chúa, thời gian sau nầy, cho ngôn sứ Giôna, khi ông than phiền vì cây thầu dầu che nắng cho ông bị chết, khi ông đi thực hiện sứ mạng của Chúa, càng làm cho chúng ta thấy rõ tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa: “ Ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao ” (Giona 4,9-11).

Từng bước một qua dòng lịch sử Israel, bằng một đường lối huấn luyện độc đáo, Thiên Chúa khi thì răn đe, đánh phạt, khi thì an ủi, vổ về, để dần dần cảm hoá tâm hồn dân của Người, giúp họ sống theo đường lối của Chúa; để rồi đến thời Đức Giêsu Kitô mọi Lề Luật đều quy hướng về một giới răn duy nhất: yêu thương như Chúa yêu thương.

Tìm hiều đường lối sư phạm của Chúa Cha trong công trình tạo dựng giúp chúng ta nhận ra quyền năng của Thiên Chúa trên vạn vật và hạnh phúc được làm con Thiên Chúa, vì được Chúa yêu thương dạy dỗ. Xin cho chúng ta mỗi người biết tin tường, phó thác để sống và giúp người khác sống theo đường lối thánh ý Chúa. Amen

KIỂM ĐIỂM

1. Đạo, nguyên xuất ư Thiên, chúng ta có tin điều này không?

2. Ngoài Ông Trời, Đấng Toàn Trí, thì không có ai, dầu là Thần Phật, dầu là thông thái cũng không thể dạy đạo chân chính đầy đủ.

3. Chính trong giáo huấn, dầu Chúa trọng tự do, nhưng vẫn có quyền đòi chúng ta tuân giữ. Ngoài Chúa (Ông Trời) không ai có quyền như thế.

4. Chúa là tình yêu, nên giáo huấn vẫn theo tình yêu, qua cuộc đời Chúa Giêsu, Thiên Chúa nhập thể, nhập thế.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Theo cách diễn tả của sách Sáng Thế Ký, Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật một cách có trật tự tiến dần, và từng bước. Qua đó, người ta có thể biết phương pháp truyền đạt của Chúa hết sức khôn ngoan và hiệu quả. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa phán: “ Con cảm tạ Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, theo đường lối giáo dục của Chúa Cha, mà rao giảng các mầu nhiệm Nước Trờ cho mọi người.

2. Chúa phán: “ Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, chân thành sống những điều Chúa dạy, và dạy cho nhau những điều mà mình đã sống.

3. Chúa phán: “ Đức Giêsu là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, luôn kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, và trở nên con Thiên Chúa.

4. Chúa phán: “ Thánh Thần mà Cha sẽ ban nhân danh Thầy, Người sẽ nhắc nhở mọi điều Thầy đã truyền dạy các con ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, luôn theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, và tin cậy mến Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban trí khôn cho loài người và từng bước giáo dục họ tiến tới sự trọn hảo trong Chúa. Xin cho chúng con biết đón nhận đường lối sư phạm của Chúa, mà bước đi trong đường lối ấy, hầu mai ngày được lên thiên đàng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TRỜI ĐẤT ĐẦY VINH QUANG CHÚA

Ngày nay, với những phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật cùng với trào lưu đề cao chủ nghĩa cá nhân tự do, khi đọc những trang đầu của Sách Sáng Thế người ta không khỏi đặt lại vấn đề “ Có thật là Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ này đúng như Sách Sáng Thế đã nói không? Hay đó chỉ là cách mượng tượng của con người có được về một Thiên Chúa vô hình? ” .

Việc Sách Sáng Thế mô tả Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài: mặt trời, mặt trăng, tinh tú, trái đất, chim, cá và muông thú, cùng với việc Thiên Chúa tạo dựng một cách có trật tự trong thời gian sáu ngày và Ngài làm việc như một người thợ thủ công …. Chủ đích của tác giả Sách Sáng Thế dùng những hình ảnh tuyệt vời này để cho chúng ta biết rằng: việc tạo dựng không phải là xảy ra do ngẫu nhiên, nhưng được thực hiện do hành động yêu thương của một Thiên Chúa đầy yêu thương. Cao điểm của công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa chính là hành động Ngài tạo dựng con người theo “ hình ảnh ” Ngài và Ngài thổi hơi thở của Ngài vào con người như là Ngài chia sẻ với loài người chính sự sống của Ngài, chia sẻ chính phần thân thiết của chính Ngài.

Qua việc tạo dựng của Thiên Chúa, được quy hướng về Chúa Cha mặc dù trong tất cả mọi công trình của Thiên Chúa đều được thực hiện bởi Thiên Chúa Ba Ngôi đã cho các loài thụ tạo đặc biệt là con người (loài thụ tạo có lý trí và tự do) nhận thấy được khuôn mặt đầy quyền năng nhưng cũng đầy yêu thương mà Thiên Chúa dành cho các loài thụ tạo của Ngài.

” Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
Muôn trăngsao Chúa đã an bài ”
(TV 8, 4)

Khi nhìn bầu trời xanh cao ngất, dãy núi non trùng vĩ, biển xanh rì rào sóng vỗ, cảnh thanh bình của đồng lúa mênh mông …. những cảnh đó làm cho chúng ta phải suy nghĩ về Đấng đã làm nên phải là một Đấng đầy uy quyền và tuyệt mỹ. Chính qua công trình tạo dựng mà Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra chính Ngài trong đời sống chúng ta, Ngài muốn chúng ta nhận ra để đón nhận tình yêu của Ngài, gặp gỡ được Ngài trong chính các loài thụ tạo của Ngài vì chúng chính là họa ảnh của một Thiên Chúa quyền năng. Hơn nữa Ngài muốn chúng ta nhận ra, yêu mến, kết hiệp với Ngài để được hạnh phúc vĩnh cửu.

Như thế khi đọc lại Sách Sáng Thế chúng ta không cần phải biết rõ là Thiên Chúa có tạo dựng trời đất muôn vật đúng như Sách Sáng Thế nói không mà chúng ta hãy để tâm xem đường hướng sư phạm của Thiên Chúa, đặc biệt là Chúa Cha trong công trình tạo dựng. Ngài đã tạo dựng tất cả mọi sự thật hùng vĩ, huy hoàng và qua đó Ngài đã biểu lộ khuôn mặt đầy yêu thương từ ái. Ngài không ép buộc chúng ta nhưng Ngài mời gọi chúng ta nhìn các loài thụ tạo mà nhận ra Đấng đã dựng nên chúng.

Cảm tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng ta có được lý trí và tự do để có thể nhận ra Ngài khi ta sống trong vũ trụ này. Xin Chúa cho chúng ta khi gắn bó với những thực tại trần thế thì cũng nhận ra được Đấng đầy nhân hậu và quyền năng trong tất cả mọi sự.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 25: SÁCH BÀ RÚT

Đây là quyển thứ tám trong bộ Kinh thánh Cựu Ước. Sách gồm 4 chương.
1/ Đâu là cái đẹp trong câu chuyện Bà Rút? Và bà có liên hệ gì với Chúa Cứu thế?
- Cái đẹp của câu chuyện là tấm lòng tha thiết của bà đối với Nôêmi, mẹ chồng của bà. Bà nói với mẹ chồng: “ Mẹ đi đâu con sẽ đi đó, mẹ ở đâu con ở đó,dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con ” (Rt 1, 16).
- Bà Rút có một người con là Obeb (Rt 4, 21-22) và Obeb là ông nội của vua Đavid ( Rt 4, 18-22; x . Mt 1, 5).
- Bài học tôn giáo quý báu qua sách bà Rút là Thiên Chúa luôn đáp lại lòng trông cậy, thành tâm của những ai cầu khẩn với Ngài, dầu là người ngoại quốc không thuộc dòng máu Do thái.

Lời Chúa: “ Từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức và thần ấy sẽ làm cho ngài bi?t kính sợ Thiên Chúa ” . (Is 11, 1-2).

Cầu nguyện: Xin Cha cho con biết cảm tạ cha không ngừng, vì Cha đã chọn con làm con cái Cha và hứa ban Nước Trời làm giá trị vĩnh cửu mai ngày cho con. Amen

Bài đọc thêm:
Thật kỳ lạ khi đã xảy ra như thế nầy:
H. Chương nào ngắn nhất trong Kinh thánh? Đ. Tv 117.
H. Chương nào dài nhất trong Kinh thánh? Đ. Tv 119
H. Chương nào nằm ở trung tâm cuốn Kinh thánh? Đ. Tv 118
Sự kiện: Có 594 chương trước Tv 118.
Có 594 chương sau Tv 118
Cộng 2 số nầy bạn sẽ có 1188
H. Câu nào nằm ở giữa cuốn Kinh thánh? Đ. Tv 118,8
Câu nầy có nói điều gì đáng chú ý về ý định hoàn hảo của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta không?

Nếu có ai nói: họ muốn tìm kiếm ý Chúa trên cuộc đời mình và muốn làm theo ý Chúa, thì hãy dẫn họ đến câu trung tâm của lời Người:

”Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời,
Thì hơn tin cậy ở người trần gian ”
(Tv 118,8)

Chẳng phải là kỳ lạ sao khi đã xảy ra như thế.... hay Thiên Chúa nằm ở vị trí trung tâm?
Bạn có thể dể dành một phút cho Thiên Chúa không?
(trích từ Internet)

VIII. THƯ MỤC VỤ 2008: GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

LỜI TRẦN TÌNH

Vài năm nay, mỗi tháng chúng ta nhận lãnh một lá thư mục vụ. Lá thơ từ đâu tới, và để làm gì? Lá thơ do chủ quyền mà Giáo Phận giao trách nhiệm cho một số anh em, để truyền bá đức tin và hướng dẫn cuộc sống đạo.

Ban thực hiện, thường khai thác Thơ Chung hằng năm của Hội Đồng Giám Mục. Đó là đường mục vụ chung cho giới tín hữu Việt Nam đặc biệt cho giáo hữu Vĩnh Long cho cả năm tìm cách phổ biến, quảng bá tín lý, luân lý cho toàn thể Giáo Phận. Do đó, thơ Mục Vụ, không thực hiện vì sở thích, vì khoe tài lực, vì muốn tỏ mình hơn anh em … Nhưng đúng là những bài học, chỉ mong cho anh em đọc, tin, hiểu, suy niệm, để biết đạo nhiều hơn nhất là ham mộ, cố gắng Sống Đạo theo bài học đã trình bày.

Đó là hiệu quả tốt của Thơ Mục Vụ. Muốn đạt hiệu quả tốt thiết nghĩ anh em trình bày phải luôn nhớ mục đích này: không nên là một bài văn trao chuốt, “ thông thái ” hoặc trái lại viết dài, viết dai, viết dở mà có thể là viết dại nữa. Thường nên viết ngắn và rõ ràng, đơn sơ, vì phần nhiều tín hữu không thể có thời giờ nghiên cứu. Vả lại viết nhiều, viết dồi dào...như “ ăn quá nhiều thì phát ách ” , nghe không thu đạt, dể quên, có khi gây rối cho tâm hồn.

Dầu sao đi nữa, những ngọn bút cùn... mà Chúa dùng cũng có thể đạt những hiệu quả phi thường. Đạt hiệu quả tốt là do chính các độc giả. Đúng ra là đọc thiệt chớ không là đọc “ giả ” . Giả đọc có thể hiểu là đọc vì người ta thúc đẩy, đọc vì tọc mạch muốn biết người ta viết thứ gì, đọc cho qua thời giờ. Có hạng tín hữu tệ hơn, không “ giả ” đọc mà còn khinh thường không để mắt đến, ném vào sọt rác, cũng có ông ném vào nhà vệ sinh, bất đếm có những điều viết về thần thánh về cả Chúa nữa, mà quên Đạo là những điều chúng ta cần phải học đến chết. Chúa vô cùng! Đạo của Chúa cũng vô cùng! Những nhà chuyên môn nghiên cứu Đạo cả đời cũng chưa dám quả quyết hiểu đạo hoàn toàn.

Đọc thiệt, nghĩa là đọc mà tìm thấu đạt những chân lý trong bài học, nhận và xác tín (tin chắc, tin mạnh) lại nhận những chân lý khẩn thiết cho đời chúng ta, đòi chúng ta sống đạo tốt. Chúng ta đón nhận Thơ Mục Vụ như thế nào? Sâu xa hơn, chúng ta có thấy là Thơ Mục Vụ là Ơn Chúa không? (Tất cả đều là Ơn Chúa!) Đón nhận ơn Chúa, nhờ Chúa soi sáng cho hiểu biết, nhờ Chúa ban sức mạnh thực hiện. Đời chúng ta mới đáng sống!

CẦN HỌC ĐẠO

Thật ra vấn đề học, thuộc loại khẩn thiết trong con người. Từ mới sinh, đã bắt đầu học nhìn, học rờ, học bò, học lật, học đi, học đứng, học ăn, học uống.. học cầm đũa nữa. ..v. v.

Lớn hơn một ít, bắt đầu học sử dụng lý trí, linh tính: học biết mẹ, học biết cha, học biết tốt xấu, lành dữ, học nhận biết sự vật, học thương mến, thiện hảo.

Nho giáo nói: người không học thì giống như cầm thú có mặc áo quần. Người không học là người ngu đần, không học không tri lý, nhất là không học thì khôg thể biết Đạo. Biết đạo, sống đạo thì mới có thể nên người Hiền, nên người quân tử. Cho người công giáo chúng ta: cần phải học Đạo để sống đúng nhân phẩm, đúng địa vị làm con Chúa. Chúng ta nghĩ thế nào?

Gần như toàn thể nhân loại cảm thấy cần phải học cho con người hiểu biết rộng sâu, và tìm học làm cho lối sống tạm qua này được thoải mái và được chút ít phước lạc. Họ không cảm thấy cần học Đạo để biết đường lối chính đáng, để bảo vệ phẩm giá và đạt chân hạnh phúc.

Riêng giới công giáo chúng ta có cảm nhận học Đạo là khẩn thiết không? Cần học để khỏi đi ngược lại với Phép Rửa Tội, để khỏi nghịch lại với ý cha mẹ, ông bà, để khỏi tách biệt với tập đoàn mình đang chung sống. Học Đạo để nhập đoàn, để thăng tiến, để đạt địa vị... v. v. Cần như thế chưa nói được là cần khẩn thiết nghĩa là không Đạo thì con người không sao giữ được nhân phẩm chính đáng và mục đích tối chúng, kết hợp với Chúa.

Trong thực tế chúng ta học đạo, nói được là vì áp lực cha mẹ, vì Cha sở biểu. Học giáo lý đến sau Rước Lễ Bao Đồng, thì kể như xong nhiệm vụ, hay còn vớt vát nghe bài giảng Chúa Nhật, học như thế có đủ không?

Không học giáo lý có hại không? Để thoáng một chút, xin thuật lại câu truyện này, câu truyện có thật không phải bịa đặt để minh họa.

Có một cha xứ đến nhà một bậc khá giả nhắc bà con đi học giáo lý. Bà chủ trả lời: Cần gì học giáo lý, nó cũng lớn lên tốt đẹp, cũng như loại cây ngoài vườn chúng có học gì đâu. Câu truyện chìm vào dĩ vãng, có ngờ đâu thời gian sau, cậu bé lớn lên, quá ngang ngược, chơi bời trụy lạc. Một hôm về nhà đòi mẹ cho tiền để đi chơi. Bà cương quyết từ chối. Cậu trai quá bực không chi kềm hãm được, cậu đã nhẫn tâm hạ sát chính đấng đã sinh nuôi mình.!!

Học đạo như xưa nay có đủ chưa? Chúa vô cùng thì dầu học cho đến chết, học mãi mãi cũng không sao biết Chúa hoàn toàn. Vả lại, học đạo phải theo Ý Chúa hướng dẫn, theo chỉ dẫn của Huấn Quyền Hội Thánh. Học tự do thì có thể rơi vào lầm lạc, học theo sở thích tự nhiên hèn kém thì dễ bị lôi cuốn vào vòng trụy lạc.

” Nếu không theo Thầy thì theo ai ” . Theo Thầy, học đạo và giữ đạo của Thầy thì đúng là xây nhà trên nền đá; gặp chống đối, thì đáp trả được; gặp thử thách nặng, thì cũng có được năng lực của Chúa để chiến thắng. Chúng ta có cảm nhận học giáo lý, học Đạo là khẩn thiết không? Cần và cần mãi cho đến chết. Trong thực tế, chúng ta không thể thường xuyên hóa việc học. Ít ra phải muốn, phải dùng những đường lối Hội Thánh (Giáo Quyền) hướng dẫn:

1. Khuyến khích học Kinh Thánh.
2. Giảng dạy qua bài giảng, bài dạy ngày Chúa Nhật.
3. Tìm hiểu qua những buổi hội học.
4. Cũng có thể nhờ đọc sách thiêng liêng, Thơ Mục Vụ.

Học Đạo, Biết Đạo, Sống Đạo mới bảo vệ, tăng cao nhân phẩm, mới đạt được mục đích tối chung, hạnh phũc vĩnh cửu. “ Triêu vãn Đạo, tịch tử khả hỷ ” : Sáng nghe đạo, chiều chết cũng vui.

ĐẠO LÀ HỒNG ÂN

Đạo là hồng ân Chúa ban cho nhân loại. Đạo là tia sáng soi giại cho con người nhận biết có Ông Trời, có Đấng Tối Cao. Đạo cũng là đàng, là lề lối, là luật lệ, dạy cho chúng ta nhận biết phải liên kết với Trời, Đấng Tối Cao, liên kết với nhau, với xã hội, với mình, với vạn vật như thế nào cho thích đáng với phẩm giá của con người.

Hiểu đạo như thế thì phải nhận định: Đạo do Trời (Đấng Tuyệt Đối) ban cho. Đạo không thể do người được, vì đạo là một tình trạng bao quát cả nhân loại; gần như không người nào là không có đạo.

Về hiện trạng vô thần, chúng ta có thể giải thích: con người tiến triển mạnh rồi tự phụ, quá trọng tự do..v.v. do đó không muốn nhìn nhận có Đấng Tối Cao; tìm những lý lẽ mơ hồ để giải thích tình trạng vô thần.

Phải có Đấng bao quát, quyền năng trên vũ trụ, trên loài người mới có thể đặt vào tâm trạng của con người một nền đạo lý bao quát. Vả lại Chúa tạo dựng thì phải chỉ định cho có một mục đích. Mà đã ban cho mục đích thì cũng phải ban cho, chỉ dạy cho, đường lối đạt mục đích: đó là Đạo.

Mặc dầu Chúa trọng tự do của con người, nhưng cũng có quyền đòi con người phải giữ đạo. Con người với con người không có quyền như thế nên không thể đề xướng một nền đạo được. Chỉ có Chúa mới biết tường tận toàn năng của Chúa, biết phẩm giá của con người, của xã hội, và bản tính sự vật, thì mới có thể đưa ra một đạo chân thật thích hợp.

Đường lối dạy đạo, đúng là phi thường! Lúc Khởi Nguyên, Chúa dạy nguyên tổ như cha dạy con: Đừng ăn trái cấm. Lúc loài người đông đảo Chúa dạy nhân loại truyền đạo với uy quyền, ra lệnh, đòi buộc, trong cảnh khói lửa, sấm sét vang rền, núi đồi rung chuyển. Sau cùng, Chúa ban Đạo là ban chính mình, ban chính Con Một là Chúa Kitô, là Đàng, là Sự Thật và là Sự Sống.

Chúa Kitô là Đàng (Đạo) là nguyên nhân gương mẫu, là phương tiện khẩn thiết duy nhất để đạt mục đích tối chung. Ngoài Chúa không thể có Đạo chính thật.

Chúa ban Đạo, nếu chúng ta trung thành giữ Đạo mới đến được gặp Chúa, và tiến đến mục đích tối chung là kết hợp với Chúa.

IX. QUỚI CHỨC HỌC HỎI

CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

CHƯƠNG II: Mục Tiêu Phải Đạt Tới

6. Việc Tông đồ nhằm rao giảng Phúc Âm và thánh hóa

Sứ mệnh của Giáo Hội nhằm cứu độ con người, sự cứu độ thành đạt được nhờ đức tin vào Chúa Kitô và nhờ ân sủng Người. Vậy việc tông đồ của Giáo Hội và của tất cả các chi thể trong Giáo Hội trước hết nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian. Công việc này được thực hiện chính là do tác vụ giảng lời Chú và ban các bí tích, đặc biệt được trao phó cho hàng giáo sĩ, trong tác vụ đó, cả giáo dân cũng phải hoàn tất phần quan trọng của mình để trở nên "những kẻ hợp tác với chân lý" (3 Gio 8). Nhất là trong lãnh vực này, việc tông đồ giáo dân và tác vụ chủ chăn bổ túc cho nhau.

Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Cha phán: "Sự sáng các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5,16).

Tuy nhiên việc tông đồ này không chỉ ở tại việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn "vì tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta" (2 Cor 5,14) và trong lòng mọi người phải âm vang lời Thnh Tông Đồ: "Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Cor 9,16)

Ở thời đại chúng ta phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều sai lầm trầm trọng đang hoành hành nhằm khuynh đảo tận gốc tôn giáo, trật tự luân lý và chính xã hội nhân loại, nên Thánh Công Ðồng này hết lòng khuyên nhủ giáo dân mỗi người tùy tài năng và vốn liếng giáo lý, phải theo tinh thần của Giáo Hội mà ân cần chu toàn phận vụ của mình trong việc làm sáng tỏ, bảo vệ các nguyên tắc Kitô giáo và áp dụng đúng đắn những nguyên tắc đó vào những vấn đề của thời đại này. (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 6)

Ý chính:
6* Để bảo đảm giá trị ơn gọi trần thế của người giáo dân, Công Ðồng đã nhắc lại những nguyên tắc nền tảng của giá trị trần thế. Đã từ lâu, nhiều Kitô hữu và trường phái tu đức tỏ ra coi thường những giá trị nhân bản, và thường họ chỉ đánh giá của cải vật chất như những phương tiện giúp cho việc cứu rỗi cũng như cho mục đích siêu nhiên của người Kitô hữu.

Công Đồng xác định rằng những tài sản của đời ống và gia đình, nền văn hóa, kinh tế, chánh trị, hay những liên lạc quốc tế v.v... đều có những giá trị riêng của chúng do ý muốn của chính Thiên Chúa (x. MV 36).

Nhưng bậc thang giá trị đúng đắn đòi hỏi rằng những tài sản vật chất ấy, thay vì trở nên thần tượng hay những ông chủ độc tài của con người, phải tùy phục vài lý trí con người cũng như vào những nguyên tắc của đời sống luân lý. Vì chưng, do sự liên lạc mật thiết với nhân phẩm con người mà những tài sản vật chất ấy giữ giá trị của chúng.

Quới Chức tiếp nối công trình của Chúa Kitô: cứu rỗi con người, và canh tân những sự vật trần thế.

Để Quới Chức có sức làm việc Tông Đồ này, cần được hỗ trợ nhiều ơn thánh Chúa.

ĐIỀU LỆ QUỚI CHỨC GIÁO PHẬN VĨNH LONG

ĐIỀU 13: Họ đạo dành một chỗ đặc biệt cho những Chức việc đã hết tuổi hoạt động, gọi là QUỚI CHỨC DANH DỰ, vì đã đóng góp tích cực vào việc mở mang Nước Chúa trong Họ đạo.

ĐIỀU 14: QUỚI CHỨC DANH DỰ có nhiệm vụ xây dựng Họ đạo và Hội Thánh bằng chính những phương tiện mà Chúa ban cho, đó là kinh nghiệ, sự già yếu và ngay cả bệnh tật. Đối tượng sinh hoạt của Quới chức danh dự là những người cao niên như mình. Tên họ cần được ghi vào sổ Ban Quới Chức và lưu giữ tại Họ đạo.

ĐIỀU 15: Thánh Giuse Trùm Lựu được chọn làm Bổn Mạng của Ban Quới chức. Tùy hoàn cảnh, Ban Quới Chức tổ chức mừng trọng thể bề trong và bề ngoài, vào ngày 2 tháng 5.

ĐIỀU 16: Hàng năm, Ban Quới chức thay phiên nhau tĩnh tâm tại Nhà thờ Chánh Tòa hay một nơi nào khác, do cha sở chỉ định; tham dự ngày Quới Chức tại trung tâm hànhhương Đình Khao.

ĐIỀU 17: Khi một thành viên Ban Quới Chức qua đời, Họ đạo xin một lễ và cầu lễ trong nhà thờ. Tháng Các Đẳng, Ban Quới Chức xin một Thánh lễ cầu cho các Quới chức đã qua đời. Mỗi cha sở cử hành thánh lễ cầu cho BQC đã qua đời, một năm một lần; Được cử hành Thánh lễ Đồng tế khi an táng Quới chức.

Hiểu biết về Phụ tích:
Làm phép nhà, làm phép ảnh tượng thờ. Như một diễn tả đức tin, kính mời Chúa vào ngụ lại trong nhà mình, nơi ảnh tượng thờ; có Chúa trong nhà, nơi ảnh tượng nhờ lng tin, sẽ không còn sợ gì nguy khó, ma quỷ, tội lỗi. Vậy, phải tiếp tục đọc kinh, cầu nguyện trong nhà, trước ảnh tượng, sống hoà thuận yêu thương nhau, và liên hệ với Hội Thánh (cụ thể là nhà thờ, họ đạo)..., thì mới mong được sống với Chúa luôn.

X. TẢN MẠN

TRẠM DỪNG CHÂN

Bất kỳ một hành trình nào, người lữ hành cũng cần một trạm dừng chân để nghỉ ngơi, phục hồi sức khoẻ và rút kinh nghiệm hay lượng giá cho những chặng đường đã qua.

Các linh mục của Giáo Phận Vĩnh Long vừa trải qua một tuần tĩnh tâm theo định kỳ hằng năm. Thiết nghĩ, đây là một trạm dừng chân lý tưởng cho các vị mục tử đang coi sóc các đoàn chiên khắp nơi trong Giáo phận. Giáo hội, người mẹ đầy yêu thương và khôn ngoan đã nghĩ đến các linh mục và đã chủ động tạo ra Trạm dừng chân cho những người con yêu của mình đúng lúc, đúng nơi và hợp lý.

Ta thử đặt ra một vấn đề và ngẫm nghĩ thử xem: Điều gì sẽ xảy ra nếu một người lữ hành đi hoài mà không chịu dừng chân để nghỉ ngơi đôi chút nhằm phục hồi sức lực và nhìn lại chặng đường mình đã qua; hay người lữ hành mà cứ mãi lo nghỉ ngơi mà không chịu đi thì làm sao về đến đích được. Vì “ Đường tuy gần nhưng không đi thì không tới; việc tuy nhỏ mà không làm sẽ không xong ” . Nhưng cũng thật nguy hiểm cho người lữ hành nếu anh nghỉ ngơi không đúng chỗ, dừng lại “ bừa bãi ” trên đường hay nghỉ vào thời gian không thích hợp. Những trường hợp nêu trên đây chắc chắn sẽ đưa đến một hậu quả không tốt cho người lữ hành rồi. Vậy, chúng ta hãy là những người lữ hành khôn ngoan và chủ động!

Chắc chắn người lữ hành sẽ vui lắm và hạnh phúc lắm khi dừng chân nghỉ ngơi sau một chặng đường đầy những cố gắng hy sinh. Cuộc đời con người nói chung và cuộc đời của linh mục nói riêng là một chuyến đi dài, đầy dẫy những khó khăn và thử thách trên đường. Vì thế, đòi hỏi mỗi người hãy biết khôn ngoan và chủ động tạo ra những chương trình “ hành động ” của mình sao cho phù hợp và hiệu quả. Linh mục là người của Chúa, người thuộc về Chúa nên hãy hành động theo ý muốn của Chúa, mà ý của Chúa thì hình như khác với ý của con người nhiều lắm. Khổ nỗi, nhiều người khi đến nhà xứ trở về thì nói “ Ý cha dưới đất cũng như trên trời ” ! Người linh mục của Chúa sẽ cảm thấy hạnh phúc khi họ biết đồng hành với Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình và để cho Ý Chúa được thể hiện nơi mình. Đừng lấy ý mình làm ý của Chúa, làm như thế “ tội nghiệp ” cho Chúa và tội nghiệp cho giáo dân của mình lắm!

Khi linh mục đã bước đi những bước chân theo sau và theo sát dấu chân của Thầy Chí Thánh của mình rồi, họ sẽ thấy đời dâng hiến của mình thật sự hữu ích và hạnh phúc. Họ sẽ thiết tha chu toàn tất cả những công việc bổn phận và chăm sóc cho đoàn chiên của mình thật mạnh khoẻ và béo tốt trong đời sống đức tin. Và sau những chặng đường vất vả ấy, Trạm dừng chân hằng năm vào những ngày cuối cùng của năm Phụng vụ sẽ trở thành niềm vui, ý nghĩa và thật sự hạnh phúc của họ. Họ sẽ hăng hái tiến về “ Điểm hẹn ” đã được chuẩn bị cho họ để họ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, được gặp gỡ những người bạn đồng hành của mình và nhất là để nhìn lại những chặng đường đã qua hay để nhận những sứ mạng mới trong tinh thần hăng say của người chiến sĩ can trường của Đức Kitô và của Giáo hội Người.

Điều đáng nói là có một số những người lữ hành không muốn dừng chân nơi những trạm dừng chân đã được chuẩn bị sẵn cho họ. Hình như họ sợ “ Điểm hẹn ” đó thì phải. Cũng có lẽ họ đã tìm được những trạm dừng chân khác “ ngon” hơn không, hay họ đã tự thưởng cho mình nơi những trạm dừng chân khác rồi. Cũng có thể họ đã nghỉ ngơi quá nhiều rồi nên không thấy trạm dừng chân dành cho họ là cần thiết nữa chăng?! Nhưng cho dẫu những trạm dừng chân ấy có ngon, có hấp dẫn đi chăng nữa thì cũng là những trạm dừng chân không chính thức, nếu không muốn nói là bừa bãi và nguy hiểm vô cùng cho sứ mạng của người Mục tử của Chúa. Kinh nghiệm cho thấy rằng, những người lữ hành “ sợ ” trạm dừng chân chính thức dành cho mình là những người lữ hành “ Có vấn đề ” . Hoặc họ là những người đi sai đường do vô tình hay cố ý; hoặc do họ đã không hoàn thành nỗi sứ mạng được trao phó; hoặc do những vết trọng thương mà họ đã vì lơ là mà vấp phải . . . Nếu người lữ hành như thế thì sẽ trở thành kẻ “ độc hành ” rồi. Mà kẻ độc hành nào rồi sớm hay muộn gì cũng sẽ rơi vào bế tắc, buồn chán, mệt mỏi . . . và bỏ cuộc! Nguy hiểm quá!

Cuộc đời linh mục và những cuộc đời tận hiến cho Chúa rất cần những người bạn đồng hành tốt lành và thiện chí. Đừng bao giờ biến mình thành kẻ “ độc hành ” và bước trên những con đường “ không giống ai ” . Thiết nghĩ, đời sống của người Kitô hữu luôn có Chúa Giêsu là người Bạn đồng hành tốt lành và trung tín nhất của ta. Người Bạn đồng hành Giêsu của chúng ta sẵn sàng đi với chúng ta trên muôn vạn lối và sẽ vác ta trên vai khi ta phải băng qua những nơi vũng sâu đầm lầy, miễn chúng ta bước đi trên con đường tiến về Nhà Cha.

Hãy đồng hành với Chúa, với anh em và với cuộc đời này cách tích cực và hăng hái, để cuối cuộc hành trình này, chúng ta được nghỉ ngơi ở Trạm dừng chân đời đời trên Thiên Quốc. Nơi đó là “ Điển Hẹn ” của Cha Trên Trời dành cho những tâm hồn thành tâm, thiện chí và hết lòng trung tín trong niềm tin và việc bổn phận của mình. Đó sẽ là ngày vui, ngày thưởng công cho những người tôi trung biết tích cực đồng hành với Đức Giêsu và với anh em tiến về Quê hương vĩnh cửu.

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

ĐỪNG CỐ GẮNG PHẢI HOÀN HẢO

Cuộc sống không phải là một cái bẫy đặt ra để làm chúng ta thất bại.

Có một cuốn sách mà tôi coi như một cuốn chuyện cổ tích dành cho người lớn: The missing piece của Shel Silverstein. Nó kể câu chuyện về một chiếc vòng bị cắt đi một mảnh hình tam giác. Cái vòng muốn được trọn vẹn, không thiếu mẩu nhỏ nào nên lang thang tìm kiếm mảnh thất lạc. Nhưng bởi vì nó không hoàn hảo nên chỉ có thể lăn đi rất chậm. Nó chiêm ngưỡng những bông hoa trên đường. Nó tán gẫu với những con sâu. Nó tận hưởng ánh nắng mặt trời. Nó đã thấy rất nhiều những mảnh vỡ khác nhau nhưng không có cái nào là vừa với nó. Và nó để tất cả lại bên đường rồi tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Rồi một ngày kia chiếc vòng tìm thấy một mảnh rất vừa vặn. Thật là hạnh phúc. Giờ đây nó có thể toàn vẹn, không thiếu chút gì. Nó lắp lại cái mẩu đã mất và bắt đầu lăn. Bây giờ, nó đã là một cái vòng thật hoàn hảo, nó có thể lăn rất nhanh để có thể lưu ý tới những bông hoa và nói chuyện cùng lũ sâu. Và khi nó nhận ra thế giới khác như thế nào khi lăn nhanh quá, nó dừng lại, vứt mảnh vỡ vừa tìm được lại bên đường và tiếp tục lăn đi chậm rãi.

Với tôi, câu chuyện mang lại một bài học khá kỳ lạ: chúng ta càng trở nên toàn vẹn hơn khi chúng ta mất đi hay bỏ lỡ một cái gì đó. Trên một phương diện nào đó, một người có tất cả mọi thứ là một người đáng thương. Anh ta sẽ không bao giờ có được niềm thích thú để khát khao, để hi vọng và nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những mơ ước về một điều tốt đẹp hơn. Anh ta cũng sẽ không bao giờ có được cái cảm giác được một ai đó yêu thương, cho anh ta những cái anh ta luôn luôn mong muốn mà không bao giờ có.

Một con người toàn vẹn là người nhận thức được những hạn chế của mình, là người có đủ can đảm từ bỏ những giấc mơ viển vông của mình mà không cảm thấy đó là một sự thất bại. Một con người toàn vẹn là người biết rằng họ có đủ sức mạnh để vượt qua những thảm kịch và tồn tại, là người có thể thất bại mà vẫn cảm thấy bình an. Mình đã thoát khỏi điều tồi tệ nhất mà vẫn nguyên vẹn.

Cuộc sống thực sự giống như một mùa bóng, ở đó ngay cả đội bóng giỏi nhất cũng có thể thua 1/3 số trận nó tham dự và ngay cả đội bóng tệ nhất cũng có những giờ phút huy hoàng. Mục tiêu của chúng ta là có nhiều trận thắng hơn là thất bại. Tôi tin tưởng rằng cái mà cuộc sống đòi hỏi ở chúng ta không phải là "hãy hoàn hảo", không phải là "đừng bao giờ mắc sai lầm", mà là "hãy toàn vẹn".
HAROLD S.KUSHNER

XII. LỜI CHÚA: Gioan 1, 14

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. ”

1289    23-04-2012 10:19:35