Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đường Lối Sư Phạm Của Chúa Thánh Thần Trong Vai Trò Tác Thánh - Tháng 03 năm 2008

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2008 của ĐTC Bênêđictô XVI

”Chúa Kitô đã trở nên nghèo vì anh chị em” (2 Cr 8,9).

Anh chị em thân mến!

1. Mỗi năm, Mùa Chay mang lại cho chúng ta một cơ hội theo ý Chúa Quan Phòng để đào sâu ý nghĩa và giá trị cuộc sống Kitô của chúng ta và khích lệ chúng ta khám phá lòng từ bi của Thiên Chúa, để đến lượt chúng ta trở nên từ bi hơn đối với anh chị em mình. Trong Mùa Chay, Giáo Hội quan tâm đề nghị một số công tác đặc biệt tháp tùng các tín hữu một cách cụ thể trong tiến tình canh tân nội tâm, đó là cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc bố thí. Năm nay, qua Sứ điệp Mùa Chay như thói quen, tôi muốn dừng lại để suy tư về việc làm phúc như một phương thức cụ thể để giúp đỡ những người đang gặp cảnh túng quẫn và đồng thời, đó cũng là một việc thực hành khổ chế để giải thoát chúng ta khỏi sự quyến luyến của cải trần thế. Hễ những quyến rũ của của cải vật chất càng mạnh, thì quyết tâm của chúng ta càng phải rõ ràng để không coi chúng là thần tượng: Chúa Giêsu đã minh bạch quả quyết: “Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Lc 16,13). Làm phúc bố thí giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ liên lỷ ấy, dạy chúng ta đáp ứng những nhu cầu của tha nhân và chia sẻ với họ những gì chúng ta có được nhờ lòng nhân từ của Chúa. Những cuộc lạc quyên đặc biệt để giúp đỡ người nghèo tại nhiều nơi trên thế giới trong Mùa Chay nhắm đến mục đích ấy. Như thế, cùng với sự thanh tẩy nội tâm, chúng ta có thêm một sự chỉ hiệp thông Giáo Hội, như đã xảy ra trong Giáo Hội sơ khai. Thánh Phaolô đã nói v điều ấy trong các Thư của ngài liên quan tới cuộc lạc quyên để giúp đỡ cộng đoàn Jerusalem (Xc 2 Cr 8-9; Rm 15,25-27).

2. Theo giáo huấn của Tin Mừng, chúng ta không phải là sở hữu chủ nhưng là những người quản lý các tài sản chúng ta có; vì thế, không được coi những của cải vật chất chúng ta sở hữu như tài sản hoàn toàn thuộc về ta, nhưng như những phương tiện qua đó Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta trở thành dụng cụ của sự quan phòng của Ngài đối với tha nhân. Như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở, của cải vật chất có một giá trị xã hội, theo nguyên tắc các của cải ấy là để mưu ích cho tất cả mọi người (Xc. số 2404).

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã minh bạch cảnh giác những người có của cải vật chất nhưng chỉ sử dụng cho mình. Đứng trước bao nhiêu người thiếu thốn mọi sự và đang chịu đói, những lời của thánh Gioan sau đây như một lời khiển trách nặng nề: “Nếu một người có của cải trần thế này thấy người anh em mình ở trong tình cảnh túng quẫn mà khép kín tâm hồn mình lại, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở trong kẻ ấy được?” (1 Ga 3,17). Những lời mời gọi chia sẻ ấy càng vang dội hùng hồn tại những nước có đa số dân là tín hữu Kitô, vì trách nhiệm của họ càng nặng nề đứng trước đông đảo những người đang chịu cảnh nghèo đói và bị bỏ rơi. Cứu giúp những người ấy là một nghĩa vụ thuộc về đức công bằng trước khi là một hành vi bác ái.

3. Tin Mừng làm nổi bật một đặc tính tiêu biểu của việc làm phúc bố thí theo tinh thần Kitô giáo: hành động này phải kín đáo. Chúa Giêsu nói, “Đừng để tay trái của ngươi biết việc tay phải của người làm, để việc làm phúc của ngươi được bí mật” (Mt 6,3-4). Trước đó Chúa đã nói rằng không được vênh vang vì các việc lành của mình, để khỏi bị nguy cơ mất phần thưởng trên trời (Xc Mt 6,1-2). Mối quan tâm của người môn đệ là làm sao để tất cả được thực hiện vì vinh danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cảnh giác: “Như thế ánh sáng của các con chiếu tỏa rạng người trước mặt người đời, để họ thấy các việc lành của các con mà ngợi khen Cha các Con ở trên trời” (Mt 5,16). Vì thế, tất cả phải được thực hiện vì vinh danh Thiên Chúa chứ không phải để làm vinh danh chúng ta. Anh chị em thân mến, ý thức này phải tháp tùng mọi hành vi trợ giúp tha nhân, tránh không để cho nó biến thành một phương thế để làm cho mình được nổi bật. Nếu khi thực hiện một hành vi tốt đẹp, chúng ta không nhắm mục tiêu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích đích thực cho anh chị em, nhưng chỉ nhắm cho mình được tư lợi hoặc được hoan hô, thì chúng ta đặt mình ra khỏi nhãn giới của Tin Mừng. Trong xã hội tân tiến với những hình ảnh, cần phải quan tâm canh chừng vì cám dỗ vừa nói thường xảy ra. Làm phúc bố thí theo tinh thần Tin Mừng không phải chỉ là yêu người: đúng hơn đó là một sự diễn tả đức bác ái một cách cụ thể, đây là một nhân đức đối thần đòi phải có sự hoán cải nội tâm, trở về với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, noi gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến thân mình vì chúng ta khi chịu chết trên thập giá. Làm sao không cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu người đang quảng đại nâng đỡ tha nhân trong cảnh khó khăn với tinh thần vừa nói, trong âm thầm, xa cách mọi ngọn đèn pha của xã hội truyền thông? Trao tặng của cải của mình cho tha nhân chẳng ích lợi bao nhiêu, nếu tâm hồn trở nên kiêu hãnh vì hành động ấy: Đó là lý do tại sao người biết Thiên Chúa nhìn trong bí mật và tưởng thưởng trong âm thầm, nên không nên tìm kiếm sự nhìn nhận của loài người đối với những công việc từ bi họ thực hiện.

4. Khi mời chúng ta cứu xét việc làm phúc bố thí với một cái nhìn sâu xa hơn, vượt lên trên chiều kích hoàn toàn vật chất, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng cho đi thì vui hơn là nhận lãnh (Xc TĐCV 20,35). Khi chúng ta hành động với tình yêu, chúng ta diễn tả sự thật của con người chúng ta: thực vậy chúng ta được dựng nên không phải cho chính chúng ta, nhưng là cho Thiên Chúa và anh chị em (Xc 2 Cr 5,15). Mỗi lần chúng ta chia sẻ của cải với tha nhân túng thiếu, vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta cảm nghiệm rằng sự sống sung mãn đến từ tình yêu, và tất cả trở về cùng chúng ta như phúc lành, dưới hình thức an bình, mãn nguyện nội tâm và vui mừng. Chúa Cha trên trời tưởng thưởng những việc làm phúc bố thí của chúng ta bằng niềm vui của Ngài. Và hơn nữa, thánh Phêrô liệt kê sự tha thứ tội lỗi vào số những hoa trái thiêng liêng của việc làm phúc bố thí. Ngài viết: “Đức bác ái che phủ được nhiều tội lỗi” (1 Pr 4,8). Như phụng vụ Mùa Chay thường lập lại, Thiên Chúa ban những cơ hội tha thứ cho chúng ta là những người tội lỗi. Sự kiện chia sẻ với người nghèo điều chúng ta sở hữu làm cho chúng ta sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ ấy. Trong lúc này, tôi nghĩ đến bao nhiêu người cảm thấy gánh nặng sự ác họ đã làm, và chính vì thế, họ cảm thấy xa lìa Thiên Chúa, sợ hãi và hầu như không có khả năng chạy đến cùng Chúa. Việc làm phúc bố thí, khi giúp chúng ta đến gần tha nhân, nó cũng đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và có thể trở thành phương thế đích thực để có sự hoán cải chân chính và hòa giải với Chúa và anh chị em.

5. Việc làm phúc bố thí giáo dục về sự quảng đại của tình yêu. Thánh Giuseppe Benedetto Cottolengo thường nhắn nhủ: “Anh chị em đừng bao giờ đếm những đồng tiền mà anh chị em cho đi, vì tôi luôn nói thế này: nếu khi làm phúc, tay trái không được biết việc tay phải làm, thì cả tay phải cũng không được biết điều mà chính nó làm” (Detti e pensieri, Edilibri, n.201). Về vấn đề này, một điều ý nghĩa hơn bao giờ hết là giai thoại Tin Mừng về bà góa, trong tình cảnh lầm than, đã bỏ vào hòm tiền của Đền thờ “tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,44). Đồng tiền bé nhỏ và không đáng kể của bà trở thành một biểu tượng hùng hồn: bà góa ấy dâng cho Thiên Chúa không phải những của dư thừa của bà, không phải điều mà bà có, nhưng chính bản thân của bà.

Giai thoại cảm động này được lồng trong trình thuật những ngày liền trước cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, như thánh Phaolô đã nhận xét, “Chúa đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” Xc 2 Cr 8,9); Ngài đã hiến trọn thân mình vì chúng ta. Mùa Chay, qua việc làm phúc bố thí, cũng thúc đẩy chúng ta noi gương Chúa. Nơi trường của Ngài chúng ta có thể học cách biến cuộc sống chúng ta thành một sự tận hiến hoàn toàn; noi gương Chúa, chúng ta sẽ làm cho mình được sẵn sàng, không phải để cho đi những gì chúng ta sở hữu, nhưng cho đi chính bản thân chúng ta. Toàn thể Tin Mừng chẳng được tóm gọn thành giới răn yêu thương duy nhất đó sao? Vì thế, việc làm phúc bố thí trong Mùa Chay trở thành một phương thế để đào sâu ơn gọi Kitô của chúng ta. Khi hiến thân một cách nhưng không, Kitô hữu làm chứng rằng không phải của cải vật chất đề ra những luật lệ của cuộc sống, nhưng là tìn yêu. Vì thế, điều mang lại giá trị cho việc làm phúc bố thí chính là tình yêu, tình yêu gợi lên những hình thức khác nhau trong việc trao tặng, theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.

6. Anh chị em thân mến, Mùa Chay mời gọi chúng ta “rèn luyện tinh thần”, kể cả việc làm phúc bố thí, để tăng trưởng trong tình bác ái và nhìn nhận chính Chúa Kitô ở nơi người nghèo. Trong sách Tông Đồ Công Vụ có thuật lại Tông Đồ Phêrô đã trả lời người què, khi anh ta xin ngài làm phúc ở cửa Đền thờ, rằng: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng điều mà tôi có, tôi cho anh: nhân danh Chúa Giêsu Kitô, thành Nazareth , anh hãy bước đi” (TĐCV 3,6). Khi làm phúc bố thí chúng ta trao tặng một cái gì vật chất, dấu chỉ một món quà cao cả hơn mà chúng ta có thể trao tặng tha nhân với việc rao giảng và chứng tá của Chúa Kitô, nơi danh Ngài có sự sống chân thật. Vì thế mùa này có đặc tính là một cố gắng bản thân và cộng đoàn gắn bó với Chúa Kitô để trở thành chứng nhân của tình yêu Chúa. Xin Mẹ Maria, là Mẹ và là Nữ Tỳ trung tín của Chúa giúp các tín hữu thực hiện cuộc “chiến đấu tinh thần” trong Mùa Chay, được võ trang bằng lời cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc bố thí, để tiến đến lễ Phục Sinh, được canh tân tinh thần. Với ước nguyện đó, tôi vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.

Vatican ngày 30 tháng 10 năm 2007
Bênêđictô XVI, Giáo Hoàng
LM. Trần Đức Anh, OP. dịch


CHỦ ĐỀ:

ĐƯỜNG LỐI SƯ PHẠM CỦA CHÚA THÁNH THẦN
TRONG VAI TRÒ TÁC THÁNH

I. THƯ MỤC VỤ số 6

Những con người đầu tiên xuất thân từ trường học của Chúa Giêsu là các tông đồ. Chúa Giêsu là thầy dạy nhưng chính Thánh Thần mới là Đấng tác động để giáo huấn của Chúa Giêsu, qua lời rao giảng của tông đồ, trở thành sức mạnh biến đổi tâm hồn người nghe. Nhờ Thánh Thần, Thánh Phaolô đã cảm thấy lời rao giảng của ngài được đón nhận “như chính Lời Thiên Chúa” (x. 1 Thes 2, 13). Ngài còn quả quyết : “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Abba, Cha ơi” (Rm 8, 14-17).

II. DẪN GIẢI

Chúa Kitô là Thầy mạc khải, dẫn giải… nhưng Chúa Thánh Thần làm cho mạc khải, dẫn giải của Chúa Kitô có hiệu quả.

Chúa Thánh Thần là ánh sáng soi dẫn cho đón nhận và hiểu biết.

Chúa Thánh Thần ban cho sức mạnh để thăng tiến.

Chúa Thánh Thần ban cho có khả năng tiến đến tình trạng làm nghĩa tử và phước lạc kêu xưng Chúa là Cha.

Dĩ nhiên Chúa Thánh Thần dạy cho ta biết sống bằng Tình Yêu.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

ĐÔI BÀN TAY CẦU NGUYỆN

Vào thế kỷ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg có một gia đình rất đông con: 18 đứa! Để kiếm đủ thức ăn đem về hằng ngày cho lũ trẻ, ông bố “một người thợ kim hoàn” đã phải làm việc vất vả gần 18 tiếng mỗi ngày và chẳng từ bất kỳ công việc gì người trong làng thuê ông.

Mặc dù sống trong cảnh cùng quẫn, hai người con lớn Albrecht và Albert vẫn ấp ủ một ước mơ đẹp đẽ: cả hai đều muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, nhưng thật đáng buồn, vì người cha sẽ chẳng bao giờ có thể kiếm đủ tiền để gởi họ đến học viện ở Nuremberg . Sau nhiều đêm dài cùng bàn bạc trên chiếc giường chật chội, hai anh em nghĩ ra được một cách: họ sẽ gieo đồng xu, người thua sẽ xuống làm việc trong hầm mỏ gần nhà kiếm tiền nuôi người kia suốt thời gian ở học viện, và sau bốn năm người được học trước sẽ phải lo tiền học cho người còn lại, cho dù đó là tiền lời bán tranh, hay nếu cần là tiền lương của công nhân hầm mỏ.

Họ cùng nhau gieo đồng xu. Albrecht thắng và lên đường đến Nuremberg . Albert bắt đầu chuỗi ngày vất vả nhọc nhằn trong hầm mỏ và suốt bốn năm đều đặn gởi cho anh khoảng tiền lương ít ỏi. Tại học viện, tranh của Albrecht được đánh giá như một bước đột phá. Những bức khắc, gỗ chạm, sơn dầu của anh vượt xa các giáo sư lâu năm. Đến lúc tốt nghiệp, Albrecht đã có thể kiếm được những món tiền lớn nhờ bán tranh.

Khi Albrecht trở về làng, gia đình Durer tổ chức một bữa tiệc lớn mừng sự thành công của chàng hoạ sĩ trẻ. Sau bữa ăn dài hịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn tỏ lòng biết ơn những năm tháng hi sinh thầm lặng để anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật. “Và bây giờ, Albert, em trai yêu quý của anh”, Albrecht trìu mến nói “đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em”.

Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi góc phòng. Albert ngồi đó, nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy gò xanh xao, chỉ có thể nghẹn ngào: “Không! Không! Không!”

Cuối cùng, Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người anh yêu thương rồi anh đưa tay ôm mặt khẽ nói: Ôi không anh ơi, đã muộn mất rồi, em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm dưới hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể cầm ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khuôn vải trắng. Anh ơi, đã quá muộn rồi!

Lịch sử đã vùi vào quá khứ hơn 450 năm. Giờ đây, hàng trăm tác phẩm của Albrecht Durer được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng điều lạ lùng là phần lớn người ta biết đến tranh ông, thậm chí treo trong nhà bản sao của chỉ một tác phẩm duy nhất.

Người ta kể lại rằng và một ngày nọ, để tỏ lòng biết ơn sự hi sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là “Đôi Bàn tay”, nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà của tình yêu ấy là “Đôi bàn tay cầu nguyện”. Nếu có dịp bạn được thấy bản sao của tác phẩm xúc động này, hãy dành ít phút lắng đọng hồn mình để tự nhủ rằng: tác phẩm nghệ thuật ấy đã được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người hoạ sĩ.

IV. DIỄN GIẢI

Trước hết, chúng ta cần xác định: Đức tin công giáo dạy rằng chỉ có Một Chúa, nhưng Người có Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. “Ba Ngôi có cùng một bản tính, nên Ba Ngôi cũng chỉ có cùng một hoạt động… nhưng mỗi Ngôi Vị thực hiện công trình chung theo đặc tính riêng” (GLCG số 258).

Như vậy, khi nói Chúa Cha là Đấng tạo thành, Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc và Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hoá, điều đó không có nghĩa là hết vai trò của Chúa Cha thì đến Chúa Con và sau đó là đến nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần. Đây chỉ là cách Thiên Chúa, theo đường lối sư phạm khôn ngoan của Người lần lượt mạc khải cho chúng ta hành động của từng Ngôi Vị Thiên Chúa, trong khi mọi hoạt động của mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa đều có sự cộng tác của Hai Ngôi kia. Chúa Thánh Thần đã hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Con ngay từ khi tạo dựng vũ trụ và trong suốt dòng lịch sử cứu độ, chứ không phải chỉ đến Lễ Ngũ Tuần thì Ngài mới xuất hiện.

Thứ đến, toàn bộ công trình cứu độ của Thiên Chúa là công trình yêu thương mà Chúa Cha định hướng, Chúa Con thực hiện và Chúa Thánh Thần tác động để nhân loại đáp trả tình yêu của Thiên Chúa mà được cứu chuộc.

Thánh Gioan nói: ai yêu mến anh em mình thì có Thiên Chúa ở trong người ấy và người ấy ở trong Thiên Chúa, nhờ dấu chỉ là Thánh Thần được ban cho chúng ta (x. 1Ga 12-13). Như vậy, chính Thánh Thần mới là Đấng tác động để giáo huấn của Chúa Giêsu, qua lời rao giảng của Tông đồ, trở thành sức mạnh biến đổi tâm hồn người nghe” (TMV số 6).

Chúa Giêsu đã tuyển chọn 12 Tông đồ và huấn luyện các ông trong ba năm, báo cho các ông biết trước về cái chết cứu độ và cuộc Phục sinh của Người. Tuy nhiên, sau cái chết và ngay cả sau biến cố Phục sinh của Chúa Giêsu, các Tông đồ đã ngã lòng, buồn bã, chán nãn, nghi ngờ và sợ hãi, có kẻ muốn rút lui… Các phụ nữ kể lại cho các ông những gì họ đã chứng kiến khi từ mộ Chúa trở về… nhưng các ông không tin (x. Lc 24,9). Hai môn đệ trên đường Emmaus “dừng lại, vẽ mặt buồn rầu” (Lc 24,17). Và nơi các môn đệ ở đều đóng kín cửa, vì sợ người Do thái (x. Ga 20,19).

Thế mà sau đó, vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ, tất cả mọi sự đều thay đổi. Các ông tràn đầy sinh khí mới: chổi dậy, công khai gặp gỡ mọi người và hăng say nhiệt thành loan báo Tin Mừng.

Trong việc đề cử người vào chức vụ Tông đồ cho đủ số Mười Hai, thánh Phêrô đã đưa ra hai tiêu chuẫn: phải là người “đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu trong suốt thời gian Người sống giữa chúng ta” (Cv 1,21) và phải làm chứng rằng chính thật Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Cách chọn người là rút thăm. Điều đó cho thấy vị Tông đồ phải có những phẩm chất thích hợp; nhưng đồng thời, qua việc rút thăm, họ phải được chính Chúa chọn lựa. Tông đồ chính là người được Chúa chọn và trao ban cho quyền hành để nói và hành động như Chúa, nhân Danh Chúa. Qua đó, ta thấy chính Chúa chọn lựa, nhưng để vị Tông đồ hành động nhân Danh Chúa, thì vị ấy phải có sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sự khác biệt dễ thấy nhất của các Tông đồ sau Lễ Ngủ Tuần là các ông nhân Danh Chúa làm nhiều phép lạ. Chính các Tông đồ cũng nhận ra tác động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần nơi các ông, khi quả quyết: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định”. (Cv 15,28).

Người tín hữu được mời gọi sống chứng nhân cho Chúa như các Tông đồ nghĩa là vừa là người với lịch sử cá nhân đời mình, nhưng đồng thời cũng là người của Chúa, sống cho Chúa, phục vụ Chúa, nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận khi chịu Phép Rửa Tội và Thêm sức. Với Đức Kitô, ơn cứu độ - chương trình yêu thương của Chúa Cha - đã được thực hiện rồi, nhưng chính Chúa Thánh Thần làm cho ơn cứu độ ấy lan đến tâm hồn con người qua việc thúc đẩy chúng ta dấn thân ra làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa.

Với Đức Kitô, Chúa Cha đã ban tặng tất cả cho con người và với việc trao ban Thánh Thần, Chúa Cha ban cho chúng ta khả năng đáp trả lời mời gọi sống yêu thương của Thiên Chúa. Đó chính là yêu như Chúa yêu, kể cả kẻ nghịch thù với mình. Một điều không thể! Nhưng chính vì vậy mà Thánh Thần được ban, để chúng ta có thể thực hiện điều xem ra không thể làm được: Yêu người bằng tình yêu của Chúa, yêu người vì Chúa.

Như các Tông đồ xưa, sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, đã dấn thân làm chứng cho Tin Mừng; ngày nay, nhờ sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta cũng cũng được mời gọi tiến lên phía trước, bất chấp mọi rào cản, tỵ hiềm do chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, chính kiến, tôn giáo… để đem tình yêu cứu chuộc của Chúa đến cho mọi người.

Nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, xin Chúa giúp chúng con biết sống yêu thương như Chúa yêu, để mọi người mở lòng đón nhận ơn cứu chuộc của Chúa. Amen

KIỂM ĐIỂM

Sống đạo có nhớ, có nương nhờ Chúa Thánh Thần không?

Mặc dầu trước giờ kinh, trước công việc, thường đọc kinh Chúa Thánh Thần, thực tế có xin Chúa Thánh Thần soi sáng để biết và hiểu, những bài học của Chúa Kitô không?

Sống đạo có nhờ Chúa Thánh Thần ban cho trung tín, nhiệt thành thăng tiến không?

Chúng ta có xin Chúa Thánh Thần ban cho biết sống Tình Yêu không?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Trong cùng một đường lối sư phạm của Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần, dần dần nhưng mãnh liệt, biến đổi vũ trụ này đến sự thánh thiện hoàn hảo. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người được Bảy Ơn của Chúa Thánh Thần:

Chúa phán: “Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, sống trong ơn Phù Trợ của Chúa Thánh Thần, để được thánh hoá, bảo vệ và hướng dẫn đến sự sống đời đời.

Chúa phán: “Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều Thầy đã nói với các con”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, luôn vâng theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, mà vững lòng tin cậy mến Chúa trên hết mọi sự.

Chúa phán: “Các con đừng lo sợ phải nói làm sao, vì Thánh Thần sẽ nói trong các con”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, vững lòng sống đạo Chúa trong mọi hoàn cảnh: thuận lợi hay không thuận lợi.

Chiều ngày phục sinh, Chúa thổi hơi và phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, đón nhận tác động thánh hoá của Chúa Thánh Thần, mà làm chứng cho Đạo Chúa giữa trần gian.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Thần Chúa thánh hoá và canh tân vũ trụ. Xin cho chúng con biết dọn lòng đón nhận Thánh Thần, vâng theo đường lối giáo dục của Người, hầu được lên thiên đàng hưởng phước đời đời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CHÚA THÁNH THẦN NGUỒN HIỆP NHẤT

Chúa Thánh Thần, là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng muốn diễn tả về Ngài thì quả thật là một điều không đơn giản, bởi vì sự tác động và sự hiện diện của Ngài hết sức âm thầm và gần như vô hình nên ta thường dễ quên mất Ngài. Công trình tạo dựng, công trình cứu chuộc, công trình thánh hóa đều được thực hiện bởi một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị: Cha và Con và Thánh Thần. Như thế, Chúa Thánh Thần vẫn hằng hoạt động như Thiên Chúa hằng hoạt động. Nhưng làm sao có thể nhận được Ngài?

Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại : trước khi về trời Chúa Giêsu hứa với các tông đồ “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv1, 8). Thánh Thần là Đấng nào? Hoạt động của Ngài ra sao? Chính là những câu hỏi của các tông đồ xưa và cũng là của mỗi người chúng ta hôm nay và ta phải là gì để được gọi là cộng tác với Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là Đấng vô hình. Ngài thường được diễn tả và biểu lộ qua những dấu chỉ như: nước lửa, mây, gió… Nhưng để có thể nhận ra được sự hiện diện của Ngài thiết tưởng cần phải nhận thấy được tác động của Ngài. Có hai yếu tố để xác định tác động của Chúa Thánh Thần đó là: Ngài tạo sự hiệp nhất và Ngài làm cho đổi mới.

Trong bản tính Thiên Chúa, Chúa Cha yêu Chúa Con hết mực và Chúa Con đáp lại tình yêu của Chúa Cha hết mực. Chính Chúa Thánh Thần là Tình Yêu được trao hiến giữa Ngôi Cha và Ngôi Con. Chúa Thánh Thần cùng là một Ngôi Vị như Chúa Cha và Chúa Con và Ngài cùng trao hiến trong bản tính Thiên Chúa. Chính sự tác động của Tình Yêu mà Thiên Chúa có ý định sáng tạo nên các loài thụ tạo để thông chia vinh quang và sự sung mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của sự hiệp nhất và làm cho đổi mới.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ như rệu rã vì mất động lực phấn đấu bởi Thầy Giêsu đã chết. Mặc dù các ông cũng có đôi chút niềm tin Thầy mình đã sống lại nhưng để dấn thân cho niềm tin ấy thì chưa thể. Chính lúc ấy, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các ông, cho các ông được chịu phép rửa trong Thánh Thần (x Cv1,5). Tức thì những con người thường hay chia rẽ, thường hay muốn mình trỗi vượt hơn anh em nay được trở nên hiệp nhất trong niềm tin. Và lúc ấy, Phêrô, vị tông đồ trưởng đại diện tông đồ đoàn đứng lên mạnh mẽ giảng dạy và làm chứng cho một Đức Kitô chịu chết nay sống lại. Nếu không có Chúa Thánh Thần ngự xuống thì làm sao có thể hiệp nhất những con người bất toàn như thế, nếu không có Chúa Thánh Thần ngự xuống thì làm sao có sự biến đổi lớn lao nơi các tông đồ. Những con người sợ chết đã bỏ Thầy, chối Thầy nay lại làm chứng cho Thầy bằng cả mạng sống. Chính Chúa Thánh Thần đã làm nên sự hiệp nhất và biến đổi các ông.

Công đồng Vatican II, một Lễ Hiện Xuống mới và được coi là một Công Đồng Đại Kết. Một Lễ Hiện Xuống mới vì nó đem lại cho Giáo Hội một luồng sinh khí mới, một sức sống tươi mới. Như lời của Đức Thánh Cha Gioan XXIII nói “Tôi muốn mở lớn các cửa sổ Giáo hội để cho chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được”. Một Giáo hội độc thoại nay trở nên đối thoại. Một giáo hội sơ cứng trong cơ chế và giáo điều nay trở lại với nguồn mạch là chân lý đức tin và linh ứng của Chúa Thánh Thần.

Còn nhiều, còn nhiều những tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của nhân loại và của Giáo Hội. Nơi đâu có sự hiệp nhất dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần thì nơi đó có sự đổi mới trong Chúa.

Mỗi cộng đoàn, mỗi họ đạo và trong chính mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng đang được Chúa Thánh Thần mời gọi cộng tác với Ngài trong công cuộc tác thánh. Khi ta biết yêu thương, khi ta biết gây tình hiệp nhất trong cộng đoàn, trong chính mỗi người là khi đó ta đã cộng tác cùng Chúa Thánh Thần. Khi ta làm được như thế thì chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ đổi mới cộng đoàn chúng ta, chính bản thân chúng ta nên tươi mới trong Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết để tâm suy niệm và cộng tác cùng Chúa Thánh Thần trong công cuộc thánh hóa bản thân và thế giới.

VIII. HỌC KINH THÁNH

Bài 27: VUA SAULÊ (1030-1010).

1/ Vị vua đầu tiên của Israel là ai? Ông đã được tấn phong như thế nào?

Vị vua đầu tiên của Israel là Saulê, cha ông là Qish thuộc chi tộc Bengiamin. Saulê là một người “tài ba tuấn tú” (1 Sam 9,1-2). Trong lúc ông băng qua cao nguyên xứ Ephraim để tìm những con lừa cái bị lạc, ông đã gặp tiên tri Samuen và tiên tri đã xức dầu tấn phong ông làm vua Israel (x. 1Sam 9, 11-10, 1tt).

2/ Câu chuyện của Saulê kết thúc ra sao?
Câu chuyện của Saulê kết thúc rất bi thảm:
- Ông nghe lời dân chúng hơn nghe lời Giavê Thiên Chúa, nên Samuen đã lên án và thay mặt Thiên Chúa đã truất phế ông.

- Saulê ngày càng tệ hơn: Vì ganh tỵ với Đavit ông sát hại các tư tế thành Nop, vì những vị nầy đã lấy bánh trưng hiến cho Đavit ăn. (1Sam 21, 2- 22,1-23), truy lùng Đavit cách gắt gao làm cho Đavit phải giả khùng đến với người Philitinh (1Sam 21, 11-16).

- Ông đã chết do bàn tay của chính ông (1Sam 31, 4).
Lời Chúa: Ông Samuen nói:
"Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không?
Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1 Sam 15, 22).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì tình yêu thương nhưng không Chúa đã gọi con làm con Chúa, xin cho con luôn biết mau mắn thực thi Thánh ý Chúa trong đời sống con. Amen

IX. GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

THÁNH LÀ GÌ?

Chúng ta thường dùng tiếng thánh, v.d: khăn thánh, áo thánh, chén thánh, nước thánh, thánh lễ người thánh… Nhưng chúng ta có nhận định rõ ý nghĩa của tiếng thánh chưa? Thường chúng ta hiểu người, vật, hoặc hy lễ được gọi là thánh thì đòi chúng ta phải trọng kính. Còn tiếng thánh nơi Chúa phải hiểu thế nào?

Thánh! Thánh! Thánh: Chúa ba lần thánh, nghĩa là thánh vô cùng, ngoài lối hiểu biết của con người. Trong Kinh nguyện Thánh thể thì nói: Chúa là Đấng thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện, nghĩa là muốn gặp được, có được tánh cách thánh thì phải tìm nơi Chúa. Vấn đề là chúng ta có buộc phải nên thánh không?

Chúa dựng nên loài người, nói được là gồm, là chứa đựng các thành phần trong vũ trụ. Thêm vào đó, Chúa ban cho có lý trí, để nhận thức được: các vật thọ tạo phải quy hướng về Đấng Tạo Dựng. Con người mang các thành phần của vũ trụ, tự mình cũng ví là đại diện của vũ trụ, phải cùng nhau quy hướng về Chúa. Hơn nữa, Chúa lại ban cho con người được tình trạng kết hiệp, được Chúa kể là nghĩa tử. Chính việc kết hiệp như thế nào chúng ta hiện thời không hiểu, nhưng chắc chắn là hiệp với Đấng thánh chúng ta cũng phần nào là thánh.

Kinh Thánh cũng đã bảo: các con hãy nên trọn lành (hiểu đúng là thánh) như Cha trên trời. Không thể muốn hoàn hảo y như Chúa Cha, nhưng có thể muốn mức độ hoàn hảo, cao siêu mà khả năng con người nhờ ơn Chúa có thể đạt được. Kinh Thánh cũng gọi những tín hữu là những vị thánh.

Tuy nhiên, thường thường tín hữu nghĩ sai: chúng mình cứ tưởng: ăn chay, hãm mình, đánh tội là thánh, đọc kinh nhiều là thánh, hăng say làm việc từ thiện là thánh… những công việc vừa nói không phải là thánh( đồ thánh, chén thánh… chỉ là huởng hơi thôi!) Chẳng những vậy mà có thể là những việc xấu nữa. Dùng phương thế tốt để đạt mục đích xấu, là xấu. Ví dụ: bố thí, ăn chay để khoe, để kể mình hơn người; có tiền của vật thực dùng cho sống thì tốt, nhưng nếu đi mua á phiện, ma túy thì xấu. Tiền bạc, danh tiếng, ngay cả dục vọng tự nó không hẳn là xấu. Chính khi sử dụng nó, tùy nội tâm, mà nó trở thành tốt hay xấu. Nhưng việc chay tịnh bác ái, mặc dầu tự nó nói được là tốt, cũng phải tùy nội tâm tốt mới được.

Chúng ta phải sửa đổi tâm ý. Hãy nhận định: chỉ có Chúa là thánh, nghĩa là hoàn hảo về mọi phương diện. Muốn được nên thánh thì cần phải tiếp cận với Chúa, giống Chúa, và kết hợp với Chúa. Các việc chay tịnh, kinh nguyện là phương tiện, là con đường. Mức độ kết hợp càng thắm thiết thì trình độ thánh càng cao siêu.

Lạy Chúa, xin cho con biết nép mình dưới cánh tay Chúa, để con được hưởng tình Chúa thương để con được nồng nàn kết hiệp với Chúa.

Mùa Chay

Chúng ta biết lúc trước Hội Thánh buộc chúng ta phải giữ chay 40 ngày, chỉ trừ Chúa Nhật, để kính nhớ 40 ngày chay tịnh của Chúa và cũng nhắc nhớ chúng ta đền tội và chuẩn bị đón mầng lễ Phục Sinh. Hiện thời, lòng sùng đạo của chúng ta, có thể ít nhiều giảm sút nên Hội Thánh chỉ đòi buộc hai ngày: Thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh ăn chay, kiêng thịt. Có hai ngày mà vẫn gọi Mùa Chay, nghĩa là phải giữ tinh thần chay tịnh thường xuyên. Tại sao thế? Thử nghĩ xem?

1. Ý nghĩa đầu tiên là đền tội.

Trước nguyên tội, không có bệnh, lão, tử… nhờ ơn trừ nhiên, có thể nói là không có khó nhọc, đau phiền. Sau nguyên tội, khó nhọc đau phiền đã xâm chiếm vào con người. Từ đó, đời người không ai tránh khỏi đau phiền, khó nhọc. Chúa Kitô không tội mà vì mang tội của nhân loại nên đã đau phiền khó nhọc, chết đau đớn, nhục hổ triệt để. Chúa chịu khổ nạn để đền tội cho loài người. Con người không có khả năng đền tội nên cần phải thường (mùa) chịu khó kết hợp với khổ nạn của Chúa. Vả lại, mang nguyên tội phải đền tội, mà tội của chính mình - vẫn có thể có mãi cho đến chết - nên cũng cần mùa đền tội.

2. Chay tịnh không hẳn chỉ có hiệu quả đền tội, mà còn có khả năng giữ được tự chủ, thắng được kẻ thù. Không để cho các lạc thú đê hèn thao túng. Nhờ chay tịnh, chịu khó, mình có thể đè bẹp tà ma, thịt mình, thế tục, và dễ tự định, tự tác động những việc thiện hảo.

3. Tự thắng giả cường: Biết thắng mình mới là người mạnh mẽ thật sự (dĩ nhiên phải nhờ ơn Chúa). Có mạnh thật sự, mới có thể thi hành những đức tính tốt, tăng cường phẩm giá mình. Đúng ra chỉ có chịu khó mới nói được là việc “riêng”, là tài sản riêng của con người, có thể dâng cho Thiên Chúa. Ngoài ra, các việc chúng ta làm chỉ là phát triển tài năng Chúa ban. Chỉ có chịu khó, mới chính là tài sản riêng của chúng ta… Chịu khó cho chủ, có quyền đòi công! Chúa nhận mình là đầy tớ trung tín, cho nên thương yêu ban cho khả năng thực hiện đức hạnh và phước lạc (Chúa phục vụ cho đầy tớ tốt).

4. Khía cạnh cao siêu của chịu khó là làm cho mình giống Chúa và cho mình phương tiện đáp lại tình yêu vô cùng của Chúa. Chúa chết để biểu lộ tình yêu. Chúng ta chưa chết, nhưng dùng những khó nhọc hèn kém nhỏ nhặt để đáp lại và chuẩn bị cho tâm hồn chúng ta sẳn sàng vui nhận cái chết vì Chúa.

Sống Mùa Chay thế nào? Như nước chảy qua cầu, hay chỉ có hai ngày mà vẫn kêu khổ, vẫn e ngại. Không thấy được phần tích cực của khổ nhọc. Biết dùng ơn Chúa, là sống đúng, sống tốt, sống gần Chúa, sống kết hợp với Chúa.

Tháng Thánh Cả Giuse

Thánh Giuse là Đấng Thánh tuyệt vời! Kinh Thánh tuyên xưng ngài là Đấng Công Chính. Chúng ta cũng thường kính tôn Thánh Cả Giuse. Thánh Cả có thể hiểu (nếu phân biệt được cấp bực) chỉ sau Mẹ Maria mà hơn các thánh. Đời siêu tuyệt của Ngài có hai đặc điểm: đơn sơ âm thầm và nội tâm sâu xa.

Đơn sơ âm thầm

Trước khi Đức Bà chịu thai thì có ai dưới đời biết đến Giuse. Dầu sau đó, Chúa khiến Ngài đón Maria về sống đôi bạn khiết trinh và do đó, cũng là bõ nuôi của Chúa Kitô… nhưng có ai biết.

Giai đoạn sinh Chúa ở Bêlem chỉ thấy các mục tử, ba đạo sĩ tiếp xúc với Mẹ Maria, còn Ngài tế nhị lánh mặt. Lúc trốn sang Aicập, Thánh Giuse lãnh lệnh âm thầm, rồi lẫn trốn; năm 12 tuổi, Chúa ở lại đền thánh, ông bà đi tìm, chủ động lại là Mẹ Maria. Ở Nagiareth, không thấy nói đến Ngài; đến giờ Chúa giảng dạy, chúng ta không biết Ngài qua đời lúc nào, Ngài như lặng biến, Phúc âm không nói chi đến Ngài.

Phúc âm cũng không ghi lại một lời nào của thánh Giuse lưu truyền cho hậu thế. Vì quá âm thầm nên chính Hội thánh ít lưu tâm. Sau nhiều thế kỷ, mới đưa tên Ngài vào trong Kinh nguyện Thánh Thể và lập Tháng Thánh Giuse. Hội thánh lập Tháng Thánh Giuse mục đích khuyến khích chúng ta tôn sùng tính cách đơn sơ âm thầm, giống như đại đa số người. Đời sống đơn sơ âm thầm có thu hút lôi cuốn chúng ta tôn sùng thánh Giuse không?

Nội tâm sâu xa

Chúng ta có thể chăm nhìn tính cách nội tâm. Sống đơn sơ thường kết hợp với sống nội tâm. Sống nội tâm là sống tôn thờ và sống kết hợp. Tôn thờ là nhìn nhận Chúa là trên hết, là Đấng Tạo Dựng, là chủ thể điều khiển quan phòng. Kèm theo việc thờ phượng thì phải nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc Chúa. Qua việc Thánh Giuse tuân lệnh Chúa đón nhận, đối xử với Đức Maria, chúng ta có thể nhận định: Ngài nhìn nhận Chúa là chủ tể, còn mình hoàn toàn lệ thuộc. Tánh cách tôn thờ này có mãi trong đời Ngài, vì trong Phúc âm không lời nào chỉ tỏ Ngài sống theo ý riêng.

Nhưng chỉ thờ như thế thì còn trong tình trạng nô lệ, bị bắt buộc bên ngoài, mà bên trong chưa có được! Thánh Giuse tôn thờ với nội tâm, tôn thờ theo lệnh Chúa, vì yêu thương. Thờ thường xuyên, yêu thường xuyên. Các tác động dẫu đơn thường cũng làm vì Chúa, cho Chúa, kết hợp với Chúa. Nói được đời sống của thánh Giuse là của lễ tình yêu, thường xuyên dâng lên Chúa. Sống như thế, gần chúng ta hơn, vì không có chi phi thường, trọng đại bên ngoài, cũng không có biểu lộ tánh cách anh hùng.

Xin Chúa cho chúng con biết ham mộ tôn sùng thánh Giuse. Xin thánh Giuse thu hút, lôi kéo chúng con và phần nào cưng chúng con giống như cưng Chúa.

X. SỐNG ĐẸP

HỌC CÁCH THẤT BẠI

Có nhiều người cho bạn biết làm sao để thành công. Có hàng nghìn cuốn sách về chủ đề đó. Các kế hoặch và các công thức luôn sẵn có để bất kỳ ai cũng có thể học theo. Nhưng điều mà bạn ít khi tìm thấy là làm sao để thất bại.

Bạn biết đó, thành công không bao giờ được bảo đảm, dù bạn có thực hiện đúng công thức đến đâu đi chăng nữa. Tuy nhiên, thất bại là chắc chắn hơn nhiều, và không chỉ một lần, mà có thể là nhiều lần trong cuộc sống của bạn.

Bạn sẽ thất bại, nếu bạn không quan tâm đến người khác. Rất nhiều người nghĩ rằng thế giới nầy đã được tạo ra cho riêng họ, và họ không để ý đến cảm giác của người khác. Đúng ra, điều chúng ta nên làm là chia sẻ hành tinh nầy với tất cả mọi người.

Bạn sẽ thất bại nếu bạn bắt đầu sự nghiệp bằng cách tìm một công việc thích hợp với bạn. Bạn cần phải hợp với công việc và làm cho mình ngày càng phù hợp hơn. Đơn giản nhất, cho dù bạn mặc quần jeans và áo phông đẹp đến đâu đi chăng nữa thì việc mặc như thế đi xin việc làm sẽ tăng cơ hội thất bại của bạn.

Bạn sẽ thất bại, nếu bạn trèo lên nấc thang sự nghiệp bằng cách giẫm lên người khác. Như một câu nói: “Bạn sẽ gặp lại chính những người đó, khi bạn rơi xuống”.

Bạn sẽ thất bại, nếu không cố gắng sửa lại một hành động sai bất kỳ khi nào có thể.

Bạn sẽ thất bại, nếu bạn nhìn thấy một điều xấu mà lại không dám chống lại nó. Bạn sẽ thất bại, nếu bạn chịu một việc bất công mà không dám chiến đấu chống lại nó.

Bạn sẽ thất bại, nếu chỉ biết đánh giá một ai đó qua vẽ bề ngoài.

Bạn sẽ thất bại, nếu lấy những sai lầm của ngày hôm nay để bỏ đi tất cả những thành công của ngày hôm qua và làm lu mờ n giá trị tốt đẹp sẽ đến vào ngày mai.

Bạn sẽ thất bại, nếu không biết tin vào chính bản thân mình.

Bạn sẽ trải qua những thất bại lớn nhất nếu bạn tin vào câu nói lãng mạn: “Tình yêu có nghĩa là bạn không bao giờ phải nói lời xin lỗi”. Bởi vì trong thực tế, bất kỳ một người nào đó có đủ kinh nghiệm cũng sẽ nói rằng tình yêu là ngược lại. Tình yêu là đủ can đảm để nói xin lỗi, khi mình sai.

NGUYỄN TẤN QUỐC (từ Internet)

XI. MỘT LỐI SỐNG

Những Vòng Tròn

Nhớ hồi tôi chừng bảy tuổi, ông nội tôi dẫn tôi đến bên hồ cá trong trại rồi bảo tôi thử ném một viên đá xuống nước, sau đó ông bảo tôi quan sát những vòng tròn trên mặt nước hình thành bởi chính viên đá vừa ném. Rồi ông bảo tôi: “Cháu hãy thử hình dung mình như những hòn đá kia. Trong đời, cháu cũng có thể tạo ra rất nhiều vòng tròn xao động và chúng sẽ ảnh hưởng đến sự an bình của tất cả những người chung quanh”. Và rồi ông tiếp tục: “Hãy luôn nhớ rằng cháu là người chịu trách nhiệm về những gì cháu đã đặt vào trong vòng tròn của chính mình và vòng tròn đó cũng sẽ lan toả và chạm vào rất nhiều vòng tròn khác. Vì vậy hãy sống sao cho những điều tốt đẹp mà vòng tròn của cháu tạo nên được gởi đi như những thông điệp của hoà bình và nhân ái đến khắp mọi người. Ngược lại, những xao động sinh ra từ sự giận dữ hoặc ganh tị chắc chắn sẽ lan toả và ảnh hưởng đến những vòng tròn khác. Do đó cháu cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với tất cả những điều trên”.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng sự an bình nội tại hay sự bất an trong mỗi con người đều lan toả ra thế giới bên ngoài. Vì thế, sẽ không thể tạo lập một thế giới hoà bình một khi chúng ta đang còn bị vướng bận bởi những xung đột nội tại như: hận thù, hồ nghi hay giận dữ bên trong; cho dù những cảm xúc hay ý nghĩ đó có được nói ra hay không. Mọi khuấy động xung quanh những vòng tròn diễn ra trong mỗi chúng ta đều tràn ra thế giới rộng lớn này, hoặc để tô thêm vẻ đẹp cho cuộc sống hoặc mang lại sự khó chịu cho những vòng tròn khác.

Trong các mối quan hệ, việc nhìn thấy những khác biệt tiêu cực nơi người khác là chuyện bình thường. Tuy nhiên, xử sự như thế nào để giúp các thành viên được hoàn thiện hơn trong công việc và đáng yêu hơn trong quan hệ là điều hết sức tế nhị.

Yêu nhau là nhìn nhau. Nhìn là truyền thông ở mức độ thấu cảm, hiểu biết, cảm thông và tha thứ. Đây là một nghệ thuật của linh mục Anthony de Mello Sj giúp bạn ra khỏi những khó chịu trong tương quan hằng ngày với người yêu của mình, nhờ đó bạn có thể tạo được bầu khí vui tươi để nuôi dưỡng tình yêu. Trong đó, bạn tự khám phá ra rằng, chính suy nghĩ, quan điểm của bạn làm bạn khó chịu chứ không phải do người kia gây nên cho bạn.

Khi bạn cảm thấy khó chịu về một tính xấu của người khác bạn hãy nhìn lại chính mình xem mình có chung tính xấu với người đó không. Ví dụ như: ích kỷ, tự ái, tham ăn… Trên thực tế, hai người ích kỷ rất ghét nhau, hai người tự ái không ưa nhau và hai người tham ăn thì chẳng bao giờ thích ngồi chung trong một bàn cơm. Nếu bạn biết nhìn lại chính mình, bạn sẽ cám ơn người bạn đó thay vì khó chịu, vì nhờ đó bạn biết rõ sự thật về con người của mình.

Chúng ta thường có thói quen nhìn rất kỷ những thiếu sót của người khác nhưng lại ít khi nhìn thấy rõ những khuyết điểm của mình. Vì thế Đức Giêsu dạy “Bạn hãy lấy cái xà nơi mắt mình trước khi lấy cái rác nơi mắt người…. Khi bạn khó chịu với người đã góp ý và nói cho bạn biết về một tật xấu của bạn. Hãy bình tĩnh để kiểm thảo chính mình thay vì bực tức bôi xấu lại người bạn đó. Trên thực tế rất nhiều bạn khi được ba mẹ nhắc nhở cho những điều tiêu cực của mình thì rất khó chịu hay chống đối lại. Cũng có nhiều người chồng hay vợ có những tính xấu ngoài xã hội: ăn nhậu, lười biếng… khi được góp ý chân thành cũng không chịu đón nhận, lại nổi nóng hay giận dỗi”

Hãy nhìn lại mình và nhận lời. Đó là nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu. Chúng ta hay khó chịu vì người khác không làm theo ý mình. Bạn hãy nhận ra rằng nếu bạn áp đặt người khác, bạn sẽ không chinh phục được họ. Bạn có thể hướng dẫn cho người khác những điều tốt đẹp nhưng hãy tôn trọng sự khác biệt nơi mỗi cá nhân.

Chính sự khác biệt nhau nếu biết dung hoà, sẽ làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn. Trên thực tế, nhiều cha mẹ chỉ vì muốn con cái phải học nghề của mình nên đã làm cho bầu không khí gia đình trở nên căng thẳng. Bạn hãy thay đổi trước thì hoàn cảnh sẽ thay đổi. Hiểu hết là tha thứ hết. Bạn chỉ dừng lại ở lời nói hay sự kiện mà để lòng khó chịu với người khác. Hãy nhìn trọn vẹn con người của họ để nhận ra những điều tốt nơi họ và cảm thông với những điều còn thiếu sót của họ. Như con cái hãy nhìn ra tình yêu bao la của cha mẹ trong suốt cuộc đời của mình, đừng phân tích một vài câu nói trong lúc các ngài không bình tĩnh. Với người yêu cũng vậy ta không tránh khỏi những lúc nóng giận, hay xúc phạm nhau, chúng ta phải xét đến động cơ và mục tiêu tốt đẹp mà người đó đã làm cho mình, hãy bình tĩnh và ôn hoà nói lên cảm nghĩ của mình và lắng nghe lời giải thích.

Khi bạn thay đổi cách cư xử, bạn là người chiến thắng. Mâu thuẫn là điều tất yếu xảy ra trong cuộc sống chung. Nhưng khi bạn nhìn lại mình, hay khi bạn đặt mình ở vai trò của người đang làm cho bạn khó chịu, bạn sẽ có được thái độ cảm thông và dễ dàng tha thứ. Qua sự tha thứ cho nhau, đó cũng chính là nét đặc trưng của người Công giáo, chúng ta có thể tránh được việc giết chết tình yêu vì sự khác biệt của chúng ta, nhưng làm cho tình yêu lớn lên nhờ những khác biệt đó.

(TỔNG HỢP)

XII. LỜI CHÚA: Gioen 2,13

Hãy xé lòng chớ đừng xé áo

1412    23-04-2012 10:14:01