Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Gia Đình Chuẩn Bị và Đồng Hành Với Các Gia Đình Trẻ - Tháng 06 năm 2003

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH CHUẨN BỊ VÀ
ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRẺ

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 69

Trong việc mục vụ với các gia đình trẻ, Hội Thánh phải quan tâm giáo dục cho họ biết sống tình yêu vợ chồng cách hữu trách, trong tương quan với các đòi hỏi về hiệp thông và phục vụ sự sống, cũng như dạy cho họ biết hoà hợp tình thân mật của tổ ấm gia đình với trách nhiệm quảng đại chung của mọi người trong việc xây dựng Hội Thánh và xã hội nhân loại.

Khi có con cái. Đôi bạn trở thành một gia đình theo nghĩa tròn đầy và chuyên biệt, lúc đó Hội Thánh vẫn còn phải gần gũi hai cha mẹ để giúp đỡ họ đón nhận con cái và yêu mến chúng như một ơn, Chúa sự sống ban cho, vui vẻ chấp nhận vất vả để phục vụ cho chúng lớn lên về mặt nhân bản Kitô giáo.

II. TÓM Ý TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 65-69

Dưới ánh sáng của đức tin và nhờ đức cậy, gia đình Kitô hữu hiệp thông với Hội Thánh, cũng dự phần vào kinh nghiệm của cuộc lữ hành trần thế hướng về việc mặc khải trọn vẹn và hiện thực Nước Thiên Chúa.

Vì thế Hội Thánh cấp bách cần phải can thiệp về phương diện mục vụ để nâng đỡ gia đình.

Đối với mọi gia đình, Hội Thánh sẽ là một lời nói của sự thật, của nhân hậu, của cảm thông, của hy vọng, của sự chia sẻ sâu xa lắm khi bi đát của họ; Hội Thánh muốn cống hiến một sự giúp đỡ vô vị lợi để mọi gia đình có thể đến gần với mẫi gia đình mà Đấng Tạo Hoá đã muốn ngay từ "khởi đầu" và Đức Kitô đã canh tân bằng ân sủng cứu chuộc của người (số 65).

Ngày nay, việc chuẫn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân và đời sống gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong các xã hội phát triển, hầu giúp các bạn trẻ sống gia đình có trách nhiệm.

Gia đình Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh phải có trách nhiệm trong các bước khác nhau giúp cho các bạn trẻ bước vào đời sống gia đình một cáh ý thức và trách nhiệm. Các bước chuận bị gồm : trước Lễ cươi, trong lễ cưới và sau lễ cưới.

TRƯỚC LỄ CƯỚI

Trong tình cảnh mới của xã hội hôm nay, nhiều bạn trẻ không còn nhận ra những giá trị liên hệ đến đời sống hôn nhân và gia đình, không biết dựa trên hững tiêu chuẩn nào để xử thế, không biết làm sao để đạt được thành công hơn. Việc chuẩn bị được tiến hành tuần tự qua ba giai đoạn sau:

Chuẩn bị xa:
Ngay từ lúc con cái thơ ấu, gia đình phải giáo dục các em khám phá ra nhân cách đặc biệt của mình, tâm lý cũng như thể lý, sức mạnh cũng như sự yếu đuối. Các em tập biết quí chuộng mọi giá trị nhân bản đích thực trong các tương quan với tha nhân và với xã hội, luyện tập tính tình, biết tự chủ, biết sử dụng đúng đắn các xu hướng riêng của mình, biết nhận xét và gặp gỡ những người khác phái. Các trẻ em Kitô hữu phải được dạy dỗ đầy đủ về giáo lý và đời sống thiêng liêng, hiểu rõ các ơn gọi và các sứ mạng khác nhau trong Hội Thánh.

Chuẩn bị gần:
Đến tuổi thích hợp, các bạn trẻ chuẩn bị chuyên biệt và khám phá lại các bí tích để cử hành và sống các bí tích cách xứng hợp. Những người đính hôn còn được chuẩn bị vào đời sống lứa đôi: đào sâu các vấn đề tính dục hôn nhân, vai trò của cha mẹ có trách nhiệm, những kiến thức về sinh lý và y học liên hệ, các phơng pháp tốt để giáo dục con cái, tạo điều kiện cho đời sống ổn định của gia đình (việc làm, kinh tế, điều hành gia đình). Cũng cần chuẩn bị để dấn thân vào các việc tông đồ gia đình, gia nhập các nhóm, các hội đoàn, các phong trào vì lợi ích nhân bản và gia đình.

Chuẩn bị trực tiếp:
Thời gian này bắt đầu từ nhiều tháng hoặc tối thiểu là một số tuần trước lễ cưới, tương ứng với thời gian điều tra hôn phối theo Giáo luật. Các đôi bạn đào sâu về mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh, ý nghĩa của ân sủng và cả trách nhiệm hôn nhân Kitô giáo. Các đôi bạn cũng cần được chuẩn bị chu đáo để cuộc cử hành Lễ Hôn Phối diễn tiến tốt đẹp và bổ ích (số 66).

LỄ HÔN PHỐI

Hôn nhân giữa hai người Kitô hữu bình thường phải được cử hành trong một lễ nghi phụng vụ để diễn tả tính cách xã hội và Hội Thánh cũng như tính bí tích của nó.

Hôn phối xét như là bí tích để thánh hoá: khế ước hôn nhân được Đức Kitô nâng lên hàng bí tích, được cử hành thành sự đúng theo Luật Hội Thánh sẽ sinh hiệu quả là ơn thánh hoá và ơn thích hợp cho bậc đôi bạn và gia đình. Cử hành bí tích Hôn nhân thành sự có nghĩa là: hai người tự do kết hôn, không mắc ngăn trở hôn phối, đáp ứng trọn vẹn những đòi hỏi căn bản của Giáo Luật.

Bí tích Hôn phối xét như là dấu chỉ: trong cuộc cử hành, cộng đồng tín hữu công bố Lời Chúa và tuyên xưng đức tin. Đây cũng là dịp để giáo dục đức tin cho những người tham dự cuộc cử hành, nhất là đôi vợ chồng tương lại.

Bí tích Hôn phối xét như là bí tích của Hội Thánh: cả cộng đoàn tín hữu tham dự vào cuộc cử hành cách tích cực, trọn vẹnvà có trách nhiệm theo vị trí của mỗi người. Mọi người biểu lộ và sống mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Hội Thánh (số 67).

Hội Thánh không cho phép cử hành Hôn Phối cho những tín hữu nhất quyết công khai và rõ ràng phủ nhận những điều Hội Thánh muốn làm. Ngược lại, Hội Thánh chấp nhận cử hành bí tích Hôn Phối cả cho những người chưa được hoàn toàn chuẩn bị hoặc những người xin làm Lễ cưới ở nhà thờ vì những lý do xã hội nhiều hơn là lý do tôn giáo. Điều nầy hiểu được, vì hôn nhân tự bản chất là một sự kiện xã hội nối kết đôi bạn trước mặt xã hội. Dù sao, những người này cũng đã bước vào hành trình đích thực của ơn cứu độ. Các chủ chăn nhân dịp này phải giúp họ khám phá lại đức tin, nuôi dưỡng đức tin và trưởng thành trong đức tin (số 68).

SAU LỄ HÔN PHỐI

Gia đình trẻ bắt đầu bước vào cuộc sống mới, với những giá trị và những trách nhiệm mới, những đòi hỏi phải thích nghi với cuộc sống chung và sự ra đời của con cái, họ cần được Hội Thánh địa phương và các gia đình khác giúp đỡ.

Nhờ sự giúp đỡ ấy, gia đình và mỗi thành viên trong gia đình khám phá ra ơn gọi và sư mạng của mình, cùng nhau xây dựng một cộng đồng yêu thương đích thực, phục vụ lẫn nhau và chu toàn trách nhiệm của mình.

Gia đình mới đón nhận sự giúp đỡ kín đáo, tế nhị và quảng đại của những gia đình có kinh nghiệm hơn về đời sống hôn nhân và gia đình. Đến lượt mình, họ lại giúp đỡ các gia đình khác. Đó cũng là một hình thức tông đồ để xây dựng cho nhau về nhân bản và đức tin.

Hội Thánh cũng quan tâm giáo dục các gia đình trẻ biết sống tình yêu vợ chồng cách có trách nhiệm, đón nhận và giáo dục con cái, phục vụ sự sống, góp phần xây dựng Hội Thánh và xã hội (số 69).

III. CHUYỆN MINH HOẠ

CHA NÀO, CON NẤY

Có hai vợ chồng trẻ kia làm ăn khá giả, nhưng lại hà tiện keo kiệt. Trong gia đình có một người cha già trên 80 tuổi, sức yếu , mắt mờ, chân tay run rẩy, cho nên lúc ngồi ăn thường đánh rơi chén cơm.

Ngày qua ngày người con dâu thấy thế, cứ xúi chồng la rầy người cha già. Ông cụ tuy mắt mờ nhưng lại thính tai, nên nhiều lúc ngồi ăn chung mà nước mắt chan hoà. Chén cứ bể hoài, cho đến một hôm người vợ bảo chồng đẽo cho cha một cái chén bằng gỗ để đở tốn kém. Từ đó chén không còn bể nữa......

Thế nhưng một ngày kia vợ chồng đi xa về, thấy đứa con trai 9 tuổi đang loay hoay đục đẽo. Đến gần hai người mới nhận ra một chén gỗ sắp làm xong. Được hỏi lý do, đứa con trai ngây thơ trả lời : "Con làm cái chén này để về sau ba má có chén mà dùng, cũng như ba má đang cho ông nội ăn trong cái chén bằng gỗ".

Bức Tông Thư gởi cho các gia đình nhân dịp năm Quốc Tế Gia Đình 1994, số 18, Đức thánh Cha đã nói : Hãy thảo kính cha mẹ, vì theo một nghĩa nào đó, các vị ấy đối với ngươi là những người đại diện của Chúa, những người ban tặng sự sống cho ngươi, đã đưa ngươi vào cõi nhân linh, vào trong một dòng dõi, một quốc gia, một nền văn hoá. Sau Thiên chúa, các vị ấy là những ân nhân đầu tiên của ngươi. Nếu chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng tốt lành, nếu chỉ một mình Ngài là Đấng thiện hảo, thì cha mẹ ngươi cũng được thông phần một cách độc nhất vô nhị vào chính sự tốt lành tối thượng ấy.

Trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình là trường học đầu tiên dạy về viêc làm người trong mọi khía cạnh. Người xưa thường nói : "Thượng bất chính, hạ tất loạn". Nếu cha mẹ không tỏ ra xứng đáng với lòng thảo kính của con cái, thì con cái trở thành những người đầu tiên vô ơn, bất hiếu với cha mẹ là điều xem ra tất nhiên. Đối với người Việt nam, ơn càng sâu, nghĩa càng nặng, thì mới có hạnh phúc gia đình. Gia đình là một tổ ấm tình yêu, nhưng tình yêu không phải là một xa xí phẩm, nó là một thứ tối cần để nâng đỡ và xây dựng cuộc sống, để rồi lại trở thành nền tảng cho mọi thứ tình yêu khác.

Ơn ai một chút chớ quên,
Oán ai một chút để quên dạ dày,
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so ngàn vàng.
(ca dao)

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Tông Huấn "Đời sống gia đình" dạy.

Chuẩn bị cho các gia đình trẻ: là giúp các bạn trẻ được thực hiện những bước cần thiết trước, trong và sau khi hai người nam nữ kết hôn với nhau theo phép đạo. Tông huấn "Đời sống gia đình" của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rất đầy đủ về nội dung công việc và các giai đoạn chuẩn bị này (xa, gần, sát ngày cử hành hôn lễ):

"Vào thời chúng ta, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân và đời sống gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết" (66). Lý do: "Những thay đổi dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không những chỉ gia đình mà cả xã hội và Giáo hội phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng, để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai. Nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống gia đình mà ngày nay người ta than phiền, đã xuất phát từ sự kiện này là trong những hoàn cảnh mới, các bạn trẻ không còn nhận ra được phẩm trật đúng đắn các giá trị ( các bậc thang giá trị ) và vì không còn những tiêu chuẩn chắc chắn để xử thế, họ không còn biết làm sao đương đầu và giải quyết các khó khăn mới. Kinh nghiệm cho thấy: các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác" (66).

"Điều đó còn đúng hơn nữa cho hôn nhân Ki-tô giáo, vốn có ảnh hưởng rất rộng đối với sự thánh thiện của biết bao người nam người nữ. Vì thế Giáo hội cổ vũ những chương trình chuẩn bị hôn nhân phong phú và hữu hiệu, để hết sức loại trừ những khó khăn mà trong đó biết bao gia đình đang phải chiến đấu, và hơn nữa, để tích cực dẫn đưa các cuộc hôn nhân đến cho thành công và rưởng thành trọn vẹn. Việc chuẩn bị hôn nhân phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục, qua ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích." (66)

- Chuẩn bị xa
"Đây là giai đoạn mà trong đó người ta dần dần ghi khắc cho các em lòng quí chuộng đối với mọi gía trị nhân bản đích thực, trong đó tương quan liên vị cũng như các tương quan xã hội, với những gì hàm chứa trong đó để đào tạo tính tình, để biết tự chủ và biết sử dụng đúng đắn các xu hướng riêng của mình, để biết cách nhận xét và gặp gỡ những người khác phái, và những chuyện khác như thế" (66)

"Ngoài ra, đặc biệt đối với các Ki-tô hữu, còn phải có sự đào tạo vững chắc về đời sống thiêng liêng và giáo lý, để hiểu được rằng hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực, những vẫn không loại trừ khả năng tận hiến cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục hoặc tu sĩ" (66)

- Chuẫn bị gần
"Sẽ dựa trên nền tảng ấy và là một công cuộc lâu dài: bắt đầu từ lứa tuổi thích hợp và với việc dạy giáo lý tương xứng, tương tự phần nào như hành trình dự tòng. Công việc này sẽ gồm việc chuẩn bị chuyên biệt về các bí tích, như để giúp các bạn trẻ tái khám phá các bí tích" (66)

"Đến lúc thích hợp và tùy theo những đòi hỏi cụ thể khác nhau, việc đào tạo tôn giáo cho những người đính hôn sẽ phải được bổ túc bằng một sự chuẩn bị cho đời sống lứa đôi: khi trình bày hôn nhân như một tương quan liên vị phải được phát triển liên tục giữa người nam và người nữ" (66)

- Chuẩn bị liền trước khi cử hành bí tích:
"Phải diễn ra trong nhiều tháng và nhất là trong những tuần cuối trước lễ cưới để nhờ đó có thể đem lại một ý nghĩa mới, một nội dung mới và một hình thức mới cho việc quen gọi là điều tra hôn phối mà giáo luật đòi buộc. Một việc chuẩn bị như thế vốn cần thiết cho tất cả mọi trường hợp, lại càng khẩn cấp hơn cho những đôi hôn phối còn gặp nhiều thiết sót và khó khăn về mặt giáo lý và thực hành Ki-tô giáo" (66).

"Trong số các yếu tố phải truyền đạt trong tiến trình đức tin này, tựa như ở thời kỳ dự tòng, cũng phải có việc đào sâu về mấu nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo hội, về ý nghĩa của ân sủng và của trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Ki-tô giáo. Đó là chưa kể tới việc chuẩn bị để tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ hôn phối" ( 66).

- Trong lễ cưới
"Hôn nhân Kitô giáo đòi hỏi phải theo luật cử hành phụng vụ, để diễn tả tính cách xã hội và cộng đồng, nơi bản chất Hội Thánh và Bí tích của khế ước hôn nhân giữa hai người đã rửa tội" (67)

- Mục vụ sau lễ cưới
"Trong việc mục vụ với các gia đình trẻ, Hội Thánh phải quan tâm giáo dục cho họ biết sống tình yêu vợ chồng cách hữu trách, trong tương quan với các đòi hỏi về hiệp thông và phục vụ sự sống, cũng như dạy cho họ biết hoà hợp tình thân mật của tổ ấm gia đình với trách nhiệm quảng đại chung của mọi người trong việc xây dựng Hội Thánh và xã hội nhân loại" (69).

2. Đồng hành với gia đình trẻ theo tinh thần Tông Huấn

Tựu trung Tông Huấn "Đời sống gia đình" trong phần Hội Thánh chuẫn bị và đồng hành với các gia đình trẻ (ĐSGĐ 65-69) mời gọi các gia đình phải quan tâm đến việc giáo dục các đức tính nhân bản và đời sống đức tin cho con cái và việc huấn luyện nầy phải được quan tâm đặc biệt từ lúc ấu thơ cho đến sau khi người trẻ lập gia đình. Đây là một nhiệm vụ nặng nề đối với các bậc cha mẹ. Vì vậy các cha mẹ cần phải có vốn liếng giáo lý, sống gương mẫu và cùng với Giáo Hội địa phương cập nhật giáo lý cho con em của mình tuỳ theo độ tuổi hầu giúp chúng phát triển con người cách toàn diện nhất là về mặt đời sống thiêng liêng.

a. Giáo dục là bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ.

Khi bước lên bàn thánh để tuyên thệ lãnh nhận Bí tích Hôn Phối, đôi hôn nhân đã thề hứa trung thành với nhau, nhận lãnh trách nhiệm sinh con cái và giáo dục chúng theo luật Kitô giáo, để con cái nên người tốt, hữu ích cho Giáo Hội và xã hội. Do đó, việc giáo dục con cái là một nghĩa vụ, một bổn phận tối quan trọng của các bậc làm cha mẹ đối với con cái.

Vì là một lời thề tự nguyện của các bậc cha mẹ trước Thiên Chúa và Giáo Hội, nên khi đã cam kết các ngài phải thi hành với tinh thần trách nhiệm cao.

Đồng thời, trách nhiệm đối với bề trên đi trước về công sinh thành dưỡng dục đòi buộc cha phải chu toàn bổn phận giáo dục đối với con cái. Trách nhiệm đối với xã hội cũng đòi buộc cha mẹ phải giáo dục con cái về mọi phương diện : đức dục, trí dục, luân lý, xử thế... để góp phần xây dựng tương lai xã hội.

Sau hết, vì chính con cái là "tài sản" quan trọng quý giá nhất của cha mẹ. Nếu con cái là những phần tử tốt lành, gương mẫu của Giáo Hội, của xã hội, thì đó là nguồn vui, nguồn an ủi, nguồn hạnh phúc của họ ở trần thế.

Cha mẹ không thể dạy cho con cái nên người, nếu họ chưa là những con người trưởng thành. Họ không thể truyền đạt cho con cái những giá trị mà chính họ không sống trước đã. Vì không ai có thể cho điều mình không có. Việc giáo dục con cái trong gia đình là một cố gắng liên lỉ vì phải luôn thích ứng với lứa tuổi phát triển của con cái cho đến khi chúng đạt được độ tuổi trưởng thành có thể tự lập trong đời sống thiêng liêng và xã hội.

b. Giáo dục các đức tính nhân bản

Một trong những đức tính căn bản của các đức tính xã hội là tình liên đới. Kinh ngiệm cho thấy một nền giáo dục gia đình dù có nghiêm minh đến đâu cũng sẽ dẫn đến thất bại nếu chỉ đóng khung trong gia đình mình. Một sự trưởng thành đích thực đòi hỏi phải có những quan hệ hài hoà với mọi người bên ngoài gia đình. Như vậy, quan hệ tốt với những người chung quanh là một trong những điều kiện thiết yếu để trẻ phát triển nhân cách.

Trong cái nhìn đức tin, các mối quan hệ với những người chung quanh không chỉ vì muốn yên tâm để giáo dục con cái, hoặc để tránh những ảnh hưởng xấu cho con cái, mà bởi vì họ có sứ mạng gieo rắc sự bình an và niềm vui bất cứ nơi nào mà họ có mặt. Mang lại an vui và hoà khí cho người chung quanh là ý nghĩa của việc phục vụ và việc tông đồ của người tín hữu : gây bầu khí cảm thông giữa người và người, tạo sự tôn trọng lẫn nhau, đưa đến chổ yêu thương giúp đỡ nhau. Một cuộc sống như thế làm sao không ảnh hưởng trên con cái.

Giáo dục con cái sống công bằng, biết nhìn nhận nhân phẩm của mỗi người vì chính người khác cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Sống không thành kiến, kỳ thị với người chung quanh. Bởi vì mỗi người là một nhân vị độc nhất vô nhị, mỗi người đều có một giá trị cá biệt mà người khác không thể có được. Do đó, dù nghèo hèn, đần độn hay đốn mạt xấu xa đến đâu mỗi người đều vẫn chứa trị trong mình một kho tàng mà người khác không thể có được. Cần dạy con cái biết nhận ra những giá trị tích cực nơi người khác.

Một cuộc sống biết trân trọng người khác như thế sẽ dẫn đến chổ cảm thông với mọi người, nhất là những người nghèo khổ, tật nguyền. Một người muốn sống cho ra người là một người luôn biết lắng nghe và đáp trả lại tiếng kêu cứu của đồng loại, dưới mọi hình thức. Cần dạy con cái biết cảm thông với nỗi khổ đau của người đồng loại, nghĩa là biết chia sẻ với những người túng cực, hiểu biết được giá trị đích thực của đồng tiền : bản thân nó, đồng tiền chỉ là một mảnh giấy, nó chỉ có giá trị khi nó được sử dụng.

c. Giáo dục đức tin

Giáo dục đức tin không chỉ có nghĩa là truyền thụ một số kiến thức liên quan đến nội dung đức tin hay một số kinh kệ. Giáo dục đức tin thiết yếu là chia sẻ cuộc sống đức tin. Bài học được trình bày với nhiều xác tín và hữu hiệu nhất chính là cuộc sống đức tin của cha mẹ. Một cuộc sống đạo đức luôn có ảnh hưởng tích cực trên con cái, chính qua cuộc sống của cha mẹ mà con cái cảm nhận được sức mạnh của niềm tin tôn giáo trong cuộc sống con người.

Cha mẹ cần thông biết giáo lý để dạy cho con cái vì họ là những người thầy đầu tiên về đức tin.

Vậy học giáo lý chúng ta học gì? Nếu xác tín Chúa Kitô là nền tảng giáo lý, mà sự thật là như vậy, thì khi học giáo lý chúng ta học về Chúa Giêsu.

Những bài giáo lý lấy ở đâu? Buổi sơ khai của Hội Thánh, giáo lý xuất phát từ lời rao giảng và chứng nhân của các Tông đồ. Các ngài là những người đã sống, đã được nghe Lời của Con Chúa, đã chứng kiến cái chết và cuộc Phục Sinh của Người ; Sau khi Đức Giêsu về trời, các ngài rao giảng cho mọi người những giáo lý, mắt thấy tai nghe về sự chết và Phục sinh của Đức Kitô, để ai nghe và tin thì được cứu độ.

Giáo lý do vậy, không phải là một lý thuyết đạo đức của bậc tiền nhân; cũng không phải là một thứ luật buộc cái nầy, cấm cái kia, giữ cái nọ để được nên thánh, mà giáo lý là những điều mắt thấy, tai nghe, và lòng trí chịu lấy Chúa Giêsu. Qua Chúa Giêsu, người học giáo lý gặp được Thiên Chúa, được mọi đạo đức thánh thiện, không phải của con người mà là của Thiên Chúa và nhờ đó mà được cứu độ.

Những thê kỷ tiếp sau các Tông Đồ, Hội Thánh rao giảng và dạy giáo lý dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền. Tất cả Thánh Kinh và Thánh Truyền đều quy về Chúa Giêsu. Tất cả Phụng vụ của Hội Thánh chỉ nhằm một mục đích đưa chúng ta đến gặp Chúa Giêsu. Từ Chúa Giêsu, mọi người nhận lấy sự đạo đức, thánh thiện, biết ăn ở nhân ái với nhau, được ơn tha thứ tội lỗi và ơn biến đổi đời sống nên tốt lành, nên thánh thiện, không phải tốt lành theo cách ăn ngay ở lành thế gian, mà trọn lành như Thiên Chúa. Điều đó, thật vượt quá sức mơ tưởng của con người, nhưng Chúa Giêsu nói : " Các con hãy nên trọn lành, như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành". (Mt 5, 48).

Có mấy thứ giáo lý? Chúa Giêsu là nền tảng giáo lý, nên Hội Thánh công giáo chỉ có một giáo lý duy nhất, vì Hội Thánh chỉ có một Chúa, một Đức, một Phép Rửa (Ep 4, 5). Giáo lý Xưng tội, Rước lễ lần đầu, Thêm sức, tân Tòng, Hôn Phối, ngay cả giáo lý làm Linh Mục như Thần Học, Triết Học.v.v... cũng chỉ là một giáo lý quy về Chúa Giêsu.

Vì vậy giáo lý Hôn Nhân, đành rằng có thể học về cách sống nhân bản, nhiệm vụ của vợ chồng, trách nhiệm nuôi dạy con cái, đời sống tính dục...nhưng căn bản vẫn là Chúa Giêsu, phải quy về Chúa Giêsu, một Đức Giêsu Thần Khí, không phải một Đức Giêsu học thuộc lòng trong bài học. Và chính đôi nam nữ khi được ơn biết Chúa Giêsu, sẽ không còn chỉ biết nhau theo xác thịt, mà còn được lòng yêu mến nhau trong Thần Khí của Thiên Chúa nữa.

Giáo lý Hôn Nhân là tình yêu vợ chồng dìm trong tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Bởi vì tất cả chúng ta đều có tội, mà tội là đầu mối mọi đau khổ và ly tan, chỉ có Chúa Giêsu là Đấng chữa lành các vết thương tội lỗi trong tâm hồn.

Hạnh phúc gia đình là sự vui mừng, bằng an, và lòng yêu thương nhau. Đó là những cái mà mọi người đang tìm kiếm, không ai có thể tặng ban cho ai. Chỉ có một Chúa Giêsu có sự Bằng an, Yêu mến, và Vui mừng. Chúa Giêsu không chúc bình an, nhưng nói : "Ta ban bình an cho các con". Chúa Giêsu không chúc đôi vợ chồng yêu nhau suốt đơi mà Ngài ban tình yêu, vì Ngài là Tình yêu. Ở đau có Bình an, yêu mến, thì ở đó có Vui Mừng. Hạnh phúc Hôn Nhân chỉ cần bấy nhiêu đó. Giáo lý Hôn Nhân là học biết, và cầu nguyện cho được có Chúa Giêsu trong cuộc đời, vì có Ngài là có tất cả.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con, các cha mẹ, biết ý thức sứ mạng truyền đạt đức tin và nếp sống tốt lành cho con cái, để con cái chúng con nên những người tốt, sống có ích cho mình cho cho người khác, sống hạnh phúc vì gặp được chính Chúa.

IV. HỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 69

"Trong việc mục vụ với các gia đình trẻ, Hội Thánh phải quan tâm giáo dục cho họ biết sống tình yêu vợ chồng cách hữu trách, trong tương quan với các đòi hỏi về hiệp thông và phục vụ sự sống, cũng như dạy cho họ biết hoà hợp tình thân mật của tổ ấm gia đình với trách nhiệm quảng đại chung của mọi người trong việc xây dựng Hội Thánh và xã hội nhân loại."

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

THÁNG 6
KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Kính nhớ Thánh Tâm Chúa Giêsu là kính nhớ Tình Thương của Thiên Chúa. Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa được tỏ bày ra nơi con người Đức Giêsu và nhất là trong cái chết trên thập giá vì tội lỗi loài người. Thánh Tâm bị đâm thâu là hình ảnh rõ rệt nhất, là tiếng nói mạnh nhất về Tình Thương của Thiên Chúa đối với chúng ta và là một bằng chứng không thể chối cải được của Tình Thương lạ lùng ấy.

GỢI Ý SÁM HỐI.
Con chưa thực hành và cũng không giúp người khác sống đức tính nhân bản. Xin Chúa thương xót con.
Con không bày tỏ thiện ý tiến tới sự hiệp nhất Kitô-giáo: Trong cùng cộng đoàn họ đạo, đôi khi chính con lại là nguyên nhân gây bất hòa - chia rẻ. Xin Chúa thương xót con.
Con đối xử với tha nhân bằng một tình thương ích kỷ, bằng một trái tim chai cứng. Xin Chúa thương xót con.

LỜI NGUYỆN CHUNG.
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Khi nhìn ngắm con người và phong cách của Chúa Giêsu trong các Phúc Âm, chúng ta phải hết lời ca ngợi Chúa là gương mẫu trọn hảo về nhân bản, về sự hiệp nhất và về tình thương nhân ái. Trong tháng Sáu này, chúng ta chú tâm học tập theo gương Chúa Giêsu về những điều ấy. Giờ đây, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện cho mọi người:

1. Chúa Giêsu phán: "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, tập sống và trở nên hiện thân của Chúa Kitô, biết tôn trọng các giá trị nhân bản trong mọi hoàn cảnh.

2. Chúa Giêsu cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, xin cho họ được nên một, như Chúng ta là một". Chúng ta cầu nguyện cho các truyền thống Kitô-giáo, tại Ấn Độ và trên thế giới, tuy khác nhau về truyền thống, vẫn có thể bày tỏ sự hiệp nhất và hiệp thông với nhau trong cũng Một Chúa Giêsu Kitô.

3. Kết thúc dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu phán: "Hãy đi và làm như vậy". Chúng ta cầu nguyện cho những người nghèo khổ, những trẻ mồ côi, thiếu vắng tình thương gia đình, những nạn nhân chiến tranh… gặp được những người mang Trái Tim Chúa Giêsu, để họ được an ủi và được chính Chúa yêu thương.

4. Khi một quân lính lấy giáo đâm cạnh sườn Chúa, Kinh Thánh viết: "Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu". Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình trong họ đạo chúng ta, biết sum họp với nhau tôn kính Thánh Tâm Chúa, biết thể hiện tình yêu Chúa đối với nhau, hy sinh cho nhau, để trở nên một mái ấm yêu thương và hạnh phúc.

Kết thúc: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, vì quá yêu thương loài người mà Chúa đã ban Con Một Chúa làm Đấng Cứu Thế và gương mẫu sống đời làm người. Xin Chúa cũng ban Thánh Thần tác động hiệu quả nơi mỗi người chúng con, uốn lòng chúng con nên giống như Trái Tim Con Chúa, là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

HUN ĐÚC LÝ TƯỞNG CAO ĐẸP

Để chuẩn bị cho trẻ vào đời, cha mẹ cần làm cho con cái say mê một lý tưởng cao đẹp. Từ một tình yêu thấp kém của nó, cha mẹ hun đúc cho nó một tình yêu cao thượng hơn, vì khi tiến lên cao thì người ta tránh được những sự sa ngã.

Thường người ta trình bày đạo giáo như là cái gì cấm đoán, thu hẹp. Đúng ra, đạo tức là đời sống, là chinh phục, là thắng trận, là sáng tạo : Khiêm nhường không phải là hạ mình làm tôi mọi, nhưng là bắt chính cái kiêu ngạo của mình khuất phục lẽ phải, để làm cho mình thành con người biết phục thiện. Gọi là có lòng đạo không phải là phải đi lễ, phải đọc kinh, phải xưng tội rước lễ, nhưng là sự hăng say nóng nảy tìm sự hiện diện của Chúa.

Bác ái không chỉ là thiệt thòi mất tiền, mất của, mất giờ, mất công, mà là sự quyết tâm hăng say giúp đỡ, phục vụ, cứu vớt kẻ khác. Bổn phận, nghĩa vụ không phải là thứ luật nô lệ, làm cho nhục nhã, nhưng là luật của sự sống, bất cứ ai sống cũng đều có nghĩa vụ, có bổn phận. Vậy, nếu tất cả các bậc cha mẹ đều biết tiêm nhiễm, hun đúc cho con cái mình lòng hâm mộ lý tưởng cao đẹp thì các ngài gầy dựng được biết bao hy vọng cho Giáo Hội, cho xã hội.

1. Tại sao đối với người trẻ lại phải nói đến lý tưởng, thiện hảo, cao đẹp, chinh phục ? Thưa bởi vì họ sung sức cần phải hoạt động, tuổi trẻ của họ bùng lên như một ngọn lửa phải cháy, phải đốt, phải lan ra, họ không thể chấp nhận để mình bị cấm cố, bị vây hãm. Do đó, phải biết lợi dụng lòng hăng hái nhiệt tình ấy để đưa về những cái cao đẹp. Có rất nhiều đứa trẻ có thể trơ thành những tay anh hùng, tài giỏi, tiếc vì không có dịp, không được ai khai giáo, hướng dẫn cho. Vì thế, khả năng tài cán của chúng đành xếp vào xó bếp. Do đó, chính cha mẹ phải có học lực, phải có khả năng để đào luyện con cái mình.

Song song với lòng hâm mộ tiến triển, sáng tạo, những người trẻ còn cảm thấy mình cần phát hiện ra mình, nghĩa là chúng muốn biết rỏ con người của chúng. Đó là nhu cầu chính đáng và cần thiết, vì nếu không có nhu cầu ấy thì nhân cách của chúng không thành ngưới được, và sẽ tan loãng theo ngoại cảnh. Trước khi thích ứng để hòa mình vào xã hội, trước khi xả thân vào bất cứ việc gì, người trẻ cần biết mình là gì đã. Để biết rõ mình, điều kiện tiên quyết là hy sinh.

2. Tại sao tuổi trẻ thích tỏ ra chống đối, đôi khi phản đối thái quá đối với kẻ khác ? Thưa vì chúng sợ con người của họ bị"nuốt đi", họ sợ mất bản lãnh. Nên thay vì đàn áp cái bản năng tự nhiên ấy để đi đến chỗ khiêu khích một cuộc phản loạn, thì cha mẹ khôn ngoan lợi dụng cái điểm tựa ấy để hướng dẫn đứa trẻ về một điểm cao thượng hơn.

Cha mẹ cho chúng biết thế nào là lý tưởng thật sự của anh hùng tính. Chống đối bất cứ điều gì không phải là anh hùng, không phải là hãnh diện "ta đây", mà là người không biết phục thiện, một người không có khiêm tốn để phục lẽ phải. Nếu để cho mình hãnh diện vì cái không phải thì còn đâu là con người có bản lãnh, có nhân vị, có nhân cách. Vậy phải biết hy sinh, từ bỏ nhược điểm của mình, để trở thành "người" có chí khí.

Minh chứng bằng câu chuyện của bà Jeanne Cappe, trong quyển "Les qualités et les défauts des enfants" như sau :

"Hôm ấy đến thăm chị bạn, tôi thấy đứa trẻ trai 12 tuổi ở trường về, sau khi hôn mẹ, nó nói : "Mẹ ạ, con có thể bắt tay mẹ bữa nay, vì con đã là một người có chí khí". Sau khi nó ra khỏi phòng khách, tôi được nghe giải thích câu chuyện như sau: Đứa trẻ này thích đánh nhau mọi chổ. Quở trách, hình phạt cũng không sao sửa được cái tật hung hăng của nó. Một cô giáo, trên đường về nhà, đã dạy khôn cho nó và đã thành công. Khi cuộc đánh nhau diễn ra trước mặt cô, bà bảo các em: "Sao các em lại đánh nhau như tụi côn đồ đầu đường xó chợ vậy, hoặc như loài côn trùng giết nhau và ăn thịt nhau ở ngoài đồng vậy ? Các em không phải là những con người chí khí sao ?"

Cái nhìn khinh khi của cô giáo làm bọn đang đánh nhau ngừng hẳn. Và những đứa đã bị chạm tự ái hỏi:
"Người chí khí là gì hả cô ?".

Cô giáo đáp :"Các em không biết những tiếng chí khí, anh hùng, hiệp sĩ là gì à ? Người anh hùng, người chí khí chỉ đánh nhau để bênh vực kẻ bé bỏng, kẻ yếu kém hơn, để bênh vực công lý và quyền lợi thôi. Người hùng phải xấu hổ vì những cuộc đánh lộn hèn nhát vô ích như các em làm đây."

Và từ chiều hôm đó, sau một ngày em có cử chỉ cao thượng là tự cấm mình từ nay không hề khiêu chiến bao giờ nữa, chàng trai của chúng ta hãnh diện bước vào nhà và xin được bắt tay mẹ."

3. Thế nào là anh hùng tính ?

Cha mẹ giải thích cho con cái: anh hùng tính không phải là chỉ biết sử dụng bắp thịt, kể cả cho thể thao thể dục cũng vậy, nhưng là chơi hoặc đấu có luật pháp, như một người cha đã dạy con : "Con thích chiến đấu à, được, nhưng hãy chiến đấu theo luật pháp".

Người chí khí là người trưng lực lượng cánh tay, không để nghiền nát kẻ khác, mà để bênh vực những nạn nhân. Shakespeare đã nói :"Có sức lực của người khổng lồ là một vinh dự, nhưng dùng sức lực ấy như một người không lồ thì không vinh dự gì". Đúng ra, mọi luyện tập thể dục phải phục tùng tinh thần, nếu không, luyện tập đó không xứng đáng với con người. Mà đã là "người" thì phải biết chống lại cái xấu, phải biết thẳng thắn không bị xiêu lệch vì gương xấu của kẻ khác, hoặc vì sự khinh chê của người khác.

Người hùng không chỉ vênh vang với vẻ bề ngoài, mà bên trong đớn hèn không dám giữ lời hứa, không đủ can đảm chiến đấu với tính ích kỷ, với những bản năng hèn hạ của mình, không đủ nghị lực thắng được dư luận, để rồi cũng theo dư luận mà tôn trọng điều ác và khinh chê điều thiện. Đó là anh hùng rơm.

Người hùng thật sự là người không để mình bị quật ngã hoặc bị lôi cuốn bởi sợ hãi. Người hùng là người không bao giờ bênh mình mà đổ lỗi cho người khác, là người không thèm nói dối để tự bào chữa. Người hùng là người biết sống vô vị lợi, là người rèn luyện tâm linh để biết chịu đựng thiếu thốn, không thương hại mình một cách sai lạc.

Người hùng là người cương trực, biết giữ phẩm giá, tư cách, thái độ trước cả lời quở trách bất công, hoặc trước lời nguyền rủa. Thay vì, tự hỏi như một đứa trẻ : "Tôi sắp nhận được cái gì đây, người ta sắp cho tôi cái gì ? Người ta đối xử với tôi làm sao ? Người ta quí mến tôi thế nào ? . . . " thì con người chính đáng phải nghĩ đến:"mình sẽ cho người ta cái gì, đâu là bổn phận của mình, mình phải làm cách nào để tỏ lòng yêu mến người ta ? . . .". Có những người cả đời cũng không sao vượt được cái trình độ ấu trĩ đó. Vâng lời, nết na, khiêm tốn, bình tĩnh chế ngự mình, đó là những đức tính đòi hỏi một nghị lực mạnh mẽ hơn là nóng giận và thù oán.

Khi một người trẻ có can đảm vươn tới được đến mức anh hùng trên bình diện con người như thế, thì họ không còn xa "Nước Trời" bao nhiêu. Tự nhiên linh hồn và lòng trí họ sẽ mở ra đón nhận lý tưởng Phúc Âm. Được lôi kéo bởi sự cao cả lớn lao hơn và hoàn hảo hơn, họ sẽ không bằng lòng chỉ muốn làm người thôi, mà còn muốn sống như một Kitô hữu, để làm cho tư tưởng, mục đích của mình phù hợp với tư tưởng, mục đích của Đức Kitô, là gương mẫu và sức mạnh của họ.

Anh hùng tính chân chính chuẩn bị hữu hiện cho người trẻ sống đời Kitô hữu một cách đầy đủ và triển nở tốt đẹp, để hy sinh làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân.
(Theo Joseph Duhr S, J. Eduquer un enfant)

VII. TRANG THANH NIÊN

Các bạn trẻ thân mến.
Không ít hơn một đôi lần các bạn phụ giúp cho các đám cưới. Các bạn đã cùng với dòng họ, gia đình và lối xóm làm mọi việc từ nhỏ đến lớn để cho các đám cưới đó diễn ra cách hoàn hảo. Sau đám cưới thì mọi sự có thể khác hơn. Nghĩa là rất có thể không còn giúp đở hay thân tình như trước.

Đời sống gia đình thật phong phú và đầy trách nhiệm nặng nề. Chỉ giúp đỡ gia đình trẻ trong giai đọan chuẩn bị và sau đó không dồng hành với họ thì quả là một thiếu sót.

Trước hết gia đình trẻ phải được hiểu là những gia đình mới thành hôn chứ không phải là những gia đìng trẻ tuổi! Có thể đó là những cặp vợ chồng đã lớn tuổi nhưng mới bước vào đời sống gia đình.

I. Chuẩn bị cho các gia đình trẻ.
Đó là giúp các bạn trẻ thực hiện những nhiệm vụ cần thiết trước khi hai người kết hôn theo phép đạo. Trong Tông huấn về Gia đình số 66, Đức Giáo Hoàng đã nói đầy đủ về công việc và giai đọan chuẩn bị này.

1. Chuẩn bị xa.
- Từ thơ ấu gia đình giúp trẻ em khám phá ra rằng mình được phú ban một tâm lý phong phú và phức tạp, với những đặc thù và yếu đuối riêng của mình.
- Biết quí chuộng các giá trị nhân bản đích thực để biết tự chủ và sử dụng đúng đắn các giá trị riêng.
- Phải được đào tạo vững chắc về đời sống thiêng liêng và giáo lý.

2. Chuẩn bị gần.
- Học giáo lý trong các tuổi thích hợp để khám phá ra giá trị các bí tích lãnh nhận.
- Chuẩn bị học giáo lý hôn nhân để xác định công cuộc tông đồ trong gia đình, cho tình huynh đệ và cộng tác với các gia đình khác trong xã hội và trong họ đạo.

3. Chuẩn bị liền trước khi lãnh Bí tích Hôn Phối.
- Đây là giai đọan gần lễ hôn phối, để hiểu ý nghĩa, nội dung và hình thức trong tiến trình điều tra hôn phối và bổ túc cho nhữnh khiếm khuyết trong giáo lý.

II. Đồng hành với các gia đình trẻ.

Đồng hành là cùng đi, cùng sống; là sống gần gủi, là quan tâm, theo dõi, với mục đích sẵn sàng giúp đở, cố vấn, ủi an, khuyến khích như một người anh, người chị, người bạn. Đây là sứ mệnh của toàn Hội thánh trong các họ đạo.

Mới bước vào đời sống gia đình, các bạn trẻ sẽ dần dần nhận ra những giá trị thật và trần trụi của cuộc sống hôn nhân! Họ cần được hướng dẫn để khỏi hụt hẫng và có kinh nghiệm để giải quyết những khó khăn mà cuộc sống gia đình gặp phải.

Đời sống hôn nhân đưa họ vào một cuộc sống khác hơn trước đây mà họ sống. Nó là một " tổng hợp" của hai con người khác nhau hoàn toàn từ phái tính, giáo dục, tính tình, gia đình, thậm chí cả tôn giáo và ý thức hệ nữa! Đồng hành để cả hai "dàn xếp" cái tôi của mình mà dón nhận và thích nghi cái tôi của nữa phần còn lại.

Hơn nữa, vấn đề tính dục cũng là một trong những thử thách mà họ không biết hỏi ai, nếu thiếu những người bạn đồng hành đã có ít nhiều kinh nghiệm.

Rồi đến lúc thai nghén và đứa con đầu lòng chào đời thì họ càng rối rắm biết bao. Sự giúp đở lúc này thiết tưởng không thể thiếu được.

Điều may mắn là phần đông các gia đình trẻ của Việt Nam vẫn còn chung sống với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình mình ở giai đoạn đầu của cuộc sống lứa đôi. Ngoại trừ một vài trường hợp " không đẹp", còn đa phần sự hỗ trợ luôn có hiệu quả.

Muốn có khả năng giúp đở họ, thì các gia đình lâu năm phải vận dụng kinh nghiệm của mình, dựa vào các kiến thức tích lũy đã được học hỏi, hầu đưa ra được những giải pháp khoa học, thiết thực, hợp lý và đạo đức.

Hiện nay trong hầu hết các họ đạo thì việc chuẩn bị và đồng hành này đều do các linh mục và tu sĩ đảm trách; trong khi đó vì nhiều lý do khác nhau, người giáo dân không mấy khi có đóng góp. Quả là điều đáng tiếc!

Cùng với Giáo Hội, hãy góp phần mình vào cuộc đồng hành với các gia đình trẻ. Là giáo dân sẽ dễ dàng trao đổi, tâm sự và truyền đạt cho các bạn trẻ những " hoa ngọt và trái đắng" của cuộc sống lứa đôi.

Các bạn trẻ thân mến.
Một số bạn ngán ngại khi nghe nói đến việc phải học Giáo lý chuẩn bị hôn nhân. Bất cứ ngành nghề nào cũng cần có thời gian để học biết và ôn luyện để nâng cấp. Trong khi đó hôn nhân còn hơn là một ngành nghề, còn hơn là một nghệ thuật , vì đó là chính cuộc sống và là ân ban của Thiên Chúa trao tặng cho các bạn, thì các bạn lại thờ ơ, xem nhẹ ở phần chuẩn bị ( dầu tối thiểu) thì hết sức hoang phí và coi thường cho cái gọi là trăm năm của mình biết bao!

Hội thánh nói chung và các gia đình trong họ đạo nói riêng luôn sẵn sàng đồng hành với các bạn, lẽ nào các bạn lại chối từ?
Chúc các bạn chuẩn bị hành trang cho tương lai mình một cách đầy đủ và hòan hảo nhất.

VIII. TẢN MẠN

ẤN TƯỢNG NGÀY GIA TRƯỞNG

Lên đường
Mới 4 giờ sáng ngày 1/5, bến phà Rạch Miễu nối liền Bến Tre - Tiền Giang hôm nay chợt là lạ. Nhân viên bến phà không hiểu mấy ông này hôm nay đi đâu đông thế. Mặc toàn áo trắng bỏ trong quần trông nghiêm chỉnh làm sao. Những chiếc xe 50 chỗ, 25 và 15 chỗ đậu nối đuôi nhau đầy khí thế.
- Họ đi đâu vậy?
- Đi đám cưới phải không?
- Không, toàn là đàn ông sồn sồn.
- Đi tham quan phải không?
- Cũng không, đực rựa một lứa, không có đàn bà trẻ con nào cùng đi.
- Vậy thì họ đi đâu?
Những khách vãng lai trong buổi sớm ấy không tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Họ không phải là cán bộ hoặc công nhân viên. Khách quan nhận xét, họ là những nông dân có trình độ. Một chị phụ nữ vui tính mạnh dạn hỏi:
- Mấy anh hôm nay đi dâu mà đông vui quá vậy?
Một câu trả lời làm mọi người cười ồ:
- Hôm nay chị không biết ngày gì sao, ngày "đàn ông vùng lên"đó chị.
Đoàn xe trực hướng Vĩnh Long. Những người gia trưởng trẻ từ các họ đạo Bến Tre, Cái Bông, Ba Châu, Ba Tri, Bình Đại, Giồng Tre, Giồng Quít, Giồng Ỏi, An Hiệp đang đồng hành dự "ngày gia trưởng" ở Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long.
Điểm hẹn
Ngay từ cổng Nhà thờ Chánh tòa, có người hướng dẫn chu đáo. Nơi bàn tiếp tân, Ban tổ chức đã phân công người tiếp đón ân cần niềm nở. Mỗi người được nhận phù hiệu hình Thánh Gia. Bên dưới có tên và số thứ tự theo nhóm. Một cuốn sách nhỏ cầm tay xinh xinh với nội dung đầy đủ. Ban Tổ chức chu đáo cho đến nổi thức ăn sáng cũng có vài thứ khác nhau tùy theo sở thích khẩu vị của mỗi người. Đúng là tầm cỡ quốc … nội!
Khai mạc
Đúng 7 giờ, Cha Tổng Đại Diện bước lên lễ đài long trọng tuyên bố khai mạc "Ngày Gia Trưởng" của Địa phận . Hàng ngàn tiếng pháo tay dòn dã vang dội. Kiệu tượng Thánh Cả Giuse được cung nghinh và rước lên nhà thờ cách trọng thể, cùng với lời kinh tiếng hát thâm trầm như là hương ngào ngạt hòa quyện trong bầu khí thánh thiện trang nghiêm. Chật kín nhà thờ một màu áo trắng đồng phục. Thánh lễ do Đức Cha Tôma chủ sự cùng với các cha đồng tế. Không ai nói, nhưng mọi người đều biết đây là phần trọng tâm của ngày hôm nay. Thánh lễ hiệp thông mọi người với Chúa Kitô và với nhau. Những lời giảng dạy của Đức Cha như rót nhẹ vào lòng người chất yêu thương nồng ấm. Chắc chắn thánh lễ kính Thánh Giuse lao động hôm nay sẽ khó quên và sẽ còn như một nhắc nhỡ mỗi gia trưởng về lâu về dài sau này.
Thuyết trình 1
Cha Tổng Đại Diện được nhận diện qua một vài câu nói với nhau nho nhỏ:
- Anh nhớ Cha này hồi đó có tới chỗ tụi mình không?
- Hồi nào? "
- Sao anh mau quên quá, anh với tui dẫn Cha đến coi chuồng dê của ông Chín đó. "
Hừm !... Đúng lúc này Cha Tổng tằng hắng lấy giọng. Hai cha nội sợ hết hồn, xanh mặt, câm luôn!
Với chất giọng trầm ấm thu hút hấp dẫn, Cha Tổng trình bày những hình ảnh người cha xuyên qua Lịch sử cứu độ. Cha giúp cho các gia trưởng những khám phá bất ngờ thú vị qua những tấm gương của các Tổ Phụ và đặc biệt của Thánh Giuse. Cha làm say mê mọi người bằng giọng nói hùng hồn, nội dung súc tích rõ ràng và cung cách thuyết phục.
Chắc chắn hai "cha nội" trên kia tâm phục khẩu phục Cha Tổng mình sát đất. Nếu cần so sánh, Cha cũng tầm cỡ như ông Môisen hay ông Giacop chứ không vừa đâu.
Thảo luận nhóm
"Chà, bây giờ được ghịt một điếu thuốc đả làm sao! Nảy giờ thèm muốn chết!"
Vừa uống xong một ly nước và hút xong một điếu thuốc, tiếng loa cũng vừa vang lên báo đến giờ thảo luận nhóm. Những vòng tròn người kết tụ đây đó như những chùm hoa nở khắp khuôn viên Nhà thờ Chánh tòa. Các trưởng nhóm điều khiển cuộc thảo luận không kém phần linh hoạt và sáng tạo xoay quanh chủ đề "người nam là chồng và là cha" trích từ tông huấn Đời sống gia đình của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Thỉnh thoảng có những tiếng cười vang do một câu chuyện tiếu hài gì đó. Lúc này các bà xã được đưa lên bàn cân bàn mổ không thương tiếc. Có những vị hôn phu bị ức chế lâu ngày, nay được dịp xổ ào ào . Sôi nổi. Hào hứng.
Chuyện thì còn dài, nhưng thời gian có hạn. Những thắc mắc cứ để đó, chiều nay sẽ đưa ra tập thể giải quyết. Hãy đợi đấy.
Cơm
Nông dân mình thường 10 giờ ăn cơm trưa. Hôm nay 11 giờ 30 mới đến bữa ăn. Có nhiều người nghe bao tử kêu gào mà không biết làm sao khống chế. Một bữa cơm ngoài trời cho hàng ngàn người, lại thêm con số tăng vọt ngoài dự đoán, không phải là chuyện đơn giản. Thật khó cho Ban tổ chức. Chủ nhà bây giờ trở thành "khổ chủ". Nhìn "ông trời" (cha Thiên, trưởng Ban tổ chức) thấy tội nghiệp làm sao! Để xem "ông trời" hóa phép gì đây. Nhớ ngày xưa, Chúa Giêsu kêu gọi dân chúng ngồi thành từng nhóm, sau đó từ 5 chiếc bánh và 2 con cá, Ngài làm phép lạ cho dân chúng ăn no nê và còn dư lại 12 thúng. 30 nhóm gia trưởng ăn no và còn dư nhiều bún, chừng … một thúng. Đáng phục "ông trời". Sau đó "ông trời" nhăn mặt tâm sự nho nhỏ: Dân số gia tăng khiếp quá, lần sau cho con xin, tội nghiệp con quá các cha ơi!
Thuyết trình 2 và minh họa
12 giờ 15, giờ cao điểm … buồn ngủ. Một nữ thuyết trình viên với bằng tiến sĩ xuất hiện thổi một luồn gió mát làm mấy chàng Adong bị mê … ngủ. Chỉ còn nhớ về nhà lo thay tấm bản đồ cũ kỹ của tâm hồn bằng tấm bản đồ mới, để đi đúng đường đúng hướng trong cách ứng xử với vợ con. Qua cơn mê, các gia trưởng được thưởng thức phần minh họa với những ca khúc và vũ điệu dễ thương và duyên dáng của các bé măng non. Cha dẫn chương trình càng lúc càng hay, miệng dẽo như nhựa Bình Minh. Những câu chuyện ngắn tiếu tiếu vừa mặn vừa thanh hớp hồn hàng nghìn khán giả. Hai cha Sản - Khoa mặt đỏ bừng bừng không biết chui đâu để tránh những hỏa tiển tầm nhiệt với độ chính xác cực kỳ. Men hài của cha nồng lắm, cứ sáng-xỉn, chiều-say, tối-lai rai, mai-nhậu tiếp. Hàng ngàn cái miệng lập lại câu "tục ngữ" ấy rập ràng không sót một chữ. Tuyệt!
Bế mạc
Tiệc ngon nào cũng tàn. Ngày vui nào cũng hết. Nghi thức bế mạc đang đến. Đức Cha Tôma nói những lời nhắn nhủ với những người con "gia trưởng" trong giáo phận, chúc lành cho mọi người ra về bình an với một tâm trạng mới mẻ của người chồng và người cha. Ngài hài lòng và hứa hẹn cho những lần sau này, gần nhất là giới "hiền mẫu".
Người người ra về như cuộc lên đường mới, mang theo hành trang tinh thần và ấn tượng khó phai.

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY

Thật khó mà định nghĩa hạnh phúc. Chúng ta đều biết rằng nó tồn tại, nhưng ta thấy dường như phải chứng thực nó, đo lường và đánh giá nó. Hạnh phúc có thể là niềm hoan hỉ khi ước muốn của ta trở thành hiện thực hay khi hy vọng được toại nguyện, hoặc hạnh phúc có thể là sự vui thích xuất phát từ quan hệ giữa ta và người xung quanh. Những nhà tâm lý học cho rằng hạnh phúc tùy thuộc vào bản thân ta nhiều hơn là những gì xãy ra bên ngoài. Nếu ta tìm hạnh phúc trong chỗ đứng của chính mình, chắc chắn ta sẽ tìm được nó. Chúng ta cảm nhận được hạnh phúc bởi vì chúng ta đã từng trải qua đau khổ. Nếu không biết nổi buồn thì không thể nào hiểu được niềm vui.

Điều gì sẽ mang hạnh phúc đến cho ta?
- Trước hết, hãy xét đến mối quan hệ tích cực giữa ta và mọi người chung quanh ta. Bên cạnh tình yêu thương với những người thân nhất, ta còn có quan hệ với xã hội. Ở đó, hạnh phúc xuất hiện khi sống giữa một tập thể cùng nhau san sẻ những kinh nghiệm sống và làm việc.
- Sự tự đánh giá và chấp nhận bản thân là điều thứ hai mang hạnh phúc đến cho ta. Đừng chờ đợi người khác đánh giá mình mà hãy tự đánh giá và chấp nhận bản thân theo những tiêu chuẩn riêng.
- Yêu thương nhau là hạnh phúc cao cả, nhưng chỉ yêu thương thôi thì chưa đủ. Môi trường ta đang sống cũng góp phần nuôi dưỡng giáo dục ta. Bạn hãy chọn lựa để tạo cho mình một môi trường sống thích hợp. Tiền bạc cũng là một yếu tố cần giúp chúng ta hạnh phúc hơn vì nó tạo điều kiện cho ta có thể điều khiển môi trường sống của mình.
- Yếu tố quan trọng nhất góp phần to lớn trong việc mang lại hạnh phúc chính là lý tưởng và mục đích sống của mỗi người. Ai ai cũng không khỏi chán nản nếu phải kéo dài một chuổi ngày vô vị, không biết mình tồn tại để làm gì. Mục đích sống rất cần thiết, dù đó là mục đích lâu dài hay tạm thời trước mắt. Cần quan tâm đến mức độ cao thấp của mục tiêu, vì mục tiêu đặt ra quá dễ hay quá khó đều khiến ta mau nản lòng.
Tóm lại, nếu bạn muốn có hạnh phúc, hãy sống như bạn đang hạnh phúc. Hạnh phúc không tự dưng đến với ta mà ta cần phải tạo ra nó. Đừng tìm hạnh phúc trong quá khứ hay tương lai mà hãy tìm ngay trong hiện tại.

CHÂM NGÔN SỐNG

” Nghệ thuật cao quý nhất để sống hạnh phúc chính là nghệ thuật biết sống”. J.E.Ducis

1893    19-04-2012 09:12:22