Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Gia Đình Là Cung Thánh Sự Sống - Tháng 12 năm 2002

Chủ đề: GIA ĐÌNH LÀ CUNG THÁNH SỰ SỐNG

 

I. TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO (số 28)

Việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và như hoạ ảnh Ngài là triều thiên đem lại sự trọn hảo cho công việc của tay Ngài : Ngài mời họ dự phần đặc biệt vào tình yêu cũng như quyền năng của Ngài là Đấng Tạo Hoá và là Cha, bằng việc cho họ được cộng tác cách tự do và có trách nhiệm để lưu truyền hồng ân sự sống con người : “ Thiên Chúa đã chúc lành cho họ và phán bảo họ : hãy sinh sôi nẩy nở, nên đầy trên mặt đất và hãy bá chủ nó” (St 1, 28).

Chính vì thế mà mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc truyền thông hình ảnh Thiên Chúa từ người nầy sang người khác trong hành động truyền sinh (St 5, 1-3).

II. Ý CHÍNH CỦA FAMILIARIS CONSORTIO (số 28-30)

GIA ĐÌNH PHỤC VỤ SỰ SỐNG

Mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác trong hành động truyền sinh (số 28).

CỘNG TÁC VỚI ĐẤNG TẠO HOÁ

Thiên Chúa là Tạo hoá và là Cha. Người mời gọi con người nam nữ tham dự vào tình yêu và quyền năng của Người qua việc truyền sinh.

Vợ chồng thực hiện lời chúc lành của Thiên Chúa lúc sáng thế: Hãy sinh sôi nảy nở, nên đầy dẫy trên mặt đất và hãy bá chủ nó (St 1, 28). Họ trao ban sự sống cho người khác, đó cũng là hành động thông truyền hình ảnh của Thiên Chúa sang người khác. Nhờ đời sống lứa đôi, Thiên Chúa làm cho gia đình của chính Người ngày càng mở rộng và phong phú hơn (x.MV, số 50).

Con cái là kết quả, là dấu chỉ và là lời chứng sống động của sự trao hiến trọn vẹn cho nhau giữa vợ chồng. Nhưng tình yêu vợ chồng đòi hỏi sinh con có trách nhiệm, nghĩa là không dừng lại ở việc cho ra đời những người con, mà còn phải tính đến khả năng nuôi dạy con cái cả về vật chất lẫn tinh thần, tự nhiên cũng như siêu nhiên.

HỘI THÁNH BẢO VỆ SỰ SỐNG

Những hy vọng nơi khoa học và kỹ thuật của con người hiện nay:
Tạo được một nhân loại mới và tốt đẹp hơn;
Gia tăng của cải vật chất;
Chế ngự được thiên nhiên.
Nhưng tiến bộ khoa học và kỹ thuật cũng gây ra nhiều lo âu:
Một thế giới tàn bạo trong đó con người cảm thấy lo sợ cho sự sống bản thân và của con cháu tương lai;
Một số người độc chiếm quyền thụ hưởng các tiện nghi kỹ thuật và muốn loại trừ sự ra đời của những con người mới;
Tinh thần hưởng thụ của cải vật chất cách ích kỷ dẫn đến thái độ chống lại sự sống;
Thái độ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, hậu quả là tâm hồn trống rỗng, vắng bóng Thiên Chúa, vắng bóng tình thương.

LẬP TRƯỜNG CỦA HỘI THÁNH:

Tin tưởng mạnh mẽ sự sống con người là một hồng ân tuyệt vời Thiên Chúa ban tặng;
Đứng về phía bênh vực và bảo vệ sự sống ở bất cứ điều kiện và giai đoạn phát triển nào, chống lại những kẻ đe doạ hoặc làm hại sự sống;
Lên án tất cả các hoạt động của các chính phủ và các tổ chức công quyền giới hạn sự tự do của vợ chồng trong việc quyết định về số con cái của họ;
Tuyệt đối lên án và bác bỏ mọi áp lực buộc ngừa thai, phá thai, làm tuyệt đường sinh sản, kể cả một số cơ quan quốc tế lấy đó làm điều kiện để viện trợ kinh tế. (Lm. Đinh huỳnh Hoa OFM. VietCatholic News)

III. CHUYỆN MINH HOẠ

NGƯỜI THẦU KHOÁN

Có một người thợ già sắp nghỉ hưu. Ông nói cho ông chủ của mình về kế hoặc rời bỏ ngành xây dựng, tận hưởng một cuộc sống nhàn nhã cùng với vợ và đại gia đình của ông. Ông sẽ mất một khoảng thu nhập hàng tháng, nhưng bù lại ông có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình.

Người chủ thầu rất tiếc khi thấy người công nhân giỏi nhất của mình ra đi. Ông yêu cầu người thợ già vì nể ông hãy xây dựng chỉ một ngôi nhà suy nhất nữa thôi. Người thợ xây đồng ý, nhưng rất dễ dàng nhận thấy là lúc đó tâm trí ông không còn để vào công việc nữa. Ông làm rất xấu và dùng toàn những vật liệu kém phẩm chất. Thật là một cách giã từ nghề nghiệp rất đáng tiếc.

Khi người thợ xây đã hoàn thành công trình của mình, ông chủ thầu đến để kiếm tra căn nhà. Ông trao chìa khoá căn nhà cho người thợ già và nói : “ Đây là nhà của ông, món quà mà tôi muốn tặng cho ông ” .

Quả là bất ngờ ! Thật đáng xấu hổ. Giá mà ông biết được rằng ông đang xây căn nhà cho chính mình thì chắc chắn ông đã làm nó khác hẳn. Bây giờ ông phải sống trong căn nhà mà chính ông đã xây một cách cẩu thả.

IV. DIỄN NGHĨA

1. Hai đặc tính của hôn nhân : yêu thương và truyền sinh

Gia đình là nơi mà con người thể hiện tình yêu thương và được yêu thương. Gia đình cũng là nơi mà một mầm sống mới chào đời, nơi mà một đứa bé được sinh ra. Đó là hai nét căn bản của đời sống gia đình : một cộng đoàn yêu thương và truyền sinh.

Thế nhưng, ngày nay một số người nam và người nữ thích sống chung với nhau trong một mái nhà, như vợ chồng và đồng thời cũng muốn có con với nhau, mà không theo cơ cấu gia đình, tức là không cần phải là vợ chồng chính thức với nhau, nhưng vẫn chung sống và có con với nhau.

Ngoài những văn kiện quan trọng đề cập đến đời sống gia đình như Thông Điệp Humanae Vitae của ĐGH Phaolô VI (25/ 07/ 1968),Tông huấn Familiaris Consortio ( 22/ 11/ 1981), Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong “ thư gửi các gia đình ” ngày 02/ 02/ 1994 nhấn mạnh đến yếu tố : người nam và người nữ được Thiên Chúa tạo dựng không phải giống hình ảnh các con vật mà là giống và hoạ lại hình ảnh của Thiên Chúa. Và chỉ có con người gồm nam và nữ mới được dựng nên như thế ! Đời sống của Ba ngôi Thiên Chúa cũng giống như một gia đình mà yếu tố then chốt của sự hiệp thông nầy là Tình Yêu. Thiên Chúa thì vô hình. Tình yêu của Thiên Chúa là tinh thần. Đôi vợ chồng hoạ lại tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu vừa xác thể vừa tinh thần, là sự hiệp thông giữa hai nhân vị. Và vì giống Thiên Chúa, nên tình yêu giữa hai vợ chồng cũng phải có tính cách bền vững và vô vị lợi.

Tình yêu vợ chồng là bền vững vì : khế ước tình yêu hôn nhân được đóng ấn dưới cái nhìn của Thiên Chúa và không một quyền lực nào của con người có thể huỷ bỏ, vì chính Thiên Chúa Tạo Hoá đã ban hành luật ấy. Vả lại các Ngôi Vị Thiên Chúa không yêu thương nhau một thời gian rồi thôi, mà là đời đời.

Tình yêu vợ chồng là vô vị lợi vì : giống như Ba Ngôi Thiên Chúa, đôi hôn phối không chỉ trao ban những gì mình có mà là chính bản thân mình.

Yêu thương trong sự bổ túc cho nhau và cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản, giáo dục con cái, là hai mục đích chính của đời sống gia đình. Không có chuyện loại trừ một trong hai yếu tố nầy trong cuộc sống gia đình. Người ta không thể chỉ cần lập gia đình để thể hiện tình yêu thương nhau và loại bỏ chuyện sinh con, hay ngược lại. Cũng như ơn gọi của con người trong đời sống gia đình “ được xây dựng trên mối quan hệ bất khả phân ly giữa sự kết hợp và truyền sinh, như là Thiên Chúa muốn và con người không thể tự ý bẻ gãy ” (Humanae Vitae số 12) Việc thể hiện lòng yêu thương đưa tới chổ kết hiệp hai tâm hồn và hai thân xác, theo tự nhiên và do ý Thiên Chúa muốn, phải dẫn đến việc sinh con cái. Không thể ngăn cản hoặc loại bỏ tiến trình sinh con trong việc phối hợp vợ chồng mà không đi ngoài thánh ý Thiên Chúa. Tông huấn còn nhấn mạnh đến việc vợ chồng khi chỉ yêu nhau rồi sinh con, nhưng còn là sinh con có trách nhiệm, là giáo dục con cái nên người tốt về mặt đạo cũng như mặt đời. Có như vậy cha mẹ mới làm tròn bổn phận của mình trong đời sống gia đình.

Mẹ Têrêsa Calcutta nói : “ Con cái là quà tặng của Thiên Chúa cho gia đình. Mỗi đứa trẻ, là độc nhất vô nhị, được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa để : yêu thương và được yêu thương. Cần quan tâm và yêu thương trẻ con, nếu thế giới nầy muốn tồn tại, vì trẻ con chính là niềm hy vọng cho tương lai nhân loại. Một khi chúng ta, những người lớn tuổi sẽ về trình diện Chúa, thì chính lớp trẻ sẽ kế thừa sự nghiệp của chúng ta “

Hãy xem Thiên Chúa nói gì với chúng ta : “ Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta ” (Is 49, 15-16 ). Mỗi một con người, từ khi còn là bào thai đều được khắc ghi trong lòng bàn tay của Thiên Chúa và được Chúa mời gọi để sống yêu thương và được yêu thương, không chỉ nơi cuộc sống nầy mà thôi, mà là mãi mãi. Vì Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta.

Gia đình là cung thánh của sự sống. Chính từ gia đình mà Thiên Chúa ký thác cho người nam và người nữ sứ mạng truyền sinh, “ lưu truyền hình ảnh của Thiên Chúa từ này sang người khác”. Cha mẹ chính là những cánh tay sáng tạo nối dài của Thiên Chúa. Sứ mạng của gia đình thật lớn lao không chỉ ở việc sinh ra một con người mới cho nhân loại mà còn là giáo dục con cái nên người hữu ích trước mặt Thiên Chúa và loài người. Càng ý thức sứ mạng của mình, thì các bậc cha mẹ càng phải chăm chút đào tạo cho con cái, lưu truyền một thế hệ mai sau tốt đẹp, để khỏi như người thầu khoán trong mẫu chuyện trên đây, khi xây nhà cho mình thì lại cẩu thả và đành chịu sống trong căn nhà xấu xí mà chính mình đã xây đến hết đời.

Con cái là mùa xuân của gia đình và xã hội.

Mỗi một người được sinh ra trên đời là một quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa ban cho cha mẹ va nhân loại. Bởi vì chỉ có con người là sinh vật duy nhất trên trần gian nầy được Thiên Chúa dựng nên vì chính nó. Trong thánh ý thẩm sâu đời đời của Thiên Chúa, Ngài đã yêu thương và mời gọi một con người bước vào cuộc sống trên trần gian nầy, cùng với sức khoẻ, tài năng, kể cả những khiếm khuyết của cơ thể người đó, như tật nguyền chẳng hạn. Chính Chúa đã dựng nên con người đó vì chính nó. Đồng thời, con người còn được diễm phúc thông dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa. Đức Kitô đã chẳng nói : “ Ta đến để cho con người được sống và được sống dồi dào ” (Ga 10, 10). Điều đó nói lên phẩm giá cao quý của sự sống con người : không chỉ sống cuộc sống trần gian nầy mà còn cả cuộc sống vĩnh cửu nữa. Phẩm giá cao quý nầy áp dụng cho mọi con trẻ dù còn là bào thai trong dạ mẹ, thì nó đã là con người và là con người mà Chúa muốn dựng nên, là con người đã hiện diện trong chương trình từ đời đời của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, dịp Lễ Thánh Gia, lúc đọc Kinh Truyền Tin năm 1998 đã nói “ con cái là mùa xuân của gia đình và của xã hội ” , theo nghĩa, mỗi gia đình hãy bắt chước Thánh Gia Nazarét khi cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng con cái thì hãy làm sao cho đứa con của mình nên như những nụ cười rạng rỡ, ban tặng cho đời. Hiều theo nghĩa nầy thì con cái là quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho cha mẹ trong đời sống gia đình, chứ không phải là vật sở hữu của cha mẹ. Vì thế con cái có những quyền lợi của nó xét như một con người, ngay cả khi nó còn là bào thai trong dạ mẹ. Không ai có quyền xâm phạm đến sinh mạng của nó.

Gia đình xây dựng nền văn minh tình thương.

Chính từ gia đình mà người ta học để trở thành người, nam hay nữ, khi hấp thụ một nền giáo dục nhân bản. Chính từ gia đình mà con trẻ học hỏi để bước vào cuộc sống xã hội. Và cũng chính từ gia đình kitô hữu mà chúng ta nhận được nền giáo dục Kitô giáo. Khi nói về vai trò của gia đình trong việc kiến tạo nên văn minh tình thương, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II muốn rằng cả nhân loại phải trở nên một đại gia đình. Giáo Lý Công Giáo dạy, theo truyền thống, thì tất cả nhân loại đều phát xuất từ một tổ tiên duy nhất là ông Adong và bà Evà, do đó, chúng ta được mời gọi trở nên một gia đình duy nhất, bất kể mầu da hay chủng tộc, vì tất cả chúng ta có cùng một màu đỏ của máu. Nền văn minh tình thương xuất phát từ chính mỗi gia đình. Nền văn minh nầy đặt nền móng trên tình yêu chân chính. Một tình thương không vụ lợi, hoạ lại hình ảnh tình yêu của Ba ngôi Thiên Chúa. Và chính Gia đình Nazarét là hình ảnh của Gia đình Thiên Chúa ba ngôi. Thánh gia Nazarét là khởi điểm của biết bao gia đình thánh thiện khác, Đức Gioan-Phaolô II nói.

Gia đình là cung thánh nhỏ, nơi tình yêu Thiên Chúa ngự trị. Thật thế, không có nơi nào và không có gì diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho bằng những sinh hoạt thường ngày của gia đình công giáo đích thực. Mỗi sáng, nếu không đến nhà thờ được, mọi thành viên trong gia đình quây quần chung quanh bàn thờ nhỏ của gia đình để đọc kinh, cầu nguyện, dâng một ngày sống mới cho Chúa. Những bữa cơm gia đình cũng được bắt đầu bằng việc đọc kinh, cầu nguyện cám ơn Chúa đã thương ban cho được no đủ. Buổi tối, sau một ngày làm việc vất vả, cả gia đình lại tề tựu quanh bàn thờ gia đình, dâng lên Chúa những nhọc mệt của một ngày sống đã qua, đêm ngủ sắp đến và cám ơn Chúa vì mọi ơn lành hồn xác. Chính qua việc tề tựu quanh bàn thờ gia đình để đọc kinh cầu nguyện, mà mọi người cảm nhận được sự hiện diện thân tình của Chúa trong gia đình mình.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa Cha, là Tình Yêu và là Sự sống,
Là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất,
Nhờ Đức Giêsu Kitô, con một người phụ nữ
Và Chúa Thánh Thần, nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa
Xin hãy làm cho mỗi gia đình trên mặt đất nầy
Trở thành cung thánh thật sự của sự sống và tình yêu
Hầu mọi thế hệ được canh tân không ngừng.
Xin Người hướng dẫn tư tưởng và hành động
Của các đôi vợ chồng hướng đến những thiện ích cao cả nhất
Của toàn thể gia đình nhân loại;
Xin cho những người trẻ gặp thấy ở gia đình
Một nơi nương tựa không lay chuyển
Giúp họ sống có tình người hơn và thăng tiến
trong chân lý và tình yêu;
Xin cho tình yêu,
được củng cố bởi ân sũng của Bí tích Hôn Phối,
vượt thắng những yếu đuối cũng như những khủng hoảng
mà đôi khi các gia đình gặp phải;
Sau cùng, chúng con cầu xin,
nhờ lời câu bàu của Thánh Gia Nazarét,
Hội Thánh có thể gặt hái được những kết quả
qua sứ mạng của mình, trong các gia đình,
nơi mọi quốc gia trên toàn thể giới,
Chúa là Sự Sống, là Chân Lý và Tình Yêu, hiệp nhất với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen (Lời cầu của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cho các gia đình)

VI. HỌC TÔNG HUẤN

“ Mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh của Thiên Chúa từ người nầy sang người khác trong hành động truyền sinh ” .

VIII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG Ở ĐÓ CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI

California , ngày 19 tháng 2 năm 1989

Kính Cha,
Hôm nay là kỷ niệm ngày thành hôn thứ mười chín của chúng con, cũng là mười bốn năm con xa quê hương, nơi một chân trời xa tít. Rất xa về địa lý, về không gian, nhưng lại rất gần về tâm tình, tâm tình mà ngày hôm nay đây, sau mười chín năm, con dành những trang giấy này gửi về Cha, để qua đó, có dịp con hồi tưởng lại những năm tháng êm đềm và đáng nhớ.

Hai mươi năm trước,
Sàigòn mùa Giáng Sinh 1969,

Con đến thăm Cha một ngày gần lễ Noel trong ngôi thánh đường nhỏ bé, tràn đầy tình cha con, mùa cưới năm đó đã về. Với những xe hoa, với pháo hồng, với quần áo rực rỡ của những gia đình có con cái lấy vợ lấy chồng, làm lòng nhiều người đã trải thì bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của riêng mình, còn những kẻ chưa bước vào thì nặng dệt những trang thư tình của đời mình và mơ tưởng một tương lai thời tuyệt đẹp.

Con thuộc vào lớp những người sau, nghĩa là những người đang chuẩn bị cho cuộc xe hoa, pháo hồng của đời mình và đang dệt mơ ước với một tương lai sáng sủa, hạnh phúc.

Thưa Cha con yêu anh Thọ.
Mấy tuổi ?
22, Hơn tuổi con.
Có đạo không ?
Thưa Cha có.
Trầm ngâm ít phút, không gian như chùng lại, con mân mê tà áo, rồi sau đó len lén nhìn Cha, đoán xem Cha sẽ nói gì về điều đó, ánh mắt Cha đăm chiêu.

- Cha rất mừng cho con, vì con dám quyết định, và chỉ mình con quyết định, điều con phải quyết định. Cha tin tưởng rằng con đã cầu nguyện nhiều trong việc hệ trọng này. Cha chỉ hỏi con hai câu thôi, để có thể hình dung ra được rồi đây cuộc sống hôn nhân của chúng con sẽ như thế nào.

Hạnh ạ, riêng Cha đây, khi suy nghĩ về sự tội lỗi trong thế gian này, và kéo theo nó là sự đau khổ, các Cha thì có niềm xác tín được nguồn cội và hệ lụy của tội lỗi trong loài người chúng ta. Nhưng quanh chúng ta, rất nhiều người không cùng niềm tin, họ không thể lý giải được sự đau khổ hiện hữu, và hướng giải quyết. Và theo họ, ngoài cái gọi là duyên và nợ, thì vào cuộc đời hôn nhân là khởi sự một canh bạc lớn thứ hai trong cuộc đời.

Canh bạc lớn thứ nhất là bước vào cuộc sống, nhiều người không có niềm tin, họ phàn nàn rằng họ sinh không trúng kiếp, không trúng ngôi sao, không trúng chủng tộc, quốc gia và gia đình, thậm chí không trúng cả phái tính nữa, là nam họ ước là nữ, là nữ họ thích là nam.

Anh ta hơn tuổi con, bình thường nói lên sự trưởng thành, chín chắn, và có thể có sự khôn ngoan và tế nhị trong cách đối nhân xử thế, vì cuộc đời đã ít nhiều dạy cho anh ta.

Anh ta có đạo, bình thường nói lên sự căn bản nào đó anh ta có được, và với thời gian, Chúa Thánh Thần sẽ tác động để anh ta tìm hiểu về đạo, sống đạo, sống chứng nhân giữa lòng đời.

Cha hy vọng ít nhất cũng phải được một, mà là điểm hai, còn điểm một thì bù đắp lại cách khác.

Cha rất băn khoăn về đạo đức và việc sống đạo, sống nhân chứng của các vợ chồng công giáo. Rất mỏng manh và hời hợt. Hoàn cảnh xui nên như thế, rồi gánh nặng sinh nhai, con cái . . . . . chất nặng trên vai họ để họ càng không có dịp học, hiểu về đạo, thì lấy đâu ra việc sống đạo cho tốt đẹp được. Họ và tiếp theo đó, con cái, cháu chắt họ.

Hạnh con,

Con cứ thử ngồi tưởng tượng ra xem sự đau khổ tinh thần như thế nào và sẽ là bao nhiêu, khi hai người chung sống cả đời, mà lại không chung một lý tưởng, không nhìn về một hướng.

Nghèo nàn, có khi này khi khác, nay khác mai. Khổ sở cơ cực, sẽ có khi phú túc. Giả sử vợ chồng giàu có mà không chung một chí hướng trong gia đình, thì sự bất hạnh đã nhiều ; tệ hơn, nếu nghèo khổ vật chất, mà tinh thần không đồng tâm thì cái khốn khổ kia sẽ gia tăng gấp mấy lần ?

Có lắm khi, nghĩ ngợi về thân phận con người, Cha thấy đàn bà nên thánh dễ hơn đàn ông, vì cuộc sống của đàn bà thiệt thòi quá nhiều, đau khổ quá nhiều và cay đắng quá nhiều. Được mấy ngày vui trong cuộc sống, còn lại là ưu tư, lo lắng, buồn phiền.

Còn nhỏ, chẳng ở với cha mẹ được bao nhiêu, rồi đi lấy chồng, chưa cởi chiếc áo cưới ra đã khoác vào chiếc áo trách nhiệm, nó xù xì đầy gai nhọn, nó hôi hám và nặng nề. Nó không phải là sắt, chẳng phải là đá, cũng không là đất, không là lửa, nhưng nó cứng hơn sắt, nặng hơn đá, nóng hơn lửa, và mênh mông rộng lớn hơn đất, nó hiện diện nhưng gần như vô hình, lao vào nó, nó sẽ không cùng, bỏ nó chạy, nó sẽ đuổi theo, nếu không có đức tin, thì quả thật trách nhiệm đúng là một bản án vô lý và bất công.

Trách nhiệm sẽ đổ dồn lên vai chúng con, trách nhiệm như một người khách không mời mà vẫn hiện diện. Mình đã là con người thì không thể làm khác hơn, Cha vẫn lý thú với câu ; ” cho mà vui vẻ là cho gấp hai ” , ở đây Cha thử ví von : ” Vác thánh giá mà vui vẻ là vác được gấp hai ” .

Con hãy cảm thông và chia sẻ với chồng con, còn chồng con, Cha tin tưởng anh ấy sẽ được cảm hóa vì con, và chúng con sẽ hạnh phúc. Cuộc đời này cứ nhẩn nha dạy dỗ con người, sau khi đã đánh con người những làn roi rách thịt.

Tình yêu cũng vậy, không có món dọn sẵn, không có “ mì ăn liền ” trong tình yêu, mà phải dọn, phải chuẩn bị và phải chờ đợi, thậm chí cha mẹ dọn hạnh phúc để con cái hưởng.

Cha thông cảm sự lo lắng và những ước vọng của con lúc này, nếu con đã cầu nguyện, Chúa sẽ soi sáng cho con, Chúa không dựng nên con người rồi lại chúc dữ cho con người, Chúa không lập Bí Tích Hôn Nhân rồi lại tra án cho những ai bước vào.

Và một khi con đã cầu nguyện, bàn hỏi thì con hãy can đảm lên. Bước đi và vịn vào tay Chúa mỗi khi loạng choạng . . .. . .

Hôm nay đây,

Mười chín năm kỷ niệm của một lần cưới, cũng chính điều Cha tâm sự hôm trước trở thành bài giảng hôm lễ thành hôn, con đã khóc, khóc cái sung sướng của thiếu nữ lên xe hoa về nhà chồng, và khóc vì hạnh phúc đã có người Cha dõi theo trong cuộc hôn nhân của mình, ngần ấy hành trang, con tin tưởng Chúa sẽ rộng tay chúc phúc cho gia đình chúng con.

Mười chín năm qua.

Mười chín năm của cuộc chung sống đầy đủ những mặn ngọt chua cay. Nhưng chúng con đã biết lượm được những hạnh phúc trong cuộc sống, như lượm lặt vất vả mới có miếng ăn. Chúng con nhẩn nha lượm ra những hạt sỏi trong chén cơm, là sự hy sinh biết nghe nhau nói, và biết nói nhau nghe, không to tiếng ; biết lượm những ghen tương, nghi ngờ nhau như lượm những hạt phân chuột ra khỏi chén gạo, để nấu lên nồi cơm “ gia đình ” no ấm hạnh phúc.

Vào đời, chúng con không có gì ngoài một chút vốn liếng vật chất mà cha mẹ đôi bên trao cho ; nhưng chúng con có một vốn liếng tinh thần rất lớn chính, Cha đã trao cho chúng con, trong những lời chia sẻ thấm tình cha con trong ngày chúng con đến trước bàn thờ tỏ bày sự ưng thuận cách quyết liệt và tự do.

Một năm sau, chúng con sinh cháu đầu lòng, “ Thánh giá và Hồng ân ” , chúng con luôn sống tâm niệm đó, như hơn một lần Cha đã nói. Ba năm sau, chúng con có đứa con thứ hai, chúng con ghé thăm Cha, Cha hiền hòa cười và nói : ” Hoa hồng và Mão gai ” . Chồng con rỉ tai : ” Cụ khéo ví, vậy ta thử đến đứa thứ mười, cụ sẽ ví sau đây ” , mà thực, đứa thứ ba và cũng là đứa út, Cha vẫn nói :” Ồ nhỉ ! Lưỡi đòng và Máu thánh”.

Cha thật là Cha, và cứ thế, chúng con hầu như có những lời suy niệm sống động mỗi khi gặp thử thách trong cuộc sống hôn nhân của gia đình chúng con. Cha vẫn từng bảo chúng con : “Nhường nhịn nhau, tôn trọng nhau, yêu thương nhau là dấu chứng chắc chắn Chúa sẽ chúc lành cho gia đình”. Và quả thế, Chúa rộng tay trên cuộc sống của gia đình chúng con, kinh tế dồi dào, con cái ngoan ngoãn, vợ chồng hạnh phúc. Cha còn dặn dò :”Hạnh phúc gia đình như bầu trời, thử thách như áng mây, áng mây có bao phủ nhưng bầu trời vẫn là bầu trời, sau khi giông tố, biển sẽ bình an”.

Một sự chia sẻ mang đậm tình yêu, và chúng con cứ nghĩ, “ đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”, và chính tình yêu “ Đức Chúa Trời “ là lẽ sống trong gia đình chúng con mấy chục năm qua.

Cha kính mến,

Hồi tưởng lại và ghi những dòng này về Cha, chúng con xin Chúa xuống ơn trên Cha, như những sứ giả hoà bình đáng được trọng thưởng, để lời giảng của Cha cho các đôi tân hôn đang rộn ràng mùa cưới sẽ gặt được những hạnh phúc gia đình, một thứ hạnh phúc mà mười chín năm trước Cha đã nói :”Không có hạnh phúc dọn sẵn và không có mì ăn liền trong tình yêu”.

Chúng con sẵn sàng và tha thiết nếu như bây giờ, chổ ấy, Cha lại ngồi nhẩn nha nói với những kẻ hôm nay rằng nơi này, chổ này, năm xưa, đã diễn ra điều mà hôm nay đây, chúng con vẫn cứ cảm động khi nghĩ đến. Cha cũng hãy nói với họ như Cha đã nói cho chúng con :

Tất cả hạnh phúc của mình có, đều do hạnh phúc của mình cho.
Phải đi tìm, hạnh phúc không phải là quả chín treo lơ lửng, mà phải chọn hạt, gieo, tưới, chăm bón, bắt sâu, và mãi sau rốt mới là gặt hái.
Không có hạnh phúc dọn sẵn, cũng không có thứ hạnh phúc lạc soong.
Tất cả kho tàng trên trái đất, không sánh bằng hạnh phúc gia đình.

IX. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN: GIA ĐÌNH CUNG THÁNH SỰ SỐNG

GỢI Ý SÁM HỐI.

Có những nề nếp sinh hoạt của gia đình tôi, chưa được dâng hiến lên Chúa. Xin Chúa thương xót chúng tôi.
Sự sống của các thành viên trong gia đình, chưa được hoàn toàn hiệp thông vào sự thánh. Xin Chúa thương xót chúng tôi.
Chúng tôi chưa phát huy những giá trị căn bản của đời sống gia đình. Xin Chúa thương xót chúng tôi.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Đời sống gia đình là hoạ ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa muốn loài người sống gắn bó với gia đình, để tiến tới sự sống hoàn hảo trong Thiên Chúa. Vì thế, gia đình vừa là cái nôi vừa là cung thánh của sự sống. Chúng ta cùng cầu nguyện cho chúng ta và mọi người biết tôn trọng các giá trị căn bản của đời sống gia đình.

Gia đình được xây dựng như một Hội Thánh thu nhỏ. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh, nhất là cho hàng giáo phẩm chu toàn các bổn phận mình, để các gia đình Kitô-hữu nhìn lên Hội Thánh như một mẫu gương sống động, hầu xây dựng nếp sống hiệp thông trong yêu thương.

Thiên Chúa muốn cho loài người được sinh ra và lớn lên trong gia đình. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người nhận biết giá trị cao quí của gia đình là “trong thánh ý Chúa”, để mọi người luôn tích cực xây dựng tình liên đới và bảo vệ sự sống trong gia đình mình.

Gia đình là trường đào luyện đức tin, là nơi tiếp chuyển sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong gia đình Kitô-hữu, ý thức sứ mạng cao trọng của mình, để luôn thông truyền đức tin và sức sống ơn cứu độ của Chúa cho nhau trong gia đình mình.

Gia đình Kitô-hữu luôn có bàn thờ Chúa ngay giữa trung tâm nhà mình. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình công giáo trong họ đạo Chúng ta, thường xuyên cùng nhau đến trước bàn thờ Chúa để cầu nguyện chung, để dâng lên Chúa tất cả những niềm vui nỗi buồn của gia đình, để cảm tạ Chúa, để tạ lỗi với Chúa và với nhau, và để cùng cầu xin mọi ơn lành cho nhau.

Kết thúc: Lạy Chúa, chúng con cám đội ơn Chúa về những ơn lành Chúa ban: cho chúng con sự sống tự nhiên và sự sống của Chúa. Xin cho chúng con biết quí trọng nếp sống căn bản của gia đình, hầu phát triển “con người toàn vẹn” đến hồi viên mãn. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Amen.

X. TÌM HIỂU GIÁO LÝ VỀ SỰ SỐNG

1 Sự Sống là gì ?
Đó là món quà đẹp nhất mà ta đã lãnh nhận, ta phải san sẻ và truyền lại cách bình thường.
2 Tại sao ta phải tôn trọng sự sống con người ?
Bởi vì từ lúc thụ thai, con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Sự Sống là linh thánh, cũng như Thiên Chúa là thánh thiêng.
3 Còn đối với những người không tin Thiên Chúa thì sao ?
Họ cũng phải biết tôn trọng sự sống con người từ lúc thụ thai, theo nguyên tắc liên đới, được xem là nền tảng của mọi xã hội :”Anh em đừmg làm cho người khác điều gì mà anh em không muốn người khác làm cho mình”.
Người ta đã tôn trọng sự sống của ta từ lúc khởi đầu, lấy quyền gì mà ta lại cất đi sự sống của một con người, dù còn rất nhỏ bé, mà không xem đó như một kẻ gây hấn bất chính ?
4 Có nên nghiêng cứu trên phôi thai không ?
Nghiên cứu Nên, trong mức độ tiến hành trên chính phôi thai, và không được làm hại trên những phôi thai khác.
5 Phá thai có phải là một tội trọng không ?
Phải, bởi vì phá thai đụng chạm trực tiếp đến chính Thiên Chúa trong việc tạo dựng theo hình ảnh của Ngài : đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa. Thêm nữa, phá thai đụng chạm đến Chúa Giêsu Kitô, nơi thành phần nhỏ bé nhất của Ngài. Chúa Giêsu đã nói :”Điều gì mà anh em làm cho người bé mọn nhất của tôi đây, là anh em làm cho chính tôi”.
6 Phải kết tội những ai nhờ giúp phá thai không ?
Hành vi phá thai thì đáng kết án, còn hãy để Thiên Chúa phán xét người đó. Chính Ngài thấu suốt tâm can mỗi người.
7 Hành vi phá thai có thể được tha thứ không ?
Được, với điều kiện sớm hối lỗi và xưng tội với một linh mục. Tội nặng nhất “ hơn cả tội phá thai “ là nghi ngờ lòng thương xót của Chúa.
8 Ai chịu trách nhiệm trong việc phá thai ?
Đương sự yêu cầu phá thai giúp, những ai xúi giục, những người thực hiện và đáng kể hơn là các nhà cầm quyền cho phép phá thai.

XI. TẢN MẠN

Mùa Giáng Sinh không thể thiếu quà tặng. Quà tặng mang nhiều hình thức phong phú đa dạng. Các bạn trẻ rất nhạy cảm khi chọn quà tặng nhau. Từ những tấm thiệp Giáng Sinh đơn giản đến những món quà đắt giá, tha hồ chọn lựa tuỳ theo sở thích và túi tiền .

Nhưng điều quan trọng là bạn hãy nhớ rằng Đức Giêsu là quà Tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Mỗi quà tặng đều nói lên một ý nghĩa trao ban. Nếu đọc được ý nghĩa, món quà sẽ trở nên một thứ ngôn ngữ cao quí đáng trân trọng. Thân gởi đến các bạn trẻ câu chuyện sau đây như một món quà Giáng Sinh để cảm nhận.

Một đôi vợ chồng trẻ, Gim và Đêla, tuy nghèo tiền nhưng giàu tình yêu.

Giáng Sinh sắp đến, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng sợi dây cho chiếc đồng hồ gia bảo của chàng, nhưng nàng không đủ tiền mua. Mãi suy nghĩ, chợt nàng nảy sinh một sáng kiến. Nàng có một mái tóc dài óng ả mượt mà. Nàng rất quí và hãnh diện vì mái tóc của mình. Nàng quyết định đến tiệm cắt ngắn và đem bán mái tóc để mua tặng Gim sợi dây đồng hồ.

Hôm áp lễ Giáng Sinh, nàng từ phố về nhà cầm trong tay chiếc hộp rất đẹp đựng bên trong sợi dây đồng hồ mạ vàng mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình. Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quí mái tóc của nàng. Nàng tự hỏi không biết Gim có buồn lắm vì nàng đã cắt và bán nó đi không.

Về đến nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang ngồi đợi nàng. Tay chàng đang cầm hộp quà được gói cẩn thận. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng vẫn không nói gì cả. Cố trấn tĩnh, chàng trao cho nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ thật đẹp. Còn chàng, khi mở món quà từ tay vợ, cũng ngỡ ngàng không kém.

Chính lúc đó, Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ của chàng, món đồ quí nhất của chàng, để có đủ tiền mua bộ lược chải tóc tặng nàng. Phút chốc, cả hai đều cảm nhận họ đã tặng nhau những gì quí giá nhất, họ đã hy sinh tất cả cho nhau. (Sưu tầm)

XII. NGHỆ THUẬT SỐNG

Giữa giá rét của mùa đông,
Xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
Và bấp bênh của phận người,
Xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
Xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
Xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
Ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
Với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
Xin cho con dám sống như Chúa
Vì Chúa đã dám sống như con. Amen.

1318    17-04-2012 14:17:16