Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Gia Đình Sống Đạo - Tháng 11 năm 2007

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO 

THƯ MỤC VỤ số 10a:

Để có được lối sống thắm đượm tinh thần Tin Mừng nói trên, chúng tôi xác tín rằng gia đình Kitô giáo nắm giữ một vai trò không thể thay thế. Thật vậy, gia đình chính là mái trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục những đức tính nhân bản cũng như lòng đạo cho con người. Với tư cách là tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội, gia đình hãy quan tâm xây dựng và duy trì những giá trị vô cùng cao quý của đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo. Làm được như thế chính là góp phần tích cực vào sự phát triển vững bền của xã hội cũng như Giáo Hội.

DẪN GIẢI

Vai trò của gia đình trong cuộc sống đạo thời nay.
Thơ Mục Vụ muốn chúng ta cùng xác tín với Hội Thánh: Vai trò (nhiệm vụ) của gia đình là môi trường căn bản giáo dục đầu tiên.
Gia đình phải đào luyện con người sống nhân bản (đúng bản tính) và đạo đức. Có giáo dục như thế, có đào luyện như thế thì mới giúp được cho hôn nhân gia đình và xã hội nên tốt.
Cho được như thế, phải cố gắng cầu nguyện chung, thánh hoá Chúa nhật, luyện và giữ những đức hạnh gia đình: nhẫn nhục, thuận thảo, trung tín, chung thuỷ v.v.
Chính nền tảng thụ nhận được nơi gia đình mới giúp tạo được văn minh tình thương, văn hoá sự sống (chống tệ nạn phá thai, ly dị … )

CHUYỆN MINH HOẠ : NGƯỜI MỘT NHÀ

"Lạ thật, sao lại có quá nhiều người trên thế giới này, bất kể là người xứ nào, đều có những vấn đề giống y chang nhau như thế nhỉ! Cứ như là chúng ta đang sống trong một đại gia đình vậy". Tôi đã nghe một phụ nữ thốt lên câu nói này.
Tôi cũng thường tự hỏi, nếu đã là người một nhà, vậy có điểm tương đồng nào giữa các thành viên trong gia đình không? Có phải ta giống nhau bởi vì chúng ta cùng là con người, hay có một số đặc điểm nhận dạng cho thấy là chúng ta thuộc về nhau hay không?
Có một chuyện khá kỳ lạ xảy đến với tôi cách đây vài năm. Tôi tình cờ chuyện trò với một người phụ nữ ở nhà hàng mà tôi là khách quen. Chúng tôi không biết nhiều về nhau ngoài tên riêng, nhưng chúng tôi vẫn thường trò chuyện ít phút mỗi lần tôi ghé ăn tối.
Một hôm, bà này hỏi tôi: "Ông có một cậu con trai khoảng chừng tám tuổi phải không?"
"Không biết nó lại gây ra chuyện gì đây?" Tôi gật đầu xác nhận nhưng trong đầu thầm nghĩ vậy.
"Cậu bé rất thích đá bóng phải không?" Bà ấy hỏi tiếp.
Khi tôi gật đầu, bà ấy lại hỏi: "Có phải con trai tôi tuần trước đã thi đấu ở sân bóng "ấy ấy" không?" Lại một lần nữa tôi đồng tình với điều bà nói.
Lần này bà ta mỉm cười và nói: "tôi đã đoán trúng phốc. Ngay khi nhìn thấy thằng bé, tôi đã nghĩ nó phải là con trai ông".
Có cả ngàn đứa bé trong thành phố này. Bà ấy làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi kêu lên: "Tôi không biết là nó lại trông giống tôi đến thế!"
"Ồ, tôi đã nhìn thấy mặt cậu bé đâu nào!" Bà ta trả lời và cười một cách bí hiểm.
- “ Vậy làm sao bà biết nó là con trai tôi?" Đến lúc này thì tôi thấy thật sự tò mò.
Bà ấy giải thích: "Hôm đó tôi đang ngồi trong xe và thấy một cậu bé đầu đội mũ lưỡi trai đi ngang qua sân bóng. Nó có tướng đi giống hệt ông! Tôi về nhà và kể cho con trai tôi nghe chuyện này. Ông biết chuyện gì xảy ra không? Thằng bé đã bỏ ra ba tuần liền để tập một kiểu đi khác! Nhưng kết quả là … nó đã thất bại! Đúng là "Giỏ nhà nào quai nhà nấy" mà!
Nói sâu xa hơn, có thể cái cách chúng ta bước đi trong cuộc đời này như là một dấu hiệu nhận dạng của gia đình. Có những người đi đứng dịu dàng và uyển chuyển; nhưng cũng có nhưng con người có dáng đi cứng cỏi và mạnh mẽ. Có người có dáng hiền lành, nhưng lại có người có dáng đi như đang sợ hãi, rụt rè. Có người có dáng đi vui vẻ, bình yên. Có người có dáng đi nhân hậu, thư thái, khoan thai. Nhiều người có dáng đi tự tin và tràn trề hy vọng.
Nếu là người trong một nhà, chúng ta sẽ gắn bó với nhau bởi những nhu cầu và niềm hy vọng chung. Đây là những điều vô hình, nhưng mọi người sẽ luôn nhận ra chúng ta qua cách chúng ta bước đi trong cuộc đời.

DIỄN GIẢI

"Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con đặng làm người. . . lại cho con đặng Đạo Thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội thánh nữa". Phải, chúng ta phải ngàn lần tạ ơn Chúa về những điều ấy. Chúng ta cần xác tín cách mạnh mẽ rằng: không phải ngẫu nhiên mà tôi có mặt trên đời này, không phải tình cờ mà tôi được snh ra trong gia đình này, có những người thân này với những điều kiện sống này; càng không phải vô tình mà tôi trở thành một Kitô hữu, thành con cái của Chúa và Hội thánh. "Tất cả là hồng ân", là tình thương, là sự an bài tuyệt vời của Chúa dành cho chúng ta.

Có thể nói là chưa bao giờ tình trạng khủng hoảng về đời sống hôn nhân gia đình lại xảy ra cao như trong thời đại ngày nay. Tình trạng ly dị, sống thử, bạo lực trong gia đình càng ngày càng tăng cao. Trước tình hình đó, Giáo hội Công giáo vẫn kiên vững trong lập trường của mình "cấm ly dị". Đó cũng là mệnh lệnh tình yêu của Chúa mà Giáo hội là Hiền thê của Ngài phải hết lòng tuân giữ và truyền dạy cho con cái của mình. Giáo hội trân trọng đời sống hôn nhân gia đình. Bởi lẽ, gia đình là một Giáo hội thu nhỏ mà mọi thành viên trong đó có bổn phận sống liên đới với nhau, yêu thương nhau và giúp nhau nên thánh. Mỗi gia đình Kitô giáo phải trở thành đèn sáng cho những người xung quanh nơi mình đang sống.

Trở thành gia đình có đạo thì dễ nhưng trở thành một gia đình sống đạo thì đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực và cố gắng của mỗi thành viên trong gia đình mà đứng đầu là cha mẹ. Một gia đình sống đạo trước hết là sống trọn vẹn Bí tích Hôn phối. Với Bí tích này, hai người nam nữ tạo thành một cộng đoàn tình yêu được ví như một Giáo hội thu nhỏ. Thực tế Giáo hội là Bí tích, tức là dấu chỉ và khí cụ biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, thì gia đình là nơi ưu việt nhất để tính cách Bí tích ấy của Giáo hội được thể hiện.

Một gia đình sống đạo còn là sống vai trò chứng nhân Chúa Kitô của mình. Bổn phận này chỉ có thể chu toàn với sự cộng tác của mỗi thành viên trong gia đình. Do đó, trong khi chu toàn bổn phận làm chứng của gia đình, mỗi người cũng quan tâm đến những người khác để tất cả được liên kết với nhau trong cùng một quyết tâm làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

Gia đình sống đạo là sống đức tin mà mình đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội cách tròn đầy hơn. Có thể nói, món quà cao quý nhất mà mọi thành viên trong gia đình trao tặng cho nha chính là đức tin. Chỉ khi nào đức tin được giữ vững thì tình yêu giữa hai vợ chồng mới được đảm bảo. Không có đức tin thì tình yêu hôn nhân và gia đình giống như một ngôi nhà xây trên cát mà thôi. Chỉ trong đức tin, các thành viên trong gia đình mới trở thành cộng đoàn sống đức ái và thật sự trở nên thánh thiện như Cha trên trời.

Gia đình sống đạo còn phải là gia đình biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Đọc Kinh Thánh trong gia đình là cách đọc Kinh Thánh đặc biệt hữu ích. Khi tình yêu gia đình được củng cố bằng Lời Chúa, họ sẽ có sức thắng vượt những khó khăn trong đời sống. Lời Chúa sẽ thành chất keo kết nối mọi người lại trong tình yêu Chúa và trong sự hiệp thông với nhau.

(Theo "The key of happiness for Christian families" của D. Wahrheit.)

Cầu nguyện:

Xin Chúa cho mỗi gia đình Kitô hữu chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương, phục vụ, sống đức tin, đón nhận và sống Lời Chúa, để nhờ đó chúng con trở thành con cái của sự sáng, góp phần làm sáng lên ngọn lửa tình yêu gia đình đang có chiều hướng tàn lụi, theo gương gia đình Thánh Gia ngày xưa. Amen.

KIỂM ĐIỂM:

Tôi có nghĩ: hôn nhơn (lấy vợ lấy chồng) là một khuynh hướng tự nhiên, chỉ để làm thoả mãn tính dục thôi không?
Qua giai đoạn dậy thì, tới lúc phải kết bạn, chỉ như thế thôi, không nghĩ chi khác! Như thế tôi có phải là người trưởng thành chưa?
Tôi có nghĩ, hôn nhơn là phận sự, là nhiệm vụ truyền sinh và nuôi dạy con cái?
Tôi có tôn trọng việc giao hợp không? (Thay Chúa tạo dựng).
Tôi có nhận định: sống hôn nhân tốt, là sống hạnh phúc không?
Sống hôn nhân là sống bổ túc cho nhau, tạo phúc cho nhau?
Không biết sống hôn nhơn là vô phúc, Biết sống hôn nhơn là hạnh phúc.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu sống trong gia đình Nagiarét, Ngài dùng thần tính Ngài mà thánh hoá gia đình. Mọi tín hữu đều có gia đình, họ phải làm cho gia đình mình sống đạo. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho các gia đình:

- Chúa phán: “ Những ai lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành, chính là Mẹ và anh chị em tôi ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh đoàn kết sống đạo, trở nên như một đại gia đình những người con của Chúa.

- “ Này ông Giuse, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, vì Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi ” . Chúng ta cầu nguyện cho các gia trưởng luôn biết bảo vệ gia đình, khỏi những hiểm nguy của sự dữ, tội lỗi và các tệ nạn xã hội.

- “ Thiên sứ vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà ” . Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình Kitô-hữu, trở thành Cung thánh sự sống, là nơi truyền đạt đức tin, và là mái ấm tình thương trong Chúa.

- “ Đức Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, rồi trở về nhà ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình trong họ đạo chúng ta, biết làm phát triển sự sống Chúa ban, yêu thương và phục vụ lẫn nhau, cho tất cả được trở về nhà Cha trên trời.

Kết thúc: Lạy thánh gia Nagiarét, xin Ba Đấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con, khi vui cũng như lúc buồn, để trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống, chúng con vẫn luôn chúc tụng Chúa, cho đến ngày được sum họp với Ba Đấng trong Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

HỌC KINH THÁNH:

Bài 23: Chiếm thành Giêricô (Gs 6,1tt)

1/ Qua trình thuật chiếm thành Giêricô dạy ta những bài học gì?
Qua trình thuật trên dạy ta những bài học sau:
Chứng tỏ Thiên Chúa quyền năng. (x.Gs 6,1-16).
Chúa cứu giúp những ai tin tưởng kêu cầu Danh Chúa. Cụ thể như bà Rahab (Gs 6,22-23).
Chúa không chê những con người bất lương, tội lỗi. Hễ ai tin tưởng vào Chúa thì sẽ được cứu giúp.
Rahab được liệt kê vào gia phả của Chúa Cứu thế (x.Mt 1,5).
2/ Trong Tân ước địa danh Giêricô được nhắc nhở trong những dịp nào?
Đ ịa danh nầy được nhắc lại trong Phúc âm vào những dịp sau đây:
Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x.Lc 10,29tt).
Chúa chữa người mù thành Giêricô (Lc 18,35; Mt 20, 29; Mc 10,46).
Và Giêricô nơi Giakêu người thu thuế được Chúa đến nhà ông (Lc 19,1).
Lời Chúa: "Tôi biết Đức Chúa đã ban cho các ông đất nầy, tôi biết vì các ông mà nỗi kinh hoàng ập xuống trên chúng tôi, và mọi dân cư trong xứ đều rụng rời hốt hoảng trước mặt các ông" . (Gs 1,9).

Bạn có biết:

Trong số những thủ lãnh dân Do thái chỉ có 2 người được vào Đất Hứa, đó là: Giosuê và Caleb (Đnl 1,35-40).
Tên 12 chi tộc Israel : Ruben, Gat, Giuđa, Êphraim và Mơnassê (Ephraim và Mơnassê là hai con của Giuse được nhận hai phần), Zabulon, Itxakha, Lêvi, Ase, Nepthali, Đan, Simêon và Bengiamin (x.Gs 13-19). Khi chia đất thì chỉ 12 chi tộc được nhận, chi tộc Lêvi không có phần.
Cầu nguyện: Xin cho con luôn biết cảm tạ hồng ân Chúa vì Ngài đã gọi con làm con cái Ngài. Amen.

HIỆP THÔNG

Đầu tháng 11, Hội Thánh nhắc thành phần tín hữu hiện thế, nhớ đến các thánh trên trời, và các đẳng nơi luyện ngục.
Đặc biệt nhớ và cầu nguyện cho các đẳng, cho nên gọi là tháng các đẳng.
Nghĩ sâu hơn, chúng ta có thể nói Hội Thánh nhắc chúng ta: SỐNG GIÁO LÝ HIỆP THÔNG.
Hiệp thông là hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi mà Một Bản Thể. Vạn vật Chúa tạo dựng khác Chúa. Vì Chúa không dựng nên cho ai khác, cho nên vật hay người phải hướng về Chúa và có thể kết hợp với Chúa.

Nguyên tổ đã làm đổ vở tình yêu hợp nhất. Chúa lại giáng thế cứu chuộc, tái tạo hợp nhất hiệp thông. Đó là qui tụ nhân loại thành một Đại gia đình cho Thiên Chúa.

Đại gia đình của Chúa là Hội Thánh gồm ba thành phần, cũng có thể nói ba tập đoàn: các thánh trên trời, các linh hồn nơi luyện ngục, và các tín hữu dưới thế. Các thành phần phải liên kết nhau.

Đó là hiệp thông.
Tín hữu, dầu có nhân vị cách biệt, nhưng không có quyền tự sống riêng cho mình, mà phải góp phần cho tập thể: Hiệp thông. Dầu mình nhiều khi không nghĩ đến, nhưng cuộc sống và hành vi của mình vẫn có ảnh hưởng đến tập thể, đến Hội Thánh.

Chúng ta vẫn biết: mình phải cầu cho các đẳng, các đẳng cũng có khả năng cầu nguyện cho mình: Hiệp thông. Các thánh cầu nguyện, nâng đỡ hướng dẫn, phần chúng ta nhờ các thánh nhưng cũng góp phần với các ngài ngợi khen, chúc tụng, cảm ta v.v.

Đối với tín hữu tại thế, chúng ta phải sống liên kết: Hiệp thông nhau.

Vì chúng ta đều là con cái của Chúa, là anh em nhau, hơn nữa, chúng ta nói được là cùng thụ hưởng một nguồn sống, sống chung một nguồn sống. Do đó, đau phiền hay hạnh phúc đều có ảnh hưởng đến cả đoàn thể. Chúng ta có thể nhớ câu: tội lây vạ tràn, cũng có thể đối: đức thông phước lưu.

Một vài kết luận:

Nhiều tín hữu chưa biết sống Hiệp thông, có khi không biết nữa.
Chưa sống hiệp thông thì đạo chưa tốt, và nói được chưa phải đạo tốt. Vì đạo là thương yêu, là hiệp thông.
Sống biệt lập ích kỹ. Hại cho mình, cho Hội Thánh và cho xã hội.
Sống chia rẽ không tạo an vui, mà lại gây hỗn loạn, giặc giã.
Chúng ta: tín hữu mong mỏi những gì? Đánh đổ hiệp thông, hay hoài bảo xây dựng?

GIA ĐÌNH & TÌNH YÊU

Chúng ta cảm nghĩ thế nào về gia đình? Mặc dầu chúng ta có thể nhận định: gia đình là ơn Chúa ban cho loài người kết hợp nhau.
Gia đình cũng là sứ mạng Chúa trao để truyền sinh và nuôi dạy con cái nên người tốt.
Gia đình cũng là môi trường cho mọi người trong nhà (gia đình) được phước và cùng góp phần cho xã hội được an bình vui sống.
Nói đến gia đình thì cũng thường phải nói đến tình yêu, nhưng tình yêu trong hôn nhơn như thế nào? Ngay giới thanh niên hiện nay vũng không suy nghĩ chu đáo.
Nhìn vào một cô gái có duyên … không biết từ đâu mà cậu trai bị luỵ do “tiếng sét ái tình” .
Thời xưa ông bà mình chú trọng đến gia tộc, nên chính cha mẹ, ông bà định đặt “chỉ đâu ngồi đó”.
Ông John Wu một đại sứ của Trung Hoa, trong quyển tự thuật, ông đã cho biết: Ngay trong giờ lạy gia tiên, ông chưa biết mặt vợ.
Thánh Tôma nói: Yêu là muốn sự lành, điều lành cho người mình yêu.
St. Exupéry lại nói: Yêu là cùng nhìn về một hướng.
Thiết nghĩ: theo thời nay, Thương … trước tiên (nói về gia đình) là hai người khác giới cảm thấy có khuynh hướng thu hút lẫn nhau = âm dương tương thôi, có từ thú tính. Chưa phải tình yêu.
Tiến lên một bước, thấy được tánh cách bổ túc cho nhau: đờn ông, vai u thịt bắp, tâm trí rộng rãi hơn, còn phụ nữ có thể dịu dàng trực giác tế nhị hơn nam giới. Có thể bổ túc cho nhau về đạo đức thiện hảo nữa. Do đó, muốn đồng nhứt hoá, để có được những chi bổ túc, và có được những điểm tốt của người mình thương vào sâu trong con người mình, cùng nhau nên một. Đó là tình yêu.
Chúng ta thỉnh thoảng cũng nghe nói: Hôn Nhơn tốt là tình yêu hiến thân gặp được tình yêu hiến thân. Yêu là hiến thân cho nhau. Không còn ích kỹ, mà chỉ muốn cho đôi bạn được vui, được phúc, dầu mình phải chiu khó hy sinh: thể hiện “cùng nhìn một hướng” .
Hình ảnh Chúa nhập thể và chết trên thánh giá là hình ảnh hiến thân triệt để.
Sống hôn nhơn tốt lành thánh thiện là cuộc sống hạnh phúc ngay ở trần gian. Chúa đã cho đôi bạn có điểm hạnh phúc trong khi kết hợp với nhau, để một phần dạy cho biết có hạnh phúc cao siêu tuyệt vời là kết hợp với Chúa.
Chúng ta chưa cảm nghiệm trong hiện tại, nhưng có thể tưởng nghĩ: thời gian và vĩnh cửu cách biệt, thì hạnh phúc hiện giờ và hạnh phúc ngày sau xa cách chúng ta không hiểu nổi.
Hãy cố gắng xây dựng gia đình, tạo nên một tế bào thương yêu hợp nhất: hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi một bản tính.
Chia rẽ là đổ vở, là hỗn loạn.
Hợp nhất là an hoà, là hạnh phúc.

QUỚI CHỨC TÌM HIỂU

4. Đường lối tu đức của người giáo dân hướng đến việc tông đồ (tiếp theo)

Lòng yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa thúc đẩy họ làm việc thiện cho hết mọi người, nhất là cho những người có cùng một niềm tin (x. Gal 6,10), từ bỏ "mọi gian ác, mọi lường gạt, giả trá, lòng ghen ghét và mọi lời nói hành" (1P 2,1) và như vậy họ lôi kéo mọi người đến với Chúa Kitô. Hơn nữa tình yêu của Chúa "giải khắp lòng ta do Chúa Thánh Thần đã ban cho ta" (Rm 5,5) làm cho giáo dân có sức biểu lộ thực sự trong đời sống mình tinh thần các mối Phúc Thật. Theo Chúa Giêsu khó nghèo, họ không tuyệt vọng khi thiếu thốn, cũng không kiêu căng khi dư dật. Bắt chước Chúa Kitô khiêm hạ, họ không háo danh (x. Gal 5,26) nhưng chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta. Họ luôn sẵn sàng bỏ mọi sự vì Chúa Kitô (x. Lc 14,26), và chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10) vì nhớ lời Chúa: "Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta" (Mt 16,24). Sống với nhau trong tình thân hữu của Chúa Kitô, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Nguyên lý đời sống thiêng liêng của mỗi người giáo dân phải mang sắc thái đặc biệt tùy theo bậc sống: đời sống hôn nhân và đời sống gia đình, đời sống độc thân hay góa bụa, trong tình trạng đau yếu, tùy sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội. Vậy mỗi người phải phát triển không ngừng những đức tính và tài năng ban cho mình, thích ứng với hoàn cảnh của mỗi đời sống, và biết lợi dụng những ơn huệ Chúa Thánh Thần ban riêng.

Ngoài ra, giáo dân theo ơn gọi của mình, gia nhập vào một trong những hiệp hội hay tu hội được Giáo Hội nhìn nhận, họ cũng cố gắng trung thành thể hiện những đặc tính của đời sống thiêng liêng đó.

Họ cũng nên kính trọng nghề nghiệp chuyên môn, ý nghĩa gia đình và ý nghĩa công dân cũng như những đức tính liên quan tới đời sống xã hội, chẳng hạn sự liêm khiết, tinh thần công bình, lòng thành thực, lòng nhân hậu, lòng quả cảm; không có những đức tính đó, không thể có đời sống Kitô hữu đích thực.

Gương mẫu hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ ấy chính là Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, Nữ Vương các Tông Đồ: khi sống ở trần gian. Người đã sống cuộc đời như mọi người, vất vả lo lắng cho gia đình, nhưng luôn luôn kết hợp mật thiết với Con mình và đã cộng tác vào công việc của Đấng Cứu Thế một cách riêng biệt; còn bây giờ, sau khi đã được đưa lên trời, "với tình yêu thương của người mẹ, Người săn sóc những đứa em của Con Mẹ, đang trên đường lữ hành, gặp nhiều nguy hiểm và thử thách, Người lo lắng cho tới khi họ về tới quê hương hạnh phúc". Mọi người hãy hết lòng tôn sùng Mẹ và phó thác đời sống và cả việc tông đồ của mình cho Mẹ coi sóc.

(Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 4)

Ý chính:

* Sắc Lệnh đã đưa ra những nguyên tắc để huấn luyện đời sống tinh thần và cá nhân của các giáo dân làm việc tông đồ:
- Làm điều lành và lánh điều dữ. Sống Tám mối phúc thật theo gương Chúa Giêsu.
- Thích ứng ơn Chúa Thánh Thần theo bậc sống của mình, nghề nghiệp, hiệp hội hay tu hội mình.
- Noi gương Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ.
* Quới Chức cần thực hành 3 điều trên đây, để dễ dàng chu toàn sứ vụ quới chức của mình.

* Cần kiên trì tập luyện nhân đức, tu chỉnh bản thân và gia đình mình trước.
Quan tâm đến Chức việc
- Lập phương án quan sát (sổ theo dõi, sổ họ...)
- Quan tâm đến các nhu cầu đạo đức (thánh lễ, kinh tối sáng, việc sùng kính, các bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể, Giải tội, Xức dầu, Hôn phối & Ơn gọi)
- Quan tâm các tình trạng sức khoẻ, kinh tế, nghề nghiệp, học vấn
- Ngăn ngừa những tệ nạn xã hội.

MẠN ĐÀM

“ĐẠO MÀ PHẢN ĐẠO”

Đất nước chúng ta, người Công Giáo thiểu số, nhưng vẫn có được ảnh hưởng khả quan. Do đó, có số tín hữu, ít thôi, vẫn tự phụ: Mình giữ đạo Chúa mạc khải, chắc chắn là không sai lạc, chắc chắn là hoàn hảo, cho nên ít nhiều khinh thường anh em.
Đúng ra theo đạo và giữ đạo có thể khác nhau, có khi đối chọi nhau nữa.
Xin nêu câu đối nầy cho vui:
Nhà đạo tự phụ: Ba cụ ngồi một cổ, cụ đủ điều, cụ chẳng sợ ai. Ba người đạo, có đủ điều không sợ ai (cái khó của câu đối nầy là chữ cụ có tới 3 nghĩa).
Giới người lương đối lại: Một đạo chẳng hai đường, đạo ăn trộm, đạo còn nói láo (đối rất xác ý, vì chữ đạo vẫn có 3 nghĩa, nhưng rất cay, vì mắng người đạo lại phản đạo.
Mình giữ đạo thế nào?
Đạo dòng : từ đời ông cố, ông sơ, tới phiên mình. Đạo dòng thành ra đạo chạy lòng vòng quanh nhà thờ … chưa vào trong.
Đạo gốc: xoài chanh lại trỗ ra thứ gì không ăn được, xoài mút, xoài nhớt chẳng hạn. Lạ thường!
Đạo gạo: (Thời xưa, bây giờ không còn). Giữ đạo để nhờ người đạo giúp cho sống.
Đạo vợ: Mê cô gái rồi theo đạo. Sau đó: Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi, Tôi lấy được vợ tôi thôi nhà thờ.
Giữ đạo theo lối thầy pháp: Cúng để ông tướng giúp mình chữa bệnh. Tướng không giúp thì dẹp luôn.
Theo lối Pharisêu:
Kể mình hơn: giành chỗ nhất.
Khoe mình ngoan đạo: đánh trống thổi kèn, đọc kinh bố thí.
Đọc kinh nhiều để bòn rút tài sản của những bà goá.
Mình giữ đạo không tốt mà vẫn khinh chê Publicanô!
Có một điểm mà tín hữu phải chú tâm: là giữ đạo bề ngoài, giữ đạo không ý thức.
Về điểm nầy có thể các nhà tu cũng phải chú tâm.
Theo đạo thì phải giữ đạo, mang tiếng người đạo mà không giữ đạo thì hại cho mình và cho xã hội nữa.
Đạo: “mến Chúa, yêu người” xem ra dễ, nhưng thật ra là một cuộc chiến đấu không ngừng và phải chiến thắng.
Không bao giờ nên tự phụ, luôn nương tựa tin tưởng vào Chúa, vững tâm tiến mãi.

SỐNG HAY CHỈ  LÀ HIỆN HỮU

Hằng năm, khi đến tháng 11, tháng mà Giáo hội dành riêng để tưởng nhớ đến các tín hữu đã qua đời, tôi cảm thấy như có một năng lực nào đó khiến tôi phải suy nghĩ về cùng đích của cuộc đời. Và thật sự tôi rất thích suy tư về vấn đề này.

Có một câu nói rất thời danh: "Tôi sống đến đến 60 tuổi nhưng tôi đã chết hồi 30 tuổi". Có thể nói, giai đoạn 30 năm sau của nhân vật này chỉ là hiện hữu chứ không còn là sống nữa. Bởi lẽ, anh ta sống mà như đã chết, sống vô nghĩa, sống cho qua ngày qua tháng mà chẳng biết mình sống để làm gì. Sống như thế thật là uổng phí. Hiện hữu mà không sống và không biết sống là vô tình đánh mất chính mình, đánh mất phẩm giá cao quý của mình, là tự  biến mình thành loài "vô tri" cách oan uổng. 

Cũng có không ít người đã chọn cho mình lối sống gọi là "sống vội". Họ vội vàng và tranh thủ hưởng thụ mọi thứ kẻo "không còn kịp nữa". Đó là lối sống mà nhà thơ Xuân Diệu có lần thốt lên: "Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi". Sống vội vã chỉ để hưởng thụ như thế thì cũng không gọi là sống thật, không đáng được gọi là sống, vì họ không lo làm việc mà chỉ lo hưởng thụ. Thánh Phaolô đã viết: "Ai không làm thì cũng đừng ăn" (2Tx 3, 10). Sống vội là lối sống ích kỷ vì chỉ tìm sống cho riêng mình. Đó cũng là lối sống của loài "vô tri" không hơn không kém. 

Lại cũng có không ít người xem cuộc sống trần gian này chỉ là hư ảo, giả dối và tạm bợ nên dẫn đến một thái độ sống bi quan và thất vọng. Họ chọn cho mình thái độ sống rất đáng chê trách "sống buông xuôi". Họ chấp nhận cuộc sống của "kiếp Lục Bình trôi". Họ không đảm nhận một nhiệm vụ nào và cũng không tham gia vào bất cứ một chuyện gì. Mọi diễn biến xảy ra trong cuộc sống thế nào thì mặc tình nó, miễn không ảnh hưởng gì đến tôi, và miễn tôi còn sống là được. Thật ra, niềm tin Kitô giáo cũng như một vài tôn giáo khác dạy rằng: "Trời đất này rồi sẽ qua đi", "Tất cả là hư vô" hay "Sắc sắc không không". Nhưng không vì thế mà ta không sống cho đúng đắn, sống có ý nghĩa cho mình và cho người khác. Thời gian ở trần thế này là một sự chuẩn bị cần thiết cho cuộc sống mai sau. Đánh mất giây phút hiện tại này, thì cũng đồng nghĩa với việc đánh mất cuộc sống mai sau.  

Lại có người chọn cho mình lối sống gọi là "sống thủ". Họ lo thu tích mọi thứ để làm "thành trì vững chắc" cho đời mình. Họ tìm mọi cách cho mình được sống lâu, "trường sinh bất tử" nhưng rốt cuộc rồi họ cũng phải đi về "chung số kiếp với tổ tiên", "ba tấc mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp" và của cải của họ sẽ về tay người khác. Đó là hạng người mà Chúa Giêsu không tiếc lời gọi họ là "đồ ngốc!".  

Thế thì, đâu là lối sống đích thực? "Sống thực" là sống tròn đầy giây phút hiện tại, là chu toàn mọi nhiệm vụ của mình: Đối với Chúa, đối với mình và đối với tha nhân. "Sống thực" là sống hạnh phúc trong từng phút giây hiện tại, trong công việc mình làm và sống trong niềm cậy trông vào Thiên Chúa tình thương. "Sống thực" là sống yêu thương, phục vụ, tha thứ và mưu cầu hạnh phúc cho người khác, là quảng đại cho đi, nhất là cho những ai đang cần sự giúp đỡ của ta. Sống như thế là được hạnh phúc ngay khi ở đời này và ngày sau được hưởng vinh quang thiên quốc muôn đời. "Sống thực" chính là để sống vĩnh cửu!

NGHỆ THUẬT SỐNG

THỜI GIAN

Người Mông cổ có kể lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Một hôm, con phượng hoàng hỏi con quạ: " Này anh Quạ, Tại sao anh sống trên cõi đời này đến 300 năm, còn chúng tôi chỉ sống có 33 năm thôi?"
Con quạ hỏi ngược lại: "Thế tại sao cô bạn chỉ uống máu tươi, còn chúng tôi chỉ sống bằng xác chết ?"
Con Phượng hoàng nghĩ ngợi hay là mình hãy thử ăn xác chết như loài quạ cho biết. Thế là cả hai cùng bay lượn để tìm mồi. Thấy một con ngựa chết thối, cả hai liền lao mình xuống. Con quạ như trúng số, nó ăn lấy ăn để một cách ngon lành. Con Phượng hoàng cũng làm theo, nó mổ một cái rồi dừng lại, nó lại thử một lần nữa nhưng lắc đầu bảo quạ:
- Này anh quạ, tôi không thể tiếp tục được, thà một lần được uống máu tươi còn hơn 300 năm ăn đồ hôi thối.
Quí vị và các bạn thân mến,
Nếu câu chuyện ngụ ngôn nào cũng hàm chứa một bài học, thì bài học của câu chuyện trên đây hẳn phải là một khoảnh khắc được sống một cách sung mãn, có giá trị hơn là một cuộc sống kéo lê trong bùn nhơ hôi thối.

Có những cuộc sống lê thê trong bùn nhơ hôi thối trụy lạc của tham nhũng, của ích kỷ, của hận thù, và cũng có những cuộc sống ngắn ngủi nhưng sung mãn. Một người do thái sống tại Alexandria bên Ai-cập khoảng 30 năm trước công nguyên đã ghi lại trong cuốn sách có tựa đề "Khôn ngoan" như sau: người công chính có sống ngắn ngủi cũng sẽ tìm được nơi an nghỉ. Tuổi thọ đáng kính đâu phải là tại nhiều năm hay đo bằng số tuổi, nhưng tuổi đời chính là sự khôn ngoan và cuộc sống thọ chính là một cuộc sống không vết nhơ.

Vì đẹp lòng Thiên Chúa, người công chính được Người yêu mến. Nếu phải sống giữa những tội nhân thì người ấy được Chúa cất đi, kẻo sự dữ làm phôi pha trí khôn hay gian tà quyến rủ tâm hồn. Bởi lẽ sự xấu làm mờ sự lành và đam mê quay cuồng làm tiêu tán tinh thần chất phát.

Một thi sĩ Ba-Tư sống vào thế kỷ thứ 13, trong tập thơ có tựa đề: "Bài ca những con chim" cũng đã tưởng tượng ra một con chim Chào Mào bay vút lên trời cao, một số chim khác cũng bay theo và cuối cùng bị sức nóng của mặt trời thiêu đốt, thế nhưng có tiếng vọng lại của bầy chim: "Thà bị đốt cháy vì đi tìm kiếm Chúa hơn là miệt mài trong bùn nhơ hôi thối."

Những ngày đầu năm, cuối năm , nhất là trong tháng 11 này, không thể không mời gọi chúng ta suy nghĩ về thời gian. Ai mà không mong được sống lâu. Ngày đầu năm được gặp nhau, lời cầu chúc đầu tiên trên của miệng mọi người là gì nếu không phải là "khang an trường thọ".

Người ta thường ca tụng muôn năm những người có địa vị trong xã hội, nhưng sự thật diễn ra trước mắt chúng ta từng giây từng phút là: mọi sự đều sẽ qua đi. Có sống trăm tuổi bạc đầu sau rồi cuối cùng phải qua đi. Thiên Chúa không thể cho con người sống mãi trong cuộc sống tại thế này, là bởi vì còn có một cuộc sống đáng quí hơn, đáng sống hơn. Đó là cuộc sống vĩnh cửu, có những giá trị cao cả gấp bội phần sự sống, sức khỏe và mọi thứ của cải trong trần gian này, do đó giá trị của cuộc sống không phải là tuổi đời chồng chất, không phải là danh vọng hão huyền rồi cũng tiêu tan theo mây gió mà chính là sự sống vĩnh cửu. Sống chính là đi tìm sự sống vĩnh cửu ấy, sống chính là dệt nên cuộc sống vĩnh cửu ấy qua từng khoảnh khắc của cuộc sống ấy. Sống như thế mới thật sự là sống sung mãn.

Lạy chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng mỗi một phút giây của cuộc sống chúng con là một ân huệ của chúa. Xin cho chúng con đón nhận và sống một cách sung mãn từng giây ấy. Trong tất cả mọi sự, xin Chúa cho chúng con biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu của nước trời.

Sưu tầm

LỜI CHÚA

“Khi Đức Giêsu được 12 tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ”. (Luca 2,42)

CHÂM NGÔN

Kết hợp tốt là tình yêu

1426    21-04-2012 09:29:46