Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Giáo Huấn Của Thánh Phaolô Về Gia Đình - Tháng 12 năm 2009

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 VĩnhLong

Vĩnh Long, ngày 12.11.2009

V/v Thánh Phaolô với Gia đình

Kính gởi : Các Linh mục
Các Tu sĩ Nam Nữ
Anh Chị Em Giáo dân trong Giáo phận Vĩnh Long

Trong Thư gởi giáo đoàn Eâphêsô, Thánh Phaolô viết như sau:
"Người làm vợ, hãy phục tùng chồng như phục tùng Chúa, vì chồng là đầu của ‘vợ cũng như Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh" (Eph 5,22-23)

"Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội ‘Thánh và hiến mình vì Hội Thánh" (Eph 5,25).

1. Chắc không phải tự nhiên Thánh Phaolô có ý nghĩ táo bạo nầy, là đem so sánh gia đình với Hội Thánh, dám đặt mối liên hệ vợ chồng bên cạnh mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Thật ra có một tương quan giữa Hội Thánh và gia đình: trước tiên, cả hai đều được thiết lập do bởi tình yêu, để làm thành một cộng đoàn tình yêu, sống tình yêu và làm chứng tình yêu.

Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, Ngài dựng nên con người có đôi có bạn (x. Sáng Thế 1,27; 2,22-23). Và Chúa đã liên kết người nam và người nữ trong tình yêu mật thiết, đến nỗi người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt (x. St 2,25; Phaolô nhắc lại trong Eph 5,31).

2. Trọng tâm của lời rao giảng của thánh Tông đồ là Đức Kitô và Hội Thánh, mà ngài gọi là Mầu Nhiệm Cao Cả (x. Eph 5,32). Mầu Nhiệm cao cả nầy được tỏ bày khi Con Yêu Dấu của Chúa Cha ( Mc 2,19) mặc xác phàm : TC biểu lộ lòng từ ái đối với nhân loại, làm cho con người dễ cảm nhận TC gần gũi thân thiết hơn những giao ước và những Lời Hứa trước kia.

Và trong công trình cứu chuộc, Thiên Chúa còn biểu lộ lòng thương xót của Ngài một cách kỳ diệu hơn nữa: Chúa Kitô đã liên kết đôi bên, Do Thái và Dân Ngoại, thành một. ‘Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất’ (Eâph 2,16). Các tín hữu đã được thanh tẩy và thánh hóa liên kết với nhau trong Hội Thánh như những bộ phận của một thân thể (Eph 5, 226-27.30, và ai nấy tùy thân phận của mình mà làm chi thể cho nhau (Roma 12,5).

3. Từ mối liên hệ siêu nhiên nầy, Thánh Phaolô dẫn đến liên hệ của các tín hữu trong đời sống hôn nhân:

"Hãy tùng phục nhau trong sự kính sợ Đức Kitô:
Vợ hãy phục tùng chồng, như thể đối với Chúa. Vì chồng là đầu của vợ, cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh (Eâph 5,21-13)

Chồng hãy yêu vợ, cũng như Đức Kitô đã yêu mến Hội Thánh, và phó nộp mình đi, ngõ hầu tác thánh. Tẩy sạch, là tắm rửa cho bằng nước và lời, hầu tự hiến cho mình một Hội Thánh vinh quang, không một vết nhơ hay nét nhăn(Eph 5, 25-27)

Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh (Eph,5,25), thìngười làm chồng hãy yêu thương vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng" ( Eph 5,33)

Chính trong đời sống hôn nhân mà đôi bạn thể hiện ơn gọi làm người của mình, khi họ noi theo gương yêu thương trung thành giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, và hằng ngày cố gắng làm cho tình yêu của họ được keo sơn, trở nên dấu chỉ của giao ước mà Thiên Chúa thiết lập với loài người, dấu chỉ của một tình yêu tuyệt đối trong việc Con Chúa mang xác phàm, tình yêu sắc son của Đức Kitô với Hội Thánh. Như thế Hôn nhân Kitô giáo được gọi là Bí Tích. Ngược lại, Bí Tích Hôn Phối cũng ban cho đôi bạn các ơn cần thiết để sống ơn gọi của mình.

"Đối với đôi bạn Kitô hữu, ơn Bí Tích là một ơn gọi và đồng thời cũng là một lệnh truyền phải trung thành mãi mãi, bất chấp các thử thách và khó khăn, với một lòng quảng đại tuân theo ý Chúa: Điều Thiên Chúa đã phối hợp thì con người không được phân ly"(Mt 19,6 ; x. Gioan Phaolô II, TH về Gia đình, 20).

Bởi vậy, Hội Thánh coi trọng hôn nhân Kitô giáo, và khi hôn nhân nầy đã hoàn hợp, thì tuyệt đối bất khả phân ly.

Cha mẹ có một lòng một ý xây dựng nhau trong tình thương quảng đại, thì con cái mới học biết sống yêu thương, hiếu kính đối với cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.

Mục Vụ cho hôn nhân, cho gia đình rất khẩn thiết nhất là trong một xã hội dung túng cho xu hướng ích kỷ, hưởng thụ.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân

  Giám mục Vĩnh Long

 

CHỦ ĐỀ: GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAOLÔ VỀ GIA ĐÌNH

I. THƯ MỤC VỤ số 19

Nói về giáo dục gia đình, chúng ta không thể không nhắc đến Thánh Phaolô, đặc biệt năm nay Giáo hội kỷ niệm sinh nhật thứ 2000 của Ngài. Giáo huấn của Thánh Phaolô về gia đình mở ra cho ta những chân trời mới khi mặc cho gia đình những chiều kích sâu xa: chiều kích Ba Ngôi và vĩnh cửu.

Theo Thánh Phaolô, mỗi một con người ra đời được kêu gọi vào sự sống “trong chân lý và tình yêu’’ (Ep 4,15). Sự kêu gọi đó không chỉ liên hệ đến cuộc sống trần gian nhưng còn hướng tới sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa Cha chính là nguồn gốc của mọi gia tộc trên trời dưới đất, là tình phụ tử mẫu mực tuyệt hảo (x.Ep 3,14-15). Mang mẫu mực tuyệt hảo đó trong mình, Kitô hữu, xuất phát từ gia đình, lên đường xây dựng một nền văn minh tình thương nhờ tình yêu “Thánh Thần đổ lai láng trong lòng chúng ta’’ (Rm 5, 5), giúp con người có thể kiên tâm phục vụ và “chịu đựng tất cả’’ (1 Cr 13, 7). Tuyệt vời hơn cả là nhờ Đức Kitô, nền giáo dục của con người được diễm phúc mang chiều kích cứu độ và đạt đến đỉnh điểm của nhân tính nơi mầu nhiệm Phục sinh (x.Ep 3, 14-15).

Với những lời khuyên chi tiết cho từng thành viên của gia đình trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Êphê-sô (x. Ep 5-6), Thánh Phaolô cho chúng ta thấy một quan niệm và giáo huấn của Ngài về h?nh phúc gia đình. Một gia đình có nề nếp, trên kính dưới nhường không những chỉ là một tổ ấm yêu thương, mà còn phản ánh tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội. Các thành viên trong gia đình cần hy sinh cho nhau, trong tâm tình của Đức Giêsu Đấng đã hy sinh và hiến mình cho Giáo Hội. Đó là khởi điểm của hạnh phúc và là điều kiện để đạt tới sự trọn lành.

Tóm lại, theo Thánh Phaolô, qua gia đình và giáo dục theo tinh thần Tin Mừng, con người vừa xây dựng xã hội trần gian cách tích cực, vừa chu toàn được sứ mệnh xây dựng Giáo Hội và cuối cùng được siêu thăng cùng với Đức Kitô toàn thắng.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

SO SÁNH

Anh không còn nhớ chính xác từ lúc nào nhà mình không còn nghèo nữa. Chỉ biết là giờ đây thích ăn gì, mua gì, làm gì…cả nhà mình đều có thể dễ dàng thực hiện được mong muốn đó mà chẳng phải đắn đo, suy tính. Tất cả những điều đó là kết quả của những tháng năm dài vợ chồng mình làm lụng, chắt chiu. Anh không phải là kẻ thích làm nô lệ cho đồng tiền nhưng anh hiểu giá trị của nó. Anh thấm thía những giọt mồ hôi mặn đắng đọng lại trong những đồng tiền chúng ta kiếm được. Vì vậy, anh mới nhắc nhở em về những khoản chi tiêu vô tội vạ mà đôi khi chính em cũng không biết đã chi tiêu vào việc gì. Nhưng điều đó cũng không khiến anh buồn lòng bằng khi nghe chị Hai nói: “Mợ Ba mua bộ đồ bằng mấy tháng tiền gạo của nhà tui”. Một sự so sánh làm anh đau thắt cả ngực em à.

Chị Hai và mấy đứa cháu lên nhà mình chơi, em bỏ thời gian dẫn mấy mẹ con chị đi mau sắm là rất quý. Nhưng em lại đưa họ vào những khu mua sắm quá sang trọng để đến lúc trở về, chị và mấy đứa nhỏ vẫn đi tay không; trong khi em tay xách, nách mang. Em vô tư kể: “Chị Hai thiệt là quê mùa, vô trong đó mà cứ luôn miệng kêu ca đắt đỏ làm em phát ngượng”. Chị Hai phân trần: “Mắc thiệt mà. Ai đời cái con thú nhồi bông bằng bắp tay mà mấy trăm ngàn, cái ly uống rượu chút xíu mà cả triệu bạc…Tui thấy mợ Ba mua mà xót tiền quá. Những thứ đó có cho tui, tui không dám xài”.

Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời. Em đừng biện hộ rằng mình chỉ xài tiền của mình chớ có xài tiền của người khàc đâu mà sợ họ nói này nói nọ…Đúng, đó là tiền em làm ra do lao động chính đáng của mình. Nhưng cũng đừng vì quá thừa thãi mà tiêu xài vô lối như vậy, nhất là em lại khoe khoang sự giàu có trong khi quanh mình còn có quá nhiều người nghèo khó….

Thánh Phaolô: “Tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha“ (Col 3,17).

TRUNG ĐỨC, Báo Người Lao Động, số 4864.

IV. DIỄN GIẢI

Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa là Cha trong mối tương quan bản thể, vĩnh cửu, độc nhất và thân tình với Con Một Người là Đức Giêsu Kitô: "Không ai biết rõ người con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho” (Mt. 11, 27).

Đức tin còn dạy chúng ta: Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng và chăm sóc muôn loài, là Cha của mọi người, như lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Tôi tin kính Một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình". Thánh Phaolô liên kết mối quan hệ giữa Chúa Cha với nhân loại qua hình ảnh của một gia đình mà Thiên Chúa là Cha: “Chúa Cha là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất" (Eph. 3,15).

Hơn nữa, do ý nhiệm yêu thương muôn đời, Thiên Chúa đã “tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô“ (Eph 1,5). Thật vậy, nhờ Đức Giêsu Kitô, người tín hữu còn được dự phần vào mối tương giao vĩnh cửu giữa Chúa Cha và Chúa Con, trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để cứu chuộc những ai sống dưới Lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự vào lòng anh em mà kêu lên : 'Abba, Cha ơi !' Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà là con cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gal. 4, 4 –7).

Thiên Chúa lấy tình Cha mà giáo dục chúng ta. Vì thế, bậc làm cha mẹ hãy hướng về Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa sửa dạy, “vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy” (Dth 12,6), nhờ đó, chúng ta biết cách sống vai trò làm cha mẹ trong chính gia đình của mình. Thánh Phaolô khuyên người tín hữu hãy kiên trì để Thiên Chúa sửa dạy vì Thiên Chúa chính là Cha của chúng ta: "Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?“ (Dth 12,7). Mục đích của việc Thiên Chúa sửa dạy là để chúng ta được nên thánh: “Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người“ (Dth 12,10). Bởi vì không có sự thánh thiện, thì không ai được thấy Thiên Chúa (x. Dth 12,14). Sự thánh thiện chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Đó chính là khuôn mẫu và là thước đo sự hoàn thiện của đời sống người tín hữu.

Để gia đình có thể trở thành mái ấm, trường dạy đức tin, yêu thương,... các bậc cha mẹ cần đón nhận Thiên Chúa vào vị trí tối thượng trong gia đình của mình. Nhờ có Chúa chỉ dạy và uốn nắn, chúng ta sống đúng bậc sống của mình, để rồi sau đó, đến lượt chúng ta, với vai trò làm cha mẹ chúng ta cũng biết hướng dẫn con cái sống đúng theo đường lối và thánh ý của Chúa.

Có Thiên Chúa trong gia đình, trong lòng mỗi người, chúng ta sẽ học sống theo cách sống của Thiên Chúa, sống yêu thương. Đó chính là nền tảng và là dây nối kết các thành viên trong gia đình, biến gia đình trở thành mái ấm. “Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt“ (Eph 5,1-2). Có xác tín Thiên Chúa là Cha trên trời giàu lòng yêu thương ban ơn cứu độ cho chúng ta bằng cái chết hy sinh của Con Một Người, chúng ta mới có thể đáp lại tình thương yêu ấy bằng lối sống yêu thương chan hoà trong chính gia đình mình và với anh em đồng loại, vì tất cả đều là con một Cha trên trời.

Trong các chương cuối của hai Thư Êphêsô và Côlossê (x. Eph4-6; Cl 3-4,1) Thánh Phaolô mời gọi mọi người trong gia đình Kitô hữu hãy học theo gương Chúa Giêsu, sống mối tương quan gia đình của mình:

- Hạnh phúc gia đình theo Thánh Phaolô, phát xuất từ chính tình yêu mà mỗi người múc lấy từ Thiên Chúa. Tình yêu vợ chồng đòi phải tự hiến cho nhau một cách toàn vẹn, theo mẫu mực mà Đức Kitô yêu Hội Thánh của Người: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh“ (Eph 5,23; Col 3,5-21) Đó là một tình yêu đầy trách nhiệm, luôn quan tâm và tôn trọng nhau.

- Bổn phận con cái phải “vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo“ (Eph 6,1) vì cha mẹ thay mặt Chúa để sửa dạy, khuyên răn.

- Thánh Phaolô còn đề cập đến vai trò của chủ tớ thời ấy, qua đó, kẻ làm nô lệ phải vâng lời chủ và người làm chủ thì phải đối xử công bằng với nô lệ của mình, theo tinh thần của Chúa; vì tất cả đều có cùng một Chủ là Chúa trên trời (x. Eph 6,5-9).

Sống theo tinh thần giáo huấn của Thánh Phaolô về gia đình là xây dựng gia đình và xã hội trần thế ngày càng tốt đẹp theo chuẩn mực của Tin Mừng, thăng thiến con ngươiø, hướng về ngày hạnh phúc viên mãn chung cuộc với Đức Kitô trong vinh quang. “Tóm lại, theo Thánh Phaolô, qua gia đình và giáo dục theo tinh thần Tin Mừng, con người vừa xây dựng xã hội trần gian cách tích cực, vừa chu toàn được sứ mệnh xây dựng Giáo Hội và cuối cùng được siêu thăng cùng với Đức Kitô toàn thắng". (TMV số 19).

V. LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Trong năm giáo dục Kitô-giáo từ trong gia đình, chúng ta cùng nhìn theo giáo huấn của thánh Phaolô về gia đình, để giáo dục gia đình mình, và cũng để cùng nhau cầu nguyện cho các gia đình:

  1. Thánh Phaolô nói: “Như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, yêu thương nhau và hết lòng phụng sự Chúa Kitô.
  2. “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiền mình vì Hội Thánh”. Chúng ta cầu nguyện cho những người làm chồng làm cha, có lòng quảng đại và yêu thương như Chúa Kitô.
  3. “Bậc làm cha mẹ, hãy giáo dục con cái thay mặt Chúa, bằng khuyên răn và sửa dạy”. Chúng ta cầu nguyện cho những người làm cha mẹ, đem hết lòng yêu thương mà giáo dục, sửa dạy con cái nên người con Chúa.
  4. “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo”. Chúng ta cầu nguyện cho những người làm con trong gia đình, luôn tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ ông bà mình, và hoà thuận đối với anh chị em mình.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Con Chúa làm người, để loài người được thông dự vào vinh quang của gia đình con Chúa trên trời. Xin ban Thánh Thần Chúa dạy con biết yêu thương, và đoàn kết với nhau trong tình yêu Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC THEO THÁNH PHAOLÔ

Một gia đình hạnh phúc là mơ ước của tất cả những ai bước vào trong đời sống hôn nhân. Nhưng được mấy ai biết xây dựng cho cho mình một gia đình hạnh phúc đích thực. “Nghề gì cũng phải học nhưng học làm cha làm mẹ thì có mấy ai”, vì thế, thật là phải lẽ khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Mục Vụ gởi cộng đồng Dân Chúa hướng dẫn giáo dục Kitô giáo trong gia đình, đã mời gọi xây dựng gia đình hạnh phúc theo giáo huấn của thánh Phaolô, một nhà thần học lỗi lạc trong giáo huấn, theo tinh thần của Đức Kitô.

Thánh Phaolô tuy đã sống cách xa chúng ta khoảng 2000 năm, nhưng lời giáo huấn của ngài về gia đình thật là phong phú và thích ứng với mọi thời đại. Theo Thánh Phaolô, muốn có một gia đình hạnh phúc đòi hỏi mọi thành phần trong gia đình phải sống đúng bổn phận cũng như vài trò của mình trong gia đình. Làm cha, làm mẹ, làm con cái có những bổn phận khác nhau và thánh nhân có những chỉ dạy khác nhau.

“Hỡi những người cha, đừng nổi cơn thịnh nộ với con cái, kẻo chúng nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 21) thánh nhân khuyên bảo những người làm cha hãy nhìn về gương của Cha trên trời mà đối xử với con cái, yêu thương và khuyên bảo con cái. Chúa yêu thương con người với một tình thương trọn vẹn, thương đến trao ban Con Một. Nên những người cha hãy yêu thương và đừng làm cho con cái phải có cảm giác sợ sệt và như thế là phản giáo dục.

“Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó” (Cl 3, 19) Nhiệm vụ và bổn phận của người chồng trong gia đình là yêu thương và tôn trọng vợ mình, không được xem vợ mình như món hàng mua được hay nô lệ mà phải là ngang hàng, nâng đỡ nhau trong đời sống hôn nhân.

“Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng mình trong Chúa cho phải phép” (Cl 3, 18). Ở đây, thánh Phaolô có vẻ chèn ép vị thế người phụ nữ, người vợ trong gia đình, nhưng thực tế không phải là như thế. Người vợ hãy phục tùng chồng mình trong Chúa chứ không phải phục tùng mình trong sự xấu. Vì là gia đình có những thành viên nên mọi thành viên trong gia đình được mời gọi hợp nhất dưới sự chỉ đạo của người chủ gia đình là người chồng. Nhưng tất cả mọi thành viên đều được mời gọi đón nhận nhau như là chi thể trong thân thể Chúa Kitô, hợp nhất và yêu thương nhau.

“Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). Vâng lời cha mẹ không phải là một lời mời gọi mà là một giáo huấn của Chúa. Giới răn thứ IV trong Mười Điều Răn cho thấy được tầm quan trọng của việc hiểu thảo trong giáo huấn của Chúa. Ai muốn sống đẹp lòng Chúa mà không vâng lời cha mẹ là một điều không tưởng.

Tuy mỗi thành phần trong gia đình đều có trách nhiệm và bổn phận riêng để xây dựng gia đình mình thật sự hạnh phúc thì Thánh Phaolô còn khuyên bảo tất cả mọi người phải có: Đức Từ Bi, Đức Khiêm Nhường, Đức Bác ái và biết Tha Thứ cho nhau. Ngoài ra mọi người trong gia đình còn phải biết xây dựng gia đình mình thành nơi cầu nguyện để Thiên Chúa có thể hiện diện, thánh hoá và ban bình an.

Như vậy, “Thánh Phaolô cho chúng ta thấy một quan niệm và giáo huấn của Ngài về hạnh phúc gia đình. Một gia đình có nề nếp, trên kính dưới nhường không những chỉ là một tổ ấm yêu thương, mà còn phản ánh tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội. Các thành viên trong gia đình cần hy sinh cho nhau, trong tâm tình của Đức Giêsu Đấng đã hy sinh và hiến mình cho Giáo Hội. Đó là khởi điểm của hạnh phúc và là điều kiện để đạt tới sự trọn lành” (Thư mục vụ của HDGMVN năm 2008 số 19).

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 47
EZRA-NÊHÊMIA-MACABÊ-MALAKIA.

Các quyển nầy đươc viết sau thời lưu đày:

- Nêhêmia là một vị quan trong triều đại vua Ataxerxes. Ông xin vua Ba Tư trở về để xây lại tường thành Giêrusalem.

- Ezra là một tư tế ký lục đã đóng góp tích cực vào sự phục hồi Giuđa về mặt thiêng liêng, cụ thể là:

+ Giúp giải nghĩa luật Môisen.

+ Giúp dân chúng cử hành lễ nghi nhắc lại giao ước.

- Macabê là tên họ của một trong năm người con của Mattathya. Năm người con đó là: Gioan gọi là Gađđi; Simon gọi là Thassi; Giuđa gọi là Macabê; Êlêazar gọi là Avaran và Giônathes gọi là Apphus (1 Mac 2,1-5). Trong số đó có ba anh em liên tiếp lãnh đạo lực lượng Do thái đấu tranh chống vua Seleucus đang cai trị đất nước Do thái.

+ Giuđa Macabê 166-160 (1 Mac 3,1-9,23).

+ Giônathes 160-142 (1 Mac 9,23-12-53).

+ Simon 142-134 (1 Mac 13,1-16,24).

- Malakia là vị ngôn sứ cuối cùng trong các ngôn sứ thời đầu của Do thái giáo. Ông cùng thời với Nêhêmia, Ezra. Ông được xem là rất quan trọng trong lịch sử cứu độ, vì ông nói về:

+ Người tiền hô của Chúa (x. Mal 3, 1).

+ Ông đồng hoá sứ giả nầy với Êlia (x. Mal 3, 23; Mt 17, 11-12).

Lời Chúa: “Nầy Ta sẽ sai đến cho các ngươi, tiên tri Êlia trước khi Ngày của Giavê đến, ngày trọng và kinh hoàng. Nó sẽ quay lòng cha ông về với con cháu, và lòng con cháu về với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Mal 3, 23-24).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho lòng kính sợ Chúa lớn lên trong con, để con luôn can đảm làm lành lành dữ. Amen.

VIII . MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Mỗi gia đình là tế bào của xã hội và cũng là tế bào của Giáo hội. Gia đình tốt thì xã hội và Giáo hội được nhờ. Vì thế, một trong những điều mà những người có trách nhiệm dù ở thời đại nào cũng quan tâm đến là chăm lo cho đời sống gia đình.

Thánh Phaolô mặc dù sống cách chúng ta 2000 năm nhưng cũng đã hết lòng quan tâm đến điều này. Sau khi trở lại, thánh Phaolô nhận thấy mình có trách nhiệm phải nói về Chúa Giêsu cho nhiều người. Ngài đã đi đến nhiều nơi và gặp nhiều người.

Sau đó, ngài đã viết nhiều bức thư thăm hỏi. Một trong những đề tài ngài khuyên bảo cũng là đời sống gia đình. Ngài đã lấy hình ảnh tình yêu vợ chồng làm biểu tưởng cho tình yêu của Đức Kitô và Giáo hội. Vợ chồng hy sinh hiến mình cho nhau nói lên sư hy sinh và hiến mình của Đức Kitô dành cho Giáo hội.

Hy sinh và hiến mình cho nhau đòi hỏi vợ chồng cần từ bỏ ý riêng của mình để hướng đến mục tiêu chung là xây đắp cho hạnh phúc gia đình.

Ngày nay nhiều bạn trẻ được sinh ra và lớn lên từ những gia đình ít con. Họ được chăm sóc đầy đủ về mọi mặt. Cùng lúc ấy, lối sống hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của họ.

Do đó, có nhiều bạn trẻ ngày nay rất ngại hy sinh nhất là hy sinh cho và vì người khác. Hãy lắng nghe và làm theo sự chỉ dẫn của thánh Phaolô để gia đình được hạnh phúc. Gia đình hạnh phúc được hình thành từ những con người biết hy sinh và hiến mình cho nhau theo gương Đức Kitô đối với Giáo hội.

IX . MỤC VỤ ƠN GỌI

GIA ĐÌNH PHAOLÔ

Thánh Phaolo đã tài tình và khéo léo trong cách điều khiển các cộng đoàn của Ngài. Ngài cư xử với các tín hữu của mình bằng một tình cảm đặc biệt: tình cảm gia đình. Ngài tạo nên những sức sống mới, những mối tương quan mới trong hoạt động tông đồ của Ngài nhờ vào mối liên hệ thiêng liêng này. Ngài nêu bậc những đức tính của cha mẹ: yêu thương tha thiết, kiên trì sửa dạy, quan tân nhắc nhở, nâng đỡ khích lệ… mà chính Ngài đã sống với cộng đoàn và mời gọi những bậc cha mẹ noi theo.

Mẫu gương xây dựng nên văn minh tình thương của người mục tử Phaolo đáng để cho chúng ta hãnh diện và học hỏi.

Mục tử Phaolô đã dùng ảnh hưởng của gia đình để rao giảng tin mừng của Chúa Kitô. Tình cảm mà các Kitô hữu cảm nhận được trong cộng đoàn của Phaolô là: anh em chân thật, sâu xa và bền chặt được khơi nguồn từ việc cử hành Thánh Thể. Nơi Thánh Thể họ được đồng bàn với nhau như trong một bữa ăn gia đình. Nơi Thánh Thể họ được đối xử với nhau bình đẳng như anh em trong một gia đình. Nơi Thánh Thể mọi người có những trách nhiệm riêng nhưng thi hành trách nhiệm ấy là để phục vụ lẫn nhau.

Trong cộng đoàn của mình, Phaolô tự coi mình là người cha của các tín hữu. Người cha Phaolô ngoài việc đưa những cá nhân vào trong cộng đoàn đức tin, còn có những ràng buộc và gắn bó chặt chẽ với những đứa con trong cộng đoàn bằng mối dây gia đình. Phaolô dùng hình ảnh người mẹ để diễn tả tình thương với cộng đoàn. Tình yêu mãnh liệt và sâu thẳm đến nỗi Ngài phải hy sinh chính sự sống và con người cho các tín hữu. Chính tình cảm thẳm sâu của Phaolô dành cho các cộng đoàn của Ngài, giúp Ngài một mực chăm lo cho các tín hữu. Ngài cảm thấy đau khổ, băn khoăn, thao thức và trăn trở cho những đứa con yếu đuối nhưng đồng thời cũng vui mừng, tự hào về những đứa con ngoan hiền thảo hiếu. Ngài còn thể hiện tình yêu một cách đặc biệt qua lời cầu nguyện dành cho các cộng đoàn của mình.

Thật là một hình ảnh tuyệt vời cho các mục tử hôm nay, những người cũng muốn làm cho tình yêu của Chúa được tái diễn trọn vẹn. Để có thể đối xử với nhau như tình gia đình, thiết tưởng Phaolô đã được giáo dục một cách đặc biệt trong gia đình của Ngài. Nhìn vào những việc làm của Phaolô chúng ta có quyền tin tưởng một gia đình đầm ấm và yêu thương mà nơi đó mục tử Phaolô dạy dỗ. Đó cũng là bài học quý báu cho những bậc làm cha mẹ hôm nay.

Thật vậy, người cha, người mẹ hôm nay được mời gọi cộng tác với Chúa để xây dựng nền văn minh tình thương chính trong gia đình của mình. Nơi gia đình, người cha, người mẹ được mời gọi xây dựng gia đình thành một tổ ấm yêu thương. Nơi đó mọi người biết phục vụ lẫn nhau; nơi đó mọi người biết hy sinh cho nhau; nơi đó mọi người biết quan tâm lo lắng cho nhau. Nếu mọi người trong gia đình biết sống tròn bổn phận của mình trong yêu thương thì tình yêu của Chúa Kitô được thể hiện; nền văn mình tình thương mà Giáo Hội muốn xây dựng được chắt chiu từ gia đình và những “mục tử Phaolô” tiếp theo sẽ xuất hiện.

Chúng ta có quyền hy vọng như thế!

X. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH ĐẦM ẤM THEO THÁNH PHAO-LÔ

Thư mục vụ năm 2008 của HĐGMVN số 19 có viết: “Nói về giáo dục gia đình, chúng ta không thể không nhắc đến Thánh Phaolô…Giáo huấn của Ngài về gia đình mở ra cho chúng ta những chân trời mới khi mặc cho gia đình những chiều kích sâu xa: Chiều kích Ba Ngôi và Vĩnh Cửu”

Theo Thánh Phaolô, thế nào là chiều kích Ba Ngôi của gia đình: “Thiên Chúa Cha là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng Vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thánh Thần của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em nhờ lòng tin, được Chúa Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân Thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài , rộng, cao, sâu và nhận biết tình thương của Đức Kitô là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep. 3,15-19)

Thiên Chúa Cha là nguồn mạch thần linh, từ Người phát sinh mọi trật tự và Mầu Nhiệm Ba Ngôi, mọi dân tộc, mọi gia tộc nhận từ Chúa Cha căn cước và phẩm giá của mình. Thiên Chúa Ba Ngôi khi tạo dựng loài người đã quyết định cách sáng suốt và đầy sáng tạo dựng nên một người nam (AĐam) một người nữ (Evà), cả hai cùng bình đẳng với nhau đều là con Chúa, đều có một khả năng làm người như nhau: có lý trí hiểu biết, có tự do, có khả năng yêu mến, có khả năng cộng tác vào việc truyền sinh, có khả năng vâng theo Thánh ý Chúa, đón nhận và cộng tác với tha nhân. Dĩ nhiên họ có nhu cầu sống với người khác để tạo nên xã hội, mà gia đình là xã hội đầu tiên ấy. Gia đình con người đầu tiên mô phỏng sự hiệp thông gắn bó, sự cộng tác yêu thương, sự đồng lao cộng khổ làm việc để phát triển chính mình và phát huy sự sống khi trao ban chính mình cho tha nhân một cách quảng đại vô vị lợi. Mọi thành viên trong gia đình nhận được tình yêu nơi Thiên Chúa và sống tình yêu ấy cách cống hiến hoàn toàn theo kiểu cách của Chúa Kitô “ Sống chết cho người mình yêu, tận hiến cho người mình yêu chỉ vì mình yêu họ” (Ga 15,13). Khi họ thật sự yêu nhau họ biết kết hiệp mật thiết với nhau nhờ Chúa Thánh Thần: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thánh Thần đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thánh Thần, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người (Ep 4,3-6). “Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32). Cha mẹ tiếp nhận tình yêu và sự sống của Chúa Ba Ngôi với một mệnh lệnh thật rõ “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” (St 1,28). Gia đình là một cơ chế, tế bào căn bản được mô phỏng gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa với mọi sinh hoạt hiệp thông, đoàn kết yêu thương, gắn bó, phục vụ lẫn nhau.

Hiểu biết chiều kích Ba Ngôi của gia đình, chúng ta nên tìm hiểu chiều kích Vĩnh Cửu nữa. Chắc chắn Thánh Phaolô không thể quên xác quyết của Chúa Kitô khi nâng hôn nhân lên hàng Bí Tích lúc Người xác quyết với các người biệt phái bên kia sông GioĐăng miền Juđêa: “Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam, có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.(Mac 10,6-9). Đời sống gia đình bền vững an lành trong Chúa theo lời khuyên của Phaolô đối với giáo hữu Colossê: “ Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì sự bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em… Ước gì Lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào, phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan…Anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha”. ( Col 3,12-17). Tình yêu vĩnh cửu là tình yêu giữa Chúa và nhân loại, là tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Tình yêu vĩnh cửu đó được nổi bật trong nếp sống gia đình công giáo theo lời khuyên Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Êphêsô: “ Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. Người vợ hãy phục tùng chồng như tùng phục Chúa…Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá Hội Thánh bằng Nước và Lời Hằng Sống, để trước mặt Người có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào. Nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Chúa Giêsu nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh…Mầu nhiệm này (Hôn Phối) thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ hãy kính sợ chồng mình. Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và được hưởng thọ trên mặt đất này. Những bật làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn, sửa dạy” (Ep 5,21-6,4)

Với những trích dẫn trên đây, Thánh Phaolô đã trình bày cho chúng ta quan niệm và giáo huấn của Ngài về hạnh phúc gia đình. Một gia đình có cơ cấu và nề nếp do Chúa sáng tạo và an bài, trên kính dưới nhường, chỉ yêu thương phục vụ quên mình, chỉ chăm lo hạnh phúc cho nhau, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình để tạo nên một tổ ấm yêu thương, phản ánh tình yêu hy sinh cao độ của Chúa Kitô đối với Hội Thánh. Theo Thánh Phaolô, gia đình là môi trường giúp ta tìm thấy hạnh phúc đích thực, và là điều kiện tốt giúp ta đạt tới sự trọn lành “Yêu mọi người đến cùng”

“Tóm lại: theo Thánh Phaolô, qua gia đình và giáo dục theo tinh thần Tin Mừng, con người vừa xây dựng xã hội trần thế cách tích cực, vừa chu toàn sứ mạng xây dựng Hội Thánh cách tốt lành, và cuối cùng được chung sống với Đức Kitô toàn thắng” (TMVHĐGMVN số 19) Gia đình tôi trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ tồn tại đến muôn đời.

CHẢ VÀ NEM

Ở xóm tôi có một gia đình, họ sống với nhau đã hơn mười năm, con cái đứa lớn nhất cũng hơi mười tuổi. Thế nhưng mới đây gia đình này lại xảy ra chuyện “mở rộng ranh giới”. Anh chồng đi quan hệ với một người đàn bà khác, đã có gia đình. Cô vợ cũng không chịu kém, đi lăng nhăng với một ông khác. Thật là bên tám lạng, bên nữa cân, đúng như ông bà xưa đã nói: ông ăn chả, thì bà ăn nem. Mạnh chồng, chồng ăn, mạnh vợ, vợ ăn thế này, không ai quan tâm đến gia đình, con cái họ sẽ lấy gì ăn? Cái cảnh năm cha, ba mẹ thế này thì thật khổ cho những đứa con !

Cần ý thức rằng chúng ta những môn đệ Đức Kitô, được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương, vì thế, theo Thánh Phaolô cần mặc lấy con người mới trong lối sống của mình, nhất là trong đời sống vợ chồng là biết “giết đi các phần tử thuộc về thế gian trong anh em, đó là gian dâm, ô uế, ham mê tình dục, thèm muốn xấu xa, và tham lam, mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3,5); đồng thời tập luyện các nhân đức: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại …(x. Col 3,12). Có như thế mới xây dựng đựợc cuộc sống gia đình đầm ấm, yên vui, bền vững.

Bậc sống nào cũng có những khó khăn, thập giá. Đời sống gia đình cũng không ngoại lệ, mà có thể nói càng nhiều khó khăn hơn. Bởi vì hôn ước giữa người nam và người nữ đặt trên sự tự nguyện yêu thương, một sự dấn thân tự nguyện suốt đời. Do đó cần phải có ơn Chúa nâng đỡ suốt đời. Tình yêu chính là chất keo gắn kết mối dây liên kết vợ chồng. Tình yêu nào cũng đòi hy sinh và tha thứ, chính vì thế Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau” ( Col 3,13).

Yêu mến và đưa Lời Chúa vào cuộc sống, cùng với việc siêng năng dự lễ rước lễ, Chúa Kitô sẽ nâng đỡ và giúp đôi vợ chồng vượt qua những khó khăn trong đời sống gia đình.

Ý thức rằng cốt lõi của đời tín hữu là nên thánh. Muốn vậy phải kết hợp với Chúa là Đấng thánh, trong lối sống của chúng ta:“Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha” (Col. 3,17).

Sống có Chúa, mỗi người và gia đình mới có được sự bình an thẳm sâu trong lòng (x. Col. 3,15).

XI. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

TÌM HIỂU SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương VI: Huấn Luyện Làm Tông Đồ

31. Thích ứng việc huấn luyện với từng hình thức hoạt động tông đồ

Những hình thức hoạt động tông đồ khác nhau cũng đòi hỏi một sự huấn luyện đặc biệt tương ứng:

a) Đối với việc tông đồ nhằm rao truyền Phúc Âm và thánh hóa mọi người, người giáo dân phải được huấn luyện đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, với những người có đức tin hay với những người không tin, để bày tỏ sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người 5 .

Vì ở thời đại chúng ta, duy vật chủ nghĩa dưới mọi hình thức đang lan tràn khắp nơi, ngay cả giữa những người công giáo, nên người giáo dân không những phải chuyên cần học hỏi giáo lý công giáo, đặc biệt là những vấn đề đang được đem ra tranh luận, mà họ còn phải làm chứng bằng một đời sống Phúc Âm để chống lại với bất cứ hình thức duy vật chủ nghĩa nào.

b) Về việc cải tạo trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo, người giáo dân phải được học hỏi về ý nghĩa đích thực và về những giá trị của những của cải trần gian, hoặc căn cứ ở chính những của cải ấy, hoặc căn cứ vào liên lạc giữa chúng với mọi mục đích của con người. Họ cũng phải được tập luyện để sử dụng đúng những của cải trần thế và biết tổ chức các cơ cấu, mà vẫn luôn luôn để ý đến công ích theo những nguyên tắc của học thuyết luân lý và xã hội của Giáo Hội, nhất là giáo dân phải lãnh hội những nguyên tắc và những áp dụng của học thuyết xã hội này để có khả năng không những góp phần vào việc phát triển học thuyết đó mà còn áp dụng đúng đắn học thuyết đó vào từng trường hợp cá biệt 6 .

c) Vì những công cuộc bác ái và từ thiện là một bằng chứng hùng hồn về đời sống Kitô giáo, nên việc huấn luyện tông đồ cũng cần phải khuyến khích thực hiện những công cuộc đó, để các đồ đệ của Chúa Kitô, ngay từ thiếu thời, đã biết chia sẻ nỗi đau khổ của người anh em mình và rộng lòng giúp đỡ những anh em thiếu thốn 7.

Gợi ý giải thích:

Có cần phải được huấn luyện đặc biệt cho từng sứ mệnh khác nhau không?

Chủ nghĩa duy vật là gì?

Biết giáo lý để đối thoại, sống Tin Mừng để làm chứng.

Làm thế nào để cải tạo trật tự trần thế theo tinh thần Phúc Âm?

Việc bác ái từ thiện có lợi ích gì?

Gợi ý thực hành:

Quới Chức là người huấn luyện, là người được huấn luyện?

Để huấn luyện giáo dân trong sở biện cách có hiệu quả, Quới Chức cần làm những gì?

Khi chưa làm việc Tông Đồ, Quới Chức có đáng là Quới Chức không? Vậy phải làm sao?

XII. TẢN MẠN

QUYỀN HÀNH

Chúng ta đều biết: không có quyền bính nào mà không do Chúa ban. Quyền bính được trao ban là để phục vụ người khác và phải được qui hướng về Chúa. Nó là phương tiện rất tốt để qui tụ và nối kết mọi người lại với nhau để cùng làm việc, hoạt động, chia sẻ . . . Thế nhưng có không ít người đã sử dụng quyền bính được trao ban cho mình để “hành” người khác. Quyền hành là thế! Đối với họ, hình như việc “hành” người khác là một nhu cầu trong đời sống của mình vậy! Họ lấy làm thích thú khi thi hành quyền của mình trên kẻ khác!

Chuyện dùng quyền được trao ban cho mình để “hành” người khác đã xảy ra nhan nhãn khắp nơi ngoài xã hội rồi. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy cảnh tượng không đẹp ấy nơi cơ quan, công ty , xí nghiệp, nhà máy. . . Khi thấy cảnh tượng ấy, tự nhiên chúng ta thấy “ngán ngẫm” cho tình đời vốn bạc như vôi!

Điều đáng nói là bệnh dùng quyền để “hành” người khác cũng đã lây nhiễm vào trong đời sống Giáo hội của chúng ta và có vẻ như càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Rất nhiều nhà thờ, nhà xứ, cộng đoàn tu đã xuất hiện “căn bệnh” quái đảng này. Bề trên dùng quyền để “hành” bề dưới! Linh mục dùng quyền để “hành” giáo dân! Anh chị em sống chung một nhà mà cũng tìm cách “hành” nhau nữa. Giáo dân rất sợ cảnh linh mục được quyền đứng trên tòa giảng nhưng không giảng Lời Chúa mà giảng lời của mình! Mặc tình lôi những chuyện riêng tư, chuyện đời thường của con cái ra rao bán để chứng minh cho mọi người thấy rằng: “Thuận với ta thì sống, nghịchvới ta thì chết!”. Thật xót xa! Đâu rồi hình ảnh của người linh mục tôi tớ? Đâu rồi hình ảnh của một “Alter Christus”? Lời căn dặn chí tình của Thầy Giêsu: “Ai làm lớn trong các con thì hãy làm người phục vụ các con” đã lạc lõng và biến đâu mất rồi?

Có dịp đi đến nhiều nơi, nhiều xứ, nhiều cộng đòan tu. . . tôi thấy rõ lắm “bệnh dùng quyền” để “hành” người khác! Nó được biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau lắm: khi thì kín đáo và khéo léo; khi thì lộ liễu và thô kệch. Hình ảnh ấy đâu khác gì một vị bạo chúa xấu xa và đáng ghét! Có nhiều giáo dân tâm sự rất chân thành rằng: “không hiểu sao hồi “ổng” còn làm thầy sao thấy dễ thương, dễ gần! Bây giờ làm cha. . . thay đổi nhanh quá! Thấy “ngán” ghê!”. Thay lòng đổi dạ là chuyện xem ra là chuyện thường tình của người đời nhưng là bất thường nơi người tu trì và sống đời dâng hiến! Chúa là Đấng trung thành và Ngài đang chờ đợi những người có tấm lòng chân thành và khiêm hạ? Ngụy trang, giả hình chắc chắn là thái độ không phù hợp của người môn đệ Chúa kitô rồi!

Phải công nhận là có nhiều người thích quyền ghê lắm! Ham làm quản hạt, ham làm cha sở, ham làm “chúa vùng”. Đành rằng não trạng thích làm lớn đã cố hủ trong con người từ xa xưa lắm rồi. Các tông đồ của Chúa ngày xưa cũng đã từng tranh giành quyền làm lớn cơ mà. Nhưng đó là khi các ông còn chưa hiểu và chưa được Chúa chỉ dạy. Rồi về sau, các ông đã trở nên rất tốt trong việc sử dụng quyền bính của mình. Các ngài đã lần theo gót của Thầy mình: Hy sinh mạng sống mình cho đòan chiên được Chúa trao phó. Chuyện tranh giành chức nọ quyền kia là chuyện của thế gian và của người đời. Còn các linh mục, tu sỹ là người của Chúa, người “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” thì ham chi quyền bính đời này. Trước mặt Chúa, Giáo hòang, giám mục hay giáo dân bình thường nào có quan trọng gì, Có khác gì đâu! Đối với Chúa, cái khác trong số phận đời đời của mình là khác trong cách sống, cách hành xử của mình xem nó khiêm tốn ra sao và tốt đẹp đến mức độ nào mà thôi!

Không biết từ bao giờ, trong Giáo hội đã có chuyện là một số vị mục tử dùng quyền của mình để “chúc dữ” cho người khác? Ngày nay, vẫn còn có những linh mục “đe” sẽ chúc dữ cho đoàn chiên của mình! Không biết các ngài đã học từ đâu “công thức chúc dữ” như thế và cũng không biết ngài đã được ai trao cho quyền chúc dữ để “hành” người khác vậy? Chắc chắn Hội thánh là Mẹ hiền của chúng ta không bao giờ dạy chúng ta hành quyền ấy cho nhau rồi! Lại có vị lại đòi ra vạ “dứt phép thông công” đối với một con chiên nào đó, khi nó có vẻ bướng bỉnh và không nghe lời. Lạ ghê! Chuyện khó tin nhưng có thật và nó làm cho con cái Chúa trở nên rất hoang man lo sợ!

Mỗi thánh lễ, chúng ta đã từng thân thưa với Chúa rằng: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”. Hãy trả về cho Chúa những gì của Chúa. Đừng bất công khi cố giữ lại những gì không phải của mình! Hãy để Chúa tùy nghi ban phát cho ta. Khôn ngoan là chờ đợi Chúa hành động và mau mắn làm theo chỉ dẫn của Chúa. Cần nhắc lại: không một quyền bính nào mà không bởi Chúa ban. Mà Chúa ban quyền cho con người là để họ sống và phục vụ người khác: “Ai trong anh em làm lớn thì hãy làm người phục vụ người ta”. Nhưng thử hỏi, tôi đã sử dụng quyền bính Chúa ban cho tôi để làm gì rồi?

Tất nhiên, trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp nhiều người không “hám quyền” nếu không muốn nói là họ sợ quyền nữa. Họ chỉ thích có một đời sống thanh thoát, khiêm tốn và âm thầm để giữ cho lòng mình khỏi vướng bận, nhẹ nhàng và thanh thóat. Thật quí trọng và đáng nể phục làm sao! Nếu phải sử dụng quyền bính, thì họ sử dụng quyền của mình cách nhẹ nhàng. Coi nó như một phương tiện để làm việc! thế thôi! Họ không thích ra oai, không thích sai khiến bề dưới của mình. Thậm chí họ còn đích thân phục vụ người khác nữa. Đây là người làm lớn theo tinh thần Phúc Âm. Đẹp lắm hình ảnh của người làm lớn như thế. Đó là hình ảnh của các vị thánh như Phanxicô Assisi, của mẹ Têrêsa Calculta, của chân phước Giáo hòang Gioan XXIII. . .

Tôi rất tâm đắc với kinh nghiệm xương máu một cha giáo mà đã từng làm cha sở nhiều năm rằng: “Hạnh phúc nhất của đời linh mục là lúc làm cha phó!”. Tôi đã cảm nghiệm được điều đó. May mắn là tôi được ở gần một Cha sở mẫu mực, tài đức và hy sinh. Tôi học được nhiều lắm bài học về sự hy sinh vì đòan chiên và công việc nhà Chúa của ngài. Có có nhiều quyền, nhưng tôi thấy cha chỉ dùng quyền để phục vụ, để chăm lo cho người khác và để qui tụ con cái của mình lại mà thôi.

Ước gì mọi người biết đối xử với nhau trong tình yêu và tình liên đới. Nếu có phải sử dụng quyền bính thì hãy coi nó là một phương tiện để phục vụ mà thôi. Đừng lấy quyền mà “hành” nhau. Cuộc sống vốn đã khó khăn và nặng nề lắm rồi. Xin đừng chất thêm lên vai người khác những gánh nặng không cần thiết chỉ vì sự ham hố “bất chính” gây ra, nhất là việc hành xử với quyền bính của mình.

XIII. MỘT LỐI SỐNG

NÊN VÀ KHÔNG NÊN

Có những điều bạn nghĩ rằng nó sẽ làm bạn tốt hơn nhưng không phải vậy.

1. Không nên giấu diếm cảm xúc của mình quá nhiều.

Bạn nghĩ rằng mọi người sẽ yêu quý bạn hơn nếu lúc nào nụ cười cũng thường trực trên khuôn mặt bạn. Đôi khi điều đó là đúng, người ta sẽ thấy bạn là một người đáng yêu, lạc quan và dễ gần. Nhưng nếu phải giả tạo quá nhiều như vậy, bạn sẽ tự mang đến cho mình sự mệt mỏi. Và chuyện cười cả ngày sẽ biến bạn thành một người bị chai sạn cảm xúc. Tốt nhất là hãy thể hiện rõ tình cảm thật của mình, hãy buồn khi bạn buồn, hãy khóc khi bạn muốn khóc, và gào lên khi bạn sợ hãi. Đừng bao giờ đeo cái mặt nạ cho mình bởi nếu bạn làm như vậy thì bạn cũng sẽ chỉ nhận được những nét mặt tương tự mà thôi.

2. Không nên tỏ ra quá thận trọng.

Tất nhiên biết thận trọng là tốt nhưng để thận trọng thành rón rén thì hỏng hẳn. Bạn đang muốn đi làm thêm nhưng lại sợ không biết mình có đủ khả năng hay không? Bạn không dám kêu khi thấy một tên cướp đang móc ví của người bên cạnh mình vì sợ nó..... đánh mình.Bạn thấy mình có khả năng thiết kế nhưng không dám đi thi vì sợ. ...trượt. Nếu thận trọng kiểu đó thì chắc chắn bạn không thể đạt được thành công và cũng không được nếm trải cảm giác thử thách. phải mạnh dạn hơn và làm bất kỳ việc gì khi có cơ hội. Hãy tập ngã trước khi biết đứng vững.

3. Không nên xây dựng quá nhiều tham vọng.

Bạn muốn là người thật thành công, bạn muốn có thật nhiều tiền, bạn muốn đạt được những địa vị thật cao trong xã hội, bạn muốn có mọi thứ và bạn cắm đầu theo đuổi những tham vọng xa vời đó. Bạn có hiểu thành công nghĩa là gì không? Thay vì cố gắng giành được mọi thứ, bạn hãy cố gắng đạt được những gì thích hợp và tốt nhất cho bản thân bạn. Điều gì quan trọng và cần thiết nhất cho bạn trong thời điểm hiện tại? Hãy tự lên kế hoạch cụ thể và thực hiện từng bước một. Chúng ta có thể làm được bất kỳ việc gì nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể làm được tất cả mọi việc, hai khái niệm đó hoàn toàn khác nhau đấy.

4. Không nên quá xét nét bản thân mình.

Bạn luôn lo lắng cho rằng mình kém cỏi nhất quả đất, bạn cảm thấy ai cũng hơn mình, đôi khi bạn cảm thấy mình thật vô dụng và sự có mặt của bạn quả là thừa thãi. Đây là một trong những cách tự giết mình hiệu qủa nhất. Hãy hiểu rằng ai cũng có cá tính và tài năng riêng của mình. Vấn đề bây giờ là bạn phải phát huy và chứng tỏ nó cho mọi người thấy, chứ không phải rầu rĩ và buông xuôi như vậy. Nếu bạn không yêu bản thân bạn thì sẽ chẳng ai yêu bạn đâu. Thứ duy nhất hoàn toàn thuộc về bạn chính là bạn thân bạn. Hãy giữ gìn và làm cho mọi người cảm thấy nó tuyệt vời thế nào nhé.

5. Và những gì bạn nên ghi vào bộ nhớ.

- Nên yêu quý và tự đối xử tốt với bản thân bạn giống như bạn đối xử với những người bạn yêu quý.

- Hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn mọi người đối xử lại với mình.

- Không phải quá cổ hủ nhưng bạn cũng đừng bỏ qua những gì thuộc về truyền thống, hãy biết kính trọng những người hơn tuổi mình.

- Dành thời gian chú ý đến sức khoẻ của mình

XIV. SỐNG LỜI CHÚA

“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh" (Eph 5,23)

2807    23-04-2012 14:15:43