Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Giáo Xứ Sống Đạo - Tháng 10 năm 2007

CHỦ ĐỀ: GIÁO XỨ SỐNG ĐẠO

I. THƯ MỤC VỤ số 9

Vai trò của giáo xứ trong việc giáo dục đức tin đã được chứng minh qua lịch sử Giáo hội Việt Nam . Vì thế chúng tôi kêu gọi các giáo xứ hãy chăm lo tổ chức những sinh hoạt giáo dục theo từng lứa tuổi, nhằm giúp cho mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng là giới trẻ, phát huy được những giá trị Kitô giáo trong đời thường. Hơn nữa, dưới sự điều hành của các vị chủ chăn, với sự cộng tác của các thành phần trong gia đình giáo xứ, và với sự hỗ trợ của các hoạt động tôg đồ cũng như các hình thức Công giáo tiến hành, giáo xứ sẽ trở thành môi trường thuận lợi thúc đẩy cộng đoàn Dân Chúa thể hiện những giá trị Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội trong cuộc sống xã hội và mọi sinh hoạt nghề nghiệp.

Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay với những biến chuyển mới, bên cạnh những hoạt động mục vụ thông thường, cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đến những lĩnh vực mục vụ mới như chăm lo cho anh chị em di dân, cho những nạn nhân của các tệ nạn xã hội, những người bơ vơ hoặc bị bỏ rơi Chính lòng yêu thương phục vụ chăm lo cho những anh chị em này làm vang lên tại mỗi địa phương sứ điệp đại đồng của Tin Mừng Chúa Kitô.

II. DẪN GIẢI
Giáo xứ có nhiệm vụ giáo dục: dạy dỗ, hướng dẫn biết đạo, sống đạo.
Giáo dục mọi người, cho nên có thể tổ chức những hội đoàn cho từng nhóm (thiếu hội đoàn, thì giáo dục khó bao quát)
Không những giáo dục nhưng còn phải tạo môi trường (thời giờ, hoàn cảnh, gương lành) giúp tín hữu giữ đạo, sống đạo.
Thời nay chú tâm đến di dân, tệ nạn xã hội, xì ke, ma tuý, HIV, hay người bị xã hội bỏ quên.
"Thời nay, thế giới càng truỵ lạc, thì giáo xứ cần thánh thiện hơn thường mới vãn cứu được"

III. CHUYỆN MINH HOẠ

DÀNH THỜI GIỜ PHỤC VỤ

Ông bà Hélène và Charles Lafond - người Pháp - ở tuổi về hưu. Về hưu nhưng không nhàn rỗi " ăn không ngồi rồi" , bởi lẽ ông bà dành trọn thời giờ cho con cháu và cho người khác. Chính ông bà nói về kinh nghiệm này như sau.

Vợ chồng chúng tôi có căn nhà ở miền quê, nơi mà 5 đứa con chúng tôi đã lập gia đình có thể tự do lui tới với con cái chúng. Các cháu thường mong về nhà Ông Bà để chạy nhảy, chơi đu, tắm hồ, hoặc nô đùa với " chú chó cô mèo " ! Đối với chúng tôi, về hưu không hẳn là khoanh tay ngồi chơi, nhưng là dấn thân phục vụ người khác.

Lúc còn ở tuổi hoạt động, công ăn việc làm chiếm hết thời giờ khiến chúng tôi luôn sống trong lo âu. Chúng tôi bị căng thẳng vì phải đối phó với không biết bao nhiêu vấn đề do nghề nghiệp mang lại. Giờ đây về hưu, chúng tôi dâng hiến thời giờ để phục vụ Giáo Hội. Ngày xưa, các Linh Mục thường quán xuyến mọi chuyện và giáo dân ít có việc làm, không có chỗ đứng. Ngày nay, giáo dân được mời gọi tham gia vào các công tác mục vụ và chia sẻ hoạt động trong Hội Đồng Giáo Xứ. Ngày nay, danh xưng tín hữu Kitô không có nghĩa chỉ đi nhà thờ tham dự Thánh Lễ và lãnh các Bí Tích, mà còn hơn thế nữa. Danh xưng tín hữu Kitô gắn liền với việc dấn thân phục vụ. Mỗi giáo dân lãnh nhận công tác tông đồ tùy theo khả năng và thời giờ của mình.

Về phần chúng tôi, hai vợ chồng giúp giáo xứ trong việc dạy giáo lý, cử hành các đám táng, chuẩn bị Thánh Lễ, bài hát và quét dọn nhà thờ nữa. Chúng tôi làm công tác ông từ giữ nhà thờ. Thêm vào đó, hằng nm chúng tôi tháp tùng các đoàn tín hữu hành hương tiến về đền thờ Đức Bà Thánh Tâm ở Issoudun, miền Trung nước Pháp.

Thật là niềm vui lớn lao khi chúng tôi có thể dành thời giờ cho các công tác phục vụ, cởi mở đón tiếp người khác. Nhờ vậy, chúng tôi không rơi vào tình trạng khép kín, sống ủ rũ buồn sầu với những vấn đề riêng tư. Chúng tôi hân hoan sống mối tương quan với các anh chị em đồng loại, theo như thánh ý THIÊN CHÚA muốn: tất cả đều là con cái của cùng một CHA trên trời. Chúng tôi không so đo tíh toán, cân nhắc hơn thiệt trong những món quà trao đi trả lại hàng ngày.

Cạnh nhà chúng tôi có một bà cụ đơn côi và bệnh hoạn. Chúng tôi thường lấy xe đưa bà cụ đi khám bác sĩ hoặc đi mua thuốc. Khi cần chúng tôi đưa bà đi mua sắm hoặc làm các dịch vụ cần thiết. Thỉnh thoảng chúng tôi không quên đưa bà cụ đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và các Lễ Trọng. Có những người dùng điện thoại để giãi bày tâm sự với chúng tôi. Chúng tôi lắng nghe khó khăn của họ.

Có bà kia sống một mình, cảm thấy quá cô đơn, bàđiện thoại cho chúng tôi nói chuyện hàng giờ. Chúng tôi tránh không hùa theo ý tưởng đen tối của bà. Trái lại, chúng tôi cố gắng tìm cách đưa bà ra khỏi tình trạng tuyệt vọng. Chúng tôi khơi dậy trong bà ước muốn tích cực và khuyến khích bà thực hiện các nghĩa cử cao đẹp.

Mấy người hàng xóm thường ghé nhà thăm chúng tôi. Chúng tôi mời họ ăn bánh uống nước và chuyện trò vui vẻ. Đó là cử chỉ nhỏ nhặt nhưng biểu lộ tâm tình hiếu khách và lòng nhân hậu. Đây cũng là cử chỉ nói lên niềm Hy Vọng và Đức Tin củacác tín hữu Công Giáo sống đạo chân thành.

Vâng đúng thế, chúng tôi ở tuổi về hưu nhưng không sống nhàn rỗi. Chúng tôi dành thời giờ để yêu thương, phục vụ và gieo rắc niềm vui nơi môi trường đang sống. Sống như thế đối với với chúng tôi quả là món quà quí hiếm trao tặng tha nhân và là lời cảm tạ dâng lên THIÊN CHÚA mỗi ngày.

... " Lạy Chúa chúc tụng Ngài là THIÊN CHÚA tổ tiên chúng con, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển. Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh uang. Chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng. Chúc tụng Chúa đi, hỡi phàm nhân dương thế. Chúc tụng Chúa đi, tư tế phụng thờ Ngài. Chúc tụng Chúa đi, tôi tớ phục vụ Người. Chúc tụng Chúa đi, hồn thiêng hàng công chính. Chúc tụng Chúa đi, người thánh kẻ khiêm nhường. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hỡi tất cả những ai kính sợ Chúa, hãy chúc tụng THIÊN CHÚA là Thần các thần, hãy dâng lời tạ ơn và ca tụng, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương " (Sách Daniel 3, 52-0).

("Annales d'Issoudun" , Septembre/1999, trang 20-21).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

IV. DIỄN GIẢI

Theo Giáo Luật: " Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu Kitô nhất định, được thành lập cách cố định trong Giáo Hội địa phương mà việc coi sóc mục vụ được trao cho một Linh mục chính xứ như là Chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền của Giám Mục Giáo phận " (GL 515).

Thư Mục Vụ khi nói " vai trò của giáo xứ trong việc giáo dục đức tin là nhằm trước tiên đến vị chủ chăn của giáo xứ và sự cộng tác của mọi tín hữu trong giáo xứ với vị chủ chăn của mình.

Như vậy, linh mục chính xứ là người thay mặt Đức Giám Mục trong việc coi sóc một Giáo xứ hay Họ đạo thuộc quyền mình, trong sự vâng phục Đấng Bản quyền địa phương. Xét như là người thay mặt Chúa quy tụ chung quanh mình những người cùng một niềm tin vào Chúa Kitô nên muốn cho cộng đoàn Họ đạo phát triển trong tinh thần hiệp thông, vị chủ chăn cần thực hiện những nhiệm vụ căn bản "theo Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI " sau đây:

Trong việc coi sóc Họ đạo có ba nhiệm vụ căn bản: Mục vụ Bí tích; Mục vụ Lời Chúa và Mục vụ bác ái.

Mục vụ Bí tích giúp chúng ta thực hiện sứ mạng truyền giáo qua việc gặp gỡ, chuẫn bị, hướng dẫn những người tín hữu nhiệt thành cũng như tín hữu nguội lạnh. Thật vậy, trong Bí tích Rửa tội, chúng ta chuẫn bị cho cha mẹ, gia đình và những người đỡ đầu hiểu ý nghĩa của Bí tích nhằm ban cho chúng ta sự sống mới, sự sống của chính Chúa, sự sống tồn tại mãi, dù kiếp sống trần gian nầy có qua đi; bí tích nầy còn đưa chúng ta vào gia đình con cái của Chúa là chính Giáo Hội, cộng đoàn những người tin.

Khi bắt đầu cữ hành Bí tích Rửa tội vị chủ lễ hỏi: "Anh chị em xin gì cùng Hội Thánh Chúa? ..."Thưa xin đức tin " . Điều nầy nói lên mối tương quan với Thiên Chúa. Biết Chúa. Vị chủ lễ hỏi tiếp: " Đức tin sinh ơn ích gì cho con?..." Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời " . Nghĩa là chúng ta mong muốn cuộc sống mình có ý nghĩa, một cuộc sống chắc chắc tồn tại. Việc chịu khó giải thích ý nghĩa của Bí tích, theo Đức Thánh Cha, đó chính là công việc truyền giáo đúng nghĩa. Các Bí tích khác, cũng vậy, cha xứ nên ân cần giải thích cho các thụ nhân ý nghĩa của bí tích mà họ sắp sắp lãnh nhận. Điều đó tạo nên mối tương giao giữa chủ chăn và đoàn chiên, nhất là soi rọi và củng cố đức tin cho họ.

Mục vụ Lời Chúa gồm các bài giảng và việc dạy giáo lý. Để giảng dạy Lời Chúa thích hợp cho người đương thời với những cảnh huống xãy ra cho họ ngay trước mắt, trong đời sống thực tế hàng ngày, cần ý thức khi đọc Lời Chúa là chính Chúa đang nói với tôi ngay lúc nầy, chứ không phải chỉ là những lời Chúa nói cho những người thuở xưa, và bằng cách đó chúng ta áp dụng lời Chúa vào thực tế đời sống của Họ đạo.

Mục vụ Bác ái nói lên trách nhiệm của các thành viên trong cùng gia đình Họ đạo: vui với người vui, khóc với người khóc, quan tâm đặc biệt đến những anh chị em bệnh tật, đau khổ, túng thiếu ở đây cũng chính là công việc truyền giáo thiết thực và hữu hiệu. B?i vì Họ đạo chính là Hội Thánh đang sống động giữa các gia đình Kitô hữu, chia sẻ với họ những ước mơ cũng như những khó khăn trong cuộc sống xã hội. Nhiệm vụ chính yếu của Giáo xứ là mời gọi các tín hữu sống hiệp thông huynh đệ yêu thương nhau. Những lương dân trong Họ đạo cũng là thành viên của Họ đạo, mà những việc bác ái cụ thể như thăm viếng, chăm sóc, quan tâm là những việc truyền giáo mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Để công việc mục vụ đạt được kết quả, cha sở cần có những người cộng tác, đã được đào tạo. Bởi vì ngài không thể một mình làm hết mọi việc. Ngài không " làm "nhưng " uỷ quyền " cho những người thừa hành có khả năng; cũng giống như các cha sở là những người thừa hành nhiệm vụ mà Đức Giám Mục Giáo Phận giao phó trong việc coi sóc các linh hồn tại các xứ đạo. Có như thế, công việc mục vụ mới sâu sát và lan rộng đến mọi thành phần dân Chúa.

(Tham khảo Zenit.org, 2006)

Lạy Chúa, xin biến Họ Đạo chúng con thành thành cộng đoàn huynh đệ, trong đó mỗi người, già trẻ, mạnh khoẻ, bệnh tật, đều có chổ đứng của mình, trong sự hiệp thông với Chúa và với nhau. Amen

KIỂM ĐIỂM

Trong xứ đạo, tôi có nhớ tôi là một thành phần của tập thể không?
Họ đạo tốt, hay họ đạo xấu, tôi có nhận định: tôi có trách nhiệm ít nhiều trong tình trạng đó không?
Trong họ, tôi thấy nhiều người bê bối, tôi có khổ tâm, thương yêu và tìm cách giúp đỡ, cải tạo? Hay khinh chê, tách biệt? Tâm trạng tôi thế nào?
Cho đến nay, tôi đã làm gì cho họ đạo tôi bớt xấu, nên tốt hơn?
Ít ra, tôi có sống đạo gương mẫu không?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Muốn biết giáo lý Đạo Chúa thế nào, người ta chỉ cần nhìn vào đời sống của các Kitô-hữu. Vì đời sống của họ chính là sự biểu hiện những gì mà họ đã tin. Chúng ta cùng cầu nguyện cho sự đoàn kết, một lòng sống đạo của mọi người trong giáo xứ chúng ta:

- "Kìa, hãy xem họ đồng tâm nhất trí và họ yêu thương nhau biết là dường nào". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần trong họ đạo chúng ta, đoàn kết yêu thương nhau, cùng một lòng thờ Chúa và cùng tuân giữ luật Chúa như nhu.

- "Họ chuyên cần dự Lễ Bẻ Bánh hằng ngày". Chúng ta cầu nguyện cho giáo xứ chúng ta, tỏ vẻ hân hoan vui sướng khi tham dự Thánh Lễ, trung thành và thường xuyên dâng lễ và lãnh nhận các bí tích.

- Chúa phán: "Khi con trở lại, hãy củng cố đức tin của anh chị em con". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, sắp xết đời sống đạo của mình cách hợp lý, nên chứng từ hùng hồn về đức tin cho anh chị em mình.

- Chúa phán: "Cứ dấu này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ Thầy, là: Cc con yêu thương nhau". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, thật tình yêu thương nhau, và giúp nhau thực thi Lời Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa quy tụ chúng con thành đoàn dân riêng của Chúa. Xin cho chúng con cùng hợp tác với nhau để loan truyền tình yêu Chúa, cho mọi người biết Chúa, yêu Chúa, và sống đạo Chúa, hầu ngày sau đặng lên thiên đàng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. HỌC KINH THÁNH

BÀI 22: SÁCH GIOSUÊ

Sách Giosuê là quyển thứ sáu trong bộ Kinh thánh Cựu ước. Quyển sách nầy chia làm 3 phần:

- Phần I: Đánh chiếm Đất Hứa (1-12)

- Phần II: Chia đất cho các chi tộc (13-21).

- Phần III: Kết thúc cuộc đời Giosuê. Cách riêng diễn từ cuối đời của ông và hội nghị tại Sikem (22-24). Việc nầy xảy ra vào khoảng năm 1.200 trước Chúa Giáng sinh.

1/ Vào Đất Hứa có dễ dàng không?

Không. Vì phải chiến đấu vất vả mới chiếm được.

2/ Giosuê là ai?

Ông là phụ tá của Môisen. Con của Nun thuộc chi tộc Ephraim và được phong làm người kế vị Môisê trong một nghi lễ được chính thức cử hành trước mặt vị tư tế và toàn dân. (Đnl 31, 1-8}.

Lời Chúa: "Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, và chúng tôi sẽ nghe lời Người"(Gs 24, 24).

Cầu nguyện: Xin cho con luôn trung thành phụng sự chỉ một mình Thiên Chúa. Amen.

VII. SỐNG ĐẠO

NHẬN ĐỊNH VÀ CẢM NGHĨ VỀ ĐỌC KINH

Có lẽ không mấy dân tộc công giáo đọc kinh nhiều như dân tộc mình. Thời xưa không mấy gia đình bỏ đọc kinh hôm, kinh mai, thường lần chuỗi nữa.

Nhưng có phải đọc kinh nhiều là giữ đạo và sống đạo không? Không đúng. Đọc kinh như cassette (máy thu thanh, phát thanh) phát lại những kinh Hội Thánh đặt ra để tôn thờ, tin, cậy, mến mà cầu và xin ơn, tạ ơn .

Đọc nhiều mà đọc như cái máy, thiếu ý thức thì kể như không giá trị gì. Hội Thánh đặt ra kinh để giúp tín hữu, nhất là giới thơ ấu, chưa ý thức, bập bẹ phần nào tâm tình đối với Chúa và đối với vạn vật. Cho nên, việc đọc kinh đầu tiên là tập ý thức giao tiếp với Chúa.

Ý thức giao tiếp như thế nào?

Đọc như máy là vô ý thức. Cần nhìn nhận đọc kinh là tiếp xúc với Chúa. Cho được tiếp xúc, thì nói được là ở gần nhau, thấy nhau, chuyện trò với nhau.

Có Chúa trước mặt là điều kiện cần cho việc đọc kinh có giá trị. Thấy nhau, gặp nhau chưa đủ, phải biết giao tiếp, nói chuyện với nhau . HộiThánh nhận định giáo hữu còn non trẻ, nên đã đặt những câu thiệu ( kinh) để tín hữu có được phần nào những tâm tình tốt đối với Chúa. Nói phần nào vì chưa hẳn đó là tâm tình của tín hữu mà chúng ta mượn tâm tình của Hội Thánh. Muốn có được tâm tình của Hội Thánh, lời kinh phải là lời của chúng ta, tình của chúng ta.

Ý thức là nhận thức những ý nghĩa những lời Hội Thánh phô diễn trong lời kinh. Không biết, không hiểu, thì không nói được là ý thức; còn ở trong tình trạng đọc như máy thì chưa đủ, chưa tốt.

Thấy ý nghĩa, thấy tâm tình Hội Thánh gợi lên, nêu lên, mặc dầu chưa hẳn là tâm tình xuất phát tự mình, nhưng có thể " mượn" và "mong ước" tâm tình đó nên tâm tình của mình đáp lại phần nào tâm tình vô hạn của Chúa.

Chúng ta đã " đọc" kinh thế nào? Có dựa vào việc năng đọc kinh mà kể mình là người đạo đức sốt sắng.

Xin Chúa cho chúng ta biết đọc kinh, không đọc như máy mà đọc có ý thức, có tâm tình. Có thể nói đọc kinh là tiếp xúc với Chúa. Để lần lần Chúa ban cho chúng ta, khi tiếp xúc biết hầu chuyện (có những lời tự phát) tâm sự (tỏ tình) thân tình. Điểm đến của tiếp xúc là kết hợp!

THÁNG 10 THÁNG MÔI KHÔI

Hội Thánh dùng tháng 10 để khuyến khích thúc đẩy tín hữu hâm mộ lần chuỗi Môi Khôi.

Lần chuỗi là một việc tôn sùng, dĩ nhiên không hoàn toàn khẩn thiết, nhưng rất lợi ích. Những thế kỷ trước không những ở Việt Nam mà có thể nói được là cả thế giới ham lần chuỗi. Cả đất nước, mỗi nhà thờ, mỗi Chúa Nhật đều lần chuỗi Môi Khôi : sớm, trưa, chiều. Gia đình nào không dự được buổi trưa thì giờ kinh tối đọc một chuỗi 50.

Buồn thay! Hiện thời, giáo hữu không còn giữ lòng ham mộ lần chuỗi. Có khi còn cho là việc kém giá nữa! thời xưa giới tu hành đã kéo dài hay thường xuyên hoá tiếp xúc với Chúa (semper orare) thì đã đọc 150 Thánh Vịnh. Giới tín hữu bình dân thấy vậy ham quá nhưng không đọc Thánh Vịnh được nên thay vào đó đọc 150 Kinh Kính Mừng.

Thánh vịnh, tôn thờ Chúa, tỏ tình với Chúa, cách thông thái sâu rộng; Còn lần chuỗi, vẫn có tình, dẫu đơn sơ, vẫn nồng ấm .

Về vấn đề thông thái sâu rộng thì Hội Thánh thêm vào kinh Tin Kính, Lạy Cha, Sáng Danh. Kinh Tin Kính gồm các điều phải tin. Kinh Lạy Cha (Kinh chính Chúa đã dạy) là Kinh gồm tóm tất cả các lời kinh. Sau cùng Kinh Sáng Danh là tuyệt đỉnh của công trình tạo dựng và cứu chuộc.

Đặc điểm của lần chuỗi là phần suy niệm: Đọc kinh, đọc Thánh Vịnh, dẫu sao cũng thường kể là khẩu nguyện. Còn lần chuỗi vừa là khẩu nguyện vừa là tâm nguyện. Ngoài miệng vừa đọc, mà tâm trí vừa nhìn vừa suy nghĩ về Chúa.

Nhìn như trong ngắm (gẫm)

Thứ nhất: Đức Bà được truyền tin. Chúng ta có thể nhìn bức tranh Thiên Thần hiện đến, loan truyền Lời Chúa. Mẹ Maria bàn luận. Nhìn kể được là tâm nguyện. Nhờ biết nhìn mà Chúa chiếm lấy tâm hồn.

Hơn một bước nữa: vừa đọc, vừa suy niệm. Tại sao Chúa giáng trần, với hình thể một trẻ bé? Tại sao Chúa quá trọng một trinh nữ nghèo? Vì đâu mà Chúa trọng tự do của con người. v.v.

Nhìn Chúa, suy nghĩ về Chúa để được biết Chúa hơn, để lần lượt nên người thân của Chúa và liên kết với Chúa.

Nghe lời Mẹ Hội Thánh khuyến khích, chúng ta hãy ham mộ lần chuỗi. Việc tôn sùng lần chuỗi đã có lâu đời trong Hội Thánh. Mẹ Maria, những lần iện ra ở Lộ Đức, ở Fatima cũng đã khuyến khích.

Việc lần chuỗi vừa đơn sơ, vừa cao siêu, nhiều lợi ích, có thể nói là trường học của nhiệm hiệp.

Lạy Mẹ Maria, xin dẫn dắt chỉ dạy chúng con.

VIII. QUỚI CHỨC TÌM HIỂU

Chỉ nhờ ánh sáng đức tin và nhờ suy niệm lời Chúa mỗi người mới có thể nhận ra Chúa trong mọi nơi và mọi lúc, vì trong Ngài "ta sống, ta hoạt động, ta hiện hữu" (CvTđ 17,28). Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Kitô trong mọi người, dù là kẻ thân hay người lạ, phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của sự vật trần thế, xét nơi chính nó và xét theo tương quan với cứu cánh của con người.

Những người có đức tin này, trong khi tưởng niệm Thánh Giá và sự Phục Sinh Chúa, họ sống trong niềm hy ọng mạc khải của con cái Thiên Chúa.

Trong lúc đời sống lữ hành này, họ được giấu ẩn trong Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô và được giải thoát khỏi nô lệ của cải trần thế, đang khi họ tìm kiếm của cải tồn tại vĩnh viễn, với lòng quảng đại họ sẽ hoàn toàn hiến mình để mở rộng nước Thiên Chúa và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập và cải tạo lãnh vực thực tại trần thế. Giữa những cơn thử thánh đời này họ tìm thấy sức mạnh trong niềm hy vọng vì họ nghĩ rằng: "Những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu so với vin quang sắp tới sẽ được giải bày cho chúng ta" (Rm 8,18).

(Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 4 phần đầu)

Ý chính :

Sắc Lệnh đã đưa ra những nguyên tắc để huấn luyện đời sống tinh thần và cá nhân của các giáo dân làm việc tông đồ:

Hiệp nhất với Chúa Kitô, nguồn mạch và nguyên nhân việc tông đồ của Giáo Hội; thánh hóa đời sống gia đình: thánh hóa những lo âu trần thế hay phàm tục. Mọi sự đều có giá trị riêng của nó và đời sống đạo đức của giáo dân đời họ không được khinh chê những thứ đó.

Suy gẫm Lời Chúa và bác ái với tha nhân là những nhân đức sẽ đem lại kết quả phong phú cho việc tông đồ giáo dân.

Ban Quới Chức chính thức đảm nhận làm việc Tông Đồ, cần theo đường lối tu đức nầy.

Quới Chức quyết tâm kết hợp với Chúa Kitô, với Giáo Hội, sống Lời Chúa và phục vụ tha nhân.

IX. TẢN MẠN

XÂY DỰNG NHÀ THỜ

Con đường dẫn vào ngôi nhà thờ khánh thành hôm nay pha trộn đất, đá, gạch long chong. Những chỗ chắp vá loang lổ trên hương lộ cho thấy nổ lực chuẩn bị đón khách xa đến dự lễ. Phải công nhận rằng hòan thành một ngôi thánh đường mới ở vùng sâu này thật đáng trân trọng, để xây dựng một căn nhà tường bình dân xem ra cũng khó khăn trăm bề!

Vùng sâu nước mặn ai ơi,
Nước không đủ uống, đường đi gập ghềnh!

Người ta vẫn thường nói: có khó mới ló cái khôn. Một linh mục có tài lãnh đạo sẽ không chịu bó tay trước những nghịch cảnh do thiên nhiên, ngài biết " tương kế tựu kế" dùng ơn khôn ngoan của ChúaThánh Thần ban cho để biến khó thành dễ, biến không thành có ... Nếu nắm được đủ ba yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, bạn dễ dàng thành công. Nơi vùng xa đất sâu này, làm sao có đủ ba yếu tố đó. Phải chăng yếu tố Nhân Hòa vượt trội bù đắp cho những thiếu thốn khác. Một cha sở đầy quyết tâm và cộng đoàn giáo dân luôn khát khao nhiệt tình đã phá vỡ sự bế tắc của địa hình. Ngạn ngữ Tây phương có câu: " Aide toi, Dieu t aidera . Và ngạn ngữ Đông phương : "Tận nhân lực, tri thiên mệnh " . Thật đúng như vậy, cứ cố gắng hết khả năng của mình và tin tưởng phó thác cho Chúa. Nhân lực và Thiên ý cộng lại sẽ cho hiệu quả hoàn hảo, vượt hơn những tính toán của phàm nhân.

Để hòan thành ngôi nhà thờ khang trang, rộng rải, kiểu cách thanh thoát, màu sắc hài hòa, Cha sở ở đây phải tốn thời gian thi công hơn hai năm. Ngài cho biết vào mùa nắng nước mặn, phải tạm ngưng. Khi mùa mưa đến, tiếp tục công trình, nhưng tiến độ thi công chậm lại do những ngày mưa gió. Ngày lễ khánh thành hôm nay, giáo dân địa phương mặc trang phục với nét mặt vui mừng phấn khởi, khác với những ngày dầm mưa giải nắng, da sạm tóc khô, mồ hôi vất vả! Chuyên chở vật liệu xây dựng thật gian nan, sông nhỏ đường hẹp, chỉ có những con người là rộng rãi, không e ngại địa hình trắc trở. "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông" .

Trong quá trình xây dựng Nhà thờ, có phần "ẩn " và cũng có phần " hiện" .

Phần " ẩn " cũng gặp nhiều rắc rối và lắm nhiêu khê! Lo thủ tục giấy phép đủ mệt bở hơi tai, phải chờ đợi tốn rất nhiều thời gian ... Vừa phải lo chạy đôn chạy đáo kiếm tiền. kinh phí hàng tỷ đồng, kiếm đâu ra? Âm thầm lặng lẻ và tin tưởng phó dâng, giống như cuộc lên đường phiêu lưu của Abraham, và lời đáp " xin vâng" can đảm của Đức Maria. Chắc chắn những lời cầu nguyện của cha sở và giáo dân là nền móng vững chắc cho công trình xây dựng nhà thờ.

Phần " hiện" là kết quả của phần " ẩn" . Có được giấy phép, có tiền là điều kiện để mướn thợ thi công. Nhà thờ càng lớn thì nổi lo càng nhiều. Nhà thờ xây mới mà tóc cha bị bạc nhiều hơn. Nhà thờ có nề nếp thì vầng trán cha thêm những nếp nhăn! Như ngọn nến càng cháy sáng, sáp càng phải tiêu tan hao mòn.

Dầu chồng chất những điều khó, nhưng trong gần ba thập kỷ qua, nhiều họ đạo trong Giáo Phận có được những nhà thờ mới. Nghị lực của các cha thật đáng trân trọng cùng với sự đóng góp của giáo dân xa gần làm nên những công trình có giá trị về tôn giáo, lịch sư và văn hóa nghệ thuật. Có thể so sánh nhà thờ như giếng nước đầu làng cung ứng nguồn mạch sống cho bao người. Ngày xưa nơi giếng Giacop, Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài là nước hằng sống; ngày nay nơi Nhà thờ, Ngài luôn tiếp tục trao ban chính mình là Bánh trường sinh và Nước hằng sống.

Thay lời kết, các cha không chỉ xây dựng những nhà thờ bằng gạch đá, nhưng hơn thế nữa, đó là những tòa nhà tâm hồn. Nhà thờ rộng rải, thoáng mát, sạch đẹp để đón tiếp những tâm hồn thánh thiện.

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

CHUYỆN VỀ CÂY ĐẠI THỤ

Trên sườn núi Longs Peak ở Colorado có một cây đại thụ khổng lồ bị tàn phá còn trơ lại mỗi một khúc thân. Những nhà thực vật học đoán cây đó sống khoảng 400 năm. Hồi Columbus đặt chân lên đất El Salvador nó đã có rồi và khi những tu sĩ tới gây dựng sự nghiệp ở Plymouth, nó mới sống được nữa đời của mình.

Trong đời sống dài đằng đẵng suốt bốn thế kỷ đó, nó bị sét đánh 14 lần và trải qua biết bao lần tuyết băng, giông tố mà vẩn sống. Về sau, nó bị một đàn sâu đục khoét hết lớp vỏ nầy đến lớp vỏ khác, mỗi ngày gậm nhấm từng chút một, liên tiếp không ngừng.

Dần dần cây cổ thụ trở nên mục ruỗng và ngã đổ. Thành thử một cây cổ thụ khổng lồ chống chọi nổi với thời gian, với sấm sét, với giông tố mà rốt cuộc lại bị hạ vì những con sâu tí hon, nhỏ xíu tới nổi có thể bẹp nát giữa hai đầu ngón tay …

Nhiều người chúng ta cũng từng vinh quang chiến thắng được sấm sét, giông tố, vượt qua cả trời long đất lở trong đời, để rồi bị những phiền muộn, giận hờn vặt vãnh tầm thường đánh gục. Những điều vụn vặt ấy có khác chi những con sâu nhỏ kia có thể phá huỷ cuộc sống chúng ta từng ngày. Vì thế, đừng bao giờ để những con sâu ấy len lỏi trong tâm hồn, khi chúng ta có thể bóp bẹp chúng chỉ bằng hai đầu ngón tay.

HOÀI BẢO

XI. LỜI CHÚA

"Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng"
(Tông đồ công vụ 2, 42)

XII. CHÂM NGÔN

Người tu bỏ tất cả nhưng lại được tất cả.
Đời tu xem ra khó nhọc nhưng đúng ra là cuộc sống an bình và vui phúc.

1141    21-04-2012 09:31:59