Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Giới Trẻ Sống Theo Một Lý Tưởng Lành Mạnh - Tháng 09 năm 2001

Chủ đề: GIỚI TRẺ SỐNG THEO MỘT LÝ TƯỞNG LÀNH MẠNH

 

I. LỜI CHÚA: Lc 6, 13

“ Không ai có thể làm tôi hai củ, vì hoặc sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ nầy mà khinh dễ chủ nọ. Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được ” .

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Tiền của có sức mạnh chiếm chổ Thiên Chúa hiện diện trong ta. Tiền bạc hứa hẹn sức mạnh (mãnh lực đồng tiền) và quyền lực, nhưng không thể mang lại cho ta sức khỏe, hạnh phúc và cuộc sống vĩnh cửu, nó có thể mất đi sau một đêm. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy chọn làm tôi Thiên Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ được bình yên và cuộc sống được đảm bảo bây giờ và mãi mãi.

III. CHUYỆN MINH HỌA

CHỌN TÌNH YÊU

Có một người đàn bà nọ khi rời khỏi nhà mình thì thấy ba cụ già, râu trắng xóa đang ngồi ngoài sân đối diện ngôi nhà. Chị chưa hề biết họ. Chị nói : “ Tôi không nghĩ là tôi biết các ông, nhưng có điều chắc chắn là trông các ông rất đói. Xin các ông vui lòng vào nhà ăn chút gì đi ” .

- “ Chồng chị có ở nhà không? ” Họ hỏi.
- “ Không, anh ấy đã ra ngoài rồi ” , chị trả lời.
- “ Vậy thì chúng tôi không vào ” , họ nói.
Chiều đến, khi chồng trở về nhà, người phụ nữ nói với chồng mình về việc đã xãy ra. Anh bảo chị :
- “ Nói với họ là tôi có ở nhà và mời họ vào ” .
Người đàn bà bước ra mời ba cụ già kia vào, nhưng họ trả lời : “ Chúng tôi không thể vào cùng một lúc được! ”
- “ Tại sao vậy ” ? Chị hỏi.
Một trong ba cụ già, hướng về một trong hai cụ kia và giải thích : “ Tên ông nầy là Tiền Của ” ; hướng về phía cụ còn lại ông nói : “ Tên ông kia là Thành Đạt ” , còn tôi : “ Tên tôi là Tình Yêu”. Nói xong ông cụ kết luận : “ Bây giờ chị hãy đi bàn với chồng chị xem anh ta muốn mời ai trong ba chúng tôi ” .

Người phụ nữ đi vào nhà nói với chồng những điều mà chị vừa nghe. Anh ta vui mừng quá sức : “ Thật tuyệt, trong trường hợp nầy chúng ta hãy mời ông Tiền Của vào nhà chúng ta để ông ấy làm cho nhà mình đầy tràn tiền bạc" !

Bà vợ phản đối : “ Anh à, tại sao chúng ta không mời ông Thành Đạt vào nhà mình ” ?

Cô con gái nuôi, từ nảy giờ đang ngồi trong góc nhà, lắng nghe câu chuyện, đứng dậy bỏ đi và nói : “ Có lẽ tốt hơn nên mời ông Tình Yêu và như thế nhà chúng ta sẽ ngập tràn tình yêu thương ” .

” Chúng ta nên nghe theo lời khuyên của con gái mình ” người chồng nói với vợ và tiếp : “ Em hãy đi mời ông Tình Yêu vào làm khách nhà mình đi ! ”.

Người đàn bà ra khỏi nhà và hỏi ba cụ già : “ Ai trong các ông là Tình Yêu xin hãy vào làm khách nhà chúng tôi ” .

Ông Tình Yêu đứng lên bước về phía ngôi nhà. Hai cụ già kia cũng đứng lên đi theo ông ta. Ngạc nhiên, người phụ nữ hỏi ông Tiền Của và ông Thành Đạt : “ Tôi chỉ mời có ông Tình Yêu, sao các ông lại cùng vào ” ?

Ba cụ già đồng thanh trả lời : “ Nếu chị mời ông Tiền Của hoặc ông Thành Đạt thì hai ông còn lại sẽ ở ngoài; nhưng nếu chị mời ông Tình Yêu, thì bất cứ nơi đâu ông ta đi, chúng tôi sẽ cùng đi với ông ấy. Bất cứ ở đâu có Tình Yêu, thì ở đấy cũng có Thành Đạt và Tiền Của !!! ”

IV. DIỄN NGHĨA

Người đời thường quý trọng sự thăng tiến và thành đạt. Thước đo của sự thăng tiến và thành đạt là việc thâu tóm quyền lực và sự vượt trội về của cải vật chất. Vì thế nổ lực chính trong cuộc đời của một số đông người là làm sao có quyền để có tiền, hoặc ngược lại, có tiền để có quyền, tức là vừa có tiếng vừa có miếng. Đây là cách suy nghĩ của đám đông và theo đám đông.

Thế nhưng, cuộc sống của con người không phải chỉ là có thật nhiều tiền, vì thực tế cho thấy người có nhiều tiền chưa hẳn đã sung sướng, hạnh phúc. Thống kê tại Mỹ, một quốc gia rất phát triển về của cải vật chất cho thấy hai phần ba số người giàu có nhất than phiền rằng họ không có hạnh phúc như mong muốn. Hạnh phúc con người tỷ lệ nghịch với sự giàu có. Địa vị và quyền lực đi đôi với tiền bạc cũng không làm cho con người được bình an vui sống. Một danh nhân đã nói: “ Le pouvoir corrompt; le pouvoir absolu corrompt absolument ” (Quyền lực làm bại hoại; quyền càng tuyệt đối, làm bại hoại cách tuyệt đối); nếu con người đặt mục đích cuộc đời mình là tìm kiếm danh vọng và của cải trần thế. Con người còn lại gì sau một đêm, tất cả trở về tay trắng sau cái chết.

Chuyện kể về một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chổ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách : đó là nhịn đói để gầy bớt đi. Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lổ hổng một cách dể dàng. Nó vào được trong vườn nho. Nhưng sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lổ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa. Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ : “ Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì ? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng ” .

Mọi em bé khi chào đời đều nắm chặt hai bàn tay lại. Chúng ta bước vào trần gian với hay tay muốn nắm trọn tất cả, nhưng khi chết mọi người đều buông thỏng hai tay mình ra. Chẳng còn lại gì cả, có chăng là còn tình yêu. Tình yêu mà ta đã trải rộng ra cho người khác lúc còn sống và tình yêu đó đi theo ta về cõi đời đời. Tình yêu cũng chính là thứ có giá trị duy nhất trước Tòa Phán xét của Chúa : Yêu Chúa, yêu người.

Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa là Tình Yêu. Bản chất của Ngài là yêu thương. Tất cả mọi người đều muốn yêu thương và cần được yêu thương. Đó là tiếng gọi sâu thẳm tự trong tâm hồn mỗi người mời gọi dấn bước chia sẽ, yêu thương.

Chỉ duy nhất tình yêu mới có thể làm cho tâm hồn con người giữ được sự thanh thản, ngay cả trong những giây phút tối tăm nhất; chỉ có tình yêu mới đưa dẫn con người đến với trạng thái an bình, ngay giữa những nhọc nhằn khủng khiếp nhất của cuộc đời. Tình yêu là là hành trang mà mỗi người cần có để đi suốt cuộc đời mình cho đến bên kia thế giới.

Như vậy, muốn cho cuộc sống được hạnh phúc và có ý nghĩa các bạn trẻ cần phải định hướng cuộc đời mình : sống theo một lý tưởng lành mạnh và trong sáng. Tương lai mỗi người tùy thuộc vào quyết định của chính bản thân mình. Chính là tôi chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm về chính cuộc đời mình.

Trong các loại sách Học Làm Người, các tác giả thường khuyên chúng ta : “ Chỉ nên nhắm đến một mục đích, nhưng cần biết lưu tâm đến nhiều việc trong đời sống ” . Mục đích mà mỗi Kitô hữu chúng ta cần nhắm đến là sống gắn bó với Chúa Giêsu, thể hiện trong đời sống với phương châm “ sống có ích cho mình và cho người khác và để đạt được nhiều kết quả cần “phải có nhiệt huyết.

1. Sống gắn bó với Chúa Giêsu.

Người ta nói “ hãy cho biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn như thế nào ? ” . Vậy bạn rất rất thân của chúng ta là ai? Ai là người thân thiết nhất của chúng ta trên cõi đời nầy ? Hay nói như Bài Phúc âm ở trên : Tôi thuộc về ai, về Thiên Chúa hay Tiền của? Tuỳ theo quyết định chọn lựa của chúng ta, mà kết quả sẽ hiển nhiên. “ Tiền của ” ở đây hiểu theo nghĩa : mọi sự thuộc về thế gian, của thế gian mau qua.

Sống gắn bó với Chúa Giêsu là trở nên thân thiết với Người, là cột chặt cuộc đời mình vào với Chúa, là chọn Chúa Giêsu là bạn, là Chủ tể cuộc đời mình, là quyết định đứng về phía Thiên Chúa. Bởi vì tin là dấn thân sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Qua Chúa Giêsu, chúng ta mới đến được Thiên Chúa Ba Ngôi.

Không phải chỉ đón nhận Chúa bằng lý trí, vì đức tin không phải là tổng hợp những giáo thuyết mà chúng ta học hỏi; cũng không phải là xúc cảm mà chúng ta có về Chúa : vì tôi thích, có cảm tình... Cảm xúc không phải là tin. Tin là đón nhận Chúa nhập cuộc vào đời mình, bằng cả con người, khối óc, con tim của mình, là tự nguyện chấp nhận Chúa. “ Chúa đâu có nhìn cảm xúc của chúng ta, Chúa nhìn vào quyết tâm của chúng ta. Chúng ta có thể cảm thấy bị xâu xé bởi nghi nan, cảm thấy mình khốn nạn, nhưng khi chấp nhận Chúa Giêsu trong lòng tin, công việc đã được thỏa thuận. Sau khi trao lại cuộc đời cho Chúa Giêsu, bạn có cảm thấy gì hay không cảm thấy gì, điều đó không quan trọng. Chúa đã chấp nhận sự đầu hàng của ý chí bạn, bạn đã được tái sinh trong Thánh Thần ” (M. R. Carothers : Bí Quyết Hạnh Phúc, tr. 59).

Chúa Giêsu muốn chúng ta sống thân tình với Người. Sống gắn bó với Chúa Giêsu là sống “ như với Đấng vô hình ” luôn kề cận bên ta, trong thâm sâu tâm hồn ta, trong mỗi quyết định và ngay cả trong khi ta lầm lỗi. Tình yêu Thiên Chúa sẽ bao phủ trên ta và gạn lọc những lỗi lầm. Hơn nữa, những kẻ tội lỗi hối cãi chẳng phải là những người được Chúa yêu thương nhất đó sao ? Chính Chúa sẽ dìu dắt, định hướng cuộc đời ta đến kết cục mỹ mãn.

Trong quyển Tôi Tin, Grant Teaff, huấn luyện viên đội banh Trường Đại Học Baylor , Texas tả lại câu chuyện như sau : Một đêm thứ bảy, đội banh của ông đáp máy bay trở lại Texas . Bất thần, máy bay trục trặc. Viên phi công hô to lên cho mọi người biết là máy bay phải đáp xuống bằng bụng trên mặt đất. Những tia lửa bắn tung toé khắp nơi. Tuy nhiên, kỳ diệu thay, máy bay không phát nổ và không ai bị thương. Sau đó, ông quỳ xuống trong phòng thay quần áo của đội banh và cầu nguyện :

” lạy Chúa, con biết Chúa có một kế hoạch, một mục tiêu và một ý định cho đời con và đời các bạn trẻ nầy. Con không biết kế hoạch đó là gì, nhưng con sẽ cố gắng ghi sâu vào tâm trí các bạn trẻ, rằng trong đời sống còn có nhiều điều khác hơn là chơi banh, rằng Chúa có sẳn một mục tiêu cho đời sống chúng con ” .

Vậy đó, trong đời sống còn có cái gì khác hơn là danh, lợi thú đời nầy. Chúa Giêsu là Đấng xứng đáng cho chúng ta gắn bó cuộc đời mình vào Người. Chính Người chứ không ai khác trên đời nầy, sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc bây giờ và mãi mãi. Đó chính là mục tiêu mà chúng ta chăm chăm nhắm tới, phần còn lại, ơn Chúa sẽ dìu dắt chúng ta đến đích.

2. Sống có ích cho mình và cho người khác.

Niềm tin vào Thiên Chúa chẳng những không cản trở mà còn thúc bách chúng ta hoàn thiện con người mình. Luyện tập kỹ năng học hỏi, phát triển kiến thức, tích lũy kinh nghiệm sống với những quyết định thường ngày trong cuộc sống thực tế; phát triển tự do và nhân cách của mình trong khi vẫn duy trì mục đích nhắm đến là sống theo ý Chúa. Thánh ý Chúa như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc sống : trong lời nói , trong hành động, qua cách nghĩ của ta.

Không ai có thể cho cái mà mình không có. Muốn làm điều tốt cho người khác, thì ta phải tốt trước đã. Phải làm sao cho cuộc sống chúng ta trở nên hữu dụng cho mình : sống có ích cho mình, thì mới mong giúp ích cho người khác được. Cuộc đời không định hướng giống như lục bình trôi sông : nước lớn trôi vào, nước ròng trôi ra, xuôi ngược lênh đênh, tấp đâu cũng được. Lại thêm những bất trắc, những ngẫu nhiên thường xuyên xãy ra ngay cả khi ta đã có một hướng đi rõ rệt. Do đó, cần kiên vững trong mục đích của mình.

Và cũng không ai sống một mình. Cuộc đời chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn luôn sống với người khác : đứa bé sống với mẹ, lớn lên sống với anh chị trong gia đình, trưởng thành sống trong xã hội... Mỗi người đều cần đến người khác. Nhưng có một chân lý quan trọng mà Chúa Giêsu đã dạy và làm gương chúng ta là sống cho người khác : “ chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân ” . Chúng ta là người hơn, phát triển con người một cách sung mãn và trưởng thành hơn khi biết sống hiến thân một cách vô vị lợi cho người khác : sống có ích cho người khác.

Thật vậy, giá trị đích thực của con người hệ tại ở lòng quảng đại và sự hy sinh. Con người càng trưởng thành hơn, càng nên người hơn, trong mức độ họ biết xã thân hy sinh cho người khác. Người đời thường quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không màng chi đến quyền lợi kẻ khác. Người ta không thích nói đến từ “ phục vụ ” . Rốt cục, con người có được tất cả nhưng đánh mất chính mình : “ Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ” . Có ai mang theo được gì vào cõi đời đời ngoài cái mà họ đã cho đi vì yêu thương ! Đó chính là nghịch lý của Kitô giáo: “ Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình thì sẽ gặp lại ” .

Thật vậy, chính trong hy sinh, phục vụ tha nhân mà chúng ta gặp lại chính mình. Chính trong phục vụ con người mới tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Chính trong những nghĩa cử yêu thương, con người mới tìm được nguồn hạnh phúc đích thực cho cuộc đời mình.

Dĩ nhiên, ở đây chúng ta cần lưu ý một điều : “ cho không phải để được cho lại ” một cách nào đó; cũng không phải vì hợp sở thích của mình : thích cho...nhưng là vì Chúa muốn, vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa mà chúng ta gắn bó.

3. Sống và làm việc với tất cả nhiệt tình.

Thánh Francois de Sale nói : “ Làm theo thánh ý Chúa chưa đủ; mà còn phải làm một cách vui vẽ và nhiệt tình ” . Napoléon Hill trong quyển sách viết cho những ai muốn làm giàu có tựa đề “ Quyết chí làm giàu ” đã đưa ra quan điểm như sau : sức mạnh của tư tưởng con người có khả năng biến từ những ước mơ giàu có trở thành hiện thực; miễn là phải có khát vọng cháy bỏng làm giàu. Từ khát vọng cháy bỏng đó nung nấu con người kiếm tìm những cơ may mà người khác không thấy, biến nó thành hiện thực giàu có. Đây là quan điểm của thế hệ trẻ thành đạt tại các nước Âu Mỹ nhằm phá đổ rào chắn cũ : “ con vua thì lại làm vua, con ông sãi chùa thì quét lá đa ” . Mỗi người phải tự rèn luyện ý chí sắt đá của mình để thành đạt.

Người đời tìm kiếm của cải mau qua đã tốn rất nhiều tâm huyết như vậy, thì việc sống cho Thiên Chúa, tìm kiếm phần phúc đời đời càng đòi hỏi mỗi chúng phải kiên quyết biết bao.

Xét cho cùng trong đời sống đức tin cũng như trong cuộc sống đời thường với những bổn phận thường ngày, những người không có nghị lực, không tha thiết với công việc, bổn phận hiện tại của mình, hay than van kêu khổ : nắng không ưa, mưa không chịu, trời mát mát thì đi chơi, làm sao có thể sử dụng vốn thời giờ sống một cách có hiệu quả được. Thomas Edison nói : “ Thiên tài là 90% lao động cực nhọc và 10% là thiên phú ” .

Cần vun đắp bầu nhiệt huyết của mình bằng việc cố gắng “ đã làm thì làm cho đến cùng “ không trì hoãn đến ngày mai, vì trì hoãn làm lỡ cơ hội và gậm nhấm dần nghị lực của ta , luôn sẳn sàng, vì mỗi người chỉ sống có một lần. Một cái nhà xây thất kiểu, người ta có thể phá đi để xây cái mới, một cuộc đời hỏng rồi chỉ có ăn năn chứ không thể làm lại từ đầu.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phục vụ Chúa, như Chúa đáng được phục vụ;
Biết cho đi mà không tính toán;
Biết chiến đấu mà không sợ thương tích;
Biết làm việc mà không cần ngơi nghỉ;
Biết xã thân mà không tìm phần thưởng nào khác,
Ngoài việc thi hành thánh ý Chúa . Amen
(Thánh Ignatiô de Loyola)

VI. HỌC THUỘC LÒNG LỜI CHÚA: 6, 13

“ Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền của được ” !

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TÌM MỘT HƯỚNG ĐI

Khi người trẻ bước chân vào đời là lúc bạn trẻ chọn cho mình một hướng đi. Nhìn về tương lai, họ băn khoăn tự hỏi : Đời tôi sẽ ra sao ? Đâu là lý tưởng sống của đời tôi ? Tôi phải làm gì để thành công trên đời ? Rồi đây tôi có làm nên sự nghiệp gì chăng ? . . . Biết bao câu hỏi nảy sinh trong đầu, buộc người trẻ phải chọn lựa cho mình một hướng sống lành mạnh, tốt đẹp. Đây là lúc mà người trẻ rất cần một ai đó hướng dẫn và đưa ra những dấu chỉ làm bảo chứng để họ tiến bước. Là bạn với nhau, tôi sẽ giúp bạn được gì ?

I. HƯỚNG ĐI CỦA TÔI LÀ SỐNG YÊU THƯƠNG

Dù muốn hay không muốn, mỗi người chúng ta đều đã có mặt trên trái đất này. Và đã có ai đó ví sự có mặt ấy như một cuộc vượt biển. Đứng giữa trời biển mênh mông, người ta cần phải biết mình đi về đâu và nhắm hướng nào để tiến tới. Đối với người Kitô hữu chúng ta, chỉ có một định hướng duy nhất trong cuộc đời, đó là tình yêu. Theo Kitô giáo, yêu thương là ơn gọi của con người, bởi vì trong muôn loài sinh sống trên mặt đất này, chỉ có con người là tạo vật duy nhất mang hình ảnh của Thiên Chúa. Bởi lẽ Thiên Chúa là Tình yêu, cho nên dấu ấn mà Ngài đã ghi tạc trong con người không gì khác hơn là tình yêu. Chỉ có con người mới biết và phải sống yêu thương. Do đó, tôi chọn sống yêu thương làm hướng đi của tôi, như thánh Augustinô đã nói : ” Hãy yêu và làm điều bạn muốn”. (Ama et fac quod vis.)

Ở giữa biển khơi, con người có nhiều phản ứng khác nhau. Có người phó mặc cho sóng gió. Có người chèo chống mà không biết mình đi về đâu. Người khôn ngoan là người chẳng những chèo chống, mà còn biết nhìn về một phương hướng nào đó. Đối với người Kitô hữu chúng ta, hướng của cuộc sống mà Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta là Chúa Kitô. Chúa Kitô là người đã chỉ cho nhân loại biết thế nào là sống yêu thương thật sự. Ai thuộc về Ngài và sống dưới sự chỉ đạo của Ngài là người đó đã sống yêu thương.

Đan cử một tấm gương :
(trích nguyên văn lá thư của anh Christopher gởi cho một linh mục)

Kính thưa Cha, con đã từng là tay bơi lội hàng đầu trong bảng xếp loại của con ở Canada . Một ngày nọ, con đã để cho lũ bạn dụ dỗ con thử dùng ma túy. Thế là con bị cắn câu và chẳng bao lâu sức khỏe, tâm thần, thể lý và thiêng liêng của con bị sa sút tồi tệ . . . Con biết con ngày càng lún sâu. Con trở nên cô đơn và kinh hãi, nhưng không biết ngỏ lời cùng ai. Sự việc càng thêm tồi tệ khi con thiếu nợ các tay buôn ma túy hơn 3000 Đô La. Con nghĩ rằng chỉ còn một lối thoát duy nhất là tự tử, vì thế con đi về nhà và viết mẫu giấy như sau : Bố Mẹ kính mến, con rất tiếc phải gây cho Bố Mẹ nỗi đau đớn này . . . Xin Bố Mẹ đừng quá đau lòng. Nếu con cứ tiếp tục sống như thế này thì chắc hẳn con còn gây cho Bố Mẹ phiền muộn hơn là hành động con vừa gây ra cho mình. Con vẫn yêu quí Bố Mẹ và toàn thể gia đình mình. (ký tên. Christopher)

Thế là con bắt đầu nốc rượu vào để cố gắng thắng lướt nỗi sợ hãi khi con đang chuẩn bị lìa đời. Nhưng rồi, vào phút cuối cùng thì một điều gì đó đã ngăn cản con lại. Con bấu tay nhắc điện thoại lên và gọi đến trung tâm cấp cứu. Con không hề hay biết là vào lúc đó Mẹ con đã cầu nguyện điên cuồng cho con. Vài ngày sau, con được đưa vào trung tâm cai nghiện ma túy, và chẳng bao lâu con được hồi phục cả sức khỏe thể lý lẫn tâm lý. Thế rồi con bắt đầu đọc Kinh Thánh. Càng đọc con càng cảm thấy bình an vui vẻ . Kinh Thánh đã dẫn con đến niềm tín thác trọn vẹn vào Chúa, đồng thời trong lúc đó bừng dậy nơi con lòng ao ước học hỏi về Chúa Giêsu để được hiểu biết và yêu mến Ngài hơn. Cũng thực khôi hài, con đã phải quì gối xuống ít nhất tới 10 lần, để cầu xin Chúa đến trong đời con, trước khi con nhận ra được rằng Ngài đã hiện diện ở đó rồi . . .

Tất cả sự việc này xảy ra cách đây 5 năm. Từ đó đến nay, Chúa đã ban phúc cho con rất nhiều. Hiện con đang dạy trong một trường trung học Công Giáo và đang hoạt động trong cộng đoàn giáo xứ của con. Con cũng vẫn luôn cố gắng học cách mở rộng lòng mình càng ngày càng nhiều để yêu và được yêu. Đó là lý tưởng sống cao đẹp nhất mà con cảm nhận được.

Kính thư.
Christopher

II. TIÊU CHUẨN CHỌN LỰA HƯỚNG ĐI

1. Tiêu chuẩn :

Trong đời sống, nhiều khi chúng ta đi tìm Chúa theo tiêu chuẩn và đường lối nhân loại. Nhưng đường lối can thiệp của Chúa khác hẳn, Ngài tỏ mình trong thâm tâm mỗi người, bằng những tiếng thì thầm êm nhẹ. Vì thế, nhìn vào chiều sâu cuộc sống là một trong những phương thế hữu hiệu để nhận ra chương trình kỳ diệu của Chúa. Nếu chúng ta biết mở rộng tâm trí để nhận ra những dấu chỉ của Chúa qua các biến cố cuộc sống, chúng ta sẽ tìm được hướng đi của đời mình.

2. Tâm trạng giới trẻ.

ĐHY Jean Louis Lustiger nói rằng : “Giới trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa xã hội”. Ngài giải thích :”Điều đó có nghĩa là xã hội đang lâm vào tình trạng đoạn tuyệt, và Giáo Hội cũng là thành phần của xã hội ấy. Điều đó cũng muốn nói lên rằng xã hội đang bị đe dọa giãy chết, bởi vì dấu chỉ của sự sống là sự phong phú, thế mà xã hội chúng ta lại là một xã hội cằn cỗi. Chính những giá trị của xã hội đang bị đe dọa từ bên trong, những giá trị này mang theo mầm mống sự chết, vì chúng không còn khả năng đón nhận giá trị của sự sống”.

“ Khi một xã hội trở nên cằn cỗi, nó sẽ không có khả năng để đảm bảo cho tương lai và thông truyền những giá trị của nó. Đây là một xã hội bệnh hoạn. Khi người trẻ không còn ký ức về lịch sử, khi người trẻ khước từ lẽ sống của cha ông, đó là dấu hiệu cho thấy xã hội đang bệnh hoạn. Hơn một nửa số người ở tuổi 25 không còn giữ trong trí óc họ hình ảnh của Giáo Hội nữa. Giáo Hội là một thực tại liên kết với xóm làng, với tên tuổi, với thế giới của cha ông họ. Trong những thập niên qua, người ta chứng kiến một sự đoạn tuyệt khủng khiếp. Ngày nay, các giảng viên giáo lý đều biết rằng đối với nhiều người trẻ, Kitô giáo không còn một ý nghĩa nào, Kitô giáo đã hoàn toàn biến mất khỏi vũ trụ của họ”.

3. Giới trẻ lựa chọn :

Như thế , Giáo Hội đã đánh mất giới trẻ rồi sao ? Hay giới trẻ đã đi lạc hướng ?

* Không, Giáo Hội không đánh mất giới trẻ.Giới trẻ không thuộc về ai cả, cũng như người già không thuộc về ai cả. Con người chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa và Thiên Chúa muốn họ thuộc về chính mình. Chính giới trẻ đang muốn tìm một chổ đứng, một căn tính trong Giáo Hội. Họ muốn xác định họ là ai trong Giáo hội , họ muốn thuộc về Giáo Hội, họ là Giáo Hội.

* Mặc dù có một số đi lạc hướng, nhưng không phải tất cả. Một trong những dấu hiệu đáng lạc quan, đó là sự hiện hữu của nhiều nhóm trẻ và nhiều phong trào giới trẻ đang cố gắng tìm một chổ đứng trong Giáo Hội. Dĩ nhiên, họ chỉ là thiểu số, một giọt nước trong đại dương, nhưng họ hoạt động trong chiều sâu.

Ngày nay, chính giới trẻ tìm kiếm và khám phá ra lẽ sống cho cuộc đời của họ. Họ đang cố gắng sống thành một cộng đoàn để chia sẻ của cải và cầu nguyện chung với nhau . Quả thực họ là những người điên dại, điên dại một cách đáng khâm phục. Một kiểu sống như thế có lẽ không phù hợp với xu thế của xã hội hiện nay, nhưng đó là những phát minh mới cho đời sống Giáo Hội. Lịch sử Giáo Hội luôn diễn ra như thế. Chúng ta hãy nhớ lại những phong trào lớn trong Giáo Hội : Thánh Phanxicô Assisi, thánh Ignatiô, thánh Biển Đức, thánh Bênadô . . .Ngày nay , những đại thánh như thế vẫn còn trong xã hội chúng ta, nhưng đại đa số không nhận ra họ, họ đang đương đầu với những thách đố lớn của thời đại và Giáo Hội mà thế kỷ 21 đang mở ra.

THAY LỜI KẾT

“ Trước mặt mỗi người đều chỉ mở ra một con đường,
Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp.
Linh hồn cao thượng chọn lấy nẻo cao,
Linh hồn thấp kém bước vào ngõ thấp.
Và ở giữa hai nẻo đường mù sương ấy,
Số còn lại cứ ngập ngừng qua lại,
Nhưng mỗi người chỉ có
Một con đường mở ra trước mặt :
Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp,
Mỗi người đều phải quyết định xem :
Linh hồn mình sẽ tiến bước theo lối nào”.
(Thi sĩ John Oxenham, người Anh).

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

1. PHÚT SÁM HỐI

Xin Chúa tha thứ những khi con bất hòa với anh em.
Xin Chúa tha thứ những khi con bất hòa với Chúa.
Xin Chúa tha thứ những khi con có ý tưởng , lời nói , việc làm chứa đựng sự kỳ thị chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo.

2. LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em, các bạn trẻ thân mến,
Theo Phúc Âm, chúng ta biết cuộc sống của Chúa Giêsu thật đơn giản để đón tiếp tất cả mọi hạng người. Chúa mời gọi chúng ta: "Hãy đến và học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng"; nhằm dạy chúng ta khiêm tốn, yêu thương và phục vụ mọi người. Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu, là Chúa và là bạn của chúng ta:

Chúa Giêsu phán: "Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được người ta phục vụ"; chúng ta hãy cầu xin cho mọi người, nhất là hàng lãnh đạo trong Hội Thánh, biết nghe theo lời dạy của Chúa mà tận tình chăm lo đem ơn cứu độ của Chúa đến với mọi người.

Chúa Giêsu phán: "Hãy đi làm hòa với người anh em trước, rồi đến dâng lễ vật". Chúng ta hãy cầu xin Chúa hóa giải tất cả mọi đố kỵ giữa con người với nhau: về màu da, tiếng nói, chủng tộc, văn hóa… để mọi người cùng mang một lễ vật duy nhất tiến dâng lên Chúa là Cha.

Chúa Giêsu tiếp chuyện và đồng bàn với những người được coi là tội lỗi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bị xã hội khinh tởm, lên án và loại bỏ,… Xin cho có những người ân cần nâng đỡ họ, giúp họ có được niềm an ủi và hy vọng trong tình yêu Chúa, giúp họ khôi phục đức tin và phẩm giá con người.

Chúa Giêsu phán: "Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa". Chúng ta cầu xin cho mọi nỗ lực xây dựng hòa bình thế giới, được nhiều người hưởng ứng và mau đạt tới kết quả tốt đẹp.

Chúa Giêsu tiếp chuyện người thanh niên và chúc lành cho trẻ em đến với Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng ta và mọi người trong họ đạo biết sống hòa hợp yêu thương nhau, chăm sóc nhau, giúp nhau sống xứng đáng là người con Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Con Một Chúa làm gương mẫu cho chúng con sống hòa hợp với mọi người; hơn nữa, Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người, không phân biệt màu da, tiếng nói, chủng tộc, hay giàu nghèo; xin Chúa cũng ban Thánh Thần hiệp nhất chúng con nên một trong Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

IX. HỌC HỎI

1. Vấn đề Hội Nhập Văn Hóa và Loan Báo Tin Mứng tại Á Châu(1) Lm. Emmanuel Nguyễn vinh Gioang

Tìm hiểu vấn đề hội nhập văn hóa tại Á Châu để Phúc Âm hóa và Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc tại lục địa nầy (theo chương 4 của Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu).

Giới thiệu Tông huấn, giới thiệu chương 4 của Tông huấn và nêu lên ba điểm trong chương 4 của Tông huấn sẽ được trình bày.

1. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia) là tông huấn đã được ĐGH Gioan-Phaolô II công bố tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 06 tháng 11 năm 1999, dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu kết thúc, sau khi các Nghị Phụ đã họp tại Rôma từ ngày 18/4 đến ngày 15/5 năm 1999. Tông huấn nầy đúc kết và chuẩn nhận những suy tư, những nhận định và những phương hướng hành động của Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về Á Châu.
Tông huấn nầy, ngoài phần Nhập Đề và phần Kết Luận, có 7 chương:
- chương I (Bối Cảnh Á Châu),
- chương II (Đức Giêsu Cứu Tinh: Một Món Quà Gởi Tặng Á Châu),
- chương III (Chúa Thánh Thần là Đức Chúa và là Đấng Ban Sự Sống),
- chương IV (Đức Giêsu Cứu Thế: Một Quà Tặng Cần Loan Báo),
- chương V (Hiệp Thông và Đối Thoại để Truyền Giáo),
- chương VI (Phục Vụ Thăng Tiến Con Người),
- chương VII (Những Người Làm Chứng Cho Tin Mừng).

Bài nầy trình bày một trong những vấn đề quan trọng được Tông huấn bàn đến trong chương bốn (IV), đó là vấn đề hội nhập văn hóa để có thể làm công việc Phúc Âm hóa và loan báo Tin Mừng tại Á Châu một cách kiến hiệu.

Chương bốn : Đức Giêsu Cứu Thế:
Một Quà Tặng Cần Loan Báo.
Ngoài một đoạn nhập đề (IV nđ), chương bốn (IV) nầy gồm có năm số như sau :
Số thứ nhất của chương bốn (IV) có tiểu đề: Ưu tiên cho việc loan báo.
Số thứ nhất nầy mang số 19 (IV 19), gồm có ba tiểu đoạn (IV 19,1; 19,2; 19,3).
Số thứ hai của chương bốn (IV) có tiểu đề : Loan báo Đức Giêsu Kitô tại Á Châu.
Số thứ hai nầy mang số 20 (IV 20), gồm có tám tiểu đoạn (IV 20,1; 20,2; 20,3; 20,4; 20,5; 20,6; 20,7; 20,8).
Số thứ ba của chương bốn (IV) có tiểu đề: Thách đố của việc hội nhập văn hóa.
Số thứ ba nầy mang số 21 (IV 21), gồm có bốn tiểu đoạn (IV 21,1; 21,2; 21,3; 21,4).
Số thứ bốn của chương bốn (IV) có tiểu đề: Những lãnh vực then chốt cần hội nhập văn hóa.
Số thứ bốn nầy mang số 22 (IV 22), gồm có năm tiểu đoạn (IV 22,1; 22,2; 22,3; 22,4; 22,5).
Số thứ năm của chương bốn (IV) có tiểu đề: Cuộc sống Kitô-hữu là một cách loan báo.
Số thứ năm nầy mang số 23 (IV 23), gồm có bốn tiểu đoạn (IV 23,1; 23,2; 23,3; 23,4).
Ba vấn đề được trình bày trong bài nầy, là :
1- Vai trò của hội nhập văn hóa trong việc Phúc Âm hóa và loan báo Tin Mừng,
2- Vấn đề hội nhập văn hóa đối với Giáo Hội toàn cầu, nói chung,
3- Vấn đề hội nhập văn hóa đối với các Giáo Hội tại Á Châu, nói riêng.
I. Vai trò của hội nhập văn hóa trong việc Phúc Âm hóa và loan báo Tin Mừng.
(Tương quan giữa Phúc Âm hóa và hội nhập văn hóa)
2. Giữa Phúc Âm hóa và hội nhập văn hóa, có mối tương quan mật thiết và tự nhiên với nhau (IV 21,1).
Văn hóa là môi trường sinh động trong đó con người đến gặp Tin Mừng diện đối diện (IV 21,1).

Cũng như mỗi nền văn hóa là kết quả xuất phát từ cuộc sống và sinh hoạt của một tập thể nhân loại, thì đối lại, những con người thuộc tập thể nầy lại được khuôn đúc trong một phạm vi rộng bởi chính nền văn hóa mà trong đó họ đang sinh sống (IV 21,1). Nếu con người và xã hội thay đổi, thì văn hóa cũng sẽ thay đổi theo. Nếu văn hóa thay đổi, thì con người và xã hội cũng được văn hóa ấy biến đổi theo (IV 21,1).

Dĩ nhiên, Tin Mừng không đồng nhất với văn hóa, và Tin Mừng lại còn độc lập với văn hóa (IV 21,1). Nhưng Nước Thiên Chúa lại đến với những con người đã có liên hệ sâu xa với một nền văn hóa, và Giáo Hội không thể xây dựng được Nước Thiên Chúa trên trần gian nầy, nếu không vay mượn một số yếu tố lấy từ các nền văn hóa nhân loại (IV 21,1). Vì thế, việc Phúc Âm hóa và việc hội nhập văn hóa có liên quan mật thiết và tự nhiên với nhau (IV 21,1). Bởi dó, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng sự phân cách giữa Tin Mừng và văn hóa là thảm kịch của thời đại chúng ta hôm nay, và điều nầy sẽ tác động sâu xa tới việc Phúc Âm hóa cùng như tới nền văn hóa (IV 21,1) (1).
(Những ích lợi mà Phúc Âm hóa và hội nhập văn hóa có thể đem lại cho nhau)

3. Không những có tương quan mật thiết và tự nhiên với nhau, việc Phúc Âm hóa và công việc hội nhập văn hóa còn có thể đem lại cho nhau nhiều ích lợi.

Về phần mình, trong tiến trình gặp gỡ các nền văn hóa khác nhau của thế giới, Giáo Hội không những truyền đạt được các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới được các nền văn hóa ấy từ bên trong, mà Giáo Hội còn thu dụng được những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hóa ấy (IV 21,2).

Đây là con đường bắt buộc các nhà truyền giáo đi khi họ phải giới thiệu đức tin Kitô giáo cho một dân tộc và biến đức tin thành một phần trong di sản văn hóa của dân tộc đó (IV 21,2).

Nhờ hội nhập văn hóa, Giáo Hội sẽ trở thành một dấu chỉ dễ hiểu hơn, và đồng thời, hội nhập văn hóa cũng sẽ trở thành một dụng cụ đắc lực hơn để Giáo Hội thi hành sứ mạng Phúc Âm hóa của mình (IV 21,2) (2).

Về phần các nền văn hóa địa phương, một khi đã được tinh lọc và đã được đổi mới nhờ ánh sáng Tin Mừng, chúng sẽ trở thành những cách diễn tả trung thực đức tin duy nhất của Kitô giáo (IV 21,2).

(Vai trò quan trọng và quyết định của Chúa Thánh Thần trong công việc hội nhập văn hóa)

4. Trong công việc hội nhập văn hóa để Phúc Âm hóa và loan báo Tin Mừng, vai trò của Đức Chúa Thánh Thần là vai trò quan trọng và quyết định.

Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc hội nhập đức tin Kitô giáo vào văn hóa của các dân tộc (IV 21,3) (3).

Ngài là Đấng ban cho các nhà truyền giáo hiểu được chân lý đức tin toàn diện để giúp họ biết đối thoại với các giá trị văn hóa và tôn giáo của các dân tộc làm sao cho được kết quả (IV 21,3).

Ngài ban nghị lực cần thiết cho những ai có thiện chí để họ thắng vượt được sự dữ và thắng được mưu mô của Thần Dữ (IV 21,3).

Ngài tạo điều kiện cho hết mọi người được tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua bằng một cách thức chỉ có Chúa biết, vì thế, một cách nào đó, Ngài đã hiện diện nơi các dân tộc ấy rồi (IV 21,3) (4).

Như vậy, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ bảo đảm cho cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và các dân tộc được diễn ra trong sự thật, lương thiện, khiêm tốn và kính trọng (IV 21,3) (5).
(Hội nhập văn hóa là chất liệu quan trọng để dệt nên chiếc áo đức tin)

5. Công việc hội nhập văn hóa tạo nên những chất liệu quan trọng cho đức tin. Ngay cả các Công Đồng Chung của Giáo Hội, khi định thức các giáo lý trong Giáo Hội, cũng phải sử dụng đến các nguồn trong kho tàng ngữ học, triết học và văn hóa đã có sẵn (IV 20,5). Các tài nguyên nầy, sau khi đã được hội nhập văn hóa dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trở thành một tài sản chung của cả Giáo Hội, có khả năng diễn tả giáo lý về Kitô-học một cách thích hợp và phổ quát (IV 20,5). Chúng là di sản đức tin của Giáo Hội, và Giáo Hội thu dụng lấy chúng để chia sẻ với các dân tộc khác mỗi khi tiếp xúc với các nền văn hóa của họ (IV 20,5) (6).

II. Vấn đề hội nhập văn hóa đối với Giáo Hội toàn cầu

(Bổn phận của Giáo Hội khi đứng trước văn hóa của các dân tộc)

6. Năm 1986, tại Calcutta, Ấn Độ, ĐGH Gioan-Phaolô II đã nói lên bổn phận của Giáo Hội khi đứng trước văn hóa của các dân tộc như sau :

"Khi cống hiến cho người khác Tin Mừng Cứu Chuộc, Giáo Hội cố gắng tìm hiểu văn hóa của họ, tìm cách để nhận biết não trạng và tâm hồn của người nghe, những giá trị và tập quán, những vấn đề và khó khăn, cùng những hy vọng và ước mơ của họ. Một khi biết được và hiểu được những khía cạnh khác nhau nầy của văn hóa, Giáo Hội mới có thể bắt đầu cuộc đối thoại cứu độ, mới có thể giới thiệu Tin Mừng cứu độ cho tất cả những ai tự nguyện muốn lắng nghe và muốn đáp trả, giới thiệu một cách tôn trọng, nhưng cũng rõ ràng và xác tín." (IV 21,3) (7)

(Chính Đức Kitô Phục sinh thúc đẩy Giáo Hội đi làm công việc hội nhập văn hóa)

7. Chính lời sau đây của Đức Kitô Phục Sinh bắt buộc Giáo Hội thi hành mệnh lệnh Phúc Âm hóa và Loan Báo Tin Mừng qua công việc hội nhập văn hóa (IV 19,1):

"Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế " (Mt 28,18-20).

(Các Tông Đồ đã lập tức làm công việc hội nhập văn hóa khi đi loan báo Tin Mừng)

8. Vững tin vào sự trợ giúp liên tục của chính Đức Giêsu và sự hiện diện cũng như quyền năng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã lập tức lên đường làm công việc hội nhập văn hóa để thi hành mệnh lệnh Phúc Âm hóa và loan báo Tin Mừng theo như lời Thầy truyền dạy (IV 19,1), vì thế, "họ ra đi và rao giảng khắp nơi, còn Chúa thì luôn hoạt động với họ" (Mc 16,20).

(Kinh nghiệm hội nhập văn hóa của thánh Phaolô)

9. Trong đời sống truyền giáo của mình, Thánh Phaolô đã dùng hội nhập văn hóa để làm công việc Phúc Âm hóa và loan báo Tin Mừng : ngài luôn sẵn sàng dấn thân vào cuộc đối thoại với các thính giả của mình về các giá trị triết học, văn hóa và tôn giáo (IV 20,5), như trong hai biến cố sau đây:

Biến cố ngài chữa lành người bại chân tại Lystra (Cv 14, 13-17):

Nghe biết được, hai tông đồ Banaba và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: "Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế nầy ? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền nầy đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Trong những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy, Người không ngừng làm chứng cho mình khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui."

Biến cố A-rê-ô-pa-gô ( Cv 17, 22-31):

Đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phaolô nói: "Thưa quý vị người A-then, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có một bàn thờ, trên đó khắc chữ: "Kính Thần vô danh". Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. "Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: "Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người". Vậy vì là dòng giống của Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá. Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị nầy sống lại từ cõi chết".

(Giáo Hội luôn tiếp tục đi trên con đường hội nhập văn hóa để loan báo Tin Mừng)

10. Theo gương các Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội luôn tiếp tục ra đi để đón gặp các dân tộc trên thế giới hầu chia sẻ cho họ Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô qua việc hội nhập văn hóa vì Giáo Hội biết rằng mình là một cộng đoàn được chúc phúc với ân huệ đức tin, nên phải luôn luôn rạo rực nhiệt tình truyền giáo làm cho mọi người nhận biết, yêu mến và bước theo Đức Giêsu (IV 19,1).

(còn tiếp...)

2. Vài tâm nguyện của giới trẻ Á Châu nhân Đại Hội Giới Trẻ Á Châu lần 2 tại Đài Bắc Đài Loan.

“Sống đời thánh thiện và đoàn kết với người đau khổ tại châu Á”, đó là tâm nguyện của khoảng 610 đại biểu giới trẻ đến từ thuộc 19 quốc gia và lãnh thổ châu Á, tham dự đại hội Giới trẻ châu Á lần hai, được tổ chức từ ngày 12 đến 17-8-2001 tại Đại học Công giáo Fu Jen, Đài Bắc, Đài Loan.
Trong lá thư gởi cho giới trẻ châu Á trước khi bế mạc đại hội với chủ đề: "Chúng ta được mời gọi nên thánh", các đại biểu giới trẻ nguyện đoàn kết với nhau, để đương đầu với các thực tại này và cam kết thực hành phương pháp “Xem, Xét, Làm”, để sống một cuộc đời hạnh phúc, hữu ích và chia sẻ niềm vui nỗi buồn với những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Lá thư cũng nói rằng việc “hiệp nhất trong đức tin” sẽ giúp họ trở thành chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, và xác định cho sự thật: "Tất cả chúng ta kết thành Giáo hội." Trong chương trình hành động, giới trẻ nguyện cam kết chăm lo sức khỏe thể xác và tinh thần của mình, xây dựng tình liên đới với những người nghèo khổ nhất và chọn một sống nếp sống giản dị.
Bày tỏ nỗi ưu tư về "người trẻ trước những nguy cơ," lá thư kêu gọi tăng cường giáo dục trong trường học và gia đình, quản lý chặt chẽ các “quán cà phê Internet” nhằm ngăn chặn việc truy cập tranh ảnh khiêu dâm, tổ chức các sinh hoạt thu hút giới trẻ và giúp đỡ những thanh niên bị gạt ra bên lề xã hội.
Họ cũng nguyện tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, tăng cường hiệp thông giữa mọi sắc tộc màu da, phát triển một mạng lưới để cổ vũ công lý và hòa bình. Đồng thời, cổ vũ một thái độ tích cực đối với những anh chị em di dân, cổ vũ sự hiểu biết và đối thoại giữa các tôn giáo, củng cố các giá trị gia đình.
Giới trẻ châu Á cũng quyết tâm gia tăng ý thức về các vấn đề môi sinh , có những hành động cá nhân và tập thể để trở thành người quản lý môi sinh theo giáo huấn của Giáo hội.
Họ cũng nguyện sử dụng các phương tiện truyền thông và công nghệ thông tin để truyền giáo và truyền bá các giá trị nhân bản.
Qua các buổi thảo luận về nhiều vị thánh châu Á, các bạn trẻ nhìn nhận "những tiền nhân của đức tin," đã tạo cảm hứng và củng cố quyết tâm của họ trở nên ánh sáng và muối thế gian. Khi suy tư về thực tại xã hội, văn hóa và chính trị của đất nước mình, họ kết luận rằng người trẻ châu Á đang đối diện với các "thực tại đen tối" của bất công, bạo lực, xung đột cộng đồng và đổ vỡ các giá trị gia đình.

Các người trẻ cũng nhận thấy rằng: "trong khi có một nhóm ít người hưởng mọi tiện nghi vật chất, thì cũng có những người bị gạt ra bên lề, bị đói ăn, bị sống trong các khu ổ chuột, bị mù chữ và bị tước quyền chính trị và phẩm giá làm người; và những lớp người nầy phải vật lộn với cuộc sống để tồn tại”.
Dù có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống, tất cả các thành phần tham dự đại hội, các đại biểu giới trẻ, cũng như các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, tất cả đều cảm thấy được hiệp nhất nên một, như trong một dân tộc châu Á và một Giáo hội.
Được biết, các phái đoàn đến tham dự Đại hội giới trẻ với chủ đề "Anh em được mời gọi nên thánh và sống đoàn kết," lần này từ các quốc gia: Bangladesh, Cambodia, India, Indonesia, Hong Kong, Japan, South Korea, Lào, Macau, Malaysia, Nepal, Pakistan, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Taiwan,Thái Lan và Việt Nam, và các bạn trẻ Công Giáo đến từ Netherlands, Ý, cũng như các nhóm liên tôn từ Ấn Độ và Đài Loan cũng tham dự với tính cách quan sát viên.
Đại hội Giới trẻ Á Châu lần này do Văn phòng Hội đồng Giám Mục Á Châu đặc trách Giáo Dân và Ủy Ban Giáo Dân và Văn phòng giới trẻ của Hội đồng Giám Mục thuộc miền Trung Hoa - Đài Loan (CRBC) cùng hợp tác tổ chức.
(Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài )

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

TRÁI TIM HOÀN HẢO

Vào một ngày nọ, có một thanh niên đứng giữa phố tuyên bố với mọi người rằng mình có một trái tim hoàn hảo hơn tất cả mọi người trong vùng. Đám đông hiếu kỳ vây quanh để chiêm ngưỡng trái tim hoàn hảo của anh ta . Quả thật, không có một vết trầy hay thiếu sót nào nơi trái tim đó.

Đúng vậy, tất cả mọi người đều đồng ý đó là trái tim hoàn hảo nhất mà họ chưa từng thấy. Chàng thanh niên rất tự hào và tiếp tục lớn tiếng khoe khoang về trái tim đẹp đẽ của mình. Thình lình có một cụ già xuất hiện trước đám đông và nói :

”Trái tim cậu làm sao đẹp bằng trái tim của tôi được!”

Cả đám đông và chàng thanh niên đều nhìn về phía trái tim của cụ già. Nó đang đập mạnh mẽ, nhưng đầy vết sẹo; chổ thì có một miếng bị lấy đi và được lấp vào một miếng khác, nhưng không hoàn toàn vừa khớp, lởm chởm như răng cưa; chổ thì thủng những lổ tròn tròn, chưa được lấp vào cho đầy.

Đám đông nhìn chằm chằm vào quả tim của ông già và tự hỏi làm sao mà lão già nầy có thể nói trái tim của ông ta đẹp hơn được chứ ? Chàng than niên nhìn quả tim của cụ già, rồi nhìn trái tim của mình và nói : “Ông đùa hay sao chứ! Hãy thử so sánh quả tim của ông và của tôi thì thấy quả tim của tôi thì hoàn hảo, còn quả tim của ông thì đầy thương tích”.

”Đúng”, cụ già nói, “Trái tim của cậu trông thật hoàn hảo nhưng tôi sẽ không bao giờ đổi trái tim của tôi để lấy trái tim của cậu. Đây cậu xem, mỗi một vết sẹo đại diện cho một người mà tôi đã trao ban tình thương. Tôi cắt một miếng trái tim của tôi và tặng cho họ, và thuờng thì họ tặng lại cho tôi một miếng của trái tim họ lấp lại lổ thủng trong trái tim tôi, nhưng vì nó không vừa, nên trái tim tôi gồ ghề lởm chởm, nhưng tôi yêu thích điều đó, vì nó làm cho tôi nhớ lại tình thương yêu mà chúng tôi chia sẻ với nhau.

Đôi khi, tôi tặng cho người khác một mảnh tim tôi nhưng rồi họ không tặng lại tôi mảnh tim của họ, thế là, có những lổ thủng trong trái tim tôi không được lấp đầy : yêu thương là chọn điều may rủi. Dù những vết thương chưa được lấp đầy nầy gây đau đớn cho tôi, nhưng đồng thời nó cũng nhắc nhớ tôi về những người mà tôi thương yêu. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ trở lại lấp đầy khoảng trống đợi chờ trong tâm hồn tôi. Bây giờ cậu thấy một trái tim thật sự đẹp đẽ là như thế nào chưa ?

Chàng thanh niên đứng im lặng với hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má. Anh ta tiến đến gần cụ già, chìa trái tim trẻ trung, đẹp đẽ và hoàn hảo của anh ra, ngắt một miếng trao cho cụ già với đôi tay run rẩy của mình. Cụ già đón nhận, đặt vào trái tim mình, rồi ông cũng lấy một miếng từ trái tim già nua đầy sẹo của mình, lấp vào vết thương nơi trái tim của chàng trai trẻ. Chổ lấp vừa vặn nhưng không hoàn toàn, còn thấy những rìa lởm chởm.

Chàng thanh niên nhìn vào trái tim mình, trông nó không hoàn hảo tí nào nhưng đẹp đẽ hơn bao giờ hết, từ lúc tình yêu từ trái tim của cụ già hoà tan trong trái tim anh ta. Họ ôm nhau và cùng bước đi bên nhau. (st. Internet)

1519    17-04-2012 10:09:30